Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Sa Đéc vàng son một thuở

Thân tặng Vân, một chủ đề về quê hương Sa đec
Vàng son một thuở
Dấu tích vàng son vẫn còn đây,
Mối tình xưa cũ dẫu theo mây....
Bay đi, để lại ngàn thương tiếc,
Để nhớ muôn đời chẳng nhạt phai..!
 NM
SA ĐÉC VÀNG SON MỘT THUỞ
Tôi đến Sa Đéc khi trời đã ngả chiều. Những tia nắng yếu ớt và buồn thiu vắt qua các ngọn cây cao chót vót như cố níu lấy chút ánh sáng để giữ cho ngày dài thêm một vài khoảnh khắc trước khi bóng tối trùm lên. Trong không gian chập choạng ấy, lại thêm một bên bờ sông Tiền dập dờn sóng, cứ gợi lên một điều gì đó không rõ rệt là vui hay buồn.
Cũng giống như những đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sa Đéc mang trong lòng cái phóng túng, hào sảng của vùng đất mới, đồng thời không hề giấu diếm vẻ mộc mạc, quê kiểng qua cách ứng xử và cả trên gương mặt phố phường. Chính vì thế mà tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt cho phương Nam nắng gió này. Một tình cảm lạ lùng và hết sức tự nhiên, tựa như trên đường phố bắt gặp một đôi mắt đẹp, một tà áo dài bay bay lòng bỗng ngẩn ra, bồi hồi... Ví von vậy cũng không hẳn là đúng nhưng thực lòng, khi đứng nhìn sông Sa Đéc tấp nập ghe thuyền và những con đường nho nhỏ, chạy quanh co giữa một thị xã êm đềm, tôi thấy như đang đứng ở quê nhà mình. Một cảm giác trìu mến, ấm áp cứ lan tỏa một cách nhẹ nhàng và thầm lặng, không cưỡng được.
Chiều đã hết. Bóng hoàng hôn chậm chạp phủ lên bầu trời thị xã một màu xám trong man mác. Không phải do ánh đèn đường mà từ bóng sáng trên trời cao rọi xuống gợi lên trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê, nhớ người. Tôi chợt nghĩ, nhà thơ Hồ Dzếnh, khi viết bài  Chiều chắc cũng trong tâm trạng như thế này. Cái màu chiều khó mà thể hiện được trên bức tranh sơn dầu, thậm chí tranh thủy mặc. Nó chỉ có thể cảm nhận bằng những giác quan và cuối cùng là nhìn khói thuốc bay lên cây, vờn quanh cái thời khắc chiều chậm đưa chân ngày để mà thành thơ.
Tôi đứng giữa buổi chiều Sa Đéc với bổi hổi bồi hồi như vậy.
oOo
Sa Đéc có số phận thăng trầm theo diễn biến lịch sử ở vùng đất phương Nam  và của cả đất nước này. Địa danh Sa Đéc theo nhiều nhà nghiên cứu thì bắt nguồn từ chữ Phsar Dek, theo tiếng Khmer, có nghĩa là Chợ Sắt. Một số người khác lại cho rằng Phsar Dek là tên một vị thần nước của dân tộc Khmer. Trước kia, đây là đất của Thủy Chân Lạp, được Chúa Nguyễn khai phá, mở mang bờ cõi. Sau khi ổn định được vùng đất mới này, Chúa Nguyễn cho thành lập 5 đạo và Sa Đéc thuộc Đông Khẩu Đạo. Năm 1832, vua Minh Mạng thay đổi hệ thống hành chính, chia Nam bộ thành lục tỉnh và Sa Đéc thuộc phủ Tân Thành, tình An Giang. Năm 1867, sau khi xâm chiếm nước ta, Pháp lại thay đổi, chia Nam kỳ thành nhiều địa hạt và tỉnh An Giang được chia thành 3 địa hạt là Châu Đốc, Sa Đéc và Ba Xuyên. Một thời gian dài, Sa Đéc là một thị tứ, nơi tập trung buôn bán phồn thịnh bậc nhất của đất Nam Kỳ.
Chưa được bao lâu thì đến năm 1889, Pháp lại thành lập tỉnh Sa Đéc, gồm có các quận: Châu Thành (tức thị xã Sa Đéc, một phần Châu Thành và một số vùng phụ cận ngày nay), quận Cao Lãnh và quận Lai Vung. Trong vòng 5 năm, Sa Đéc phải chịu sự thay đổi 3 lần từ 3 chế độ chính trị. Năm 1951, nhà cầm quyền thời kỳ này nhập Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền thành tỉnh Long Châu Sa. Cho đến năm 1954, tỉnh Long Châu Sa lại được chia thành 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc. Đến năm 1956, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ lại hủy bỏ tình Sa Đéc, chia phần đất phía bờ bắc sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong; bờ nam sông Tiền nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Nhưng đến năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập và thị xã Sa Đéc trở thành tỉnh lỵ. Mười năm sau, tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp và thị xã Sa Đéc vẫn được giữ làm tỉnh lỵ. Đến năm 1994, tỉnh lỵ Đồng Tháp được chuyển về Cao Lãnh và Sa Đéc lại trở thành một thị xã với nét vẻ riêng của mình: tấp nập, đông đúc nơi chợ búa, bến thuyền... và thâm trầm trên các mái ngói cũ xưa. 
oOo
Ngày trước, tức cách đây chừng vài chục năm, nhắc tới Sa Đéc, người dân Việt ở miền Nam thường nhớ tới một người và một sản vật. Đó là bà Năm Sa Đéc, một nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng và bánh phồng tôm Sa Giang khét tiếng.
Bà Năm Sa Đéc nổi tiếng với các tuồng hát bội, cải lương và cả lĩnh vực phim ảnh nữa. Lứa tuổi trung niên trở lên, nhiều người còn nhớ vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình hay vai Mạnh thị trong tuồng Mạnh Lệ Quân do bà thủ vai. Hoặc, trong các vở cải lương Đời cô Lựu, Đoạn tuyệt, bà Năm đóng vai mẹ chồng cô Diệu, mẹ chồng cô Loan (đều là mẹ chồng) đã để lại dấu ấn sâu đậm cho khán giả. Đặc biệt, khi về sống với công tử tài hoa và sau này thành học giả Vương Hồng Sển, và “kỳ án” bánh bao Cả Cần đã khiến khán giả mộ điệu không thể quên được hình ảnh bà Năm Sa Đéc vừa chanh chua, đanh đá trong vai mẹ chồng, vừa uy dũng trong vai võ tướng vừa hiền lành, chất phác và đảm đang, tận tụy giữa cuộc đời thật của mình.
Còn bánh phồng tôm Sa Giang bây giờ không còn như trước nữa. Không biết có phải do có quá nhiều nhãn hiệu bánh phồng tôm hay do khoa học phát triển, công nghệ chế biến tinh vi đã làm hương vị bánh hiện nay trở nên nhàn nhạt thế nào.
Tuy nhiên, lần này ở Sa Đéc, tôi được thưởng thức một món ngon mà tôi tin rằng, không ở đâu sánh bằng, kể cả Mỹ Tho. Đó là hủ tiếu Sa Đéc. Người phụ nữ phụ trách món hủ tiếu này ở khách sạn Bông Hồng nhiệt thành giới thiệu những hương vị đặc biệt làm nên tô hủ tiếu danh bất hư truyền. Tôi cẩn trọng như một nhà...  khảo cổ học, nếm từng chút một và cuối cùng phải gật đầu công nhận hương vị tô hủ tiếu khô Sa Đéc ở đây ngon không thể tả được. Người phụ nữ chỉ vào tô đựng nước tương có màu nâu đậm đà, tiết lộ: Chính chất này làm nên cái riêng của hủ tiếu Sa Đéc mà ngay ở Cao Lãnh cũng không có được. Cũng sợi hủ tiếu dai dai, cũng những con tôm đỏ au, những cục thịt băm, miếng tim (đặc biệt là không có gan), cũng  khoảnh sườn heo như những tô hủ tiếu nơi khác nhưng rõ ràng hủ tiếu khô Sa Đéc có một hương vị rất lạ và rất riêng. Tiếc một điều là không thể ăn thêm một tô nữa để xác nhận vị giác của mình.
oOo
Nhưng, mục đích chuyến đi Sa Đéc lần này không phải... khám phá hủ tiếu hay món ngon Sa Đéc mà chính là tìm lại một Sa Đéc vàng son một thuở. Không hiểu sao, khi đứng trên cầu bắc qua sông Sa Đéc, nhìn những con thuyền ngược xuôi và đưa tầm mắt chạy dọc theo đường Nguyễn Huệ, nơi có ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng tôi chợt nhớ đến câu hát của Vũ Thành An: “Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi...”. Sa Đéc ngày nay đã có những con đường rộng lớn nhưng vẫn còn đó những con đường hẹp, chạy quanh co trong phố, giống như Hội An hay khu phố cổ Hà Nội. Chính những con đường này trở thành chứng nhân cho những thăng trầm của Sa Đéc (hay của một đời người?).
Tôi ghé vào ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà vẫn còn giữ được những nét xưa cũ nhưng cảm giác chật chội đến một cách tự nhiên. Anh chàng hướng dẫn viên đẹp như con gái, thú nhận: “Một phần do con cháu bán đất lấy tiền sinh sống, phần bị người khác lấn chiếm nên không gian nhà cổ trở nên chật chội hẳn đi”. Thực ra, căn nhà cổ (được ông Huỳnh Thuận, cha của ông Huỳnh Thủy Lê xây dựng năm 1895 bằng gỗ và được sửa lại theo kiến trúc hiện nay từ năm 1917) này thiết kế mang phong cách Trung Hoa như thường thấy ở Hội An (Quảng Nam) hay ở Chợ Lớn (Sài Gòn), không có gì đặc biệt hơn. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được nhiều người, trong và ngoài nước, tìm đến là do mối tình của ông Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Mối tình đó được bà đưa vào tác phẩm L’ Amant nổi tiếng khắp thế giới, được dịch sang nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành phim cùng tên, năm 1991. Bộ phim này từng gây xôn xao Sài Gòn một thời và những nhà kinh doanh nắm bắt cơ hội tung ra thị trường kiểu mũ “Người tình”, dựa theo kiểu mũ nhân vật chính trong phim.
Trước dấu tích xưa cũ còn sót lại (bị tàn phá khá nhiều) của ngôi nhà cổ này, cứ gợi lên một không khí ảm đạm, buồn thương về những gì đã qua. Nhà đẹp nhưng không vui, những căn phòng theo kiến trúc cũ chật chội nhưng lạnh lẽo cứ buộc liên tưởng đến những cô phòng trong cung cấm ngày xưa. Tôi men theo lối đi, cố gắng tìm một cái gì đó, khả dĩ chứng minh cho những ngày hạnh phúc của chủ nhân ngôi nhà này bên người tình mắt xanh. Nhưng, hoàn toàn tuyệt vọng, dù đã biết trước là không thể có. Tình yêu của họ hẳn cũng mong manh và chính vì thế mà đẹp đẽ nên thu hút được nhiều người tìm đến đây.
Khi rời Sa Đéc, tôi lại nghĩ đến lẽ hưng phế của cuộc đời. Sa Đéc từng là tỉnh lỵ đông vui và bây giờ cố gắng chứng tỏ mình. Song, làm sao biết được gì sẽ xảy ra! Cũng như tô hủ tiếu Sa Đéc kia đang oằn lưng chống đỡ những món ăn xa lạ được bày ra mỗi ngày trên bàn tiệc để giữ hương hoa vàng son một thuở không bị tàn phai ngõ hầu dành tặng cho những người qua đây một ký ức đẹp.  
LƯU VỸ BỬU 
Cảnh trong phim "Người tình"
"Người tình" trong nhà cổ Sa Đéc 
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi bật như một điểm đến cho du khách khi về với miền sông nước Cửu Long là nhờ chủ nhân của nó liên quan đến tác phẩm “Người tình” lừng danh! 
Nếu nói về kiểu dáng mỹ thuật và mức độ hoành tráng, thì nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) không thể so sánh với nhà cổ Huỳnh Kỳ ở Cầu Kè (Trà Vinh) và nhà cổ Huỳnh Phủ ở Thạnh Phú (Bến Tre). Thế nhưng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi bật như một điểm đến cho du khách khi về với miền sông nước Cửu Long là nhờ chủ nhân của nó liên quan đến tác phẩm “Người tình” lừng danh
Thực tế, cái tên gọi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng là cách lả lơi theo tác phẩm “Người tình”, vì ngay chính điện ngôi nhà có ghi danh chủ nhân “Huỳnh Cẩm Thuận” bằng tiếng Hoa. Nói một cách rõ ràng hơn, nhân vật Huỳnh Thủy Lê chỉ thừa kế từ cha mình - thương gia Huỳnh Cẩm Thuận, và có một thời gian không ngắn cư ngụ tại đây.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Cẩm Thuận bỏ công bỏ của xây dựng từ năm 1895 với chất liệu gỗ mang phong cách cố hương Quảng Châu (Trung Quốc). Đến năm 1917, khi văn hóa Pháp bao trùm cả Đông Dương, thì ngôi nhà gỗ được bọc thêm kiểu dáng phương Tây bên ngoài. Chính sự kết hợp này mang lại cho biệt thự một nét riêng khá độc đáo!
Nếu không có tác phẩm “Người tình” thì có lẽ giờ đây nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chỉ là một nhà cổ bình thường, và thiên hạ chắc chắn gọi đúng tên của nó là nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận. Thế nhưng, ở đời có những cơ duyên kỳ lạ, bất kỳ thứ gì dù đơn sơ đến đâu mà được khoác lên huyền thoại thì đều có sức thu hút đặc biệt.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê 
Năm 1984, khi nữ sĩ Marguerite Duras đặt dấu chấm hết cho dòng cuối cùng của “Người tình” ở ngoại ô Paris, chính bà cũng không thể ngờ đó là cuốn sách rực rỡ nhất trong số hơn 40 tiểu thuyết của mình. Và nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ngờ cuốn sách hé lộ giai đoạn bí mật nhất trong cuộc đời của mình, đã làm phục sinh một ngôi biệt thự cổ nằm lặng lẽ bên một nhánh sông Tiền yên ả.
Ban đầu “Người tình” được xếp vào thể loại hư cấu, nhưng câu chuyện của “Người tình” và không gian của “Người tình” khiến độc giả tin rằng yếu tố sự thật lấn lướt hoàn toàn yếu tố tưởng tượng. Sau khi “Người tình” được trao giải thưởng Gouncourt uy tín và được dịch ra gần 50 ngôn ngữ trên thế giới, nữ sĩ Marguerite Duras lên tiếng thừa nhận đó là tự truyện về thời thiếu nữ của bà ở Việt Nam.
Nữ sĩ Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Sài Gòn. Thân phụ của bà là một doanh nhân Pháp sang Việt Nam làm ăn, không may bị bạo bệnh qua đời khi bà mới 4 tuổi. Thân mẫu của bà không thể tiếp tục sự nghiệp làm ăn ở đô thị, đã đưa cả gia đình bốn người về sống tại Sa Đéc ngày ấy chỉ là một thị trấn nhỏ.
Mẹ dạy học tại Trường tiểu học Sa Đéc (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương), còn Marguerite Duras vẫn phải lên Sài Gòn học nội trú. Cuộc sống của Marguerite Duras trôi qua trĩu nặng với người mẹ đã khô cạn khát vọng, người anh nghiện ngập và người em trai yếu đuối. Sự tẻ nhạt và túng quẫn ấy đã thay đổi khi Marguerite Duras gặp gã đàn ông người Hoa giàu có trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long trong một lần về thăm nhà và quay lại Sài Gòn đi học!
Tất nhiên, gã đàn ông ấy không được viết rõ ràng danh tính trong tác phẩm “Người tình”, nhưng những chi tiết và những tình huống đã được soi chiếu vào thực tế và độc giả dễ dàng nhận ra là Huỳnh Thủy Lê!
Trong tiểu thuyết, Marguerite Duras hé lộ lần gặp gỡ định mệnh đầu tiên diễn ra vào lúc bà “mười lăm tuổi rưỡi” còn Huỳnh Thủy Lê đã 32 tuổi. Cái cột mốc “mười lăm tuổi rưỡi” được Marguerite Duras nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như một khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.
Mối tình say đắm nhưng đầy trái ngang giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê rơi vào bẽ bàng. Hai trái tim lãng mạn không thể gắn kết với nhau vì Huỳnh Thủy Lê phải cưới vợ theo sự sắp xếp môn đăng hộ đối của người cha, còn Marguerite Duras trở về Pháp năm 18 tuổi!
Đúng như Marguerite Duras viết trong “Người tình”, Huỳnh Thủy Lê dẫu lịch lãm trên chiếc xe Limousine sang trọng và hào phóng chi tiêu, nhưng “anh sẽ không có gì cả, nếu làm trái ý cha mình”. Sự chân thành của Huỳnh Thủy Lê lẫn sự rồ dại của Marguerite Duras cũng không cứu vớt được mối tình nghiệt ngã trước những định kiến phũ phàng.

Du khách tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Bộ phim “Người tình” do hai diễn viên Lương Gia Huy (Hồng Kong) và Jane March (Anh) đóng vai chính. Khán giả theo chân “Người tình” đã đến Sa Đéc để thăm viếng ngôi nhà mà nhân vật nam ngoài đời từng sinh sống. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê định danh và thu hút du khách nhờ có bóng dáng “Người tình”.
Mỗi năm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mang lại cho ngành du lịch Đồng Tháp một khoản doanh thu tương đối lớn. 
Sau khi cưới vợ, Huỳnh Thủy Lê được thừa kế gia sản và có 5 người con. Huỳnh Thủy Lê sống chủ yếu ở Sài Gòn nhưng vẫn giữ biệt thự ở Sa Đéc như một kỷ niệm. Năm 1972, Huỳnh Thủy Lê qua đời, 5 người con của ông cũng ra nước ngoài lập nghiệp. Ngôi nhà ở Sa Đéc được Nhà nước quản lý từ năm 1975.
Từ sức hấp dẫn của tiểu thuyết “Người tình”, đạo diễn Annaud quyết định đưa tiểu thuyết này lên màn ảnh vào năm 1990. Khoảng 90% cảnh quay bộ phim “Người tình” được thực hiện tại Việt Nam, trừ những cảnh mặn nồng của nam nữ vai chính được quay bí mật tại Pháp.
Khi được mời cố vấn về văn hóa cho bộ phim “Người tình”, nhà văn Sơn Nam nói với đạo diễn Annaud: “Hãy cố gắng để 50 năm sau hoặc 100 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam Bộ giữa 2 cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông”.
Quả nhiên, đạo diễn Annaud đã làm một “Người tình” với những hình ảnh quá quyến rũ, từ cảnh mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 30 của thế kỷ 20. Trước khi mất (năm 1996) nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ít lần ca ngợi thành công của bộ phim “Người tình”!
Đến nay, “Người tình” vẫn là bộ phim nước ngoài đầu tư lớn nhất để quay tại Việt Nam. Nếu tính theo thời giá quy ra… vàng, thì kinh phí làm phim “Người tình” của đạo diễn Annaud gấp đôi kinh phí làm phim “Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Phillip Noyce.
Thế nhưng, dù kinh phí không hạn chế, thì đạo diễn Annaud cũng không thể dàn dựng bến phà đúng không khí Marguerite Duras miêu tả dạo nào trên dòng sông Tiền mênh mông. Bến phà mà Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras gặp gỡ trong phim “Người tình” được quay tại… Cát Lái - TP. HCM.
Một sự thay thế bối cảnh nữa trong phim “Người tình”, đó là ngôi nhà cổ. Cảnh quay không nhiều, chỉ có một trường đoạn Huỳnh Thủy Lê về thưa chuyện với cha mình để thương lượng ý định tiến xa hơn với cô gái da trắng, chứ không đám cưới theo hôn nhân định trước. Đạo diễn Annaud đến Sa Đéc và chứng kiến ngôi nhà cổ năm xưa đã bị bủa vây và xâm lấn bởi các hộ dân chen chúc xô bồ, nên cho rằng hơi nhỏ và không bắt mắt. 
Đạo diễn Annaud lấy hình ảnh nhà cổ Sa Đéc và lấy hình ảnh nhà cổ Dương Chấn Kỷ ở quận Bình Thủy - Cần Thơ để tạo tác tư gia họ Huỳnh trong phim “Người tình”. Khán giả khi xem “Người tình” phải rất tinh ý mới nhận ra cảnh nào của nhà cổ Sa Đéc và cảnh nào của nhà cổ Cần Thơ. Thế nhưng, sòng phẳng mà nhận xét, hình ảnh nhà cổ Cần Thơ lấn lướt hình ảnh nhà cổ Sa Đéc trong trường đoạn hiện ra trên phim “Người tình”

LÊ THIẾU NHƠN

Về miền Tây, theo dấu 'Người tình'

 Chuyến khám phá miệt vườn Tây Nam bộ của Sài Gòn Tourist đưa tôi qua những cù lao xanh mướt bên sông Tiền, chợ nổi Cái Răng, rừng tràm Trà Sư, và dừng chân trước một ngôi nhà cổ kỳ lạ ở thị xã Sa Đéc- Đồng Tháp, nơi diễn ra một thiên diễm tình Việt- Pháp đã đi vào tiểu thuyết “Người tình” nổi tiếng toàn thế giới...

Ngôi nhà kỳ lạ ở miệt vườn
Trong cái nắng chói chang ban trưa Đồng Tháp, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê hiện ra sừng sừng bên sông. Ngôi nhà được xây cất từ năm 1895 này cho đến bây giờ vẫn nổi bật không thể trộn lẫn giữa thị xã đã mọc lên rất nhiều những cao ốc hiện đại.
Ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa Đông và Tây với nét cao thoáng, xây bằng gạch rất dày nhưng hình dáng lại theo truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền như những mái đình Bắc Bộ.
Bước vào nhà ba gian, tôi bắt gặp cách trang trí nội thất theo phong thủy người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chính giữa có chạm đôi loan phụng thể hiện loan phụng hòa mình, sắc cầm thỏa hiệp có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn. Giữa bàn thờ có bức hình Quan Công với bộ râu dài cuộn như nước chảy. Gian trong vẫn còn chiếc phản khảm xà cừ với những đường nét cực kỳ tinh xảo.
Hai phòng ngủ bằng gỗ quý, chăn đệm trắng tinh và mành rèm khép hờ gợi vẻ êm đềm trướng rủ màn che... Nền nhà lát bằng gạch bông được đặt hàng và chở từ Pháp sang. Nền gạch hơi trũng ở giữa gian chính của ngôi nhà.
Mới đầu, người ta cứ tưởng do bị lún, nhưng sau này mới biết đó là một nét phong thuỷ theo ý tưởng “nước chảy chỗ trũng” để cầu tiền tài vào nhà. Hơn một thế kỷ đầy biến động trôi qua, ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê vẫn nguyên vẹn những giá trị kiến trúc độc đáo, nhưng điều khiến hàng vạn du khách trong và ngoài nước đổ về đây lại là để được tận thấy nơi diễn ra câu chuyện “Người tình”.
Chủ nhân của ngôi nhà - ông Huỳnh Thuận không khởi nghiệp làm giàu bằng ruộng lúa như những đại điền chủ khác ở miển Tây Nam bộ, mà bằng kinh doanh lúa gạo.
Ông có chành gạo lớn nhất Sa Đéc, nơi tập trung lúa gạo để chuyển đi bán ở Bắc kỳ và Trung kỳ, cũng như đưa về cảng Nhà Rồng để xuất khẩu. Phất lên với nghề xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Thuận xây dựng nên những dãy phố sầm uất ở thị xã Sa Đéc để cho thuê.
Ba phần tư bất động sản ở Sa Đéc là của ông Huỳnh Thuận. Ngoài ra, ông còn có nhiều bất động sản ở Sài Gòn - Chợ Lớn để cho thuê. Cậu con trai út Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Thuận chọn nối nghiệp trao cho toàn bộ gia sản. Vì vậy mà ông Thủy Lê thường xuyên đi lại giữa Sa Đéc và Sài Gòn để quán xuyến chuyện làm ăn của gia đình bằng chiếc xe Limousine.
Hồi ấy khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, chỉ có hai chiếc Limousine, một của công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng và một của Huỳnh Thủy Lê.
Tuy giàu có nhưng Huỳnh Thủy Lê không chơi bời theo kiểu “đốt tiền luộc trứng” như công tử Bạc Liêu. Gia đình họ Huỳnh ở xứ Sa Đéc được người dân biết ơn vì đã bỏ nhiều tiền ra để xây chùa và trường học.
Công tử gốc Hoa - cô gái Pháp và tiểu thuyết “Người tình”
Hôm ấy chiếc Limousine chở Huỳnh Thủy Lê từ Sa Đéc lên Sài Gòn dừng lại trên bến phà Mỹ Thuận.

Công tử Huỳnh Thuỷ Lê lúc còn trẻ.
“Tôi 15 tuổi, trên chuyến phà qua sông Cửu Long” - Nữ văn sỹ M. Duras đã viết như vậy trong phần mở đầu của tiếu thuyết “L. Amante” (Người tình).
Trên chuyến phà ấy, ngồi trong chiếc ôtô đen sang trọng, công tử Thủy Lê bắt gặp một thiếu nữ da trắng, tóc nâu, đang đứng cạnh lan can phà nhìn dòng nước chảy xuôi. Nàng đội mũ rộng vành, mặc chiếc váy đầm màu sáng – cô gái Pháp toát lên một vẻ đẹp rất Á Đông khiến công tử Thủy Lê như bị thôi miên.
Chàng lặng lẽ mở cửa xe đến bên nàng. Chỉ qua vài lời bắt chuyện của Thủy Lê, họ bỗng thấy như thân quen từ thuở nào, nhất là khi nhận ra cả hai cùng ở Sa Đéc, sống gần nhau “hai nhà cuối phố”. Chàng mời nàng cùng lên xe về Sài Gòn và nàng đã gật đầu…
Về Sài Gòn, họ gặp nhau mỗi ngày và yêu nhau như một điều tất yếu. Họ yêu nhau trong những cơn cuồng say của thể xác và tinh thần nhưng không thể công khai quan hệ của mình bởi những ngáng trở về sắc tộc, giai cấp, giàu nghèo.
M.Duras - lúc ấy là một thiếu nữ da trắng “mẫu quốc” trong gia đình mà bốn người (người anh cả nghiện ngập) phải sống nhờ vào đồng lương của người mẹ làm hiệu trưởng trường nữ sinh Sa Đéc bấy giờ. Còn Huỳnh Thủy Lê lại là một công tử giàu có, được thừa hưởng cơ nghiệp gia đình và lại là dân thuộc địa.
Chính vì thế, cuộc tình của diễn ra trong “bóng tối”, không dám thừa nhận với bất cứ ai. Nhưng ai đó đã nói trên đời có hai điều khó giấu nhất: say rượu và đang yêu. Sau hai năm, gia đình của Huỳnh Thủy Lê đã biết việc con trai mình yêu một thiếu nữ “mẫu quốc”.
Cha của Thủy Lê nhất quyết bắt con từ bỏ tình yêu “ngang trái” này, 10 năm trước ông đã hứa hôn cho chàng một thiếu nữ Tiền Giang.
Dù rất yêu Duras, nhưng truyền thống Nho giáo đã ăn sâu vào huyết quản của người Hoa, Thủy Lê không dám cưỡng lời cha mà đành chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt.
Còn Duras cùng gia đình về Pháp trong một cuộc chia ly khắc khoải, đầy nước mắt. Hôm ra bến tàu, M.Duras ngóng mãi hình bóng của người tình, mong được nhìn thấy Thủy Lê lần cuối.
Tàu vừa nhổ neo, Duras đứng tựa vào lan can như những lần trên phà Mỹ Thuận vô vọng nhìn vào bờ. Trong khoảnh khắc, cô nhìn thấy Thủy Lê đang đứng nép bên ôtô màu đen quen thuộc. Họ chỉ kịp vẫy tay chào...
Dù đã kể lại câu chuyện tình này biết bao lần, nhưng Thanh Tuyền, nữ thuyết minh của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn đầy cảm xúc khi nói về đoạn kết của cuộc tình này.
“Sau khi cưới vợ, Huỳnh Thủy Lê trở về với công việc kinh doanh. Ông và bà Mỹ có với nhau 5 đứa con 3 trai 2 gái, hiện nay đều đinh cư ở nước ngoài và rất thành đạt. Cô con gái Huỳnh Thủy Anh về làm con dâu Trần Văn Hương, nguyên Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ. Huỳnh Thủy Tiên hiện nay đang là GS.TS Giám đốc bệnh viện ở bang Califonia (Mỹ). Huỳnh Thủy Hà, giảng viên Đại học Sorbone (Pháp)...
Khi đã ở tuổi thất thập ông Thủy Lê có sang Pháp tìm gặp người tình thuở nào. Một ngày nọ, chuông điện thoại reo, bà M.Duras cầm máy và lặng người đi khi nghe giọng một người đàn ông.
Dù gần 50 năm đã trôi qua, bà vẫn nhận ra giọng Thủy Lê. Thủy Lê đang ở Paris và tha thiết mong gặp bà. Bà đã từ chối gặp mà nước mắt rơi ràn rụa. Và bà nghe thấy giọng của Thủy Lê đang run lên: “M.Duras, anh yêu em và yêu em suốt đời”.
Một năm sau, Huỳnh Thủy Lê qua đời tại Sa Đéc ở tuổi 70. Những cảm xúc về người tình trỗi dậy, M.Duras đã viết cuốn tiểu thuyết “L’Amant, Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit năm 1984”. Cuốn sách nhanh chóng trở thành best- seller với 2,4 triệu bản, đoạt giải Goncourt danh giá của Pháp và dịch ra 43 thứ tiếng.
Và tiểu thuyết đã được dựng thành phim nhựa “Người tình” cũng gây xôn xao dư luận. Trước đó đã viết nhiều sách đều chìm vào quên lãng, nhưng với tiểu thuyết “Người tình” M.Duras đã đi vào lịch sử văn chương nước Pháp. Cuộc sống riêng không hạnh phúc, M.Duras qua đời năm 1996 ở Paris”.

Cảnh trong phim "Người tình".
Trưa ấy, tôi thấy nhiều du khách nước ngoài đến tham quan ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trong đó có nhiều người Pháp. Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê mất, các con đều định cư ở nước ngoài, ngôi nhà này trở thành trụ sở của công an.
Nhưng người ta thấy có rất nhiều khách du lịch cứ lấp ló trước trụ sở. Hỏi ra mới biết họ muốn vào xem... trụ sở công an, nhưng vì nguyên tắc của ngành nên không thể. Sau này, thấy lượng khách nước ngoài kéo đến và đứng ngoài ngày một đông, Sở Du lịch Đồng Tháp đã kiến nghị biến nơi đây thành một điểm du lịch.
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê cũng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi nhà có sức hút lớn đến mức, có hẳn một tour du lịch mang tên “Theo dấu người tình”, mỗi ngày trung bình khoảng 100 khách du lịch nước ngoài tới đây để trải nghiệm cho riêng mình. 
 Ngôi nhà cổ miệt vườn- được trùm lên thiên diễm tình của công tử người Hoa và cô gái Pháp - đã vượt qua những giới hạn của thời gian và không gian, trở thành điểm đến hấp dẫn của những ai từng thổn thức với “Người tình"
  Phùng Nguyên  
 

Anh Còn Nợ Em 

Chuyện đời lắm cảnh đa đoan,
Mà lòng lại trót đa mang khối tình....
Chẳng tròn duyên nợ ba sinh,
Vì hồng nhan phải lênh đênh kiếp người !!
NM
Chuyện tình cụ Vương Hồng Sn
Ngày 9/12/2006, kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn hóa Vương Hồng Sển, tại trụ sở mới của tạp chí Xưa và Nay (181 Đề Thám, quận 1, TP.HCM) đã cử hành lễ tưởng nhớ cũng như trưng bày một số hình ảnh, hiện vật của cụ Vương với sự tham gia đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập cổ vật trong nước.
Trong dịp "đốt lò hương cũ nhớ người xưa" này đã có nhiều phát biểu nêu bật những đóng góp của cụ Vương đối với sự nghiệp văn hóa nước nhà. Riêng về cuộc sống tình cảm của cụ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và một số vị khác có nhắc đến nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc và hình bóng của một "em Tuyết" đẹp tuyệt vời đã làm rung động trái tim của cụ từ thuở thanh xuân cho tới lúc bạc đầu. Vậy "em Tuyết" là ai?
Nhà xưa mái tuyết phai tàn,
Tình xưa vẫn ngõ mấy hàng song song

 Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhà xưa mái Tuyết... 
Cô Dương Thị Tuyết đẹp có tiếng ở vùng chợ Sóc Trăng vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Đẹp đến nỗi cụ Vương Hồng Sển gọi bằng mấy tiếng "sắc nước hương trời" và vẻ tươi mát trẻ trung như hoa hàm tiếu sánh với những nụ "hoa đào vừa hé". Ngoài sắc đẹp được xếp vào hàng hoa khôi trong vùng, cô Tuyết lại là cháu nội của bà phủ An nức tiếng giàu có với 2.000 mẫu ruộng cò bay thẳng cánh và gia sản sáng lòa với nhà cao cửa rộng mà tiếng đồn phú quý lan khắp Sài Gòn. Thế nhưng có hai điều đã đặt "em Tuyết" (chữ cụ Vương Hồng Sển dùng) trước ngã năm ngã sáu đường đời.
Một là, bà phủ An do một chướng duyên nào đấy đã "không nhìn" cô cháu nội (Tuyết) của mình trong một thời gian dài, lúc đó cô Tuyết vừa đang trong độ tuổi trăng tròn. Hai là, ba má cô Tuyết rất ham đánh bạc, tiền của trong nhà đội nón ra đi khiến cho "nợ thiếu tứ giăng". Trong tình cảnh như vậy, cô Tuyết như một đóa hoa hàm tiếu nở hé trên đất nóng. Chẳng thiếu gì người mơ ước được đem những giọt nước mát tưới cho đời Tuyết được tươi, trong số đó có một thanh niên 26 tuổi.
Thanh niên đó chính là Vương Hồng Thạnh, sinh năm Nhâm Dần (1902) tại Sóc Trăng (cùng quê với Tuyết). Mấy chữ Vương Hồng Thạnh (đọc theo âm Hán Việt) khi làm khai sinh (ghi theo chữ Quốc ngữ) mới thành Vương Hồng Sển. Chữ Sển, theo một số người hiểu chuyện, thì không có nghĩa gì, mà chỉ do đọc chệch âm "Thạnh" mà ra. Tới năm 17 tuổi, chàng Vương rời Sóc Trăng lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat tức Trường Jean Jacques Rousseau sau này (nay là Trường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Bốn năm sau, tốt nghiệp Thành chung lúc 21 tuổi (1923). Đến năm 23 tuổi đã cưới vợ, không phải "em Tuyết" mà là cô Trần Thị Th. nhưng chỉ ở với nhau 9 tháng rồi ly dị.
Khi cuộc hôn nhân đầu tiên trong đời khép lại, chàng Vương mới mở ra một cánh cửa mới nhằm đến "em Tuyết" mà Vương thương yêu nồng nàn và cũng đau khổ nhiều năm vì Tuyết. Bấy giờ, chàng Vương 26 tuổi và cô Tuyết mới 17 tuổi (1928) đã làm lễ thành hôn và sống chung với nhau trong 19 năm trước khi chia tay. Lúc mới gặp nhau, chàng Vương đưa "em Tuyết" từ chốn tha hương về lại quê Sa Đéc và sau này trong một hồi ức đã kể lại đoạn trường tứ cố vô thân ấy như sau: "Rồi từ ngày anh (Vương Hồng Sển) đưa em (Dương Thị Tuyết) về tỉnh Sa Đéc, mười lượng vàng của mẹ anh mãn phần trối để lại, anh dâng cho nhạc phụ, nhạc mẫu làm lễ sính, ông bà "nướng" tất cả trong sòng me (cờ bạc), cầm thế cho nhà Tăng Quang Vỉ, 10 lượng thế lấy 600 đồng bạc đầm xòe, khi mẹ chúng ta mất rồi, người bố ghẻ hứa chuộc nhưng không giữ lời...".
Tình cảnh lúc ấy thật bi đát. May sao bà phủ An thay đổi thái độ nhìn nhận "em Tuyết" làm cháu ruột của mình và cho hưởng gia tài. Khi bà phủ mất năm 1931 đã trối lại cho "em Tuyết" một gia sản không nhỏ trong đó có đôi bông 6 ly là đôi bông tai kim cương mà bà đã đeo từ lúc còn sống, nhất là "cái vòng xoàn đeo cổ, đếm 16 miếng vàng có nhận hột xoàn từ 3 đến 4 ly (nếu biết lấy xoàn này nhận làm bông tai sẽ có 160 đôi hoa tai, mỗi đôi nay giá mấy triệu đồng)". Nhưng về sau này tất cả của cải nói trên theo lời thuật của cụ Vương thì "thảy đều tiêu tan như bọt xà phòng vì em Tuyết thua bài thua bạc sạch trơn".
Còn những ngày hàn vi chân ướt chân ráo ở Sài Gòn về Sa Đéc lại rất ấm áp như cụ Vương kể: "mỗi đêm anh mê chia bài thiên cửu, dắt em theo ngồi ngoài sòng chờ anh sát phạt ba cây bài gỗ, đến khuya rủ nhau đi xơi mì chú Dầu nơi mé rạch Sa Đéc, qua năm 1931 đổi về tỉnh nhà Sóc Trăng, rồi năm 1938 đổi lên Cần Thơ, kế thuyên chuyển về đô thành Sài Gòn làm việc nơi Soái phủ Nam kỳ, có tiền dư, có sức khỏe, ngờ đâu từ ngày xảy ra việc binh Nhựt tràn vào cõi Nam, tiếp theo là cuộc Pháp mất thuộc địa, toàn quyền Decoux bị hạ bệ, Nhựt hất chưn Tây, để lãnh đủ hai trái bom (nguyên tử) tan tành giấc mơ Đại Đông Á, đôi ta chạy về ruộng nhà ở làng Hòa Tú, trần ai khổ cực có nhau, bỗng chuyến trở về Châu Thành Sóc Trăng, ngồi dưới sương lạnh trọn một đêm dài, về tới nhà phụ thân anh, em xán một bịnh trối chết, bịnh ban cua lưỡi trắng, chạy thầy chạy thuốc, bổn thân anh bơm thuốc, hốt bụm chất dơ, em lành mạnh rồi, em đáp xe đò lên Sài Gòn mượn tiếng đi bán xoàn để có tiền chi dụng, ngờ đâu kim cương là đại họa, cái bâu cổ 320 hột quý làm cho đổi trần thay đen...". Nghĩa là về sau những chuyến đi Sài Gòn của "em Tuyết" đã dần dần rời xa mối duyên "nghìn xưa đã lại" với cụ Vương để ra đi cùng một người khác tên là Th. Nỗi đau lại đến với cụ Vương trong "cuộc tình tàn" thứ hai này.

Vĩnh biệt "em Tuyết" ở Sài Gòn

Vượt qua cơn bệnh nặng, "em Tuyết" của cụ Vương hồi phục. Sắc đẹp mặn mà của người phụ nữ ở độ tuổi 30 - độ tuổi của quả ngọt đang hồi chín tới - đã làm xiêu lòng một "người thứ ba" nhỏ hơn cụ Vương đến mười mấy tuổi.
Đó là Hồ Văn Th. được cụ nhắc tới trong hồi ức như một người quen biết với cụ cũng như với "em Tuyết" từ trước và là một tay chơi bài "khôn" đáo để. Cụ viết như nói với "em Tuyết" rằng: "Anh không lanh lợi như Th., mỗi dịp Tết hội nhau chơi bài, Th. ăn gian mà anh lù khù vẫn chung tiền...". Con người "lanh lợi" ấy, tuổi lại trẻ hơn cụ Vương nhiều, đã cùng "em Tuyết" hẹn hò, lao vào cơn lốc đầy ma lực của tình yêu mới. Ở lãnh địa nhiều sức hút này, Th. và "em Tuyết" ngày càng đi đến chỗ gắn bó không còn muốn xa nhau nữa. Hai người ngày càng biểu lộ rõ hơn tình cảm của họ trước mọi người. Để rồi đến một bữa nọ "em Tuyết" công khai ngỏ lời muốn chia tay với "chàng Vương" sau 19 năm chung sống (không có con).
Cụ Vương lúc đầu tìm lời khuyên nhủ, nhắc nhớ những ngày hai người đầu ấp tay gối, đùm bọc chia sẻ ấm lạnh từ đất Sài Gòn, Sa Đéc đến Cần Thơ và Sóc Trăng với Tuyết. Nhưng dường như những kỷ niệm xưa do cụ Vương khơi dậy đã không mạnh bằng tiếng nói mới thầm thì nhưng mãnh liệt từ mối giao tình với Th. nên cuối cùng, như cụ Vương viết: "Em (Tuyết) vẫn bỏ anh, mấy lần cậy anh em thương thuyết, nài nỉ cách mấy, em cũng không ở lại. Thế rồi em lấy Hồ Văn Th., nhỏ hơn anh trên mười mấy có dư, em vui duyên mới, anh tê tái, nát ruột như tương". Thế là cụ Vương đành chia tay với người vợ thứ hai này sau gần hai thập niên ăn ở với nhau. Lúc ấy cụ Vương đã 46 tuổi và "em Tuyết" 36 tuổi (1947), khi chia của cải "em biếu anh mớ sách cũ và bao nhiêu thứ đồ cổ mà em không tha thiết, em chỉ xin và anh ưng lòng để em ôm hộp sắt Fichet ra đi, hộp chứa đựng vàng vòng của phụ thân anh tự tay làm ra, và bao nhiêu của báu mà anh không màng, anh chỉ màng mối tình 19 năm âu yếm mà em đành đứt đoạn, của báu ấy xiết bao người mê thích, chỉ một anh không thích mê chút nào, thật vậy, anh chỉ mê chén xưa tuy nứt nẻ và mê ấm sứt vòi". 
 Dưới mái ngói của vuông nhà cổ tích nầy, cụ Vương đã viết những dòng khóc lóc "cuộc tình tàn với Tuyết",
Đúng thế thật, lúc bấy giờ cụ Vương đã say mê sưu tầm đồ cổ và sách báo. Trong những năm cuối sống với "em Tuyết" cụ đã biên soạn công trình nghiên cứu đầu tiên công bố trong kỷ yếu của Hội Khuyến học Nam Việt vào đầu năm 1943 và xuất bản Les Bleus de Hue à decor Mai Hạc par Vương Hồng Sển vào năm kế đó, 1944. Có thể tình yêu đồ cổ và nghiên cứu những giá trị quá khứ của cụ đã không hợp mấy với tâm hồn đang đòi hỏi một "hiện tại" ngọt ngào hơn của Tuyết. Song theo cụ sở dĩ "em Tuyết" khăng khăng theo mối duyên mới là vì "mấy hột kim cương tai hại... ai kia nói có xoàn là sang là quý, xin cho tôi cãi lại, tại tôi quá dễ dãi, bắt chước lối ăn ở theo Tây, để vợ quá tự do" lấy cớ mang xoàn lên Sài Gòn bán để rồi giao du rộng rãi. Một lý do nữa do cụ Vương nêu lên và viết lại về nguyên do dẫn đến thái độ chia tay quyết liệt của Tuyết là: "Một phần cũng tại Cảnh (em khác mẹ của cụ). Cảnh nhẫn tâm đổ lư hương nhạc mẫu (mẹ của em Tuyết) để em nước mắt dầm dề, rồi xảy ra chia uyên rẽ thúy từ đây, ôi nhắc lại làm chi, mọi sự đã trễ rồi. Quan (anh của Cảnh) lạy em xin tội, anh riêng nhờ chị Emille Penne giải hòa nhưng mối hòa nan giải".
Sau ngày xa "em Tuyết", cụ Vương rời Sóc Trăng trở lại Sài Gòn vào mùa thu năm 1947. Còn Tuyết lập tổ ấm mới với Th. cùng chung sống trong hơn 30 năm rồi Th. qua đời trước, hai bên cũng không có đứa con nào. Từ đó bà Dương Thị Tuyết sống đơn chiếc ở Sài Gòn cho đến ngày qua đời tại cư xá Thanh Đa. Ngày bà mất, cụ Vương được tin trễ sau khi liệm. Cụ đã vội đến viếng ngay khi hay tin và viết những dòng thắm thiết sau đây: "Em Tư (Tuyết) ôi, anh khóc em đây, thôi thôi, em Tư của anh đã không còn rồi! Chiều 6 Juillet (6.7.1992), thằng Thông đến vội vàng, cho hay tin em đã nhắm mắt từ hôm 4 và đã liệm xong rồi, trễ quá rồi và ngày mai 7.7, sẽ đưa đi hỏa táng ở Cây Quéo và tro cốt sẽ gởi nơi nhà thờ. Tin như sét đánh, chẳng kịp bưng tai. Còn gì nữa đâu !". Đọc những dòng tiếp theo của một người chồng 91 tuổi rất mực yêu vợ cũ chúng ta sẽ hiểu rõ thêm tấm tình của cụ Vương dành cho bà Dương Thị Tuyết vẫn nồng nàn như thuở nào, và biết thêm những giờ phút cô đơn cuối đời khi mãn phần của một hoa khôi Sóc Trăng ngày nọ: "Em hai lần lấy chồng mà "hoa không kết quả", em sạch sành sanh, nhắn anh một lời cụt ngủn: "Gởi lời thăm nhé!", Tư Tuyết em ôi, lòng anh đau như cắt, nhứt là hay tin cốt tro của em sẽ gởi vào thánh đường, nhưng nhà thờ gần đây mới bày ra tro cốt gởi nhà lưu trữ, còn anh đây, nửa theo Thánh Giá, nửa theo đạo Khổng, anh đang điều đình với Phụng là dưỡng tử của em, hãy cho anh rước tro em đưa về an táng nơi đất chùa ở Quang Mỹ tự (Phước Thiền), Biên Hòa, may ra được gần phần mộ của bà và của anh Ba Thoại, bào huynh của em. Nay em ra đi, anh sống lại làm chi với tuổi 91 để chứng kiến cảnh thương tâm này? Hồn em có linh, xin chứng chiếu..."
 
Chàng Vương cầu hôn năm 22 tuổi 
Ảnh : T L

Gặp nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc

Người đàn bà thứ ba xuất hiện trong đời sống tình cảm của cụ Vương và trở thành người vợ chung sống mặn nồng, lâu nhất với cụ suốt 41 năm là nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc mà NSND Đinh Bằng Phi đã tóm lược cuộc đời hoạt động nghệ thuật vang bóng của bà bằng mấy câu: "Trong giới hát bội, ít ai quên được một nữ nghệ sĩ tài danh mà tiếng tăm vang lừng từ Nam ra Bắc, từ lúc thanh xuân đến tuổi lão thành, đó là nghệ sĩ Năm Sa Đéc. Bà có một cuộc đời nghệ thuật khá vinh quang và cuộc đời thường của bà không kém phần sóng gió".
Nói sóng gió là do việc đổi dời của bà theo nhiều bước thăng trầm của các gánh hát trứ danh thời đó và ngay cái tên Năm Sa Đéc cũng xuất phát từ việc "đụng hàng" với một cô đào khác. Nguyên tên thật của bà là Nguyễn Kim Chung, sinh năm 1907, là con của ông bầu gánh hát bội Nguyễn Duy Tam. Lúc đầu ông Tam đặt cho bà tên gọi ở nhà là Năm Nhỏ. Nhưng về sau để tránh trùng tên với cô đào Năm Nhỏ gốc người Cần Thơ lúc bấy giờ đã nổi tiếng, ông Tam đã đổi tên gọi bà thành Năm Sa Đéc với ý là "Cô Năm (Nguyễn Kim Chung) gốc người Sa Đéc".
Trước khi gặp cụ Vương, Năm Sa Đéc đã là một trong những nghệ sĩ tiền phong trên sân khấu hát bội được đánh giá thanh sắc lưỡng toàn thu hút đông đảo khán giả ái mộ. Và cụ Vương là một "khán giả" đặc biệt đã ghi sâu hình ảnh "em Năm Sa Đéc" vào mộng chiều xuân, như bài văn tế sau này ghi lại:
"Gió lá vai mang nhè nhẹ", em xuống giọng "thoàn"
Người hùng lòng thấy lâng lâng, hồn theo mộng bướm.
Đôi chân bước khoan thai dìu dặt, êm đềm như gió trúc lay cành.
Muôn mắt nhìn đắm đuối say sưa, miên man tưởng "chiều thu đổ lá". (...)
Rạp Quảng Lạc Hà Thành nô nức, lễ tiếp nghinh, tiệc mở cờ treo;
Danh "Cô Năm Sa Đéc" lẫy lừng, đến biểu diễn hoa dâng quạt thưởng.
Cụ Vương để tâm tìm hiểu "cô Năm Sa Đéc" và biết sau ngày gánh hát nhà của cha tan rã, Năm Sa Đéc dạt sang Cần Thơ đi hát cho gánh của Bầu Bòn. Ở đó, mặc dầu xuất thân từ sân khấu hát bội, song Năm Sa Đéc cũng phải chiều ý của Bầu Bòn để hát pha cải lương theo nhu cầu của khán giả thời ấy. Nhưng rồi, cũng không bền, Năm Sa Đéc lại xuất hiện ở các đoàn hát của Trần Đắt, Huỳnh Kỳ sắm các vai kiếm khách, văn thần, võ tướng qua các vở cải lương. Tiếp đó cô đến với đoàn Song Phụng, rồi lại về Sài Gòn với đoàn Phước Xương (của cô Ba Ngoạn) và tài năng lại rực sáng, lôi cuốn khán giả với các vai kép, vai văn, hoặc vai võ như Lữ Bố, Triệu Tử, Địch Thanh...
Bấy giờ, tuy Năm Sa Đéc sống giữa chốn đô hội nhưng không mấy vui, vì mang trong lòng mối tình đổ vỡ giữa cô và nghệ sĩ Hai Th. Chính lúc đó cụ Vương cũng lên Sài Gòn, cũng mang trong lòng mối ngổn ngang sau ngày chia tay với Tuyết. Hai người gặp nhau và có lẽ mối đồng cảm trong "trường tương tư" đã nhanh chóng kết nối cụ Vương với nữ nghệ sĩ tài danh này như lời nhận xét của người trong giới, rằng: "Cuộc đời của nghệ sĩ Năm Sa Đéc bước vào một khúc quanh mới, khi cô gặp gỡ và kết nghĩa với học giả, nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, khi hai người vừa "gãy gánh giữa đường". Ông thì làm công chức, viết sách, nghiên cứu các thú chơi đồ cổ, đá gà, hát bội, bà thì hát bội, diễn cải lương... Ban đầu lúc kết nghĩa vợ chồng, vào cuối năm 1947, cụ Vương và Năm Sa Đéc sống trong một ngôi nhà nhỏ ở xóm Cù Lao nằm trên đường Võ Di Nguy cũ. Đó là ngôi nhà lợp lá ọp ẹp nhưng cũng không phải là nhà riêng mà phải thuê lại của một người chủ quen gọi là thầy Sáu. Tuy vậy cuộc sống chung ấm áp dưới mái lá đó đã để lại những kỷ niệm không quên mà sau này cụ Vương nhắc lại:
Anh hồi tưởng: Chòi lá năm xưa, Cù lao xóm cũ
Ngồi nghe em hát, giọng du dương trưa sớm chẳng nhàm tai,
Bàng hoàng giấc mộng trầm tư, đành chết điếng khúc quanh chiều rẽ lối.
Long lanh ngấn lệ trào dâng,
Lặng lẽ trang tình xếp lại (...).
Đôi vợ chồng ra vào khắng khít, mắm muối mà vui,
Một chòi tranh sau trước đìu hiu, ghế bàn chẳng có. 
 
Cụ Vương với thời sống với nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc ở "Vuông nhà cổ tích"
Ảnh : TL 
Những câu trên nằm trong bài "văn tế Năm Sa Đéc" khá thảm thiết. Bài này do một người khác ký tên Tế Nhị chấp bút "viết thay lời chồng là Vương Hồng Sển". Mà lại viết trước khi nghệ sĩ Năm Sa Đéc qua đời để nhằm "dọn sẵn bài khóc vợ" cho cụ Vương với sự đồng ý của cụ.
Thật vậy, nguyên vào cuối tháng 7.1981 (tức 7 năm trước khi bà Năm Sa Đéc mất), cụ Vương đến nhà của Tế Nhị ở đường Hai Bà Trưng rồi thuật hết tâm tình của mình trong đời sống vợ chồng với bà Năm Sa Đéc cho Tế Nhị nghe. Tế Nhị ngồi trên chiếc ghế mây, vừa nghe vừa ngẫm nghĩ và theo lời cụ Vương sau đó Tế Nhị đã "xuất thần đọc cho tôi chép (bài văn tế), chép tới đâu nước mắt tôi chảy tới đó". Là vì trước hết bài văn nhắc đến quãng đời "rất nghệ sĩ" của hai người trong cảnh khó khăn: Bút rè ngòi, tiền cạn túi, anh khoe đồ cổ, chúng chẳng thèm mua. Nhà dột nóc, gạo lưng nồi, em bán bánh bao, lời không đủ sống (...). Tôi la cà quán sách giải buồn. Bà cắp củm, túi tiền nhỏ giọt.
Về sau này, cuộc sống khá hơn khi họ dời về "vuông nhà cổ tích" rộng rãi hơn nhiều, khang trang hơn nhiều ở đường Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bà Chiểu năm xưa... Chính ở ngôi nhà này bà đã qua đời đột ngột vào trưa ngày 26.1.1988 sau khi đã đi một vòng thăm những nghệ sĩ lão thành như Ba Út và Năm Đồ về. Cụ Vương than: "Em sao vội phủi tay đứng dậy? Tắt đèn đời, tìm giấc ngủ thiên thu. Anh chỉ còn trơ mắt nhìn theo: qua giòng lệ viết trang tình nửa đoạn"...
Hồng Hạc

Sa Đéc thành phố Hoa bên dòng Sa Giang

Nguồn gốc địa danh Sa Đéc

(Nguồn: “Tìm hiểu nguồn gốc Địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết” của Nguyễn Hữu Hiếu)
Sa Đéc ngày nay là một trong hai thị xã của tỉnh Đồng Tháp
Hai tiếng Sa Đéc có lẽ xuất phát từ âm của tiếng Phsa ădek của người Khmer hạ, một vị thủy thần gốc Khmer. Trong sách Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, phần Tự quán (trang 38-39), có chép:

Chùa Tô Sơn ở địa phận thôn Hưng Nhượng, huyện Hà Dương (tỉnh An Giang), phía tây núi có viên đá hình con rùa. Người xưa truyền rằng: gặp khi trời hạn thì đến đấy cầu đảo ắt có được mưa, thổ nhơn bèn lập đền ở chân núi để thờ, gọi là Sa Đéc (tức là Thủy thần)”.
Trong khi đó trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau:
Ngày xưa ở đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu), có một tên chúa đất họ Thạch, vừa giàu có, vừa hung ác. Đất đai cò bay thẳng cánh, con thỏ, con nai ở trong rừng; con cá, con tôm ở dưới sông, con chim ở trên trời… tất cả đều là của họ Thạch. Ai hái, bắt thứ gì mà không nộp một nửa hoa lợi thì đừng hòng thoát khỏi tay y. Đám thuộc hạ của y làm tai mắt ở khắp nơi.
Chúa đất họ Thạch giàu có như vậy mà chỉ có mỗi một mụn con gái. Tên nàng là Phsa-dek, xinh đẹp, tính tình nhân hậu hoàn toàn khác cha. Một hôm, nàng dùng ghe lườn cùng nàng hầu rong chơi trên sông Tiền, chẳng may gặp mưa to gió lớn, ghe bị chìm. Trong lúc chủ tớ đang loai ngoai chờ chết, bỗng đâu có một thanh niên lao xuống cứu được cả hai.
Chàng trai nọ đưa hai người về chòi của mình chăm sóc. Khi tỉnh lại, hai người trò chuyện mỗi lúc mỗi thân mật, gắn bó. Nàng hỏi:
- Chàng đang ở trên đất của ai, chàng biết không?
- Biết chớ, toàn vùng này đều là đất của chúa đất họ Thạch ai mà không biết.
- Chàng không sợ ông ta à?
- Có gì mà phải sợ. Tôi từ phương xa tới đây, đất đai, sông nước là của trời sinh, chỗ nào thích là tôi ở. Ông Thạch đâu có sinh ra đất này hoặc khai khẩn gì đâu mà nói là của ổng.
Phsa-dek không cho chàng biết mình là con gái của chúa đất. Từ đó hai người thường lén lút gặp nhau. Bọn thuộc hạ cho tên chúa đất biết chuyện này. Lập tức hắn nhốt nàng lại và lệnh cho tìm bắt chàng trai nọ cho kỳ được. Bọn thủ hạ truy lùng chàng trai, chàng nhanh chân thoát được, nhưng trúng phải tên độc. Tưởng chàng đã chết, chúng bỏ đi. Nhưng may mắn, chàng được một người đi rừng tình cờ cứu sống. Chàng giữ lại mũi tên có khắc chữ Thạch để mưu tính chuyện trả thù.
Ngày nọ, chàng đột nhập vào dinh cơ tên chúa đất, đốt phá cho đã, rồi bắt hắn mang đi. Bỗng Phsa-dek thấy được, tri hô lên. Đám thuộc hạ ùa tới giải vây cho chủ. Chàng trai quá đỗi sững sờ, ngạc nhiên khi thấy nàng ở đây. Lợi dụng giây phút đó, đám thuộc hạ bắt được chàng và tra tấn rất dã man. Nghĩ rằng tại mình nên người yêu cũng là ân nhân mới gặp nạn, nàng đau đớn ngất lịm đi.
Khi được tin chàng trai bị cột chặt vào bè, rồi phóng hỏa đốt thả trôi sông, nàng Phsa-dek vùng dậy chạy theo nhảy xuống bè để cùng chết chung với chàng, nhưng bị thuộc hạ của chúa đất phóng theo bắt lại.
Phsa-dek bỏ nhà đi tu. Vài năm sau, tên chúa đất họ Thạch qua đời. Nàng trở thành người thừa kế một sản nghiệp đồ sộ của dòng họ Thạch. Một phần tài sản được nàng chia cho dân nghèo, phần còn lại dùng vào việc đắp đường, bồi lộ, dựng cầu và xây một nhà lồng chợ để cho người mua, kẻ bán có chỗ che nắng trú mưa.
Ngôi chợ đó được gọi là chợ Phsa-dek, lâu ngày nói trại thành Sa Đéc đến ngày nay. Còn nàng thì được nhân dân kính cẩn tôn lên hàng nữ thần. Tương truyền nàng rất linh thiêng, nhân dân cầu xin điều gì cũng đều được linh ứng.
Đền thờ thủy thần Sa Đéc trên núi Cô Tô với chuyện này không biết có liên hệ gì với nhau không?, song cả hai đều liên quan đến tên gọi Sa Đéc.
Trong Gia Định thành thông chí (tập hạ) của Trịnh Hoài Đức mô tả chợ Sa Đéc như sau:

Chợ ở đông huyện Vĩnh An. Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà hai bên liên tiếp 5 dặm, dưới sông có những nhà bè, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau, hoặc bán hàng lụa, khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây tre… Trên bờ và dưới sông hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là nơi thắng địa phồn hoa vậy”.
Như vậy, Sa Đéc quả thật là một chợ nổi, nổi tiếng trên sông nước. Phải chăng chính vì vậy mà người Khmer gọi là Phsa ădek (có nghĩa là chợ nổi) và người Việt phát âm thành Sa Đéc?

(Nguyễn Hữu Hiếu)

Gánh Sadec Amis của Thầy Thân

Bánh bao Cả Cần 

“Bánh bao Cả Cần” là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam (sản xuất ở Sài Gòn), khác với bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” nổi tiếng ở Sài Gòn từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước xuất hiện ở vài quán nhỏ tại khu vực đường Nguyễn Tri Phương (quận 5 – Chợ Lớn cũ), sau đó, bánh bao mang tên Cả Cần trở thành một quán độc lập, nằm trọn trên khoảng khuôn viên sát cạnh ngã 4 Nguyễn Tri Phương – Hùng ương, phía trước công viên Văn Lang.

Người đầu tiên sản xuất thứ bánh bao này là ông Trần Phấn Thắng (đã qua đời từ lâu). Từ nhiều năm nay, Sài Gòn có nhiều nơi sản xuất bánh bao (không kể bánh bao của người Hoa), với những thương hiệu không thể nhớ hết. Bên canh những xe bán bánh bao mang biển hiệu: bánh bao Singapore, bánh bao Đài Loan, bánh bao Malaysia… nhưng bánh bao Cả Cần vẫn cứ đông khách như mọi khi. Và ngày nay, thương hiệu “Cả Cần” đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn.

Theo anh Trương Thanh Liêm, một người quen với ông Trần Phấn Thắng cung cấp:
1. VỀ CÁI TÊN ÔNG CẢ CẦN:
Người ta chỉ suy đoán chữ CẢ CẦN dựa theo cái nghĩa đen của nó để thêu dệp rằng: Ông Thắng có cha làm ông Cả tên Cần, theo kiểu HAI LÚA thì chắc có em tên BA GẠO.
Thật ra thì Ông Thắng là người gốc Mỹ Tho là người thứ ba trong nhà, có ông anh tên Trần Phấn Phát, sỹ quan Quân Lực VNCH. Cha ông gốc Tàu Minh Hương, không có làm Hương Cả gì cả. Cả hai anh em rất thích văn chương văn nghệ và có một nhóm bạn rất là văn nghệ sỹ trong đó phải kể đến Nhạc Sỹ Lê Thương (tác giả Hòn Vọng Phu) cũng như nhà báo và dân biểu đối lập thời VNCH là Lý Quý Chung chẳng hạn.
Ông Thắng tâm sự: Cần là tên một người bạn thơ ấu của hai anh em chẳng may mất sớm. Chữ Cả ông ghép vào vì cá tính của ông thích những chữ cùng phụ âm như kiểu Tin – Tình – Tiền – Tù – Tội. Và ông tâm đắc câu quảng cáo của ông dùng bao năm nay toàn bằng chữ C:
Có Cả Cần Cần Chi Có Cả
Cũng vì thích loại câu dùng cùng một phụ âm này mà tên con ông đặt toàn chữ T. Ông Bà Thắng có đông con (tôi nhớ không lầm thì cũng gần chục). Tôi nhớ được tên của bốn cô con gái của ông là:
Trần Mỹ Tiên
Trần Mỹ Trinh
Trần Mỹ Thanh và cô út là
Trần Mỹ Tâm
2. VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA QUÁN ÔNG CẢ CẦN:
Ông Bà Cả Cần xuất thân từ công chức VNCH. Bà người gốc Bến Tre, nấu ăn rất ngon. Ông có tài ăn nói duyên dáng và khả năng ngoại giao bạn bè rất rộng. Từ sự kết hợp đó, ông bà quyết định bỏ nghề công chức ra mở quán Hủ Tiếu và Bánh Bao Mỹ Tho. Tên Cả Cần được ông chọn đầu tiên cho Quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý – Trương Quốc Dung (tôi mang máng nhớ tên đường này là vậy). Trước năm 1975, nếu ai đi lại con đường ra sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể không thấy cái Bánh Bao To Tướng trước khi băng qua cổng xe lữa.
Sau thời gian ngắn thì Quán Ông Cả Cần thành công rất nhanh nhờ tài nấu ăn của bà và tài ngoại giao của ông. Cũng vì quen biết giới văn nghệ sỹ thời đó nên ông Thắng mượn nghệ danh của cô Năm Sa Đéc (vợ của ông Vương Hồng Sễn) làm tên quán thứ hai ở Ngã Tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Trãi (Chợ Lớn) . Đến đây thì nãy sinh một vài đồn đoán rằng:
- Ông Cả Cần gốc Sa Đéc không phải gốc Mỹ Tho
- Bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần
- Bà Năm Sa Đéc có phần hùn trong quán Cả Cần
Cả ba điều này đều là đồn đoán và không có thật. Ai có đến quán Bà Năm Sa Đéc (của ông Trần Phấn Thắng) thì đều biết quán này nằm giữa đường gần như chắn ngang con đường Nguyễn Trãi chạy từ Sài Gòn ra. Vì thế khoảng thập niên 70, ông Thắng bị Đô Trưởng lúc đó là Đỗ Kiến Nhiễu (nghe đâu cũng gốc Mỹ Tho) bắt tháo dỡ. Ông theo vụ kiện đến cùng, kết cục thì ông Thắng thắng và quán vẫn còn tồn tại như ngày nay. Nhưng vì vụ kiện này mà Bà Năm Sa Đéc rút tên ra. Quán mang tên MỸ TIÊN . Mỹ Tiên là tên cô con gái lớn của ông Thắng . Sau 1975, quán vẫn mang tên Mỹ Tiên.
3. GIA ĐÌNH CẢ CẦN NAY ĐÂU?
Sau năm 1975, gia đình ông Thắng còn giữ được một số tài sản và quyết định ra đi. Vì gia đình có gốc Hoa nên đi cả nhà, thậm chí những người đầu bếp giỏi, phụ bếp và cả phụ vụ bàn. Giá vàng ông phải trả lúc đó khoảng 12 cây vàng cho một đầu người.
Gia đình ông ra đi suôn sẻ trong một đêm lặng gió. Cuối cùng thì định cư tại Montreal, Canada . Đến đất tạm dung Montreal chẳng bao lâu thì với số vốn mà nhân lực mang theo ông bà đã mở được hai quán để tên ONG CA CAN: một ở dưới phố trên đường St Catherine gần trường Đại Học McGill , một ở Côte des Neiges. Cũng vẫn với khiếu chữ nghĩa bẩm sinh của mình, ông Thắng đã dí dỏm gọi quán ở Côte des Neiges là TRÊN DỐC TUYẾT, Montreal là Mộng Lệ An.
Hai ông bà thành công rất nhanh ở xứ Canada cho nên khi VN mở cửa năm 89 thì năm 90 cô con gái lớn ông đã thực hiện chuyến về VN đâu tiên và ông bà cũng lần lượt về sau đó để tìm lại cơ hội làm ăn cũng như lấy lại nhà hàng cũ.
Sau khi ông bà ra đi thì nhà hàng cũ do một người bà con xa cai quản. Ông bà cũng thường gởi tiền về giúp đở. Nhưng về phẩm chất nấu ăn thì không giữ được như trước cho nên nhà hàng dần dần mất tiếng và suy sụp. Đây là điểm yếu của đa số nhà hàng Việt Nam nói chung và nhà hàng Ông Cả Cần nói riêng. Bà Cả Cần là người giỏi giang quán xuyến, nhưng nhà hàng là phương tiện sống của đại gia đình cho nên bà giữ bí quyết rất kỹ. Thậm chí ở Canada, chưa chắc con bà lúc ấy nấu được như bà.
Khi công cuộc điều đình mua lại đất đai nhà hàng cũ còn đang được tiến hành thì bà Cả Cần đột ngột bị TAI BIẾN MẠCH MÁO não và năm bất động. Tội nghiệp cho bà. Bà nằm thế đến gần 2 năm trời và bà qua đời năm 1995.
Sau khi bà qua đời thì ông Thắng về Việt Nam thường hơn để làm ăn. Nhà hàng bên Canada thiếu bà không còn đông như trước. Các cô các cậu lập gia đình chỉ còn vài người theo nghề cha mẹ. Chỉ vài năm sau đó thì Ông Cả Cần Trần Phấn Thắng cũng qua đời tại Việt Nam . Nhà hàng TRÊN DỐC TUYẾT đóng cửa. Giờ chỉ còn nhà hàng dưới phố St Catherine.
Có người nói bảng hiệu sau này của nhà hàng trên đường Nguyễn Tri Phương là ÔNG CẢ CẦN. Có thể nhà hàng đổi tên lại sau khi ông Cả Cần về nước. Bao năm trước đó nó vẫn mang tên MỸ TIÊN. Tên Mỹ Tiên là cái tên thứ hai sau cái tên BÀ NĂM SA ĐÉC …
(Theo Lophocvuive)
Nói thêm về hủ tiếu Mỹ Tho của quán Cả Cần:
Có nhiều người cứ nhầm hủ tiếu Mỹ Tho với hủ tiếu Nam Vang. Khác hoàn toàn. Nước hủ tiếu được nấu bằng khô mực nhí (vụn), tôm khô và xương nên nước ngọt tự nhiên, thơm và trong. Bánh hủ tiếu, sợi nhỏ dai và là bánh khô. Hủ tiếu Mỹ Tho không có để trứng cút hay tôm tươi mà chỉ có xương, thịt heo hoặc thêm gan heo thôi….
Ở Sài Gòn, có duy nhất 1 chỗ có hương vị hủ tiếu giống với hủ tiếu Mỹ Tho, đó là quán hủ tiếu Mỹ Tho – bánh bao Cả Cần – nằm ngay trước công viên Văn Lang, góc đường Hùng Vương – Nguyễn Tri Phương, Q.5. 
(Sưu tầm)

Phố Hoa bên dòng Sa Giang

Psardek, duyên dáng hương xuân
 Dương Thủy
Thị xã nổi tiếng này đã gây ấn tượng mạnh với tôi bắt nguồn từ tên của một nghệ sĩ cải lương nổi danh một thời là “bà Năm Sa Đéc” với vai diễn bà mẹ chồng ác nghiệt trong vở “Lá sầu riêng” từng lấy bao nước mắt của khán giả. Vùng đất này còn nổi tiếng với câu chuyện tình lãng mạn của một nữ văn sĩ người Pháp vào thời Đông Dương, và là quê hương của món hủ tiếu ngon nức tiếng cùng làng hoa Tân Quy Đông duyên dáng bên sông.

Huyền sử Sa Đéc

Từ Sài Gòn, sau 2 giờ chạy xe tới Cai Lậy, qua Cái Bè đến Cổ Cò rồi vượt cầu Mỹ Thuận, xuống chân cầu có hai nhánh rẽ: quẹo trái là vào đất Vĩnh Long để đi tiếp đến Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu và Cà Mau là điểm dừng cuối cùng của đất nước; quẹo về tay mặt để vào Sa Đéc. Tuấn Dương - anh chàng “thổ địa” của đoàn giới thiệu sơ về đất này: Xưa kia, đây là xứ Chân Lạp và miệt này có tên là Psardek (có nghĩa là Sắt). Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai lại và thả trôi sông. Nàng Psardek buồn tình bỏ đi tu. Về sau, khi cha mất, nàng đã dùng tài sản của gia đình làm từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa giúp đỡ người dân quanh vùng có một điểm tụ họp buôn bán trao đổi hàng hóa ổn định. Cảm ơn công đức của nàng từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek. Về sau, nhà Nguyễn cai trị đã đặt tên cho nơi đây là phủ lị phủ Kiến Đăng, tỉnh Định Tường. Tên Psardek khó phát âm với người Việt, nên lâu ngày từ Psardek người ta đọc trại thành Sa Đéc như hiện nay.
 

Đến Sa Đéc ăn hủ tiếu và xem nhà cổ
Trong bữa trưa của chúng tôi tại thị xã, Tuấn Dương giới thiệu với cả đoàn món hủ tiếu Sa Đéc khá nổi danh, vừa hướng dẫn mọi người phân biệt sự khác nhau giữa hủ tiếu Nam Vang, Mỹ Tho và Sa Đéc. So với mọi vùng làm ra sợi hủ tiếu thì Sa Đéc được xem là nơi chế biến “số dách”, vì vậy người sành ăn miền Tây đều “chuộng” hủ tiếu Sa Đéc do sợi được làm từ loại gạo dẻo thơm ngon, lúc ngâm phải “vút gạo“ thật kỹ nên khi ra lò và khi ăn thì hủ tiếu có đặc điểm mềm, dai và không bị chua. Về cách nấu, Sa Đéc có hai loại hủ tiếu tiêu biểu là: món hủ tiếu thịt heo và hủ tiếu bò viên. Hủ tiếu bò viên chỉ có một món bò viên nên nước dùng phải có xương bò cùng xương heo ninh chung thì mới đậm vị, riêng về hủ tiếu heo thì trong nồi nước dùng cơ bản phải có thật nhiều xương heo được ướp theo một bí quyết riêng rồi mới được ninh nhừ cho ngọt nước. Người Sa Đéc khoái ăn theo kiểu : “một tiếu một xí quách”. Du lịch vùng này, bạn chỉ cần chỉ cần gọi như vậy là một lát sau cô bán hàng bưng ra một tô hủ tiếu đầy đủ thịt băm, tim gan còn một tô kia đầy những xương ống heo ninh nhừ. Lúc này, khách chỉ việc ăn hủ tiếu rồi nhẩn nha những cục xí quách mềm rục.
Sau bữa cơm ngon lành, chúng tôi đến ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn của đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê – người từng vang danh trong tiểu thuyết nổi tiếng ”Người Tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras. Ngôi nhà này nằm ngó ngay ra mặt sông Sa Đéc hiền hòa với phong cách kiến trúc Đông – Tây hội ngộ khá hoàn mỹ. Có thể nói, kiến trúc sư đã khéo léo phối hợp chất Nam bộ trong tổng thể cùng nét bài trí đậm hơi hướng Trung Hoa, riêng các vật trưng bày được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Cuối năm 2010, ngôi nhà này vừa kỷ niệm tròn 115 năm tuổi. Hồi đầu thế kỷ XX, năm 1917 nhà đã được trùng tu và xây lại với nguyên liệu là vôi vữa cùng bột ô dước, riêng nếp nhà cũ nguyên bản làm bằng gỗ đã bị đập bỏ hoàn toàn. Tuấn Dương cho biết: năm 1972, ngôi nhà này bị bỏ hoang vì chủ nhân đã đưa cả gia đình ra nước ngoài sinh sống; sau 1975 một đơn vị quân đội đã tiếp nhận và đặt trụ sở trong thời gian khá dài. Đầu năm 2007 ngôi nhà này mới chính thức được chuyển thành địa chỉ du lịch.
Theo thống kê, Sa Đéc tồn tại 79 căn nhà cổ, trong đó có 17 ngôi nhà được xây cất vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đa số đều mang dấu ấn của kiến trúc Pháp. Hiện nay, trừ ngôi nhà Huỳnh Thuỷ Lê được chăm chút cẩn thận, những ngôi nhà khác đang xuống cấp trầm trọng, cần phải có một kế hoạch duy tu bảo tồn kịp thời. Đến Sa Đéc, ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, du khách Pháp đều không quên thăm trường tiểu học Trưng Vương (nơi mẹ của nữ văn sĩ Marguerite Duras từng là hiệu trưởng), trải qua cả thế kỷ nhưng ngôi trường vẫn còn khá nguyên vẹn với nét kiến trúc đậm chất Pháp cùng dáng vẻ bán hiện đại. Tôi đã đọc tác phẩm nổi tiếng này và cũng đã thưởng thức bộ phim qua diễn xuất tuyệt vời của tài tử Lương Gia Huy cùng Jane March. Nhưng khi viếng nhà cổ, trường xưa, một cảm xúc chợt dâng đầy trong lòng lúc nhìn ngắm các vật dụng gợi nhớ quá khứ, tất cả làm tôi thấy dường như hồn xưa đang chầm chậm quay về.
Du ngoạn làng hoa bên sông

 Rời nhà cổ, chúng tôi chạy xe tiếp tục đến thăm làng hoa Tân Quy Đông cách đó chừng 10km… Bên kia sông là một chuỗi các lò gạch tỏa từng cụm ngọn khói đen nghi ngút rồi nhạt dần trong bầu trời xanh. Điểm độc đáo của làng hoa này là nằm ngay sát bên đường lộ, rất thuận tiện trong việc buôn bán hay tham quan. Vào mỗi dịp tết, đây là nơi thu hút rất đông du khách. Thăm làng hoa, tôi như lạc vào không gian mang màu sắc của hoa cảnh, thấp thoáng vang vọng tiếng trả giá, lời chào hỏi, tiếng nhạc cải lương trên chiếc đài be bé mà một người trồng hoa đem theo ra tận các liếp hoa để giải cơn “nghiền”.

Dưới sông, các chuyến ghe tấp nập người vác kiểng hoa xếp đầy trong khoang theo từng loại có hàng có lối. Lẩn mẩn tôi đếm: Hồng Túc Cầu, Mãn đình hồng, Cúc đại đóa, Cúc mâm xôi, Cúc vàng cùng hoa Mai 5 cánh cho đến Mai 48 cánh … Riêng hoa hồng có hơn 20 loại (sau này được biết tại Sa Đéc có vườn hồng trồng tới hơn 50 giống). Trên một thuyền khác tôi thấy chuyên các loại ớt kiểng với hình dáng “là lạ” từ tròn, dài, bát giác với đủ màu sắc từ trắng, xanh, tím đỏ hồng vàng nhìn thật thích mắt. Xa xa những chiếc ghe bầu có tải trọng lớn lại chuyên các chậu tắc kiểng, thiên tuế mướt xanh được uốn nắn rất công phu.
Qua một đêm ngủ thật ngon tại một khách sạn nhỏ bên dòng sông Sa Đéc hiền hòa êm ả, chúng tôi vội chạy ra làng hoa để tranh thủ chụp hình những nụ hoa còn đọng giọt sương mai trong nắng sớm. Tạm biệt Sa Đéc, tôi vẫy tay chào những nghệ nhân trồng hoa mới gặp mà tưởng như rất thân quen qua lời chào hỏi dân dã và nụ cười hiền hòa, thân thiện.  Mọi người đều mong Xuân đến sẽ mang cho ta nhiều hi vọng về một tương lai tốt đẹp, và chính những nụ cười chân chất ấy làm ta ấm lòng và thêm yêu mảnh đất dịu dàng với cái tên mộc mạc Sa Đéc.

Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Miền Tây Nam bộ không xa lạ đối với những ai có niềm đam mê du lịch sông nước. Song vẫn còn có tour "độc" gây ngạc nhiên và hứng khởi không ít cho những tay săn ảnh đẹp và thích du lịch bằng "ngựa sắt".
Hãy thử một lần rong ruổi xe máy về lò gạch Sa Đéc để săn những bức ảnh độc đáo của một miền sông nước thanh bình.
Hình ảnh có liên quan




Tour hiếm săn ảnh nghệ thuật
Du ký miền Tây săn ảnh nghệ thuật là một loại tour hiếm. Tìm kiếm trên Google, có đến 805.000 kết quả với từ khóa "tour chụp ảnh miền Tây" chỉ trong vòng 0,21 giây, nhưng không có kết quả nào về tour du lịch chụp hình nghệ thuật ở miền Tây sông nước. Đặc biệt là tour về Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) sáng tác ảnh nghệ thuật ở lò gạch ven sông lại càng hiếm. Và có lẽ chỉ có dân phượt với niềm đam mê săn ảnh đẹp và xê dịch bằng xe gắn máy mới đủ sức đeo bám photo tour ròng rã ngồi trên xe máy dưới thời tiết nắng gắt mưa dầm luân phiên trên nẻo đường miền Tây.
Khởi hành từ TP.HCM, buổi chiều muộn đoàn nhiếp ảnh gia cưỡi xe máy đã dừng chân ở thị xã Sa Đéc. Để rồi sau một đêm thao thức mơ về ngôi lò gạch đỏ mơ màng ven sông, những tay máy thiện nghệ trong đoàn phượt đã thỏa ước nguyện săn những bức ảnh "độc" nhất. Buổi sáng rực nắng và mây bồng bềnh, gợi niềm hứng khởi cho đoàn nhiếp ảnh gia hăng hái qua sông bằng một chuyến phà nhỏ, sang lò gạch Đức Thành bên kia sông. Một ngày nắng đẹp hứa hẹn cho hàng ngàn cú bấm máy đẹp lung linh.
Trên chuyến phà gỗ nổ máy qua sông, nhiều tay máy trong đoàn không bỏ lỡ cơ hội sáng tác ảnh đẹp từ góc nhìn trên phà. Một vùng trời nước mênh mang mở ra những nẻo đường xuôi ngược sông nước miền Tây. Mái chèo của bà mẹ quê khua rộn ràng sóng nước. Những chuyến sà lan hối hả chở cát trên sông. Và những con thuyền đang rộn ràng ăn những mẻ gạch đỏ tươi mới ra lò. Sát bên mé sông, lô xô những vòm lò gạch in lên nền trời mây trắng từng nét cong mềm mại duyên dáng. Những nét duyên ngầm của miền sông nước đã được thu gọn trong những cú bấm máy thiện nghệ của đoàn khách qua sông.
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Theo người dân địa phương đi phà qua sông vào lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Tranh thủ sáng tác những bức ảnh về miền Tây sông nước trên chuyến phà qua sông vào lò gạch - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền bên ngoài lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Săn tìm ảnh "độc" nơi lò gạch
Đây rồi, lối vào lò gạch nho nhỏ với bờ tường gạch đỏ nhuốm màu rêu phong rực lên dưới ánh nắng vàng tươi. Một bà mẹ quê đội nón lá đi ngang ngõ nhỏ. Một giàn mướp vàng tươi nở trên nền gạch cam rực rỡ. Cô gái thị thành diện áo hoa dạo bước ngõ vào lò gạch. Chỉ đơn sơ thế thôi cũng đủ gợi cảm hứng rạo rực cho các tay máy đốt cháy bao nhiêu thẻ nhớ máy ảnh.
Cái nóng như thiêu trong lò gạch cũng không ngăn được các tay máy lăn xả vào gần những chiếc lò nung gạch đang cháy phừng phừng vỏ trấu, những chồng gạch ống, gạch lát sàn còn đang ướt rượt xếp cao nghệu để tìm góc sáng tác ảnh "độc". Ngắm nhìn mải mê qua ống kính máy ảnh những người thợ lò gạch cần mẫn như những con ong cái kiến, xếp gạch còn ướt vào máy xén để định hình khuôn gạch, vài cô gái trẻ hăm hở xông vào "học việc" thợ gạch.
Được ngày nắng to, công nhân lũ lượt xếp gạch ướt ra sân phơi cho được nắng. Sau lưng những người công nhân đang nhịp nhàng trải gạch trên sân, từng dãy ụ lò gạch đỏ sẫm in lên nền trời xanh mây trắng, khiến cả lò gạch trông như một tổ ong lớn với hàng trăm ong thợ làm việc hăng say. Và rồi những tiếng bấm máy lạch xạch lại vang lên không ngớt.


Một tay máy nữ trong đoàn sáng tác ảnh đang sáng tác tại ngõ nhỏ vào lò gạch Sa Đéc với nhịp sống đời thường trong dáng hình bà mẹ quê mộc mạc nón lá - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Cảnh phơi gạch trong ngày đẹp nắng ở lò gạch Sa Đéc gợi cảm hứng mạnh mẽ cho các tay máy phượt săn ảnh đẹp - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Cô gái trẻ trong đoàn (đội mũ lưỡi trai) vừa săn ảnh nghệ thuật, vừa lăn xả vào "học việc" làm gạch với công nhân lò gạch Sa Đéc - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Ngoài những lò gạch đang đỏ lửa nung gạch, có cả những lò gạch trình diễn công đoạn nung gạch cho khách tham quan tạo dáng chụp ảnh. Luồng ánh sáng rọi vào lòng lò gạch qua ống khói trên nóc vòm lò đã tạo nên nguồn sáng cực "độc" trên mặt người mẫu. Màu tường kết bằng gạch nung trong lòng lò gạch đỏ nồng nàn sau bao đợt lửa nung trở thành phông nền độc đáo không đâu có. Và cả cửa vòm mộc mạc lối vào mỗi cửa lò gạch mang đậm dấu ấn khói lửa nung và màu thời gian bàng bạc, tạo nên dấu ấn nghệ thuật rất riêng cho các bức ảnh thêm nét độc đáo.
Tất cả những nét đẹp lạ của lò nung gạch khiến các tay săn ảnh mê mải bấm máy rào rào. Người thì leo lên đống gạch nung xếp cao ngất, người lại nằm ngửa dưới đất bấm chếch máy lên cao. Mọi góc máy sáng tạo đều được tận dụng tối đa trong lò gạch để cạnh tranh nhau góc máy lạ nhất.
Trong vài giờ ngắn ngủi săn ảnh đẹp ở lò gạch Sa Đéc, đoàn săn ảnh đẹp đến từ phố thị Sài Gòn đã vỡ ra thêm nhiều điều về đời thợ lò gạch, về cả cách sáng tác ảnh nghệ thuật với hoạt động sản xuất gạch, cách làm chủ ánh sáng trong lò gạch để có ảnh. Để rồi trên đường về lại Sài Gòn, đã nghe lòng da diết nhung nhớ sắc đỏ thắm lò gạch ven sông thị xã Sa Đéc…
          Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc







Lò gạch trình diễn quy trình sản xuất gạch cho khách du lịch tham quan và chụp ảnh - Ảnh: KHÁNH NGỌC

Lò nung gạch dành cho khách du lịch tham quan và chụp ảnh ở lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc

Công nhân đang dỡ gạch vừa chín tới trong lò nung ở lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc - Ảnh: KHÁNH NGỌC
Bài, ảnh: KHÁNH NGỌC