Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Nhạc - Thơ - Văn - Cái ô trầu của Mẹ

Trầu Ơi - Quang Linh

Sự Tích Trầu Cau - Phim Việt Nam

Thương cái ô trầu của mẹ tôi,
Có vôi sao chẳng bạc như vôi...
Bao năm khắn khít luôn bên mẹ.
Nay đã vì con mẹ phải rời !!
NM
Cái Ô Trầu Của Mẹ
hông biết mẹ tôi ăn trầu từ bao giờ, nhưng mỗi lần nhớ đến những ngày còn lẽo đẽo theo mẹ, tôi lại nhớ đến hình ảnh mẹ mặc chiếc quần lãnh đen và chiếc áo bà ba sậm màu, ngồi trên thềm gạch hiên nhà trước- thường gọi là “hàng ba”- têm miếng trầu vàng, cuốn lại rất vén khéo.
Những lá trầu luôn luôn được xếp cẩn thận trong một cái ô trầu đan bằng mây có ba ngăn, đựng vài quả cau, con dao nhỏ và bình vôi trắng. Tôi là người được mẹ tín cẩn nhất để sai đi lấy và cất cái ô trầu cho mẹ. Đó là những buổi chiều nắng đã tắt sau đọt cây cau gầy xa xa ở cuối sân nhà, nhưng trời vẫn còn đủ sáng và mát mẻ cho hai chị tôi chơi lò cò xủi trên khoảng sân rộng dùng để phơi lúa, cũng là sân banh mà chỉ có tôi là cầu thủ duy nhất với trái banh là quả bưởi non. Phía góc sân trái, dưới gốc cây cam xum xuê lá, trái nặng trĩu cành, đứa em gái nhỏ hai tuổi của tôi đang cầm cành cây khô đùa giỡn với đàn gà con cùng “bà vịt xiêm già” nặng nề, chậm chạp đi từng bước mà tôi có cảm tưởng sắp té ngã về phía sau. Đôi khi, mẹ sai tôi đi hái cho mẹ vài lá trầu. Vườn trầu sát bờ ao, trên một khu đất chừng bốn, năm mét vuông được rào bằng tre xung quanh, bên trong có năm thân cây khô chôn xuống đất cho những dây trầu leo quanh. Hình như mẹ tôi chỉ có hai việc chính phải làm hằng ngày là chăm sóc chúng tôi, nấu cơm và tưới vườn trầu. Những lúc mẹ ngồi ăn trầu, tôi thường ngồi bên táy máy cái ô trầu và nhìn đôi môi đẹp nhuộm đỏ của mẹ mà thán phục, vì có lần tôi lén ăn trầu đã bị cay và say đến chóng mặt. Có lẽ thời gian hạnh phúc an lành nhất của mẹ là những ngày còn sống ở miền quê thanh bình, lúc tôi còn thơ ấu. Mẹ ở quê nhưng chưa hề làm việc lam lũ ngoài đồng. Ba tôi đã sắp xếp thế nào đó để có tiền thuê người giúp việc đồng áng mà gia đình vẫn có lúa ăn dư dã quanh năm.
Ba tôi là một người lịch thiệp. Ông bà nội mất sớm. Mới mười tuổi ba đã trở thành một đứa trẻ mồ côi. Ông lưu lạc nhiều nơi khi sống cùng bác tôi là một thầy giáo phải đổi chỗ vì nghề nghiệp. Đến năm hai mươi tuổi, người tự lập và đi theo đoàn tàu buôn bán từ tỉnh nầy qua tỉnh khác. Cho đến một ngày –ngày định mệnh an bài– tàu bỏ neo tại làng ngoại tôi và người thanh niên lãng tử đã dừng bước giang hồ vì đôi mắt đẹp và nụ cười duyên dáng. Đó là mẹ tôi!
Tôi không biết rõ mối tình của ba và mẹ bắt đầu ra sao. Mẹ tôi chỉ kể rằng, ông bà ngoại rất dễ, không đòi hỏi lễ nghi khó khăn như thời đó. Ngoại nói, ba tôi là người có ăn học, thông minh, tháo vác và ông bà tin ba sẽ mang hạnh phúc đến cho mẹ tôi. Những ngày chiến tranh, mẹ tôi rất khổ cực với năm đứa con còn nhỏ dại mà ký ức non nớt của một đứa bé chẳng hề lưu lại một chút gì trong tôi. Nhưng từ khi bắt đầu có trí khôn thì tôi biết rằng tôi đang sống trong một gia đình rất hòa thuận, êm ấm. Thường, sau những bữa ăn chiều, mẹ tôi hay ngồi trước hàng ba ăn trầu, ba tôi vừa nhâm nhi tách nước trà vừa đọc báo, thỉnh thoảng người ngừng lại trao đổi với mẹ vài câu gì đó rất dịu dàng mà cũng rất tương đắc.
Thuở bé, ngày đau khổ nhất của tôi lúc đó có lẽ là ngày đầu tiên đi học. Lúc lên sáu, ba muốn tôi phải đi học vỡ lòng tại trường thầy Chu, một ông thầy bé tí teo, lúc nào cũng đội cái nón nỉ màu nâu. Gọi là trường tư, nhưng thật ra chỉ là một căn nhà lá sơ sài với vài cái bàn đóng bằng tre và chỉ có khoảng mười lăm đứa nhóc tì như tôi.
Buổi chiều, ba tôi nói với mẹ:- Ngày mai mình sửa soạn quần áo cho thằng Hiếu đi học. Anh đã mua cho con tập vở và viết rồi.
Nghe vậy, tôi hoảng hốt chạy đến ôm cổ mẹ mếu máo:- Con hổng chịu đi học đâu, con muốn ở nhà.
Mẹ kéo tôi ngồi vào lòng, xoa đầu hỏi bằng giọng ngọt ngào:- Con ở nhà làm gì?
Tôi đưa tay quẹt nước mắt, nói gọn gàng:- Con muốn đi cỡi bò như thằng Khuyên.
Nhưng dù có khóc lóc thế nào thì tôi cũng phải đi học. Mẹ cho tôi mặc bộ đồ mới, lại thêm đôi guốc dông dành cho người lớn. Nhìn đôi mắt nghiêm nghị của ba, tôi không dám khóc, mặt xụ lại như cái rỗ méo –mẹ nói vậy.
Ba ôm tôi, âu yếm dỗ dành:- Con ráng đi học biết chữ đọc báo cho ba nghe.
Nói xong người lên chiếc xe đạp đi làm việc ở làng. Ba tôi là xã trưởng mà thời đó nghe người ta gọi là ông “Quản”. Tôi nhìn theo ba, tấm tức khóc:- Mẹ ơi! Con không muốn đi học đâu.
Mẹ quỳ xuống ôm hôn tôi, vỗ về:- Con đừng khóc, mẹ sẽ đưa con đi học, con trai mà khóc người ta cười chết!
Dần dần rồi cũng quen. Thỉnh thoảng tôi hay trốn học đi cỡi bò với thằng Khuyên. Mỗi lần mẹ có dịp đi đâu xa thì tôi cũng xin nghỉ học cho bằng được để theo mẹ với lý do là mang cái ô trầu cho mẹ.
Những năm tháng êm đềm đầy thanh bình thời thơ ấu lặng lẽ trôi đi và khi lên đến bậc trung học tôi phải rời gia đình lên tỉnh học. Cũng thời gian đó, việt cộng nổi lên đánh phá làng xã. Vùng tôi ở gọi là vùng xôi đậu. Một tai họa lại giáng xuống gia đình tôi. Ba tôi bị việt cộng bắt đi trong một đêm về đánh phá làng. Mẹ gầy guộc hẳn đi. Ngày nào cũng khóc vì không biết số phận của ba tôi ra sao. Đến khi được một người quen thân đi theo du kích cho biết ba tôi vẫn còn sống và đang bị giam ở một nơi nào đó, mẹ tôi mới tạm an tâm.
Năm sau, tôi về thăm nhà vào dịp hè. Một buổi trưa, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm ở gian sau thì có tiếng chó sủa dữ dội. Mọi người nhìn ra ngõ, thấy một người đàn ông cao lớn, mặc bộ quần áo đen, đội nón lá đang lầm lũi bước vào. Tưởng là ba, tôi mừng quá chạy ùa ra. Nhưng không phải, đó là người cậu họ ở một làng xa đến thăm. Cậu đi thẳng vào nhà, nắm tay mẹ kéo ra sân sau thì thầm gì đó trước sự ngơ ngác của mấy chị em tôi. Nói xong, cậu quay đi vội vàng không kịp trả lời mấy câu hỏi vớ vẩn của tôi. Mẹ bước trở vào, với nét mặt thoáng nét rạng rỡ lẫn lo âu, mẹ cho biết ba tôi đang bị giam lỏng ở vùng việt cộng không xa lắm, đêm nay sẽ có người bạn giúp ba trốn thoát, do đó, chúng tôi phải rời nhà ngay để đón ba tôi tại công sở của quận vào ngày mai. Mẹ sai tôi chạy sang nhà dì Bảy báo tin gấp, còn chị Tư thì sắp xếp các đồ dùng cần thiết. Mẹ và dì Bảy ôm nhau trong nước chia tay đầy nghẹn ngào đau xót. Đối với mẹ, sắp gặp lại ba là một niềm vui sướng, nhưng phải bỏ lại nhà cửa, sản nghiệp mà ba mẹ đã gầy dựng hơn hai mươi năm cũng là một quyết định thật đau lòng. Để tránh sự tò mò của hàng xóm, chúng tôi chia làm hai nhóm. Mẹ và em tôi sẽ đi trước bằng đường ruộng. Chị Tư cùng tôi sẽ đi sau bằng đường trong xóm và hẹn gặp nhau tại đồn dân vệ ở Cống Đá. Mẹ vội vã dắt em tôi đi giữa tiếng khóc não nuột của dì Bảy. Chị tôi vừa xếp hành trang vừa khóc thút thít. Tôi nhìn quanh căn nhà, chợt thấy ô trầu của mẹ còn ở trên tấm phản, vội chạy nhanh ra sau vườn, hái vội một nắm trầu vàng nhét vào ô trầu và mang đi.
Gia đình tôi được đoàn tụ trong nước mắt nghẹn vui mừng. Chúng tôi dắt dìu nhau lên thành phố. Bỡ ngỡ. Lạc loài. Và ba mẹ tôi lại bắt đầu vất vả lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Một hôm, sau bữa ăn tối, trong căn nhà chật hẹp vừa mới thuê, mẹ tôi mang ô trầu ra, vừa têm trầu vừa nói với giọng đầy xúc động:- Nếu không có thằng Hiếu thì không còn ô trầu này. Đây là kỷ niệm duy nhất trong nhà mình còn sót lại, cho tới chết mẹ cũng vẫn giữ cái ô trầu này.Tôi nhìn ô trầu đan cẩn thận bằng mây nay đã lên nước nâu bóng láng với chút hãnh diện. Phải công nhận cái ô trầu đẹp thật, tính ra, nó đã cận kề với mẹ ít nhất là mười hai năm. Lúc ấy, gia đình tôi sống nhờ vào một cửa hàng nhỏ bán thức ăn sáng. Cứ mỗi sáng tôi thức dậy từ bốn giờ để đến lò mổ heo, lấy bộ lòng ngon nhất đem về cho chị tôi nấu cháo. Xong, vội vàng ra mở cửa hàng, nấu một nồi nước sôi thật to, pha một bình cà phê rồi trở về nhà sửa soạn đi học. Có khi ngồi chờ nước sôi tôi ngủ gà, ngủ gật trên ghế cho đến khi chị tôi mang cháo ra, nhéo vào tai một cái đau điếng tôi mới giật mình.
Cuộc sống tuy khó nhọc nhưng chúng tôi rất hài lòng, chỉ có ba tôi thường hay trầm ngâm thả hồn về dĩ vãng. Ba thường ao ước cất được một căn nhà nơi thành phố cho gia đình rồi trở về xây dựng lại ngôi chợ ở làng xưa thì mới an lòng nhắm mắt. Và mơ ước này của ba tôi đã được toại nguyện. Sau khi theo đoàn quân về bình định làng xưa, cất xong chợ, trường học, ba tôi trở về nhà nghỉ ngơi một thời gian rồi người rời bỏ chúng tôi vĩnh viễn sau cơn bệnh ngắn ngủi trong lúc tôi đang thụ huấn quân sự ở một quân trường xa xôi không kịp về để nhìn thấy người cha thân yêu lần cuối cùng. Những nghiệt ngã của cuộc đời từ đó lại đổ trên vai mẹ tôi, làm cho mắt mẹ mờ, tóc mẹ bạc và nụ cười như tắt hẳn trên môi, nhất là từ khi tôi bị bắt vào trại “cải tạo”, vượt trại và ra đi biền biệt cho đến ngày hôm nay…
Hai mươi năm sau, ngồi trên phi cơ trở lại quê xưa, tôi cứ miên man tưởng tượng ra nụ cười nhòa lệ của mẹ khi bất ngờ ôm thằng con trai vào lòng sau bao năm dài xa cách mà tưởng chừng như giấc mơ. Chắc mẹ sẽ vuốt từng sợi tóc bạc màu của tôi và mẹ sẽ khóc, như một chiều xa xôi nào đó mẹ tìm đến thăm khi tôi vừa trốn khỏi trại giam và đang lẩn tránh vào một nơi hẻo lánh. Hai mẹ con gặp nhau được ba ngày, đêm nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng như hồi còn bé và tóc tôi đã ướt đẫm nước mắt của mẹ. Những giọt nước mắt đau xót, muộn phiền như cõi lòng tan nát của mẹ khi nhìn thấy tương lai của con mình đang chìm vào tăm tối tuyệt vọng.
Tôi thầm cám ơn nhà tôi đã sắp xếp cho tôi chuyến đi này trong hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Khi thấy hình ảnh mẹ tôi lom khom với chiếc gậy trong cuốn video do bà chị họ đi về Việt Nam mang qua, nhà tôi nói:- Em không muốn mình phải hối hận cả đời vì không còn dịp để gặp mẹ.
Tôi nghe lòng quặn đau khi nhớ đến hai con gái thương yêu bật khóc khi tôi cúi xuống hôn từ giã để bước lên phi cơ. Rồi tôi tự hỏi, không biết mẹ đã bao lần quặn đau trong cuộc đời vì những gánh nặng phân ly sinh tử: Hai người anh và đứa em trai của tôi qua đời khi còn nhỏ. Ba tôi vĩnh biệt ngàn thu. Tôi, vẫn còn sống nhưng đã nghìn trùng biệt xứ.
Khi về ngang bến phà Cần Thơ, chợt nhớ đến cái ô trầu của mẹ, tôi tự nhủ, lần nầy nhất định tôi sẽ ghé chợ mua một xấp trầu ngon nhất và tự tay sắp vào ô trầu cho mẹ như những ngày còn bé, một điều mà tôi đã quá vô tình trong những năm tháng trưởng thành ở quê nhà.
… Sau nỗi vui mừng đoàn tụ, tôi sực nhớ gói trầu tự nãy giờ bỏ quên trong đám hành lý ngổn ngang. Nhìn quanh quất chẳng thấy ô trầu của mẹ đâu, tôi hỏi:- Cái ô trầu mẹ đâu rồi?
Mẹ lặng thinh ngơ ngác.- Hình như mẹ đã quên mất với cái tuổi tám mươi hai. Mẹ quên nhiều chuyện lắm em ạ!
Chị Hai trả lời rồi kể tiếp:- Em còn nhớ không, sau tháng tư bảy mươi lăm, em bị đưa đi cải tạo ở Chi Lăng một năm rưỡi, không thư từ tin tức, mẹ buồn lo gầy sút người, tóc bạc hết. Khi nhận được lá thư đầu tiên của em, chị mới thấy mẹ nở một nụ cười.
Tôi chợt lặng hồn về dĩ vãng nghiệt ngã trong những năm bị tù đày. Giọng chị tôi vẫn đều đều như tiếng vọng từ một quá khứ xa xôi.- Chị còn nhớ trong thư em viết: “Mẹ và các chị đừng lo, lúc này nhờ cách mạng chăm sóc tốt nên em mập lắm, nặng tới bốn mươi ký, em còn nằm mơ thấy mẹ cầm một tán đường thẻ vàng cười với em”. Chị biết, em nói vậy có nghĩa là đã ốm đi mười tám ký. Lúc đó, nhà mình không có tiền, chị Tư bán chiếc nhẫn cưới, chị bán mấy cái áo dài để mua thức ăn và có tiền xe để mẹ và chị đi thăm em. Đến chiều, kiểm lại đồ đạc lần cuối mới chợt nhớ chưa có đường thẻ cho em. Tiền thì không còn đủ mà cũng không biết mượn ai, mẹ liền sai thằng Vũ đem ô trầu sang bà Tám đổi một ký đường thẻ vàng cho em, vì có lần bà trầm trồ cái ô trầu của mẹ và hỏi mua ở đâu…
Tôi bước tới, lấy gói trầu đặt lên bàn tay khô cằn của mẹ mà không ngăn được những dòng nước mắt nghẹn ngào:- Mẹ ơi!
Trần Yên Hạ

               

Để Gió Cuốn Đi - Hiền Thục

Đẹp thay đạo đức của bà Trầu,
Tấm lòng lưu giữ đến ngàn sau....
Gương lành rạng rỡ tâm từ ái,
Giúp người đâu chỉ kẻ sang giàu ?! 
NM

TRUYỆN NGẮN MỘ BÀ TRẦU

Con rạch  rộng khoảng gần chục mét, rong rêu và cỏ năn mọc kín.  Hai bên  bở lác đác những cây dâu, cây cậy khẳng khiu. Một chiếc cầu  đá  bắc  qua  con rạch  nối con đường mòn từ làng tôi đến làng  Đọ.  Cạnh  cầu đá có cây đa cổ thụ soi bóng xuống con rạch. Người ta gọi đó là cây đa Cầu Đá.
Cách đây lâu lắm, không nhớ rõ năm tháng nào, có một người đàn bà sinh sống  ở gốc đa này. Bà khoảng năm chục tuổi, thân hình nhỏ bé, khuôn mặt phúc hậu. Điểm nổi bật nhất ở bà là trừ khi ăn cơm còn lúc nào cũng nhai trầu . Không ai biết danh tính và quê quán bà ở đâu, dân làng quen gọi là bà Trầu.    
 Ngày ấy  hai bên đầu cầu có vũng lội. Làng tôi bảo vũng lội đó thuộc làng Đọ thì làng Đọ phải đắp. Ngược lại, làng Đọ nói vũng lầy ấy thuộc địa phận làng tôi. Hai làng cứ đùn đẩy nhau như vậy,  nên vũng lầy rộng mãi ra, khách bộ hành đi lại rất khó khăn. Người gồng gánh bị đổ vỡ, có những ông bà già trượt ngã, nhất là ban đêm lọ mọ đi qua vũng lầy ấy.               
 Hiểu nỗi khổ của người qua đường, bà Trầu khi ấy còn khỏe ngày ngày túc trực bên cạnh vũng lầy. Bà sẵn sàng gồng gánh giúp những người buôn bán, hoặc cõng ông già bà lão qua vũng lầy. Ban đêm bà thắp ngọn đèn chai, báo hiệu  cho mọi người biết vũng lầy, và cũng sẵn sàng giúp đỡ  người qua đường. Ai  cho vài xu hoặc lon gạo, mớ rau tùy lòng, bà không than thở, van xin. Nắng cũng như mưa, cả những đêm đông rét cắt da thịt, bà vẫn một mình ở gốc đa, làm công việc đó. Hình ảnh bà in đậm lòng dân làng và khách bộ hành        
 Vào một buổi sáng, người đi đường không thấy Trầu đứng bên vũng lầy. Nhìn quanh thấy bà ngồi dựa vào gốc đa. Mọi người gọi, bà  không thưa, tới lay, thì thấy bà đã chết tự bao giờ rồi. Thân hình  nhỏ bé gầy ốm quắt queo như cây sậy với khuôn mặt hiền lành phúc hậu của bà  lạnh  ngắt trong bộ  bộ quần áo nâu nhiều mảnh vá, miệng bà vẫn ngậm miếng trầu.
     Quanh năm suốt tháng làm nghề ăn xin và giúp người qua lại vũng lầy, bà Trầu chẳng có tài sản gì ngoài cái niêu đất và ông bình vôi.  Dân làng gom góp tiền mua cho bà chiếc hòm và chôn bà gần gốc cây đa              
 Bà không có con cái người thân, nhưng đám tang rất đông. Các cụ trong làng làm lễ  rước hồn  bà về chùa để bà nương nhờ cửa Phật. Tám cụ bà đội khăn đóng, mặc áo tứ thân, thắt lưng điều, cầm bơi chèo, chèo thuyền chở hồn bà Trầu                                
Dô hầy                           
Dô hầy . 
Nhổ sào mà đẩy! 
Mà đẩy thuyền lên! 
Ngược dòng bể khổ! 
Cho hồn lên tiên
Chèo lên cho đến cõi tiên...
Lênh đênh mặt nước về miền bồng lai... 
Dô hầy!        
 Ngôi mộ bà Trầu  không không có bia mộ, nhưng mỗi ngày lại cao thêm, bởi  mỗi người khi ngang qua đều bốc một nắm đất đắp lên  để tỏ lòng thương tiếc bà. Cạnh ông bình vôi trên mộ bà lúc nào cũng có trấu cau tươi. Có tin đồn bà rất linh thiêng, ai muốn cầu xin điều gì  ra thắp nhang thành tâm khấn , bà đều phù hộ. Ngôi mộ vô danh càng cao và ngày đêm nghi ngút hương khói. 
 Ngày còn bé tôi thường đi đánh dậm ở rạch Cầu Đá. Trước khi xuống rạch,  tôi cầm chiếc giỏ  khấn trước mộ bà Trầu : “Bà phù hộ cháu được đầy giỏ cá cháu sẽ mua cho bà quả cau lá trầu tươi !”  Có đêm  mưa rào, tiếng ếch kêu uôm uôm ở rạch  Cầu Đá, chúng tôi rủ nhau đi bắt, cũng khấn bà Trẩu phù hộ.             
Thời gian trôi đi, bao nhiêu  đổi thay. Người ta phá chiếc cầu cổ kính lấy đá nung vôi, thay vào một chiếc cống bê tông. Con đường được rải nhựa. Cây đa cổ thụ càng già cỗi, bão đánh đổ , dân làng trồng một cây đa khác. Rạch nước nông cạn hơn, hai bên bờ bị lấn, có chỗ nhỏ tóp lại, trở nên ngoằn ngoèo. Những cây dâu với những chùm quả chín thẫm ngày xưa cũng bị chặt hết , bờ rạch um tùm cỏ dại và gai mắc cỡ. Nhưng mộ bà Trầu vẫn không ai xâm phạm, vẫn có khói nhang, và vẫn có trầu cau bên bình vôi . Dân làng vẫn dành cho bà tình yêu thương, kính trọng như hàng chục năm trước.             
  Năm kia tôi về thăm quê, thấy cạnh gốc đa, trước mộ bà Trầu, mọc lên ngôi miếu thờ , mái ngói đỏ tươi.            
 Tôi đến thăm thầy giáo Quỳnh, người dạy tôi từ năm lớp ba, gần sáu chục năm trước. Thấy bảo   có người đàn ông khoảng bảy chục tuổi, đưa con cháu đến  nhận mộ và sau đó thuê xây miếu. Người ấy  nói, đây chính là mộ bà tổ cô mình. Câu chuyện  mang đậm tính liêu trai, rằng vào  năm  Bính Tý, 1936,  gia đình ông nội ông  chết đói gần hết,  còn lại phiêu dạt khắp nơi. Trong số người phiêu dạt  có bà tổ cô này. Bà  không có chồng con, từ nhỏ đã nổi tiếng hiền hậu, chăm làm, hay giúp đỡ người khác.  Sau bao nhiêu năm  tìm kiếm khắp nơi , vừa qua ông được bà tổ cô về báo mộng, chỉ đường cho ông tìm tới tận nơi bà yên nghỉ.             
   Không ai  tìm hiểu câu chuyện đậm nét liêu trai kia sự thật đến đâu, ngược lại mọi người  rất hoan hỉ với gia đình người nhận mộ. Dân làng tình nguyện  góp thêm công của xây ngôi miếu.  Hôm khánh thành ngôi miếu, cả  làng tập trung  dâng hương. Ngôi miếu bà Trầu trở thành một di tích văn hóa tâm linh của làng tôi.           
Thầy giáo Quỳnh nói với tôi:
    -Dẫu  không phải mộ của gia đình người ta thì cũng đáng trân trọng! Một bà lão ăn xin vô danh, làm được một việc tốt giúp dân,tình cảm đọng lại trong lòng dân và lan tỏa  như vậy .  Thời gian tìm đến cái chết , mọi thứ  đều sẽ bị hủy diệt bởi thời gian, nhưng  tình yêu tìm đến linh hồn, vì vậy mà tình yêu bất tử.             
Thầy Quỳnh năm nay đã chín mươi tuổi, nhưng vẫn minh mẫn. Mỗi lời nói của thầy như được chắt lọc từ cuộc sống mà thầy đã trải qua gần một  thế kỷ            
Trong lúc nói chuyện về ngôi mộ bà Trầu, thầy bảo ở làng Vọng có một trường hợp đương đại,  hoàn toàn ngược lại với chuyện bà Trầu. Ở làng ấy, có người tên Lê Đắc, một  cán bộ to nhất nhì tỉnh. Thời hàn vi ông ta được làng xóm cưu mang, nhưng khi làm quan thì độc ác tham lam vô độ. Ông ta   đục khoét, trấn lột dân không trừ cả nơi chôn rau cắt rốn mình. Hàng chục  mẫu  ruộng của bà con làng Vọng, bị ông ta ký quyết định thu hồi, cho Trung Quốc thuê xây dựng nhà máy chế  biến  cao su. Gía bồi thường chỉ có 50.000 đồng một mét vuông. Bà con không nhận tiền, không giao đất vì biết ông ta và đồng bọn cho Trung Quốc thuê, thực tế là bán, giá 500.000 đồng một mét. Ông ta ký lệnh cưỡng chế, cho  công an  bắt giam những  người chống đối lệnh cưỡng chế đó. Gia đình ông ta giàu sang ít người sánh bằng nhờ tiền tham nhũng.            
 Năm kia ông ta bị ung thư, đưa sang Singapore chữa gần một năm, tốn kém hàng chục tỷ không thoát chết. Lễ tang tổ chức trên tỉnh rất linh đình, nhưng tuyệt nhiên không có người dân làng Vọng nào, ngay cả người trong họ Lê đi viếng.             
  Thầy giáo Quỳnh nói với tôi:
  - Không biết của cải ông ta để lại, con cháu ông có giữ được lâu không, nhưng cái tình của ông với dân làng  thì hết sạch rồi, có chăng chỉ còn bia miệng tiếng đời!                 
 Tôi thắp nén nhang trong  miếu thờ bà Trầu. Lời thầy Quỳnh vẫn văng vẳng  bên tai tôi:
       -Thời gian tìm đến cái chết, tình yêu tìm đến linh hồn, vì vậy tình yêu là bất tử. Tình yêu làm  cho người ta đáng sống, hận thù làm cho người ta phải sống và, dù đi đâu ở đâu thì mình cũng là một phần của mảnh đất này  
     MINH DIỆN (BVBONG)
                                           

Vì Tôi Nghèo

Phận bạc
Cánh cò lặn lội giữa dòng sông,
Oằn vai gánh nặng gánh trầu không....
Một đời cực nhọc vì con cháu,
Ngoại tôi phận bạc kiếp long đong !!
NM

Chuyện Buồn Của Một Gánh Trầu Không 

Mấy hôm nay ngọai tôi như người mất trí. Bà cứ khăng khăng đòi tụt xuống giường để đi đến một nơi nào đó, với những người nào đó, ở một cõi xa xôi nào đó. Hồi chiều, khi thấy bà nằm thiêm thiếp, tôi vội chạy ra sau làm vài việc vặt. Nhưng chưa được năm phút thì một tiếng động lớn vang lên khiến tôi giật nảy mình. Chạy vào thì bà đã nằm dưới đất. May thay bà chỉ tụt cặp chân xuống trước nên không bị chấn thương. Kể từ đó bà cứ nói huyên thuyên tới sáng và tôi cũng phải kê ghế bố nằm thức để canh chừng bà.
Nhắm nghiền đôi mắt mù lòa, gương mặt ốm yếu đầy những vết nhăn nheo của chín mươi năm dài cơ cực hằn lên một nét buồn muôn thuở, ngọai tôi một mình độc thọai với những người muôn năm cũ. Những lời nói không đầu không đuôi cứ lần lượt vang lên trong đêm trường vắng lặng, như tiếng thở dài trầm lắng thương cho thân phận người mẹ ở miền quê nghèo nàn miền nam trung bộ:

- Năm ơi, chờ dì đi với con. Gánh trầu của dì nặng quá…
- Hai ơi, trưa nay chờ dì về với, nghe con….
- Bảy ơi, con bán cho dì đôi dép hai ngàn nghe con, dép của dì đứt rồi. Ngày nào cũng gánh gánh trầu đi tới hai mươi cây số, dép guốc nào mà chịu nổi hả con?. . . . .

Những lời nói của ngọai tôi giữa đêm khuya vang lên lồng lộng, và nó nghe sao to lớn, dõng dạc, như tiếng nói của một người thiếu phụ sớm mất chồng, một mình lam lũ bán một gánh trầu không nuôi ba đứa con thơ ăn học thành người tử tế, để rồi suốt cả thời gian già yếu không được đứa con nào chăm sóc, chỉ sống heo hút một mình với đứa cháu ngọai thân yêu ……. .

Khi lên lớp bốn,lớp năm, tôi theo ba mẹ về sống ở Quy Nhơn. Ngọai tôi thương nhớ các cháu nên cứ mỗi hè về bà vượt cả nghìn cây số để đi xe đò ra thăm và ở lại Quy Nhơn vài ngày. Những ngày bà ngọai ra thăm, chúng tôi vui mừng khôn xiết vì bà mang theo cả một giỏ “cần xé” tòan là thức ăn: nào là bánh tráng Chợ Lầu, nào là cá đuối khô, nào là món bánh rế, nào là mật ong…. Buổi tối chúng tôi thường ngồi trong lòng ngọai, nghe ngọai kể chuyện Thạch Sanh Lý Thông, Lâm Sanh Xuân Nương bằng thơ thật hay, có lẽ nhờ thế mà sau này tôi làm thơ hay thì phải! Tôi cứ nhớ mãi các câu thơ vô cùng “ấn tượng” như sau:

Thạch Sanh ngồi tựa hàng da.
Thấy nàng công chúa bay qua đỏ lòm.
Thạch Sanh đứng dậy mà dòm
Thấy nàng công chúa đỏ lòm bay qua……

Giọng của ngọai cứ ngân nga, đều đều ru tôi chìm sâu vào giấc ngủ, trong đó có chàng Thạch Sanh giương cung bắn chết đại bàng để giải cứu cho nàng công chúa. …….

Rồi những ngày thăm viếng của bà ngọai cũng trôi qua. Hè cũng đã đến với tiếng ve sầu nỉ non ngòai bậc cửa. Tôi được nghỉ hè. Và thế là bà ngọai cố gắng nài nỉ xin cho mang tôi về chơi quê ngọai trong ba tháng hè.

Tôi cứ nhớ mãi những ngày hè trong mộng ấy. Ban ngày, ngọai cho tôi vào học tư với một ông thầy ở Xóm Miễu. Chiều đến, tôi chạy ra chợ phụ ngọai gánh trầu về. Nhưng phụ thì ít mà làm nũng thì nhiều. Bà ngọai lúc nào cũng để phần cho tôi nào là bánh ít, bánh cam, nào là những quả chùm quân kết làm sâu chuỗi cho hòa thượng. Và thế là hòa thượng cứ vừa tụng kinh vừa xơi xâu chuỗi cho đến hết thì cũng hết tụng kinh.

Kỷ niệm của tôi với ngọai nhiều vô số kể, như có dạo nghe Út Trà Ôn hát bài tân cổ Sầu vương Ý nhạc hay quá, tôi dặn ngọai chiều về phải mua cho tôi để tôi tập hát. Nhưng đến tối mịt ngọai về, nghe tôi hỏi, ngọai lắc đầu nói rằng: “Ngọai có hỏi rồi mà ông bán truyện nói ổng không có quyển “Giương cung bắn nhạn“ đâu con ạ!” Thế là tôi được dịp làm nũng khóc cả đêm cho đến khi buồn ngủ quá gối đầu lên gối ngọai mà ngủ thiếp đi, tai vẫn nghe ngọai đọc thơ Lâm Sanh Xuân Nương, Thọai Khanh Châu Tuấn với giọng thật buồn như tiếng thở than cô đơn của người góa phụ, trong khi tay ngọai cứ thoăn thoắt dẽo những lá trầu hư để mai kịp bán phiên chợ sáng. Không biết ngọai ngồi một mình suốt đêm trong ánh đèn dầu leo lét, ngọai có rơi nước mắt khóc thầm vì nỗi cô đơn có chồng mất sớm và phải sống xa con không nhỉ?

Cuộc đời ngọai tôi như một tiếng tắc lưỡi của thạch sùng. Cậu Ba tôi thì say mê văn chương thi phú, suốt đời như người trong mộng chỉ biết xin tiền ngọai để tiêu xài với bạn bè thôi. Còn cậu Tư thì thương mẹ nhưng không được sống gần, mãi đến sau này khi tôi về sống với ngọai thì cậu mới giao hẳn cho tôi chăm sóc. Ngọai thương nhớ các con trai, lúc nào cũng nhắc đến con với vẻ trìu mến, thương yêu,và ngọai cứ ngày đêm trông ngóng được gặp mặt các con. Tình thương của ngọai thật bao la như biển cả.

Khi về sống với ngọai, vợ chồng tôi còn rất khổ. Chúng tôi phải làm rẫy ở cách nhà hai mươi cây số. Hai dứa con còn nhỏ phải để ở nhà, khóa cửa nhốt đến trưa ngọai về mới tắm rửa, cho ăn và ru các bé ngủ. Tình cảm giữa các cháu và bà cố thật là sâu nặng. Mãi đến khi các cháu lớn lên và vào đại học, về thăm nhà bà vẫn lén lút đút túi cho cháu ít tiền xài. Các cháu rất yêu quí bà, đi học xa vẫn điện thọai thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và chúc bà được sống lâu…. .

Trần Tế Xương đã có lần khen tặng vợ như sau:

Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi nổi năm con với một chồng
Lặn lội thân gầy nơi quảng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ thôi đành phận
Năm nắng mười mưa há quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không…

Ngọai tôi không có chồng hờ hững, nhưng ông đã mất đi khi bà còn rất trẻ. Bà ngọai không tái giá. Sống cô đơn với một gánh trầu không, ngọai tần tảo nuôi các con ăn học thành tài. Các con lớn lên sống xa quê, ngọai về ở với cháu. Cuộc đời buồn nên ngọai rất bao dung. Tôi nhớ những đêm mưa buồn não nuột, tôi nằm gối đầu lên gối ngọai lắng nghe bên bờ sông vắng tiếng lòai chim đi ăn đêm vang lên tiếng kêu thật buồn thảm “ rù rì…rủ rỉ…. rù rì…. ”. Mỗi lần nghe tiếng con chim này kêu, tôi thu mình sợ hãi và ngọai đã an ủi tôi như sau: “Con đừng sợ, đó chỉ là tiếng chim rù rì tìm kiếm bạn tình thôi, con ạ. Ngày ấy, tôi chưa đủ khôn lớn để nghĩ rằng lúc đó hẳn ngoại tôi cũng đang khóc thầm mà tự nhủ: “Ông ơi,sao ông nỡ bỏ tôi cô độc giữa cuộc đời này…. ”

Tiếng gà đâu đó gáy vang lên. Trời đang sáng.
Ngọai tôi không còn nói mê nữa…bà đang thiêm thiếp ngủ. Bà đang nở một nụ cười thật là phúc hậu.
Tôi cũng mơ màng thiếp đi, nhưng bỗng giật mình thức giấc vì tiếng nói của bà lại vang lên…
“Ngọc đâu, Bi đâu. Kêu tụi nó vô đây bà đút cơm cho nó ăn, tội nghiệp quá, hai đứa nó nhịn đói từ sáng dến giờ…”
Tôi muốn òa lên khóc. Trời ơi, các cháu đã lớn và đang học đại học mà ngọai.

Nước mắt cay xè, tôi trả lời bà qua tiếng nấc…. ”Ngọai ơi, là con đây, cháu ngọai của ngọai đây. Ngọai hãy ngủ đi, ngủ yên đi với giấc mơ của một cánh cò đang lặn lội dưới dòng sông …

Ngô Lạp
 

Liên Khúc Nghèo - Tuấn Vũ

  Chỉ để lại đây một túi trầu,
         Chơ vơ đôi mộ kiếp sầu đau.... 
          Gốc đa nương tựa đôi hồn tủi,
           Lưu lại nhân gian một nỗi sầu..   
NM 
NM 
 

Cây đa và túi trầu

 Mùa hè trời nắng như đổ lửa, đốt cháy cái không khí mà mấy ngày trước còn sặc mùi ẩm ướt. Ngoài đường đã vắng bóng người, duy chỉ có bà Ninh khọm khọ lần đi dưới nắng. Cái bóng già đeo đét hắt xuống đường chuyển động một cách nhẫn nại.
Ở cái xóm núi nghèo xơ xác này đa số là người Cơ-tu, chỉ lưa thưa vài mái nhà người Kinh nhập cư. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu, bẽn lẽn nhìn tụi con nít Thượng ăn trái cà na. Chúng nuốt từng miếng ngon lành, khóe miệng đứa nào cũng bẹp nhẹp nước dãi. Những đứa trẻ ốm nhách, đen bóng và khét lẹt nắng. Chúng dạy tôi phát âm tiếng Cơ-tu, tôi nhẩm hoài câu “a dít kiêng a ty” mà chẳng hiểu nghĩa nó là gì, chỉ biết cười ngờ nghệch theo tụi nó.
Từ nhỏ gia đình tôi đã rời quê để lên vùng núi cho ba thuận công việc, và cũng chính nơi đây đã gắn tôi với những kỷ niệm về trái cà na, trái bứa rừng, cái thứ tiếng mà người ta gọi mẹ là Amế. Mà nhất là đám trẻ con đen quắt và bà Ninh già nghiện rượu.
Ngày nào cũng vậy, bất kể sáng sớm, trưa đứng bóng hay ngả chiều, hễ xúc được mớ tôm tép là bà lại mang sang nhà tôi đổi rượu. Chỉ mỗi rượu mà không phải là món hàng gì khác. Có lúc uống xong, bà ngã lăn ra hiên nhà làm má tôi phát hoảng, cứ ngỡ bà trúng gió. Có lần tôi thắc mắc hỏi má tại sao mỗi lần bà Ninh say rượu má đều lấy vôi vạch chữ thập ở lòng bàn chân. Dần dần tôi biết đó là cách để giải rượu mà má làm được cho bà.
Bà Ninh ở một mình trong cái nhà nhỏ, nói là nhà nhưng có lẽ nó giống cái chòi hơn. Xung quanh nẹp toàn lá nón, trên giàn bếp lúc nào cũng có vài con ếch khô lủng lẳng ám đầy khói bếp, nơi hốc nhà còn vài chum ché cũ, cái bị sứt miệng, cái lành lặn thì bị rạn nhiều đường sậm màu, đó là tất cả tài sản khi bà cưới chồng còn giữ lại được. Tụi con nít trong làng đứa nào cũng sợ bà chết điếng mới thôi. Những đêm trăng mờ, bà lại ra gốc đa gần nhà tôi nhảy múa, hát điệu gì chẳng ai nghe rõ, có hồi thét thật to rồi có khi cười sặc sụa. Chiếc xà-lùng cũ rạc, bạc phết quấn quanh người thành những vòng lộn xộn, cộm lên ở ngực. Ðầu tóc rối xù bị xốc theo những bước nhảy chệnh choạng.
Sương núi trùm lấy bà chẳng khác nào một vong hồn còn vương nợ đời chưa chịu siêu thoát. Những người lớn trong làng không coi đó là điều kỳ lạ đã từ mấy năm nay. Người nói bà say rượu, người thì nói bà bị ma bắt hành vậy. Rồi người ta xem bà như một kẻ điên mà mặc kệ. Duy chỉ có chúng tôi chẳng đứa nào dám lại gần, vừa sợ nhưng vừa thích thú theo dõi cái bóng đen kịt đang uyển chuyển. Cả đám im thin thít. Có đứa sợ quá không dám về, phải đợi có người lớn nào đi qua thì phóng vụt theo thật nhanh.
Từ sáng, người ta đã thấy bà lững thững vác vợt và cả chiếc giỏ buộc lủng lẳng ở hông đi vào rừng, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Bà lần theo dòng suối nhỏ ven bìa rừng xúc cá, trưa về, lại ghé nhà tôi. Má nhiều lúc không muốn bán thì bà hết năn nỉ than tội nghiệp rồi chửi bới, má cũng đành chịu. Ở đây người ta lo làm ăn, chạy từng bữa rồi cũng chẳng ai để tâm đến. Nghe đâu bà có đứa con trai năm nay cũng vừa chừng hai mươi nhưng bỏ nhà đi biệt, cũng tại bà nghèo quá không có của làm quà thách cưới, nó giận rồi bỏ nhà đi.
Chẳng ai biết nó đi đâu mà tìm, đến khi người ta mang xác nó về bà mới biết nó bỏ vào Hang Chuột làm phu vàng, bị sốt rét rồi chết. Bà thương khóc con hóa ngây ngây dại dại, lấy rượu mà hành hạ cái mạng số nghèo mạt rệp, đến nỗi để con chết bờ chết bụi. Nhìn cả người bà ướt chẹp nhẹp, trên gò má nhăn nheo còn dính bùn khô ai cũng nẫu lòng. Rượu vào bà lại bạ đâu nằm đấy, có lúc tiểu tiện cả ra áo quần. Nhớ có lần, uống xong đi được vài bước bà ngã lăn ra gốc vú sữa trước sân nhà tôi, bất tỉnh nhân sự, khó khăn lắm mấy má con tôi mới đưa bà vào tấm phản trước hiên. Cũng lần đó mà hai anh em tôi biết thế nào là cảm giác say trầu. Thấy mấy Mế ăn trầu chóm chém, miệng đỏ au, chúng tôi cũng bắt chước hái đọt gai mâm xôi nhai nhuyễn rồi phun ra thứ nước miếng đỏ sậm rồi cười thích thú lắm.
Lúc bà Ninh tỉnh dậy, bà lơ huơ tìm túi trầu, vẻ mặt như chưa tỉnh hẳn cơn say. Tôi đứng ở cột nhà nhìn thấy nó rơi trong kẽ phên nhưng giả bộ làm ngơ. Ðợi bà đi mất, tôi sử thằng em bò xuống phản lấy túi trầu chạy thót ra đống cỏ sau chuồng bò, cũng quệt vôi, cũng nhai vỏ chay, thấy miệng cay cay, thằng Út nhăn mặt đáng thương. Có lẽ vì nuốt nước trầu nhiều quá nên hai đứa say chổng vó. Ðầu ung lên nhức buốt, cả hai lăn ra ngủ trên đống cỏ khô lúc nào không hay, làm má đi kiếm cả buổi trời không thấy. Tôi bảo nó giấu túi trầu đi, treo trên xà chuồng bò sẽ chẳng ai biết được.
Ðến tối, mấy đứa con nít kéo qua nhà rủ hai anh em tôi chơi trốn tìm, đêm trăng sáng rọi xuống cánh rừng phía xa một màu vàng nhạt, những mái nhà thưa thớt để lọt vài đường sáng qua kẽ phên lặng tờ, lâu lâu vẳng lại tiếng cú kêu đêm, rồi những con đom đóm lập lòe dưới bóng cây đa chỗ ngõ quẹo. Cả làng tôi lọt ủm trong thung lũng mà bao phủ xung quanh là những dãy núi đen kịt, sừng sững. Chỉ có con đường phảng phất cái ánh sáng của trăng, nằm ngoằn ngoèo vắt qua sườn đồi là trông rõ nhất. Ðó là tất cả những gì về đêm tôi có thể thấy được ở mảnh đất này, sự tịch mịch mờ ảo lẩn trong sương núi.
Ðêm nay bà Ninh không ra nhảy múa, đằng nhà bà cũng tối thui không đèn đóm gì cả. Có đứa nói bà say rượu, ngủ quên nên không bật đèn. Cứ như mấy dạo mỗi lần bà lọ mọ tới gần, cả đám tán loạn bỏ chạy hụt hơi. Dù không nói ra nhưng đứa nào cũng nghi ngại ngóng chừng.
Trời tờ mờ sáng, má đã gọi anh em tôi dậy trông nồi rượu đương bắt trên bếp để má đi chợ bán măng. Hai đứa mắt còn mớ ngủ nhìn gánh măng nặng kĩu kịt trên vai má khuất sau ngõ quẹo tự nhiên thấy thương má quá chừng.
 Cời bếp than nồi rượu xong, tôi rủ thằng Út chơi bắn ống thụt. Lâu lâu, thi nhau chạy ra ngõ ngóng má, nhiều lần tôi hét lên “má về…, má về rồi”, thằng nhỏ nghe vậy phóng vụt ra, thấy đường vắng tanh không một bóng người mặt nó ỉu xìu, tội nghiệp. Bữa nay chắc chợ ế nên má về trễ, hai đứa ngồi trên tấm phản ao ước những bịch chè mát rượi, chợt thằng Út thắc mắc vì không thấy bà Ninh. Mấy hồi chỉ thấy bóng bà ở ngõ thì trong nhà nó đã vụt đi núp thật kỹ, vậy mà không thấy bà nó thấy nhơ nhớ.
Huyên thuyên một lát, cả hai đứa ngủ béng trên phản lúc nào không hay, chỉ khi nghe tiếng ới ới hốt hoảng của má và mấy người trong làng, tôi vùng dậy. Má luống cuống vứt đôi gánh ở hiên, chạy ra theo đoàn người. Hai người đàn ông khiêng chiếc võng đẫm ướt, từng giọt nước rơi xuống tan nhanh vào đất thành từng hàng dài cong queo trên con đường mòn dẫn vào làng. Người ta dừng lại ở nhà bà Ninh. Tôi chẳng kịp nghĩ ngợi, băng vụt đi. Thằng Út thấy vật cũng ùa theo. Tiếng bàn tán rộn lên, vẻ mặt ai cũng đầy đau xót lẫn hoang mang.
Xác bà Ninh được đặt xuống chiếc giường nứa nhỏ trước sân nhà bà, mái tóc bạc bẹp nhẹp nước quấn vào mặt, vào cổ, cả thân người bà đã tái nhợt, cúng đờ lại. Thằng Út chen vào, thấy vậy nó lùi lại khóc ré lên, ôm chầm lấy tay tôi. Mấy đứa con nít xúm lại tò mò nhưng rồi chúng cũng tản ra nhanh chóng, những đôi mắt to tròn tinh nghịch ngấn đầy nỗi hoang mang, chúng hốt hoảng nhưng không nói một lời rồi lủi ra sau lưng người lớn, chỉ dám len lén nhìn.
Người ta đi rẫy kể lại, họ phát hiện xác bà nằm dưới con suối, vào mùa hạn nước chưa đến dưới gối. Có người nói bà bị chúi đầu xuống bị sặc nước mà chết, có người nói bà bị trúng gió. Người mê tín nói ma da nhận bà chứ nước cạn thế mà.
Mọi lời bàn tán rồi cũng lùi dần sau tiếng chiêng trống người làng làm ma cho bà. Từng làn khói bay tỏa lên làm cảnh vật ở làng tôi thê lương đến đáng sợ. Tội nghiệp, thằng Út sau khi về nó buồn thiu, chạy ra chuồng bò, nó nhìn mãi túi trầu của bà như sắp khóc. Tôi cũng buồn. Tự dưng cảm giác hối hận cứ trào lên làm tôi khó chịu, cứ lo sợ bà hiện về đòi lại, thêm những lần tôi đong bớt rượu cho bà, rồi hùa theo đám con nít giễu cợt mỗi khi bà đi ngang, bao nhiêu là điều không phải.
Thời gian cứ chầm chậm trôi. Trong làng tôi mỗi khi có người vừa chết thì chập choạng tối người ta đã đóng cửa thật kỹ, không một ai qua lại. Mấy đứa con nít cũng im bặt, lâu lâu chỉ len lén nhìn về phía gốc đa chỗ cua quẹo, chẳng có gì ngoài cái tịch mịch của rừng núi. Lũ đom đóm lập lòe quanh quẩn chỗ tối càng làm cho bóng tối thêm thâm u và đáng sợ.
Bẵng đi một thời gian, làng tôi cũng dần trở lại cuộc sống bình thường, đám con nít nhắc lại trong những tiếng cười trong trẻo, ngôi nhà lá của bà bị bỏ hoang lạnh ngắt. Hai mồ đất nằm cạnh nhau lồ lộ trên sườn đồi, gió lộng rít lên như tiếng nói của hai mẹ con bà vẳng lên rộn rã. Bên nấm mồ của bà ai cũng nhìn thấy cây đa nhỏ trên cành treo túi trầu đã xỉn màu. Không ai biết người nào đã trồng cây đa ở đó, và cả cái túi trầu được buộc chặt bên ngôi mộ của hai con người đáng thương ấy. Nhưng với hai anh em tôi, đó là tất cả những gì gợi lại trong ký ức về bà Ninh già tội nghiệp.
  
 Cẩm Giangd

“THƯA MẸ, HOA CAU ĐÃ RỤNG TRẮNG VƯỜN TRẦU!”
 “Anh về cuốc đất trồng cau,
Cho em  trồng ké dây trầu một bên
Mai sau trầu nọ lớn lên
Cau kia ra trái làm nên cửa nhà”
Ca Dao

   “Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi… ”Vâng! mỗi người chỉ có một quê hương nơi mình được sinh ra và mỗi người chỉ có một người mẹ trong đời. Quê hương và người mẹ như bóng mát là ký ức thiêng liêng sâu thẳm là điểm tựa cho ta lớn lên là ủi an vỗ về khi ta gặp trắc trở - đơn côi – hoạn nạn trong đời …
   Tôi cũng như bao người Việt Nam khác, hình ảnh người mẹ luôn gắn bó thân thương, mẹ tôi suốt đời vắt kiệt sức mình cho gia đình và vì cuộc sống con cái, mẹ bươn chải tảo tần nơi chợ đời, công việc hàng ngày của mẹ là buôn bán trầu cau ở chợ làng gần nhà. Thời đó, làng quê tôi đất đai mênh mông nhà tôi có khu vườn rộng lớn trồng trầu cau, từ sản phẩm của vườn nhà, mẹ tôi mỗi sáng gồng mình quang gánh trên đôi vai chai sần đem ra chợ bán kiếm tiền lo trang trải cuộc sống gia đình và anh em chúng tôi  lớn lên – thành đạt nhờ công sức của mẹ, từ lá trầu - quả cau vườn nhà, tuổi ấu thơ  của anh em chúng tôi chỉ biết vô tư đùa nghịch thỏa thích trong vườn trầu – cau, cứ mỗi dịp hoa cau nở trong vườn nhà tôi thơm ngào ngạt ngào mùi hương cau tinh khiết, tôi ra vườn khoái chí hít căng lồng ngực và mải miết chạy theo những cánh bướm bay chao đảo trong vườn, lúc ấy hoa cau đã rụng lác đác trong vườn.
   Tôi nhớ, có lần mải miết ngắm nhìn lọ hoa được mẹ cắm bằng hoa cau và nền trang trí bằng những lá trầu, mẹ biết tôi có nhiều suy tư về câu chuyện cổ tích, mẹ âu yếm nhìn tôi giảng giải: Chuyện xảy ra vào thời Vua Hùng Vương, thời ấy tương truyền  rằng  có một người đàn ông cao lớn phương phi khác thường được Vua triệu về kinh đô Phong Châu ban thưởng  phong tặng danh hiệu Cao và từ đó có tên là họ “Cao”. Dòng họ Cao sinh ra hai anh em sinh đôi giống nhau như đúc đặt tên là Tân và  Lang. Khi Tân và Lang lớn lên đến tuổi lập gia đình có thầy đồ nho họ Lưu có lòng cảm mến muốn gả con gái xinh đẹp cho nhưng không biết ai là anh nên ông có sáng kiến mời hai anh em đến nhà dùng cơm, khi hai anh em đến nhà trên bàn ăn chỉ có một bát cơm và một đôi đũa, theo thông lệ phong tục hiếu lễ Việt Nam, Lang nhường cho Tân ăn trước, thầy đồ biết Tân là anh nên gả con gái cho Tân. Vợ chồng Tân đẹp đôi, sống với nhau thật hạnh phúc.
   Trước khi có gia đình anh em sinh đôi Tân  Lang sống với nhau tràn đầy tình huynh đệ, không rời nhau nửa bước. Nhưng từ khi  có vợ Tân không còn thân mật với em như trước, Lang buồn phiền bỏ nhà ra đi, lang thang mãi Lang không biết mình đi đâu, chập choạng tối chàng đến bên một dòng sông, không có đò vượt sông, lỡ một chuyến đò ngang, cô đơn buồn phiền chàng ôm mặt khóc thảm thiết đến chết và biến thành cây cau mọc ven sông.
   Ngày qua ngày, Tân nhớ thương em, Tân hối hận vì đã đối xử lạnh nhạt với em và Tân quyết định lên đường tìm em, trên đường đi gặp ai Tân cũng hỏi han tin tức của em nhưng chẳng ai biết, cuối cùng Tân đến bên bờ sông và biết được em đã chết, Tân khóc lóc thương em rồi đập đầu vào gốc cây đến chết và biến thành tảng đá vôi bên cạnh cây cau.
   Vợ của Tân ở nhà mỏi mòn chờ đợi chồng, nhưng Tân không về, nàng lên đường tìm chồng, đi mãi nàng cũng đến bên bờ sông, khi biết chồng và em đã chết, nàng ôm tảng đá vôi khóc cho đến chết và hóa thành dây trầu leo quanh tảng đá vôi.
   Thời gian sau Vua Hùng Vương có dịp kinh lý qua đó, nghe tấu trình sự tình, Vua liền sai lấy lá trầu và trái cau nhai thử thấy có vị cay và thơm, Vua nhổ nước trầu lên đá vôi thì thấy có màu đỏ tươi như máu, nhà Vua cho rằng trầu – cau – vôi kết hợp thể hiện mối tình mặn nồng anh em và vợ chồng, Vua cho lập đền thờ. Từ đó dân gian ta có tục lệ ăn trầu, trong lễ cưới hỏi, khách đến nhà, ma chay… đều có trầu cau.
   Tôi thích thú nghe mẹ kể chuyện cổ tích Việt Nam, bỗng mẹ tôi nhìn vào cõi xa xăm với đôi mắt đăm chiêu, bỗng mẹ nhìn tôi nói với tôi như chia sẻ: “Con biết không, chuyện tình cảm hôn nhân là việc hệ trọng, Chúa luôn đồng cảm và chia sẻ, Chúa Giê Su khi bắt đầu cuộc sống công khai , phép lạ đầu tiên của Ngài là tiệc cưới ở Cana, điều này cho loài người thấy Chúa luôn hiện hữu, luôn  mang lại niềm vui chúc phúc đến với mọi gia đình. Nếu trong lễ cưới của Việt Nam có trầu cau nhắc nhở đôi Tân Hôn về  tình cảm thắm thiết gắn bó vợ - chồng thì ở tiệc cưới Cana theo lời kể của Sứ Đồ Giăng rượu ngon mà Chúa Giê Su ban cho đã làm cho bữa tiệc  thêm nồng nàn, hạnh phúc, tâm hồn  bay bổng”. Nói đến đây, im lặng một lát rồi mẹ đọc cho tôi nghe một đoạn Kinh Thánh
    “Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Cana, trong xứ Galilê, và Mẹ Chúa Giêsu có tại đó. Chúa Giêsu cũng được mời đến dự đám cùng với môn đồ Ngài. Và khi hết rượu, Mẹ Chúa Giêsu nói với Ngài: 'Họ hết rượu rồi'. Chúa Giêsu đáp lại: 'Này bà, tôi với bà có việc gì đâu? Giờ tôi chưa đến'. Mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn rằng: 'Ngài biểu gì thì hãy làm theo'.
    Ở đó có sáu cái ché đá dùng vào nghi thức tẩy rửa của người Do Thái; mỗi cái chứa được hai ba lường nước. Chúa Giêsu bảo họ: 'Hãy đổ nước cho đầy các ché'. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Ngài lại bảo: 'Bây giờ hãy lấy đưa cho ông quản tiệc'. Và họ đã đem đi. Người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu; ông không biết tự đâu đến – nhưng những người hầu bàn đã múc nước thì biết – ông bèn gọi chàng rể mà nói: 'Mọi người đều đãi rượu ngon trước, đến khi khách đã ngà ngà thì mới thiết rượu vừa. Còn ông, ông đã giữ rượu ngon cho đến bây giờ'.
       Ðó là dấu lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm tại Cana, xứ Galilê, và đã tỏ bày sự vinh hiển của Ngài, và các môn đồ đã tin vào Ngài ”
      Và những ngày sau đó, trong suốt tuổi ấu thơ của tôi, mẹ dìu dắt tôi từ say mê chuyện cổ tích dân gian Việt Nam kết hợp với những câu chuyện Dụ Ngôn trong Kinh Thánh và dần dần lời của Chúa có sức hấp lực siêu nhiên với tôi, tôi đọc, nghiền ngẫm, suy tư và chiêm nghiệm Kinh Thánh. Khi trưởng thành bước vào đời với bao nỗi truân chuyên, buồn vui, hạnh phúc, gập ghềnh và giông bão, dù mẹ tôi nay đã trở thành người thiên cổ  nhưng bài học đầu đời của mẹ mang đầy tình mẫu tử ngọt ngào đã nắm tay dìu tôi chập chững bước đi đến với Chúa. Mẹ tôi là hình ảnh của bà mẹ Việt Nam hoàn hảo. Nếu không có mẹ thương yêu và dẫn đưa thì tôi không gặp và yêu mến Chúa và nếu không có Chúa đồng hành thì đời tôi hiu hắt, vô định và khốn cùng quá đỗi. Tôi thường cầu nguyện cám ơn Chúa đã ban cho tôi một người mẹ dù cuộc sống đơn sơ bình dân, lam lũ ở chợ đời để mưu sinh để  mang lại cuộc sống đủ đầy cho chồng con nhưng Chúa đã ban cho mẹ một ơn siêu nhiên tuyệt vời, sự hiểu biết Kinh Thánh, lòng yêu mến Chúa và khai phá trí tuệ con cái đến với Chúa.
    Cuộc đời luôn đổi thay, cha mẹ tôi rồi cũng giã biệt cuộc đời, đời người phải tuân theo qui luật khắc nghiệt dâu bể “Sinh , lão , bệnh , tử” anh em chúng tôi đã khôn lớn trưởng thành, mỗi người lo vun vén tổ ấm của riêng  mình, ai cũng có cơ ngơi riêng, ngôi nhà có vườn trầu cau  một thời mưu sinh của gia đình tôi ngày xưa được bán cho một chủ khác, ký ức kỷ niệm về thời thơ dại của tôi ngày xưa nơi vườn trầu - cau ngào ngạt hương trầu – cau thấp thoáng những cánh bướm tung tăng theo gió heo may làm thành một bức tranh đẹp đến mê hồn nay đã không còn nữa, quả thực cuộc sống thời kinh tế thị trường đã cuốn hút đảo lộn cuộc sống của tôi, tôi không còn thời gian để mơ mộng và để sống cho riêng mình…
     Tết Quý Tỵ 2013  ký ức về thời thơ ấu chợt ùa về trong tiềm thức của tôi, như nung nấu như thúc giục và tôi cảm thấy mình như có lỗi với công ơn sinh thành, có lỗi với mẹ người đã dạy tôi bài học vỡ lòng bình dị để tôi được biết Chúa là ai? và cũng chính mẹ ngày xưa đã nắm tay tôi đặt tay tôi vào bàn tay của Chúa nhân từ và từ đó tôi cảm nhận rằng tôi còn có người Cha độ lượng, từ bi và đầy lòng thương xót luôn ở bên cạnh để dìu dắt trong suốt cuộc đời  tôi.
     Và tôi lại tìm về mái nhà  xưa, như một sự trả nợ quá khứ, quang cảnh nay đã khác xưa nhiều lắm, người chủ nhà đôn hậu, hiền lành và hiếu khách tiếp đãi tôi ân cần, vườn trầu – cau  vẫn còn như ngày xưa, tôi gợi ý với chủ nhà và ông ta đồng ý tặng tôi một nhánh hoa cau và một ít lá trầu. Trở về nhà tôi cẩn thận cắm một bình hoa cau -  trầu như ngày xưa mẹ thường làm rồi trịnh trọng đặt trước di ảnh của mẹ và tôi thầm thì trong hơi  thở: “Thưa mẹ, hoa cau đã rụng trắng vườn trầu! ”
     Tôi ngước nhìn lên bầu trời và từ Thiên Đàng tôi nhìn thấy mẹ đang nhìn tôi âu yếm mỉm cười. Tôi thương mến mẹ tôi vô cùng! 
F.X  PHẠM THÀNH