Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Sài Gòn, người tình bao dung

 

Bức tranh vẽ góc phố nầy đã gợi lại một ký ức khó phai của những tháng ngày miệt mài với nghề thêu, từng chiều nắng mưa, những tối âm thầm hoặc những đêm lễ nhạc tưng bừng trước nhà hát Thành Phố , lúc đó hãy còn tiệm bánh Givral, còn nhà sách Xuân Thu.....!!NM

Tôi Yêu Sài Gòn

Dem Nho Ve Saigon / Nguyen Khang / Hinh anh truoc 1975 ...

Góc phố thân quen...
Và đây góc phố thân quen,
Bao nhiêu cay đắng đan xen ngọt bùi...
Bỗng dưng xa lạ ngậm ngùi,
Như người lạc bước ngày vui quay về,
Lòng người lữ thứ não nề...
 Đi tìm chút nắng chưa hề lãng quên !!
NM
       Sài gòn .....
   Người ở nơi xa mới đến đây,
    Sống với Sài gòn trong phút giây...
   Vẫn không quên được tình thương mến ?!
     Ấm áp, thân thương rất tràn đầy !

  Trải bao sóng gió lắm bể dâu,
  Sài gòn vẫn thế đổi thay đâu ?
    Vẫn giang tay đón người muôn hướng...
   Vẫn sống cùng nhau rất ngọt ngào !!

Sẻ chia nắng ấm gió xôn xao, 
Cùng đi dạo phố dưới mưa rào.... 
Chia tay chợt thấy lòng lưu luyến, 
Cảm xúc trong tim quá dạt dào !
 NM

 
Sài Gòn, người tình bao dung
Tôi đã sống ở Sài Gòn được gần 10 năm. Đó là nơi tôi từng yêu thương, căm ghét và gắn bó sau những chông chênh. Đó là nơi tôi từng mơ ước, từ bỏ, và trở về. Với tôi, Sài Gòn như một mối tình đầy hương vị để nhớ thương và trăn trở.
Từ những ngày học cấp ba, tôi đã bắt đầu tưởng tượng về cuộc sống sinh viên của mình. Trong những giấc mơ, Sài Gòn hiện ra lộng lẫy, không nghèo nàn, sỏi đá như vùng đất Tây Nguyên tôi đang sống. Tôi thấy mình được đi dưới ánh đèn lấp lánh, giữa phố xá đông vui, khác xa với những buổi tối lạnh lẽo và âm u ở quê tôi. Tôi nghĩ người Sài Gòn ai ai cũng đẹp, ăn mặc đẹp, nụ cười đẹp, dịu dàng và tốt bụng hơn hẳn những người nông dân lam lũ suốt ngày quanh quẩn bên gốc cà phê, động một tí là nói năng cộc lốc và than thở những tràng dài thườn thượt. Tôi hình dung mình được tung tăng trên con đường bằng phẳng và sạch sẽ, không nhấp nhô, gồ ghề và nhiều đèo dốc như những đoạn đường tôi đi học mỗi ngày. Tôi tưởng tượng mình sẽ được ăn những món ngon, lạ hơn món cơm chiên mẹ vẫn hay làm mỗi sáng… Những gì tốt đẹp nhất có thể nghĩ ra được, tôi đều dành cho Sài Gòn.
Lần đầu tiên đến Sài Gòn để thi đại học, hành lý của tôi để cả trong tim!
Trải qua không biết bao nhiêu lần nôn thốc nôn tháo trên chuyến xe đằng đẵng, khi bố vỗ về: Tới Sài Gòn rồi, con ráng chịu chút nữa”, tôi cố gắng ngồi thẳng dậy để nhìn thấy thành phố mơ ước qua ô cửa kính lem nhem. Xe cộ đông đúc, người này chen lấn người kia, họa hoằn lắm tôi mới thấy được vài người không đeo khẩu trang, và trong số họ chẳng ai cười vui vẻ cả, mặt họ lạnh lùng, thậm chí nhăn nhó. Xe đi một chút lại dừng vì đèn đỏ, vì kẹt xe. Đông đúc, chật chội và bụi bặm. Cảm giác thật kinh khủng. Tôi đòi xuống đi bộ, nhưng dĩ nhiên là bố không đồng ý.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, anh tôi dẫn đi ăn toàn những quán ngon, đảm bảo vệ sinh, và đổi món liên tục để tôi không ngán. Nhưng khi anh ấy hỏi tôi ăn ngon miệng không, tôi đã rất thành thật: “Bé thích cơm mẹ nấu hơn”.
Lần thứ hai đến Sài Gòn để chính thức làm sinh viên, tôi chẳng bao giờ nghĩ Thủ Đức lại xa đến thế. Anh tôi chở qua những con đường đông đúc, những đoạn xa lộ đầy xe tải rồi rẽ vào một con đường nhỏ và dừng lại cái rụp ở một nơi chỉ toàn những căn nhà tạm bợ được bao quanh bởi những tấm bạt. Làng đại học Thủ Đức những năm 2003 vào mùa sinh viên lác đác nhập học, nghĩa là quán sá chưa hoạt động trở lại, khắp nơi chỉ toàn lá cây và lá cây, lá ướt đè lên lá khô, não nề… Sài Gòn của tôi là đây sao? Anh tôi an ủi cho sự thất vọng ấy bằng cách tặng cho tôi những cuốn sách, và tôi lấp đầy sự hụt hẫng bằng những người bạn mới. Dần dà, Thủ Đức lại là một nơi thân thương, đầy ắp kỷ niệm và nỗi nhớ. Giờ đây, thỉnh thoảng bị stress tôi lại trở về với những con đường cũ và những quán cà phê cũ ở đó, bình yên lạ.
Như bao người, thời sinh viên của tôi có những niềm tự hào, những điều đáng nhớ, và cả những điều phải quên. Không ai biết trọn vẹn, bản thân tôi cũng không muốn và không chắc là mình có nhớ đầy đủ không. Nhưng chắc chắn Sài Gòn là người biết rõ nhất. Những con người, những câu chuyện, và cả những mối tình dở dang…
Có những lúc vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nỗ lực cho học hành, oằn vai dưới áp lực công việc, cô đơn với những điều không được sẻ chia, tuyệt vọng trước những va vấp, chông chênh trước những lựa chọn không bằng phẳng… tôi đã muốn từ bỏ Sài Gòn. Nhưng cũng vì chọn bình yên, tôi đã ở lại, và tiếp tục.
Mười năm có thể là khoảng thời gian ngắn cho một sự gắn bó, nhưng đủ dài cho một trải nghiệm yêu thương. Dù tốt nghiệp ngành văn, tôi chưa bao giờ viết được một câu đủ ý để nói đúng về Sài Gòn. Tôi cũng chưa tìm được một hình ảnh cụ thể nào diễn tả trọn vẹn nét đẹp của nơi ấy. Nhưng tôi biết, Sài Gòn luôn ở trong tim tôi.
Tôi hiểu Sài Gòn qua ngôi trường tôi học, ký túc xá tôi ở, những nhà trọ tôi đến và đi, những nơi tôi làm việc, những con đường, những quán ăn, những con người tôi gặp và cả những chiếc lá rụng trên đường về... Sài Gòn không xa hoa và diễm lệ, cũng không hoàn hảo như tưởng tượng của một cô bé cấp ba, nhưng bây giờ tôi không còn cảm giác thất vọng như thời mới đặt chân đến. Tôi nhìn thấy thành phố này từ những góc khuất bình dị hơn, lặng lẽ hơn, đôi khi đắng chát hơn, nhưng lại vô cùng ấm áp.
Như bao người, tôi yêu những con đường đẹp như Lê Duẩn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ,… nhưng tôi cũng tha thiết nhớ những con hẻm hun hút, ngoằn ngoèo dẫn về những xóm trọ nhỏ, những căn nhà xập xệ và tạm bợ. 
Sài Gòn có vô số người giỏi giang, sang trọng làm tôi nể phục, nhưng khiến lòng tôi lắng sâu lại chính là những cụ già ngồi bên đường với mớ rau quắt quéo, những em bé ăn mặc nhếch nhác sống nhờ tình thương của người khác.
Những tấm hình rạng ngời, lấp lánh niềm vui được chụp vào mỗi dịp tốt nghiệp là những tấm hình đẹp nhất của tôi ở Sài Gòn, nhưng làm tôi day dứt mãi vẫn là những tấm hình chụp chung với các bé mồ côi ở chùa Lá, quận 7 trong một hoạt động công tác xã hội.
Ngày tháng cứ trôi qua, thành phố ấy vẫn luôn trở mình, và có khi oằn vai trước những thay đổi. Người ta chê Sài Gòn ngày càng xấu đi với những lô cốt mọc lên khắp nơi, những con đường ngập lụt mỗi khi triều cường lên, hay những giờ kẹt xe nóng nảy… nhưng người ta quên mất Sài Gòn vẫn luôn có những không gian phù hợp cho bất cứ ai, dù bạn thích yên bình hay sôi động. Người ta nói công viên Hoàng Văn Thụ có đầy rẫy những tệ nạn, nhưng tôi chỉ nhìn thấy vẻ đẹp tinh khiết và tuyệt vời của nó vào những buổi sáng thể dục.
Báo chí gần đây thường xuyên đăng tin về vụ cướp giật táo tợn này, vụ giết người ghê rợn kia, và người ta than thở với nhau là Sài Gòn đang nổi loạn, người Sài Gòn đang trở nên vô cảm. Có lẽ một phần vì truyền thông đã phát huy quá tốt vai trò của nó. Nhưng với tôi, người Sài Gòn đáng yêu lắm. Đó là bác chủ nhà thỉnh thoảng bưng lên tô cháo khi thấy tôi bị ốm. Là những người bạn sẵn sàng sẻ chia khi tôi cần. Là những người đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ khi tôi khó khăn. Và cả những người tôi chỉ gặp một lần. Ví như người đàn ông đặt vào tay tôi chiếc khăn lạnh khi tôi ngồi một mình thút thít trong một góc bệnh viện đợi kết quả xét nghiệm khối u. Chú ấy cũng đang khóc, vì vợ chú bị ung thư... Có biết bao người đang sống quanh tôi, quan tâm, yêu thương và chăm sóc tôi, làm cho cuộc sống của tôi đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Họ mới là Sài Gòn. 
Sài Gòn cũng như một con người, nên nó không thể hoàn toàn tốt, cũng không thể hoàn toàn xấu. Tôi xem Sài Gòn như một người tình, nên luôn đủ thông cảm cho những điều chưa được như mong muốn.
Không chỉ đẹp và xa hoa, nên nơi đó không chỉ dành riêng cho những người nhiều tiền và thành đạt. Sài Gòn là nơi cưu mang cho những mảnh đời và số phận khác nhau. Đó là nơi ai cũng có thể đến và sinh sống. Có người chỉ đến Sài Gòn để học tập, có người tìm ở Sài Gòn một cơ hội đổi đời, có người tìm một nơi trú ngụ bình yên, lại có người muốn trốn tránh quá khứ… Có người đến rồi đi, có người sống một thời gian ngắn, có người bỏ đi hẳn, cũng có người lại quay về… Sài Gòn vẫn âm thầm đón nhận tất cả, không hân hoan, cũng không trách móc.
Không phải vì Sài Gòn vô tình, mà vì nơi ấy đủ bao dung.
Xuân Dung


Hình ảnh có liên quan

Ngõ Vắng Xôn Xao - Quang Dũng 

Sài gòn ngõ vắng ....
   Ôi, ngõ vắng xôn xao đầy kỷ niệm . 
Của một thời xao xuyến tuổi đôi mươi ! 
Tuổi ngây thơ ta chỉ có tiếng cười,
  Giữa chật vật khó khăn trong cuộc sống...

Sàigòn của tôi, Sàigòn hoa mộng, 
Đã cho tôi bao kỷ niệm không quên...
 Bao con đường nhỏ, ngõ vắng không tên,
 Luôn lưu luyến và ngập tràn thương nhớ !
 
Sàigòn của tôi, Sàigòn muôn thuở, 
Dẫu có bao lần đổi thịt thay da...
 Người ở lại đây hay khách phương xa,
        Luôn giữ mãi Sài gòn trong ký ức !!   
               NM                

Tản Mạn Sài Gòn
Sài Gòn đối với đa số dân Sài Gòn gạo cội không phải là "thành phố 10 mùa hoa", "thành phố mang tên Bác", hay thành phố cay cú "tôi mất người như người đã mất tên", ...
Sài Gòn hiền lành hơn thế nhiều. Dân Sài Gòn vốn vẫn thờ ơ với chính trị, nhất là thứ chính trị Salon vô bổ, nhiều lời lẽ, thiếu tính thực tế.
Dân Sài Gòn chính hiệu "con nai vàng" chẳng bao giờ gọi Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Không nhất thiết là vì lý do chính trị. Thằng Tí thằng Tèo trong mắt bà ngoại trăm năm vẫn là thằng Tí thằng Tèo, bất kể địa vị xã hội của nó là gì. Tôi có nói chuyện với vài bạn trẻ ở miền Bắc mới sang Mỹ, nghe họ dùng "thành phố Hồ Chí Minh" để nói đến Sài Gòn, thấy quai quái thế nào ấy, dù tôi chẳng có lý do gì chính đáng.
***
Sài Gòn, dù trong thời buổi khó khăn nhất, vẫn như một cô tiểu thư đài các: đỏng đảnh đôi chút mà dễ thương thiệt nhiều.
Nhắc đến Sài Gòn người ta hay nhắc đến mưa, nhưng tôi lại nhớ dai dẳng cái nắng gay gắt của nó.
Nhà tôi ở một con đường nhỏ. Trưa hè đặt cái "lưng dài vai rộng" xuống nền gạch bông mát lịm, ngắm bầu trời xanh ngắt, gió nhẹ hiu hiu, thì không có nơi nào trên quả đất này cho cảm giác thanh bình hơn.
"Một ngõ vắng xôn xao
Nằm trong lòng phố lớn ..."

Khác với Hà Nội, không gian Sài Gòn rất thoáng, chí ít là cách đây hơn 15 năm. Không gian của một buổi trưa hè hiu gió còn thoáng hơn vạn lần. Tôi luôn có cảm giác mình có thể  bay bổng lên, thò tay với cụm mây bồng bềnh trêu ngươi.
Tuy thoáng, không gian Sài Gòn không bao giờ làm ta cảm thấy lạc lõng. Những tiếng rao thi thoảng của người bán dạo nghe nao nao, cuộn cả buổi trưa hè thành một miếng bột bánh bèo trắng phau với ít đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm.
Từ ve chai, bánh bao chỉ, chè đậu xanh bột báng nước dừa, kẹo kéo, tàu hủ, đến mì gõ, ... đều có nguời mang đến tận cửa. Có rất nhiều tiếng rao mà đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nghĩa, nhưng nghe cái cung nhạc ấy thì biết ngay là họ bán cái gì.

Người Sài Gòn cũng thoáng như không gian Sài Gòn vậy! Không đâu có thể dễ có nhiều bạn, và bạn không tồi, như ở Sài Gòn. Không chỗ nào trên đất Việt Nam người ta sống năng động và khoáng đạt hơn ở Sài Gòn.
***
Trước khi bàn chuyện "người lớn" này, xin mạn phép quay lại chuyện thằng Tí thằng Tèo.
Ðối với một thằng Tèo Sài Gòn chính gốc con nhà nòi thì Sài Gòn dĩ nhiên là "bự" hơn một buổi trưa hè.

Sài Gòn là những chiều tụ tập bấm chuông nhà người ta, cho đến khi nghe chửi "D.M. tụi bai con cái nhà ai mất dại bấm chuông wài dzậy" thì mới chịu vắt giò lên cổ chạy.
Sài Gòn là các hồ bơi Lao Ðộng, Chi Lăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, là mấy củ khoai mì nóng hổi với dừa nạo, là nước mía lạnh, là ốc dích ốc táng, là bắn bi ca-de với những câu đồng dao khó hiểu như thần chú: "lang can báng dội ăn tiền". Nói sai hay nói thiếu một chữ là đánh nhau chí tử để rồi ngày mai lại càu nhàu chơi tiếp.

Sài Gòn là những buổi tối cúp điện, tụ họp ca hát hay vừa hồi hộp vừa thích thú nghe và kể chuyện ma như chính mắt mình thấy hôm qua.
Sài Gòn là những con diều làm đi làm lại, treo thêm cả vài cái lưỡi lam để cắt dây diều khác; là dế hộp quẹt thổi phù phù "đá bắt xác"; là chùm ruột chua ngọt, những cùi thơm, cóc ổi ngâm cắm que cà rem "đa năng" không biết đã được dùng lại bao nhiêu lần.

Lớn lên một tí, Sài Gòn là cô bé hồi hộp chờ thằng Tèo hái cho cả cành phượng về ép làm bướm; là hàng điệp trải thảm vàng rực ở trường phổ thông; là quán cà phê từng buổi đón em về.

Xin trích đoạn một bài hát tôi viết đã lâu, đặt tên (rất tự nhiên) là "Lâu Lâu":

"Lâu lâu ngồi nhớ hồi xưa
Buổi trưa thường hái trộm me
Thằng leo, thằng đứng làm thang ...
...
Lâu lâu ngồi nhớ hồi xưa
Phượng cao mấy cũng trèo lên
Chỉ vì cô bé mắt tròn xoe, ... mắt tròn xoe"

Dĩ nhiên, cô bé mắt tròn xoe của tôi vẫn đang ở ... Sài Gòn.

Sài Gòn đáng yêu lắm! Nó đơn giản và khoáng đạt, không bao giờ cần cái văn vẻ "màu mè ba lá hẹ", không cần các suy nghĩ tự tôn ra vẻ triết gia hướng nội, để phải miệt thị kẻ khác quan điểm.
 
***
Sài Gòn còn là thành phố của sự đối lập: giữa những biệt thự kín cổng cao tường và đám nhà ổ chuột trên kênh hôi hám; giữa văn minh đô thị và những tiếng chửi thề; giữa sự ồn ào bụi bặm và không gian im lắng thanh tao. Nổi bật hơn tất cả là sự đa dạng vô cùng của con người Sài Gòn. Ðặc biệt là họ không sống "như đã từng được sống", mà luôn "sống như chưa được sống bao giờ".
***
Ân mình sau các hàng bông giấy, dây thủy tiên chói đỏ, là những ngôi biệt thự lúc nào cũng kín cổng. Không ai biết những người sống trong đó làm gì, là ai, và cũng chẳng ai thật sự quan tâm ... ngoại trừ bọn thằng Tí thằng Tèo.
Bọn nhóc chúng tôi thường có rất nhiều các truyền thuyết về những người sống trong mấy ngôi nhà ấy.
Ơ đầu ngõ nhà tôi cách đây khoảng 20 năm có một ngôi nhà như thế, chỉ hơi khác là hai cánh cửa sắt to đùng lại thấp lè tè. Mỗi chiều có một anh chàng vác ghế đẩu cao ngồi tì tay lên cửa trông ra đường. Gã chẳng bao giờ cạo râu cắt tóc. Mặc dù nắng chiều rạng rỡ xóa bớt phần nào sự ma quái, bọn tôi vẫn chẳng dám đến gần gã. Người ta có rất nhiều "lý thuyết" khác nhau về gã: nào là người yêu bỏ đi Mỹ, bị công an lấy mất gia tài, vân vân và vân vân. Cuối cùng hình như hắn chỉ giả điên để trốn nghĩa vụ quân sự . Ðến khi hết tuổi người ta thấy hắn cạo râu, cắt tóc ngắn chờ ngày xuất cảnh.

Dù gì thì gì, những ngôi biệt thự vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho hàng tỉ câu chuyện mê li rùng rợn bọn tôi truyền miệng mỗi tối cúp điện.
Chỉ cách những tòa lâu đài ấy vài trăm mét là một xóm lao động nghèo với những "truyền thuyết" kiểu khác hẳn: truyền thuyết về các "anh hùng" du đãng như trong tiểu thuyết Duyên Anh. Có lần một trong những anh hùng nổi tiếng nhất "xóm Chùa" mang dao đứng giữa ngã Năm thách đấu công an phường. Cuối cùng một anh công an nhảy vào đánh tay đôi với hắn và buộc phải dùng súng hạ gã.

Ði thêm khoảng trăm mét nữa là đến con rạch thúi hơn cầu tiêu công cộng ở Ðại Học Bách Khoa tỉ lần. Vậy mà tôi vẫn từng đi câu cá bống, vớt trùng chỉ với bạn. Câu cả ngày được 2 con cá nhỏ hơn ngón tay út. Chỉ có trùng chỉ là lần nào cũng vớt được rất nhiều, làm mấy con cá Tàu nhà tôi ăn sình bụng bơi lặc lè kéo theo dây phân dài cả thước.
"Xóm" tôi có khá nhiều nhà có piano. Chiều chiều nghe nhỏ tập từ Methode Rose, Hannon đến Classic 3, từ sòn đô sòn đến Tempest. Lẫn vào trong đó luôn là tiếng chửi thề của bà Tư nhà bên cạnh. Có lẽ chẳng có món "xí quách" nào ... xí quách hơn sự pha tạp của hai loại âm thanh ấy.
Buổi chiều ở Sài Gòn đối lập hẳn với buổi trưa yên tĩnh. Dường như cái dìu dịu của nắng ấm làm người ta có nhiều năng lượng hơn. Chí ít là bà Tư lúc nào cũng có thừa năng lượng vào buổi chiều. Bà chửi từ ông Tư tới thằng con mất dạy. Ỏng Tư thì chẳng nói lại nhiều lời trừ khi mới nhậu xong. Chai rượu đế gò đen (chứ hổng phải ổng) vác dao bửa củi gí vào cổ bà vợ to béo, gã con trai thì vừa can vừa ... đục luôn ông già, trong lúc đó tiếng Tempest vẫn vang vang ngắt quãng.
Ðiểm lạ (!?) nhất là tiếng Tempest vài năm sau biến mất, còn vợ chồng ông bà Tư vẫn sống "vui vẻ" với nhau như thế ...
***
Tính đối lập của Sài Gòn rõ nét nhất là vào buổi tối . Người ta đã viết rất nhiều về "Hòn Ngọc Viễn Ðông" và tính phân chia giai cấp khắc nghiệt của nó. Ðó là trước 75. Sau giải phóng cái danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Ðông bị Bangkok cướp mất, nhưng tính đối lập của Sài Gòn chẳng ai cướp nổi.
Sài Gòn không bao giờ ngủ. Khoảng 9, 10 giờ đêm là các vũ trường bắt đầu hoạt động. Bọn con nhà giàu tí tởn hẹn hò dream, LA, su 100, quần xẻ, váy cao, phóng vù vù qua các đường Nguyễn Huệ, Ðồng Khởi, Hàm Nghị ... sau đó vọt đi mấy cái Discoteques vang bóng một thời như Thái Sơn, Cadillac, Queen Bees, ...
Phong trào đua xe thì Sài Gòn luôn đi đầu. Thủa chưa có nhiều xe gắn máy thì bọn choai choai đã biểu diễn đi xe đạp một bánh xoay mòng mòng hàng đêm trước nhà hát lớn. Ðến khi có xe gắn máy nhiều rồi thì cả đội "Bồ Câu Trắng" cũng chẳng bị ai ngán. Hơn nữa bị giam xe thì một bữa chân gà rút xương ở Hàm Nghi là lấy xe ra cái rụp.

Khuya hơn nữa thì gái "Ca Ve" tràn về các quán cơm tấm, mì xe để "đá đèn" (ăn đêm). Bọn "dân quậy" bao gồm nhóc mới lớn lẫn dân giang hồ thứ thiệt cũng tham gia đá đèn la hét đến 3, 4 giờ sáng.

Cùng khi đó các em nhỏ bán vé số cũng hoạt động cật lực. May mà vớ phải dân chơi trúng quả nó mua cả cọc thì ngày mai không phải lo tiền ăn. Cựu chiến binh, thương phế binh thì vác đàn hát "Phố Ðêm", cay đắng xin từng đồng của lũ nhỏ mặt búng ra sữa chưa bao giờ hiểu hai chữ "mất mát" nghĩa là gì.
Ðến 3, 4 giờ sáng, khi dân chơi đã hoàn toàn mệt lử lũ lượt ra về, thì dân lao động bắt đầu một ngày mới. Xích lô, ba gác chở rau thịt ra chợ bán. Các lò bánh mì bắt đầu xay bột trét nướng bánh thơm lừng. Mấy chị bán cà phê vỉa hè cũng bắt đầu đun nước, pha cà phê vợt cho gã xích lô mới tỉnh ngủ mắt vừa nhắm vừa mở vừa tán tỉnh.

Mùi mồ hôi lẫn với mùi bơ, mùi men, mùi khói SU-100 dần biến, quyện với mùi không khí ẩm mát tinh sương tạo ra "mùi Sài Gòn" buổi sáng ở các khu phố chợ rất đặc trưng.
***
Dân Sài Gòn "quái chiêu" lắm, lúc nào cũng than thiếu tiền, nhưng không sống tằn tiện bao giờ! Họ hào hiệp với bản thân và bè bạn; và họ luôn tìm được cách kiếm tiền.
Nhiều người bảo tôi rằng dân Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, sống hôm nay khỏi lo ngày mai, nên họ sống rộng rãi hơn dân miền Trung và miền Bắc.
Có lẽ đúng. Nhưng còn cái gì đó hơn thế nữa! Kiểu ăn xài "xả láng sáng dậy sớm", dù nghèo rớt mồng tơi, dường như ăn vào máu của dân Sài Gòn, ăn vào không khí họ thở hàng ngày, ăn cả vào cái văn hóa hổ lốn cẩu xực của họ. Dĩ nhiên để ăn xài thì đầu tiên phải kiếm ra tiền.
Kiếm tiền thì có lẽ không đâu có nhiều cách như Sài Gòn.
Trong thời còn ăn bo bo, gạo tổ đỏ lòm, thời dân Hà Nội còn ganh nhau từng cái khung Chiến Thắng, lốp Phượng Hoàng, hộp sữa cân đường tiêu chuẩn, thì dân Sài Gòn đã bắt đầu nuôi heo lậu, quấn thuốc lá Lạng Sơn pha lá dừa, làm pháo giả, bán thuốc Tây "bột năng" đầy ngoài chợ ... Hiển nhiên một phần là do ưu thế xa "trung ương", nhưng phần chính là do dân Sài Gòn sống rất "năng động".

Những năm 79, 80 mà thấy anh nào bị cối kẹp nách, mặt mũi lấm lét ở chợ Nguyễn Hữu Cầu thì biết ngay là hắn buôn thuốc Tâỵ Sau khi chợ thuốc Tây bị dẹp thì đường Nguyễn Hữu Cầu biến thành cái chợ trời đầu tiên của Sài Gòn sau 75. Ỏi thôi thì quần zin áo pun, đồ Mỹ lẫn đồ chợ Lớn, bếp điện Liên Xô dây Gò Vấp, ... Ơ Sài Gòn cái gì bán được là có người bán. Ðừng hòng mà mua được đồ xịn nếu mà không quen biết hay hiểu biết. Nhiều người tự thị là "rành" nhất bị lừa mà vẫn còn hí hửng. Ðó là chưa nói đến giá cả trời ơi. Tôi thường tự hỏi ai cũng bán hết thì lấy ai ra mà mua? Tiền đâu ra mà mua? Thế mà chợ lúc nào cũng đông. Ðúng là Sài Gòn!

Nếu không thích cảnh chợ búa "gần mực" thì người ta quấn thuốc lá, nuôi heo với cơm thừa canh cặn pha cám lậu ở ngay trong nhà. Chuồng heo phải lau rửa ít nhất hai lần một ngày, sợ hôi thì ít, mà sợ công an phát hiện thì nhiều . Lái heo bốn rưỡi sáng đã mang xe ba gác đến chở. Bọn lái heo lậu giết heo còn giỏi hơn công nhân chuyên giết-mổ heo ở xí nghiệp Cầu Tre sau nàỵ Chích điện con heo chỉ kêu cái "éc" là chết ngoẻo tò te, xẻ làm bốn mất độ mươi phút, sáng hôm sau bà con có thịt heo tươi bán ở chợ

Khi xí nghiệp nước đá Sài Gòn chưa ra đời thì nhà nhà làm đá, người người bán nước đá. "Cho con 2 cục đi dì ơi!" là câu cửa miệng trưa hè của dân Sài Gòn. Tiền điện thì vừa đắt cứa cổ vừa phải có tiêu chuẩn. Mua cả cái tủ lạnh chuyên làm đá bỏ mối tháng cho các quán cà phê vỉa hè cũng chỉ đủ tiền ăn trưa cho gia đình là giỏi.

Người ta còn buôn cả những thứ tưởng chừng như chẳng có người mua vào thời đó như pho mai Liên Xô thúi hoắc, bánh kẹo Vinabico, rượu XO pha rượu lúa, nước lã và cồn ...

Ðến giữa và cuối thập niên 80 thì cơ hội kiếm tiền còn nhiều gấp bội. Sinh viên học sinh nghèo thì đi dạy thêm, quen biết hơn tí nữa thì đánh hàng Viễn Dương, hàng Ðông Ảu, buôn thuốc lá Campuchia, mua bán xe gắn máy kiếm vài chỉ dẫn "ghệ" đi chơi dễ như bỡn. Bọn Tèo kinh doanh còn buôn cả đất đai, làm xây dựng kiến tiền tỉ khi còn chưa ra trường. Không nhất thiết phải chúi đầu vào học kiếm suất đi Tây. Sống cái đã, ngày mai là chuyện của tương lai!

Kể cả các thầy dạy luyện thi đại học cũng biết làm ăn ra trò: xây thêm nhà mở lớp học, có cả lớp học máy lạnh cho con nhà giàu học riêng một lớp năm bảy đứa. Các thầy nổi tiếng rất biết marketing, dạy cả lớp giỏi lấy tiền ít để bọn nó thi thủ khoa mang danh tiếng cho thầy, chia lớp ra làm cả chục tầng tùy trình độ.

Các chị các cô khéo tay thì làm bánh, làm hoa giả, pha nước hoa bán đầy đường Ðồng Khởi, làm kem dừa, kem chuối tăng thu nhập gia đình.

Ðừng tưởng dân Sài Gòn chỉ lo làm ăn không đọc sách. Sài Gòn có vài trăm tiệm sách cũ mà dân nghiền sách nhẵn mặt. Từ sách Giải Tích Hàm của Lê Hải Châu, sách Tuổi Hoa trước giải phóng, chưởng Kim Dung, đến hình ảnh sách báo khiêu dâm của Mỹ, HongKong hay báo Toán Học Tuổi Trẻ, Kvant, và mọi loại truyện ngắn, dài, tiểu thuyết nội ngoại, đều có cả.

Nhân chuyện buôn thuốc, tôi có thằng bạn đi Tây Ninh buôn hai cây thuốc Zet bị bắt tịch thu luôn cả cái xe dream. Rõ là ngu! Thằng cu phá phách kinh khủng, nhưng cũng vui tính ra phết. Có lần ngồi uống cà phê hắn bảo cô bán hàng: "Liên ơi cho anh mượn sợi dây thung." - "Chi dzậy anh?", Liên hỏị Nó bảo: "để anh thắt ống dẫn tinh". Cô bé mặt đỏ lừ không biết có bỏ cái gì vào ly cà phê của nó không.
***
Sài Gòn là thế đấy, muôn người muôn mặt, đa dạng vô cùng!
Dù phần nào bị cuộc sống sôi nổi cuốn trôi, Sài Gòn vẫn có nhiều thằng Tèo mộng mơ làm thơ viết truyện dễ thương khôn tả: làm ăn tay phải, văn nghệ tay trái. Hình ảnh con Thơm cái Thắm hàng me gốc điệp không bao giờ phai nhạt trong mắt bọn Tèo Sài Gòn.

Tôi vẫn còn nhớ Tèo Nguyễn Nhật Ánh với "cô gái đến từ hôm qua", "còn chút gì để nhớ", "truyện cổ tích dành cho người lớn" ...
"Lòng em như chiếc lá khoai
Ðổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu ..."

Hay Tèo Bùi Chí Vinh:
"Cô gái ơi anh nhớ em,
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa,
Lâu lâu lại nhớ quê nhà gáy chơi
Con dế thường gáy một hơi,
Còn anh gáy hết ... một thời con trai, ..."

Ðến đây tôi chợt nhận ra rằng viết về "một thời để nhớ", về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ thì rất dễ, dễ đến mức cái thằng văn dốt chữ nát như tôi cũng "xổ nho" được vài dòng.

Khi viết cái gì ít vô thưởng vô phạt hơn một chút thì phải bắt đầu nhìn trước ngó sau, câu chữ trúc trắc, ý vẫn tràn nhưng sợ hiểu sai hiểu lệch, lại phải tránh chính trị chính em ...

Tôi đã định dừng ở đây vì câu chuyện đã nhạt dần đi, cái hào hứng ban đầu của bạn đọc, nếu có, chắc cũng không còn nồng nhiệt nữa. Thế nhưng chẳng thể để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng về một Sài Gòn với hai cây thuốc Zet, tôi lại phải tìm cách khác để kết thúc. Chỉ sợ rằng cũng chẳng khá hơn 2 cây thuốc Zet là mấy.
*** 
Nếu phải so sánh Sài Gòn với Hà Nội chẳng hạn, thì ta có thể so sánh ngay hai loại ổi của hai xứ. Ôi đào Hà Nội thơm lừng, ngọt ngay, ruột đỏ tươi rất đẹp, nhưng cùi mỏng, hột to, vừa khó nhá vừa chỉ nhắm được tí là hết. Ôi Sài Gòn to hơn nắm tay, cùi dày, không ngọt và thơm như ổi đào nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia cho nhiều người ăn, chấm muối ớt nghe qua là chảy nước miếng.
Con gái Sài Gòn cũng vậy, nghe qua là … chảy nước miếng.

Con gái Sài Gòn dễ thương lắm! Họ có cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, lại chẳng giận dai vùng vằng vô lý bao giờ . Ði đón trễ thì: "anh để em chờ nãy giờ đó coi có được hông? Ghét dễ sợ luôn hà!" Cộng với một cái lườm, hai cái nguýt thì bọn Tèo Sài Gòn hối hận quá cả 2 tháng sau mới ... trễ lần nữa.
Con gái Sài Gòn rất biết ăn mặc, đi đứng. Tiền có thể thiếu chứ phong cách tiểu thư thì chẳng thiếu bao giờ. Tiểu thư Sài Gòn không ưỡn ẹo mè nheo, mà phóng xe vèo vèo đứng tim Tèo.

Giọng gái Sài Gòn thì ngọt hơn mía lùi. Cái câu "hổng chịu đâu" mà nghe dân xứ khác nói thì ngứa lỗ nhĩ, nghe con gái Sài Gòn nói thì bọn Tèo Sài Gòn như bong bóng xì hơi, biểu cái gì cũng nghe ráo trọi. Con gái Sài Gòn lãng mạn chẳng kém ai, nhưng cũng rất thực tế. "Ðược thì được hổng được thì thôi, làm chi mà dzữ dzậy!"
Sài Gòn là vậy đó, ít nhất là từ cái nhìn của Tèo tôi .  Còn ti tỉ nhiều đề tài thú vị về Sài Gòn mà tôi không muốn đề cập vì lười là chính: cuộc sống sinh viên học sinh Sài Gòn, các trò ma mãnh "cua ghệ" của bọn Tèo Sài Gòn, con trai Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn, ...

Tôi đã nghe rất nhiều những lời nhận xét kiểu đũa cả nắm: con trai Sài Gòn thế này, con gái Sài Gòn thế kia, dân Sài Gòn thế nọ ... Càng nghe càng thấy buồn cười vì đa số những người nói mấy câu đó chưa bao giờ thật sự sống ở Sài Gòn. Không hiểu có ai đó đọc bài này xong thì có thay đổi cái nọ cái kia trong nhận thức của họ không? Hy vọng nhỏ nhoi của tôi là những thay đổi, nếu có, là theo hướng tốt hơn.

Riêng tôi thì tôi vẫn nhớ day dứt cái ngõ nhỏ xôn xao ấy ...

NQH

Sài Gòn Của Tôi (Saigon of Mine) 

Những bài hát hay nhất về Sài Gòn


 Ký Ức Sài Gòn
Sài Gòn trong kí ức tôi là chiếc máy bay quân sự DC 130 đưa tôi và chị Bạch Bích từ sân bay Đà Nẵng đến Biên Hòa một sáng mùa hè tháng 4 năm 1972, rồi sau đó chiếc Taxi chở hai chị em trực chỉ về Sài Gòn.
Mùi thơm của hương sầu riêng mãi mãi làm tôi nhớ Chợ Lớn khi chiếc taxi đi thoăn thoắt qua những con đường Sài Gòn mà tầm mắt tôi không quan sát kịp. Khi qua Chợ Lớn, hương sầu riêng thoảng nhẹ trong không khí gây tôi một ấn tượng khó quên. Tôi phóng nhìn ra ngoài, đường một chiều, là đường Đồng Khánh. Xe cộ chạy vun vút. Buồn cười nhất là mấy chiếc cyclo máy đưa càng để chân ra trước lao nhanh sau xe hơi làm tôi cứ sợ cho người ngồi trên xe, không khéo nó vất người ta vào xe chạy phía trước thì còn chi nữa!
Chiếc cyclo máy làm tôi bồi hồi. Có thể là vì hình ảnh những quyển vở học trò ngày nào tôi học trên ghế nhà trường mà ngoài bìa là hình chiếc xe cyclo máy. Những quyển vở cho tôi những trang giấy để tôi nắn nót từng con chữ, làm từng bài toán, …
Tôi vẫn nhớ cửa tiệm bán Radio, TV của ngôi nhà một tầng lầu nhà ông Bác. Đêm đó, tôi không ngủ được vì tiếng động cơ xe chạy cho đến khi không gian bỗng trở nên yên tĩnh hoàn toàn. Tôi ngạc nhiên nhìn đồng hồ: đã 12 giờ đêm, ấy là giờ giới nghiêm.
Sài Gòn trong kí ức tôi là buổi sáng tôi và chị B. Bích ngồi trong taxi ở bến xe đi về Đà Lạt, đôi mắt cô bé bán báo mở to mời mua tạp chí. Bạch Bích mĩm cười dí dõm: Chị không biết đọc! Cô bé bán báo mĩm cười tinh nghịch: - Cô không biết đọc thì có chú đây đọc! Bạch Bích cười khúc khích: - Chú đây cũng không biết đọc. Nói thì vậy nhưng chị Bạch Bích mua tạp chí “Tuổi hoa” và tờ báo Sóng thần. - Cám ơn cô! Sài Gòn trong kí ức tôi là những ngày chấm thi tú tài 2 tại Trung tâm Pétrus Ký Sài Gòn. Lúc đó tôi đang đấu láo với một giáo sư khác vì Hội đồng đã chấm xong. Hai em nữ sinh mặc áo dài trắng, quần đen rụt rè tiến lại phía chúng tôi. Một em nói: - Thưa thầy đã có kết quả chưa ạ? Tôi nhanh nhẩu: - Sắp rồi em! Em nữ sinh bên cạnh đưa tôi tờ giấy ghi hai số kí danh: - Thưa thầy nhờ thầy dò giúp chúng em được không ạ. Tôi đưa mắt nhìn Chu. Chu nói : - Mầy vào dò giúp hai em đi! Tôi cầm giấy kết quả đưa cho em tóc cắt ngắn, cũng không để tâm đến em nào trúng, em nào trượt. Mãi đến khi tôi bắt gặp một em tái mặt, nước mắt vòng quanh, một em lại nhảy cởn lên vì vui mừng, lúc đó tôi mới biết là em đậu, em rớt.
Sài Gòn trong kí ức tôi là những ngày ăn cơm dĩa ở câu lạc bộ sinh viên khoa học để chấm thi…. Đĩa cơm sườn, mấy lát dưa chuột, trái chuối tráng miệng, ly trà đá.
Sài Gòn trong kí ức tôi là những ngày chờ ra Hội đồng miển dịch tại Trung tâm 3 nhập ngũ. Con đường Trương Minh Ký dẫn đến Viện Đại học Vạn Hạnh, ly cà phê đen bên vệ đường, lần nói chuyện với đứa bạn học ở đó chờ được gặp mặt GS Phạm Công Thiện. Và quán cho thuê truyện với mấy bộ truyện kiếm hiệp Kim Dung: Võ lâm ngũ bá, Thần điêu đại hiệp, Anh hùng xạ điêu.
Sài gòn trong kí ức tôi là những sáng chủ nhật cùng thằng bạn ngồi bên đĩa thịt bò kho, ly cà phê đá tại nhà hàng Thanh Bạch, dõi mắt nhìn sinh hoạt Sài Gòn ngày nghỉ, những cô gái Sài Gòn trong tà áo dài, chiếc mini jupe, đầu tóc cắt ngắn, …
Tôi đã mãi mê nhìn ngắm những cô gái Sài Gòn không chán mắt, lòng vẫn tự nhủ, phải chăng khí hậu miền Nam mưa nắng điều hòa đã làm cho người Sài gòn xinh đẹp, phóng khoáng, chất phác. Đã nhiều lần, tôi đi quanh các con đường Lê Lợi, Lê Thánh Tông, những hàng trái cây chôm chôm, ổi, xoài, sầu riêng xanh tốt, mơn mởn, hấp dẫn, lòng vẫn mơ ước làm sao để có một ngôi nhà tại Sài Gòn. Sài Gòn trong kí ức tôi là những chiều buồn lang thang trên các con đường đầy lá me bay, Phan Thanh Giản, Nguyễn Du, Yên Đổ, những khu tư gia người Anh kín cổng, cao tường. Tôi vừa đi vừa đá những chiếc lá vàng và nghĩ đến em với nỗi buồn tương lai bất định.
Sài Gòn trong kí ức tôi là những sáng đẹp trời, căn phòng lầu 5 của ngôi nhà ở đường Thoại Ngọc Hầu mà bà chị đã thuê. Nàng đến với tôi, chiếc áo chemise ca rô đen trắng, chiếc quần đen đơn giản. Và chúng tôi hạnh phúc bên nhau trong một tương lai đen tối. Đó là Sài gòn của những ngày tháng XHCN, Sài Gòn của thời bao cấp. Sài Gòn của nỗi sợ hãi bất an.
Sài Gòn trong kí ức tôi là những sáng nắng chiều mưa. Những cơn mưa vội vã đến, vội vã đi. Làm sao tôi giữ được nàng trong tầm với của vòng tay ngắn ngủi. Làm sao tôi hạnh phúc được với nàng trong một ngày mà không bao giờ phải nghĩ đến chuyện non nước mình?
Ôi! Sài Gòn trong kí ức tôi là nỗi ngậm ngùi của một thuở hoàng kim không bao giờ còn gặp lại, là một giấc mơ đẹp bị người ta phá nát. Là hình ảnh của em một thuở vàng son lên ngôi bị chà đạp xuống tận đáy cùng của địa ngục.
Làm sao tôi quên được Sài Gòn! Làm sao tôi quên được em!  Làm sao tôi quên được kỉ niệm!  Sài Gòn tuy xa mà gần biết bao nhiêu. Đã biết bao lần tôi đã quay cuồng vì nhớ Sài Gòn. Sài Gòn không phải là quê hương nơi tôi mở mắt chào đời nhưng là chiếc nôi ươm mầm cho những khát vọng đất nước tôi một mai thanh bình. Sài Gòn với tôi đã xa lạ hoàn toàn. Tôi lạc lỏng trong thành phố với những ngôi nhà chọc trời, những chiếc xe hơi xịn hàng chục tỉ bạc, bóng lộn chạy trên những con đường ngập nước triều cường, ngập mùi tanh của tham ô và dối trá, ngập tiếng cười khả ố và trơ trẻn. Ôi! Sài Gòn của tôi.
(Tuấn Nguyễn)


  Đường sách Nguyễn Văn Bình.

Thơ ĐÊM SÀI GÒN - Nhạc VỀ ĐÂU

Sài Gòn thành phố của tôi do BBC quay rất đẹp

Sài Gòn vẫn đợi tôi về

Xa Sài Gòn, tôi nhớ da diết, tôi vẫn sẽ trở lại, sẽ trở lại một ngày gần nhất thôi, về với Sài Gòn tôi sẽ làm những điều tôi đã từng làm, sẽ đến những nơi tôi từng đến...

***
Sài Gòn hiện hữu trong đầu tôi những ngày học phổ thông là qua những biển ghi lộ trình trên những chiếc xe Buôn Ma Thuột – Sài Gòn. Ngày ấy, cái tuổi đôi mươi của chàng trai trẻ Tây Nguyên tôi mơ mộng lắm, tôi quyết tâm học thật giỏi để mai sau xuống Sài Gòn học. Sài Gòn trong tôi lúc ấy viển vông đến vô cùng. Có chăng cũng chỉ hình dung ra nơi đó người đông chen chúc như cảnh chợ búa mà lâu lâu tôi được mẹ dắt theo một lần, chỉ hiểu được như vậy.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu đến với Sài Gòn, ngồi trên xe, tôi bơ vơ một mình lọt thỏm phía hàng ghế cuối cùng, tôi sẽ đến Sài Gòn trong chiểu nay thôi. Sài Gòn cứ miên man trong đầu tôi như thế nào tôi không tưởng tượng nổi nữa. Và rồi, Sài Gòn chào tôi vào buổi chiều tà, trong khung giờ cao điểm của thành phố khiến tôi choáng ngợp mà nước mắt trào ra chỉ vì không dám qua đường. Sài Gòn nơi tôi mơ mộng là đây.
Sài Gòn gắn bó với tôi bắt đầu bằng những ngày đầu bỡ ngỡ, chập chững những bước đi đầu của chàng trai lần đầu bước khỏi lũy tre làng để đến với chốn phồn hoa đô hội, tôi bị choáng ngợp với tốc độ của cuộc sống nơi đây, những dòng người xuôi ngược, những hàng xe nối dài mà đợi chờ mãi tôi cũng không dám băng qua đường. Sài Gòn những ngày ấy khiến tôi phải tự lập, tôi khóc vì nhớ nhà, vì những lời nặng nhẹ của những đứa bạn cùng phòng kí túc xá đã chính thức cướp mất sự dỗ dành, chở che của ba mẹ dành cho tôi khi ở nhà.
Sài Gòn năng động, ồn ào, Sài Gòn không còn nữa những người thân bên cạnh tôi, khiến tôi phải hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Sài Gòn đến với tôi dữ dội quá, ấn tượng quá, đôi lúc tôi muốn từ bỏ giấc mơ thành một chính trị gia để về với buôn làng yên ả, được oằn mình với những thác nước xoáy tít, được thả mình dưới những dòng sông quê, và hơn hết được về bên những trợ thụ đắc lực nhất để không phải bon chen, để được bảo vệ tối đa. Nhưng, Sài Gòn bén duyên với tôi khi tôi bước vào giảng đường thực sự. Rồi tôi cũng quen với những con người xa quê vào Sài Gòn học như tôi, tôi thấy không còn cô đơn và xóa đi cảm giác tủi tủi khi nhớ nhà nữa, Sài Gòn giờ đây đã tạo cho tôi cái đồng hồ sinh học với nhịp đều đặn để kịp với guồng quay mang tên năng động.
Tôi mang đến Sài Gòn một con người chân chất và ngơ ngác như nai tơ đúng chất của núi rừng Tây Nguyên, thời gian cứ trôi đi lặng lẽ, tôi cũng lớn dần lên, tôi không còn nai tơ mãi nữa, tôi thành cáo lúc nào không hay, tôi đã là công dân của Sài Gòn, là sinh viên của Đại học Khoa học xã hội nhân văn, tôi có nhóm học tập, có những người để sẻ chia mỗi lúc vui buồn. Tôi xông xáo với những cuộc thi học thuật từ cấp khoa đến trường tổ chức. Tôi đã biết lang thang Sài Gòn qua những tiệm sách cũ để rồi mọi chủ tiệm đều ấn tượng tôi, tôi thích cái cảm giác cứ đến là cô chủ lại hỏi tôi : " Đọc "hớt" chưa con" ? Tôi mê sách mà đến nỗi mỗi lần mua lại được tặng thêm mà duy nhất chỉ có tôi, đúng là khách hàng thân thiết mất rồi.
Tôi có những người bạn thân đến từ mọi miền, tôi không quên những buổi chiều lang thang Làng Đại Học thưởng thức những món sinh viên mà cả nhóm tôi khoái khẩu nào là Cháo lòng Tân Tiến, nước mía Bà Hai, Tàu Hũ thể thao...Tôi có những mùa Noel đáng nhớ với những người bạn, tôi được thỏa thích chụp hình dưới những ánh đèn trang hoàng lộng lẫy mà dường như thành nét riêng của Sài Gòn, được chen chúc vào đám đông đến nghẹt thở khu quanh nhà thờ Đức Bà mà mãi hôm sau mới về phòng. Và, tôi hạnh phúc khi được gặp thần tượng của tôi qua những show diễn ở Kí túc xá mỗi dịp xuân về.
Sài Gòn của những ngày thân thương với tôi ghi dấu nhất vẫn là những giờ học trên giảng đường, Tôi luôn mang trong con người tôi phương châm "Học hết sức, chơi hết mình". Tôi quên sao được cảm giác khi lần đầu nghe tên những Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư sẽ phỏng vấn tôi trong vòng thi tuyển chọn vào lớp Cử nhân tài năng, tôi run run mà người ướt đẫm mồ hôi khi lần đầu trong cuộc đời tôi được trải nghiệm, tôi sẽ hằn ghi dấu với những bài tiểu luận khó mà tìm tài liệu mãi không ra dù đã chạy ngược xuôi từ thư viện trường đến thư viện tổng hợp, tôi của sinh viên năm ba đánh dấu chút gì đáng tự hào khi dám thuyết trình trước đám đông mà được giảng viên tấm tắc khen.
Sài Gòn với tôi không còn xa lạ nữa, tôi yêu Sài Gòn từ lúc nào không hay, tôi chưa bao giờ buột miệng để tôii ra nhưng tôi cảm nhận được tôi yêu Sài Gòn lắm, tôi yêu những chuyến xe buýt ngược xuôi, rong ruổi trên khắp các ngả phố, tôi yêu những cô hàng quán ven cổng trường luôn niềm nở và cho tôi những món ngon mà tôi không bao giờ quên và nhiều nhiều lắm những điều tôi không sao kể hết.
Tôi nhớ Sài Gòn. Nhớ lắm, Sài Gòn đã cho tôi nhiều thứ quá, Sài Gòn dạy tôi mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, Sài Gòn cho tôi biết tôi là ai và tôi phải làm gì, Sài Gòn cho tôi môi trường học thuật quá tuyệt vời, cho tôi những người bạn mà mỗi khi nhắc đến là biết bao kỷ niệm ùa về. Đêm nay, tôi lại ngồi viết, tôi viết với một tâm trạng khoan khoái xen lẫn chút gợi buồn, tôi đã sống và đã xa Sài Gòn hơn hai tháng nay rồi, ừ, Sài Gòn vẫn cứ tấp nập, vẫn tắc đường, trên giảng đường vắng tôi thì đàn em đã thay thế. Dẫu vẫn biết gặp nhau rồi lại xa nhau là thường, bởi đời người là những chuyến đi nhưng sao xa Sài Gòn tôi thấy bồi hồi đến thế. Hễ có gì là tôi lại đem Sài Gòn để so sánh, để ví von trong suy nghĩ của tôi, Sài Gòn không mưa dầm như quê tôi, Sài Gòn món gì cũng có...Tim tôi sao cứ se thắt lại, Sài Gòn đã đi vào trong tâm hồn tôi, Sài Gòn sẽ là một chương lớn trong cuốn nhật ký của tôi, tôi sẽ dựng một clip thiệt hoành tráng về thời sinh viên mà hai tiếng Sài Gòn cho phông nền sẽ đủ để bao hàm tất cả.
Xa Sài Gòn, tôi nhớ da diết, tôi vẫn sẽ trở lại, sẽ trở lại một ngày gần nhất thôi, về với Sài Gòn tôi sẽ làm những điều tôi đã từng làm, sẽ đến những nơi tôi từng đến, lúc đấy chắc tôi sẽ thỏa thích lắm đây. Sài Gòn ơi, mảnh đất đến rồi đi sao thấm đượm nghĩa tình đến thế. Tôi lật lại thơ Chế Lan Viên mà tôi hay ngấu nghiến thời phổ thông mơ mộng ấy.
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"
Tôi chợt giật mình, giữa đại ngàn Tây Nguyên những tiếng gà đã gáy, màn đêm im ắng để tôi viết về Sài Gòn như người tình lâu năm đã sáng dần lên. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Sài Gòn ơi! Ta với mi đã là một, tâm hồn ta đã có Sài Gòn sâu sắc đến mặn nồng. Sài Gòn ngày Tôi đến gần đây chắc chắn sẽ đổi thay nhiều thêm, và tôi sẽ có niềm vui riêng ở đất Sài Gòn vào ngày làm lễ Tốt nghiệp. Rồi Sài Gòn vẫn đợi tôi về thôi.
Lý Văn Lợi