Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Ngẩn ngơ bông khế

  Sắc hoa
Lung linh tim tím màu hoa khế,
Gợi nhớ ngày thơ nơi chốn quê....
    Món quà dân dã mà thơm thảo,
    Ngọt thắm tình quê lối mẹ về !
 
 Nghiêng nghiêng chiều nắng sau vườn cũ,
     Chợt nhớ bóng hình nay đã xa....
  Món quê chua chát nhưng tình đượm,
Em có còn không sắc mặn mà ?

  Khế vẫn lung linh tím dưới mưa,
 Lưu luyến chiều nao trong tích xưa....
Hoa khế cài trên màu tóc biếc, 
Giờ tôi thầm tiếc mối duyên thừa !!
NM 

Ngẩn ngơ bông khế

Mỗi lần thèm được yên bình, tôi tìm ra cây khế sau nương nhà. Nơi ấy là xứ sở muông chim tới hót, lúa đồng thơm sữa tháng ba gom về. Nơi ấy, tôi tự chơi trò trốn tìm với chính mình, và hình như còn sót một chiếc dép mộc dưới gốc khế mà tôi chưa ướm được vào chân, để bây chừ còn thắc thỏm mối lương duyên với tuổi dại.
Cây khế đó là loại khế chua. Để hạn chế độ chua, ông nội nhủ hãy lấy dao cạo một khoanh lớp vỏ dưới gốc rồi quệt vôi vào, mỗi khi nấu chắt chắt xong thì đem vỏ đổ quanh gốc. Cứ thế, mấy mùa sau khế bắt đầu ngọt dần ngọt dần. Đỗ thi sĩ ví von “Quê hương là chùm khế ngọt” hay đã đành, nhưng nếu quê hương là khế chua thì ta cứ cách ấy mà làm. Có ai đó sợ quê hương nghèo khổ, chua chát, thì hãy cứa vào lòng mình một vết dao rồi dùng tình yêu bôi vôi vào, quê hương trong ta sẽ ngọt ngào thôi.
 Mùa khai hoa của khế không rõ ràng, thường vào cuối xuân đã có chúm nụ và kéo dài cho đến tận lúc tàn trái mọng sau cùng. Nụ khế mới ngoi lên đang chụm cánh thành một ngọn bút lông viết vào bên trong nó dòng nhật ký đầu tiên của đời hoa, rồi tự nhủ phải khư khư giữ kín như sợ người ta biết hết những bí mật của mình. Những bông khế “anh chị cả” điểm vài nốt tím pha hồng nhạt giữa vòm lá xanh, chúng vụng dại thò đầu ra gặp phải gió nên vội vàng thụt lại vào trong. Vài bông không chịu được sự mỹ miều của buổi chiều, đã động lòng trắc ẩn mà thả cánh xuống làm nơ hoa cài lên tóc đám trẻ đang nô giỡn phía dưới. Đừng chạm vào nơ, hãy để em nằm yên trên suối tóc nguyên sơ của anh! Lời ai đó cất lên khẩn nguyện đôi bàn tay. Ừ, cứ bình yên trên ký ức ấy mà hồng nỗi nhớ tím niềm thương. Bông khế tím đậm nhất ở lõm hoa rồi nhạt dần thành hồng và trắng muốt ra ngoài cánh. Hoa ấy là một người con gái, giấu kín nội tâm tê tái của mình vào trong lòng, chỉ hé một chút trinh bạch ra ngoài như biểu thị sự ngây thơ hồn nhiên của tuổi mười ba khe khẽ dậy thì. Nếu chàng trai nào đó chạm vào thì ngay lập tức màu trắng sẽ ngại ngùng và màu hồng ửng lên như đôi bầu má rồi hoá tím.
Có một lần từ Huế ra nhà sau hai tháng ngủ mơ giữa cõi ảo tình yêu. Độ ấy xuân đương ngả về buổi hạ, và chính bông khế đã đánh thức tôi dậy. Tôi đi quanh gốc cây, nhặt dăm bông dù không để làm gì, chỉ gom lại trong lòng tay rồi nắm hờ để cảm nhận chút dịu dàng muộn màng của em. Bông khế mong manh như giấc mơ lúc tảng sáng, vừa mới chạm vào đã tan ra trước khi mặt trời thức cõi. Một phần tuổi trẻ đã qua cùng với mùa xuân vừa mới cất lời chào tạm biệt, đâu đây vẫn còn hình ảnh một người con gái cầm bông hoa ngớ ngẩn ngắt từng cánh chơi trò bói tình. Yêu này! Không yêu này! Yêu nữa này! Không yêu rồi này!… Và cánh cuối cùng nằm lại nơi tôi lại là một cánh hoa vô duyên nhất, từ nội tâm đến viền ngoại cánh lan đều một màu trắng. Không biết người ta đã học yêu như thế nào, còn tôi, tôi nhận từ bông khế lời ngụ ngôn về lẽ vô thường trong tình yêu thông qua sự biến đổi sắc màu một cách chóng vánh.
Những chiều nhạt nắng, tôi đem chiếc võng dây dù mắc sau vườn, một đầu dây cột ngang thân cây khế. Ngửa mặt dưới tán lá đương mùa đượm quả, tôi ngỡ mình là thằng lười nào đó đang nằm há miệng chờ.. hoa. Võng chỉ chao rất nhẹ thôi là đã đủ rung bông khế rụng xuống. Cây khế này đã đến tuổi kể chuyện nên có khi tôi nằm võng vừa ăn quả, vừa hứng hoa và lắng nghe lời tâm sự của ông cây rồi ngủ luôn ở đó suốt một buổi, tịnh không trở giấc. Chiếc võng đơn sơ tựa áng trăng mồng ba làm một nan thuyền đậu bến sông thơ. Bông khế lắc nhắc như mưa bóng mây thoảng qua từng đợt rồi dính đầy vào gai võng. Chiếc thuyền hoa ấy cứ trôi miên man giữa dòng sông hoài niệm dĩ vãng…
Mà cũng thật lạ, bông khế dường như không toả hương, hay có thì cũng rất nhẹ, phải để tâm lắm mới biết được. Ở khía cạnh dư ba thì hẳn nhiên hoa khế kém hoa chanh hoa bưởi cùng nở trong một khu vườn. Có lẽ hoa khế mang nỗi lòng của những cô gái thôn quê tuổi trăng rằm, đôi khi muốn yêu rồi đấy mà không dám hé lộ, sợ người ta ngửi thấy thì ngại phải biết! Vậy nên có ai mới chớm yêu nhau mà sợ mọi người thèo lẻo phá đám thì hãy ngắt một chùm hoa khế đem tặng. Nhớ nhé!
Và tặng hoa rồi thì hoa sẽ cho quả, như cái cách người ta dùng hoa trao nhau để nhận về  tình yêu là một thứ quả ngọt vậy. Ở làng, hầu như nhà ai cũng có trồng một gốc khế; cây lặng lẽ ẩn dật ở sau nương chứ không trương ra trước mặt. Có lẽ người quê chỉ coi khế như một thứ cây rảnh đất thì trồng ké vào thôi chứ chẳng lợi lộc gì. Bưng rổ khế đi bán có khi hết buổi chợ mà chưa vơi đi là bao. Khế rẻ rúng như cho không nên có bà mẹ nghèo đi chợ thì mua quà về cho con là xâu khế ngọt. Quả khế chẳng lấy làm sang nhưng đó là món quà ân nghĩa của mẹ và quê hương đã cho ta, ăn như chút lộc thơm thảo.
Tầm chiều chiều, trẻ con chia nhau đi khắp xóm, đứa hái khế, đứa hái dái mít, đứa xin rau thơm. Sau đó đem về xắt lát mỏng, trộn thêm muối ớt vào và bóp. Gọi là làm xụm. Mỗi đứa cầm một que nhỏ dùng như cái nĩa để ăn. Miếng xụm kẹp một nhát khế, một nhát dái mít, một lá rau thơm dính ớt, đưa vào miệng thì lưỡi thấm cái vị chua, chát, cay. Ăn xong múc gáo nước lạnh tu ừng ực mát cả cổ họng. Thức ăn nước uống “thiên nhiên” như thế, không hề nấu chín luộc sôi, thế mà chẳng đứa nào bị đau bụng. Người nhà quê còn hái khế đem vào nấu bữa như một thứ rau quả làm dịu lại cái nóng nực buổi hè. Khế xắt lát mỏng kẹp với con sứa chấm ruốc đặc nuốt cái ượt xuống tận gan ruột. Khế dùng nấu canh chua cá lóc chan qua bát cơm, dùng đũa quấy quấy rồi lùa cả cơm cả canh vào, có khi không cần nhai. Đúng là dễ như húp canh khế! Vào cuối mùa, khế chín đồng loạt, rụng trái nào là tiếc trái đó, mà ăn thì không hết. Vậy là ông nội đem khế xắt lát và rải ra phơi nắng, để dành vài bữa kho với cá biển. Nhát khế khô hút nước cá nên thấm thía, rất ngon! Khế biểu thị nỗi khát khao của người nhà quê giữa bao nhiêu chua chát cuộc đời.
Mùa hạ, gió Lào thốc về nóng nực, tôi nhét một cuốn truyện vào ngực áo rồi leo lên cây khế. Những chùm quả chi chít đung đưa như chào đón. Bông khế thi thoảng lắc nhắc rớt vào trang sách. Tôi đã đọc truyện cổ tích ăn khế đổi vàng ở trên cây đó. Đến đoạn con chim nói “ăn một quả khế, trả một cục vàng”, tôi cũng hái một trái khế im lặng ăn. Thầm nghe văng vẳng bên tai: “Ăn một quả khế, là tặng một cục vàng”. Đó là ân sủng quê hương dành cho trẻ con, cũng là chuyện cổ tích tôi viết cho riêng mình.
 Hoàng Công Danh


Mong chờ
Cây khế ngày xưa vẫn còn đây,
Người đi khuất dạng theo gió bay....
Sao không về lại như lời hứa ?
Sao mãi phiêu bồng thoả chí trai !?
NM            
Cây khế vườn xưa
Gần tám giờ tối mà con gái chị đi đâu chưa về. Mâm cơm đã nguội lạnh. Không hiểu sao, chị thấy lòng dạ cồn cào. Cảm giác mơ hồ như sắp mất một cái gì đó kiến chị bồn chồn. Chị nhìn lung mung ra ngoài cửa sổ. Trăng sáng lạ lùng. Bóng cây khế im lìm bất động, tán xum xuê. Nếu không bị bom phạt ngang ngọn, chắc giờ nó phải cao lắm. Chị lại nhớ đến chồng và lời hẹn của anh. Chị tắt đèn, đến bên cửa sổ, ánh trăng lùa vào phòng mát lạnh. Áp nhẹ mặt vào giữa hai chấn song, chị nhìn vượt lên ngọn khế, thả mắt vào không trung tĩnh mịch...
Cây khế kia trong mắt mọi người chỉ là vật vô tri vô giác, thế mà như định mệnh, nó đã trở thành điểm tựa tâm linh của hai người đàn bà. Ngày xưa, hồi bố mẹ chồng mới cưới nhau, ông trồng cây khế để nhắc lại kỷ niệm của hai người. Dưới gốc khế trong vườn nhà bà, họ đã từng chuyện trò rồi nên vợ nên chồng. Vì kế sinh nhai, ông phải đi làm xa, để lại người vợ trẻ cùng đứa con trai đầu lòng vừa một tuổi. Ông chỉ cây khế mới ngang tầm mắt nói: "Khi nào cây khế bói quả, tôi về". Hai năm sau, cây khế ra hoa. Bà thắc thỏm chờ đợi. Hoa khế rụng dần, chỉ đậu lại hai quả. Bà không hái, để chín rục rụng xuống gốc. Đúng lúc ấy ông về. Đau xót thay, đó chỉ là xác của ông. Người cùng làm ăn với ông nơi rừng thiêng nước độc đưa ông về cho biết: Ông bị cảm hàn, ra đi đột ngột ... Số tiền ông dành dụm được trong hai năm, đủ để sau này bà dựng lại ngôi nhà nhỏ cho con trai lấy vợ. Người con trai của ông bà sớm giỏi giang mọi việc. Học hết cấp hai, anh ở nhà lo việc ruộng đồng giúp mẹ. Tiếng sáo của anh vào những buổi trưa hè, trong những đêm trăng làm mê lòng nhiều cô gái làng. Riêng anh chỉ để mắt đến chị. Đám cưới của hai người được tổ chức đơn giản, vội vã như bao đám cưới thời chiến khác. Anh lên đường nhập ngũ cùng lời hẹn với người vợ mới cưới: "Chừng nào cây khế còn xanh, anh còn sống trở về..." Lúc ấy, mẹ chồng chị quay mặt đi, dấu vội giọt nước mắt. Bà nghĩ: "Lẽ nào, như mười tám năm trước, cây khế lại là tâm điểm cho một lời hẹn, sẽ lại là sợi dây vô hình buộc số phận của con dâu bà như đã từng ràng buộc số phận cả đời bà" ...
Chiến tranh chấm dứt, mẹ chồng chị thở phào. Thế là con trai bà, ơn trời đã tránh được hòn tên mũi đạn, nó sắp về ... Nhưng bà đã không còn được gặp mặt con trai lần cuối. Khi hấp hối, bà nói vời người con dâu hiếu thảo: "Hết bom đạn rồi, cây khế còn xanh, chồng con sắp về ...". Với niềm tin như thế, mẹ chồng chị đã sống chờ đợi và yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Còn chị, mười hai năm chị nhẩm đếm từng ngày, việc nhà cưả, ruộng vườn một tay chị lo liệu, chỉ mong anh còn sống trở về. Nghe tin ngừng chiến, chị phủ phục dưới gốc khế, lặng đi trong niềm sung sướng tột đỉnh. Ôm chặt con gái vào lòng, chị nói với nó: "Bố con sắp về ..." . Bởi vậy chị tái tê sửng sốt trước giấy báo tử của chồng, anh hi sinh trước ngày miền nam giải phóng một tháng. Đau đớn, hẫng hụt làm chị suy sụp tưởng không thể vực dậy được. Chị cứ thẫn thờ khắc khoải với lời hẹn của chồng. Biết bao lần chị đẫ nhìn len ngọn khế xanh ngắt kia thầm gọi tên anh và trong khoảng không tĩnh mịch đó, hình ảnh thân yêu của anh lại ùa về vẹn nguyên như ngày nào chị ngồi nghe anh thổi sáo dưới gốc cây này.
Cho đến ngày, cha con ông thầy lang Thành chuyển về đây sinh sống, chị hình như ít hoài niệm về lời hẹn của chồng. Có những điều bất ngờ vừa như vô hình lại vừa hiện hữu, khiến chị phải phân tâm. Ông Thành tàn tật, dị hình đối với chị thật xa lạ. Vậy mà có những lúc chị giật mình bởi ánh mắt quá đỗi gần gũi thân quen của ông. Thỉnh thoảng ông Thành lại bị lên cơn do di chứng của vết thương ở đầu. Những lúc ấy, người ta nghe tiếng ông la hét, cùng những lời của trận mạc: "Bắn! Nhắm trúng đích mà bắn! Bom nổ. Nằm xuống!..., người ta còn nghe cả những tiếng gào thét của ông: "Hay để tôi chết, tôi chết...". Lần đầu, cả xóm đến để cấp cứu, sau thì họ quen dần. Có gì đâu mà phải cấp cứu. Với tấm thân tàn tạ, nhỏ nhoi, chân tay thiếu hụt thế kia, ông còn chạy đi đâu, đập phá được gì? Những lúc ấy, cậu con trai chỉ cần ngồi ôm chặt lấy ông, để ông dãy dụa một hồi rồi lịm đi. Riêng chị, lần nào cũng vậy, nghe tiếng hét của ông là chị chạy sang, chững kiến cơn vật vã của ông. Ít nhất chị cũng làm một việc như vắt khăn lau mặt cho ông, để rồi mỗi lần ông tỉnh, chị lại giật mình bởi ánh mắt thôi miên của ông. Anh mắt lúc bình thường không bao giờ ông nhìn chị như vậy.
Một lần chị ốm liệt gường, ông đích thân đến tận nhà bắt mạch cho chị. Ngồi trên xe lăn do con trai đẩy tới, ông còn mang theo chiếc nạng gỗ. Ra hiệu cho chị cứ nằm nghỉ, ông chống nạng đến trước bàn thờ mẹ chồng và chồng chị. Con gái của chị đốt nén hương đưa cho ong. Một tay ông run run nâng nén hương ngang mặt, miệng lâm râm điều gì không ai nghe được, chỉ thấy phía vai bị mất một cánh tay của ông lệch hẳn xuống rung rung. Lúc sau, ông quay lại phía chị, nhìn ra sau vườn, mắt bỗng dừng lại nơi cây khế... Chị lướt nhìn ông. Một bộ mặt kinh dị, nhăn nheo những vết sẹo kéo đến cả hai vành tai. Cánh tay trái cụt sát nách buông thõng tay áo bộ đội bạc màu. Nửa ống chân phải bị cụt được thay chân giả xỏ cẩn thận trong chiếc dầy ba-ta đã mòn vẹt gót... Chị cố tưởng tượng lại dáng vóc của một thời trai trẻ, nhưng không thể được, tất cả điều đã méo mó, dị dạng đến kinh người. Ông vẫn mải mê nghĩ ngợi điều gì đó, mắt không rời cây khế. Lòng chị trào lên một cảm xúc vừa xót thương, vừa thán phục. Không kìm được, nước mắt chị tuôn rơi. Nghe tiếng thổn thức, ông giật mình dứt khỏi luồng suy nghĩ. Hình như hiểu nỗi niềm của chị, ông nhỏ nhẹ: "Bình tâm lại, để tôi bắt mạch". Nhưng ngón tay của ông đặt lên cổ tay chị. Như có dòng điện chạy khắp người, chị rùng mình, mắt nhắm nghiền. Ông thở dài: "Suy nhược cơ thể, thần kinh bất an, cần phải dưỡng sức ...". Chị cố nghe thật rõ từng âm điệu phát ra từ giọng nói của ông như muốn tìm một cái gì đó quen thuộc, nhưng không thể. Vành môi bị sẹo kéo lệch một bên làm giọng nói của ông bị đơ như người thụt lưỡi ...
Ông về rồi, chị thấy bâng khuâng, người nhẹ hẳn. Bà con ở đây thường nói: "Thầy Thành tuy tàn tật mà bốc thuốc mát tay lắm. Từ người già đến con trẻ, hễ được thầy chữa trị đều mau khỏi bệnh". Sau lần ấy, chị có khoẻ hơn, thỉnh thoảng ông lại gửi thuốc sang cho chị. Những lúc ấy chị bần thần nghĩ ngợi. Thực ra cha con ông về làng tính đã gần bốn năm nhưng chị ít khi trò chuyện với họ, hoạ hoằn lắm mới hỏi thăm vài lời sau mỗi lần ông lên cơn. Vậy mà không hiểu sao hôm ấy chị đã kể ông nghe chuyện cây khế cùng ước vọng của mình: "Giá gì nhà em còn sống trở về ...". Chị không ngờ đã vô tình chạm vào nỗi đau của ông: "Trở về mà tuyệt tự, tàn tật như tôi chỉ làm mọi người thêm đau lòng. Nếu không vì danh dự một người lính, tôi đã tự sát ngay sau khi ra khỏi trạm quân y...". Chị thấy đắng ngắt ngay đầu lưỡi, lòng nghẹn tắc, chị không giám nói tiếp với ông điều mà đã có lúc chị nghĩ: "Anh ấy trở về, dù có tàn tật thế nào mình cũng cam lòng".
Đèn bật sáng, con gái chị về, nó ăn qua quýt bát cơm, tắm rửa rồi lên giường ôm choàng lấy chị. Nó thủ thỉ: "Mẹ đợi con lâu lắm phải không? Bác Thành ốm nặng, con ở bên ấy suốt chiều nay. Bác cứ giữ con ngồi nói chuyện với bác, lại hỏi con nhiều điều. Bác mừng vì con và Kiên yêu nhau. Bác nói, anh Kiên không phải là con đẻ của bác. Cả nhà anh Kiên bị bom chết chỉ còn anh ấy với ông nội. Bác Thành được ông nội Kiên truyền nghề bốc thuốc gia truyền. Khi ông nội mất, bác mới đưa anh Kiên về đây ... . bác mời mẹ mai sang bên ấy để chính thức nói chuyện của chúng con, bác mong mẹ thông cảm chấp thuận vì bác mệt không thể qua mhà mình được".
Con gái chị vô tư, nói chuyện một mạch rồi nó ngủ thiếp đi. Từ lúc nghe nó nói ông Thành ốm nặng, Kiên không phải con đẻ của ông, trong đầu chị không thể cưỡng lại ý nghĩ đang mỗi lúc một rõ nét. Chị nhớ lại lần ấy, khi nghe kể đến lời hẹn của chồng chị, nét mặt ông thật đau khổ, giọng ông run run, ngắt quãng: "Tôi nghĩ, đó chỉ là lời hẹn của tuổi trẻ, không lường hết được sự tàn khóc của chiến tranh. Cô Lệ còn trẻ, hãy nhìn vào thực tế, đừng trói buộc đời mình chỉ vì một lời hẹn quá huyền thoại như vậy. Đối với người lính chúng tôi, lời hẹn trước lúc ra chiến trường thực sự có một sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, bom đạn... Nhưng cũng từ chiến trường ác liệt, với chết chóc thương vong, chúng tôi càng thấm hiểu sự chờ mong vô giá của những người thân nơi quê nhà bởi lời hẹn ấy. Trong chiến tranh tất cả mọi cái đều có thể...". Đúng! Trong chiến tranh mọi cái điều có thể xảy ra. Vì vậy, đã có lúc chị nghĩ: Biết đâu chồng chị cũng là một trong những trường hợp báo tử nhầm ? Nhưng thời gian đã làm tắt dần hi vọng mong manh đó, bởi đã gần mười năm hoà bình anh nào có trở về. Thế mà giờ đây... Chị thiếp dần đi chập chờn trong nỗi ngờ vực và hy vọng. Chợt chị choàng tỉnh, nghe như có tiếng gọi tên mình, chị lay mạnh con gái: "Có đúng Kiên không phải con của bác Thành không? Có phải bác Thành mời mẹ sang bên ấy?", Con gái chị vẫn còn mơ ngủ. Chị lao xuống gường lẩm bẩm: "Đúng rồi, có tiếng gọi mình"... Mở cửa, chị chạy vụt ra ngoài. Trăng đã chệch hẳn về phía cuối trời nhưng vẫn sáng vằng vặc, soi rõ bóng chị băng băng qua thửa ruộng vừa mới gặt. Chẳng còn biết có trăm ngàn gốc rạ đâm ngược lên gan bàn chân, chị lao đi, gió bên tai thổi ù ù. Phía bờ sông là ngôi nhà của cha con ông Thành, đèn vẫn sáng, chị đẩy tung cửa và kịp nghe:
- Lệ! Lệ ơi! Em ơi! Con gái của...
Chị nhào tới bên gường.
- Anh Thiện! Anh Thiện ơi!...
Búi tóc chị xổ tung phủ đầy khuôn ngực gầy lép của anh, chị vùi mặt mình vào mặt anh. Tấm thân lạnh lẽo của anh làm chị bàng hoàng, buốt nhói trong tim. Chị áp tai vào ngực anh, nơi ấy chị còn nghe những tiếng đập quá thưa thớt, khẽ khàng. Chị cuống quýt, nước mắt đầm đìa.
- Không thể như thế! Không thể ... Trời ơi! Có lẽ nào...?
Anh cố nhấc bàn tay còn lại đặt lên đầu chị, nhè nhẹ thả trôi theo mái tóc dài như cử chỉ vuốt ve âu yếm ngày nào, miệng mấy máy.
- Trời còn thương... Nếu em không đến kịp... Chúng mình sẽ... Không được ... Nhìn nhau... Lần cuối...
- Anh! Anh ơi! Còn con gái của chúng ta...
Vừa lúc con gái chị ùa vào.
- Mẹ ơi! Thế là thế nào...?
- Con ơi! Bố Thiện của con đây. Ông đã trở về đây...
Chị nấc lên, ngất lim.
Bố, Bố ơi! Mẹ ơi! Trời ơi!...
Ông Thành vẫy tay yếu ớt ra hiệu cho Kiên cầm quyển sổ tay đã sờn góc và hộp nữ trang đến bên cạnh. Ông níu tay con gái đặt chồng lên tay Kiên đang cầm những kỷ vật.
Đây là ... tất cả... những gì... bố còn... để lại... cho... con...
Đám tang ông thầy lang Thành được cả làng đưa tiễn. Ngày ấy cách đây đã tròn mười năm, chị bây giờ vẫn là một quả phụ đang vào tuổi năm mươi. Từ dạo ấy, cây khế sau vườn trút hết lá như thể đã làm tròn sứ mạng cho một lời hẹn ước. Giờ đây, nó chỉ còn là thân cây trơ trụi, dầu dãi nắng mưa để minh chứng cho một tỉnh yêu bất tử
Minh Hương

Quê Hương Là Chùm Khế Ngọt  

[Nhạc Quê Hương] Saxophone Hay Nhất của Trần MạnhTuấn

Nhớ quê

  Giữ mãi trong lòng một sắc hoa, 
 Tím màu chung thuỷ tình đậm đà... 
          Rời xa quê cũ thân lữ thứ,                 
Sao vẫn thương hoài, thương thiết tha ?

Ngắm hoa thêm nhớ nhung người,
Nụ hoa chúm chím, nụ cười quê hương...
NM

Thương Chùm Hoa Khế

Ông cụ Hồi mở cửa tiễn khách. Cũng là bạn hàng xóm thôi, nhưng gần nhà mà xa cửa ngõ. Hai khu vườn đâu lưng, cửa ngõ thì nằm ở hai con đường khác, đi bộ cũng mất mười lăm phút.
"Bác về nghe. rảnh sang chơi."
"Lóng rày hai cái chưn yếu lắm rồi bác. Muốn nhờ con cháu nó đưa đi thì sợ phiền bác ơi. Mình qua đây nó khác bển nhiều lắm."
"Biết."
Ông cụ Hồi cười buồn. Điều này thì ông hiểu sâu đậm lắm rồi. Mà đâu phải bây giờ, cách đây mười năm trước, khi còn bà, cả hai đều khoẻ, họ cùng đi tập thể dục ở một câu lạc bộ của người Mỹ nhưng có rất đông người Việt Nam. Hồi đó ông còn lái xe được, chớ bây giờ, hai chưn của ông có khá gì hơn ông bạn. Hồi đó, ở chỗ tập, bạn già hay tâm sự với nhau:
"Tui hồi mới qua, làm việc như trâu để mua cái nhà cho lớn, nhiều phòng cho các con ở. Vậy mà thoáng cái, chúng nó đi hết trơn, hai vợ chồng tui thu dọn chết luôn."
"Sao không bán đi, kiếm cái nho nhỏ mà ở."
"Nhiều lúc cũng nghĩ vậy. Nhưng hổng có chỗ thì tụi nó không về. Lâu lâu tụi nó về thăm, dẫn thêm cháu vui nhà vui cửa lắm. Tụi nó đi đâu, đem sấp nhỏ về gửi, mình được coi cháu."
Lại khoe con, khoe cháu:
"Mấy đứa nhỏ qua Mỹ mà không nhiễm Mỹ chút nào hết trơn. Ôi thôi, đi lấy chồng lấy vợ, tuần nào cũng về, mua sắm đổ đi hổng hết. Tôi cứ phải ngăn, chửi tụi nó hoài."
Chắc không? Chưa nhiễm chớ đâu phải là không nhiễm. Ông cụ Hồ nghĩ trong lòng vậy.
"Con cháu ngoại của tui mới hết xẩy. Nói tiếng Mỹ như gió. Dễ thương lắm kìa, nói chuyện với ông ngoại thì nói tiếng Việt, quay sang ba nó thì nói tiếng Mỹ ào ào. Giỏi quá."
Bà muốn khoe bà có rể ngoại quốc.
Cũng ông bà già đó, chừng ba năm sau gặp lại thấy khác hẳn. Hôm xưa ông mập mạp, mặt đỏ như quan công, râu dài và mướt như Lưu Bị, bây giờ choắt lại, xanh xao. Còn bà, già nhanh không tưởng được. Nhớ tuổi thì chưa tới bảy mươi mà tiều tuỵ, còm cõi như bà cụ trên chín mươi sắp xuống lổ. Nụ cười tươi tắn hãnh diện về con cháu đâu mất rồi.
Hỏi thăm. Nhà sang tên cho thằng con để nó trả phụ tiền nhà. Con vợ lộng quá, em út văng ra hết. Rồi đứa dọn ra, tách rời. Ông bà nhớ con nhớ cháu, lặn lội đi thăm. Lũ cháu lớn lên không dễ thương như khi còn nhỏ. Bà sụt sùi:
"Mình nói gì nó cũng hổng hiểu. Nó nói gì mình cũng hổng hiểu. Miết rồi còn hơn người dưng xa lạ."
"Bác ơi, tụi nó bận chết bỏ. Mình tới, nó đón về rồi mạnh chồng chồng đi, mạnh vợ vợ đi, trẻ con thì đi học. Bác biết hôn, tụi nhỏ hễ về tới chẳng chào hỏi ai, rút vô phòng, mở nhạc, điếc tai nhức óc..."
Ông cụ nuốt nước miếng. Già, miệng mau khô lắm, làm như phải nuốt nuốt liên tục:
"Vậy là chóc ngóc hai ông bà già ở nhà, riết rồi lo cơm nước cho chúng mà..."
Bà cụ nói hớt:
"Mà cũng hổng yên với chúng bác ơi. Mấy đứa cháu chê nấu nướng kiểu Việt Nam hôi nhà hôi cửa, nhăn nhăn nhó nhó làm mình tủi lắm kìa."
"Vậy chúng có ăn hôn?"
"Ăn chớ sao không ăn, nhưng cằn nhằn chê thì cứ chê. Buồn trong bụng lắm, bác."
Ông cụ thở ra một hơi dài mà làm như nỗi ấm ức còn nhiều lắm, nặng lắm, hổng ra hết.
"Hai vợ chồng tui giờ thuê một phòng gần phố Bolsa ở, ngay góc chợ, bà già đi bộ ra mua đồ ăn về, hai ông bà già hẩm hiu với nhau, còn đỡ. Bà chủ nhà goá chồng, còn trẻ, nhưng thông cảm lắm, cho mượn bếp nấu nướng. Mai mốt tui đi trước hay bả đi trước, còn lại một đứa già mới là khổ hết biết, bác."
Bà cụ lau nước mắt. Đàn bà dễ khóc mà.
"Bởi, mình bỏ quê, bỏ nhà bỏ cửa qua đây là hy sinh nhiều lắm, cũng vì nghĩ tới sấp nhỏ mà thôi..."
Ông cụ gạt phăng:
"Bà nữa. Mình xong bổn phận làm cha làm mẹ rồi, nước mắt chảy xuống có bao giờ chảy trở ngược chưa? Thấy con đứa nào cũng nên thân là mình yên tâm nhắm mắt mắt được. Bà à nhe, bà muốn gì nữa, lúc nào bà cũng có tui một bên..."
Lâu rồi, cụ Hồi không còn gặp ông bà già này nữa. Họ còn không? Chết? Có lẻ đôi? Ra sao rồi. Ông vẫn hay thắc mắc.
Ông già hàng xóm đã đi được một chặng đường. Ông già cũng lẻ bạn, như ông cụ Hồi, lẻ bạn. Tội nghiệp, đi thui thủi một mình. Kìa, sao lại băng ngang đường. Muốn tới cái công viên ngồi nữa sao? Dư thì giờ vậy, không ở lại chơi thêm, thiếu gì chuyện để nói. Hồi nãy cũng có cầm chưn:
"Còn sớm mà bác, ở chơi một lúc."
"Bữa khác bác. Bữa nay..."
À, thì ra bữa nay tới công viên nữa. Ở đó, có vài ông già ngồi, có vài đứa con nít chơi. Ông bạn già này thèm nhìn con nít. Ổng đâu có thiếu cháu nội cháu ngoại chớ, nhưng ông lại ở với thằng con trai có vợ không sanh con, hai vợ chồng nuôi đến bốn con chó đủ giống trong nhà. Ông cụ nói:
"Ôi thôi, hai đứa nó cưng bốn con chó[, chắc con đẻ cũng cưng tới vậy thôi bác ơi. Tui nhớ lũ cháu mà chịu, tụi ở xa quá. Gọi điện thoại có khi nào được nói chuyện với tụi cháu đâu, làm như tụi nó hổng biết mình là ai."
"Thì tại bác hổng đi thăm tụi nó. Thời này, mua một cái vé máy bay, chỗ nào hổng tới được."
"Tui, hổng tới được thiệt đó bác. Tiền già lãnh, tháng nào cũng chia cho hai đứa con còn ở Việt Nam. Tụi nó khổ lắm. Nè bác, bển tui cũng có cháu nội, cháu ngoại. Tụi nó năm nào cũng gửi hình qua, coi ngộ lắm."
Ông cụ mở cái ví luôn luôn sau túi quần, lôi ra mấy tấm ảnh con nít.
"Bác thấy hôn. Tụi nó có tình nghĩa lắm kìa. Đứa nào cũng đề sau ảnh, chắc con mẹ hay thằng cha nó cầm tay cho viết, nè, bác coi..."
Sau mấy tấm ảnh, tấm thì đề cháu nhớ ông ngoại lắm, tấm thì ông nội ơi,, cháu thương ông nội nhất đời. Trong khi ông cụ Hồi lấy kính, lau cho sạch để đọc thì ông bạn già rơm rớm nước mắt.
"Nhớ sao hổng mua vé về. Lóng rày người ta về hà rầm, sợ thằng tây đen nào chớ."
"Tui cũng hổng về được. Bác nghĩ coi, có mấy trăm bạc, nhớ con nhớ cháu cứ gọi về Việt Nam, phải chia cái biu điện thoại để khỏi nghe con dâu cằn nhằn, nựng chó mà chửi mình. Còn lại, gửi cho hai đứa, nuôi mấy đứa cháu ở bển ăn học."
Ông cụ Hồi lắc đầu, nghĩ trong lòng mà không nói ra miệng. Hèn chi. Ông bạn già đời rồi mà vẫn còn ngây thơ, bị phỉnh như thường. Cũng còn đỡ, con cháu nó phỉnh chớ ai vô đó.
Ông cụ Hồi trở vô. Căn nhà vắng như chùa bà Đanh. Chùa bà Đanh vắng như thế nào, ông cụ chỉ nghe câu nói trong nhân gian đó thôi, chớ cái nhà của cụ đang ở vắng thì buồn khủng khiếp lắm. Có bà bạn già, ở goá hồi còn trẻ kìa, có bữa gặp trong đám ma một người trong họ, mừng lắm:
"Mèn ơi, lâu ơi là lâu, hổng thấy bác đâu..."
Sao thấy được. May đám bà con trong họ, thằng con mới lấy ngày nghỉ, đưa đi. Mà cũng bỏ ông ở đây rồi dọt lẹ, hẹn giờ tới đón. Chuyện qua chuyện về, người sống sắp hết đời rồi thì còn chi vui nữa. Bà bạn:
"Tui nghĩ cho cùng mình cũng hổng nên trách ai mà trách mình là một gánh nặng cho con cái. Cũng may mình biết phòng thân bác ơi. Giờ còn chút tiền gửi nhà băng, lấy ra xài dần. Tui vô chùa ở với mấy bà bạn già, làm công quả, sớm tối kinh kệ, ngày qua mau lắm."
"Thấy chị thong thả, phẻ phắn quá, tui ham."
"Ý cha, già rồi mà ăn nói vô ý vô tứ quá vậy. Còn ham kí gì nữa mà ham chớ. Ông cười gượng gạo.
"Xin lỗi, già rồi, lẩm cẩm phải hôn. Tui muốn nói thấy chị\... tiếng Phật nói là gì đó, à từ bi tự tại, thấy chị hổng lý chuyện đời nên mặt ít nhăn, còn tui, giống trái cau khô không chị."
Bà già cười. Ông bạn chồng này, thủa xa xưa cũng một thời, nghe đâu có nhiều hồng nhan tri kỷ, cũng làm khổ đờn bà không ít.
"Bác cũng nên đi chùa mà rửa nghiệp rồi mới đi thong thả."
"Được như chị thì phúc rồi. Tui hoàn cảnh khác, chị ơi."
"Biết. Lúc đầu tui cũng đeo con đeo cháu mà không nghĩ ra là đến một lúc nào đó, con cháu nó hết cần mình nên khổ hoài. Mèn ơi, cả ngày ở trong căn nhà rộng, đi ra đi vô, tủi thân khóc ơi là khóc. Cũng may tui "ngộ" sớm... Bữa nào rảnh, bác tới chùa chơi, hổng phải chỉ có người già không đâu, mà mấy cô tre trẻ cũng tới tu, thương nhau và giúp đỡ nhau, như một gia đình."
Ông có hứa. Nhưng không đến thăm bà bạn già được. Bữa đó, bà bạn già, cũng còn giữ được tính nghịch ngợm thời trẻ, nhắc tới một hai hồng nhan tri kỷ trước đây của ông. Còn đẹp còn xấu gì nữa, tất cả đã già. Ông cũng không hề nghĩ là tìm dịp gặp lại, kể cả nếu nghe tin đám ma, chắc cũng hổng nên tới thắp nhang. Đến tro cốt của bà vợ để trên chùa, thằng con nghĩ tới đưa đi thăm thì ông tới thắp nhang, còn không thì thôi, đâu dám nhắc, sợ làm phiền.
Nếu căn nhà trống vắng này mà có chút tro cốt của bà, hay cái bàn thờ để ông hương khói cũng còn ấm áp chút đỉnh.
"Sấp nhỏ chúng nó không chịu được mùi nhang, với lại nhà có cái phòng khách nhỏ xíu, bày bàn thờ trông kỳ cục lắm. Thôi đem má lên chùa, con sẽ chở ba đi thăm, má ở chùa nghe kinh mới sớm siêu thoát. Để ở nhà, ba nhớ, sanh bệnh, khổ."
Ứa lệ mà chùi lén. Ông có một phòng nhỏ, ngăn bớt ở garage ba xe. Chỉ kê được cái gường, cái bàn nhỏ xíu còn chừa cho lối đi. Ông để cái ảnh nhỏ của bà lên bàn. Lúc đầu ông có cái bát nhang. Nhưng thằng con lại nói:
"Ba cứ đốt nhang khói um sùm. Phòng ba gần máy ga, máy nước nóng. Ba hay quên, dễ cháy nhà lắm. Để con mua cây nhang điện về cho ba, cháy đỏ ngày đêm như ngọn đèn, ha ba. Ba thấy hợp lý không ba?"
Nói thì vậy, nhưng mấy năm rồi, thằng con chưa mua. Ông cũng không nhắc. Bà chết rồi, thôi ông cứ khấn nguyện trong lòng cũng được.
Ông cụ nhà đâu vườn mà có phúc hơn mình. Còn hai ba đứa con ở quê nhà mà lo. Còn lũ cháu chưa biết mặt, phỉnh cho mà khoái. Chớ ông, đã đem hết các con qua đây, bây giờ chúng nó đã dọn mỗi đứa một nơi. Lúc còn khoẻ, ông cũng đã tới ở với từng đứa. Cũng được tiếp đón, nhưng đó là lúc ban đầu. Sau cùng, ông thấy không phải con ông tệ, mà ông không còn là một người cha nhanh nhẹn, tháo vát nuôi các con mà chỉ là một gánh nặng. Mà hai vợ chồng thằng con này thì muốn giữ ông, cũng vì lớn nhất, còn vướng chữ hiếu khó rũ bỏ.
Ông cụ Hồi đi ra đi vô. Vườn tược ông đã chăm xong. Bởi ông ít ngủ, dậy từ sáng sớm là ra vườn. Ông còn phải chăm hai cây mà bà vợ, lúc còn sống nưng niu nhứt. Đó là một cây khế và một cây nhãn Việt Nam. Bà nói:
"Thấy người ta trồng thì ham, tui cũng muốn trồng. Nhưng tui biết, tui hổng đợi được thấy nó lớn, có trái đâu. Lâu lắm."
Phải. Bây giờ cây nào cũng có hoa có trái, còn bà, xương cũng không còn, chỉ còn nhúm tro.
Cũng không phải nhà vắng rồi cứ đi ra đi vô hoài đâu. Sáng sớm, hai đứa cháu ăn sáng xong, vội vã đi học. Còn đống chén đĩa ở bếp, ông phải thu dọn dùm chúng. Gì nữa, à nhớ ra, sáng đứa con dâu dặn:
"Ba, con giặt quần áo mà không sấy kịp. Ở nhà, ba bỏ qua máy sấy dùm con chút, được không?"
"Ườm."
"Chết cha. Thùng rác chưa lôi ra... Trễ giờ rồi, con phải đi... Ba đem ra giùm, được không?"
Lúc nào cũng hỏi câu được không làm gì chớ. Bắt buộc là phải được. Việc kéo thùng rác nặng nhọc, cứ đến ngày, ông cụ còn ì à ì ạch kéo ra đường, tối lấy thùng vô. Thằng con trai có thấy, nhưng lơ đi. Ông cụ còn làm được để cho ông làm, dãn gân cốt, đỡ bệnh tật.
Đứa con dâu, lúc vắng mặt chồng quăng thúng đụng nia:
"Mệt ơi là mệt, đi làm cả ngày như trâu như chó, sao có những người sướng chỉ ăn không ngồi rồi."
Nói trống lổng thôi, đâu chỉ ai. Ông cụ Hồi đắng cả họng.
Làm xong thì tới trưa trợt. Lại thêm một chuyện tệ hại. Đã dặn sáng ra lấy cục thịt đông lạnh trong tủ đá ra ngoài để trưa kho rim mặn ăn với cháo. Đã nói già, lẩm cẩm, quên. Ông đành làm một tô mì gói. Ăn xong, ông vô phòng. Ngồi trên cái gường nhỏ, ông nhìn ảnh bà vợ. Tấm ảnh chụp lúc bà lớn tuổi rồi, mới nhìn tưởng con mắt nheo nheo ngó nhưng kỳ thực không phải, đuôi mắt bà xếp nếp nhiều quá nên tưởng vậy. Thì cũng là nét duyên của người già.
"Bà à, cây khế mùa nào cũng có hoa. Hoa khế đẹp lắm, tui biết bà rất thích, mai mốt..."
Phải rồi, mai mốt tới xuân, có hoa khế. Ông phải nhớ ngắt một chùm để trên cái dĩa, trước tấm ảnh của bà. Bữa nay ra vườn, thấy cây khế trơ trụi lá mà đã có những chồi non muốn nhú lên. Khi đông tàn, loại cây này nó vậy.
Nhớ mùa xuân ở quê nhà, trong dĩ vãng xa, nụ cười của bà bên cây khế sau vườn nhà đâu có vậy, đẹp lắm kìa. Hồi đó, ông còn là một chàng trai trẻ, thường nhìn trộm qua vườn bên cạnh... Vậy mà mấy chục năm qua cái vèo. Chuyện gì cũng đã quên tuốt luốt hết, chỉ có một chuyện nhớ. Nhớ hoài, là bữa hẹn tân niên. Mùa Xuân. Buổi trưa yên ắng. Dưới gốc khế sau vườn nhà nàng. Cũng chỉ vì đôi môi chúm chím, còn ngậm chùm hoa khế làm duyên. Cầm lòng chẳng đậu. Vậy mà lỡ cho lỡ luôn. Nào dè, chưa kịp hoàn hồn, bỗng thấy tiếng chân đi nặng nề. Rồi ông già nàng cầm cái rựa xông tới. Lạ thật, lúc đó trời sập cũng hổng biết chớ đừng nói, vậy mà nàng thấy kịp, vùng đẩy ông bật dậy. Thế là tá hoả, cũng không biết lúc đó làm sao chàng thanh niên có thể nhảy bay qua hàng rào mà về vườn nhà mình. Chuyện đâu dừng ở đó, cái bụng nàng chình ình ra, rồi đám cưới. Đứa con đúc có một lần dính liền là thằng con lớn bây giờ. Bà vợ từ trẻ tới già, vẫn lãng mạn kiểu vườn, ở đâu cũng muốn trồng một cây khế.
Đời người đàn ông kể cũng lạ. Biết bao người yêu qua đời, nhưng cuối cùng chỉ có một người đàn bà già nua, xấu xí nhứt thì vẫn mặn nồng bên cạnh. Đâu có ai hiểu lòng ông, dù bà còn nắm tro, ông vẫn thương, thương hoài thương huỷ.
* * *
Mấy bữa sau hai ông cụ bắt ghế nói chuyện với nhau qua bức tường ngăn vườn. Hai ông đứng ở khoảng tường thấp nhất, còn có bục xi măng chặn luống hoa, nên nhìn thấy mặt nhau.
"Mấy ngày rồi, tụi có bụng ngóng, hổng thấy bác ra vườn."
"Tui. Bị bận quá bác ơi, đi lo mấy thứ giấy tờ, rồi còn chích đủ thứ."
"Phải. Mùa này cúm dữ lắm. Tui cũng chưa đi chích vì thấy tụi nó hổng rảnh, mà cũng... sợ phiền."
Vậy đó, hồi còn nhỏ nhít, đang ăn chúng nó cũng phẹt phẹt ra, phải bỏ đũa dọn. Đang ngủ, chúng ọc sữa, đái dầm, phải thức giấc lo, khi mọc răng nóng đầu, khóc cả đêm không ai ngủ được, có làm phiền hôn chớ. Nhưng nói ra ngặt lắm, ai nuôi con mà kể công. Ông cụ hồi cũng vậy, nhắc bạn chớ ông cũng đã chích ngừa đâu. Năm ngoái có thằng cháu tới chở đi chích. Năm nay thằng cháu vô trường mới, ở xa, điện thoại hỏi thăm ông ngoại cũng thưa dần, rồi bặt. Hồi đó, ông hay khen có thằng cháu ngoại hiếu để biết thương ông, nay mới mắc cái quai sặc họng.
"Tui mà đi trước, ông khổ lắm ông biết hôn?"
Lúc còn sống, bà lo vậy, mà chắc lo cho tới khi nhắm mắt rồi có còn lo không đây. Bữa đám ma bà xong, cả tháng ông không ngủ, ngồi mở mắt trừng trừng. Đâu biết cái bà già ngắt, lẩm cẩm, suốt đời như cái gánh nặng đeo bên hông mà lại quan trọng đối với ông đến vậy.
"Bác thấy hôn, lật bật mà hết năm tới nơi rồi. Tui bữa nay ra coi lại hệ thống tưới tự động cho tụi nó rồi thôi, tui đi."
Giật mình. Lời nói như trối trăng. Ở tuổi này còn đi đâu chớ, nếu không phải về dưới? Nhưng ông bạn già nói tiếp:
"Tui về bển, bác."
"Bển."
"Phải. Đứa con gái đầu của tui bịnh nặng mà tụi nó giấu tui. Nghe nói không xong rồi mới báo cho biết. Thằng cháu ngoại gọi điện thoại qua, nghe giọng ông ngoại, khóc quá là khóc."
"Tội hôn."
Ông cụ Hồi hơi ân hận trong lòng, thì ra lâu nay, ông hiểu lầm nhiều quá.
Vẫn ông bạn:
"Mua vé lâu rồi, đang lo không ai giúp thì bữa có ông bạn già gọi điện thoại tới khoe um sùm là sắp về bển ăn Tết. Tui mới hỏi thăm, dò đường í mà. Thì ra, bây giờ dễ lắm, cứ lật tờ nhật trình ra là có số điện thoại để mình gọi, người ta đem xe đến tận nơi đưa mình đi. Vậy mà tui đi chích cúm, rồi đi chích các thứ thuốc ngừa. Bữa đi họ cũng đưa mình ra phi trường..."
Ông cụ Hồi buồn tênh. Sáng nào cũng có tờ báo Mỹ liệng trước sân, chính tay ông nhặt tờ báo vô nhà, nhưng chỉ nhìn được mấy tấm hình.
"Bữa mua vé nhờ thằng con, nhưng cứ nhờ hoài sợ phiền. Bây giờ biết rồi, phẻ quá bác ơi. Để bữa tui đi về, tui với bác biểu xe tới đón tụi mình ra Phước Lộc Thọ chơi, ở đó có mấy lão tướng, đấu với nhau suốt ngày, coi vui lắm."
"Ừm."
Cụ Hồi bần thần trong người, vụt miệng nói:
"Tui mà biết, tui cũng đi với bác. Sao bác hổng nói sớm?"
"Bác còn ai ở bển mà về chớ. Về bển, hỏi bạn cũ, muốn thăm đều phải ra nghĩa địa, họ nằm hết ở ngoải rồi. Còn đi đường thì sợ xanh mặt, xe cộ hồi đó đã ghê rồi, bi giờ còn ghê hơn, ổng hổng dám ra đường..."
"Bác về bển cũng cẩn thận."
Ông cụ Hồi nói cho có chuyện. Ông bạn già gật đầu:
"Tui cũng biết. Tui đâu có ở thành phố, bác. Về đến là tụi nó rước xuống Cần Thơ, ở dưới với con cháu, cũng hổng muốn đi đâu. Chơi? Có gì mà vui, mà chơi, bác."
Rồi kể:
"Nghe lóng này đường phố, xe cộ chạy như mắc cưởi mà người nào người đó đeo khẩu trang, nghĩa là khăn bịt mặt nên đi ra đường là như thấy toàn quân ăn cướp, ghê rợn lắm kìa."
"Thiệt sao?"
Ông cụ Hồi không tưởng tượng ra được. Ông bỗng hắt xì liên tục một hơi, nước mắt nước mũi ràn rụa.
"Thôi chết rồi, bác sắp cúm đó nha. Mặc thật ấm vào. Nhớ đi chích thuốc cúm, nhớ đó nha. Quên là nó vật mình toi củ tỏi luôn."
Ông cụ Hồi cảm thấy một luồng ớn lạnh chạy khắp thân, rồi dồn ở ngực, bắt muốn ho. Ông ho khục khặc.
"Vô nhà đi bác ơi. Vô đi. Tui cũng kiếu bác, bác ở lợi ăn Tết vui nhe. Tui còn lo đi một vài việc để về bển."
"Bác cho tui gửi lời hỏi thăm... hỏi thăm... ắt xì, ắt xì..."
Ông bạn già còn ráng đứng trên ghế chờ. Ông cụ Hồi hắt hơi xong thì mới chưng hửng. Đâu biết gửi lời thăm ai chớ. Ông lắc đầu:
"Thôi bác, chúc bác về bển gặp con cháu... vui."
"Chào. Ráng uống thuốc mau lành, bữa về gặp lợi."
Ông bạn già sẽ vắng mặt một tháng. Nhưng còn gặp lại nhau không, đó là chuyện của ngày mai, ai biết!
* * *
Lúc đầu chỉ vài cái hắt hơi, rồi ho. Ông cụ Hồi mỗi lần ho là gập người xuống, vì vậy, cái lưng càng còng hơn, càng gần mặt đất hơn.
"Đã nói nhắc con đưa đi chích cúm, hổng chịu nhắc. Bịnh vậy đâu có đi chích được. Chờ qua khỏi, con đưa ba đi chích. Nghe nói năm nay cúm độc lắm."
Ông cụ Hồi ầm ừ. Bữa sau, chắc con vợ tỉ tê sao đó, thằng con trước khi đi làm dặn:
"Ba à, ba đang cúm, đừng ở nhà trên nhiều, rồi lây hết cả nhà khổ lắm."
"Hổng phải tụi bây chích ngừa hết rồi sao?"
"Chích thì chích, cả trăm thứ cảm cúm, ngừa mấy thứ dữ thôi ba. Còn mấy đứa nhỏ đâu chịu chích, dễ lây lắm ba."
Đứa con nói đâu có gì sai. Nhưng cứ ru rú ở dưới garage, nằm hoài cũng thấy nhức đầu lắm. Thằng con có mua thuốc đầy đủ, còn dặn:
"Có cam vợ con mua để sẵn, ba vắt uống nhiều nhiều cho mau khoẻ. Ba nhớ uống thuốc."
Đứa con dâu, sáng, trước khi đi làm cũng ráng bắc một nồi cháo trắng. Cũng có một nồi thịt kho tiêu. Có sự săn sóc chớ đâu phải không, nhưng tình cảm thì thiếu nhiều lắm, nó nhạt nhẽo làm sao!
Qua chiều ngày thứ ba thì ông cụ Hồi sốt. Ăn cơm chiều xong, đứa con trai xuống thăm, thấy ông trùm mền kín mít thì hoảng:
"Ba sao vậy."
Đứa con lật chăn lên, sờ trán thấy trán cha nóng hổi.
"Ba có uống thuốc đều không đó. Chắc lúc nhớ lúc quên mới mau nặng vậy. Để sáng mai con đưa ba đi bác sĩ."
Con dâu và cháu không dám đến gần, sợ lây bệnh. Đứa con sợ cha buồn, bệnh nặng thêm, nên gượng gạo bảo con:
"Ông nội đau không đứa nào hỏi thăm một tiếng sao? Xuống thăm ông nội ngay."
Hai đứa cháu mặt mày cau có, đứng lấp ló ở cửa hỏi vọng vô, tiếng Việt bập bẹ:
"Ông nội, ông nội có khoẻ khôn. Chào ông nội."
Vậy là biến. Ông cụ Hồi trong cơn sốt gần như mê sảng cũng nghe giọng hai đứa cháu, mừng đến ứa nước mắt.
Tối đó, hai vợ chồng gây gỗ nhau.
"Anh một vừa hai phải thôi nhe. Ba bịnh nặng như vậy mà bắt tụi nhỏ xuống thăm. Mai mốt ba lành, muốn thăm nhiêu không được. Cả nhà thi nhau bịnh nằm một đống, khi đó ai thăm hỏi ai cho biết."
Thằng con thấy vợ nói cũng phải, nhưng trong bụng đang tức. Công việc lu bu gì không đưa cha đi chích thuốc ngừa, lỡ có gì thì ân hận đến chết. Đời sống ở Mỹ này, đứng lại là thụt lùi, là thua kém, là nguy...
"Em cũng quá lắm, anh thì bận, em chẳng để ý gì đến ba."
"Nói vậy mà nghe được. Tui cũng đi làm như anh chứ ở nhà đi ra đi vô sao? Còn nữa, chợ búa, cơm nước, làm con sen ở nhà này là ai."
Thương ông già thì nổi cơn vậy, nhưng vợ lớn tiếng thì cũng phải nhịn. Đến đó thôi. Vừa đủ. Làm tới, nổ lớn.
"Nói nhỏ tiếng chút được hôn, thôi mình, bỏ qua."
Anh sợ sấp nhỏ nghe. Hai đứa con đứng về phe mẹ.
Chiều hôm sau, đứa con dâu đi làm về, chính tay nấu món cháu thịt bò bằm, chính tay bưng xuống cho bố chồng ăn. Chị hỏi thăm, có cười, nhưng nụ cười như mỗi lần phải xã giao, gượng gạo. Ông cụ Hồi đã có vẻ khá hơn, thấy không cần phải đưa đi bác sĩ khám. Anh tự hào với bạn bè là bố anh khoẻ mạnh, tuổi già mà ít làm phiền con cháu. Anh vui vẻ hứa:
"Vài bữa ba khoẻ con đưa ba đi chích cúm."
Ông cụ gật đầu, lòng vui, thấy cha con đã gần gũi quá. Nó đâu có gì chớ, có phải lâu nay ông đã hiểu lầm con?
Tối, ông cụ Hồi uống thuốc xong thì nằm nghỉ. Ông trôi vào giấc ngủ mau lắm, rồi thì có nhiều giấc mơ.
Giấc mơ đầu tiên, ông theo ông bạn già về Việt Nam. Thình lình thấy đứng trên đường phố có một mình, rồi ông thấy không biết bao nhiêu xe cộ ào ào nhắm ông mà phóng tới, người nào người nấy đều đeo khẩu trang màu đen. Ông la lên: "Cướp, cướp." Đám cướp nhảy xuống xe vây lấy ông, kê súng vào tai ông sẵn sàng bóp cò. Sợ quá, ông van lạy, nhưng xung quanh ông, tiếng cười man rợ cất lên. Ông hoảng hốt tỉnh dậy, mồ hôi toát ra và sự hoảng hốt kéo dài cho tới lúc ông chìm vào giấc ngủ khác...
Nhiều giấc mơ vụn vặt, nối tiếp không đầu không đuôi, cho tới gần sáng, giấc mơ sau cùng... Giấc mơ kéo ông về thời niên thiếu, cậu học sinh vườn yêu cô gái quê. Ông được sống lại cảm giác ân ái vụng trộm với cô gái vườn bên, cả cái cảm giác hãi hùng, muốn trốn thoát lúc nhảy qua hàng rào ngăn hai nhà lúc bị lộ chuyện. Khi không lại nhớ một chi tiết kỳ cục nhứt lúc đó mà chỉ có hai ông bà già biết, về già còn nhắc nhở... Ông cười nấc lên.
"Gì mà cười dữ vậy ông"
Chuyện hồi trai trẻ biến mất. Bà đã đứng bên cạnh. Ông nắm tay bà, vẫn nắm được. Vậy bà đâu đã chết.
"Tui cười vì nhớ lại cái chiện hồi đó, bữa dưới gốc cây khế."
"Khỉ. Già mà còn khỉ. Kỳ quá hà."
Bà vẫn còn bẽn lẽn, đỏ mặt. Khi bà đỏ mặt, những vết nhăn trên má hóp như có mờ bớt đi nên vẫn còn thấy duyên.
"Cây khế, cây khế có bông chưa. Tui nhớ nó lắm."
Ông cười:
"Trùi lũi hà. Làm gì có."
Tay bà giựt giựt trong tay ông, vẫn còn cái hơi ấm thủa nào.
"Ông nhớ đó nha, khi nào hoa khế nở, ông hái một chùm đem về dưới cho tui."
Bà cười. Hàm răng giả của bà đâu rồi mà cái miệng móm mém, trơ lợi, trông hết duyên nhưng hóm hỉnh, ngộ quá.
Chớp một cái, không thấy bà đâu nữa. Ông ra khỏi giấc mơ.
Mở mắt, trời mới mờ sáng, nhưng ông không thể ngủ tiếp được. Đầu óc cứ chờn vờn, lảng vảng bao nhiêu chuyện cũ, bao nhiêu kỷ niệm những ngày ở quê hương, từ lúc còn là cậu thiếu niên miệt vườn, cho tới lúc đưa vợ con lên tỉnh thành lập nghiệp. Một đời đủ chuyện, lúc lặng lúc sóng dồn biển dập, long đong cũng không ít. Hai vợ chồng chống chỏi qua bao nhiêu cơn tưởng sạt nghiệp, hoặc tan vỡ gia đình. Lỗi cũng ở ông nhiều, cái số đào hoa, ra đường, người ta gặp, người ta thương, biết sao. Bà ghen tuông cũng dữ, tưởng mấy lần đứt gánh. Tội nghiệp, người thua thiệt, chịu đựng, nhịn nhục vẫn là bà, bởi thương con. Biết bao đêm, ông bỏ nhà đi hoang, một mình bà lủi thủi với đàn con dại, ôm con mà nước mắt ướt mặt mũi. Gái thương chồng đang đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm. Mà nắng đã quái, đã xế đâu còn bao nhiêu, vậy mà bà lại bỏ đi trước.
Đến giờ đi làm, người con đứng ở cửa, hỏi:
"Ba sao rồi, thấy đỡ nhiều không?"
"Đỡ."
"Có gì ba gọi điện thoại sở con. Số điện thoại con ghi để sẵn bên máy."
Người con đi sau cùng. Nhà vắng ngắt. Ông thấy đến giờ uống thuốc, nhưng phải ăn chút gì, uống thuốc mà bụng đói nó cào chịu hổng thấu. Nhưng lạ, khi ông đứng dậy thì thấy choáng váng. Ông đưa tay ôm ngực, hai lồng ngực như đang bị xiết lại, trì nặng và nhịp tim đập tới tấp, loạn xạ.
Ông ngồi xuống giường, định thần lại. Nhưng thần trí ông bỗng lơ mơ. Điều ông muốn nghĩ thì nghĩ không ra, mà những ý nghĩ kỳ cục đâu đâu lại ào ào kéo tới. Cái đầu có vẻ chịu không thấu. Đâu chỉ đầu, cả cái ngực nữa. Có bàn tay ai đang bóp hai lá phổi của ông, kéo luôn mấy sợi gân đang co giật trong chân, trong tay. Phải chặn cái bàn tay quá đáng ấy lại. Ông muốn mà không còn sức làm.
Một phút nào đó, ông nghĩ tới điện thoại, muốn gọi cho đứa con, nhưng rồi ông quên ngay. Có cái gì đó đang nhẹ nhàng đung đưa, ngay trước mắt ông. Ông nhận ra nó rồi. Chùm hoa khế. Chùm hoa khế, bông nhỏ li ti, điểm nhuỵ vàng. Chùm hoa ấy đang vẫy gọi ông. Có cơn gió xuân làm chùm hoa đung đưa. Có cả tiếng cười khúc khích nữa. Chùm hoa khế. Hoa khế. Đừng giỡn mặt nhe. Ở đó đi. Ông tới.
Không hiểu sao bằng cách nào ông mở được cửa phòng, mở được cửa sau. Ông nhìn thấy vườn cây xanh mát. Ông đi qua cây nhãn, không dừng lại. Ông đi tới cây khế. Hoa khế nở rồi? Ông nhìn lên. Kìa, núp sau một tàn lá, có chùm hoa cánh tím nhuỵ vàng đang đung đưa. Nó muốn lẩn trốn ông. Cả cái hàng rào cao thế kia, ông còn thừa sức phi thân qua. Làm sao chùm hoa này trốn nổi. Ông vươn người, với tay, mỗi lúc một cao.
"Tui hái cho bà. Tui hái cho bà."
Chùm hoa khế đã ở trong tay ông. Lạ thay, cùng lúc đó, ông bỗng thấy mặt ông đang dụi vào mặt đất. Đất. Phải, đó là chỗ của ông. Ông nghe tiếng bà dặn: "Khi nào hoa khế nở, ông nhớ hái một chùm đem về dưới cho tui."
Bàn tay vẫn thận trọng nắm chặt chùm hoa, ông tiếp tục thì thầm: "Tui hái cho bà. Tui hái cho bà."
Chùm hoa tím ngát... nhoà dần trong mắt ông.
* * *
Buổi trưa, người con trai cụ Hồi không biết có linh tính gì, đang giờ ăn trưa, bỏ về nhà. Anh ta canh cánh trong lòng, hình như buổi sáng đi chưa tắt máy hít. Đến tối mịt cả nhà mới về, ông già bịnh, đôi khi không biết để tắt, hao điện lắm.
Về tới, máy hít đã tắt rồi, không biết do anh hay bà vợ trước khi đi làm. Anh tính khoá cửa đi, nhưng nghĩ giờ đi ăn, tới sở sẽ trễ, anh xuống bếp. Bếp ngắt lạnh tanh, nồi cháo vẫn y nguyên, chứng tỏ ông già chưa đụng tới. Anh đi xuống garage định hỏi ông già có ăn không để cùng ăn. Đây cũng là dịp anh bày tỏ nỗi lòng để cha con gần nhau trở lại. Không biết từ bao giờ, anh nghĩ lại, thương cha, hay chính mới đây, lúc sờ lên đầu cha sốt, trong hơi bốc nóng, lẫn một cái mùi già, ngái ngái như mùi lá vàng sắp rụng.
Anh không thấy ông già trong phòng. Anh đi tìm một vòng, cũng không thấy. Kỳ lạ chưa? Liệu có... Không đâu, ông cụ đã qua cơn sốt, có nhiều phần khoẻ lại, lẽ nào...
Nhìn cửa ra vườn thấy mở toang hoang. Anh vội vã ra tìm. Vườn mùa đông, cây lá trơ trụi. Tới gốc khế, anh thấy cha anh nằm sóng soài, mắt mở trừng, một tay nắm cái gì thật chặt.
Người con quỳ bên xác cha. Anh khóc. Rồi anh gọi 911. Lát sau xe cứu thương tới, có bác sĩ khám nghiệm, xác nhận ông già đã tắt thở mấy tiếng đồng hồ rồi, vì đứt mạch máu não, xuất huyết trong đầu. Khi mở bàn tay nắm chặt của ông ra coi, thì chỉ là một cành cây khô khốc, khẳng khiu, không ai hiểu tại sao!
Sau đám tang cụ Hồi, cái garaga được sửa lại đủ cho ba xe đậu. Từ nay, chiếc xe của thằng cháu nội có mái nhà, không phải đậu ngoài lề đường để chim nó iả dơ hầy nữa.
Tháng sau ông bạn già hàng xóm đi Việt Nam về, nhìn sang vườn bên. Không thấy ông bạn hơn hở bắt cái ghế lên để nhìn mặt nhau. Ông hỏi thăm, biết ông cụ Hồi đã chết, khi chết nằm dưới gốc cây khế.
Ông cụ thở dài, nhớ bạn. Nhớ ông cụ Hồi có lần chỉ cây khế: "Bởi, đi đâu bả cũng trồng cây khế, bả mê hoa khế lắm kìa. Mê như mê tui." Đó là lần ông được ông cụ Hồi vui miệng, khoe thành tích chuyện tình thời trai trẻ miệt vườn.

Năm đó, cây khế ra hoa chi chít, từng chùm bông khế tím sậm, lấn cả lá. Có điều, hoa thì nhiều mà không đậu trái nào. Ông bạn già hàng xóm còn lại cũng hẩm hiu lắm, đôi khi ông tự hỏi, lẽ nào ông cụ Hồi đã hái hết chừng đó hoa khế mang xuống dưới cho bà.
Nhã Ca

Nhớ Về Em - Jimmy Nguyễn

Anh vẫn nhớ !....
Anh vẫn nhớ mình hãy còn lời hứa,
Dắt em đi ngắm cảnh đẹp lưng đồi....
Nhưng hôm nay tất cả quá xa xôi,
Em vĩnh viễn xa rời nơi thế tục.

Thời gian qua mau, dòng đời cuốn hút,
Chỉ còn anh nuối tiếc kỷ niệm xưa...
Cây khế lưng đồi lặng lẽ dưới mưa,
Con đường dốc một mình anh cô độc..

Chùm hoa tím, giọt mưa rơi như khóc!
Trong mênh mông nghe văng vẳng tiếng em,
Nhớ nắng vàng , nhớ giọng nói dịu êm :
Hẹn nhau nhé sẽ về mùa hoa khế !!
NM
Hoa Khế Lưng Đồi
Bước lên chiếc Lambretta hàng, tôi tự nhiên thấy Trâm ngồi thu hình ở một góc xe.
Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẳng thì có giấy đổi vào Nha Trang. Hôm mới vào nàng tìm đến địa chỉ tôi do lời dặn củ anh Hiệp, anh rể nàng. Hiệp là bạn học của tôi hồi ở trường Khải Định. Có một cô em làm việc bị đổi đi tỉnh xa Hiệp viết thư giới thiệu cho tôi, gián tiếp thay anh để tuỳ cơ giúp đỡ cô em nhút nhát. Sau khi đọc thư của Hiệp, tôi hỏi:
- Xin lỗi cô vào Nha Trang lần đầu tiên?
- Vâng ạ. Em mới tới đây lần đầu.

Giọng nói trầm, thứ giọng thổ ít gặp nơi một thiếu nữ. Tôi không đợi nghe một giọng nói như vậy nên tôi thấy thích đặt câu hỏi để nghe giọng ấy trả lời.
- Cô đã có chổ trọ rồi?
- Dạ có. Em ở chung với một chị bạn cũng làm ở nhà thương y tế.
- Có gần đây không?
- Dạ ở 153 đường Phước Hải.
- Chỉ có hai chị em ở?
- Dạ, chỉ có hai.
Tôi gật đầu:
- Ở thế thì rộng rãi thong thả khỏi bị trẻ con quấy rầy. Nhưng cũng có điều phiền. Không bị trẻ con quấy rầy thì lại bị người lớn phiền nhiễu.người lớn…
Tôi ngần ngừ không biét nên nói tiếp như thế nào cho tiện. Thì nàng mỉm cười.
- Em hiểu nhưng không có cách nào khác. Ở đời phải biết chọn sự bất tiện nào tương đối nhỏ hơn hết.

Khi đặt tách trà lên môi tôi thấy nàng đăm chiêu nhìn ra cây ngọc lan đứng cạnh cửa sổ phòng tôi. Nàng ngưng uống tách trà, say mê nhìn thật lâu như không có tôi ngồi trước mặt. Một lát, tôi chợt thấy nơi vành mi mắt nàng có lóng lánh nước mắt. Rồi hai giọt nước mắt đọng lại, thành hình. Nàng quay về tôi, đưa cánh tay áo chặm mắt, mỉm cười ngượng nghịu:
- Xin lỗi anh…
Tôi ngắt lời:
- Chắc cô đang nhớ nhà.
- Dạ, nhìn cây hoa ngọc lan, em nhớ cây ngọc lan nhà em. Em nhớ bà Ngoại. Mỗi buổi sáng em hay dậy sớm ngắt hoa ngọc lan đặt lên bàn Phật cho Ngoại. Em đi xa, chắc chỉ có ngoại là nhớ em nhiều nhất.
- Có xa nhà lần đầu tiên nên sự nhớ nhung xót xa. Lâu dần sẽ quen đi.
- Vâng nhưng phải lâu lắm mới quen được. Sau đó tôi đến thăm nhà trọ của Trâm một lần. Tôi lưu ý nhìn cô bạn cùng ở chung với nàng để tìm đoán xem những loại ý nghĩ nào hay đóng đô ở một khối óc như vậy. Cô bạn có đôi môi nóng bỏng tình cảm và một nốt ruồi dưới cằm. Vành mắt bôi nhiều bút chì than. Tóc đỏ rối loà xoà theo kiểu rong biển, man dại, say đắm.

Vài tờ tuần san bìa loè loẹt in hình tài tử chiếu bóng vứt trên giường, trên đi văng. Màn treo cửa mang hình vẽ méo mó lộn xộn. Trong khung cảnh đó, Trâm vẫn đơn sơ và tự nhiên như một lá cỏ non giữa đồng nội. Không có sự pha chế, tính toán, bôi sửa nào trên đôi mày dài màu nhạt đó, trên hàng lông mi cong, trên đôi môi phơn phớt màu hồng. Nàng cười bảo:
- Em ở đây cũng dễ chịu. Thỉnh thoảng em và chị Hoà- tên chị bạn - đi phố gặp anh.
- Tôi ít hay đi phố lắm.
- Thế mà lần nào đi phố cũng gặp anh.

Tôi không biết đó là lời nói đùa hay lời nói thật. Sau đó Trâm đổi nhà trọ, những cô thiếu nữ độc thân thường phải đổi nhà trọ luôn, y như những con mèo phải tha con đi giấu khắp mọi xó xỉnh. Những chiếc Vecpa, những chiếc xe gắn máy, thỉnh thoảng những chiếc Jeep hay đậu trước nhà. Hàng xóm không ưa những tiếng xe rồ khi tắt máy và khi nổ máy, tiếng còi ậm oẹ gọi cổng. Phải dọn nhà để đánh lạc những chiếc xe thiếu nhẫn nại. Tôi mất hút Trâm.

Hôm trước đây khi cầm một cuốn tiểu thuyết mới xuất bả, tôi nhìn lâu vào bức ảnh một thiếu nữ in ngoài bìa. Hao hao giống một người nào? Đôi mắt khép hờ, mơ màng xa vắng. Mái tóc buông dài. Đôi môi ... tôi chợt nhớ đến Trâm. Đúng là khuông mặt đó.
Tôi nhìn kỹ vào bức ảnh và tôi thấy Trâm đẹp. Lạ chưa? Có nhìn vào bức ảnh của một người khác tôi mới thấy rõ mặt Trâm. Thì ra khi đối diện với nàng, tôi bị giọng nói, nội dung câu chuyện, bị xúc cảm của tôi làm sai lệch đi hình ảnh của nàng khiến khi hình dung lại tôi thấy những đường nét của khuôn mặt thấp thoáng mơ hồ. Huống chi, không biết đã mấy tháng rồi, tôi không có dịp gặp lại Trâm. Tôi mua cuốn tiểu thuyết về đặt đứng ở bàn, ở đầu tủ, ở trên mặt radio, cạnh đầu giường. Thỉnh thoảng tôi nghĩ: " Hôm nào gặp xem có phải Trâm đẹp như thế không?".

Bất ngờ mới hai hôm thì chợt gặp nàng trên chuyến xe Lambretta hôm nay…
Tôi bước lên xe, ngồi vào chổ trống mà hai người hành khách đã xích lại để nhường cho tôi:
- Lâu quá em không ghé lại thăm anh. Hai tháng nay bận liên miên. Hết chủng ngừa bệnh dịch hạch đến ngừa bạch hầu, đậu mùa. Cứ cách một hôm phải trực một hôm.
- Chắc hôm nay cô mới được rảnh nên đi về nhà quê chơi đấy.
- Đâu có được như vậy? Em đi với đoàn công tác lên Phú Vinh chủng ngừa dịch hạch. Đáng lẻ đi xe của Ty Y tế, nhưng em bận tí việc phải tới trễ nên đành đi Lambretta hàng.
- Cô thôi ở Phước Hải.
- Em đi đã lâu. Thay nhà hai lần nữa rồi. Hiện em ở đường Mạnh Tử.

Một xe chở hàng cao nghễu nghện ầm ầm chạy tới làm át cả tiếng nói của Trâm. Cả hai chúng tôi im lặng. Gió ban mai lạnh buốt thổi tạt vào hông xe. Xe chạy ra khỏi thành phố. Màu xanh của những ruộng rau muống làm tươi mát đôi mắt. Trâm chỉ tay lên triền núi cao, xuýt xoa:
- Có con đường đi trên đầu núi kìa. Đẹp quá anh nhỉ?
Tôi thường thản nhiên trước những tiếng xuýt xoa ngạc nhiên của đàn bà con gái, nhưng không thể chống cự nổi với giọng nói trầm ấm của nàng. Nhất là vào một buổi mai lạnh như thế này. Giọng nói ấy như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, như là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ. Tôi nói:
Con đường đó đi từ chùa Hội sang Phật học viện. Phật học viện nằm kia.
Nàng nhìn theo ngón tay tôi chỉ.

- Em có biết Phật học viện ở Huế. Anh Chơn Tánh con của O em tu ở đấy.
- Cô ở trong gia đình Phật tử?
- Không, em chỉ đọc kinh sách và theo Ngoại đi chùa. Ngoại em sùng đạo lắm.
- Tôi hiểu. Càng về già người ta càng đến gần tôn giáo hơn. Lúc còn trẻ người ta tin ở sự thông minh của khối óc mình và sức mạnh đôi cánh tay mình. Khi lớn lên và càng đi sâu vào năm tháng, người ta nếm nhiều thất bại, và người ta bắt đầu hoang mang. Tôn giáo là nơi nương tựa…
Tôi nhún vai một cái nhẹ tỏ ra chưa tin mấy ở lời mình vừa nói, rồi hạ thấp giọng:
- Tôi không thông thạo về Phật pháp nên có thể nhận xét vừa rồi của tôi là sai. Chết! Cô vừa nói cô có đọc nhiều kinh sách. Tôi thật xấu hổ vì đã làm nhằm cái việc "Ban món vũ phủ".
Nàng cười xoà.
- Anh làm em xấu hổ thì có.
Xe đậu ở chợ Mới, bở một gánh cá xuống.
- Khi nào có dịp tôi sẽ đưa cô đi thăm Phật học viện.
Chúng ta sẽ đi trên con đường chạy vắt lưng núi đó. Ngày tết người đi du xuân trên con đường ấy rất đông.
- Đứng trên lưng núi nhìn thấy cả Nha Trang?
- Thấy rõ lắm, dưới mắt mình, bãi biển, xóm Bống, Tháp Bà, Cầu Đá, Phường Củi… Quay ra sau là rừng dừa xanh mướt bóng loáng của Vĩnh Điềm, Ngọc Hội. Phía Nam là ruộng.
Nàng khẽ gật đầu:
- Cảnh trí từ trên cao nhìn xuống bao giờ cũng đẹp. Năm ngoái em đi Quy Nhơn chơi có leo núi Gành ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử. Đứng trên mộ nhìn xuống vũng bể Qui Nhơn uốn cong một màu xanh ngọc bích nằm im lặng, bất động câm nín. Em nhớ Em nhớ đến câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Chao ôi ! Ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ bạn đời.
Em chắc Hàn Mặc Tử cô đơn, đau khổ, nhìn xuống, nhân gian cách biệt hẳn với mình kia, nhìn vũng bể mà xanh, nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến cái chết giải thoát nên mới viết dược mấy câu thơ đó.
Tôi mỉm cười:
- Cô có tâm hồn thi sĩ. Vậy khi thăm Phật học viện, tôi sẽ đưa cô đi thăm những luống hoa đẹp do thượng toạ Giám viện tự tay chăm sóc lấy. Cô sẽ nhìn thấy những cây khế ở lưng đồi trổ hoa tím, những chùm hoa hình khối lục lăng mường tượng những ngôi cổ tháp.
- Anh có vẻ thông thạo cảnh đó.
- Cô đoán không lầm. Tôi có dạy ở trường Bồ Đề nên được quen với Thượng toạ Giám viện và với hầu hết các chú ở viện.
- Thế thì hay quá. Chúng ta chọn một ngày chủ nhật nào và em nhờ anh hướng dẫn cho đi xem.
Tôi nhìn khắp các hành khách trong xe, toàn là những bà buôn bán áo quần nhàu nát, bàn chân bụi bặm xỏ vào đôi dép Nhật Bản. Quang gánh móc ở sau xe đu đưa theo nhịp xe chạy. Tôi hạ thấp giọng:
- Đợi tình thế quang đãng hơn đã. Phật học viện vừa bị bố ráp hôm hai mươi tháng tám. Trường Bồ Đề đã đóng cửa.
Nàng gật đầu:
- Vâng. Em hiểu.

Nàng nhìn giây lâu ra cửa xe, mắt lướt qua những dãy cây ôma, cây mít, cây bưởi, của vườn nhà người ta nằm dọc đường lộ. Mi mắt khép hờ một nửa. Chắc chắn là tôi không lầm nếu tôi nghĩ rằng nàng đang để trọn tâm hồn nghĩ về bà Ngoại. Giữa mùa Pháp nạn, tiếng chuông chùa im bặt, lại thêm đứa cháu đi xa. Hoa ngọc lan phải tự tay cụ hái dâng lên bàn Phật. Mỗi ngày hái hoa nhớ Cháu, không biết thân gái ở nơi phương xa…
Xe chạy đến bệnh xá Phú Vinh, tôi phải đưa tay vỗ vào vai anh tài xế ra hiệu cho anh ngừng xe. Tôi nói:
- Xe đến Phú Vinh rồi. Cô chuẩn bị xuống.
Nàng giật mình quay lại. Vẻ mặt thẩn thờ. Bước xuống xe trả tiền cho anh phụ xong, nàng gật đầu chào tôi mà không nói. Xe rồ máy lao vút tới. Tôi nhìn ra cửa sau. Nàng đi chậm rãi cúi nhìn xuống đất. Chắc tâm hồn đang quanh quẩn xung quanh gốc ngọc lan, bà Ngoại, con đường Phật học viện, màu đất đỏ đượm trên đầu núi.

Trường Bồ Đề đóng cửa! Tôi nhớ những ngày hưng thịnh, tiếng chuông trường reo vang và học sinh từ các nẻo tấp nập vào trường. Các chú Điệu đồng phục áo nhật bình màu nâu đi chầm chậm thành một hàng dài từ tĩnh thất xuống. Dáng đi khoan thai, nét mặt nghiêm nghị khiến tôi nghĩ đến các vương gia tử đệ họ Tạ, họ Vương, đời Tống ở ngõ Ô y, thanh cao trong chiếc áo thâm dài. Các học sinh nhỏ bám vào các chú vòi vĩnh đủ điều. Thầy giáo bảo:
- Các em hãy đề nghị một người phụ trách bích báo của lớp.
Tiếng nói rào rào nổi lên ngay:
- Thưa thầy, bọn em đề nghị chú Huệ Thông.
- Chú Huệ Thông, thưa thầy, chú Huệ Thông.
Chú Huệ Thông đứng dậy nghiêm trang thưa rằng ngoài bài học ở trường còn phải bận học kinh điển trên viện và phụ trách hộp cứu thương của Viện. Thầy giáo thấy chú nói có lý, nhưng các em nằng nặc không chịu:
- Thưa thầy, chú Huệ Thông vẻ đẹp.
- Hoan hô chú Huệ Thông
- Hoan hô.
Chú Huệ Thông đành phải nhận chức trưởng ban bích báo.
Thầy nói:
- Các em hãy bầu liên đội trưởng của lớp.
- Chú Nguyên Lượng, thưa thầy, chú Nguyên Lượng.
- Hoan hô chú Nguyên Lượng.

Chức vụ gì cũng "mấy chú", công việc gì cũng "mấy chú", thậm chí chúng đề nghị những chuyện vẫn vơ. Chẳng hạn thầy nói "Ai thử hát bài LÒNG MẸ nghe nào" thì có tiếng đề nghị ngay: " Thưa thầy chú Tâm Đức". Giọng chú Tâm Đức ồ ồ, mỗi lần cất tiếng đọc bài thì tưởng như trời sắp đổ cơn giông. Chúng thích nghịch các chú vì các chú hiền lành tha thứ. Cũng nhiều khi làm nũng nữa. Thằng Lương hay xin tiền chú Thiện Giáp. Nó kể lể những món nó thèm: ổi, me, chùm ruộc, cóc… và chìa tay xin chú một đồng. Chú mỉm cười lặng lẽ đưa bàn tay len lỏi vào khe áo nhật bình móc túi lấy cho. Gặp đứa học sinh nhỏ nghịch ngợm hay nói chuyện, nhiều khi thầy giáo phải cho dời chỗ xuống ngồi cạnh chú, hoặc giữa hai chú lớn. Sự có mặt của các chú làm lớp học ấm áp một tình thân yêu gia đình. Học sinh có cha ( thầy giáo), có chú, có anh chị em. Lớp học lại có mang thêm một không khí hoà bình thanh nhã.

Khai giảng niên khoá 1963-1964 nhằm giữa mùa Pháp nạn, nên có nhiều học sinh xin rút hồ sơ đi học trường khác. Đó là con em của một số công chức, binh sĩ. Họ không muốn vì con em học ở trường Bồ Đề mà bị chính quyền đổi đi miền nước độc hoặc bị giáng chức. Lớp học mang nhiều khoảng trống như một cơ thể mang những vết thương. Chỗ trống đó là chỗ ngồi cũ của Mai Văn Hiền, đen như một thỏi chì, của Lệ Châu thân mảnh như một con nai uyển chuyển, của Võ Quang Trí học giỏi và nghịch nhất lớp, của Trần Cạm bị ông giám thị bắt quả tang nằm trốn sau ngọn tháp để đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Vết thương của lớp vừa là vết thương nơi lòng của thầy giáo của học sinh còn lại. Vào những lúc này, mọi người mới cảm thấy thấm thía ý nghĩa của một câu nói bị lặp lại quá nhiều, nhiều đến nỗi gần như biến thành sáo ngữ: "Lớp học là một gia đình".

Tiếp theo sau, là những cuộc biểu tình đòi thực thi bản thông cáo chung, đòi thoả mãn 5 nguyện vọng, đòi trả lại nhục thân ni cô Diệu Quang Hoả Thiêu. Lớp học còn vắng bóng nhiều em học sinh nữa. Chúng theo người lớn xuống nằm ở ty công an. Ngày bố ráp chùa chiền làm xúc động thành phố. Trường đóng cửa. Cây phượng trước sân trường chưa bao giờ phải chứng kiến một sự vắng lặng kéo dài dường đó. Ngày tôi đến đây cây phượng mới được trồng. Bây giờ gốc nó đã tràm một vòng tay của em nhỏ. Dãy cây dầu thân cao màu trắng mốc đu đưa những chùm lá mảnh, dài, nghiêng nghiêng. Thầy trụ trì ưu tư nhìn hàng cây mít chạy ven sân chùa. Thầy nhớ những lũ học trò hoang nghịch lén ngắt vú mít chấm muối ăn. Có lần lũ học trò ở lại buổi trưa đã lén hái cả trái mít vừa chín. Thầy bắt gặp, lắc đầu rồi cho luôn trái mít. Lũ chúng là con của người ta nhưng cũng là con tinh thần của thầy. Hoang nghịch là món quà trời ban cho tuổi thơ. Lứa tuổi vô tư mà thầy đã đẩy lùi vào dĩ vãng. Bốn mươi năm hơn rồi.
Ngày tháng trôi qua, mỗi lần đi xe ra khỏi thành phố là mắt tôi chạm phải ngôi trường đóng cửa im ỉm, Phật học viện nằm vắng lặng. Con đường bò vắt lưng núi không có người đi. Tôi không biết bao giờ mới có dịp đưa Trâm đi một vòng trên con đường vắt vẻo ấy. Thì chợt cuối tháng mười tôi chợt nghe tin Trâm bị nạn. Nàng đi thăm một người anh làm quận trưởng ở quận Hoà Vang và xe nàng bị phục kích. Nàng chết tại trận, còn người anh bị thương nặng. Linh cửu chở về Đà Nẵng.

Tôi không nhìn được thi thể nàng cũng không đến viếng được mộ. Thành ra ngồi gợi lại Trâm tôi chỉ thấy những nét đẹp của nàng. Đôi mày dài màu nhạt. Hàng mi cong. Môi hồng phơn phớt. Nếu phải nhìn thi thể dập nát của nàng, nhìn màu da xám xanh nhợt nhạt, tôi sẽ đau xót và bị ám ảnh đến mức nào nếu phải nhìn ngôi mộ của nàng tôi sẽ chán nản bi quan đến mức nào. Không, nàng đối với tôi suốt đời sẽ mãi mãi là cái dáng thiếu nữ mảnh mai ấy, đẹp đẻ và trong sạch như buổi gặp cuối cùng nàng ngồi Lambetta cạnh tôi.
Đầu tháng 11, nổ ra một cuộc đảo chính, chùa chiền và dân chúng được giải phóng. Khắp các nẻo phố, người ta đi tràn ra giữa đường, tự động biến thành biểu tình, những cuộc biểu tình thành thực đúng nghĩa của nó. Tuy vậy trường Bồ Đề vẫn đóng cửa vì ở giữa năm học. Tôi ghé thăm trường một chiều chủ nhật. Vắng vẻ. Mấy ngôi cổ tháp đứng giữa sân trường lặng lẻ suy tư. Những cây sao thân cao mọc ở ven chân núi thong thả để rơi những cánh hoa màu trắng xuống những bụi gai thấp. Nơi này, ngồi trong lớp thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ tôi thấy một con sóc thoăn thoát chuyền cành. Tôi theo con đường nằm vắt lưng núi qua Phật học viện. Đáng lẻ có Trâm đi cạnh tôi vào lúc này mới phải, tôi nghĩ. Một ngày đặt biệt như hôm nay không phải để cho tôi đi một mình. Mặt biển rộng trước kia, dãy Xóm Mới nằm ép trên mặt cát, xóm Cồn, xóm Bống, Rộc Rau Muống, cầu Hà Ra… phải là nơi để đôi mắt nàng lướt qua đậu lại. Nàng phải xuýt xoa cạnh tôi " Ồ! Cảnh đẹp quá!"
Thế mà vụt nhiên nàng đã không còn nữa. Vô lý vậy sao? Từ sống sang chết có biên giới nào không? Bước qua ngưỡng cửa của cõi chết, nàng không đủ thời giờ để nhớ lại những nụ hoa ngọc lan, bà Ngoại, con đường nằm vắt ngang lưng núi, dự định đi thăm viện với tôi. Nàng không kịp nghe tiếng chuông chùa ngân xa, u trầm tịch mịch. Không kịp nhìn cây khế lưng đồi lặng lẽ trổ hoa. Nàng không kịp chung chia nỗi vui rộng lớn của những người tản mát trong các thôn xóm dưới kia, mừng thoát được tai nạn mà họ không thể nào lường trước được.

Con đường đất đỏ chạy lui dưới chân tôi. Đến Phật học viện. Những toà nhà nối tiếp các chú điệu với bước đi khoang thai. Những chậu hoa hồng, hoa huệ, những hòn non bộ, những hồ sen. Tôi lại đứng dưới gốc một cây hoa đại bên tai tôi. Tôi mường tượng nghe giọng tôi nói:
"Cô sẽ nhìn những cây khế đứng ở lưng đồi…" và nàng nói lại:
"Chúng ta chọn một ngày chủ nhật nào và em nhờ anh hướng dẫn…".
Giọng nói ấm, trầm. Như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, như là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ.

Võ Hồng