Để ghi nhớ chuyến đi về Châu Đốc mùa Ô Môi có trái không hoa
Ký Ức Miền Tây-Mùa Hoa Ô Môi
Ký ức miền quê | Nhớ mùa ô môi
Bông Ô Môi
Vòng hoa ô môi,
Anh se kết vòng ô môi đỏ thắm,
Ngỡ hoa đào xứ lạnh của mộng mơ...
Hoa miền tây chân chất vẻ ngây thơ,
Khoe sắc thắm như má hồng thiếu nữ
!
Dấu trong tay cánh ô môi hé
nở,
Giữ trong tim tình vừa gặp chóng phai....
Tình còn đây, rồi mai thoắt chia tay,
Ô môi đỏ có nhạt nhoà sắc
thắm.?!
Mai em đi rặng ô môi buồn lắm ?!
Tuổi xuân tàn sắc hoa đỏ chẳng phai !
Vòng hoa ô môi, chút hẹn ước trúc mai...
Tình cuối mùa hoa ô môi
Thả mái dầm khuấy nước, Thanh bơi xuồng dọc mé sông, lướt lên giề lục bình bập bềnh trôi, qua bờ cỏ lau bạc trắng bông, nhanh nhảu rẽ vào đầu kinh Ba Thước. Thanh nhìn lên, nắng chiều ngập ngụa tràn vào mắt, nheo nheo. Ngày sắp tàn đi, trời thâu sáng lại. Anh cuối xuống tát nước, thả xuồng trôi xuôi, rề rà nghĩ ngợi. Chợt anh dỏng tai nghe. Một giọng thân thuộc. Một điệu tràn da diết. Bìm bịp kêu. Tiếng gọi cho nước lớn căng đầy, tiếng réo cho thủy triều dâng cao vọng vang đâu đó bên lùm sậy xanh um ngút. Thanh lao chao nhớ đến hai câu hò chèo ghe mà anh từng đọc được trong sách, ở một lần rất xa. Rồi nổi hứng, anh thả giọng mình trãi trầm lên mặt nước:
“Bìm bịp kêu nước lớn em ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”
“Thằng
nhỏ! Hát hò gì mà buồn! Thất tình hả bây?”. Thanh ngó lên bờ, trổ giọng
trêu đùa rổn rảng, dì Sáu đang ngồi gở cá mắc lưới nở một nụ
cười móm mém, nắng chiều xuyên qua vòm cây, đậu lên vai, rớt lên mái tóc
bạc màu những đốm hoa trời. Anh đáp ngập ngừng:
“Hò chơi thôi mà dì!”. Và Thanh lặng im thả dầm, bơi đi, nghe nắng đọng rớt hình trên mặt nước lao xao.
* * *
Thanh đứng bên góc cù lao, thả mắt lên màu xanh nhạt bên kia bờ sông
Hậu, thấy con nước đứng, thấy giề lục bình ngủ lặng. Sau lưng anh những
vạt nắng rụi dần rụi dần. Thời gian kéo qua tầm mắt tiếc nuối một màn
sương. Và thêm một màn sương. Phết xam xám mờ. Ngày và đêm đang giao
mùa, quyến luyến níu kéo, bịn rịn giả từ. Và trời nhả một cơn gió, thổi
nhè nhẹ, lượn vòng vòng, quấn quấn trên những cành cây, kéo rớt vài tàn
bông ô môi, thả mềm lững trước mặt anh. Thanh bắt lấy một hoa, xòe ra
trong bàn tay, hai màu đỏ hồng sáng hắt ra từ ánh mắt.
“Trời ơi! hoa anh đào”.
Nghe tiếng reo. Thanh quay lại nhìn. Một cô gái lạ không biết từ đâu
đến, ngước mắt tròn xoe, ngạc nhiên đắm chìm trong màu hoa ô môi trỗ.
“Anh gì ơi?”. Nghe tiếng gọi mình, Thanh bước đến. Trong màu xám
trời, anh nhận ra đôi mắt sáng chao đổ người nhìn đậu long lanh trên
khuôn mặt tròn tròn, mái tóc đen dài thả trôi xuống hai vai phất phơ một
mùi hương đài cát. Chắc là gái thị thành, thanh ngẫm nghĩ và tự nhiên
cảm thấy bối rối. Anh muốn nói tui tên Thanh, em muốn hỏi điều gì nhưng
ngượng ngùng đã rịt môi anh khép lại. Anh đứng thinh lặng kề gốc cây già
cũ mà ngập ngừng.
Thấy người đằng trước lặng im. Cô gái bước tới vài bước, đến gần anh,
sát lại anh, nhẹ nhàng nhìn lên khuôn mặt còn đọng đo đỏ màu nắng ẩn
trong ánh sáng mờ chiều và hỏi:
“Anh gì ơi! Đây là cây gì mà hoa đẹp quá?”.
Dùng dằng dứt bỏ bối rối, Thanh trả lời gọn lỏn như mảnh ruộng khô thiếu nước, nắng hắt hiu: “Cây ô môi”.
“Vậy a! nó giống hoa đào quá! Em còn tưởng ở miền Tây mà có hoa đào
nữa đó”. Nói rồi cô gái cười giòn giòn như bào chữa cho sự ngây thơ của
mình. Xong, cô bước dần, đi về cuối dãy cù lao, hai tay dang ra như cánh
chuồn chuồn bay, mũi hít một hơi thở dài như muốn cất một mùi hoa tụ
lại trong trời chiều.
Thanh vẫn đứng chỗ gốc cây, mắt dõi nhìn theo cánh chuồn chuồn xanh
nhạt xòe cánh, ướp mình vào mùi hương ô môi. Gió từ ngoài sông Hậu thổi
vào, vuốt lên mái tóc, chạm vào làn da, mát rượi, kéo bay đi những nhạt
nhẽo đời thôn dã. Thanh nghe thấy có chút gì tươi mới vừa rổn rản kéo
đến, nhảy nhót trên tâm trạng cũ. Anh nhìn những nhánh cây cong cong,
thấy màu hoa đỏ hồng, thấy đẹp đẽ rợp bông, dù trong màu xám trời, dù
sau tầm mắt có màn sương bám đọng. Rồi cánh chuồn chuồn nhạt xanh vòng
quay lại, đậu trước mặt anh một nụ cười:
“À! em quên giới thiệu với anh, em tên Đào. Còn anh tên gì?”
“Anh tên Thanh. Ở gần đây”. Bối rối kéo bàn tay anh vuốt tóc anh, hoan hỉ mở đôi môi mở nụ cười.
“Nhà em ở Sài Gòn. Em xuống chơi nhà ngoại. Chỗ bà Tư bánh dừa, chắc anh biết mà?”.
Nhà bà Tư, chỗ ngôi nhà lặng lẽ nằm sau hàng dâm bụt đỏ bông, dưới
hàng cau um đùm trái, kế bên mảnh vườn nhỏ có những dây trầu quấn tròn,
ôm cọc gổ dựng đứng, lá xòe ra xanh mướt. Thanh nhớ, vì nhiều lần đi học
qua ngôi nhà đó, luôn thấy chùm bánh dừa vàng màu lá treo trước cửa,
dăm lần cầm nó trên tay, mở ra, mùi nếp thơm, vị chuối ngọt lịm tràn lên
đầu lưỡi. Anh rành rọt nói mình biết trong giọng điệu muốn thân thiết
hơn với Đào, thèm gần gũi chút nữa với gia đình bà Tư.
“Chiều mai anh có ở đây không? Em muốn anh giới thiệu thêm cho em về chỗ này”.
Thanh gật đầu bằng lòng. Cô gái tươi cười, từ giả anh, đạp xe ra về
và không quên ngoái lại xòe bàn tay thon dài vẫy vẫy. Thanh đứng, anh
nhìn theo mái tóc buông một vệt thẳm dài kéo ngang hàng bưởi trắng bông,
anh ngó mãi cho đến khi hai vòng xe quay tròn rẽ vào đoạn đường cong và
mất hút trong màn đêm vừa thả xuống, nghe tiếng, chạm vào lòng nao nao.
* * *
Đêm nay hôm rằm. Trời tối, trăng lên. Trăng trườn nhấp nhô sau dãy
sậy đầy bông, gió lùa đến kéo những chiếc chổi trời phất phơ lau quét
mấy vần mây ám cho đến khi nó tan ra bằng sợi chỉ. Ánh sáng tràn xuống.
Phủ lên cánh đồng cỏ lau trỗ bông màu trắng muốt, dịu êm. Đọng trên mặt
sông dãy màu ánh sáng gấp khúc, hiền lành.
Đào ngồi trên ghế, dưới gốc cây ô môi già, mặt hướng ra ngoài sông
Hậu, nhìn con nước vắng lặng, ngó bầu trời đêm lồng lộng một màu xanh,
thấy thấp thoáng trong cung trăng tròn đọng mờ hình một chàng trai cày
cuốc, cần cù. Thanh ngồi kế bên. Anh lặng im vì say một mùi hương thành
thị. Anh rưng rức nghe lửa yêu thương âm ỷ cháy trong người. Thanh khẻ
nhìn sang mái tóc đen dài và thầm ước có một bông ô môi nào rơi xuống,
vương lại. Và anh nhẹ nhàng nhặt lên, xòe ra trước đôi mắt long lanh
thân thiết mềm mại của Đào. Nàng sẽ ngã người thon mềm sang, đầu gác lên
vai anh, anh vòng tay ôm lấy bờ eo nàng, hai mái đầu chụm lại nhìn về
hướng trăng lên, ấm nồng trong vùng sương lạnh. Nhưng Thanh đợi mãi đợi
mãi mà không có cơn gió nào ụp đến, ập vào, trăng thì đã lên cao trong
tiếng chim cúm núm gọi tình khao khao.
“Anh Thanh! Tiếng chim gì hót mà buồn quá?”. Đào quay sang nhìn Thanh và hỏi.
“Tiếng cúm núm kêu”.
“Kêu gì mà kêu tha thiết quá?”. Đào đứng dậy, đi sát về phía bờ sông
như muốn tìm nơi con chim cúm núm cô đơn vừa cất tiếng dài hơi gọi bạn.
Thanh giải thích:
“Chim trống gọi chim mái mừ!”.
Đào trở lại, hơi cuối đầu xuống, nhìn vào mắt Thanh và nói:
“À, thì ra gọi người tình! Mà anh Thanh có người yêu chưa mà biết rõ vậy?”.
“Ờ…thì…chưa…chưa…”. Hơi bối rối nhưng anh cũng cố trấn tỉnh để trả
lời. Ánh mắt lấp lánh. Ngoài trời màn sương đêm lờ lững giăng giăng
trước trăng, thả mình lên lá, đọng lại, đu đưa đu đưa. Đào nhìn thấy làn
sương trắng mờ mờ khói, tỏa lặng lờ trên cánh đồng cỏ lau, dưới ánh
trăng mềm lãng đãng. Đẹp quá đi! Nàng níu vội bàn tay Thanh, kéo anh
chạy băng đến đồng cỏ lau trỗ đầy bông, nhuộm trắng mờ dưới trăng sương.
Ngượng ngùng kịp bay đi. Thanh nắm chặt bàn tay Đào, một dòng yêu hòa
vào một dòng thương, hai bóng người dưới trăng, hai cánh bướm bay lướt
trên vầng mây trắng mềm. Khi mệt nhoài níu nặng đôi chân, Đào kéo Thanh
dừng lại giữa bốn bề cỏ lau, trăng sáng trên cao, gió thổi ngoài đồng.
Thanh nghe hơi thở nồng nồng mùi hương thị thành vuốt vuốt lên da mặt,
nghe bầu ngực nóng tròn chạm chạm vào người, hơi nóng chảy tràn lên giác
quan, một phản xạ bản năng, anh vòng tay qua, nghe áo Đào ướt sương,
nghe tóc Đào mềm dưới trăng, nghe đôi môi chạm nhau dào dạt.
* * *
Đêm nay trăng rằm đã mòn đi vì nhớ mong. Bốn hôm liền Đào không quay
lại rặng ô môi già. Thanh muốn đi tìm nhưng ngại ngần không biết viện ra
lý do nào đã lôi kéo mình đến vì anh không có can đảm nói thật. Buồn
phiền mom mem trong đôi mắt, lên khuôn mặt, vào nụ cười. Nắng chiều rời
rã. Thanh ra ngồi dưới gốc ô môi, gãy đàn, buông tiếng hát chơi vơi: “Bông
ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông, kẻ ly
hương nay đã quay về. Sao trong dạ não nề? Hồi chuông buồn từ xa vắng
đưa…”
“Anh hát bài gì mà buồn quá đi?”. Thanh nhìn lên thấy nụ cười quen, anh đứng dậy giải thích:
“À, bài Bông ô môi. Chuyện nói về hai người yêu nhau vì chiến tranh mà không đến được với nhau”.
“Anh ngồi xuống hát lại cho em nghe đi!”. Đào kéo Thanh ngồi xuống.
Tiếng đàn giọng hát lại rãi từng âm từng nốt lên mặt sông chiều đọng
bóng bông ô môi xòe cánh rớt. Hôm nay gió lớn về. Từng dãy bông sậy chới
với xác xơ. Đồng cỏ lau rối beng mệt lả. Bài hát đã hết từ lâu. Đào ngã
đầu vào vai Thanh. Lặng im kéo dài. Trong hơi thở khô khan, anh biết,
tối nay chín giờ, Đào sẽ theo chuyến tàu Hoàng Hôn đi Cần Thơ và theo xe
về lại Sài Gòn. Rồi biền biệt. Rồi thăm thẳm. Anh man mát lo lắng. Bịn
rịn chập chờn. Gần đó, xa đây. Kỷ niệm này, tình yêu kia. Nó sẽ làm anh
run bần bật vì nhớ, vì đau, vì mòn mỏi.
“Em tặng anh cái này”. Đào đặt vào tay anh tờ giấy. Thanh mở ra, một
hình vẽ, hai người đứng cạnh nhau, chắc là Thanh và Đào, trên đầu đội
hai vòng hoa ô môi kết lại.
“Em mơ một ngày cưới của chính mình với vòng hoa ô môi trên đầu”. Đào
khép hờ mắt, chấp tay, đi vòng quanh gốc ô môi già và cầu nguyện cho mơ
ước của mình.
“Để anh làm tặng em một vòng hoa”. Nói rồi Thanh trèo lên cây. Anh
chọn những cành có bông đẹp nhất, bẻ xuống. Anh kết lại. Một vòng tròn đầy những cánh đỏ hồng, những nụ tròn chớm chớm.
Thanh run run đặt vòng hoa đỏ lên mái tóc mịn đen, một màu đỏ hồng
sáng lên giữa bầu trời mờ trăng. Mấy ngọn tóc tơ phất lên bám vào mặt
anh. Hai bàn tay xiết chặt rơm rớm.
Ngoài sông Hậu, tiếng kèn báo hiệu cho khách tàu sắp đến xích lại
càng gần càng gần. Một ngọn đèn dầu đỏ vừa thắp, kéo treo lững lơ dưới
bến sông, ra dấu có người đang đón tàu.
Trăng vừa nhô lên khỏi lùm sậy. Một quầng mây đen chắn ngan. Buồn bã trời.
- NGUYỄN VĂN HIẾN -
Bên Rặng Ô Môi - Tấn Tài
Ô môi ráng chiều !Ô môi hồng thắm ráng chiều,
Điểm tô hoang dã yêu kiều thanh tân...
Chiều thu hoa rụng ... Bâng khuâng !!
Người đi góp nhặt lòng rưng rưng buồn !
Hoa nhường cho trái sầu tuôn,
Chờ mùa Xuân đến hết buồn Thu Đông !
Ô môi lại nở ngoài song,
Sắc hồng tô thắm má hồng dáng xưa ...
Dẫu không phận đẹp duyên ưa,
Ô môi còn đó, tình thơ ấm lòng !!
NM
Cũng không còn nhớ hôm đó là ngày tháng mấy. Tôi là trẻ
con, nhớ cái gì đó chỉ thoáng qua.
Không cần biết ngày tháng, chỉ biết nó buồn
vui, đẹp xấu rồi quên đến lúc mẹ dọn giường cho tôi ngủ. Sáng mai ra lại bắt
đầu những trò từ hôm qua mà không hề hay biết. Cảm thức của con người, tôi nhận
những điều mới toanh. Chỉ riêng chiều ô môi là tôi nhớ, vì màu hồng tím của nó
đến ngộp thở khi sắc nắng về chiều.
Vườn nhà tôi có đến hai cây ô môi,
một cây trồng ở chính cửa, còn cây kia lệch về phía hướng Tây. Cũng không hiểu
sao lại có lối trồng cây đó. Mẹ bảo mẹ quẳng hạt ra vườn còn ba bảo ba trồng
nên nó mọc. Sao cũng được, với tôi là vậy. Tôi thấy cây mọc cao và chị trèo lên
đó chụp ảnh. Ba bảo đẹp, mẹ cầm chổi đót hờ chị xuống. Con gái mà chụp ảnh nơi
cây lớn lại còn xõa tóc, quỷ nó ám cho... tôi cười hùi hụi, con trông chị như
nữ chúa rừng xanh, xinh tươi và hoang dại! Có đàn ông ám chị không thôi.
Rồi câu nói đùa của tôi cụt đuôi
mắc vào cuộc đời chị. Chị yêu một gã trai rừng bây giờ có tám đứa con. Chị sống
hoang hoải giữa một miền rừng xanh thăm thẳm. Tôi ít khi lên đó vì một quãng
đường xa. Lần gần đây nhất đến chỗ chị, chàng trai rừng bỏ đi rồi. Chị chặc
lưỡi, đắng kiểu vỏ ô môi nơi khu vườn ngày cũ. Nhưng vỏ ô môi làm thuốc được,
còn cái việc chàng trai rừng bỏ đi khiến chị hiểu ra bao cơ sự. Trong thế giới
những lo toan của cả đàn ông và đàn bà, chị lặng lẽ nuôi con. Như bông ô môi
lặng lẽ rơi đến thì kết trái.
Và tôi là người nhặt xác bông ô
môi...
Lúc đưa chị vào bệnh viện, tôi mới
thấy chị khóc dữ. Nước mắt chảy tràn ra cả một chiếc ghế xe. Hôm đó là mùng một
Tết, chị nằm lặng im bên bếp lửa hồng. Chị ngoái đầu chào tôi rồi úp mặt khóc,
rồi nói sau này lo cho mấy đứa cháu giùm. Tôi hiểu đây là lời nói của con người
sắp ly biệt, vội hỏi chị đã uống thuốc gì rồi. Chị nói chị sắp chết.
Còn nhớ lúc đó mấy đứa cháu mà chị
nhờ tôi trông nom đến 14, 15 tuổi hết rồi; có đứa hơn hai mươi tuổi. Chúng ngồi
xem ti-vi rồi rúc rích cười, có lúc lại nổi đóa lên vì có đứa chuyển sang kênh
khác. Chúng bảo với tôi mẹ uống thuốc lúc sáng sớm, uống nhiều. Tôi nghe đắng,
nó lộn lên tận mắt và chảy xuống bờ môi. Đầu mùa xuân lá ô môi đã bắt đầu xanh
thẫm, đó là lúc người ta lấy lá ô môi làm thuốc một cách tốt nhất. Mùa xuân bắt
đầu cho một cuộc sống mới, tôi khóc cùng chị khi xe chạy trên một khoảng đường
dài. Và chị mường tượng ra sự sống là vốn quý khi ở quanh mình còn những yêu
thương.
Chị ra viện nhưng không trở về
rừng. Tôi đón chị ở lại nơi khu vườn xưa yêu dấu. Chiều chiều, chị ra gốc ô môi
ngồi nhìn mấy đứa con tôi chơi trò nhặt lá xếp mái nhà. Thằng nhỏ hỏi thằng lớn
nhà để làm gì, chị ngồi xa xa nghĩ. Chị chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, chị cứ
sống và nuôi con rồi không còn thời gian để nghĩ. Ừ, nhà để làm gì nhỉ? Rồi chị
lặng nghe thằng cháu lớn nói. Nhà để che nắng, che mưa. Đây, bên này em, bên
này anh, bên này là ba mẹ ôm nhau nữa... đó là tình yêu! Chị mím môi, giọt nước
mắt rơi trên chiếc lá ô môi đủ để cho lòng nghe mình đang khóc. Chị bảo với tôi
chị nhớ nhà, nhớ con. Lời đó như muốn xin tôi cho chị trở về nhà. Tôi chưa nói
gì thì từ chỗ sân mẹ vừa nhặt lá vàng vừa nói, ở đó thêm mấy bữa nữa cho khỏi
hẳn lên...
Những ngày xuân cuối cùng không ở
lại, cây ô môi bây giờ đang trút lá giữa cái nắng hanh hao. Trên cành ô môi giờ
đây bắt đầu lộ rõ những chùm quả đen lúng liếng từ mùa năm trước. Những bông
hoa bé xinh bắt đầu quẩy lên từ cành và một sớm mai chị đứng ngẩn ngơ nhìn sắc
hồng tím nở rộ trên cây. Chị cười xinh như một bông ô môi đã qua bao ngày ấp ủ.
Chị bảo chị muốn chụp ảnh ở cây ô môi này.
Cây ô môi bây giờ lớn quá vòng tay
người, chị không thể trèo lên cây để chụp ảnh nên mới đứng ở gốc cây. Tôi đưa
máy ảnh chụp cái roạc và tấm ảnh được in ra. Dù đứng ở gốc cây nhưng chị vẫn là
nữ chúa rừng xanh. Chị xinh tươi và hoang dại! Nghe câu đó chị cười mà lòng tôi
nghe ấm lạ.
- Cậu nói, trước chị đẹp lắm chớ.
Trước chị có chụp một bức ảnh ở cây ô môi chính cửa nhà mình. Lúc đó cây còn
nhỏ nên chị trèo lên được...
- Và mẹ lấy chổi hờ chị xuống sợ
ma ám phải không?
Tôi đưa bức ảnh ngày đó ra, chị cầm hai tấm ảnh so vào
nhau rồi mắt như ngấn lệ. Với tôi, lúc nào chị cũng là nữ chúa rừng xanh.
Hoàng Hải Lâm
Trên Bến Ô Môi - Tam Ca 3A
Bến Ô
Môi
Bến nước xưa hoa ô môi nở rộ,
Đưa người đi và lại đón trở về....
Ôi nhớ sao màu hoa đỏ sông quê !
Giờ sông cũ ô môi đâu còn nữa ?!...
Bến nước xưa hoa ô môi nở rộ,
Đưa người đi và lại đón trở về....
Ôi nhớ sao màu hoa đỏ sông quê !
Giờ sông cũ ô môi đâu còn nữa ?!...
Bến
Ô Môi
Nhưng có một bến nước không thuộc về một nhà nào cả.
Khắp vùng gọi bến này là bến Ô Môi. Nhà tôi ở trên hay dưới bến Ô Môi
bao nhiêu bến. Đó là cách người dân xứ này chỉ cho một người lạ tìm đến
nhà mình.
Tôi lớn lên mà không phải thắc mắc gì về tên gọi của
bến sông này, vì ngay bên con đập có cây ô môi to lớn, gốc cỡ hai vòng
tay ôm của người lớn. Cây ô môi đã đứng đây tự bao giờ? Những người già
nhất vùng cũng không biết được. Họ chỉ biết khi mình lớn lên là đã thấy
nó đứng đó, cũng to lớn không khác mấy bây giờ.
Ô môi là một loại cây hoang còn sót lại sau khi con
người đến đây khẩn hoang, vỡ đất làm ruộng, lập nên xóm làng. Thân ô môi
đen đủi, cành cong queo, lá li ti như lá me mà quanh năm trông cứ còi
cọc xơ xác.
Gốc, cành lại thường bị một loài sâu đục thân khoét
những lỗ tròn cỡ ngón tay cái, từ trong những lỗ ấy đùn ra những lọn mùn
cây nâu xám như phân bò có kèm đám bọt trắng, bọn nhỏ chúng tôi vẫn gọi
là cứt sâu.
Quanh gốc cây lúc nào cũng rơi vãi đầy cứt sâu. Thế rồi
một ngày nào đó bất chợt của tháng năm, ô môi bỗng bừng thức một mùa
bông rực rỡ đến kỳ lạ, cơ hồ chỉ trong một đêm toàn bộ cái bộ chà xương
khô cằn của vòm cây đồng loạt ra bông.
Tôi chưa thấy có một loài cây nào có cách trổ bông hết
mình như ô môi. Bông ô môi đỏ thắm, chỉ lớn chừng gấp đôi bông khế,
nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Đứng từ xa trông, vòm cây như một
ngọn đuốc lớn. Và năm nào cũng thế, khi chợt thấy vòm bông đỏ rực từ bến
Ô Môi, tôi thường chạy ngay về nhìn lên cây ô môi góc vườn nhà mình,
thấy nó cũng đã trĩu bông từ lúc nào không rõ.
Phải gần một năm sau khi ra hoa, trái ô môi mới khô
(không thấy ai gọi là ô môi chín). Đó là khi những cành cây lủng lẳng
treo đầy những chiếc gậy đen lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài đến năm, sáu
tấc, lộp cộp khua vào nhau trong mỗi cơn gió. Phải nói trái ô môi khô
cực kỳ hấp dẫn với bọn trẻ con chúng tôi. Cây ô môi ở bến Ô Môi là của
chung trẻ con cả xóm.
Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng bạo gan dám trèo hái ô
môi. Người lớn vì sợ đám trẻ leo hái sơ ý té gãy tay chân nên nói với
chúng tôi là sâu ô môi cắn chết người. Cây ô môi to lớn này thân lại có
nhiều chỗ rỗng, ban đêm từ đó thường phát ra tiếng tắc kè kêu rờn rợn và
cả tiếng huýt gió của rắn lục.
Thế nên, khi đến mùa ô môi khô, chỉ có vài đứa trẻ bạo
dạn nhất xóm nghiễm nhiên trở thành chủ cơ hữu của nó, đứng ra ban phát
niềm vui cho cả đám trẻ nhút nhát. Dùng dao đẽo dài theo hai bên thân
trái ô môi khô sẽ làm lộ ra những vách ngăn xếp đều tăm tắp, trên mỗi
ngăn ấy là một lớp mật nâu sánh tráng đều, khi nhai những cái vách ngăn
cứng hơn cả bánh tráng chưa nướng ấy, chúng cho một vị ngọt hăng hắc và
làm tím đen môi miệng.
Nhưng hấp dẫn hơn cả việc ăn là ở mỗi ngăn trong trái
lại chứa một hột ô môi vàng óng ánh, hình quả xoài, lớn cỡ cái nút áo.
Có thể lấy lòng một đứa bạn gái bằng cách cho chúng những hạt ô môi ấy
để chúng làm "tài sản" mà chơi trò đánh búng. Trong mùa ô môi khô, trong
túi áo của những đứa con gái lúc nào cũng lao xao tiếng reo khe khẽ của
những hạt ô môi.
Tôi lớn lên, do chiến tranh, sớm xa quê, sớm lỡ dở
chuyện học hành, không có được một cánh phượng khô ép trong sổ lưu bút.
Nhưng bất chợt trước một tháng năm, trước một mùa hoa phượng, lại bừng
thức trong tôi vòm trời rực đỏ từ bến Ô Môi quê nhà.
Lại hiện lên trong tôi những gương mặt bạn bè ngày thơ
bé, nhất là thằng Quắn và thằng Thám, hai đứa trai bạo dạn nhất xóm, năm
nào cũng là người phân phát ô môi, cả hai cùng đi bộ đội từ tuổi mười
lăm và sau chiến tranh thì không về nữa. Lại nhớ những buổi chiều ngồi
chờ đò từ chợ về nơi bến Ô Môi, để được mừng má về cùng những ổ bánh
mì...
Năm trước tôi về quê, sững sờ trước bến Ô Môi khi không
còn cây ô môi cổ thụ. Thì ra khi triển khai chương trình "ngọt hóa"
vùng này, để "nắn dòng" cho con kinh được thẳng thớm, người ta đã đốn bỏ
cây ô môi. Chắc rồi dài lâu cái địa danh bến Ô Môi vẫn còn. Nhưng những
đứa trẻ quê của những thế hệ sau sẽ không khỏi băn khoăn vì sao nơi này
lại có tên là bến Ô Môi?
(Bình Chánh, Tết Nhâm Ngọ)
Hoa ô môi dịu dàng tươi sắc thắm,
Luôn nhớ hoài dẫu xa cách quê hương
Nhớ hoa như nhớ người thương,
Vấn vương nuối tiếc đêm trường ngẩn ngơ !!
Nhớ Mùa Hoa Ô Môi
Vào những ngày tháng hai, tháng ba âm lịch, đi dọc theo những con đường làng Nam bộ, mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những chùm hoa ô môi tươi thắm, sắc hồng rực rỡ, mơn man, yểu điệu như một thiếu nữ trăng tròn. Cứ mỗi lần nhìn hoa ô môi nở rộ, những ký ức tuổi thơ trong tôi như bừng sống dậy. Ôi đẹp biết bao! Có ai đó đã từng ví hoa ô môi là “hoa đào phương Nam” là sắc hoa Nam bộ, thật không ngoa chút nào! Hoa ô môi đẹp lắm, đẹp một cách quyến rũ lạ lùng, nhất là lúc vừa nắng lên, những chùm hoa khoe sắc lung linh, óng mượt như tơ. Các bạn hãy nhìn đi, hãy chiêm ngưỡng những cánh hoa hồng thắm, e ấp, tròn đầy để mà gợi nhớ gợi thương. Hoa ô môi nở kéo dài cả tháng. Những cánh hoa nở xong rồi lìa cành nhuộm đỏ các bờ kinh, bờ rạch, góc sân, góc đình. Sau hoa là mùa kết trái, mãi cho tới năm sau cây mới hiến dâng cho đời những trái ô môi dài, thon thả và đầy thi vị.
Thuở còn đi học, tôi rất thích hoa ô
môi. Tuy là loài hoa dân dã, không kiêu sa đài các như trà mi, đỗ quyên,
không lộng lẫy ngất ngây như phượng vĩ nhưng màu sắc lại dịu dàng, e ấp
giống như một thôn nữ đằm thắm, thủy chung, ai nhìn cũng thấy say mê.
Vào những ngày nắng đẹp, ong bướm vờn quanh, hoa rơi vãi đầy sân, ngập
tràn mé rạch càng làm tăng thêm vẻ kiều diễm cho một vùng quê yên ả
thanh bình. Hoa ô môi tuy mộc mạc, chân quê nhưng nó cũng có những cung
bậc tình cảm riêng. Gặp con nước lớn, hoa theo dòng nước lững lờ trôi,
miên man không bờ bến, khiến ai đó vừa nhìn thấy đã chạnh lòng nhớ câu
“Ra đường nhặt cánh hoa rơi. Hai tay ôm lấy cũ người mới ta” rồi nhẹ
nhàng hứng lấy một vài chiếc hoa nâng niu như tiếc nuối cho những cánh
hoa tàn.
Trái ô môi dài, đen nhánh, cứng cáp
nhưng khi róc hết lớp vỏ ngoài, chừa lại hai sóng lươn rồi gỡ ra từng
miếng tròn tròn như đồng xu cho vào miệng nhai từ từ, một mùi hăng hăng,
thắm vào cổ họng nghe ngòn ngọt, bùi bùi, thơm thơm kín đáo không giống
với bất cứ một loại hương vị nào. Những buổi trưa trời hanh nắng, nhìn
những trái ô môi cong cong treo lủng lẳng trên cành, nghiêng nghiêng,
đong đưa theo chiều gió, ai mà chẳng nôn nao nhớ lại những kỷ niệm êm
đềm của một thời thơ ấu. Còn gì thú vị bằng mùa ô môi chín cũng là lúc
mùa hoa đang nở rộ. Sau khi tan học bọn trẻ xúm xít bên nhau nô đùa dưới
bóng cây, đứa hốt hoa rơi tung lên trời làm xác pháo, đứa trèo lên cây
bẻ trái mang xuống, róc ăn, miệng tươi cười nhí nhảnh. Ăn xong, nhiều
đứa lấy hột rửa sạch mang ra chơi đánh búng, đánh đũa, hoặc chơi cò cò
một cách hồn nhiên thỏa thích.
Ô môi, ngoài ăn tươi, có người còn dùng
ngâm rượu. Rượu thuốc ô môi có màu đỏ tươi, có thể trị được nhức mỏi,
đau khớp hoặc ăn uống không tiêu. Lúc tôi còn nhỏ, ngoại tôi hay dùng lá
ô môi đâm nhuyễn lấy nước để trị bệnh ngoài da. Ngoài ra, hột ô môi đem
ngâm với nước sôi cho nở ra rồi nấu chung với đường, đậu xanh sẽ trở
thành một món chè hấp dẫn, hương vị vừa thơm, vừa bùi. Món chè tuy đơn
sơ, đạm bạc mà sao thật thấm đậm tình quê! Bây giờ muốn tìm lại chút dư
vị của chè ô môi không dễ gì.
Thời gian như nước chảy qua cầu. Đã qua
hơn bao mùa mùa ô môi rồi mà sao tôi vẫn nhớ vẫn thương loài cây gần gũi
và thân quen này. Cây ô môi đầu làng nay không còn nữa nhưng trong lòng
tôi bao giờ cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của một thời cắp sách.
Đó là những ngày nắng ấm hay mưa rơi lất phất, gió vẫn rì rào làm cho
hoa rụng đầy sân. Thỉnh thoảng, từ trên không một vài cánh hoa lìa cành,
nhẹ nhàng buông xuống bám vào những mái tóc ngây thơ, bạn bè cứ tha hồ
tung hứng từng cánh hoa, vui chơi thoải mái. Mỗi lần về quê gặp lại ô
môi đang nở hoa, lòng tôi ngây ngất như được sống lại với bao kỷ niệm
của một thời. Tôi tha thiết ngắm nhìn, chụp ảnh và nâng niu từng cánh
hoa, sợ rằng nay mai loài hoa dân dã mang nặng hồn quê này lùi về quá
khứ xa xăm, tất cả sẽ trở thành hoài niệm.
Giờ đây, vẫn bóng dáng làng quê năm xưa,
màu hoa ô môi đoan trang, hồng thắm vẫn còn đó, nhưng bạn bè thì mỗi
người đi mỗi ngã khiến lòng tôi cảm thấy nao nao buồn. Không biết có ai
còn nhớ cây ô môi quê mình nữa hay không? Tôi thì nhớ mãi không nguôi.
Cho dù làng quê ngày càng vắng bóng cây ô môi, mùa hoa ô môi không còn
rực rỡ như xưa, nhưng tim tôi vẫn giữ mãi màu hoa dung dị ấy như một kỷ
vật không thể phai mờ.
Hoài Phương
Hoài Phương