Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Nhạc - Thơ - văn Gió Thiên đường


Blue Christmas
I'll have a Blue Christmas without you
I'll be so blue thinking about you
Decorations of red on a green Christmas tree
Won't be the same, if you're not here with me

And when those blue snowflakes start fallin'
And when those blue melodies start callin'
You'll be doin' all right, with your Christmas of white
But I'll have a blue, blue, blue, blue Christmas

Decorations of red on a green Christmas tree
Won't be the same, if you're not here with me

I'll have a Blue Christmas that's certain
And when that blue heartache starts hurtin'
You'll be doin' all right, with your Christmas of white
But I'll have a blue, blue Christmas 


Giáng Sinh xanh
Giáng Sinh đến ! Em một mình quạnh quẽ,
Em xanh xao vì luôn nhớ đến anh...!
Điểm thêm màu đỏ cho Giáng Sinh xanh,
Sao lại nhớ tháng ngày ta quấn quýt !?

Tuyết rơi rơi mang màu xanh ly biệt,
Lòng lặng buồn nghe giai điệu thiên thanh !
Anh sẽ vui, mơ ước giấc mơ lành,
Trong tuyết trắng đêm Giáng Sinh lễ hội...

Giáng Sinh xanh, em điểm thêm sắc đỏ,
Vẫn không như ngày ta ở bên nhau !
Giáng Sinh xanh, xanh như thuở ban đầu,
Em đau xót khi xanh kia dần úa....

Anh sẽ vẫn an bình trong ơn Chúa,
Anh rồi quên như màu tuyết tinh khôi..
Để lại em lặng lẽ ở bên đời,
Luôn ấp ủ mùa Giáng Sinh xanh thẳm !!
NM

Và rồi gió cũng đi hoang,
Để thương, để nhớ hoang mang bao người !.....
Thanh xuân tuổi mới vào đời,
Mà sao đành vội xa rời trần gian ?
Trời làm thêm cuộc ly tan,
Gió nương theo đám mây ngàn bay xa ! 
NM
Gió về trời
Mẹ tôi dù muốn hay không cũng gượng dậy từ từ, tôi không còn thấy Mẹ bước chân vào phòng em nữa, chỉ có Ba hay vào lau dọn và lại đặt mọi vật ở nguyên chỗ cũ.
***
Tôi nghiện cà phê, Ba tôi nghiện rượu, trong nhà lúc nào cũng đặc quánh mùi men rượu trộn lẫn cái mùi đặc trưng của cà phê. Mẹ tôi không thích cả hai, mẹ ghét phải nhìn thấy rượu trong nhà và mùi cà phê vương lại ở những chiếc cốc tôi dùng để pha cà phê, khắp nơi trong nhà chỗ nào tôi cũng để một ít cà phê để có thể tiện tay lấy dùng bất cứ khi nào.
Ba tôi đi công tác liên tục, chỉ có cuối tuần thỉnh thoảng là ở nhà, mà cứ hễ khi về là say, cuộc sống cuối tuần trong nhà thực sự ngột ngạt đối với tôi, những lúc như vậy tôi thường uống nhiều cà phê hơn. Nhiều khi nhìn ba say, tôi pha cà phê cho đường mà còn bỏ nhầm muối, mặc kệ, tôi vẫn uống, cái vị lợ lợ trào lên tận cổ, tôi vẫn nuốt....từ đó hương vị cuối tuần là tách cafe bỏ muối, rất khó nuốt nhưng khi đã quen rồi thì thấy nó không còn khó khăn như ban đầu nữa, chỉ là một cảm giác quen thuộc cùng với một dư vị khác lạ những ngày thường.
gio-ve-troi
Em gái tôi kém tôi năm tuổi, cuối tuần nghe tiếng xe của Ba về là nó quay mặt rồi lui lủi lên phòng ngồi một góc nghịch mấy con mèo, nó rất yêu động vật, trong nhà tôi nuôi năm con mèo và ba con chó, em tôi đi đâu là cả một đàn "hậu vệ" kéo theo sau nó. Con bé từ nhỏ đã rất ghét tiếng xe của Ba, Ba về là cùng với việc sẽ vứt mấy con mèo của nó ra khỏi phòng, Ba bảo ôm mèo không tốt, lông mèo dính vào dễ bị hen suyễn, con bé không nghe cứ nhất định bám chặt mấy con mèo, nhiều lần tôi để ý nửa đêm nó dậy đi tìm những con mèo, như đã quen hơi mấy con mèo chỉ cần nhìn thấy em tôi là chạy lại ngay. Hình như bọn chúng cũng không thích Ba tôi.
Cuộc sống của những ngày cuối tuần trôi qua thực sự không êm ả, trong nhà lúc nào cũng là cái giọng lè nhè say của Ba, những con mèo sợ hãi chạy xô lại một góc với ánh nhìn len lén, đồ đạc trong nhà thỉnh thoảng lại có vài cái bay ra khoảng không trước hiên nhà và cộng hưởng sau đó là những âm thanh nghe đến chói tai, làm cho tất thảy đều giật mình, duy chỉ có Mẹ là bình thản như không có gì, vẫn lặng lẽ làm mọi việc cần phải làm. Bữa cơm cuối tuần bao giờ cũng nhiều món hơn ngày thường nhưng cũng khó nuốt trôi nhất, Ba nói nhiều những lời đã được lặp đi lặp lại hàng trăm lần mà tôi có thể thuộc làu làu, tôi thường ăn nhanh rồi đi lên phòng để trốn tránh những lời nói ấy, còn em tôi mỗi lần Ba nói như vậy nó ăn nhiều hơn, nó bảo: "Tiếc công mẹ nấu những món ngon, phải ăn cho hết". Bữa cơm cuối tuần có thêm "món" của Ba, tôi khó mà nuốt trôi.
Em tôi có mái tóc dài, rất dài và đẹp, em có nét của Ba, xinh gái và làn da trắng, mọi thứ của em và tôi trái ngược hoàn toàn, em giỏi cam chịu. Một lần uống thử cà phê tôi pha em bảo: "cà phê ngày thường của chị đậm đà hơn cuối tuần", em cũng nhận ra vị khác lạ trong hương vị cuối tuần của tôi. Thỉnh thoảng em tôi thở dài "giá như không có cuối tuần, em không ghét Ba, chỉ ghét tiếng xe của Ba, nó làm cho mấy con mèo của em run sợ và em thì ghét điều đó. Sau này cả em và chị đều đi học xa, có lẽ Mẹ sẽ buồn lắm". Em tôi thường nghĩ xa xôi như vậy và tính toán mọi việc cẩn thận.
Em tôi dịu dàng, với bạn bè tôi rất hãnh diện khi có một cô em gái như vậy, em thích học đàn, Mẹ mua cho em một chiếc piano, với Mẹ em như một viên ngọc vậy, lúc nào cũng rất trong sáng và thuần khiết. Nhưng Ba thì lại khác, Ba không hợp em, mỗi việc em làm, em học Ba đều không vừa lòng, mỗi khi say là Ba lại trì chiết Mẹ và em, hai người phụ nữ cam chịu trong ngôi nhà này. Tôi không vậy, mỗi lần Ba say, tôi pha một cốc cà phê muối thật đậm đem lên phòng và chốt cửa ngồi đọc sách, tôi không quan tâm những lời mắng chửi đó và thậm chí với tôi Ba say là chuyện đã trở nên quá quen thuộc, tôi không bao giờ để ý những lời nói của người say, tôi nghĩ khi đó họ không tỉnh táo. Mẹ và em thì lúc nào cũng vậy, lo lắng và khuyên nhủ Ba, có lẽ điều đó làm cho Ba thấy Ba quan trọng và Ba "được phép" tự cho mình cái quyền được mắng chửi và hành hạ người khác. Em tôi thường khóc vào mỗi tối cuối tuần, tôi không hiểu gì về âm nhạc, chỉ biết tối thứ 7 nào em cũng đàn duy nhất một bản, tôi nghe đã đến nhàm tai. Không hiểu tại sao với tôi từ bao giờ cuối tuần trở nên nặng nề hơn bao giờ hết và tôi tìm mọi cách để trốn khỏi nhà mỗi khi cuối tuần.
Một cuối tuần nọ, Ba tôi về nhà vẫn con người ấy nhưng hôm nay Ba không say, Ba mua cho em tôi một hộp nhỏ đựng những đồ vật để làm đẹp của con gái, có một chiếc lược làm bằng gỗ rất đẹp, một chiếc gương nhỏ, một chiếc bấm móng tay và những vật dụng khác mà tôi nghĩ cũng là "phục vụ" cho việc làm đẹp. Ba đưa tôi một hộp cà phê Phố, Ba bảo quà của chuyến công tác trên Lạng Sơn, em tôi không ngạc nhiên, nhưng với tôi thì đó là một ngạc nhiên lớn, tôi tự nghĩ cuối tuần này có điều gì khác chăng?
Bữa cơm tối vẫn vậy, tôi uể oải nhai từng hạt cơm với "món" thường ngày của Ba, ăn xong tôi lên phòng và không quên chốt cửa phòng khi Ba vào bất chợt. Thế giới nhỏ của tôi là một kệ sách với những tập tiểu thuyết dày cộm, những tập truyện tranh và hình ảnh phim hoạt hình yêu thích, tủ quần áo chật cứng đồ thể thao, jean và áo phông rộng, giá để giày dép chỉ duy nhất một loại giày thể thao, có một góc nhỏ phòng tôi dành riêng cho cà phê. Mẹ tôi thường hét lên mỗi khi vào phòng bắt gặp tôi với bộ đồ rộng thùng thình, miệng ngậm cốc cà phê, tay cạch cạch gõ máy tính, kính thì đeo trễ xuống tận mũi không thèm đẩy lên, Mẹ hay nói đùa "có lẽ Mẹ đẻ mày nhầm giờ con ạ", dưới đáy tủ tôi cất hai bộ võ phục của Nhất Nam và Taekwondo, bảo đi học thêm nhưng tôi lén mẹ học võ, em tôi biết không nói gì chỉ lắc đầu và bảo tôi "ít nhất thì chị cũng nên để một vài bộ váy trong tủ khi Mẹ kiểm tra, nhìn thấy váy thì chí ít Mẹ cũng sẽ không lật tung mà vứt hết mấy bộ kia để khỏi lộ võ phục, có giấu cũng phải biết cách giấu chứ", tôi chỉ cười hề hề cho qua chuyện, với tôi váy là một thứ đồ không có trong bộ sưu tập gu ăn mặc của mình. Tối đó vì phải qua phòng mẹ lấy cà phê nên bất chợt tôi nghe được câu chuyện của Ba Mẹ, nhìn qua cửa tôi biết Ba đang hút thuốc, Ba nói:
- "Thụy Dương càng lớn càng giống Thụy Vân"_Thụy Dương là tên em gái tôi còn Thụy Vân là tên chị gái đầu của tôi mất từ khi còn nhỏ, sau này tôi chỉ được nghe Mẹ kể lại một cách rất mơ hồ. Ba nói tiếp:
- "Cứ mỗi lần nhìn Thụy Dương anh lại nhớ Thụy Vân, anh không hiểu sao nó lại giống Thụy Vân đến vậy, giống tất cả mọi thứ từ tính cách đến vóc dáng và cử chỉ, anh sợ nhìn vào đôi mắt con bé, nó sáng rực và anh thấy Thụy Vân trong đó, hôm nay anh đi thắp hương cho con, anh thấy mình thực sự có lỗi em ạ, anh phải làm thế nào? Anh không biết nữa, chỉ biết rằng con bé Thụy Dương làm cho anh thấy mình là một người Ba tồi, anh xin lỗi".
Lần đầu tiên tôi thấy Ba quỳ gối xuống ôm chân mẹ và khóc như một đứa trẻ, phòng bên em tôi lại đánh đàn, vẫn bản nhạc ấy, êm nhẹ và du dương, nhưng hôm nay tôi không còn ghét thứ âm thanh đó nữa, tôi đứng lặng nghe cho hết bản nhạc, như một nỗi niềm u uẩn và những lời muốn nói mà không thể thoát ra. Bản nhạc kết thúc Ba nói với Mẹ:
-"Em à, hay là gửi Thụy Dương về nhà ngoại một thời gian được không? Nhìn con bé lớn từng ngày anh lại nhớ Thụy vân, anh nhớ con lắm".
Mẹ tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ tắt đèn và bảo Ba tôi đi nghỉ, chưa bao giờ tôi thấy một con người khác của Ba tôi như vậy, những câu nói khác hẳn ngày thường tôi vẫn thường nghe, và cả giọt nước mắt kia nữa, tôi không biết người trong căn phòng kia có phải Ba tôi không. Tối nay tôi không uống cafe muối nữa....
Em tôi được gửi về nhà ngoại một tuần sau đó mà không nói lý do gì, Mẹ chỉ nói: "Ngoại buồn nên con về ở với ngoại một thời gian, tiện thể chăm sóc ngoại giúp mẹ, dạo này mẹ bận không về thăm ngoại thường xuyên được, Ba cũng hay phải công tác nên Ba Mẹ không có thời gian, chị gái con phải học nhiều nên con chịu khó một chút vậy". Em tôi không nói gì, gật đầu và lặng lẽ thu xếp đồ đạc, không quên ôm theo lũ mèo, lũ mèo chuyển nhà không quen, kêu ầm ĩ, nhưng có em tôi bên cạnh, nên không được bao lâu nhà ngoại đã giống như sở thú với rất nhiều loại em tôi xin về nuôi, nhà ngoại rộng lại có vườn nên lũ mèo tha hồ nghịch mà không sợ bị mẹ quát, cuối tuần cũng không phải len lén mỗi khi nghe tiếng xe của Ba về. Tôi học đại học xa nhà nên rất ít khi về, từ khi em chuyển về ở với ngoại tôi thấy Ba ít say hơn, thỉnh thoảng tôi lại thấy Ba mở cửa vào phòng em cẩn thận lau chùi từng đồ vật và để vào chỗ cũ, Ba đậy cây đàn của em rất cẩn thận, tôi thấy Ba nâng niu nó, chưa bao giờ tôi được thấy những điều này, có lẽ tôi chưa thực sự hiểu Ba.
Khi tôi học năm cuối đại học, em gái tôi bắt đầu lên lớp 12, lúc này Mẹ tôi đón em về nhà để tiện cho việc học và giúp đỡ Mẹ việc nhà, em tôi càng lớn càng đẹp, mái tóc dài vẫn đen óng, như một viên ngọc càng sáng rực rỡ hơn, em tôi đã là một thiếu nữ, với sự dịu dàng, khéo léo và nhiều tài lẻ của mình em tôi có rất nhiều cậu trai trẻ theo đuổi, Ba tôi cấm mọi mối quan hệ của em và kiểm soát rất khắt khe, không cho em giao du với bạn bè nhiều, em sống thu mình hơn và đánh đàn nhiều hơn, những bản nhạc em đàn càng ngày càng buồn, nhiều khi tôi thấy em vừa đàn vừa khóc, tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn em vì thực sự tôi không biết phải khuyên em như thế nào, tôi sợ em lại nghĩ. Chuỗi ngày buồn thảm lại bao trùm lên căn nhà, cuối tuần tôi lại uống cà phê muối, ba tôi lại say. Một lần trong lúc say Ba tôi đã đập vỡ cây đàn piano của em, em tôi không khóc, nhìn Ba bằng ánh mắt hằn học những tia đỏ rực, chưa bao giờ tôi thấy em như vậy. Em tôi sau đó đã lấy những thanh sắt đập liên tục vào bàn tay mình, Mẹ tôi cản lại không được, cuối cùng em nhập viện với một bàn tay đã bị dập xương nhiều ngón, bác sĩ nói bàn tay đó sẽ thành tật và không thể lành lại được, Mẹ tôi khóc và biết rất rõ vì sao em tôi làm vậy. Em nói: "chỉ có như vậy em mới thôi không đánh đàn và cũng chỉ như vậy Ba mới không ghét em nữa", em tôi trưởng thành trong sự đau đớn của thể xác và nỗi mất mát về tinh thần, em ít nói hơn, sống thu mình hơn, em không còn đàn nữa một bàn tay của em bây giờ không thể cử động vì những khớp xương đã gãy. Ba tôi vẫn vậy, về nhà vào cuối tuần, vẫn uống rượu và nồng nặc hơi men, em tôi không ghét Ba, vẫn chăm chút và khuyên nhủ Ba, chính điều đó làm Ba tôi hối hận.
Một buổi chiều cuối tháng sáu, tôi về nhà nghỉ hè, Ba tôi đưa hai chị em đi thăm một ngôi mộ, Ba bảo: "Đó là chị gái của các con, chị tên là Thụy Vân", em tôi nhìn chằm chằm vào ảnh trên bia mộ, một người giống em tôi đến kì lạ, mọi đường nét trên khuôn mặt đều là của em tôi, từ đôi mắt, chân mày cho đến dóng mũi thẳng và cao, em tôi thốt lên: "Ba ơi, chị giống con quá". Ba tôi quay mặt vội đi lau giọt nước mắt vừa rơi xuống, Ba vừa thắp hương cho chị vừa khóc và kể cho chúng tôi nghe về chị, chị Thụy Vân cũng thích đàn, mà đàn rất hay, quyển nhạc em tôi lấy ra đàn chính là của chị ngày xưa để lại và em cũng hay đàn duy nhất bản nhạc mà ngày xưa chị thích, Ba nói:
- "Thụy Dương à, Ba xin lỗi là Ba không tốt, mỗi lần nhìn con Ba như thấy Thụy Vân về vậy, Ba nhớ chị của các con, nếu như ngày ấy Ba về kịp mà đưa Thụy Vân đến viện, không để Mẹ con một mình xoay sở thì có lẽ chị con đã không ra đi như vậy, ba có lỗi nhiều lắm, có lẽ Thụy Vân đã gửi tặng Ba Mẹ một hình hài khác là con thay thế, nhưng như vậy lại càng làm Ba đau khổ hơn, nó dày vò Ba hàng đêm và Ba day dứt rất nhiều".
Em tôi lặng lẽ và nói:
-"Con sẽ thay chị ở lại bên cạnh và chăm sóc cho Ba Mẹ, con sẽ làm tất cả những gì mà chị chưa làm được, Ba Mẹ còn có con và chị Thụy Khanh mà"_Thụy Khanh là tên tôi, Ba Mẹ tôi đều lấy chữ Thụy làm đệm cho con gái của mình.
Sau buổi chiều đó Ba tôi thay đổi, Ba dần bỏ rượu và thuốc, cuối tuần nào về Ba cũng mua quà, có hôm tôi thấy Ba ôm về một con mèo tam thể cho em tôi, khỏi nói em tôi thích như thế nào, nó âu yếm, vuốt ve, nâng niu con mèo như một báu vật. Ba đưa em đi học vẽ, Ba bảo em có rất nhiều tài lẻ, nếu không đàn được thì vẽ, cho em một niềm vui nho nhỏ, dù không thích bằng đàn nhưng em tôi vẫn đi học vẽ, những bức tranh em vẽ khi nào cũng có những con vật, rất sống động.
Buổi sáng thứ 7, tôi ngồi pha cà phê cạnh những con mèo của em, tôi cũng vuốt ve chúng, xoa đầu chúng như em tôi vẫn thường làm, lũ mèo tranh nhau dụi đầu vào tay tôi khò khè, nhìn yêu đến lạ. Ba Mẹ đang dọn dẹp lại một vài thứ bên trong phòng, sáng nay em tôi đến lớp học vẽ, khoảng 9h sáng mẹ tôi nhận được một cuộc điện thoại nói em tôi bị tai nạn đang trong bệnh viện, Mẹ tôi khuỵu xuống còn Ba tôi lao ra khỏi nhà ngay tức khắc, lúc ấy trong đầu tôi không còn nghĩ được điều gì nữa, tôi gọi xe đưa mẹ đến bệnh viện, đến nơi tôi thấy Ba tôi ngồi lặng lẽ ngoài hành lang, Ba đang khóc, chỉ cần nhìn như vậy thôi Mẹ tôi thét lên và ngất lịm. Em tôi bị một tài xế say rượu đi ngược chiều đâm phải, do mất nhiều máu nên đã không thể qua khỏi, Ba tôi lặng người khi nghe câu chuyện từ người đưa em tôi vào viện kể lại. Chưa bao giờ tôi thấy Ba tôi khóc nhiều như thế, sau đám tang của em tôi, Ba tôi thu dọn tất cả những thứ trong nhà liên quan đến rượu, từ đó Ba tôi ghét rượu, một giọt cũng không bao giờ dùng đến, Ba hút thuốc nhiều hơn, tôi thấy Ba mua một cây đàn piano mới đặt vào phòng của em, mọi đồ đạc vẫn để nguyên như cũ, Ba đặt di ảnh của chị và em tôi cạnh nhau trong phòng, trên chiếc đàn piano mới.
Sau cú sốc đó Mẹ tôi gần như ngã gục, không thể gượng dậy nổi, ba tôi xin nghỉ phép để ở nhà lo liệu mọi việc và chăm sóc mẹ tôi. Những con mèo nhỏ thiếu hơi em tôi kêu suốt ngày, như một thói quen chúng lục tìm em tôi trong nhà, những nơi em hay ngồi, hay đến và một điều là đến tối chúng vào phòng em tôi ngủ như một phản xạ quen thuộc, khi không thấy em chúng lại kêu vang khắp phòng, tôi đã phải lấy chiếc chăn em hay dùng đem về phòng mình rồi ôm lũ mèo đi ngủ như em tôi vẫn thường làm cho chúng, cuộn tròn chăn lại và vuốt ve từng đứa, bây giờ tôi mới hiểu em tôi yêu thương chúng đến dường nào.
Tôi khó có thể làm được như em tôi vẫn thường làm, tôi vẫn uống cà phê mỗi ngày và giúp ba thu dọn mọi thứ trong nhà, tôi bắt đầu học từ những thứ nhỏ nhất của em, chỉ duy nhất một điều tôi không làm được đó là đánh đàn, tôi không hiểu về âm nhạc, không biết đàn và thậm chí không muốn đàn, tôi sợ những âm thanh ấy vang lên khiến Ba Mẹ lại nhớ chị và em. Mẹ tôi dù muốn hay không cũng gượng dậy từ từ, tôi không còn thấy Mẹ bước chân vào phòng em nữa, chỉ có Ba hay vào lau dọn và lại đặt mọi vật ở nguyên chỗ cũ. Nhiều đêm tôi thấy ba ngồi hút thuốc lặng lẽ trong phòng em, bàn tay di chuyển trên từng phím đàn, có lẽ ba nhớ bản nhạc em hay đàn lắm, có lần Ba nói với tôi nửa đùa nửa thật: "Ba thèm được nghe em đàn giống như con cần có cà phê mỗi ngày vậy". Sợ Mẹ buồn khi nhìn thấy những kỉ vật của em, Ba cất hết mọi thứ liên quan đến em vào căn phòng ấy rồi giữ luôn chìa khóa, giống như một hộp bí mật, một thế giới nhỏ Ba dành riêng cho mình.
Cuối năm ấy, Mẹ tôi mua hai bó sen thật to đến đặt cạnh mộ chị và em tôi, ba người chúng tôi lặng lẽ thắp hương cho chị và em, mẹ tôi lại khóc. Hai ngôi mộ đặt cạnh nhau, hai bức ảnh giống như là một, năm ấy chị tôi mãi mãi vẫn mười tuổi còn em tôi vừa tròn hai mươi...
Sóng Biển 

Ngày Gió Ngừng Trôi 

Tìm về
Tìm về nơi gió thổi,
Có em tuổi mười lăm...
Ngây thơ và mạnh mẽ,
Trong sáng tựa trăng rằm!

Trên đồi cao lộng gió,
Nỗi buồn cũng bay đi...
Tôi về thăm chốn cũ,
Nhớ ngày ta chia ly !

Hoa tàn bay trong gió,
Em phiêu bạt nơi nao ?
Bất ngờ ta gặp lại,
Trong hoàn cảnh đớn đau....!

Mây bay cùng gió thổi,
Hoa dại nở mùa sau...
Tình thôi không dang dỡ
Ta se kết duyên đầu !

Ngày ta quay trở lại,
Trên ngọn đồi năm xưa...
Em giờ cô dâu mới,
Hạnh phúc dường như mơ !!
NM
                             

Tìm về nơi gió thổi
  1. Mày sẽ về lại Việt Nam chứ? Đó là câu đầu tiên Dương hỏi khi tôi vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay. Nụ cười trên môi tôi vụt tắt. Đã hơn một lần tôi nghĩ sẽ về lại Việt Nam nhưng tôi sợ. Thực sự sợ. Tôi sợ mình lại phải đối mặt với nỗi đau ngày ấy. Nỗi đau đã bám riết lấy tôi trong những năm tháng ở Mỹ, nó theo vào những giấc ngủ chập chờn rồi sáng mai tỉnh dậy nước mắt tôi đã chảy ướt gối. Tôi muốn tìm em, tìm về lời hứa ngày nào nhưng tôi sợ về lại nơi đó, nơi đã lấy đi cả tuổi thơ tôi. Cũng giống như bao người khác, tôi ước mình có một gia đình hạnh phúc có mẹ có cha, tôi cũng ước sẽ có một cuộc tình chẳng phai phôi nhưng đó cũng chỉ là những điều viển vông không tưởng. Lớn lên trong nỗi ám ảnh về quá khứ, tôi luôn chỉ biết tìm quên trong men rượu nồng cùng tiếng nhạc inh ỏi, luôn tự ru lòng mình “sẽ ổn cả thôi”.
    Tối, tôi đến chỗ hẹn của mấy đứa bạn cùng lớp đại học. Tốt nghiệp rồi nên mọi người rủ nhau làm bữa gọi là chia tay. Tiếng nhạc mạnh cùng những ly rượu bạn bè chuốc nhau khiến tôi chao đảo. Thế là tôi đã tốt nghiệp. Trong cơn say tôi vẫn nghe thấy tiếng cười xen lẫn tiếng khóc của mấy đứa con gái. Tôi cười như một người điên rồi hét lên: - Don’t cry! - Chẳng phải mày cũng đang chực khóc đó sao. Tuần tới tao về nước, về cùng tao chứ Harry, à không phải gọi mày là Vũ chứ - Dương ghé sát vào mặt tôi. - Chưa biết được- tôi trả lời rồi nốc cạn ly rượu trên tay. Dương là thằng bạn thân duy nhất của tôi ở Mỹ. Ngày đầu tiên đi học đại học, tôi đã gặp Dương. Cùng là người Việt nên chúng tôi dễ dàng trở thành bạn thân của nhau. Chúng tôi chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Tối, thành phố lên đèn. Những ánh đèn leo lắt phản chiếu lên tôi. Vội vã, trốn chạy. Lao xe trong đêm đen để lại nỗi đau sau lưng. Gió táp vào mặt mang theo dòng nước mắt. Đau rát. San Francisco. Đêm. Lạnh. Trở về nhà trong trạng thái say mèm. Hình ảnh bố mẹ hiện về trong tâm trí tôi. Họ tới bên tôi, rồi bóng họ lại khuất dần, tôi đưa tay ra với lấy mà không được. Rồi em xuất hiện. Em nhìn tôi cười, nụ cười vẫn rạng rỡ như bảy năm về trước khi tôi còn là một cậu nhóc 16 tuổi, còn em là cô bé 15 tuổi. Tôi thấy em dẫn tôi lên ngọn đồi đầy hoa dại, em nói “ở đây rất nhiều gió, gió sẽ mang nước mắt và nỗi buồn của anh đi thật xa”. Tôi thiếp đi khi hình bóng em mờ dần. Sáng sớm tôi tỉnh giấc khi những tia nắng chiếu rọi vào căn phòng, tôi không còn nhớ nổi hôm qua tôi về nhà bằng cách nào. Đầu đau như búa bổ. Tôi chỉ nhớ rằng tôi đã gặp lại em, trên ngọn đồi đầy gió ấy. Bảy năm chẳng phải ngắn nhưng cũng chẳng đủ dài để nỗi đau trong tôi ngủ yên. San Francisco ngày nắng, tôi đem kỉ niệm ra hong, nỗi nhớ về em ngập tràn nơi tôi. Tôi nhớ em – cô bạn nhỏ đã giúp tôi vượt qua nỗi đau năm đó. Nhưng rồi tôi lại ra đi bỏ em lại một mình. Những ngày tháng đầu ở Mỹ, tôi nhớ cô bạn nhỏ ấy. Khi còn ở cô nhi viện, ngày nào em cũng nói chuyện với tôi, sang đây không có ai trò chuyện, nỗi đau về quá khứ lại dày vò tôi đến mức tôi muốn ngạt thở. Đã có lúc tôi muốn từ bỏ cuộc sống này, nhưng tôi nghĩ tới em, tới lời hứa năm đó: “anh sẽ quay lại tìm em”. “Có lẽ đã đến lúc rồi” – tôi nghĩ thầm. Nhấc điện thoại gọi cho Dương: -Tuần tới, tao sẽ cùng về Việt Nam với mày. *** Khi tôi nói tôi sẽ về lại Việt Nam, không biết khi nào quay lại Mỹ mẹ đã rất hốt hoảng. Mẹ hết lời khuyên tôi:
    -Con nghĩ kỹ chưa, nơi đó… Mẹ bỏ lửng câu nói nhưng tôi hiểu mẹ lo cho tôi, sợ khi trở về nỗi đau lại dày vò tôi. -Không sao đâu mẹ đừng lo, con quên hết rồi. Con muốn về tìm lại một người bạn. Bố tôi ngồi lặng im nãy giờ, giờ mới cất tiếng nói ồm ồm: -Con cũng lớn rồi, tự con quyết định những gì con cho là đúng. Bố ủng hộ. 7 giờ 30 theo giờ Mỹ. Tôi cùng Dương ở sân bay San Francisco International. Sân bay náo nhiệt, tôi hồi hộp. Lần này về nước không biết có thay đổi gì không, không biết em còn nhớ tôi không? Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì tiếng của người phát thanh vang lên đều đều gọi chúng tôi lên máy bay. Tôi đã nhiều lần tưởng tượng về em, chắc bây giờ em xinh xắn lắm. Đặt chân xuống sân bay với bao cảm xúc dâng trào. Đã bao lần tôi nhớ em, nhớ Việt Nam đến quay quắt mà tôi không dám trở về. Nơi đây khác xa so với bảy năm về trước, tôi tới thăm mộ bố mẹ, cỏ mọc um tùm. Có lẽ chẳng có ai hương khói chăm nom. Nước mắt lặng lẽ rơi, chắc bố mẹ lạnh lắm. Trái với dự đoán của tôi, trở về lần này tôi không quá sợ hãi và bị ám ảnh với quá khứ như những ngày bên Mỹ. Tôi bình tâm đến lạ.
    Tôi đi một vòng rồi dừng lại trước cổng cô nhi viện. Chần chừ, tôi bước vào. Tôi gặp mẹ Nga, người đã chăm sóc tôi trong thời gian tôi ở đây. Mẹ ngỡ ngàng lắm: -Vũ, Vũ phải không con? -Vâng, con đây. Con về rồi đây. Hai mẹ con ôm nhau mà khóc. Kỉ niệm trong tôi ùa về. Nếu ngày ấy không có mẹ nhận nuôi thì có lẽ bây giờ tôi cũng chẳng còn trên cõi đời này nữa. Mẹ quay vào gọi lũ trẻ: -Các con, anh Vũ của các con về rồi đây. Lũ trẻ chạy ra ôm chầm lấy tôi, đứa hôn má, đứa nắm tay hỏi tôi rối rít. Bảy năm không gặp chúng đã lớn cả rồi. Ánh mắt tôi đảo quanh một lượt không thấy em, tôi ngập ngùng hỏi mẹ: -Mẹ, Mai Linh đâu rồi ạ ? Ánh mắt mẹ thoáng buồn : -Nó đi rồi con, mẹ cũng không biết nó đi đâu nữa. Mọi người đã đi tìm nhưng không thấy. Tháng trước bỗng dưng có người nhận là mẹ đẻ tới đón nó, con bé xúc động quá không chấp nhận người mẹ đã bỏ rơi mình nên đã bỏ đi. Tội nghiệp nó, thân thể như thế thì đi được đâu cơ chứ. Bao năm nay có nhiều người tốt bụng tới nhận nuôi nó nhưng nó không chịu, nó nói phải ở đây chờ con về. Vậy mà… Cổ họng tôi nghẹn đắng. Em đang ở đâu, em giờ ra sao ? Chưa kịp chào hỏi hết mọi người, tôi xin phép mẹ ra ngoài. Tôi đi tìm em, nhất định phải tìm được em. Rồi ý nghĩ trong tôi chợt chững lại. Bảy năm rồi tôi và em không gặp, liệu chúng tôi có còn nhận ra nhau? Nhưng tôi vẫn cứ đi, đi miết. Màn đêm buông xuống, tôi trở về cô nhi viện. Mẹ Nga nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. Tôi lặng lẽ trở về căn phòng trước đây. Lũ trẻ đã yên giấc, tôi nhẹ nhàng leo lên chiếc giường của mình. Như một thước phim quay chậm, tất cả bỗng hiện ra, rõ nét và góc cạnh đến đáng sợ. Khi đó tôi 16 tuổi, là con trai duy nhất của một gia đình giàu có. Rồi công ty của gia đình tôi phá sản, các chủ nợ tới nhà đòi nợ khiến tôi phải cùng bố mẹ chạy trốn. Trong đêm đông rét mướt đó, một chiếc xe tải chạy ngược chiều đâm vào bố mẹ tôi, họ chết ngay tại chỗ, chỉ còn mình tôi hốt hoảng kêu gào. Họ hàng mai táng cho bố mẹ tôi xong thì xua đuổi tôi, căn nhà cũng bị tịch thu để trả nợ. Lúc đó chính mẹ Nga đã nhận tôi về nuôi. Tôi chỉ tin tưởng mỗi mẹ nên kể cho mẹ nghe hoàn cảnh của tôi. Mẹ an ủi, động viên nhưng những ngày đầu ở cô nhi viện thật không thoải mái chút nào. Tôi không quen với một nơi nhỏ bé và chật hẹp này, nhưng giờ làm gì còn nơi nào tốt hơn nơi này nữa. Hàng đêm tôi đều mơ thấy cảnh tai nạn của bố mẹ, mơ thấy sự xua đuổi của họ hàng. Một đứa bé 16 tuổi bỗng chốc mất đi tất cả. Tôi luôn ngồi thu mình trong góc tối của căn phòng. Rồi tôi gặp em, em nói với tôi -Anh đừng hành hạ bản thân mình như thế nữa, bố mẹ anh thấy thế có vui không ? Tôi không thèm nhìn cô bé mà quát lên đầy bực tức : -Mày thì biết cái gì, cút đi. Cút hết đi. -Mẹ Nga kể cho em nghe rồi, anh còn hạnh phúc hơn em, ít ra anh cũng biết mặt bố mẹ mình, hơn nữa thân thể anh còn lành lặn, anh xem em này. Lúc này tôi mới ngước mắt lên nhìn con bé. Em có đôi mắt sáng, đôi mắt của em rất đẹp, nhưng em lại ngồi trên xe lăn. Tôi đang định thắc mắc thì em đã đáp : -Từ nhỏ em đã bị vầy rồi, nghe mẹ Nga kể mẹ nhặt được em trước cổng cô nhi viện khi em còn đỏ hỏn quấn trong chiếc chăn mỏng. Chân em bị teo sau trận sốt bại liệt, không thể đi lại được. Anh xem, anh còn hạnh phúc hơn em mà. Anh sống trong tình yêu của bố mẹ, thân hình anh lành lặn, còn em từ nhỏ đã bị bỏ rơi, chân em lại thế này, thế mà em vẫn luôn vui để tiếp tục sống, anh đừng buồn nữa anh nhé! Chuyện của gia đình anh là tai nạn không ai muốn, vì thế anh phải mạnh mẽ lên.
    Từ hôm đó ngày nào em cũng tới kể chuyện cho tôi nghe, ban đầu tôi thực sự khó chịu nhưng dần dần tôi thấy mến em. Tôi chẳng đáp lời em, cứ để em kể chuyện một mình nhưng chính em lại giúp tôi ổn định lại sau cú sốc về gia đình, vắng em tôi thấy thiếu thiếu. Một ngày nọ tôi đang đi quanh quẩn trong cô nhi viện thì thấy em đứng lên khỏi chiếc xe lăn, em tập đi. Em ngã, rồi em lại đứng lên. Tôi thấy sự đau đớn hiện trên khuôn mặt em. Nhưng em chẳng từ bỏ. Và em cứ lặp đi lặp lại cái hành động tôi cho là ngớ ngẩn đó, chân em thế kia sao em có thể nhưng lạ thay em chẳng tỏ ra chút mệt mỏi hay nản lòng gì. Em kiên trì khiến tôi bực cả mình. Tôi xót thương cho em, chạy lại chỗ em tôi quát : -Em làm cái trò gì thế, không đau đớn hay mệt mỏi sao ? -Em ước một ngày nào đó có thể chạy nhảy như các bạn, em ước em có thể tự đi đến những nơi em thích. Ngã thì lại đứng lên có gì phải sợ chứ, đau về thể xác có là gì, tàn lụi về tâm hồn mới đáng sợ kìa. Tôi nhìn em. Tôi nhìn mình. Em - một người bất hạnh hơn tôi cả trăm ngàn lần thế mà em vẫn lạc quan yêu đời, còn tôi thì sao? Tự dưng tôi thấy xấu hổ, so với em tôi thật hèn nhát. «Ngã thì lại đứng lên có gì phải sợ chứ». Câu nói đó của em cứ xoáy sâu vào lòng tôi. Tôi thay đổi suy nghĩ về em và thay đổi cả suy nghĩ về cuộc sống của mình. Từ đó tôi và em trở thành bạn. Em luôn bên tôi lúc tôi buồn, em kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Tôi dạy em học, em dạy tôi nấu ăn. Những ngày tháng đó rất vui. Em dạy tôi nhiều thứ mà trước kia tôi chưa từng biết. Em làm tôi không còn đơn và nỗi đau của tôi cũng vơi đi phần nào. Có một lần em kéo tay tôi chỉ về phía xa : -Anh, anh thấy đồi kia không. Bạn em phát hiện ra đấy. Trước kia bạn ấy hay đưa em tới nhưng từ khi bạn ấy về nhà với bố mẹ chẳng ai đưa em đi nữa. Anh đưa em đi nhé. Tôi gật đầu khe khẽ. Ngọn đồi đầy hoa dại, đẹp thật. Em nói : -Ở đây rất nhiều gió, gió sẽ mang nước mắt và nỗi buồn của anh đi thật xa. Tôi cũng tin là như vậy, khi buồn chúng tôi thường tới đó. Em kể chuyện ở trường khuyết tật nơi em học cho tôi nghe, ở đó bạn nào cũng giỏi, bạn nào cũng mạnh mẽ hết. Mọi người rất yêu thương nhau, khi nào em sẽ dẫn tôi tới trường em chơi với các bạn. Em còn nói với tôi: «anh phải mạnh mẽ lên, như cây xanh đón gió ấy, nhiều người còn bất hạnh hơn anh nữa cơ». Em nói, ngúng nguẩy hai bím tóc xinh xinh. Và rồi em trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Nhưng rồi một ngày nọ cơn đau hành hạ em. Em kêu gào trong đau đớn. Lần đầu tiên kể từ khi gặp em tôi thấy em khóc, những giọt nước mắt lăn trên gương mặt non nớt. Mọi người trong cô nhi viện lo lắng cho em, chạy vạy đưa em đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi. Sau đó lần nào tôi đến bệnh viện thăm em, em cũng cười nhưng tôi biết em cũng đau lắm. Tôi hỏi em, em chỉ cười nhạt: -Các anh em trong cô nhi viện thì đông mà kinh phí thì có hạn, khó khăn chồng chất khó khăn càng hun đúc cho em ý nghĩ phải vượt lên cảnh tật nguyền, em không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ và các bạn vì thế em nghĩ phải vui lên cho mọi người yên tâm và em sẽ quyết tâm học. Tôi chẳng biết nói gì với em. Tôi khâm phục cô bé nhỏ nhắn mà nghị lực của em lại lớn lao và mạnh mẽ đến vậy. Ngày học xong cấp hai, trong khi bạn bè chuẩn bị thi chuyển cấp thì em phải ngậm ngùi gác lại giấc mơ để tiếp tục việc chữa bệnh. Một năm nằm viện với bao lần mổ để cứu vớt đôi chân, nhiều lúc sức khỏe của em không kham nổi em muốn bỏ cuộc. Nhưng em thấy ánh mắt động viên và chan chứa tình thương của mọi người em lại cố gắng để tiếp tục ước mơ tới trường. Vượt qua những ngày tháng đầy khó khăn trên giường bệnh, em đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào lớp 10 một trường công lập. Năm cấp một, cấp hai em học ở trường dành cho người khuyết tật nên những ngày mới lên cấp ba là khó khăn nhất với em. Mọi người nhìn em với ánh mắt dò xét và thương hại. Những ánh mắt làm em khó chịu. Em cố gắng học thật giỏi, cố gắng hòa đồng với mọi người để không có sự xa lạ, mọi người dần dần yêu quý em. Nhưng đó cũng chỉ là một phần, nhiều khi lớp chuyển phòng học, lên tầng lầu em chống nạng đi lại rất khó khăn. Bạn bè thây cô giúp nhiều em cũng ngại, em cố gắng thật nhiều. Khó khăn và đau đớn vây lấy em nhưng em nhất quyết không chịu bỏ cuộc. Em nghĩ tới mẹ Nga, nghĩ tới tương lai. Có đôi lần tôi tự hỏi tại sao một cô bé có hoàn cảnh bất hạnh nhưng em luôn vui vẻ, luôn lạc quan yêu đời đến thế?. Em cho tôi thấy cuộc sống còn quá nhiều góc khuất, còn quá nhiều người đau khổ nhưng họ vẫn vượt qua bằng cách này cách nọ để cuộc sống thêm tươi đẹp và màu sắc. Em cho tôi thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao.
    Tôi và em ở cô nhi viện với nhau được nửa năm thì cô chú Năm bạn thân của bố mẹ tôi ở Mỹ về nhận nuôi tôi và đưa tôi đi. Ngày tôi đi, em tiễn tôi. Tôi chỉ tay lên ngọn đồi đầy gió: -Nơi đó có gió thổi, khi nào buồn em nhờ bạn đưa lên đó nhé. Gió sẽ mang nỗi buồn và nước mắt của em đi.Anh sẽ quay lại tìm em. Đặt một nụ hôn lên má em, tôi quay đầu bước đi giấu hai hàng nước mắt. *** Sáng sớm tôi bước về phía ngọn đồi, nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm ngày đó. Tôi thấy em ngúng nguẩy hai cái bím tóc xinh xinh, tôi nghe thấy tiếng cười giòn tan của em. Bảy năm qua tôi mong gặp lại em, khi đủ mạnh mẽ để trở về thì em lại bỏ đi mất. Lần đầu tiên gió không thể mang nỗi buồn của tôi đi thật xa như lời em nói. Những ngày tiếp theo tôi và mọi người trong cô nhi viện đi khắp Sài Gòn tìm em. Tìm em trong cả những giấc mơ, tìm trong vô vọng. Khi tưởng chừng như sắp hết hi vọng, khi toàn thân tôi đã rã rời thì tôi gặp em trong một hoàn cảnh không thể tồi tệ hơn nữa. Hôm đó, tôi và Phương - đứa em cùng cô nhi viện thấy một vụ tai nạn, chiếc xe lăn nằm chỏng chơ trên đường, Phương thất kinh khi nhận ra Mai Linh - em của tôi nằm trên một vũng máu. Là em. Chính là em. Tôi hốt hoảng đưa em vào bệnh viện. Căn phòng cấp cứu đèn sáng rồi lại tắt, bác sĩ ra vào nườm nượp. Mọi người nhận được tin vội chạy đến bệnh viện, mẹ Nga khóc nấc lên từng tiếng. Phương ghì chặt lấy tay tôi. Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng thật khó. Cảnh tượng bố mẹ nằm đó, cảnh tượng em nằm đó khiến tôi không còn đủ bình tĩnh. Em của tôi, cô bé đáng thương, em nằm đó như một thiên thần gãy cánh trong chính địa đàng của e. Xót xa và đau đớn. -Bệnh nhân thiếu nhiều máu mà dự trữ của bệnh viện đã hết, người nhà có ai có nhóm máu O không ? -Tôi, tôi cùng nhóm máu với cô ấy -Đi theo tôi, mau lên. Tiếng bác sĩ làm tôi giật cả mình. Tôi hớt hải chạy theo người mặc áo blu trắng. Tôi nghĩ tới em, chỉ mong em qua cơn hoạn nạn. Bốn tiếng sau, đèn phòng cấp cứu tắt, bác sĩ và y tá lần lượt đi ra. Một bác sĩ nói với chúng tôi : -Cô ấy đã qua cơn nguy hiểm, tuy nhiên do bị chấn động mạnh, có thể cô ấy sẽ không thể nhìn thấy ánh sáng nữa. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Em nằm đó, không gian yên tĩnh đến lạ. Chỉ có tiếng chạy của mấy cái máy gắn vào người em và mùi sát khuẩn nồng nặc. Em xanh xao và hao gầy. Em đây ư? Người mà tôi nhung nhớ bấy lâu đây ư ? Em, anh về rồi đây. Tỉnh dậy nhìn anh đi nào. Tỉnh dậy đi rồi anh đưa em lên ngọn đồi của chúng mình, em sẽ không còn buồn nữa, sẽ không phải nhớ về người mẹ đã bỏ rơi em nữa. Anh về rồi, anh sẽ bảo vệ em, không để ai bắt nạt em nữa. Tôi khóc, khóc như lần bố mẹ bỏ tôi đi. Tôi lo lắng cho em. Khi tỉnh dậy không còn đôi mắt em sẽ ra sao? Tôi ở luôn trong bệnh viện túc trực bên em. Đêm đó em tỉnh. Tôi nhẹ nhàng cầm tay em : -Mai Linh, anh Vũ về với em rồi đây. Anh xin lỗi vì để em lại một mình lâu như thế. -Anh, là anh sao? Trời tối quá, anh bật đèn lên giùm em, em muốn thấy anh. -Bóng đèn hư rồi, tới sáng em sẽ thấy anh mà. – tôi nói dối em mà lòng chẳng thoải mái chút nào. -Anh về lâu chưa ? -Anh về lâu rồi, anh đi tìm em mãi. Sao em lại ngốc thế sao không chờ anh về. -Em xin lỗi. Mà em đang ở đâu đây anh ? Sao người em đau thế này. -Em bị tai nạn, em đang trong bệnh viện. Giờ thì ổn cả rồi. Đêm đó tôi và em kể rất nhiều chuyện mà tôi quên mất em là bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi. Tôi kể cho em nghe cuộc sống của tôi ở bên Mỹ, về con người và cảnh vật nơi đó, về những đêm nỗi đau cào xé tôi. Kể cho em nghe rằng tôi nhớ em và mọi người như thế nào, kể cho em tất cả. Rằng ngày đó có cậu nhóc 16 tuổi đã thương thầm cô bé 15 tuổi. Rằng bảy năm qua cậu vẫn mong trở về để gặp lại cô bé đó, gặp lại người đã dạy cậu nhiều bài học cuộc sống, dạy cậu phải biết vươn lên mạnh mẽ như cây xanh đón gió. Kể cho em nghe rằng tôi đã nhớ ngọn đồi kia đến thế nào. Em khẽ mỉm cười. Tôi ôm em vào lòng. Sáng mẹ tới thăm em. Phòng bệnh em nằm tôi thả hết rèm, đóng cửa. Mẹ vô tình nói : -Sao không mở cửa sổ ra cho thoáng, sáng rồi mà. Trời hôm nay đẹp lắm. Em bất ngờ, đặt tay lên đôi mắt, nơi có tấm băng gạc quấn quanh mắt. Đêm qua có lẽ quá vui nên em không nhận ra trên mặt mình có băng gạc. Em gào lên, quăng tất cả mọi thứ trên giường. Tôi nhìn em, ái ngại và xót xa. -Tại sao anh lại nói dối em, anh đang thương hại em phải không. Anh đi đi, đi đi. Em xua đuổi tôi, tôi cố gắng hết sức giữ chặt em -Bình tĩnh đi em, chỉ là tạm thời không nhìn được thôi mà. Còn anh đây, anh sẽ là đôi mắt của em. -Em không cần, không cần anh thương hại em -Anh không thương hại em, anh yêu em. Vừa nói dứt lời thì cô y tá vào tiêm cho em mũi an thần. Em thiếp đi. -Tại sao mẹ rời bỏ em, tại sao ông trời lấy đi đôi chân của em, giờ lại lấy đi đôi mắt của em. Tại sao hả anh ? Đấy là câu hỏi đầu tiên em hỏi tôi khi em tỉnh dậy sau cơn kích động. Ngủ một giấc em có vẻ đã bình tĩnh hơn nhiều. Tôi không nói gì, chỉ ôm em vào lòng. Những ngày sau sức khỏe của em hồi phục, em không còn gào thét nữa. Tôi vẫn luôn bên em, yêu em lặng lẽ. Em xuất viện, cả gia đình cô nhi viện đón em trong niềm vui. Không ai nhắc đến tai nạn đó. Nhưng sau khi tai nạn em trở nên trầm cảm. Em không gào thét nhưng cũng chẳng cười nói như trước. Em như vậy tôi càng buồn hơn. Tôi kể lại những kỉ niệm ngày xưa, tôi đưa em lên ngọn đồi gió thổi, mong gió sẽ mang nỗi buồn của em đi thật xa. Tôi mong thấy nụ cười thường trực trên môi em như trước nhưng thật khó. Tôi đành nói với em : -Em tàn nhưng không được phế. Trước đây không đi lại được em vẫn vui vẻ, vẫn hi vọng về cuộc sống tươi đẹp. Bây giờ chỉ khác là em không thấy gì, vậy anh sẽ là đôi mắt của em. Anh sẽ đưa em tới những nơi mà em muốn, anh sẽ luôn bên em. Anh biết một Mai Linh lạc quan yêu đời chứ không phải một người như bây giờ. Em đừng để mọi người phải lo lắng cho em như thế chứ. –Em tràn nước mắt, gật đầu khe khẽ.
    Từ hôm đó em mở lòng với mọi người hơn, tôi luôn bên em, đưa em tới những nơi mà em thích. Em trở thành cô giáo của lũ trẻ trong cô nhi viện và trở lại trường học của lũ trẻ khuyết tật, nơi trước đây em từng làm việc. Tuy em chẳng thể đọc sách cho chúng nghe, chẳng thể viết bảng nhưng em lại dạy chúng những bài học về cuộc sống. Học trò rất yêu quý em. Em yêu chúng như yêu bản thân mình. Em cùng tôi tham gia rất nhiều tổ chức tình nguyện, em hát ở các hội nghị dành cho người khuyết tật, em học chữ nổi và có những bài viết đăng báo. Mỗi bài viết của em đều chan chứa tình người và ấp ủ một khát vọng sống lớn lao. Em tập bước đi, em ngã, tôi đau nhưng em vẫn muốn tiếp tục. Em trở lại là mình của trước kia, tôi thấy em cười. Ấm áp. Em nỗ lực không ngừng. Năm đó em được danh hiệu vì sự nghiệp giáo dục. Em nói với tôi : -Cảm ơn anh đã bên em, tuy em không thấy gì nhưng em hình dung chắc anh không khác xưa là mấy, chắc vẫn đẹp trai như xưa rồi. – em cười khì. -Sao lại cảm ơn anh, em thành công như bây giờ là nỗ lực của em mà anh có công gì đâu. Anh xấu trai lắm, không như em tưởng tượng đâu. Tôi và em đang nói chuyện vui vẻ thì bên phía bệnh viện điện cho tôi nói rằng có người hiến tặng mắt. Tôi sung sướng và hạnh phúc đến vỡ òa. Vội vàng đưa em tới bệnh viện. Tất cả mọi người đều lo lắng và hồi hộp như lần em bị tai nạn. Tôi cứ đi đi lại lại khiến mẹ phải gắt lên : -Con có ngồi im không, đi lại lắm thế sốt ruột quá -Cô ấy sắp thấy con rồi mẹ ơi.- tôi nói trong sự sung sướng Phòng mổ bật mở, ca mổ của em thành công. Một tuần sau có thể tháo băng. Trong những ngày ở viện học sinh của em đến thăm em rất đông khiến tôi chẳng được nói chuyện với em mấy. Lúc không có ai em bắt tôi tả cho em nghe về tôi bây giờ. Tôi cố tình tả mình thật xấu để khi mở mắt ra em không giật mình. Em cười, chưa bao giờ em cười nhiều thế. Nụ cười của em khiến tôi trái tim tôi nhảy nhót. Và rồi ngày em thấy ánh sáng cũng đến. Mọi người hồi hộp khi bác sĩ tháo tấm gạc trên mắt em. Mọi ngời im lặng rồi vỡ òa trong sung sướng khi em gọi tên từng người. Tôi đứng đó, nhìn em hạnh phúc. Em nhìn tôi cất tiếng gọi : -Anh Vũ lâu lắm không gặp. Anh phong độ quá. Ngày đón em ra viện cũng là ngày tôi ngỏ lời cầu hôn em. Cõng em lên đồi tôi lấy hết dũng khí cầu hôn em và được em chấp nhận. Tôi yêu em, người con gái nhỏ bé với trái tim yêu thương vô hạn, người con gái đã giúp tôi vượt qua nỗi đau của quá khứ, người đã dạy tôi về nghị lực khi cuộc sống nổi sóng và hơn hết em dạy tôi vượt qua nỗi đau để nhìn về một ngày mai tươi sáng hơn. Em cho tôi biết rằng cuộc đời này tươi đẹp lắm. Em như cây xương rồng giữa sa mạc khô cằn, em vẫn đứng đó, vẫn chịu mọi khó khăn vất vả nhưng rồi một ngày kia em nở những bông hoa đẹp đẽ dâng cho đời. Là em, chính em- một người tàn nhưng không phế. Lễ cưới của chúng tôi được cử hành ngay trên ngọn đồi đầy gió ấy với sự tham gia của bố mẹ Năm, mẹ Nga, mọi người trong cô nhi viện, bạn bè của chúng tôi, cả lũ nhóc học sinh của em nữa. Tôi nhìn em, đẹp rạng ngời trong màu áo cưới. Em nhìn tôi, mỉm cười hạnh phúc. Bầu trời trong xanh không một gợn mây.
    ArenDương
    Hình ảnh có liên quan
Hãy cho em gọi anh là Gió...
Tôi ngẩng đầu lên và bất ngờ khi trước mặt tôi là anh Thắng... vẫn gương mặt đó, vẫn vóc dáng đó, bộ quần áo thể thao đỏ viền trắng và cả... chiếc dây đeo tay màu đỏ...
Tôi muốn gọi anh là Gió, chẳng phải vì anh tên Phong mà đơn giản bởi vì nếu không có chiều Gió ấy thì có lẽ rằng tôi cũng không yêu anh. Tôi gặp anh trên một con đường mà tôi cũng muốn gọi tên là con đường gió vì chính xác thì con đường ấy chẳng bao giờ thiếu gió. Con đường ấy rất bình thường trong cảm nhận của tôi, chỉ đến khi Gió xuất hiện ở đó... Cái khoảnh khắc gặp Gió của tôi cũng hết sức bình thường...
Hè đến, ba mẹ bảo tôi tập chạy đơn giản vì ba mẹ bảo có lẽ tập chạy sẽ giúp tôi cải thiện vài cm chiều cao vốn đã nấm lùn của tôi. Ừ, tập thì tập... và ngay ngày đầu tiên tập chạy, tôi đã gặp Gió cũng đang tập chạy cùng một quả bóng rổ. Cái cách mà Gió ăn mặc cũng rất giản dị, nhưng trông rất phong cách: một bộ đồ thể thao cộc màu đỏ viền trắng rất nổi bật, một đôi giày thể thao trắng, một chiếc dây buộc cổ tay cũng màu đỏ... Tôi và Gió chạy qua nhau, không ai có một phản ứng gì, đường ai nấy đi... Mấy ngày liền như vậy, cho đến một hôm tôi nổi hứng hái lục bình chơi, quả thật lục bình nở tràn ở đầm nước lớn dọc đường gió cũng là một trong những lí do khiến tôi chọn con đường này làm nơi lí tưởng để chạy bộ. Lục bình nở nhiều lắm, một màu tím mê hồn pha lẫn màu xanh non dịu mát của lá làm không khí ở đây có một sự yên bình lạ... Nhưng tôi là đứa tham lam, tôi không muốn chỉ ngắm nhìn thôi, tôi muốn hái chúng lên nữa. Vậy là tôi mon men lại gần chỗ có hoa gần bờ để hái chúng. Quả thật, trông nó gần nhưng cao quá tầm với của tôi. Nhưng không sao, cố một chút... một chút nữa là tới rồi... thêm một chút xíu nữa... tôi ngã xuống đầm... vẫn nghĩ là đầm không sâu nhưng đạp chân mãi không thấy đáy tôi đâm hoảng... Tại tôi không hề biết bơi... nước vào mắt... vào mũi... vào miệng... Tôi thấy ngộp thở, nhưng không hiểu tại sao tôi không thể kêu cứu... tôi chìm dần... chìm dần... Đột nhiên có một bàn tay kéo tôi lên... thì tôi biết mình được cứu... người ấy kéo tôi lên bờ, không khí tràn đầy vào lồng ngực tôi khiến tôi ho sặc sụa...
- Bé định chơi trò gì kì quái vậy? Suýt chết đuối đó biết không hả?
Nghe giọng nói tôi mới ngoái lại nhìn ân nhân của tôi... ngạc nhiên đó chính là chàng trai tập bóng  rổ... Anh ta vừa hỏi, vừa đập tay vào lưng tôi cho tôi ho hết nước ra. Lúc đỡ ho tôi mới nói:
- Em định hái lục bình, cảm ơn anh đã cứu em... Em cứ nghĩ đầm không sâu... mà sao em chỉ cố với chút xíu mà đã ngã rồi. Ôi tưởng tiêu đời rồi chứ!
- Tôi phải bắt đền em mới được, tôi vì cứu em mà ướt từ đầu đến chân rồi nè!
Lúc ấy tôi mới quay sang ngắm kĩ “ân nhân”... đúng là ướt hết thật... áy náy quá biết làm thế nào bây giờ... Đang bối rối thì ân nhân lại lên tiếng:
- Em cũng thích lục bình hả? Anh cũng thích, nhưng anh không thích hái chúng lên, lục bình phải ở bên nhau, gắn kết với nhau thì mới đẹp, chứ lấy riêng một bông lục bình lên không đẹp đâu... Em nhìn dải lục bình ở đoạn kia kìa... đẹp không?
Tôi nhìn theo hướng tay anh chỉ, anh ấy nói đúng, chúng quả thực rất đẹp... giản dị thôi nhưng đẹp đến mê hồn... Tôi quay lại nhìn ân nhân... mái tóc ướt nước còn thỉnh thoảng nhỏ xuống mặt anh, anh say sưa ngắm lục bình mỉm cười như lần đầu tiên chứng kiến cảnh đẹp trời cho vậy... nhưng quả thật trông ân nhân lúc ấy hiền và đáng yêu như thiên sứ...
- Em tên gì vậy? Anh tên Thắng.
- Em tên Vũ. Nguyễn Hạ Vũ...
- Hay thật! Em là mưa mùa hè... cái tên rất dễ thương...
- Anh cứ đùa hoài, anh nói vậy thôi chứ nhiều người ghét mưa lắm đó!
- Sao lại ghét? Anh thích mưa lắm, đặc biệt là mưa mùa hè...
- Em mà là mưa thì anh là gió đó!
- ... Anh không hiểu.
- Thắng trong tiếng anh là “win” thêm chữ “d” vào cuối là thành “wind” (gió)...
- Đúng là chỉ có em mới nghĩ ra thôi đấy!
- À ân nhân muốn em đền đáp thế nào đây?
- Đền anh ấy hả? Tùy tâm em thôi... hay em nhận anh làm sư phụ đi, anh dạy em chơi bóng rổ... Ở trường chơi với nhiều người vui vẻ, về đây chơi có một mình cũng buồn...
- Ừ cũng được, biết đâu em lại cải thiện được vài cm chiều cao - tôi nói đùa và gật đầu nhận lời - mà anh học trường nào vậy?
- Anh học trường Đại học Bách Khoa năm Nhất, còn em?
- Năm nay em học 12 rồi, em sắp phải thi đại học rồi... hắt xiiiiiiiiiii...
- Thôi em về thay quần áo đi không cảm lạnh bây giờ! Nhớ mai lại đây tập bóng rổ với anh nha...
- Em nhớ mà, anh cũng về đi, muộn rồi...
Nói rồi tôi và anh Thắng tạm biệt nhau ra về. Tôi thì lo không biết nói sao với bố mẹ về vụ ướt như chuột lột thế này đây...
Chiều hôm sau đúng như lịch chạy bộ, tôi lại ra con đường đầy lục bình ấy. Đang chạy qua một khoảng lục bình tuyệt đẹp, tôi mải mê vừa chạy vừa ngắm, bỗng có tiếng gọi:
- Nhóc ơi! Sư phụ ở đây nè!
Tôi quay về phía có tiếng gọi thì thấy anh Thắng đang vẫy tôi, tôi mỉm cười chạy lại. Đến gần tôi đứng nghiêm chào kiểu quân đội:
- Đệ tử chào sư phụ!
- Nhóc con! Lúc nào cũng đùa được! Lại cái cây cao kia đi...
- Làm gì ạ?
- Sư phụ nói thì nghe đi!
- Không hiểu nên không nghe!
- Em bướng thật đấy! Ra đó thì mới có rổ mà tập ném chứ, anh buộc một cái rổ ở đó rồi... mà mấy ngày chạy em chẳng để ý gì cả...
- Hì, em còn ngắm lục bình mà! – tôi vừa nói vừa chạy ra gốc cây đó.
Quả thực tôi chọn con đường này làm địa điểm chạy bộ thật là lí tưởng, một bên là đầm lục bình tím đẹp mê hồn, một bên đường là bãi cát rộng tha hồ chơi thể thao như đá bóng, bóng chuyền... Anh Thắng cũng khá khéo chọn cho mình một địa điểm để tập môn bóng rổ yêu thích với một cái rổ buộc trên cành cây...
- Bài tập đầu tiên cho nhóc đây: cú ném một điểm – anh Thắng vừa nói, vừa ném quả bóng lên, nó chui vào rổ một cách dễ dàng.
- Hì, dễ ợt! Sư phụ nhìn em ném nè!- tôi ném bóng và thành công. 
Anh Thắng khá ngạc nhiên nhưng vẫn tỏ vẻ đàn anh:
- Nhóc ăn may thôi! Ném lại đi!
Tôi ném lại và tiếp tục thành công khiến anh thắng tiếp tục ngạc nhiên:
- Em có khiếu chơi bóng rổ đó! Giờ em đứng xa ra và ném thử cú ném 3 điểm đi.
- Yes, sir! – tôi tự tin ném và trong sự ngỡ ngàng của sư phụ, quả bóng bay chính xác vào rổ. 
Sư phụ nhìn tôi ngạc nhiên và mỉm cười hỏi tôi:
- Nói thật đi! Nhóc học bóng rổ bao giờ chưa? Nhóc mà nói điêu là anh cốc đầu nhóc đó!
- Thì em có học sơ sơ – tôi gãi đầu, nhưng anh Thắng vẫn không chịu buông tha:
- Sơ sơ là bao lâu?
- 1...- tôi giơ 1 ngón tay lên và cười.
- 1 gì?
- 1 năm...
- Trời!!! Chết với nhóc mất! Vậy mà không nói sớm bắt anh làm trò hề hả?
- Không có, tại sư phụ đâu có hỏi là em học chưa mà cứ vậy lao vào dạy đấy chứ! Em học bóng rổ cả năm lớp 11 rồi, thầy giáo thể dục bị tụi con gái lớp em mua chuộc không bắt học chạy bền mà cho học bóng rổ đó! Hì nói thật với sư phụ nha, em đạt điểm giỏi thể dục cả năm lớp 11 đó!
- Thật không tin nổi... trông em có vẻ nấm lùn mà...
Nghe anh Thắng nói vậy, tôi giả vờ dỗi ném trả anh ta quả bóng và bảo:
- Đấu một trận với em đi... rồi sư phụ sẽ thấy!
Anh Thắng mỉm cười gật đầu. Trận đấu bắt đầu... hai bên đều chiến đấu hết mình... Và sau khoảng 1 tiếng thì trận đấu kết thúc, dù tôi đã cố gắng anh Thắng vẫn đánh bại tôi tuy là với kết quả cách biệt không lớn. Chúng tôi cùng rời khỏi cái cây và chọn một chỗ ở phía bên kia đường để vừa ngồi nghỉ vừa có thể ngắm lục bình.
- Nhóc làm anh ngạc nhiên đó! Không ngờ em lại chơi khá đến vậy!
- Sư phụ quá khen rồi! Em định để sư phụ dạy lại em kĩ thuật bóng rổ không ngờ sư phụ lại phát hiện ra em học rồi.
Nghe tôi nói vậy anh Thắng quay sang cốc đầu tôi và cười bảo:
- Tại nhóc không phải cao thủ trong việc giả vờ đâu. Người đâu mà giả bộ không biết gì về bóng rổ mà vẫn tự tin phô diễn kĩ thuật cá nhân, nhìn cách em ném bóng anh biết em không phải dân amarteur rồi...
- Ừm... đúng là em ngốc thật, nhưng dù sao thì em vẫn thua sư phụ mà. Lần sau em phải cố thắng sư phụ mới được.
- Em đúng là vô cùng hiếu thắng đó! À anh có cái này cho em nè! - anh Thắng vừa nói vừa lôi trong túi áo ra một chiếc dây đeo cổ tay màu tím nhạt nói:
- Anh định tặng em làm quà nhập môn, nhưng em lại học bóng rổ mất rồi thôi coi như là quà làm quen vậy, có em chơi bóng cùng anh rất vui.
Tôi nhận chiếc dây đeo tay ấy và ngắm nghía rồi bất chợt reo lên: “A! Là màu hoa lục bình”. Anh Thắng mỉm cười, tôi bất chợt nhìn sang cổ tay anh ấy và nhận ra không có chiếc dây đeo quen thuộc, tôi hỏi:
- Chiếc dây của sư phụ đâu rồi?
- Ừm, hình như rơi lúc kéo em lên chiều qua đó, chẳng thấy đâu nữa. Hôm qua lúc đi mua quà cho em định mua cái mới nhưng chẳng có cái nào màu đỏ cả.
- Cảm ơn anh, sư phụ, sư phụ thích màu đỏ hả?- anh Thắng gật đầu – em cũng có quà cho sư phụ đây - tôi lấy trong túi quần ngố ra hai cái kẹo mút vị cà phê đưa cho anh Thắng 1 cái.
- Hì, em cũng thích vị cà phê à? Hay nhỉ! Lâu rồi anh không ăn kẹo mút.
Tôi và anh Thắng ngồi ăn kẹo mút và ngắm lục bình, một cảm giác thật bình yên như ở trên thiên đường vậy... Những ngày sau đó, tôi cùng anh chơi bóng rổ rất vui, rồi những phút hóng gió trước khi về thì 2 người thay phiên nhau mang kẹo mút cà phê đi ăn. Chỉ trừ những chiều mưa, còn ngày nào chúng tôi cũng ra con đường ấy chơi bóng rổ với nhau. Tôi cũng không rõ từ bao giờ tôi đã thấy nhớ anh vào những chiều mưa không chạy bộ, với trái tim non trẻ của một cô gái mới lớn, tôi không thể đặt tên cho nỗi nhớ ấy là gì và vì sao tôi lại nhớ, cho đến một ngày tôi đã tự tìm ra câu trả lời cho mình. Hôm ấy, tôi đến hơi sớm nên anh Thắng vẫn chưa đến, tôi ngồi ở gốc cây chờ. Đột nhiên có một bàn tay bịt mắt tôi, tôi gỡ ra và mở mắt thì thấy anh Thắng đang cười rất tươi. Tự dưng trong khoảnh khắc ấy tim tôi đập mạnh, tôi đánh nhẹ vào tay anh ấy và giả vờ dỗi: “Sư phụ làm em giật mình.”
- Anh có cái này hay lắm! – anh Thắng nói và đưa tôi xem chiếc diều mới - hôm nay mình thả diều nha!
- Tôi gật đầu và cùng anh gỡ dây diều. 
Anh ấy bảo tôi:
- Em cầm dây diều chạy ra đằng xa kia, khi nào anh hét thả ra thì em tung diều lên nhé!
- Em biết rồi, anh còn phải dặn hả?
- Nè anh cốc đầu em bây giờ đó! Lúc nào cũng cứng đầu hết! Anh nhắc em không thừa đâu!
- Tuân lệnh sư phụ!
Tôi vừa cười trừ, vừa cầm diều chạy ra xa. Hôm nay gió lớn... nghe hiệu lệnh của anh Thắng, tôi vừa thả tay ra diều đã bay lên rất cao nhưng anh Thắng lại phấn khích lạ, hệt như một đứa trẻ con vậy:
- A ha! Diều bay lên rồi nhóc ơi! Nhóc chạy lại đây đi!
Tôi chạy lại phía anh Thắng, bỗng dưng không biết ở đâu ra một cơn gió ngược chiều thổi mạnh tới phía anh Thắng đang đứng nhưng lạ thay anh ấy không hề quan tâm, vẫn ngẩng lên nhìn cánh diều đang bay cao và cười rất tươi, một nụ cười trong sáng và đáng yêu đến lạ, đáng yêu đến nỗi tôi đứng đó nhìn mà đầu óc hóa trống rỗng, con tim tôi đập mạnh đến nỗi tôi cảm thấy khó thở... Nó khiến tôi nhận ra một thứ tình cảm đặc biệt mà lâu nay tôi không thể định nghĩa được: tình yêu... tôi ngỡ ngàng trước điều đó, ngỡ ngàng trước nụ cười hiền lành trong sáng đến lạ lùng của người con trai tôi đã quen biết gần 2 tháng trời và không biết từ lúc nào sự ngỡ ngàng kéo tôi đứng lại để ngắm nhìn hình ảnh làm trái tim tôi thực sự rung động ấy cho đến khi cơn gió ngừng lại...
- Em làm gì mà thừ người ra vậy? Lại đây, anh cho em cầm dây diều này!
- À... vâng!
- Sao tự dưng em lại giật mình, lại để đầu óc đi đâu vậy? Em cầm lấy đầu dây nè, nhớ không được tuột tay không diều bay mất đó!
Tôi cùng anh Thắng thả diều cả buổi chiều hôm đó và không biết bao nhiêu lần tôi lại được ngắm anh cười, nhưng không có một nụ cười nào làm tôi có cảm giác đặc biệt như nụ cười của anh trong cơn gió vừa rồi. Giờ đây, tôi nhận ra chỉ cần được nhìn anh cười thôi là tôi đã thấy hạnh phúc lắm. Trời tối dần, hai chúng tôi ra về, kết thúc một buổi chiều chơi thật vui và tôi về nhà với cảm giác lâng lâng lạ thường... Cũng đúng thôi, trái tim non trẻ của tôi lần đầu tiên loạn nhịp trước một người con trai. Tôi thấy vui trước lời dặn của anh trước khi về: "Mai em nhớ ra nha!"... và tôi cũng thầm cảm ơn cơn gió bất chợt ấy - cơn gió đã đánh thức những xúc cảm trong tâm hồn tôi, giúp tôi nhận ra tình yêu không biết đã nảy sinh từ lúc nào nữa. Chiều hôm sau, trước khi ra con đường ấy tôi tìm mua cho anh Thắng một chiếc dây đeo tay màu đỏ. Trời hôm nay không hiểu sao lại âm u như chỉ cần lỡ tay ném một viên sỏi lên đám mây kia thôi cũng đủ làm mưa tuôn rơi như trút nước, nhưng kệ, tôi vẫn ra con đường gió... Ơ kìa, anh Thắng cũng đã đến rồi nhưng hôm nay anh ấy không mang bóng, lạ thật. Nhìn thấy tôi anh Thắng cười làm tôi cũng mỉm cười chào lại:
- Em cứ tưởng anh không ra, sắp mưa rồi!
- Ừm có chứ! Hôm nay không chơi bóng nữa nha, sắp mưa rồi ngồi ngắm lục bình một lúc rồi về, không em lại ướt như chuột lột đó!

Tôi ngồi gần lại chỗ anh ấy đang ngồi, lục bình hôm nay trông đẹp đến lạ, tràn ngập khắp đầm là màu tím của hoa và màu xanh non dịu mát của lá lục bình. Nhớ ra chiếc dây đeo tay tôi lấy trong túi ra và đưa cho anh Thắng:
- Cho anh nè! Tại em mà anh mất chiếc dây cũ.
- Có gì đâu em, nếu không mất chiếc dây ấy thì chắc gì anh đã quen được một cô nhóc tinh quái như em, một cô đệ tử còn suýt giỏi hơn cả sư phụ nữa.
Anh Thắng nói và xoa đầu tôi, tôi ngượng ngùng nói:
- Anh cứ nói quá thế! Làm sao em giỏi bằng anh được.
- Hì, nhóc cũng biết khiêm tốn từ bao giờ vậy?... Anh đùa thôi đừng dỗi anh nha, anh cũng có quà cho em đây.
- Anh Thắng nói và đưa cho tôi một hộp quà nhỏ. 
Tôi háo hức:
- Gì vậy anh? Em mở ra xem luôn nhé!
- Ừ, em mở ra xem có thích không?
Tôi mở ra và ngạc nhiên thấy một chiếc lắc chân rất xinh, tôi hỏi:
- Sao anh lại tặng em lắc chân?
- Thì tại... tại anh muốn trói chân em lại không cho đi đâu nữa...
- Anh???
- Anh đùa thôi mà, hôm trước anh thấy em bị hỏng lắc chân thấy em buồn buồn, anh biết em thích đeo lắc chân nên mua tặng em thôi. Em thích nó chứ?
- Tất nhiên rồi, nó rất dễ thương mà.
- Vậy thì từ hôm nay em phải luôn đeo nó nha, không cho em cởi ra đâu đó! Chịu không?
Tôi gật đầu nhẹ, anh Thắng thấy vậy cười rất tươi, anh lấy chiếc lắc trong hộp ra và đeo vào chân tôi. Trong giây phút ấy, tim tôi lại đập mạnh, có một chút ngại ngùng và một chút cảm giác hạnh phúc. Rồi chúng tôi lại cùng nhau lặng ngắm lục bình, trời đột nhiên bắt đầu mưa, những hạt mưa mùa hạ mới bắt đầu rơi đã rất to và nặng, nhưng không hiểu sao cả tôi và anh Thắng đều không muốn về. Tôi hỏi anh Thắng:
- Sao anh lại thích mưa mùa hè nhỉ? Mưa vừa to vừa lạnh...
- Lạnh đâu? Mưa mùa hè làm dịu đi những cái nắng oi ả mà.
- Sao hôm qua trời đẹp vậy mà hôm nay lại mưa to vậy nhỉ?
- Anh biết!
- Anh biết? Thật không? Vì sao?
- Vì... vì... vì ngày mai anh lên trường học rồi... không còn được chơi bóng cùng em nữa...
Anh Thắng nói vậy nhìn tôi một thoáng rồi lại quay ra ngắm lục bình... trời vẫn mưa... mưa thấm ướt tóc và quần áo của tôi và của cả anh Thắng... Tôi lặng thinh không biết nói gì, một chút bất ngờ, một chút hụt hẫng và... một nỗi buồn thấm dần trong tâm hồn tôi hệt như những giọt mưa kia đang thấm dần làm tôi thấy lạnh... Nhanh quá... mấy tháng hè trôi qua nhanh quá, những ngày hè tôi sáng đi học thêm ở trường, thời gian còn lại tôi tự học ở nhà nhưng khoảng thời gian khiến tôi cảm thấy thoải mái nhất là khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày tôi tập bóng rổ cùng anh... Vậy mà giờ không được cùng tập bóng rổ nữa rồi... thấy tôi không nói gì nên anh Thắng cũng không hỏi, không biết anh ấy có hiểu tâm trạng của tôi không nữa... mưa càng lớn. 
- Không biết khi nào anh em mình mới gặp lại nhau nhỉ? Anh học xa nên ít về lắm, mà cũng sắp vào năm học rồi, lớp 12 cũng bận lắm chắc em cũng không chơi bóng được nhiều nữa...
- Em biết!
- Thôi cố gắng học tốt nha! Và... đừng quên anh nhé!
Tôi cười buồn và không nói gì, cuối cùng anh Thắng đứng lên và bảo:
- Anh em mình về thôi mưa ướt hết em rồi kìa, tạm biệt em... 
- Tạm biệt anh, em về đây, cảm ơn anh về món quà...
Tôi và anh Thắng không nói thêm lời nào nữa và đi về, tôi tự dặn mình không được nhìn lại vì mỗi người đi một hướng... Mưa vẫn cứ rơi và không biết tôi đã khóc từ lúc nào nữa, chỉ thấy trong dòng nước mưa, thỉnh thoảng tạt vào mặt vị mặn chát như muối biển... Vậy là cơn gió của tôi bay đi rồi... đi ngay khi tôi mới nhận ra tình cảm của mình dành cho Gió, chúng tôi không hề trao đổi bất cứ một cái gì để có thể giữ liên lạc với nhau.
Thời gian cứ thế trôi, từ hôm đó tôi cũng không ra đường gió mà chạy bộ hay chơi bóng nữa, chỉ thỉnh thoảng nỗi nhớ trào lên trong lòng, tôi lại ra con đường đó, nhưng mỗi lần ra là mỗi lần tôi thêm buồn. Xem một bộ phim có câu nói mà mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy buồn: “Gió đã đi qua một nơi thì không bao giờ trở lại”... Mỗi lần đến đây những kỉ niệm lại trở về gần gũi như mới ngày hôm qua, chiếc rổ vẫn buộc trên cây nhưng chẳng có ai chơi nữa. Đã có lần tôi mang bóng rổ ra đây chơi một mình nhưng không hiểu sao mỗi lần đứng vào vạch 3 điểm thì tôi không thể ném trúng nữa bởi... mắt tôi đã nhòa đi vì nước mắt từ bao giờ... Mùa lục bình cũng hết từ khi nào không hay, trên đầm chỉ còn lác đác vài bông lục bình lẻ loi, xơ xác và lúc ấy tôi mới biết anh Thắng đúng: lục bình chỉ đẹp khi chúng bên nhau... Tôi là một cơn mưa mùa hè lạnh căm và lặng gió nên đôi khi thấy mưa gió của tự nhiên bên nhau tôi lại thấy chạnh lòng vì Gió của tôi đã đi mất rồi... và chẳng biết có còn nhớ đến tôi không...
***
1 năm trôi qua...
Tôi thi xong Đại học và chờ kết quả. Ngày báo kết quả đỗ tôi vui lắm và không hiểu tại sao lúc ấy tôi nhớ ra rằng mùa lục bình đã đến, tôi muốn ngắm lục bình tím bình yên tràn ngập khu đầm. Mở chiếc ngăn kéo tôi vẫn cất chiếc dây đeo tay màu lục bình ở đó, tôi đeo nó vào tay và quyết định đi ra con đường đó chạy bộ. Khung cảnh vẫn đẹp và yên ả như tất cả cách đây một năm... trời vừa mưa xong nên ở đây càng vắng, chẳng có ai ra tập thể dục cả. Từ xa nhìn cái cây quen thuộc những cảm xúc tưởng rằng đã hết trong lòng tôi lại trào lên, thêm vào đó màu tím nhạt trên màu xanh non của lục bình làm những kỉ niệm hiện về rõ ràng hơn. Tim tôi lại đau nhói như muốn đập phá một cái gì đó cho tan đi những điều đó nhưng không được, tôi đứng lên và hét lớn:
- Em nhớ anh nhiều lắm anh biết không? Anh ác lắm cứ thế mà biến mất khỏi cuộc đời em sao? Anh Thắng ơi!
Hét xong tôi ngồi thụp xuống và khóc nức nở, bất chợt có một tiếng nói rất khẽ vang lên:

- Anh cũng nhớ em nhiều lắm! Mỗi lần có dịp về anh đều ra đây nhưng không một lần nào ông trời cho anh được gặp em... Một năm rồi không lúc nào anh quên em...
Tôi ngẩng đầu lên và bất ngờ khi trước mặt tôi là anh Thắng... vẫn gương mặt đó, vẫn vóc dáng đó, bộ quần áo thể thao đỏ viền trắng và cả... chiếc dây đeo tay màu đỏ... Tôi đứng lên, cuộc hội ngộ bất ngờ làm tôi hạnh phúc, anh Thắng vẫn đứng đó, không phải là ảo ảnh... nói với tôi rằng:
- Anh đã tự trách mình khi không dám nói với em từ lâu rằng: anh yêu em...
Tôi hạnh phúc thật sự, hạnh phúc đến vỡ òa thành dòng nước mắt, rồi tôi lau nước mắt, mỉm cười giơ tay cho anh nhìn thấy chiếc dây đeo tay màu hoa lục bình trên tay tôi, anh Thắng cũng cười và cầm tay kéo tôi vào vòng ôm ấm áp, anh thì thầm: “Cho anh xin lỗi! Anh cứ nghĩ em quên anh rồi!”. Tôi đẩy anh ra mỉm cười và bảo:
- Anh lấy lắc chân trói em rồi, em còn chạy đâu được nữa...
- Vậy hả? Mưa và Gió luôn bên nhau mà em...
- hk99-