Hiển thị các bài đăng có nhãn Phật giáo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phật giáo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Chùa Xá Lợi....bây giờ !

Thương tặng Thu Giang và các bạn Đệ Thất 6 GL

Lời Nguyện Đêm Nay

Cát Bụi Cuộc Đời

Tiếng chuông chiều mùng một Tết
Trong hoàng hôn tiếng chuông chiều vang vọng,
Nhắc nhở người chìm đắm cõi trầm luân...

Thời chuông thôi thúc bâng khuâng,
Giục người tỉnh thức như gần như xa...
Quẩn quanh trong cõi ta bà,
Nhớ người xưa đã một thời phong lưu
Giờ chừ đỗ bến hoang vu,
Hay còn phiêu lãng thiên thu chốn nào ?
Thương thay một kiếp xôn xao,
Cuối đời chen chúc với bao đoạ đày !!
Sen vàng một đoá trên tay,
Xin người cứu độ bao người trầm luân...
NM

Chùa Xá Lợi....bây giờ !
          Trước Tết, hàng ngày tôi vẫn có dịp đi ngang qua chùa Xá Lợi, nhìn thấy chùa đang sữa chữa....Rồi lại thấy hai cây "Bò cạp vàng" ở góc sân bên phải được bỏ đi khiến lòng tự nhiên buồn buồn tiếc nuối vì đã có lần kêu cháu dừng xe chạy vô chùa lượm những trái rụng lấy hột đem gieo dưới chân mộ phần của ba, phải tới 4 năm cây mới ra hoa, và vỏn vẹn chỉ nở hai mùa hoa thì cây bị sâu tàn phá !....
          Và cứ thế hàng mấy tháng, cho đến khi gần Tết bỗng chợt nhận ra tượng Quan Âm xuất hiện ngay góc phải của sân chùa, tuy rằng cũng có cửa, nhưng thoạt nhìn có cảm giác như rộng mở  thật đẹp và uy nghi....!
          Tượng Phật màu trắng được đặt ngay góc đường bà Huyện Thanh Quan và sư Thiện Chiếu. Nếu ta đứng từ bên kia lề đường của trường GL, ta có thể nhìn thấy cảnh quang trọn vẹn hơn,ta có thể chiêm ngưỡng nét trang nghiêm của Đức Quan Âm và nhìn rõ được vẻ rực rỡ của chánh điện chùa Xá Lợi trong buổi chiều tà ! Chắc hẳn không phải là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, bởi vì đây cũng là góc của đường Bà Huyện Thanh Quan và đường Sư Thiện Chiếu! Bên đây đường là chùa, bên kia là trường học, ngoài tiếng xe qua lại và giờ học sinh tan trường, còn lại không gian rất yên tịnh....Một không gian êm đềm và gần gũi của bảy năm trung học, của tuổi thơ và tuổi hoa niên !
          Có lẻ sự yên tịnh trang nghiêm nhưng thân thuộc của ngôi chùa đã làm cho đại đa số nữ sinh Gia Long có một dáng vẻ thuỳ mị và ôn nhu, một tâm hồn sâu lắng trước biển đời dâu bể !! Đại đa số nữ sinh ngày đó yêu chùa không khác gì yêu ngôi trường thân yêu của mình ! Và chắc chắn rằng trong album ngày còn đi học bất cứ nữ sinh Gia Long nào cũng có ít nhất một tấm ảnh chụp cùng bạn bè trong sân chùa Xá lợi
          Hai năm nay do hoàn cảnh thực tế, tôi không đến viếng chùa Xá Lợi ngay sáng mùng một, mà đổi lại hai cô cháu đi viếng chùa vào buổi chiều ngày mùng một...Khoảng thời gian hoàng hôn của chiều mùng một Tết thật thoải mái và dễ chịu, xe cộ ít đi rất nhiều vì không còn giờ tan sở, tan trường và dân tạm cư thành phố cũng đã về quê ăn Tết, được chạy xe giữa buổi chiều mát không hanh nắng và không đầy mùi khói xe làm cho người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản thật đúng là ....
          Tôi ơi, mùa Xuân đến rồi đó !!
          Từ cổng chánh đi thẳng vào Thiền đường đã được mở rộng hơn, hai bên được trang trí những bức tượng nhỏ màu trắng, hình ảnh bé xinh của chú tiểu nhỏ, người thì đọc sách, kẻ chống càm, những hình tượng nầy được đặt giữa những khóm hoa lá trông thật vui mắt đáng yêu
          Phía bên trái ngay sát góc tường là một tiểu cảnh nhỏ có tượng bán thân của ông Mai Thọ Truyền, tức cư sĩ Chánh Trí, người có công cất lên chùa Xá Lợi đồng thời quảng bá tư tưởng Phật giáo trở nên phổ biến và rộng lớn, người có công sáng lập Hội Phật học được lưu truyền cho đến bây giờ...
Cây mai màu trắng năm nay không đầy hoa như mọi năm nhưng dưới ánh hoàng hôn cây mai trắng trở thành một hình ảnh dịu dàng thân quen
           Sau khi dạo một vòng nhìn khuôn mặt mới của chùa Xá Lợi, tôi lại trở vào sân sau của chùa bái lạy tượng Quan Âm nhỏ được đặt ở đó, đặc điểm đáng ghi nhớ là nơi đây lúc nào cũng đông người đến cúng vái, hoa quả, đèn hương lúc nào cũng toả sáng !
          Cuối cùng là lên chánh điện, nơi đây vẫn như cũ và không hề thay đổi, một khung cảnh thật gần gũi và không hiểu tại sao mỗi khi vào đây chiêm ngưỡng Đức Phật tôi luôn cảm nhận một sự êm đềm tĩnh lặng, ngay cả không gian cùng các vị Phật tử ai cũng cho tôi một cảm giác thân quen cho dù tôi chưa hề biết một ai...
          Những năm trước đây, ngoài thời gian còn đi học thì khoảng thời gian sau khi ba tôi mất đi hai cô cháu thường đến chùa đọc kinh vào những hôm trời không mưa, được ngồi ngoài sân cũng thoải mái và dễ chịu....Những buổi tối mưa dầm chùa thanh vắng hơn nhưng êm đềm tĩnh lặng ! Bây giờ thì không biết bao giờ được trở lại cảm giác thanh thản của những ngày xưa cũ đó, thoắt một cái mà đã trên hai mươi năm trôi qua...!
           Hôm nay là chiều mùng một Tết cho nên Phật tử đến đọc kinh tương đối vắng, ngược lại khách đi viếng chùa lại đông, tôi cảm thấy yêu thích sự yên tĩnh nầy, mùi hương của nhang lan toả trong không gian thật ấm áp đượm đầy không khí của mùa Xuân nơi cảnh Phật
          Trời đã bắt đầu tối, từ trên cao ngoài sân chánh điện nhìn xuống sân với cảnh quang mới tôi có cảm nhận sân rộng ra hơn, khang trang và đẹp hơn, nhưng sao vẫn thấy yêu và nhớ khoảng sân chùa thân quen của những ngày còn đi học !
          Điểm đặc biệt không thay đổi của chùa Xá Lợi là người ăn xin thật nhiều, trẻ khuyết tật, người mù, người già, có người bán vé số có người không...Trong khi nhưng chùa khác bây giờ không còn một bóng người ăn xin nào...Hai bên lối đi vào, hai bên thềm tượng Quan Thế Âm, hai bên cầu thang dẫn lên chánh điện....
        Trong ánh hoàng hôn nhá nhem, tôi lại tưởng nhớ đến hình ảnh của Dì Ba, một người dì bà con, một người đàn bà đẹp giàu có một thời cũng đã từng ngồi chen chúc ăn mày cửa Phật nơi đây !!
          Đêm đến trên con đường nhỏ bên hông chùa Xá Lợi mang tên nhà sư Thiện Chiếu, phía bên kia đường là hàng loạt nhà hàng và quán nhậu rực sáng ánh đèn màu... Giờ nầy cũng là giờ thực khách tấp nập
         Đâu rồi những căn nhà xinh xắn với hàng bông giấy rực rỡ đủ màu dưới ánh nắng trưa giờ tan học ?
NM Phan thị Ngọc Diệp

Lạy Phật Quan Âm

Album Trái Tim Bồ Tát

Bồ Tát trên cao !
Lung linh đèn sáng lung linh,
Trên cao Bồ Tát cúi nhìn thế gian.
Buồn cho bao kiếp gian nan,
Kẻ thì toà án, người trong sân chùa...
Hoa sen đâu nở bốn mùa,
Làm sao cứu khổ độ nàn chúng sinh ?
Sen vàng rọi chốn U minh, 
Thuyền Từ đón khách tội tình bến mê...
Cùng nhau chung một lối về,
Trái tim Bồ tát là quê hương mình !
NM
Lần đầu tiên viếng Việt Nam Quốc Tự
         Hôm nay là ngày mùng năm nhưng không khí Tết vẫn còn tràn ngập, nhất là ở các ngôi chùa trong thành phố. Năm nay số ngày nghỉ Tết nhiều, ngoài những người có quê phải về thì dân Sài gòn, nhất là những người lớn tuổi thường đi chùa viếng Phật và cầu phúc vì "ba ngày Tết" cùng lễ nghi đối với gia đình đã qua rồi. Hội hoa xuân cũng đóng cửa chuẩn bị cho một năm làm việc mới !!
         Chợt nhớ đến lời một cô Phật tử người Huế mà tôi đã có dịp gặp trong lúc viếng chùa Quảng Đức rằm tháng bảy năm ngoái khi ngồi cùng bàn thưởng thức bún bò Huế chay, cô tự giới thiệu mình là người Huế vô Sài gòn thăm bà con, nhân dịp rằm lớn cô đi viếng tất cả những ngôi chùa lớn ở Sài gòn. Cô hỏi tôi ở đâu và có biết Việt Nam Quốc Tự không... Tôi cho biết mình là dân Sài gòn mấy đời, tuy chùa gần nhà và hay đi ngang qua nhưng tôi chưa một lần có dịp  đặt chân tới đó. 
         Tuy còn trẻ nhưng cô cũng khá rành cô lại hỏi tôi có biết tên trước kia của Việt Nam Quốc Tự không, tôi trả lời là Viện Hoá Đạo do Thầy Thích Tâm Châu trụ trì trước năm 75, và hình như chùa có nuôi trẻ mồ côi. Thời đó tôi chỉ biết lo đi học cho nên những nơi nào có dính líu về đấu tranh thì không dám lui tới....Và rồi những biến động thời thế, những lo toan cho cuộc sống làm tôi không còn nghĩ đến nữa, sau nầy khi đi chùa tôi chỉ quen theo một lộ trình quen thuộc vì thế chưa một lần đến viếng thăm Việt nam Quốc Tự ! Cô Phật tử người Huế khen ngôi chùa rất đẹp đang xây dựng và cũng sắp sắp xong rồi, cô gợi ý tôi nên đến viếng một lần cho biết...Ti xen vô nơi đây sẽ lưu giữ trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức !
         Ăn cơm chiều xong đi một vòng dạo mát, hai cô cháu đồng ý ghé Việt Nam Quốc Tự viếng Phật vì chùa đã hoàn tất trong năm 2017 rồi. Trong buổi tối ngôi chùa sáng lấp lánh dưới ánh đèn...
        Điểm đặc biệt nhất là cây mai trong sân chùa thật to và cao đầy hoa vàng nở rộ, mọi người ai bước chân vào sân cũng phải ngước mắt nhìn, không gian thoáng đảng rộng lớn và ánh sáng lung linh khắp mọi nơi
        Từ ngoài nhìn vào thì bên tay trái của chùa là ngôi bảo tháp đang lưu giữ trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức, tất cả các tầng đều sáng rực rỡ và Phật tử đến viếng thật là đông, chỗ giữ xe cũng nườm nượp khách ra vào. Cả hai cô cháu đều đồng ý vào lạy Phật trước
        Chánh điện thờ Phật ở trên lầu, được trang trí rất đẹp mắt, giờ nầy có lẻ đã qua thời tụng kinh tối, vì thế có nhiều Phật tử mặc áo tràng xám sau khi viếng Phật thì tự ngồi đọc tụng với quyển kinh mà mình đem theo....
        Hai bên vách là tượng của các vị La hán, những bức tượng có màu sắc rất đẹp và đường nét thật sinh động ! Tất cả mọi nơi đều được trang trí bằng hoa tươi, ánh sáng luôn chan hoà !
        Lễ Phật xong hai cô cháu trở ra sân để ngắm hai gác chuông và trống thì bất ngờ tôi thấy một sư thầy bước đi vội vã từ dưới cầu thang đi lên, mặt thầy nghiêm và có vẻ hơi giận ai đó ? Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có cảm giác như vậy...
 
        Trước sân chánh điện có chuông, trống hai bên và được lưu giữ trong hai ngôi gác nhỏ có kiến trúc tinh xảo, nhưng tôi thích nhất tượng Di Lạc ở mặt tiền chùa tầng trệt, pho tượng uy nghi rất đẹp, đó là một bức tượng bằng gỗ chạm khắc thật tinh xảo, đặc điểm khác lạ với các chùa khác là tượng đặt ngay giữa mặt tiền của chùa chứ không để ngoài trời, có lẻ vì đây là tượng bằng gỗ ! Tuy nhiên vẫn có một hàng rào giả định phía sau lưng tượng
       Đứng thơ thẩn dưới sân chờ cháu lấy xe ra từ dưới tầng hầm của chùa, tôi lại thấy đám đông hiếu kỳ đang đứng gần cây mai, nhưng không phải chiêm ngưỡng hoa mai mà lại vây quanh một thanh niên ăn bận khá lịch sự, điều làm cho tôi bất ngờ là thanh niên nầy bị trói gô cả hai tay và hai chân, hai tay quặt ra sau lưng, nằm sấp mặt dưới đất, gần thanh niên là một vị sư thầy của chùa, thầy hãy còn trẻ nét mặt căng thẳng không vui, thầy đang bấm điện thoại trên tay có lẻ liên lệ với công an để xử lý
        Không hiểu sao khi nhìn thấy tư thế của người thanh niên bị lật úp xuống đất như vậy trong sân chùa tôi lại có cảm giác bất nhẫn dù đoán biết rằng anh ta đã có hành vi pham pháp gì đó, tôi chỉ cho cháu xem và nói suy nghĩ của mình, cháu nói có lẻ tái phạm nhiều lần nên bị như vậy và với tư thế đó sẽ không chạy được! Cột cả hai tay và chân trong tư thế khác như ngồi dựa vào vách hay gốc cây thì cũng không thể nào chạy được, tôi nghĩ như vậy...vì đây là chùa thì có một cái gì hơi chua chát !
        Bất chợt tôi ngước lên nhìn qua bảo tháp đèn vẫn sáng lung linh....!!
      Cháu lại hỏi có qua viếng xá lợi bên tháp không, tôi nói thôi về vì năm nay chân đau khớp chắc không leo lên cao nỗi, tôi muốn nói thêm với cháu là tự dưng  tôi cảm thấy nhói trong tim trước hình ảnh của "tội phạm trong sân chùa"....! Chắc hẳn với trái tim Bồ tát trên cao ngài Thích Quảng Đức cũng thấy và không vui với nỗi đau của chúng sinh. Còn biết bao nhiêu khổ nạn của thế nhân trên quê hương nầy!?


Xuân Quê Hương 2018

Xuân quê hương 
" Xuân du phương thảo địa", 
Nhớ câu thơ cổ xưa... 
Về đây viếng cảnh Phật, 
Ngắm mai vàng đong đưa !

Như ngày trong cổ tích, 
Long lân múa tưng bừng... 
Cùng người tạ ơn Phật, 
Xa rồi nỗi bâng khuâng !

Biết bao người trẫy hội, 
Du khách tự phương xa... 
Cúi đầu Nam Mô Phật, 
Con đã trở về nhà !!

 Thương sao ôi thương quá, 
Mùa Xuân nơi quê hương... 
Âm thầm con rơi lệ,
Lòng con luôn nhớ thương!! 
NM 

Rằm tháng giêng 2018 
         Mới Tết đây mà đã đến ngày rằm! Người ta thường nói "Tháng giêng là tháng ăn chơi " nhưng đối với tôi tháng giêng không chỉ là tháng ăn chơi mà là tháng của an lành và hạnh phúc....! Từ đêm 30, sáng mồng một cho đến ngày mùng năm hai cô cháu cùng gia đình có dịp đi viếng chùa và dạo cảnh ngắm Xuân, vì thật ra bây giờ ông bà cha mẹ không còn ai nữa, đây là thời gian hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp của quá khứ, kính nhớ gia tiên đồng thời cầu an cho mọi người trong gia đình cùng bạn bè hiện tiền
         Như một chu kỳ không thay đổi, hai cô cháu ghé chùa cổ Hội Sơn trước, năm nay con đường vô chùa được tráng ciment sạch sẽ, chùa vẫn đãi tiệc buffet như thông lệ, khung cảnh thật đông vui và ấm áp. Buffet được bày biện trong sân sau của chùa, món ăn khá phong phú, bánh cuốn, bánh mì bì, bún riêu, bún măng, cơm chay thập cẩm, bánh xèo, bún xào, có cả nước rau má, xôi và chè....Khách thập phương thuê xe du lịch đến viếng Phật, tham quan cảnh thiên nhiên và thưởng thức món ăn ngon! Phật tử chùa Hội Sơn thật hiếu khách phục vụ luôn tay và họ cũng thường hãnh diện khoe rằng chỉ có chùa Hội Sơn là nấu món chay ngon nhất và đa dạng nhất ! Tuy nhiên chùa vẫn còn nhiều Phật sự cần hoàn tất vì thế mà không chụp hình lưu lại...
         Gần chùa cổ Hội Sơn là chùa Bửu Long, phong cảnh đẹp đẽ đông vui, vì chùa đẹp cho nên khách viếng phương xa rất đông, ngay từ cổng chùa đã có một nhóm thiếu nữ mặc áo dài cầm hoa chụp ảnh, cười nói tíu tít, gia đình và Phật tử các tỉnh cũng rất nhiều...
         Ảnh chùa Bửu Long quá nhiều cho nên khi ngồi ở băng đá nghỉ chân tôi chỉ chụp vội vài tấm trước mắt đồng thời là những góc ảnh yêu thích, thương nhất là hàng cây sứ đỏ thắm bên đường dẫn vào chùa,và cũng  thương ngôi nhà bằng gỗ khang trang trông thật mát mắt
         Năm nay sân chùa còn điểm xuyết thêm những bức tượng đá mỹ thuật khiến khung cảnh càng thêm sinh động!
        Đây là con đường dẫn vào nhà ăn của chùa đối diện với ngối nhà gỗ, những hôm chùa đãi khách chắc hẳn đông vui nhưng không ồn ào náo nhiệt như những chùa khác 
         Một ngôi chùa có kiến trúc đẹp với không gian yên tĩnh, nên thơ...!
        Hôm nay thật là vui, bước chân vào chùa Quảng Đức thì gặp ngay đội lân đang chuẩn bị chào sân....Ông địa và ông lân sau khi đi một vòng thì lạy cúi chào ba pho tượng Phật to lớn ngoài sân. Năm nay chắc hẳn là hên lắm đây, ai nấy cũng đều hào hứng, người chụp ảnh, kẻ bế con trẻ lên cao để xem cho rõ, một số thanh niên thiếu nữ đi nối đuôi theo sau đám múa lân đến chào tượng Phật Quan Thế Âm rồi lại quay trở về múa dưới chân ba pho tượng Phật rồi mới chia tay
         Thời gian của đội lân múa không kéo dài, nhưng tất cả mọi người đều háo hức vì đó là một niềm vui bất ngờ và cũng là điềm mang đến sự may mắn trong mùa Xuân mới
Mọi người chăm chú ngắm nhìn từng động tác nhanh nhẹn và khéo léo của đội lân, vui với cái vui bất ngờ cho nên quên mất mình gặp cô em gái cũng đang đi chùa, đến lúc nhớ lại thì cô em cũng đâu mất tiêu rồi !
         Chùa Quảng Đức còn có một món ngon đặc biệt là món bún bò Huế chay thật độc đáo nhưng sa tế cũng thật là cay...Sân sau của chùa rất rộng sức chứa cũng khá nhiều, nhưng thật khó tìm được một chỗ để ngồi thưởng thức ! Chùa lại rất nhiệt tình chào mời... Vẫn còn tiếp tục đi nữa nhưng cũng phải thưởng thức món bún bò ở đây đã rồi mới yên tâm ...lên đường !
        Đây mới chỉ là nửa tháng đầu của mùa Xuân mà!!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Một ngày Như Ý)
trướcXem trước


Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Đâu chỉ là một giấc mơ ?!

Thành kính tưởng niệm nội của tôi nhân dịp Đại lễ Vu Lan 2017 ...NM
Kết quả hình ảnh cho niềm hy vọng

Ơn Cha Nghĩa Mẹ

Đời là giấc mơ

Liên Khúc Nhạc Trữ Tình Hát Về Cha Mẹ

Nguyện cầu
Một lần gặp nội trong mơ,
Là lần con thấy bất ngờ trong tâm...!
Nội ơi con đã âm thầm,
Cúi đầu khấn nguyện Quán Âm độ trì.
Với lòng độ lượng Từ bi,
Xin người dìu dắt cứu người trầm luân.
Nội không tham ái, hận sân,
Một đời đạo đức nghĩa ân tràn đầy..
Lẻ nào số kiếp trả vay !?
Lâm vào khổ nạn mong ngày thoát thân !
Với lòng thành kính tri ân,
Đọc kinh đội sớ bao lần thiết tha...
Mong sao nội sớm "về nhà",
Dạo miền cực lạc chan hoà an vui.
NM

Đâu chỉ là một giấc mơ ?!
            Bỗng dưng tôi có cảm giác như mình đang đi lạc vào một nơi mà không gian thật là hoàn toàn xa lạ....Ngay cả con đường đang đi trước mặt cũng khác so với những con đường mà tôi đã từng đi qua ! Mặt đường sạch bong trơ trụi và có một màu xám nhạt không giống như màu con đường trải nhựa bình thường. Chung quanh tôi hoàn toàn vắng lặng không một tiếng động, không cỏ cây hoa lá và chỉ có một mình tôi đang lầm lũi cất bước, cả không gian mang một ánh sáng vàng cho biết đây là buổi tối, một thứ  ánh sáng vàng bao trùm tất cả, soi rọi con đường tôi đang đi, nhưng tôi tuyệt nhiên không thấy một cột đèn nào. Ánh sáng vàng không tăm tối như ánh đèn dầu nhưng nó sáng trắng giúp tôi thấy rõ mọi cảnh vật chung quanh mình
            Trước mắt tôi con đường dường như càng lúc càng dài thêm, dọc hai bên đường là những cuộn sương lớn dày trắng, những cuộn sương như khói bay bay cuồn cuộn nhẹ nhàng liên tục chạy suốt hai bên dường và lan ra cả mặt đường khiến con đường dường như nhỏ lại chỉ còn khoảng gần hai mét đủ cho một người đang rảo bước như tôi....! Hoàn toàn im lặng và không có một ai, nhưng tôi có cảm tưởng mình không cô độc trên con đường đang đi, tôi có cảm giác ở hai bên đường và sau những làn khói sương đó vẫn còn có nhà ai đang thức trong đêm. Tôi ngại ngùng bỡ ngỡ khi nhìn vào làn khói sương kia và cố gắng đi tiếp để hi vọng sẽ thấy một căn nhà nào đó xuất hiện bên đường hay ít ra là cuối con đường trước mặt, trong lòng tôi bắt đầu lo lắng với cảnh tượng lạ lùng nầy !
***
            May mắn đúng như tôi dự đoán, tôi chợt nhận ra từ xa có một căn nhà bên tay trái, một căn nhà cũng lạ kỳ không kém con đường, một căn nhà nhỏ có mái tròn, ở xa trông nó như một quả chuông úp xuống đất, nhà nhỏ chỉ có duy nhất một cửa ra vào cũng nhỏ, tuyệt nhiên không có một cửa sổ nào cả, cánh cửa nhà cũng đóng kín, ánh đèn vàng vọt hắt qua ô cửa vuông có song sắt phía trên cánh cửa duy nhất đó. Đứng hai bên cửa là hai người đàn ông tay cầm vũ khí, một người cầm chỉa ba, một người cầm giáo nhọn, hai người như hai pho tượng lặng ngắt. Tôi cố gắng lại gần để hỏi thăm, nhưng không hiểu sao tôi không thể nhìn thấy gương mặt của hai người nầy, tôi chỉ có thể nhìn thấy thân hình của họ và chỉ thế thôi !... Vì thế tôi cố nhìn xem căn nhà có cửa sổ nào nữa không để có thể nhìn vào tìm người hỏi thăm. Tôi bắt đầu thất vọng và hơi sợ hãi giữa không gian lạ thường nầy, cái ô vuông nhỏ có song sắt thì lại nằm trên cánh cửa ra vào quá cao so với đầu người, tôi chỉ biết ước gì mình được nhìn vào trong nhà qua ô cửa đó....!
            Ước muốn tưởng chừng như vô lý thế mà tức khắc thành sự thật, tôi đã nhìn thấy bên trong căn nhà tròn kín mít đó có một người hãy còn thức, một người rất quen thuộc, đó là bóng dáng thân thương của bà nội tôi, nội vẫn mặc cái áo bà ba lụa ngắn tay có hoa nhỏ màu xám, nội đang đứng vịn bàn tay mặt vào tường như những lần còn ở nhà Tân Định nội vẫn thường ra cổng vịn tay vào vách trông ngóng cha con tôi....Nét mặt của nội thật buồn bã đăm chiêu nhìn ra cánh cửa đang đóng kín kia như mong ngóng. như trông chờ...!! Tôi muốn kêu nội nhưng không thể cất tiếng được và tôi đã khóc....!!
       ......Tiếng chuông điểm nhẹ của bà chủ nhà sau thời kinh nhật tụng và mùi hương trầm của nhang trong không gian tĩnh lặng của buổi sáng sớm đã làm tôi tỉnh giấc. Tâm trí tôi vẫn còn hoang mang và nhớ như in cảnh tượng mà tôi nhìn thấy trong giấc chiêm bao, bây giờ tôi mới biết tôi đã mơ một giấc mơ dài không vui...! Nước mắt vẫn còn đọng lại trên má chứng tỏ là cơn mơ đó thật sự làm cho tôi bàng hoàng xúc động!
            Trên đường đi đến trường và trong những phút giây rảnh rổi giữa bốn tiết dạy học tôi luôn nhớ và thắc mắc về giấc mơ lạ lùng nầy. Lúc ấy còn trẻ tôi chưa thấu hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng những diễn biến trong chiêm bao và hình ảnh đau khổ bị giam cầm của nội khiến tôi lo lắng, tôi chợt nhớ đến Kinh Vu Lan, nhớ đến sự tích Đức Mục Liền Liên cứu mẹ....Tôi chưa biết mình cần phải làm gì,  cuối cùng tôi quyết định về Sài gòn thăm nhà và kể cho ba tôi nghe điều kỳ lạ của giấc mơ đêm qua !
***
         Cũng như những lần về thăm nhà trước, tôi chọn chuyến xe "tài nhì", đó là khoảng thời gian tương đối an toàn vào thời chiến tranh. Nếu không có đấp mô hay kẹt phà là tôi có thể về đến nhà buổi trưa, và nếu như có trở ngại thì nhờ những chuyến xe đi từ Cần Thơ xuống Bạc Liêu cho biết tôi có thể quay trở lại và đi vào ngày khác. Thời chiến tranh lại không có điện thoại cho nên chỉ biết trông chờ tin tức vào những chuyến xe đi về. Ngoại và cậu lo lắng thường khuyên tôi khi lên xe không nên ngồi phía trước gần tài xế cũng như tránh ngồi ngoài bìa cạnh cửa sổ, nhưng tôi vẫn chọn ngồi bìa bên trái của xe, có lẻ do thói quen và nhờ ngồi bìa cạnh cửa sổ tôi có thể ngắm nhìn phong cảnh bên đường.....
           Chiếc xe lắc lư và không chạy nhanh được dù tài xế thuộc nằm lòng con đường mà hàng ngày họ phải hai lần đi lại. Thỉnh thoảng xe vẫn có những cơn dằn xốc nặng nề làm cho hành khách có thể va đầu vào ghế trước hay ngả nghiêng hai bên, nhưng họ chỉ mở đôi mắt ngáy ngủ càu nhàu nho nhỏ rồi lại nhắm mắt tiếp ....Đoạn đường từ Bạc Liêu lên Sóc Trăng trong đêm thường tài xế không bật đèn bên trong xe vì sợ làm tầm ngắm bắn tỉa....Bóng tối làm người ta dễ ngủ và quên đi mọi lo lắng trước mặt, nhưng chính nhờ bóng tối trong xe giúp cho tôi nhìn rõ hơn bóng đêm ngoài kia !!
           Ngoài việc suy nghĩ về giấc mơ trong đêm vừa qua tôi lại nghĩ đến lời cô học trò khá thân thiết cho biết trong buổi dạy sáng hôm qua sau khi tan lớp. Em ngại ngùng tiến đến gần bàn trong khi tôi thu xếp sách vở, em hỏi có phải ngày mai cô về thăm nhà không, khi tôi xác nhận có thì em lại nói xin cô dời lại tháng sau về luôn.... Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên em nói thứ nhất lớp em học với cô 2 năm đây là năm chót lớp 12 tụi em muốn được đi chơi với cô trước khi chia tay. Còn điều thứ hai em dè dặt một lúc mới nói ra, em cho biết sang năm học mới "trong sổ bìa đen của Ty Giáo dục Bạc Liêu" cô sẽ "được" đưa lên làm Hiệu trưởng trong quận xa của vùng xôi đậu "...!! Ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản, em nhỏ giọng " Còn nữa cô ơi không chừng hè năm nay sẽ có thay đổi lớn không còn chính thể Cộng hoà nữa đâu.!!."..
          Tin nầy dã làm cho tôi hơi sửng sốt trong giây lát, em thuyết phục tôi ở lại tháng tư hãy về luôn, em biết tôi không thể chấp nhận việc "bị" lên chức nầy, dù đúng ra tôi phải hãnh diện vì tôi sẽ là nữ hiệu trưởng đầu tiên mới 25 tuổi ở đất Bạc Liêu !....Tôi cám ơn em đã cho tôi biết những thông tin quý báu, em là cô học trò thuỳ mị và điềm đạm nhất, lời em nói không thể không tin và như thế lại khiến tôi càng phải về Sài gòn ngay...

***
          May mắn chiếc ghế bên cạnh chỗ tôi ngồi vẫn còn trống, tôi có thể đẩy kiếng cửa xe qua một bên và nhìn cảnh vật bên đường, tôi muốn lần nầy mình sẽ nhìn ngắm, đón nghe tất cả những âm thanh cùng với hương đồng cỏ nội ở quê ngoại thật rõ ràng để khắc ghi trong lòng vì chắc chắn rằng với những sự việc sắp xảy đến khiến tôi bắt buộc phải rời khỏi Bạc Liêu và cũng không biết ngày nào trở lại ?!
          Bây giở là cuối tháng ba dương lịch, tiết xuân hãy còn cộng với không khí mát lạnh trong đêm khuya làm trăng càng thêm sáng tỏ dù là ban đêm. Ánh trăng rằm soi sáng khắp mọi nơi, trước mắt tôi là một cảnh tượng đẹp không ngờ, mảng sương mù trắng như bông và  không dày lắm, đặc biệt lớp sương mù cách mặt đất chừng hơn một mét, sương trải dài như lớp bông gòn mỏng la đà trên ngọn lúa cao, sương bao trùm trên ao nhỏ và cũng với độ cao như thế giúp ta có thể nhìn thấy những đám lục bình đang nở hoa bên dưới....Lục bình trong ao hoa nhỏ hơn lục bình trôi dạt trên sông nhưng tụ họp thành từng đám đầy hoa rập rình xô dạt trong ao, màu tím của hoa và màu xanh của lá chập chờn theo sóng gợn ao hồ dưới mảng sương mù trắng nhẹ tôi làm cho tôi thật bất ngờ trước cảnh dẹp huyền ảo nầy....
          Phía sau ao là những gian  nhà mái tranh vách đất, hôm nay là ngày nước lên vì thế ngoài sân nhà đa số ngập nước, những cái lu ngả nghiêng chênh vênh bên hông nhà cộng với ánh đèn dầu vàng hắt ra từ liếp cửa khép hờ, xe chạy chầm chậm qua những ổ gà khiến  ta có thể nhìn thấy một phần bên trong căn nhà chỉ vỏn vẹn cái bàn và quần áo đen của nhà nông móc trên vách, giờ nầy hẳn chủ nhân say ngủ qua một ngày vất vã ! Tất cả quang cảnh trước mắt tạo thành một bức tranh thuỷ mạc dưới ánh trăng thật đẹp !! Tôi chợt nhớ và so sánh với giấc mơ đêm trước....Cảnh vật ở đây tuy đơn sơ nhưng vẫn có sức sống, tiếng ếch nhái, tiếng dế  rỉ rả lẫn tiếng chim cu gù trong sân nhà ai tạo thành khúc nhạc đồng quê êm đềm rộn rã......
          Xe dừng lại tại một trạm kiểm soát lưu động, ngoài tiếng chim trời bay qua tôi còn nghe trong đám bình bát bên đường những tiếng "cuốc cuốc.." Thật là ngạc nhiên ! Từ lâu tuy đọc và giảng bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan cho học sinh nhiều lần, nhưng thực tế tôi chưa bao giờ nghe được tiếng chim quốc! Dù mơ hồ cảm nhận nhưng tôi biết đó là tiếng chim quốc, tiếng chim kêu không lớn nhưng âm thanh thật khắc khoải, những tiếng "cuốc cuốc" liên tục cách khoảng nhau đều đặn !! Thật là nao lòng và xúc động khiến tôi chợt nghĩ đến tương lai trước mắt, nhất là câu nói "...Tháng tư nầy có thể sẽ không còn chính thể Cộng hoà nữa" Một sự trùng hợp lạ lùng, nhưng cũng đành chịu nếu như sự việc xảy ra, tôi cũng như mọi người dân bình thường khác luôn mong ước chiến tranh chấm dứt, thế nhưng tiếng chim quốc nghe sao buồn quá ? Phải chăng đây là một điềm báo không vui....?! Và trong tôi ít nhiều đã cảm thông được niềm ưu tư lẫn cô đơn của tác giả Bà Huyện Thanh Quan, người mang nỗi đau mất nước ngay chính tại quê hương mình !!...
***
          Không bị đấp mô và không kẹt phà, tôi về đến nhà gần trưa, ba thấy tôi  rất ngạc nhiên vì ba vừa nhận được thư báo tin tháng nầy tôi sẽ không về mới ngày hôm qua,..bức thư hơn một tuần mới tới ! Trong bửa cơm trưa tôi kể vắn tắt cho ba nghe giấc mơ về nội, ba rất ngạc nhiên và thản thốt, ba nói sáng nay bác Ba vừa gọi điện thoại cho hay chị Sáu Trinh là con gái bác Hai ở bên Mỹ vừa gọi điện về, chị khóc cho biết chị ngồi Thiền thấy bà nội bị giam cầm rất tội nghiệp, chị năn nỉ gia đình bên nầy cúng và rước thầy cầu siêu cho nội. Bác Ba hồ nghi và không tin lời chị vì nội tôi vốn là một phụ nữ hiền lành đạo đức chỉ biết lo cho gia đình, nội rất siêng năng cúng kiến, con cháu của nội đều thành đạt thì không thể nào nội lại bị giam cầm như vậy !....
          Buổi chiều đi làm về ba vui vẻ cho hay ba có gọi điện thoại  kể cho bác Ba nghe những gì tôi thấy về nội, thật bất ngờ giấc mơ của tôi đã làm cho ba và các bác tin tưởng. Ba nói chiều hôm sau tan sở về ăn cơm xong ba và bác Hai sẽ qua nhà bác Ba cầu siêu và đội sớ cho nội, nội được chôn cất trong đất của Hội Phật học chùa Xá Lợi cho nên bác gái đã mời thầy ở chùa Xá Lợi đến nhà cúng...
          Tôi vẫn chưa nói cho ba tôi nghe những rắc rối mà tôi gặp phải ở trường. Niên học thứ hai nầy ngoại đã dọn về Sóc Trăng, người thân quen cũng xa rồi, tuy chủ nhà trọ đối với tôi rất tốt vì bà là hàng xóm từng được ngoại giúp đỡ, học sinh luôn chân tình gần gủi, các em là động lực trong những ngày tháng tôi còn ở lại Bạc Liêu một mình...Nhưng bây giờ thì không còn gì để tôi lưu luyến nơi đây nữa, tôi cần tiếp tục tranh đấu cho tương lai trước mắt, bù lại gia đình sẽ không còn lo lắng khi thấy tôi hàng tháng phải đi về thăm nhà trên con đường đầy bất trắc !!
***
           Trở lại Bạc Liêu vừa soạn bài thi cho các em, vừa thu xếp đồ đạc sách vỡ để trở về nhà, với bao lo toan một mình nhiều lúc tôi mệt mõi và đôi khi ước gì mình không tin lời cô học trò tốt bụng kia nhưng tôi cảm nhận được lời của em không phải là không đúng... ! Tôi lại mơ thấy mình đang ở Sài gòn và qua Tân Định thăm nội như lúc nội còn sống. Khi đến nhà nội, nhìn căn nhà trống trải khác xưa, vẫn ánh sáng vàng nhưng khác với ánh sáng trong giấc mơ của tôi ...Nội đang lần bước vịn vách tường đi sang nhà kế bên, đó là căn nhà ngày trước gia đình bác Hai ở, tôi nhìn vào thì thấy trong nhà có một bà cụ mặc bộ đồ lụa đen hơi mập mạp, căn nhà cũng không có đồ đạc gì cả nhưng cũng có một thứ ánh sáng vàng của ánh đèn dầu....Và rồi tôi cũng tỉnh lại sau khi nghe tiếng chuông và mùi hương nhan trầm của bà chủ nhà...!! Lần mơ nầy tôi không khóc nhưng lúc thức giấc lòng nặng trĩu bâng khuâng xen lẫn xúc động khi thấy nội đang ở nhà mình...
            Tôi về nhà trong những ngày cuối tháng tư giao động, ba tôi rất mừng vì ba không cần phải lo lắng khi tôi chỉ còn lại một mình ở Bạc Liêu mà không có ai thân thích trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Tôi chưa cho ba biết tôi sẽ về luôn mà chỉ kể lại lời cô học trò báo trước về sự thay đổi chính thể trong tháng tư nầy....Tôi nói với ba sự chính chắn điềm đạm của em khiến tôi cảm nhận điều nầy có thể thành sự thật... Bất chợt ba hỏi tôi có còn chiêm bao thấy gì về nội không? Sau khi lắng nghe tôi kể xong về giấc mơ thứ hai, ba tôi không khỏi xúc động vì bất ngờ, ba nói vừa qua chị Sáu Trinh có điện về vui vẻ báo tin chị ngồi Thiền thấy bà nội không còn bị giam cầm nữa...!
          Tôi cũng không quên nhắc đến hình bóng của bà cụ mập mạp mặc bộ đồ màu đen ở bên cạnh nhà nội, ba tỏ vẻ thú vị và sửng sốt về sự trùng hợp linh ứng nầy, ba nói có lẻ đó là bà Tư, mẹ của bác Ba gái, bà Tư lúc sinh tiền hay mặc nguyên bộ đồ bà ba bằng lụa màu đen ! Ba cho biết nhân lễ cầu siêu cho nội, bác Ba gái cũng xin cầu siêu cho mẹ là bà Tư, như vậy cả nội và bà Tư đều đã được về nhà !!....    
***
           Và rồi lời báo trước của cô học trò lớp 12 đã thành sự thật...!! Hai căn nhà của nội và bà Tư đều thuộc về người khác và tôi cũng không còn mơ thấy nội nữa. Những sự việc xảy ra dồn dập trong mùa hè 75 vẫn còn vương vấn mãi trong tôi, có lẻ đây chỉ là căn nhà tạm của nội trên thế gian vô thường nầy và giờ đây nội đã thật sự trở về cõi vĩnh hằng sau những ngày ngắn ngủi quay về thăm lại ngôi nhà xưa mà ngày nay không còn thuộc về gia đình mình nữa.
          Sau nầy mỗi khi nhắc lại câu chuyện trên, ba tôi luôn thắc mắc về sự trùng hợp giữa việc ngồi Thiền của chị Sáu Trinh và hai giấc mơ của tôi, ba thường hãnh diện xác nhận chính nhờ lời kể lại của tôi mà mọi người đã hết lòng cầu siêu cho nội và bà Tư, tôi là "điểm sáng" trong số mười bảy đứa cháu gái của nội...!! Ba luôn nói với giọng xúc động khi nhắc lại lúc ba anh em, cả ba mái đầu đều bạc đã quỳ gối đội sớ đọc kinh cầu siêu cho nội mỗi chiều tối....Một hình ảnh thật cảm động vì lâu rồi ba anh em mới ngồi chung với nhau cùng  thành tâm hướng về mẹ !! Và lúc nào ba cũng kết luận như vậy thì tất cả những gì tôi thấy trong hai lần chiêm bao đâu chỉ đơn thuần là một giấc mơ ?!
(Đạo Phật và tôi)
NM - Phan thị Ngọc Diệp 
 

Giấc Mơ Có Thật

Tình mộng
Mười năm một giấc chiêm bao,
Đâu rồi đâu những ngọt ngào ngày xưa...
Tiếng đàn thánh thót trong mưa...?
Quay về mới biết ta vừa mộng du !!
NM

Hình ảnh có liên quan
  Chiêm bao
Những giấc mơ năm cũ, cô thấy mình đứng dưới giàn hoa giấy mang màu tím buồn rười rượi thả từ cổng nhà cũ kỹ. Trong chiêm bao, sẽ luôn luôn là bàn tay thô ráp của người đàn ông ấy luồn vào mái tóc cô, chạm nhè nhẹ như sợ chúng thức giấc.
Kết quả hình ảnh cho chiêm bao
Phía sau cánh cổng gỗ sắp mục nát, thứ duy nhất thu hút và đủ sức ám ảnh cô mãi đến tận sau này chính là tiếng guitar réo rắt mỗi khi chiều xuống. Khi cô buồn, tiếng đàn vang lên bập bùng như tiếng lửa nổ tí tách giữa đêm thinh lặng, thiêu những nỗi buồn thành tro bụi. Khi cô vui, tiếng đàn lại vang lên ríu ran như một đàn sẻ đang nhảy nhót xung quanh tán thưởng. Và trong ánh mắt đầy cảm hứng kia hướng về phía mình, cô thấy mình an nhiên, không một mảy may lo lắng.
Trong khoảnh sân gạch cũ được lấp xen kẽ bằng vạt cỏ đậu khoe những búp hoa vàng li ti, thứ mà cô muốn chạm đến nhiều nhất là chiếc xích đu bằng gỗ vát đã bị mối ăn vài chỗ. Sau khi cô đến chơi vài bận thì miếng gỗ mục đã được thay thế bằng hai chiếc vỏ xe hơi sơn màu xanh lam dễ chịu. Người đàn ông có đôi tay thô ráp ấy đụng đến thứ gì thì cũng hóa tinh tươm, đẹp đẽ, bay bổng. Chả trách vườn nhà chỉ có vài vạt hoa nhỏ mà lúc nào cũng ong bướm rập rờn. Ngôi nhà gỗ nhỏ, những bậc thềm cũ kỹ nhuộm màu thời gian, vài bụi chuối căng mẩy. Khung cảnh chẳng có gì tươi tắn nếu không nhờ tiếng đàn kỳ lạ kia. “...Và nếu thiếu vắng một người con gái, anh sẽ không hình dung nổi nếu ngày nào đó nơi này vắng em”.
Cô cũng không hình dung nổi ngày mà cô khoác lên mình chiếc áo cưới lộng lẫy, xinh đẹp như một nàng công chúa bước ra từ câu chuyện cổ tích, hoàng tử tới đón nàng lại không phải là anh. Bóng anh khuất dần sau vòm hoa tím, khi đoàn xe đưa dâu bóng loáng lướt êm qua hẻm nhỏ, mang theo tiếng hò reo phấn khích của lũ trẻ tinh quái. Đêm tân hôn, cô ngồi bó gối bên cửa sổ, cố nghe một thanh âm thân thuộc nào đó có thể len lỏi theo mình lên tận thành phố hào nhoáng xa lạ này không. Không có bất cứ mối liên hệ nào với chốn cũ, ngoài mùi hương bưởi cô đã gội đầu sáng nay, trước khi tết tóc.
Cô ngồi nhìn chồng thật lâu, sợ rằng mình sẽ quên mất gương mặt ấy ngay khi thức giấc. Đứa bạn thân nói, chồng mày cứ như diễn viên điện ảnh, lại giàu, mày đúng là có số hưởng. Lúc đó, cô hoàn toàn không tìm ra được một đường nét nào gọi là hoàn hảo trên gương mặt chồng. Chỉ thấy những góc vát mạnh mẽ của anh hiện lên, khuất lấp gần hết khuôn mặt kia. Tâm trí cô, từ buổi đó chếnh choáng mãi không thôi.
Cô như người say rượu, thứ rượu mạnh mà chưa có phương thuốc nào giã được. Tình yêu của chồng cũng chỉ là thứ nước hoa xịt vào người cô mỗi sáng, rồi chúng cũng nhanh chóng theo gió tan loãng ngay trong ngày. Đứa con trai kháu khỉnh cũng chỉ là niềm vui bất chợt, những niềm vui len lỏi đâu đó trong một mớ muộn phiền ngày nào cô cũng cố gắng nhặt ra từng chút.
Mười năm rồi, đêm nào cô cũng mơ về đôi tay đó và tiếng đàn đầy ám ảnh. Có đêm cô hoảng hốt kêu gào khi thấy mình chạy chân trần về thăm nơi cũ. Không có thảm cỏ hoa nào chào đón cô, không có đôi tay nào dang ra mời gọi, không có một thanh âm nào rõ ràng ngoài tiếng xích đu rền rĩ trong đêm hoang lạnh. Cô lục tung mọi ngóc ngách trong căn nhà nhỏ, gọi tên anh trong vô vọng. Gọi đến khi giọng cô nứt ra, rơi vụn giữa đêm thâu...
Mười năm, chưa khi nào cô thôi cảm giác mình bị bỏ rơi, hụt hơi chạy theo một lực hút vô hình nào đó, từ phía bóng tối thâm u phía trước. Có cảm giác như bóng tối chưa bao giờ chịu thỏa hiệp với cô.
Mười năm. Lòng chưa thôi hoang lạnh.
Nếu dùng cả tuổi thanh xuân để yêu một ai đó, điều chúng ta nhận lại được là gì? Có phải là thứ tình yêu đích thực mà người ta đền đáp lại hay chính ta phải trả giá cho những cuộc yêu điên dại bằng quãng đời buồn bã sau này?
Cô không trả lời được câu hỏi đó. Không ai có thể trả lời cô được.
Ngày xưa, tại sao đôi bàn tay ấy không cố níu giữ cô bên mình? Tại sao anh không thể gói ghém cho cô những giấc mơ trọn vẹn? Tại sao?
Cô phải đi tìm lời giải đáp. Cô nói với chồng việc mình phải về quê một chuyến. Chồng không bao giờ can thiệp vào những quyết định của cô, anh luôn luôn cho cô một khoảng trời tự do, đến mức cô thấy mình trở nên lạc lõng. Anh biến cô từ lọ lem thành một bà hoàng, lộng lẫy, yêu kiều trong mớ nhung lụa buồn thảm. Anh chiều chuộng cô tới mức, những hôm tiếp khách quá say, anh còn biết kê sẵn thau ngay chân giường và dặn cô để sáng dậy anh tự dọn lấy. Nhưng lần này, anh khẽ nắm tay cô, dịu dàng bảo:
- Anh sẽ đi cùng em. Vì có thể, sẽ lâu lắm chúng ta mới về nơi đó thêm lần nữa.
Chồng nói với cô về những dự định phía trước. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ đưa mẹ con cô ra nước ngoài định cư. Có rất nhiều việc phải chuẩn bị, nhưng tất cả đã sẵn sàng. Cô không khỏi ngạc nhiên, anh lấy sức đâu ra mà làm nhiều việc đến thế? Làm vậy để làm gì?
- Em đừng lo gì hết, chỉ là anh muốn tương lai vợ con mình phải tốt đẹp hơn thôi!
***
Họ dừng xe ngay đầu cái chợ chồm hổm nho nhỏ nhưng lúc nhúc những người và ra rả những cuộc ngã giá bán mua. Cô bảo chồng lái xe đến quán cà phê gần đó đợi mình. Cô muốn tự mình tìm về chốn cũ.
Có tiếng thau rổ va vào nhau leng keng, nhộn nhạo nơi góc chợ. Giọng khản đục của một bà cụ khi bị mấy người đi dẹp chợ hùng hục giằng mất mẹt rau trên tay bà khiến cô chú ý. Bà cụ nắm lấy vạt áo người đàn ông cao lớn bế cái bụng phệ đang nhón chân bước lên xe.
- Chú ơi, làm ơn, thương tui với!
- Tui thương bà rồi ai thương tui? Ngày nào mấy người cũng bày đầy ra đường nên tụi tui mới phải đi dọn dẹp như vầy nè, mệt thấy mồ chứ bộ sướng lắm hả?
- Nhưng mà tui bưng mẹt rau đi lòng vòng bán, chứ có ngồi chỗ nào đâu mà chú nói tui chiếm lòng đường? Hốt đồ của tui là mấy chú bậy lắm!
Người bán trứng gần đó vội vàng bế rổ trứng nhón chân chạy.
- Xứ này là vậy đó cô. Họ nuôi sống vợ con bằng công việc đó nên phải chịu, trách ai được cô ơi!
Biết vậy, nhưng bà cụ già cả rồi, ai lại nỡ làm như vậy với bà. Cảm giác xót xa dâng lên trong cô mãi không nguôi. Buồn thay cho xứ mình, lòng người, nếu không rộng lượng với nhau một chút thì trách sao cuộc sống cứ chênh chao.
Cô men theo lối mòn vào ngôi nhà đó, tim như thắt lại, mọi thứ cứ ngỡ như ngày hôm qua. Và mùi ký ức vừa sực lên trên góc mũi. Bướm ong vẫn lả lướt trên mấy vạt hoa. Chiếc xích đu xem chừng đã mòn nhẵn, lặng thinh nơi góc sân. Người đàn bà tướng mạo thấp đậm, nước da ngăm đen đang ngồi bệt trên sàn nhà lựa đậu làm giá đỗ, quẹt vội ống tay áo vào cạp quần khi nghe tiếng khách lạ.
Khi nghe cô nhắc đến tên chồng, người đàn bà ấy hơi nhíu mày nghi ngại.
- Chồng tui đi làm rồi, chắc cỡ một tiếng nữa mới về. Cô ở chơi, hay có gì cần nhắn lại ảnh không?
Cô nhắn tin cho chồng, đón ly nước lá dứa thơm mát từ người đàn bà lam lũ. Cô không biết mình sẽ nói gì khi gặp người cũ, nhưng lòng bảo cô nên đợi, vì có thể sẽ không chắc cô còn được gặp anh thêm lần nào.
Cô xin phụ giúp người đàn bà nhặt giá đỗ, nhưng đã bị từ chối khéo léo.
- Đôi tay cô đẹp quá, không nên đụng vào những thứ này, hư tay hết. Phụ nữ xinh đẹp như cô, chắc là được chồng cưng lắm đây!
- Không phải như chị nghĩ đâu ạ!
- Giá như tôi có dung mạo xinh đẹp như cô thì hay quá! Nếu vậy thì cuộc đời tôi, dù có chồng cũng đâu mặn chát như bây giờ.
Một tiếng đồng hồ trôi qua là cả cuộc đời buồn bã của người đàn bà đó tua chậm qua trước mắt cô. Cô lảo đảo rời khỏi ngôi nhà, váng vất đau như người say nắng.
Người đàn bà đáng thương đó, có đáng như vậy không?
Có tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng nhà khi cô vừa quay gót. Dáng người cao lớn, đôi tay mạnh mẽ ấy, và cái bụng phệ ục ịch kia... Tai cô ù đi, những âm thanh xô bồ trong khu chợ nhỏ lại ập về.
Cô ngả người lên vai chồng, thiếp đi suốt đoạn đường về. Mùi ký ức đã bấu lại bên đường. Mai, cô sẽ xịt nước hoa mỗi ngày, nói với chồng những câu yêu thương đã bỏ quên đâu đó. Chồng cô, can cớ gì phải nhận lãnh những lạnh nhạt dằn hắt từ người mình hết mực yêu thương...
Lỗi không ở ký ức, lỗi từ lòng người.
Giấc mộng đời người
           Tôi không có kỷ niệm ấu thơ nào với má. Nhớ về những ngày ấy, hình ảnh đầu tiên hiện ra trong ký ức tôi là ngoại. Ngoại là người đã mớm cho tôi những hạt cơm đầu tiên. Lúc tôi ấm đầu, sổ mũi, ngoại là khuôn mặt vò võ bên giường để đút cho tôi từng muỗng cháo, dỗ tôi uống từng viên thuốc đắng.
          Tối, ngoại xoa lưng, dỗ tôi vào giấc ngủ không bằng những câu hát ru mà bằng các câu chuyện cổ tích thần tiên. Đó là những bài học đạo đức đầu tiên của tôi về người ngay, kẻ gian, về nhân quả nhãn tiền là những kẻ ác rồi phải trả giá, đền tội, và những ông Bụt hiền lành luôn hiện ra cứu giúp người thế cô, cùng cực.

         Nhìn lại có thể nói quãng đời hạnh phúc nhất của tôi là thời gian được sống với ngoại. Tôi chưa từng biết mùi roi vọt, và so với những đứa trẻ cùng trang lứa trong cái xóm nghèo đó thì tôi là đứa trẻ may mắn nhất trên đời. Tôi không phải giữ em, không cần nạnh hẹ công việc nhà với anh chị. Vì ngoại chỉ có mình tôi và tôi cũng chỉ mình ngoại. Ngoại đã ban cho tôi tình thương tràn trề, đến nỗi tôi chưa từng thắc mắc về cha mẹ, hay anh chị em và đã có lúc tôi nghĩ ngoại chính là người sinh ra tôi...
          Má là nhân vật xuất hiện muộn màng trong vở kịch đời tôi, khi chỗ dựa bình an đã ngã đổ, khi suối nguồn yêu thương đã tắt mạch, khi ngoại đã vĩnh viễn nằm xuống. 
          Khi đó tôi mới biết mình còn một gia đình lớn khác nữa, với má, với cha dượng, với bốn anh chị cùng cha và ba đứa em khác cha. Mấy đứa em sau (con của cha dượng) là tấm màn chắn vô hình giữa má và tôi. Chúng là mối quan tâm hàng đầu của má. Còn tôi, là cái bóng qua lại trước mắt má tôi chăng? Má nào biết tôi cảm thấy xa lạ, lạc loài làm sao trong chính gia đình ruột thịt của mình. Lúc nào má cũng bận rộn lo lắng cho một ông chồng gia trưởng, cho mấy đứa con còn quá nhỏ
          Những lời tôi được nghe từ má là những mệnh lệnh ngắn gọn như: “Pha nước cho em tắm”, “Đi ru em ngủ”, “Bồng em đi chơi” hay những lời rầy la, trách mắng “Con gái gì không nên thân, có cái chén cầm cũng rớt…  Giữ em làm sao mà em té trầy cả mặt?...”. Và từ bàn tay má, thay vì những cái vuốt nựng dịu dàng, âu yếm, thì là những cái bạt tai choáng váng, những lằn chổi lông gà lạnh lùng, tàn nhẫn vun vút xuống lưng, xuống mông tôi. Tôi thấy oán hận má vô cùng. Lòng tôi tràn đầy nghi hoặc: Tôi có phải là con của má? Có lẽ ngoại đã nhận nuôi tôi từ một trại mồ côi nào đó? Sao má và tôi xa cách quá!
          Năm cha dượng mất, má tôi vừa tròn bốn mươi tuổi. Tôi mừng khi nghĩ má tôi già rồi, chắc không còn ai giành má với chúng tôi nữa. Lúc đầu má buồn nhiều. Nhưng dần dần tôi thấy má bắt đầu quan tâm đến chúng tôi hơn. Tôi vui giống như má đi xa mới về, hay má bịnh mới hết. 
         Năm tôi học đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), có lần, má vào bếp nói: “Ðể má nấu mấy củ khoai cho con tối học bài ăn”. Tôi nghe mềm lòng. Lần đầu tiên tôi nghe má nói với tôi dịu dàng như thế. Tuần trước đó, lúc tôi ngồi coi hàng trước nhà, thầy dạy Văn ở trường tình cờ đi qua, thấy tôi, ông bước vào. Má tôi ra chào. Ông nói, “Cháu học cũng khá. Bà cố lo cho cháu học lên”. Tôi thấy má rơm rớm nước mắt cảm động... Tôi lẹ làng quên đi bao nỗi oán hờn cũ và đầy ăn năn vì đã trách oan cho má.
          Lên trung học đệ nhất cấp (cấp II bây giờ), lần đầu tiên tôi xuống Sài Gòn, đi học xa, ở nội trú. Má đưa tôi vào tận trường, dặn dò đủ thứ đến nỗi khi má quay lưng về, bà giám thị đã quở, “Chắc là con cưng nhất nhà rồi đây”. Tôi sung sướng đến đỏ mặt. 
          Ðêm đầu tiên ngủ chỗ lạ, nhớ nhà, nhớ má, tôi khóc. Ấn cả cái khăn lông vào miệng vì sợ bạn ngủ cạnh giường nghe họ cười. Lạ lùng, tại sao tới bây giờ tôi mới thấy thương má. Thương cái dáng má khi quay lưng đi, còn cố dặn dò, “Ráng học giỏi nha con. Nhà mình nghèo, chỉ mình con được học…”. Lúc ấy tôi đã muốn chạy theo nói: “Má tha lỗi cho con”. Nhưng nếu má có hỏi là lỗi gì, thì tôi không biết phải giải thích làm sao. Có lẽ chỉ có tôi biết lỗi của mình: lỗi làm con mà dám trách hờn đấng sinh thành.
         Rồi tôi đi xa thêm nữa. Má con chỉ còn gặp nhau qua những cánh thư. Lớn lên, bắt đầu có suy nghĩ, tôi xét lại thấy má sống cuộc đời hoàn toàn không có hạnh phúc. Ðau khổ tiếp chồng đau khổ. Lúc mười sáu, má đã bị ngoại gả cho người không thương, để trừ nợ cho gia đình. Trốn được cảnh ấy, má gặp ba, là người má yêu, nhưng ba lại là người đàn ông đào hoa, ham vui. Má kể có lần ba dẫn má đi coi hát, tình cờ gặp người bạn gái là ba biểu má về trước, ba về sau. Còn chuyện ba bỏ nhà theo gánh hát chơi dăm ba tháng là chuyện thường xảy ra.  
          Hậu quả của những tháng ngày đắm mình trong dục lạc của ba là những căn bệnh ngặt nghèo. Cuối cùng là ba ra đi ở tuổi ba mươi lăm. Má tôi một nách năm con, phải bước thêm bước nữa để có người nương tựa. Cha dượng yêu má nhưng không yêu con của má. Kết quả là cuộc sống của họ là một chuỗi những giằng co, đau khổ. Tôi nhớ lúc ông mất, tôi đã thầm cảm ơn trời Phật giải thoát giùm má tôi.
           Khi tôi bốn mươi, tôi thấy mình vẫn còn rất trẻ. Tôi vẫn tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Vậy mà hồi má tuổi đó, chúng tôi nói, thôi má già rồi, má ở vậy cho khỏe. 
         Trước khi tôi lập gia đình, người đàn ông sắp sửa là chồng tôi tỏ vẻ ngại ngần không được vui vì má đang sống với tôi. Tôi đau khổ vì không biết chọn ai bỏ ai. Một hôm đi chơi về, nhà vắng, đèn không sáng, tôi vào phòng má, một tờ giấy với những dòng chữ ngoằn ngoèo: ... Má thấy cũng muốn về ở với chị con. Chị không có gia đình, ở một mình chắc buồn. Con đừng lo cho má... Nước mắt tôi rơi lã chã trên tờ giấy mỏng. Má ơi, con lại có lỗi nữa rồi. 
          Năm má tôi ngoài 80 tuổi. Mái tóc bạc phơ. Ðôi chân đã không còn cho phép má bước được những bước mạnh mẽ. Nhưng má vẫn còn trẻ trung trong cuộc sống. Má cũng thích được chúng tôi đưa đi shopping. Ðược lâu lâu đi du lịch ở những phương trời xa. Vẫn còn thích xem phim tình cảm mỗi đêm, vẫn khóc với thân phận của những nhân vật trong phim… Chị em tôi vẫn thường dè dặt nhắc chừng má, “Má! Mỗi tối má nhớ đọc kinh nha!”.  “Má có lần chuỗi niệm Phật trước khi ngủ không?”. Trong tận thâm sâu, với sự khắt khe của mình, tôi vẫn thầm trách má sao không dành thì giờ để chuẩn bị cho ngày ra đi của mình. 
          Một ngày tôi vào dọn phòng má. Quét, lau bụi bàn ghế, tủ quần áo của má. Tiện tay, tôi mở mấy ngăn tủ. Những bộ quần áo quen thuộc nằm ngay ngắn. Dưới đáy tủ, lấp ló một bộ quần áo lạ. Tôi giở lên xem. Một bộ quần áo trắng tinh, thơm mùi long não, xếp gọn gàng với vớ trắng. Bộ quần áo liệm đây mà… Thì ra má cũng đã chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của mình. Âm thầm. Như một chuyện bình thường. Như một điều tất yếu. Vậy mà, tôi vẫn nghĩ má ơ hờ. Ðêm ấy tôi lại muốn đến bên má để nói: “Hãy tha lỗi cho con. Má ơi!”.
          Năm 93 tuổi, má tôi mất. Má ra đi sau mấy ngày nằm chờ tôi mỏi mòn. Má đã thở bình oxy mấy ngày rồi. Môi và mũi của má đã rướm máu khô, nhưng má vẫn nắm níu. Tôi vẫn còn rong ruổi ở một phương trời xa. Đuổi theo những giấc mộng của mình. Cuối cùng má đã buông xuôi trong lời kinh cầu nguyện của quý thầy. Trước khi ra đi, má còn gắng đưa một bàn tay lên ngực như để thực hiện câu niệm Phật cuối cùng. Tôi trở về khi mọi sự đã an bài. Tôi trở về chỉ kịp nói trước xác thân đã lạnh cứng của má lời cảm ơn và tạ lỗi muộn màng. Cảm ơn đã cho con cuộc đời. Và tha cho con lỗi làm người con bất hiếu! 
          Trời tháng Tư bao giờ cũng nóng. Mồ hôi và nước mắt chan hòa. Tôi ôm gói tro của má trong bọc nylon bước xuống chiếc ca-nô chòng chành ở bến sông. Tiếng cầu kinh của quý thầy dường như trải ra mênh mông trên dòng sông lấp lánh nắng. Từng nắm tro từ bàn tay tôi theo gió rơi xuống dòng sông. Má đã về với sông nước quê hương như ước nguyện. Tro ơi, hãy lắng sâu xuống đáy. Má ơi, hãy yên nghỉ giấc mộng đời người. Không còn dấu vết gì của má ở thế gian này nữa. Nhưng má không bao giờ mất trong lòng chúng con, má ơi!
Diệu Liên Lý Thu Linh
Kết quả hình ảnh cho tranh vẽ thiếu nữ