Hương cổ tích,
Hương thị toả thơm nồng,
Thoảng mùi hương cổ tích...
Trong đêm buồn tĩnh mịch,
Ươm đẹp giấc mơ Thu !!
Ươm đẹp giấc mơ Thu !!
NM
Mùa thơm hương cổ tích
Cuối hạ, đám sen trong hồ
đang tàn lụi, những tàu lá dần héo úa, quắt queo, vài bông hoa nở muộn
nhầu nhĩ u buồn. Đó là dấu hiệu chuyển mùa rõ nhất ở làng quê. Đây đó
lác đác đã có cây lá chuyển vàng rơi lả tả. Thu về, tôi lại nghe ngọt
ngào hương cổ tích, mùi hương của thị chín trên tán lá xanh mát mắt.
Mùa này đi trên đường làng
thơm lừng hương thị, đó là hương thu toả lan làm cho thôn quê đã thanh
bình lại thêm phần thú vị và đáng yêu. Trong những ngõ nhỏ, thị rụng
vàng ươm dọc lối đi. Trên tán thị vẫn xanh um lá, lấp ló những quả vàng
tròn trịa đong đưa, rung rinh trong gió. Mùi hương lan ra rải đều khắp
các ngóc ngách làng quê. Chim muông bay về kêu thánh thót, chúng tấu
những thanh âm hân hoan, rộn rã. Lũ trẻ nhỏ đứng dưới gốc thị cổ thụ
ngẩng đầu dõi đôi mắt trong veo vào những đốm vàng mê hoặc. Và rồi đốm
vàng tròn xinh, thơm tho ấy theo tay chúng về nằm ngoan ngoãn nơi đầu
giường, hương thơm theo vào cả trong những giấc mơ.
Đêm thu, vầng trăng tròn
vành vạnh tỏa ánh sáng mát mẻ xuống khu vườn xào xạc lá. Đêm mùa thu
thật êm ả. Màn đêm thanh tịnh khiến tôi nghe rõ cả tiếng quẫy của chú cá
dưới ao bèo. Bà trải tấm chiếu ra ngoài hiên, bà ngồi hứng lấy ánh
trăng, quết vôi têm trầu rồi nhai bỏm bẻm. Rồi bà nhẩn nha kể những câu
truyện cổ tích. Tôi thường đòi bà kể đi kể lại truyện Tấm Cám. Tôi nằm
nghe bà kể, tôi nghe say mê như đang uống lấy từng lời. Và tôi đã bao
lần thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ êm đềm, tôi thấy cô Tấm
xinh đẹp, dịu hiền chui ra từ quả thị của tôi. Tấm đến bên tôi, lấy bàn
tay với những ngón thon nhỏ, trắng trẻo vuốt vuốt tóc tôi. Vẻ dịu dàng
của cô làm tôi thấy mến cô vô bờ. Tôi nằm im để tận hưởng cái cảm giác
êm đềm từ bàn tay cô. Tôi sung sướng hít thật sâu hương thơm tỏa ra từ
thân thể của người thiếu nữ. Tôi đã định nói rằng, cô Tấm ơi! Cô rất
đẹp, nhưng tôi sợ cô sẽ biến mất, lại thôi. Nhưng rồi cô bỗng mờ tan ra
như những mảnh pha lê lấp lánh, tôi hốt hoảng gọi to: “Cô Tấm ơi! Đừng
đi!”. Chợt có tiếng bà gọi tôi, tôi choàng tỉnh, ngồi bật dậy hỏi bà:
“Bà ơi! Cô Tấm đâu rồi?”. Bà phát vào mông tôi và hỏi lại: “Cô Tấm nào?
Cha bố cái thằng cứ ngủ mê suốt. Thôi, ngủ đi cháu”. Tôi nằm xuống bên
bà và thầm tiếc cho giấc mơ của mình. Tôi khua tay sang bên cạnh gối,
quả thị vẫn còn đấy, nó tỏa ra mùi hương thật êm đềm đưa tôi chìm vào
một giấc ngủ thật say.
Tôi thường hay bị ám ảnh với
cô Tấm trong truyện cổ tích bà kể. Nhà bên có chị Mơ, năm ấy chị tròn
mười sáu tuổi, chị rất xinh, lại ngoan hiền. Trai trong làng mê chị lắm,
bao nhiêu anh cứ muốn làm thân với chị. Nghe mọi người nói chị Mơ đã
chăm chỉ lại làm đồng rất khéo, các bà trong làng luôn ước ao chị sẽ là
dâu nhà họ. Tôi đã liên tưởng chị với cô Tấm, và tôi thầm gọi chị là cô
Tấm. Vì những liên tưởng ngây thơ ấy mà tôi rất quý chị, chị có vẻ cũng
rất mến tôi. Chị hay dành cho tôi những quả thị tròn và thơm nhất mà chị
nhặt được mỗi buổi sáng sớm đi làm đồng. Những quả thị của cô Tấm nhà
hàng xóm cho tôi rất yêu thích và giữ gìn thật kỹ. Một ngày kia, cô Tấm
đi lấy chồng, chồng cô là anh Tâm làng bên. Anh Tâm khoẻ khoắn, đẹp trai
rất xứng với chị Mơ, tôi cũng mừng cho chị. Và tôi tin, những người
tốt, hiền lành, thật thà như chị Mơ sẽ gặp được những điều tốt đẹp…
Mùa thu đang về trên phố làm
cho không gian tươi mát và trong lành hơn. Sau những giờ làm việc mệt
mỏi và căng thẳng, tôi tản bộ dưới hàng cây cho lòng mình dịu lại. Hương
hoa sữa đầu mùa gieo vào gió nồng nàn bủa vây tôi nhưng nó khác hẳn với
hương thu trong thời thơ ấu. Rõ ràng cùng là hương thu mà lại hoàn toàn
khác biệt. Hương cổ tích nơi làng quê yêu dấu luôn gợi lại trong tôi
những cảm xúc ngọt ngào. Liệu có ai gửi được mùi hương ấy ra phố không?
Truyện cổ tích thì chỉ dành
cho trẻ con. Thế mà giờ đây tôi cũng vẫn yêu thích những câu chuyện ấy.
Mùa thu hiện tại mặc dù đã khác xa mùa thu trong ký ức nhưng hương thị
từ nơi quê nhà, hương thị của miền cổ tích vẫn nhẹ nhàng thoang thoảng
thơm mãi hồn tôi!
Lê Minh Hải
Nhớ tằm,
Thương sao những giọt mưa Thu,
Thương tằm xa kén âm u nỗi buồn...
Mưa chiều ngỡ giọt sầu tuông,
Lòng quê đau đáu vấn vương hương tằm !
Trông vời nơi cõi xa xăm,
Tìm con tằm đỏ âm thầm nhả tơ...
NM
Mưa Thu nhớ Tằm
Lời
tác giả - Bài văn nầy nằm trong tập hồi ký nhan đề là "Nếu tôi nhớ kỹ",
tác giả trích ra đăng ở đây để ghi nhớ rằng tất cả các truyện trong tập
"Mưa thu nhớ tằm", trừ hai truyện "Kẻ đào ngũ" và "Xác không chôn" đều
viết cùng một mùa với hồi ký "Mưa thu nhớ tằm", tức vào mùa thu 1956.
"Thương tằm cổi áo bọc dâu,
Ngỡ tằm có nghĩa hay đâu bạc tình"
(Ca dao địa phương Nam Ngãi)
Những năm tôi đi tìm "tài liệu sống" để viết tiểu thuyết Phù-Sa, tôi được dịp tiếp xúc với nhiều người khác thường họ đã mở cửa sổ lòng cho tôi nhìn những chơn trời kỳ lạ hết sức.
Dưới đây xin kể một mẩu truyện nhỏ để minh họa nhận xét trên.
Đi đường Trương Minh Giảng để ra ngoài đô thành, khi qua khỏi Cầu Mới, bên tay mặt khách, đâm ra một con đường phố mới, chưa có tên, tạm gọi là Lộ 18 1.
Bên phía tay mặt phố là một xóm nhà lá khá sầm uất, có cả một cái chợ chồm hổm nơi đó, tục gọi là chợ Bà Y.
Đó là xóm nhà của đồng bào Quảng Nam - Quảng Ngãi tới đây lập nghiệp từ lâu, kẻ trước người sau, từ hơn hai mươi năm nay.
Người ta giới thiệu tôi với gia đình ông Y, mà tên của người vợ được lấy đặt tên chợ.
Ông Y, là một bác thợ dệt, gốc ở phủ Điện-Bàn, tỉnh Quảng-Nam, vào đây sanh sống từ những năm đói kém tiền chiến.
Bác ta làm công cho một xưởng dệt Khách ở Chợ-Lớn.
Hôm tôi vào xóm Quảng-Nam năm ấy, trời giữa thu như độ nầy.
Mưa dầm không nặng hột cứ rơi mãi không thôi. Thế mà khi tôi bước vào nhà với một người bạn thì chúng tôi bắt chợt bác Y đang làm công việc gì đó ngoài sân. Chúng tôi phản đối lấy lệ khi bác bỏ làm để tiếp khách. Nhưng quả thật chúng tôi không buồn xem cho biết công việc của bác thuộc vào loại gi.
Cũng như ở các ngoại ô xa khác, xóm nhà lá nầy khá nên thơ: Sân cát, quanh nhà trồng tre sống mà những mụt măng gợi nhớ nhà quê.
Tôi hỏi thăm bác Y về đời sống hằng ngày ở Quảng-Nam, hỏi tên những cây mọc dựa đường, tên địa phương của dụng cụ nông nghiệp v..v..và xin bác đọc cho chép một mớ ca dao địa phương mà bác nhớ.
Bác Y, lơ đãng trả lời, tỏ ra, không phải không trọng khách, nhưng bực bội về những đề tài bác không thích.
Được dịp tiếp xúc với thợ kỹ nghệ, tôi khá sành tâm lý họ. Phần đông thích nói chuyện nghiệp đoàn, chuyện giải trí ở châu thành, hoặc khoe nhà máy. Nếu lúc đó tôi hỏi bác ta xưởng bác sản xuất mấy vạn khăn lông mỗi tháng chắc bác ta nồng nhiệt trả lời, kể ra hằng tá chi tiết rất khô khan. Nên chi tôi không ngạc nhiên và thất vọng lắm về vẽ lạnh nhạt của bác.
Cuộc "phỏng vấn" đã chấm dứt, nhưng trời cứ mưa hoài, nên chúng tôi ngại ra về.
Ngồi nhìn giọt tranh mãi cũng chán, nên tôi lén quan sát người chủ nhà hà tiện lời kia. Bỗng tôi sực nhớ một cử chỉ của bác ta mà tôi bỏ qua từ lúc khởi đầu nói chuyện với bác: là mắt ông Y luôn luôn nhìn ra góc trái sân nhà và không bao giờ rời chỗ đó cả.
Chà, bậy quá, tôi nghĩ thầm. Té ra bác ta có một công việc quan trọng nơi đó mà phải bỏ dở vì mình. Tôi nhìn theo chỗ ngó của ông Y. Qua những làn mưa tro trắng đục, tôi thấy lơ thơ vài bụi sả đang ngã nghiêng trước gió. Phía sau mấy bụi sả là một cây dâu già, to bằng cây ổi bốn năm tuổi.
Nước mưa thoát ra đường mòn trước nhà do góc rào đó và mài khuyết đất quanh gốc dâu. Một cái mương nhỏ đang đào dở chừng để xuyên tạc đường nước, bấy giờ đã bể bờ và nước lại trở về đường cũ.
Thì ra hồi nãy bác Y đang bận cứu cây dâu, chừng như quí lắm nên bác ta mới dầm mưa mà làm việc và hiện đang sốt ruột trông thấy.
- Cây dâu nầy bác trồng à ?
- Dạ, trên mười năm rồi !
- Để làm gì, rơ miệng cho các cháu ?
Ta có tục tẩy lưỡi trẻ con bằng lá dâu vì thứ lá nầy nhám.
- Dạ không, tôi không có con.
- Vậy để đuổi tà ma?
Bác Y mỉm cười:
- Tôi không sợ ma quỉ cho lắm.
Mặt bác Y giãn ra, bớt vẻ băn hăn bó hó.
- Chớ bác trồng dâu làm gì ?
- Để cho nó giống làng tôi. Trong Nam nầy, ít khi tôi được thấy cây dâu lắm, nhứt là ở Sài-gòn.
- Ngoài bác, người ta trồng dâu nuôi tằm hả ?
Nghe nói tiếng "tằm", mắt bác Y bỗng sáng lên rồi ươn ướt.
Tôi chợt hiểu bác ta, kéo ghế ngồi xít lại gần bác rồi hỏi thêm, giọng cố thân mật:
- Cây dâu khiến tôi nhớ tằm. Có phải để...
Bác Y bẽn lẽn như con gái bị người ta đoán trúng tim đen, nhưng lại sung sướng đến mọc óc trên da mặt.
Bác quên tôi là người lạ, nắm lấy tay tôi, nói một thôi không ngớt:
- Những ngày trời ủ dột như vầy, tôi nhớ nhà thì ít mà nhớ tằm sao mà như nhớ người tình nhơn đầu. Tôi nhớ "hén" lạnh, tôi nhớ "hén" đói vì dâu ướt át suốt ngày, khó tìm ra dâu ráo cho "hén ăn".
Bác Y nói đến con tằm mà y như người ta nói đến một người bạn, dùng tiếng "hắn" để kêu nó, và cái giọng Quảng-Nam biến hắn ra hén, nó bùi ngùi làm sao buổi trưa hôm đó.
- Nên tôi trồng cây dâu nầy, bác Y tiếp, để sáng sáng, chiều chiều ra nhìn lá mà nhớ hén. Nhiều đêm, nằm vừa thiu thiu ngủ là tôi nghe văng vẳng tiếng rào rào, ngỡ hén đang ăn lên, tôi vụt ngồi dậy rờ quanh thì không có gì hết.
Buồn quá tôi thắp cây đèn dầu, chạy ra sân soi vào lá với hy vọng hão huyền tìm gặp một con tằm hoang.
Lạ thật! Ngày xưa, cách đây mấy ngàn năm, tằm vẫn ở hoang chớ phải không thầy? Nhưng sao bây giờ không có tằm hoang nữa. Tôi trồng cây dâu nầy mười năm, mỗi đêm mỗi trông đợi mà không bao giờ gặp tằm hoang cả.
Lúc ấy từ nhà ai ngoài sau, vọng đưa ra tiếng hát ru con. Tiếng ấy hát rằng:
Ù... Ơ... Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Con tằm đỏ chín, con đê đỏ mùi.
Nghe hát, bác Y chụp nói:
- Thầy có thấy tằm "hén"chín đỏ bao giờ chưa? Trời, nó khéo và nó dễ thương làm sao! Hén ngủ "thức lớn" rồi hén thức chơi với mình suốt bảy ngày, rồi hén "chộ". Xong là hén chín. Ban đầu một vài con, rồi cả nong đều chín đỏ như người bạn trung thành đang đau khổ dồn hết bao nhiêu máu huyết lại để chuẩn bị nhả tơ cho ta dùng. Thương biết bao nhiêu!
À, thầy nên chép câu ca dao nầy mà hồi nãy tôi quên:
Thương tằm cổi áo bọc dâu,
Ngỡ tằm có nghĩa, hay đâu bạc tình.
Con tằm hén giống như đứa con èo uột. Hén hay đau ốm lắm. Mình cực khổ với hén hết sức mà lắm khi hén bạc tình, hén lăn ra chết ráo nạo từ nong nầy qua nong khác. Mà có lẽ cũng vì hén như hũ mắm treo đầu giàn như vậy nên mình thương hén càng nhiều chăng?
Mà thầy ôi, bạc tình chính là tôi, chớ không phải tằm đâu. Tôi đã bỏ tằm, vô trong nầy... người bạn tôi có lỗi gì đâu.
Bấy giờ tôi mới hiểu thấu đáo con người đó. Đây là một anh thợ tiểu công nghệ miễn cưỡng trở thành một anh thợ kỹ nghệ nên cứ bùi ngùi nhớ xưa. Và quả anh ta lòng không khô héo như tôi đã ngỡ.
Người thợ tiểu công nghệ rất thương nghề vì chính hắn làm lấy mọi công việc. Bác Y đã khó nhọc để tằm, bền chí ươm tơ nên bác thương nhớ tằm là phải lắm.
Bác Y lại tiếp:
- Tơ mà nó vô tới Sài-gòn thì mùi tằm không còn được bao nhiêu. Tôi ưa hít tơ lắm, như là hít áo của một người yêu để nhớ hơi, mà tơ ở đây, hít đến mệt phổi cũng không nghe hơi hám gi.
Mưa đã dứt. Người bạn tôi đã nhiều lần ngáp dài giữa câu chuyện "con tằm đỏ chín"nầy nên đứng dậy kiếu về.
Tôi siết chặt tay bác Y nhưng chắc lòng tôi thương bác không bằng bác nhớ tằm.
Ra đến ngoài, bác còn hỏi tôi:
- Chắc thầy cũng thương tằm lắm phải không? Tôi nhìn mặt thầy thì đoán biết.
- Phải, tôi nói láo bừa, tôi thương tằm lắm. Bà nội tôi ngày xưa có để tằm mà !
Bình Nguyên Lộc
Thu 1956
"Thương tằm cổi áo bọc dâu,
Ngỡ tằm có nghĩa hay đâu bạc tình"
(Ca dao địa phương Nam Ngãi)
Những năm tôi đi tìm "tài liệu sống" để viết tiểu thuyết Phù-Sa, tôi được dịp tiếp xúc với nhiều người khác thường họ đã mở cửa sổ lòng cho tôi nhìn những chơn trời kỳ lạ hết sức.
Dưới đây xin kể một mẩu truyện nhỏ để minh họa nhận xét trên.
Đi đường Trương Minh Giảng để ra ngoài đô thành, khi qua khỏi Cầu Mới, bên tay mặt khách, đâm ra một con đường phố mới, chưa có tên, tạm gọi là Lộ 18 1.
Bên phía tay mặt phố là một xóm nhà lá khá sầm uất, có cả một cái chợ chồm hổm nơi đó, tục gọi là chợ Bà Y.
Đó là xóm nhà của đồng bào Quảng Nam - Quảng Ngãi tới đây lập nghiệp từ lâu, kẻ trước người sau, từ hơn hai mươi năm nay.
Người ta giới thiệu tôi với gia đình ông Y, mà tên của người vợ được lấy đặt tên chợ.
Ông Y, là một bác thợ dệt, gốc ở phủ Điện-Bàn, tỉnh Quảng-Nam, vào đây sanh sống từ những năm đói kém tiền chiến.
Bác ta làm công cho một xưởng dệt Khách ở Chợ-Lớn.
Hôm tôi vào xóm Quảng-Nam năm ấy, trời giữa thu như độ nầy.
Mưa dầm không nặng hột cứ rơi mãi không thôi. Thế mà khi tôi bước vào nhà với một người bạn thì chúng tôi bắt chợt bác Y đang làm công việc gì đó ngoài sân. Chúng tôi phản đối lấy lệ khi bác bỏ làm để tiếp khách. Nhưng quả thật chúng tôi không buồn xem cho biết công việc của bác thuộc vào loại gi.
Cũng như ở các ngoại ô xa khác, xóm nhà lá nầy khá nên thơ: Sân cát, quanh nhà trồng tre sống mà những mụt măng gợi nhớ nhà quê.
Tôi hỏi thăm bác Y về đời sống hằng ngày ở Quảng-Nam, hỏi tên những cây mọc dựa đường, tên địa phương của dụng cụ nông nghiệp v..v..và xin bác đọc cho chép một mớ ca dao địa phương mà bác nhớ.
Bác Y, lơ đãng trả lời, tỏ ra, không phải không trọng khách, nhưng bực bội về những đề tài bác không thích.
Được dịp tiếp xúc với thợ kỹ nghệ, tôi khá sành tâm lý họ. Phần đông thích nói chuyện nghiệp đoàn, chuyện giải trí ở châu thành, hoặc khoe nhà máy. Nếu lúc đó tôi hỏi bác ta xưởng bác sản xuất mấy vạn khăn lông mỗi tháng chắc bác ta nồng nhiệt trả lời, kể ra hằng tá chi tiết rất khô khan. Nên chi tôi không ngạc nhiên và thất vọng lắm về vẽ lạnh nhạt của bác.
Cuộc "phỏng vấn" đã chấm dứt, nhưng trời cứ mưa hoài, nên chúng tôi ngại ra về.
Ngồi nhìn giọt tranh mãi cũng chán, nên tôi lén quan sát người chủ nhà hà tiện lời kia. Bỗng tôi sực nhớ một cử chỉ của bác ta mà tôi bỏ qua từ lúc khởi đầu nói chuyện với bác: là mắt ông Y luôn luôn nhìn ra góc trái sân nhà và không bao giờ rời chỗ đó cả.
Chà, bậy quá, tôi nghĩ thầm. Té ra bác ta có một công việc quan trọng nơi đó mà phải bỏ dở vì mình. Tôi nhìn theo chỗ ngó của ông Y. Qua những làn mưa tro trắng đục, tôi thấy lơ thơ vài bụi sả đang ngã nghiêng trước gió. Phía sau mấy bụi sả là một cây dâu già, to bằng cây ổi bốn năm tuổi.
Nước mưa thoát ra đường mòn trước nhà do góc rào đó và mài khuyết đất quanh gốc dâu. Một cái mương nhỏ đang đào dở chừng để xuyên tạc đường nước, bấy giờ đã bể bờ và nước lại trở về đường cũ.
Thì ra hồi nãy bác Y đang bận cứu cây dâu, chừng như quí lắm nên bác ta mới dầm mưa mà làm việc và hiện đang sốt ruột trông thấy.
- Cây dâu nầy bác trồng à ?
- Dạ, trên mười năm rồi !
- Để làm gì, rơ miệng cho các cháu ?
Ta có tục tẩy lưỡi trẻ con bằng lá dâu vì thứ lá nầy nhám.
- Dạ không, tôi không có con.
- Vậy để đuổi tà ma?
Bác Y mỉm cười:
- Tôi không sợ ma quỉ cho lắm.
Mặt bác Y giãn ra, bớt vẻ băn hăn bó hó.
- Chớ bác trồng dâu làm gì ?
- Để cho nó giống làng tôi. Trong Nam nầy, ít khi tôi được thấy cây dâu lắm, nhứt là ở Sài-gòn.
- Ngoài bác, người ta trồng dâu nuôi tằm hả ?
Nghe nói tiếng "tằm", mắt bác Y bỗng sáng lên rồi ươn ướt.
Tôi chợt hiểu bác ta, kéo ghế ngồi xít lại gần bác rồi hỏi thêm, giọng cố thân mật:
- Cây dâu khiến tôi nhớ tằm. Có phải để...
Bác Y bẽn lẽn như con gái bị người ta đoán trúng tim đen, nhưng lại sung sướng đến mọc óc trên da mặt.
Bác quên tôi là người lạ, nắm lấy tay tôi, nói một thôi không ngớt:
- Những ngày trời ủ dột như vầy, tôi nhớ nhà thì ít mà nhớ tằm sao mà như nhớ người tình nhơn đầu. Tôi nhớ "hén" lạnh, tôi nhớ "hén" đói vì dâu ướt át suốt ngày, khó tìm ra dâu ráo cho "hén ăn".
Bác Y nói đến con tằm mà y như người ta nói đến một người bạn, dùng tiếng "hắn" để kêu nó, và cái giọng Quảng-Nam biến hắn ra hén, nó bùi ngùi làm sao buổi trưa hôm đó.
- Nên tôi trồng cây dâu nầy, bác Y tiếp, để sáng sáng, chiều chiều ra nhìn lá mà nhớ hén. Nhiều đêm, nằm vừa thiu thiu ngủ là tôi nghe văng vẳng tiếng rào rào, ngỡ hén đang ăn lên, tôi vụt ngồi dậy rờ quanh thì không có gì hết.
Buồn quá tôi thắp cây đèn dầu, chạy ra sân soi vào lá với hy vọng hão huyền tìm gặp một con tằm hoang.
Lạ thật! Ngày xưa, cách đây mấy ngàn năm, tằm vẫn ở hoang chớ phải không thầy? Nhưng sao bây giờ không có tằm hoang nữa. Tôi trồng cây dâu nầy mười năm, mỗi đêm mỗi trông đợi mà không bao giờ gặp tằm hoang cả.
Lúc ấy từ nhà ai ngoài sau, vọng đưa ra tiếng hát ru con. Tiếng ấy hát rằng:
Ù... Ơ... Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Con tằm đỏ chín, con đê đỏ mùi.
Nghe hát, bác Y chụp nói:
- Thầy có thấy tằm "hén"chín đỏ bao giờ chưa? Trời, nó khéo và nó dễ thương làm sao! Hén ngủ "thức lớn" rồi hén thức chơi với mình suốt bảy ngày, rồi hén "chộ". Xong là hén chín. Ban đầu một vài con, rồi cả nong đều chín đỏ như người bạn trung thành đang đau khổ dồn hết bao nhiêu máu huyết lại để chuẩn bị nhả tơ cho ta dùng. Thương biết bao nhiêu!
À, thầy nên chép câu ca dao nầy mà hồi nãy tôi quên:
Thương tằm cổi áo bọc dâu,
Ngỡ tằm có nghĩa, hay đâu bạc tình.
Con tằm hén giống như đứa con èo uột. Hén hay đau ốm lắm. Mình cực khổ với hén hết sức mà lắm khi hén bạc tình, hén lăn ra chết ráo nạo từ nong nầy qua nong khác. Mà có lẽ cũng vì hén như hũ mắm treo đầu giàn như vậy nên mình thương hén càng nhiều chăng?
Mà thầy ôi, bạc tình chính là tôi, chớ không phải tằm đâu. Tôi đã bỏ tằm, vô trong nầy... người bạn tôi có lỗi gì đâu.
Bấy giờ tôi mới hiểu thấu đáo con người đó. Đây là một anh thợ tiểu công nghệ miễn cưỡng trở thành một anh thợ kỹ nghệ nên cứ bùi ngùi nhớ xưa. Và quả anh ta lòng không khô héo như tôi đã ngỡ.
Người thợ tiểu công nghệ rất thương nghề vì chính hắn làm lấy mọi công việc. Bác Y đã khó nhọc để tằm, bền chí ươm tơ nên bác thương nhớ tằm là phải lắm.
Bác Y lại tiếp:
- Tơ mà nó vô tới Sài-gòn thì mùi tằm không còn được bao nhiêu. Tôi ưa hít tơ lắm, như là hít áo của một người yêu để nhớ hơi, mà tơ ở đây, hít đến mệt phổi cũng không nghe hơi hám gi.
Mưa đã dứt. Người bạn tôi đã nhiều lần ngáp dài giữa câu chuyện "con tằm đỏ chín"nầy nên đứng dậy kiếu về.
Tôi siết chặt tay bác Y nhưng chắc lòng tôi thương bác không bằng bác nhớ tằm.
Ra đến ngoài, bác còn hỏi tôi:
- Chắc thầy cũng thương tằm lắm phải không? Tôi nhìn mặt thầy thì đoán biết.
- Phải, tôi nói láo bừa, tôi thương tằm lắm. Bà nội tôi ngày xưa có để tằm mà !
Bình Nguyên Lộc
Thu 1956
Tình Thu
Xa rồi mới thấy nhớ thương,
Nhìn trên lối cũ nhớ đường em đi...
Giá đừng ôm mối tình si,
Thì Thu vẫn thế có chi u sầu ?!
Yêu em câm nín lặng sâu,
Mong tình Thu sẽ bắt cầu se duyên...
NM
"Người ta yêu nhau trong mùa thu..."
1. Tôi không thích mùa thu, cái mùa được
mệnh danh là đẹp nhất trong năm. Với tôi nó là mùa ương ương dở dở, nắng
chẳng ra nắng mà thoáng chốc đã chơm chớm những cơn gió lạnh thổi khô
khốc vào da thịt.
Mặt trời đỏ màu da cam trên cao như giễu cợt con người ta với những
cái nhìn soi mói kỳ quặc, những chiếc lá vàng xao xác lìa cành làm lan
tỏa trong không gian gam màu vàng nhợt nhạt nhưng khó phai - như một
người cứ mãi đi tìm một bóng hình đã mất. Mà điều này dường như không
thích hợp với tôi lắm. Tôi còn trẻ, rất yêu đời và chưa trải qua một mối
tình nào cả. Vì thế, theo một chiều hướng nào đó, có lẽ tôi vô cảm với
mùa thu.
2. Khoa thường nói tôi là thằng con trai bất thường
nhất mà cậu quen. Tôi chỉ cười chẳng đáp bởi sự thật thì cậu ta đúng.
Nội tâm phong phú luôn thôi thúc tôi phải tiến lên một cách mãnh liệt,
đôi khi hơi rồ dại. Nhưng cái cách bộc lộ ra lại hoàn toàn khác. Tôi
lạnh lùng và bất cần, thêm một chút ngạo mạn, phong trần nữa. Chẳng biết
cái gì đã tạo nên một cái tôi như thế. Nhưng chẳng sao. Tôi không quan
tâm đến việc đó lắm, cũng như không quan tâm người ta nghĩ sao về mình.
Chỉ cần tôi hiểu tôi là đủ.
****** |
Di đến với tôi vào một ngày thu lặng gió. Bộ váy màu vàng nhạt, một
chiếc mũ vành tròn đính hai chiếc lá màu rêu. Chúng làm cô mỏng manh và
hư ảo khiến tôi nảy sinh suy nghĩ ngộ nghĩnh có lẽ cô từ một ngóc ngách
nào của thời tiết bất thường này chui ra vậy. Tự nhiên và trong trẻo lạ
thường, Di bước vào phòng tôi và he hé tấm rèm cửa cho ánh nắng sớm mai
lùa vào, rồi bất chợt hỏi:
- Tại sao anh không thích mùa thu?
- Nó quá thẩn thơ và mơ hồ. Mà tôi thích những cái chắc chắn và có cơ sở hơn, nếu nắm bắt được thì càng tốt.
- Vậy mà anh chọn một căn phòng như thế này nhỉ? Chỉ cần nhìn ra là đã thấy mùa thu trước hiên nhà.
- Thế Di không thấy tôi luôn buông rèm à? Bởi tôi đã chán ngấy cái
cảnh người ta dắt tay nhau, đi dưới những tán bàng lá đỏ, rồi lại thầm
reo lên thích thú khi thấy một chiếc lá rơi trên đầu. Có gì thú vị khi
dưới chân họ cũng đầy ra đấy. Thật sự, họ chẳng để tâm đến những chiếc
lá ấy. Đó chỉ là cái cớ để họ bộc lộ sự ngớ ngẩn của mình, trong một mùa
bất thường. Thế thôi!
Di không nói gì thêm mà ném ánh nhìn vu vơ đâu đó dưới khoảng trời
ngoài cửa sổ. Lúc này, nó lại đang ánh lên cái màu vàng nhạt đáng chán
ấy. Một chốc rất nhỏ, một cái rùng mình thật khẽ khiến tôi hơi châu mày.
Không phải vì lạnh. Tôi thấy Di hòa vào không gian của mùa thu, sự kết
hợp tinh tế hài hòa đến kỳ lạ giữa màu sắc trầm buồn và đường nét nhỏ
nhắn thanh thoát phát ra từ phía Di. Thật may, Di kéo tôi về thực tại
rất nhanh.
- Anh biết không. Đôi khi anh thật khó hiểu. Người ta có thể đứng rất
gần anh về khoảng cách nhưng lại rất xa về suy nghĩ. Và chính điều đó
kích thích sự tò mò mãnh liệt lắm. Sức hút tiềm ẩn, anh hiểu chứ?
Tôi bật cười, rất tự nhiên, không chứa sự giễu cợt nào. Có sức hút
không thì tôi chẳng biết, nhưng việc chưa yêu bao giờ đã khiến chúng nảy
sinh mâu thuẫn rồi.
3. Khoa bảo:
- Cứ yêu đi rồi cậu sẽ khác.
Tôi ném trái bóng màu da cam về phía cậu ta.
- Theo chiều hướng tốt hơn hay xấu đi?
Một dấu hỏi to tướng không lời giải và tôi mau chóng quên đi theo sức
căng của trận đấu. Nhưng Khoa không từ bỏ ý nghĩ của mình nhanh đến
vậy. Cuối trận đấu cậu ta lại tiếp tục:
- Cậu mới 19 tuổi, quá trẻ, sao nhìn đời có vẻ khắt khe thế. Thử đi,
một trong những cô gái vẫn xếp hàng dài theo cậu ấy, hay những cô đang
cổ vũ kia kìa.
Tôi nhìn theo hướng tay hắn chỉ và thốt lên:
- Phù phiếm cả thôi! Đến một lúc nào đấy họ sẽ nhận ra tớ cũng chỉ là một thằng con trai bình thường.
- Ok - Khoa gục gặc đầu ra chiều hiểu ý, nhưng rồi cắc cớ cậu ta lại hỏi, như đùa cợt: Còn Di?
- Tớ cũng chả biết. Cô ấy là một cô gái kỳ lạ. Nhưng tớ chỉ mới quen cô ấy thôi. Tớ chẳng biết gì nhiều.
- Tùy cậu thôi. Nhưng tớ nghĩ cậu và cô ấy hợp. Cả hai đều khó hiểu và khó đoán biết.
Rồi Khoa khoác vai tôi bước đi, màn đêm chập choạng phía sau. Bóng
hai chúng tôi in dài trên nền đường xám ngắt, không có lấy một chiếc lá
vàng. Hơi thiếu thốn, như mùa xuân không có cánh én thì chẳng gọi là
xuân nữa. Mà thôi, chẳng thắc mắc nhiều. Vốn dĩ tôi có quan tâm đến
chúng đâu.
4. Sáng chủ nhật. Trời đột ngột chuyển lạnh. Gió
thổi mạnh làm giàn ti gôn mỏng manh trước nhà trình diễn một trận mưa
hoa và những cây bàng lá đỏ, lá vàng được dịp góp thêm một gam trầm vào
bức tranh thu còn dang dở. Tôi đang tự thưởng cho chính mình một ngày
nghỉ ngơi thanh thản với cốc cà phê nóng hổi và vị trí thuận lợi để bắt
đầu trò chơi quan sát. Lần đầu tiên tôi kéo căng hết cỡ tấm rèm cửa.
Nhận ra trời đang mưa. Mưa rơi đầy trên mặt đường nhẵn bóng. Những dáng
người trong chiếc áo mưa xanh đỏ, như những chú kiến cần mẫn, mải miết
lao đi. Trông hệt như một ngày đông ảm đạm, chỉ khác biệt đôi chút là
sắc vàng của lá và hương hoa sữa thoang thoảng đâu đây nhắc người ta nhớ
rằng: đây vẫn là mùa thu, âu chỉ là một đợt lạnh sớm tràn về. Bật cười
thích thú với chính mình. Có lẽ tôi thích cái thời tiết này hơn. Vẫn
lạnh lùng và quả quyết nhưng chất chứa đâu đó góc nhỏ của một tâm hồn
nhạy cảm và tinh tế. Điều đó có khiến tôi thay đổi cách nhìn về mùa thu
không nhỉ? Nó sẽ có ý nghĩa hơn và bớt bất thường hơn? Tôi thấy mình
đang lạ đi từng ngày.
5 - Chào anh, mai em bay.
- Đến đâu, nhóc? Nhanh thật, chỉ mới có 2 tháng. Em chưa biết gì nhiều về đất nước mình.
- Em về nhà. Đến lúc em phải trở lại thế giới của mình. Bấy nhiêu
thời gian đủ để em hiểu có nhiều điều dù ta rất muốn, nhưng sự thật là
không thể.
- Điều gì làm em suy nghĩ như vậy, Di?
- Anh có biết mỗi cô gái đều cần có một chàng hoàng tử cho riêng mình? Có lúc em ngỡ mình đã tìm ra, nhưng có lẽ vô vọng.
- Anh có quen…
- Đừng hỏi em người đó là ai. Như thế chẳng giống anh chút nào. Cứ lạnh lùng như trước đi. Sẽ tốt hơn cho anh.
- Có thể. Tôi gật đầu thú nhận. Và hơi tần ngần. Thật sự tôi chẳng
thể tin được điều này. Em đến và đi quá nhanh. Ngập ngừng một lát, tôi
hỏi:
- Bây giờ anh có thể làm gì cho em không?
Di nhìn tôi bằng đôi mắt tím biếc, màu thời gian loang đầy trong ấy.
Ấm áp mà cô độc lạ. Một chốc lặng câm cho cảm xúc lắng xuống, Di chỉ tay
về phía đồi. Rồi lại lặng thinh.
Hai chúng tôi đi dần về phía đồi thông. Gió lại xào xạc hát lên khúc
ca nào đó khiến chiếc lá xoay tròn theo vũ điệu đa đoan. Tôi chợt thảng
thốt: “Của thời gian hay của lòng người?”. Kéo một bên chiếc khăn choàng
cổ, cho tóc xõa ngang vai, hòa cùng với gió, Di đẹp lạ lùng. Chỉ có đôi
mắt buồn phảng phất. Tôi thử phỏng đoán nguyên do, và rồi bất lực đổ
lỗi: “Chắc bởi trời đang thu”.
- Chỉ cần mở lòng ra một chút anh sẽ cảm nhận được mùa thu.
- Nhưng em bảo lạnh lùng sẽ tốt cho anh hơn kia mà.
Di cười dịu dàng:
- Đúng vậy. Bởi đó là con người anh mà, là điểm khác biệt với tất cả
mọi người. Em thích sự lạnh lùng ấy. Song mùa đông đâu phải là mãi mãi.
Như lúc này ấy.
Di nắm nhẹ bàn tay tôi khích lệ. Một luồng hơi ấm nóng truyền nhanh sang tôi. OK, cứ để mọi thứ tự nhiên.
6 - Cậu đang ở đâu thế hả? Chỉ còn 1 tiếng nữa là Di sẽ bay - giọng Khoa gắt lên từng hồi.
- Tớ không biết mình có thể đến được không. Tớ còn rất nhiều việc quan trọng.
Tôi làm ra vẻ hờ hững, nhưng thực sự lại rất hoang mang. Đến hay
không đến đây? Có nhiều thứ đã và đang xảy ra trong cuộc sống của tôi.
Xáo trộn hết cả. Vì Di chăng? Có lẽ... Nếu tôi đến và Di cứ bay, tôi sẽ
vỡ vụn, sẽ đau khổ. Liệu tôi còn lạnh lùng? Và nếu sau đó em xa tôi mãi
mãi. Tôi có bỏ lỡ cơ hội cuối cùng, bỏ lỡ một phần trong đời - phần đẹp
và trong vắt. Như trời thu. Phải, tôi rất lo sợ và băn khoăn. Những ý
nghĩ cứ xoáy vào lòng tôi mỗi lúc một mạnh hơn và dường như việc suy
nghĩ cũng là quá sức.
Tôi lang thang trên con phố tràn ngập lá vàng. Chẳng phải vì đã thay
đổi cách nghĩ về mùa thu mà tại bước chân bồn chồn rồi vô tình lạc lối.
Những đôi trai gái đi bên nhau trong không khí ẩm và lạnh. Bên kia có
hai cô cậu nhặt lá rơi xếp thành hình trái tim. Lại có đôi bắt chước
những bộ phim Hàn ủy mị hè nhau khắc những cái tên trên thân cây dạng
như một chứng cớ của tình yêu. Tôi nhìn tất cả bằng đôi mắt khinh khỉnh
rồi lại căm giận vu vơ như thể mọi thứ đều có lỗi với mình. Chợt một
tiếng hát cất lên níu kéo bước chân tôi tìm về phố nhỏ. “Ta đi lang
thang theo ngày tháng, theo đời hoang mang hồn đi bốn phương trời... qua
rừng sâu cho tâm hồn hết u sầu...”. Giọng hát không hay nhưng trầm ấm
và có sức lay động lòng người lạ. Mà cũng có thể vì chính tôi đang rối
bời nên mới nhìn nhận “sai lệch” như thế. Lắc đầu ngao ngán, từ bao giờ
tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình vậy? Nhưng cái suy nghĩ ngốc nghếch ấy
chẳng tồn tại lâu. Nó mau chóng được thay thế bằng hình ảnh một người
đàn ông đang thả hồn theo nhịp bài hát, hai tay buông xuống, không níu
giữ, bên cạnh là một chiếc máy ảnh màu nâu xám đắt tiền. Một sức mạnh vô
hình nào đó thôi thúc tôi lại gần và ngồi xuống cạnh bên.
Người đàn ông ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi, bài hát trên môi cũng ngừng bặt đi.
- Tôi thích bài hát của ông. Đã lâu rồi tôi chưa nghe lại.
Người đàn ông khẽ mỉm cười:
- Không có nhiều người ở tuổi cậu nghĩ như thế chàng trai trẻ ạ!
- Tôi biết. Ông là thợ chụp ảnh à? Mùa này chắc có nhiều đôi muốn lưu giữ kỷ niệm.
- Cậu có thể gọi tôi là gì cũng được. Nhưng tôi không lưu giữ kỷ niệm
cho người khác. Tôi đi tìm điều ấy cho riêng mình. Có lẽ cậu không như
tôi. Cậu còn quá trẻ.
- Tôi đang chạy trốn chính mình.
Ngập ngừng rồi tôi đáp kèm một tiếng thở dài. Lần đầu tiên tôi thổ lộ
bản thân với một người xa lạ. Người đàn ông im lặng một cách đầy thông
cảm và thỉnh thoảng đưa ánh mắt khó hiểu nhìn tôi.
- Cậu biết không. Trong đời người ta phải đứng trước rất nhiều sự lựa
chọn và cái khó nhất mà nhiều người đang tìm kiếm là làm sao để cuối
cùng không thất vọng vì sự lựa chọn ấy. Ví như một sợi dây, nếu như
không giữ được trong tay thì tốt nhất là hãy thả nó ra, đừng cố gắng
gượng để cuối cùng còn lại trong tay một sợi dây đứt. Nhưng giả sử sợi
dây ấy ở rất gần mà không nhận ra thì chỉ là một kẻ ngốc thôi. Cuộc sống
là một con đường đầy thử thách. Tôi không có cách nào giúp cậu. Chỉ có
thể nói hãy làm những gì cậu cho là tốt nhất.
Trầm ngâm một lát, ông ta tiếp tục:
- Cậu biết vì sao tôi đi tìm kỷ niệm không? Vì tôi đã đánh mất và mãi mãi không thể tìm lại được.
Rồi người đàn ông đứng dậy.
- Chào cậu. Tôi tiếp tục đây. Mong cậu sớm giải quyết được vấn đề của
mình. Quẳng gánh lo đi mà sống. Vì dù sao thì đời vẫn đẹp lắm. Nhất là
vào mùa thu thay lá.
Một niềm xúc động dâng trào, tôi lại tiếp tục chìm đắm theo dòng cảm xúc bất tận.
7. Nắng tắt dần. Gió như một kẻ khờ khạo thổi tung
những hạt mưa bụi mỏng manh. Từng giọt rơi trên tóc tôi buốt giá. SMS
Khoa gửi cứ vang lên trong tâm trí “Cứ sống trong cái thế giới câm lặng
của cậu đi. Xem được bao lâu”. Tôi vội chạy đến sân bay. Xin thời gian
đừng trôi đi quá vội, chờ anh một chút thôi mà Di.
***
Gió lặng. Ngày tàn dài theo cánh chim chiều cô đơn. Phan đứng lặng
nhìn theo chiếc máy bay rất lâu, đôi mắt như mờ đi vì những giọt nước
mắt trong veo lặng lẽ rơi. Lần đầu tiên tôi thấy cậu khóc, thằng con
trai lạnh lùng nhất mà tôi biết đang khóc. Bóng tối hắt lên, nuốt gọn cả
cái dáng cao lêu nghêu của cậu, một sự cô độc lạ lùng. Yêu có nghĩa là
hy vọng. Như khi Di đặt vào tay tôi tờ địa chỉ viết vội, khẽ nói: “Khoa
à, nếu một ngày Phan muốn tìm em...” trước khi ngoái đầu nhìn lại, ném
ánh mắt chờ đợi cuối cùng rồi mất hút trong hàng trăm người đến và đi.
Như khi trái tim tôi âm thầm tự hỏi: Tình yêu là gì? Là yêu và cố giành
được người mình yêu hay nhìn người mình yêu được hạnh phúc? Như khi Phan
chới với vì ngỡ đánh mất mối tình đầu. Không biết những nuối tiếc và
mất mát có khiến con người ta lớn lên không, nhưng vẫn nhớ ai đó đã nói:
“Nếu đó đúng là định mệnh thì những ai yêu nhau lại sẽ về bên nhau”.
Hãy tin vào điều đó, bạn thân!
Cẩm Thư