Trở về dòng sông tuổi thơ
Quê mẹ
Ba ở lại...
Ba ở lại ngay nơi mình ngã xuống,
Nước sông Chanh vẫn cuồn cuộn sóng dềnh...
Ba đi vào trong sóng nước mông mênh,
Con trơ trọi khóc nỗi buồn ly biệt !
Ba vẫn trong con, muôn đời bất diệt,
Sông bềnh bồng và sóng toả lan xa,
Giờ với ba sông sẽ mãi là nhà...
Con ao ước trôi bềnh bồng theo sóng !
Con về đây với tâm hồn bất động,
Sông từ đâu và sông chảy về đâu ?
Mẹ thôi sẽ hết u sầu,
Hồn ba ấm áp bên cầu quê hương !!
NM
Ba ở lại dòng sông
Tám năm sau, tôi trở lại sông Chanh. Trong chuyến đi thực tế cùng đoàn văn nghệ sĩ về lại miền đất đã từng hứng chịu bao nhiêu trận thiên tai khốc liệt, bao nhiêu cuộc đổi đời.
Ngồi
trong xe lòng tôi chộn rộn. Mảnh đất nơi đây đối với tôi không phải là
xa lạ, dường như tháng năm nào thuở tôi còn bé xíu, cái hình ảnh con
sông Chanh uốn lượn, bến phà qua sông và những vạt lau phơ phất ven bờ
đã ăn sâu vào tâm trí tôi.
Lạ lẫm chăng cũng bởi
cảnh vật nơi đây đã thay đổi ít nhiều. Con đường được nới rộng, nhà cửa
mọc lên san sát. Chiếc xe chạy lên dốc cầu qua sông Chanh, khoảnh khắc ở
điểm cao của chiếc cầu để gió sông phần phật lùa vào cửa kính khiến
lòng tôi se lại, nhấp nhỏm.
Không phải vì tôi sợ
gió, sợ độ cao, mà vì cầu qua sông Chanh để lại trong tôi vệt kí ức u
buồn, đau thương và ngổn ngang giữa những kí ức ấu thơ ngọt bùi. Mọi thứ
hỗn độn như những chiếc phà chở cần cẩu, máy xúc, máy khoan… đang lô
nhô, xé nát con sông Chanh.
Ngần ấy năm trôi qua,
có lúc tôi đã ngỡ mình sẽ không đủ can đảm để trở lại dòng sông Chanh
thêm một lần nào nữa. Hồi tôi quyết định rời khỏi mảnh đất này, tôi biết
lòng má đau như cắt. Tôi cũng đau. Má tôi - nửa muốn đi, nửa lại muốn ở
lại, má nói: - Hay thôi con ạ! Má thấy lo lo, bồn chồn trong bụng,
không chịu nổi!
Tôi ứa nước mắt. Đi thì đau mà ở lại cũng
đau. Nhưng, ở lại sông Chanh chắc má đau hơn gấp bội phần, nhất là những
buổi chiều má bắc ghế ra hàng ba ngồi ngẩng mặt nhìn về chiếc cầu uy
nghi tắm nắng, dưới chân cầu rớt lại mấy giọt buồn thỉu buồn thiu như
nước mắt má tôi.
- Đi thôi má! Đi để… chạy trốn nỗi đau.
Nói đến đây, má tôi bật khóc. Hôm dọn nhà, má trân trọng từng món đồ
nhỏ nhoi như cái li, cái chén, cả bộ đồ nghề thợ mộc, thợ hồ của ba tôi.
Tôi nói với má cái nào mang được thì mang, không thì cho hàng xóm dùng,
mang theo lỉnh kỉnh, nhọc lòng lắm. Mắt má buồn buồn. Sau mấy ngày dọn
dẹp má cũng chỉ gom được ít đồ gọi là đem theo làm kỉ niệm, mai mốt nhớ
quê, nhớ nhà cũ, nhớ sông Chanh má lấy ra ngắm nghía mà hồi tưởng về
những năm tháng xa xưa…
- Đem gì thì đem, chứ nước sông Chanh sao mà đem được, con ha?
Má tôi nói vậy. Sông Chanh làm sao mang theo được? Cả nước sông cũng
thế. Má con tôi đâu thể rót nước sông Chanh đầy lòng dạ của mình mà mang
theo suốt hành trình biệt xứ. Buổi chiều cuối cùng ở lại sông, má ra bờ
sông ngồi nhìn từng cánh sóng bạt ngàn, thuở ấy ghe tàu qua lại ít hơn,
mặt sông bao giờ cũng bình yên và đêm đêm lại văng vẳng “Điệu hò sông
Chanh” ngọt ngào mà sao nghe rưng rưng nước mắt. Má vốc nước sông Chanh
rửa mặt, kì cọ chân tay. Má nghiêng đầu để nước sông đẫm ướt mái tóc sợi
đen sợi trắng xen lẫn nhau, để mùi sông Chanh thấm vào da thịt má.
Thế đấy, con sông Chanh che chở chúng tôi. Con sông Chanh ngủ yên
trong tâm hồn chúng tôi từ lúc rời quê. Có những đêm nằm mơ, tôi thấy
mình bồng bềnh trên sông. Nước trôi. Tôi trôi. Tôi lạc vào bờ bãi sông
Chanh rợp màu xanh đỏ tím vàng của hoa dại và màu xanh của cỏ. Đẹp lắm!
Và, tôi thấy ba tôi. Ba ngồi trên bờ sông Chanh, người ba ướt sũng. Ba
dang tay về phía tôi, mỉm cười. Rồi ba khuất dạng giữa dòng sông. Nước
trôi chầm chậm…
Tôi
lớn lên bên sông Chanh. Ngoại nói hồi mới sinh tôi ra, má nấu nước sông
Chanh tắm gội cho tôi sạch sẽ, sáng nào cũng bồng tôi ra vạt cỏ ngoài
bờ tắm nắng để đến chừng tôi lớn lên đôi chân được khỏe mạnh, thịt da
rắn chắc. Nước sông quê đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho tôi, có lẽ vì
vậy mà chưa bao giờ tôi gục ngã trên quãng đường đời.
Mùa
Hè, mực nước sông Chanh hạ xuống. Cứ mấy hôm tôi lại thấy có đám lục
bình trôi tấp vào bờ rồi nấn ná ở đó, đêm nước lớn mới thong dong ra đi.
Dòng sông Chanh bắt nguồn từ đâu tôi không biết, đổ về đâu tôi cũng
không biết. Má không biết, ngoại không biết. Trong nhà, chỉ ba tôi là
biết. Đêm đêm, ba nằm trên võng giăng ngoài thềm ba hút thuốc, ho sù sụ
rồi kể cho tôi nghe chuyện dòng sông này rẽ ngoặt thành những dòng sông
khác, mang nước về những miền đất khác.
Hồi ấy ba
đã từng ra đi, chí làm trai vùng vẫy bốn phương, sông ba đã qua mà biển
ba cũng đến. Vậy rồi ba mỏi chân, ba về lại quãng sông này dựng nhà dựng
cửa, dựng lại cuộc đời với mảnh vườn nhỏ đầy cây trái phía sau. Rễ cây
vươn dài hút phù sa sông Chanh mà lớn nhanh như thổi. Ngày vườn cây sai
trái là lúc ba nổ máy koler chạy qua bên kia sông đón má tôi về làm vợ.
Lời
thề của ba má tôi có sông Chanh chứng giám – lời thề ghi khắc vào sông.
Mùa đông, nước sông dềnh dàng. Mấy lần có người qua sông khuya, đắm
ghe, tiếng la hét thất thanh cùng tiếng quẫy đạp nước giữa bao la sóng
gợn, ba tôi tức tốc lao nhanh xuống bãi sông nhổ mái dầm bơi xuồng ra
cứu những người xa lạ. Tôi thường hỏi từ ấy tới nay ba đã cứu được bao
nhiêu người chết đuối trên quãng sông này. Ba tôi ngồi tính rồi lắc đầu,
bảo “Không nhớ, nhiều lắm!”. Thế là mỗi đêm ba thường bơi xuồng qua lại
trên sông, tôi gọi ba về ngủ thì ba nói không yên lòng chợp mắt… Ánh
mặt trời xuyên qua cửa sổ rọi vào mắt tôi. Tôi giật mình thức giấc,
nghe má gọi: - Bo ơi, ra đây mà xem, nhanh lên, Bo. Tôi bước xuống
giường, xỏ đôi dép vào chân rồi vừa chạy vừa dụi mắt. Má trỏ tay về phía
Nam sông Chanh, trời ơi, tôi trố mắt rồi dụi thêm lần nữa để nhìn cho
rõ: - Trời ơi, cái gì… cái gì sừng sững vậy má? - Móng cầu đó. Họ đổ
từ mấy hôm trước mà má con mình không trông thấy. Tôi trầm trồ: - Đẹp
quá! Vậy là từ nay muốn sang nhà ngoại má con mình không còn phải bơi
xuồng nữa, má ha. - Ừ! Con thấy ai không - Má tôi lại chỉ đám người lô
nhô phía trên nhịp cầu xây dở, nói tiếp - Ba con đó. Hóa ra mấy hôm nay
ba con đi xây cầu.
Vậy mà má tưởng ba bỏ má đi
đâu, trách lầm ba, tội ba. Tôi cười mỉm. Đám người trông xa chỉ bé bằng
con kiến, nhưng tôi vẫn cố mường tượng ra đó là ba của tôi. Người ba
hiền lành. Người ba chân chất, yêu thương má con tôi rất mực. Tôi nhớ
ba. Mấy hôm nay ba không về nhà, tôi đã khóc ròng vì tưởng mình làm nên
lầm lỗi gì mà ba giận bỏ nhà ra đi. Trời ơi, tôi muốn chạy đến đó mà ôm
lấy ba, mà hôn ba. Nhưng má nói: - Thấy vậy chứ xa lắm, Bo ạ! Rồi mai
mốt ba sẽ về.
Tôi gật đầu. Từ hôm đó, mỗi ngày tôi đều ngồi
bó gối trên thảm cỏ xanh dưới bờ sông trông về phía cây cầu đang xây,
lòng vui. Tôi nhớ mỗi lần muốn qua sông, tôi với má phải ngồi trên chiếc
xuồng chòng chành, sóng dập dềnh như muốn úp ngược chiếc xuồng lại,
nhấn chìm má con tôi. Tôi sợ lắm. Bến đò chị Thắm ngày mấy lượt qua
sông. Nhiều lúc thấy bóng chị với bóng xuồng nhỏ như con thoi giữa mịt
mù sóng nước sông Chanh, tôi thấy thương chị quá đỗi.
Chị
chèo đò không phải vì mưu sinh mà vì tâm hồn chị đã gắn liền với bến
nước này, dòng sông này. Chị quý từng bước chân về với quê hương nặng
trĩu phù sa của mình, chị đưa đò mặc kệ ngày mưa tháng nắng… Rồi mai này
cầu sông Chanh được xây xong, chắc chị Thắm buồn lắm, con đò buồn thiu
nhưng cũng đành chịu, má nói mọi thứ rồi cũng đổi thay, bằng cách này
hay cách khác, quy luật thời gian sẽ xóa bỏ những thứ cũ xưa để thay thế
vào bằng những điều xứng đáng hơn… Đã bao nhiêu năm trôi qua, những
lần thâm nhập cuộc sống khiến tôi hiểu thêm về nỗi khổ của con người.
Đằng sau những thứ hiện đại, bền vững kia là vô vàn sự hi sinh, máu
xương và nước mắt của con người, như chiếc cầu mà chúng tôi đang đi qua.
Anh
bảo vệ nể chúng tôi là đoàn văn nghệ sĩ về đây thâm nhập đời sống nên
cho chúng tôi dừng xe trên cầu ít phút nhìn ngắm cảnh vật, nhìn ngắm
sông Chanh.
Phương lay: - Bo, sao không xuống ngắm cảnh, sông Chanh đẹp và rộng lắm!
Mắt tôi hơi cay, không biết tại gió hay tại điều gì khác mà nó cay đến thế. Tôi nói: - Phương xuống đi, tôi không xuống đâu.
Phương nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lẫm rồi xuống xe. Tôi ngồi một mình,
lòng ngổn ngang với những kí ức nhuốm màu xưa cũ. Nhịp cầu sông Chanh đã
chứng kiến một dấu vết đau thương, đó là khoảnh khắc chộn rộn tiếng la
hét, tiếng khóc, tiếng rên rỉ xót xa, tiếng người còn sống kêu gào lục
tìm thân xác người thân trong đống đổ nát khi cầu sập nhịp. Má tôi tìm
chồng. Còn tôi tìm ba. Má hóa điên…
Đó là buổi
hoàng hôn chập choạng, một âm thanh kinh hoàng tưởng như rung rinh bờ
đất bên kia sông, sóng cuồn cuộn sóng. Má con tôi đang lúi húi chẻ củi
sau nhà hớt hải chạy ra nhìn về phía cầu sông Chanh. Má tôi chỉ kịp hét
lên: “Trời ơi, cầu sập. Bo ơi, chồng ơi…”, rồi má khuỵu xuống. Mắt tôi
đầm nước. Tôi đỡ má dậy rồi dìu má chạy về phía Nam, nơi có cây cầu chưa
xong một nhịp dẫn đã sập vì một lí do nào đó, chôn vùi mấy chục mạng
người trong đống bê tông đổ nát dưới chân cầu.
Hì
hụp. Vật vã. Khóc. Ngất. Chúng tôi cào xới đống bê tông sắt nhọn bằng
đôi bàn tay xương thịt của mình đến toát máu mà vẫn không tìm thấy xác
ba. Xác những người khác đã được đưa lên bờ, đắp chiếu, thắp hương, chờ
người nhà đến nhận mặt tử thi. Cảnh tượng ấy thật đau lòng.
-
Má ơi, con mệt mỏi quá rồi, má ơi, ba ơi! Tôi bất lực ngồi xuống đống
bê tông, khóc ròng, vừa đau vừa tủi. Nước mắt tôi rơi rơi trên mảnh vụn
bê tông. Chiều đau thương. Chiều li biệt…
- Phương biết
không, hồi trước con sông Chanh không rộng thế đâu, hai bên bãi bờ xanh
um, đẹp lắm! Giờ thì sông bị người ta nạo vét, tàu bè chạy qua sóng đánh
sạt lở bờ sông.
Sông không còn yên bình như trước.
Tôi kìm lòng bước xuống cầu sông Chanh, đứng cạnh Phương. Tôi chỉ tay
về phía xóm nhỏ hiền lành, nói khẽ: - Phương thấy không, nhà tôi ngày
xưa ở đó. Từ lúc ba tôi qua đời, má con tôi không còn ở đó nữa mà chuyển
hẳn lên thành phố. - Tôi biết, thôi Bo đừng mãi đớn đau, máu ba Bo
(cùng những người khác) nhuộm thắm chân cầu, để hôm nay chúng ta đi qua,
chiếc cầu sừng sững nối hai bờ sông rộng. - Hồn ba tôi đã hóa vào sông
Chanh. Ba ở lại sông.
Chúng tôi đứng trên cao, trời đầy
gió. Tôi nhìn xuống sông. Ở đó là ba. Sông là ba. Tôi thèm những giấc mơ
mình được trôi bồng bềnh trên sông, như trôi trong tấm lòng êm ái của
ba. Ba là vĩnh cửu.
Hoàng Khánh Duy
Hoa hồng đỏ
Con không muốn cài hoa hồng màu trắng,
Dẫu đời con bao cay đắng chông gai...
Mẹ cho con một vóc dáng hình hài,
Nhưng tâm ý con trôi trong biển khổ.
Vu Lan chừ đã đến rồi,
Màu hoa đỏ thắm tinh khôi con cài...
Không còn lạc lối trần ai,
Niềm tin tỉnh thức sáng hoài tâm con !
NM
Bóng chiều đi qua
"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng… con chịu mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi!
Đói cơm khát nước biết người nào lo”
Lời
hát ru nhẹ nhàng mà trầm buồn da diết ấy đi vào trong cả giấc mơ của
Hiền. Bao lần chị giật mình thảng thốt ngồi bật dậy… ngơ ngác nhìn
quanh. Chẳng có gì ngoài bóng đêm lạnh giá bao trùm hai dãy xà lim hun
hút. Chốc chốc vẳng lại tiếng thạch sùng chặc lưỡi, tiếng chí chóe của
lũ chuột ưa khuấy rối trong xó tối. Và cả tiếng thở dài của ai đó dội
qua mấy bức tường xanh rêu im ỉm…
Đằng
sau cánh cửa song sắt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một đường ranh
hoặc là kéo dài đến vô tận. Ngày đầu tiên bước chân qua ngạch cửa trại
giam, Hiền coi như đời mình đã chết. Chết với bất cứ lý do gì thì cũng
một lần chết, thế thôi. Vậy mà Hiền vẫn không thể chết được. Hôm bé Ti
được bà ngoại dẫn vào thăm, thằng bé cứ ôm chầm lấy chị. Dường như dự
cảm được điều suy nghĩ của mẹ, nên nó bi bô mãi: “Mẹ ơi! Mẹ về với con
nhé. Con nhớ mẹ lắm. Mẹ đừng chết. Nhất định mẹ không được chết”.
Nước
mắt bao giờ cũng chảy xuôi. Thương con thơ mới mấy tuổi đầu đã chịu
cảnh bơ vơ côi cút, Hiền còn đau lòng hơn với cảnh mẹ già phải tần tảo
thăm nuôi mình trong cảnh tù tội. Cả đời mẹ… cho đến tân tuổi già bóng
xế vẫn chưa có được một ngày an vui nhàn nhã. “Má già rồi. Chẳng biết
sống chết ngày nào. Nhưng bé Ti, nó ngoan lắm. Ngày nào cũng lên bàn
Phật tụng kinh với má để cầu nguyện cho con mau trở về. Tuổi thơ mất mẹ
bất hạnh lắm còn à! Hãy sống vì con. Cũng như má đã sống cả đời vì con”.
Nước mắt lưng tròng, Hiền nghe má nói mà như ngàn mũi tên đâm vào trái
tim mình đau nhói. Lòng mẹ bao la như trời bể. Ôi! giá như trước đây,
Hiền biết nghe theo lời khuyên can của mẹ…
-
Tiền bạc cần thiết thật, nhưng phải đâu là tất cả. Con trông coi cửa
hàng cũng dư ăn dư để. Còn chuyện cho vay góp vốn là trái với lương tâm
đạo lý. Vả lại thời cơ may rủi không thể lường hết được.
Hiền lớn tiếng ngắt lời:
-
Thời buổi này người ta làm ăn đủ kiểu cả, miễn sao có thật nhiều tiền.
Bạn bè đồng lứa đã lên tới đâu rồi chứ đâu phải ì ạch như con. Mà con có
làm gì quá đáng. Con gom tiền để đầu tư vào các thương vụ lớn. Tiền đẻ
ra tiền. Bao năm tiền lời tiền vốn đều sòng phẳng, đâu có gian dối lường
gạt ai đâu.
Người mẹ vẫn nhỏ nhẹ:
-
Công việc làm ăn của con, má không rành. Mình có vốn ít thì làm ăn nho
thôi. Con đầu tư lớn, nếu gặp rủi ro thì lấy gì trả cho người ta. Má nói
để con dè chừng mà suy xét thiệt hơn. Mình làm ăn lương thiện thì trời
Phật sẽ hộ trì.
Hiền càng bực mình gắt gỏng:
- Má ơi! Con biết mình đang làm gì mà. Lương thiện với chẳng lương thiện. Má cứ nói toàn những chuyện xui xẻo không đâu…
Rồi
điều gì đến cũng phải đến. Hiền dồn hết vốn liếng vay mượn cho vào canh
bạc cuối cùng với hy vọng tiền lời bạc tỷ. Vậy mà… thoáng chốc tất cả
đã vụt cánh bay xa không để lại chút tăm hơi dấu vết. Tiền mất. Gia sản
bị tịch biên phát mãi vẫn không trả hết món nợ khổng lồ. Người ta đưa
chị ra tòa. Mức án năm năm tù giam có lẽ còn quá nhẹ đối với nhiêu
người. Nhưng với Hiền thế là hết. Mộng ước giàu sang chỉ còn là nắm tro
tàn hư ảo. Nhà cửa không còn. Hạnh phúc cũng đổ vỡ. Người chồng sau
nhiều năm chung sống, cũng dứt áo ra đi với không ít lời đắng cay nghiệt
ngã.
- Con đừng nghĩ quẩn quanh
nữa. Mấy năm thụ án rồi sẽ chóng qua. Nếu con có niềm tin và nghị lực
thì cuộc sống ngày mai vẫn còn nhiều ý nghĩa. Những gì con đã gây ra thì
phải nhận lấy hậu quả. Chết mà chưa trả hết nợ, thì oan khiên còn đeo
đẳng đến kiếp sau...
Hiền cười
nhạt, giả tảng như không nghe lời mẹ nói bên tai. Đến nước này mà bà còn
đem chuyện nhân quả báo ứng gì gì đó nói mãi. Bao đêm nằm trong ngục
tối, Hiền cũng đã suy nghĩ lung tung lắm rồi. Chị ước mong kiếm thật
nhiều tiền. Đồng tiền không do công sức, nhưng Hiền cũng đã đổ biết bao
tâm trí vào đó. Chỉ vì quá cả tin vào năng lực và sự xét đoán của mình,
chị đã không nghĩ đến một kết cục bi thảm. Hiền cũng chẳng hề có ý lường
gạt ai. Không bỏ trốn khi công việc làm ăn thua lỗ vỡ nợ.
- Hiền à! Hiền…
Sáng
sớm Hiền còn đang mơ màng thì chị Ba đến gọi dậy: -Em chuẩn bị công
việc quét dọn sớm. Sáng nay, tất cả tù nhân sẽ được xuống trại nghe
thuyết pháp.
Hiền ngỡ tai mình lùng bùng nên hỏi lại: - Là sao? Em chưa hiểu?
Chị
Ba giải thích: - Qúy thầy ở thành phố vẫn thường ra đây giảng pháp,
giao lưu với tội nhân. Cũng nhằm giúp họ ổn định tinh thần, tìm lại niềm
tin và lẽ sống ngày mai…
Hiền vội lên tiếng: - Thôi cho em xin. Mà em không xuống nghe có được không?
-
Em nên xuống nghe. Quý thầy nói chuyện hay lắm. Phù hợp với tâm lý lòng
người. Nhân mùa Vu lan, thầy sẽ giảng về tình mẹ, có cả lễ cài hoa
hồng… Nếu muốn em sẽ cùng với mọi người giao lưu ca hát giúp đầu óc thư
giãn thoải mái đôi chút.
Hiền dõi
nhìn theo chị quản lý căn tin trại giam vừa đi khuất. Những ngày mới vào
trại, Hiền được chị Ba an ủi khuyên bảo như đứa em nhỏ. Chị cũng là tù
nợ, đã có thâm niên mười năm ở trại giam này. Chị được giảm án và đặc
cách về làm bên căn tin. Cuối năm nay chị sẽ trở về với đời sống bình
thường. Chồng thì đã có gia đình khác. Ba đứa con ngày chị đi tù chúng
còn bé xíu. Nhờ mấy người dì nuôi nấng cho ăn học. Bây giờ đứa nhỏ nhất
cũng sắp vào đại học rồi. Chị rất tự hào về các con…
-
Nhìn chúng trưởng thành nên người chị vui lắm. Chị chỉ ân hận một điều
là ngày mẹ chị bệnh rồi xuôi tay nhắm mắt, chị không có mặt bên mẹ. Ngày
mới vào tù, chị cũng chán đời, cũng muốn chết như em vậy. Rồi thời
gian, chị lấy lại được niềm tin là nhờ biết niệm Phật và nghe thuyết
giảng. Có những lỗi lầm quá khứ mình không thể nào gột rửa hết được. Chỉ
còn biết tỏ lòng ăn năn hối cải, hướng thiện và nhìn về tương lai…
Suốt
ngày người Hiền cứ bần thần. Chị làm việc mà tâm trí cứ để tận đâu. Chờ
mãi vẫn không nghe ai gọi ra gặp người nhà. Chắc má Hiền bận đi chùa.
Trời mưa dầm từ sáng sớm đến gần trưa mới dứt. Tháng Bảy mưa ngâu. Mùa
Vu lan thắng hội. Mùa xá tội vong nhân. Và hôm nay đã là ngày rằm. Ngày
gắn kết mọi thâm tình cốt nhục yêu thương. Mấy cụm từ này dường như Hiền
chỉ mới kịp ghi nhớ và hiểu ra…
***
-
Mẹ ra kìa ngoại… Mẹ ơi! Hôm qua dì Loan và ngoại dẫn con đi chùa. Con
được sư phụ cài hoa màu hồng. Dì Loan thì cài hoa trắng. Con cũng xin
một bông hoa màu hồng cho mẹ. Dì Loan nói vì mẹ còn bà ngoại…, Hiền bước
ra phòng khách chưa kịp ôm lấy con thì thằng bé đã liếng thoáng đủ
điều. Chị nói với mẹ khi nhìn thấy một giỏ đầy thưc ăn bánh trái: - Má
đừng mang gì cho con nữa. Con không thiếu gì đâu. Má già rồi và còn lo
cho bé Ti nữa.
- Chỉ là vài món chay và ít trái cây. Con ở trong đây khỏe là má mừng. Con đừng nghĩ ngợi gì cả. Đã có con Loan lo cho má.
Hiền
quay nhìn Loan, cô em họ mà trước đây chị cho là kẻ lập dị khác người.
Loan thích đi chùa, làm từ thiện, thích những việc chẳng đem đến chút
lợi lộc bạc tiền nào cho cuộc sống bản thân.
- Chị cám ơn Loan. Cám ơn em nhiêu lắm…
Hiền
nghẹn lời xúc động. Loan bước tới nắm lấy tay chị: - Chị đừng nói vậy.
Em mồ côi mẹ. Được má Hai và chị thương yêu nuôi dạy từ nhỏ. Bây giờ chị
có chuyện, thì em cũng phải có bổn phận lo cho má Hai. Chị an tâm đừng
lo nghĩ nhiều. Mấy năm rồi cũng qua nhanh…
Quay qua bé Ti, Loan vội nhắc: - Ti, con cài hoa hồng cho mẹ Hiền đi…
Nhìn
đôi tay bé nhỏ của con cài cành hoa hồng vải lên ngực áo mình, nước mắt
Hiền chực trào ra. Không như chị Ba, Hiền còn diễm phúc cài hoa hồng
đỏ, để được tự hào vì còn có mẹ trên đời. Màu hoa gợi lên bao niềm vui
và cả nỗi buồn của một đứa con lầm lỗi không vẹn câu hiếu đạo với người
mẹ sinh thành. Hiền chợt rùng mình. Nếu như chị chết, thì bé Ti sẽ ra
sao. Màu hoa trắng nhuộm buồn vây kín cả đời người trong nỗi mất mát
chia xa tình mẫu tử.
Hôm qua, Hiền
lên giảng đường dự buổi nói chuyện của quý thầy. Chị ngạc nhiên khi nhìn
những bạn tù, nhiều người còn khá trẻ, chăm chú lắng nghe hết sức kính
cẩn. Những gương mặt… lúc này trông thật hiền lành chất phác lại đỏ hoe
trong tiếng sụt sùi. Vài người gục mặt thổn thức. Thầy giảng ý nghĩa của
ngày Lễ Vu lan, về ân đức sanh thành, về công lao khó nhọc của cha mẹ.
“Ai sanh con lại không muốn con nên người hữu dụng. Con người có thể lầm
lạc rồi xây dựng lại bằng niềm tin và ý chí… Nhưng một khi đánh mất
tình mẹ, thì đi hết cuộc đời cũng không thể tìm kiếm lại được”. Mắt Hiền
cay cay. Chị cũng khóc.
Bóng chiều
xuống nhanh. Sau cơn mưa thì bầu trời lại tỏa sáng. Hiền đứng lặng dõi
nhìn theo dáng nghiêng nghiêng của mẹ cho tới khi khuất dần sau cánh
cổng nhà giam. Bỗng chị giật mình vì những âm thanh rộn ràng dội lại từ
phía trong hội trường. Giờ này các phạm nhân đã bắt đầu trình diễn văn
nghệ. Những bài hát về lòng mẹ được cất lên. Những cung bậc chứa chan
niềm yêu thương như những mạch nguồn tuôn chảy không bao giờ vơi cạn.
Bất giác Hiền nghe lòng nhẹ nhõm bâng khuâng. Có một niềm tin vừa được
khơi dậy, chói sáng nơi tận cùng tâm thức u minh.
Một
ngày sắp trôi qua. Năm tháng rồi cũng nhanh chóng đi qua. Cuộc sống
ngày mai với Hiền chắc chắn sẽ không còn là chuỗi ngày dài lê thê buồn
thảm.
Nguyễn Minh Khuê
Sưu tầm
Chờ,
Hoàng hôn đổ xuống bên sông,
Thèm cơn mưa đến chênh chông lối về...
Thuyền ai nhẹ lướt bến mê,
Tìm trên sóng chút hồn quê xa mờ !
NM
Về lại bến sông xưa
Hồi
còn ở với ngoại trong căn nhà sàn cặp mé sông, cứ chiều chiều, tôi lại
cho chân mình vào khỏa nước sông, đưa mắt nhìn những khóm lục bình trôi
đi mải miết. Ngoại ngồi trên xuồng, lấy dầm vói vớt mấy nhánh củi mục
trôi sông hay mấy chai lọ và những đồ bằng nhựa bị bỏ đi để bán lại cho
cô mua ve chai mà buổi trưa nào cũng cập vào bến nói vọng lên bờ “hôm
nay có gì bán không bà Hai ơi”.
Những ngày mưa nặng hạt, ngồi trong nhà
ngó ra, bong bóng nước ken dày cả mặt sông. Lâu lâu lại có chiếc ghe bán
hàng chạy vụt qua mà chẳng tìm chỗ trú. Người đàn ông cầm lái co ro
trong miếng cao su chật chội vẫn xé mưa chạy về phía trước. Tôi vẫn nhìn
về phía chiếc ghe cho đến khi nó chìm vào màn mưa trắng xóa. Nghĩ, bên
trong ghe còn có bao phận người lênh đênh cố tìm cho mình một bến dừng
chân?
Như tôi, 5 - 6 tuổi, ba má cập ghe lại bến sông nhà ngoại, dắt tôi lên bờ chỉ vì muốn con mình biết được chữ nghĩa, sau này lỡ có đi lạc cũng biết đường về… Bữa đó tôi khóc dữ lắm, cứ dõi mắt nhìn ra bến sông có mấy rặng ô rô xơ xác. Đêm đầu tiên ở nhà ngoại là một đêm mưa rả rích, căn nhà lá nghiêng một bên chỗ nào cũng dột, những cơn gió thổi vào lạnh cả sống lưng. Chắc vì vậy mà nước mắt cũng mau khô hơn. Ngoại nằm gác tay lên trán, lâu lâu lại vuốt tóc tôi “sao giờ này còn chưa ngủ nữa con, tới hè ba má con về rước, coi vậy chớ nhanh lắm”.
Như tôi, 5 - 6 tuổi, ba má cập ghe lại bến sông nhà ngoại, dắt tôi lên bờ chỉ vì muốn con mình biết được chữ nghĩa, sau này lỡ có đi lạc cũng biết đường về… Bữa đó tôi khóc dữ lắm, cứ dõi mắt nhìn ra bến sông có mấy rặng ô rô xơ xác. Đêm đầu tiên ở nhà ngoại là một đêm mưa rả rích, căn nhà lá nghiêng một bên chỗ nào cũng dột, những cơn gió thổi vào lạnh cả sống lưng. Chắc vì vậy mà nước mắt cũng mau khô hơn. Ngoại nằm gác tay lên trán, lâu lâu lại vuốt tóc tôi “sao giờ này còn chưa ngủ nữa con, tới hè ba má con về rước, coi vậy chớ nhanh lắm”.
Hừng sáng, ngoại đã bơi xuồng dỡ lú dưới sông, cất vó luôn chỉ vừa đủ ơ
kho quẹt cho hai bà cháu ăn sáng chiều. Hôm nào trời mưa, ngoại để tôi ở
trong nhà, chẳng cho theo cùng. Cầm chiếc dầm nhỏ ngoại đẽo cho tôi mà
lòng buồn đến lạ. Cái nón lá rách vành không che nổi gương mặt lạnh căm,
tôi rưng rưng nắm đôi bàn tay móp méo đang khẽ run lên của ngoại. Chẳng
biết phải thương bao nhiêu cho vừa.
Ngoại bán thêm nước màu thắng từ nước dừa. Mỗi lúc ngoại thắng nước màu, tôi vẫn ngồi cùng ngoại bên cái cà ràng rực lửa. Ngoại hay biểu tôi ngồi yên những lúc thấy tôi khỉ khọt với củi lửa. Khi đem nước màu đi bán, tôi ngồi trước mũi xuồng với chiếc dầm vừa tay, ngoại chèo phía sau, ngang qua những mái nhà, lại rao “ai mua nước màu nước dừa hôn”. Xuồng cập dưới mé sông, ngoại dỡ nắp cái khạp da bò nhỏ, múc từng vá nước màu sền sệt đen óng vào cái keo của người mua hoặc vào cái túi nylon rồi cột lại cho khách. Những đồng bạc lẻ được ngoại cất vào cái khăn màu cháo lòng kỹ lưỡng. Trên mỗi khúc sông qua, ngoại vẫn dừng lại mỗi khi thấy củi mục, chai lọ. Có hôm may mắn ngoại còn nhặt được món đồ chơi bằng nhựa cho tôi. Món đồ chơi đứa trẻ nào bỏ đi (hay làm rơi) lại là món quà cho đứa trẻ khác. Buổi chiều tắt nắng, tôi hay nằm dưới xuồng ngước mặt lên trời nhìn những áng mây trôi trên nền trời xa thẳm, một vài cánh chim lạc bầy cố nhớ đường bay về tổ. Trong ý nghĩ lúc ấy của tôi, chiều mênh mông hơn tôi tưởng.
Có hôm trên đường về, xuồng của tôi và ngoại phải tấp vào một rặng dừa nước hay bụi cây nào đó để đụt mưa. Tôi ngồi trong lòng ngoại, hé miếng cao su nhìn ra bên ngoài mặt sông, màn mưa vẫn trắng xóa. Tôi đưa tay ra hứng nước mưa: “Mưa điệu này chắc còn lâu mới tạnh hen ngoại”. Ngoại chỉ cười: “Ờ, hồi tối nghe đài báo bão…”.
Những bận đi về trên nhánh sông quê, chợt thấy sông quê mình bao dung quá đỗi, chở che biết bao nhiêu thân phận con người mưu sinh lênh đênh cùng sóng nước. Ghe dừng lại không lưu lại dấu nằm dưới sông, chỉ có những ánh nhìn là còn vương lại đâu đó nơi bến sông, bởi những dáng người trên bờ vẫn hay nói vọng xuống ghe “có cần nước mưa thêm hông? Lên bờ xách mớ củi xuống ghe để dành chụm? Nhà có buồng chuối già đem xuống cho tụi nhỏ ăn lấy thảo?”. Để có lần quay ghe về lại, chủ ghe tức tốc nhảy lên bờ cầm tay nhau “má khỏe không má. Con mang cho má chục nem chua, mấy chai dầu gió với con chó phốc…”.
Giờ về lại bến sông xưa, mái nhà ngày xưa chỉ còn lại một bãi đến trống trơ. Ngoại đã không còn nữa. Trời lất phất mưa như cái hôm rời nhà ngoại, tôi đứng dưới ghe ngoái đầu nhìn lại dáng ngoại già nua vì mưa nắng. Má quệt nước mắt cho tôi, bảo tựu trường năm sau lại về ở với ngoại. Mà điều đó đã không thành hiện thực. Ngoại ra đi vào một ngày mưa rơi lất phất. Mớ nước màu thắng bằng nước dừa vẫn chưa kịp nguội đi. Chiếc xuồng chênh chao sóng nước. Tôi lấy cây dầm và cái khạp da bò xuống ghe, nước mắt rơi suốt dọc đường đi.
Ngày về, tôi áp mặt vào sông, nhìn hoàng hôn đổ dài trên mặt nước. Chợt thèm một cơn mưa về qua lối cũ. Tôi ngồi bên bụi cỏ ven đường, chờ một chiếc xuồng lướt nhẹ trên sông. Tôi đã ngồi chờ ở đó rất lâu…
Nguyễn Chí Ngoan
Ngoại bán thêm nước màu thắng từ nước dừa. Mỗi lúc ngoại thắng nước màu, tôi vẫn ngồi cùng ngoại bên cái cà ràng rực lửa. Ngoại hay biểu tôi ngồi yên những lúc thấy tôi khỉ khọt với củi lửa. Khi đem nước màu đi bán, tôi ngồi trước mũi xuồng với chiếc dầm vừa tay, ngoại chèo phía sau, ngang qua những mái nhà, lại rao “ai mua nước màu nước dừa hôn”. Xuồng cập dưới mé sông, ngoại dỡ nắp cái khạp da bò nhỏ, múc từng vá nước màu sền sệt đen óng vào cái keo của người mua hoặc vào cái túi nylon rồi cột lại cho khách. Những đồng bạc lẻ được ngoại cất vào cái khăn màu cháo lòng kỹ lưỡng. Trên mỗi khúc sông qua, ngoại vẫn dừng lại mỗi khi thấy củi mục, chai lọ. Có hôm may mắn ngoại còn nhặt được món đồ chơi bằng nhựa cho tôi. Món đồ chơi đứa trẻ nào bỏ đi (hay làm rơi) lại là món quà cho đứa trẻ khác. Buổi chiều tắt nắng, tôi hay nằm dưới xuồng ngước mặt lên trời nhìn những áng mây trôi trên nền trời xa thẳm, một vài cánh chim lạc bầy cố nhớ đường bay về tổ. Trong ý nghĩ lúc ấy của tôi, chiều mênh mông hơn tôi tưởng.
Có hôm trên đường về, xuồng của tôi và ngoại phải tấp vào một rặng dừa nước hay bụi cây nào đó để đụt mưa. Tôi ngồi trong lòng ngoại, hé miếng cao su nhìn ra bên ngoài mặt sông, màn mưa vẫn trắng xóa. Tôi đưa tay ra hứng nước mưa: “Mưa điệu này chắc còn lâu mới tạnh hen ngoại”. Ngoại chỉ cười: “Ờ, hồi tối nghe đài báo bão…”.
Những bận đi về trên nhánh sông quê, chợt thấy sông quê mình bao dung quá đỗi, chở che biết bao nhiêu thân phận con người mưu sinh lênh đênh cùng sóng nước. Ghe dừng lại không lưu lại dấu nằm dưới sông, chỉ có những ánh nhìn là còn vương lại đâu đó nơi bến sông, bởi những dáng người trên bờ vẫn hay nói vọng xuống ghe “có cần nước mưa thêm hông? Lên bờ xách mớ củi xuống ghe để dành chụm? Nhà có buồng chuối già đem xuống cho tụi nhỏ ăn lấy thảo?”. Để có lần quay ghe về lại, chủ ghe tức tốc nhảy lên bờ cầm tay nhau “má khỏe không má. Con mang cho má chục nem chua, mấy chai dầu gió với con chó phốc…”.
Giờ về lại bến sông xưa, mái nhà ngày xưa chỉ còn lại một bãi đến trống trơ. Ngoại đã không còn nữa. Trời lất phất mưa như cái hôm rời nhà ngoại, tôi đứng dưới ghe ngoái đầu nhìn lại dáng ngoại già nua vì mưa nắng. Má quệt nước mắt cho tôi, bảo tựu trường năm sau lại về ở với ngoại. Mà điều đó đã không thành hiện thực. Ngoại ra đi vào một ngày mưa rơi lất phất. Mớ nước màu thắng bằng nước dừa vẫn chưa kịp nguội đi. Chiếc xuồng chênh chao sóng nước. Tôi lấy cây dầm và cái khạp da bò xuống ghe, nước mắt rơi suốt dọc đường đi.
Ngày về, tôi áp mặt vào sông, nhìn hoàng hôn đổ dài trên mặt nước. Chợt thèm một cơn mưa về qua lối cũ. Tôi ngồi bên bụi cỏ ven đường, chờ một chiếc xuồng lướt nhẹ trên sông. Tôi đã ngồi chờ ở đó rất lâu…
Nguyễn Chí Ngoan