Xa miền mưa rơi,
Mẹ đã dắt con đi,
Trên triền đê quê cũ....
Xa mái nhà ủ dột,
Để cùng người kết nối những yêu thương...
Mẹ lãng quên bao ngày tháng đoạn trường,
Cố xoa dịu và ươm mầm hạnh phúc !
Con vẫn nhớ vùng mưa rơi,
Khi về miền nắng dội,
Đợi thật nhiều con mới thấy thương yêu,
Rồi đây những sáng, những chiều,
Thương miền nắng dội, quên ngày mưa rơi !!
NM
Hiên nhà có nắng
Tháng sáu cộc cằn đổ cái nóng rát bỏng lên ngôi nhà. Tôi ngồi
xổm trước hè, tay cầm nhánh cây còng queo vẽ những đường ngoằn ngoèo vô
định trên nền gạch. Cánh đồng mênh mông trước mặt bạc một màu nắng. Bầu
trời cao vời vợi, xanh ngắt chẳng một bóng mây. Ngọn gió đìu hiu mang
theo hơi thở gắt gỏng của ngày hè phả vào mà tôi nóng rát. Tôi nhìn ra
xa hơn, thấy thấp thoáng trên những vạt đồi nhạt màu một cái bóng nhà
liêu xiêu, chợt thấy ùa về trong kí ức xưa cũ cái mái tranh ủ dột mỗi khi trời đổ mưa.
Ngồi
mãi như thế cũng mỏi, mà trời nắng chói thế này cũng chẳng chạy đi đâu
chơi được, tôi vứt cái que ra giữa sân, đứng dậy đi vào trong nhà. Cá
Mắm đang ngồi học. Thế là tôi cố đi sao cho đôi dép kêu lẹt cà lẹt quẹt.
Căn nhà gạch thênh thang rộn rạo âm thanh khó chịu. Cá Mắm ngẩng đầu
lên, liếc mắt nhìn tôi một cái rồi lại chúi đầu học bài. Tự
nhiên tôi thấy mình chẳng đáng bằng con mèo mướp của nó. Thế là tôi lừ
mắt, bỏ qua, đi vào góc tủ lấy quyển truyện ra đọc. Dù tôi đã đọc đi đọc
lại không biết bao nhiêu lần rồi.
Cái không gian
nóng nực mà im lặng này thật dễ khiến người ta mất kiên nhẫn. Nằm vắt
chân trên giường, tôi chốc chốc lại trở người đổi tư thế. Quần áo với
mặt chiếu cọ vào nhau sột soạt. Cá Mắm dường như đã chịu
hết nổi. Tôi nghe tiếng nó mất kiên nhẫn giở sách soàn soạt. Thế là lòng
tôi lại nhen lên niềm vui quái đản. Tôi cố sức lăn qua lăn lại, tạo ra
tiếng động càng ngày càng lớn hơn. Rồi làm thế mãi cũng mệt, tôi ngủ
quên đi lúc nào không biết.
Tiếng mở cổng sắt rin rít làm tôi tỉnh giấc, bật dậy. Cái bóng áo hoa của Cá Mắm ào ra ngoài sân. Tôi nghe tiếng nó tíu tít.
- Mẹ! Sao muộn thế này mẹ mới về?
Rồi
nó lăng xăng xách hộ cái túi, cầm lấy cái nón khi mẹ cười dịu dàng với
nó rồi dắt xe vào sân. Con nhỏ còn chạy ào vào nhà lấy ra cốc nước. Nhìn
cảnh ấy tôi đâm ra tự trách mình ngủ quên. Mấy câu vui mừng tự động
nuốt lại trong bụng. Tôi xỏ dép đi ra hè, khuôn mặt không tự chủ mà hơi
xị ra.
- Con chào mẹ…
Quà của mẹ mang về (lại) là
hai đôi dép nhựa kiểu dáng giống hệt nhau, chỉ khác nhau ở màu bông hoa
trang trí. Tôi thấy hơi ngán ngẩm. Lúc nào cũng vậy, từ quần áo, bút
vở, giày dép đến món đồ ăn vặt, mẹ đều mua hai phần như nhau cho tôi và
Cá Mắm. Mẹ làm như chúng tôi là hai chị em sinh đôi vậy. Mà cũng có lẽ
mẹ sợ hai đứa ghen tị lẫn nhau hay thấy… tủi thân, nên lúc nào cũng đối
xử làm sao cho thật công bằng.
Cá Mắm xỏ ngay chân
vào đôi dép mới. Trông nó thích thú ra mặt. Còn tôi thì nhìn đôi dép
trên tay mình, tự nhủ sẽ dùng khi nào Cá Mắm không đi. Dù là đồ gì cũng
vậy, tôi luôn canh chừng sao cho không có món đồ nào mặc giống Cá Mắm
hết. Mà hình như cả nó cũng vậy. Chúng tôi đều không thích sự trêu chọc
của lũ trẻ cùng xóm.
- Mít, thích không con?
Mẹ thấy tôi cứ tần ngần mãi với đôi dép trên tay liền hỏi. (Tên ở nhà của tôi là Mít).
- Dạ! - Tôi nhìn mẹ, tự nhiên gật đầu, cười toe.
Mẹ
mỉm cười, xoa xoa đầu tôi rồi đi xuống bếp chuẩn bị cơm tối. Tôi nhìn
lại đôi dép trên tay, liếc sang bên xem Cá Mắm lúc này đã cất đôi dép
cẩn thận lên giá. Tôi để đôi dép vào góc nhà, lại đi về phía giường cầm quyển truyện lên, dù chẳng có chữ nào vào đầu cả…
***
Một
ngày bạc nắng, tôi và mẹ đã đến ngôi nhà này. Mẹ cầm tay tôi thật chặt,
tưởng chừng như thả lỏng một chút thôi, tôi sẽ chạy ào đi mất. Ngôi nhà
mẹ nói sẽ có bố mới cho tôi, cả một người chị thật hiền.
Người
đàn ông ấy trông lầm lì, ít nói. Sau chuyến công tác dài ngày, ông ta
ngượng ngùng cầm cái áo đỏ lại gần tôi, lúc này đang núp sau lưng mẹ,
chỉ chừa đôi mắt nhìn ông ta chăm chăm. Khuôn mặt vuông vức đen sạm vẽ
ra một nụ cười ngượng ngập, rồi ông ta mở miệng nói:
- Mít, thích không con?
Tôi lúc ấy vẫn đang mặc chiếc
áo cũ mà bố mua cho, dù với tốc độ lớn của tôi, nó đã trở nên cộc hỡn.
Tôi nhìn đôi mắt chờ mong của người đàn ông trước mặt, rúc đầu sâu hơn
vào lưng mẹ, kêu lên:
- Không thèm. Xấu òm…
Chiếc áo rực rỡ bị tôi hất xuống nền đất. Mẹ quát lên nạt nộ:
- Mít, không được hỗn!
Rồi
mặc cho người đàn ông ấy ngăn cản, mẹ túm tôi lại phát vào mông mấy
phát. Tôi thấy mình uất ức làm sao. Ngay lập tức tôi khóc ré lên, luôn
miệng kêu “Bố ơi, bố ơi…”
Mẹ sững người lại, dừng
tay. Không gian căn phòng rơi vào sự gượng gạo. Tôi chạy biến ra ngoài
hè khóc thút thít. Chiếc áo đỏ nằm chỏng chơ nên nền nhà.
...
- Đây là chị Chi. Hơn con một tuổi. Gọi chị đi con. - Mẹ nhẹ nhàng bảo.
Ấn tượng của tôi về Cá Mắm
cũng có từ ngày hôm ấy. Lúc ấy, Cá Mắm dè dặt ôm cái cột nhà. Nó đen
đen, gày còm. Đôi mắt đen hơi sếch, cái mũi khá tẹt. (Vì thế mà sau này
tôi tự đặt cho nó cái biệt danh là Cá Mắm). Do thiếu đôi tay người mẹ,
quần áo nó hơi xộc xệch. Cá Mắm cũng như bố nó; nói ít, làm nhiều.
Cá
Mắm chỉ hơn tôi vài tháng tuổi, học hơn tôi một lớp, nhưng người lớn
hơn nhiều lắm. Khi tôi còn đang ấm ức khóc lóc ngoài hè, mặc cho sự dọa
nạt, dỗ dành của mẹ, Cá Mắm lẳng lặng cầm cái áo bị bỏ quên dưới sàn nhà
lên, nhẹ nhàng phủi bụi rồi để lên bàn.
Tôi là một đứa bướng bỉnh
nên chẳng mấy khi chịu làm theo lời mẹ. Trước mặt mẹ, tôi cố nói sao
cho không phải gọi Cá Mắm là chị, cùng lắm thì cố mà xưng tên. Còn sau
lưng ban lãnh đạo ư? Tất nhiên tôi gọi là Mắm, thậm chí cả nói trống
không luôn. Tôi không ưa nó. Nó cũng chả thích tôi. Và thế là chúng tôi
chiến tranh…
Nhìn bề ngoài vậy thôi, nhưng tôi phải
công nhận là Cá Mắm học rất giỏi. Điểm của nó trên lớp lúc nào cũng toàn
chín với mười. Tôi thì học hành làng nhàng, tầm tầm ở giữa bảng. Lúc nó
ở nhà gạo bài thì tôi chạy tung tăng ngoài xóm đi chơi mà.
Dẫu
vậy khi nhìn nó khoe điểm với mẹ, cái mũi tẹt hếch hếch lên khi được
khen ngợi, đôi mắt liếc tôi đầy thách thức, tôi vẫn thấy tức tối. Cứ dần
dà như thế, nó sẽ chiếm hết tình cảm mẹ dành cho tôi mất.
***
Buổi tối, Cá Mắm tá hỏa lên
nhìn bàn học gọn gàng của nó be bét vết đen loang lổ từ cái bình mực đổ
nghiêng trên mặt bàn. Và tôi xin thề là tôi không hề làm việc đó. Thủ
phạm chỉ có thể là con mèo mướp của Cá Mắm thôi. Tôi đã thanh minh với
mẹ với đôi mắt và thái độ hết sức chân thật. Thế mà mẹ lại chẳng tin
tôi, phạt tôi phải úp mặt vào tường cả buổi tối. Tôi còn bị cấm đi chơi
suốt hai tuần liền. Tôi đứng ở góc nhà với sự khó chịu đang gặm nhấm
từng chút, từng chút một…
Nhưng dù sao nhìn cảnh Cá Mắm phải mất công chép lại một đống vở (con nhỏ đi thi vở sạch chữ đẹp), tôi cũng thấy hả hê phần nào.
Chiều
hôm sau, khi tôi vừa đi chơi đồ hàng ở nhà cái Ốc về, đã thấy một đàn
vịt mẹ, vịt con đỏ chót đang tung tăng bơi ngoài sân. Trời đất, đống bài
kiểm tra của tôi. Tôi đã giấu đi rất kĩ rồi cơ mà.
- Mít. Sao bị điểm kém còn mang đi giấu? - Mẹ tôi bước ra ngoài sân, lên tiếng.
- Con… - Tôi lí nhí.
-
Học hành thế này hả? Chỉ giỏi chơi bời thôi. Có biết mẹ thất vọng về
con thế nào không hả? Suốt ngày không chịu học hành. Chỉ đi chơi là
giỏi.
Tôi đứng im giữa sân, mặt cúi gằm nghe mẹ
thịnh nộ. Rồi đột nhiên, mẹ lôi đâu ra đống truyện mà tôi cất rất kĩ,
mang ra ngoài đốt. Tôi hốt hoảng van xin. Nhưng đống truyện thì đã thành
đống tro tàn. Đôi mắt tôi mờ đi, khóc vì ấm ức. Đúng là ở nhà-người-ta,
không cái gì có thể giấu được. Rồi tôi nhìn thấy Cá Mắm, lúc này đang
đứng ở góc nhà. Lúc ấy, càng nhìn tôi càng thấy mắt nó sếch, càng nhìn càng thấy như mép nó đang nhếch lên ngày một cao.
- Xoảng!
Tôi giơ chân đạp đổ đống chậu cây hoa đá mà nó mất công chăm sóc bấy lâu đang nằm ngoan bên hè nhà. Tôi gào lên:
- Là mày chứ gì? Chính mày hớt lẻo với mẹ tao. Đồ lẻo mép. Đồ đáng ghét. Đồ cá mắm gầy nhẳng…
Mẹ tôi bước đến túm vai áo tôi, phát vào mông vài cái đau điếng.
- Đã học dốt và còn đổ lỗi cho người khác. Lại còn phá phách. Mẹ dạy con thế hả?
Tôi nức nở, nhìn thẳng vào mẹ, gào toáng lên:
-
Mẹ không cần con nữa chứ gì? Lúc nào mẹ cũng chỉ bênh nó thôi. Mẹ chê
con học dốt. Con ham chơi. Mẹ không cần con nữa chứ gì? Con chỉ thế thôi
đấy. Bố ơi… Bố ơi…
Nói rồi tôi ôm mặt chạy biến ra ngõ. Tôi nghe tiếng mẹ đằng sau quát lớn:
- Mít. Đứng lại!
Tôi
chạy mãi, chạy mãi. Chạy ra khỏi xóm. Chạy hết con đê. Chạy lên cái
chòi cũ bí mật trên đồi. Ở đấy, tôi nức nở đến thiếp đi. Trưa hôm đó tôi
không về nhà…
Tôi lại mơ về ngôi nhà trên triền
đồi. Với cuộc sống hạnh phúc của riêng tôi. Nơi có đủ cả bố và mẹ. Bố
cưng chiều tôi. Mẹ chăm lo cho tôi. Cả hai cố gắng vẽ cho tôi một cái
vòng tròn hoàn thiện. Nhưng có lẽ việc ấy đã khiến bố mệt mỏi. Để rồi
một ngày mưa tầm tã, xóa nhòe con đường đất đầy dấu chân xưa cũ, bố đã
ra đi mà không bao giờ quay lại. Tôi thì vẫn bám áo mẹ, ngây thơ mà hỏi rằng:
- Mẹ ơi, bao giờ bố về?
Mẹ không trả lời. Bà ôm lấy
tôi, im lặng. Nhưng tôi cảm nhận trên vai mình những giọt nước đau
thương nóng hổi. Vòng tròn mong manh ngày nào nay đã vỡ tan…
***
Lúc tôi tỉnh dậy thì đã là buổi
chiều. Bụng tôi bắt đầu biểu tình đòi ăn. Tôi chần chừ, không dám quay
về nhà, cũng không muốn thấy khuôn mặt của Cá Mắm. Tôi ngồi đấy, giữa
cái hốc dưới cây nhãn mà tôi vẫn hay chơi đồ hàng, nằm nghĩ miên man.
Bất chợt, tôi nghe có người gọi, không lấy gì làm thân thiện.
- Này!
Tôi ngước lên. Là Cá Mắm. Mặt con nhỏ đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi.
- Sao… Sao mày biết tao ở đây? - Sau một chút ngần ngừ, tôi nói.
- Mày thì đi chỗ nào được nữa chứ… Trưa mày không về. Mẹ đi tìm nên bị ngã xe đấy.
- Ngã xe? Có… Có sao không? - Tôi thấy ruột thắt lại, một lỗi sợ mơ hồ tràn đến.
Cá Mắm nhìn mặt tôi, chắc lúc ấy đã chuyển thành màu trắng. Nhưng cái tôi ngu ngốc thì vẫn nhất quyết đứng đó, không chịu di chuyển.
- Chỉ sứt sát nhẹ thôi. Nhưng mày làm thế mà được à? Làm mẹ với bố phải mất công đi tìm. Cơm trưa cũng không ăn.
Tôi lúc ấy như tháo được cục sắt trong lòng, nhưng vẫn cố nói. Chắc không khác gì một con gà trụi vẫn cố khoe mẽ.
- Thì… đã làm sao. Ai khiến bố mày phải lo? - Tôi hất mặt.
- Mày nói thế hả? - Cá Mắm bắt đầu sầm mặt.
-
Sao tao không được nói? Tao có bố của tao rồi. Bố mày chỉ là kẻ chiếm
chỗ bố tao thôi. Cả mày nữa. Mày chiếm mất mẹ của tao. Đồ cá mắm! - Tôi
gân cổ lên nói.
- Mày… mày… Đồ con lợn béo ú! - Cá Mắm phản kháng.
Tôi
hếch mặt nhìn nó. Nó giương đôi mắt gườm gườm lại. Bầu không khí trong
chốc lát chìm xuống. Rồi không thông báo trước, tôi với nó lao vào nhau.
Tôi cấu. Nó cào. Tôi túm áo. Nó giật tóc. Hai đứa dùng dằng rồi ngã lăn ra đất. Hai con nhóc mười tuổi quần nhau trên triền đồi.
- Mày cướp mẹ của tao. Đồ chết tiệt!- Tôi gào lên.
- Bố tao đã mất công chọn áo cho mày. Thế mà mày vứt như đồ bỏ đi. Đồ vô ơn!
Tôi
với Cá Mắm chửi bới. Tức tối bao năm xả hết ra ngoài. Nó bắt đầu đấm
mạnh. Tôi cũng chẳng vừa, nhéo thịt nó vài phát đau điếng. Nó hét lên,
xô tôi xuống dưới, cấu cào đủ kiểu. Tôi há mồm cắn luôn vào
tay nó. Tôi dùng sức rất mạnh, cố hết sức mà nghiến xuống. Vì tôi biết,
về khoản đánh nhau hôm nay tôi cũng thua kém nó nốt. Nó đang phẫn nộ,
còn tôi thì không ăn cơm trưa. Cá Mắm dùng sức cấu má tôi, bắt tôi nhả
ra. Rồi nó lại lấy tay túm tóc. Lần này thì tôi chỉ còn biết chống chọi,
bị nó quần cho mệt lử.
Tàn cuộc chiến, con nhỏ đứng
lên. Đôi mắt rực lửa, thở dốc nhìn tôi, kẻ bại trận, lúc này vẫn đang
ngồi bệt dưới đất. Tôi nhìn nó. Đến cả đánh lộn cũng thua. Bao uất ức
dồn nén không phát ra được như dồn hết lên mắt, cay cay. Nhưng tôi không
muốn tỏ ra kém cỏi trước Cá Mắm. Tôi cố giương đôi mắt trừng trừng đầy
thách thức.
Kẻ thắng trận nhìn lại, hình như giờ đã
bị tôi ảnh hưởng, cũng có thể vì những lời nói cay độc giờ mới phát huy
tác dụng. Đòn đau thì luôn có tác dụng tức thì, những lời thương tổn có tác dụng chậm hơn, nhưng sâu hơn nhiều. Nó bỗng ngồi sụp xuống. Lấy tay ôm mặt, vừa khóc vừa nói:
- Mẹ ơi… Mẹ ơi…
Tôi
biết người Cá Mắm gọi không phải mẹ mình. Không hiểu sao tôi cũng khóc
theo. Hai con nhóc te tua như hai con gà nhúng nước đã khóc rống lên
trên triền đồi, mặc cho cảm xúc tuôn trào. Những bí mật cố giấu đi bị
đối phương moi móc đến tận chỗ sâu kín nhất, giờ phơi ra trước nắng rọi,
méo mó và thảm thương. Và chúng tôi chỉ biết khóc. Đột nhiên tôi thấy
nó không hề đáng ghét. Ngược lại, tôi cảm thấy có thể hiểu nó hơn.
Tôi
bỗng thấy tội lỗi với những lời nói vô tâm của mình. Nó còn thiếu thốn
hơn tôi. Mẹ nó mất khi nó chưa thể nhớ được kí ức gì về mẹ. Tôi từng
thấy nó len lén giở tấm ảnh một người phụ nữ ra ngắm. Rồi khi xong lại
vội vàng giấu vào tủ quần áo, tận góc sâu nhất.
Sau đó, hai chiến binh bại trận
dắt díu nhau về nhà. Vì tội đánh nhau, cả hai cùng bị phạt. Dù tôi bị
nhiều lươn vào mông hơn, nhưng Cá Mắm cũng không khá hơn tôi. Chắc tại
mông tôi nhiều thịt hơn. Buổi tối nhìn nó xoa xoa mông, mặt nhăn nhó.
Tôi bất chợt phì cười. Nó quay ngoắt sang tôi, lườm một cái cháy mặt.
***
- Ê, đứng đấy hong da à?
Tôi
thấy Cá Mắm đứng chần chừ trên bờ mương. Nó đang cầm chồng vở, chắc mới
đi học nhóm về. Tôi đi chơi ngang qua, nhìn thấy nó như vậy không hiểu
sao lại lên tiếng. Nó nhìn tôi, ậm ừ. Tôi nhìn xuống chân nó, liếc qua
con mương, nơi chiếc dép hoa đang mắc ở bãi rêu giữa dòng. Mương nước
mùa này không sâu lắm, chắc chỉ khoảng đầu gối người lớn.
- Sao không xuống mà lấy đi?
- Tao… tao sợ nước - Nó nói nhỏ.
Tôi
nhếch mép. Cá Mắm lúc nào cũng có muôn vàn lí do để sợ. Sợ sâu, sợ ếch,
sợ nước, sợ những gì không rõ ràng… Tôi thì khác. Như bao đứa cùng xóm,
tôi sợ nhất cái chổi lông gà ở góc tường thôi. À, chắc trừ thằng Bi, bố
nó đã ưu tiên sắm hẳn một cái roi mây rồi. Tôi cười, bỏ dép, xắn quần
rồi bước ào xuống mương. Tôi lấy chiếc dép mắc ở đám rêu giữa mương, quăng về phía Cá Mắm.
- Có vậy cũng không làm được. Nhát cáy quá đi.
Rồi
tôi bước về phía bờ. Nhưng bỗng nhiên, tôi thấy nhói chân, kêu “Á” lên
một tiếng. Tôi hơi sững lại, mặt nhăn nhó, vẫn bước về phía bờ. Cá Mắm ở
trên bờ lo lắng. Tôi lên trên bờ mương, ngồi sụp xuống, giở bàn chân ra
xem xét. Một vết cắt sâu ở trên lòng bàn chân tôi, đã bắt đầu bê bết
máu. Chắc tại mảnh sành dưới mương rồi. Cá Mắm nhìn vết thương, mặt xám
ngoét. Nó lắp bắp:
- Có… có sao không? Làm gì bây giờ?
Tôi nhăn mặt. Nhìn khuôn mặt nó, lúc này trông thật thảm hại.
- Làm gì nữa? Đi kiếm lá chó đẻ đi.
Cá
Mắm chỉ biết lập cập làm theo. Tôi nhai đống ngọn lá, đắp vào vết
thương. Cá Mắm thì lo lắng đứng bên, chân tay thừa thãi chẳng biết làm
gì. Xong, tôi đứng dậy, đi trước. Rồi tôi quay lại, nhìn con nhóc gầy còm vẫn đang đứng yên một chỗ.
- Còn đứng đó làm gì?
Cá Mắm lập cập chạy theo.
- Mày không sao thật chứ?
- Sao là sao? Đứt chân tí thôi. Bình thường.
Về
nhà, tôi giấu nhẹm chuyện bị đứt chân. Nhưng mấy hôm sau, tôi bị sốt.
Nhìn vết thương ở chân tôi, mẹ vội vàng tra hỏi. Cá Mắm khai hết mọi
việc.
Mẹ đưa tôi đi bệnh viện. Cũng may
tôi không phải sốt vì bị uốn ván. Nhưng cũng đủ cho mọi người một trận
tá hỏa. Chắc sau khi tôi khỏi, thể nào cũng bị một trận giáo huấn đã
đời.
Cá Mắm đến thăm tôi, có mang theo
một quyển truyện mới làm quà. Chắc nó phải cho con lợn đất yêu dấu ở nhà
ra đi đây. Con nhỏ mang quà đến rồi một lúc lấy cớ về luôn. Tôi nhìn
quyển truyện, ngần ngừ giở giở. Con nhỏ biết tặng đúng kiểu truyện tôi
thích. Rồi một hàng chữ tím đậm nhỏ nhắn ở ngay trang đầu lọt vào mắt
tôi.
“Chóng khỏe nha Mít.
Mắm.”
Con
nhỏ nắn nót viết từng chữ, còn kí là Mắm mới ghê. Tôi cười. Bỗng nhiên
nhớ ra cả xóm mỗi Mắm là được gọi bằng tên thật - Chi. Mỗi mình tôi đặt
cho nó biệt danh và lúc nào cũng réo. Đôi lúc con nhỏ nghe
tiếng ai đó gọi lũ bạn với những cái biệt danh ngồ ngộ, nó bất chợt hơi
ngây ra, buồn buồn. Tôi tự hỏi, khi mình gọi nó “Mắm, mẹ gọi về ăn
cơm!”, sau cái nhìn như dao cạo, nó có từng mỉm cười không nhỉ?
Ừ thì… Hai nửa vỡ ra ghép
lại tuy chẳng thể toàn vẹn, vẫn đôi chỗ va vấp, méo mó. Nhưng chỉ cần
chúng tôi tin rằng nó tròn trịa và toàn vẹn, thì mọi việc cũng sẽ ổn
thôi.
Như khi mẹ dắt tôi đi trên triền đê, rời xa
mái nhà ủ dột trên triền đồi, đi từ vùng mưa rơi đến miền nắng dội. Nhìn
ngôi nhà lấp ló sau rặng cây với mái hiên nắng đổ vàng óng, tôi đã nghĩ, nó thật đẹp làm sao.
Lá huỳnh sắc vàng,
Lá huỳnh đã chuyển sắc vàng,
Xem chừng như có lời nàng trong thu ?
Dáng người ẩn hiện thâm u,
Biết người về chốn thiên thu cõi nào ?!
Nắng vàng trong gió lao xao,
Nắng thì vẫn nắng nhưng sao lạnh lùng ?!!
NM
Nắng nghịch mùa
Trời cứ xanh hoài, thiệt hết ham”. Bà già kêu lên, khi vịn tay ở đầu rào, ngửa mặt ngó thinh không.
Lội ngồi góc sân cạnh đám cháy tàn, nhìn ra cổng. Không thấy được
con đường mà vừa nãy vợ anh đi. Bà mẹ che hết rồi, bóng bà đang ngược
sáng. Cái lưng còng khiến thế đứng bà già như kền kền, giống loài lâu
rồi không ghé qua xứ Nước Trong.
Ở đây giờ khó kiếm mồi. Gần nửa năm nay không khí cứ tươm mật, nền
trời xanh ngắt, nếu mưa cũng là mớ nước rây ra từ vài đám mây nhã nhặn,
vừa đủ cho cỏ cây ra lá non. Sau mưa nền trời càng xanh nắng càng lanh
lảnh, như tráng một lớp thủy tinh.
Nhưng quang cảnh không khiến bà già vừa bụng chút nào. Cái giọng đầy
bất mãn. Chắc là chưa quên cơn bẽ bàng sớm nay, bà chống gậy đi tìm bạn
uống trà, nửa đường nhớ ra bạn đâu còn đằng đó chờ mình. Bạn qua đời rằm
trước. Bữa đó trăng đặc tới mức để lại vệt gợn sau mỗi chuyển động của
con mèo. Tính lẩn thẩn sẵn, những ngày trong veo khiến bạn sinh ảo giác
rằng mình chắc đã chết rồi, cảnh này chỉ có ở thiên đường thôi. Không ăn
bỏ ngủ, kiệt sức dần, bạn trút hơi tàn đúng ngày trăng nở. Bà già bị bỏ
rơi, nhưng cái chân quen đường cũ cứ hay thả bộ về phía khói nhang.
Cũng đận này năm ngoái, hai bà già ngồi trên nóc nhà chia nhau nửa
gói mì ướt, chờ tàu cứu hộ ngang qua. Vắt cái ống quần sũng nước, bạn
khoe đùi mình thon. Bà già trề môi xì một tiếng, vỗ mớ da thịt nhão treo
lòng thòng dưới khúc xương, nói Đực khen đùi tui thon hơn. Người đàn
ông mà cả hai người đàn bà đều không còn nhớ rõ dạng hình, suốt sáu mươi
mấy năm qua, luôn là cái cớ nhắc nhớ họ từng là tình địch. Và trong cái
ký ức đầy nước, bà già vẫn nhớ hình ảnh Đực trôi ngang qua mình, bụng
ngửa ra phình như bụng trống, một tay giơ lên nửa như có ý kiến với cha
nội trời “mưa gió nhiêu đó đủ rồi”, nửa như vẫy tay chào cô bạn cùng
xóm, “ở lại mạnh giỏi nghen, nhỏ!”. Bà lúc đó chừng mười bảy tuổi, níu
ngọn cau chịu trận đã nửa ngày, muốn giơ tay ra níu người thương, nhưng
tê cóng không làm sao nắm lại.
“Phải tay tui là ổng đâu trôi mất xác”, sau này bạn hay rền rĩ. Bà
cười lạt, nhìn mấy con gà xõa cánh trong một vũ điệu thần bí giữa xoáy
nước đục ngầu:
“Ờ, giỏi quá, sao không giở ngói chui ra sớm chút”.
Lụt năm nào cũng cuộc cãi cọ liên quan tới người đàn ông đó, rồi nước
rút, hai bà già lại rủ nhau uống trà, kêu lụt năm nay không lớn như năm
trước. Hay là năm trước nữa, cái đận mấy trại gà mất trắng, một nửa xóm
bỏ xứ đi. Những mùa nước cứ nhịu lẫn, chồng nhòe lên nhau, cũng bão cơn
nối cơn, cũng ngập tới nóc, người với vật cùng nổi trôi, và những đứa
trẻ mang tên Lụt Lội Gió Giông chào đời trên xuồng cứu hộ, hết thảy mấy
thứ đó không làm sao phân biệt một cách rõ ràng nữa
Nhưng bà già có thể lấy cái tuổi bảy mươi chín của mình ra làm chứng,
trời đẹp kiểu này xứ Nước Trong chưa từng. Se lạnh, tinh sạch như lau,
óng mướt không tả nổi. Vàng của nắng và xanh của trời, sao chép nhau
ngày này qua ngày khác, không sai lệch một sắc độ nào. Đêm thì lủ khủ
sao trên cái nền đen nhức.
Tuần nắng mật đầu tiên, cả xứ như bị trúng bùa. Mấy con chó cứ ẳng
lên không lý do, ai đó nói trời đẹp quá mà, người ta còn muốn sảng. Hồi
đầu người Nước Trong mê mẩn, cứ muốn ngồi phơi ngoài trời cho nắng no da
thịt, nhưng những ngày đẹp cứ nối nhau dài mãi, bỗng sợ. Cảm giác như
đang xài phí một khoản vay mà không ai biết nay mai sẽ bị đòi lãi gấp
chục hay trăm lần.
Má anh Lội ngờ lạc khỏi xóm mình khi đi qua cái đình sứt sẹo bởi đạn
bom hồi chiến, giờ bỗng rờ rỡ trong nắng thu. Thứ nắng hóa vàng cả rác,
mái nhà gỉ sét, bụi cây chết đứng giữa trời. Tất cả những xám xịt bỗng
ngời lên. Núi tro xỉ phía xa kia nữa, vẻ hiểm độc cũng bị rửa trôi. Bà
già hay thả tà tà theo lộ xóm, gặp ai cũng nói mỗi câu, “nay ông trời kỳ
lắm nghen”, chờ ai đó đồng tình, “ờ đẹp kỳ, hiểu không nổi”. Thà là
giông gió đi, hung tợn cỡ nào thì cũng không còn lạ. Lội khó chịu quá,
kêu “má trông mưa bão chắc?”, nhưng nắng cứ sóng sánh không thôi, anh
thấy bất an.
Cây huỳnh ngoài sân vàng lá một nửa, lẫn với nửa xanh kia nhìn nao cả
lòng. Bữa Gấm về sớm, ngồi ngắm cây cả buổi. Ở nhà chồng ba năm, lần
đầu thấy lá huỳnh đổi sắc. Mọi năm lá chưa kịp thay màu thì mưa bão tới,
cây ngập gốc tuôn lá trơ cành. Như một kẻ tắm trần, trơ xương trong
nước lạnh. Nghe nói huỳnh trồng ở xứ khác cho trái sai, thứ trái người
Nước Trong chưa từng thấy. Không kịp thấy. Lụt xong cây cỏ chưa kịp hoàn
hồn, bão lại tới, sức đâu mà cây treo hoa trái lên cành.
Thấy Gấm về không đúng cuối tuần, Lội tưởng vợ ở lại một đêm rồi đi
như mọi khi, nên chạng vạng kéo vợ vô buồng ư ử. Xong phơi bụng ngáy
khò, nửa đêm dậy thêm lần nữa, vì Gấm giang rộng đôi đùi trần quắp chặt
lấy mình. Sáng ra thấy Gấm không còn nằm cạnh, hõm chiếu chớm lạnh, nghĩ
vợ đã đi làm, ra sàn nước anh hơi giật mình thấy chị ngồi vo gạo.
“Cây huỳnh đẹp muốn xỉu”.
Gấm nói, như là lý do duy nhất khiến chị vẫn chưa rời đi. Từ nhận làm
giúp việc cho một quán nhậu trong thị trấn, lần đầu tiên Gấm ở lại nhà
luôn mấy ngày. Chị đem mùng chiếu ra giặt, quét rác mấy hốc nhà, dọn bồ
hóng trong chái bếp. Chị gom củi về trải phơi kín sân. Hệt như hồi mới
cưới nhau, xế trưa chị nhờ Lội dội nước gội đầu rồi ra sân phơi tóc.
“Phải bẹo hình dạng ngoài sân mới chịu”, bà già gầm gừ.
“Người ta đi ở đợ kiếm tiền nuôi má, còn chưa vừa?”, Lội nổi sùng,
rồi sau đó là một nỗi xấu hổ khi ba năm rồi không nghĩ ra được câu nào
mới. Hay anh xấu hổ vì đã nhẹ người khi nói ra câu đó, rằng Gấm phải đi
làm kiếm tiền là tại mẹ chồng không thương. Đổ lỗi cho lụt lội thì ông
trời ở xa, cho cái thân đàn ông mà không lo nổi ba miệng ăn lại không
thể ngẩng đầu nhìn làng xóm, ngó quanh chỉ thấy bà mẹ là có thể chịu
tội.
Ngay lần đầu gặp Gấm bà đã không ưng.
“Thứ đàn bà trắng ớn, xài sao được”.
Người Nước Trong, những kẻ mang dòng máu khẩn hoang lai tạp với thổ
dân bản xứ mang sắc da tối màu, không ai như Gấm. Chị trắng đến nhói con
mắt người nhìn, vốn đã quen ngó nhau da đồng mặt cháy. Lạc lõng giữa
người đã đành, chị cũng không ăn nhập gì với thứ đất mủn nước, những
ngôi nhà thấp bị trói bởi mớ sợi dây chằng chống bão, dãy núi tro xỉ của
nhà máy nhiệt điện chở vào ngày một cao.
“Có đâm đầu cưới về thì nó cũng đi mất”, bà già nhai đi nhai lại
trong cái bộ điệu vô vọng. Lội chỉ nói đúng một câu, “kệ tui”, rồi chạy
te đi thị trấn mua nhẫn cưới bằng tiền lương mượn trước của chủ xưởng.
Anh không nghĩ được thứ nào khác để giữ Gấm ở lại bên mình. Nhỏ hơn vợ
sáu tuổi, nhưng dân Nước Trong đều kêu không lý nào, ngó thằng Lội già
khằn, mặt có nếp có hằn, sao trẻ hơn con nhỏ trắng tinh được.
Không biết có phải vì bộ da ngậm sữa, mà ba năm sau cái đám cưới qua
loa, Gấm còn giữ được cái tên của mình. Cũng có thể chị chưa có con. Chị
đi ngoài đường, người ta vẫn gọi là con Gấm, không phải là vợ thằng
Lội. Những con đàn bà khác tên tuổi bị bốc hơi sau cuộc theo chồng.
“Có sao đâu, kêu bằng gì thì cũng là vợ tui”, Lội thường nói mỗi khi
bà mẹ bới móc. Giọng vống cao, che giấu bất an. Đám đàn ông đi nhậu
ngoài thị trấn về, gặp anh vỗ vai cười, nói đúng mấy chữ, “tao mới gặp
Gấm ngoài đó”. Chỉ vậy, và khoảng trống sau câu nói đó, cái cười ẩn ý,
chúng rúc rỉa anh.
Và những ngày nắng mật tràn lên tàng cây, chảy qua kẽ lá nhuộm lốm
đốm khoảng sân, ngó vợ nghiêng đầu phơi tóc, khoảng gáy trần làm anh
thấy tức giận. Anh muốn cắn lấy cái gáy đó, cho máu loang đỏ lấp bớt
khoảng da trắng nhói kia đi. Nhưng anh biết có làm vậy thì chẳng ích gì,
cái tấm thân kia không cách nào che chắn hết. Không gáy thì cánh tay,
hay đôi cổ chân lúc nào cũng để trần.
Lội ngờ phấp phỏng này bị nắng vàng phát tán. Bên xóm cũng nhiều
người mắc. Có chị trốn miết gầm giường không nhận lấy mớ bó bông cỏ đuôi
chồn anh chồng tặng. Anh chưa bao giờ tặng gì ngoài những trận đòn lúc
say. Chị ngờ bó bông chỉ là mồi nhử để chồng đánh đã tay. Hay như ông
già thằng Bảy Thẹo cự tuyệt mớ bánh nướng thằng con chuyên chửi thuê
chém mướn gởi cho, nghi trong đó có độc. Hai cha con nó thường rượt đuổi
nhau trên đường xóm, mà vị trí kẻ cầm dao phay dứ dứ đằng sau không
nhất thiết thuộc về người lớn tuổi hơn. Lúc con, lúc cha, và sau cuộc
đuổi đánh nhau mệt lả, chính họ cũng không nhớ lý do sao lại thành ra
thâm thù.
Những câu chuyện đó được kết lại thành chuỗi, ngày mỗi dài thêm, như
một chứng cứ bất thường của cái tiết thu lịm ngọt khó tin này. Từ giông
mưa không tới, người Nước Trong lúc nào cũng ngó trời, họ không muốn bỏ
sót bất cứ thứ gì được giấu sau cái màn xanh cao vợi trên kia. Một thứ
nhọn hoắc, độc địa. Cứ cho là mùa thu lỡ dại ghé qua cái đất oan ương
này, nhưng nó không co cẳng bỏ chạy thì thôi, chớ lý nào ở lại lâu đến
vậy.
“Ổng toàn lấy đi, đâu cho không ai cái gì”, má anh Lội nói, tay chỉ
vào gợn mây trắng mỏng tang vừa bong ra khỏi màn xanh vô tận. Ngay từ
đầu bà già đã dè chừng cái thời tiết đẹp dị thường này. Thấy nắng nên
chỉ mặc áo mỏng ra ngoài, chừng đi nửa đường khắp người gai lạnh, bà teo
ruột quay về. Những ngày này bông cúc đá nở mãi không chịu tàn, đến ngờ
chúng là hoa giả, vài ba bữa bà già lại hái vò thử coi có gãy cánh
không. Cả khi đi tắm bà già cũng dòm chừng qua lỗ tường, sợ có cơn nước
nào đằng chân trời ào tới. Nhưng ở nhà tắm ngó ra chỉ thấy chiều đổ bóng
đám bần dại lên chòm mộ những người đã khuất, thứ duy nhất được cố định
bằng bê tông cho xương cốt không trôi mất lúc nước lên. Mồ mả còn là
đất còn, xóm làng còn, người nhà bà hay nói vậy. Dù là mộ gió, như mộ
chồng bà. Thân xác nọ đã gửi lại một chiến trường nào đó.
Những ngày gần đây, ngó ra không còn thấy đám bần. Gấm đã xoắn áo rủ
chồng chặt rụi, thêm được chục ngoài bó củi. Đứa con dâu đó bà già cự
tuyệt cảm tình ngay từ đầu, vì không muốn tan nát một khi cô ta bỏ chạy.
“Người vậy sao xứ này dung chứa nổi”, bà già lại thở dài, nhìn người
dưng ẩn hiện trong vườn, nhớ ra cô con dâu mình không có miếng xương
người thân nào được chôn ở cái đất này. Lụt đưa cô ta tới.
Lúc Gấm lấy xe đạp ra thị trấn, bà mẹ chống gậy ngược từ đằng xóm về.
Cái ý thức bạn già đã ra thiên cổ làm bà ê ẩm, không thèm ngó lại ừ hử
lời thưa của con dâu, “má, con đi chợ chút”. Chỉ đi tới cổng, nhìn thấy
thằng con ngồi cời mớ rác cho cháy bằng hết, máu bặc hặc của bà già lại
nổi lên.
“Ai biết được có đi luôn không”.
Lội nín thinh. Anh không cất tiếng nổi, bởi cơn phấp phỏng đang độc
chiếm cả người mình. Vợ không nhìn thẳng vào anh lúc bảo ra thị trấn mua
mấy khúc vải may vài bộ đồ cho mẹ. Quay mặt phía nào đó, vợ nói quần áo
mẹ cũ rồi, toàn thứ vớt được trong lụt nên áo đông quần tây, không
giống ai. Lội nhớ lại, nhìn ngọn khói rụi dần.
Mớ rác cháy tàn này Gấm vun lại từ cái nhà đã lâu không được quét dọn
tử tế, bởi mỗi tuần chị chỉ về được một hai tối, sớm ra lại lóc cóc đạp
xe đi. Cái nhà bị bỏ bừa, mấy bữa nay sáng rỡ trở lại. Lội cũng được
đánh bóng. Gấm tẩm dầu lửa vô cái khăn cũ, kỳ cọ khắp người chồng. Chị
cưng nựng mãi vết sẹo dài mà mùa lụt ba năm trước, một miếng thiếc lợp
nhà bị nước vụt vào người anh, cắt ngọt bắp tay. Nhưng thằng đàn ông đẹt
ngắt đó vẫn cắn răng níu cứng vạt áo người đàn bà lạ mặt buộc mình vào
bè chuối từ phía núi trôi về. Mang người lên bờ mới biết chị ta còn thở.
Bùn sình trên ngực chị được máu Lội rửa trôi.
“Phải nói chồng lì thiệt”, Gấm rơm rớm nhắc, áp bàn tay đầy thẹo vết của chồng vào bầu vú nóng.
Giờ Lội tự hỏi, sao bữa qua vợ lại rơm rớm. Mấy lần nhắc lại chuyện cũ,
vợ có biểu cảm giống vậy không? Tất cả những gì vợ làm mấy bữa qua, cổ
đã từng làm trước đó? Anh cố nhớ trong lúc ngó ra đường vắng, nghĩ về
hương mật những ngày qua, nghĩ tới bữa ăn cuối của tử tù, cái khoảng
lặng trong tâm bão.
Bà mẹ đã lui vào sân, đứng dưới cây huỳnh, dỏng tai coi có lời đe dọa
nào được đưa tới bởi gió thu. Giờ mới nhận ra lá huỳnh đã chuyển vàng
bằng hết, mớ lá chín trước giờ bắt đầu cuộc buông mình. Bà già đứng đó,
ngó thằng con. Thằng con ngó ra đường. Con đường đổ dốc về thị trấn.
“Chỉ bộ đồ dính da, đi đâu được”, tự dưng Lội nghĩ, hay là anh buột
miệng nói luôn thành lời, chính anh cũng không chắc. Bà mẹ cũng có thể
đã nghe được, hoặc không, thở dài cái thượt.
“Thiệt không ưa nổi cái thứ nắng lạnh này”.
Nguyễn Ngọc Tư.
Chiều không tắt nắng,
Hoàng hôn xuống nhưng chiều chưa tắt nắng,
Sáng góc trời như sáng cả niềm riêng...
Nắng chiều Đông nhưng nắng chẳng cô miên,
Mang ấm áp sưởi tình người vạn nẻo !
NM
Phía chiều không nắng tắt
Nắng chiều đang hắt vàng đầy trên bậu cửa. Ngôi nhà hướng Tây đang hứng đầy nắng mùa đông làm cho ngôi nhà thêm ấm áp.
Chị Then đang xếp lại những chiếc áo,
chiếc khăn cho vào tay nải. Đã được gia đình cậu chủ trang bị cho túi du
lịch rất đẹp nhưng chị vẫn để dành. Vẫn đựng đồ vào chiếc tay nải màu
trứng sáo quen thuộc từ lâu. Chiếc tay nải bằng vải dù thật bền.
Khi bé Hân nhìn thấy mẹ xếp quần áo vào
tay nải thì đang vui vẻ chơi, mặt nó xịu xuống, vì biết mẹ lại sắp phải
đi. Con bé ngoan ngoãn, trầm tư, ít hờn dỗi hơn những đứa trẻ khác. Có
thể nó đã quen vắng mẹ hay nó hiểu dù có dỗi hờn thì sự thể cũng không
thể khác đi. Con Vện nhỏ nhớ lâu thật.
Chị đi mấy tháng mà khi chị về chưa đến
đầu ngõ nó đã vẫy đuôi mừng quýnh. Còn khi chị chuẩn bị đồ thì nó ra
dụi dụi vào chân chị như thể biết chủ lại sắp đi xa. Bà ngoại mắt kèm
nhèm vẫn đang ngồi bện chổi.
Những sợi rơm vàng óng, mềm mại đang
quấn quýt bên nhau. Mùi rơm nếp thơm thơm làm chị Then thấy buồn quá
đỗi... Không biết lần này đến nhà chủ mới tính khí thế nào. Dì Thảo đang
thổn thức trong buồng.
Hôm nay dì ấy không ngồi thêu. Biết chị
sắp đi, dì đã nấu cơm tươm tất chờ, nhưng khi thấy chị chuẩn bị tay nải
thì dì không cầm được nước mắt. Thảo vừa ở bệnh viện về, sức khỏe đã
dần ổn định hơn.
Cô nhìn theo chị mà nghẹn ngào nước
mắt. Nếu không bị bệnh thì giờ Thảo đã là một cô giáo. Việc học còn dang
dở thì cô mắc bệnh cứ đi viện suốt. Chị Then phải đi nuôi Thảo ròng rã
mấy tháng liền. Nếu cô không bị bệnh lâu như vậy thì chị Then cũng đã là
một cán bộ xã yên bề gia thất.
Những ngày phải rời xa con nhỏ, mẹ già
để lên thành phố nuôi em, chị Then đã tìm được công việc ôsin bệnh viện.
Và thế là nhà có tiền lo cho Thảo chữa bệnh, lại có tiền gửi về nuôi mẹ
già. Bé Hân hờn dỗi:
- Sao mẹ cứ bỏ con đi mãi thế? Ở nhà, con với bà và dì Thảo nhớ mẹ lắm.
Nhìn con gái ánh mắt trong veo, hàng
lông mày gọn ghẽ, chị Then lại nhớ đến lần tình cờ gặp người đàn ông tốt
bụng ấy. Người ấy đã giúp chị chữa bệnh cho Thảo. Họ đã có bao dự định,
vậy mà một tai nạn giao thông đã cướp mất anh.
Anh đã vội vã đi quá sớm để bé Hân chào
đời mà không được thấy mặt cha. Con bé giống anh như đúc. Trước khi đến
với anh, nhiều người bảo chị dại khờ sao không đi kiếm chỗ đàng hoàng,
kinh tế khá để người ta còn chu cấp cho, mặn mòi đằm thắm như chị thiếu
gì người mê mệt.
Nhưng vì còn vất vả lo cho em ăn học để
đỡ đần mẹ già nên chị chưa tính chuyện gia đình. Khi chị tìm được bến
đỗ thì Thảo đổ bệnh, rồi anh lại đột ngột ra đi. Tai họa dồn đến làm xáo
trộn những yên bình trong ngôi nhà nhỏ.
Bao dự định đành gác lại, chị Then đi
làm ôsin. Nhưng công việc cũng không mấy suôn sẻ. Vì cái sự đảm đang,
mặn mòi của chị cũng gây không ít phiền toái, rắc rối. Mấy lần trước đi
ôsin chị cũng khó xin việc.
Người nào cũng cảnh giác cao vì sợ ông
chồng mình quên đi trách nhiệm khi có cô ôsin tên Then trong nhà. May mà
chị đã kiếm được nghề ôsin bệnh viện. Được cái chăm sóc bà cụ này cũng
dễ chịu hơn, bị tai biến nhưng bà cụ ăn ngủ đúng giờ, chỉ không đi lại
được, con cái cũng tốt bụng quan tâm.
Hai người con cuối tuần vào thăm mẹ, họ
cũng quan tâm chứ không hay hạch sách như nhiều nhà khác. Thế rồi bỗng
dưng bà cụ bị tai biến tái phát. Cụ mất đồng nghĩa với việc chị Then
không còn việc ở gia đình đó nữa.
Cả nhà đi làm rồi còn trông ai bây giờ.
Dù rất quý mến chị Then nhưng chị đành ngậm ngùi chia ly. Cô Vân, chú
Tân vẫn ghi địa chỉ của chị, nói ít nữa cần nhất định lại tìm đến chị.
Chị Then lại đến một nơi ở mới, làm việc cho nhà chủ mới rất bận rộn.
Vì gia đình kinh doanh, chị phải nấu
nướng cho đại gia đình và kiêm việc trông thêm em bé 2 tuổi. Công việc
bận rộn, chủ nhà lại quá khó tính, chê chị đủ đường rồi tìm cách đuổi
khéo chị đi.
Cũng may chị Then lại gặp được gia đình
cậu chủ Tôm, cả nhà đều nhân hậu, tốt bụng, không phân biệt chủ với
người làm. Cuộc sống có sự tôn trọng lẫn nhau nên chị Then cũng cảm thấy
thoải mái và có phần yên tâm với công việc của mình.
Những lúc gia đình có việc gấp, vợ
chồng chú Hiếu, cô Mai đều thu xếp, bố trí cho chị về quê thu xếp ổn
thỏa rồi lại tiếp tục. Cuộc sống những tưởng cứ trôi đi suôn sẻ như vậy
và chị Then cũng thấy cuộc sống đỡ bi quan.
Sức khỏe dì Thảo cũng dần ổn định hơn,
bé Hân lớn hơn một chút, cũng biết giúp bà, giúp dì việc nhà. Ngồi nghĩ
mà chị ứa nước mắt vì nhớ con, thương em, thương mẹ. Bé Hân bé bỏng,
ngoan ngoãn đáng yêu là thế đã phải xa mẹ mấy năm.
Hơn một tuổi, nó vẫn hàng ngày quen ấp
mặt vào bầu sữa mẹ vậy mà lúc ngực còn căng tức sữa chị đã phải rời con
bé lên thành phố xa lạ nuôi em nằm viện, rồi chị phải làm đủ công việc
để kiếm tiền lo cho mấy bà cháu nhưng cũng không đủ, vì số tiền mổ cho
dì Thảo phải vay hoàn toàn, lại còn tiền thuốc thang.
Thế rồi chị gắn bó với nghề ôsin nên ở
nhà cũng ổn định hơn. Hy sinh thân mình chị chả tiếc, chỉ thấy nhớ
thương con. Nhớ đôi môi mọng đỏ còn đang ngậm bầu sữa mẹ nóng hôi hổi mà
chị không nỡ dứt nó ra. Nhưng chị không thể không đi.
Nhớ những ngón tay mũm mĩm của nó vẫn mân mê ngực áo chị, nhớ những sợi tóc tơ khi chị cọ vào mặt nó.
Đôi mắt trong veo cứ nhìn chị không
hiểu tại sao. Lúc ấy nó mới bắt đầu tập đi, được mấy bước ngồi phịch
xuống, thế mà như cảm nhận được điều gì nó luống cuống bò vội theo chị
như thể chị sẽ xa nó lâu lắm. Vậy mà chị xa nó lâu thật. Chị thèm cái
mùi thơm từ hơi thở mùi sữa của nó, muốn được ấp con vào lòng mà hít hà,
âu yếm.
Thấm thoắt, con bé đã 6 tuổi. Tủi thân,
có lần về ra trường mầm non đón con. Cô giáo gọi Hân ra mẹ đón về. Con
bé ngơ ngác ra ngoài hiên rồi lặng lẽ đi vào. Lần ấy chị đi lâu không
về, con bé đã không nhận ra chị. Không hiểu tại sao lần này, chị lại mất
việc.
Khác những lần trước, người không đồng ý
cho chị ở lại chính là cậu chủ mà chị hết mực yêu quý như con mình.
Chiều nay chị về. Chị ôm bé Hân thật lâu như để bù lại những tháng ngày
xa cách. Nó vui mừng lắm vì nghĩ chị sẽ về hẳn với nó. Nhìn ba bà cháu
mà chị Then ứa nước mắt.
Trời mùa đông không có nắng, mưa rét u
ám phủ kín lối về. Những hạt mưa mùa đông đang bay, cây cối khô cằn,
những hạt mưa phủ đều trên mái ngói bám đầy rêu ngả màu nâu thẫm, ở giữa
những khe nhỏ mưa đọng lại lâu lâu lại nhỏ thành giọt rơi xuống bậc hè
như những giọt nước mắt của người già, chậm chạp, khó khăn.
Những bông cúc mùa thu còn sót lại, khô cằn vẫn vàng thắm. Mùi thơm thoang thoảng. Mẹ bỏm bẻm nhai trầu hỏi:
- Thế công việc con Then thế nào? Độ
này kém việc hay sao mà về? Nếu khổ quá thì hết nợ rồi về với mẹ. Không
phải lo, tao biết mẹ con xa nhau lâu, con Hân nhớ mẹ, nhưng ở nhà có bà
có dì rồi, nó không thiếu tình thương.
Mày lại bị người ta coi thường hả, khổ
thân con tôi. Đáng lẽ phận mày không khổ. Chỉ vì lo cho mẹ, lo cho em.
Mày đi tao cũng lo đủ đường. Đời bao nhiêu cạm bẫy. Nghe đài ở nhà tao
biết hết. Thành phố giờ phức tạp lắm.
Dì Thảo đã nấu cơm xong. Cả nhà cùng
ngồi ăn cơm. Chị nhân hậu quá, chị mặn mà quá, chị đảm đang đáng mến quá
nên không hợp với cái nghề ôsin thì phải. Ông chủ quý mến quan tâm đến
chị quá chị cũng bị ghen tuông mất việc.
Chị chu đáo quá yêu thương bọn trẻ như
yêu con mình. Thế rồi mẹ chúng lo bị mất vị trí độc tôn số một. Thế là
chị lại được đưa khéo về quê. Vì cậu dù mới 6 tuổi đã được chị truyền
tình yêu thương và sự đồng cảm.
Cậu thương chị mà thành ra không thương
chị, làm chị mất việc một lần nữa. Cậu chủ 6 tuổi không nhận chị nữa vì
một lần đi chơi về cùng ba mẹ thăm gia đình chị, cậu chủ rất thân con
bé Hân, hai đứa quấn quýt chơi với nhau cứ ríu rít không muốn rời.
Chả biết chúng nó nói với nhau những
gì. Lúc lên xe, cậu chủ nhất định không chịu về. Thế rồi cậu một mực
không cho chị ở lại nữa. Hỏi gì cậu cũng không nói.
***
Sáng nay trên đường tới trường, ghé vào
quán phở nóng hổi trên đường, hai mẹ con tôi cùng ăn và trò chuyện.
Người ra vào đông đúc, tấp nập.
Những bát phở nóng hổi nghi ngút khói
thơm, sợi bánh phở trắng ngần gợi nhớ sự ấm áp làng quê. Tôi dường như
tạm quên đi cái giá lạnh mùa đông. Cu Tôm bảo mẹ, mẹ ơi con nhớ bác Then
lắm, con lại muốn về quê bác Then chơi nữa cơ.
- Thế sao con lại không đồng ý cho bác ở
lại, con lại nhất định không đồng ý cho bác ở nhà mình. Bố mẹ đã tìm
người mới rồi. Giờ con đổi ý à?
Tôi không hiểu tại sao con mình lại có
thái độ như vậy. Thằng bé vốn rất quý mến bác Then, bác chăm sóc từ
miếng ăn, giấc ngủ của thằng bé.
Bác lại rất hiểu tâm lý trẻ con. Mấy
hôm nay, bé Tôm ở nhà buồn ra mặt, ngủ không ngon vì bác ôsin của gia
đình nghỉ việc, về quê. Chính cậu cứ nằng nặc đòi đuổi bác. Vợ chồng tôi
gặng hỏi thế nào cháu cũng không nói.
Chúng tôi bàn nhau định hỏi cho ra nhẽ
nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng không thể hỏi trực tiếp chị Then. Từ
khi về ở với gia đình tôi, bác không khi nào để chúng tôi phải phàn nàn
về điều gì. Bác rất chu đáo, tận tình làm vợ chồng tôi rất yên tâm.
Vậy có chuyện gì uẩn khúc đây. Hỏi bác
thì không tiện, vì tôi biết bác dễ xúc động, hỏi điều gì không phải lại
làm tổn thương bác. Bác Then bằng tuổi chị tôi. Vợ chồng tôi vẫn quen
gọi chị là bác thay con. Nhiều lúc nhìn bác, tôi thấy thương vô cùng,
biết hoàn cảnh bác ở quê rất khó khăn.
Dù vậy bác luôn lo công việc chu đáo.
Tôi cũng tiếc rằng chưa có nhiều thời gian tâm sự cùng bác. Trong cảm
nhận của tôi giao bé Tôm cho bác tôi luôn cảm thấy yên tâm. Vợ chồng tôi
phải lo việc công ty, đi công tác suốt, thằng bé bám bác giúp việc lắm.
Mấy hôm nay, vợ chồng phải gác bớt công
việc, thay nhau đưa con đi chơi, dỗ dành mãi mà nó vẫn khóc lóc. Vậy mà
hỏi mãi thằng bé không nói, vợ chồng tôi đành ngậm ngùi nói khéo cho
bác Then về quê.
Ở cùng bé Tôm, bác Then luôn yêu thương
chăm sóc nhưng cũng không quên dành thời gian nhắc nhở vợ chồng tôi thể
hiện tình yêu thương với con và duy trì sợi dây gắn bó trong gia
đình. Và tôi hiểu được rằng người phụ nữ nông thôn ấy thực sự là một
người mẹ tuyệt vời.
Vì vậy, dù có bận rộn tôi vẫn cố dành
thời gian cho con, nói yêu con, hỏi về một ngày của con, xem con có gì
vui buồn để bé cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm của mình. Và thằng bé
là một đứa trẻ rất tình cảm.
Tôi cứ băn khoăn không hiểu được, không
lý giải được. Sau lần vợ chồng tôi đưa bé Tôm về quê thăm gia đình bác,
những tưởng tình thân sẽ thêm gắn kết, ai ngờ sự thể lại đến nông nỗi
này. Tôi cũng buồn thẫn thờ chứ nói gì thằng bé.
Bác Then đi, tôi cứ chòng chành như
phải rời xa một người thân yêu, một thành viên thực sự của gia đình. Tôi
băn khoăn mãi rồi cũng quyết định hỏi bác lý do tại sao. Và chính bác
cũng không biết vì sao cậu chủ lại có thái độ như vậy.
Tôi đã bảo bác đừng gọi bé Tôm là cậu
chủ nữa, nó dễ sinh thói kiêu căng, tự phụ. Nhưng bác Then không chịu,
bác bảo gọi như vậy quen rồi, chứ cậu chủ rất ngoan và đáng yêu.
***
Trời chiều, những cơn gió mùa đông lạnh
buốt. Chị Then xách làn đi chợ. Vẫn công việc cũ nhưng đến gia đình mới
làm việc, chị vẫn chưa thấy quen.
Qua trường mầm non, chị lại thẫn thờ
nhớ con. Rảo bước qua những hàng quán ven đường có mùi khói xen lẫn mùi
ngô nếp nướng thơm ngậy làm chị mường tượng khung cảnh làng quê khi xưa.
Khi còn nhỏ, mùa đông này chị cùng lũ
bạn vẫn chơi trốn tìm trong những luống ngô cao ngập đầu người. Mùi
hương ruộng đồng cây cỏ bao bọc lũ trẻ. Hoa ngô xơ xác xào xạc theo gió
đồng.
Những ruộng đất mấp mô luống cày thẳng
tắp khô trắng mùa đông đang phơi ải. Cánh đồng mùa đông trầm ngâm, u sầu
để đón chờ một mùa vụ mới. Khói chiều trên bếp bay lên trong buổi chiều
nhạt nắng.
Chị nhớ những sợi khói chiều mùa đông
hôm về quê. Hình ảnh hiếm hoi mà chị không tìm thấy nơi thị thành. Cái
nét buồn buồn trong mắt Then, cử chỉ thân thương khi bé Tôm vẫn ôm chị,
sà vào lòng chị cảm thấy ấm áp vô cùng.
Chị nhớ những người thân yêu, nhớ ruộng
vườn, bậc thềm, bờ cỏ, nhớ cái nắm tay ấm áp của thời thiếu nữ trong
nắng chiều đông. Không gian phố phường đông đúc mà chật hẹp, chị miên
man quên cả lối rẽ về ngôi nhà, nơi làm việc mới.
Về phần bé Tôm, đã có người giúp việc
mới nhưng dường như cả nhà không ai quên được bác Then. Cu Tôm buồn,
thẫn thờ. Tôi thương con mà không biết làm thế nào. Khi mẹ con đang ăn
tối, bỗng cu Tôm bảo tôi:
- Mẹ ơi, con nhớ bác Then lắm.
- Sao mẹ không cho bác Then đem bạn Hân
lên chơi với con? Con bảo rồi mà bác Then không chịu cho bạn ấy lên.
Hôm về quê, bạn Hân bảo nhớ bác Then lắm, bạn không muốn cho bác đi nữa.
Con đã hứa với bạn ấy rồi.
- Tại sao con lại làm như vậy?
- Vì con thương bạn Hân. Bác Then hư,
không ở nhà với bạn Hân, bỏ bạn ấy ở nhà buồn. Bạn Hân nhớ mẹ nên hay
khóc lắm. Đêm nào bạn ấy cũng mơ thấy mẹ. Con không muốn bạn Hân khóc
nên không cho bác Then ở nhà mình nữa. Nhưng giờ con lại nhớ bác Then.
Tôi ngỡ ngàng không biết làm thế nào bây giờ?
***
Chiều nay, trên đường đi làm về, tôi
gặp lại chị. Tôi vội vàng đuổi theo mà không kịp. Chị khuất vào dòng
người. Vậy là chị vẫn trong thành phố này.
Ánh nắng lấp lánh buổi chiều mùa đông
đang hắt lên ấm áp. Tôi đã không nghĩ đứa trẻ 6 tuổi, không nghĩ con
trai mình lại biết quan tâm đến người khác như vậy. Đức tính ấy có lẽ
cũng ảnh hưởng một phần từ cách chăm lo của chị đối với thằng bé.
Vợ chồng tôi cũng đã quan tâm đến gia
đình, hoàn cảnh chị Then nhưng tôi đã không nghĩ đến chuyện những đứa
trẻ phải xa mẹ sẽ buồn như thế nào? Tất cả tình thương yêu con chị đã
dành cả cho bé Tôm nhà tôi.
Tôi cứ trôi theo dòng người, theo cái
dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn ấy mong tìm thấy chị. Chắc chị đã rẽ vào ngõ nào
đó trong thành phố này rồi. Tôi vẫn thấy những tia sáng mùa đông hắt
lên những ngôi nhà cao tầng, nơi phía chiều không tắt nắng!