Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

NTV 22 - Hương trà sen



Bây giờ gần 4g sáng ,bên ngoài mưa rơi tầm tả từ suốt đêm !!
Thôi cũng xin mời Bạn cùng ta nhấp chén chè sen cho vơi bớt ưu phiền
Hương sen toả mang niềm thương đầm ấm !!!
Tình Khúc Chiều Mưa - Elvis Phương
Chỉ từng hớp nhỏ cho sen đượm ,
Vớt lại trần ai một chút Ta....!




    HƯƠNG TRÀ SEN.....

Bình minh sắp đến vắng tiếng gà,
Mượn máy gởi lời tâm sự xa
Tịch mịch dưới đèn người đối bóng.
Nhấp chén trà sen, ta với ta.
KiM
                              
Nhấp chén trà sen toả ngát hương !

Dặn lòng : duy chỉ một tơ vương,

Như sen thơm ngát- Tình trong sáng,

Nâng chén mời người "quy cố hương" !!!


Cố hương ,thơm ngát chung trà mới,
Thấm đậm duyên tình bạn cố tri.

Ra đi những tưởng vô kỳ ngộ....

Thưởng trà quên hết lúc chia ly !!!
 Nam Mai
                                                




******



Hương hoa sen là những gì tinh tuý nhất của trời đất tụ lại. Vì vậy, chè ướp sen là một vật phẩm quí giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý.

Theo Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) thì "cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, tua sen, hoa, lá... đều là những vị thuốc hay". Ở nước ta, không biết cây sen có tự bao giờ. Chỉ biết đâu đâu cũng thấy bạt ngàn hoa sen. Từ miền núi, trung du đến đồng bằng, nhiều nhất là ở Ðồng Tháp Mười, vùng đồng trũng Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng. Song tuyệt nhất vẫn là sen Hồ Tây, đặc biệt là vùng Ðồng Trị, Thủy Sứ thuộc làng Tây Hồ (Quảng Bá). Bông sen nơi đây rất lớn, hương thơm ngát, mỗi bông cho từ 90 -100g gạo sen. Những hạt gạo sen trắng tinh nằm trên những tua hoa thanh mảnh, màu vàng rực.
Hoa sen thường nở vào lúc bình minh. Khi mặt trời còn chìm trong sương sớm, hoa hàm tiếu (ngậm cười) chờ đợi. Và khi những tia nắng đầu tiên bừng chiếu, hàng triệu đoá sen hồng hé nở toả hương ngây ngất cả một vùng trời. Ðúng lúc ấy, những nông phu chống sào đẩy thuyền lướt trên mặt hồ, hai tay nâng niu từng bông nhẹ nhàng đặt vào khoang thuyền. Cho đến khi lòng thuyền đầy ắp hoa, họ chống sào cập bến, sen được đưa nhanh về nhà. Khi ướp, người ta rải một lớp chè rồi một lớp mỏng gạo sen, rồi lại một lớp chè, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết chè. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Chè và gạo sen được chứa trong một "chiếc quả" (dùng để đựng cau và các lế vật cưới xin). Thời gian ướp tùy thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 đến 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Chè đã sàng loại xong được cho vào một chiếc túi bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh chè đã khô, hương sen quyện vào chè thì bỏ ra.Lại ướp một lần sen thứ 2, thứ 3, thậm chí thứ 4, thứ 5 tùy thuộc vào sở thích của người uống trà đậm hay nhạt. Sen càng luyện vào cánh chè, càng ướp nhiều thì chè càng thơm.
Trung bình, mỗi cân chè ướp cần từ 800 – 1000 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi kg chè sen được đổi bằng 2 - 3 chỉ vàng mà người sành chè vẫn nao nức tìm mua bằng được. Những sớm ban mai, những buổi chiều tà, gặp người tri kỷ, thủ thỉ tâm tình bên ấm trà sen hương đượm, có chốn bồng lai tiên cảnh nào bằng? Cái tinh của trà sen, cái hương thơm ngọt ngào, trong trẻo của nó sẽ làm cho hồn người thư thái, có thể tẩy được bụi trần, rửa được lòng tục. Người kén trà, trà cũng kén người. Những bậc chính nhân quân tử, những tao nhân mặc khách, những thiếu phụ thùy mị đoan trang... mới có "duyên" gặp gỡ, thưởng tách trà sen. Ðó là sự gặp gỡ, hòa hợp của những tư chất, tâm hồn trong sạch, thanh tao. Và kỳ lạ thay khi mỗi cánh chè, mỗi dòng hương là cả một dòng tinh túy của đất trời, của con người tụ lại.
Nâng chén, mời anh thưởng vị trà
 Ðừng quên tan tác mấy đời hoa
 Chỉ từng hớp nhỏ cho sen đượm
 Vớt lại trần ai một chút Ta...

Cuối tuần, xin nâng chén trà thơm thân mời chúng ta cùng thưởng thức !!!......NM
Image
 Detail
 Nắng Chiều 
Mời bạn uống trà !!
Nâng chén trà lên, ta uống đi !
Nhớ thương kỹ niệm thuở xuân thì ?
Cố quên khó nhọc thời gian khổ,...
Vui với cuộc chơi, thắc mắc chi ?
 
Mỗi sát na là vĩnh cửu thôi,
Kỹ niệm xưa đẹp, thoắt xa vời....
Trôi vào miên viễn không còn nữa !!
Khi không tồn tại buông tay xuôi ?

Gian nan khó nhọc, là tia lửa,
Đã giúp trui rèn ý chí thêm.....
Nâng chén trà lên, ta uống cạn,
Vui với sát na : ta đứng lên.....

Thú vui tao nhã, nguồn chân lý,
Nhìn ngắm, lắng nghe với cuộc chơi....
Thanh thản an vui, lòng đạm

Thong dong vui với đoá mai cười ...
NM


Trà

Tôi thích trà. Cà phê đắng và thơm. Trà nhẵn và thanh. Từ nhỏ tôi đã không sợ đắng, kỳ cục hơn là tôi rất thích uống thuốc, vì lúc bé mỗi lần uống thuốc xong tôi sẽ được cho một viên kẹo ngọt; có lẽ vì vậy mà tôi ấn tượng rằng sau cái đắng nhất định sẽ là cái ngọt cho nên tôi thích vị đắng của cà phê và vị nhẵn của trà, bởi điều tôi thật sự muốn chờ là cái hương thơm nồng nàn và cái vị thanh thanh của hai thức uống đó. So với cà phê, có khi tôi khoái uống trà hơn, bởi vì tôi có thể tìm ra nhiều người thích uống cà phê giống mình nhưng khó kiếm được một người chịu ngồi tĩnh tâm thưởng thức chung trà cùng tôi. Im lặng với một số người dường như là điều rất đáng sợ. Cũng may, tôi còn một người bạn chịu đi uống trà và đàm đạo với tôi.
    Tịnh Trà Quán nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giữa hai cửa hàng bán đồ điện tử, phía sau một con hẻm nhỏ mà nếu không để ý kỹ bạn sẽ khó lòng tìm ra. Đúng với cái tên của nó, nơi đây chỉ chuyên bán trà và hoàn toàn yên tịnh. Cách chủ nhân buông những tấm mành trúc mỏng khiến từng bàn giống như lọt thỏm vào một không gian riêng biệt, dù đó chỉ là cảm giác thoáng qua, bởi vì ai cũng có thể thấy một cách mờ mờ ảo ảo những người ngồi ở bàn kế bên mình; mà khái niệm mờ mờ ảo ảo lại khá mông lung, có thể cho là thấy cũng có thể cho là không thấy, không hiểu sao lại là điều tôi thấy thích thú nhất ở Tịnh Trà Quán.
    Hai đứa ngồi vào bàn, cô phục vụ mang ra ba quyển sách. Một quyển giới thiệu các lợi ích của việc uống trà; một quyển trình bày cách thức pha chế trà cũng như hướng dẫn khách thưởng thức trà sao cho đúng điệu; một quyển là nhật ký của quán với chuyện kể, đoản khúc, tạp văn được viết từ tay của rất nhiều người. Cô phục vụ lui ra. Hai đứa nhìn nhau, cười. Thanh kéo tôi lại nói thật nhỏ giọng.
    - Uyên nghe tiếng đàn piano hông?
    - Có mà như không có, thấy xa xôi như từ cõi nào đó vọng về vậy.
    - Ừ, thấy hay.
    Lại im lặng. Nơi đây đúng là tịnh, nó cho người ta cảm giác... tốt nhất là đừng lên tiếng mà nếu muốn nói, chỉ nên dùng hơi trong cổ họng. Thanh lại thỏ thẻ, tiếng nghe tiếng không.
    - Thanh sắp đi rồi.
    - Đi đâu?
    - Mỹ.
    - Là anh Dũng?
    - Ừ.
    Nhà Thanh có 4 chị em gái, tất cả đều tên Thanh. Chị hai là Ngọc Thanh, kế là chị Phách Thanh, rồi đến Thanh _ Băng Thanh và cuối cùng là bé út Tâm Thanh. Tôi hay cười bảo:
    - Nhìn vào nhà Thanh thấy chói cả mắt, toàn màu xanh.
    - Uyên còn chưa biết, đàn ông trong nhà Thanh lại toàn tên Dũng.
    - Thiệt?
    - Thật. Chồng của chị Hai, bồ của chị Ba, bạn của bé út rồi anh Dũng của Thanh đều tên là Dũng.
    - Ngộ hen.
    - Hổng phải ngộ, chắc vì ba Thanh tên Dũng, ấn tượng về ba trong lòng 4 chị em đều rất sâu đậm nên khi nhìn một người con trai trùng tên với ba, cảm giác thấy gần gũi hơn.
    Ba Thanh mất cách đây 8 năm, vì lao lực mà kiệt sức. Kể từ ngày đó, mọi chuyện trong gia đình do chị Ngọc Thanh quán xuyến hết. Chị là một người trầm lặng, kiệm lời nhưng chân tình, tháo vát và khéo cư xử. Chị giỏi giang đến độ kéo được anh Hoàng Dũng chịu về ở rể, mà cũng nhờ tài kinh doanh của anh nên nhà Thanh mới thôi khốn đốn.
    Tuy vậy, người thông minh xinh đẹp nhất nhà lại là chị Phách Thanh. Chị là người có ý chí, có nghị lực, tràn đầy tự tin, xông xáo và chưa bao giờ chịu quỵ ngã. Những ngày đám tang ba, cũng là chị lo chuyện giấy tờ và những thứ cần thiết khác. Nếu chị Ngọc Thanh là mẫu vợ hiền đảm đang vun vén chuyện trong nhà thì chị Phách Thanh là hình ảnh người phụ nữ thành đạt bên ngoài xã hội. Ai cũng phải công nhận, chị là người cực kỳ hấp dẫn. Trước nay, những chàng trai xuất hiện trong nhà Thanh đều vì chị mà tới cả. Thậm chí, anh Dũng của Thanh bây giờ cũng là một trong những cái đuôi của chị Phách Thanh ngày xưa.
    Họ từng một thời bên nhau, không hẳn là yêu, chỉ là bạn thân, bạn học chung thời Đại học. Anh Dũng yêu chị rất chân thành còn trái tim chị lại chưa từng lỗi nhịp, chỉ thoáng rung động vài lần. Họ chưa là gì của nhau nhưng ba má anh Dũng đã vội lên tiếng ngăn cản và chê bai hoàn cảnh gia đình Thanh.
    Chị Phách Thanh là một cô gái có lòng tự ái cao, chị tuyệt giao với anh; hơn thế, đã thốt ra những lời kiêu ngạo khiến anh bị tổn thương. Lần đó, anh dứt bỏ mọi hoài bão, đồng ý theo gia đình qua Mỹ định cư, chấp nhận trắng tay xây dựng lại từ đầu. Mấy năm sau, khi bình tĩnh lại, anh nhận ra vẫn còn yêu chị nên vội viết thư về. Chị lại không có nhà.
    Là một người cầu tiến, chị không muốn nương tựa vào ai để sống, càng không muốn người ta nhìn mình như loài thực vật ăn bám để vươn lên, chị nổ lực bằng tất cả sức mình và chị đã thành công, chị có được cơ hội đi du học ở Đức. Một mình chị lên đường, không cho ai hay, chỉ có Thanh được biết. Buổi tối, chị đến nhờ Thanh sáng mai nói tiếng xin lỗi với mẹ dùm chị. Chị không cho Thanh khóc cũng không cho Thanh nói bất cứ điều gì. Hai chị em chỉ im lặng nhìn nhau, rồi chị đi. Bất ngờ là mẹ Thanh đón nhận tin ấy hoàn toàn không có chút ngạc nhiên. Bà chỉ vỏn vẹn hỏi một câu: "Chị con đi lúc mấy giờ?". "Chuyến bay 10 giờ sáng." Bà nhìn đồng hồ "Vậy là nó bay rồi." Thanh biết mẹ phải cố gắng kìm nén nỗi đau trong lòng, bởi vì bà cũng như Thanh, là người có trái tim mềm yếu nhưng cũng như chị, bà là người không bao giờ gục ngã.
    Chính Thanh đã trả lời những bức thư của anh. Ban đầu vì không nỡ thấy anh khổ sở trong sự chờ đợi, sau đó, Thanh thấy chuyện ngày trước lỗi đâu phải do anh, chính anh cũng là nạn nhân. Thanh viết thư an ủi, hy vọng giúp anh quên được chị Phách Thanh để tìm thấy hạnh phúc khác cho mình. Cứ thế, họ viết thư qua lại được 3 năm. Thanh bắt đầu nhận ra mình yêu anh tự bao giờ, nhưng còn anh? Anh chưa bao giờ thổ lộ điều gì.
    Thanh là người rất ít nói, không phải kiểu trầm tư của chị Hai, đơn giản Thanh là ngươi thích sự im lặng. Con người Thanh sống dựa vào trạng thái tình cảm của bản thân cho nên khi nhìn Thanh người ta sẽ liên tưởng đến sự yếu đuối mỏng manh của một chiếc ly pha lê. Thanh cũng biết mình là người dễ vỡ nhưng Thanh chưa bao giờ muốn chối bỏ thế giới cảm xúc của bản thân. Và thế giới ấy đã đưa Thanh đến với anh, bởi vì anh cũng là người sống bằng tình cảm. Họ hiểu nhau, dễ dàng thông cảm cho nhau và bất cứ lúc nào cũng có thể tiến lại gần nhau. Nhưng họ lại không dám thử vì giữa họ vẫn ẩn hiện hình ảnh của một người.
    - Tại sao? Tôi hỏi khi lần đầu nghe Thanh kể chuyện của mình.
    - Vì anh Dũng sợ Thanh nghĩ rằng ảnh còn yêu chị Phách Thanh và việc ảnh đến với Thanh là do ảnh cần người thay thế chị ấy.
    - Còn Thanh nghĩ sao?
    - Thanh không nghĩ gì cả.
    - Là sao?
    - Thanh tin anh Dũng yêu Thanh bởi vì Thanh là Thanh, Thanh không phải chị Phách Thanh. Thanh chỉ chờ giây phút ảnh vượt qua nỗi sợ hãi đó để nhận ra điều ấy thôi.
    Giáng Sinh năm ngoái, chị Phách Thanh từ Đức trở về, mang theo một người anh rể tương lai, anh Tấn Dũng. Họ hạnh phúc chuẩn bị cho tương lai của riêng họ. Dịp Tết vừa rồi, anh Dũng cũng từ Mỹ về thăm quê hương, hai người họ gặp lại nhau. Bao nhiêu nút thắt, bao nhiêu dỗi hờn, bao nhiêu tự ái đều được hai người tháo gỡ hết, giải quyết rất rạch ròi bởi thật ra hai người từng là bạn. Và Thanh biết khoảnh khắc mà Thanh chờ đợi đã đến.
    - Còn gia đình anh Dũng?
    - Họ đã không chấp nhận chị Phách Thanh đương nhiên bây giờ cũng không chấp nhận Thanh.
    - Rồi hai người tính sao?
    - Thanh không tính gì cả. Anh Dũng quyết định thôi.
    - Thế nào?
    - Một là Thanh trở thành con dâu của gia đình, hai là ảnh từ ba má luôn.
    - Dễ sợ vậy.
    - Vì ảnh nói đã tìm thấy hạnh phúc của mình rồi, ảnh cần nắm cho chắc nếu không khéo nó lại bay mất.
    - Anh Dũng nắm Thanh chặt không? _tôi nheo mắt hỏi.
    - Chặt muốn ngộp thở luôn nè _ Thanh cười hạnh phúc.
    Đó là lần Thanh báo tôi hay tin vui hai người đã đính hôn, chuyện đó xảy ra cách đây 7 tháng.
    - Bao giờ Thanh đi?
    - Sáng mai.
    Tôi sững sờ.
    - Uyên là người cuối cùng Thanh báo tin và cũng là người cuối cùng Thanh muốn nói lời từ biệt.
    - Tại sao?
    - Vì Uyên là bạn thân nhất của Thanh.
    Tôi im lặng. Bởi tôi biết, trong những giây phút quan trọng, không lên tiếng lại là cách "nói" tốt hơn cả; cũng giống như việc bạn thưởng thức trà vậy, sau khi hớp một ngụm trà, nghe cái vị nhẵn nhẵn thấm vào lưỡi, bạn thấy ngon nhưng chớ vội mở miệng, bạn phải im lặng chờ, chờ cái vị thanh thanh bay lên tận mũi, đó mới là giây phút tuyệt vời nhất.

Hoàng Uyên Đình 
 

Chuyện Người Con Gái Hoa Sen

Phim video clip tiên nữ múa hoa sen dưới nhạc nền 

Hai đoá sen hồng .....
Hai đoá sen hồng
trong nắng phai,

Cùng nhau kết bạn cõi trần ai....
Dắt dìu con trẻ nương tâm Phật ,
Nhớ mẹ cùng con viếng liên đài.....

Một lạy con dâng lòng hiếu tử,
Người quỳ chiêm ngưỡng nét Bình an....
Bây chừ mới thật là an nghĩ ,
Từ Bi soi sáng ánh đạo vàng !!

Từ đấy sen hồng toả ngát hương,
Bụi đời giờ chẳng chút vấn vương....
Cực lạc cùng nhau về chốn ấy ,
Ơ hay ! Sen chỉ thắm giọt sương !!

NM

                                        
Hoa sen giữa bụi đời       


****
    Mặc dù có một bà mẹ rất thuần thục trong niềm tin Phật, Nhạc Trọng, đứa con một của người mẹ góa, vẫn chơi bời lêu lổng từ tấm bé. Mẹ chàng trường trai, thờ Quan Âm Bồ Tát; nhưng chàng thì chỉ "thờ" một món rượu thịt, luôn luôn chè chén say sưa. Bà mẹ vì quá yêu con, không bao giờ cấm đoán ngăn cản chàng, hay ép buộc chàng theo đức tin của mình. Nhạc Trọng được tự do, nhưng cũng rất thương mẹ mặc dù đường ai nấy đi - có lẽ nhờ được tự do, mà chàng càng thương mẹ. Năm ấy, chàng được 30 tuổi, bà mẹ thấy mình không còn sống lâu, muốn cưới vợ cho chàng để khi yên bề gia thất, họa may chàng có bớt lêu lổng rượu chè. Bà hỏi ý, chàng cũng bằng lòng cho vừa ý mẹ. Nhưng vừa cưới vợ về được một hôm, chàng đâm chán ngấy một cách lạ lùng, và xin mẹ để cho nàng dâu về nhà, vì chàng chỉ muốn tiếp tục sự nghiệp rượu thịt mà thôi. Thấy chàng nhất quyết, bà mẹ đành chìu lòng, trả nàng dâu về với một lời xin lỗi, và rất nhiều tặng phẩm.
    Từ đó Nhạc Trọng được tự do trở lại với nghiệp ăn chơi lêu lổng cố hữu của chàng.
    Một hôm, bà mẹ ngã bệnh nặng, hấp hối vào lúc nửa khuya. Do một tiền oan nghiệp chướng gì không biết, bà bỗng dưng khao khát được nếm mùi thịt nướng trước khi nhắm mắt, mặc dù đã trường trai mấy chục năm. Trước cảnh mẹ lăn lộn trên tử sàng, đòi thịt nướng, Nhạc Trọng bèn đi ra, xẻo ngay một miếng thịt trên bắp vệ của mình, bỏ thêm tiêu hành nước mắm nướng lên đem dâng mẹ. Bà mẹ vừa được miếng thịt thấm môi thì tắt thở.
    Nhạc Trọng chôn cất mẹ xong, thì gặp lúc trong nước có lễ hội Vu Lan. Thiện nam tín nữ họp thành đoàn thể đi dự hội, cùng để chiêm bái một pho tượng Quan Âm lộ thiên mới khánh thành ở một ngôi chùa trên núi xa. Nhớ đến mẹ sinh tiền thờ Quan Âm Bồ Tát, Nhạc Trọng cũng thu xếp lên đường dự hội.
    Nhưng vì suốt đời chàng chưa từng tham gia những đám rước, cũng không hề lui tới chùa chiền, nên Phật tử không ai biết tới chàng, nghĩ chàng có lẽ là một kẻ phá đám nên không ai cho gia nhập. Nhạc Trọng phải đi lùi ra sau xa, ngoài lề đám diễn hành. Những kẻ ngoài lề ấy gồm đủ hạng: dân bán cà rem, bán hàng rong, dân ghiền xì ke ma túy, gái điệm, con mồ côi, trẻ móc túi, bụi đời... Chàng phải đi trong bọn người này theo đuôi đoàn lữ hành. Chẳng bao lâu, chàng kết nạp được một cô gái làm bạn đường, đó là một gái điếm đã chán đường ong bướm, muốn tìm đến một nơi thiêng liêng để an nghỉ tâm hồn. Cả hai kẻ bụi đời kết bạn rất tương đắc. Họ kéo nhau vào quán rượu trước sự mỉa mai khinh bỉ của mọi người trong đoàn hành hương. Nhưng hai người không để ý, cứ tự nhiên gọi rượu thịt cùng nhậu nhẹt. Trong khi họ đàm đạo, thì một đứa bé mặt mũi sáng sủa trong đám trẻ bụi đời đến chìa tay xin tiền. Thấy thằng bé kháu khỉnh, chàng hỏi con cái nhà ai thì nó bảo không biết, mẹ chết, nó đang đi tìm bà con thân thích để gởi tấm thân. Vì hy vọng trong đám hội toàn quốc này thế nào cũng gặp được bà con, nên nó có mang theo bức thư tuyệt mệnh của mẹ nó. Nói xong nó liền móc trong túi găm kỹ một bao thư đã nhàu, màu mực đã phai. Ðọc xong bức thư, Nhạc Trọng mới té ngữa người ra: thằng bé chính là con của chàng! Chàng kể sơ cho cô bạn biết câu chuyện. Nghe xong cô tình nguyện đem đứa bé về ở với hai người. Cô sẽ nuôi nó cho đến khi khôn lớn. Nhạc Trọng bằng lòng, nhưng giao hẹn trước:
    - Chúng ta có thể sống với đứa bé dưới một mái nhà, nhưng tôi yêu cầu nàng một điều là giữa chúng ta chỉ có tình bạn. Và một khi tôi uống rượu say thì xin nàng hãy lánh mặt đi chỗ khác.
    - Ðược rồi. Ðó cũng là ý nguyện của tôi. Tôi chỉ muốn nuôi đứa bé này làm phước, và ở với anh cho có bạn mà thôi.
    Sau khi thỏa thuận, họ tiếp tục cùng nhau lên đường, dắt theo đứa bé bây giờ là con của họ. Gần đến chùa chỉ có đoàn hành hương mới được vào cổng, những kẻ ngoài đoàn phải dừng bước ở bên ngoài, ăn nhờ ngủ đậu trong các quán xá ven đường. Nhưng tượng Quan Âm lộ thiên rất lớn, hai người có thể trông thấy từ đàng xa. Khi đến gần, hai người bất giác sụp lạy. Chàng đảnh lễ tượng, trong lòng thiết tha nhớ đến mẹ ngày xưa. Nàng chiêm ngưỡng nét bình an trong sáng của pho tượng với cành dương như quét sạch bao ô nhiễm sóng gió trong cuộc đời. Nàng tìm thấy một niềm bình an tuyệt đối, và bất giác rơi lệ. Khi ngẩng lên thì với chàng, trên ngàn cánh sen có ngàn hình ảnh mẹ, với nàng, ngàn ánh mắt Từ bi đang nhìn suốt tâm can: kể từ đây, đời họ được an nghỉ.
    Sau khi chiêm bái trở về, họ sống chung dưới một mái nhà. Ngày ngày cô gái, Quỳnh Hoa, dọn dẹp nhà cửa chăm sóc, dạy dỗ đứa bé, Nhạc Trọng thì vẫn tiếp tục những cuộc rượu chè, nhưng dần dần thưa thớt, và chàng trở nên trầm ngâm, ưa cô tịch. Trải qua ba mươi năm như vậy, một hôm chàng gọi Quỳnh Hoa vào phòng riêng, một cử chỉ chàng chưa từng làm, khiến nàng rất đỗi ngạc nhiên. Khi nàng vào, Nhạc Trọng lại còn vén đầu gối cho nàng xem mà nói:
    - Mẹ tôi sắp gọi tôi về. Tôi muốn cùng nàng từ biệt.
    Ở cái chỗ chàng xẻo thịt cho mẹ, mọc lên một cục thịt hình hoa sen nở. Quỳnh Hoa lấy tay bóp những cánh sen lại mà bảo:
    - Chúng ta làm bạn với nhau đã 30 năm, anh không chờ tôi được sao?
    Nói xong, nàng thu xếp trở về quê cũ, bán vườn tược nhà cửa, tậu một số vốn để lại cho đứa con của chàng cưới vợ, rồi trở lại bảo chàng:
    - Bây giờ, tôi đã làm xong công việc. Cám ơn anh đã có lòng chờ tôi. Chúng ta sẽ cùng về với Phật.
    Mỗi người vào phòng riêng, ngồi xếp bằng chắp tay niệm Phật vãng sinh cùng một lúc. 

Thích Nữ Trí Hải

hoa sen
TRUYỀN THUYẾT HOA SEN
Ngày xưa ở một làng nọ có 2 cô bé mồ côi cha mẹ. Hai em được một người hát xẩm đưa về nuôi. Ông dạy cho 2 em các điệu múa bài hát. Một lần cô em bị ốm, cô chị đã đốt chiếc nhẫn quý của mình làm thành thuốc thần cứu sống em.Càng lớn 2 chị em càng trở nên xinh đẹp, hát hay múa giỏi nổi tiếng khắp vùng. Trong vùng có một tên công tử khét tiếng độc ác, làm mưa làm gió cả vùng. Nghe tiếng 2 cô, hắn âm mưu bắt về làm vợ. Một hôm người cha nuôi phải đi xa, ông hứa sẽ mua tặng mỗi con 1 món quà. Cô chị xin cha một đôi hài màu trắng thêu chỉ vàng, còn cô em xin cha một đôi hài hồng thêu chỉ vàng. Nhân lúc người cha vắng nhà tên công tử đã cho người đến bắt cô chị về. Để giữ trọn trinh tiết của mình cô gieo mình xuống hồ. Quá thương chị cô em cũng theo chị. Khi người cha trở về không thấy con đâu. Ông đi tìm quanh và được biết chuyện. Đột nhiên ông ngửi thấy mùi hương thơm ngan ngát toả ra từ hồ và ông nhìn thấy trên mặt hồ nhứng bông hoa màu trắng và màu hồng. Những cánh hoa xinh xinh tựa như dáng hài; ở giữa có nhuỵ vàng như những sợi chỉ thêu màu vàng; những chiếc lá xoè to giống như nhhững chiếc nón quai thao các cô thường đội; hương hoa toả thơm ngào ngạt tinh khiết như tâm hồn 2 chị em. Người cha quá đau buồn bật khóc. Chợt 2 cô con gái từ dưới hồ hiện ra và bước lên cạnh ông. Cô chị kể lại chuyện: “Khi 2 chị em con gieo mình xuống hồ đã được bà chúa hồ thương tình dang tay đón lấy và cứu sống. Bà rất quý chúng con, muốn chúng con ở lại với bà nhưng chúng con còn muốn được về nhà chăm sóc cha. BÀ đã đồng ý cho chúng con trở về với cha và tạo ra những đoá hoa kia tượng trưng cho 2 chị em để bà luôn cảm thấy có 2 chị em bên cạnh bà. Tên hoa là HOA SEN”
 

Hoa nở về đêm

Tình Khúc Thứ Nhất 

Giọt nước mắt đêm
Sương rơi từng giọt trong đêm.
Tiếc cho lá rụng bên thềm chiều qua ?!
Hay thương cho đoá quỳnh hoa,
Muộn màng khép cánh kiêu sa lìa đời !
Sương rơi theo gió buông lơi,
Thấm vai lữ khách xa khơi muôn trùng....
Tình xưa dầu có mông lung,
Sao lòng vẫn cứ thuỷ chung thương hoài !
Cả đời Ai đuổi theo Ai ?
Một mình một bóng chờ hoài trong đêm ...
Chờ mong vạt nắng bên thềm,
Ấm hơi sương lạnh ủ mềm cánh hoa....
Hơi sương lay ánh chiều tà,
Thoáng như trong mộng người xa quay về !
Và ta như tỉnh như mê,
        Sương rơi ngỡ khóc người về trong đêm ?!
       
 NM
  Đêm cổ nguyệt đường 


Tôi chưa đọc thấy ở đâu viết rằng Xuân Hương đẹp.
    Thậm chí có người còn cho rằng nàng không có nhan sắc.
    Nhưng tôi tin nàng đẹp
    Tài năng có bộ mặt riêng vẻ đẹp riêng dù thế nào, ít gì sánh được.
    Ở làng Quỳnh không ai ưa cô gái ấy. Bọn trai làng thì cô ta coi như củ khoai. Các vị bô lão tự cho mình cái quyền chê bai người khác thì không chịu nổi con bé mới nứt mắt kia lại dám báng bổ, lẳng lơ, trêu chọc cả sư. Mấy ông đồ, ông Tú, cả ông đầu xứ Thanh Vân thì bị cô diễu bằng thơ, đặt tên tuổi khả kính của các ông vào mồm trẻ trâu để chúng rêu rao khắp hang cùng ngõ hẽm. Không làm gì được cô ta. Không anh đàn ông nào thắng nổi đàn bà huống gì người đàn bà đó lại là Xuân Hương. Và một hôm, ông đầu xứ Thanh Vân, trong một cuộc rượu thưởng hoa, khi bị mấy anh học trò hỏng thi trong vùng căn vặn về mối tình giữa ông với cô gái làng Quỳnh, đã bất ngờ thốt lên: "Vân này thèm vào ngữ cá rô đực ấy!" A! Xuân Hương chỉ có cái mã bên ngoài! Xuân Hương không phải đàn bà mà là con cá rô đực! Câu nói lúc đầu chỉ bất chợt là miếng chạy làng của ông đầu xứ đang ngà ngà. Nhưng nó nhanh chóng trở thành vũ khí cho những ai không chịu nổi cô gái làng Quỳnh. Những người đó, trước đây vẫn thường nói "cái nết đánh chết cái đẹp" của Xuân Hương nay cho rằng cái đẹp chưa từng có nên nó chưa hề bị đánh chết. Và không còn gì phải để tâm đến cô gái chanh chua, đanh đá kia vì cô ta đâu phải là đàn bà, còn cái nết thì cũng chẳng ra gì để mà châm chước cho một cô gái đẹp mà không có gì để sinh con đẻ cái cho nhà chồng. Và thế là Xuân Hương trở thành miếng dẻ rách trước mắt những người từng theo đuổi cô, hâm mộ cô, say mê cô mà chưa hề được đáp lại dù chỉ một cái nhìn tử tế và thiện cảm. Cứ như người ta nói với nhau thì, phải tin ông đầu xứ Thanh Vân vì ông ấy mê đắm Xuân Hương và có lẽ là người duy nhất trong làng có quyền nói về chuyện đó. Vậy phỏng cô ta còn là cái gì nữa trước mắt người làng? Cái sắc đẹp nhìn thấy chỉ là trò lừa lọc của trời đất hay là sản phẩm của phù thuỷ thì cũng thế.
    Ðó là những ngày bi thảm nhất của Xuân Hương. Nàng coi nhan sắc cũng chỉ là trò đùa của Tạo Hoá, trong chiếc hộp sơn ta màu đen của nàng có nhiều thứ, nhưng không hề có một cái gương. Gương là thứ đồ dùng đắt tiền, nhưng không phải vì thế mà mẹ không mua được cho nàng một chiếc. Nàng không muốn soi gương, thế thôi. Khi giỗ Tết hay có việc đi đâu, nàng chải tóc trước tấm gương Tàu bằng đồng gán trên vách gỗ gần ban thờ. Thế nhưng cũng nhiều khi nàng dừng lại một vũng nước trong vườn nhìn xuống và thấy mình đẹp. Những lúc đó nàng sung sướng, trở lại là một cô thôn nữ nhu mì, hồn nhiên. Giờ thì bọn người đó đã xua đuổi nàng, họ xua đuổi và căm thù sắc đẹp của nàng vì không mặt nào với tới được. Nàng đẹp, hiển nhiên. Giờ đây, lũ trẻ trâu làng Quỳnh xâu hạt bưởi thành chuỗi như gắp chả nướng, đốt lên làm đèn, rồng rắn trước cái cổng gỗ mít thâm nghiêm của nhà nàng, hát: Làng Quỳnh có chị Xuân Hương - Ðẹp thì có đẹp mà không... và những tiếng tục tĩu lộn mửa ngụ ý nàng chỉ là một thứ không dùng để làm gì. Ai đã làm ra mấy câu vè con cóc thô bỉ ấy, nàng không thèm biết, thèm chấp. Cái hĩm Xoan, nửa bạn nửa người hầu, con gái một ông tá điền đã mấy đời bảo người làm ra mấy câu vè ấy là ông đầu xứ Thanh Vân. Nàng không tin. Nàng nghe nói Thanh Vân có nói gì đó trong bữa rượu thưởng hoa quỳnh. Ðó là nói trên chiếu rượu, do sĩ diện với lũ bạn lêu lổng và cũng còn do nỗi đau khổ tận cùng trong trái tim ông ta nữa. Bạn bè của ông ta nhiều kẻ vô tướng bất tài. Nhưng ông ta thì không đến nỗi. Nàng biết, ông đầu xứ yêu nàng mê mệt nhiều năm nay. Ông ta chịu đựng những bài thơ và lời ong châm của nàng như một con trâu điếc, quỳ gối trước mặt nàng nếu nàng chịu vỗ về ông ta dù chỉ bằng một ánh mắt. Ông ta không phải người có tâm địa dí nàng xuống đất để lấp liếm sự bất tài và lòng dạ xấu xa, đạo đức giả vờ. "Trong bụng họ toàn cứt trâu!" Chính ông ta bảo Xuân Hương thế. Nàng cắn răng chịu đựng đòn thù tuy trong bụng cũng núng, không biết thoát ra khỏi cái giỏ cua đồng nầy như thế nào đây.
    Thế rồi, thân phụ mất. Ðại tang trên trời rơi xuống. Trong nhà chồng không ai để mắt tới phận lẻ mọn của mẹ nàng và đứa con côi. Chỉ còn tính nước về quê ngoại xứ Bắc, miếng đất trồng hoa ven La Thành. Cũng là dịp may để trốn khỏi miệng lưỡi những kẻ tiểu nhân không có tài cán gì hơn là đố kỵ tài thơ và thù ghét cái Ðẹp. "Mẹ con mình ở lại đây thì làm sao con có chồng!", mẹ nói. Bà đã khổ một đời vì cảnh chồng chung. Vậy mà vẫn làm mọi việc để con gái bà có chồng. Mẹ nàng là thế.
    Thăng Long từ đó có Hồ Xuân Hương, người đẹp Cổ Nguyệt Ðường.
    Trong những ngày tao loạn thời Lê mạt ấy, kinh thành như một phiên chợ họp trái phiên. Lính tráng cướp bóc giữa ban ngày còn tiếng chuông chùa Trấn Quốc thì loạc choạc lúc có lúc không. Xuân Hương bước xuống thuyền thúng, cầm mái dầm đẩy nó vào đám sen. Búp sen, gương sen và cả lá sen đều bán được. Nàng cúi nhìn khuôn mặt mình trong nước hồ Tây, rùng mình. Vó câu qua cửa sổ, người xưa nói thế mà đúng. Nhà có u già giúp việc nhưng u không hái sen, đi chợ được nữa. U hết sức rồi. Hai mẹ con mang u từ Quỳnh Lưu ra đây sau khi cha mất, gọi là để trả ơn đền nghĩa u nuôi nàng từ tấm bé. Ba miệng ăn mà chỉ trông vào mấy sào đất trồng dâu, trồng hoa. Sen thì mẹ nàng thầu được một đám của phường Khán Xuân, cũng có việc cho nàng trong suốt cả mùa hè. U Nghĩa cứ đòi về quê, Xuân Hương can: "Ai nuôi u ở cái xứ gió Lào ấy? U về làm gì?" U nói: "Nhà toàn đàn bà. Tôi đi để bớt được một người" Xuân Hương hiểu ý u. Nàng nói: Con bắt một thằng rể về cho nó hầu mẹ với u!" U Nghĩa nguýt: "Người ta cùng lứa đã có nơi có chốn cả rồi. Ðằng này..." Nàng biết trên đời này chỉ có u là kiêu hãnh vì tính nết khác người cũng như sắc đẹp và tài thơ của nàng. U không học chữ, không tụng kinh. Nhưng u hiểu nàng. Mẹ thường trách mắng nàng vì những trò tinh quái, những bài thơ độc mồm độc miệng, trách thật sự, lo gia phong bị hoen ố. U Nghĩa thỉnh thoảng cũng hùa theo mẹ mắng nàng. Nhưng miệng thì mắng mà nụ cười trên môi u như tự hào, như ngầm bảo:"Con này giỏi!" Ðầu xứ Thanh Vân mê nàng, nhưng không hiểu nàng. Một kẻ si tình vụn, đống lửa rơm trước ngọn lửa ma quái trong đôi mắt lá liễu bí ẩn của nàng. Cái đống rơm mục ấy cháy được bao lâu?. Còn lũ đạo đức giả ở làng Quỳnh thì chẳng chấp làm gì. Suốt đời họ tranh nhau miếng bê thui, cái đầu gà giữa đình hay giết nhau, thù ghét nhau đến mấy đời vì chiếu trên chiếu dưới. Chính họ đã xua đuổi mẹ con nàng ra khỏi quê hương. Vì sao? Chẳng vì sao cả. Chỉ vì nàng là Xuân Hương mà không phải là họ, thế thôi.
    Những bông sen nở sẵn như chào đón người đẹp đang lách chiếc thuyền câu vào giữa rừng sen. Sương buổi sáng đọng thành vũng giữa dốn lá, thỉnh thoảng lại đổ xuống mặt nước ào ào như trời mưa. Tay bơi dầm, tay hái hoa, Xuân Hương tự xoay người, đưa ngực ra gạt đám cọng sen đổ nghiêng lên vai. Cái yếm đũi ướt sũng. Chỉ một lúc, hai cái giỏ đựng hoa trong chiếc thuyền con đã gần đầy. Ðôi gò má của Xuân Hương đỏ hồng, mồ hôi lấm tấm. Nắng đã lên. Trong đám sen ven hồ phía xa là thuyền các cô hàng xóm lúc ẩn lúc hiện. Xuân Hương bơi thuyền ra một chỗ trống, nước lặng như tờ, một đàn sâm cầm bay vụt lên. Chúng hút mắt nhìn về phía dãy Tam Ðảo lờ mờ trên làng Quảng Bá. Nàng cúi mình xuống giém tóc. Hình như hoa biết mai là ngày vọng, vừa phong nhuỵ chúm chím, hoa nở cũng nhiều mà gương cũng nhiều. Khéo phải oằn lưng mà gánh ra đầu Yên Phụ, sẽ có lái trong phố ra, bao nhiều họ cũng mua hết. Chợt nàng nhớ ra bó hoa sen phải dành tiến ông huyện Thọ Xương. Ông ta, một người để bộ ria mép cá trê đen nhánh, si tình và thích nhũng nhiễu. Nhưng mẹ con nàng chịu ơn ông ta từ ngày ra Thăng Long, những ngày tứ cố vô thân, bên ngoại nghèo rớt, chỉ còn mỗi miếng đất cằn. Ông ta muốn nàng về làm lẽ. Làm lẽ! Tại sao từ trước tới nay, ai đến với nàng cũng chỉ muốn lấy nàng làm lẽ. U Nghĩa bảo: "Vì chị đẹp, thơ chị chọc thủng lỗ tai người ta. Vợ cả phải tử tế. Vợ lẽ thì phải đẹp" Nàng cãi: "U bảo con không tử tế à?" U nguýt: "Vâng, chị hiền lành, chị tử tế !" U vẫn thường nói ngược như thế và nàng thấy mỗi ngày u càng hiểu nàng hơn, quý nàng hơn, hiểu nàng còn hơn cả mẹ nàng. Bó hoa là cái nợ Liễu Thăng thay thế cho việc nàng đã dám thẳng thừng từ chối người ơn. Thực ra thì nàng không chắc ông quan huyện có hàng ria mép cá trê đen nhánh lại yêu hoa sen đến thế. Ông đòi trả tiền, nàng không nghe. Mỗi tháng nàng "tặng" ông ấy bó hoa cho khỏi mang tiếng là mẹ con nàng không có đầu cuối. Có lần nàng nhờ con Lài đưa hoa hộ. Ông huyện nhất định không nghe. Ông đòi nàng phải tự tay đưa hoa đến. Ông không sàm sỡ, mà trọng thị. Nhiều lần ông bỏ dở chuyện công đường để vào phòng khách tiếp nàng. Xuân Hương đưa hoa, ông huyện nhận, cám ơn và nhìn nàng với đôi mắt tiếc nuối. Nhưng mỗi tháng một bó hoa. Có lẽ đến ngày Hồ Tây hết sen mới trả xong!
    - Chị Xuân Hương ơi! Có người tìm chị này!
    Cô Lài hàng xóm gọi nàng. Xuân Hương nhìn mãi vẫn không thấy nó ở đâu. Chắc là nấp đâu đó trong đầm sen. Nàng nhóng mắt, ngơ ngác hướng về phía tiếng gọi, tìm kiếm. Bỗng từ trong đám sen nhà Lài, cái mũi thuyền nhô ra. Ðầu thuyền một người đàn ông ngồi, lấy tay che mắt vì chói nắng. Chiếc thuyền lộ dần và nàng nhận ra Nguyễn. Ông quan võ hôm nay mặc áo lương, khăn đóng, hai tay cho vào dưới vạt áo. Mắt ông ta nhìn nàng háo hức và tinh nghịch như một chàng trai xứ Nghệ đi hội làng. Nàng nhớ lại hôm ông ta giải thoát nàng khỏi mấy tay học trò quỷ quái bên hồ Tây, hai người quen nhau và nàng có lời mời ông ta đến nhà chơi. Mẹ nàng rất mừng, nhận ra cậu ấm Du con quan quận công làng Tiên Ðiền vốn trước đây có quen biết thân phụ bà ở Kinh Bắc. Từ đó hễ có việc về Thăng Long là Nguyễn đến thăm nàng. Lúc đầu, khi thấy ông xoắn xuýt mình, nàng xù lên như xưa nay vẫn thế. Nhưng vẻ dịu dàng thật đặc biệt của Nguyễn với nàng, sự hào phóng chàng dành cho cảnh nhà bần hàn của mẹ con nàng đã nhiều khi làm nàng cảm động. Tình cảm nàng thay đổi lúc nào không hay. Nàng mềm mại, yếu đuối hơn chứ không đáo để như chính lời nhận xét ban đầu của Nguyễn. Và Xuân Hương hoảng sợ khi nhận ra điều đó. Nàng sợ nhất là tính nhẹ dạ. Khéo nàng đang nhẹ dạ.
    - Ông tìm em ạ? - nàng hỏi, ngoan ngoãn, không đanh đá, chanh chua như đối với nhiều người đàn ông khi họ đòi gặp nàng.
    - Tôi vừa ở Thái về. Nghe ông cử Hoan bảo là cô ốm, tôi đến thăm thì cụ bảo cô còn ở ngoài này.
    - Sao ông không chờ em về. Ra đây làm gì cho nắng.
    Nguyễn chăm chú nhìn nàng. Ðôi vạt áo và cái yếm ướt sũng vì sương. Hai bàn tay đen nhựa sen, có những vết cứa rớm máu. Chàng nhớ lại những dinh thự, lâu đài, những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng thời trẻ ở Thăng Long, khi thân phụ chàng, một người quảng giao, thích đãi đằng và trong nhà lúc nào cũng phải có mỹ nhân và môn khách. Nhưng liệu trong số người đẹp Thăng Long bọc trong lụa là gấm vóc và được tưới bằng rượu ngon trong lầu son gác tía ấy ai có được một thân hình và đôi mắt trong biếc, giọng nói vừa êm dịu vừa lanh lảnh và chứa một nội lực làm say đắm lòng người như cô gái hái sen đứng trong thuyền trước mặt chàng đây? Chàng không còn nghĩ tới nữ sĩ Xuân Hương với những bài thơ đầy tứ lạ, sắc sảo, vỗ mặt thói giả dối của thiên hạ mà chỉ còn lại trong lòng chàng một cô hái sen đẹp và tươi tắn, yêu đời trong nắng sớm.
    ###
    Xuân Hương phải về sớm vì nhà có khách. Nàng phải gánh sen lên dốc Yên Phụ bán vội cho một người quen, nhân thể mua ít thức ăn, trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới người khách đang chờ mình ở nhà. Nguyễn thì đang dạo quanh vườn cây cảnh bé tý. Mẹ nàng nói: "Các ông trong thành mang đến cho cả đấy. Nhưng nó có ngó ngàng gì đến đâu!" Chàng nhìn một bó hoa sen khoảng mười bông bọc trong lá sen dựng cảnh bể nước, hỏi: "Cô Hương quên bó hoa này rồi!" Bà mẹ nói:"Hoa của ông huyện Thọ Xương đấy. Rằm nào con Hương cũng phải đưa lên tận nhà tặng quan". Nguyễn thấy nhói trong ngực. Chàng nhìn bó hoa cạnh bể nước, mím môi. Một cơn giận pha lẫn ghen tuông thắt bóp tim chàng. Trong đầu chàng những câu thơ như xếp hàng lần lượt hiện ra. Chàng không thể vào thư phòng của chủ nhân để ghi lại nó và chỉ còn mỗi cách là cố nhớ lấy đừng quên mất. Chàng ngây ngất với những vần thơ đang xô đẩy nhau trong đầu mình.
    Hôm đó chàng ở lại Cổ Nguyệt Ðường. Xuân Hương như một người khác hẳn lúc sáng. Nàng đốt mười hai cây nến trong phòng khách nhà ngoài, cho trầm vào một cái đỉnh cổ nhỏ xíu. Rồi trải lên bàn một tờ hoa tiên, nói: "Nghe ông Tú Tiên Ðiền có thư pháp của họ Vương. Xin ông Tú một bài thơ cho hai mẹ con được thưởng thức lúc nhàn rỗi". Nàng gọi Nguyễn là ông Tú tuy ông ấy chưa hề dính được cái tú tài, cái tam trường của ông thì nàng chẳng muốn nói. Còn thư pháp Vương Hy Chi? Nàng có nghe ai đó nói Nguyễn viết đẹp, tiện mồm thì nói thế thôi chứ chưa bao giờ nàng thích treo chữ của ai trong nhà. Thân phụ nàng cũng thế. Nàng chỉ sợ những bài thơ mà Nguyễn đã một hai lần đọc cho nghe nhưng chưa lần nào chép lại cho nàng giữ. Nàng sợ cái mạch thơ sâu lắng, đau đời và trang nhã của Nguyễn. Nàng tự cho thơ mình trang nhã. Thơ Xuân Hương mà trang nhã? Mấy ông hay chữ quanh Tây Hồ cười nhạo với nhau về chuyện đó. Thực ra họ không hiểu đấy thôi. Những bài thơ nôm đáo để của nàng thường được bật ra khi lòng nàng quặn thắt. Nàng không thể dịu dàng trong thơ. Nhưng lòng nàng thì mong manh và mềm yếu. Ai hiểu được lòng nàng?
    Dưới ánh sáng của nến, Nguyễn muốn viết lên tờ hoa tiên làng Bưởi bài Hái sen. Nhưng chàng không thể viết xong bài thơ. Vì Xuân Hương đứng cạnh chàng, mải mê đưa mắt theo từng nét mực Tàu lần lượt hiện lên dưới tay chàng. Tấm lưng với chỗ thắt eo mềm mại mà chiếc áo lụa không che giấu nổi làm chàng bối rối. Một "phận đàn bà" đang ở bên cạnh chàng. Chữ viết của chàng bắt đầu nghiêng ngả, lộn xộn. Một vài vần thơ bị thất vận không thể bỏ qua. Số phận người con gái bên bờ Hồ Tây chỉ hiện ra trong trực giác mơ hồ của chàng, qua những bài thơ kỳ lạ người đời truyền tụng đến tai chàng, một số phận làm tim chàng tan nát. Năm tháng sẽ trôi qua và người đẹp ở Cổ Nguyệt Ðường sẽ hiểu vì sao chàng đành bỏ dở bài thơ. Chàng biết mình chỉ có một đêm để sống chứ không phải để làm thơ. Nguyễn đặt bút xuống. Trên tờ giấy hoa tiên chỉ mới có hai câu viết nét chữ thảo:
    Hoa tặng người mình sợ
    Gương tặng người mình yêu...
    Xuân Hương cầm tờ giấy lên. Nàng đọc, thấy thương mình, thương đời. Và nàng bật khóc. Lần đầu tiên nàng khóc trước mặt một người đàn ông.
    Hàng chục năm sau, khi làm quan Cai bạ ở Quảng Bình, trong một đêm giữa cảnh Tầm dương đất trích, Nguyễn Du chợt tỉnh sau một giấc mộng. Gối ông ướt đầm nước mắt. Ông ngồi dậy, bước đến án thư, mở hộp văn phòng tứ bảo ra và viết một mạch bài thơ Mộng đắc thái liên, nằm mộng thấy hái sen, một bài thơ thực ra ông đã làm nhiều năm trước bên cạnh người đẹp họ Hồ. Ngày đó đời là thực. Còn ở tuổi ngoại tứ tuần, tất cả chỉ còn là một giấc mộng. Ông chợt nhớ về một con người, một vẻ đẹp một tình yêu không bao giờ lại đến với ông nữa. Và bầu không trung êm ả bên hồ Tây như lãng đãng đâu đây.
    Còn ông đầu xứ làng Quỳnh? Có một câu chuyện truyền miệng ở vùng Quỳnh Lưu kể rằng, ông đầu xứ Thanh Vân, mãi đến bạc đầu vẫn không yêu ai, không lấy vợ và cũng bỏ luôn việc lều chõng. Ông luôn cho rằng chính mình đã xua đuổi Xuân Hương ra Thăng Long. Và khi nghe tin nàng lấy lẽ ông Hiệp trấn Quảng Yên, ông đầu xứ biến mất. Người ta đoán ông đã tìm cái chết bằng cách chui vào một hang đá ở núi Hai Vai và ở lại trong đó luôn. Chuyện này có cơ sở vì mãi tới gần đây, một người hái củi trốn mưa cả buổi trong hang đá , anh ta nhặt những thanh củi bó lại, hý hửng gánh về đi chợ bán. Nhưng khi người mua giở bó củi ra xem, phát hiện ra trong đó có lẫn nhiều khúc xương người. Người làng Quỳnh bảo đó là di cốt của ông đầu xứ Thanh Vân, người đã từng khinh suất trước tình yêu và cái Ðẹp.   
 Nguyễn Quang Thân  
 
 
Mời nghe và xem :

Hoa Sen với đạo Phật

W1280x800-0011
Hoa sen hẳn có ý nghĩa gì siêu thoát lắm, nên mới được người đời, nhất là các tôn giáo, quí trọng như thế? Cứ theo lý lẽ thông thường mà người đời nêu ra để ca tụng hoa sen chúng ta thấy nó có nhiều đức tính cao quí phi thường…
Hoa sen, tiếng Phạm là Padma (Bát mạ).
Ở Thiên trúc, sen có bốn thứ:
1) Ưu bát la hoa (Utpala): hoa sen xanh,
2) Câu vật đầu hoa (Kumuda): hoa sen vàng,
3) Ba đầu ma hoa (Padma): hoa sen đỏ,
4) Phân đà lợi hoa (Pundarika): hoa sen trắng.
Riêng về hoa Phân đà lợi còn tùy ba thời nở của nó mà có tên khác nhau. Khi chưa nở gọi là Quật ma la (Mukula), khi nở rộ mới chính là Phân đà lợi, còn khi nở rồi và sắp tàn thì gọi là Ca ma la (Kamala). Hoa sen là một thứ hoa được đời yêu quí, nhất là trong giới Phật tử, hoa sen được dùng cúng dường và làm chỗ ngồi cho chư Phật. Chẳng riêng gì giới Phật tử quí trọng hoa sen mà cả trong đển thở, trong nghệ phẩm thời cổ, hoa sen còn được dùng làm để tài trang trí. Như ở Ai Cập cách nay 5.000 năm, hoa sen là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật hội họa và điêu khắc.

I. Đức tánh của hoa sen

1) TÁNH KHÔNG NHIỄM

Cây sen là một loại cây mọc dưới bùn lầy dơ bẩn nhưng có tánh không nhiễm ô. Đó là một đức tánh cao quí không thể tìm thấy ở các loại cây khác. Thế nên nó được người đời ca tụng về tánh vô nhiễm ấy, như câu ca dao mà ta thường nghe :
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại che nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Trong sách nho, người quân tử được ví với viên bạch ngọc ở trong bùn mà không hoại sắc, còn trong nhà Phật thì kẻ tu hành được vi với hoa sen, cũng vì cái tánh không nhiễm ấy.

2) TÁNH TRỪNG THANH

Ngoài tánh vô nhiễm, mọc trong bùn mà không nhiễm bùn, cây sen còn có đức tánh, hễ mọc nơi nào thì làm cho nước đục nơi đó lóng trong. Đã không nhiễm mà lại còn biến cải hoàn cảnh chung quanh mình thì hoa sen có thể sánh với đức tánh cảm hóa của người tu hay người quân tử

3) HƯƠNG VỊ THÙY MỊ

Hoa sen có một hương vị đặc biệt khác hơn các loại hoa. Có thứ hoa có sắc mà không hương; có thứ hoa có hương mà không sắc. Đến như hoa sen thì hương sắc đều gồm đủ, nhưng về hương thì mùi thơm của hoa sen rất dịu, rất thùy mị, gây nơi người ngửi nó một tinh thần cao thượng, khác hơn hương hoa hường quá nồng, hoa dạ lý hương quá gắt, kích thích những ý nghĩ về dục lạc, còn về sắc thì hoa sen đểu đặn nhất, ngoài hợp những tai hoa hoặc trắng hoặc hồng, trang điểm thêm những nhụy vàng rất xinh xắn, trông vừa kín đáo vừa đầm thấm, như hạnh của người tu, không lả lơi hay khêu gợi như các hoa khác.

4) TÁNH TINH KHIẾT

Trong các thứ hoa, có thể nói hoa sen là trong sạch hơn hết, từ khi hoa nở cho đến khi hoa tàn, chẳng hể có bướm ong bén mảng, không như hoa hường, hoa lan, hoa cúc, hoa thọ… tấp nập rủ bướm quấn ong, con thì giữa hoa, con thì hút mật, làm cho các tai hoa bần nhơ những phấn bụi. Bởi hoa sen tinh khiết như thế nên được người đặc biệt chọn để cúng dường ngôi Tam bảo.

5) TÁNH CỐ GẮNG VÀ KIÊN NHẪN

Ngoài các đức tánh thanh bạch, vô nhiễm, cây sen còn có đức tánh cố gắng và kiên nhẫn. Hãy xem sự sinh thành của cây sen sẽ thấy, không giờ phút nào sen không cố gắng và kiên nhẫn chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn.
a) Hạt giống để lâu không hư – Trong các hạt giống, có thể nói, hạt sen giữ lâu đã không hoại mà vẫn còn duy trì mầm sống mãi mãi, có lẽ nhờ các vỏ cứng bên ngoài bao bọc. Nhiều cuộc thí nghiệm đã chứng minh đểu ấy. Như từ năm 1843 đến năm 1855, ông Bobert Brown, nhà thảo mộc học nước Anh đã đem ương những hạt sen hái từ 150 năm về trước. Trong 16 hạt có đến 14 hạt mọc mầm đâm tược. Năm 1942, Bác sĩ J. Bamsbattơm đem thể nghiệm những hạt sen hái từ 237 năm, đều thấy kết quả không kém. Sau đó, bác sĩ Ichiroohga nhà thảo mộc học nước Nhật, đem ương những hạt sen độ 400 năm, đào được ở Mãn Châu, vẫn thấy mọc lên tươi tốt.
Những cuộc thí nghiệm ấy đủ cho ta thấy hạt sen, dù để lâu vẫn giữ mầm sống của nó không ủng, có thể ví với hạt giống (chủng tử) của các nghiệp tàng ẩn trong tạng thức, một khi gặp đủ nhân duyên thì phát triển rất mau.
b) Từ trong bùn mọc lên - Khác hơn nhiều loại cây, thường mọc trên khô cạn, cây sen mọc trong bùn, sâu dưới đáy nước. Cái mầm phá cho được cái vỏ cứng để chui ra, đã là một sự cố gắng lớn lao và nhiều kiên nhẫn; nhưng khi chui ra được rồi, ngó sen còn phải cố gắng vượt cho hết lớp bùn hôi tanh để ngóc đầu ngoi lên trong nước.
c) Vượt qua lớp nước sâu – Tuy từ bỏ lớp bùn đất nhơ bẩn vượt lên trên mặt nủởc, nhưng cây sen chưa lấy thế làm thõa mãn, nó còn cố gắng vượt qua lớp nước đục ở tận đáy để ngoi lên lớp nước trong, càng vượt lên càng làm cho hoàn cảnh vẩn đục bao bọc chung quanh minh trở nên trong sạch ấm áp.
d) Vượt lên hư không - Mặc dầu phá vỡ bao nhiêu ràng buộc bởi đất và nước để vượt ra chỗ khoáng đạt hư không, sen cũng chưa hết cổ gắng. Nó còn cố ngóc đầu và vượt lên giữa ánh sáng mặt trời. Kết lấy đóa hoa để rồi một hôm, khi cuộc tiến hóa viên mãn, khoát nhiên khai nở, khoe màu sắc thanh tươi và xông hương thơm tràn ngập trong không gian.
Sự sinh thành của cây sen, xem đó, là một tấm gương kiên nhẫn và cố gắng. Nó hàm súc một triết lý cao siêu vè sức sống cua con người, tiêu biểu đức tánh cần cù và tinh tiến của kẻ tu hành tiến trên con đường giải thoát đầy gian lao nguy khổ.
Ba lớp: đất, nước, hư không mà cây sen đã trải qua, nào có khác ba trạng thái của cõi : Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Từ trạng thái cõi Dục đầy nhơ bần, người tu cố gắng vượt lên trạng thái cõi Sắc, nhưng khi đạt đến các cõi thiên, bởi thấy chưa được giải thoát, nên cố gắng vượt lên trạng thái vối Vô Sắc, và khi đạt đến cõi Phi tưởng cũng chưa thấy được giải thoát nên còn phải cố gắng vượt lên cho đến chỗ hoàn toàn giải thoát tức là trạng thái của tri tuệ triển khai; như đóa hoa sen khi nở vậy. Sự sinh thành của cây sen hình dung được ý chí của người tu giải thoát.
Phải chăng nhờ gồm đủ những đức tánh: thanh bạch, tinh tiến, kiên nhẫn, cảm hóa… như đức tánh của kẻ tu hành mà hoa sen được quí trọng và dùng làm đối tượng tiêu biểu những triết lý mầu nhiệm trong đạo Phật.

II. Hoa sen với các tôn giáo thời cổ

Từ ngàn xưa, hoa sen được xem là vật thiêng liêng đối với các tôn giáo, vì nó là một thứ hoa tượng trưng cho vũ trụ hữu hình và vô hình, tuợng trưng cho sức sáng tạo vật chất và tinh thần của vạn vật. Người ta dùng nó để cúng dường các đấng thần linh. Hổi thời cồ giống dân A lợi á ở Ấn-Độ, cũng như giống dân Ai-Cập và sau đó những dân tộc tu theo Đạo Phật, đã biết kính trọng nó. Đối với dân Ấn Độ, hoa sen là tượng trưng quyền lực sáng tạo của Thiên nhiên, của Lửa và Nước, tức là của tinh thần và vật chất. Còn đối với dân Ai Cập, hoa sen là tượng trưng của thần Orisis và thần Horus đều là thần Thái dương hay Hỏa thần. Ở xứ Zudée thuộc miền Cận đông ở Âu Châu không có hoa sen, nên ở đấy người theo đạo Thiên chúa dùng hoa huệ và kinh trọng nỏ không khác tín đồ tạo Phật đối với hoa sen vậy. Họ còn cho hoa huệ là tượng trưng của điềm linh ứng. Trong bức họa “Thiên thần báo tin” có vẽ thiên thần Gabriel hiện ra cầm nơi tay một hoa huệ báo tin là Bà Maria thụ thai. Cành hoa huệ tiêu biểu cho Lửa và Nước, tức là ý sáng tạo và truyền thống, không khác ý nghĩa cái hoa sen mà Đức Bồ Tát cầm trên hay khi đến báo tin cho Đức Mẫu-hoàng Ma-gia biết ngày giáng lâm của Phật.
Về hoa sen, bà Blavalsky, nhà khoa học huyền bí còn luận giải rằng:
Một trong những hình thức tượng trưng của hai quyền lực sáng tạo trong thiên nhiên (vật chất và sức lực trên phương diện hữu hình) là hoa sen của Ấn Độ. Hoa sen là kết quả của sức nóng (lửa) và nước (chất hơi hay chất ê-te); lửa vừa tiêu biểu, trong hệ thống triết lý và tôn giáo, cả giáo lý CơĐốc, cái linh trí của Thần Thánh, cái nguyên tắc động, gióng đực và vừa tiêu biểu cái nguyên tắc giống cái, thụ động, hàm chứa trong vũ trụ. Thế cho nên, chất ê-te (dĩ thái) hay nước được xem là Mẹ, thuộc âm; còn lửa được xem là Cha, thuộc dương. Ông Sir William Zones, và khoa thảo-mộc-học thái cổ trước ông, đã chỉ cho thấy rằng hạt sen, ngay khi chưa đem ương, chứa sẵn một cây sen bé tí, để chờ khi phát triển hoàn toàn vượt ra khỏi vỏ… vì rằng hạt giống của các thứ cây thuộc loại hiển hoa (Phanérogames) sinh ra những hoa chứa ngậm sẵn một cây non đã thành hình.
Ngoài ra, hoa sen còn là vật tượng trưng rất cổ của vũ trụ và con người vì lý đo phổ thông này: Một là trong mỗi hạt giống đã chứa ngậm một cây sen nhỏ để trở thành cây sen vị lai; điều đó chứng minh rằng mọi vật hữu hình trên thế gian đểu do trạng thái tinh thần nguyên sơ mà ra. Hai là cây sen mọc dưới nước, rễ ẩn sâu trong bùn, còn bông thì nở trong không khí, trên mặt nước. Như thế hoa sen là điển hình của đời sống con người và vũ trụ, bởi giáo lý bi truyền có dạy rằng: Nguyên tố của con người và vũ trụ đều thư nhau và cả hai đều phát triển cùng một chiều hướng. Rễ sen ăn sâu dưới bùn, tiêu biểu cho đời sống vật chất, cọng sen vượt ngang qua nước, tượng trưng cho cõi trừng giới, còn hoa sen đứng giữa không khí ngửa mặt lên trời là biểu hiệu của đời sống tinh thần. (La doctrine secrete. Quyển I).
Còn theo bác sĩ Allendy thì hoa sen là biểu hiệu của sự luân hồi. Hạt sen nứt mọng đâm ngón dưới bùn, lẩn lần lớn lên, vượt qua khỏi mặt nước để vươn mình lên hư không, trổ hoa kết trái. Khi hoa tàn thu hạt sen khô rơi ra khỏi gương, đi ngang qua lớp nước rồi mới đến đất, nơi đây sen nẩy mầm để sanh ra cây sen khác. Sự luân hồi của con người cũng như vậy.
Hoa sen đối với tôn giáo có ý nghĩa cao xa như thề nên được người đời quí trọng, vì họ xem nó là một tượng trưng thiêng liêng. Song kể ra, sự kính trọng của các tôn giáo đối với hoa sen chưa bằng sự sùng ngưỡng của tín đồ Phật Giáo.

III. Hoa sen đối với đạo Phật

Đối với đạo Phật, hoa sen là một vật quí trọng tôn kính hơn hết. Khi bước vào chùa, ngó lên ngôi Tam bảo là thấy bao nhiêu hình sắc của Hoa sen. Trước hết, đập mạnh vào thị giác của mỗi người là chỗ ngồi và chỗ đứng của chư Phật đều làm thành hình một đóa hoa sen to tướng mà danh từ Phật học gọi là Liên tòa hay tòa sen. Sau đó là những Hoa sen tươi hoặc đã nở hoặc còn búp dâng cúng trước mỗi bàn thờ Phật.
Danh từ Hoa sen (Liên hoa) còn được đùng vào nhiều vật dụng của chư tăng hay nghi thức lễ bái.
Như bộ áo cà sa của tỳ-khưu được gọi là Liên hoa y hay Liên hoa phục, có ý biểu dương cái nghĩa thanh tịnh không nhiễm trước như Hoa sen.
Khi chúng ta lễ Phật, hai bàn tay chấp lại làm thành hình Hoa sen còn búp mà nhà Phật gọi là Liên hoa hợp chưởng. Đó là hình tướng của một cái ấn mà khi hành lễ chúng ta phải kết trước hết. Nó còn phản ảnh cái hình hài khi chúng ta còn ở trong thai mẹ. Theo kinh điển, liên hoa hợp chưởng (chắp tay thành hình hoa sen bùn) còn hàm xúc nhiều ý nghĩa rất sâu xa. Nó biểu thị cho Lý và Tri cùng một thể. Tay trái thuộc về tịnh và không hay làm việc, là hiểu thị của Lý còn, tay mặt thì năng làm việc, cho nên biểu thị cho Trí.
Trong kinh Nhiếp vô ngại có nói : “năm ngón tay trái gọi là ngũ trí của Thai tạng giới, còn năm ngón tay mặt là ngũ trí của Kim Cương giới. Mười ngón hiệp lại gọi là Thập độ hoặc Thập pháp giới hay là Thập chân như”. Về thập pháp giới thì chia ra năm phàm và năm thánh: Tay trái là tay không tự tại thuộc về năm giới mê của phàm như : Địa ngục, Ngã quả súc sinh, Nhân và Thiên. Còn tay mặt là tay tự tại thuộc về năm giới của Thánh như: Thanh văn Duyên giác, Bồ tát, quyền Phật và thiệt Phật.
Ngoài lối chắp tay gọi tà Liên hoa hợp chưởng, nhà Phật còn cách ngồi gọi là Liên hoa toạ (cách ngồi hình Hoa sen). Đó là lối ngồi kiết già, trước hết gạt chân trái lên bắp vế chân mặt rồi sau mới gác chân mặt lên bắp vế chân trái. Ngồi như thế làm thành hình hoa sen, cho nên ngồi kiết già được gọi là Liên hoa toạ. Đến như cách ngồi gạt một chân trái lên bắp vế chân mặt hay gạt một chân mặt lên bắp vế chân trái thì đó là cách ngồi bán già. Cách trước có tên là Cát tường toạ, còn cách sau gọi là Hàng ma tọa.
Chư Phật thường ngồi trên toà sen hay ngồi xếp chân theo hình Hoa sen là lấy theo nghĩa của Yên hoa tạng thế giới, gọi tắt là Hoa tạng thế giới.
Hoa tạng thế giới là danh từ Phật học dùng để gọi cõi thanh tịnh nơi báo thân của chư Phật an trụ, vì cõi ấy do sen báu làm thành. Như cõi thanh tịnh của đức Phật A-Di-Đà là cõi hoa tạng mà kinh Hoa nghiêm đã nói, hay cũng gọi là cõi Cực lạc; cõi Hoa tạng của đức Phật Đại Nhật là Mật nghiêm quốc.
Riêng về cõi cực lạc của đức Phật A Di Đà còn được gọi là Liên bang, cõi có nhiều Hoa sen. Do đo, Tịnh độ tông được gọi là Liên tông; bạn đồng ấu tịnh nghiệp được gọi là Liên xã; phân thời giờ để niệm Phật gợi là Liên liêu.
Cứ theo các kinh Tịnh độ tông thì ở cõi Cực lạc có rất nhiều ao sen báu. Quán kinh nói rằng: mỗi mỗi trong ao có 60 ức Hoa sen bằng bảy báu, tròn trịa vừa đúng 12 do tuần. Mỗi hoa sen là mỗi chỗ dành cho những người vãng sinh về gá thai, tùy theo công đức và căn cơ mà gá vào Thượng phẩm, Trung phẩm hay Hạ phẩm.
Hoa sen ở cõi Cực-lạc có đủ đức tánh vi diệu và hương khiết hơn Hoa sen ở các cõi khác.
Trong Di Đà sớ sao có giải rõ nghĩa vi diệu và hương khiết như sau:

Chư vi có bốn nghĩa:

1) Rễ nó ngầm dưới đáy ao không trông thầy, đó là nghĩa U vi;
2) Không sanh nơi gò cao đất dày, cùng các hoa khác tranh phần xinh tốt, đó là nghĩa ẩn vi;
3) Trong quán kinh nói: trên mỗi lá sen có tám vạn bốn ngàn gân mạch như thợ trời khéo vẽ, đó là nghĩa tế vi;
4) Bảy báu làm thành, quí, lạ, đẹp, xinh, đó là nghĩa tinh vi. .

Về chữ Diệu có 12 nghĩa:

1) Mới có hoa liền có quả, chẳng đợi hoa rụng, đó là nghĩa: Nhân quả đồng thời diệu;
2) Nhiễm mà không nhiễm, không nhiễm mà nhiễm, đó là nghĩa: Cấu tịnh song phi diệu;
3) Một hoa bao bọc các hột, các hột sắp hàng ở trong hoa, đó là nghĩa: Tống biệt tề chương diệu;
4) Ngày thời nở, đêm thời búp lại đó là nghĩa: Ẩn hiển tùy nghi diệu;
5) Hoa lớn ở giữa có tràm nghìn vạn ức hoa sen làm quyến thuộc, đó là nghĩa: Chủ bạn tương thân diệu;
6) Thượng, Trung, Hạ phẩm, mỗi phẩm phân làm chín, chín nhân với chín cho đến vô lượng, tùy nhân trước của mỗi người không hề làm lẫn đó là nghĩa: Thắng liệt phân minh diệu;
7) Lớn một do tuần cho đến làm ngàn vạn ức do tuần, đó là nghĩa: Tiểu đại vô địch diệu;
8) Chẳng do mùa xuân banh, chẳng vì mùa thu héo, luôn luôn thường mới, đó là nghĩa: Hàn thử bất thiên diệu;
9) Đỏ, tía, đen, vàng, hoặc là thần trắng hay tạp sắc tạp quang, cũng lại như vậy, đó là nghĩa: Thể tố giao huy diệu;
10) Sanh ở nước kia, từ hư không bay đến cõi này mà tiếp người vãng sanh, đó là nghĩa: Động tĩnh nhất nguyên diệu;
11) Chư Phật, Bồ Tát ngồi kiết già trong đó, những chúng sinh niệm Phật cũng gá thai trong ấy, đó là nghĩa: Phàm Thánh kiêm thành diệu ;
12) Người phương này niệm Phật, hoa liền nêu danh, siêng, trễ phân, ranh, tươi, khô đều khác, đó là nghĩa: cảm ứng minh phù diệu.

Về chữ Hương có hai nghĩa:

1) Ở phương này (Ta-Bà) sen từ trong bùn mọc ra; tuy ở chỗ nhơ vẫn thơm tho ngào ngạt, đó là nghĩa: Ở giữa uế mà vẫn thơm;
2) Ở nước kia (Cực lạc) như kinh Đại bản nói: màu sắc đã khác nên mùi hương cũng khác, thơm tho ngào ngạt không thể kể kết, cho nên người tụng bài kệ “Thanh liên hoa hương, Bạch liên hoa hương”, còn được trong miệng bay ra mùi hương Hoa sen, hơn các thứ hương không sao sanh kịp, đó là nghĩa Hương thơm hơn các thứ hương.

Về chữ Khiết cũng có hai nghĩa:

1) Ở phương này sen từ trong bùn mọc ra, đáng lẽ bị nhơ, nhưng lại trong sạch, đó là nghĩa : Sạch trong chỗ nhơ,
2) Ở nước kia, vì gốc sen từ nơi cát vàng mọc lên, khác hơn cõi trược, sanh trong nước công đức khác hơn nước thường, do các báu hợp thành khác hơn cõi phàm; cho nên sạch hơn tất cả, không chi sánh bằng, đó là nghĩa: sạch ở trong chỗ sạch.
Hoa sen đã vi diệu và hương khiết dường ấy nên Đức Phật Thich Ca dùng nó làm tên cho bản Diệu pháp liên hoa kinh, để dụ diệu pháp với Hoa sen.
Mà dụ như thể là bởi Hoa sen, theo ngài Thiên Thai đã nói, có đủ ba nghĩa thù thắng như sau:
1) Vị liên cố hoa, nghĩa là trong khi hoa nở thì sen đã phát sanh.
2) Khai hoa liên hiện, nghĩa là sen đơm hoa thì uất trái cùng một lúc. Đó là điều vi diệu mà hoa khác không có.
3) Hoa lạc liên thành, nghĩa là khi hoa rụng thì trái hãy còn.
Ngài Thiên Thai đem ba cái nghĩa vi diệu ấy dụ với ba nghĩa của môn Quyền thực và môn Bản tích.

Ba nghĩa của môn Quyền thực là:

1) Vị thực thi quyền có nghĩa: “Thật” là cái diệu pháp của Phật tự chứng, còn “Quyến” là cái phương tiện của Phật hóa độ chúng sinh. Phật từ thực pháp Đại thừa mà phương tiện ra vô lượng quyền giáo khiến cho tất cả chúng sinh đểu có thể thành Phật quả. Đó là vì “Thật” đặt ra “Quyền”, cũng đồng nghĩa với “vị liên cố hoa”.
2) Khai quyền hiển thực có nghĩa : Phật thấy các hàng Thanh văn không rõ thấu chỗ “vị thực thi quyền” lại trở chấp cái quyền pháp cho là cứu cánh, nên ngài mới mở cái “quyền Tam thừa” cho chúng sinh thấy rõ cái “thực pháp của nhất thừa”. Đó là mở quyền để hiện cái thực cũng đổng nghĩa với “Hoa khai liên hiện”. Hoa khai là dụ với khai quyền, còn liên hiện là dụ với hiển thực.
3) Phế quyền lập thực có nghĩa: Khi Phật đã khai cái quyền giáo của Tam thừa thì cái quyền-giáo tự nó đã bỏ, chỉ còn lại cái thực giáo của ‘nhất-thừa. Thế là Phật đem cái quyền-pháp của Tam-thừa gom về trong một cái “thực” rộng lớn thì đâu còn cái “quyền” kia nữa. Đó là bỏ cái “quyền” mà còn lại cái “thực”, cũng đồng nghĩa với “Hoa lạc liên thành” kia vậy.

Đến như môn Bản tích cũng có ba nghĩa:

1) Tùng bản thùy tích có nghĩa: Từ cái gốc (bản) mà rọi lại cái dấu (tích Phật được thành-quả ngày nay là từ “bản Phật” đã thành trong mấy kiếp quá khứ lâu rồi, cũng như trong tuyết thấy dấu chân thì biết chắc là có gốc của chân. Đó là từ gốc rọi dấu lại, cũng đổng nghĩa với “Vị liên cố hoa”.
2) Khai tích hiền bản có nghĩa: Bày cái dấu mà rõ cái gốc. Như trong phầm “thọ lượng” nêu rõ cái cận tích của Phật xuất-gia tại thành Ca-đa, để hiển cái Phật đã có từ lâu đời. Nếu không khai cái “tích” ra cho rõ thì làm sao biết được cái “bản”. Đó là bày cái “tích” để rõ cái “bản”; cũng đồng nghĩa với “khai hoa liên hiện”.
3) Phế tích lập bản có nghĩa: Bỏ cái “tích” mà còn lại cái “bản”. Khi Hội Pháp Hoa chưa mở thì chưa biết cái “bản” và cái “tích” thế nào, đến khi mở rồi thì thấy ra cái “tích” của Phật tức là cái bản Phật đã thành từ bao nhiều kiếp trước. Đó là bỏ cái “tích” thì còn lại cái “bản”, cũng đồng nghĩa với “Hoa lạc liên thành” vậy.
Trên đây là lấy ba cái nghĩa của Hoa-sen để dụ cho hiểu rõ cái Bản-địa của Phật. Thế đủ thấy Phật-pháp rất vi-diệu khó diễn đạt cho liễu-nghĩa, cần phải đem cái nghĩa mỹ-diệu trang-nghiêm của Hoa-sen mới dụ được (cái diệu-pháp của Phật).
Ngoài nghĩa vi-diệu, Hoa-sen còn là cái huyền-lực nhiệm-mầu mà nhà Phật hay các nhà tu Tiên thường dùng làm câu chân-ngôn để sai Thần khiển quỉ, từ tai diệt nạn, xua đuổi tà ma.
Chẳng hạn như câu chân ngôn: Án-ma-ni bát mê hồng (Om mani padme hum), trong đó chữ Bát-mê (Padme) tức là Hoa-sen gọi theo tiếng Phạm. Theo Blavatsky, nhà khoa-học huyền-bí thì câu chân ngôn này có nghĩa: “Ô! chân linh trong Hoa-sen” kể ra thì hơi tối nghĩa, nhưng nó hàm-súc một huyền-lực vô biên khi một tu-sĩ niệm đến nó.
Blavatsky có giải rằng: “Theo quan-niệm bí-truyền thì câu ấy có nghĩa: Ô, Phật-tánh! (hay chân-linh) ngươi ở trong ta. Thật vậy, trong mỗi chúng sinh đều có Phật-tánh. Vì chúng sinh đã và sẽ thành Phật. Câu này ám chỉ sự hòa-hợp không thể chia lìa được giữa con người và vũ-trụ. Như thế, Hoa-sen là một tượng trưng phổ-thông về vũ-trụ, vừa lả sự hoàn-toàn trọn vẹn, vừa là chơn-nhân hay chơn-linh của con người tinh-thần hay Phật”. (La doctrine Secrète. Quyển IV, trang 180)
Quả thật, Hoa-sen có một huyền-năng vô-biên có thể đánh tan mợi điều tà ma quỉ mị. Ai có đọc truyện “Phong Thần” sẽ thấy: để phá tan mọi tà-pháp của phe triệt-giáo, chư Tiên bên Xiển-giáo đều dùng phép linh hóa hiện ra Hoa-sen xanh. Như cây Hạnh-huỳnh-kỳ của Khương Tử-Nha mỗi khi lâm trận đều hiện ra hàng trăm Hoa-sen tủa xuống chở che và phá tan các pháp thuật của triệt-giáo. Nguyên-Thỉ Chân-tôn mỗi khi lâm trận, nhờ ngổi trên chiếc xe hoa hiện ra vô số Hoa-sen xanh bao bọc mà bình an tự-tại.
Trong kinh Phật, ta cũng thấy lrong nhiều pháp hội, Đức Phật thường phóng ra hào-quang vô số Hoa-sen và trong mỗi Hoa-sen có một hóa-Phật. Như kinh NHƯ-LAI tạng đã chép: “Bấy giờ Bức Thế-Tôn ở trong chiên-đàn lầu các, đang ngồi chốn Đạo-Tràng mà hiện pháp-thân biến ra Hoa-sen ngàn cánh, lớn như bánh xe, trong sen hóa ra vị Phật, mỗi vị Phật phóng ra vô số trăm ngàn hào quang”.
Hoa-sen đã vi diệu như thế, cớ sao trong lúc quí-trọng nó đem cúng dường chư Phật, lại còn đem nó làm chỗ ngổi cho chư Phật phu-tọa? Vậy thì thứ sen nào để cúng dường, thứ sen nào để phụ-tọa và thứ sen nào để gá thai? Đó là câu hỏi mà có nhiều Phật-tử băn-khoăn tự-vấn.
Kể ra thì chưa thấy kinh sách phân loại thứ sen nào để cúng dường, thứ nào để phu-tọa, thứ nào để làm hóa~thân, nhưng cứ lấy cái lý mà xét thì mặc dầu trong lời nói có chỗ phân biệt, nhưng kỳ thật về tự-tánh, Hoa-sen vẫn có một, cũng như về tam-thân của Phật có phân ra Pháp-thân, Báo thân và Ứng thân, hay Hóa thân, nhưng thật ra vẫn là một thân Phật mà thôi.
Thế nên, ta có thể nói Hoa-sen dùng cúng-đưởng là Hoa-sen Pháp-thân, Hoa-sen dùng làm chỗ ngồi chư Phật là Hoa-sen Báo-thân và Hoa-sen dùng để gá thai là Hoa-sen Hóa-thân hay Ứng thân.

IV. Kết luận

Hoa sen đã quí báu dường ấy, thế nên trong sách Tánh mạng khuê chỉ có bài thơ khen tặng, đáng làm tấm gương trong sáng cho kẻ tu hành xem đó mà suy nghiệm.
Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên, Xuất ố nê trung sắc chuyền liên; Hành trực ngẫu không bổng hựu thục, Tu hành diệu lý kháp như nhiên
Tạm dịch:
Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi, Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi. Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột. Cái lý tu hành cũng thế thôi.
Thật thế cây sen, tự bản thân và sự sinh thành của nó hàm súc một triết lý siêu mầu cao cả. Kẻ học đạo, nếu biết lấy đó làm tấm gương tu tiến thì quả Phật chẳng phải là khó được.
Ngay như hột sen, nào có khác hột giống Bồ đề của ta, một khi đã gieo vào tâm thức thì không bao giờ mất hay hư hoại. Nó sẽ nảy nở nếu có đủ điều kiện về nhân duyên; ví bằng không gặp hoàn cảnh thuận tiện do ác nghiệp gây ra làm trở ngại thì nó vẫn nằm đó chớ không hề mất hay úng.
Đến khi gặp đủ nhân duyên, hột sen tự phá lấy lớp vỏ cứng và cố gắng không ngừng vượt lên. Mọc trong bùn đất hôi tanh nhưng nó không hề bị ô nhiễm, cố vượt cho ra khỏi lớp bùn để chui lên trong nước, càng vượt lên càng hoán cải hoàn cảnh chung quanh mình, biến lớp nước vẩn đục trở nên trong trẻo.
Như cây ấu hay các loại thủy thảo, khi vượt lên lớp đất lên đến lớp nước thì đã trổ bông kết trái rồi. Đến như cây sen thì không lẩy thế làm mãn nguyện; nó còn cổ gắng vượt lên cho khỏi lớp nước đó. Cũng không như cây bung súng kết hoa ngay trên mặt nước, cây sen vẫn tiếp tục vượt lên không trung, rồi khi cuộc tiến hoa viên mãn mới kết hoa để tươi nở dưới ánh sáng mặt trời, ban rải mùi hương ngào ngạt khắp nơi.
Cái lý tu hành cũng như thế. Muốn có cây sen trước hết phải có hột giống, cũng như người muốn thành Phật trước phải gieo hột giống Bồ đề, và cho được ươm hoa kết trái, cây sen phải từ dưới bùn mọc lên, cũng như con người phải từ cõi trần ô trược mà tu tiến lên thành Tiên thành Phật vậy.
Mặc dầu mọc trong bùn, cây sen không nhiễm bùn, trái lại còn hoàn cải nước đục thành trong, cũng như tu hành mặc dầu sống ở cõi trần, chung lộn với kế tục, thế mà đã không nhiễm trầm, đắm mê tục lụy, trái lại còn cảm hóa bao nhiêu người chung quanh mình quay đầu hướng thiện, tinh tấn tu hành.
Sự sinh thành cây sen là cả một cuộc đời kiên nhẫn và cố gắng. Nó phải vưọt qua ba lớp: bùn, nước và không khí mới trổ hoa, không khác công phu kẻ tu hành phải vượt qua khỏi tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới mới được hoàn toàn giải thoát.
Còn gì tươi đẹp và thơm tho bằng hoa sen khi mới nở, cũng nơi kẻ tu hành, ôi! còn gì tự tại an vui bằng khi trí tuệ khoát khai là mức rốt ráo của con đường tu tiến, là kết quả của bao nhiêu kiếp cố gắng và kiên nhẫn tu hành.
Do những đức tánh siêu mầu hơn các loại hoa mà Hoa sen được Phật tử quí trọng tôn kính.
Ý nghĩa của Hoa sen thật là sâu xa cao cả.
Vương Kim PHAN BÁ CẦM

Trà thường có vị đắng, chát, rồi sau đó lẫn vào một chút ngọt ngào, cũng như cuộc đời ai cũng phải trãi qua bao đắng cay chua chát, nhưng nếu vẫn bền gan vững chí, thì cuối cùng rồi cũng gặt hái được những thành quả ngọt ngào của câu chữ "Khổ tận cam lai" còn nếu như không có một chút gì hồi đáp, thì âu cũng là "duyên số" mà thôi.
Hương vị của Trà hàm chứa đầy đủ các chất liệu hương vị của cuộc đời, cho nên thường thì khi còn niên thiếu rất ít có ai thích uống trà, vì vị của Trà không ngọt ngào như tương lai và mơ ước của những người trẻ tuổi, nhưng khi trãi qua hết thảy mọi xúc cảm thăng trầm vinh nhục, được mất có không của cuộc đời, đến tuổi xế chiều, ngồi thưởng thức một chén trà lại là cơ hội để bạn già ôn lại chuyện xưa, để người đi xa nhắc về những kỷ niệm, để bao cuộc đời bể dâu, thăng trầm trôi nổi nói lại duyên xưa.
Khách phong trần nhìn lại cuộc đời của mình, để rồi ăn năng hay tỉnh thức, hoặc giả tự mình vui với chính sự thành công của mình, hay tự an ủi mình trong những gì không được may mắn hay thất bại, người trong nhân gian thấm sâu vị đắng chát hay ngọt ngào của trà là như vậy đó, thưởng thức trà, hương trà trong được mất của thế nhân.
Trà pha với nước như người với cuộc đời, khi thả trà vào nước lá trà lúc nào cũng trôi nổi bềnh bồng, chẳng khác gì ta khi bước vào đường đời nổi trôi chưa có nơi cố định, hoặc giả công việc thời thế chưa đến lúc hanh thông. Rồi màu của trà, vị của trà, dần dần đậm lại, như màu sắc cuộc đời trãi qua những thăng trầm thêm kinh nghiệm sống trong ta, vị trà đắng rồi lại ngọt, mách bảo cho ta hương vị của cuộc đời không bao giờ đắng mãi và cũng không có ngọt bùi khi không có sự nổ lực của chính tự thân.
Trà khi pha nổi rồi chìm, đắng chát ngọt ngào không khác cuộc đời được mất hơn thua, vinh nhục, cay đắng, trà vẫn thế không thay hương vị, đời vẫn vậy chưa từng đổi thay, trà vị có chát hay ngọt cũng chỉ có người thưởng thức mới biết được, đời vui hay buồn, vinh hay nhục cũng chỉ có người trãi qua rồi mới cảm nhận được thôi.
Trà được xưng là Trà Đạo vì theo quan niệm của cổ nhân trong trà có ba điều đạo lý.
Điều thứ nhất: trà có vị đắng cay như cuộc đời.
Điều thứ hai: hương của trà thơm như ái tình của cuộc sống.
Điều thứ ba: đắng rồi lại ngọt, như cuộc khổ lại cam qua, trong trà gói trọn bao nhiêu triết lý của cuộc đời, biểu hiện hết thảy ngọn ngành cảnh giới của nhân sanh.
Cuộc đời chẳng khác gì trà khi trãi qua ba giai đoạn, nếu được rèn dũa tôi luyện thì phần còn lại đó là trà sẽ là vị ngọt, còn cuộc đời sẽ là sự thành công hay trọn đầy bao ước nguyện.
Trà được người kính trọng bởi vì trà có đầy đủ những gì người muốn có, theo kinh nghiệm của người xưa uống trà có thể huân tập được 10 đức tính như; tán u uất, dưỡng sinh, dưỡng khí, trừ bịnh, lễ giáo, biểu kính, thưởng vị, dưỡng thân, hành đạo, nhã chí. Vì vậy trà được đưa vào Thiền môn vì những tính chất đặc hữu của mình, trãi qua sự vận dụng của Thiền định trong trà, đạo của trà thâm nhập vào thế giới của Thiền tư thành Thiền Trà.
Trà vào cửa Thiền với tự thân vốn không có sự phân biệt quý hay tiện, cho nên khi thể nhập vào đạo Thiền đệ nhất nghĩa với "Phật tánh bình đẳng không nam bắc". Khi thưởng thức trà tâm phải tịnh để cảm nhận được hương vị của trà, ý niệm sống trong hiện tại của thiền lắng đọng trong từng làn hương thoảng của trà. Nếu ngộ được niệm tịnh trong trà, tinh thần của trà, ý chân của trà, thì người uống trà cùng Thiền sư trong một cảnh giới, không còn niệm nào sai khác "Bổn lai vô nhất vật" thì còn việc gì "hà xứ nhạ trần ai".
Nói đến trà ta liền chợt nghĩ đến hình ảnh của cuộc sống thường ngày, việc uống chén trà dường như đã quen thuộc lắm, dùng ý niệm của nhị đế để hiểu trà thì trà thuộc về tục đế, thế giới trần gian, còn thiền thì lại không có lời thắc mắc là tục hay chân, là trần hay cảnh, chỉ có một niệm hiện tiền, uống trà và cũng chưa bao giờ nhớ hay quên, bởi vì Trà chưa từng rời bỏ Thiền một bước vì "Trà tức là lìa ngôn từ, hết chư tướng, ly tứ cú, tuyệt thị phi", nên trà chỉ còn lại nguyên ý là đệ nhất nghĩa đế mà thôi.
Người thế gian uống trà trong niệm "nhàn hạ thanh cao", kẻ học Phật uống trà trong liễu ngộ pháp "đệ nhất nghĩa đế ". Chấp có chấp không, hay tất cả đều không hay có, rồi chẳng có Thiền cũng không có cảnh trần gian, nếu như vậy, thì pháp giải thoát không còn cách nào để tự mình chứng ngộ, và cảnh của cuộc đời không có gì để nhàn hạ thanh cao.
Người uống trà trong tâm niệm tục đế, thì trong trà không có phẩm chất của thiền tư, nhưng nếu lại nhất niệm hướng trà về với chân đế, thì trà thật là vô vị, không còn ngọt ngào hương vị của nhân gian. Trà và Thiền phải là một vị, như câu "Nhị đế dung thông" trà thế gian hay trà thiền cảnh thì cũng viên tròn trong ý "Chân tục không hai", nếu có thể dùng được tâm và ý này để thưởng thức trà, thì đây là người biết uống trà vậy.
Trà hiện "Bình thường tâm" là trà phổ biến khắp các thứ tầng của cuộc sống, cũng là thú vui tao nhã của cuộc đời, nhưng là mang theo trong đó một ý niệm dung nhập vào cảnh Thiền, từ tục đạt đến chân, từ sắc đến vô sắc, thưởng thức trà như vậy thật là đang tu tập thiền định và đang hành trì một trong vô lượng pháp môn tu vậy. Cho nên Lục Tổ Huệ Năng nói: "Phật Pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác, lìa thế gian để tìm đến Bồ đề, cũng không khác đi tìm sừng của con thỏ vậy.".
Thiền sư đem trà cúng dường Phật, với tâm trọn thành trong niệm cúng dường cảm ân, lấy trà để mời khách là nguyện niệm lân mẫn cúng dường, hai pháp cúng dường, nhưng chỉ trong một niệm hoan hỷ, Phật hay chúng sanh cũng chỉ trong tâm tâm bình đẳng. Lấy trà để cúng dường, ý diễn trà cũng là sắc thân, dùng trà để bổ trợ cho sắc thân đầy đủ thắng duyên tu hành thành Phật. Trong bài Ẩm Trà Ca của Thầy Hiểu Nhiên đời Đường có câu: "uống trà một ngụm điều dứt hôn trầm, tinh thần sảng khoái mãn trần gian, uống thêm ngụm nữa tâm thanh ý tịnh thần tự tại, bổng thấy lòng mình mát rượi như hạt mưa bay, đang sái gội trần gian".
Trà Thiền chỉ trong chén trà mà ta đang thưởng thức, đây là một câu ngạn ngữ trong cửa Thiền khi nói đến đạo của Trà và Thiền. Thiền sư uống trà, trà trở thành "Thiền", thế nhân uống trà, trà trở thành "Lễ", lễ trong ý kính, Thiền trong trong niệm tịnh, kính và tịnh hợp nhất thành tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh rồi trần cảnh không hai, thế gian, cõi thiền là một, Thiền sư là khách, khách cũng là thiền, như trà chỉ một vị, khách thiền cảm nhận như nhau, không sai không khác, như vậy là "Trà Thiền một vị, Tăng Tục không hai".
Thích Tâm Mãn

Văn hóa thiền trà

Lễ hội văn hóa Thiền Trà được tổ chức tại chùa Tanzhe có bề dày lịch sử 1.700 năm tuổi vừa mới bế mạc vào thứ hai vừa qua.
 Lễ hội kéo dài hai tháng đã thu hút một lượng du khách rất lớn đến tham dự và mục đích giới thiệu cho mọi người hiểu được giá trị của văn hóa Thiền Trà đã có tồn tại ở Trung Quốc hơn 1000 năm.
Liu Junxian, một chuyên gia văn hóa trà giải thích: “Thiền trà là một nghi thức tao nhã và đồng thời cũng là diệu thú ngộ Thiền của Phật Giáo.”
Phong khí uống trà là một phần lịch sử của chùa Tanzhe, bắt đầu từ thời Đông Tấn (265-316) khi chùa vừa mới được thành lập. Lúc đó những vị tăng sĩ hái trà trên những ngọn núi sau chùa, phơi khô và sử dụng làm thức uống hằng ngày. Việc uống trà đã chứng minh nhiều lợi ích cho sức khỏe con người và giúp Thiền sư tập trung hiệu quả trong quá trình tu tập, vì vậy dần dần nghi thức uống trà đã trở thành một phần trong đời sống sinh hoạt của chùa chiền.

Lịch sử của việc uống trà ở chùa Tanzhe đã cho thấy được rằng những thiền sư và những vị trưởng lão có một sự kết nối gắn bó giữa Thiền và trà, từ đó định hình nên một văn hóa Thiền trà của chùa Tanzhe.
Một vị tăng ở chùa Tanzhe trao đổi với phóng viên của tờ Global Times: “Ở Trung Quốc có một câu thành ngữ rằng ‘Thiền Trà Nhất Vị’ (Chan and tea share the same taste) và Thiền trà ở chùa Tanzhe đã ảnh hưởng rất nhiều trong tư tưởng Thiền Phật Giáo.”

“Thiền” trong Phật Giáo có nghĩa là “sự tập trung”, là một yếu tố cốt lõi của Phật Giáo. Thiền trong Phật Giáo cho rằng sự tu tập thiền là phương pháp tốt nhất để chứng ngộ và hai yếu tố căn bản của thiền là chỉ và quán luôn phải duy trì để thanh lọc thân tâm. Trà có vị hơi đắng và thơm, có tánh mát, được xem như một tố chất làm thanh tịnh tâm. Nghi thức uống trà không những đã giúp cho thiền sư chống lại với buồn ngủ, mà còn đem lại sự tỉnh táo và thanh lọc tâm rất hiệu quả. Thiền trong Phật Giáo cũng nhấn mạnh sự giản tiện, một lối tu căn bản và tự nhiên. Các thiền sư cho rằng sự phóng dật và giải đãi không có ích gì cho cuộc đời đặc biệt là sự chế ngự tâm và giá trị của sự sống. Yếu tố tác dụng đơn giản của trà là yêu cầu người thưởng thức giảm thiểu danh vọng và vật chất, mà sống với trà chỉ đơn thuần mộc mạc và có một tấm lòng rộng mở
Theo những yếu chỉ của Thiền tông, ngộ thiền chỉ có được khi hành giả thật sự bừng tỉnh, để có được trạng thái chứng đắc hành giả phải thực hành thiền quán lâu dài của chính bản thân mình. Cảm giác thưởng thức trà ban đầu có vị hơi đắng, nhưng đuôi ngọt thanh, nó hoàn toàn giống như một công đoạn của Thiền hay cuộc đời có chút đắng ở lúc đầu nhưng dần dần sẽ ngọt hơn sau những cố gắng và phụng hiến.
Để giới thiệu sự gắn kết giữa Thiền và Trà, chùa Tanzhe đã tái hiện phong thái uống trà trong đời sống tu học của sơn môn, đồng thời cũng là một nét đẹp của văn hóa truyền thống mà thiên nhiên đã ban tặng. Nghệ thuật uống trà ngày nay là một phần không thể thiếu trong chốn thiền môn.
Văn hóa Thiền Trà ở chùa Tanzhe đã trở thành một văn hóa và phổ cập trong dân gian và có thể nói rằng sự phát triển của văn hóa Trà và Phật Giáo đã hòa quyện trong lịch sử Trung Quốc.
Thiền sư Jinghui ở chùa Bailin thuộc tỉnh Hebei giải thích: “Tinh túy của văn hóa Thiền Trà có thể tóm lược trong 4 chữ “cao thượng, thành thật, hài hòa và tao nhã” và chức năng của văn hóa Thiền Trà là “lòng biết ơn, vị tha, chia sẻ với mọi người và bè bạn”, tất cả đều hợp ý với tinh thần của Thiền. Đó là lí do tại sao Thiền và Trà gắn bó mật thiết với nhau và cống hiến cho con người một món quà vô giá giữa thiền nhiên và tâm thức con người.”
Sưu tầm


  •