Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Xin cứ cho

Xin cứ cho
Xin hãy cứ cho đi là nhận được, 
Biết bao điều nhân ái ở quanh ta ?
Dẫu sáng bình minh hay ánh chiều tà,
Tâm thanh thản ắt chan hoà hạnh phúc !

Cuộc sống vô thường, thôi đừng khuấy đục,
Ta cứ cho và ta sẽ nhận về....
Chốn trần ai hãy còn lắm bến mê,
Vẫn tìm thấy đoá sen hồng cõi tịnh !!
NM
    Cho
 Đầu năm, chị đi lễ chùa. Ngôi chùa cách nhà chị có hơn năm ki-lô-mét nhưng chị phải đi đến ba mươi mốt ki-lô-mét mới tới nơi. Đường chị đi nó giản đơn, dễ hiểu. Chị đến sở làm, mọi người rủ nhau đi chùa nên chị đi theo. Đi để xin quẻ đầu năm, đi để cho lòng mình thanh tịnh. Điều này dường như cũng là cầu lợi! Chị mơ hồ nghĩ đến nó.
Chiếc xe taxi bốn chỗ ngồi nhồi nhét đến bảy người, kể cả anh tài xế. Chợt thấy mình lệ thuộc quá nhiều vào người, vào xe, vào những thứ không nắm bắt được như không khí để thở và tình yêu để dưỡng sinh. Điều đó khá ngột ngạt nên chị kéo tấm kính xuống và vươn đầu ra bên ngoài. Gió ngoài này thổi ào ạt khiến tóc chị dán lên nền taxi màu vàng. Lúc này chị mới trông thấy trên con đường ngày ngày chị đi làm tọa lạc một ngôi chùa với tán cây bồ-đề xanh ươm nhưng trước đây chị không hề thấy.
Khi đến nơi, mọi người chen lấn nhau bốc quẻ đầu năm thì chị đứng nhìn cây cối, nhìn hoa, nhìn tòa bảo tháp cao tới chín tầng. Chợt chị chậc lưỡi khi nghĩ ra chuyện mình chơi vơi trên tòa bảo tháp rồi rùng mình khi biết đấy là chốn tôn nghiêm tạo sinh chứ không hủy diệt. Ánh mắt buồn cùng bước chân vô hồn khiến bàn chân chị giẫm lên bàn chân sư thầy. Thầy đứng lặng im, đôi giày cao gót nghiền xuống khiến chân sư thầy tứa máu. Khi phát hiện ra điều này, chị cuống cuồng mở túi xách lấy lọ dầu Nhị thiên đường bôi cho sư thầy, người vẫn đứng yên nhìn chị rồi mỉm cười. Chị hỏi sư thầy.
- Thầy có đau lắm không? Con xin lỗi!
- Thầy không đau bằng con, con có lỗi chi.
Đôi môi chị mím chặt, khi mọi người đã về gần hết thì chị vẫn ngồi ở gốc bồ-đề. Họ quên béng đi một người đó là chị. Cảm giác mình bị bỏ rơi chốn chùa chiền khiến chị càng thêm lạnh lẽo. Mùa này lá bồ-đề đã bắt đầu rơi, tiếng lá rơi nhẹ nhàng, tiếng gió cuốn lá trôi đi trên sân nghe xao xác. Tại sao mình không làm một chiếc lá? Xanh hết mình rồi đến khi rơi cũng nhẹ nhàng. Chị mải ngồi trầm tư suy nghĩ đến khi vô thức đón lấy cốc nước trong suốt từ tay của một chú tiểu. Chị muốn nói lời cảm ơn nhưng chị đã không làm thế. Chị tự nghĩ ra rằng hơi thở trần thế của chị sẽ làm vướng bẩn không khí trong lành trong chùa. Suy nghĩ này có hơi ngu ngơ nhưng cũng là suy nghĩ cho người khác, cho một thế giới cho đi.
- Sư thầy đâu rồi? Chị hỏi chú tiểu.
- Thưa, chân thầy bị đau, thầy không ra ngoài được nên mới bảo tôi mang nước ra ngoài này cho chị.
Chị đặt chiếc cốc lên ghế đá rồi vội vàng vào chùa. Chú tiểu lon ton chạy theo sau. Khi đến chỗ sư thầy, chị đứng cúi đầu xin lỗi thêm lần nữa. Sư thầy vẫn cười hiền hòa. Thầy bảo chú tiểu lấy ghế cho chị ngồi, thầy nói giọng ôn tồn.
- Con đừng vội vàng như thế, từ từ mọi sự sẽ an lành thôi.
- Thưa thầy, con đã làm thầy đau.
- Ở trần gian ai mà không đau? Mỗi người có ít nhất một lần đau. Nếu không có nghiệp chúng ta tới đây chi được. Ta thấy con làm gì cũng vội vàng, khi nghe chân ta bị đau con đã đi rất nhanh để tới đây đúng không? Từ sân vô đến đây ta đi mất đến năm phút đấy.
- Sao thầy đi chậm thế ạ?
- Vội vàng để làm chi hả con?
- Con đã chậm mất nhiều thứ...
- Mất được ở đời, cái đó con có mang theo sau này không?
- Thưa thầy, thầy muốn nói đến lúc chết?
Thầy cười, điệu cười tươi tắn và rạng rỡ. Chị tiếp lời.
- Lúc nãy con chạy nhanh vào đây, con sợ thầy đau. Phòng khi nặng quá con mang thầy đến viện.
- Con vội như thế thầy có hết đau đâu. Thầy đón nhận tất cả cái xấu đẹp ở đời, thầy không chê.
- Tâm trạng con rối bời thầy ạ.
- Rối bời như thế để làm chi? Hãy nghĩ cách để giải quyết nó chớ.
- Thầy nói phải.
- Không phải thầy nói đâu, đó là sự chỉ bảo của người đi trước.
- Giáo lý nhà Phật hả thầy?
- Phật cũng từ đời mà thành Phật. Ở đời cũng có nhiều thứ quý giá lắm đấy.
Chị ngồi lặng im một hồi lâu nghe chuông chùa điểm. Nhìn ra cánh cổng bên ngoài thấp thoáng bóng người lại qua. Đúng là ngoài đó và ở đây cách biệt nhau có đoạn đường mà xa nhau thăm thẳm. Lòng chị vẫn cồn cào, bức bối và đầy hờn tủi. Người sống bên cạnh chị đã tám năm nay dường như anh ta đã hết yêu chị rồi. Cái gọi là chồng giờ đây mong manh, có thể anh ta đã yêu một người đàn bà khác. Và ngôn từ yêu thương là chồng được nở trên môi của một người đàn bà lạ. Điều này khiến chị đau đớn đến tột cùng, chị chỉ cần có tình yêu, mất nó coi như chị thất bại ở đời.
- Con người ta ai cũng yêu mình nhất. Sư thầy nói và nở một nụ cười thật tươi. Họ chạy theo những thứ rất hư ảo.
- Thưa thầy, con yêu người ấy hơn cả bản thân con.
- Con muốn người ấy luôn ở bên mình, toàn tâm toàn ý với mình đấy là con cầm tù người ta. Con thương con chim quý nên con nhốt nó trong lòng, con nghĩ là nó hót đấy ư? Đó là tiếng gọi bầu trời.
Chị khóc, giọt nước mắt chị nhỏ lên vết thương của sư thầy. Chú tiểu lấy một ít bông gòn thấm lên vết thương, máu ở đấy có màu vàng nhạt. Chị ngồi thần người và nghĩ ngợi mông lung. Giờ này chắc anh đã đi xa, rất xa chị. Cái cốt là lòng anh nó đã không thuộc về chị. Và nếu thế nó sẽ thuộc về một người khác. Điều này đối với chị là mất mát trắng tay, chị chẳng còn gì nữa. Cái ý nghĩ xuống tóc đi tu đến với chị khá lẹ làng, chị muốn quên đi tất cả. Quên đi những con người khăn khẳn chửi nhau, quên đi những buổi chợ vội vàng, quên đi những bữa cơm với đủ thứ bày biện ra trên mâm mà thở dài não nề, chán ngắt.
- Con muốn đi tu thưa thầy. Chị nói và nước mắt chị trào ra.
- Để làm gì? Cõi lòng con còn nặng nề lắm!
- Con sẽ trút được nó.
- Con đừng cố chấp như thế, hãy về nhà đi. Nếu con cần một cây bồ-đề trước cửa nhà mình chiều thầy bảo chú tiểu mang cành sang trồng cho con, chỉ vài năm là cây lên xanh um con à.
- Ở đó con sẽ chết!
- Cốt ở lòng mình. Con đã trông chờ quá nhiều vào cuộc đời này, vào những đền đáp. Con hãy cứ cho đi rồi quên nó. Cả con, cả ta và chồng con, cả nhiều thứ ở đời không phải là của chúng ta, đừng mất công giữ nó.
*****
Nói xong câu đó rồi sư thầy trở dậy bước đi thong thả như chân thầy chưa hề bị vết thương do đôi giày cao gót của chị giẫm phải. Chị không hiểu cớ tại vì sao thầy làm được điều đó một cách chóng vánh như vậy, phải chăng thầy không đau? Không, rõ ràng là máu thầy đã chảy và chú tiểu đã thấm thuốc cho thầy. Loại thuốc đó là gì? Ý nghĩ này xen lẫn những thứ khác trong chị khiến chị hiếu kỳ săn đón chú tiểu ở sân chùa.
- Tôi mua một lọ thuốc đó được không?
- Thuốc gì cơ?
- Thuốc chú bôi vết thương cho thầy.
- Chị đâu có bị ai giẫm lên chân mình, mỗi căn bệnh dùng mỗi loại thuốc khác nhau đấy.
- Không, lỡ lúc tôi bị giẫm lên chân...
- Không có loại thuốc nào cả, đó chỉ là loại nước muối rửa vết thương.
Đơn giản như thế ư? Chị nhíu mày thắc mắc. Chú tiểu nhảy chân sáo về cái giếng ở cạnh cây bồ-đề múc nước tưới cho cây. Từng giọt nước trong veo tắm lên từng chiếc lá. Những chiếc lá vốn đã xanh và sạch giờ trở nên càng tươi đẹp. Chị nhận ra một điều, có những hạt bụi ở trên chiếc lá khó mà nhận ra nếu không có nước. Chị bước trở lại điện thắp một nén nhang rồi lặng lẽ ra về, phía bên ngoài chùa người xe lại qua. Có người lạ, có người quen, có cả nỗi buồn và niềm vui chờ đón chị. Chị nhớ câu nói của sư thầy, Phật cũng từ đời mà thành Phật. Ở đời cũng có nhiều thứ quý giá lắm đấy.
Hoàng Hải Lâm
Tiếng chuông chùa
Tiếng chuông chùa xa vọng ,
Gợi nhớ mối thiện tâm...
Những ngày xưa tín niệm,
Lòng sáng như trăng rằm !!

Tiếng chuông như nhắc nhở,
Người thoát khỏi bến mê....
Mỗi lần qua đò lỡ,
Hình như quên nẻo về !!

Chuông ngân nga tỉnh thức,
Tâm mênh mông vô minh....
Qua sông chuyến đò cuối,
Người vẫn chưa dứt tình !!

Nam Mô A Di Đà,
Ngỡ sư về bến ngộ...
Đường về chùa gần lắm,
Nhưng chân đà đi xa ....!

Vô tình trong tiếng chuông ngân,
Nửa phần đốn ngộ, nửa phần thương thân...
Biết đời là chốn phù vân,
Nhưng sao khó dứt lòng trần vấn vương !!
NM

Sư cụ chùa làng và bà lái đò
Từ dạo ấy, chẳng một ai nghe già làng xì xầm chuyện sư cụ có trở về chùa nữa hay không.
***
Chuyện rằng hàng năm cứ đến ngày ‘’Tiết tháng bẩy sắp thu phân, ngày rằm xá tội vong nhân hải hà’’, ắt hẳn…hà là sông, nên sư ông khoác tay nải xuống núi và…sang sông.
Cứ theo lời già làng thì thẻo đất hẻo lánh này có một ngọn đồi thoai thỏai dốc, dưới là sông, trên là cây có tán có tàn nên được gọi là…núi. Và tên là núi Non Nước, có thể là núi chưa già đủ tuổi chăng. Chả mấy ai bận tâm, thế nên bạn đọc đừng cắc cớ hỏi núi ở đâu. Qua chuyện đầu cua tai nheo, người viết nhẩm chừng đất quê là quê cụ Tam Nguyên Yên Đỗ. Thêm nữa, chỉ biết rằng bến sông có một bến đò và một cây gạo hoa đỏ. Tuy nhiên gặp mùa nước lũ, nước dâng lên cả chân núi, mặt sông nở rộng cả ba, bốn lần, nước sông chuyển sang mầu nâu đất na ná như cà chua thối. Từ trên chùa ẩn khuất nhìn xuống, con đò ngang giống hệt chiếc lá tre mỏng manh, bập bềnh giữa dòng nước lặng lờ. Vậy mà con đò vẫn lầm lũi sang ngang. Và trên chiếc thuyền gỗ bạc phếch, rạn nứt, đầy bất trắc ấy…thì…
Thì xin thưa, chẳng thiếu vắng cô lái đò.
Bạn đọc lầu nhầu: Gì mà lềng bềnh với sóng nước!. Rõ ra cứ theo người thuật lại cho người viết, chuyện có chút hơi hướng của Hermann Hesse. Nhưng có sao đâu, ông Hesse ở trời Tây, ta ở phương Đông, đâu đó cũng lẵng nhẵng với không ai về lại tắm hai lần cùng một dòng sông. Thế nhưng chuyện dưới đây ngược lại. Vì vậy Đông-Tây chẳng bao giờ gặp nhau, mọi sự bất trắc trên chiếc thuyền gỗ nằm ở hồi sau, hạ hồi sẽ phân giải, thưa bạn đọc…
Thêm nữa, trên núi có chùa là phải có sư.
Người viết xin thưa trước, nhân vật trong truyện là một ông sư. Sư ở chùa và tụng kinh cũng tốt thôi. Bạn đọc làm như muốn hỏi vậy chứ sư tốt hay xấu. Xin đừng hỏi vì lấy cái cân tiểu ly nào để cân, đo mọi sự xấu hết hay đều tốt, chẳng qua tùy bá quan bá tính. Người viết chỉ hay rằng: Theo thời gian, khi trước là sư trẻ, sau này là sư cụ. Còn bây giờ là sư ông, dễ hiểu vậy thôi, thế đó. Thế nhưng theo già làng, vùng đất đây ngắm đít trâu bằng vụ chiêm, trời hành cơn lụt liên miên nên mất mùa lúa kéo theo nạn đói cả năm. Một ngày có một vợ chồng nọ bỏ con trước cửa chùa rồi tha phương cầu thực mãi đâu đâu. Chú bé lớn lên theo cảnh chùa hiu hắt, thoạt kỳ thủy là chú tiểu quét lá đa. Chẳng ai nói với chú rằng đi tu khổ lắm. Chú sống như cây cỏ, theo tiếng chuông tiếng mõ, tròn hai mươi tuổi, chú thọ đại giới và chợt một ngày chú thành tỳ kheo. Ngày tháng qua mau, sư tổ viên tịch. Tùy duyên mà hóa, chú bỗng…hóa thành sư ông. Chẳng ai nghĩ chú bé côi cút ngày xưa vào được cửa đạo một cách thong dong, và chung cuộc sẽ là kẻ tiếp nối sư tổ trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp tại chùa cho tới nay. Thôi thì trong đạo hay ngoài thế tục ai nấy có một lối đi riêng, một đời sống riêng mà nhà chùa gọi là biệt nghiệp để chẳng ai giống ai. Và sư ông chùa làng cũng vậy. Tạm hiểu theo nghĩa là sư bị cái vòng kim cô của nhà Phật bó chặt. Hay nói khác đi, mặc dù sư có căn tu đến thâm căn cố đế, nhưng vì khắc kỷ để sinh chuyện. Chuyện nỗi sầu vạn cổ là thế đấy.
Sư ông trụ trì vóc người đùm đậu, khuyềnh khoàng như một thầy tu khổ hạnh. Sư sống xuyềnh xoàng, xào xạc gần như bị bỏ quên trong am cốc. Sư đang ngước mắt nhìn mây bay gió thổi và chợt nhớ ra mùa này là mùa ‘’Cơm canh cháo nẻ trầu cau, tiền vàng quần áo đủ mầu đỏ xanh’’. Cúng cả năm không bằng rằm tháng bẩy, nên loáng một cái là sư ông đã khăn gói tươm tất xuống chợ huyện cách con sông chỉ một thôi đường. Bến sông còn được gọi là bến Chùa chỉ sầm uất vào dịp tết, hội làng, đình đám hay thảng như ngày xá tội vong nhân như mấy hôm rày chẳng hạn. Từ sáng đến trưa, già nửa đàn bà, con gái, trẻ con trong làng kéo nhau xuống bến đò để qua chợ mua hoa quả, vàng hương… Và trong đó có sư ông.
Thưở ấy chưa có đồng hồ, sư ngắm trời đất luận tứ thời bát tiết miết nên trễ đò. Vai khoác cái tay nải, tay cầm đôi guốc rề tre gộc, quai da trâu, đứng dưới cây gạo, sư ông kêu ơi ới:
– Đò.
Gào tướng lên xong, sư thầm nhủ, việc quái gì mà phải gọi như gọi đò sang sông vì không kêu con đò kia cũng ghế bến đưa khách sang sông là…sư kia mà. Như có duyên nghiệp….
Trên thuyền có cô lái đò trong tuổi lỡ thì.
Cô bắc tấm ván ọp ẹp làm cầu để khách lên thuyền…về một bến cô liêu. Vòm trời cao vút, xanh thao thiết đến nhức mắt. Mặt trời lên chừng hai con sào, cô lái đò môi mím lại, trán lấm tấm mồ hôi, và óc ách đẩy sào đưa con đò tách bến. Như có tiền duyên hậu nghiệp, vì nhắm khi chỉ một chỗ ngồi và cái nhìn lơ đễnh không thôi có thể thay đổi cả một quãng đời: Vì sư đang ngồi sát mạn thuyền, chênh chếch trước mặt cô lái đò. Bỗng có một con cá lớn lắm thì phải, quẫy mình tung lên khỏi mặt sông làm nước bắn vào vạt áo nâu sòng của sư. Sư ông giật mình thảng thốt kêu lên: A di đà Phật.
Rồi kiếp nạn cũng qua. Cô lái đò nghe thấy bèn nhủ thầm trong trong bụng dạ rằng ông sư này vẫn còn bận bịu với ngã và vô ngã, là sư mà vẫn còn tham sân si, vẫn còn tiếc nuối cái áo, vậy lỡ… ‘’ngã’’ xuống sông thì sao. Vừa nghĩ đến đây, bỗng dưng gió đổi chiều, những cụm mây mầu cánh vạc làm bầu trời sẫm hơn. Con đò rời bến áng chừng hơn nửa khắc thì trời đổ mưa. Mưa bóng mây chỉ trong chốc lát nhưng rất hiếm thấy vào dịp tháng bẩy mưa ngâu này. Mưa rơi lộp độp trên nón lá, thúng mủng của các bà đi chợ. Mưa gõ xuống sạp thuyền rào rào, mưa tạt cạnh be thuyền lốp bốp. Sau cơn mưa, nước sông chuyển sang mầu nâu đất na ná như cà chua thối. Và mưa cũng không tha cô lái đò. Cô hơi cong người như con tôm he, vừa chèo thuyền vừa liếc xéo sư và hóng hớt bâng quơ: Giông bão gì đâu như quạ xuống núi.
Quạ đây ắt hẳn là…sư. Nhưng xa chốn phàm tục lâu ngày, thế nên sư không thông suốt câu nói xa xôi ấy. Nhưng qua câu nói, sư mới nhãn nhục cô kỹ hơn một tí. Luận về con mắt thì mắt sư có tròng, tròng lại nằm trong ổ, ổ lại kẹp giữa hai mi, nhìn thể nào cũng ra những tuyệt tác trong cõi nhân gian. Ðối với sư cảnh vật nhân gian đẹp đẽ cách mấy cũng chỉ là thứ yếu. Tác phẩm tuyệt tác nhất phải là đôi mắt của cô lái đò này đây. Sư lại phân vân vì con mắt đó, trong nhân tướng học gọi là phượng nhãn chỉ cho người mang ‘’chữ nhẫn’’. Sư cho rằng ngoài nhẫn nhục, cô lái đò chỉ đẹp ở…đôi mắt lá răm. Theo sư, người đẹp chỉ cần một đôi mắt là đủ và không hơn. Và sư ve vé mắt nhòm nom.
Sư nom nhòm thấy cô mặc áo cánh nâu như sư, quần nái đen cũ sì được vén lên đến tận đầu gối, để lộ cặp đùi trắng như ếch lột. Vì người thon vỏn nên cô có dáng dấp nửa con gái nửa đàn bà, cô tươi roi rói, cứ theo sư xinh đến bối rối chả hẳn là đúng mà đèm đẹp thì đúng hơn. Lẫn đẫn cả một hồi lâu trong tĩnh lặng, vừa lúc nước mưa ngấm qua manh áo mỏng tang. Sư mới đốn ngộ ra rằng trông ‘’cái gì ấy’’, gì mà nó nòn nõn, vũm mĩm như quả phật thủ mà thí chủ thường cúng dường tam bảo. Nên chẳng có gì lạ lẫm đối với sư cả. Và sư nghĩ vậy.
Thế nhưng không phải vậy ! Sư bối rối vì thấy…quen quen nên rối trí. Vì rối trí nên sư cúi đầu xuống làm như lâm râm đọc kinh thì…Thì đúng trong cái lúc này đây sư chợt nhớ ra là cái quen thuộc ấy là bầu ngực mà bu sư cho bú tí lúc còn…bé tí. Sư ngửng đầu lên và xua đuổi cái ý nghĩ ấy đi. Vì nhớ rõ như in là sư…mồ côi từ lúc oe oe chào đới, sư bị bỏ trước cửa chùa rồi lớn lên theo cây cỏ. Sư bị phân tâm thật rồi! Hay là trăm sự ở mấy bà địu con lên chùa, rồi vén yếm cho con bú trước chốn thiền môn? Sư bâng quơ, rằng chuyến này về sư phải cấm tiệt vì chúng sinh có những bộ ngực bánh dầy bề bộn như vậy là ô uế cửa thiền môn chứ còn gì nữa.
Cái yếm vừa phất phơ qua đầu…Cái đầu rối rắm của sư lại đẩy đưa đến cái áo cánh nâu, sư liếc mắt về cô lái đò…Trong một sát na, sư giật mình triệt ngộ được một điều: Trong nhà Phật, mở được huệ nhãn là thấy được cái chân không vô tướng của mọi pháp. Tức là thấy xuyên suốt rõ tất cả, không có gì che đậy được. Ấy vậy mà hạnh từ bi vẫn chưa nở hoa.
Chợt nhớ lại những ngày còn là chú tiểu, sư thầy dậy về những cám dỗ cần phải tránh trong giải thoát giác ngộ, trong đó tiền bạc và sắc giới đứng hàng đầu. Với những gì trên đường tu đạo mà chú trải qua thì ở vùng quê hẻo lánh, rừng sâu hay núi thẳm, tiền bạc chỉ là phù vân…Bạn đọc nhíu mày ra cái điều chuyện gì với tiền nong ở đây. Ừ thì cứ theo người viết góp nhặt sỏi đá được qua báo bổ, báo chùa thiếu gì chuyện sư cọ, sư mô, sư tàng, sư sở cuồng chùa làng nhón tiền công quả để uống rượu. Ngày ấy chú chưa phải là sư, mà chỉ là sư mõ…gõ mõ nên chưa đạt tới sắc-không, nghĩa là chú không thể uống rượu mà đạt tới cõi…chưa hề uống. Tính khắc kỷ của chú đã hằn nếp, đã nói rồi mà ! Vừa nói đến tiền bạc…thì..
Thì cũng vừa lúc thuyền qua đến bờ bên kia, mọi người lục tục trả tiền đò. Đến phiên sư ông, cô lái đò đòi sư những hai hào, một lộ phí nhiều gấp hai hơn bình thường. Sư lụng bụng hỏi vì sao? Cô lái dò cười lủng lẳng:
– Vì Thầy nhìn em…
Cô viện dẫn lý do sư phải trả thêm tiền dòm trộm phần cơ thể của cô mà cô không muốn người khác trông thấy. Sư ho khúc khắc một hồi lâu, miệng lúng búng chẳng nói được câu nào cho phải nhẽ. Cuối cùng sư cũng đành ngượng nghịu bấm bụng trả số tiền cô gái đòi cho xong chuyện. Cho xong một chuyến đò…Qua đến bờ bên kia, trên hương lộ tới chợ huyện, sư xập xèng rằng: Mô phật! Bến ngộ đâu không thấy chỉ thấy bờ mề bến lú…
***
Thế nhưng chuyện vẫn chưa xong với…một chuyến đò nên duyên.
Vai khoác cái tay nải nặng chĩu, trong ấy đủ cả nhang đèn hương khói, nhưng vẫn thiếu vắng…cái đồng hồ giấy nên lại trễ đò. Vội năm vội tháng ai lại vội ngày, sư nhủ thầm thế. Đợi con đò lừ đừ quay lại, sư lại đứng bên sông gọi ơi ới:
– Đò.
Đò cập bến, bận về, thuyền đầy những hoa quả, tiền giấy, voi giấy, người giấy và cả chó giấy được khách thập phương mang về để cúng cháo thí. Như có duyên phần đẩy đưa, sư vẫn ngồi chỗ cũ. Khác chuyến đi, sư chợt nhận ra nút ngực áo cô lái đò có hơi bị trễ nải. Hay nói đúng hơn dường như được tháo cởi cho thoáng đãng vì gió nồm, gió hanh. Và bầy trước mắt sư một cái gì lạ lắm mà trong tâm ý sư thì đầy váng vất với mông lung nên nghĩ không ra. Nghĩ cho cùng, chuyến đi chẳng có gì lạ với sư. Nhưng chuyến về thì nó lạ lẫm hơn, sư khai thông phá ngộ nó thây lẩy trông đến nẫn cả ruột gan vì nó nhẩy tâng tâng theo nhịp chèo. Mặc dù nhịp chèo khua rất khẽ. Thế nhưng theo hai mái chèo, cô lái đò phải cúi xuông. Và cứ cúi xuống mãi. Cứ lắng đọng trong nương chiều cả một hồi lâu trong thinh không. Cái của nợ mông quạnh ấy lồ lộ, to vật vã, cứ thúc lia lịa vào mặt sư. Bởi thế sư cứ lõ mắt nhìn chăm chắm vào vùng mờ ảo diệu vợi của cô lái đò. Bằng giác quan của phụ nữ, cô lái đò biết sư đang nhìn mình, và vờ như không biết. Cô cúi xuống sâu hơn, lắng đọng lâu hơn, không theo nhịp mái chèo nữa.
Vì muốn cho an tịnh trong chân không. Hiểu theo nghĩa là không thấy gì nên sư quay mặt dòm xuống mặt nước trong suốt thời gian qua sông. Thân thái gồ ghề của sư như biến đi đâu mất cả, qua sóng nước dập dềnh, mắt sư bám vào… ‘’bèo bọt’ như cua cắp, sư chỉ thấy xao lòng qua ‘’cái gì ấy’’ chũm chĩm, chỏng chảnh nhấp nhô theo con sóng, theo mạn thuyền. Sư liên tưởng đến đức Bồ Đề Lạt Ma vê bến ngộ và sang sông bằng cọng cỏ lau. Sư mường tượng đến nếu như trên cọng cỏ có cô lái đò như thế kia thì ắt hẳn đức Lạt Ma chẳng đắc đạo để sư phải đi tu như thế này. Tu là bể khổ, người đời vẫn nói thế. Và bất giác sư buột mồm lâm râm niệm : “Yết đế! Yết đế! Ba la yết đế!”, tạm hiểu theo sư là qua đi! qua đi! qua nữa đi cho rồi.
Vậy mà con thuyền vẫn chưa qua bên kia sông. Ngồi đồng hóa Bụt, sư ông loáy nhoáy hồi tưởng đến những ngày sư là chú tiểu với chướng ngại là nữ sắc. Chú biết giữ mình, không giống như các sư huynh, sư đệ, đôi khi lấp liếm vụng trộm ăn mặn hay chọc gái, bờm xờm trăng gió cho vui. Mỗi khi vào làng, chú cứ theo luật chùa dậy, nhìn dưới đất ngay trước mặt, cách mình ba bước, cứ vậy mà cất bước đi thẳng, chẳng liếc, ngó hai bên. Cho nên, có vào làng chú cũng chả gặp ai. Mà chỉ gặp…‘’cái vũng nước’’. Nhưng ấy là ở khúc sau…
Rồi sư lại miên man, giới luật đẩy những rung động ái dục vừa tách rời xa sư như con đò vừa tách bến. Nhưng giờ đây bằng tuổi này, những năm tháng đạm bạc, tiết dục đã tạo sư một dáng dấp khắc khổ rắn đanh. Duy chỉ đôi mắt lấp lánh những tuệ mẫn và cũng thỉnh thoảng, nó lấp lánh ánh sáng trần thế lạ lẫm lắm. Và sư đang ngồi chứ không phải cắm đầu đi, để đối diện với tục lụy, sắc bất thị không qua cô lái đò, sư không thấy gì là bất định, là tạp nhiễm nơi cô cả. Ngược lại, sư chỉ thấy lờ mờ qua sương khói những gì sư nhìn thấy trắng và trong như nước cam lồ từ bình tịnh thủy của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tụng kinh ư, sư làu thông nhưng trong tình huống này sư chịu chết. Cuối cùng sư cũng đành lẩm nhẩm tụng: Nghiệp chướng, ta trả lại cho ngươi tấm thân tứ đại này. Lẽ vô úy mà sư tổ dậy ta không nằm trong ở sự đối diện những rối rắm kia. Sự vô úy ấy là cái tâm rỗng không nhận đón những nghiệp duyên.
Bỗng cô lái đò chỉ cây gạo báo cho sư biết sắp đến bến bên kia là sắp về đến chùa. Nhìn theo ngón tay chỉ, sư ông lại quay quắt với chuyện đức Bồ Đề Đạt Ma khi ngài ngồi diện bích với bức tường đá, có người đến hỏi Ngài rằng: Bạch thầy, tâm con không an. Ngài bảo: Ngươi đưa tâm của ngươi ra cho ta xem. Người kia đáp: Bạch thầy, con tìm tâm mãi mà không thấy. Ngài bảo: Đó! Đó là ta đã an tâm cho ngươi rồi đấy. Thế là người ấy giác ngộ…
Thế nhưng cái tâm của sư ông…không ngộ, vì sư đốn ngộ ra rằng đức Bồ Đề Đạt Ma ngồi trong hang hốc chín năm có nói tiếng nào đâu, mà chỉ có đôi mắt tuệ mẫn nói thay cho người. Vì vậy đôi mắt hấp háy của sư ông có sức nhiếp phục cô lái đò với nhiễu sự trả tiền đò, vì sư nào có nom ròm cô lái đò trong một chiều trên bến nước. Thế nên sư thản nhiên đưa một hào và định quay bước xa sông về với núi. Nhưng cô lái đò lại nhún nhín đòi những ba hào. Cả một bầu trời viên miễn ập đổ xuống sư. Sư lại lựng bựng hỏi vì sao? Cô lái đò cười hoẻn:
– Lần nầy Thầy nhìn em dưới nước.
Sau đây là phần ghi lại mẩu đối thoại giữa sư ông và cô lái đò.
Sư chộn rộn: “Bận đi bần tăng vì tò mò nhìn thí chủ nên phải trả hai hào. Bận về bần tăng có nhìn gì đâu mà thí chủ đòi tới ba hào”. Cô lái đò dĩu môi thắt thẻo: “Bận đi Thầy chỉ nhìn em bằng đôi mắt trần thịt. Bận về Thầy nhìn em qua sóng nước bằng ý niệm. Khi cái đầu Thầy muốn lảng tránh một cái gì tức là Thầy luôn nghĩ đến nó, để nó chi phối toàn bộ lục căn của Thầy. Đó là lý do Thầy phải trả nhiều tiền hơn.”
Thêm một lần, trong một thoáng mây bay, sư giật mình đến thót người vì triệt ngộ được từ cô lái đò có con mắt lá răm như chiếc thuyền lá tre qua một điều xưa cũ: Trong nhà Phật, mở được huệ nhãn là thấy được cái vô tướng, vô hình của mọi pháp. Thế nhưng lúc này đây, tất cả với sư ông đã quá muộn màng. Hiểu theo nghĩa là sư đã thuộc về quá khứ. Vì sư ông đã là… ‘’ông’’ thì chẳng còn…trẻ nữa. Hay nói khác đi, hành ngôn hàng tỏi thì sư ông già rồi, cũ kỹ rồi, sư trở thành cổ kính như con thuyền gỗ bạc phếch, rạn nứt, để có những bất trắc…
***
Chuyện kể theo người viết chẳng hẳn trong một thoáng mây bay, hay một chiều thu lá rơi tường bắc là sang đông. Mà chuyện quá khứ vị lai là mươi mười năm sau với gió thổi muông chiều để sư ông thành…sư cụ thật. Thật sự kể ngày ấy sư cụ không hẻo lánh xuống bến Chùa nữa, ngoài chuyện Phật sự tụng kinh gõ mõ, sư cụ tĩnh tâm trong am, sám hối trong cốc.
Mười năm sau, một ngày rằm tháng bẩy, sư cụ thả bộ quanh sân chùa. Sân chùa là bãi cỏ hoang với cây rừng, mặc dù chẳng có chiếc lá vàng nào rơi vãi, vậy mà cụ lễnh đễnh với câu thơ “Não ngườI thay buổi chiều thu, ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…” trong bài Văn tế thập loại chúng sinh như đốt lò hương cũ. Cụ chiêu hồn quá khứ đến giờ ngọ, rồi nôn nao khăn gói gió đưa xuống núi, cụ về lại bến đò ngày nào năm ấy. Dưới gốc cây gạo hoa đỏ nay đã già cỗi như cụ, ở đó có một quán nước và cụ ngồi đấy đếm thời gian qua mau với vật đổi sao rời như một cơn gió thoáng. Để rồi từ trong tâm thức của cụ bật ra âm hưởng câu cổ thi vọng ngôn của Nguyễn Gia Thiều:
Góc danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
Mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ
Đường thê đồ gót rỗ kỳ khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh…
Bạn đọc nhíu mày lao xao: Cớ sự gì sư cụ lại trở lại nơi chốn cũ với bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê, ngập những mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ. Thì như người viết đã thưa thốt ở khúc đầu rằng chẳng mấy ai lại trở về tắm hai lần ở cùng một dòng sông. Không ngoài chỉ là cái vũng nước cho trâu tắm nằm trên con đường làng. Nhưng ấy lại nằm thong dong ở khúc cuối.
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh vẫn còn neo thuyền ở bến kia. Vẫn như những ngày tháng cũ, sư cụ tay cầm đôi guốc rề tre gộc, quai da trâu, vai khoác cái tay nải, đứng dưới cây gạo, và sư cụ dóng dả: ‘’Đò’’. Con đò tách bến. Như có tiền duyên hậu kiếp, vì lắm khi chỉ một chỗ ngồi với cái nhìn lãng đãng không thôi mà thay đổi cả một mảnh đời bèo bọt. Cụ vẫn ngồi chỗ cũ sát mạn thuyền, chênh chếch trước mặt bà lái đò. Vẫn cảnh cũ người xưa, chỉ khác một nhẽ người lái đò nay đã cử nhử nên bà có dáng dấp nửa đàn bà nửa con gái.
Dài dòng thì sư cụ chùa làng là một người chân tu, đã dày công tu hành như cụ, cái gọi là cuộc sống trong kiếp hiện tại không có gì khác hơn là bụi bặm rác rưởi. Xa lánh cõi đời ô trọc đã lâu, có lẽ trong lòng cụ cũng tưởng như đã an nhiên tự tại, và cụ thầm nhủ không còn điều gì đủ làm mình bận tâm nữa. Cho nên khi nhìn tha nhân trong chốn trần tục, cụ không khỏi não người và thầm hỏi tại sao họ không ý thức được rằng những khoái lạc mình đang đi tìm chỉ là mộng ảo. Khi gặp mặt một người đàn bà dung nhan xinh đẹp, cụ chỉ thấy tội nghiệp cho mấy gã đàn ông nhầng nhầng trong làng. Rằng họ giống như đạp nhầm phải cái cối xay rồi lăn quay ra, rồi nhập vào cảnh giới vô tâm, vô ngã, vì vừa mới…ngã, quên mất tự ngã và không ý thức được nữa giữa mê và ngộ. Sau đó họ vướng vào vòng phiền não, nổi trôi trong mê lầm. Cụ cho rằng họ sống trong kiếp hiện tại là vướng mắc vào những ảo ảnh.
Vì ngồi bên mạn đò, sư cụ tẩn mẩn nhìn gỗ thuyền thấy con đò đóng bằng gỗ thành ngạnh như thế này thì ắt hẳn còn tốt chán. Bỗng dưng cụ khựng lại với… như thế này thì còn tốt chán. Gà gà mắt như người say thuốc lào, cụ ngước lên hong hanh về phía bà lái đò. Rồi chả hiểu nghĩ sao cụ găm mặt xuống mặt nước đang bồng bềnh nổi trôi như cái năm động giời ấy: Trong cõi mụ mị, với cảm xúc phồn thực, cụ chả thấy y xì như xưa mà chỉ là cùi dừa bánh đa, nào có khác gì mấy bà trong buổi chợ chiều địu con lên chùa, vén yếm, bày hàng những bộ ngực bánh dầy bề bộn cho con bú trước chốn thiền môn. Mô Phật! Mõ thảm chuông sầu gì đâu, trông cứ lùng nhùng, phễn phễn ra, đột nhiên khuôn mặt cụ lõng bõng như đĩa tiết canh sũng nước.
Thế là được thể cụ quay quả trở về cái ngày gặp buổi đi chợ qua sông năm xưa, mắt cụ va quẹt vào bộ ngực của cô lái đò như một kiếp nạn. Mây vẫn trôi, ngày vẫn qua đi, cho đến lúc này cái tâm cụ lâu nay không còn bị giao động trước hình hài của người đời, vì cụ cứ ngỡ rằng cụ đã thóat được cái nghiệp chướng. Cụ hồi tưởng lại chuyến đò đi về năm ấy, mặt sông chỉ thoáng gợn sóng lăn tăn, để cho qua đi, để cho thanh thản, sư cụ tĩnh tâm phép thủy quán tưởng, sư cụ niệm đức thế tôn, nhưng chỉ thấy hình ảnh của những vọng tưởng ngoi lên khuấy động. Cụ tự nhủ hình dáng bộ ngực đẹp đẽ xưa kia chỉ là một ảo ảnh, xác thịt đó hiện ra trong chốc lát nhưng rồi sẽ bị hủy diệt. Vì từ tuổi hoa niên, cụ biết giữ giới, chế ngự dục vọng để chối bỏ tất cả những đòi hỏi hoan lạc. Nhờ sự kềm dục với bản thân, cụ hiểu rằng xác thịt đàn bà không có gì khác hơn là đối tượng của nhục dục. Xác thịt thuần túy duy nhất chỉ có trong trí tưởng tượng. Bởi vì xem xác thịt là một cái gì trừu tượng chứ không có thật cho nên cụ đã cố tình làm như dửng dưng. Cụ ngỡ rằng niết bàn của kiếp lai sinh sẽ đến trong nay mai. Nay đốn ngộ ra, sư cụ chẳng thấy đâu là bến giác vì cụ đang đi vào mê lộ. Cụ càng đắm chìm trong vọng tưởng bao nhiêu thì tâm trí cụ càng đâm rễ sâu vào trong những tà niệm bấy nhiêu.
Ngày ấy, cụ lờ đờ như gà ban hôm, cụ cứ loay hoay với thân xác cũng như khuôn mặt của cô lái đò, là xác thịt đấy, nên ngập ngụa đầy những bất trắc mà bấy lâu nay như ẩn mình trong chốn sâu thẳm nơi cụ, lúc này đang thấp thóang ẩn hiện qua mái chèo của bà lái đò. Mặc dù chỉ mờ nhân ảnh giống…cái bánh dầy,…cái bánh ú chứ không phải là khoanh oản, hay nắm xôi nhà chùa. Ấy vậy mà cụ cảm thấy sức sống đang chuyển động nhập sâu vào vòng lai sinh của kiếp hiện tại. Trên là trời, dưới là nước, giữa là con thuyền, trong sóng nước bồng bềnh, cụ bắt gặp mình đang nổi trôi. Tưởng rằng phong cảnh thiên nhiên làm mình chia trí, cụ đưa mắt nhìn đám mây bay trên rặng núi xa kia, nhưng cụ không cảm nhận được vẻ đẹp mà chỉ thấy tâm hồn mình đang rối bời như đám mây bay. Lúc ngắm mặt sông nước, tâm trí cụ như khi ngồi trước Phật đài mong lòng được thanh tịnh, thì khuôn mặt của đức Phật từ bi bỗng biến dạng và mang nét mặt day dứt của cô lái đò năm xưa.
Ấy thế vậy mà cụ tự hỏi sao nhiễu sự có thể nẩy mầm từ trái tim còm cõi như cụ. Chẳng có chút hy vọng gì để được ai đoái hoài tới, đó là điều cụ không hiểu nổi nên phải nhín!
Vừa tháo động đến đây thì cũng vừa lúc con thuyền cập bến…Cũng như mười năm trước,
mọi người lục đục trả tiền đò. Đến phiên sư cụ, bà lái đòi những hai hào thay vì một hào. Mặt
bẹt ra như bánh đa nhúng nước, sư cụ lựng bựng hỏi vì sao? Bà lái đò tẻ mím:
– Sư Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến tôi.
Qua đến bờ bên kia, trên con đường sống trâu tới chợ huyện, cụ toen hoẻn rằng muôn sự tại tâm vạn sự tại thức thì làm như cụ đang mòn mỏi theo bước chân phù lãng nhân trong cõi ngu lạc trường. Mô Phật ! Sư cụ như lạc vào bờ mê bến ngộ để chẳng biết đâu là bờ với bến…
***
Trở lại bến, sư cụ lụm khụm xuống thuyền, vẫn như rằm tháng bẩy mọi năm, bận về thuyền đầy những quang gánh hương đèn, hàng mã cồng kềnh những voi, ngựa, kiệu, lọng. Và chẳng thế thiếu nhà mồ, nhà táng với người hầu. Ngồi găm một chỗ bên mạn thuyền lặng lờ nhìn xuống mặt nước, sư cụ thử lại phép thủy quán tưởng một lần nữa, từ phía dưới làn sóng lăn tăn, khuôn mặt thanh tịnh của cô lái đò loáng thoáng hiện lên. Vô hình chung cụ đã chấp nhận sự mê lầm là có thật. Chẳng phải là ảo. Bỗng cụ có cảm nhận nhiễu sự của cụ trở nên thanh khiết vô ngần, hình ảnh kiếp lai sinh bắt đầu lôi kéo cụ trở lại. Sư cụ chưa bao giờ hình dung cõi tịnh độ có thể mang một hình thái đơn thuần như thế này. Sự mong ngóng được về cõi tịnh độ ai ngờ cũng giống như nhục cảm. Chính nhục cảm đã giải thóat những vọng tưởng mê lầm trong kiếp hiện tại, để sư cụ đạt đến kiếp lai sinh. Trong thâm tâm, khi ấy cụ chỉ muốn tiến gần đến cô lái đò đang khuấy động mái chèo dục vọng. Sư cụ chỉ thấy cô lái đò đầy nhục cảm gọi mời…Cụ cũng tự hiểu ngóc ngách yếu đuối nhất của con người là nỗi đam mê khốn cùng của lạc thú. Đèn lu dầu kiệt, cụ lâm râm: Nam mô thường tinh tấn Bồ Tát Ma Ha Tát”.
Đột nhiên đàn cá đồng tiền, cá ba trầm to vật quẫy mình tung lên khỏi mặt sông làm nước bắn vào vạt áo nâu sòng. Sư cụ giật mình thảng thốt kêu lên: A di đà Phật. Làm như không nghe, không thấy,…không nói, bà chỉ cây gạo báo cho cụ biết sắp về đến chùa. Xa xa, dưới cây hoa gạo đỏ là một quán nước mờ nhân ảnh, nhìn cây gạo già cỗi, gốc xù xì mà cứ theo già làng thân cây để làm quan tài hay tăm sỉa răng. Cụ miên man đến Bồ Đề Đạt Ma với chín năm diện bích chỉ quán chiếu ra một nhẽ: Muốn tìm sự gì thì hãy nhìn thẳng vào sự vật.
“..c..o..o..ng..”
Bỗng có tiếng chuông từ trên cao vọng xuống, sư cụ biết rằng ấy là tiếng chuông của sư ông mới nương bóng cửa thiền. Người sẽ trụ trì chùa làng sau này nếu như…sư cụ viên tịch.
Vừa nghĩ đến tiếng chuông chiều…Vừa thả hồn theo hồi chuông chiêu mộ…
Chân bước lên tấm ván ọp ẹp làm cầu để khách lên bờ, tay móc hầu bao ba hào nắm khư khư trong tay. Đò cập bến, lần này sư cụ nhìn thẳng vào bà lái đò. Cụ hỏi lần này phải trả bao nhiêu? Bà khẽ khàng:
– Tôi đưa sư Thầy qua sông, không lấy tiền đò.
Cụ hỏi:
Vì sao vậy?
Bà đáp:
– Sư Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới tôi nữa…
***
Cụ chỉ cần có bấy nhiêu những u u, minh minh. Trước mặt là con đường dài vô tận, sư cụ phân vân không biết về chùa trên núi hay xuống làng đây…
“..c..o..o..ng..”
Tiếng chuông từ khoảng không lại vọng xuống, cụ hiểu rằng với mỗi người nghe, hiểu tiếng chuông ấy theo nhẽ riêng của mình.
“..c..o..o..ng..”
Sư cụ lắng nghe: Thoáng như người đánh chuông có chút dè dặt. Đánh mà lòng không yên. Đánh mà như không muốn đánh. Vừa đánh vừa dè chừng. Vừa đánh vừa dò dẫm.
Đúng là có tiếng chuông! Ừ thì tiếng chuông! Cụ lắng nghe. Âm hưởng cao dần, tan loãng, tưởng như biến mất, bỗng dội lại chan hòa vào khoảng không.
“..c..o..o..ng..”
Tiếng chuông lại vang lên, có cái gì như ngập ngừng, dè chừng, dọ dẫm. Bây giờ cụ đang lắng mình vào tiếng chuông, càng về sau càng tròn trĩnh, đầy đủ, trầm vắng. Không lạ mà lạ. Vì đó là một quãng đời. Tiếng chuông lại trầm bổng vang lên truyền dần vào không gian, xuyên qua cây, qua lá, nhỏ dần và biến mất. Có một khoảng thời gian không dài lắm, tiếng chuông biến mất. Rồi xuất hiện trở lại. Rồi lại biến mất. Nhưng ngắn thôi. Môi khi gặp điều gì vạn sự bất như ý trong một mảnh đời, thoáng như trong tâm tưởng tiếng chuông đó lại trở về, khoan thai, trầm lắng. Cứ thế. Như thế…Như thể không cần người nghe…
“..c..o..o..ng..”
Nhưng tiếng chuông muốn sư cụ nghe…
Rằng mỗi người đều muốn có những yên ắng cho riêng mình. Tiếng chuông còn đó, hiền hòa và gợi nhớ. Tiếng chuông nhắc nhở sư cụ tất cả chỉ thoáng qua một chốc, như một áng mây bay cho bất cứ ai. Vì thế sư cụ cố ý chờ đợi tiếng chuông. Im lìm. Lịm dần. Vắng lặng hoàn toàn. Không hẳn thế. Nói cho ngay, cụ chẳng thể không mộng tưởng về những đổi thay và muốn sống trọn vẹn với những thay đổi ấy. Vì nó có thật. Ở một chuỗi thời gian, không gian nào đấy. Tiếng chuông lại vang lên trong vô định, sâu dần… Với cụ, dù có đôi chút muộn màng. Bỗng nhiên cụ cảm thấy nhẹ hẫng, không trọng lượng, không vướng víu. Tiếng chuông khoan thai bay bổng qua gió, qua mây. Ở một cõi vô thức dị dạng của đời sống. Nhìn lại những gì vừa trôi qua…Sư cụ cảm như tiếng chuông trôi, tâm tư cụ trôi.
Qua những nổi trôi, cụ lưỡng lự không biết nên xuống làng hay về chùa trên núi. Ừ thì hãy ghé quán nước cái đã. Cụ với tay kéo cái điếu cầy và lập bập từng hơi thuốc. Khói thuốc chất ngất, nhẹ hẫng. Theo tiếng chuông bập bềnh lấp lửng. Qua khói thuốc lào, cụ đi tìm lại nhân dáng của cô lái đò năm xưa…Chẳng còn giấu giếm, hay che đậy, vì nó còn lẩn khuất đâu đây. Cụ muốn gìn giữ những thuần khiết, khôi nguyên, đằm thắm về một hình hài, một bóng dáng. Cụ tìm lại những đổi thay để tìm mộng tưởng và sự thật, một vĩnh cửu giữa cuộc thăng trầm, một vết đọng giữa kiếp phù du qua khói lam chiều ẩn hiện ở phía làng dưới kia. Trên trời cuồn cuộn đám mây rối, có dăm ba con cò bay vội. Thoáng như phảng phất đâu đây có mùi hương đồng cỏ nội thoang thoảng và tiếng chuông…
“..c..o..o..ng..”
Tiếng chuông! Lại vẫn là tiếng chuông ngân vang giữa đồng không mông quạnh, trong không khí trong lành. Tiếng chuông khoan hòa truyền đi. Tiếng chuông đã đưa cụ qua đi những ngày tháng khắc khoải và có một khoảng thời gian gần như mộng mị…
“..c..o..o..ng..”
Tiếng chuông tỉnh thức đều đặn vang lên sau một thời gian lắng dịu. Sư cụ suy ngẫm về những sai trái trong tiếng chuông. Có chăng là khác ở người đánh chuông và…người nghe chuông. Tiếng chuông vẫn vậy! Chỉ ẩn tàng mông lung đâu đây vớí người nghe chuông…dò dẫm…dè chừng…ngập ngừng…
“..c..o..o..ng..”
***
Bạn đọc lại nhấm nhẳng tự hỏi cớ sự gì có tiếng chuông chung chiêng chống chếnh ở đây? Nghe như lạc lõng và không có thật! Cũng chả trách gì bạn đọc, ngay cả bà già hàng nước cũng vậy. Bỗng bà ngước mắt lên ngơ ngác hỏi cụ rằng tiếng âm ba đồng vọng ấy là gì vậy. Vì rằng với bà ngày tháng như quạ bay, hàng ngày chỉ quen với tiếng chuông báo ngọ hay báo tử.
Cụ lặng lẽ không đáp.
Như hồi nãy bà lái đò chỉ vào cây gạo đỏ, vô tình sui khiến cụ hãy nhìn thẳng vào sự vật. Sự thể tiếng chuông nhắc nhở cụ tất cả chỉ thoáng qua trong chốc lát, như một áng mây trôi qua mái chùa với xuân, hạ, thu, đông. Như ngày vẫn trôi tháng vẫn qua đi cho bất cứ ai. Lại như vẫn chỉ là duyên nghiệp. Và chẳng có con đường nào dài vô tận trước mắt….Ấy vậy mà lát sau, rít xong cối thuốc, cụ uể oải đứng dậy, đi về phía mản khói lam chiều đang lảng vảng ở phía làng xa xa, xa sông, xa núi. Và…xa chùa. Cứ theo già làng kể chuyện…
Chuyện rằng cụ muốn trở lại con đường mòn cũ mà những ngày còn là sa di, cụ đã đi lại lắm lần. Cụ đã từng bước lên những cám dỗ của tục lụy. Cũng trên lối mòn ấy, ngày nào cụ có những ước nguyện cao xa lắm: Nào học đạo, học thành sư thầy, sư tổ, học làm Phật. Nào là đốn ngộ thiền tâm, nào là hoằng dương Phật pháp, nào là liễu sinh thoát tử. Nhưng rồi lúc này đây, tất cả mọi sự đã bị bỏ rơi lại phía sau như những chiếc lá mùa thu rơi rụng. Sư cụ như bị ném vào cõi nhân gian mới mẻ đầy những ngõ ngách âm u và chằng chịt những lối đi hiểm hóc. Và chẳng nói gì xa xôi, ngay trước mặt cụ đây, cụ sắp phải đối mặt với…
Với con đường mòn xuống làng, cụ biết rằng phải qua một vũng nước.
Những vũng nước ở vùng đất quê lụt lội quanh năm này đẩy đưa cụ với cụ Nguyễn Khuyến một buổi đi qua một vũng nước, cụ Tam Nguyên nhởn nha nhả thơ “Đầu làng Ngang có một chỗ lội – Đàn bà qua đó vén váy lên – Chỗ thì đến gối, chỗ đến háng…”. Để rồi đầu óc sư cụ cứ lầng quầng qua chuyện sư tổ dạo nào kể chuyện ông sư già với ông sư trẻ cho cụ nghe trong những ngày sư cụ hết để chỏm để sắp…hóa thân thành…sư trẻ.
Vừa đi trên con đường xưa cũ, cụ vừa nghĩ mông lung qua câu nói của ông sư già với ông sư trẻ qua truyện thiền ấy: Thế ông còn mang cô gái đó theo sao? Tôi đã bỏ cô ta lại đằng kia rồi mà. Qua sư tổ thì ông sư già vô tâm, vô chấp sẽ được an lạc, giải thóat. Còn ông sư trẻ vì chấp nhất, không giác ngộ được. Như bóng lá trúc lay động theo gió chẳng có hạt bụi nào đọng lại. Như ánh trăng có chiếu xuống tận đáy hồ không để lại dấu vết nào cả. Đó là ý nghĩa công án thiền về sự không chấp giới luật của ông sư già trên qua sư tổ đã răn dậy sư cụ.
Và rồi sư cụ vừa đi vừa lắc lắc cái đầu vì cụ chẳng mảy may tin cho mấy khi ông sư già cõng cô gái có thể quên cái va chạm da thịt…nhột nhạt từ sau lưng! Bởi lẽ ông sư già hay cụ chỉ là người. Và cụ nhủ thầm: Muốn hiểu ông sư già thì hãy đặt bản thân mình vào ông ấy.
Hay nói khác đi, hãy nhìn thẳng vào sự vật. Như nhìn cây gạo hoa đỏ.
Đi trên con đường sống trâu ngoằn ngoèo những vết trâu đái, gần đến vũng nước đầu làng mà trâu hay dầm mình tắm ở đấy. Bất giác cụ tủm tỉm cười và hoang tưởng mình là ông sư già trong truyện thiền trên. Hiểu theo nghĩa là…”chuyện không có thật”. Để bỗng khi không cụ mường tượng ra trước mặt là cô lái đò đang lúng túng tìm cách đi qua vũng nước. Gần hơn một chút nữa, trong đầu cụ hiện ra rõ ràng hình ảnh cô từ đằng sau với tấm lưng thót lại như eon bọ ngựa thời kỳ mang trứng. Mới đầu cô rón rén, bước một chân chạm mặt nước rồi do dự, ngập ngừng. Thoáng như cô lái đò muốn qua vũng nước nhưng có chút dè dặt. Qua mà lòng không yên. Qua mà như không muốn qua. Vừa qua vừa dè chừng. Vừa qua vừa dò dẫm.
Cụ bước tới gần vũng nước hơn, mặc dù là chuyện không tưởng, nhưng cụ làm ra như nom nhòm thấy cô vén ống quần nái đen cũ sì lên một tí. Cô dọ dẫm chẳng biết nông hay sâu, liều thêm một chút nữa, nước lên đến gần đầu gối. Cô thấy gai gai lạnh nổi da gà, cô vén quần lên đến tận đầu gối, để lộ cặp đùi trắng như ếch lột, rồi vén lên tới tận bẹn. Vừa lúc cô lái đò quay lại, với dáng lom khom, bộ ngực sau cánh áo nâu trễ nải. Có ‘’cái gì ấy’’ nòn nõn, vũm mĩm như quả phật thủ qua hàng khuy buông lơi.
À mà đôi mắt tuệ mẫn của cụ không còn thông hanh nữa! Cái mà cụ đang nhìn thấy, chỉ là những ký ức mờ nhân ảnh của một dòng sông thật vắng xa của ngày xưa. Bất giác từ trong ngõ ngách tâm khảm đang ngủ yên bỗng thức dậy…Cụ bật ra một âm vọng xa vắng:
– Đò.
Thế nhưng chỉ là vũng nước đục ngầu, cô lái đò bước thêm vài bước nữa, vừa mới giẫm xuống đến mắt cá chân đã thấy lành lạnh. Cụ tiến đến gần cô hơn, nước mơn man bắp chân, cụ hình tượng đến ấm áp của da thịt. Từ cảm giác này qua cảm nhận kia, cụ tự hỏi: Cụ đã nuôi cái cảm giác thịt da qua bộ ngực lỡ thì của cô lái đó đã bao nhiêu năm? Lúc này cụ hiểu tại sao bước chân hoằng pháp lại đẩy đưa cụ đến vũng nước này, nơi mà nghiệp chướng đang ngóng chờ cụ! Cụ chớm ngộ rằng mình đã ấp ủ, đã nuôi bầu ngực ấy biết bao năm trời trong tiết dục khắc kỷ. Và khốn khổ thay, cụ cũng vừa nhận ra cụ đã lừa dối với chính cụ.
Cụ vừa quán triệt đến đây, mắt cụ bắt gặp cô lái đò tay vừa buông ống quần xuống, cô nhẹ ưỡn người ra đằng sau trong cái thế chờ đợi như muốn được cụ bế lên…Chứ không phải để được cõng như trong chuyện ông sư già, ông sư trẻ. Đầu cụ lại bị vướng víu bởi ông sư già đã không thật với ông sư trẻ cùng những đụng chạm, cọ xát của hai thân xác trần tục. Thế nên chẳng nói chẳng rằng, làm như theo quán tính đang nằm chờ sẵn ở hóc hẻm của tâm thức, cụ vừa định cúi xuống…Nói cho ngay, chỉ mới trong một thoáng giây…Sư cụ mới chỉ định thôi, và cũng vừa lúc sư cụ đưa hai tay ra để mang cái nghiệp quả qua vũng nước, bỗng…
Bỗng trong một sát na, có tiếng “..c..o..o..ng..”.
Cụ bần thần thả hồn theo tiếng chuông về ngôi chùa của cụ từ những ngày đầu cụ bước vào sân chùa. Lá hãy còn rụng đầy chưa ai quét. Cụ còn nhớ lại lời sư tổ dậy rằng hãy xem lá đa rụng ở vườn chùa là những sân si, mới chính là vườn tâm của mình. Quét lá và rác rưởi cũng chính là quét đi những cáu bẩn của tâm. Không để cho bất cứ cánh lá hay một cọng rác nhỏ nào sót lại thì mới có được cái tâm an nhiên tự tại.
Thêm một tiếng “..c..o..o..ng..”.
Sư cụ khựng lại lắng nghe, thoáng như người đánh chuông có chút dè dặt. Đánh mà lòng không yên. Đánh mà như không muốn đánh. Vừa đánh vừa dè chừng. Vừa đánh vừa dọ dẫm.
Cụ ngước mắt lên bến đò để đi tìm hình bóng của những năm tháng cũ, nhưng cụ chỉ thấy cây hoa gạo đỏ và bà già bán hàng nước dường như đang bỏm bẻm nhai trầu thì phải?.
Như ảo ảnh, như không có thật…
Trong trống vắng, cụ thanh thản cất bước bỏ đi. Để lại đằng sau cái vũng nước…
Thạch trúc gia trang
Thu phân, Canh Dần 2010
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Giọt nước ân tình     
Qua bao nhiêu kiếp ta còn gặp,
    Là bấy nhiêu tình yêu thiết tha....
 Tiếc chi giọt nước ân tình cũ ?
   Theo gió mây ngàn bay khuất xa ! 
           N
Trên thế gian này điều gì là quý giá nhất?
Thất tình!
Một nhà triết học gặp một thanh niên đang khóc vì thất tình. Nhà triết học lại gần và cười lớn.
Chàng thanh niên tỏ ra giận dữ chất vấn nhà triết học. Nhà triết học liền lắc đầu nói:
“Không phải tôi cười anh, mà chính là anh đang tự diễu mình”.
“Anh đau thương như vậy, chứng tỏ trong lòng anh còn tình yêu, mà đối phương không còn. Rõ ràng là tình yêu ở phía anh, anh không mất tình yêu, mà chỉ mất một người không yêu anh thôi, như vậy việc gì phải đau lòng? Tôi thấy anh nên về nhà ngủ một giấc là hơn. Người đáng khóc chính là cô gái, cô ta không chỉ mất anh mà còn mất cả tình yêu nữa.”
Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.
Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.
Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”
Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!”. Phật gật đầu, đi khỏi.
Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.
Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”
Nhện nói: “Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”
Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”
Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.
Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?” 
Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: 
“Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi.”
Phật nói: “Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!”
Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.
Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”
Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.
Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.
Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.
Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”
Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…
Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không? 
“Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!” 
Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người. 
Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ. 
Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.
Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.
Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.
Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?
Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.
Có muốn nghe tôi kể câu chuyện ấy lần nữa không,ngày xưa trước miếu Quan Âm
Lệ Thủy (ST)