Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Nhạc - Thơ - Văn - Tâm hồn tôi

Một chút tâm tình,
Chút tâm tình xin gởi người ở lại,
Hẹn ngày về khi vườn nhỏ ngát hương...
Tâm hồn tôi rực sáng ánh thiên đường,
Tôi tìm lại nơi tình yêu chớm nở !
NM

  Tâm hồn tôi
Tôi sẽ trở về gặp Nhu khi tâm hồn tôi là một khu vườn rực rỡ và ngát hương...

Ngôi nhà của bà nằm chênh vênh bên con sông chảy hiền và chung quanh là cây cối bùng nhùng vươn lên đón nắng. Tôi bước đến khoảng sân, có cảm giác gì đó thật êm dịu dưới bàn chân. Ở thềm, ông già lúi húi nhặt mớ rau rền đất với chiếc đài rọt rẹt bên cạnh đang phát chương trình những bài ca cách mạng.
Tôi vòng tay cúi chào ông. Ông đáp lại bằng một sự niềm nở, mừng vui như gặp lại đứa cháu xa quê lâu ngày mới trở về. Khóe mắt của tôi đã rưng rưng, lòng tôi đã nghèn nghẹn trong nỗi tủi. Bởi hình ảnh ông già đã khơi lên cả một khoảng trời ký ức về nội. Tôi sẽ mãi mãi có những ngày êm đềm nếu như nội không lặng lẽ rời xa tôi trong một chiều đông xơ xác. Điểm tựa cuối cùng là nội đã mất, tôi khác gì một con cá phải vùng vẫy giữa dòng chảy xiết.
Một vài khung cảnh hiện ra trước mắt tôi khiến tôi có cảm giác cuộc sống nơi này đìu hiu, ngày tháng sẽ trôi đi như một thước phim quay chậm. Nụ cười và ánh mắt của ông bà già sẽ thắp lên những ngọn đèn nhỏ cho căn nhà thêm sáng. Rồi giữa buổi chạng vạng buồn xo ấy, tôi đã nhìn thấy cô bé từ đầu ngõ. Cô bé lắc lư theo nhịp chân đạp xe, miệng nghêu ngao câu hát làm chiếc xe cũng tròng trành theo. Và lồng ngực của tôi cũng đang run lên, bồi hồi. Thấy tôi, khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé đỏ ửng lên như trái đào chín. Cô bé dựng xe ở góc sân, ôm chiếc cặp chạy một mạch vào bếp, bà già đang ở đó.
Bữa cơm tối ấy có món cá rô đồng rán giòn, bát canh rau rền đất ngọt mát và đĩa dưa muối chua chua. Sau những hồi trống réo lên trong bụng, tôi ăn liền ba bát cơm, quên mất ánh mắt cô bé nãy giờ chăm chú nhìn tôi. Ăn xong, tôi chủ động đi rửa bát bởi tôi không muốn mình được tiếp đãi như một vị khách. Cô bé không ngại ngùng ngồi xuống:
- Anh để em rửa cho. Anh úp bát vào rổ nhé.
Cô bé tên Nhu, vừa vào lớp 10 được nửa tháng. Tôi và Nhu đều là những đứa trẻ lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà. Bố mẹ Nhu đã mất khi Nhu còn rất bé, còn tôi, hai mươi tư tuổi vẫn không mảy may có một ký ức nào về họ. Nội tôi cũng chưa bao giờ nhắc đến khiến tôi luôn mơ hồ phỏng đoán đằng sau đó là một câu chuyện buồn. Những câu hỏi của tôi có thể làm nội day dứt và đau đớn. Vậy nên tôi đã giấu kín đi.
- Anh ở nhà em mấy ngày?
Câu hỏi của Nhu làm tôi bối rối. Một con đường mờ mịt bỗng hiện ra trong tâm trí tôi. Hay là trở lại túp lều ọp ẹp chiều nay? Rồi những khi thấy bà già ôm củi đi về, tôi sẽ trốn đâu đó cho đến khi bà già đi khuất.
- Anh cũng không biết nữa. Chắc là ngày mai.
- Nếu anh chưa vội thì ở lại thêm mấy hôm nữa. Ông bà sẽ vui lắm.
Tiếng “ờm” khe khẽ nơi cổ họng, tôi không biết Nhu nghe thấy hay không.
Đêm hôm ấy, tôi nằm ở gian nhà ngoài. Lạ giường, tôi không ngủ được nên lôi mấy cuốn sách trong ba lô ra gặm nhấm thời gian. Tài sản của tôi không có gì ngoài mấy cuốn sách ấy, tôi không nhớ đã đọc chúng bao lần nhưng mỗi lần đọc lại đều có thêm những cảm nhận mới. Như lúc này, khi tôi đang bộn bề với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, mở trang sách ra, những con chữ vẫn cứ tự nhiên thấm vào khối óc tôi. Mấy cuốn sách cho tôi một cuộc sống khác, bình yên và nhẹ nhõm hơn đời thực của tôi.
- Anh ấy ở nhà mình lâu không ngoại?
Tiếng Nhu từ gian trong vọng ra. Hình như ngôi nhà này hiếm khi có khách đến chơi nên chăng cô bé muốn níu tôi lại thêm một vài ngày nữa. Câu hỏi của cô bé đã nhen lên trong lòng tôi một ngọn lửa ấm.
Những ngày sau đó, tôi và Nhu trở nên gần gũi hơn. Những buổi chiều Nhu đi cắt cỏ cho cá, tôi đều đi theo để gánh cỏ về. Cô bé lúc nào cũng ríu rít như một chú chim non. Cô bé kể những câu chuyện ở lớp trong mỗi bữa cơm, ông bà của Nhu bao giờ cũng hào hứng lắng nghe.
- Hôm nay cháu thấy mấy bạn nam rủ nhau đua xe sau khi tan học đấy bà ạ.
- Ấy chết, sao lại chơi trò nguy hiểm vậy.
- Cuộc đua không diễn ra đâu bà ơi. Các bạn ấy còn phải dắt bộ một quãng đường xa đấy ạ.
Nhu lại cười khì khì một cách lém lỉnh:
- Cháu đã xịt lốp xe mà.
- Bà già chau mày nhìn Nhu, lườm yêu:
- Cái con bé này.
Bây giờ đang là mùa sấu rụng. Đêm đêm, tôi thường nghe thấy sấu đồm độp trên sân, đồm độp trên cả những tấm ngói cũ. Buổi sớm mai sẽ đánh thức tôi dậy bằng tiếng ríu rít của Nhu nhặt sấu ngoài sân.
Thấy tôi, cô bé nheo mắt cười, đưa tay vẫy vẫy như gọi mời tôi hãy đến đó, cùng Nhu nhặt nhạnh những trái sấu mới đêm qua giã từ cây mẹ. Khuôn mặt Nhu lúc nào cũng tươi rói như một đóa phượng nở bung sắc thắm. Nắng đã lên, nhảy nhót trên đôi vai Nhu.
Chiều đó, khi tôi đang cùng ông già kéo cá ở ao, cô bé lớn hớn chạy ra. Từ bờ ao bên kia, cô bé réo lên:
- Anh cho em mượn một cuốn sách nhé!
Chưa kịp nghe tôi đáp hết câu, cô bé đã chạy đi nhanh như sóc.
Tối ấy, bà nấu canh cá dọc mùng ngon lắm. Một vài lá nghệ tươi làm nồi canh càng thêm đậm vị và thân thuộc. Nội tôi cũng thường nấu vậy. Những lần ra Hà Nội sau này, tôi ăn canh cá bao lần cũng không cảm nhận được cái mùi vị tuổi thơ đã thấm đẫm ký ức. Hóa ra vì thiếu lá nghệ. Tôi húp sì sụp bát canh, chợt nhận ra bữa tối nay thiêu thiếu thứ gì đó. Là tiếng ríu rít của Nhu. Cô bé thẫn thờ, đôi mắt đen láy không mở tròn, đôi bờ mi thi thoảng lại khẽ khàng chạm vào nhau như cánh bướm non.
Sau bữa cơm, cô bé ôm cuốn sách ra ngoài sân ngồi đọc. Sợ chạm vào nỗi buồn của cô bé, tôi chỉ rón rén dõi theo từ phía sau. Bỗng con bé ôm mặt khóc, tôi hoảng hốt chạy ra.
- Em sao vậy, Nhu?
- Con Rùa chết rồi anh ơi.
Câu hỏi của tôi như ném thêm rơm vào đống lửa, Nhu nức nở lên. Tôi lơ ngơ một lúc mới sực nhớ ra con Rùa là nhân vật chính trong cuốn sách của tôi – một cô gái giàu lòng vị tha. Có lẽ cô bé mới đọc đến đoạn con Rùa bị dòng nước xiết cuốn trôi đi. Tâm hồn bé bỏng của Nhu dễ rung cảm quá đến độ tôi không nghĩ ai đó có thể bật khóc vì thân phận của một nhân vật.
- Em sẽ đọc tiếp chứ?
Cô bé đưa đôi mắt ầng ậc nước nhìn tôi, gật đầu đầy lưỡng lự.
Buổi sáng hôm sau, cô bé trả lại cho tôi cuốn sách, khuôn mặt trở lại tươi tắn như mọi ngày.
- Sao anh không nói với em là con Rùa vẫn chưa chết?
- Giống như khi em xem một bộ phim vậy. Sẽ không còn thú vị nếu em biết trước kết thúc của nó.
Nhu sẽ không thể buồn vui đến tận cùng với mỗi số phận và tôi tin những giọt nước mắt đêm qua sẽ khó lòng tuôn chảy nếu tôi nói cho em biết rằng con Rùa không chết đâu. Đó là “cái bẫy cảm xúc” mà tác giả dành tặng cho độc giả. Cô bé đã khóc vì buồn thương rồi cũng sẽ khóc vì hạnh phúc.
Nhu kể cho tôi nghe về anh chàng lớp 12 ngày nào cũng bỏ vào ngăn bàn của em một lá thư. Em chỉ đọc hai lá thư đầu tiên. Những lá thư sau đó, em không bao giờ mở ra nữa.
- Em có tò mò về anh chàng đó không?
- Em càng tò mò, hắn sẽ càng bám riết lấy em thôi. Bà em bảo đó là tình yêu bọ xít.
Con bé cười, lúng liếng đôi mắt tròn xoe.
Tôi sẽ mãi được ngắm nhìn đôi mắt trong veo của Nhu nếu buổi chiều hôm qua tôi không lén nhìn cô bé trong nhà tắm được bao quanh bằng những tấm mành tre lỗ chỗ khe hở. Tấm thân nõn nà của cô bé lồ lộ ra trước mắt như mời gọi những ý nghĩ nhơ nhuốc dấy lên trong tâm trí tôi. Ý nghĩ thôi thúc tôi tiến thêm vài bước. Như thể tôi đang lao xuống một con dốc thẳm mà phanh xe cũng trở nên vô dụng, tôi cứ thế bị đẩy đi.
Tiếng ông già quát chó ngoài ngõ khi bàn tay tôi vừa chạm vào tấm mành mỏng manh và yếu ớt khiến tôi giật thót. Tôi run sợ chạy vào nhà, ngồi thừ trên giường.
- Anh sao vậy? Anh ốm à? Trán anh đổ nhiều mồ hôi quá.
- Tôi đâm ra lúng túng, gạt tay cô bé ra khỏi trán.
- Anh không sao.
Những ngày sau đó, tôi cố gắng tự nhiên nhất khi nói chuyện với Nhu dù tôi vẫn không đủ can đảm nhìn vào đôi mắt thơ ngây của cô bé. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì những ý định lầm lỗi cứ đeo bám tôi.
Những quả sấu già còn sót lại đã bứt mình rụng xuống. Tiếng đồm độp trên mái nhà cứ giẫm đạp lên cõi lòng non nớt của tôi. Gió khua lên từng hồi khô khốc. Đến lúc tôi phải rời xa Nhu, cô bé mà tôi nhận ra mình thương yêu khi đã muộn màng...
Tôi định sẽ lẳng lặng ra đi trong buổi chiều Nhu đi học. Nhưng trước khi đi, cô bé còn níu lại bằng cái nhìn tha thiết:
- Chiều nay, anh đi đón em được không?
Tôi đồng ý với cô bé. Đó sẽ điều cuối cùng tôi có thể làm cho Nhu, cho những lầm lỗi của mình.
Sân trường mỗi lúc một vắng hơn cho đến khi không còn một bóng người, tôi vẫn không thấy Nhu. Tôi đâm ra lo sợ. Tôi vội lao vào trường khi cánh cổng sắp sửa khép. Tôi như một kẻ điên dại chạy dọc khắp các dãy hành lang. Đến nhìn thấy Nhu đang giãy giụa như con cá mắc câu giữa ba thằng con trai lớn tồng ngồng, tôi ập vào chúng bằng những cú đấm mạnh bạo. Nhu lao đến ôm ghì lấy tôi nức nở, thoáng chốc vai áo của tôi đã ướt đẫm.
Trên đường về, Nhu ngồi sau xe, cô bé nắm chặt lấy vạt áo bên hông tôi. Cái áo co rúm lại chỗ tay Nhu và tôi cảm nhận được rõ rệt cái run rẩy của bàn tay nhỏ nhắn ấy đang chạm vào da thịt mình.
- May mà có anh.
Tiếng Nhu thỏ thẻ, thi thoảng còn sụt sùi khe khẽ. Tôi lặng người đi, đôi chân như rệu rã. Từ một kẻ suýt chút nữa cướp đi khoảng trời mơ mộng trong ngần của Nhu, tôi lại trở thành ân nhân. Điều đó khiến tôi càng thấy hổ thẹn và day dứt.
- Từ ngày mai anh sẽ không thể bảo vệ em nữa.
- Anh sẽ quay trở lại chứ?
- Ừ.
Tiếng “ừ” khó khăn lắm tôi mới nói ra được bằng cái giọng trầm lặng đến độ Nhu buộc phải hiểu đó không phải một lời hứa chắc chắn.
- Em sẽ nhớ anh nhiều lắm.
Từng câu nói của Nhu, từng tiếng thở của Nhu và cả tiếng nấc lên nơi lồng ngực của cô bé như sắp sửa vắt kiệt chút sức lực cuối cùng của tôi. Tâm can tôi đang giày xéo. Giá như tôi có thể vui vì tình cảm trong trẻo Nhu dành cho tôi thì chắc chắn tôi sẽ không ra đi lúc này, khi mà tình yêu thương của tôi cũng vừa chớm nở.
Tôi để lại tất cả những cuốn sách cho Nhu. Nhu đón nhận chúng như món quà của tôi. Cô bé từng bảo với tôi rằng, người yêu khu vườn văn học như tôi là người có tâm hồn đẹp. Những cuốn sách có thể làm đôi vai tôi thêm chùng chình bởi cõi lòng tôi đã đèo bòng quá nặng cho lỗi lầm quá khứ. Đến lúc tôi phải rời xa ngôi nhà nhỏ ẩn mình sau những hàng bạch đàn cao vút. Đến lúc tôi phải đi tìm bản ngã của mình và cái phần người mà tôi đã đánh mất ở đoạn đường đời nào đó.
Tôi sẽ trở về gặp Nhu khi tâm hồn tôi là một khu vườn rực rỡ và ngát hương.
Dương Hằng (baoquangbinh)
Kết quả hình ảnh cho Tỉnh mộng
Tỉnh mộng,
Miền ký ức giữ hoài theo năm tháng,
Gian nhà xưa, vạt cỏ đậu hoa vàng...
Chiếc xích đu, bậc thềm cũ thời gian,
Những hình ảnh em luôn hoài thương nhớ !

Trở lại đây với tâm tình bỡ ngỡ,
Khung cảnh xưa ngày cũ vẫn còn đây...
Biết bao nhiêu mơ ước đã đắp xây,
Giờ bỗng thoắt bay về miền dĩ vãng !

Tiếng đàn kia xin gởi vào quên lãng,
Em không còn hối tiếc kỷ niệm xưa...
Bước ra về dưới hoa tím chiều mưa,
Lòng cay đắng nhận ra mình có lỗi !!
NM
Kết quả hình ảnh cho Tỉnh mộng
                 Chiêm bao
Những giấc mơ năm cũ, cô thấy mình đứng dưới giàn hoa giấy mang màu tím buồn rười rượi thả từ cổng nhà cũ kỹ. Trong chiêm bao, sẽ luôn luôn là bàn tay thô ráp của người đàn ông ấy luồn vào mái tóc cô, chạm nhè nhẹ như sợ chúng thức giấc.
Phía sau cánh cổng gỗ sắp mục nát, thứ duy nhất thu hút và đủ sức ám ảnh cô mãi đến tận sau này chính là tiếng guitar réo rắt mỗi khi chiều xuống. Khi cô buồn, tiếng đàn vang lên bập bùng như tiếng lửa nổ tí tách giữa đêm thinh lặng, thiêu những nỗi buồn thành tro bụi. Khi cô vui, tiếng đàn lại vang lên ríu ran như một đàn sẻ đang nhảy nhót xung quanh tán thưởng. Và trong ánh mắt đầy cảm hứng kia hướng về phía mình, cô thấy mình an nhiên, không một mảy may lo lắng.
Trong khoảnh sân gạch cũ được lấp xen kẽ bằng vạt cỏ đậu khoe những búp hoa vàng li ti, thứ mà cô muốn chạm đến nhiều nhất là chiếc xích đu bằng gỗ vát đã bị mối ăn vài chỗ. Sau khi cô đến chơi vài bận thì miếng gỗ mục đã được thay thế bằng hai chiếc vỏ xe hơi sơn màu xanh lam dễ chịu. Người đàn ông có đôi tay thô ráp ấy đụng đến thứ gì thì cũng hóa tinh tươm, đẹp đẽ, bay bổng. Chả trách vườn nhà chỉ có vài vạt hoa nhỏ mà lúc nào cũng ong bướm rập rờn. Ngôi nhà gỗ nhỏ, những bậc thềm cũ kỹ nhuộm màu thời gian, vài bụi chuối căng mẩy. Khung cảnh chẳng có gì tươi tắn nếu không nhờ tiếng đàn kỳ lạ kia. “...Và nếu thiếu vắng một người con gái, anh sẽ không hình dung nổi nếu ngày nào đó nơi này vắng em”.
Cô cũng không hình dung nổi ngày mà cô khoác lên mình chiếc áo cưới lộng lẫy, xinh đẹp như một nàng công chúa bước ra từ câu chuyện cổ tích, hoàng tử tới đón nàng lại không phải là anh. Bóng anh khuất dần sau vòm hoa tím, khi đoàn xe đưa dâu bóng loáng lướt êm qua hẻm nhỏ, mang theo tiếng hò reo phấn khích của lũ trẻ tinh quái. Đêm tân hôn, cô ngồi bó gối bên cửa sổ, cố nghe một thanh âm thân thuộc nào đó có thể len lỏi theo mình lên tận thành phố hào nhoáng xa lạ này không. Không có bất cứ mối liên hệ nào với chốn cũ, ngoài mùi hương bưởi cô đã gội đầu sáng nay, trước khi tết tóc.
Cô ngồi nhìn chồng thật lâu, sợ rằng mình sẽ quên mất gương mặt ấy ngay khi thức giấc. Đứa bạn thân nói, chồng mày cứ như diễn viên điện ảnh, lại giàu, mày đúng là có số hưởng. Lúc đó, cô hoàn toàn không tìm ra được một đường nét nào gọi là hoàn hảo trên gương mặt chồng. Chỉ thấy những góc vát mạnh mẽ của anh hiện lên, khuất lấp gần hết khuôn mặt kia. Tâm trí cô, từ buổi đó chếnh choáng mãi không thôi.
Cô như người say rượu, thứ rượu mạnh mà chưa có phương thuốc nào giã được. Tình yêu của chồng cũng chỉ là thứ nước hoa xịt vào người cô mỗi sáng, rồi chúng cũng nhanh chóng theo gió tan loãng ngay trong ngày. Đứa con trai kháu khỉnh cũng chỉ là niềm vui bất chợt, những niềm vui len lỏi đâu đó trong một mớ muộn phiền ngày nào cô cũng cố gắng nhặt ra từng chút.
Mười năm rồi, đêm nào cô cũng mơ về đôi tay đó và tiếng đàn đầy ám ảnh. Có đêm cô hoảng hốt kêu gào khi thấy mình chạy chân trần về thăm nơi cũ. Không có thảm cỏ hoa nào chào đón cô, không có đôi tay nào dang ra mời gọi, không có một thanh âm nào rõ ràng ngoài tiếng xích đu rền rĩ trong đêm hoang lạnh. Cô lục tung mọi ngóc ngách trong căn nhà nhỏ, gọi tên anh trong vô vọng. Gọi đến khi giọng cô nứt ra, rơi vụn giữa đêm thâu...
Mười năm, chưa khi nào cô thôi cảm giác mình bị bỏ rơi, hụt hơi chạy theo một lực hút vô hình nào đó, từ phía bóng tối thâm u phía trước. Có cảm giác như bóng tối chưa bao giờ chịu thỏa hiệp với cô.
Mười năm. Lòng chưa thôi hoang lạnh.
Nếu dùng cả tuổi thanh xuân để yêu một ai đó, điều chúng ta nhận lại được là gì? Có phải là thứ tình yêu đích thực mà người ta đền đáp lại hay chính ta phải trả giá cho những cuộc yêu điên dại bằng quãng đời buồn bã sau này?
Cô không trả lời được câu hỏi đó. Không ai có thể trả lời cô được.
Ngày xưa, tại sao đôi bàn tay ấy không cố níu giữ cô bên mình? Tại sao anh không thể gói ghém cho cô những giấc mơ trọn vẹn? Tại sao?
Cô phải đi tìm lời giải đáp. Cô nói với chồng việc mình phải về quê một chuyến. Chồng không bao giờ can thiệp vào những quyết định của cô, anh luôn luôn cho cô một khoảng trời tự do, đến mức cô thấy mình trở nên lạc lõng. Anh biến cô từ lọ lem thành một bà hoàng, lộng lẫy, yêu kiều trong mớ nhung lụa buồn thảm. Anh chiều chuộng cô tới mức, những hôm tiếp khách quá say, anh còn biết kê sẵn thau ngay chân giường và dặn cô để sáng dậy anh tự dọn lấy. Nhưng lần này, anh khẽ nắm tay cô, dịu dàng bảo:
- Anh sẽ đi cùng em. Vì có thể, sẽ lâu lắm chúng ta mới về nơi đó thêm lần nữa.
Chồng nói với cô về những dự định phía trước. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ đưa mẹ con cô ra nước ngoài định cư. Có rất nhiều việc phải chuẩn bị, nhưng tất cả đã sẵn sàng. Cô không khỏi ngạc nhiên, anh lấy sức đâu ra mà làm nhiều việc đến thế? Làm vậy để làm gì?
- Em đừng lo gì hết, chỉ là anh muốn tương lai vợ con mình phải tốt đẹp hơn thôi!
***
Họ dừng xe ngay đầu cái chợ chồm hổm nho nhỏ nhưng lúc nhúc những người và ra rả những cuộc ngã giá bán mua. Cô bảo chồng lái xe đến quán cà phê gần đó đợi mình. Cô muốn tự mình tìm về chốn cũ.
Có tiếng thau rổ va vào nhau leng keng, nhộn nhạo nơi góc chợ. Giọng khản đục của một bà cụ khi bị mấy người đi dẹp chợ hùng hục giằng mất mẹt rau trên tay bà khiến cô chú ý. Bà cụ nắm lấy vạt áo người đàn ông cao lớn bế cái bụng phệ đang nhón chân bước lên xe.
- Chú ơi, làm ơn, thương tui với!
- Tui thương bà rồi ai thương tui? Ngày nào mấy người cũng bày đầy ra đường nên tụi tui mới phải đi dọn dẹp như vầy nè, mệt thấy mồ chứ bộ sướng lắm hả?
- Nhưng mà tui bưng mẹt rau đi lòng vòng bán, chứ có ngồi chỗ nào đâu mà chú nói tui chiếm lòng đường? Hốt đồ của tui là mấy chú bậy lắm!
Người bán trứng gần đó vội vàng bế rổ trứng nhón chân chạy.
- Xứ này là vậy đó cô. Họ nuôi sống vợ con bằng công việc đó nên phải chịu, trách ai được cô ơi!
Biết vậy, nhưng bà cụ già cả rồi, ai lại nỡ làm như vậy với bà. Cảm giác xót xa dâng lên trong cô mãi không nguôi. Buồn thay cho xứ mình, lòng người, nếu không rộng lượng với nhau một chút thì trách sao cuộc sống cứ chênh chao.
Cô men theo lối mòn vào ngôi nhà đó, tim như thắt lại, mọi thứ cứ ngỡ như ngày hôm qua. Và mùi ký ức vừa sực lên trên góc mũi. Bướm ong vẫn lả lướt trên mấy vạt hoa. Chiếc xích đu xem chừng đã mòn nhẵn, lặng thinh nơi góc sân. Người đàn bà tướng mạo thấp đậm, nước da ngăm đen đang ngồi bệt trên sàn nhà lựa đậu làm giá đỗ, quẹt vội ống tay áo vào cạp quần khi nghe tiếng khách lạ.
Khi nghe cô nhắc đến tên chồng, người đàn bà ấy hơi nhíu mày nghi ngại.
- Chồng tui đi làm rồi, chắc cỡ một tiếng nữa mới về. Cô ở chơi, hay có gì cần nhắn lại ảnh không?
Cô nhắn tin cho chồng, đón ly nước lá dứa thơm mát từ người đàn bà lam lũ. Cô không biết mình sẽ nói gì khi gặp người cũ, nhưng lòng bảo cô nên đợi, vì có thể sẽ không chắc cô còn được gặp anh thêm lần nào.
Cô xin phụ giúp người đàn bà nhặt giá đỗ, nhưng đã bị từ chối khéo léo.
- Đôi tay cô đẹp quá, không nên đụng vào những thứ này, hư tay hết. Phụ nữ xinh đẹp như cô, chắc là được chồng cưng lắm đây!
- Không phải như chị nghĩ đâu ạ!
- Giá như tôi có dung mạo xinh đẹp như cô thì hay quá! Nếu vậy thì cuộc đời tôi, dù có chồng cũng đâu mặn chát như bây giờ.
Một tiếng đồng hồ trôi qua là cả cuộc đời buồn bã của người đàn bà đó tua chậm qua trước mắt cô. Cô lảo đảo rời khỏi ngôi nhà, váng vất đau như người say nắng.
Người đàn bà đáng thương đó, có đáng như vậy không?
Có tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng nhà khi cô vừa quay gót. Dáng người cao lớn, đôi tay mạnh mẽ ấy, và cái bụng phệ ục ịch kia... Tai cô ù đi, những âm thanh xô bồ trong khu chợ nhỏ lại ập về.
Cô ngả người lên vai chồng, thiếp đi suốt đoạn đường về. Mùi ký ức đã bấu lại bên đường. Mai, cô sẽ xịt nước hoa mỗi ngày, nói với chồng những câu yêu thương đã bỏ quên đâu đó. Chồng cô, can cớ gì phải nhận lãnh những lạnh nhạt dằn hắt từ người mình hết mực yêu thương...
Lỗi không ở ký ức, lỗi từ lòng người.
Trần Huyền Trang

Kết quả hình ảnh cho Tiếc Xuân

Anh đã thấy mùa xuân chưa

Tiếc Xuân
Xuân không còn nữa, Tết đã qua,
Đông xám làm phai nét mặn mà...
Đau đáu niềm riêng, bao kỷ niệm, 
Nhớ người năm cũ sao xót xa !
NM

  Nhớ ngang

 Sài Gòn đã trở lại nhộn nhịp, đông đúc, khởi động cho một vòng quay mới của đất trời. Tự dưng chị đâm nhớ ngang. Từ dạo sau tết không hiểu sao chị hay nhớ ngang như vầy.

Cái nhớ của người già là cái nhớ sau lưng. Mà cái sau lưng là cái đã qua rồi, qua lâu nữa là đằng khác nhưng chị có tật cứ hay nhớ tới nhớ lui cho nên nỗi nhớ của chị cái nào cũng cũ mèm, trầy xước, rệu rã...
Chị vào Facebook, nhắn tin: “Mập ơi, Mập à! Má nhớ quê quá”. Nó trả lời bằng cái mặt cười bự chảng. “Sao cười?”. “Vì có khi nào má không than nhớ một cái gì đó đâu”. “Nhưng má nhớ thật mà”. Lần này là cái mặt cười to hơn: “Có thật là nhớ quê không đó?”. Chị bỗng ngớ người ra. Ơ...! Lần đầu tiên chị thấy hoang mang, mơ hồ về nỗi nhớ của mình.
Thằng Mập là đứa hiểu chị nhất, bao dung với chị nhất, theo cái nghĩa vui vẻ chấp nhận mọi “thói hư tật xấu” của mẹ mà không kêu ca. Nó có thể kiên trì ngồi nghe chị kể lể, dông dài những nỗi nhớ mốc meo, xưa cũ bằng một giọng điệu rất mới và những giọt nước mắt tinh khôi.
“Hồi đó, má từ Sài Gòn theo chồng về quê, cái tết đầu tiên, má nhớ nhà, nhớ ông bà ngoại, nhớ dì và các cậu, nhớ bạn bè, nhớ cái xóm nhỏ ngoại ô mà má đã trải buồn vui suốt một thời thơ ấu. Nỗi nhớ lấn át cả tình yêu má dành cho bố. Giá như ngay khi ấy, được chọn lựa, má sẽ quyết định... về nhà. Nhiều cái tết sau nữa, má vẫn không được về nhà ngoại ăn tết. Nhưng nỗi nhớ của má đã khác. Má chọn bố và các con cho gần ba mươi cái tết không về quê ngoại”.
Nước mắt chị bắt đầu ứa ra. Lại một cái mặt cười bự chảng: “Sắp kể đến chuyện anh hai rồi đây!”. Đã bảo thằng Mập là đứa “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” má nhất mà. “Chỉ với một suy nghĩ duy nhất để anh con có thể vào đại học, má đã đẩy nó xa vòng tay má lúc nó mới lên mười. Năm đó, ông ngoại về rước anh hai lên Sài Gòn đi học.
Nhìn con đò khuất ngã ba sông, má đứt từng đoạn ruột. Đó là cuộc chia ly làm má đau đớn nhất, làm má day dứt và ân hận cho đến tận bây giờ. Sau đó là những năm tháng má sống trong triền miên nỗi nhớ các con. Hết anh hai tới chị ba tiếp tục đi học xa nhà. Mỗi mùa tết má càng thấm thía hơn giá trị của sự sum vầy”.
Vậy mà gần ba mươi năm sau, chị lại tự mình bày cuộc chia ly. Thằng Mập bé xíu lon ton theo má trở về Sài Gòn. Chị trở về. Xóm nhỏ ngoại ô đã thành thị tứ, các em lớn khôn thành đạt, ba mẹ đã tóc bạc da mồi, ngôi nhà nhỏ được cơi nới khang trang. Chị trở về “điền vào chỗ trống” cho ngôi nhà đủ đầy, ấm áp.
Nhưng bên cạnh niềm vui đoàn tụ ấy, một nỗi nhớ khác lại rền rĩ trong chị. Đó là nỗi nhớ ngôi nhà có ô cửa nhỏ nhìn ra một góc vườn, nhớ tiếng chim tíu tít rộn ràng mỗi sớm mai, nhớ tiếng gà xao xác khi trưa vắng, nhớ mùi khói bếp, nhớ tiếng con chim vịt gọi bạn buổi chiều về... Ban đầu chị cũng tưởng chỉ có thế. Hóa ra không phải.
Có những đêm thật dài, khi nỗi nhớ ràn rụa lẫn vào bóng đêm sâu thẳm, chị biết chị còn thao thiết nhớ... tiếng một người. Bởi vậy câu hỏi “có thật là nhớ quê không đó” kèm theo cái mặt cười bự chảng của thằng Mập vừa hiện ra làm chị thấy chột dạ (thằng Mập vẫn hay “đi guốc” trong bụng má). Thằng Mập bây giờ đã lớn, đã biết tự mình về thăm bố. Mỗi lần đi, nó hay trêu chị “có ai nhớ... “quê” hong ta. Mập cho quá giang”. Nó biết tỏng chị than nhớ quê thực ra là chị đang nhớ người.
Cái người mà chị cả đời lẽo đẽo đi theo, bất chấp tuổi thanh xuân, bất chấp tàn phai nhan sắc, bất chấp sự khác biệt về lối sống, suy nghĩ, khoảng cách nông thôn - thành thị, bất chấp mười mấy con người xa lạ mà chỉ qua một đêm, chị và họ bỗng trở thành người một nhà, bất chấp những lần chị bị họ ức hiếp mà anh không dám đứng về “phe” chị. Anh bỏ mặc chị một mình hứng chịu giông bão. Bỏ mặc chị cả khi chị bị cuộc đời băm vằm rã nát. Bỏ mặc chị loay hoay đối phó với bề bộn cuộc sống.
Ngày, chị ra đường kiếm tiền. Đêm về, chị đối mặt với hằm bà lằng công việc nội trợ. Khi làm cha, chị thiếu một chút mạnh mẽ, quyết đoán. Lúc làm mẹ, chị thiếu một chút mềm mỏng, dịu dàng. Vai nào chị cũng thiếu một chút. Không có vai nào là hoàn hảo. Cảm giác cô đơn, mỏi mệt, thất vọng, chán chường, cuộc sống nghèo túng, lẩn quẩn... khiến chị quyết định “xả vai”.
2 Vậy mà cũng đã hơn mười năm kể từ chị rời xa anh. Đêm giao thừa, khói hương trầm mặc, nến và hoa lung linh. Chị nhắm mắt, chắp tay trước ngực. Trong mênh mông vô thức, chị nghe có tiếng chân người giẫm lên lá khô xào xạc giữa vườn khuya - tiếng chân nghe cô độc quá. Chị thấy anh già nua, khắc khoải, ân hận, nhớ tiếc... đứng tựa ô cửa nhỏ trông ra một góc vườn - đêm ba mươi mịt mùng đen thẳm. Chị lâm râm cầu nguyện. Lời nguyện cầu bình an mang tên anh. Nước mắt chị ứa ra. Không qua mắt thằng Mập được. Chị tự thú “má nhớ quê!”. “Nhớ quê thì về thăm... quê. Mập chở má đi”.
3 Xe bon bon qua cầu. Tự dưng thằng Mập hỏi: “Má! Má còn yêu bố không? Nếu có cỗ máy ngược thời gian, má có... lấy bố không?”. Chị vòng tay qua bụng thằng Mập, áp mặt vào lưng nó, tính trả lời “không” nhưng kịp nhận ra cái bụng của nó sau mấy ngày tết xề xệ mỡ êm êm, nghe mùi mồ hôi lất phất quen thuộc của con, chị trả lời: “Má vẫn muốn y chang như vậy. Vì có y chang như vậy má mới đẻ ra ba đứa tụi con, mới đẻ ra thằng Mập của má chứ”.
Thằng Mập đưa tay bóp thật chặt bàn tay chị trên bụng nó. Xe xuống hết chân cầu, rẽ phải.
NGÔ THỊ THU VÂN



Kết quả hình ảnh cho hoa nhỏ màu tím

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Những cánh chim bay

Những cánh chim bay,
Cánh chim bay vút lên cao,
Cánh tiên thiên quyết trút bao bệnh tình...
Thương cho số phận sinh linh,
Đem ân đức đến phóng sinh cứu đời.
Lòng nhân lay động lòng trời,
Biết bao chim đến giúp người khổ đau.
Chim trời bay vút lên cao,
Mang theo tật bệnh khổ đau dương trần !
Tạ người mang đến hồng ân,
Xoá tan khổ nạn muôn phần an vui
  
Bà cụ Cần và bầy chim sẻ
“Những cánh chim sẻ quạt gió, như đang quyết trút bỏ tất cả khổ nạn nhọc nhằn của cõi trần gian. Như đang quyết rũ bỏ ốm đau bệnh tật rủi ro đeo bám rắp tâm hủy hoại sinh mệnh mỗi nhân quần. Những cánh chim nhỏ bé đại diện của sức sống tiên thiên. Những cánh chim hiện thân của những sinh linh bất tử, biểu trưng cho một trạng thái cao đẳng của công cuộc sinh tồn. Những cánh chim, hình ảnh của thiên sứ mang thông điệp thiên định về một hy vọng kỳ diệu và thật sự lớn lao…”.
Thực tình là thoạt đầu, trong lũ sinh vật có cánh biết bay, bà cụ Cần đâu để ý đến những con chim sẻ.
Bà cụ Cần, một người đàn bà nhà quê, tính tình hóm hỉnh, thực tình chỉ quan tâm đến con quạ, gã lang thang ranh mãnh, chuyên ăn trộm trứng gà; và sau nữa là con diều hâu, tên biệt kích mặc áo nâu, cao thủ trong nghề bay liệng, chuyện bắt cóc gà con. Diều hâu mày lượn cho tròn. Đến mai ta gả gà con cho mày. Nhưng đó là thời gian bà sống ở làng quê. Một làng quê Việt điển hình. Nơi có đồng ruộng làm ra hạt lúa. Có lũy tre xanh. Nơi trầm tích một nếp sống văn hóa cổ xưa. Nơi có nhiều đình chùa miếu mạo, sầm uất một đời sống tâm linh. Ngày xuân có lễ tịch điền, tháng năm giã bánh dày ăn Tết Đoan Ngọ, tháng bảy mở lễ Vu Lan, có tục cúng cháo thí, đốt vàng mã và lễ phóng sinh thả chim cứu khổ cứu nạn mỗi khi con người bệnh tật ốm đau. Còn các bà già khi mất thì được các con cháu làm lễ triệu vong đưa lên chùa để thành vãi làng và vãi nhà chùa.

Còn bây giờ thì bà cụ Cần lên thành phố ở với anh con trai tên Thuận, một bác sĩ, một tín đồ của chủ nghĩa thực nghiệm và duy lý triệt để. Mẹ bỏ ngay cái túm lá hương nhu gài trên khăn đi. Đau ở đâu thì bảo con cho đi chụp chiếu xét nghiệm và cấp đơn. Thuốc âu Mỹ thiếu gì mà cứ chườm ướp ba cái lá lẩu hương nhu với ngải cứu xằng xịt là thế nào! Lý do anh con trai quyết đưa bà mẹ nâu sồng lên thành phố là để cho mẹ được hưởng thụ trọn vẹn một đời sống thật sự văn minh sung sướng. Còn động cơ bà cụ lên ở với con trai là để đỡ đần anh. Bốn mươi tuổi rồi mà anh vẫn còn mải mê lặn lội trong nghề cứu người, vợ con chưa hề nghĩ tới.

Ở thành phố tất nhiên là không còn thấy bóng dáng quạ và diều hâu, hai tên đạo tặc dạn dày quỷ quyệt ấy nữa. Nhưng các giống chim thì không thiếu. Thành phố vẫn không xa rời gốc gác thiên nhiên của mình. Nhà nhà, nếu không nuôi yểng, họa mi, thì cũng sáo, bạch yến. Còn khi mùa xuân về thì đầy trời đan dệt đường bay của những con én cánh nhọn. Chưa kể bồ câu thì lúc nào cũng nghe thấy tiếng gù ấm áp của các cặp uyên ương và tiếng vỗ cánh rộn ràng của chúng.

Chim sẻ là giống chim bà lão Cần biết chậm nhất. Cũng là một sự tình cờ. Thuận, bác sĩ đi chống dịch sốt rét ở Tây Bắc về, đem theo một túi gạo đồng bào Thái tặng. Gạo nương giã dối. Vẫn là cái thói quen từ ngày ở làng, bà cụ Cần đi chợ mua một cái giần, một cái sàng và một cái mẹt về. Từng nắm gạo được bốc ra. Việc sàng sảy bắt đầu. Nắm gạo xoay tròn trên cái giần cái sàng rồi tiếp đó nẩy rào rào trên cái mẹt. Để rồi cuối cùng, các hạt thóc lép, các vẩy trấu cùng bụi cám và các hạt tấm li ti lần lượt dồn hết ra bờ rìa; và sau một cái hất tay nhẹ nhàng của bà cụ, đồng loạt rơi xuống và phủ lên khoảng sân một lớp bụi ưng ửng sắc vàng.

Chính lúc ấy bà cụ nghe thấy những tiếng vỗ cánh mềm mại và sau đó là tiếng kêu lích rích rất vui tai của những con chim bé xíu, lông nâu điểm những sọc đen. Những con chim sẻ quen thuộc từ ngày bà còn ở làng quê.

* * *
Những con chim sẻ bé nhỏ quen thuộc từ hốc nhà bay xuống khi bà cụ Cần sàng sảy gạo. Những con chim sẻ hằng ngày ríu ran trong các mảnh vườn ổi, vườn cam, vườn nhãn. Những con chim có bộ lông nâu pha xám treo mình như những quả chuông trên những cọng lúa đang chín vàng. Những con chim mỏ sừng đen nhánh túc tích trong những chân rạ ải tìm bắt sâu bọ. Những con chim tụ họp cả bầy, đông như một nắm bụi bay tung tóe lên từ những vườn hoa thành phố, từ những thảm cỏ xanh trên dải phân cách giữa đại lộ mỗi khi có một chiếc ô tô rú còi inh ỏi chạy qua. Những con chim sẻ từ các khu đồng sau vụ gặt ở ngoại thành bay về, đậu cả loạt làm thành một hình tượng trang trí trên các mái nhà cao tầng, yên bình rỉa lông cánh, để lộ lớp lông tơ trắng mờ ở phần bụng. Những con chim sẻ tắm cát, một dấu hiệu của cơn bão lũ sắp về. Những con chim sẻ đã giúp cô Tấm nhặt thóc ra thóc gạo ra gạo để cô kịp đi dự lễ hội vua mở trong cổ tích Tấm Cám. Những con chim sẻ hiền lành tốt bụng.

Ôi, những con chim thân thuộc, đông đảo và tầm thường như đại đa số chúng sinh. Nhìn chúng mải mê nhặt những hạt tấm hạt cám, phần lương thực loại bỏ mà bà cụ Cần bỗng chạnh lòng. Đồng ruộng trong xu thế đô thị hóa đang thu hẹp dần, nhường chỗ cho đường sá và các khu công nghiệp. Thóc gạo hiển nhiên sẽ chẳng còn dư dật. Và như vậy là từ hôm ấy, trong khi thực hiện một công việc hữu ích là chăm chỉ sàng sảy phần gạo ăn hằng ngày của hai mẹ con và tiếp đó, khi tình thương mến đã thành một nếp sống, lại đóng thêm vai kẻ chăm lo việc sàng sảy cho các gia đình láng giềng, bà cụ vẫn thầm lặng đóng thêm vai: kẻ cung đốn lương thực cho bầy chim. Chà! Lương thực cho bầy chim! Thì tấm cám sàng sảy ra đấy. Và cả những hạt cơm nguội ăn chẳng hết của mình, của hàng xóm, phơi khô để dành nữa đấy còn gì! Người đi châu âu về thường ca ngợi cảnh bọn bồ câu, chim sẻ bên đó dạn người đến mức có thể sán đến mổ hạt kê hạt lúa mạch hay bỏng ngô trên tay du khách. Thì ở đây, bồng lai tiên cảnh nọ hằng ngày chẳng vẫn diễn ra trên mảnh sân nhà bà cụ Cần đó sao!

Cho đến một hôm. Đang cho lũ chim ăn, bà Cần bỗng nghe thấy một tiếng quất rất đanh trong gió. Đàn chim nhận ngay ra tiếng động cùng mối hiểm nguy, đồng loạt vụt bay. Giật thót mình, quay lại bà cụ nhận ra một gã đàn ông cao lớn râu ria xồm xoàm như người nguyên thủy, mặc đồ rằn ri, tay cắp một khẩu súng hơi Tiệp Khắc đang đủng đỉnh đi vào vuông sân nhà mình.

– Chào bà cụ có tấm lòng thơm thảo.

– Không dám, chào ông. Ông nói kháy gì tôi vậy, hả ông chuyên nghề sát sinh?

– Hừ, đàn bà lanh lảnh tiếng đồng. Một, hẳn chiều chồng, hai, thật quý con. Tôi tin, bà là người như thế!

– Vậy tôi hỏi ông…

Không để bà cụ nói hết, gã săn chim đã ngả cái mũ cát két da, xoa cái đầu hói, cười hà hà đầy vẻ tự tin:

– Nói ngay không cần chỉnh đây. Bà lão ơi, bà nuôi bầy chim sẻ, bà có biết như thế là bà đang nối giáo cho giặc không? Người xưa gọi chim sẻ là một lũ tiểu nhân để phân biệt với người quân tử. Chúng là một lũ bất trị. Người Nhật Bổn có câu thành ngữ: Chim sẻ biết chọi nhau là lũ chim chẳng biết sợ ai. Ưu điểm duy nhất của chúng là khi chúng lên đĩa, lúc ấy chúng có tác dụng bổ thận tráng dương, bà ạ.

Lui lại một bước, hai con mắt bà cụ Cần nghiêng nghiêng nhó nháy:

– Ông nói gì mà nghe ghê răng thế! Nhưng ông đi săn chim ơi, ông có biết ông đang ở cái thế nguy cấp không?

– Thế gì mà nguy cấp vậy, hả thơm thảo bà lão ăn thừa?

– Thế thì ông không biết chuyện cổ này rồi. Con ve sầu đang bị con bọ ngựa rình ăn thịt. Nhưng con bọ ngựa đâu có biết nó đang bị con chim sẻ sắp bắt làm mồi. Trong khi đó, con chim sẻ đâu có biết một gã đi săn đang giơ súng ngắm nó. Nhưng cuối cùng, ác hại chưa, gã đi săn ngu đần quá vì không biết có con cọp đang sắp vồ mình.

– Ha ha… Xem ra bà lão quê mùa cũng là con người ứng biến khôn ngoan đây. Vậy thì hôm nay tôi chịu thua bà. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng có trách nhiệm nói cho bà biết. Rằng lũ chim sẻ hoang dã này chính là giống chim phá hoại mùa màng khủng khiếp nhất. Thành ra, có nơi cả nước người ta hơn một tỷ dân đã đồng loạt mở chiến dịch tiêu diệt chúng. Cả tỷ tỷ con đã bị người ta giết chết đấy, bà ạ. Mà chúng đâu phải là loài chim đẹp đẽ mỹ miều gì cho cam. Tổ tiên chúng cách đây một trăm tám mươi triệu năm chỉ là loài bò sát gớm guốc như con cá sấu, con thằn lằn ấy, bà có biết không?

Trút một hơi ra mấy câu nọ, gã săn chim quay đi, nhưng được vài bước đã quay lại, trề môi:

– Mà nói cho bà biết, liệu bà có chống nổi những kẻ bẫy chim đang bán cả lồng chim mấy chục con ở đầu phố nhà bà không? Đó, ở ngay đầu phố bà ở đấy. Ra mà xem!

* * *
Tất nhiên là bà cụ Cần có lạ gì những con chim sẻ. Nhưng làm sao bà biết được tất cả những điều mà gã đi săn chim nói về giống loài chim này. Có được học hành nhiều nhặn gì đâu mà bà biết rằng cách đây một trăm tám mươi triệu năm, để thích nghi với sự biến đổi của hoàn cảnh sống, loài bò sát trên trái đất này đã dần dần biến hóa thành loài chim hiện nay. Khi đó, những chiếc vảy của chúng biến thành lớp lông vũ và các chi trước thì biến thành đôi cánh. Còn để bay được xa, toàn thân của chúng phải trở nên một khối gọn nhẹ. Và như vậy, chúng cần có một bộ xương rỗng, trong khi đôi cánh sẽ được nối liền với bộ xương nơi bả vai bằng những đường gân chắc khỏe.

Bà cụ Cần xấp xỉ bảy mươi, người nhà quê cũng làm sao mà biết được những con chim sẻ này thuộc bộ sẻ, theo sự phân loại của các nhà điểu học. Bộ này gồm rất nhiều loài sống phổ biến ở nước Anh. Rằng sẻ là giống chim ăn tạp, cả thóc lúa lẫn sâu bọ. Chúng là loài sinh vật khá thông minh. Bắt bảy con sẻ, cho đi xa 650km, thế mà có đến năm con tìm được về tổ cũ. Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm như thế! Chưa hết! Sẻ là loài chim bay đường trường rất giỏi. Khi mùa xuân về, hàng vạn hàng ức con bằng đôi cánh nhỏ bé của mình đã làm cuộc lữ hành từ Nam Phi về tận Anh, và kỳ lạ là chúng về đúng nơi chúng đã làm tổ năm trước.

Tất nhiên là từ hồi còn trẻ bà cụ Cần có nghe người ta nói tới một thảm họa rất kỳ quái đã xảy ra với bầy chim sẻ ở một đất nước phương bắc nọ. Nhưng chuyện cũng đã lâu rồi. Và bây giờ thì bà đâu có biết, chính là nhờ tập tính bay xa mà trong lũ chim đến ăn ở sân nhà bà có nhiều con là hậu duệ của những con chim đã thoát chết sau chiến dịch tiêu diệt chim sẻ ở đất nước nọ. Chính xác là bầy chim sẻ thoát chết này đã làm cuộc tháo chạy có một không hai trong hành trình lịch sử giống loài, một cuộc thiên di ai oán chưa từng có. Chúng đã vượt hàng ngàn cây số. Trời ạ! Là bởi vì đó là những ngày náo loạn ở thế gian. Từ đâu không biết tung ra cái thông tin rằng chúng là đầu sỏ của mọi sự thất bát mùa màng. Và thế là khắp mặt đất liên tùng tục như có sấm giật chớp rung. Trống chiêng, thanh la, não bạt cho đến nồi niêu xoong chảo, tất cả những gì có thể phát ra âm thanh đe dọa đều lên tiếng. Hoảng loạn và trên thực tế là không còn nơi cư trú neo đậu, hàng tỷ tỷ con chim sẻ đã chết. Chết vì sợ hãi, vì đói khát, vì không có một hốc cây bụi rậm nào để trú ẩn, để nương thân. Chao ôi, trận tàn sát kinh thiên động địa kinh khủng đâu có thua cuộc đại hồng thủy tiêu diệt hoàn toàn lũ khủng long khổng lồ, hiển nhiên là sẽ dẫn đến họa diệt chủng, tuyệt diệt hết giống nòi, nếu không có những con chim hiểu ra sứ mệnh duy trì nòi giống của mình, đã vượt qua cuộc vây ráp sát hại bạo tàn của đế chế, thực hiện một cuộc viễn du quả cảm bằng đôi cánh, bay qua những ngọn núi băng tuyết, những sa mạc nắng cháy, về được tới phương nam này; và bây giờ con cháu chúng đang được hưởng ân huệ từ tấm lòng hiền thảo, nhân từ của bà cụ Cần.
Không hay biết những điều rắc rối của khoa học và lịch sử, bà cụ Cần chỉ biết lũ chim sẻ là những con vật bé bỏng, yếu đuối, hiền lành, vui vẻ, rất đáng yêu đáng thương vì chúng thường xuyên bị đói. Bà là một phụ nữ giàu lòng thương yêu. Chồng là liệt sĩ. Bà một mình nuôi con trong tình yêu thương nọ. Và Thuận con trai bà, học hết trung học, chọn nghề y lập nghiệp cũng là thực hiện ý nguyện chia sẻ tình thương, cứu nhân độ thế của bà. Cuối cùng, trong những điều gã thợ săn nói, bà chỉ quan tâm tới một chi tiết: có những kẻ chuyên nghề bẫy chim đang bán cả chục con chim sẻ ở đầu phố của bà. Và bà tức tốc đi ngay tới đó.

* * *
Không ngờ là có một ông lão bẫy chim sẻ rồi đem bán làm mồi nhắm cho những quán ăn thật! Cũng không ngờ công việc bẫy chim lại đơn giản như thế. Công cụ chỉ là một tấm lưới giăng trên hai chiếc cọc bất thình lình ụp xuống lũ chim háu đói đang ham ăn. Hừ, hóa ra để hủy diệt một sự sống cũng chẳng khó khăn gì thật. Nhưng cũng thật không ngờ, cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Cần và ông lão bẫy chim lại chuyển đổi, tạo nên một tình thế thật bất ngờ. Bất ngờ, đến nỗi, gã thợ săn chim lần này đến sân nhà bà Cần để quyết hạ thủ mấy con sẻ làm thức nhắm, liền há hốc mồm và đứng như trời trồng. Góc sân nhà bà Cần đang giăng một tấm lưới ni lông mảnh như tơ và trong cái lồng để ở hiên đã lúc rúc cả mấy chục con bị bắt làm tù binh rồi.

– Ha ha… Trăm cái hay xoay cả vào lòng là thế đấy! Có phải không, hỡi mụ đàn bà đạo đức giả, miệng nam mô bụng một bồ dao găm kia!

Không một lời đáp trả, bà cụ Cần cứ lẳng lặng với công việc đang làm của mình, như không hề nghe thấy những lời giễu nhại của gã thợ săn. Mặc gã, việc cần làm thì sá gì những kẻ đã vụ lợi lại quen nghề đâm bị thóc chọc bị gạo. Công việc giăng lưới bắt những con chim sẻ của ông lão chuyên nghề bẫy chim từ hôm ấy được sự trợ giúp của bà cụ Cần ở ngay trên mảnh sân bà cụ vẫn sàng sảy, rải thóc gạo và cơm nguội nuôi lũ sẻ ăn hằng ngày.

* * *
Đó là những ngày thật nặng nề. Bác sĩ Thuận đến bệnh viện từ sớm bửng đến tối mịt mới trở về. Một căn bệnh lạ, thật nguy hiểm vừa xuất hiện ở trẻ em. Trong vòng một tuần lễ đã cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ. Cả ngành y lao vào cuộc nghiên cứu mà chưa tìm ra nguyên nhân và thuốc đặc trị.

– Thuận à. Con ăn cơm đi. Trông con hốc hác quá. Mẹ biết rồi. Con đang lo. Mẹ có thể giúp gì được con lúc này?

Bác sĩ Thuận bơ phờ trong công cuộc chống trả căn bệnh lạ nọ quay lại, sửng sốt khi nhìn thấy trên tay người mẹ già hiền hậu của mình là những chiếc lồng chim sẻ nho nhỏ, trong đó mỗi chiếc nhốt chừng chục con một.

Cuối cùng thì không chỉ là sửng sốt mà còn là vô cùng kinh ngạc, khi thấy bà mẹ xách mấy cái lồng chim đó đến bệnh viện. Và sau khi hỏi han các cô y tá, bà cụ liền đi đến nơi ba đứa trẻ bị bệnh nặng nhất đang nằm thoi thóp trước tử thần trong lo sợ vô phương cứu chữa của cha mẹ chúng. Tất cả ba đứa trẻ đều mới chỉ tám chín tuổi.

– Bà! Bà làm gì thế, bà?

Các cô y tá cùng kinh ngạc và đồng thanh cất tiếng hỏi khi thấy bà cụ Cần bế từng đứa trẻ ra ban công. Và sau khi làm điểm tựa cho chúng ngồi thì bà cụ lần lượt bảo từng em mở cửa từng chiếc lồng, thả ra tám con chim sẻ đúng độ tuổi của mình, cho chúng bay lên trời.

– Mẹ làm cái trò vớ vẩn gì thế! – Anh con trai bà cụ, bác sĩ Thuận, là người cuối cùng trong bệnh viện biết sự việc này. Chạy đến, khi bà mẹ quê mùa vừa cho đứa trẻ cuối cùng mở cửa chiếc lồng thứ ba và từ đó những con chim sẻ vụt bay ra như những ánh chớp, định trách cứ bà mẹ bằng một câu nói cửa miệng quen thuộc đại loại như thế, nhưng may mắn anh đã kịp thời ngậm miệng.

Lễ phóng sinh, cứu khổ cứu nạn của tấm lòng mẹ từ bi nhân ái khiến anh ngây người, nín lặng. Ngây người nín lặng trước hết vì đang đối diện với một hiện thực siêu tầm, sau nữa là cảnh tượng vỗ cánh bay lên của bầy chim.

Bay lên, bay lên nhẹ nhàng mà khỏe khoắn, những cánh chim sẻ quạt gió, như đang quyết trút bỏ tất cả khổ nạn nhọc nhằn của cõi trần gian. Như đang quyết rũ bỏ ốm đau bệnh tật rủi ro đeo bám rắp tâm hủy hoại sinh mệnh mỗi nhân quần. Những cánh chim nhỏ bé đại diện của sức sống tiên thiên. Những cánh chim hiện thân của những sinh linh bất tử, biểu trưng cho một trạng thái cao đẳng của công cuộc sinh tồn. Những cánh chim, hình ảnh của thiên sứ mang thông điệp thiên định về một hy vọng kỳ diệu và thật sự lớn lao. Hy vọng, sự tròn đầy của cuộc sống, không có nó sao có được sự trọn vẹn nơi cõi đời.

Từ ban công căn phòng bệnh nhân nhìn ra bầu trời, cảnh tượng càng lúc xem càng trở nên huyền hoặc và kỳ vĩ. Vì lúc này không chỉ là những cánh chim sẻ hiền lành, thậm chí tầm thường đã mắc vòng oan nghiệt, đang trong cuộc cởi thoát, biến hóa thành những ảo thể ảo hình. Hòa vào khúc hoan ca của bầy chim sẻ đang thay bà cụ Cần thể hiện tấm lòng nhân ái bao la còn là những con chim thuộc giống loài khác. Đan dệt ngang trời là những sải cánh dài và nhọn như hai mũi tên của bầy chim én. Vi vút những đường bay kỷ hà học là những con nhạn cánh đen ức trắng. Còn những con sáo mỏ vàng, cánh in vệt vôi trắng và lũ chào mào chóp lông nhỏm cao trên chỏm đầu. Và không thể thiếu bồ câu với đôi cánh dày nặng nhưng êm ái và tiếng gù ấm áp thân thương. Những con chim, những sinh vật có cánh đẹp nhất thế gian, các ca sĩ chuyên nghiệp bẩm sinh, đem lại niềm vui, hy vọng và tình yêu cuộc đời cho con người.

Ma Văn Kháng

Út Quyên và Tôi

Trứng chim sẻ
-Nghi ơi! Nghi à!
Nghi vừa bỏ mấy trứng chim sẻ vào túi áo, định leo xuống, bỗng giật thót người khi nghe tiếng dì Miên . Vừa nhỏm dậy, nó đã vội dán người xuống mái ngói, im thít .
- Nghi ơi, mày nấp ở đâu đấy ? Có chịu chui ra ngay đi không! - Tiếng dì Miên lại vang lên, lần này tiếng nói đã ra tới ngoài hiên .
Nghi vẫn nằm im, không động cựa . Không phải nó sợ gì dì Miên . Dì Miên hiền nhất nhà, chẳng bao giờ đánh nó . Ngay cả khi dì cố làm ra vẻ hung dữ, Nghi vẫn cười khì, thậm chí nó còn nghịch ngợm nháy mắt trêu dì . Nhưng kẹt một nỗi, lúc này nó đang ở trên mái nhà .
Bố bảo: Con không được leo trèo . Không được leo lên lan can, bệ cửa sổ và cây cối trong vườn . Bố sợ nó té ngã . Té ngã thì u đầu, sứt trán, có khi còn gãy cổ . Bố định mức phạt: hễ trèo cửa sổ lãnh ba roi, đu người trên lan can lãnh năm roi, còn trèo cây là mười roi . Bố không bảo leo lên mái nhà là bao nhiêu roi .Không phải bố quên, chỉ tại bố không nghĩ Nghi lại dám làm chuyện động trời đó . Nếu bố biết, hẳn mình lãnh hai mươi roi là ít, Nghi hồi hộp nhủ bụng và lại cố ép mình xuống .
Dì Miên bây giờ đã ra tới giữa sân . Một tay cầm cuộn len, tay kia vung vẩy cây que đan, dì vừa lê dép lẹp xẹp vừa dòm dáo dác:
- Nghi ới ời! Mày ở đâu về trông nhà cho dì đi chợ này!
Suýt chút nữa Nghi đã phì cười . Nó phải đưa tay bụm miệng lại . Nghi biết thừa là dì chỉ bịa . Sáng nay, nó đã thấy dì xách giỏ đi chợ . Dì giả vờ nói thế để Nghi ló mặt ra đó thôi . Nhưng Nghi nhất định không mắc bẫy . Nó tiếp tục dán người xuống mái ngói .
Nhưng Nghi đã vội nhỏm người lên ngay . Nó sực nhớ đến những quả trứng trong túi áo và sợ chúng sẽ vở nát nếu bị ép chặt .
Nếuthế, nó sẽ chắng biết ăn nói làm sao với nhỏ Trang hàng xóm. 
             
 
Cách đây một tháng nhỏ Trang bảo Nghi:                                                                                                 
- Mấy hôm nay em thấy chim sẽ về làm tổ trên mái ngói nhà anh.
Nghi "ừ". Nhỏ Trang lại nói:
- Hôm nào anh trèo lên lấy trứng chim xuống cho em xem với!
- Không được! - Nghi hừ mũi - Như vậy thì ác lắm!
Nhỏ Trang chớp mắt:
- Em chỉ xem thôi chứ bộ! Xem xong mình trả lại!
Nghi lại "ừ". Nhưng rồi nó quên bẫng đi mất. Chỉ đến hôm qua, thấy nhỏ Trang sốt nằm thu lu trên giường, chăn quấn tận cằm, Nghi thấy tội tội, bèn nói:
- Trưa mai tao sẽ lấy trứng chim xuống cho mày chơi! BIết đâu nhờ vậy mày sẽ chóng hết bệnh!
Nhớ đến cặp mắt long lanh đầy vẻ biết ơn của nhỏ Trang, Nghi khẽ mỉm cười và nhướng cổ liếc xuống sân.
Dì Miên đang lò dò đi về phía cổng, đầu nghiêng nghiêng ngó ngó. Chắc dì nghĩ Nghi đang nấp đâu đó sau bờ rào. Chốc chốc dì lại kêu:
- Nghi ơi! Nghi à!
Rồi vẫn không thấy thằng cháu yêu quý đâu, dì thở dài, đe dọa một cách bất lực:
- Mày cứ trốn kỹ đi! Phen này dì mà tóm được, mày chết với dì!
Nghi vẫn ngậm tăm, đợi cho dì đi xa. Đến khi thấy dì mãi lúi húi vạch vạch tím tìm bên bờ rào, nó nín thở và thận trọng tụt xuống.
Bỗng một tiếng "cạch" đột ngột vang lên khiến Nghi tái mặt. Âm thanh rõ to làm dì Miên quay phắt lại. Nghi biết mình vừa dẫm phải một viên ngói vỡ nhưng nó chưa kịp hụp đầu xuống, dì Miên đã trông thấy.
- Ối giời ơi! - Dì tròn mắt sửng sốt - Mày làm gì trên ấy thế hở thằng ôn dịch?
- Cháu lấy trứng chim! - Nghi ấp úng đáp và đảo mắt tìm chỗ đặt chân.
Dì Miên nắm chặt hai tay, giận dữ và lo sợ. DÌ tính quát thằng cháu nghịch ngợm thêm vài câu cho hả nhưng thấy Nghi đang loay hoay tìm cách tụt xuống khỏi mái ngói cao nghều, dì đành tặc lưỡi hạ giọng:
- Này, cháu từ từ mà xuống nhé! Coi chừng ngã đấy!
Rồi dường như thấy cách xưng hô chuyển từ "mày" qua "cháu" vẫn chưa có tác dụng thiết thực lắm, dì chớp chớp mắt cố nghĩ ra một câu thật ngọt ngào để trấn an Nghi:
- Con trai là phải biết leo trèo cháu ạ! - Dì ngừng lại, khẽ nhăn mặt vì lời nói trái ý muốn của mình - Bố cháu hồi bé cũng leo trèo giỏi lắm! - Bố cháu còn leo cao hơn cháu nhiều! Nhưng bao giờ bố cháu cũng bình tĩnh!
Nghi hơi ngạc nhiên về những lời dì Miên nói. Nhưng bận dọ dẫm trên mái ngói, nó chẳng có thì giờ đễ nghĩ ngợi sâu xa. Nếu không, Nghi đã phát hiện ra hàng đống sơ hở của dì. Dì Miên chẳng thể nào biết bố khi bố còn bé. Mãi khi bố đã cưới mẹ, dì mới biết bố là ai.
- Bố cháu hồi bé cũng thích trèo lên tổ chim lấy trứng như cháu vậy! - Dì Miên tiếp tục đòn tâm lí - Trứng chim luộc lên, ngon ngon là! Lát nữa cháu đưa trứng cho dì, dì sẽ luộc cho cháu ăn!
Lúc này Nghi đã chạm được chân vào đầu cầu thang áp sát mái ngói phía sau vườn . Ở phía dưới, dì Miên đang ghì chặt chân thang . Nhưng vừa đặt chân xuống nấc thang thứ nhì, nghe dì Miên nói vậy, Nghi bỗng rụt chân lên .
- Cứ xuống đi cháu! - Dì Miên nói - Đừng sợ, đã có dì giữ chắc đây rồi!
Nghi lưỡng lự, không biết có nên nghe lời dì hay không . Thực ra Nghi đâu có sợ ngã . Lúc nãy ở trên mái nhà cao chót vót Nghi còn không sợ, huống hồ bây giờ đã xuống tới đầu cầu thang, Nghi chỉ sợ dì Miên giành lấy những quả trứng và đem luộc chín . Như vậy thì những quả trứng xinh xinh kia sẽ chẳng bao giờ nở ra những chú chim con được nữa . Nghi bần thần nhớ đến những tiếng ríu rít của lũ chim sẽ nơi đầu hồi mỗi buổi sáng vẫn đánh thức Nghi dậy, bỗng thấy nhói nơi ngực .
- Sao cháu cứ đứng ì mãi trên đó vậy ? Xuống đi chứ - Dì Miên lại giục .
Chẳng còn cách nào khác, Nghi lưỡng lự một hồi rồi tặc lưỡi rón rén leo xuống . Dì Miên vừa giữ chân chân vừa dán mắt vào từng cử động của thằng cháu, chờ đợi .
Nhưng dì chỉ hoài công . Khi còn cách mặt đất khoảng ba nấc thang, bất thần Nghi bắn vọt người ra xa và rơi huỵch một cái xuống đất .
 Này, này! - Dì Miên hét lên sau một thoáng sững sờ - Mày làm gì thế, thằng ôn dịch ?
Vẫn một tay túm chặt những quả trứng nơi túi áo, tay kia chỏi đất lồm cồm bò dậy, Nghi quay về phía dì Miên thè lưỡi một cái rồi lật đật chạy biến qua nhà nhỏ Trang .
Ra tới bờ rào, Nghi vẫn còn nghe tiếng dì Miên hốt hoảng đuổi theo:
- Này, này, đưa mấy cái trứng cho dì để dì trả lại cho lũ chim! Lúc nãy dì nói đùa đấy! Trứng chim sẻ ăn dở lắm, chả ngon lành gì đâu!
"Hóa ra dì muốn cứu lũ chim con!", Nghi hơi khựng lại vì bất ngờ . Nó thở ra một hơi dài nhẹ nhõm rồi co giò chạy tiếp . Lần này nó vừa chạy vừa cười . 
Nguyễn Nhật Ánh 1994 
Phóng sinh
Hai lần thân được phóng sinh,
Hai lần thoát khỏi, một mình bay xa...
Không ngờ đến lúc thứ ba,
Thân đành xa chốn ta bà thế gian !
Bây giờ mới thật thiên đàng,
Mấy ai hiểu cõi vĩnh hằng là đây...
NM

Con chim nhỏ hai lần được phóng sinh

Lần đầu tiên trong đời được sung sướng bay lên bầu trời bao la, nó muốn bay đến các đám mây..., rũ tung những chiếc lông bẩn thỉu và rác rưởi...
Con chim nhỏ xíu bằng ngón tay cái, mắt to màu nâu nhạt, cứ thích nhìn phía xa xăm lúc ngừng nhảy nhót trong lồng chim. Mỏ màu đen rất to so với cơ thể của nó, toàn thể lông màu mun đã ngả màu, chỉ có ở cổ và quanh mắt ngoài màu mun còn viền những lông nhỏ mịn màu vàng xanh, trông giống như những chiếc cườm vòng quanh cổ và mắt. Suốt ngày, suốt tháng nó được nhốt trong chiếc lồng nhỏ làm bằng tre và mây xinh xắn với cả chục con khác cùng loài, chúng được ăn uống no đủ... 
Nó được sinh ra từ lò ấp và lớn lên chẳng có một tí gì khái niệm về mẹ. Cứ sáng sớm tinh mơ và chiều muộn, nó thi nhau hót líu cha, líu chíu, rồi lại tập bay trong khoảng không chật hẹp, làm lông cánh và lông đuôi bị xơ ra tua tủa. lúc nào cũng mơ ước được bay cao, bay xa trên bầu trời bao la dưới ánh sáng chói chang của Mặt trời.
          Một mùa thu sắp sửa ra đi, những quả sấu cuối cùng còn lại đã ngả sang màu vàng sẫm, lá sấu rơi nhẹ nhàng trên các ngã phố. Những hàng cây sữa vẫn xanh rì, những quả sữa dài buông thõng, gió mát rượi làm những lông chim nhỏ bay nhẹ nhàng không một chút âm thanh. Hôm nay, chúng đã tròn bốn tháng, chủ lò chim chở những lồng chim nhỏ ra chợ  bán. Những con chim cứ nhốn nha, nhốn nháo, bồn chồn không muốn ăn, muốn hót ngỡ ngàng nhìn dòng người đông nghịt ngoài phố, trong chợ, giật mình nghe tiếng nổ bình bịch, tiếng còi xe máy, ô tô, tàu hỏa...  
        Có một nhà văn nổi tiếng nhưng rất nghèo, chẳng có vợ con suốt cả đời cặm cụi viết chỉ mong có cái để ăn hàng ngày, thỉnh thoảng mong có vài ba xị rượu quê uống, để nhâm nhi cho đến lúc say ngủ lúc nào chẳng biết, khi tàn canh tỉnh dậy mong được có những phút thăng hoa, để sáng tạo, để viết. Cả cuộc đời chưa biết làm hại ai bao giờ nhưng trước khi mất, nhà văn có nguyện vọng là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…, đến viếng hãy đừng mang hoa mà đưa những con chim, con cá sẽ được phóng sinh lúc làm lễ truy điệu để may ra rửa hết tội lỗi của mình khi còn sống trên cõi đời. 
        Lồng chim được bán cho một người bạn của nhà văn, lúc tiễn bạn về cõi vĩnh hằng con chim nhỏ cùng cả đàn được phóng sinh, được bay về Trời. Lần đầu tiên trong đời được sung sướng bay lên bầu trời bao la, nó muốn bay đến các đám mây, sau đám mây có ông mặt Trời sáng chói để hít không khí trong lành, rũ tung những chiếc lông bẩn thỉu và rác rưởi… 
         Mới bay chưa cao được trăm mét nhưng không thể bay cao hơn nữa, với đôi cánh bé nhỏ và yếu đuối của nó lại mới tập bay  xa, cao lần đầu trong đời không thể thắng nổi sức hút của Trái đất đành phải xà xuống, nó nhìn thấy phố xá ở đâu cũng đầy người đông nghịt, nhà cửa chen chúc nhau, cây cối thưa thớt... Nó muốn bay về rừng nhưng rừng ở quá xa, đành bay ra phía sông Hồng, thấy dòng sông cuộn đỏ phù sa, nó chao mình trên mặt nước vài phút rồi xà xuống nương ngô xanh mướt, đang mùa trổ đòng, phấn hoa bay lả tả. Nó sung sướng hạnh phúc tràn trề, từ nay được tự do muốn bay đi đâu cũng được, thả sức hót cả sáng, cả chiều. Nhưng cái ăn, cái uống phải tự tìm lấy. Nó nhảy từ cây nọ sang cây kia, gần hết cả luống ngô, rồi cả vườn rau bên cạnh vẫn không tìm thấy một con sâu nào. Bởi con người đã phun thuốc trừ sâu từ lúc ngô và rau hãy còn non. Đói quá nó đành ăn phấn ngô và uống nước sông vậy.
         Đêm đến lại tìm đến những cây cao ven sông để ngủ. Có đêm đang ngủ, nghe tiếng động, gặt mình tỉnh dạy thấy một con chuột to lù lù đang đi về phía nó, nhưng chuột vẫn chưa nhìn thấy nó vì bé tẹo nằm sau chiếc lá, với phản xạ sinh tồn nó liền bay vút lên cao trong đêm tối làm chuột gặt mình ngơ ngẩn nhìn theo.
          Một buổi chiều đang say mê tìm kiếm thức ăn bổng cơn dông ập đến, những đám mây mộng nước màu chì, gió thổi ào ào cây cối ngã nghiêng, bụi với lá bay mù mịt, nó vội vàng bay đến một cành cây gần nhất không kịp tìm chỗ trú mưa thì những hạt mưa đã rơi xối xả, gió lại càng hung dữ hơn làm nó không thể bám được vào cành cây rơi xuống đất, nó vội vàng chui vào bụi gai gần đó. Mưa lại càng to hơn làm toàn bộ lông ướt sũng, lông cánh tả tơi không thể bay được nữa, thân mình nó run lên bần bặt. Lớn lên trong lồng không có mẹ nên chẳng biết rỉa lông. 
          Sau cơn mưa lần đầu tiên trong đời mới tập rỉa lông bằng  chiếc mỏ yếu ớt lấy phấn từ phao câu ở đuôi của nó. Sau mấy giờ bộ lông vẫn không khô, không bay được đành nhảy vào bụi gai chờ hết đêm để lông khô. Suốt cả tuần nay nó cảm thấy vắng bạn, thiếu đàn. Ngủ trên cành to ở thấp thì sợ những con mèo hoang đi ăn đêm, sợ chuột. Ở những cành cao thì sợ mưa to, sợ gió lớn, sợ cú mèo, sợ những các loài chim to… Cái chết luôn rình rập nó. 
          Bây giờ nó thật sự buồn và nhớ đàn da diết, ít hót, ít chao lượn trên bầu trời, suốt ngày cần mẫn tìm kiếm thức ăn, khát lại bay ra sông uống nước và quyết tâm đi tìm đàn, tìm bạn. Nhưng suốt cả tuần bay nhiều nơi luôn hót tiếng hót gọi đàn, nhưng không hề gặp một con chim nào cùng loài đành nhập vào đoàn chim sẻ. Những con chim sẻ to hơn bay nhanh hơn, lại không thích tìm mồi ở trên cây mà chỉ thích sà xuống đất, ăn những thức ăn mà nó không thích, được mấy hôm con chim sẽ đầu đã đuổi đánh nó đi. 
         Nó lại bơ vơ một mình, mong ước được gặp lại những bạn ở trong lồng trước đây với nó, đành bỏ bãi bồi sông Hồng bay về phố xá. May lại tìm được khu chợ bán chim ngày nào, nó mừng quá, quên cả sợ người, liền xà đến lồng chim cùng loài với nó. Đương nhiên người bán chim vui lòng bắt lấy nó và cho vào lồng cùng với các bạn mới. Nó lại tha hồ ăn uống, vui đùa, nhảy nhót cùng các bạn… Cũng ngày hôm đó, lồng chim có nó lại được bán cho gia đình có con vừa chết đuối chưa tìm được xác ở miền quê xa lắm, nơi những dòng suối lớn đổ về thành một dòng sông.
         Người mới chết là cậu bé lên mười tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai lại học rất giỏi và ngoan ngoãn. Cách đây ba hôm tan học theo các bạn cùng lớp ra bơi ở dòng sông. Bình thường cậu bé bơi giỏi lắm, nhưng hôm ấy bị chuột rút, nước sông lại chảy xiết. Làm lễ cầu hồn vào buổi sáng, nơi khúc sông bên lở, nước chảy xiết, đục ngầu, tiếng than khóc của người nhà thảm thiết buồn đến não lòng, hương khói nghi ngút, những cánh hoa huệ trắng bị cuốn theo dòng nước lúc nổi, lúc chìm. Nó và cùng cả đàn lại được phóng sinh. 
         Lần này nó không muốn bay theo đàn mà muốn ở lại trong lồng chim, đôi chân nhỏ cố bám chặt lấy lồng, nhưng người ta vẫn cứ đuổi và bắt nó phải bay ra. Cũng như nó lần đầu, những con chim vừa được thả tự do cứ bay tán loạn, mạnh con nào con nấy bay, bay vút lên cao. Rồi cuối cùng nó cũng phải bay ra khỏi lồng, bám theo một con có vẻ bay yếu nhất trong đàn. Bay được một lúc, may cả hai con tìm được một cánh rừng bạt ngàn, xanh ngát, nơi mờ xa là những dãy núi trùng điệp, thỉnh thoảng lại có những đồng cỏ mênh mông đầy các loại bướm to có, nhỏ có, đủ các màu sắc sặc sỡ. Phản xạ tự nhiên của nó cho biết ở đây có nhiều loại sâu bọ, tha hồ thức ăn. Nó sung sướng được về lại với thiên nhiên, với rừng, nơi tổ tiên nó được sinh ra. Lúc mới nhập đàn nó to nhất đàn, màu lông sặc sỡ đẹp khác thường, bởi người ta lai tạo, nuôi trong lồng, cho nó ăn những thức ăn tăng trọng, nên tính thích nghi và nhanh nhẹn lại kém nhất đàn.
        Có một hôm buổi chiều, trời trong xanh rất đẹp, không một gợn mây, gió thổi làm xào xạc lá rừng, uốn cong ngọn cỏ non. Cùng các bạn ăn uống no say, chúng nó liền bay lên cao vút, vừa bay vừa hót những âm điệu quen thuộc nhất, hay nhất của loài nó. Bỗng một con chim cắt xuất hiện từ trên cao, các bạn nó thét lên vội vã lao vào những đám cây rậm rạp. Linh cảm điều nguy hiểm đang đến, nó cố bay thật nhanh theo cùng các bạn, phát ra những tiếng kêu chiêm chiếp cầu cứu, nhưng không kịp nữa rồi. Con chim cắt nhanh như chớp, cái mỏ sắc nhọn như một mũi tên đâm thẳng vào mình nó, hai móng vuốt sắc nhọn ghì chặt lấy nó trong giây lát rồi bay đến một gò đất cao. Chưa đầy vài phút, con chim cắt xé xác con mồi ăn ngon lành, những lông chim nhỏ nhẹ tả tơi bay theo gió.
Rừng vẫn xanh rì, nắng vẫn ngập tràn, gió vẫn thổi, tiếng xào xạc lá rừng, tiếng của chim, tiếng của côn trùng... tạo nên bản nhạc thiên nhiên hùng vĩ không bao giờ dứt, nhưng từ nay trên cõi đời không còn con chim nhỏ. Hình như mỗi cá thể sinh vật đều có một số phận riêng, nhưng tất cả đều có một cái chung: Được sinh ra từ vô hư, cát bụi lại trở về với cát bụi, hư vô. Sống chỉ là khoảnh khắc vô cùng nhỏ bé, chết là vĩnh hằng- đó là thời gian, không gian và vũ trụ, điều mà chưa sinh vật nào trên Trái đất hiểu được và mãi mãi chẳng bao giờ biết được!
Budapest, mùa Thu 2015./.
Nguyễn Lam Thủy
 
Chim sẻ là loài tiểu nhân? 
        Trong một lần đi làm phóng sự về cây nhãn da bò, một đồng nghiệp đã chộp được những tấm ảnh nói lên tấm lòng cha, mẹ của gia đình chim sẻ. 
        Cậu con trai đang tuổi thiếu niên của chủ vườn nhãn đã bắt một con chim sẻ chưa biết bay về nuôi, nhốt trong lồng. Chiếc lồng treo dưới gốc xoài ở mé sân. Đôi chim bố mẹ ngày nào cũng bay đến mớm mồi cho con, bất chấp mọi hiểm nguy. 
         Con chim mẹ nhỏ hơn chim bố, miệng ngậm mồi, nó bay cuống quýt chung quanh nơi nhốt con chim non. Có lúc, nó nhào xuống chiếc lồng một cách liều lĩnh nhưng chỉ liệng xuống rồi vút lên ngay tức thì như một mũi tên xé khoảng không. Nó chưa mớm được mồi cho con chim nhỏ. Nhiệm vụ của nó chưa hoàn thành. Nó bay rối rít đâu đó rất gần trên vòm lá, miệng không ngớt kêu những tiếng kêu xé lòng chứa đựng cả sợ hãi lẫn âu lo.  
         Con chim bố lớn hơn chim mẹ tí chút. Có lẽ, cái lớn hơn của con chim bố là lá gan liều mạng cứu con. Nó sà bên chiếc lồng, hót lanh lảnh như an ủi, như vỗ về đứa con rằng mọi chuyện rồi sẽ qua nhanh thôi… 
         Trời vẫn xanh. Mây trắng vẫn la đà bay trong buổi sáng đôi chim nỗ lực vượt bật làm cuộc thăm viếng đứa con nhỏ....Một ngày nhiều nắng đẹp cách đây ít lâu, tôi ngồi trong quán cà phê tại khuôn viên Dinh Độc Lập. Trước mặt tôi là bãi cỏ xanh ngọt lịm trải rộng và mát rười rượi nhờ bóng lá dày của những cây dầu đại thụ đứng rải rác khắp vườn. Bỗng từ đâu đó trong vòm cây, mà cũng có thể  từ giữa không gian  bắn xuống mặt cỏ một đôi chim sẻ. Chúng cuộn tròn, cuộn tròn  xoắn xít yêu thương, lăn vòng trên cỏ vài giây rồi hân hoan cùng một nhịp bay lao vút vào không trung, tiếng ríu rít hân hoan của chúng vang lên không ngừng.  
        Ban đêm, nếu bạn có cơ hội bạn có thể ngắm đôi chim sẻ ngủ trong tình yêu của chúng dành cho nhau, vì khi ấy, hai chú chim nhỏ đầu áp vào nhau vô cùng dịu dàng, đầm ấm dù cành cây bên dưới chân chúng gió không ngừng đong đưa.Trong luyến ái, loài chim dành cho bạn tình những cử chỉ trìu mến, nồng nàn khiến con người phải ngưỡng mộ. 
        Cũng tại Sài Gòn tôi lại gặp bầy sẻ đông hàng trăm con nơi sân hoa của nhà thờ Đức Bà. Chúng sà xuống kiếm ăn, nhảy tưng tửng trên mặt sân. Chúng nô đùa cùng nhau và cùng tung mình lên cao như đám mây khi có người đến gần. Mà không hề thấy con nào mổ hay cắn xé nhau để giành ăn dù chúng đông mà thức ăn ít. Mỗi con đều cố  gắng siêng năng từ kiếm hạt, đến nhặt cọng cỏ, cọng cây làm tổ…Vậy mà người ta từng nói, chim sẻ là loài tiểu nhân? 
         Quân tử, chắc chắn là người tử tế. Mà tử tế thì trong lòng chứa nhiều yêu thương. Sống lương thiện và chăm chỉ.Chim sẻ rất chăm chỉ, thân thiện và vui vẻ. Tôi chưa từng thấy chim sẻ làm hại ai, hay làm hại đồng loại của nó.Nó tiểu nhân chỉ vì nó có hình dáng nhỏ bé thôi sao? Loài chim hay bất kỳ loài nào khác, đang đối mặt với nạn diệt chủng, nhất là ở đó là nỗi lo sợ của muôn loài. Còn lại, chúng không buồn để ý loài người nói gì về chúng. Kể cả đôi chim đang bị loài người bắt mất đứa con yêu kia. Chúng chỉ bận tâm làm sao cho đứa con được yên lòng, được ăn no chứ không màng có được gọi là quân tử hay không...
Minh Đăng