Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Tết Đoan Ngọ...và nhớ ( Mùa nấm)


 Ve Que Em

 

 Nỗi nhớ tháng năm
Nỗi niềm sâu kín dẫu không tên,
Âm thầm theo mãi kiếp lênh đênh...
Mỗi năm mỗi nhớ ngày xưa cũ,
Một thời thơ ấu dễ nào quên ?!

Đâu bánh tro tàu màu mật ngọt ?
Đâu nào hương khói nhan ngoại tôi ...?!
Mùi thơm lúa tết ngày Đoan Ngọ,
Ngọt ngào nếp mới với chè xôi...

Thương thuở quê nghèo xưa khó khăn,
Hương lòng xin gởi cõi xa xăm....
Nơi tôi có ngoại và có mẹ,
Cùng những ngày vui năm tháng năm !!
NM
Tết Đoan Ngọ và... nhớ 
Có những tháng-ngày cứ lặp đi lặp lại hàng năm, theo quy luật tuần hoàn của thời gian nhưng nỗi nhớ hay những cảm xúc về nó vẫn cứ mãi vẹn nguyên, mới mẻ y như lần đầu tiên mình chạm vào nó. Như là Tết, như là Đoan Ngọ, hay là một ngày-tháng-năm kỷ niệm nào đó, với ai đó mà mình thương, quý hoặc đó là thời khắc làm thay đổi hướng nhìn đến đổi thay cuộc đời mình
Bánh ú tro - món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh minh họa
Hôm nay là Tết Đoan Ngọ, cái cảm xúc về những ngày be bé đón Tết-giữa-năm cùng má, ngoại vẫn y nguyên - cảm xúc chạy về, ngang qua miền nhớ, làm mình xốn xang. Cái nhớ về tuổi thơ đón Tết để được ăn chè do ngoại nấu hay má sẽ làm mì Quảng - món đặc trưng quê mình rồi dâng cúng ông bà trước khi dùng bữa trỗi dậy. Mùi khói nhang bay nghi ngút quyện tỏa trong không gian thành kính, đôi khi được gộp chung giữa ngày cúng lúa mới và mùng 5-5 là mùi của nỗi nhớ - cũng nghi ngút và ươn ướt như chính cái cay xè của khóe mắt thuở ấu thơ khi chạm phải khói nhang bàn thờ ngày Tết.
Chao ôi là nhớ, cái bữa trưa của một tháng 5 ngót nghét chừng 10 năm có lẻ, tụi bạn mình xúm xuýt về nhà ăn chè đậu đen có đá cây đập bỏ vô mát lành. Rồi canh đúng 12g trưa, ra ngước mắt nhìn lên mặt trời, nhỏ vài giọt chanh vô mắt rồi chớp lia chớp lịa để mắt sáng, không bị cận thị về sau. Cay xè, rát điếng, đó là cách làm bậy bạ của cái thời ngây thơ học trò, nghe chuyện... đời xưa rồi bắt chước mà hổng cần nghĩ suy chi hết.
Rồi lại nhớ cái nồi chè thuở nghèo ơi là nghèo, hồi ngoại còn sống, theo kiểu mà mấy người "đời xưa" là má hay kể, là "hồi mồ ma bà ngoại, năm nớ, đúng ngày mùng 5 tháng 5, cả nhà dành dụm mua được vài lon đậu với ký đường để nấu chè trước cúng, sau ăn. Ai dè, đôi mắt kèm nhem của ngoại, bốc lộn cái hủ bột ngọt rồi đổ cái ào vô nồi đậu, làm hư cả nồi chè, mất luôn mớ bột ngọt". Thế là đứa cháu ngoại là mình đã ngậm ngùi nhìn nồi chè lợ ơi là lợ, rồi nhìn ngoại trong nỗi niềm tiếc nuối về sự kèm nhem của mình mà cứ chảy nước mắt, thương ngoại và tiếc bữa chè mùng 5 ngày cũ...
Có những cái nhớ cay cay vì thương và cũng có những nỗi nhớ cay cay vì nụ cười bỏ quên theo ngày-tháng là như thế. Bây giờ, mỗi năm tới Tết Đoan Ngọ, mình không mong chờ được ăn chè nữa, chắc vì tuổi thơ thèm chè không còn, nhưng nhớ cái mùi khói nhang của tháng 5, nhớ cái cảm giác chờ tới ngày Tết-giữa-năm, sắp đồ cúng lên bàn thờ rồi khấn vái thành kính, nhớ cái kiểu lạy lạy và lẩm nhẩm của ngoại hồi xưa lắc đó: "Cầu cho năm ni lúa mùa tươi tốt, cho con cháu con được mạnh giỏi..." mà thương.
Đến một lúc nào đó, mình không còn mong chờ những bữa ăn, thay vào đó, mình sẽ nhặt nhạnh những điều cũ kỹ trong mỗi ngày-tháng của những cột mốc quan trọng, những nếp văn hóa của quê nhà, của riêng mình để dưỡng nuôi tâm hồn, như ai đó nói: "Ký ức nuôi dưỡng tâm hồn". "Miếng ăn" của tâm hồn đôi khi quan trọng hơn là những miếng ăn thực dưỡng hằng ngày phải không?
Chúc Thiệu

 

Đường về quê hương và Cây trái miền Nam 

Chuyện tình lá mồng năm

Tôi vẫn nhớ những ngày Tết đoan ngọ ở quê. Nguồn gốc về ngày Tết đoan ngọ, tôi nghe mẹ kể lại rằng, gắn liền với truyền thuyết về Khuất Nguyên, vốn là một thần y bên Trung Quốc. Vì thế, tập tục hái lá vào ngày mùng năm vẫn tồn tại từ mấy đời ở thôn quê tôi. Những chiếc lá hái vào ngày mùng năm, được xem là “thần dược” ở chốn quê hẻo lánh này, để dùng nó vào những trái gió trở trời.
Một chiều tan trường, vô tình gặp mấy người đàn bà quê tảo tần với gánh lá trên vai, mắt tôi nhòa đi vì nhớ... Tôi vẫn nhớ những ngày cùng mẹ đi hái lá mùng năm trong rừng, nhớ cả cổ tay trắng như ngà của cô bạn cùng xóm, mỗi khi chúng tôi gánh lá về chung đường. Nhớ cả những nụ cười trong trẻo, giòn tan của mấy đứa bọn nấp sau vòm lá, chờ bóng tôi qua để chúng nhát ma. Rồi tha hồ cười khúc khích.
Như một tập tục có từ lâu đời, cứ vào ngày mùng năm, tháng năm âm lịch, tôi cùng các chị gái, cùng với mấy cậu bé trạc tuổi tôi, mon men theo con đường làng, để đi dọc theo các triền đê, dọc theo những lối mòn trong rừng hái lá mùng năm. Lá mùng năm là tên gọi chung của những loại cây dân dã, nhưng có tác dụng chữa bệnh như cây ngải cứu, cây dủ dẻ, mã đề, vú sữa, đinh lăng, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân... Đi hái lá, vừa là niềm vui, vừa coi đó là cơ hội để chúng tôi kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Bởi ngày ấy cái nghèo gắn với chúng tôi như hình với bóng.
Mỗi năm chỉ có một lần, những ngày hái lá mồng năm của chúng tôi chứa chan biết bao kỉ niệm. Tôi nắm tay em đi dọc các triền đê, để tìm lá mùng năm. Hai cái bóng nhỏ xíu in hình qua từng vũng nước trong veo, in cả trong lòng tôi một nỗi nhớ dài đằng đẵng sau này. Lá mùng năm là những cây lá thơm mùi thuốc bắc. Thường, người ta chỉ đợi đến dịp mùng năm mới đi hái về. Và phơi đúng vào trưa nắng của dịp Tết đoan ngọ. Những chiếc lá có công dụng chữa bệnh, hoặc dùng để nấu nước dùng trong những gia đình ở nông thôn. Cứ đến mùng năm, trong những phiên chợ nghèo đều có mặt nó. Từng bó lá mùng năm nằm im lìm dưới ánh mặt trời, cạnh những người đàn bà khắc khổ, trong phiên chợ nghèo.
Và trên giàn bếp của mỗi gia đình, lá mùng năm như một “của để dành” được mang ra dùng, mỗi khi trong nhà có người đau ốm. Những bó lá mùng năm, một thời đã đi vào truyền thuyết, nhưng ai ngờ, nó đã gắn bó với cuộc đời bình dị của những người dân quê tôi.
Kỉ niệm hái là mùng năm như là một niềm vui, cũng là một “vết cứa” về mối tình đơn phương của tôi ngày ấy. Những chiếc lá mùng năm thơm phức, mỗi chiếc lá mỗi hình dáng khác nhau, đã gieo vào lòng tôi một nỗi khắc khoải. Vừa hái những chiếc lá bỏ vào bao, chúng tôi vừa vờn theo những cánh bướm xanh đỏ. Từng cánh bướm sặc sỡ đậu trên mái tóc dài của em. Ngỡ đâu em mãi thuộc về tôi, nhưng khi vừa mới chớm lời yêu trên môi, em đã đi về xứ người. Những cánh bướm dập dìu, những chiếc lá mùng năm mỏng manh, cùng những kỉ niệm ngày ấy không đủ sức để níu chân em.
Lại một mùng năm nữa lại đến, tôi thơ thẩn đi vòng các triền đê. Hình ảnh của em ngày nào đã nhạt nhòa trong kí ức. Từng chiếc lá mùng năm vẫn còn đây, chìa ra run run trong gió. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời.
Về đâu, hỡi những chiếc lá mùng năm?

THÂN THỊ THANH TRÂM

Những Ca Khúc Trữ Tình Về Miền Tây Nam Bộ

Nấm mồ côi
Trước tết Đoan Ngọ, tôi nhận được thư của Long – một người bạn thân- trong thư Long viết : “Về Long Khánh vào dịp Tết Đoan Ngọ, tôi sẽ dẫn ông đi đào nấm mối. Loại nấm này mỗi năm chỉ mọc một lần vào mùng 5 tháng 5 (âm lịch). Ông phải đi đào nấm mới thấy thú vị và sau đó nấu nấm tươi ăn tại chỗ, mới thấy hương vị tuyệt vời. Bảo đảm với ông nấm mối là một món ăn rất “độc chiêu”. Tôi rất thích một câu ngạn ngữ của Phần Lan: “Tình yêu đích thực là tình yêu ẩm thực”. Thế là tôi đi Long Khánh để tìm kiến “tình yêu đích thực”. 
Tôi đến nhà Long vào buổi chiều mùng 4. Ngôi nhà nằm trong vườn chôm chôm đang mùa thu hoạch. Từ vòm lá xanh, những chùm trái chôm chôm vàng, đỏ buông tòn teng trông thật thích mắt. Long đang cùng gia đình hái chôm chôm bỏ vào những chiếc sọt lớn để bán cho thương lái đến lấy hàng ở tận vườn. Thấy tôi, Long chạy đến bắt tay và đưa một chùm chôm chôm chín vàng.
- Ông ăn thử chôm chôm nhãn tôi mới ghép trồng đó. Trái nhỏ nhưng dày cùi và ngọt như đường phèn. Tôi cứ tưởng ông bận việc không về chứ.
Tôi bóc một trái chôm chôm ăn thử rồi nói :
- Ông biết tính tôi rồi mà !
- Đành rằng biết ông rất khoái món ăn lạ nhưng ở Sài Gòn lúc nào cũng có quá nhiều món ăn đặc sản.
- Nhưng đâu có món nấm mối “độc chiêu”.
- Ở đây còn nhiều món “độc chiêu” khác nữa. Tối nay tôi sẽ đãi ông món nhái nướng lá cách, nhái xào chôm chôm...
- Anh Long bán cho em chôm chôm mùa này nghen.
Tôi quay lại nhìn cô gái vừa đi vào vườn. Em mặc áo bà ba màu tím, đầu hớt tóc ngắn bờm xờm như trái chôm chôm. Long nói :
- Mùa này nhà anh chỉ có chôm chôm nhãn. Em mua giá bao nhiêu ?
- Hai ngàn ba một ký.
Long chỉ tôi.
- Ông này trả anh hai ngàn rưỡi một ký rồi đó.
Cô gái trừng mắt nhìn tôi.
- Ông ở đâu đến trả phá giá vậy ?
Tôi ú ớ nói :
- Đâu có. Tôi ...
Cô gái quay qua nói với Long :
- Em trả hơn ông đó một trăm một ký. Anh Long chịu không ?
- Chỗ thân tình anh sẽ bán chôm chôm cho em,
không bán cho ông này.
- Tối em sẽ đến cân chôm chôm và thuê xe chở đi luôn. Chào anh Long.
Cô gái liếc xéo tôi, nhếch môi cười có vẽ đắc thắng rồi quày quả bước đi. Long vỗ vai tôi cười hề hề :
- Ông hên ghê! Nhờ ông tôi được thêm ba trăm đồng mỗi ký chôm chôm. Thôi để chuyện mua bán cho bà xã tôi lo. Ông vào nhà, tôi làm đồ nhậu đãi ông.
***
Cụng ly đế trong vắt với Long, tôi hỏi :
- Cô gái hồi chiều đến mua chôm chôm ở đâu vậy ?
Uống cạn ly đế, Long khè một tiếng rồi nói :
- Cô nương đó ở gần đây.
- Ở gần đây ?
- Phải. Chỉ cách nhà này hai miếng vườn. Mà sao ông quan tâm đến cô nương đó dữ vậy ? Sao ông không quan tâm đến món nhái xào chôm chôm “độc chiêu” của tôi.
Tôi gắp một con nhái kèm miếng cùi chôm chôm bỏ vào miệng. Chôm chôm còn xanh nên chua chua giòn giòn ăn kèm với thịt nhái có hương vị rất lạ. Tôi nói :
- Món ăn này rất “độc chiêu”. Nhưng cô gái có đầu tóc cũng rất “độc chiêu”.
Long gật gù :
- Ông nhận xét khá lắm. Cô nương đó tên Mến. Ba má em bị xe tải tông chết trên quốc lộ, năm em học lớp 12. Mến nghỉ học, ở nhà với bà ngoại rồi tự học buôn bán kiếm ăn. Năm năm rồi em đi thu mua trái cây ở vùng này rồi sang lại cho thương lái chở đi các tỉnh khác bán. Trước kia em cũng để tóc dài ngang vai nhưng khi ba má mất, em đã cạo trọc đầu định đi tu. Không đi tu được, em đi buôn bán nên phải để tóc mọc ra. Nhưng tóc mọc cứ hơi dài là em lấy kéo tự cắt bớt đi. Có lần tôi hỏi: Sao Mến không ra tiệm uốn tóc cho đẹp? Em nói : Để xấu xí như vậy cho người ta khỏi thương !
- Có lẽ Mến bị mồ côi, phải vươn lên để sống nên đâm ra khó tánh.
- Tôi không biết có đúng vậy không. Nhưng một cô nương mà không muốn người ta thương mình thì “quả là lợi hại” !
Tôi phì cười. Long rất mê xem phim kiếm hiệp nên vẫn thường sử dụng ngôn ngữ trong phim.
*** 
Năm giờ sáng, sương còn giăng mờ mờ. Chúng tôi đi bộ băng qua vườn để đến nơi đào nấm gần hơn. Cơn mưa đêm qua làm đất đỏ dẽo quẹo nên tôi bước đi rất khó khăn. Long phải bật đèn pin soi đường. Mỗi lần vai tôi chạm vào những tàn lá, nước mưa lại nhỏ xuống ướt vai, lành lạnh. Long vừa đi vừa giải thích: Nói là đi đào nấm chứ không đi hái nấm vì khi cây nấm đã mọc lên khỏi mặt đất, có thể hái được bằng tay thì mũ nấm đã xòe ra. Đó là loại nấm tàn, ăn không ngon, bán không có giá. Người ta đi tìm những mũ nấm vừa nhú lên khỏi mặt đất, đào xuống lấy thân nấm lên, cây nấm búp đó mới có giá trị.
- Ông có thể chỉ cho tôi biết phân biệt nấm lành và nấm độc ?
- Dễ thôi. Độc và đẹp thường đi với nhau. Ông thấy cây nấm nào bụ bẫm, to hơn bình thường, mũ nấm phớt hồng chứ không xám tro, đó là nấm độc. Cây nấm độc thường mọc một mình, chung quanh nó không có cây nấm nào khác, có lẽ chính bọn nấm cũng sợ bị lây độc.
- Tôi muốn gọi nấm độc là nấm “cô đơn” vì nó phải đứng lẻ loi một mình.
- Ông muốn đặt tên gì tùy thích nhưng dân ở đây gọi nó là nấm “mồ côi” và tránh xa.
Khi chúng tôi đến nơi đào nấm thì trời đã sáng và thấy lố nhố bóng người. Đây là khu rừng chưa bị người ta khai phá làm rẫy. Những người đi đào nấm im lặng, mặt cúi gằm xuống đất tìm kiếm như đi tìm kiếm báu vật bị đánh rơi. Tôi đi bên cạnh Long, cũng chăm chú nhìn xuống đất, thấy rõ những con kiến vàng chạy trên những chiếc lá mục. Chợt Long níu vai tôi, chỉ :
- Nấm đó! Đừng la lớn, người ta sẽ bu lại đào ké.
Tôi nhìn một vạt nấm mới nhú lên những chiếc mũ màu xám tro. Phải nhìn kỹ mới nhận ra vì chúng rất dễ lẫn với lá mục. Long lấy thuổng đào quanh một mũ nấm rồi hất lên một cây nấm có thân trắng nõn dài hơn một ngón tay. Tôi vui vẻ bắt chước Long đào nấm. Đào xong vạt nấm được hơn hai chục búp, Long nói :
- Bây giờ chúng ta mỗi người đi mỗi hướng để tím nấm. Hẹn gặp nhau lúc 12 giờ trưa ở bìa rừng. Bởi tìm thấy nấm là do cái “duyên” của mỗi người. Có khi người đi trước không gặp, người đi sau lại gặp bởi mũ nấm vừa trồi lên khỏi mặt đất. Ông hãy tự đi tìm nấm, biết đâu ông sẽ có “duyên” hơn tôi. Nhớ thấy nấm đừng la lớn, cứ im lặng đào. Nấm ở đây là của trời cho. Nghe tiếng kêu người ta sẽ chạy tới đào ké, bởi một người không thể cùng một lúc đào hết một vạt nấm.Long bước về phía phải, tôi bước về phía trái. Tôi hơi buồn vì nấm đã chia rẽ chúng tôi nhưng rồi lại vui khi nghĩ, nấm đã giúp con người biết “tự đào”. 
Trời ơi! Nấm! Tôi mừng rỡ la lên khi thấy một vạt nấm rộng lớn. Những chiếc mũ nấm nhô lên chi chít trên mặt đất, để lộ phần thân trắng muốt. Tôi định hú gọi Long đến đào giúp, nhưng gọi Long cũng là gọi những người khác đến, nên tôi im lặng đào một mình. Tôi vừa đào được một cây nấm, đã thấy một bóng người chạy ào đến. Đó là Mến. Chắc cô ta đi tìm nấm gần đây  và đã nghe tiếng tôi la lên khi mừng rỡ. Tôi vội nói :
- Vạt nấm này tôi thấy trước, đây là phần của tôi.
Mến bĩu môi xì một tiếng : 
- Ở đây không có luật xí phần. Ai đào nhanh người đó được nhiều nấm. Ông đào đi, cứ đứng đó nói người ta sẽ bu lại đào, ông sẽ chẳng còn được cây nấm nào. 
Vừa nói xong, Mến cầm thuổng đào nấm thật nhanh. Em đào như một cái máy và liên tục lượm những cây nấm bỏ vào túi vải đeo trên vai. Tôi nóng mặt cũng vội cúi xuống đào nhưng năng suất đào nấm của tôi còn thua kém em xa. Một lúc sau, Mến dừng tay nói :
- Còn một cây nấm cuối cùng dành cho ông đó, để thưởng công ông đã khám phá ra vạt nấm này.
Tôi chống thuổng nói :
- Tôi tặng em cây nấm đó. Coi như món quà kỷ niệm ngày chúng ta gặp nhau. 
Mến cúi xuống đào nấm, lượm bỏ vào túi rồi thản nhiên nói :  
- Cảm ơn ông! Ông thật sự không giận chứ ?-Giận em vì mấy cây nấm trời cho này à ? Không bao giờ.
- Ông không giận em chuyện chiều qua đã giành mua chôm chôm của ông? 
Tôi bật cười kể cho Mến nghe chuyện hiểu lầm.Tôi là bạn của Long chứ không phải là thương lái. Mến cắn môi.   
- Anh Long chơi gác em há. Được rồi mùa trái cây tới em sẽ “ếm giá”cho anh ấy biết tay. Bây giờ chúng ta tiếp tục đi đào nấm. 
- Em cho tôi được đi đào nấm với em ? 
- Không. Em đi theo ông để đào nấm vì ông có “duyên” với nấm hơn em. Từ sáng đến lúc gặp ông, em đâu có tìm thấy cây nấm nào.
Tôi cười thầm. Cô gái này cũng tin cái “duyên” với nấm y hệt Long. Tôi định đi bên em để dễ trò chuyện thì em đẩy tôi lên phía trước.
- Ông đi trước đi. Đi bên em, ông sẽ hết “duyên” với nấm !
May mắn thay, tôi lại nhìn thấy một vạt nấm nữa nằm bên dưới một bụi cây khô. Tôi định la lên mừng rỡ thì Mến đã nhanh tay bịt miệng tôi, rồi em thoăn thoắt đào nấm. Tôi mở chai nước uống, hỏi :
- Em khát nước không ?
Mến lắc đầu.
- Ông cứ uống đi. Đừng lo, em sẽ chia thêm phần nấm cho ông.
- Cám ơn. Tôi đã có đủ nấm làm món nhậu chiều nay rồi.
Mến ngạc nhiên, ngước đầu lên hỏi :
- Ông không đào nấm để bán à ?
- Không. Tôi đào nấm chỉ để ăn cho vui.
- Vậy ông đào giúp em nhanh lên, nếu không người khác sẽ đến đào ké hết nấm.
Thế là tôi lại phải cúi xuống đào nấm, nhưng lần này tôi không bỏ vào túi nylon của tôi mà bỏ vào túi vải của em.
Gần trưa, tôi nói phải về vì đã đến giờ hẹn với Long. Mến nói em cũng về vì đến trưa nấm đã tàn, bán không có giá. Trên đường ra khỏi rừng tôi thấy một cây nấm lớn, mọc nhô lên khỏi mặt đất một gang tay. Thân nấm bụ bẫm nhưng tán nấm ửng hồng làm tôi nhăn mặt. Đúng là loại nấm độc như Long tả vì chung quanh nó chẳng có cây nấm nào. Tôi định đạp nát cây nấm để không cho ai hái ăn bị ngộ độc. Mến đã xô tôi qua một bên.
- Sao ông đạp nó ?
- Đó là nấm độc. Long đã nói cho tôi biết. Nó có tên là nấm “mồ côi”.
- Vậy ông phải thương nó, chứ sao lại đạp nó ?
- Tôi không muốn nó làm hại người khác.
- Ông không biết đâu, nấm này ăn rất ngon nếu biết cách nấu. Chính vì nó ngon và hiếm nên người ta thường gọi nó là nấm độc, để cho người khác sợ không dám hái.
Mến cúi xuống hái nấm, nâng niu trên tay rồi bỏ vào túi vải.
- Thôi chào ông. Tối nay nếu rảnh mời ông và anh Long qua nhà em ăn cháo nấm. Em biết cách nấu cháo nấm “mồ côi” ăn rất ngon.
Buổi chiều, tôi nhâm nhi các món nấm mối do Long nấu và cảm thấy đúng là “độc chiêu”. Nấm mối ngon hơn thịt gà, thịt ếch, thịt kỳ đà... Đến tối, nhớ lời Mến mời qua nhà ăn cháo nấm, tôi rủ Long cùng đi, Long cười.
- Ông hãy đi một mình. Biết đâu ông có “duyên” với nấm “mồ côi”.
Nhờ Long chỉ đường, tôi đã đến đứng trước cổng nhà Mến và giật dây chuông. Mến ra mở cổng.
- Ông không mời anh Long ?
- Ông ấy ăn no rồi.
- Nhậu từ chiều tới giờ chắc ông cũng đã no bụng ?
- Không tôi còn đói con mắt.
Mến mời tôi ngồi vào bàn rồi em đi xuống bếp, bưng lên một mâm nhôm có nồi cháo nấm nóng hổi, dĩa muối tiêu, hai tô không và một tô có đĩa đậy kín. Mến múc cháo ra tô, mời tôi. Nhìn tô cháo bốc khói, tôi chợt tỉnh rượu. Không biết Long nói đúng hay Mến nói đúng ? Nấm “mồ côi” là nấm độc hay là nấm đặc biệt rất ngon ? Thấy tôi chần chừ, Mến nói :
- Ông cứ ăn tự nhiên. Nấm “mồi côi” em nấu riêng còn nằm trong cái tô đậy kín này.
Hú hồn ! Tôi húp liền mấy muỗng cháo nấm mối và thấy ngon tuyệt vời. Mến mở đĩa đậy kín trên tô. Cây nấm “mồi côi” bụ bẫm, tán ửng hồng, đang nằm trong tô nước bốc khói. Mến lấy đũa gắp cây nấm đưa cho tôi.
- Mời ông ăn món nấm đặc biệt này.
Nếu từ chối ăn nấm “mồi côi”, tôi là kẻ nhát gan sợ chết, như thế mất danh dự đàn ông. Còn nếu mạnh dạn ăn nấm độc thì có thể tôi mất cả danh dự lẫn thể xác và tâm hồn đàn ông. Giữa hai mất mát đó, tôi chôn cái mất mát ít hơn. Tôi nói : 
- “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Em khôn, em ăn nấm, tôi dại, tôi uống nước nấu nấm.
- Ông có chắc chắn không ?
- Chắc như đinh đóng cọc bê tông .
Mến ăn hết cây nấm “mồ côi” một cách ngon lành. Tôi châm thuốc hút, cố ý kéo dài thời gian chờ đợi xem nấm độc có gây tác hại cho Mến. Thấy em vẫn tươi cười, tôi mạnh dạn bưng tô nước nấu nấm lên uống. Mến nhanh tay hất mạnh tô nước rơi xuống đất vỡ tan .
- Em định thử lòng ông thôi mà. Không ngờ ông gan ghê. Ông đã biết nấm độc khi nấu chín, chất độc sẽ hòa tan trong nước. Ăn nấm thì không sao nhưng uống nước nấu nấm sẽ rất nguy hiểm. Vậy mà ông vẫn thản nhiên uống. Ông là người đàn ông gan nhất mà em đã hân hạnh được gặp. 

Đoàn Thạch Biền.

Nhỏ bạn viết văn ở Cà Mau có lần ghé Bến Tre chơi được nhóm viết văn trẻ chúng tôi mời ăn một món đặc sản: nấm mối! Nhỏ cứ ngồi tấm tắc khen ngon trong khi bọn tôi thì cũng hơi… “nhót ruột” vì nấm mối đầu mùa, nhất là nấm mối búp (ngon thấu trời xanh – chữ của nhỏ bạn) chỉ khoảng… năm trăm ngàn một ký! Nói nhót ruột là nói cho vui chứ đãi bạn thì có…hao chút đỉnh cũng không sao, hơn nữa, nhỏ bạn viết văn thừa hiểu bọn viết văn chúng tôi “túi nhỏ” cỡ nào để khống chế cái bao tử luôn đòi hỏi được phục vụ tối đa của phái nữ(!). Lần đó về, “Hinh Như” cô nàng có viết một bài tạp văn về nấm mối (sở trường của nàng là tạp văn và truyện ngắn). Chuyện tưởng vậy rồi thôi ai dè mới đây tôi nhận được một cái tin nhắn qua điện thoại: Mùa nấm mối tới rồi, bộ quên sao? Giật mình và tự hỏi: vậy à? Sự gợi nhớ đột ngột khiến tôi bần thần và ký ức tuổi thơ bỗng hiện về, quay quắc…

Cơm áo gạo tiền nhiều lúc làm con người ta quên đi những ký ức đẹp, nhất là những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với miền quê nghèo khó. Người ta không còn để ý đến những con đường làng đầy lá rụng trong hun hút bóng chiều; những xế trưa vắng lặng eo óc tiếng gà; những bến nước không người đau đáu một nỗi niềm chia xa hay những khu vườn vắng sau những cơn mưa vừa tạnh buồn hiu hắt. Ở đó (khu vườn), vào khoảng tháng năm âm lịch, sau những cơn mưa dầm, nắng trở lại sẽ kích thích sự sinh trưởng của loài thực vật nhiều đạm “ngon thấu trời xanh” là nấm mối. Ngoại tôi nói, gần tới mùa nấm mối là bà biết liền vì mình mẩy bắt đầu nhức nhối một cách khó tả (chỉ những người nhạy cảm với thời tiết mới xảy ra hiện tượng này). Rồi còn có những đợt gió “ma”, thứ gió luồn đi lành lạnh dưới chân (có người còn gọi là gió mồ côi).
Trong các cuộc kiếm ăn dân giả, chưa có “món” nào hấp dẫn và đầy kịch tính như đi nhổ nấm mối (dân gian thường có câu: Ham như ham nấm mà, còn nấm… gì thì tùy người đọc suy luận!). Những người nhổ nấm môi chuyên nghiệp sẽ để ý nấm mối năm trước mọc vào ngày nào rồi “canh me” để năm sau phục kích sẵn, không thì bị “hớt tay trên”, vì nấm mối thường mọc đúng chu kỳ một cách lạ lùng. Dân gian còn nói rằng, những người “yếu bóng vía” không bao giờ nhìn thấy nấm mối!? Kết luận này đúng hay sai còn phải chờ giám định từ các nhà tâm linh học nhưng tôi từ cha sanh mẹ đẻ, chưa từng nhổ được cái… chưn nấm mối chứ đừng nói một tay nấm mối. Yếu bóng vía chăng? Có thể!

Xung quanh việc nhổ nấm mối cũng nhiều giai thoại cười ra nước mắt. Có hai người hàng xóm hẹn cùng nhau đi nhổ nấm mối. Khi đi ngang gò mối, người đi trước phát hiện có nấm mối mọc nhưng giả bộ thờ ơ đi luôn để “đánh lừa” người cùng đi rồi sau đó sẽ quay lại nhổ một mình. Người đi sau cũng phát hiện có nấm mối, rất mừng vì người đi trước không thấy nhưng cũng thản nhiên đi tiếp vì sợ mình ngồi xuống nhổ, người đi trước sẽ biết mà… nhổ ké! Hai người đi vòng vo một hồi rồi viện lý do để tách người kia ra. Thật bất ngờ khi lén lút quay trở lại, hai người cùng đụng mặt nhau ở gò nấm mối. Chưa hết… mắc cỡ với nhau thì họ phát hiện gò nấm mối đã bị người thứ ba… nhổ mất! Cả hai cùng cay đắng tiu nghĩu ra về (và chắc là cũng học được bài học để đời).
Ngày trước, nấm mối không quí hiếm như bây giờ vì hình như vườn nào cũng có dù nhiều hoặc ít. Còn bây giờ, nấm mối là mặt hàng “cao cấp”, một trăm gram nấm mối ở đầu mùa tới 50. 000đ mà chỉ có mấy tay thì nhà giàu còn phải e dè còn người nghèo thì đừng có mơ!. Nấm mối bây giờ quí hiếm vì môi trường sinh trưởng của nó đã bị phá vỡ, những khu vườn xưa, vườn cổ đã được xới lên để trồng các loại cây đặc sản, phân thuốc sinh học, hóa học được sử dụng tràn lan, vì vậy mà các gò mối cũng lần hồi bị đào thải.
Nấm mối thì chế biến món gì cũng ngon ngoại trừ… ăn sống! Nấm mối kho lạt vặn chanh, bỏ ớt hiểm hái rau càng cua bóp giấm, rau cải trời và đọt nhãn lòng luộc sơ sơ chấm vào tô nấm mối mới múc ra còn bốc khói, đưa vào miệng… Nấm mối nấu canh lá cách và muối ớt. Màu nâu nâu của nấm mối, màu xanh của lá cách, màu đỏ của ớt… Rồi mùi thơm thơm, vị ngọt ngọt của nấm mối tỏa ra, làm sao cầm lòng đây…? Nhưng đặc biệt nhất là nấm mối nướng lá cách. Lựa nấm mối vừa búp, gọt chưn, rửa sạch quấn vào chiếc lá cách non để trên vĩ nướng với lửa than vừa phải, trở đi trở lại thường xuyên. Lá cách thấm lửa từ từ, mùi thơm mới đầu dìu dịu, đến khi lá cách cháy sém thì cũng là lúc nấm mối kịp chín, hai mùi thơm quyện vào nhau, bát ngát, rồi lột lá cách ra, bóc tay nấm mối chấm vào muối ớt… ối trời, lúc đó thì “dì út” cũng không mời!
Nhưng bây giờ, còn đâu nhiều thứ đặc sản quí hiếm này. Mùa nấm mối mấy năm nay chỉ thấy người ta bán lai rai nhưng giá… trên trời, có thèm cũng chả dám mua. Vậy là phải ăn nấm mối bằng… tưởng tượng và tôi muốn “lây” cái thèm của mình cho nhiều người, trong đó có nhỏ bạn ở Cà Mau với cái buồn vô cớ, man mác và mông lung. 
Ngoc Vinh
[Ký ức miền tây] Kỳ 183 - Mùa nấm mối
Hương vị quê nhà: Mùa nấm mối
Mùa này là mùa nấm mối. Ở những nơi gò cao trong các thửa vườn đã có nấm mọc lai rai. Bọn trẻ háo hức, có đứa đã chuẩn bị sẵn con dao nhỏ hái nấm từ tháng trước.

Mùa nấm về rồi qua đi, để lại nhiều kỷ niệm khó quên, sự mong đợi nhổ được nhiều nấm vào mùa sau. Ở Bến Tre, nấm mối có nhiều ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày…
Loại nấm đặc biệt
Nấm mối được hình thành từ  meo đặc biệt của một loại mối chuyên sinh ra nấm. Mối này hình thù giống như bọn mối ăn gỗ thông thường nhưng lại làm tổ dưới mặt đất, nơi gò cao. Tổ nấm mối là những mô xốp cỡ chiếc tô. Trong đó có vô số mối gồm: mối "chiến binh" với đôi càng ở miệng sắc to, cắn rất đau; mối thợ chuyên sản sinh meo nấm cùng nhiều mối con… Một gò nấm có vài chục tổ như vậy. Các tổ liên kết nhau bởi những con đường hầm nhỏ. Mối chúa ở tổ trung tâm nơi sâu nhất, chuyên việc sinh sản. Nó to cỡ đầu đũa dài hơn 3cm, thân mềm, màu trắng đục, các chân thoái hóa, di chuyển chậm chạp.
Vào mùa nấm mọc, bọn mối thợ lăng xăng tạo meo quanh tổ, chờ ngày nấm rẽ đất mọc lên. Khởi đầu meo phát triển trong tổ thành nhiều mầm nấm trông như những mũi tên trắng xóa, rất đẹp. Những mầm nấm này hút chất dinh dưỡng trong tổ nấm để lớn dần và rẽ đất mọc lên. Các cụ già gọi giai đoạn này là "nấm thâm kim", "nấm nứt đất" chưa thu hái được vì cái nấm còn rất bé. Vài ngày sau, nấm phát triển thành "nấm búp" có hình như cây dù chưa mở lên trông rất hấp dẫn. Sau đó, tán nấm xòe ngang ra nở trọn vẹn gọi là "nấm mở" hoặc "nấm tán dù". Ngày sau, nấm héo úa, hư hoại dần, gọi là "nấm tàn". Nấm tàn người ta không ăn được, nhưng là món ăn khoái khẩu của chính bọn mối tạo ra nó và các loài côn trùng.

Các gò nấm mọc với chu kỳ một năm khá chính xác. Ví dụ có gò nấm tìm được, nhổ vào ngày rằm năm nay thì đúng ngày ấy năm sau ra đó tìm ắt thấy có nấm.
Niềm vui mùa nấm
Nói về cảm giác của người đi tìm mà bắt gặp gò nấm mối dù ít hay nhiều, thì cái niềm ngất ngây vui sướng tràn đến thật  khó tả. Cứ như là đang đói bụng chợt được mời đi ăn cỗ vậy!
Người ta có những quy ước, ngầm hiểu với nhau về cách thu hái nấm khá tốt đẹp. Ví dụ, một người tìm thấy gò nấm nứt đất ở khu vườn nào đó, nấm còn nhỏ, lấy lá dừa đậy lại đợi nấm lớn mới nhổ. Người khác đi kiếm nấm thấy gò nấm đậy, dù nhiều cách mấy cũng không hái vì biết nấm này "có chủ". Vài hôm sau "người chủ" dẫn cả nhà ra nhổ nấm.

Với hương vị đặc thù, nấm mối  đem lại cho con người những món ăn tuyệt hảo mà mỗi năm ta chỉ được thưởng thức vài lần. Trùng hợp với nấm mọc trên gò cao, ở dưới nước có con cá bống trứng sắp vào mùa sinh sản. Bụng mang cặp trứng vàng ươm, cá chạy hàng đàn theo con nước lớn, ròng vào nò, vào lọp. Mùa này, ngày mưa tiết trời mát dịu, mây bay bàng bạc. Trong khung cảnh đó với bữa cơm gia đình có món cá bống trứng và nấm mối búp kho tiêu, ớt ăn với cơm nóng, càng làm cho cảm xúc dưới trời quê thêm sâu nặng.
Ngoài nấm mối kho tiêu với cá bống trứng là món ngon tuyệt, người ta còn chế biến nấm với nhiều món ăn độc đáo khác. Nấm mối nấu canh mỡ, dùng cho cả nấm búp và nấm nở. Nấm um dừa lá cách, dùng cho nấm nở nấu với nước cốt dừa, nêm lá cách. Nấm xào măng tươi (nấm búp) ăn rất giòn thơm. Nấm kho chay với khổ qua, có thể dùng nấm tươi hoặc nấm phơi khô, hoặc dùng nấm búp nhỏ kho với nước tương nêm thêm dầu ăn, tiêu, ớt. Nấm làm nhân đổ bánh xèo, cùng với tôm, thịt. Nấm mối nướng: dùng những tai nấm búp to lớn đặc biệt, nướng lửa than hay nấm xào gan heo, mực, tôm dùng để "lai rai".v.v… Đó là những món ngon, tinh túy, quà tặng đặc biệt của quê hương.
Tư Câu
Đã quyết-định từ chiều hôm qua là sẽ đi vào rừng một mình sáng nay, con Quít lại do-dự khi tới ngã ba của con đường mòn trong xóm, đứng trước ngã đưa ra khỏi thôn và ngã rẽ vào xóm con Họn.
Chiều hôm qua là chiều thứ ba của ba ngày mưa lâm-râm, sau Tết Đoan-Ngọ, mà người ta gọi là „mưa nấm“, tức là mưa để gây khí-hậu cho một thứ nấm kia mọc lên được, một thứ nấm đặc-biệt vô-cùng vì nhiều điểm.  Đó là nấm mối.
Nấm mối ngon nhứt hạng trong các thứ nấm của xứ ta, mà các loại nấm ngoại-quốc danh-tiếng nhứt, sánh cũng không bằng, kể cả nấm mắc tiền là nấm Truffe. 
Ngon như vậy, nó lại mau hỏng lắm, không mong đưa ra chợ kịp, thành-thử các cô thôn-nữ rất khoái đi tìm nấm mối, vì đó là món ăn ngon độc-nhứt mà các cô được hưởng, chớ thường thì có thức gì kể như „món ngon vật lạ“ là phải nhịn để bán lấy tiền mua vải, mua dầu.
Nói đi tìm vì không phải hễ cứ vào rừng là hái được nấm mối, tương-đối dễ-dàng như là hái nấm giẻ, nấm trứng gà hay các loại nấm khác đâu.  Phải tìm, mà nào có tìm được nhờ công-phu đâu.  Nấm mối không trốn trong các xó kẹt hiểm-hóc, không ẩn núp trong các lùm cây bụi rậm, mà mọc giữa khoảng đất trống, vậy mà tìm không ra mới là kỳ cho!Nấm mối không phải mọc dưới chân các gò mối, mà mọc những chỗ nào có cây chết, mục nát lâu đời, bất-luận là cây gì, miễn cây mục nát ra gần thành đất là đúng môi-trường của nấm mối. 
Nấm mối mọc thành về to bằng cái thùng giạ, chỉ nội trong hai phút đồng-hồ là lú lên, và trưởng-thành xong, và độ một tiếng đồng-hồ sau là tàn-lụn hết, nát thành tro bụi, nếu ta không hái kịp lúc, tức là hái lúc nó vừa trưởng-thành. 
Nhiều đám đất trống nhỏ trong chồi, trong rừng, ta đi qua đó năm, ba lần mà không thấy gì cả, nhưng giây lâu sau, người khác vừa trờ tới là bắt gặp ngay về nấm tìm kiếm.  Nói là tìm, chớ thật ra là phiêu-lưu sự hên xui, may rủi mà thôi.Vì vậy mà nấm mối mang tục-danh là nấm ma, đang không thấy gì hết, nó bỗng xuất-hiện ra, và vừa thấy đó, đã mất đó.Con Quít do-dự ghê lắm là vì nó sợ ma.  Ừ, chắc-chắn nấm mối là nấm ma rồi, không còn ngờ gì nữa cả, mà đi tìm ma một mình, ớn xương sống quá!Nhưng nếu gọi con Họn cùng đi cho có bạn sẽ vấp phải rắc-rối như mọi năm khác thì cũng khổ.Phàm những món gì mọc ngoài đồng hoang hay trong rừng, đều giống như chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn.  Chẳng hạn như đi hái măng tre, đi thành đám năm bảy người, gặp một bụi tre lớn chứa năm, bảy mụt măng thì năm, bảy người cứ bình-tĩnh thọc câu-liêm vào bụi để hái mỗi người một mụt, chị em hòa-thuận với nhau, rất vui-vẻ để rồi bước sang bụi tre khác.Nấm mối, trái lại, gây lủng-củng nội-bộ vì nó rất hiếm-hoi, mỗi về lại quá nhỏ, có khi đi cả một buổi sáng mà tìm được có một về, không ai chịu nhường ai cả, còn chia nhau , thì không ai còn gì cả.Thế nên bọn đi hái nấm mối, hễ thấy được một về nấm thì bôi mặt ngay để biến thành cừu-địch, hè nhau mà chụp giựt, mạnh ai nấy cào nấy hốt, rốt-cuộc, chẳng ai được gì, bởi loại nấm quá bở ấy đã nát hết dưới những bàn tay tranh cướp của họ.
Con Quít do-dự, đứng tại ngã ba mà nghĩ kế.  Độ tàn một đìếu thuốc, nó lửng-thửng bước trên con đường mòn dẫn đến xóm con Họn mà vẫn còn tiếp-tục toan-tính.
Con chó phèn nhà con Họn thấy mặt Quít sủa lên một tiếng lấy lệ, gọi là có làm phận-sự chớ ai lại sủa người quen.
Quít đẩy cổng vào nhà, thấy Họn đang không làm gì hết, nó hỏi:
-Sao không đi hái nấm mối?  Khi nãy thiên-hạ đi lu-bù.
-Vậy hả?  Nhưng thiên-hạ đã đi lu-bù, còn gì cho mình?
-Con nầy điên rồi!  Bộ hễ họ vô trong ấy trước thì gặp nấm mối liền hay sao?  Thường thì kẻ đi sau lại hay gặp may hơn.
-Nhưng tao sợ ma lắm.  Sao mầy không đi?
-Tao cũng sợ ma lắm.  Mà nè, nếu hai đứa tụi mình, cùng đi thì vui, lại khỏi sợ ma.
-Ừ.  Như mọi năm vậy mà!
-Đúng như vậy.  Nhưng năm nay phải khác.
-Khác làm sao?
-Mọi năm, tụi mình đi tay không, về cũng tay không, mà cả làng đều chịu cảnh đó hết, bởi ta giành nhau, nát bao nhiêu là về nấm mà ta bắt gặp
-Ờ há!  Như vậy còn đi để làm gì?  Nấm mối là phần ăn của ai gan-dạ, dám đi một mình.
-Nhưng tao có cách làm cho tụi mình có ăn nếu tụi mình đi hai mình.
-Cách nào?
-Miễn là mầy nhận những điều-kiện nầy... Mà nhận hay không hè?
-Ai biết đâu.  Cứ nói nghe thử coi.
-Khó lòng mà biết đứa nào trong hai đứa tụi mình sẽ thấy trước đứa kia một về nấm, mặc dầu sự thấy trước, thấy sau chắc-chắn là có chớ đâu phải hai đứa cùng thấy một lượt.
-Ừ.
-Như vậy, không thể bằng vào sự thấy trước, thấy sau để mà giành phần.
-Ừ,
-Như vậy, ta chỉ còn nước chia đều.
Con Họn bật cười rồi cười ngất, cười sặc-sụa, một hồi lâu mới nói được:: 
-Nếu có thể chia, thì từ thuở giờ đâu có chuyện đáng tiếc xảy ra.  Nấm gói lá chuối để nướng ăn chơi, nướng chín rồi thì nó teo lại còn nhỏ xíu, một về nấm chỉ đủ lủm một lủm, chia rồi thì vừa đủ dính kẽ răng.
-Ậy, mà chia được đó.  Nè, tao giao mấy điều, mầy nên nhận, mà chính tao cũng phải chịu các điều-kiện sau đây:
Thứ nhứt, hễ đi một buổi mà chỉ gặp một về nấm thì mầy sẽ được hưởng một mình. 
-Mầy nói sao mà tao nghi mầy lập mưu lập kế gì, để gạt tao quá!  Sao mầy tốt bụng dữ vậy?
-Tao không có tốt khỉ khô gì hết.  Tao vì quyền -lợi mà thôi.
-Vì quyền-lợi mà để tao hưởng một mình?
-Ừ, như vậy mầy mới nhận lời ký hiệp-ước chớ, mà mầy chịu ký, tao mới có lợi.
Cả hai cùng cười.  Nông-dân ta, trong vòng mười mấy năm nay, khá thạo danh-từ và rất sính dùng danh-từ khó và lạ.  Đôi khi họ dùng sai, chỉ vì sính dùng danh-từ hơn là nói nôm-na.  Chẳng hạn như xe riêng, xuồng riêng, họ không nói, mà nói xe cá-nhân, xuồng cá-nhân.  Xuồng cá-nhân là xuồng chỉ vừa một người ngồi (thí-dụ: hố cá-nhân, hầm cá-nhân), chớ nào phải xe riêng, xuồng riêng như ý họ muốn nói đâu.  Có người bảo rằng tại trong thời-gian Việt-cộng tràn tới, họ cấm không ai được có của riêng, nên kiêng-kỵ tiếng “Riêng”, nhưng thật ra chỉ tại họ sính dùng danh-từ mà dùng sai, chớ nếu cấm có của riêng, cũng không ai cấm danh từ “Riêng” bao giờ.
Họ cười, vì tự họ thấy nói danh-từ thì hơi kỳ-kỳ thế nào ấy.  Con Quít lại tiếp: 
-..... mà hễ năm nay, hoặc lần nầy, tao tôn-trọng hiệp-ước thì mầy sẽ tín-nhiệm tao, và những lần sau, tụi mình sẽ bắt thăm, chớ không phải luôn-luôn mầy hưởng một mình đâu.  Nhưng lần nầy tao cần mầy ham, nhận ký-kết cái đã.
-Mầy là con cáo già.  Thôi, nói tiếp đi!
-Thứ hai, lẽ dĩ-nhiên là về thứ nhì, tao sẽ được hưỏng, về thứ ba, mầy hưởng vân vân ...
-Đồng-ý.
-Thứ ba, điều thứ ba đã nói rồi, nhưng chỉ nói chơi-chơi ở ngoài lề, giờ phải ghi vào hiệp-ước cẩn-thận mới được, là mầy chỉ được hưởng một mình nếu tụi mình chỉ gặp độc một về mà thôi, lần nầy đây, còn những lần khác thì cái đứa may-mắn ấy là đứa bắt thăm trúng số may-mắn.
-Đồng-ý!
-Bắt thăm cách nầy.  Ta quăng lên trời một đồng bạc bằng kim-khí, mỗi đứa được quăng một lần, đứa nào mà được đồng tiền rơi nằm ngửa là đứa đó may-mắn.
-Ngộ như cả hai đứa đều có đồng bạc rơi nằm ngửa hết?
-Như vậy thì sẽ quăng trở lại, cho tới chừng nào hai đứa khác nhau mới thôi.
-Đồng-ý!
-Hiệp-ước gồm bốn điểm, nhớ nhé.
-Nhớ.
-Thôi, ta đi nè.
Con Họn rút từ giàn bếp xuống một cái rổ bằng cái rổ mà con Quít xách theo, đoạn hai chị em ra khỏi nhà, Quít trở lại ngã ba khi nãy để vào rừng với bạn.
Hai chị em lục-lạo khắp nơi, gặp vài người quen, không buồn trò-chuyện hay nhìn họ, chỉ nhìn mặt đất mà thôi, ao-ước được chứng-kiến một ổ nấm đang mọc để mà xem chơi, chắc là lạ và ngộ lắm, cái cảnh nấm mọc mà trong một đời người, một nông-dân có may-mắn mới được xem một lần vì rất ít khi có lần thứ nhì.
Không có gì huyền-diệu bằng theo dõi những cái nấm như đội mũ chui lên mặt đất, lớn dần để biến thành một cái táng, mà người ta gọi là cái tàng, cái táng lại có cán, cán ấy là thân cây nấm, tất cả ban đầu chỉ nhỏ bằng hột đậu xanh, giây lát sau, táng lớn hơn trái cau, cán to hơn chiếc đũa, xem mê như là xem trò quỷ-thuật do các nhà ảo-thuật trình-diễn.
Thình-lình, con Quít la to:
-Nấm, trời ơi, Họn ơi, nấm!
Lạ quá, một ổ nấm mối, nếu đem kịp ra tới chợ quen, chỉ bán được vài ba chục bạc mà thôi, nhưng hễ gặp nấm là dân đi hái nấm mừng như bắt được giấy năm trăm.La xong, con Quít nhảy tới một cái, lẹ như con khỉ rồi ngồi xuống, đưa hai tay ra để hốt. 
Con Họn cũng làm y như vậy, vừa giành-giựt vừa mắng bạn: 
-Đồ nuốt lời đầu hôm sớm mai, mầy bày đặt ký hiệp-ước rồi chính mầy lại xé hiệp-ước.
Con Quít không nao-núng và cứ làm thinh mà hốt, hai chị em chụp giựt với nhau giây lát thì ổ nấm biến thành bình-địa, còn rổ nấm của cả hai đựng toàn những mảnh nấm vụn bằng đầu ngón tay út.
Con Họn tức giận tím mặt, nhưng lại cười:
-Người ta đã đặt tên nó là nấm ma, thì làm sao mà nó chịu lọt vào tay người phàm!
Nhưng tụi mình đi không về rồi, uổng một buổi sáng!
Bây giờ con Quít mới tỉnh hồn.  Nó buồn-bã ngồi đó mà thở dài.  Giây lát nó nói:
-Tao ăn-năn quá!  Tao đã làm bậy.
-Tại mầy tham.
-Không phải đâu!  Nếu mầy được, mầy cũng cho tao ăn, tao biết vậy, còn đem bán thì bán được vài mươi đồng chớ chẳng bao nhiêu.  Nhưng có ma-lực nào không biết nó xô-đẩy tao phản-bội.  Quả thật là nấm ma.
-Tao cũng nghĩ như vậy.  Nhưng sao người ta lại hái được nấm?
- Đó là những người đi một mình.
- Chỉ vì tham chớ chẳng có quỷ có ma nào!
-Tao thề với mầy là tao không tham-lam hay xấu bụng.  Chính tao đã nghĩ ra cái hiệp-ước công-bình vì biết chắc rằng tham là bóp nát, mất hết.
-Thôi, xé hiệp-ước nghen!
-Ừ.
Thình-lình, con Họn la lên:-Nấm, trời ơi, lại nấm. 
Rõ-ràng là nấm ma.  Cách ổ nấm trước không tới năm tấc, vụt hiện lên một ổ nấm thứ nhì mà rõ-ràng là khi nãy không có.  Nó sinh-trưởng trong lúc hai chị em nầy cãi nhau, chỉ trong mấy phút đồng-hồ
 Và tức-thì hai đồng-minh cũ lại nhào vào nấm mới để giành-giựt với nhau nữa.
Vài phút sau, đôi bạn nhìn nhau, lặng cười, khi thấy ổ nấm thứ nhì cũng biến thành vụn nát, sau thời-gian hai đứa tranh ăn với nhau.
Cả hai đồng thở dài, và không hẹn nhau chúng đồng nói lên một lượt một câu giống nhau : 
-Đã nói nó là nấm ma mà !  Quả thật không sai !

BÌNH-NGUYÊN LỘC
Kết quả hình ảnh cho Nấm