Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Những ngày xưa thân ái

Những Ngày Xưa Thân Ái 


Ký ức xưa,
Luôn vẫn nhớ những ngày xưa thân ái,
Mùa phượng về rộn rã tiếng ve kêu...
Lúa vàng uôm nằm đợi dưới ráng chiều,
Chờ tay hái giữa ngày mùa vất vả !

Hè đã đến bao tiếng cười rộn rã,
Sắc hè tươi như phượng đỏ trên cành.
Khói bếp chiều lan tỏa tận trời xanh...
Theo với gió cành diều bay cao vút !

Tình quê ấy luôn nồng nàn thúc giục,
Cả đời người một nắng với hai sương....
Thương mẹ cha xưa tất bật tảo tần,
Là bến đỗ bình yên trong cuộc sống .

Dẫu bôn ba với cuộc đời biến động,
Luôn nhớ về thuở bé nhỏ ngây thơ !
Tình quê hương trong trẻo tự bao giờ,
Là điểm tựa giữa đường đời vạn nẽo !!
NM

Những ngày xưa thân ái

Tháng năm về, phượng thắp lửa trên cây và tiếng ve râm ran gọi cũng là lúc những đứa trẻ quê chúng tôi trở về với những gì tươi đẹp và hồn nhiên nhất của tuổi ấu thơ. Hồi ấy, chả có smartphone hay những trò chơi tiêu khiển của bọn trẻ bây giờ, cũng không phải những ca học thêm nối tiếp, hè ở quê có cái rộn ràng của ngày mùa, cái nắng gay gắt của buổi ban trưa, có những cơn mưa rào chợt đên rồi chợt đi, có tiếng sáo diều vi vu trong gió mát. Tất cả đọng lại một khung trời kỷ niệm của mỗi người, những ai sinh ra và lớn lên từ những miền quê yêu nghèo khó. Tuổi thơ…

Sau ngày tổng kết năm học tụi nhỏ chúng tôi tạm cất sách vở, “gác bút nghiên” vào hòm thật ngăn nắp. Một phần vì đã được nghỉ hè, phần khác là đống sách cũ kia phải được giữ cẩn thận cho lũ em trong năm học tới. Ngày đó cuộc sống thiếu thốn nên tiết kiệm được chừng nào là bớt đi gánh nặng trên vai cha mẹ chừng đó, anh em tôi lúc nào cũng thấm thía. Thời gian vậy mà trôi nhanh. Nghỉ hè được vài ngày, lúa trên đồng đã bắt đầu chín. Dưới cái nắng hè gay gắt, đứng trên bờ đê nhìn xuống-một màu vàng xuộm trải dài đến tận chân trời. Đã bao lần, vừa tung tăng trên cánh đồng, tôi vừa ngân nga bài thơ Tiếng hát mùa gặt của nhà thơ Nguyễn Duy:

Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

Chỉ vài ngày sau đó, những bó lúa vàng ươm đã được trở về đầy các sân nhà. Mùa gặt, không khí ở quê rộn ràng hẳn lên. Mới bốn năm giờ sáng, tiếng người nói chuyện, tiếng loẹt quẹt của xe bò, xe thồ từ khắp các thôn xóm đã đổ ra đồng cho kịp ngày mùa. Chỉ có thể là người con của làng quê, sinh ra và lớn lên ở đất quê thì con người ta mới có thể cảm nhận được hết cái tươi vui rộn ràng, ngập tràn sức sống ấy. Dường như cái oi ả của nắng hè không làm người nông dân thấy mệt. Hay phải chăng niềm vui từ thành quả vụ mùa đã làm vơi đi nhọc nhằn, công sức bốn tháng gieo trồng nay đã được đền đáp bằng những xe lúa vàng nặng trĩu. Nét hạnh phúc lẫn những giọt mồ hôi lăn dài trên má, tôi thấy yêu thương và cảm phục người dân quê mình. Suốt một đời vất vả gian lao, một lòng kiên trì bám trụ đất quê.

Ngày mùa, lũ trẻ chúng tôi cũng có công việc của riêng mình. Bố mẹ gặt ngoài đồng, tôi cùng lũ em có nhiệm vụ phơi lúa hong khô khi mặt trời lên đến ngọn sào. Công việc tưởng đơn giản mà không dễ chút nào, những cơn mưa rào mùa hạ có thể cướp đi thành quả của tụi tôi trong chốc lát. Trời đang nắng chang chang, chợt những đám mây đen từ đâu ùn ụt kéo tới, trời nổi giông gió. Tôi nhớ mãi cái không khí của những lần chạy mưa ở quê. Chẳng ai bảo ai, đám trẻ đang tụ tập đứa nào về nhà đứa ấy, người lớn đang gặt ngoài đồng cũng mải mốt chạy về. Thế rổi kẻ cào, người quét, người khiêng, người đóng bao… mỗi người một việc hết sức khẩn trương. Mọi thứ diễn ra như một trận đấu gay go quyết liệt giữa con người với thiên nhiên. Kể thì lạ mà lần nào cũng vậy, cứ vừa chạy mưa xong trời mới đổ mưa dữ dội. Mưa như trút cơn giận hả hê sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt. Tôi lại cùng lũ em đằm mình trong những giọt nước mát lạnh. Thế mà cũng có lần vì mải chơi, tụi tôi để mưa ướt hết cả sân lúa. Đứa nào cũng nơm nớp lo sợ, kết lại là những chiếc roi “nhớ đời” từ bố. Đến bây giờ nghĩ lại, đôi lúc lại mỉm cười, nhớ về ngày bé…

Khi đồng đã gặt vãn, ấy là lúc thế giới của tụi trẻ chúng tôi mới thực sự mở ra. Mặc lũ trâu bò thung thăng gặm cỏ mà không sợ chúng ăn lúa của bà con như dạo trước, chúng tôi lao mình xuống con mương giữa đồng. Hết lặn ngụp, mò cua rồi bắt những chú cá rô, cá chép… khi đã được kha khá, cả bọn lại choàng lên bờ, đứa lấy rơm, đứa nhóm lửa… Thoáng chốc, dưới ánh lửa bập bùng đượm mùi rơm nếp mới, hương thơm tanh nồng của cá thoảng đi khắp nơi. Mỗi đứa một phần, mặt ai nấy đen nhẻm vì nhọ, nước mắt ứa ra vì khói, cả lũ nhìn nhau cười như nắc nẻ. Món quà tuổi thơ ấy tuy giản dị nhưng đậm đà hương vị tình quê mà có lẽ sau này dù đi bất cứ nơi đâu ta cũng muốn tìm về, để được ngồi giữa cánh đồng quê thân thuộc, để sống lại những tháng ngày đã qua.

La cà đến tận chiều muộn, khi mặt trời dần lặn xuống chỉ để lại vài tia sáng đỏ rực xuyên qua kẽ mây, chúng tôi rong đàn trâu về cho kịp trời tối. Vẫn nhớ cái khoảnh khắc ấy, tôi thường bước đi thật chậm rãi để lắng mình cảm nhận hết sự thanh bình yên ả của buổi chiều quê. Phía làng tôi, vài mái nhà tranh cấp bốn lụp xụp bên những lũy tre xanh ngả nghiêng vì gió, khói bếp chiều tà bảng lảng giữa không gian đầy tĩnh mịch. Xa xa vài cánh cò đang chao liệng tìm những con mồi cuối cùng trước thời khắc ngày tàn. Tôi từng thấy rằng làng quê mình vẫn còn nghèo lắm, người dân quê tôi vẫn một nắng hai sương vì cuộc mưu sinh không hồi kết… Tôi đã từng nghĩ về những miền quê phát triển, những vùng đất trù phú tốt tươi…

Đâu biết rằng tôi đã gửi bao ước mơ khát vọng vào cánh diều thuở nhỏ. Gió sẽ thổi ước mơ tôi bay cao thành hiện thực: ra khỏi lũy tre làng, đem ánh sáng của tri thức về với miền quê yêu dấu. Những tia nắng cuối cùng của buổi chiều mùa hạ cũng tắt, màn đêm dần lộ ra. Tôi rảo bước rong trâu về cho kịp trời tối. Tiếng sáo diều vẫn vi vu trong gió…

Bao năm tháng đã trôi qua, cuộc sống làng quê đã có nhiều thay đổi. Tôi vẫn giữ cho mình những kỉ niệm đẹp về một thời tuổi thơ nghèo khó dẫu mùa hè bây giờ, những đứa trẻ ở quê đã có cho mình những thú vui tiêu khiển, những đồ chơi có sẵn chẳng giống với chúng tôi thuở trước. Hè ấy, có dáng mẹ tôi tất bật tảo tần, có giọt mồ hôi cha chảy ròng trên má, có nét rạng ngời trên gương mặt người nông dân khi lúa được mùa. Tôi thấy mình hạnh phúc vì một tuổi thơ không game, không điện thoại. Bao trưa hè cùng lũ bạn đội nắng bẫy tổ chim, chiều lặn ngụp trên đồng bắt cua rồi lao mình xuống dòng nước mát. Lớn lên từ một tuổi thơ gian khổ nhọc nhằn, từ những gì thân thuộc nhất của làng quê, cái chất quê trong trẻo nồng nàn sẽ theo tôi đến mọi ngã rẽ của cuộc đời. Đó là điểm tựa tinh thần, là bến đỗ bình yên trong cuộc sống. Những ngày xưa thân ái…

Đức Đen

Bến sông xưa,
Bến sông xưa, con đò xưa vẫn đợi,
Vẫn những chiều mưa nặng hạt ven sông...
Tuổi thơ con đầy vất vả long đong,
Con theo ngoại để học tìm con chữ !

Thời gian qua nhanh ngoại không còn nữa
Con lại về, trở lại bến sông xưa,
Chỉ còn đây, một nền đất trống trơ,
Đâu dáng ngoại già nua vì mưa nắng ?!

 Tôi về áp mặt vào sông,
Nhìn hoàng hôn đỗ trên dòng nước xưa.
Chợt thèm ước một cơn mưa,
Ngóng trông ngoại với thuyền chưa trở về !!
NM
  





Về lại bến sông xưa

Hồi còn ở với ngoại trong căn nhà sàn cặp mé sông, cứ chiều chiều, tôi lại cho chân mình vào khỏa nước sông, đưa mắt nhìn những khóm lục bình trôi đi mải miết. Ngoại ngồi trên xuồng, lấy dầm vói vớt mấy nhánh củi mục trôi sông hay mấy chai lọ và những đồ bằng nhựa bị bỏ đi để bán lại cho cô mua ve chai mà buổi trưa nào cũng cập vào bến nói vọng lên bờ “hôm nay có gì bán không bà Hai ơi”.

Những ngày mưa nặng hạt, ngồi trong nhà ngó ra, bong bóng nước ken dày cả mặt sông. Lâu lâu lại có chiếc ghe bán hàng chạy vụt qua mà chẳng tìm chỗ trú. Người đàn ông cầm lái co ro trong miếng cao su chật chội vẫn xé mưa chạy về phía trước. Tôi vẫn nhìn về phía chiếc ghe cho đến khi nó chìm vào màn mưa trắng xóa. Nghĩ, bên trong ghe còn có bao phận người lênh đênh cố tìm cho mình một bến dừng chân?
Như tôi, 5 - 6 tuổi, ba má cập ghe lại bến sông nhà ngoại, dắt tôi lên bờ chỉ vì muốn con mình biết được chữ nghĩa, sau này lỡ có đi lạc cũng biết đường về… Bữa đó tôi khóc dữ lắm, cứ dõi mắt nhìn ra bến sông có mấy rặng ô rô xơ xác. Đêm đầu tiên ở nhà ngoại là một đêm mưa rả rích, căn nhà lá nghiêng một bên chỗ nào cũng dột, những cơn gió thổi vào lạnh cả sống lưng. Chắc vì vậy mà nước mắt cũng mau khô hơn. Ngoại nằm gác tay lên trán, lâu lâu lại vuốt tóc tôi “sao giờ này còn chưa ngủ nữa con, tới hè ba má con về rước, coi vậy chớ nhanh lắm”.

Hừng sáng, ngoại đã bơi xuồng dỡ lú dưới sông, cất vó luôn chỉ vừa đủ ơ kho quẹt cho hai bà cháu ăn sáng chiều. Hôm nào trời mưa, ngoại để tôi ở trong nhà, chẳng cho theo cùng. Cầm chiếc dầm nhỏ ngoại đẽo cho tôi mà lòng buồn đến lạ. Cái nón lá rách vành không che nổi gương mặt lạnh căm, tôi rưng rưng nắm đôi bàn tay móp méo đang khẽ run lên của ngoại. Chẳng biết phải thương bao nhiêu cho vừa.
Ngoại bán thêm nước màu thắng từ nước dừa. Mỗi lúc ngoại thắng nước màu, tôi vẫn ngồi cùng ngoại bên cái cà ràng rực lửa. Ngoại hay biểu tôi ngồi yên những lúc thấy tôi khỉ khọt với củi lửa. Khi đem nước màu đi bán, tôi ngồi trước mũi xuồng với chiếc dầm vừa tay, ngoại chèo phía sau, ngang qua những mái nhà, lại rao “ai mua nước màu nước dừa hôn”. Xuồng cập dưới mé sông, ngoại dỡ nắp cái khạp da bò nhỏ, múc từng vá nước màu sền sệt đen óng vào cái keo của người mua hoặc vào cái túi nylon rồi cột lại cho khách. Những đồng bạc lẻ được ngoại cất vào cái khăn màu cháo lòng kỹ lưỡng. Trên mỗi khúc sông qua, ngoại vẫn dừng lại mỗi khi thấy củi mục, chai lọ. Có hôm may mắn ngoại còn nhặt được món đồ chơi bằng nhựa cho tôi. Món đồ chơi đứa trẻ nào bỏ đi (hay làm rơi) lại là món quà cho đứa trẻ khác. Buổi chiều tắt nắng, tôi hay nằm dưới xuồng ngước mặt lên trời nhìn những áng mây trôi trên nền trời xa thẳm, một vài cánh chim lạc bầy cố nhớ đường bay về tổ. Trong ý nghĩ lúc ấy của tôi, chiều mênh mông hơn tôi tưởng.

 Có hôm trên đường về, xuồng của tôi và ngoại phải tấp vào một rặng dừa nước hay bụi cây nào đó để đụt mưa. Tôi ngồi trong lòng ngoại, hé miếng cao su nhìn ra bên ngoài mặt sông, màn mưa vẫn trắng xóa. Tôi đưa tay ra hứng nước mưa: “Mưa điệu này chắc còn lâu mới tạnh hen ngoại”. Ngoại chỉ cười: “Ờ, hồi tối nghe đài báo bão…”.
Những bận đi về trên nhánh sông quê, chợt thấy sông quê mình bao dung quá đỗi, chở che biết bao nhiêu thân phận con người mưu sinh lênh đênh cùng sóng nước. Ghe dừng lại không lưu lại dấu nằm dưới sông, chỉ có những ánh nhìn là còn vương lại đâu đó nơi bến sông, bởi những dáng người trên bờ vẫn hay nói vọng xuống ghe “có cần nước mưa thêm hông? Lên bờ xách mớ củi xuống ghe để dành chụm? Nhà có buồng chuối già đem xuống cho tụi nhỏ ăn lấy thảo?”. Để có lần quay ghe về lại, chủ ghe tức tốc nhảy lên bờ cầm tay nhau “má khỏe không má. Con mang cho má chục nem chua, mấy chai dầu gió với con chó phốc…”.
Giờ về lại bến sông xưa, mái nhà ngày xưa chỉ còn lại một bãi đến trống trơ. Ngoại đã không còn nữa. Trời lất phất mưa như cái hôm rời nhà ngoại, tôi đứng dưới ghe ngoái đầu nhìn lại dáng ngoại già nua vì mưa nắng. Má quệt nước mắt cho tôi, bảo tựu trường năm sau lại về ở với ngoại. Mà điều đó đã không thành hiện thực. Ngoại ra đi vào một ngày mưa rơi lất phất. Mớ nước màu thắng bằng nước dừa vẫn chưa kịp nguội đi. Chiếc xuồng chênh chao sóng nước. Tôi lấy cây dầm và cái khạp da bò xuống ghe, nước mắt rơi suốt dọc đường đi. 
Ngày về, tôi áp mặt vào sông, nhìn hoàng hôn đổ dài trên mặt nước. Chợt thèm một cơn mưa về qua lối cũ. Tôi ngồi bên bụi cỏ ven đường, chờ một chiếc xuồng lướt nhẹ trên sông. Tôi đã ngồi chờ ở đó rất lâu…
Nguyễn Chí Ngoan

Cô Bán Đèn Hoa Giấy (Tân Cổ) - Lệ Thủy 

Đèn hoa giấy 

      1.- Sáo ơi! Sáo à!
    Bà cứ hay gọi chiều như thế, nhất là những chiều bấc the thắt lên miệt đồng bưng. Hoàng hôn thẫm tím triền sông. Vệt nắng cuối ngày in hằn lên đôi mắt nua già đầy rẫy những vết xước của thời gian.
    Non tháng nữa là Tết. Nước rút đồng sau một mùa dâng lai láng. Đám sầu đâu bên vườn nhà xạc xào theo từng ngọn gió. Lá nõn biêng biếc. Phía trong vườn nhà, ông lừng lững chui ra từ đám lá xanh hình liềm, mọc đối xứng, mép lá có răng cưa, vị đắng nhẫn.
    Hình như ông cứ đợi bà gọi như thế, kiểu thành nếp rồi mới hề hà: Sáo đây, Sáo đây! Người dân xứ mình ưa hái những lá non xanh, hay những chùm hoa còn bum búp nụ, đem về trộn với khô cá sặc, ăn với mắm me thì thôi rồi nghen con. Ngon đến độ quên hết trời đất. Có bận ông nói với thằng cháu nhỏ, khi thấy nó mặt ửng đỏ lúc ăn phải món gỏi sầu đâu trứ danh của cái xứ tầm tang này. Vậy chớ bây nhai kỹ đi, chừng nuốt cái ực xuống cổ họng, sẽ thấy cái hậu ngọt đầm dịu mà hổng có loại lá nào sánh bằng.
    Ông mê cái món gỏi sầu đâu này. Ông mê đến độ dù là những năm tháng chiến tranh, thỉnh thoảng mới được đơn vị cho dìa thăm nhà. Vậy mà cứ theo lệ, ông canh những mùa sầu đâu mà dìa. Thể nào cũng nằng nặc đòi ăn cái món này. Ăn ngấu ăn nghiến. Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi. Đằng này ông bén mùi gỏi sầu đâu mà tìm dìa. Mỗi mùa ông dìa, đâu chừng một hai đêm rồi đi, vậy là lòi ra một đứa. Những đứa con ngơ ngác, đôi khi hổng biết mặt cha gì ráo trọi. Đôi khi chưa gọi được cái tên cha, thì ông đi biền biệt.
    2. Bà rầy Hai Thương, giữa Chạp rồi, sao bây hổng mua giấy màu về. Rồi thằng Ba Hoài đâu, uốn mớ tre mảnh cho má chưa. Chừng hổng kịp nghen. Thằng Tư Hòa nó khờ lắm bây à, nó ham chơi đi miết, chừng sẫm trời nghe đám bìm bịp kêu chiều mới chạy về. Cứ canh nhà nào có treo đèn lồng hoa giấy thì mới biết nhà mình. Thằng tánh kỳ. Hổng biết nhớ nhà là gì?
    Để Sáo mua cho. Ngoại bây lại lẩn thẩn rồi. Ông vừa tuốt lá mai, vừa thủ thỉ cùng thằng cháu nhỏ. Hổng phải ông nói vậy cho qua chuyện đâu. Ông phải mua cho bằng được mớ giấy màu để bà làm đèn hoa giấy. Ngoại bây cái gì quên thì quên, chứ đèn hoa giấy thì hổng bao giờ quên.
    Cái tập tục từ thời xa xưa của xứ mình, tết nhứt hay nhà có cưới hỏi là phải treo đèn hoa giấy. Đèn xanh đỏ tím vàng, màu sắc vui mắt vậy để cầu một năm mới sung túc đủ đầy duyên may.
    Hồi đó, bà làm đèn hoa giấy nổi tiếng nhất vùng. Đèn hoa giấy của bà đẹp, lại bền màu lắm. Xài năm ba mùa Tết mới phai lợt chút ít thôi. Giấy bà mua về, phết lên bề mặt màu một lớp dầu dừa, rồi đem phơi một con nắng đổ đồng. Giấy sẽ dai và lâu phai màu. Bà có đôi bàn tay khéo léo, uốn tre mảnh và cong theo từng tạo dáng của hoa, của lá. Rồi phải ngâm tre xuống nước sông, mượn cái phù sa mà ngâm đúng một con nước lớn ròng. Tre vì vậy mà có độ dẻo dai, thuận tay người uốn. Cứ thế, tiếng lành đồn xa. Mỗi bận Chạp đi chừng quá nửa con trăng là bà lại đem đèn hoa giấy ra gốc sầu đâu đầu chợ làng mà bán.
    Cũng tại cái gốc sầu đâu đó mà bà gặp ông. Năm đó ông mười tám, trong đợt về lính, ghé ngang gốc sầu đâu mà mua cặp đèn bông sen của bà. Thấy con nhỏ bán đèn mười sáu mà tiếng rao ngọt lịm. Ông mê mẩn cả người. Chỉ có ba ngày phép à. Mà ông đeo riết gốc sầu đâu. Chừng hết phép mới len lén người qua kẻ lại, dấm dúi vào tay bà chiếc khăn trắng thêu hình đôi chim sáo. Ông nói, hễ thấy con chim sáo nào nó bay theo bà, thì đó là ông nhớ thương mà tìm về.
    Ông cứ canh mỗi độ con tu hú kêu mùa gió lạnh là tìm về gốc sầu đâu mà cù cưa với bà. Chừng hai năm sau thì xin phép đơn vị cho về cưới. Đám cưới thời chiến khổ tứ bề, vừa lo bom rơi đạn lạc, vừa lo quen mùi nhớ miếng dăm hôm là phải chia xa. Một năm đôi ba bữa về thăm nhau đó đã là nỗi mừng khôn xiết.
    Chiến tranh cuốn ông đi một quãng đời đăng đẳng. Mấy đứa con cứ thế lớn lên theo những ngày củ ấu củ lang, bo bo độn bắp, còn gạo thì lúc nào cũng sát rạt đáp khạp nghen. Rồi có đứa lại đòi thoát ly đi làm nhiệm vụ, bà cũng gật đầu cái rụp. Mỗi lần tiễn con đi, là mỗi lần thắt thẻo ruột gan. Đi là đi vậy thôi, chớ đừng hoài vọng trông mong ngày về. Khi bom đạn còn giày xéo khắp nơi như thế, thì cái ngày về nó mù khơi xa tít tắp.
    Chiến tranh hay hòa bình, nói thì nghe đâu một cái rột liền miệng, nhưng đó là một quãng đời dài đớn đau với những xa xót và mất mát.
    3. Hai lăm Tết, người ta đi giãy mả từ mờ sáng. Bà lại đong đưa cái võng bên hiên nhà, canh người qua kẻ lại ngang bờ rào mà í ới chào hỏi.
    - Nay giãy sớm hen chị Tám, lát dìa ghé tui lấy cặp đèn treo Tết nghen!
    - Anh Tư, nhớ thắp giùm cây nhang cho cô Bảy, nói cổ tui già rồi hổng lội ra thăm cổ được nghen!
    Chừng hổng còn ai ngang cái bờ rào nữa, bà lại gọi: Sáo ơi! Sáo à!
    Sáo đây! Sáo đây! Sáo mới ra chợ mua mấy phong bao đỏ, đặng tết nhứt lì xì tụi nhỏ nè! Ông đến ngồi kế bên cái võng. Hai mái đầu trắng nhìn những tia nắng vàng xuyên đám khiết bông đương thì trổ bừng sắc đỏ. Tết này Út làm đèn hoa giấy bông sen cho Sáo nghen! Chỉ Út làm Sáo mới ưng thôi hà!
    Bà cười móm mém trước câu vỗ về. Ông với tay đẩy nhẹ cánh võng. Bà lẩn thẩn nhớ quên những chuyện xưa xa. Nhưng ông thì vẫn cứ chìu bà tất thẩy. Có lần cậu Năm Bình nói với ông. Má lẫn rồi tía ơi! Cứ nhắc mấy chuyện xưa xa, rồi nhắc Tư Hòa, rồi gọi Ba Hoài. Tía chìu riết má càng lẫn hơn.
    Ông nhìn thằng con rồi hẫng nhẹ. Không khéo nói ra, bả lại khóc. Cái thằng Tư Hòa của bả đã ra đi hồi đợt pháo kích dữ dội của mùa hè năm mười lăm tuổi rồi. Nó có về được đâu. Người ta cũng chỉ gởi về đúng cái giấy báo tử và cái túi đeo bả may bằng cái khăn rằn có thêu tên nó, vậy thôi à. Cái túi đeo giờ nằm trên bàn thờ rồi.
    Còn thằng Ba Hoài của bả à, đâu đó bên chiến trường Cam lận. Chẳng thứ gì về. Chỉ tờ giấy báo tử, cùng bức thư bạn chiến đấu kể lúc nó bị bắn chết, bọn địch lôi xác đi mất tiêu.
    Những ngày đó, chiến trường khốc liệt lắm bây. Xứ này, người cứ ra đi rồi là đi hun hút. Có khi quay về, chỉ là cái áo, hoặc may mắn thì có thêm được dăm ba món đồ. Gọi là kỷ niệm. Đời má bây, toàn thờ kỷ niệm mà thôi.
    Chiến tranh nó nghiệt ngã quá đỗi, nên giờ mà nhắc lại, thì chẳng khác nào khơi thêm một cuộc chiến trong chính lòng mình. Cứ nhẹ nhàng thanh thản như vậy, cho bả sống với cuộc đời lẩn thẩn nhớ quên này, âu cũng là an yên tuổi xế bóng đường tà. Bả đâu còn bao nhiêu cái Tết!
    4. Gần Tết, chợ làng bắt đầu xôm tụ với nhiều thứ hàng hóa được chở từ Sài Gòn về buôn bán. Sáng sớm tinh mơ, đã nghe tiếng đãi bôi cò kè bớt một thêm hai rân trời. Loa của xã thông báo có đoàn tặng quà Tết sẽ về ghé thăm mấy gia đình chính sách. Nghe đâu chừng tiếng nữa họ ghé thăm ông bà. Năm nào nhà cũng được cho biết bao nhiêu là thứ quà Tết. Hết đoàn cựu chiến binh ghé, tới đoàn phụ nữ, đôi khi có những đoàn từ thiện cũng tạt ngang.
    Những ngày đó, ông bà lại vui lạ thường. Ông kể ron rót mấy chuyện xưa cũ, chừng như níu chân các đoàn ghé thăm quá vãng cả buổi trời mới chịu cho về. Chuyện Trường Sơn đỏ lửa. Chuyện đi ngang hang Vọng nghe tiếng xin cây lược của mấy cô thanh niên xung phong hồi ấy, hơn chục cô gái thanh tân, nằm lại mãi mãi trong hang, sau đợt càn của địch. Chuyện ông trở về sau cuộc chiến nhưng hai đứa nhỏ thì nằm lại mãi mãi với đồng đội. Chuyện ông thương bà như hồi còn son. Bà vẫn cứ là Út trong lòng của Sáo sau bao biến chuyển thời cuộc.
    Bà tiễn mọi người ra tận bờ rào, dúi vào tay mỗi người một cái đèn hoa giấy. Ngày tư ngày Tết treo cái lồng đèn hoa giấy cho nó có không khí nghen mấy cô mấy chú. Ngộ là khi ấy, bà tỉnh rụi, chẳng khóc, chẳng tiếc nuối về hai thằng con. Vẻ mặt ánh lên tự hào rất đỗi. Bà thương con lắm chứ, rứt ruột đẻ ra mà. Nhưng tàn cuộc chiến rồi, quá khứ cũng phải ngủ yên. Đời bà may vẫn còn có ông. Vậy là mừng rồi mấy cô mấy chú ơi. Tết bây giờ vẫn là vui hơn tết xưa. Trọn vẹn hay không trọn vẹn đâu quan trọng bằng cái cảm giác đón Tết yên bình ngay trên chính xứ quê mình hen.
    5. Hai chín Tết, đường quê rợp sắc màu hoa lá tươi mới. Má dọn nhà cửa đón gia đình cậu Năm Bình từ Sài Gòn dìa ăn tết với ngoại như thông lệ hằng năm. Má chưng dưa hấu lên bàn thờ. Xếp hộp mứt gừng mứt bí, mấy món bánh kẹo được làm từ dừa, từ chuối.
    Sớm tờ mờ ông đã đi cắt lá dong để tối gói bánh tét. Chiều chạng vạng đã nghe tiếng í ới của gia đình cậu Năm Bình ngoài bờ rào. Đường sá xe cộ kẹt rần rần. Ai cũng tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đủ thứ đồ về quê. Thấy nao nức gì đâu! Mợ năm vừa khỏa nước rửa mặt trên bến sông sau nhà, vửa hồ hởi kể chuyện cho cả nhà nghe.
    Rồi mọi người quây quần bên mâm cơm chiều, mùi mắm kho dậy cả chái bếp sau. Lần nào về quê, vợ chồng cậu Năm cũng đòi ăn mắm kho. Món ruột xứ mình mà. Về xứ mắm phải ăn mắm, rồi nghe tía hát. Tía ưa hát cái câu nịnh má đó chị. Tía hát lại đi tía. “Con cá làm ra con mắm, vợ chồng già thương lắm mình ơi!”. Cậu Năm Bình bắt chước giọng điệu của ông, cả bàn ăn cười rần rần.
    Ông cũng cười, gắp bỏ vào chén cơm của bà miếng mắm kho. Già tía tụi bây nghen! Ổng dạy tụi bây hư hết à! Bà lườm ông, bà nguýt cậu Năm. Bữa cơm chiều kéo dài đến tối trời.
    Trăng cuối Chạp vắt cao lên ngọn sầu đâu. Phía nhà trước, má với mợ Năm bắt đầu bày nếp bày lá ra gói bánh. Cậu Năm đặt gạch kê lò, lúi húi chụm lửa, cứ chạy ra chạy vào đòi bánh, khi nồi nước bắt đầu réo rắt.
    Bà lại bày giấy màu, tre mảnh ra ngồi dạy mấy đứa cháu nhỏ làm đèn hoa giấy. Chỉ khi làm đèn bà mới nhớ rõ mồn một cái nghề như chính phận đời của mình. Ông vừa dán giấy vừa nhìn ánh mắt sáng ngời tươi trong của bà.
    - Ủa chớ cô gì ơi, cho qua hỏi thăm cái này, hỡi cô bán đèn giấy hồng, đèn hồng cô bán, má hồng cô bán chăng?
    - Má hồng hãy hỏi song thân, em đây chỉ bán cho anh đèn hồng.

    Tiếng hát đối của ông bà lại thêm một phen náo động căn nhà. Giọng bà chẳng còn trong vắt ngọt lịm như hồi xưa, nhưng ông vẫn thương. Như có lần ông nói, thương bà thì dù bà lẩn thẩn nhớ quên, hay đã vàng phai xế bóng, thì cái thương của ông lại càng đầy đặn theo năm tháng, như cái câu ca ông vẫn thường hát nịnh bà. Mà ông chẳng hát để chơi. Ông hát, là hát cho tụi con cháu nghe. Cứ lấy cái hình ảnh của ông bà, mà sống sao cho quanh năm suốt tháng, bốn mùa thì vẫn là xuân.
    Thằng cháu nhỏ bắt ghế treo mấy cái lồng đèn hoa giấy lên cao. Bấc thổi mấy cánh sen hồng đong đưa, thấy Tết đã về bên hiên nhà.
Sưu tầm





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét