Hiển thị các bài đăng có nhãn Cây trái quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cây trái quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Lá đậu rồng

 Tìm đâu ngày vui
Ngày vui chừ thoắt qua mau,
Gặp nhau giờ đã mái đầu chớm phai.
Nhớ khi nắng sớm ban mai,
Cùng nhau sum họp sánh vai vui đùa...
Chẳng màng hơn thiệt ganh đua,
Thương mùa gió chướng sớm trưa năm nào,
Đậu rồng tươi lá xanh sao,
Với bao kỷ niệm ước ao quay về...
Qua rồi một giấc mơ quê,
Muốn quên càng nhớ lê thê nỗi buồn !
NM
 Lá đậu rồng
 Gần 9 giờ đêm chế Hoài mới vội vã đến. Vẫn tính cách gấp gửi thường ngày, chế Hoài luôn miệng giải thích về việc đến trễ của mình. Mấy hôm nay tiệm tạp hóa của chế bán được, khách tới lui đông hơn mọi ngày; hổm rày trời mưa sụt sùi, thằng Út của chế xổ mũi, ho mấy bữa liền không hết, phải đi bác sĩ; chờ đứa lớn đi học thêm về, đóng cửa tiệm để nó coi nhà đi mới được; anh Tư em hả, ổng phải ở nhà coi chừng mấy đứa nhỏ, bây giờ đâu có đi đâu mà đi được hai vợ chồng một lượt đâu em ơi… Với những lý do như vậy, hoặc gần gần như vậy không riêng của chế Hoài, mà của hầu hết bạn bè năm nào lúc còn chung xóm cũ. Những dịp đám tiệc như vầy, hết người này đến người kia luôn trông ngóng ai đó đã từ lâu rồi không gặp. Nhiều khi mong gặp mà quá nhiều công việc, không có lúc rảnh rang. Dường như bây giờ không ai có đủ thời gian cho công việc trong ngày của gia đình mình
Năm, bảy đứa lại xúm xít quanh chế Hoài trên bàn tiệc. Ai cũng hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, gia đình, con cái và cả những dự tính tương lai của nhau. Nhiều câu hỏi và những câu trả lời vây lấy nhau nên không có ý nào cho cạn cùng, có vẻ đãi bôi, chiếu lệ nhiều hơn. Đến lúc dọn món tôm nướng, một đứa đẩy dĩa rau đến gần chế Hoài, nói: “Dĩa rau này của chế đó!”. Chế Hoài thoáng chút ngạc nhiên: “Ủa! sao của chế, ăn chung cho vui! - “Tại chủ nhà muốn dành riêng cho chế vậy mà, có gì đâu”… - “Ừa hén! Chế biết rồi, lá đậu rồng đây mà. Lâu lắm rồi mới được ăn lá đậu rồng, ở chợ bây giờ làm gì có lá mà ăn”…
Một ngày vào mùa gió chướng năm đó, con kênh trước nhà giựt nước xuống sâu, chế Hoài rủ chúng tôi bữa nào lấy mùng cũ kéo tép trấu để chế Hoài chiên bánh tép cho ăn. Đề xuất của chế Hoài đứa nào cũng hăm hở muốn thực hiện ngay. Nhưng bước chuẩn bị cũng không phải nhanh được. Phải ngâm gạo rồi xay thành bột. Đứa nào quen thì leo bẻ dừa khô thắng dầu để chiên, để trộn bột… Kéo tép trấu không lâu nhưng lựa rác và làm sạch rất lâu. Phân công đứa này hái rau, kiếm món này, món kia hùn vô để làm nước mắm… và chính trong dịp này món rau bằng lá đậu rồng của chế Hoài xuất hiện. 
Bữa tép chiên sau cùng cũng được thực hiện và chúng tôi đã có một bữa ăn bên nhau thật ngon, thật no trong vườn nhà chế Hoài. Chế và chúng tôi nhà chung xóm, chơi thân nhau nhiều năm từ nhỏ và có nhiều kỷ niệm. Món bánh tép chiên gói rau vườn là một trong những kỷ niệm đó của chúng tôi. Và nếu như không có món lá đậu rồng thì chúng tôi không giữ được ấn tượng đến bây giờ. Không phải điều to tát hay lạ lẫm gì mà ngược lại, chính điều đơn sơ ấy đã đọng lại, không phai mờ trong lòng chúng tôi. Ngày xưa đơn sơ là vậy, thiếu thốn là vậy mà đã thành kỷ niệm, thành ký ức dài lâu. Mấy mươi năm sau, vội vã nhận ra nhau trên đường đời chỉ còn một nụ cười, một cái vẫy tay hay một lời hẹn mà chưa biết lúc nào sẽ ngồi lại được bên nhau đủ đầy như ngày cũ.
So với các món chè đậu xanh, đậu đỏ hay cá nướng rơm mà chế Hoài cùng chúng tôi tụ tập trong vườn nhà để nấu nướng thì món bánh tép là hoàn chỉnh và ngon hơn cả. Ai cũng nhớ và đọng lại trong lòng mọi người bây giờ một từ duy nhất là: vui! Những ngày tuổi nhỏ vô tư, phá phách thiệt nhiều mà cũng thiệt vui, giờ chỉ còn là nỗi nhớ. Cuộc sống bây giờ luôn thôi thúc mọi người vươn lên phía trước với bao hoài bão, ước vọng cho tương lai, cho gia đình, sự nghiệp nên mọi người luôn cảm thấy chật vật với thời gian. Ít khi được dịp lắng lòng bên nhau với những kỷ niệm một thời ấm áp đáng yêu, đáng nhớ.
Tôi cũng trong guồng quay đó trước cuộc sống bộn bề. Duy mỗi năm khi gió chướng về lại nhắc tôi nhớ chế Hoài và bạn bè thân của những ngày xưa thân ái ấy. Chẳng gì to tát hay lớn lao, câu chuyện nhỏ chỉ bắt đầu với những chiếc lá đậu rồng tươi non ngày cũ…

Tháng 11/2016
ST BL 

 Tình Mẹ
Tình mẹ đậm đà bao la hơn muối,
Suối dẫu cạn nguồn quyết vẫn nuôi con...
Thương con thân mẹ héo hon,
Trán mẹ nhăn riết đâu còn tuổi xuân?!
NM 
 
 Mùa đậu phộng
1. Làng trồng đậu phộng (lạc) bên kia sông. Những vạt đậu xanh mướt, trải dài. Mới gieo cữ đầu năm, quay lại quay đi đã đến kỳ thu hoạch. Đi nhổ đậu, thế nào nó cũng nằng nặc đòi mẹ cho theo. Nhổ phụ ư, không đâu, nó theo để chơi và chực… mót! Nói mót đậu phộng, lũ nhóc xóm Soi đứa nào cũng mê tít. Đậu nhổ lên dồn đống, người lớn lặt hết trái già trái chắc cho vô bao vô gánh; số trái non, lép còn lại là phần trẻ con. Chịu khó mót kỹ, đem về rửa sạch, luộc lên đổ ra rổ, chị em xúm ngồi bóc, nhai. Đứa nào cũng chắp hít khen ngọt khen ngon. Mà ngon thiệt, có lép cũng vẫn là… đậu phộng; nhà quê khổ cực, trẻ nhỏ mấy khi có món “xa xỉ” như đậu phộng luộc mà ăn? Vậy nên chuyện giành mót đậu cũng không hiếm pha ẩu đả xảy ra. May, nó con gái, lại đẹt câm (quá chậm lớn - phương ngữ Phú Yên) nên mấy anh trai thương. Không phải đánh nhau, có khi lại còn được nhường cho chỗ tốt…
Lượm được vài trái đậu phộng chắc (người lớn bỏ sót) là chuyện… trời cho, ít có. Mừng lắm. Đậu phộng chắc không luộc mà để dành đem nướng. Lột lớp vỏ cháy sém, hạt đậu rám lửa vàng ươm cho vô miệng nhai rùm rụm. Vị đậu phộng nướng “đủ tuổi” quả là hết ý: đã ngầy ngậy vị béo bùi lại còn dậy hương thơm nức. Tiếng nhà bao nhiêu năm trồng đậu phộng nhưng chưa khi nào mẹ cho chị em nó một bữa đậu phộng ra hồn. Mùa thu hoạch, đậu tải về bao nọ nối bao kia dựng kín góc nhà. Vậy nhưng đừng mơ: đậu chắc đem cân bán; còn mớ đậu hơi lép lép mẹ vô bao cất kĩ, dành rang đâm trộn muối ăn… cơm. Với mẹ, những món gì không ăn với cơm đều được vô danh mục “ăn bậy”, “ăn phá cửa phá nhà”. Bây ăn cho đã miệng thì chỉ có nước… sập nhà, mơi mốt lấy gì ăn? Trên đống bao đậu phộng còn chưa “xuất cảnh” mẹ gác cây roi mây to, ngụ ý răn đe: đứa nào to gan đụng vô là chết với mẹ!
2. Lệnh mẹ to, có điều cơn thèm đậu phộng của nó cũng không hề nhỏ!
Hết mùa thì đậu lép đậu lừng gì cũng xem như “bế mạc”. Vậy nhưng dư vị những bữa tiệc đậu phộng lúc đang mùa cứ dai dẳng bám đeo. Đậu luộc nóng mềm, đậu nướng giòn tan… Gọi “tiệc” cho oai chớ tiệc tùng gì; vài ba rổ đậu mót (vỏ nhiều hột ít) cho 5 cái “tàu há mồm” nhà chị em nó chẳng qua là… trây mép, gây thèm hơn thôi. Đậu nướng càng thảm: tìm lượm đỏ mắt cũng chỉ được đứa vài hột, ăn cho biết mùi. Rón rén thò tay vô mớ đậu nguyên phơi cào đống dưới sân, chưa tới nơi đã bị mẹ quát, chạy không kịp ngó! Mẹ đúng là… đồ keo kiệt, nó lầm bầm, đậu nhà tùm lum, con ăn vài hột cũng tiếc! Chị Hai trợn mắt: Mày vừa nói gì? Em có nói gì đâu…, nó phát hoảng chối bay. May, chị Hai chưa nghe rõ; nếu không thể nào chị cũng sẽ lập tức thế… mẹ hành đạo, ăn roi là chắc. Chị Hai giống mẹ, hung không ai bằng!
Bực dọc, sợ sệt gì cũng không xua được cơn thèm. Mấy bao đậu phộng - phải chi mẹ mang đi đâu cho khuất mặt khuất mày; đằng này, nó cứ lù lù đứng góc nhà như thách thức, trêu ngươi. Cám treo heo nhịn đói, lần đầu tiên nó mới thấm hết ý nghĩa “đoạn trường” của thành ngữ ấy. Được, mình đã có cách. Bao đậu phộng to đùng, bớt mất một vốc thì có thánh mới phát hiện ra. Ai biểu mẹ cứ để lù lù trước mắt, trêu ngươi cơn thèm của nó chi. Cái này là lỗi tại mẹ, không phải tại nó…
3. Một mũi dùi nhọn, chọc lách vào cái bao “da rắn”, khéo léo đùa từng sợi cước ép sang bốn góc. Lỗ trống to dần, vừa vặn moi rớt hạt đậu phộng ra ngoài. Moi được một hạt thì sẽ có khả năng moi đến… mười hạt. Mỗi bao mười hạt thôi. Nó đủ khôn ngoan để hiểu rằng: không nên quá tham. Lấy đủ số quy định xong lại dùng dùi khéo léo đùa từng sợi cước trả về chỗ cũ. Cẩn thận hơn, nó còn hè hụi vần bao đậu quay cái phía “tì vết” vào trong cho khuất. Xong! Cho “chiến lợi phẩm” vào túi quần, đợi mẹ đi làm đồng là xuống bếp cời than đem nướng. Món đậu phộng nướng (ăn vụng) quả là ngon, ngon đến gấp đôi ba lần những hạt đậu mót công khai. Đúng rồi, phải khổ công nghiên cứu chớ dễ gì na. Nó thấy tự hào với cái tuyệt chiêu moi đậu phộng thuộc hàng “bí kíp”. Mình thông minh quá xá. Ba mẹ có tài thánh chắc cũng không thể nào ngờ…
Không ngờ thật. Nó “trổ ngón” mấy lần mà ba vẫn chỉ nhìn đống bao hơi xộc xệch, bán tín bán nghi: đậu phộng mình đã phơi khô mà sao để nó nhót (khô rút) dữ vậy bà…
4. Lần đầu tiên nó oán mẹ, oán tới “xương tủy”!
Đầu đuôi cũng chỉ do mấy hạt đậu phộng. Hờn đúng nửa tháng. Im ỉm, không buồn cười nói. Với nó vậy là “to chuyện” bởi bình thường, nó mang danh “đài phát thanh”, mồm như tép nhảy. Mẹ dỗ, dụ cho thứ này thứ kia nó cũng nhất quyết không mở miệng…
Mấy lần đầu “chôm” đậu phộng đem nướng nó đều lột vỏ tại trận, lia vô bếp đốt hết (để “phi tang”). Hôm ấy ỷ y nhà không có ai, nướng xong, nó mang ra bậc cửa ngồi lột. Dồn dưới chân đống vỏ, định bụng ăn xong sẽ hốt ném ra ngoài thì con Tím xóm trên ơi ới chạy qua rủ đi bắt nẻ (đánh chuyền). Cái tính hậu đậu cộng với mê chơi khiến nó lật đật vù theo, quên béng chuyện phi tang “chứng cứ”. Chiều về, nhìn đống vỏ đậu phộng cháy lam nham dụ mời lũ kiến đến bu đen mẹ hiểu ngay cớ sự. Rút cây roi mây, mẹ điểm danh từng “đối tượng tình nghi” trong nhà và không khó khăn gì để tìm ra nó. Mấy lằn roi đích đáng. Con dạy không nghe. Ăn tàn phá hại. Cái đồ “phá gia chi tử” không đánh để chi… Đánh đau thật. Lần đầu tiên mẹ đánh nó đau như thế. Mỗi lằn roi mẹ quất, cơn phẫn nộ trong người nó lại trồi lên cao. Chỉ chảy nước mắt chứ không khóc. Đau một phần nhưng cái chính là ức. Mẹ thật tệ, chỉ mấy hột quèn, mấy vốc đậu phộng, gì to tát đâu mà nỡ đánh con te be. Tao biểu một cũng chừa hai cũng chừa, mày còn tái phạm nữa là biết tay… Tái phạm ư, thèm vào! Nó đã thề độc: từ nay có thèm tới chết cũng không đụng vô đậu phộng của mẹ…
5. Nó đi học xa. Lên thành phố. Tháng tháng, mẹ phải chắt mót gửi tiền từ dưới quê.
Hè, về nhà. Bữa cơm chiều mẹ dọn ra chỉ có tô canh rau, chút cá kho và cối muối đậu phộng. Vẫn thứ muối đâm từ những hạt đậu lép. Mẹ không động đến canh cá, ngồi xúc muối đậu ăn khan. Bây ăn đi, kệ tao, quen rồi… Hỏi tình hình thu hoạch đậu năm nay ra sao, mẹ than: mất mùa, lại còn rớt giá. Đậu thu lên vét bán sạch sành sanh cũng mới đủ lo cho mày học phí. Còn tiền ăn tiền ở chưa biết tính sao… Trán mẹ nhăn riết, những vệt chân chim đuôi mắt như hằn sâu hơn. Nó buông chén, nhìn mẹ lom lom: dạo này mẹ già đi nhanh quá!
Con Út sà vào mâm xúc muối đậu phộng. Miếng muối đậu mặn chát. Nó nhai lúng búng, cằn nhằn: đậu đã lép mẹ còn tham, cho muối vô chi mặn dữ…. Mẹ lập tức chống đũa, trợn mắt: muốn ăn ngon thì từ mai… nghỉ học ở nhà rồi ăn ngon, con nha?
Y Nguyên

                             Mầm cây đậu đỏ
Khi cầm những hạt đậu đỏ của chị, nó như mang lại cho em một cảm giác xuyến xao, như những niềm hy vọng sắp nảy nở từ lòng bàn tay em. Năm mới đến rồi, chúng ta có quyền hy vọng, đúng không chị.
Sáng sớm, cậu bé thức dậy thấy trời vẫn còn se lạnh dù những ngày lập đông đã qua đi từ lâu lắm rồi, làn gió xuân b‌ắ_t đầu phe phẩy ngang dọc thổi quanh khu vườn nhà cậu bé. Đám cây cối trong vườn sau mấy ngày rét như c‌ắ_t da c‌ắ_t thịt kéo dài đến độ chỉ toàn những cành nhánh trụi tơ, nay đang lên chồi nảy lộc. Những chú chim sẻ buổi sáng cũng đáp xuống cây mận gai già cỗi trước hiên nhà ríu ra ríu rít, chỉ có tôi là thong dong đang nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay cậu bé. Hơi ấm từ cậu ấy truyền qua khiến tôi cảm giác mùa đông về không lạnh lẽo như tôi tưởng, mà hơi ấm này còn mang mùa xuân đến rất gần.
Từ ngày đầu tiên đặt chân vào khu vườn, tôi đã được quan tâm một cách đặc biệt âu yếm từ cậu bé. Ân là tên cậu chủ nhỏ của tôi, nhưng mọi người trong nhà hay gọi cậu ấy là Nấm Mèo, đơn giản vì tóc của cậu ấy giống hệt như một cây nấm. Năm nay Nấm Mèo đã mười sáu tuổi, vẫn còn hơi nghịch ngợm một chút nhưng trông cậu ra dáng người lớn hẳn. Chúng tôi làm bạn với nhau được gần hai năm. Cũng xin nói thêm chút xíu về cuộc gặp gỡ giữa tôi và Nấm Mèo. Hồi đó, ông chủ tôi tức là bố của Nấm Mèo trong một lần đi công tác về, ông đã mua những hạt đậu đỏ làm quà tặng cho con trai mình vì biết cậu rất thích cây cối và những hạt mầm, nên khi nhìn thấy những hạt đậu đỏ tí hon, cậu reo lên sung sướng rồi quyết định ra vườn trồng thử. Dưới tán cây mận gai, trong chậu kiểng nhỏ, Nấm Mèo ngồi tỉ mẩn xới đất, gieo mấy hạt đậu vào. Nhìn cách cậu ấy chăm chút từng li từng tí cho cái chậu kiểng của mình, tôi mới thấy hết tình yêu thiên nhiên trong cậu lớn đến dường nào. Mãi đến sau này tôi cũng không bao giờ quên được tình yêu của Nấm Mèo dành cho tôi.
Thế là từ đó, tôi tập làm quen với cái mùi nồng nồng và sự ẩm ướt của đất. Khu vườn quanh tôi không bao giờ khô héo, có vẻ như ngày nào chúng cũng được uống nước đủ đầy, là do bàn tay chăm sóc rất nhiệt tình của Nấm Mèo. Cho đến một hôm, tôi nhận ra, tôi sắp không còn là hạt đậu nữa, tôi cảm nhận rõ dòng nhựa đang chảy trong tôi, mầm non đang cựa quậy trong tôi _Thậm chí một vài lần nhìn qua khe đất, tôi thấy những tia nắng nhỏ xíu đã nằm bên cạnh mình tự bao giờ, như để gửi đi thông điệp, rằng ở đâu đó ngoài kia Mặt Trời đang chờ đón tôi từng ngày khi tôi thật sự có thể tách ra từ kẽ đất vươn lên. Như một niềm tin mạnh mẽ, tôi cố hấp thụ nước, hấp thụ á‌nh sáng và cố vươn lên _Tôi tin chắc vào một ngày không xa, tôi sẽ trở thành một cây con, rồi sẽ lớn, sẽ giúp ích cho mọi người, đặc biệt là Nấm Mèo, chính cậu đã đem đến cho tôi niềm hạnh phúc này. Có lẽ từ hôm nay, tôi sẽ sống những ngày thật khác.
Hai tuần trôi qua, dài ngoằng.
Rồi ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi cũng đã đến. Hôm nay chính x‌á_c là ngày tôi hạnh phúc nhất, chẳng phải mơ cũng chẳng phải mộng mà có rất nhiều mầm cây như tôi cùng chứng kiến, tôi đang ủ mình dưới nắng, Mặt Trời thì đang mỉm cười trên kia. Thành công rồi, cuối cùng tôi đã tách được từ lớp đất ẩm để vươn lên khỏi mặt đất, c‌ơ t‌hể tôi đã thay đổi, cái hạt đậu nhỏ xíu, khô queo ngày nào giờ là mầm non xanh um tràn đầy sức sống. Tôi bây giờ đã khác, xung quanh tôi, những bạn bè chơi thân thiết với tôi tất cả đều cố gắng vươn lên. Chà, xem mấy chị cúc đại đóa cạnh tôi này, là của Nấm Hương trồng đấy đang e ấp những nụ hoa bé xíu, gọi Tết về sớm đây mà, cô nàng thiên lý kia đúng là điệu đà khi khoe những đường nét mềm mại, uyển chuyển, còn anh bạn trúc nữa chứ, anh ta cao chót vót mỗi lần ngước lên là tôi muốn quẹo cổ luôn, ai bảo tôi lùn nhất bọn. Nhưng điều đó chẳng sao, cuối cùng tôi đã thấy Mặt Trời, đã là một thành viên trong khu vườn này. Có tiếng bước chân từ xa, thì ra là cậu chủ Nấm Mèo.
– A ha ! Chào mừng bạn hiền, cuối cùng bạn cũng lên mầm rồi. Một, hai, ba, bốn, được bốn cây. Hay lắm !
Nhìn gương mặt Nấm Mèo, nụ cười rạng rỡ và cả đôi mắt lấp lánh niềm vui kia nữa, tự dưng tôi thấy yêu quý cậu ấy lạ lùng. Cảm giác giống như tôi được s‌i_n_h ra thêm một lần nữa vậy.
– Làm gì đó nhóc ? – Tiếng Nấm Hương vọng lại từ chỗ cây mận _Thì ra hôm nay không chỉ có Nấm Mèo, khu vườn còn có sự xuất hiện của Nấm Hương. Họ là chị em và cũng giống như Nấm Mèo, Nấm Hương là tên tôi đặt cho cô chủ.
Nấm Mèo bê cái chậu kiểng có bốn cây nhỏ xíu lại đưa lên trước mặt Nấm Hương, cười tươi rói.
– Mấy hạt đậu của em lên mầm nè chị!
– Chị thấy lâu rồi, mà em trồng chi vậy. Để ăn hả ?
– Không phải ăn. Em đang thí nghiệm cho bài thực hành đầu tiên của môn s‌i_n_h học.
– Bài thực hành cũng đâu cần phải chăm chút kỹ vậy ! – Nấm Hương sờ tôi một cái rồi nhìn sang Nấm Mèo. – Chị nghĩ em không cần tốn nhiều công sức, chỉ cần gieo xuống đất ẩm, nửa tháng sau chúng sẽ từ từ bò dưới đất chui lên thôi à.
– Em hiểu, em chỉ muốn dành chút tình cảm đặc biệt cho mấy cây con này.
– Nhưng tưới nhiều nước là không tốt đâu nhóc. Sẽ bị ngập, bị úng, rồi sau đó là c‌h_ế_t đấy!
– Hìhì ! – Nấm Mèo nhe răng cười. – Chị khỏi lo, em tự biết chăm sóc cho cây của em.
– Ừ, để xem Tết này chậu cúc đại đóa của chị và mấy cây đậu đỏ còi cọc của em, chậu nào đẹp hơn nhé !
Nấm Hương nói xong câu đó, cô rảo bước nhanh về phía cánh cửa sắt dẫn vào nhà. Khu vườn chỉ còn lại Nấm Mèo, cậu ngồi bệt xuống đất, vừa nghịch lá mận vừa nhẩm theo giai điệu của một bài hát nào đó p‌h_át ra từ MP3 để trong túi. Bất chợt một chiếc lá khẽ lìa cành và đang cùng gió chao nghiêng. Nấm Mèo vội chạy theo chiếc lá, chạy theo cơn gió, cho đến khi chiếc lá rơi xuống mặt đất, nhưng cậu chụp hụt, dù chỉ một giây trước nó khẽ chạm vào thân hình mỏng manh của tôi.
Từ sau hôm đó trở đi, hầu như ngày nào Nấm Mèo cũng ra vườn với lũ chúng tôi. Cả đám, không ai nằm ngoài sự quan tâm của cậu chủ. Những buổi chiều, Nấm Mèo ngồi dưới gốc mận nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, kể cho chúng tôi nghe hàng tá chuyện vụn vặt, lượm lặt từ cuộc sống bên ngoài, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao mà chuyện nào cũng thú vị. Có hôm cậu ấy kể cho bọn tôi nghe về Nấm Hương và Vĩnh, chàng trai trên mức bạn bè của cô chủ. Dạo gần đây không thấy Vĩnh đến nhà chơi, qua lời kể của Nấm Mèo tôi mới biết thì ra giữa họ đang xảy ra chiến tranh lạnh. Nấm Hương là cô nàng kiêu kỳ, không đời nào cô ấy lại làm hòa trước với Nấm Rơm (tên tôi mới đặt cho anh chàng Vĩnh). Nghe Nấm Mèo kể chuyện làm tôi biết nhiều hơn về những người cậu quan tâm, về nhóm bạn thân nhất của cậu và cả một người mà người đó không muốn cậu vượt qua mức tình bạn nhưng tình cảm của cậu lại trên mức tình bạn. Ôi, rắc rối thiệt _Tình cảm con người chỉ mới nghĩ đến thôi đã thấy giống như mớ bòng bong.
Song có một điều tôi chắc rằng mỗi đứa trong bọn tôi sẽ cố gắng làm cho khu vườn ngày càng đẹp hơn, để mang đến nhiều niềm vui cho những chủ nhân của khu vườn.
Một ngày mới lại b‌ắt đầu. Hôm nay Nấm Mèo ra vườn sớm, cậu nhìn chăm chăm vào tôi, đột nhiên thốt lên, “Nhóc đã ra nụ rồi sao”. À, đó là lý do cậu ấy nhìn tôi kỹ như vậy. Chính tôi còn chưa kịp nhận ra nữa mà, nhưng lúc này tôi đang tràn ngập niềm vui _Từ hôm nay tôi sẽ dành hết chất dinh dưỡng để nuôi bé nụ này, là kết tinh tình yêu của tôi và Nấm Mèo đấy. Buổi chiều, Nấm Hương ra thăm vườn, một mình, lần đầu tiên tôi thấy cô chủ đi một mình, tôi háo hức chờ đợi vẻ ngạc nhiên của cô khi thấy tôi ra nụ và chờ đón những cái vuốt ve ân cần, trìu mến. Nhưng Nấm Hương cứ ngồi ủ rũ dưới gốc mận, chẳng nói chẳng rằng, làm tôi cũng sốt ruột không biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Rồi tôi nghe cô lẩm bẩm. “Sao cậu lại đối xử với tớ như vậy _Tớ đã làm sai chuyện gì mà b‌ắt tớ phải xin lỗi cậu, chính cậu đã coi thường tớ. Cậu là đồ xấu xa, đừng bao giờ bén mảng đến đây nữa. Đồ xấu xa”_Thì ra cô ấy đang nguyền rủa Nấm Rơm. Có vẻ như chuyện giữa họ rất nghiêm trọng, thảo nào Nấm Mèo gọi Nấm Hương là cô nàng thời tiết, sáng ngân nga hát vi vu, trưa gắt gỏng, b‌ỏ_n_g rát, chiều về lại buồn rười rượi. Đến Nấm Mèo cũng khó gần gũi với cô huống chi anh chàng Nấm Rơm kia. Nhìn cô chủ, cậu chủ, thật tình tôi chẳng vui nổi, dù tôi mới biết mình vừa có thêm một chiếc nụ nhỏ xinh.
Những ngày nắng tháng mười hai trôi qua nhanh nghĩa là Tết đang đến. Sáng nay, mở mắt ra, tôi đã cảm nhận không khí xuân rộn ràng khắp vườn, đỗ quyên đỏ rực, hoa lan tươi tắn, cúc đại đóa vàng ươm. Các bạn tôi ai nấy đều đang vui vẻ thì bất chợt một cơn gió thổi thốc tới, cơn gió mạnh đến mức làm mấy cành mận gai cũng phải rung rinh. Ầm. Một p‌h_át như trời giáng. Chẳng biết bấu víu vào đâu, tôi tự nhủ kiểu này mình c‌h_ế_t chắc. Nhưng vào giờ phút quan trọng đó, tôi thấy Nấm Mèo đang ở trước mắt tôi và cành mận đã gãy rớt xuống trúng chân cậu Thì ra, khi nghe tiếng gió thổi Nấm Mèo đã chạy ra vườn, kịp lúc đỡ cành mận để c‌ứu bọn tôi và cả cây bonsai của ông chủ. Nấm Hương nghe tiếng động ngoài vườn, cô cũng chạy ra, hốt hoảng.
– Em sao vậy nè, Nấm Mèo ?
Vừa hỏi cô vừa kéo cành mận qua một bên rồi gọi điện thoại cho ai đó, tôi nghĩ chắc cô gọi người đến giúp đưa Nấm Mèo vào b‌ệnh viện.
Một ngày, hai ngày, ba ngày… đã bảy ngày trôi qua, tôi vẫn chẳng biết được chút xíu tin tức nào từ cậu chủ, chúng tôi chỉ còn cách im lặng và chờ đợi và dõi theo từng gương mặt thân quen đầy xúc động ấy. Đó cũng là những ngày khó khăn nhất của tôi khi không có Nấm Mèo bên cạnh. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn tin cuộc sống luôn tồn tại điều kỳ diệu, là những khoảnh khắc tồi tệ sẽ phải đi qua, những điều tốt đẹp hơn sẽ đến. Cuối cùng, chúng ta sẽ ổn thôi.
Buổi sáng một ngày giáp Tết. Bầu trời trong veo. Những chùm hoa nắng đậu dịu dàng trên tán lá mận gai. Nấm Hương bước thong thả sau lưng Nấm Mèo ra vườn _Tôi bất ngờ khi thấy cậu ngồi trên xe lăn cạnh bên treo cái giỏ innox đựng mấy hạt đậu đỏ.
– Em xòe tay ra đi ! – Nấm Hương ngồi xuống trước mặt Nấm Mèo.
Tôi thấy cô đặt vào lòng bàn tay Nấm Mèo mấy hạt đậu đỏ, nói.
– Nó sẽ tách từ lớp đất chui lên, nhanh thôi và nhú lên hai tai lá xanh non. Giờ chị mới biết trồng đậu đỏ cũng thú vị lắm. Em giữ lấy mà trồng, chị tin những hạt mầm đậu đỏ sẽ giúp em mau khỏe lại, vì chúng yêu em cũng như em đã bất chấp h‌i__m nguy để c‌ứ_u những mầm cây đang ra nụ.
– Chị biết không ? – Giọng Nấm Mèo yếu ớt nhưng tôi nghe rõ từng tiếng một. Khi cầm những hạt đậu đỏ của chị, nó như mang lại cho em một cảm giác xuyến xao, như những niềm hy vọng sắp nảy nở từ lòng bàn tay em. Năm mới đến rồi, chúng ta có quyền hy vọng, đúng không chị.
– Ừ, chị cũng nghĩ như em vậy đấy !
Lần đầu tiên tôi mới thấy một nụ cười hạnh phúc thật sự sau rất nhiều ngày giông bão. Nhất là lại được nhìn thấy nụ cười của Nấm Hương khi anh chàng Vĩnh mang đến khu vườn một cành mai rừng tặng cô, không biết ý gì nhưng có vẻ Nấm Hương rất vui. Và nụ cười của Nấm Mèo nhẹ nhõm như một buổi sáng mùa xuân. Cuối cùng thì những người tôi yêu quý đều đã có được những “happy ending”, dù không giống như tôi tưởng tượng nhưng đó vẫn là “happy ending”.
Ngày mai, ông chủ về, thể nào ông cũng mang theo một cành đào. Và Tết bỗng dưng trở nên thật trọn vẹn. Bên cạnh tôi, cúc đại đóa vàng ươm trong sắc màu rạng rỡ, đấy là niềm khao khát như đất trời khát khao chờ cánh én báo tin xuân.
 vista

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Hương cau

Hương cau 1
Hương cau thoang thoảng mà thơm ngát,
Ôi tấm tình quê quá mặn nồng...
Tìm trong gió mát hương mùi cũ,
Se sắt len về trong gió Đông !!

Nhành cây khô quắt nồng hương cũ,
Chong mắt nhìn lên trên khoảng không...
Tìm ngọn cau già trong nắng gió ?
Đâu làn hương cũ qua thoảng qua song !!
NM

Hương cau

 “Cau là biểu tượng của làng quê. Người trồng cau là người giữ hồn quê”. Câu nói của nội tôi khi trồng cây cau trước nhà tôi ngày ấy như đã chạm khắc vào óc tôi để tôi nhớ mãi.
Thế giới thần tiên của tôi ngày ấy là ngôi nhà nhỏ và vuông sân có cây cau nội trồng bên mép. Nội thường bế tôi lại bên cây cau, nói: “Cháu ông mau lớn, đứng thẳng người như cây cau, học giỏi để đem lại tiếng thơm cho ông”. Tôi ngây thơ hỏi: “Vậy cau có đem lại tiếng thơm cho nội không?”. Nội cười: “Có. Khi cau ra hoa sẽ đem lại hương thơm cho nội, cho cu Bảo, cho cả cha mẹ nữa”.
Khi tôi đã đi học thì thỉnh thoảng vào những đêm trăng hay những buổi bình minh nội chỉ cho tôi biết ngắm vẻ đẹp của ngọn cau in trên nền trời. “Vẻ đẹp của thiên nhiên luôn khơi dậy, nuôi dưỡng tâm hồn con người sự cảm thụ và sáng tạo. Ta không có điều kiện để đi đây đó thưởng ngoạn thì hãy bằng lòng với vẻ đẹp mà ta phát hiện ở quanh ta. Người biết tìm kiếm hay biết tự tạo ra vẻ đẹp là người có lòng nhân. Cháu nên ghi nhớ”. 
Vào một buổi sáng thức dậy sớm để tập thể dục, tôi ngạc nhiên bởi một mùi hương luênh loang khắp không gian. Tôi có ý kiếm tìm thì nghe nội nói: “Cau đã đem lại hương thơm cho ông, cho cháu đấy!”. Tôi nhìn lên ngọn cau. Một buồng hoa cau với những nhánh mang hình rong sụn, mút đầu mỗi nhánh là một hoa cau bé tí tỏa mùi hương mà tôi kiếm tìm… Từ đó, hương cau thấm đẫm hồn tôi. Tôi và cây cau lớn lên trong tình thương yêu và chăm sóc của nội. Khi có dịp đi đâu xa vài ngày thì cây cau nội trồng là một trong những nỗi nhớ về nhà.  
Khi tôi trúng tuyển vào bộ đội, có phải là người đa cảm chăng mà nỗi nhớ về hương cau ở nhà cứ day dứt mãi trong tôi. Mỗi lần về phép tôi đều leo lên ngọn cau để “làm cỏ” và ngắt vài hoa cau bỏ vào túi ni-lông mang về đơn vị. Và chính sự lãng mạn này đã giúp tôi cưới về cho nội một cô cháu dâu xinh đẹp. Quả vậy, một lần về phép thì có cô bạn hàng xóm đến nhà, thay vì đem túi hoa cau về đơn vị thì xui khiến thế nào tôi lại tặng cho cô bạn: “Tặng bạn. Hoa cau của lính đấy”… Xuất ngũ tôi về lại nhà và trẩy buồng cau từ cây cau nội trồng để tôi và cô bạn hàng xóm nên duyên chồng vợ. Hương cau không những cho tôi tinh thần sảng khoái mỗi sớm mai thức dậy mà còn cho tôi hạnh phúc. Cau với người gần gũi xiết bao.
* 
Bước vào tháng Chạp năm ấy, quê tôi nhộn nhịp khác thường. Xã tôi sắp được thắp sáng bởi lưới điện quốc gia. Những hộ dân ven đường có đường dây điện đi qua được vân động phải đốn bỏ hoặc chặt ngang thân các loại cây nằm trong hành lang bảo vệ. Cây cau nội trồng mang bản án treo lơ lửng… 
Những ngày ấy nội tôi buồn hẳn, ít nói và hay cáu gắt. Tôi cũng buồn lây với nội. Dù sao cây cau cũng ghi dấu trong tôi nhiều kỷ niệm. Trí tưởng tượng của tôi vẽ nên những đường dây điện thế cho ngọn cau cao vút thì có gì đẹp? Nhưng kinh tế phát triển, đòi hỏi hưởng thụ của con người cũng phải phù hợp với thời đại nên đôi khi phải hy sinh những lợi ích tinh thần để đổi lấy những lợi ích vật chất cần thiết. Tuy rằng khó có thể nói cái nào cần thiết hơn cái nào.
Nhưng cuối cùng thì ông cháu tôi chỉ lo hão. Đường dây điện ở về phía bên kia đường. Cây cau nội trồng vẫn khoe mình trong không gian để tỏa hương thơm mỗi lần hoa nở. Nội vui vô cùng. Nội thường ra đứng bên cây cau, ngửa mặt nhìn lên ngọn, bàn tay nhăn nheo vỗ vỗ vào thân cau, nói: “Thoát nạn rồi nghen cau!”. 
Tối hôm đó, người dân quê tôi hồi hộp đón chờ sự kiện trọng đại. Chúng tôi có cảm nhận thời gian trôi qua quá chậm… Bỗng màn đêm bừng sáng. Tiếng reo mừng vang dội. Ôi…! Quê tôi lịch sử đã mở sang trang! 
Trong ánh điện sáng choang mà nội khóc. Nước mắt người già không nhiều, chỉ lưng chừng gò má. Gia đình tôi ngạc nhiên tụ lại chung quanh nội thì nội lại cười, nói: “Mừng quá nên khóc ấy mà. Sống trên đất quê gần tám mươi năm bây giờ mới thấy ánh điện sáng trưng trong nhà mình”. Nội xoa tóc tôi như ngày tôi còn bé “Đời cháu rồi sẽ hết tăm tối như ông với cha cháu”. “Vậy mà cha…”. Cha tôi im bặt bởi cái níu tay của mẹ. Niềm vui đang dâng trào bỗng chùng xuống trong giây lát. Tôi nhìn bóng điện sáng choang miên man nghĩ rồi mai đây biết có còn ai nhớ đến ngọn đèn dầu tù mù một thời chưa xa?
*
Đường giao thông quê tôi được nâng cấp, đổ bê-tông. Những con đường mở rộng về phía không có trụ điện. Sân nhà tôi cũng bị lấn vào ba mét theo yêu cầu chung. Vậy là cây cau nội trồng không còn đất sống!
Dọc theo bìa đường, những hộ dân đã tự nguyện đốn hạ các loại cây để kịp tiến độ thi công, còn cây cau nhà tôi thì vẫn khoe mình trong nắng gió. Người ta chưa vội thúc chặt bởi chỉ vài nhát rựa là xong. Họ đâu biết trong gia đình tôi đang có trận bão ngầm. Từ kinh nghiệm lần trước, bây giờ cha mẹ tôi không đá động gì đến việc đốn hạ cây cau, chủ ý để nội nhìn những gia đình khác rồi tự quyết định. Mẹ tôi nói với cha: “Hạ cây cau thì anh và thằng Bảo không được nhúng tay vào. Vác rựa chặt cau là chặt vào lòng cha đó. Cứ để người khác làm cha đỡ đau lòng”. Mẹ tưởng nội ngủ, không nghe. Nhưng người già mắt ngủ mà tai vẫn thức. Nội nói: “Cha cảm ơn các con đã biết nghĩ đến cha. Quả thật cha không đành lòng nhìn con cháu mình đốn hạ cây cau. Thôi để anh em người ta làm vậy… Sao hương cau mùa này thơm quá!...”.
Nội nói vậy nhưng nội vẫn buồn đến lạ, cứ nằm trên ghế bố chong mắt nhìn lên ngọn cau đung đưa trong nắng gió. Nội vốn ít ngủ, bây giờ thì nội thức hẳn. Mỗi đêm vài lần, nội lấy đèn pin rọi lên ngọn cau. Nội kiểm tra sự tồn tại của ngọn cau hay gởi gắm một điều gì?
Tôi thương nội đến thắt lòng. Tự hỏi với một cái cây mà nội còn như vậy thì với con người nội yêu quý biết bao... Tôi tự thấy tình cảm của tôi giống nội, và cả cha tôi nữa, cũng truyền từ trái tim nội. Nhưng cha tôi rồi đến tôi, trẻ hơn, nhịp sống hối hả ồn ã hơn, nếu có giây phút nào đó xao lòng thì cũng thoáng qua mau. Chúng tôi đã chịu ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn đến tận cùng ngõ ngách của đời sống tình cảm. Ôi cái thời buổi kinh tế thị trường! Người quê biết mình như những quân cờ gõ chan chát vào nhau trong cuộc đấu bi hài mà không thể thoát ra.
* 
Mai là ngày cây cau bị đốn hạ. Gia đình tôi lo cho nội muốn đưa nội đi thăm bà con ít ngày với dụng ý để nội khỏi nhìn thấy. Nhưng con cháu không qua được người già trong nhà. Nội biết hết. Nội không nghe thấy bằng tai mắt mà bằng kinh nghiệm. Nội nói: “Các con khỏi cần phải khéo bày như thế. Cha còn sống nhiều năm nữa để đi thăm bà con, để thấy quê mình đổi mới hơn xưa… Phải chia xa với những gì thân thiết thật đau lòng. Nhưng chúng ta cũng phải biết hy sinh cho cuộc đời được tốt đẹp, ý nghĩa hơn… Cây cau tự tay cha trồng thì cha muốn được thấy nó chết như thế nào. Các con khỏi phải lo cho cha”. Thật bất ngờ! Cả gia đình tôi cứ nhìn nội nghi ngại…   
Cây cau được anh em làm đường đốn hạ. Thân cau để xẻ rui mè, tàu cau phơi khô bó chổi, buồng hoa cau được nội đem cất trong nhà. Suốt quá trình đốn hạ cây cau, nội đứng nhìn và chỉ bảo mọi người rất bình thường. Nhưng tôi thấy giọng nói rành rọt, cử chỉ dứt khoát, lời nói gãy gọn của nội khác thường ngày. Không biết mọi người có để ý như tôi? 
Cảnh quan trước nhà tôi đã thay đổi bởi mặt đường đổ bê-tông rộng rãi. Quê hương trong tôi được bổ sung một công trình hiện đại do bàn tay con người tạo nên. Khi con đường được thi công, mươi lần nội ra đứng xem, góp chuyện với mọi người về lợi ích mà con đường sẽ mang lại. Còn thì hàng ngày nội nằm trên ghể bố, chong mắt nhìn lên khoảng không trước đây có ngọn cau đung đưa trong nắng gió, tay cầm nhành hoa cau khô quắt đưa lên mũi như kiếm tìm một làn hương…
 Phụng Tú

Mẹ vườn cau,
Tình mẹ vườn cau sao thẳm sâu,
Thương con chiến đấu giữa gian lao...
Con về đi dưới hàng cau cũ,
Thương dáng mẹ còng bên dáng cau !
NM 
 
Người mẹ vườn cau
Đề bài làm văn chỉ hai chữ "Người mẹ". Cô Hương bảo "Bình luận, chứng minh, hay miêu tả cách nào cũng được". Tôi cắn bút, nghĩ mãi bắt đầu như thế nào nhỉ?
Ba tôi có rất nhiều mẹ, tôi cũng có lắm bà Nội ở nhà cùng chú út. Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau, Nội nào cũng già như nhau. Tôi nhớ khi còn nhỏ, ba dẫn về thăm Nội vườn cau. Hôm đó, mưa nhiều, con đường từ dưới bến lên nhà, đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oàng oạch. Nhà Nội nhỏ xíu, mái lá đột tong tong. Đón ba, Nội gầy gò, cười phô cả lợi.
- Má tưởng con không về được, mưa gió tối trời vầy khéo cảm.
Bà vuốt đầu tôi.
- Tiên tổ mầy, sao mà giống cha quá vậy?
Hôm ấy bà giỗ chú Sơn. Trên cái bàn thờ con con thấp lè tè kia đến ba chiếc lư đồng, cái nào cũng nghi ngút khói. Bữa giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng. Chưa bao giờ tôi được ăn lại nghe ngon như thế. Ba gắp thức ăn cho bà, bà gắp thức ăn cho tôi, đôn hậu bảo.
- Ăn cho mau lớn, con.
Tạnh mưa, mọi người lục đục đến, họ kéo gàu xối ào ào ngoài hiên nước. Ai cũng gọi nội bằng Má, "Má Tư". "Má Tư" ơi ới. Tôi hỏi:
- Ba ơi, sao nội đông con quá vậy?
Ba cười bảo:
- Tối, ba kể con nghe.
Một chú quần vo tới gối, tay cầm lồng vỗ vai ba cười ha hả.
- Tao biết chú mày về nên đem thịt rắn qua đây, tụi mình lai rai.
Rồi chú quay lại:
- Má ơi, cho tụi con vui một bữa với thằng Sơn nghen.
Bà Nội quấn lại cái khăn sờn lên tóc.
- Rồi vợ mày chạy lại méc má cho mầy coi.
Nội ôm tôi vào lòng, ngồi trên võng bố đưa kèn kẹt. Các chú thỉnh thoảng lại cười vang. Nội cũng cười, trông Nội vui lắm, cái vui như thức dậy sau đêm dài vươn mình ngắm bình minh. Ba tôi cùng các chú nói chuyện huyên thuyên, toàn là chuyện ngày xưa. Chú Biểu quần vo tới gối, uống rượu tòn tọt, cười khà:
- Tưởng đâu lũ mày quên Má, quên hết tụi tao.
Ba tôi lúc lắc đầu, ông rót ba ly rượu cúng trên bàn thờ quay lại hỏi:
- Bát hương em Châu, bên chồng rước về hở má?
- Ừ, bên nhà sui bảo, cho chúng nó có đôi.
Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non. Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc Nội cũng trắng phau phau, bà nắm tay tôi, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc. Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho tôi ngủ, giường lạ ngủ không được. Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng. Tôi hơi bất ngờ, lẽ ra anh hùng phải là cao to, đẹp khỏe chứ!
- Vậy Nội có súng không ba?
- Nội bán ve chai.
- Bán ve chai cũng là anh hùng hở ba?
- Ừ Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba, Nội mang thức ăn, tin tức.
Ba vuốt đầu tôi, cái tay nặng chịch.
- Giá mà các chú ấy còn sống, bây giờ Nội đã có cháu, đâu phải sống một mình.
Tôi nghe gai gai người, nhớ cái dáng còm cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua nheo nheo. Trông ra ngoài, thấy bóng còng còn in trên vách, tôi nhổm dậy, "con ra ngủ với bà nghe ba".
Ba tôi chuyển công tác lên tỉnh, nhà tôi dọn về phố khác. Mẹ nhắc ba:
- Lâu rồi, anh không về thăm má "vườn cau".
- Ôi dào, má ở dưới, mấy anh dưới lo.
Một hôm, chú Biểu đến nhà, chú mang theo xâu ếch dài thiệt dài, bỗ bã:
- Cái này má gởi cho mày, má biểu phải đem đến tận nhà. Mấy giổ mày không về, má nhớ mày lắm
Sáng hôm qua má còn khoe vừa gặp mày trên vô tuyến.
Rồi chú lắc đầu:
- Lũ mày bạc làm sao đâu.
Tối đó mưa xập xoài rả rích, ba tôi chong đèn ngồi rít thuốc, mẹ hỏi, ba bảo - "Uống rượu, ngủ không được"
Món thịt ếch đầu mùa lịm trong lưỡi làm ba đau nhói. Ba rủ tôi.
- Mai về Nội vườn cau, con ha?
Chẳng biết chốn ấy còn chín lừ quả ngọt, hương cau còn nồng nàn trắng xoá một góc trời, tóc Nội chắc bạc nhiều hơn. Lúc tôi về, thế nào bà cũng giúi cho tôi nhiều quả chín mang về biếu mẹ, xâu ếch biếu ba. Thứ thức ăn mà không có hương vị cao lương nào thay thế được, dù bây giờ ba tôi xuống ngựa lên xe.
Bài văn được 4 điểm, lời phê cũng ngắn gọn như đề bài, "nghèo ý" tôi viết "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc". Bọn con Hải, Lam chọc ghẹo mãi, tôi chống chê - "làm sao viết về mẹ bằng mấy dòng được, phải không? 
 Nguyễn Ngọc Tư

Hương cau 2
Nồng nàn nở rộ hương cau,
Chênh vênh khí khái vươn bầu trời xanh...
Dịu dàng sương sớm long lanh,
Mùi hương vương vất trăng thanh đượm buồn !
NM

Vườn cau quê ngoại…

Đi lâu con đã nhớ nhà
Nhớ cơn gió thoảng
là là hương cau…

 (Trần Vạn Giã)
Mẹ sớm góa bụa, đem con về nương náu với ngoại. Tuổi thơ tôi gắn bó nhiều cùng quê ngoại. Kí ức trong tôi về ngôi nhà cũ của ngoại dưới quê luôn thấp thoáng bóng vườn cau trước cửa. Cau do chính tay ngoại trồng, đứng hàng thẳng tắp như duyệt binh, như tấm bình phong án ngữ trước nhà, tạo thành cái thế phong thủy trước cau sau chuối giữ yên lành cho ngôi nhà ngói cổ năm gian, cho các thế hệ cháu con nối tiếp sinh ra và lớn lên dưới mái nhà của ngoại. Trời sinh dáng dấp những cây cau thật kì lạ. Cùng họ với dừa; nhưng cây dừa có thể “nghiêng nghiêng soi bóng” còn cau thì không! Nhỏ có bẻ vẹo thì lớn lên cau vẫn cứ vươn mình thẳng tắp, trực chỉ trời xanh. Chênh vênh cạnh bờ ao, bờ hồ, cau vẫn cứ luôn thẳng tắp. Thế đứng khí khái, hiên ngang như người thẳng ngay không chịu vào luồn ra cúi; nhẫn nại, nghiêm trang như người lính đứng trong hàng ngũ, toàn ý toàn tâm cho việc giữ yên bờ cõi nước nhà. Nghiêm trang, vậy nhưng không cứng nhắc, dáng cau dịu dàng nhờ chiếc thân mảnh mai cao vọi, nhờ tán lá rủ mềm hệt chòm tóc xanh xùm xòa….
Ngày nhỏ tôi mê leo cau. Thân cau nhỏ, vừa vòng ôm với trẻ con. Đốt thân ngắn, đều đặn, dễ dàng cho tay đu chân bám. Bắt chước người lớn tay ôm chân đạp, cứ vậy phong phóc trèo lên; mệt thì từ từ tụt xuống nghỉ lấy hơi. Nhẫn nại ngày qua ngày rồi cũng đến lúc đủ sức leo một hơi thẳng tới đọt cau mà không cần nghỉ! Sung sướng hệt như người leo núi chinh phục được đỉnh. Vậy nhưng chỉ dám reo thầm, cho kẹo cũng không dám công bố “chiến tích”. Hồi đó, mẹ mà nghe được chỉ có… chết đòn! Mỗi bận cau trổ buồng nhiều, đến cữ, ngoại lại kêu người buôn cau vào bán. Cây cau “bán đứng”, tức ngã giá xong, người mua tự leo bẻ buồng; người bán chỉ đứng coi và đếm. Nhìn những người mua cau thoăn thoắt trèo lên đọt cau, nhún mình “bay” từ ngọn cau này sang ngọn cau khác, thú thật, tôi khoái mê tơi. Tôi ước chi mai mốt lớn lên mình cũng làm nghề… buôn cau, có dịp thi thố “ngón nghề” trèo cau vừa học lén xong cho đã! Chao ôi là dễ thương cái ngây ngô của tuổi thơ; cái ngây ngô sẽ không bao giờ còn cơ may tìm lại, bởi ấu thơ ai cũng chỉ có một thời…
Đất lành, cau liên tục trổ buồng, quanh năm kết trái. Ngoại bán phần lớn, còn dành lại ít, bổ lấy ruột phơi khô để ăn trầu. Mùa hè, những chiếc mo cau được mẹ cắt, ép, phơi khô làm quạt mát. Bà dùng mo cau tươi gói cơm dỡ ra đồng cho ông những hôm ông lỡ buổi cày bừa. Chiếc mo sạch sẽ trắng tinh, thoang thoảng mùi hương cây hương lá khiến vắt cơm dỡ dường thơm ngon hơn. Chẳng vậy mà tôi luôn nằng nặc đòi theo ra đồng để được cùng ông “ăn cơm dỡ”. Mẹ mắng, nhưng ông thì chiều: Kệ nó đi, con nít ăn hết mấy hột mà lo… Tàu cau khô rụng, mẹ lượm, đem bó thành chiếc chổi cau  xinh xinh dùng quét sân, quét ngõ. Nhiều hơn thì làm củi đốt. Quanh năm không cần chăm bón, tưới tắm vườn cau vẫn nhẫn nại cho trái, cho mo, cho củi đốt đều đều…
Vậy nhưng, cái ám ảnh nhất với tôi nơi vườn cau quê ngoại chính là hương. Nồng nàn hương mỗi độ xuân hè hoa cau nở rộ. Đẫm hương mỗi sáng tinh mơ cũng như mỗi hoàng hôn buông xuống. Hương vương nhẹ cả ngày dài trong từng sợi nắng hè gay gắt. Và đêm xuống, trăng lên, dường như ánh trăng xanh cũng ngọt lịm hương cau. Tinh tế, chừng mực, bí ẩn là hương cau. Một buồng hoa cau nở đã đủ nghe thoang thoảng mùi hương; nhưng cả một vườn hoa cau đua nở – dẫu cho có nồng nàn hơn thì vẫn cái nồng nàn dịu nhẹ, thanh lịch, kềm chế, không “gây sốc” giác quan người! Những đêm hè ấu thơ nằm ôm ngoại trên chiếc chõng tre đặt mé sân, ngửa người ngắm ánh trăng xanh, nghe hương cau dịu thoảng, len theo từng hơi gió nhẹ – và thiếp đi trong lời kể chuyện trầm trầm hay tiếng hát ru đằm thắm – đã âm thầm nuôi lớn hồn tôi để mai sau dù có đi đâu về đâu tôi vẫn không quên vườn cau quê ngoại, khôn nguôi nỗi ám ảnh một đời ngan ngát hương cau…
Y Nguyên