Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

NTV 27 - Một phần ba cuộc đời


Nắng vẫn xôn xao .....
 Một chút nắng xôn xao ngoài hiên nhỏ,
Lặng lẽ buồn như những phút xa nhau....
Anh , ra đi không có một lời chào,
Tôi , sớm tối đi về qua ngõ - Nhớ !

Đã một thuở thì thầm bao hẹn ước,
Không chia xa dù giông tố mịt mù.
Tình đôi ta bất diệt với thiên thu,
Trong phút chốc hoá thành mây phiêu bạt !

Anh trở về không một lời hẹn trước,
Cũng bất ngờ như lúc ta chia ly.....
Lòng dặn lòng xem như chuyện qua đi,
Song vẫn thấy nắng xôn xao hiên nhỏ !!

Phượng cuối mùa vẫn là màu phượng đỏ,
Và tình em vẫn thắm thiết không vơi.....
Anh phiêu du dù khắp mọi phương trời,
Anh quay lại, nắng xôn xao ngoài ngõ !!

Tấm tình anh từ lâu em đã rõ,
Với riêng anh em vẫn chỉ là Thơ.....
Dù em có đợi có chờ,
Thì em, cũng vạt nắng hờ ngoài hiên !?

 NM 
  
 Một phần ba cuộc đời


  Làng chúng mình cùng nhau lớn lên là một làng quê rất đẹp phải không anh. Có đầy đủ cả cây đa, bến nước, sân đình. Có một chợ sớm tinh mơ ven sông. Lần đầu tiên trong đời, em biết nhận thức mọi sự quanh mình, em cứ ngỡ buổi chợ sớm hôm ấy họp ở trên thiên đường. Một màn sương sớm phủ trên mặt sông, mờ ảo như trong đám mây trắng chiều hè. Gió thổi nhè nhẹ, sương từ mặt sông bốc lên phủ trên những gương mặt người. Đầu chợ là một cái lò rèn. Lửa trong lò reo ràn rạt. Trên bến, dưới thuyền, người mua kẻ bán tấp nập... Đến bây giờ, trong lòng em vẫn chứa đầy những hình ảnh buổi chợ sớm đó, chỉ có điều nó không có một âm thanh nào hết. Và tất cả người, vật đều bay nhè nhẹ. Chính vì điều ấy mà bao lần nghĩ đến, em ngờ rằng mình không phải là người của cõi này. Chỉ có làng chúng mình và anh là điều có thật.
     Học xong lớp vỡ lòng ở đình, lên lớp hai phải ra trường. Trường của chúng mình phía chân đê, con đường tới trường đi ngang những thửa ruộng. Học lớp hai, chúng mình còn thấp hơn cây lúa. Có hôm mẹ đi đón ở cuối con đường, đầu này đường bốn bàn tay chúng mình vẫy mãi mà mẹ không nhìn thấy. Mẹ bảo:
     - Mẹ chỉ nhìn thấy bốn chiếc lá lúa to hơn.
     Lên lớp ba, chúng mình đã lớn hơn cây lúa. Hôm đi học trời mưa to giữa đường, thấy lúa dày khít, tưởng lúa sẽ che mưa được bèn rủ nhau rúc xuống ruộng lúa, ai ngờ vừa ướt lại vừa lấm. Lên lớp bốn, mỗi lần đi ngang qua đồng lúa, bọn trẻ chăn trâu cầm cái roi cưỡi trên lưng trâu vừa đi vừa quật vào lúa:
     - Cái đòng thì ngọt, cái vọt thì đau, bọn học trò chúng mày nhớ chưa. Trên ruộng vườn làng mình đâu chỉ có mỗi cây lúa. Vườn nhà anh trồng rất nhiều cam. Sau một trận mưa rào, anh sang gọi:
     - Liên ơi sang bói cam nẻ.
     Những quả cam còn xanh vỏ nhưng căng mọng, nứt vỏ, chìa những múi cam trắng ra ngoài. Quả ấy sẽ được hái ăn sớm.
     Ở làng mình còn một điều nữa luôn trở lại giấc mơ của em. Những con gà mái mắn đẻ nhưng hay đẻ hoang. Chúng không đẻ trên ổ mà rúc vào đống rạ để đẻ. Tha thẩn rút những cọng rơm để đan mũ, em đã bắt được cả ổ trứng tròn nung núc ở chân đống rơm. Ôi những quả trứng tròn, mang trong mình một mầm sống cứ hiện về giấc mơ để cho em sống.
     Học lớp bốn, anh lên trường huyện vì anh là học sinh giỏi văn. Em học xã nhà. Ở trên trường huyện, anh có nhiều cuốn sách hay lắm. Mỗi lần về thăm nhà, anh mang cho em. Em học không giỏi bằng anh, nhưng cũng mỗi năm một lớp.
     Học trường huyện nhưng anh không quên chăn trâu. Mỗi lần về, anh thường đánh trâu đi chăn. Anh cho trâu gặm cỏ ngoài ngõ nhà em làm em không thể đi ra đồng. Em cứ ngồi ở bếp chờ anh đánh trâu đi để chạy. Em rất muốn gặp anh, nhưng sợ chúng bạn chế lắm. Thỉnh thoảng anh mới về làng, nên anh không biết bọn chúng nó cứ hát rằng: Cây tre non không bao giờ mất ngọn
     Thời buổi này kén chọn làm chi
     Liên ơi cứ lấy Bình đi.
     Mà anh thì cứ vô tư mang sách về cho em.
     Đến năm lớp bảy, em ước ao rằng em sẽ thi đỗ vào cấp ba để được cùng anh học chung trường huyện. Ước mơ của em thành sự thật, em đỗ cấp ba nhưng anh lại lên trường tỉnh.
     Trường tỉnh càng nhiều sách hay. Mỗi kỳ nghỉ anh mang về cho em bao nhiêu là sách. Trong chồng sách đó ngoài sách văn, sách toán có cả những tiểu thuyết, thơ tình. Con nhà nông không có thời gian nhiều để đọc sách. Em đã lén lút đọc trộm tiểu thuyết trong giờ sinh học. Cô giáo đã đứng nhìn em cả phút đồng hồ mà em không hề hay. Em đang lạc vào mối tình của A- na Ca- tê- ri- na. Cô giáo đứng bên cạnh từ lúc nào. Thay vì bắt quyển tiểu thuyết như các giáo viên khác, thì cô giáo lại bảo:
     - Mơ mộng lắm rồi vỡ mộng đấy em ạ. Mà mộng mơ của bọn con gái nhà quê chúng mình thì có cao hơn ngọn tre làng được đâu.
     Mùa hè cuối cùng, sân trường huyện không có hoa phượng, cũng không có cả bằng lăng, chỉ có cây bàng già tiễn đưa tuổi thơ chúng em. Gần hết bọn con trai thời đó đi bộ đội. Cả trường chỉ có ba, bốn đứa đỗ đại học. Hơn nữa, bọn con gái về làng lấy chồng, sinh con. Số còn lại đi trung cấp, sơ cấp.
     Anh đỗ vào Trường đại học Văn khoa trên thủ đô. Anh về nhà chờ ngày nhập trường. Gặp nhau ở giếng đầu làng, em không dám chào anh. Anh bảo: "Sao tóc Liên dài thế?."
     Anh không còn gọi em sang để bói cam nẻ nữa. Nhưng cái đêm thu ấy, khi anh sắp lên nhập trường, ở dưới gốc cam nhà anh, anh bảo em rằng:
     - Học xong anh sẽ cưới em làm vợ. Nhất định đấy. Anh còn tặng em cả một cuốn sổ thơ do anh viết, trong đó có rất nhiều bài anh tặng cho em. Năm sau em rời khỏi làng, bởi nghĩ rằng để xứng với anh, thì giấc mơ phải vượt ngọn tre làng. Đó là một phần đời của em: Anh.
     Giữa phố phường tấp nập, nhan sắc của em dẫu có bị một phần đời buồn làm cho tan nát, nhưng tuổi trẻ vẫn vượt được qua, em vẫn lấy được một người chồng, danh giá, trẻ tuổi. Một phần đời nữa của em: Chồng. Em sinh được hai đứa con đẹp như tranh. Chúng khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn. Phần đời thứ ba của em:
     Con.
     Còn em chẳng còn gì cả.
     Em biết một phần đời anh là: Thơ.
     Anh bảo vì yêu em nên anh chẳng thể nào lấy em làm vợ. Anh để cảm xúc làm thơ. Em biết thế.
     Cuộc sống gia đình như một con thuyền trên đại dương. Lúc biển êm gió lặng, em sống với phần đời chồng và con. Em chăm sóc, yêu chiều họ và em là người họ cần. Thế là em thỏa mãn. Lúc biển động, sóng cả, em sống với ba phần đời: anh, chồng em và con em. Em lấy tình yêu và những bài thơ để vỗ về số phận, lấy lại sự thăng bằng và lấy lại cả tình yêu với chồng con. Thế rồi biển yên, gió lặng.
     Có một thời kỳ cuộc sống gia đình em khủng hoảng đến tưởng chừng tan vỡ. Chồng em biết về cuộc tình ngày xưa của chúng mình, cùng những bài thơ anh đã tặng em. Và cả những bài thơ anh làm thời hiện tại để tặng lại quá khứ, ấy là em. Dẫu em và anh có cách nhau cả ngàn cây số, nhưng chồng em lại cho rằng anh và em vẫn cứ lén lút đi lại với nhau ngay sau lúc anh ấy đi vắng. Em khó giải thích rằng đó chỉ là cái đã qua. Tình yêu đã là một điều khó giải thích thì sự ghen tuông lại là điều càng khó giải thích hơn. Sự thể đã đẩy em đến mức không thể nào chịu đựng nổi nữa. Em đưa lên bàn cân ba phần đời của em. Anh và những đứa con em đã làm cần cân có phần đời chồng em dựng ngược lên. Em biết em có thể sống yên ổn với những đứa con và những hoài niệm về anh. Thế là đủ lắm rồi. Từ lâu em đã chẳng còn biết tin tức gì về anh, ngoài tên anh và những bài thơ thỉnh thoảng anh in trên báo.
     Nhưng chồng em, có thể em không yêu anh ấy với cảm xúc bằng anh nhưng anh ấy lại là máu thịt của em. Anh ấy đã chia sẻ với em cả đến giấc mơ.
     Rồi sóng gió cũng lặng đi. Cuộc sống gia đình vốn là thế. Gia đình em cũng ngày càng đầm ấm, hiểu nhau hơn. Rồi anh xuất hiện. Đó là một chiều đông. Sau bữa cơm, những đứa con em đang xem ti- vi. Chồng em ngồi uống nước chè. Em xem lại giáo án. Trong lòng không một cảm xúc. Đột ngột, tiếng gõ cửa vang lên. Em vốn là người hay ra mở cửa mặc dù từ khi anh bỏ em, em đã chẳng còn chờ đợi ai nữa.
     - Anh! Tim em run lên bần bật. Anh hiện diện bằng xương bằng thịt. Dù đã 20 năm rồi mà anh vẫn thế.
     - Ái Liên! Em nghe trọn cả hai tiếng tên em đó trước khi cánh cửa sập vào. Em cài then rất kỹ, rồi đi lại phía bàn soạn giáo án. Chồng em hỏi: "Ai đấy!."
     Em đáp: "Một ông phụ huynh hay rầy rà."
     Em ngồi như hóa đá nhưng các ý nghĩ thì quay cuồng. Đã bao lần em nghĩ đến những cuộc gặp gỡ. Nếu là lúc em tự do nhất, em sẽ ào đến anh. Nếu có mặt chồng con, em sẽ giới thiệu anh với họ. Rồi sau đó họ sẽ tế nhị để lại hai chúng mình tâm sự. Hoặc, chồng em vì quá ghen tuông mà làm ầm ĩ lên thì sau đó em càng dễ bề đến với anh. Và đến với anh để làm gì, em không biết nữa. Để yêu anh như thuở ban đầu. Điều đó không bao giờ xảy ra cả, dù có là huyền thoại. Để trách móc, hờn dỗi ư? Không, em đã từng được yêu và bội bạc rồi yêu lại sau đó, rồi làm vợ, làm mẹ. Trái tim em đã được tôi luyện rồi, không còn chỗ cho trách móc, dỗi hờn.
     Vậy, bây giờ anh đã đến, em biết làm gì đây?
     Cái lúc em chao đảo nhất, em nghĩ đến anh như một điều linh thiêng, như một hoài niệm, chứ em hoàn toàn không bao giờ nghĩ rằng em sẽ đến tìm anh, để chia sẻ với anh con người bằng xương bằng thịt. Em nghĩ rằng, em ở trong anh cũng thế. Em đã thăng hoa thành vần thơ chứ không phải bằng xương bằng thịt.
     Em biết, hai cánh cửa ập trước mặt anh chẳng khác nào một cú đập kinh khủng xuống đầu anh. Anh sẽ tha hồ nguyền rủa em đi, rồi lại tự biện bạch rằng em đã trả thù cái ngày xưa ấy. Nhưng em không thể nào đánh đổi sự bình yên của gia đình em mà em đã phải đấu tranh bao nhiêu ngày tháng để giành giật được...

Y Ban 
 

Bản Tình Ca Cho Em

Một trời thương nhớ sống trong tôi,
Sưỡi cho ấm áp trái tim côi.......
Qua bao ngăn cách luôn ghi nhớ,
Kỹ niệm xa xưa mãi tuyệt vời !!

Cố nhân cứ ngỡ không còn gặp ,
Chuyện cũ dường như theo gió bay ?!..
Nào ngờ một chuyến trên ga cuối,
Người gợi cho tôi thuở đắm say !

Tưởng chừng như đã quên nhau hẳn ,
Hay chỉ vùi chôn ký ức sâu ?
Chỉ cần, chỉ biết anh còn nhớ....
Cùng em trân trọng mối duyên đầu .

Biết chẳng cùng nhau quay trở lại,
Thà như không có chuyện xa xưa.....
Nhánh sông ngày cũ giờ ly biệt ,
Mây xám giăng mờ khóc tiễn đưa

NM
 Một trời thương nhớ


    Anh trầm ngâm nhìn những hàng chữ chi chít trên màn ảnh máy vi tính trong phòng làm việc, hình như không biết có tôi đứng bên. Tôi không rõ là anh đang đọc hay là đang thả hồn lang thang đâu đó, nghĩ tới những chuyện xa xăm của ngày xưa, lúc chúng tôi chưa có nhau hay là lúc chúng tôi lận đận bên đời. Tôi nhỏ nhẹ:
     - Anh xuống nhà ăn sáng nhé?
     Anh hình như chợt tỉnh, đưa bàn tay vuốt mái tóc bạc màu chưa chải từ khi ngủ dậy sáng nay, lơ đãng đưa mắt nhìn:
     - Em cho anh ly cà phê thôi. Bài vở nhiều quá, anh cần làm cho xong, chiều nay phải đưa bản thảo cho nhà in rồi.
     Tôi biết là tôi sẽ không thuyết phục được anh nên lặng lẽ xuống lầu, mang lên cho anh ly cà phê. Anh hờ hững đón nhận, lẩm nhẫm vừa đủ cho chính anh nghe:
     - Hay, hay lắm. Kết như vậy thật là cảm động …
     Tôi thở dài, bỏ về phòng thay quần áo để đi thăm đứa con gái, mặc anh với tờ báo, với website của cái trường Hành Chánh mà anh theo học từ thuở nào. Bạn bè anh đâu đó xa gần. Anh sống với họ qua Internet, qua điện thoại, tâm tình với họ trên website, và bận bịu với tờ đặc san lâu lâu ra mắt một lần. Anh quay quắt với những ngày tháng cũ, với quyền uy đã mất, và xót xa thân phận lạc loài trên xứ lạ. Trước đây hàng năm bạn bè anh gặp nhau một lần nói chuyện đội đá vá trời, bây giờ không còn đi làm nữa, và những ước mơ đã mờ dần với tháng năm, anh quay về dĩ vãng, sống như thể anh đang ở một nơi nào rất xa. Tôi vẫn quanh quẩn bên anh như cái bóng, vẫn làm những gì anh muốn, dù rằng đã từ lâu lắm tôi không biết là mình còn muốn gì ở anh.
     Đứa con trai út hỏi tôi:
     - Mẹ đi hả?
     Tôi gật đầu:
     - Con lấy xe đưa mẹ ra ga xe lửa. Mẹ xuống San Diego với chị con và cháu, cuối tuần mẹ về. Irvine lúc này nóng quá. Ba đi gặp bạn bè ở Little Sài-Gòn, chắc cũng không ăn cơm nhà. Con tự lo liệu nhé.
     Thằng bé gật đầu:
     - Con lớn rồi, tự lo thân được. Mẹ không phải băn khoăn vì con.
     Tôi mỉm cười theo con ra xe. Thằng bé yên lặng, tôi cũng yên lặng nghĩ ngợi về những ngày tháng chênh vênh của những người sắp bước vào tuổi xế chiều, khi các con đã đi xa như chim lìa đàn, bỏ lại căn nhà vắng lặng cho hai người già đi dần vào cô đơn. Tôi tới thăm con gái thường hơn, bồng bế đứa cháu ngoại, ầu ơ ru đứa bé, tưởng như ngày nào mẹ ru tôi ở quê nhà.

     Xe lửa vẫn chưa chạy. Tôi ngồi khoanh tay, đưa mắt nhìn quanh. Cô ấy bước lên xe, dáo dác tìm một chỗ ngồi. Tôi biết cô ấy là người Việt vì tay cô ấy cầm tờ Sài-Gòn Nhỏ mới xuất bản tuần này. Ngồi xích vào ghế bên trong sát cửa sổ, tôi nhìn cô ta ân cần:
     - Cô có thể ngồi chỗ này.
     Cô ta reo lên, miệng cười thật tươi:
     - Ồ, thế chị cũng là người Việt. Em mới đi xe lửa lần đầu nên bỡ ngỡ quá. Chị cũng đi San Diego?
     Tôi gật đầu:
     - Vâng. Ga cuối cùng.
     - May quá. Cho em theo chị.
     Tôi hỏi cho có chuyện:
     - Cô cũng ở Irvine?
     Cô ta lắc đầu, ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi, miệng vẫn cười thật tươi:
     - Không. Em ở San Jose, xuống Irvine thăm đứa con trai. Hôm nay muốn xuống San Diego thăm đứa con gái và đứa cháu ngoại nhưng ông chồng em ham vui với bạn bè, không chịu đi, chở em ra đây, nói cứ đi xe lửa cho tiện. Gặp bạn bè là quên hết vợ con, hư lắm chị ạ.
     Tôi ngạc nhiên nghĩ thầm sao lại có trường hợp giống mình như thế này nhỉ. Cũng có con trai ở Irvine, cũng đi thăm con gái và cháu ngoại ở San Diego, và cũng có ông chồng ‘thế nào ấy’! Tôi mỉm cười:
     - Đàn ông đứng tuổi rồi nên ngại di chuyển.
     - Không phải đâu chị ơi. Lười đó. Ai chứ ông chồng em thì khỏi nói. Lười hết chỗ chê. Đi về đến nhà, cởi vớ ra là vứt vào góc phòng. Áo quần thay không bỏ xuống cho em giặt, đem treo đâu đó cho lên men.
     Tôi bật cười:
     - Thật sao?
     - Chưa hết đâu chị, ăn xong là ngồi coi TV. Em rủ chạy bộ chút cho khoẻ, chị biết anh ấy nói gì không, - cô ta thấp giọng giả làm đàn ông - “em thử coi mấy người chạy ngoài đường xem có ai mặt mũi hớn hở không, hay là ai cũng nhăn nhó như táo bón”. Em tức quá không thèm rủ nữa, đi shopping cho bõ ghét!
     Tôi ngập ngừng:
     - Bộ hai người khác tính nhau lắm hả?
     Cô ta kêu lên:
     - Như mặt trăng với mặt trời! Cái gì em thích chồng em không thích. Em ăn thịt mỡ, anh ấy ăn thịt nạc, em thích du lịch, anh ấy không thích đi xa. Em thích coi cải luơng, anh ấy chúa ghét! Ôi thôi, nhiều cái khác biệt lắm chị ơi.
     Cô ta ‘nói xấu’ chồng nhưng sao mắt cô ta long lanh và miệng cười thật tươi. Tự nhiên tôi thấy tò mò, hỏi cô ta một câu mà đáng nhẽ tôi không bao giờ nên hỏi một người vừa gặp gỡ:
     - Khác biệt nhiều như vậy rồi vợ chồng có hạnh phúc không?
     Tôi nghĩ là cô ta sẽ khó chịu, nhưng không, cô ta chỉ hơi ngần ngừ, miệng vẫn mỉm cười, mắt ngước nhìn lên cao như mơ màng nhớ tới một cái gì rất thân thương:
     - Chúng em sống với nhau nhiều năm nên quen tính nhau rồi. Em cằn nhằn anh ấy nhưng chưa bao giờ em buồn phiền. Anh ấy ít nói, và hình như đã lâu lắm rồi không nói yêu em. Không nói ra miệng nhưng ngày anniversary năm ngoái viết cho em bài tùy bút làm em phát khóc vì xúc động. Chị biết không, bạn em nó nói là em đang biết yêu. You’re in love!
     Tôi tặc lưỡi:
     - Đàn ông khó hiểu thật.
     - Hí hí, họ cũng nói đàn bà chúng mình không ai hiểu được. Xin lỗi chị, em nói nhiều quá. Tên em là Trinh, còn chị?
     - Tôi là Nhu.
     - Ồ chị Nhu. Chị làm nghề gì ạ.
     - Tôi dạy học, nhưng đã nghỉ hơn năm nay rồi vì lý do gia đình. Còn cô?
     - Em là dược sĩ, đang nghỉ hè nên đi chơi lung tung!
     Cô ta lại cười:
     - Nhưng cái ông chồng gàn dở của em đã bỏ việc I.T. vì hay cãi bướng. Hiện giờ chỉ đi làm consultant, khi có việc, khi không. Nếu có ai hỏi chồng em đang làm gì thì ông ấy nói nhỏ là ‘đang ăn lương vợ’. Còn anh nhà sao ạ?
     - Nhà tôi hồi hưu rồi cô Trinh à. Ông ấy lấy bạn bè và viết lách làm vui.
     Tôi kín đáo thở dài. Chúng tôi cũng đã lập gia đình nhiều năm, đã có với nhau vài mặt con. Gia đình tôi cũng êm đềm và đầy đủ, thế nhưng tôi vẫn chỉ là cái bóng, không có nụ cười và ánh mắt long lanh của cô gái ngồi bên tôi. Có lẽ cô ta chỉ kém tôi dăm bẩy tuổi nhưng sao tôi già nua còn cô ta vẫn tươi trẻ như bông hoa trên cành. Cô ta có hạnh phúc, còn tôi, tôi có hạnh phúc không nhỉ? Tôi không biết nữa, tôi thấy có cái gì như trống vắng, và thỉnh thoảng dù cố quên tôi vẫn nghĩ tới mối tình rất xưa.
     Xe lửa chuyển bánh, tôi ngả ghế, yên lặng nhìn vu vơ qua cửa sổ. Trinh cũng loay hoay bắt chước tôi, duỗi chân thoải mái, và giở tờ báo, đưa ngang tầm mắt chăm chú đọc. Tôi nhìn ra ngoài nhưng không thấy cảnh vật, tôi chỉ thấy tôi nhỏ bé bên bờ sông Hàn.
- o O o -  
    Ngày đó …
     Tôi không vui lắm vì phải ngồi làm bung xung trong quán nước bên bờ sông Hàn. Mẹ tôi không cho chị Huệ tôi đi chơi riêng với anh Quân dù hai người đã biết và yêu nhau mấy tháng nay. Chị Huệ mang tôi theo nhưng bỏ mặc tôi với ly kem đã tan chảy, ngồi thủ thỉ với anh Quân. Mặt tôi bí xị, và chắc là xấu xí lắm. Thế nhưng đúng lúc đó anh bước vào, đưa mắt tìm một bàn trống và ánh mắt anh dừng lại trên khuôn mặt tôi. Tôi bối rối sửa lại thế ngồi và thay đổi nét mặt. Bất ngờ anh Quân cũng nhìn thấy anh:
     - Ê Duy. Tới đây.
     Anh tới gần, thoáng một nụ cười trong lúc anh Quân giới thiệu chúng tôi. “Bạn anh”, thế thôi, anh Quân không nói gì hơn, nhưng khi anh ngối xuống chiếc ghế cạnh tôi câu chuyện bắt đầu, và tôi biết hai người học với nhau từ thời còn thơ dại trong Sài Gòn. Anh nói chuyện từ tốn, nhưng hình như có gì buồn, mắt lúc nào cũng như xa xôi, và đôi mắt ấy đã làm tôi ngộp thở. Lúc chia tay anh đưa chúng tôi một đoạn đường và xin gặp lại, tôi chỉ nhẹ mỉm cười. Chị Huệ đon đả mời anh tới nhà chơi cùng với anh Quân khi nào có dịp. Tôi đã bước đi nhưng còn ngoái lại nhìn. Anh vẫn đứng đó trông ra dòng sông. Bóng anh đổ dài trong nắng chiều đã úa, ngập ngừng như không biết đi về đâu. Tôi ước gì mang theo gía vẽ, nhưng tôi biết là hình ảnh người đàn ông cô đơn đó sẽ khó phai mờ.    
     Mấy ngày sau anh Quân tới nhà, nhưng chỉ có mình anh. Tôi muốn hỏi nhưng không dám mở lời. Anh Quân hình như biết, anh ôm vai chị Huệ và cú nhẹ lên đầu tôi:
     - Thằng bọ nước hôm nay nó bận.
     Tôi ngạc nhiên:
     - Bọ nước?
     Anh Quân cười vang:
     - Thằng Duy. Nó là lính thủy nên anh vẫn gọi nó là ‘bọ nước’.
     Thì ra thế. Anh mặc thường phục, trông rất thư sinh nên tôi tưởng anh cũng là dân ‘Hành Chánh’ như anh Quân. Đó là những gì tôi biết về anh hôm đó. Ngày anh tới thăm nhà lần đầu, chúng tôi ngồi ngoài đầu hè, anh xem bức tranh tôi vẽ dở dang, bức tranh vẽ dòng sông và bờ lau sậy. Mắt anh vẫn thoáng buồn nhưng anh kể chuyện nhiều hơn. Anh nói về những dòng sông anh đã đi qua, những vùng đất lạ anh đã tới, và những ước mơ từ ngày còn thơ dại trên ghế nhà trường. Tôi hỏi anh bây giờ anh làm gì, anh cười buồn:
     - Anh làm việc trong căn cứ Tiên Sa bên kia sông.
     Hình như anh không muốn nói nhiều về công việc anh đang làm. Mắt anh nhìn làm tôi phải cúi đầu, và anh hỏi tôi:
     - Còn Nhu, em dạy học và vẽ tranh như thế thích không?
     Tôi cười với anh:
     - Em dậy mẫu giáo, trông con nít dễ thương nên em thích lắm.Vẽ tranh để cho vui thôi anh.
     Anh trở lại nhiều lần và chúng tôi yêu nhau. Anh mang đến những bất ngờ làm tôi vui mừng. Buổi sáng đó im vắng, tôi đang cắm cúi loay hoay tô vẽ với học trò, ngửng lên đã thấy anh đứng bên cửa sổ giơ tay vẫy, và nhìn tôi mỉm cười. Tôi bỏ mặc đám học trò nhỏ, chạy ra với anh, để được anh dìu tôi ngồi xuống bực thềm, dựa vào người anh, ngước mắt nhìn. Khói thuốc phủ mờ đôi mắt anh. Tôi gọi rất nhỏ:
     - Anh.
     Tôi ước gì anh hôn tôi lúc đó, nhưng anh chỉ nhìn vào mắt tôi, không nói một lời. Tôi hỏi nhỏ:
     - Anh không đi làm hôm nay sao?
     Anh lắc đầu:
     - Anh nhớ em.
     Tôi dụi đầu vào vai anh. Giá lúc đó anh ngỏ lời, rủ tôi đi thì tôi đã theo anh, bỏ mặc lũ học trò cho bà hiệu-trưởng. Chúng tôi chỉ ngồi với nhau vài phút, thế nhưng suốt ngày hôm đó tôi vui. Trên đường về nhà đôi chân tôi tung tăng, và tôi cười cả với những người tôi không quen.

     Buổi chiều Duy thường tới thăm tôi tại nhà, nhiều hôm ở lại ăn cơm tối, ra ngồi ngoài đầu hè nhìn trăng lên, hoặc trải chiếu ngoài vườn, nằm ôm nhau để bàn tay nóng hổi của anh vuốt ve cho da thịt tôi run rẩy, nhưng anh luôn luôn dừng lại ở khuy áo cuối cùng. Thường thì anh ở lại cho tới khuya mới trở về trại ở bên kia sông, thế nhưng có những buổi chiều dù tôi nài nỉ thế nào anh cũng không ở lại, anh đến chỉ để ôm hôn tôi rất nhẹ, buồn buồn nhìn vào mắt tôi rồi vội vã ra về. Những đêm hôm đó trời rất tối. Một mình tôi ngồi ngoài đầu hè nhớ anh, băn khoăn không biết anh đang làm gì vì thực tình tôi chẳng biết gì về công việc của anh.   
     Anh Quân gặp tôi buồn bã ngồi một mình ngoài quán nước bên sông chờ người tôi yêu. Niềm cô đơn của tôi làm anh động lòng:
     - Em chờ Duy hả?
     Tôi gật đầu:
     - Dạ. Mấy hôm nay không thấy anh ấy. Em tưởng là anh ấy tới gặp các bạn ở đây.
     Anh Quân thở dài:
     - Nó không nói cho em biết gì sao?
     - Biết gì anh?
     Anh Quân trầm ngâm:
     - Đáng lẽ thì anh cũng không nên nói, vì anh cũng chẳng biết gì nhiều.
     Anh hạ thấp giọng nhìn vào đôi mắt mở lớn của tôi:
     - Duy là nhân viên của lực lượng đặc biệt hoạt động ban đêm ngoài biển Bắc. Những hôm tối trời là những đêm nó thường phải đi công tác. Anh chỉ biết có thế, nhưng thường nó chỉ đi đêm, không biết tại sao mấy hôm nay không thấy nó. Hay là …
     Quân thẫn thờ ngừng nói, bàn tay tôi run lên và nước mắt tôi ứa ra lưng tròng:
     - Em qua bên kia sông, tới căn cứ của anh ấy để hỏi thăm.
     Quân can:
     - Đừng! Ở đó tên nó không còn là Duy, và dù thế nào đi nữa người ta cũng không nói cho em biết đâu.
     Tôi oà lên khóc. Anh Quân ôm vai tôi dỗ dành, và đưa tôi về nhà. Mẹ tôi nhìn tôi xót xa, lắc đầu thở dài:
     - Đời loạn lạc, yêu làm gì cho khổ!
     Tôi bỏ ăn trốn trong phòng nằm vùi, nghĩ đến anh là nước mắt tôi lại ứa ra. Tôi bỏ dạy, sống vật vờ như thế cho đến buổi chiều tôi chợt nghe tiếng anh lao xao bên ngoài. Tôi chạy vụt ra khỏi phòng, ôm lấy anh khóc như mưa. Anh không nói, chỉ nâng đầu tôi, hôn lên những dòng nuớc mắt chảy dài. Khi cơn nức nở đã dịu xuống tôi mím môi, dùng cả hai nắm tay đấm vào ngực anh liên hồi:
     - Em ghét anh! Đi đâu không cho em biết. Làm em tưởng …
     Tôi lại bật lên khóc. Anh nhẹ thở dài, ôm tôi dỗ dành:
     - Nín đi em. Bất ngờ anh phải tham dự một lớp huấn luyện ở ngoài khơi, không kịp báo cho em. Giá mà nhà có điện thoại … Thôi, ra đây anh lau mặt cho.
     Tôi dụi đầu vào ngực áo anh:
     - Không! Bộ em xấu lắm sao?
    Anh mỉm cười:
     - Chưa bao giờ anh thấy em dễ thương như bây giờ.
     Chúng tôi ngồi xuống bên nhau ở đầu hè. Anh phân trần với tôi, giọng anh thoáng buồn:
     - Anh không cho em biết về cuộc sống hiện tại của anh vì biết là em sẽ lo lắng cho anh. Thực ra thì công tác của anh, dù ở trong lòng địch, cũng không nguy hiểm hơn những chuyến tuần tiễu trên sông rạch miền Nam của bạn bè anh. Anh ra ngoài đó ban đêm, đổ toán biệt kích lên bờ hoặc bắn phá các đài radar xong là ra về liền. Tàu của anh chạy nhanh và tối tân hơn chiến hạm ngoài đó. Họ chạy theo không kịp nên không có gì đáng lo sợ.
     Tôi vẫn chưa yên lòng:
     - Có ai bị thương hay …
     Tôi không dám nói hết câu nhưng anh hiểu là tôi muốn biết có ai tử trận ngoài đó không. Hình như anh chỉ nói cho tôi yên lòng:
     - Có vài đụng độ nhỏ, thiệt hại không đáng kể. Chiến tranh mà em.
     Tôi bâng khuâng:
     - Tại sao anh lại chọn đời sống này?
     Anh lại thở dài:
     - Anh may mắn được xuất ngoại ngay sau đi tốt nghiệp. Em biết là anh rất yêu đời sống sông nước, và rất hãnh diện được là người đi biển. Nhưng ra khỏi VN mới thấy sự kém cỏi của mình, anh băn khoăn cho thân phận và mang một nỗi buồn, mà người ta gọi là nỗi buồn nhược tiểu. Thú thật với em là anh đi tìm một cảm giác mạnh, tìm một nếp sống mới, và anh gia nhập lực lượng đặc biệt, làm người nay ở mai về để quên nỗi băn khoăn.
     Anh ngừng nói, mắt anh nhìn xa xăm, đưa tay tìm bao thuốc trong túi áo. Tôi dưạ đầu vào vai anh. Tôi không khóc nữa, và nỗi buồn cũng đã lắng đọng, chỉ còn một niềm xót xa dịu dàng. Bây giờ tôi hiểu anh hơn, biết tại sao mắt anh buồn, và tôi yêu anh hơn. Tôi gọi nhỏ:
     - Anh!
     - Anh nghe.
     - Anh Quân nói ở bên căn cứ người ta không biết Trung-Úy Duy là ai. Nếu có chuyện gì em làm sao em tìm được anh?
     Anh ngần ngừ:
     - Em hỏi ông … Bột. Lê Văn Bột.
     Tôi tưởng anh nói đùa cho vui, nhưng không, mắt anh vẫn nhìn xa xăm, điếu thuốc trên môi anh vẫn cháy đỏ, và vòng tay anh ôm tôi thật dịu dàng.
     Những buổi chiều sau đó khi chia tay anh ở bến phà cho anh trở lại căn cứ đi công tác tôi mang mang trong lòng một nỗi buồn ly biệt. Tôi hay giật mình thức giấc giữa đêm, thao thức nhớ tới anh, và lóng ngóng buổi sáng chờ anh về để được chúi đầu vào ngực anh, dấu đôi mắt mờ đi vì nhớ thương.       
- o O o - 
     Bố mẹ đều biết là Duy và tôi rất yêu thương nhau nên cũng tán thành. Mẹ nói cuối năm chị Huệ và anh Quân thành hôn xong sẽ tính chuyện cho tôi. Tôi vừa vui mừng vừa hồi hộp. Đời sống của anh như thế làm sao tôi yên lòng, và anh nữa, có bao giờ anh nghĩ tới một ngày ở mãi một bến sông? Thỉnh thoảng tôi có nói với anh về những ước mơ nhỏ nhoi, một nơi thật bình yên cho những người yêu nhau, một nơi mà chúng tôi không có những ngày chờ trông. Anh ngồi nghe, mỉm cuời nhưng đôi mắt vẫn buồn. Có một lần thấy anh ngồi yên lặng quá lâu nên tôi hỏi anh đang nghĩ gì. Anh nhìn tôi ngập ngừng:
     - Em biết không, anh đi tìm quên nỗi buồn thân phận, nhưng không ngờ lại gặp những nỗi buồn chua xót hơn. Đêm qua người ta mang xác Liêm về, em nhớ Liêm không? Có lần anh ta tới đây với anh. Liêm và anh đã từng tâm sự với nhau về nếp sống này. Đã đành rằng chiến tranh là tàn ác, nhưng để bảo vệ sự bí mật và an toàn của lực lương người ta thà giết chứ không tha, không bỏ qua cho cả những ngư dân vô tội không may lọt vào vòng giao tranh. Cũng như anh, Liêm ray rứt vì sự tàn ác của chiến tranh và những việc bọn anh đang làm nên đã xin ra khỏi lực lượng.
     Anh đốt điếu thuốc, hững hờ cầm giữa hai ngón tay:
     - Đêm qua là chuyến công tác cuối cùng của Liêm. Biển đông mạnh, tàu của Liêm bị giạt ra khỏi đội hình trong lúc im lặng vô tuyến trong vùng biển Bắc nên bị nhận lầm là tàu địch. Quả đạn đại bác từ tàu anh bắn sang đã giết chết ngay Liêm và vài người của thủy thủ đoàn. Ánh sáng của quả đạn loé lên cho bọn anh nhận ra mình đã lầm, nhưng cũng đã quá muộn. Mang xác bạn về anh chỉ muốn chết. Nếu quả đạn đó bắn vào anh thì đâu anh có đau đớn như lúc này.
     Anh ngừng nói, nuớc mắt anh ứa ra chảy dài. Tôi ôm lấy anh, tôi cũng khóc, nhưng không biết nói một lời nào để an ủi anh. Khi xúc động đã lắng xuống, anh vuốt tóc tôi nhẹ nhàng:
     - Nhu em. Anh đã quyết định. Vài tháng nữa hết hợp đồng anh sẽ trở về Sài Gòn. Anh phải tìm một con đường khác cho thân phận hèn kém của mình. Anh sẽ trở lại Hoa Kỳ học tiếp, học lên cao, rồi về nước làm việc trong ngành huấn luyện hoặc kỹ thuật chứ không thể mãi mãi đi tìm quên trong chiến tranh.
     Tôi hốt hoảng:
     - Anh bỏ em sao? Anh … anh …
     Tôi bật lên khóc, anh ôm tôi nhỏ nhẹ:
     - Không, chúng mình tạm thời xa nhau ít lâu thôi. Chúng mình còn quá trẻ để lập gia đình, nhưng anh sẽ xin với bố mẹ để chúng mình làm đám hỏi. Vài năm nữa cũng chưa muộn. Lúc ấy chúng mình sẽ có một tương lai yên lành và vững chắc hơn. Em bằng lòng nhé. Anh phải đi dù rằng anh rất yêu và không muốn xa em.
     Tôi vẫn khóc, dựa đầu vào vai anh, mặc cho anh vuốt ve dỗ dành. Mười chín tuổi, tình yêu đầu đời, tôi không muốn xa người tôi yêu, dù chỉ một ngày, nhưng tôi biết là tôi không giữ được anh nên dù rất buồn tôi vẫn nghe những lời khuyên nhủ dịu dàng của anh.
     Bố mẹ tôi không đồng ý cho chúng tôi làm đám hỏi. Mẹ tôi cương quyết:
     - Các con làm đám cưới ngay thì mẹ bằng lòng. Làm đám hỏi xong rồi thằng Duy bỏ đi biền biệt, không biết rõ đi đâu, không biết chắc ngày về thì có khác gì chết rồi. Không, mẹ không bằng lòng.
     Không những mẹ không bằng lòng cho chúng tôi làm đám hỏi mà còn cắt đứt tình yêu của chúng tôi, cấm tôi gặp Duy, và không cho phép anh tới nhà. Duy cúi đầu chịu đựng, và vì tự ái nên không bao giờ ngỏ lời năn nỉ, mặc dù cả hai chúng tôi đều rất buồn. Tôi biết là Duy rất yêu tôi nhưng đặt sự nghiệp trên tình yêu, tìm một con đường cho tương lai nên dù có chút tủi thân nhưng không bao giờ tôi giận anh.
     Đêm cuối cùng trước khi anh rời Đà Nẵng, tôi trốn nhà tới khách sạn ở với anh một đêm. Tôi muốn cho anh hết, “anh giữ cho em, em không giữ được” vì tôi biết có lẽ không bao giờ tôi gặp lại anh. Anh ôm tôi nhưng cũng như bao lần trước, anh dừng lại ở chiếc khuy áo cuối cùng, và tôi vẫn còn là con gái khi tôi lấy chồng một năm sau đó, khi nghe tin Duy đã rời Việt Nam.
- o O o -
     Tôi nghe tiếng cười khúc khích của Trinh nên giật mình, đưa mắt nhìn sang. Trinh tiếp tục cười:
     - Chị coi cái joke này funny chưa. Em đọc chị nghe nhé: Một người đàn ông buồn rầu vì không biết mình bỏ quên cái mũ đắt tiền ở đâu. Anh ta lang thang vào nhà thờ, gặp đúng lúc cha xứ đang giảng về 10 điều răn. Khi cha xứ nói đến đoạn con người không nên ngoại tình thì anh ta đứng bật dậy lầm bầm: “Vậy là mình nhớ ra đã bỏ quên cái nón ở đâu rồi.”
     Tôi bật cười:
     - Ông này đúng là đa đoan!
     - Hì hì. Ai cũng vậy chị ơi. Đàn bà chúng mình còn “đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo” cơ mà. Đàn ông thì ‘dăm bảy mối tình’ là chuyện thường. Bộ anh nhà ‘ngoan’ lắm hả.
     - Tôi cũng chẳng biết. Nhưng chắc cũng chẳng ngoan lắm. Còn ông xã của cô?
     - Ối giời ơi, khi mới quen nhau em tưởng ông ấy hiền lành đạo mạo lắm, ai ngờ sống với nhau mấy chục năm mới biết. Một hôm ‘chàng’ thủ thỉ kể những chuyện tình xưa cho em nghe. Đếm trên đầu ngón tay không hết chị à.
     Tôi ngạc nhiên:
     - Thế cô không ghen sao?
     - Ồ chuyện xưa mà ăn thua gì. Với lại khi lấy lính thủy mẹ em đã cảnh cáo rồi.
     Tôi tần ngần:
     - Chồng cô là sĩ quan Hải Quân hả?
     - Dạ. Nghe anh ấy kể về những mối tình xưa em thương những người yêu cũ của anh ấy, và thương cả anh ấy hơn chứ không ghen. Hoàn cảnh mà, chứ đâu ai muốn xa nhau. Hôm anh ấy kể cho em nghe mối tình ngoài Đà Nẵng, mặt anh ấy thật buồn, em cũng hơi tức, muốn cắn cho anh ấy một cái nhưng cũng thấy thương chị gì đó quá trời.
     Lại một sự trùng hợp nữa, tôi nghĩ thầm. Miệng Trinh vẫn cười thật tươi:
     - Chị biết Tiên Sa là chỗ nào không? Nghe nhà em kể chuyện nhưng em chẳng biết nó ở đâu, hỏi anh ấy thì lúc đó ‘chàng’ như người trên mây, chắc là đang nhớ về người xưa, em đá mấy cái vào chân vẫn cứ trơ ra!
     Trinh vẫn cười, nhưng cổ họng tôi khô lại:
     - Tiên Sa ư? Bán đảo đó ở bên kia sông Hàn của thành phố Đà Nẵng. Tôi có … ông anh họ một thời làm việc tại đó.
     - Cũng Hải Quân hả chị? Anh ấy tên gì?
     Tôi nuốt nước bọt, cố nghĩ ra một cái tên:
     - Quân. Hình như là Vũ Quân.
     - Ông chồng em tên Duy, hồi ở ngoài đó còn có tên là Bột. Không chừng hai người biết nhau.
     Tim tôi đập mạnh, tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn:
     - Có thể lắm. Em … - bỗng dưng tôi thấy thân thiết với người đàn bà cởi mở này - vợ chồng em thật là dễ thương. Bao giờ em trở lại San Jose?
     - Mai em trở lại Irvine. Mốt về lại San Jose. Nhưng chưa biết chắc. Nếu ông chồng em không nhớ biển, đi chơi xa đâu đó với bạn bè.
     Tôi thở ra nhè nhẹ, cố gắng giữ cho lòng bình thản và tiếng nói tự nhiên:
     - Mấy ông lính thủy thì nhiều tật lắm. Ông anh họ tôi hút thuốc liên tục. Ông xã em có còn, à quên, ông xã em có hút thuốc không?
     - Hì hì. ‘Chàng’ hút như đầu máy xe lửa, nhưng từ ngày lấy em, em chê hôi nên bỏ dần. Bây giờ hết rồi. Thỉnh thoảng mang ống pipe ra, ngậm lên miệng cho đỡ nhớ thôi.
     Tôi cố ngăn niềm xúc động:
     - Ông xã em phải thật tình yêu em lắm nên mới làm vậy. Bao nhiêu cuộc tình rồi mới chọn em!
     Trinh gật đầu:
     - Em biết. Duyên số mà chị.
     Tôi cũng gật đầu:
     - Đúng thế đó em. Có duyên mà không có nợ thì cũng đành.
     Tôi nhìn ra cửa sổ, cố ngăn cho nước mắt khỏi ứa ra. Bao nhiêu năm không gặp, bây giờ nghe tin anh. Em làm gì bây giờ hả anh yêu? Anh vẫn còn kể chuyện chúng mình, anh còn nhớ em ư? Em cũng đâu đã quên, nhưng mà thôi … cám ơn anh … “đời chia như nhánh sông”. Mong anh giữ gìn sức khoẻ nhé anh yêu.
     Xe lửa kéo một hồi còi báo hiệu đã tới một ga xép gần San Diego. Tôi hít một hơi thở thật dài, quay lại nhìn Trinh nói thật nhanh:
     - Tôi chợt nhớ ra là cần phải xuống chỗ này mua mấy món đồ rồi sẽ gọi con tôi mang xe tới đón. Rất vui được gặp em. Chúc em đi chơi vui vẻ.
     Trinh còn ngơ ngác, và xe lửa vừa ngừng là tôi đã ra khỏi toa tàu, rảo bước về phía toa xe cuối cùng. Tôi sợ Trinh sẽ xin số điện thoại của tôi. Tôi sợ tôi sẽ mềm lòng, muốn gặp lại anh để rồi thêm ngỡ ngàng. Khi chắc chắn là Trinh không còn thấy tôi nữa tôi mới đi chậm lại, tìm đường ra khỏi sân ga.
     Trời hôm nay gió nhẹ, mây xám vương trên đỉnh núi, mịt mờ như những ngày trở gió nơi bến sông khi tôi đưa tiễn anh. Anh, vĩnh biệt anh. Lúc nào em cũng nhớ thương anh. Mắt tôi mờ đi nhưng tôi cũng chẳng buồn đưa tay dụi mắt, chỉ cúi đầu lặng lẽ đi trong phố vắng không người.

Trần Quang Thiệu 
                          
      
Top 11 Bài thơ hay của nhà thơ Trịnh Thanh Hằng - Toplist.vn























Auld Lang Syne

 DẠ KHÚC CUỐI

 Auld Lang Syne hoài niệm....
Ba mươi năm ấy có là bao ?
Chỉ nửa đời thôi với ....hư hao.....!
Sao ta mãi nhớ đêm vui ấy ?
Một phút say mê điệu nhảy nào....

Phố núí cao nguyên , bùn đất đỏ,
Bên nhau một tối chợt thân quen....
Xuất thần thay vũ điệu dưới ánh đèn
   
 Người đã gặp một tình yêu lớn..?!

Khói Capstan thay cho lời hẹn,
Dìu nhau đi cho hết bản nhạc đời...
Không âm thanh không điệu nhảy chơi vơi , 
Chỉ sống với Auld lang syne hoài niệm !!.

NM
Ba Mươi Năm Ấy
Thị xã Pleiku 1967.
    Cái thành phố cao nguyên đất đỏ ấy, mùa mưa thì nhớp nháp bùn dẻo, mùa hè và những ngày mùa đông lạnh và khô thì "bụi hồng" quyện theo từng cơn gió, chẳng có gì hấp dẫn hay ít ra làm khuây khỏa nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nỗi buồn chán của những con người tứ hướng tập họp lại vì phận sự, vì sinh kế - những quân nhân, những công tư chức, già hay trẻ, những nữ chiêu đãi viên trong các quán rượu, v.v. Giá sinh hoạt thì đắt đỏ; mọi thứ cá, tôm, cua đều phải vận chuyển từ Sài Gòn, và phải bằng đường hàng không cơ mới đủ độ tươi. Phố xá thì nhỏ bé, tuy không đến nỗi "đi dăm phút đã về chốn cũ" như Vũ Hữu Định diễn tả, chỗ vui chơi giải trí và "đạp đổ" thì tìm đỏ mắt cũng không ra.
    Ấy vậy mà từ cao độ của chiếc trực thăng sắp đáp, nhìn những mái nhà tôn, những mái ngói nâu rải rác bên dưới, tôi cảm thấy lòng lâng lâng với nỗi vui được về thành phố; dĩ nhiên không rộn rã như mỗi lần về Sài gòn. Từ rừng già Plei Me về, tôi có hai ngày, ngày mai và ngày kia, tại Bộ Chỉ Huy này để họp - và dĩ nhiên tôi ngầm hiểu mình có hai đêm để vội vã tìm vui, để truy hoan trả đũa! Nhà binh có nhiều thứ ngầm hiểu để hoàn thành nhiệm vụ: tôi được đào tạo thế - nhận specified task và phải tự tìm ra implied task. Tôi quá giang một xe nhà binh từ phi trường ra phố, xuống xe trước khách sạn quen thuộc mọi lần.
    Tắm rửa xong, vừa tròng trở lại bộ quân phục, định bách bộ ra phố tìm thức ăn thì có tiếng gõ cửa phòng. Tôi mở cửa và không ngạc nhiên khi thấy trước mặt mình là người hạ sĩ quan trẻ, vui tính của phòng nhân viên tại Bộ Chỉ Huy mà ngày mai tôi sẽ vào họp. Có nghìn cách để anh ta biết tôi về Pleiku lúc nào và tá túc ở đâu. Ngay khi chiếc trực thăng vừa nhấc bổng lên thì một bản báo cáo ngắn về ngày giờ tôi rời căn cứ Plei Me đã bay theo làn sóng điện và đáp trên bàn giấy trong văn phòng anh ta trước khi chiếc máy bay chạm đất ở phi trường. Hoặc giả một người nào đó báo tin, như người tài xế vừa cho tôi quá giang chẳng hạn. Cái tập thể của những người vận quần áo trận này có đông đúc thật - chả thế mà thị trấn này, nơi đặt bản doanh của một quân đoàn, đã được mệnh danh là thành phố của lính - nhưng người ta thường biết rõ nhau cả. Anh ta gặp tôi để chuyển đạt hai điều. Điều thứ nhất là chuyển lời vị xếp của anh ta thăm hỏi tôi có cần xe cộ gì không. Điều thứ hai thật bất ngờ và là một sự kiện sẽ hằng sâu trong trí tôi nhiều năm sau. Số là anh ta có một "thằng em" - một từ ngữ dùng thật rộng rãi từ thời nào tôi không rõ, để chỉ một người thân, từ em ruột, em họ, đến người dưng nước lã mà người ta cảm thấy đủ thân thiết để gọi thế - rất ghiền khiêu vũ. Hắn ta ghé Pleiku nhiều lần và nghe nói nhiều về Hội Quán Phượng Hoàng, nên đêm nay hắn muốn được vào cho biết. Điều phiền toái là không ai bảo lãnh cho hắn vào cổng. Thế là tôi được anh chàng trung sĩ phòng nhân viên nọ gởi gắm người anh em của anh tạ Chuyện như thế có thể cũng bình thường thôi, nếu anh ta không làm tôi khựng lại bằng mấy lời kể lể thêm. "Nó làm lơ xe đò chạy đường Sài Gòn - Pleikụ Hầu như tháng nào cũng ghé đây. Quần áo dính dầu nhớt dơ bẩn. Em phải cho nó mượn áo quần và giày để đi chơi tối naỵ" Trong một thoáng tôi bỗng tự trách mình sao quá dễ dãi; tôi muốn rút lại lời hứa bảo lãnh hắn nhưng lại ngại nói. Hắn ghiền khiêu vũ à? Có thật thế không? Lối giải trí này có thuộc thành phần như hắn không, hay là hắn xâm nhập Hội Quán vì một mục đích nào đó. Hằng đêm có biết bao sĩ quan, từ úy đến tá, thậm chí vị tướng tư lệnh vẫn thường lui tới đây. Có thể hắn là người của đối phương cũng nên. Rồi tôi bỗng thấy mình sợ hão huyền - đúng hơn, tôi muốn tin mình đã lo sợ hão huyền. Cuối cùng là hắn sẽ đợi tôi gần cổng Hội Quán lúc bảy giờ rưỡi đêm đó.
    Tôi không biết Hội Quán Phượng Hoàng được lập ra hồi nào, và cũng chẳng có hơi sức đâu dò tìm ngọn nguồn của nó, vì phải dành hơi sức để lội suối băng ngàn và để truy hoan trả đũa! Nhưng qua những câu chuyện không đâu vào đâu chung quanh mình, tôi biết man mán nó là sáng kiến của một vị tư lệnh Quân Đoàn II này. Dù sao thì phải nhận những thằng ghiền nhạc, ưa nhảy nhót, cũng như những kẻ chỉ ghiền không khí vũ trường như tôi, tất cả đều thầm cám ơn vị tướng ấy. Và Quân Đoàn II đã điều hành Phượng Hoàng tuyệt cú mèo. Đội ngũ vũ nữ phải nói là "sạch nước cản" hết, trên trung bình hết. Chúng tôi có những lối nói riêng với nhau của những người trẻ; khi một cô gái được chấm điểm trên trung bình thì cả bọn đều hiểu về phương diện nào và theo tiêu chuẩn nào. Các cô vũ nữ ở nội trú trong dãy nhà đằng sau Hội Quán. Không khí vũ trường ấm cúng, nhiều tính chất nghệ thuật và nhất là rất an toàn, một phần vì khách chơi không ô hộp lắm, một phần vì biện pháp an ninh chặt chẽ. Chỉ có sĩ quan mới được vào, và thường dân thì chỉ một số có thẻ hội viên mới được đến giải trí. Không được mang vũ khí, chất nổ, dao, v.v. vào Hội Quán. Nhân viên quân cảnh tại cổng thi hành nhiệm vụ đúng mức. Thú thực, tôi bước vào một vũ trường ở Sài Gòn hay một nơi nào khác với tâm trạng bất an thường trực. Với Hội Quán Phượng Hoàng thì không thế, từ lần đầu tiên cho đến những lần sau này khi đã thành ma cũ.
    ** * Người trung sĩ phòng nhân viên giới thiệu hắn với tôi khi chúng tôi vừa xuống xe ngoài cổng Hội Quán. Tôi vờ nhìn với vẻ chú ý xã giao của người mới gặp, trong khi kỳ thực cố vận dụng một độ quan sát "chụp ảnh" cái gương mặt xương xương có vẻ dãi dầu, đầu tóc lười chải kia. Hắn trạc tuổi tôi, hoặc nếu có vẻ lớn tuổi hơn chút đỉnh thì tôi nghĩ do cuộc sống lam lũ chứ không do năm tháng. Cái cảm nhận đầu tiên của tôi là hắn không có vẻ gian manh, cũng không dữ tợn; gương mặt toát ra một vẻ nhẫn nhục và điềm đạm. Dù sao, tôi tự nhủ, thôi cũng được, mình chả có gì mất mát cả. Tên hắn là Thanh. Đêm đó tôi đi cùng hai người bạn nữa. Anh chàng trung sĩ làm xong bổn phận với "thằng em" mình liền xin phép chúng tôi cáo từ.
    Qua khỏi cổng, cả bốn chúng tôi rẽ trái, theo lối đi tráng xi-măng thoai thoải dốc dẫn đến cửa vào Hội Quán. Thanh cố ý đi chậm nhường tôi bước trước. Dĩ nhiên, tôi là đầu đàn mà, và cũng theo qui ước ngầm nhà binh, đầu đàn thì phải làm "trưởng chi" lát nữa đây, khi tàn cuộc. Tôi biết hắn ta không có hậu ý đó; chẳng qua hắn muốn chứng tỏ với tôi thái độ của kẻ chịu ơn, và với nhóm chúng tôi thái độ của kẻ biết trên biết dưới.
    Qua một hành lang ngắn có vài chiếc ghế dựa dài nằm dọc một bên lối đi để khách ngồi chuyện vãn trước khi nhập cuộc hoặc chờ đợi người mình hẹn hò, chúng tôi tiến đến cửa bên trái vào phòng khiêu vũ - cửa bên phải dẫn vào phòng ăn. Vén bức màn nhung xanh sậm buông dài gần chấm nền nhà, chúng tôi chạm một không gian lào xào tiếng nói cười khe khẽ và sực mùi thuốc lá, nước hoa, với ánh đèn màu mờ ảo không soi rõ mọi vật. Tế bào thị giác hình que của chúng tôi chỉ tốn vài giây điều chỉnh để cho chúng tôi trông rõ toàn cảnh: giữa căn phòng là sàn nhảy hình chữ nhật lát gạch hoa, "âm" dưới nền có lẽ gần một tấc, được rọi sáng bằng những bóng đèn cẩn chung quang bờ viền. Khoảng còn lại là bàn ghế sắp theo từng hàng và cách khoảng để chừa lối đi ngang và dọc. Quày rượu và thu tiền nằm cuối phòng, cạnh lối vào phòng vệ sinh. Ban nhạc bắt đầu chơi những tấu khúc vui nhộn để báo hiệu buổi khiêu vũ sắp bắt đầu.
    Điều không may: viếng Phượng Hoàng vào một tối đông khách như đêm nay, và điều may mắn: còn duy nhất một bàn cho chúng tôi. Chúng tôi vừa yên vị thì bà tài pán đến. Sau câu hỏi han đon đả cố hữu, bà ta vào đề ngay:
    - Chỉ còn hai cô chưa kẹt bàn.
    - Còn đào để nhảy là quí rồi.
    Tôi đáp nhanh như để trấn áp nỗi thất vọng của mình. Chúng tôi gồm những bốn trự mà chỉ có hai cô gái nhảy để chia nhau thì thật không bõ công của kẻ lâu ngày mới về thành phố! Lúc người đàn bà vừa quay lưng đi tôi dặn với theo:
    - Chúng tôi bao bàn các cô tối nay.
    Bà ta quay lại, ngập ngừng một lát rồi nói:
    - Lệnh của sĩ quan quản lý không cho chúng tôi nhận bao bàn những tối đông khách, để các cô có thể chạy bàn tiếp khách. Nhưng để tôi cố thu xếp.
    Chạy bàn có lẽ là một từ ngữ trong thế giới vũ trường. Nó không đồng nghĩa với công việc của một bồi bàn trong tiệm ăn. Vũ nữ nhảy với khách bốn bản là đủ một tích-kê và được điều động chạy sang bàn khác trong thứ tự "đặt hàng".
    Hai bóng dáng con gái từ từ tiến về phía bàn chúng tôi, một dong dỏng cao và một hơi đẫy đà. Chút bực dọc còn sót lại trong tôi nãy giờ bỗng vụt tiêu tan khi tôi nhận ra Dung "mình dây" và Liên "Bắc Kỳ". Có thế chứ. Nhưng tôi không hiểu làm thế nào hai cô gái này lại không kẹt bàn trong một tối đông khách như đêm naỵ Những người khách đến đầu tiên bao giờ cũng có điều kiện chọn người mình thích, và họ không dại gì mà không đòi cho được hai hoa khôi của Hội Quán.
    Một trong hai người bạn tôi lên tiếng bày tỏ hân hoan vì may mắn được gặp hai đệ nhất giai nhân. Liên Bắc Kỳ, một cây ăn nói trong đám vũ nữ tại đây, liến thoắng đáp:
    - Không dám. Anh quá khen. Phải nói là chúng em may mắn được ngồi với các anh đêm naỵ Sáng nay Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn có gọi dặn phòng quản lý dành sẵn hai cô để tiếp thượng khách của ông từ Sài Gòn ra, và tụi em được lệnh chờ. Thế rồi khi nãy ông ấy gọi đến báo Hội Quán biết là chương trình đã hủy bỏ.
    Tôi mới vỡ lẽ. Ít nhất mọi sự phải có nguyên ủy của nó! Tôi liếc Thanh. Hắn không chú ý nhiều đến hai cô gái. Chiếc bàn chỉ vừa cho bốn người ngồi lại phải dung nạp sáu mạng nên ngồi khá chen chúc. Dung ngồi chen vào giữa tôi và Thanh. Liên ngồi ở dãy ghế đối diện, giữa hai người bạn tôi. Thanh nhìn lơ đãng sàn nhảy và quang cảnh khắp phòng. Hắn không có vẻ mán rừng, vẻ nhà quê mới lên tỉnh.
    Ánh sáng vụt đổi màu, trắng hơn một tí, giống như mặt đất âm u bỗng vụt sáng hơn vì mặt trời vừa ra khỏi đám mây đen. Cùng một lúc, nhịp điệu dồn dập, thúc giục của một bản paso doble trỗi lên. Đêm khiêu vũ bắt đầu. Vài cặp đã bước ra sàn nhảy. Hai người bạn tôi cứ đùn hai cô gái cho chúng tôi, nói rằng để nhường cho tôi từ rừng sâu về và cho Thanh là khách mới đến. Thanh thoái thác, cho biết mình chỉ muốn ngồi nghe nhạc và nhìn vũ trường của Hội Quán Phượng Hoàng cho biết thôi chứ không sính nhảy nhót lắm. Tôi đứng dậy dìu Dung ra sàn nhảy.
    Điệu paso doble vừa dứt, căn phòng bỗng mờ đi và âm thanh chuyển sang tiết điệu blue chậm rãi và dìu dặt. Thiên hạ lục tục kéo nhau ra sàn nhảy khá đông trong khi cô ca sĩ trên bục gỗ đang rên rỉ bản Sang Ngang của nhạc sĩ Đỗ Lễ. Tôi vừa định trở về bàn để nhường cho Thanh nhảy với Dung thì cô nàng kéo tay tôi lại nói, "đi luôn bản này đi anh."
    Chúng tôi biết nhau qua mấy lần trước tôi ghé đây. Nàng nhớ mơ hồ khá lâu không thấy tôi trở lại. Thực ra nàng đã nhớ chính xác, vì từ đêm nhảy sau cùng cách đây sáu tháng tuy tôi có về Pleiku đôi lần nhưng bận những tiết mục khác nên đã không viếng Phượng Hoàng.
    Bước nhảy chậm rãi như thế này rất thích hợp cho những cặp yêu nhau thủ thỉ. Tôi cho rằng không cứ gì những đôi tình nhân mới thủ thỉ trong điệu slow; cô vũ nữ nào cũng hay ép mặt sát vào khách và thì thầm những chuyện không đâu vào đâu. Cả một nghệ thuật trong nghề đấy. Một người bạn tôi đã suýt bỏ vợ vì một ả anh ta gặp trong một vũ trường. Cô nàng có một giọng nói thỏ thẻ làm mê mệt khách, khiến anh ta đâm "ghiền", không đến thì nhớ quay quắt chịu không nổi. Tôi cũng khám phá ra một "chân lý" nữa trong giới vũ nữ: những ác cảm vô căn cứ. Đừng tưởng các cô chỉ hành xử vì tiền thôi, mà còn vì cảm tính nữa. Các cô có những lựa chọn, những né tránh ngầm. Như cô ả Dung đêm naỵ Chẳng phải cô ta mê gì tôi, chẳng qua muốn tránh khéo anh chàng Thanh mà cô cho là dở hơi. Với Liên hay một ai khác, có lẽ tôi cũng có vài khoảnh khắc ngỡ ngàng trước thái độ này, và có khi còn khấp khởi mừng thầm chắc mình được yêu rồi. Với Dung, nổi tiếng ở Phượng Hoàng là tốc, là bất cần, là đạp đổ, thì tôi "thông cảm" ngaỵ Tôi nhớ có lần một người bạn cho tôi hay, "Dung nó đẹp nhất nhì ở đây, lại nhảy giỏi, nhưng kiếm ít tiền hơn các cô khác dung nhan kém hơn, nhảy tồi hơn, chỉ vì nó không chịu chài khách. Nó hành nghề vũ nữ nghệ sĩ lắm, tùy hứng lắm!" Chưa hết, tôi còn nghe một số huyền thoại nữa về Dung, nào là ngày trước cô ta thất tình vì một công tử con nhà giàu nên đâm ra ăn chơi, rồi sa chân vào đường vũ nữ, và từ đó nuôi trong lòng mối hận tình lẫn hận thù những khách chơi giàu có, ném tiền qua cửa sổ; nào là Dung hành xử theo con tim, và con tim nàng có những tiêu chuẩn mọi người không hiểu nổi, v.v.
    Tôi không rõ những điều kia có đúng không, nhưng tôi được biết ít ra cũng có vài người tán gia bại sản hay điêu đứng vì chạy theo nàng.
    - Anh ấy là bạn anh?
    - Chỉ mới biết lần đầu.
    - Anh ta làm sao ấy, vẻ khinh khỉnh. Vào vũ trường mà không nhảy nhót thì ngồi làm gì. Không chừng chẳng biết nhảy!
    Tôi ậm ự cho qua, và nghĩ thầm, "sao cô ngốc thế, việc gì đến mình mà khó tính thế. Rồi người ta cướp hết khách cho mà đói meo!"
    Chúng tôi ba đứa chia nhau nhảy với hai cô gái. Dàn nhạc đã chơi hơn một chu kỳ rồi, và mặc cho chúng tôi cứ thỉnh thoảng thúc giục, Thanh vẫn không chịu đứng lên dìu cô nào ra sàn nhảy. Cuối cùng tôi thấy - và có lẽ hai người bạn tôi cũng nghĩ thế - nên để hắn ta yên, vì chắc hắn ta không biết nhảy. Thoáng nghi ngờ lúc ban chiều về hắn lại trở về trong óc tôi.
    Điệu bebop trỗi lên. Có hai cặp bước ra. Tự nhiên không ai bảo ai, ba chúng tôi chỉ thích ngồi nhìn người ta nhảy. Riêng tôi, một phần vì cũng chán nhảy rồi, phần khác tôi chỉ biết những bước căn bản của điệu nhảy này, như một học sinh mới tập làm luận văn chỉ biết viết những câu ngắn đúng văn phạm chứ chưa biết diễn tả bằng những câu bay bướm, cầu kỳ, nên không hứng thú lắm. Chính lúc đó Thanh ngỏ lời với chúng tôi, xin mượn hai cô gái. Tuy chưa rõ ý định của hắn, chúng tôi đều gật đầu hưởng ứng, hay khuyến khích thì cũng vậy. Thanh vừa đứng dậy vừa đưa hai tay nắm tay Dung và Liên. Dung rút tay lại, lên tiếng:
    - Không được đâu, tôi chưa bao giờ nhảy kiểu này.
    Thanh khẽ mỉm cười với vẻ tự tin:
    - Đừng lo, các cô chỉ theo tôi. Cứ đi như mình nhảy với một người. Phần tôi, tôi làm được.
    Chúng tôi nhìn không chớp mắt bộ ba đó đang tiến ra sàn nhảy.
    Trong khoảng bao nhiêu phút giây tiếp theo chúng tôi hầu như quên bẵng ý niệm thời gian, cứ dán mắt vào hai nữ và một nam đang quay, lộn, đẩy, kéo theo nhịp điệu bản nhạc đầy âm hưởng Trung Hoa, Rose de Chinẹ Tôi nhìn mỏi cả mắt cũng không sao hình dung được những động tác của Thanh, nói chi đến học lóm vài bước nhảy tân kỳ kia. Đôi chân hắn ta thoăn thoắt, khi nện gót, khi dí mũi dày, trong khi hai tay không ngừng điều khiển Dung và Liên xoay, tiến, lui chung quanh mình. Đầu hắn ngẩn cao, vẻ mặt linh hoạt, đôi mắt khi thì nhìn Dung, khi thì nhìn Liên, nhưng trong ánh mắt tôi có cảm tưởng mình thấy được tia say đắm hướng vào một cõi xa xôi nào, cõi của âm thanh khi lãng đãng khi dồn dập đang quyện trong không gian mờ ảo của vũ trường.
    Thế rồi không còn cặp nào trên sàn nhảy nữa; mọi người chỉ muốn ngồi chiêm ngưỡng bộ tam vũ biểu diễn. Sân nhảy trống chỗ, Thanh như con phượng hoàng có không gian rộng để vỗ cánh, càng lả lướt hơn, đã nới rộng những vòng quay cho Dung và Liên. Họ chiếm hẳn vùng trung tâm sàn nhảy.
    Tôi đảo mắt một vòng quanh phòng, một phản xạ tự nhiên ngầm biểu lộ niềm hãnh diện vô căn cứ rằng thiên thần của vũ trường đêm nay là một người bạn của mình. Mọi con mắt đều dồn về ba người trên sân nhảy; thậm chí không ai nói chuyện riêng, không buồn nâng ly uống. Tất cả vũ trường như bị thôi miên.
    Trên bục của ban nhạc tôi vừa thoáng thấy anh chàng thổi saxophone, mà tôi đoán là trưởng ban nhạc vì tuổi tác lớn hơn cả, đang ghé tai nói điều gì với tay chơi dương cầm. Rồi dàn nhạc chuyển âm giai qua bản đàn khác, nhưng tiết điệu Swing vẫn tiếp nối.
    Lúc điệu nhảy chấm dứt, bản nhạc tạm biệt, bản Auld Lang Syne quen thuộc, bỗng trỗi lên gieo một âm hưởng lưu luyến báo hiệu cuộc vui đã tàn và đèn vụt sáng trong khi tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên như pháo nổ, rồi râm rang một lúc trước khi còn nghe lác đác và lịm dần ở cuối phòng. Tôi chưa từng thấy một sự tán thưởng như thế ở những buổi nhảy tại các khiêu vũ trường. Tôi cũng chưa từng thấy một dàn nhạc nào đã tỏ ra ưu ái với khách bằng cách chơi liên tiếp hai bản đàn cho một vũ điệu như thế.
    Nét mặt Thanh vẫn bình thản, dường như hắn ta đã từng làm vua vũ trường với đôi chân vàng của mình. Nhưng hai cô gái thì không giấu nổi những nụ cười hài lòng. Tôi đoán họ cảm thấy hãnh diện lây vì là một thành phần bất khả phân trong màn biểu diễn của Thanh.
    Tôi liếc nhìn Dung. Vẻ đăm đăm, khó chịu lúc ban đầu biến mất trên gương mặt bây giờ xinh xắn, khả ái của cô tạ Nhưng cô nàng vẫn không "thân thiện" với anh chàng Thanh, trong khi Liên thì tíu tít khen bước nhảy của anh ta lúc cả bọn chúng tôi nối đuôi theo giòng người từ từ xê dịch ra phía cửa.
    Ra khỏi phòng nhảy, chúng tôi đi dọc hành lang để ra cổng. Bên trái hành lang là phòng ăn của Hội Quán, với lác đác vài người vừa bước vào; phần đông khách chơi thích ăn ở các tiệm quán ngoài phố hơn. Tôi đề nghị đi ăn bún bò Nhà Xác thì hai cô gái và hai người bạn tôi tán thành ngaỵ Có lẽ đối với khách ăn đêm của Phượng Hoàng cái tên đó không những không gây ngạc nhiên hay sửng sốt mà còn kích thích cái dạ dày vào giờ đó đã bắt đầu cảm thấy cồn cào. Anh chàng Thanh mở to mắt nhìn tôi ra chiều không hiểu tôi đùa hay ngụ ý gì. Tôi giải thích cái tên Nhà Xác do đâu mà có: quán ăn lụp xụp do một tư nhân mở trong khu bệnh viện dân y, cạnh nhà xác. Có lẽ khắp Pleiku tôi không tìm đâu được một nơi bán bún bò ngon như ở đây.
    Và tại quán bún bò Nhà Xác đêm đó Thanh đã là một đề tài khá lạ lùng đối với chúng tôi. Sau này tôi được biết, ngoài tôi ra cả bọn chúng tôi lúc đó ai cũng đang có trong đầu một giả thuyết bình thường và hữu lý về con người nhảy đẹp nhất kia, một giả thuyết có dị biệt về tiểu tiết nhưng tương tự Ở đại thể. Chúng tôi tin rằng hắn ta đã có một thời ăn chơi có hạng ở Sài Gòn. Nếu không phải con nhà giàu thì ít ra cũng xuất thân từ một gia đình trung lưu, và vì lý do này hay lý do khác bị sa cơ thất thế nên mới ra thân phận như ngày nay.
    Một trong hai người bạn tôi hỏi Thanh có học qua lớp dạy khiêu vũ nào không; anh ta đề cập đến tên các vũ sư nổi tiếng của Sài Gòn. Thanh với vẻ mặt ngơ ngác trả lời rất gọn rằng không hề nghe tên các vị kia bởi lẽ từ bé đến giờ có được học khiêu vũ "đàng hoàng" từ trường lớp nào đâu!
    Không muốn để chúng tôi thắc mắc lâu, Thanh bắt đầu nói qua về tuổi thơ khốn khổ của mình. Hắn trốn khỏi viện mồ côi Long Thành lúc lên mười tuổi, và bắt đầu kiếp sống đầu đường xó chợ giữa cái thành phố một thời được mệnh danh hòn ngọc Viễn Đông, một nơi mà cái giàu có, cái hào nhoáng xa hoa vẫn đi bên cạnh cái nghèo khó, cái lam lũ. Hắn trở thành cậu bé đánh giày ban ngày, và đêm đêm ngủ trong các chợ, hay dưới mái hiên nhà người tạ Rồi dần dần hắn tìm được một chỗ trú tốt hơn: ban đêm hắn đóng đô hẳn trong cái phòng nhỏ chứa dụng cụ của nhà hàng khiêu vũ Kim Sơn, do lòng tốt của viên quản lý tại đây. Hắn lớn dần, thành một cậu thiếu niên mười sáu tuổi lém lỉnh, sành sõi trong thế giới bọn đánh giày.
    Hằng đêm hắn nhìn những cặp uyên ương vũ trường quay cuồng theo sóng nhạc. Hắn đâm thích khiêu vũ. Hắn học lóm bằng quan sát, bằng sự chỉ dẫn của những người chị "nuôi" vũ nữ vốn rất mến hắn, một tình thương mến dễ nẩy sinh giữa những kẻ cùng một nấc thang trong xã hội. Nhưng hắn có thiên bẩm về nhảy nhót. Hắn học một mà biết mười, hắn có óc sáng tạo, óc tổng hợp, có khả năng bắt chước. Tóm lại, hắn thâu tóm những tinh hoa nhảy nhót mà thiên hạ đem đến thi thố hằng đêm ở vũ trường rồi biến hóa thành những bước riêng của mình!
    Nghe xong những lời tự thuật không màu mè của Thanh, mối thiện cảm của chúng tôi đối với hắn ta bỗng tăng lên. Dung vụt miệng nói:
    Anh dìu tuyệt quá. Em không ngờ dễ đi thế!
    Tôi ngạc nhiên nghe tiếng em ngọt ngào thay thế tiếng tôi bướng bỉnh trong câu duy nhất Dung nói với Thanh ở phòng nhảy. Hai người bạn tôi ngỏ ý muốn Thanh chỉ vẽ thêm những bước nhảy mới lạ. Thanh vui vẻ nhận lời và cho biết mỗi tháng anh đều theo chuyến xe đò của hãng Nam Trung từ Sài Gòn ra Pleiku một vài ngày. Về phần mình, tôi cũng muốn tầm sư học đạo nhưng biết thân phận mình - không phải lính thành phố - nên chẳng nghĩ đến việc cầu học như các bạn tôi.
    Mọi người đều công nhận danh bất hư truyền của quán bún bò Nhà Xác, và cả bọn chúng tôi đều kêu thêm tô thứ hai. Ăn xong chúng tôi ngồi tán gẫu một lát. Có lẽ cái thú vui của những câu chuyện bù khú chỉ thực sự có vào những thời khắc khuya khoắt của đêm, ở những hàng quán lụp xụp. Dung lục bóp lôi ra gói thuốc lá Salem để mời cả bọn, nhưng chúng tôi không ai hút. Thanh thì cám ơn nhưng cho biết chỉ hút Capstan thôi. Anh chàng lôi từ túi áo trên ra một bao xẹp lép không còn điếu thuốc nào cả. Dung vội đứng dậy, tiến ra cửa, nơi một cô bé đang ngồi bên thùng thuốc lá bằng kiếng, và xỉa tiền mua một gói Capstan rồi trở lại bàn trao cho Thanh. Anh chàng móc tiền trả lại nhưng Dung khoát tay từ chối.
    - Cám ơn nhé.
    - Ơn nghĩa gì, đừng thù oán là được rồi.
    Vừa nói Dung vừa phà khói ra bằng lổ mũi và cười mỉm. Trong một thoáng cái hình ảnh "bụi" và duyên dáng kia giải thích riêng cho tôi tại sao nhiều người đàn ông đã điêu đứng vì người con gái này. Duy câu trả lời vì sao quả tim nàng chưa rung động vì họ thì chỉ có trời biết.
    Thanh bỗng phá lên cười, đoạn nheo một mắt, lần đầu tiên từ suốt buổi tối tới giờ hắn nhìn Dung với vẻ thích thú, buông một câu nghe vừa bông đùa vừa khẳng định:
    - Các cô mới vua thù oán!
    - Yên trí, em chỉ thù mấy thằng cha giàu, không thù anh đâu.
    Tia nhìn tinh nghịch của Dung chiếu thẳng vào mặt Thanh khi cô nàng thốt lên câu đó.
    Chợt một người trong nhóm chúng tôi nhắc rằng đêm đã khuya, và chúng tôi vội đứng dậy, thanh toán tiền, rồi ra về. Sau khi đưa hai cô gái về chỗ trọ và đưa Thanh về nhà người trung sĩ anh nuôi, hai người bạn đưa tôi về khách sạn, và chúng tôi chia tay.
    Mùa mưa của cao nguyên tới, kéo theo những trận đánh long trời, một điệp khúc chiến sự hằng năm, và tôi vất vả hơn với những cuộc hành quân liên miên. Bốn tháng kể từ đêm kỳ ngộ Ở quán bún bò Nhà Xác tôi mới trở lại Pleikụ Hai người bạn tôi vẫn còn đó. Chúng tôi lại viếng Hội Quán Phượng Hoàng để "mừng cho mày còn trở về được, và trở về lành lặn", nói theo lời mời của hai bạn tôi. Cảnh cũ, người xưa, chỉ thiếu Dung. Hỏi thăm về nàng thì chúng tôi được biết Dung nghỉ việc ba tháng rồi, về Sài Gòn, nghe đâu là để xây tổ uyên ương với một người khách chỉ gặp một lần duy nhất tại đây, bỏ lại sau lưng anh kép thương gia rất sộp cùng lời hứa về căn nhà bên suối mộng mị Ở Đà Lạt và một cuộc sống nhàn hạ, không phải chạy bàn ở đâu nữa. Bạn tôi cũng chẳng biết gì hơn thế.
    Sự ra đi của Dung đã để lại sau lưng cô nàng cả Hội Quán Phượng Hoàng ngơ ngác. Ban quản lý cảm thấy một tài nguyên quí giá của Hội Quán vừa mất đi. Những khách chơi "nòi tình" cảm thấy hụt hẫng trong nỗi niềm rắp cung bắn sẻ. Những đồng nghiệp của Dung, từ những kẻ thù nghịch đến những người thân thiết, tất cả bàng hoàng; không ai hiểu nổi việc cô gái tốt số ấy âm thần ra đi, gạt qua một bên những người đàn ông thế lực, giàu có sẵn sàng hiến dâng mọi thứ mà một vũ nữ nào cũng mơ ước.
    Lúc chia tay cách đây bốn tháng, hai người bạn tôi đã cẩn thận trao địa chỉ cho Thanh, nhưng từ đó đến nay tuyệt nhiên họ không nghe tăm hơi về sư phụ. Cả viên trung sĩ phòng nhân viên cũng không được tin tức gì về Thanh. Một lần anh ta có đến hỏi hãng xe Nam Trung thì chỉ được biết hắn ta không làm việc cho hãng đã lâu.
    *** Philadelphia, PA, 1997.
    
Ba mươi năm đã trôi qua Tôi không gặp lại một người nào trong năm người đã cùng ngồi ăn bún bò với tôi trong gian nhà lụp xụp một đêm năm xưa để có thể sửa lại câu thơ của cụ Nguyễn Du Ba mươi năm ấy bây giờ là đây Tôi mong tất cả hãy còn trên đời này, tất cả hãy bình yên, hãy được toại nguyện trong những gì mình ấp ủ, ở xứ người hay còn ở quê nhà.