Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Hẹn...về Gò Công

Phong thủy Gò Công: Vùng đất sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng sử Việt

Gò Công địa linh nhân kiệt

Sao Anh Không Về Thăm Gò Công

Album Thương Về Gò Công

Tự hào
Tự hào dân Việt Rồng Tiên,
Đẹp thay nét đẹp thuyền quyên năm nào....
Dù cho tước trọng quyền cao,
Vẫn luôn nhân hậu sống đời thuỷ chung..
Một lòng phụng sự quân vương,
Lấy tâm từ ái xót thương dân lành...
Ngàn năm sử sách lưu danh,
Tấm gương đức độ rành rành khắc ghi...!!

NM

Giai thoại về Hoàng Thái hậu Từ Dũ: Tài đức vẹn toàn, giúp vua trị quốc





Chuyện người con gái đất Gò Công làm dâu triều Nguyễn
Theo tài liệu hiện có thì trong số những bà Hoàng hậu của Triều Nguyễn có 8 bà đến từ mảnh đất phương Nam. Trong số đó có bà quê ở Gò Công là Hoàng hậu được sử sách nhắc nhớ nhiều trong hậu thế bởi tính nết đoan trang, nhân từ, đức độ… Đó là bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ (Phạm Thị Hằng) vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Điều đặc biệt hơn nữa, bà Từ dũ là người đã sống qua 10 đời vua trong số 13 đời vua Triều Nguyễn kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm v­ua Thành Thái thứ 13. 

 

Vùng đất địa linh…

Bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, tự là  Nguyệt, sinh ngày 19 tháng 5 mùa hạ năm Gia Long thứ 9 (1810), tại giồng Sơn Quy (hay còn gọi là Gò Rùa), xứ Gò Công, huyện Tân Hòa, phủ Gia Định nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Bà là con gái của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng (sau được truy tặng tước Đức Quốc công), một đại công thần của triều Nguyễn. Phạm Đăng Hưng là một người có văn tài, có khí tiết, theo Vua Gia Long từ khi ông còn chưa lên ngôi hoàng đế.

Tương truyền rằng, ngày bà Phạm Thị Vị vợ ông Phạm Đăng Hưng trở dạ, bà đã nhìn thấy một vầng trăng sáng từ trên trời sa xuống mặt đất tạo nên một quầng sáng lớn với rất nhiều màu sắc lung linh. Có lẽ vì điều đó mà ông Phạm Đăng Hưng đã đặt tên cho người con gái đầu lòng của mình là Phạm Thị Hằng hay còn gọi là Nguyệt.

Sách xưa viết rằng: Xứ Gò Công ngày xưa nước thường rất mặn, nhưng từ khi bà Phạm Thị Hằng được sinh ra thì nước giếng ở giồng Sơn Quy ngày càng thanh ngọt, người uống nước ở đây ngày càng ít ốm đau, bệnh tật, tiếng lành đồn xa làm người ở những vùng lân cận cũng đến xin gánh nước Gò Rùa để về ăn uống. Thêm một điều lạ nữa là từ sau khi bà Phạm Thị Vị hạ sinh con gái, Gò Rùa ngày một được bồi thêm cao như hình một cái mai rùa khổng lồ, cây trái trong vùng cũng xanh tươi trĩu quả căng tròn hơn nhiều nơi khác…

Bà Phạm Thị Hằng được tiến cung và đã trở thành Quý phi của Vua Thiệu Trị và là mẹ của Vua Tự Đức, những ông vua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong một giai đoạn lịch sử gần 400 năm vua chúa nhà Nguyễn. Người con gái của đất Gò Công đã trở thành một bà Hoàng Thái hậu suốt 5 đời vua Nguyễn và bà là Mẫu nghi thiên hạ liên tục suốt 8 đời vua.

Có thể nói rằng, Hoàng Thái hậu Từ Dũ là một người đàn bà đã đứng được ở nơi cao nhất của phong lưu phú quý… Tuy nhiên, bà Từ Dũ chỉ thực sự viên mãn ở thuở thanh xuân và thời trung niên tức là chỉ trong giai đoạn bà là vợ của vua Thiệu Trị và là mẹ của Vua Tự Đức đương triều.

Bà Hoàng Thái hậu công đức và đạo hạnh

Sử cũ chép lại rằng: Từ khi còn nhỏ, bà Phạm Thị Hằng là người rất ham đọc sách, thông hiểu kinh sử, có tính hiền đức và có nết hạnh. Đặc biệt, bà là người rất thương và có hiếu với mẹ… Sử sách nhà Nguyễn đã chép lại rằng: Ngay từ khi còn nhỏ, chừng 12, 13 tuổi, bà đã tỏ ra là một người con gái chí hiếu, thờ mẹ hết đạo.

Lúc bấy giờ, mẹ bà lâm trọng bệnh nên suốt một thời gian dài phải nằm liệt giường, ăn uống rất khó khăn. Một mình bà sớm khuya bên mẹ để chăm sóc từng li từng tí, nhất định là không để cho gia nhân chăm sóc vì bà sợ người ăn kẻ ở chăm mẹ không kỹ càng. Cho đến khi thân mẫu bà qua đời, bà ngày đêm than khóc và dốc toàn tâm lực của mình cho việc tang chế, đến nỗi cơ thể gầy rộc đi rất đáng thương.

Đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu cũng như tư liệu của Nguyễn phước tộc thế phả đều ghi rất rõ ràng rằng: Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nghe tiếng là người hiền đức nên tuyển vào cung cho hầu hạ Hoàng tử trưởng Miên Tông (Vua Thiệu Trị sau này). Cùng được tiến cung một lần với bà còn có bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm con gái của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhân. Vì tước của cha bà là ông Phạm Đăng Hưng lúc bấy giờ thấp hơn tước của ông Nguyễn Văn Nhân nên bà phải xếp sau lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm.

Tương truyền rằng, một hôm Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng ban cho bà với bà Lệnh phi mỗi người một chiếc áo bâu dệt bằng kim hoa sa. Đến lúc bái từ, hai bà còn được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu mang tặng hai chiếc nút áo bằng vàng được gói kín (Một chiếc chạm hình con chim phụng, một chiếc chạm hình bông hoa) với lời nguyện chúc “Người nào nhận được chiếc nút có hình con chim phụng thì người đó sẽ sinh con trước”.

Nữ quan sẽ bưng chiếc khay vàng có đựng hai hột nút ra cho hai bà, để mỗi bà tự chọn lấy một hột rồi gói kín như thế dâng lên. Hôm ấy, bà Phạm Thị Hằng đã nhường để cho bà Nguyễn Thị Nhiệm chọn trước. Khi được dâng lên và mở ra thì nút áo của bà Lệnh phi lại có hình bông hoa.

Năm lên 15 tuổi, bà hạ sinh Diên Phúc trưởng Công chúa Tĩnh Hảo. Năm sau bà hạ sinh Công chúa Uyên Ý. Từ đó, bà ngày càng được Thái tử Miên Tông yêu quý hơn và ngôi thứ của bà cũng cao hơn ngôi thứ của bà Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm. Tuy là thế, nhưng đối với Lệnh phi, bà vẫn vô cùng thân mến, đối với các cơ thiếp khác trong cung bà cũng luôn luôn lấy lòng thành mà tiến dẫn. Bà luôn che chở và yêu quý các hầu thiếp dưới mình mà không hề gợn một chút lòng đố kị ghen tuông nào…

Người xưa kể rằng: Một hôm bà nằm mộng thấy một thần nhân, mặt hồng mắt sáng, râu tóc bạc phơ, mặc một chiếc áo dài, rất rộng, đi đến vái bà một vái rồi trao cho bà một mảnh giấy vàng, bên trên có viết chữ đỏ và đóng triện cùng một xâu chuỗi ngọc rất sáng. Thần nhân từ tốn bảo với bà rằng hãy xem vào đó sẽ thấy hiệu nghiệm về sau. Quả nhiên sau đó, bà đã thọ thai lần thứ ba, năm Kỷ Sửu, bà đã hạ sinh Đức tôn Anh hoàng đế (Vua Tự Đức).

Khi Thái tử Miên Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị, bà được phong là cung tần. Khi vua đi tuần đất Bắc đến Hà Nội để cho sứ nhà Thanh là Bảo Thanh sang sách phong. Bà được đi theo Hoàng đế Thiệu Trị để hầu hạ. Trong suốt hành trình, bà sớm tối luôn ở bên cạnh vua. Tin tưởng bà, tất cả ngọc tỷ, ấn tín Vua đều giao cho bà cất giữ. Cho đến lúc Vua hồi loan về cung, cung nhân thấy bà bị rụng nhiều tóc, mặt mày gầy nám hốc hác đều lấy làm lạ hỏi thăm thì được biết chỉ vì lòng kính cẩn ưu lo của bà đã nên nỗi như thế.

Lúc bấy giờ, bà làm chức Thường nghị coi sóc Lục thường. Đó là 6 công việc hầu hạ vua ở trong cung gồm: thường quan (mão), thường y (áo), thường thực (ăn), thường mộc (tắm), thường tịch (chiếu), thường thư (sách).--PageBreak--

Sử triều Nguyễn cũng chép rằng, có nhiều khi Vua Thiệu Trị ngồi đọc sách đến nửa đêm mà vẫn chưa đi ngủ, bà vẫn bên cạnh vua để hầu hạ. Bà cũng là người thường xuyên khuyên nhủ các cung nữ trong cung hãy siêng cần công việc.

Lúc được ân huệ gì của vua ban, bà không bao giờ tranh giành chọn lựa. Ngược lại, ở trong cung có ai đó làm điều sai trái bị vua hay hoàng thân quở trách thì bà sẵn sàng chịu tội thay cho. Bà là người rất thông minh, chịu khó học hỏi và là người có trí nhớ rất khác lạ nên bà luôn được vua yêu quý ban ân.

Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Vua sắc phong cho bà chức Thành phi. Đến tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) bà được tấn phong chức Quý phi.

Nhân đây, cũng xin được nói lại một cách rõ hơn về thứ bậc của các bà vợ vua ở trong cung cấm. Sách "Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn" của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, do Nhà xuất bản Văn Nghệ, ấn hành năm 2008 viết như sau: Ở nước ta, kể từ triều Nguyễn Gia Long (1802) các vua vì theo phong tục của Trung Hoa nên vua nào cũng có một bà chính thức được gọi là Nhất giai phi, chỉ khi chết mới được tôn là Hoàng hậu, ngoài ra còn chọn nhiều phi tần, cung nữ tuyển vào cung để làm vợ thứ. Nhưng kể từ khi Gia Long lên ngôi thì chức Hoàng hậu bị bãi bỏ vì nhà vua sợ các bà hoàng hậu lộng quyền tiếm đoạt ngôi vua.

Vì lẽ đó, Gia Long đã đặt ra "Tứ bất lập", theo thứ tự như sau: Bất lập Hoàng hậu (không lập Hoàng hậu); Bất lập Đông cung (không lập Thái tử); Bất lập tể tướng (Không đặt chức Tể tướng) và Bất lập Trạng nguyên (không lấy ai đậu Trạng nguyên). Các bà vợ thì chia ra làm "Cửu giai" và theo thứ tự từ đầu đến cuối như sau: Nhất giai phi; Nhị giai phi; Tam giai tân; Tứ giai tân; Ngũ giai tiệp dư; Lục giai Tiệp dư; Thất giai Thục nhân; Bát giai Mỹ nhân và Cửu giai Tài nhân.

Việc sắp xếp này cũng giống như các cấp bậc quan lại được chia ra làm thứ tự gồm "Cửu phẩm". Như vậy, bà nào đứng đầu trong "Cửu giai" thì được gọi là Quý phi. Lệ này được duy trì cho tới 12 đời vua triều Nguyễn, đến vị vua thứ 13 là Bảo Đại mới cho lập lại chức hoàng hậu.

Cũng vì sợ phi tần, cung nữ trong Hoàng cung quá đông nên nhà  vua đã cho xây dựng nên "Tam cung" và "Lục viện" cho các bà sinh sống. Ở tam cung lại chia ra làm 3 cung gồm: Cung Diên Thọ là nơi dành cho các bà Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu là các bà vợ của các vua đã  tạ thế, cùng một số thái giám ở để phục dịch các bà.

Cung Trường Sanh là nơi dành cho các bà vợ vua đang tại ngôi, như các bà Lệ Thiên (vợ Vua Tự Đức), bà Từ Minh (vợ Vua Dục Đức) đã từng ở cung này. Cung Khôn Thái được thiết lập ở gần với Điện Cần Chánh (nơi vua ở). Cung này dành riêng cho các bà Hoàng Quý phi. Trong cung này còn có một điện tên là Cao Minh Trung Chính, điện này lập vào năm Gia Long thứ 3. Ở phía đông của điện Cao Minh Trung Chính có một nhà hát để nội cung hát riêng cho vua xem gọi đó là Viện Tịnh Quang.

Trong những tháng ngày Vua Thiệu Trị  tại vì, bà Quý phi Phạm Thị Hằng luôn là người được vua cho phép ngồi sau bức rèm để nghe vua và các quan đại thần bàn việc nước những lúc thiết triều. Vua Thiệu Trị yêu quý bà đến mức không bao giờ vua gọi tên mà chỉ gọi bà là "Phi" và bắt mọi người khi xưng với bà cũng chỉ dùng chữ "Phi" mà thôi.

Sách "Truyện kể về các Vương phi Hoàng hậu nhà Nguyễn" của tác giả Thi Long, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2010 viết rằng: Một trong những đức tính tuyệt vời nhất của bà Phi này là sống giản dị, cần kiệm, đơn sơ như dân dã.

Tính cần kiệm của bà được sách "Đại Nam liệt truyện" chép lại như sau: Một hôm vua vào cung thấy nơi bà ngồi có cái quạt, vải sờn, nan gãy, còn nhiều thứ đồ dùng như chén bát có cái đã nứt rạn, sứt mẻ mới sai người đem đổi vật dụng mới hơn nhưng bà không cho, bà bảo còn dùng được thì dùng, vứt đi uổng, vả lại cái mới thì qua thời gian cũng phải cũ như thế, có gì mà phải thay đổi cho tốn kém.

Vua Thiệu Trị khi nói chuyện với các bà phi tần khác trong cung thường khen bà nhân hậu, cần kiệm là thế. Bà là chủ trong cung, dưới tay bà có biết bao nhiêu là cung nga thể nữ lo việc phục dịch nhưng việc gì bà cũng tự mình làm lấy. Ai có việc gì khó khăn, đau ốm là bà giúp đỡ tận tình nên ai ai cũng cảm mến bà, kính phục bà.

Người ta kể lại rằng, có năm vì thiên tai địch họa mà mùa màng thất bát, nhân dân khắp nơi lâm vào cảnh túng bấn, khốn cùng… bà đã đích thân xin nhà vua cho dân được miễn thuế. Vì quá kính phục tấm lòng trắc ẩn của bà mà dân gian đã có một bài vè dài đến 700 câu ca ngợi tấm lòng và sự nhân từ độ lượng của bà…

Trong cung không phải chỉ có con bà mà còn có nhiều hoàng tử, công chúa là con của các bà phi tần khác. Tất cả đều được bà đối đãi và dạy dỗ giống như con ruột của bà, tất cả đều được bà nuôi dạy cẩn thận, chu đáo với tất cả tình thương yêu trời bể của một bà mẹ. Vì vậy mà bất cứ hoàng tử hay công chúa nào có chuyện gì cũng tìm đến bà, nhờ bà chỉ dạy hơn cả mẹ đẻ của mình.

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), vua thấy mình không khỏe, bà đã thường xuyên túc trực bên vua để hầu hạ, đồng thời cầu xin thần thánh ngày đêm mong vua khỏe lại mà bà đã quên đi chuyện ăn uống chăm lo cho sức khỏe của mình. Trong cơn khốn cùng của sức khỏe, Vua Thiệu Trị vẫn gọi các quan đại thần đến để tận mặt dạy các quan rằng: Quý phi là nguyên phối (vợ đầu) của Trẫm, phúc đức hiển minh, đã giúp Trẫm việc nội chính trong 7 năm qua. Đến nay, ý Trẫm muốn sách lập Quý phi làm Hoàng hậu chính vị trong cung… Tiếc thay, Vua Thiệu Trị băng hà khi chưa kịp sắc phong cho bà.

Ngày 23 năm Canh Thân (1848), Vua Tự Đức 19 tuổi, nối ngôi cha đã đem tôn nhân và các quan trong triều bưng kim sách, kim bảo (bảng sách vàng và ấn vàng) kính dâng tôn hiệu cho mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Dũ… Tuy nhiên, bà đã khước từ tôn hiệu cao quý đó vì lý do Vua Thiệu Trị mới băng hà lòng còn buồn thương, Vua Tự Đức mới lên ngôi việc nước còn phải gắng sức nên bà chưa an lòng.

Phải đến 2 năm sau, khi Vua Tự Đức và triều đình nhiều lần dâng sớ thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà mới chịu làm lễ tấn tôn, nhưng chỉ tổ chức đơn giản không tốn kém…

Phan Bùi Bảo Thi
 
 Nhà Đốc Phủ Hải Gò Công Tiền Giang - Bản tin du lịch thông tin du lịch địa  phương : Bản tin du lịch thông tin du lịch địa phương

(Huỳnh Phạm Phước Duyên.)
  "Con người có Tổ có Tông
Như chim có ổ, dòng sông có nguồn"
  Đầu năm 2009, Ba Má tôi và tôi có dịp đi dự tiệc Xuân Kỷ Sửu của Hội Đồng Hương Gò Công. Rất may là lúc đó tôi còn đủ song thân, và cuộc họp mặt đồng hương đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng của Ba tôi, vì năm kế đó 2010 vào tháng 8 Ba tôi đã vĩnh viễn ra đi!
  Viết bài này là cách tôi trình bày những điều thu thập được từ Ba Má tôi, thời Ba tôi còn sống, và cũng để các cháu của tôi là cháu Nội, cháu Ngoại, cháu Cố của Ba Má tôi có dịp nhìn lại nguồn gốc của mình khi các cháu trưởng thành trên xứ sở Hoa Kỳ này.
  Ba tôi họ Huỳnh, còn Má tôi họ Phạm. Tôi là con út, khi sinh ra được đặc biệt nhất trong nhà là mang họ kép "Huỳnh Phạm". Thỉnh thoảng, tôi hay đùa khi nhận xét :"Má ơi, đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Đạo Hòa Hảo mang họ Huỳnh, còn người khai Đạo Cao Đài là Phạm Công Tắc. Vậy hai họ Huỳnh, Phạm là hai ho. lớn ở miền Nam. Con được mang một lúc hai họ lớn đó Má!". Nghe vậy, Má tôi chỉ cười không nói. Tôi không biết Má tôi cười gì, có "tự hào nguồn gốc" như tôi không?
  Má tôi vốn thuộc dòng dõi trâm anh: 
"Má tôi người gốc Gò Công
 Tuổi thơ Má sống bên giồng Sơ Ri
   Tổ tiên người gốc Sơn Qui
 Vốn dòng Thích Lý, họ thì Phạm Đăng"
  Nói cho gọn thì Má tôi vốn là cháu gọi Hoàng Thái Hậu Từ Dũ bằng Bà cố Cô. Có thể các cháu của tôi sẽ tự hào là vì chúng là con cháu của một bà Hoàng Hậu Việt Nam, nhưng Từ Dũ là ai, nổi tiếng như thế nào thì tôi chỉ có thể bảo rằng bây giờ ở Sài Gòn có một Bảo Sanh Viện mang tên Bà, giống như có một tiểu bang mang tên tổng thống Washington ở Mỹ để kỷ niệm ông vậy. Tổ tiên họ Phạm Đăng ở Gò Công đã rất lâu, cha ông Phạm Đăng Hưng, tức ông Nội của bà Từ Dũ là ông Phạm Đăng Long đã là người Gò Công. Ông Phạm Đăng Hưng là con trai Út, hai người con trai khác là Phạm Đăng Cao và Phạm Đăng Quỳnh, thì chính ông Phạm Đăng Quỳnh là ông Sơ của Má tôi. Ông Phạm Đăng Hưng làm quan cho triều Nguyễn ngoài Huế nhưng gia đình vẫn ngụ tại Gò Công. Đến năm 14 tuổi, bà Từ Dũ, tức Phạm Thị Hằng, mới từ Gò Công ra Huế nhập cung làm vợ chánh Vua Thiệu Trị và sinh Vua Tự Đức. Bây giờ Lăng Hoàng Gia của gia đình họ Phạm vẫn còn ở Sơn Qui, Gò Công. Lúc ông Ngoại tôi còn sống thì ông Huỳnh Minh, người viết cuốn "Gò Công Xưa và Nay"  vô tá túc nhà ông Ngoại tôi ở Hòa Nghị mấy ngày để thu thập tài liệu về dòng họ Phạm để viết sách này.  Không biết có phải nhờ Phước ấm tổ tiên để lại không mà Má tôi học rất giỏi! Thời đó con gái đi học đã là hiếm(thời 1930-1940), vậy mà Má tôi lại đậu Concours, tức kỳ thi Tuyển Sinh vào các trường Trung Học với thứ hạng 50! Thời đó trên toàn quốc kỳ thi Tuyển này chỉ lấy độ 1000 người và toàn tỉnh Gò Công chỉ có 3 người đậu. Hai người kia ngoài Thị Xã, chỉ có Má tôi là người trong làng. Má tôi đâu có đi học thêm như ai, ấy vậy mà đậu mới tài! Ông Ngoại tôi rất mừng, Ngoại phải đi mượn lúa của tá điền trước để đổi ra tiền mặt cho Má tôi đóng học phí, rồi sau đó trả lại bằng lúa, vì sau khi thi đậu Má tôi được vào học Trường Áo Tím trên Sài Gòn "Colle`ge Des Jeunes Filles Indige`ns", sau này đổi tên là Trường Gia Long. Má tôi có bảo với thứ hạng đậu cao như vậy Má tôi có thể xin học bổng, nhưng vì ngại rằng ông Ngoại tôi có ruộng đất, sợ chính quyền xét ra không cho, nên không xin! Theo Má tôi thì họ Phạm Đăng có một tương truyền là chỉ "phát" về nữ giới, tức đàn bà con gái dễ nổi tiếng hơn đàn ông con trai. Bằng chứng là hai cô con gái ông Chủ Ba ở Chợ Mới, Xã Yên Luông Tây, thuộc chi của ông Phạm Đăng Hưng, tức cha Bà Từ Dũ đi thi đều đậu và ra làm cô giáo. Trong đó có một cô cùng đi thi với chồng. Khi có kết quả mới biết cô đậu còn ông chồng lại rớt!  Đến khi hai vợ chồng đi qua phà trở về nhà thì ông chồng nhảy xuống sông tự vẫn! Cô sau này làm Đốc học và vẫn ở vậy nuôi đứa con gái!
 Theo gót Má, các chị 2,3,6,9 của tôi đều là nữ sinh Gia Long, chỉ có tôi vì sinh sau đẻ muộn, lại cách chị 9 tôi đến 8 tuổi nên không còn được học Gia Long nữa, vì trường đã bị đổi tên sau 75, không còn là nữ trung học nữa. Thật là "tréo ngoe", tôi lại học Lê Hồng Phong tức Pétrus Ký trước 75, cũng không còn là trường dành riêng cho Nam sinh. Ôi đáng buồn cười khi Cộng Sản vào mọi thứ đều lẫn lộn và đảo ngược!
  Năm 45 Má tôi ra trường Áo Tím và về lại Gò Công làm cô giáo. Lúc này Ba Má tôi đã thành hôn và cùng với bác Ba tôi là ông Huỳnh Công Thoại có tên trong Hội Văn Thơ Tao Đàn của cụ Hồ Biểu Chánh, một nhà văn lớn của miền Nam. Cụ Hồ Biểu Chánh có làm một bài thơ mô tả Hội Tao Đàn của cụ, với hai câu đầu như sau:
 "Vườn xưa cổ thụ sót năm, ba
  Tươi tốt nhờ thêm mấy đóa hoa..."
Mấy đóa hoa ấy theo ý cụ là để chỉ những nữ nhân như Má tôi vậy!
   Đó là họ Phạm, bên Ngoại của tôi.   Còn về dòng họ Huỳnh của Ba tôi vốn cũng là người Gò Công từ đời ông Cố tôi. Ông Cố tôi có ba anh em, ông Cố tôi là Huỳnh Công Giác là một quan văn và em trai ông là Huỳnh Công Điển vốn là quan võ trấn đóng tại Mỹ Tho. Khi triều đình Huế ký hòa ước giao Nam Kỳ Lục Tỉnh cho Pháp thì hai anh em họ Huỳnh xem như mất nhiệm sở. Ông Cố tôi lai kinh tức trở vễ Huế rồi được bổ làm quan tại Quảng Ngãi. Tại đây, ông Cố tôi gặp người vợ đầu là con gái quan Ngự Y của nhà Nguyễn, có một con trai với nhau. Ông Cố tôi sau đó hưởng ứng Hịch Cần Vương theo Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bôn tẩu sang Lào, Cam Bốt, Trung Quốc, Thái Lan kháng chiến chống Pháp. Người vợ này và con trai không theo ông Cố tôi. Như vậy họ Nội tôi có một chi nhánh tại Quảng Ngãi đã mất tông tích. Người em trai của ông Cố tôi là ông Điển không lai kinh, ở lại cùng nghĩa binh đánh Pháp, thất trận bị thương nặng, cùng tàn binh chạy về đến Chợ Gạo thì chết ở đó. Hiện nay một ngôi làng vẫn còn thờ ông như một Thần Hoàng của làng. Trước khi lai kinh, trên cương vị một anh cả ông Cố tôi đứng ra gả người em gái út cho bên họ của ông Bố Thông, tức cụ Nguyễn Thông, một nho sĩ chống Pháp bị đày ra Phan Thiết. Sau này khi vào tuổi Thất tuần, ông Cố tôi cho người về Gò Công tìm em gái út. Với sự khẩn khoản của em gái và cũng vì tuổi già, ông Cố tôi trở về quê cũ Gò Công sau 40 năm xa cách và đã định cư luôn tại Gò Công.
  Trong thời gian lưu lạc tại Thái Lan, ông Cố tôi hay tin Pháp đã ký kết với triều đình Thái trục xuất hoặc bắt giao lại cho Pháp tất cả những người Việt chống Pháp đang nương náu bên Thái. Ông Cố tôi cùng gia đình và một số binh sĩ chạy về Nha Tráp, một vùng thuộc Cam Bốt sát biên giới Việt nam, khi ấy ông đã có vợ là bà Cố ruột của tôi và đã có ông Nội tôi và người chị của ông Nội tôi là bà Cô tôi. Trong một lần bị Tây bố ráp, gia đình chạy trốn và bị lạc mất bà Cô tôi. Sau đó nghe đồn là bà được một ông Bang chủ người Hoa nhận làm con nuôi và sau đó đem về Trung Quốc. Sở dĩ phải dài dòng như vậy để bạn đọc có thể hình dung một giai đoạn lịch sử của đất nước theo dòng trôi nổi của lịch sử gia đình tôi trong thời Cận đại.
  Nói về dòng dõi thì Bà Nội tôi cũng thuộc gia đình Nho Học. Bà là con ông Tú Lương Đăng Nghiêm ở Vĩnh Long. Ba tôi có kể về giai thoại kết duyên của ông bà Nội tôi như sau: Một ngày gần Tết Nguyên Đán, lúc đang cư ngụ tại vùng Nha Tráp, ông Cố tôi có làm đôi câu đối Tết bằng chữ Nho dán trước cửa:
  "Nhứt Thất Thái Hòa Chơn Phú Quí
   Mãn Môn Xuân Sắc Đại Vinh Hoa" 
( tạm hiểu là một gia đình ở Thái Hòa có phú quí thật sự, không phải tầm thường, và đầy nhà có sắc mùa Xuân là một vinh hoa lớn).
   Thấy một câu đối chữ xuất hiện ở Nha Tráp là một vùng thuộc Cam bốt sát biên giới hẻo lánh, thương buôn qua lại nơi đây đem câu đối đó về Vĩnh Long bàn tán, sự việc đến tai ông Tú Nghiêm. Vì tò mò và nghi ngờ tại sao tại một vùng khỉ ho cò gáy như vậy lại có người Nho học, biết thơ phú như vậy, ông Tú Nghiêm chống ghe đến Nha Tráp xem thực hư ra sao. Hóa ra mới biết ông Cố tôi và ông Tú Nghiêm là bạn học cũ! Cũng vì vậy mà hai gia đình quen thân nhau rồi gá nghĩa cho bà Nội tôi, Lương Thị Nho, làm vợ ông Nội tôi. Rất tiếc trong những năm 40 thế kỷ trước nhà ông Nội tôi ở làng Kiểng Phước đã bị Pháp đốt cháy, nay không còn lại gì! Ông bà Nội tôi cũng lần lượt qua đời trong những năm 1940, các cô chú bác của tôi cũng vì công việc bỏ làng đi nơi khác, nên giờ đây dấu vết của bên Nội tôi ở làng Kiểng Phước không còn lại gì ngoài khu Mộ của gia đình họ Huỳnh, giờ cũng nằm trong phần ruộng của người ta!
    Kỷ niệm về Gò công của tôi, do đó, không có gì nhiều ngoài những hình ảnh về quê Ngoại ở làng Hòa Nghị. Lúc tôi được 5,7 tuổi thì ông Ngoại tôi đã già lắm và có bộ râu thiệt là đẹp ! Ký ức tuổi thơ của tôi về ông Ngoại là những lần được ở cạnh kể chuyện cho ông nghe, những chuyện con nít ngây thơ và những câu hỏi cũng ngây thơ không kém mà tôi cứ hay hỏi đi hỏi lại hoài khiến ông Ngoại tôi phải thốt lên:" Sao mày hỏi dần lân quá vậy?!". Tôi không hiếu hỏi "dần lân"
 là gì, đem hỏi Má, Má tôi cười bảo: " là con hỏi lẩn thẩn mà hỏi nhiều nữa...Ông ngoại không biết đường trả lời, vậy là hỏi dần lân!". Tôi nhớ những đêm trời vừa sáng, Má tôi và tôi ngủ ở bộ ván bên này cái bàn nơi ông Ngoại tôi đặt bộ bình trà mà đặc biệt cái ấm trà được đặt trong một trái dừa lớn, có nắp đậy đàng hoàng mà ông Ngoại làm để giữ ấm trà được nóng lâu. Khi tôi thức giấc thì ông Ngoại tôi đã thức từ khi nào, đang lui cui nấu nước, khuấy sữa, châm trà đợi Má con tôi thức dậy. Tôi nhớ hoài cái bóng to lớn của ông phản chiếu ngọn đèn dầu in trên vách rồi di chuyển in trên xà nhà nơi có những tấm hoành phi "Long Hổ Hội", "Tích Thiện Đường", "Đức Lưu Phương"  bằng chữ Nho mà tôi vẫn hay hỏi nghĩa. Được cái bóng to lớn ấy yêu thương, che chở thì chẳng có hạnh phúc nào bằng! Đến mùa vú sữa thì ông để dành cho vài trái. Biết Má tôi ăn chay, ông lại đội nón ra ngoài mua cho Má tôi hũ chao...Bù lại, Má tôi rất thương Ông Ngoai. Lần nào về quê Má tôi cũng mua về những món ăn Ông thích như thịt quay, bánh mì... 
        Má tôi kể khoảng năm 1925 ông Ngoại tôi có lai kinh, tức là ra Huế dự "Tứ tuần Khánh thọ" của vua Khải Định. Dịp này ông được Vua ban một cái nón chóp có dát vàng và chạm hình rồng cùng một thẻ bài để đeo trên ngực áo như tấm huân chương. Ông Ngoại tôi quí hai vật này lắm. Mỗi khi đi đâu ông đều đội nón và mang thẻ bài! Dáng người ông Ngoại tôi cao lớn, da trắng trông rất phong độ, trong làng Hòa Nghị ai là người biết ông đều gọi ông là Ông Thôn Tây, vì ông Ngoại tôi trông giống Tây lại làm Thôn trưởng, giữ "bộ Đời" của người trong làng, tức những chuyện sống chết của mọi người đều do tay ông quản lý! Má tôi kể bình thường mỗi khi đi ra ngoài ông Ngoại tôi đều tự tay vấn khăn, thứ khăn vấn tuyệt đẹp của những người xưa, hoàn toàn khác xa những khăn đóng vấn sẵn ngoài chợ trông cứng và thô! Mỗi lần ông Ngoại tôi ăn mặc chỉnh tề trong áo the đen, khăn vấn và đeo thẻ bài, Má tôi hỏi Ngoại đi đâu thì ông lại cho biết có khi thì đi đám Giỗ Phước An Hầu, tức ông Phạm Đăng Long, ông Nội bà Từ Dũ, hay những vị trong gia đình Phạm Đăng có chức sắc và thường được làm Giỗ rất lớn. Cũng vì gia đình Ngoại tôi dòng dõi như vậy nên khi Cộng Sản vào họ không ưa gì nhà Ngoại.  Lúc anh 8 tôi học Đại Học Kinh Tế ở Sài gòn sau 75, khi biết được nhà một anh bạn gia đình Liệt sĩ trong lớp ở Gò Công, anh 8 tôi dò hỏi anh bạn đó về gia đình nhà Ngoại tôi, cũng là hàng xóm của gia đình anh bạn này, thì anh bạn trả lời :"Gia đình đó phong kiến phản động lắm!", tức là cùng loại "ác ôn" như Ngụy quân Ngụy quyền. Thật là sặc mùi Vô sản đấu tranh giai cấp! Mà nay thì họ những người Cộng Sản có "Vô sản" đâu?! Dù sao ông Ngoại tôi đã ra đi năm 75, vừa khi đất nước bước vào một giai đoạn đen tối nhất: quân lính sĩ quan miền Nam phải đi"học tập cải tạo", còn dân chúng thì khổ sở thiếu thốn trăm bề! Thật đỡ tủi cho Ngoại tôi phải thấy cảnh nhiễu nhương của đất nước ! Lần cuối chúng tôi về quê Ngoại là vào năm 1991. Trước khi lên phi cơ qua Mỹ cả gia đình chúng tôi về thăm Gò Công lần cuối. Lúc đó, nhà Ngoại chỉ còn gia đình cậu Tư tôi sống. Tôi nhớ Má tôi cũng mua thịt quay, bánh mì về đãi, nhưng Ngoại tôi thì chẳng còn đâu nữa. Má tôi cứ nhớ ông Ngoại tôi mãi, và ân hận vô cùng vì không về kịp trước khi áo quan ông đóng lại.  Lần ấy về sau 16 năm kể từ năm 1975 Ngoại mất, tôi thấy Má tôi đứng rất lâu trong khung cửa chỗ nhìn ra cái ao bên hông nhà...Chắc Má tôi thầm từ giã Ngoại và bảo rằng theo vận nước Má tôi và chúng tôi đành ngậm ngùi nén lệ ra đi, bỏ lại phía sau ngôi nhà Ngoại cùng những kỷ niệm, bỏ lại phía sau một đất nước đen tối, thiếu thốn khổ sở vì không có tự do!
  Mấy ngày gần đây Nam California trời bỗng hay mưa! Bao giờ cũng vậy, mưa làm tôi nhớ nhà khôn xiết và tự dưng muốn làm thơ. Lần này không hiểu sao, dòng tư tưởng lại đưa tôi về ngôi nhà của Ngoại thủơ xưa, chớ bây giờ thì ngôi nhà ấy đã thay da đổi thịt, thành bê tông cốt sắt chớ không còn là ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái như trước nữa...Tôi xin viết ra đây bài thơ vừa làm, cho bạn đọc thưởng lãm, như một lời nhắn nhủ những ai là con dân đất Gò Công, xin hãy trân quí những kỷ niệm một thời về vùng đất này, vì có thể trong tương lai chúng ta không bao giờ còn thấy những dấu vết vàng son ấy nữa...Chúng mãi mãi sẽ chỉ là kỷ niệm chúng ta mang theo trên xứ sở tạm dung này về một nguồn cội rất đáng yêu thương và hãnh diện!
  "Mợ Tư vo gạo nấu cơm
Chái nhà thơm khói bếp rơm lửa hồng
   Trời mưa bong bóng phập phồng
Mưa rơi ướt lá trầu không sau vườn
   Ngoại nằm đưa võng bên giường
Bờ ao vẳng tiếng ễnh ương vọng vào
   Đèn dầu lớn ngọn, bóng cao
Bóng in vách tối thẫm màu thời gian
   Hoành phi bảng gỗ mơ màng
Ôi ngôi nhà Ngoại thuở vàng son xưa!"
California, Mùa Đông 2012
Huỳnh Phạm Phước Duyên.


THƯƠNG NHỚ GÒ CÔNG

CHUYỆN  TÀO  LAO  VỀ  CÁ  ĐUỐI
    Đối với người dân Gò Công , cá đuối là loại cá quen thuộc trong đời sống hàng ngày, là cá của người lợi tức thấp, của gia đình đông con, của dân nhậu...Dân đánh cá Vàm Láng cho biết vùng biển Gò Công là ổ cá đuối , mỗi khi trúng mùa , ghe nầy tới ghe khác tấp nập chỡ các loại lớn nhỏ đủ cở , có con bằng bàn tay , có con lớn hơn cái nia. Cá đuối thân hình vuông vuông , có đuôi dài giống như cánh diều giấy trẻ con chơi thả trong mùa gió chướng . Thịt cá đuối có nhiều loại màu , nấu nướng trở thành thức ăn đa dạng , xào cải chua , xào lá nghệ ,xào cà ry, kho tương , tái dấm , phơi khô làm khô cho dân nhậu . Hương vị cá đuối có mùi khai khai ngất ngây người sành điệu ...nhậu . Theo các tay " nghiên cứu "ẩm thực cho biết , cá đuối nhỏ bằng bàn tay gọi là cá đuối " hà nàm ", chưng thuốc Bắc ăn đại bổ tim gan , tỳ phế , thận ...Riêng loại cá đuối "cao cấp " gọi là " Hắc Cấy "thịt màu đen , không thấy xuất hiện trên thị trường ...chợ cá , loại nầy làm khô được dân nhậu mô tả như " cây quế giữa rừng gươm". Muốn có khô hắc cấy , chủ ghe phải dặn trước hoặc " nài " bạn đáy là người làm thuê cho chủ ghe đi ra ngoài biển đánh cá , năm khi mười hoạ " bạn đáy " lựa được cá đuối đen , xẻ phơi khô trên mui ghe làm thành khô " hắc cấy " . " Tắt máy , ngư ông về Vàm Láng " bạn đáy " lỏn lỏn" đem về tụ năm tụ ba nhậu quên mệt nhọc của những ngày dài làm " ngư ông và biển cả " và dĩ nhiên họ không " khai báo " với chủ ghe vụ được " hắc cấy " . Vì hiếm quý , chủ ghe tìm cách " trade in " rượu lấy khô hắc cấy để dành làm quà tặng cho " quý quan " có thẩm quyền .
    Khô hắc cấy được nướng , chiên , đặc biệt , thịt ít mùi khai khai , sớ thịt mềm dẻo , hương vị đậm đà và "quết"với nước mắm me dầm ớt " cức chim " là thành món nhậu ...quên trời đất . Xin nói thêm về ớt " cức chim " thuộc " văn minh miệt vườn " cùng loại " xuất phẩm" cafe " cứt chồn " . Vào mùa ớt chín , chim ăn ớt chín cây bay bốn phương tám hướng rồi đi " restroom "vào không gian vô tận , hột ớt không bị tiêu hoá và rơi rớt vào trong " vườn nhà ai ?". Tự nhiên không trồng mà có cây ớt đầy trái nho nhỏ màu " mùa hè đỏ lửa " . Hương vị ớt cức chim nầy cay âm ỷ " từng bước ...từng bước thầm " trong lưỡi cay xé họng , giống như ớt màu vàng " nhản lồng " của xứ Mể , đặc biệt để trái ớt trong dĩa nước mắm Nam Phương , nước tương Thái Bình ( dĩ nhiên , nước mắm , nước tương nào cũng được )chỉ cần ấn mạnh đầu đũa trên thân ớt ...là tan xác như tan " xác pháo nhà ai " . Nước chấm , thành phần hổn hợp gồm có , nước mắm , me chín , đường ớt , quậy sền sệt , rồi tiếp tục chương trình xé khô hắc cấy quết vô nước mắm , đưa vào miệng ...khô dẻo , mùi ngây ngấy , hương vị nước mắm chua , cay , ngọt " quền quện" thấm vị giác ...rồi đẩy thêm bia , rượu , kể như món nhậu độc đáo khó quên . Chuyện ra chuyện vào bình luận về khô hắc cấy nhậu quá đã , nào là chỉ thiếu đài phát thanh có nói , đài truyền hình có quay , báo Trắng Đen có đăng , nào là đen thì nên thuốc , khô hắc cấy , cá đuối đen mặc dù đồ biển mà ăn không bị phong ngứa , thịt hiền , giải nhiệt , khoẻ mình đến nổi mát mẻ , tối ngủ khỏi ...đội nón
    Còn chuyện cái đuôi của cá đuối , đứa học trò rắn mắt , quậy xốc , phá phách cở nào cũng ngán " huyền Thoại " cây roi cá đuối . Đuôi cá đuối dài trên một thước tây , phơi khô làm roi , khúc đầu lớn cở ngón tay nhỏ từ từ tới ngọn cở sợi chỉ , roi được bao phủ một lớp hột nho nhỏ như hột cát ghe bầu , giống như bọc giấy nhám bên ngoài . Nhớ tới hồi nhỏ, ba tháng bải trường đi học tư nhà Thầy Sáu Lỉnh ở hẻm số 4 Long Chánh , đường đi học không rợp " bướm vàng bay " mà phải đi qua cua quẹo qua quán Chú Lục , qua các lò bún , lò tương Nam Quốc , Thái Bình rồi tới nhà Thầy Sáu . Học trò học tư ba tháng hè tụ tập đủ trường , đủ lớp , đủ tuổi tác cùng chung một mái trường trong căn nhà Thầy Sáu Lỉnh . Để tái lập an ninh trật tự đám lộn xộn nầy , ngoài học trò " Châu vi Đạo " ( lúc đó chưa có tên là Ấp Đạo ) còn có các vùng phụ cận như " bên Chợ " , xóm Thầy Phó , Xóm Cẩm Lai ...Thầy Sáu Lỉnh " biểu diễn " bài học đầu tiên là chỉ cây roi cá đuối treo lủng lẳng trên vách . Thầy Sáu có tật chưn đi cà xích , có tật thì có tài .Thầy nỗi tiếng đánh cớ tướng , phá cờ thế thuộc hạng " kỳ vương " ...Thầy uy nghi cầm cây roi cá đuối đánh gió vài đường trót trót , âm thanh nghe " ớn óc " , thầy tằng hắng : tụi bây vô đây là phải lo học , không được khỉ khọn , phá lò bún , chọc lò tương ...đứa nào lộn xộn ...tao " quánh " bằng cây roi cá đuối thì ...thì thúi thịt . Đám học trò nín he nhìn cây roi thần sầu quỷ khốc mà hết hồn sợ mình " vi phạm luật lệ " kể như thúi thịt bất cứ lúc nào . Lớp học " tạp lục "im lặng con ruồi bay cũng nghe , chợt có tiếng lớn họng : Con xin hỏi Chú Sáu .... tiếng của thằng Tư Địa mập ù dân bên Chợ muốn có ý kiến , thằng nầy nỗi tiếng lão thông , trên thông thiên văn , dưới rành địa lý  : - Roi của Chú Sáu độc địa cỏ roi " *** bò " của Ông Quản Phát hông Chú Sáu ...? ( Nó thắng kịp chứ không nó kêu luôn tên Sáu Lỉnh ) Thầy Sáu nạt : - Mầy sao lộn xộn , đâu mầy thử rờ cây roi cá đuối thì mầy biết . Thằng Tư Địa bước tới bên vách , với tay cầm cây roi , nó vuốt ve cây roi từ đầu tới đuôi như các kiếm sỹ " Phù Tang"mài kiếm dưới trăng rồi vuốt coi lụt , bén cở nào . Thằng Tư Địa le lưỡi : roi cá đuối của Chú Sáu coi xấu hơn roi " *** bò " của Ông Quản Phát mà coi bộ đánh đau giàn trời . Nhờ cây roi cá đuối mà lớp học êm đềm trôi nhanh qua ba tháng nghỉ hè . nhờ cây roi cá đuối mà bà chủ lò tương Nam Quốc không mắng vốn học trò Thầy Sáu Lỉnh rình rình quăng xác mía, trấu vào chảo tương đang sôi ...Đám học trò về trường cũ bình an vô sự và không thấy đứa học trò nào bị Thầy Sáu Lỉnh ""đót " roi cá đuối cho thối thịt .
    Đuôi cá đuối có công dụng phơi khô làm roi " hù " học trò , còn da cá đuối lại có thêm thực dụng . Cá đuối lớn , nặng ký , muốn ăn thịt phải lột da , lớp da dày , dai , trên mặt có hột nhám nhám rờ như tờ giấy nhám , da cá đuối loại nầy phơi khô , cuốn tròn lại như ống tre để thay thế giấy nhám . Thời trước , chưa có nhiều nhà máy xay lúa , người dân quê thường tự tay làm cối xay lúa , ở xóm Cẩm Lai , đi về hướng Mỹ Tho , khỏi cổng " chào mừng quý khách " đến chỗ quán cháo vịt , đối diện là xóm Cẩm Lai , có hai Ông tên Cự , để phân biệt , có một Ông Cự chuyên môn làm cối xay lúa nên dân trong làng gọi tên Cự Cối . Nói tới giòng họ Cự , người ta nghĩ tới một giòng họ nỗi tiếng giàu có như : dealer xe hơi ở Sài Gòn trước năm 75 có Salon Cự Phú , chuyên gia sữa trặc Cự Thất , nhà làm tương Cự Đà , một Ông có thế lực bự là Cự Bu , riêng Ông Cự Cối không thuộc tông họ nầy , mà chỉ suốt đời làm cối xay lúa , đặc biệt , răng cối và " cây ngổng " tức là cây trục ở giữa làm bằng loại cây đước già , loại cây nầy cứng chắc , muốn vuốt cho bằng cho tròn chỉ có cách trị bằng dũa da cá đuối . Công dụng thêm nửa của da cá đuối là làm dép , dép đơn giản như dép râu Bình Trị Thiên thay vì làm bằng vỏ xe thì làm bằng da cá đuối . Dép da cá đuối phổ thông cho người làm ruộng muối , mấy bà gánh cải từ miền quê ra chợ , mấy người buôn gánh bán bưng ...và người không tiền mua dép da nên đi đám giổ quảy , ăn nhậu cũng xài dép da cá đuối .
    Có một " xuất phẩm ", một món ăn chỉ ở Gò Công mới có , độc đáo " danh trấn giang hồ " món nầy được chế biến bởi mấy Ông chủ điền , Hội Đồng , con cháu " bà lớn " " sáng tác " thành tuyệt phẩm ẩm thực truyền lại cho con cháu ...ăn nhậu , đó là món gỏi da cá đuối . Muốn làm gỏi da cá đuối phải qua nhiều giai đoạn công phu :
    - Lột da cá đuối tươi đem phơi khô
    - Da khô được nướng cháy vàng lớp ngoài
    - ngâm nước cho mềm
    - Cạo lớp da cháy vàng cho da trở thành màu trắng
    - Thái thành từng cọng dài 5 cm
    - ngâm phèn chua làm da cá trong suốt
    - Rửa sạch phơi khô đựng trong keo hủ chờ làm gỏi .
    Dưới dốc cầu Long Chánh , Thị Xã Gò Công , kế bên nhà Nhạc Sĩ Lê Dinh có chị Hai Quang chuyên môn sản xuất da cá đuối theo " order " của dân Gò Công hải ngoại mang ra ngoại quốc vừa tiện lợi vừa nhẹ cân , không có mùi nên quan thuế ở phi trường không bao giờ xét hỏi và làm khó dễ .
    Muốn làm một dỉa gỏi da cá đuối phải làm tuần tự như sau :
    - Ngâm da cá đuối khô vào nước lạnh
    - Nhai thử thấy dòn vớt ra để cho ráo .
    - Trộn da cá đuối với thịt ba chỉ , tôm luộc lột vỏ , ngó sen , carot với nước gỏi hổn hợp gồm có dấm chanh , củ hành , đường ...
    - Trình bày trên dĩa lớn " trình diễn " thêm rau răm , đậu phộng rang đập bể 3 - 4 , trang trí thêm một trái ớt tỉa hoa lá gắn ở giữa " thành hoa nở trên dĩa gỏi "thêm phần xôm tụ .
    Như vậy dỉa dỏi da cá đuối đang mời mọc thực khách , dĩa gỏi quê hương Gò Công trước mặt khỏi đi đâu xa , khỏi phải " Anh xin em đưa về , về quê hương ăn gỏi ..." Bây giờ là phần then chốt chương trình , phần ăn gỏi . Gắp gỏi vào chén , " kiểm soát " coi đầy đủ chi tiết ...gỏi chưa ? chan một ít nước mắm ớt , kiểm soát lại lần nửa , nào là tôm thịt , rau răm , da cá đuối , nhấm một ly rượu lấy trớn ..." và" gỏi nghe rào rạo , da cá dòn dòn , thịt ba chỉ béo ngậy , cắn ngang con tôm ngập răng ...chua , ngọt , nồng cay ...một khám phá món ngon vật lạ của người dân Gò Công thực sự để đời , nhấp rượu , đưa mồi gỏi cá đuối ...tai nghe trong tai âm thanh rào rạo , mắt mờ mờ trong men rượu , nhìn cõi xa xăm quê hương ta có ...da cá đuối . Xin cảm tạ ơn Gò Công , địa linh nhân kiệt có "Ông lớn, Bà lớn " chế ra gỏi da cá đuối , Xin cảm ơn hiền nội chìu chồng nhắn bà con gửi da cá đuối qua Mỹ , xin giả từ gỏi rau câu , gỏi sứa , nếu so sánh với gỏi cá đuối chẳng khác nào phụng hoàng đứng bên gà vịt , hiền nội tui ơi ! Quan tể tướng của tui ơi ! sao mà khéo chìu chồng , khéo ...trộn gỏi da cá đuối ...
    Chuyện gỏi da cá đuối , lại nhớ một giai thoại mà dân ăn nhậu vẫn thường kể lại . Anh sui trai từ làng Tân Thành lên làng Đồng Sơn thăm anh sui gái . Hai Anh sui rất xứng sui gia , nghĩa là khoái nhậu . Lâu ngày mới rảnh rổi , hai anh sui thăm nhau và bày một trận " giao hữu" . Anh sui gái trãi chiếu trên bộ ván gõ , mời anh sui trai bỏ dép , phủi cẳng nằm nghỉ cho khỏe đợi món nhậu . Đường xa mệt mỏi , thêm nghỉ dưỡng sức cho khỏe đợi món nhậu , nên anh sui trai ngủ ngon lành . Làm xong món nhậu , anh sui gái khều cẳng đựng đầu anh sui trai dậy mời nhập tiệc . Hai anh sui sáp trận , ly cạn ly đầy , khen món" chủ lực "là dỉa gỏi quá ngon , nhậu quá " bắt " chưa có độ nhậu nào ngon cở độ nhậu nầy . Rượu cạn , mồi hết , tiệc tàn , anh sui trai từ giả anh sui gái ra về thơ thới hân hoan , anh sui trai với tay lấy nón nỉ móc trên sừng nai gắn trên vách đội lên đầu , rồi ngó quanh ngó quẩn như tìm một cái gì ...mà quên ...mà tìm không thấy ...mà đâu mất . Như hiểu ý , anh sui gái hỏi : Anh kiếm đôi dép phải không anh sui ? Nói thiệt với Anh sui , vợ tôi làm gỏi đôi dép da cá đuối của anh rồi , tụi mình nhậu hết hai chiếc dép rồi . Anh sui trai chưng hửng , ngạc nhiên , ...hết say , khen tài chế biến món gỏi bằng hai chiếc dép da cá đuối , thôi chịu khó đi cẳng không , miễn có một trận nhậu quá đã là được rồi . Anh sui trai ra về " người đi , ừ nhỉ , người đi thật " chỉ đôi dép còn lại trong bụng hai anh sui " Bóng nhỏ đường dài " anh sui trai đội nón nỉ lửng thửng đi " xiêu vẹo " trên con đường đá đỏ buổi chiều để đón chiếc xe " lam " cuối cùng . Anh sui gái đưa mắt nhìn theo chép miệng : tội nghiệp anh sui ...tiêu tùng hai chiếc dép da cá đuối . Anh sui gái quay vào trong nhà , như nhớ một điều gì quan trọng , hét lớn : Má sắp nhỏ đâu rồi , phần gỏi để dành hồi nảy , nhớ đừng để mấy đứa nhỏ chòi mòi , chọc mọc ăn hết ...để tui rảnh , chút nhậu tiếp ..
    NGUYỄN PHƯỚC TƯỜNG


Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà : Thiên tình sử Nước Nam. 

Trong văn học nước Nam, có những chuyện tình có gốc tích Trung Quốc nhưng vì đã quá thân thuộc nên dân ta có cảm giác là của nước mình, như Kim trọng – Thúy Kiều, Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga. Nhưng cũng có trường hợp thiên tình sử rất đẹp của nước Nam, nhưng lại bị tưởng là của Trung Quốc. Người mộ điệu cải lương nào mà không biết bài ca cổ “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” của soạn giả Viễn Châu.
Cách đây hơn 40 năm, khi bắt đầu biết đọc chữ, tôi đã dùng mấy đồng tiền ăn quà để mua tờ giấy in bài ca cổ này bày bán trên nền chợ trước trường học. Tôi đã thuộc lòng và thỉnh thoảng lại hát bài ca nói về chuyện tình lãnh mạn và bi tráng đẹp như cổ tích của Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Thế nhưng, tôi cũng như nhiều người mộ điệu cải lương, cứ lầm tưởng đây là tích truyện Tàu nào đó thuộc đời Tống, đời Đường, giống như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Lữ Bố - Điêu Thuyền, Phạm lãi – Tây Thi…Cho tới một lần, tôi về thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), ghé thăm miếu thờ Võ Tánh, người đã phò chúa Nguyễn Ánh gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn, và thú vị biết rằng câu chuyện Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà là của dân mình, rất gần gũi với đất Nam bộ quê tôi.
Về Gò Công nghe chuyện Võ Đông Sơ
Từ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đi về phía biển gần 40 cây số là tới thị xã Gò Công, vùng đất đã từng cống hiến cho triều Nguyễn 2 bà hoàng hậu là bà Từ Dũ và Nam Phương Hoàng Hậu. Tiếp tục đi về hướng biển thêm khoảng 5 cây số là đến ấp Gò Tre – xã Long Thuận – thị xã Gò Công. Đây là vùng đất nổi tiếng với trái sơ ri. Bên con đường nhựa nhiều xe cộ qua lại, cạnh gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giữa khu vườn cây dại mọc um tùm là ngôi cổ miếu nhỏ dột nát, rêu phong, trên tấm biển ghi: Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh – Miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh, thân sinh của chàng trai Võ Đông Sơ trong câu chuyện tình nói trên.
Sử sách ghi rõ: Võ Tánh sinh năm 1768, quê gốc ở làng Phước Tỉnh thuộc tỉnh Trấn Biên (nay là Bà Rịa – Vũng Tàu). Cha mẹ mất sớm, Võ Tánh cùng với người nhũ mẫu trôi dạt về vùng Gò Công ngày nay. Nhờ sức khỏe hơn người, Võ Tánh khi lớn lên trở thành chàng trai khỏe mạnh, giỏi võ và gan dạ.
Vùng Gò Công khi ấy còn nhiều cọp, cá sấu, Võ Tánh đã đã tập hợp thanh niên trong vùng thành lập “đoàn quân nghĩa dõng” tổ chức đánh cọp, diệt cá sấu để đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. Vùng đất một bên là biển, một bên là rừng này cũng là nơi tụ tập, hoạt động của nhiều băng nhóm trộm cướp, “đoàn quân nghĩa dõng” của Võ Tánh cũng thường xuyên trấn áp trộm cướp, trừ gian diệt bạo, giữ an lành cuộc sống cho người dân vùng Gò Công.
Vùng đất heo hút Gò Công không trói buộc nỗi chí trai, Võ Tánh đã cùng “đoàn quân nghĩa dõng” do mình tổ chức giương cờ phò Chúa Nguyễn Phúc Ánh trong cuộc đối đầu với anh em nhà Tây Sơn. Sau khi lập nhiều chiến công, Võ Tánh được Chúa Nguyễn Ánh gả em gái là công chúa Ngọc Du, họ có được 1 đứa con trai đặt tên là Võ Đông Sơ.
ĐỀN THỜ VÕ TÁNH Ở GÒ CÔNG
Miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh.
Nhờ lập được nhiều công trạng, Võ Tánh rất được Chúa Nguyễn Ánh tin dùng, được giao trấn thủ thành Bình Định, là thành tiền tiêu, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đối đầu Nguyễn Ánh – Tây Sơn. Đến khi quân Tây Sơn bao vây thành với lực lượng hùng hậu, trong khi lực lực cứu nguy của Nguyễn Ánh đã bị chia cắt, biết không thể đương đầu trong cuộc chiến không cân sức, Võ Tánh đã chủ động gửi thư cho quân Tây Sơn xin đừng tàn sát binh sĩ, ông sẽ đầu hàng và nộp thành.
Được sự chấp nhận và cam kết từ phía Tây Sơn không giết hàng binh, ngày 7.7.1801 Võ Tánh đã uống chung rượu tiễn biệt với binh sĩ, rồi lên trên tường thành tự thiêu trước sự chứng kiến của quân sĩ hai bên. Các tướng lĩnh Tây Sơn không chỉ giữ đúng lời hứa không giết hại binh sĩ bại trận, mà còn tỏ thái độ khâm phục nghĩa cử anh hùng của Võ Tánh. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi Vua vào năm 1802, một trong những quyết định đầu tiên là truy tặng Võ Tánh danh hiệu “Dực vận Công thần Thái úy Quốc công”. Về sau Vua Minh Mạng truy phong Võ Tánh là Hoài Quốc Công.
Sau khi Võ Tánh qua đời, người dân Gò Công đã lập miếu thờ để ghi nhớ công ơn của ông đối với vùng đất này cũng như chí khí anh hùng của ông khi một mình tự thiêu để cứu ba quân. Về sau, chàng thanh niên Võ Đông Sơ khi đã trưởng thành đã một mình phi ngựa từ Bình Định vào Gò Công thăm quê cha và ghé đốt nhang, ngủ đêm trong ngôi miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh. Hàng năm vào các ngày 26 và 27 tháng 5 âm lịch, người dân Gò Công tổ chức cúng Võ Tánh khá tươm tất như là một lễ hội nhỏ trong vùng. Năm 2005 miếu thờ Võ Tánh được công nhận Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh.
Tình sử Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà
Tôi đã một lần về Gò Công ở đêm để dự ngày giỗ Hoài Quốc Công Võ Tánh. Giỗ Võ Tánh thường được Ban Quản trị ngôi miếu tổ chức từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau. Đêm hôm đó bao giờ cũng có chương trình đờn ca tài tử kéo dài đến tận khuya. Có một bài hát không thể thiếu trong chương trình ca hát là bài Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà.
Đã bao lần nghe bài hát này với giọng hát của nam danh ca Minh Cảnh, nhưng khi được nghe hát ngay dưới miếu thờ Võ Tánh, nơi đã từng đón bước chân Võ Đông Sơ, tôi thấy cảm xúc dâng trào: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi - Đường dài mịt mùng em không đến nơi - Mây nước buồn cơn lửa binh - Hết kể chuyện chung tình – Khóc than riêng em một mình…Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà!”.
Những người cao tuổi còn hát được trích đoạn trong vở tuồng Giọt máu chung tình (cũng nói về chuyện tình Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà) từng rất nổi tiếng vào thập niên 1930 do đoàn hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử Lê Công Phước dàn dựng, vai Bạch Thu Hà do chính cô Bảy Phùng Há thủ diễn.
Vào khoảng đầu thập niên 1960, ở Sài Gòn xuất hiện cuốn sách nhỏ (có hình minh họa) viết về tình sử Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Cuốn sách ghi rõ: Võ Đông Sơ là con của Hoài quốc Công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du; Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành. Sau khi Võ Tánh và Ngọc Du lần lượt qua đời, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định.
Khi Triều đình mở khoa thi để chọn tướng tài dẹp giặc ngoài biển Đông, Võ Đông Sơ lên đường ứng thí. Dọc đường, chàng trai họ Võ đã ra tay đánh cướp cứu tiểu thư Bạch Thu Hà trên đường đi lễ chùa gặp nạn. Dưới ánh trăng rằm, bên ngôi cổ tự, hai người đã thề nguyện chuyện trăm năm, hẹn ước về một cuộc trùng phùng…Sau đó Võ Đông Sơ thi đỗ và lãnh quân đi dẹp giặc. Ở nhà Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy chồng nên đã bỏ trốn khỏi nhà, thân gái phiêu bạt với nhiều gian truân.
Khi hay tin Võ Đông Sơ tử trận, Bạch Thu Hà quyên sinh để giữ trọn niềm trung trinh với người tình. Chuyện tình có thật Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà gần giống với chuyện tình trong văn học Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sáng tác sau đó, nhưng chuyện tình Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga kết thúc “có hậu” hơn, dù trải qua bao thăng trầm, cuối cùng đôi “trai tài gái sắc” đã có cuộc trùng phùng, chứ không “vĩnh viễn chia ly” như Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà.
Nhà hội (trong quần thể miếu thờ Võ Tánh) trong tình trạng hư hỏng nặng.
Từ câu chuyện tình này, soạn giả Viễn Châu đã viết 2 bài ca cổ “Võ Đông Sơ” (Minh Cảnh hát) và “Bạch Thu Hà” (Lệ Thủy hát), trong đó bài “Võ Đông Sơ” đã trở nên quen thuộc với mọi người yêu thích ca cổ, trong đó có những đoạn: “Bạch Thu Hà, Bạch Thu Hà ơi! Nàng đã bao phen vượt suối trèo non để giữ vẹn tiết trinh, ta mấy bận lao mình trong nắng gió. Chuyện hàn huyên chưa cùng nhau cạn tỏ, thì giọt máu chung tình đã nhuộm thấm chinh y. Từ đây hết nợ hết duyên, hết ân hết ái, lưỡi gươm thiêng ta xin gởi lại cho người yêu lý tưởng Bạch Thu Hà…”.
Chuyện tình đẹp là chuyện tình buồn
Những chuyện tình kết thúc trong đau thương như “Romeo – Juliet” (ở nước Anh), “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” (Trung Quốc) hay “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”, “Lan và Điệp” (ở nước ta) luôn là niềm cảm hứng cho các môn nghệ thuật và sống mãi với thời gian.
Người đời ghi nhớ những câu chuyện tình đó vì nó là biểu tượng của sự thủy chung và quá đau thương. Nhưng theo tôi, còn có lý do quan trọng khác nữa là: ngầm nhắc những người trong cuộc của các mối tình trọn vẹn hãy biết quý trọng hạnh phúc mà mình đạt được! Với ý nghĩa đó, tình sử “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” sẽ có giá trị mãi với đời. Người đời sau sẽ còn hát bài ca về câu chuyện tình của họ như là cách bày tỏ khát vọng về hạnh phúc, tình yêu, lòng thủy chung.
Ngôi miếu thờ Võ Tánh lại là một câu chuyện khác. Ngày trước, người dân tự giác lập miếu thờ Võ Tánh như là cách họ bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ đối với người đã có công trấn áp trộm cướp, giữ yên lành cho cuộc sống người dân Gò Công, người đã có hành động anh hùng hi sinh thân mình để cứu ba quân. Họ hàng ngày nhang khói, hàng năm cúng giỗ tươm tất, chăm sóc chu đáo, giữ gìn khang trang ngôi miếu (được trùng tu năm 1956)…Thế nhưng, hiện miếu thờ Võ Tánh đang xuống cấp nặng, khu di tích trở nên hoang tàn: nhà hội (kề bên miếu) có thể sụp đổ bất cứ lúc nào; ngôi miếu chính bị dột nát; khuôn viên miếu đầy cây dại…
Nguyên nhân của sự xuống cấp, theo ông Phạm Hồng Hiếu, thành viên Ban Quản trị Miếu Võ Tánh, người trực tiếp hàng ngày nhang khói ngôi miếu, do ngôi miếu đã là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, được sự bảo trợ và quản lý của ngành văn hóa địa phương, người dân không được quyền tùy tiện tác động vào hiện trạng ngôi miếu. Sự vận động đóng góp tu sửa miếu cũng khó hơn trước, do tâm lý chờ đợi nguồn vốn của Nhà nước. Trong khi đó, nguồn vốn của Nhà nước thì có giới hạn, mà tỉnh Tiền Giang nói chung và vùng đất Gò Công nói riêng lại có quá nhiều di tích cần được bảo dưỡng, duy tu.
Như Thủy

Tìm bài hát với lời "Gò Công"

RE: Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà : Thiên tình sử Nước Nam.
Tác giả Như Thủy này viết bài này thật sự chỉ là nghe kể miệng hoặc phỏng đoán nên vội vàng nói chuyện Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà là có thật.
Trước tiên xin nói về Võ Tánh, một cựu thần của Gia Long Nguyễn Ánh theo tài liệu dựa trên Wikipedia và một số nguồn khác:
Võ Tánh là một danh tướng đời nhà Nguyễn . Vì không chịu thần phục nhà Tây Sơn, ông cùng với người anh là Võ Nhàn phất cờ khởi nghïa tại thôn Vườn Trầu (Gia Định), rồi kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công . Nghĩa quân có đến hàng vạn người, còn được gọi là đạo quân "Kiến Hạ".
Theo về với Nguyễn Vương từ năm 1788, ông được phong làm Tiên Phong Dinh Khâm Sai Chưởng Cơ . Từ buổi đầu , Võ Tánh đã giúp cho Nguyễn Vương lập nhiều công trận , được Nguyễn Vương tin yêu , gả em gái là công chúa Ngọc Du cho ông .
Ông đã đánh bại tướng Tây Sơn Đào Văn Hồ , đoạt thành Diên Khánh vào năm 1790.
Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá. Khi trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành (1794). Sau đó ông được phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại Tướng Quân .
Năm 1797, ông theo Nguyễn Vương ra đánh Quảng Nam. Thừa thắng, ông vượt qua sông Mỹ Khê (Quãng Ngãi) đánh bại Đô Đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Giáp.
Năm 1799, ông lại theo Nguyễn Vương ra Quy Nhơn lần nữa. Vào cửa bể Thị Nại, Võ Tánh và Chưởng Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả, rồi tại cầu Tân An, giết được Đô Đốc Tây Sơn Nguyễn Thiệt. Đô Đốc Lê Chất xin hàng, xin làm thuộc tướng của Võ Tánh. Ông chận đánh quân của Thái Phó Tây Sơn là Lê Văn Đông tại làng Kha Đạo, bắt được 6000 quân Tây Sơn và 50 thớt voi. Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa thành Qui Nhơn xin hàng.
Thành Qui Nhơn được ông đổi tên là thành Bình Định.
Khi quân Nguyễn Vương rút về Gia Định, giao thành cho Hậu Quân Võ Tánh và Lễ Bộ Tham Tri Ngô Tùng Châu ở lại lo việc phòng thủ. Chẳng bao lâu, Đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy huy của Thái Phó Trần Quang Diệu đến vây thành. Nguyễn Vương đưa binh ra giải cứu không nổi, cuộc bao vây mãi kéo dài đến 14 tháng . Lâu ngày, trong thành binh sĩ thiếu lương thực rất nguy ngập.
Có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây thoát nguy, nhưng ông cương quyết ở lại và nói : "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy Chúa thượng?"
Ông cho người trao cho Tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu một bức thư, đại ý nói: "Phận sự làm chủ tướng đành chịu chết dưới cờ không quản ngại, chỉ xin tha chết cho binh sï và những kẻ vô tội trong thành". Ông sai thuộc hạ lấy rơm cũi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào rồi châm ng̣òi tự hỏa thiêu. Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn.
Võ Tánh tuẫn tiết vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức nhằm ngày 7 tháng 7 năm 1801.
Năm 1802 ông được vua Gia Long truy tặng Dực Vận Công Thần Thái Úy Quốc Công . Về sau vua Minh Mạng gia phong là Hoài quốc Công .
Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế , tức thành Đồ Bàn xưa . Vua Gia Long lại cho nặn hình nhân bằng sáp pha trầm , đưa về Gia Định an táng ( ngôi mộ này hiện nằm trong hẻm số 19 đường Hồ văn Huê -Sài Gòn )
Trước 1975, Sài Gòn có hai đường Võ Tánh: một thuộc Phú Nhuận (gần khu mộ Võ Tánh, nay là đường Hoàng Văn Thụ), một là phần thuộc quận 1 của đường Nguyễn Trãi hiện nay.
Tại đầu ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, hiện có ngôi đền thờ Võ Tánh mang tên là Võ Quốc Công Miếu.
[Hình: 2373639734_713a3d0589.jpg?v=0]
Lăng Võ Tánh trong di tích thành Hoàng Đế

Người con trai duy nhất của phò mã Võ Tánh và công chúa Ngọc Du là VÕ KHÁNH . (theo Văn Học Quốc Ngữ ở Nam Kì 1865-1930 " của Bằng Giang)
Võ Khánh giữ chức Chưởng Cơ , mất năm Minh Mạng thứ 12 . Võ Khánh có vợ và con nhưng vợ không phải là Bạch Thu Hà
Năm 1925 Nhà in Nguyễn Văn Viết đã ấn hành tác phẩm Giọt máu chung tình của tác giả Tân Vân Tử.
Tân Vân Tử tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi sinh năm 1875, quê quán ở huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định . Tân Vân Tử xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội là tú tài Nho học. Thân phụ tinh thông chữ Hán, làm chức Cai tổng.
Cũng như một số nhà văn, trí thức cùng thời , Tân Vân Tử được học chữ Hán từ nhỏ, lớn lên học trường Pháp Việt , vì vậy ông am tường cả Hán văn và Pháp văn.
Nền tảng học vấn "tân học" đã có tác động đáng kể đến ngòi bút của ông , nhất là dòng văn học Nam Kì 1865-1930 , với quyển tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên : " Thầy Lazarro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản .
Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn Sài Gòn, Tân Vân Tử được bổ làm Kinh Lịch ở Chợ Lớn, về sau được thăng chức Huyện hàm. Ông có hai đời vợ và hai người con (một trai một gái). Năm 1953, ông bệnh và mất năm 1955 tại Sài Gòn, hưởng thọ 80 tuổi.
Tân Vân Tử được giới học giả ngày nay coi là nhà văn viết" tiểu thuyết lịch sử"đầu tiên và tiêu biểu nhất của văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Tác phẩm của ông gồm có:
Giọt máu chung tình, Gia Long tẩu quốc, Hoàng tử Cảnh như Tây...
Tân Vân Tử viết tiểu thuyết giọt máu chung tình trong giai đoạn đất nước đang bị nạn xâm lăng. Với mong muốn là thức tỉnh những trái tim đang bị chà đạp và hơn hết là với tiêu chí " dân ta phải biết sử ta" để đánh động lòng yêu nước của người dân Gia Định.
Câu chuyện hư cấu được dàn dựng trên cái nền dã sử và mang đậm nét nho giáo nên khiến biết bao người rơi lệ. Một kết thúc không có hậu của một câu chuyện tình được viết theo lối cổ điển giống như kiểu Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, khiến không biết bao trái tim đa cảm thời bấy giờ thổn thức và nhất là khi được soạn giả Nguyễn Trọng Quyền dàn dựng thành vở tuồng cải lương Giọt máu chung tình mà một thời Cô Bảy Phùng Há thủ vai Bạch Thu Hà.
Sau này soạn giả Viễn Châu còn cho ra đời bài vọng cổ Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà mà cho đến nay vẫn còn ngân nga trong làn hơi đờn ca tài tử. (Mãi cho đến năm 2011 tác phẩm kia được chuyển thể và cách tân lên thành bài Hận Tù Và do đào Hớ thể hiện đã làm nức lòng giới đê tiện).
Nhưng thời gian thì bào mòn. Vì thế cho nên khi nhắc đến Võ Đông Sơ và Bạch Thu hà người ta thương nhắc nhau nghe theo kiểu dân gian. Một phần thì không theo sách vở, một phần dựa theo tài liệu còn nhớ dựa trên cuốn tiểu thuyết Giọt máu chung tình hoặc giả trên các vở tuông cải lương ca cổ.
Chúng ta thường có thói quen xem lịch sử theo kiểu biền ngẫu, đó là kiểu nghe theo lời kể hoặc theo một tuồng tích nào đó không rõ ràng. Vì vậy người dân xứ Tiền vẫn đinh ninh câu chuyện Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà là một câu chuyện có thật. Niềm tin của người dân một khi đã ăn sâu vào trong tiềm thức thì khó thế nào cải chính. Nhưng với một người viết bài theo kiểu tuyên truyền thì tôi thật sự nghĩ phải nắm bắt đầy đủ thông tin. Những thứ ta vô tình cứ theo đà đó tạo ra vô số sự ngộ nhận tiếp theo không đáng có. Cũng giống như câu chuyện diễm tình Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà cho đến nay vẫn chưa có người cải chính. 
ST 
 
                  
Võ sư Hồng Long: Thầy của những “võ sĩ bất bại” xứ Gò Công - Ảnh 3.

Truyền kỳ về võ sĩ bất bại xứ võ Gò Công

Với chuỗi trận hầu như bất bại trên các đấu trường trong nước vào quốc tế, mới 20 tuổi, cái tên Trần Bình Long đã trở nên lừng lẫy.
Dũng mãnh chiến thắng lời thách thức của Lý Diệu Quang – môn đồ Lý Tiểu Long, Trần Bình Long khiến bao nhiêu trái tim người hâm mộ Việt Nam thổn thức vỡ òa. Và cho đến tận bây giờ khi nhắc đến huyền thoại võ kinh trên xứ Gò người ta vẫn không ngớt lời ca tụng về tay đấm không biết mệt – Trần Bình Long.
Tuyệt chiêu bất bại “Phượng dực bạt phong”
Quả thật rất ngạc nhiên, khi Trần Bình Long, võ sĩ một thời làm khiếp đảm các anh tài trên giới võ lại có vẻ mặt hiền hòa, nhân dáng hậu hữu đến như vậy. Trần Bình Long cười giải thích: “Bỏ tập lâu rồi, người cứ thế phát tướng. Mà người học võ đâu cốt để lộ ra mình biết võ”. Trước mặt chúng tôi là người đàn ông luống tuổi, cách chuyện trò rặt phong thái miền tây sông nước. Và bên chén trà chiều muộn, Trần Bình Long từ từ góp nhặt những mảnh quá khứ oai hùng.
Ông tên thật là Trần Văn Mừng, năm nay đã hơn 60 tuổi, đang sống tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. Ông là một trong những môn sinh ưu tú, góp phần phát dương quang đại cho võ đường Triệu Tử Long, hệ phái võ kinh xứ Gò Công. Cùng với vị huấn luyện viên thanh sắc toàn tài Hồng Long, ông đã trở thành huyền thoại của đất võ xứ Gò.

Một trận đấu của võ sư Bình Long (Ảnh: Diễn đàn người miền Tây).
Sở dĩ báo chí thời đó gọi Trần Bình Long là “tay đấm không biết mệt” vì trong sự nghiệp võ thuật của mình ông gần như bất bại. Với tuyệt chiêu “phượng dực bạt phong”, ông liên tục chiến thắng bằng cách  hạ nốc ao đối thủ. “Phượng dực bạt phong” cùng với ông tung hoành từ nam chí bắc, qua tận xứ Miên, Nam Dương, Hong Kong, Trung Quốc … 
Với mãnh lực vô song, chiêu thức này đã khiến giới võ thuật thời bấy giờ vừa kinh hãi lại vừa bội phần thán phục. Đến nỗi, đến tận bây giờ người ta vẫn thêu dệt những lời đồn đại ly kỳ về “phượng dực bạt phong”. Rằng, ông đã lĩnh hội hết tinh hoa của phượng dực bạt phong, nên mỗi khi ra chiêu thức là lập tức hạ gục đối thủ. Rằng mỗi khi ông xuất chiêu, trong khoảnh khắc liền xuất hiện luồng khí mang hình dáng phượng hoàng xé gió, vút lên trời cao …
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên trường PTTH Bình Long, Gò Công, Tiền Giang là người từng học võ cùng thời với Trần Bình Long, thì sở dĩ có lời thêu dệt như vậy là vì, Bình Long liên tục hạ gục các đối thủ trên đất Miên, Nam Dương … Mà võ sĩ đến từ các nước này, thường bị đồn đại là biết sử dụng bùa chú, nên chiến thắng của Bình Long khiến người ta tin rằng ông thật sự có phượng hoàng bảo vệ. Đem những lời này thuật lại với Trần Bình Long, ông cười ngặt nghẽo: “Người ta đồn đại là vậy cho thêm phần màu nhiệm, võ thuật vận dụng sức người là chính chứ không có quyền phép gì ảo diệu đâu”.
Trần Bình Long chậm rãi giải thích: “Phượng dực bạt phong hay còn gọi là nôm na là chỏ lật nằm trong bộ Phượng hoàng quyền pháp của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đòn chỏ lật chủ yếu dùng cùi chỏ để bủa ra phía sau, hay lật bủa từ trên cao xuống”. Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn xem thế đánh, Trần Bình Long cười tươi rồi ngay tức khắc mặt liền thay đổi. Từ hiền hòa, Trần Bình Long trở nên trang nghiêm, quắc thước đến lạ lùng. Ông vừa di chuyển, vừa dùng lời giảng giải: “Gối, chỏ là những kỹ thuật cận chiến của võ thuật cổ truyền. Tượng hình các thế đánh củi chỏ như đôi cánh phượng hoàng là 'phượng dực”. 
“Phượng dực bạt phong” nghĩa là cánh phượng hoàng xé gió. Đấy vốn là một đòn hiểm nhưng thường dùng để đánh ngã đối phương chứ không chủ tâm gây chết người. Phượng hoàng là loài chim chỉ xuất hiện khi bình an, thịnh vượng nên không phải ngẫu nhiên mà các bậc tôn sư lựa chọn cánh phượng hoàng làm biểu tượng cho kỹ thuật sử dụng củi chỏ”.
“Tay đấm không biết mệt”
Thuở ấy, võ thuật được rất nhiều người yêu thích. Các sới đấu luôn đông nghẹt người và võ sĩ được tôn lên như những anh hùng. Bởi thế, như bao cậu trai cùng lứa, ao ước của cậu bé Mừng là sau này lớn lên sẽ được trở thành võ sĩ. Mỗi khi có hội đấu võ là y như rằng Mừng trốn ngủ trưa, chân trần chạy hàng mấy cây số để đến xem cho bằng được những trận thượng võ đài. Lớn lên một chút, Mừng tìm đến võ đường Triệu Tử Long, nổi tiếng khắp đất Gò Công để ghi danh học võ. Tuy gầy nhom như ống lau, ống sậy nhưng Trần Bình Long vốn dĩ có ngộ tính võ thuật nên nhanh chóng trở thành môn sinh ưu tú. Và dưới sự dìu dắt của vị võ sư tài năng Hồng Long, con trai của sư tổ hệ phái Triệu Tử Long, Mừng cùng các đồng môn chẳng mấy chốc vang danh miền lục tỉnh.
Năm 1974, Trần Văn Mừng lúc ấy đã được đổi tên hiệu là Trần Bình Long, được Hồng Long ghi danh tham dự giải võ thuật quốc gia. Năm ấy, Trần Bình Long vừa mới tròn 20 tuổi. Do thể hình thấp bé, chỉ cao 1m63 lại khá nhỏ tuổi nên chẳng mấy ai chú ý đến thí sinh Trần Bình Long. Dù cậu lính mới này không cần thắng điểm, mà lọt vào vòng trong với chuỗi trận liên tiếp hạ nốc ao đối thủ. 
Cho đến trận bán kết 1, cái tên Trần Bình Long mới được người ta kiêng dè. Trận này, Trần Bình Long đấu với Lê Bảo Châu, một đàn anh dạn dày kinh nghiệm hơn Bình Long rất nhiều. Nhưng chỉ trong vòng 50 giây đầu tiên của hiệp đấu, Trần Bình Long đã một chiêu đánh rớt đài Lê Bảo Châu. Lúc này, người ta mới ngỡ ngàng về chiêu thức dũng mãnh mà bấy lâu Trần Bình Long sử dụng. Đó không gì khác chính là “phượng dực bạt phong”. Và cũng với tuyệt chiêu này, ông đã bước lên bục cao nhất của giải đấu võ thuật năm ấy.
Mới đạt giải vô địch ngày một ngày hai, ngày thứ 3 đã có võ sĩ đến thách đấu cùng ông. Thầy trò ông dù không khiếp sợ nhưng nếu cứ thi đấu liên tục e rằng sức của ông không chịu nổi. Trong khi đó, võ sĩ đến thách đấu ngày càng nhiều. Lại có những đàn anh đã nổi danh từ trước đó như Xuân Hải, Lâm Điền Vũ (võ đường Xuân Bình, Sài Gòn cũ). 
Lo lắng là vậy nhưng trong những lần thượng đài, ông lại xuất sắc hạ gục các đối thủ bằng “phượng dực bạt phong”, và tiếp tục toàn thắng với chuỗi trận nốc ao. Ngày ấy, sân Tinh Võ, cạnh bên thao trường Nguyễn Trãi (nay là trường đại học Sư phạm Thể dục – Thể thao thành phố Hồ Chí Minh), lúc nào cũng căng dải quảng cáo với cái tên Trần Bình Long thật lớn để thu hút khách. Và với chiến thắng liên tiếp, ông được giới báo chí thời bấy giờ ca ngợi là “tay đấm không biết mệt” tại Việt Nam.
Về sau, do thời gian lưu lại Sài Gòn đã quá lâu với ông cũng đã quá mệt mỏi với những trận thượng đài liên tục nên võ sư Hồng Long quyết định không nhận lời thách đấu nữa. Ông đưa Bình Long về quê để tiếp tục luyện tập và học văn hóa. Nhưng cái duyên với sới đấu chưa hết, mới nghỉ được vài ngày, Trần Bình Long lại tiếp tục bị “lôi kéo” đi chinh phục các sới võ dọc dải đất miền Trung – nơi có bề dày truyền thống võ học thuộc hàng bậc nhất ở Việt Nam. Và cũng chính chuyến du đấu này đã khiến Trần Bình Long suýt nữa bị Tổng cục võ thuật rút lại danh hiệu “Đương kim vô địch”.
Chinh phục sới võ miền Trung
Nguyên cớ là do võ sư Hoàng Thọ, từ miền cao nguyên đất đỏ nghe danh thầy trò Bình Long bất bại đã không quản đường đi khó, lặn lội xuống tận Tiền Giang để tìm gặp. Cảnh kích thịnh tình của Hoàng Thọ, võ sư Hồng Long đã cao hứng kết nghĩa an hem. Và Hoàng Thọ cũng không giấu giếm ý định mượn Bình Long cùng các môn đồ khác đi du đấu dọc giải đất miền Trung. Mượn nghĩa là Bình Long cùng các đồng môn phải lấy tên hiệu khác, theo tên hiệu của Hoàng Thọ và giả làm đệ tử của ông. 
Hồng Long cũng không hẹp hòi gì, nhưng ngặt nỗi Bình Long mới lên ngôi vô địch chưa lâu. Lỡ chuyện đến tai Tổng cục võ thuật lại rắc rối cho đứa học trò cưng. Nhưng Hồng Long từ trước đến giờ vốn rất mong muốn được giao đấu và học hỏi thêm tinh hoa của các hệ phái danh tiếng dọc vùng duyên hải miền trung. Điều này, sẽ khiến ông và các môn đồ của mình mở rộng tầm mắt, nay có người tài trợ kinh phí và đưa đi, thì quả thật rất khó từ chối. Sau vài lần hội ý, các học trò của ông đều đồng ý đòi đi. Bởi vậy, vị võ sư này cũng đành tặc lưỡi chọn quân theo Hoàng Thọ đi du đấu. Về phần Bình Long, đổi tên hiệu giả là Hoàng Hùm.
Quả thật, như những gì Hoàng Thọ mong đợi, đội đệ tử giả của ông thắng trận như chẻ tre. Người ta còn ưu ái đặt cho Trần Bình Long, bấy giờ là Hoàng Hùm danh hiệu “Hùm xám của cao nguyên đất đỏ”. Lúc này, giới võ thuật đã bắt đầu xôn xao về chiêu thức hạ gục đối thủ của Hoàng Hùm. Người ta cho đó chính xác là “phượng dực bạt phong” của đương kim vô địch Trần Bình Long. Nhưng vẫn không ai dám đứng lên xác thực, vì báo chí thời ấy chưa được phổ biến, mặt mũi Trần Bình Long tròn méo ra sao, “Phượng dực bạt phong” uy dũng thế nào cũng chỉ nghe truyền miệng chứ chưa bao giờ tận mắt thấy. Miền trung vốn có tinh thần thượng võ rất cao, dù có bại trận các võ sĩ cũng không bao giờ để dạ hận thù, hiềm khích mà còn rất trọng vọng đối thủ đã chiến thắng mình, để được dịp học hỏi thêm tinh hoa võ học. Bởi vậy, Hoàng Hùm ở miền trung được tiếp đãi rất ân cần.
Uy danh của “Hùm xám cao nguyên đất đỏ” nhanh chóng được vang xa. Bấy giờ, võ sĩ nổi danh của Quảng Ngãi là Nguyễn Tiến Dũng đã nghe tiếng Hoàng Hùm nên có ý định thách đấu. Biết Nguyễn Tiến Dũng vỗn là võ sĩ có tiếng tăm, nên Bình Long phải về hỏi ý kiến Hồng Long. Đây là cơ hội để ông càng có thêm kinh nghiệm thượng đài nên Hồng Long nhận lời. Ông đâu ngờ  rằng, tuy Hoàng Hùm không ai biết, nhưng Nguyễn Tiến Dũng vốn dĩ không phải hạng tầm thường, nên trận đấu này chẳng mấy chốc đến tai Tổng cục võ thuật.
Ngày thi đấu, khán giả đến xem đông nghẹt khán đài. Khán giả đông, Hoàng Hùm hơi nao núng, nên để thăm dò thực lực đối phương, ông liên tục né đòn. Đang tấn công vô thưởng vô phạt, bỗng Nguyễn Tiến Dũng tung đòn hiểm. Thì ra, từ nãy giờ Tiến Dũng chỉ đánh cầm chừng để dồn hết sức và nghi binh cho đòn hiểm này. Nhanh như cắt Hoàng Hùm xoay người né đòn, đồng thời tay phải sử dụng chiêu phượng dực bạt phong, bủa thật mạnh từ trước ra sau khiến Tiến Dũng không kịp trở tay, dính đòn và ngay lập tức rớt đài. Nguyễn Tiến Dũng không dạy nổi, trọng tài tuyên bố Hoàng Hùm thắng nốc ao. Phía dưới khán đài, tuy Bình Long chiến thắng nhưng vẻ mặt Hồng Long lại bỗng nhiên thất sắc, vì ông đã nhận ra sự có mặt của đại diện Tổng cục võ thuật.
Thầy trò Trần Bình Long lập tức được lệnh triệu tập của tổng cục võ thuật. Nhưng như đã nói từ trước, Hồng Long ngoài tài huấn luyện môn sinh, ông còn nổi tiếng thanh sắc toàn tài. Với ngoại hình thanh tú, hoạt ngôn sắc sảo, Hồng Long từ trước khiến các vị chức sắc trong tổng cục có đôi phần cảm mến. Và vời tài biện hộ của mình, Hồng Long đã giúp Bình Long thoát khỏi một phen rắc rối.
Trở lại quê nhà, không lâu sau đó Trần Bình Long ghi danh tham gia giải đấu “người cày có ruộng”. Giải đấu được diễn ra ở Cần Thơ, tập trung hầu hết anh tài võ thuật miền tây. Vì đây là giải đấu giao hữu, nên không có cơ cấu giải. Tuy nhiên, lại với chuỗi bất bại, Trần Bình Long của hệ phái Triệu Tử Long, thuộc dòng võ kinh xứ võ Gò Công đã bắt đầu vang danh khắp miền Tây lục tỉnh. Lúc bấy giờ giải đấu nổi lên một cái tên cũng uy danh không kém đó là Nguyễn Hoàng Điểm, thuộc võ đường Tần Hớn, người mang đai tứ đẳng của môn phái Thái cực đạo. 
Ông được ghép với Nguyễn Hoàng Điểm để tranh tài. Ông hóm hỉnh kể lại: “Ông Nguyễn Hoàng Điểm có xăm trên lưng nguyên một con rồng rất to. Mình mẩy đỏ ké, nên người ta thường gọi là 'cây trụ đồng của võ đường Tân Hớn'. Nhìn ổng thôi, cũng đủ khiến mình sợ rồi”… Nhưng nói là nói vậy, ông sau hiệp đấu thăm dò đối thủ, đến hiệp thứ hai vẫn tiếp tục hạ nốc ao Nguyễn Hoàng Điểm. Hạ được đối thủ đáng gờm nhất giải, lúc này, Hồng Long mới công bố Trần Bình Long chính là đương kim vô địch. Từ đó, tiếng tăm của Trần Bình Long danh chấn từ bắc chí nam, đi đâu ai ai cũng nể phục.
Trận đấu “cân não” với môn đồ của Lý Tiểu Long
Trở thành võ sĩ chiến thắng tuyệt đối tại Việt Nam thời bấy giờ, Hồng Long khuyên Bình Long ngừng nhận lời thách đấu trong nước. Nhưng cũng chẳng được nghỉ ngơi lâu, các thư mời thách đấu từ các võ sĩ ngoại quốc lại được gửi về tới tấp. Bình Long lại cùng thầy đối mặt với các võ sĩ đến từ Miên, Nam Dương, Thái Lan … 
Tuy chiêu thức của võ thuật các nước này chưa bao giờ Bình Long được chứng kiến, nhưng ông vẫn oai dũng giành chiến thắng mang lại niềm tự hào cho nền võ thuật Việt Nam. Trong suốt quãng thời gian chinh chiến của mình, Trần Bình Long chưa hề thất thủ và chỉ để hòa điểm một trận duy nhất với võ sĩ Thái Lan tên phiên âm là Pon-pen-ma-lai (mỗi trận đối kháng thời điểm ấy thường có 3 hiệp tính điểm, và nốc ao đối thủ ở hiệp nào thì dừng lại ngay ở hiệp đó). Và trong những lần giương cao cờ Việt trên đấu trường quốc tế, có lẽ nhớ nhất với Trần Bình Long là trận nghênh chiến với Lý Diệu Quang, môn đồ của Lý Tiểu Long.
Nhận được thư thách đấu của Lý Diệu Quang, cả Trần Bình Long và Hồng Long đều bồi hồi không yên. Vì trước giờ, người bạn láng giềng phương bắc luôn tự hào về nền võ học tinh hoa đã tích tụ từ mấy ngàn năm về trước. Tuy đã không xa lạ gì với những trận tranh hùng với võ sĩ nước ngoài nhưng lần thượng đài cùng Lý Diệu Quang lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Không ai bảo ai nhưng tất cả những người trong đoàn đều tự hiểu rằng, đây chính là cơ hội để võ thuật cổ truyền nước ta khẳng định thế không hề thua kém công phu của Trung Hoa rộng lớn. 
Nhưng tình thế lại hoàn toàn bất lợi cho Bình Long. Đến cận ngày thi đấu, Bình Long mới biết là phải sử dụng găng tay mi ni, chỉ được bao nửa bàn tay, thứ mà cậu chưa bao giờ dùng tới. Hơn nữa, Trần Bình Long lại có vóc dáng nhỏ hơn đối thủ, bấy giờ chỉ cao có 1m63 nặng 51 kg, còn Lý Diệu Quang lại cao đến 1m70. Tay và chân dài hơn, luôn là lợi thế khi giao đấu trực diện. 
Bình Long khi ấy còn quá trẻ, nhận ra được tầm quan trọng của lần thượng đài này, ông cứ đứng ngồi không yên. Biết trò lo lắng, Hồng Long luôn túc trực động viên để lấy lại sự tự tin cho chàng trai trẻ. Đêm trước trận đấu, để thể hiện sự trọng thị của mình, Lý Diệu Quang đã tìm gặp Bình Long, Diệu Quang tặng cho ông một chiếc quần jeans mới tinh, ông thật lòng không muốn nhận nhưng do khác biệt về ngôn ngữ, ông không biết phải làm sao để diễn tả ý muốn của mình. Điều này khiến cậu bé Bình Long dạ đã rối, giờ lại càng rối hơn.
Ngày thi đấu, Hồng Long vỗ vai Bình Long đầy tin cẩn. Bên dưới võ đài, những con tim Việt đang thổn thức hướng theo từng bước chân của Hồng Long. Vào hiệp 1, như thường lệ, Bình Long chưa vội tấn công, cả Lý Diệu Quang cũng vậy. Cả hai chỉ đánh cầm chừng để dò đòn đối phương. Tuy vậy nhưng các đòn thế vẫn không kém phần đẹp mặt. Công phu Trung Hoa quả thật không tầm thường, các đòn thế của tay chân luôn kết hợp uyển chuyển, nhìn thì đẹp mắt nhưng hiểm hóc khôn lường. Nhưng Bình Long cũng không phải là hạng tay mơ. Bao nhiêu tinh hoa của võ cổ truyền mà ông đã lĩnh hội đều được mang ra thi triển. Với năng khiếu thiên bẩm, Bình Long liên tục hóa giải thành công những thế đánh của Lý Diệu Quang. Sau mỗi lần hóa giải đều kèm theo một đòn hậu, lợi dụng lực của đối phương khiến đại diện phía Trung Hoa mấy lần thất kinh, biến sắc.
Nghỉ giữa hiệp, mọi người trong đòan cố pha trò để tạo tâm lý thoải mái cho Bình Long, nhưng cả ông và Hồng Long đều không nói không rằng. Không khí căng thẳng đè nặng lên số khán giả ít ỏi có mặt tại Hồng Kông năm ấy. Vào hiệp 2, Lý Diệu Quang nhờ lợi thế chiều cao vung quyền đấm thẳng vào giữa ngực Bình Long, ông bình tĩnh né đòn. Nghĩ Bình Long mới xoay người chắc hẳn chưa kịp về lại thế thủ bộ vững nên nhanh như cắt, Diệu Quang kèm tiếp một đòn đá vắt, nhằm ngang người Bình Long lướt tới. 
Thì ra, cú đấm thẳng là đòn giả, bao nhiêu lực Diệu Quang dồn vào cước này, nếu Bình Long trúng đòn e rằng văng ra khỏi đài, gãy xương chứ chẳng chơi. Phía dưới võ đài, Hồng Long thất sắc, vì ông đã nhìn ra đây là một đòn sát thủ. Bình Long nhíu mày rồi như một cơn gió, ông nhẹ nhàng lướt người qua trái, đạp cước tiến, tay tung chiêu phượng dực bạt phong. Bộ quyền pháp phượng hoàng quả thực ảo diệu, lại được Bình Long sáng suốt kết hợp nhuần nhuyễn, biến thủ thành công khiến Diệu Quang trở tay không kịp, lãnh trọn một đòn trời giáng ngã lăn ra võ đài. 
Tất cả khán giả đồng loạt đứng dậy, hồi hộp theo từng nhịp đếm của trọng tài, rồi vỡ òa theo tiếng tung hô : “Bình Long Việt Nam đã  hạ nốc ao Lý Diệu Quang của Hồng Kông”. Và cho đến tận bây  giờ, Trần Bình Long nay là thầy giáo Mừng vẫn không thể nào quên được cảm xúc tuyệt vời của lần đối đầu năm ấy. Bình Long chạy ngay xuống đài, Hồng Long ôm chầm lấy học trò, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa. Tất cả những người trong đoàn Việt Nam năm ấy, đều nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc ngập tràn.
Hòa bình lập lại, Bình Long về quê theo nghề gõ đầu trẻ va trở thành thầy giáo Mừng. Sau, ông bỏ nghề giáo cùng vợ làm kinh tế, việc làm ăn cứ thế phát đạt, nhưng Bình Long vẫn canh cánh không yên vì hệ phái Triệu Tử Long đang đến hồi suy thoái. Bình Long buồn buồn nói: “Mới đầu cũng duy trì sới võ, nhưng rồi khó khăn quá, mọi việc cứ thế buông xuôi. Mà hiện nay, cũng ít ai có cái tâm theo được võ cổ truyền. Nếu mà hệ phái Triệu Tử Long thất truyền chắc anh  em chúng tôi mang tội lớn”. 
Trần Bình Long còn kể, các võ sư của hệ phái Triệu Tử Long như Hồng Long, Hồng Yên, Sơn Long … ai cũng muốn khôi phục lại uy danh của Võ kinh xứ Gò. Kết chuyện, Bình Long chỉ thở dài: “Nhưng tình hình hiện tại, dường như rất khó. Hồng Long bị đột quỵ, ngay cả đến tôi thầy cũng không muốn gặp, anh em người mất, người vất vả mưu sinh. Biết phải làm sao”.
Theo Pháp luật & Cuộc sống