Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Hoa Phù dung ngày ấy

Những hình ảnh hoa Phù Dung đẹp nhất - Ý nghĩa hoa Phù Dung
Sắc màu phù dung
Ba sắc màu hoa, một kiếp hoa !
    Bình minh nở trắng thật kiêu sa...
 Trưa hồng tươi thắm dường thanh nữ,
  Hoàng hôn đỏ sẫm ánh chiều tà !
 
Sớm nở tối tàn thân cô lẻ,
   Thương đời phô sắc trọn kiếp hoa...
  Có ai thấu hiểu tình hoa đẹp ? 
 Hay chỉ yêu hoa nét mặn mà ?! 
NM
(Thân tặng Vân dể nhớ về xóm cũ -
Tên chùa trong bài là một sự lựa chọn ngẫu nhiên)
Hoa Phù Dung ngày ấy !...
       Mẹ tôi mất lúc bà mới 48 tuổi ! Mẹ mất vì căn bệnh ung thư gan, ai cũng nói mẹ còn quá trẻ, nhưng khi quàn mẹ trong chùa Xá Lợi thì sư cô trụ trì chùa Khánh Thiền lại nói với tôi mẹ có con sớm vì thế cộng tuổi con cái tất cả 5 người thì mẹ được xem như " hưởng thọ" rồi .
        Đêm cuối ở chùa, sư cô ngủ lại với chị em tôi để sáng sớm tụng kinh cúng đưa mẹ đi, bà nhắc lại mối thân tình giữa bà và mẹ, về những kỷ niệm xưa....sau cùng bà nói về nguyên nhân bà xuất gia, hoàn tục rồi lại trở vào chùa lúc chồng mất đi để lại cho bà năm người con trai, mỗi người đều có một cái tật, người chột mắt, người câm, người chân thấp chân cao....! Bà nói đó là quả báu của vợ chồng bà, cộng với nghiệp quả kiếp trước của các con cho nên bây giờ bà cho các con xuất gia, cả năm người con bây giờ cùng tu với mẹ, căn nhà trở thành ngôi chùa, sáu mẹ con tu và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi !!....
        Cuối cùng trước khi giục chị em tôi đi ngủ bà thở dài lẩm bẩm : "Đời người như đoá phù dung, sớm nở tối tàn !". Không biết bà nói cho tâm sự của bà hay cho cuộc đời của mẹ ?!
***
        Câu nói đó cứ lởn vởn trong đầu tôi, đám tang mẹ xong tôi thắc mắc hỏi ba, vì ba luôn là quyển tự điển sống, bất cứ cái gì ba cũng biết và giải thích thật rõ ràng, ba lại rành về cây cảnh, hay kể cho chị em tôi nghe về khu vườn ngày xưa của ông bà nội, có lẻ giống ba tôi thích cây cảnh và hay trồng hoa, căn nhà tôi ở lúc đó chỉ có cái sân nhỏ xíu vậy mà tôi tận dụng thành lan can của sân để trồng đủ thứ loại cây, mỗi thứ một chậu.....! Tôi kể ba nghe về lời sư cô nói và hỏi ba hoa phù dung ra sao, ba tôi cho biết hoa rất đẹp và có từng chùm, hoa có thể to như cái chén ăn cơm, giống như hình dáng bông bụp tây, mùi hương nhẹ và thoang thoảng nhưng đặc điểm của hoa là màu sắc thay đổi, sáng tinh mơ hoa nở ra có màu trắng tinh khôi, giữa trưa hoa có sắc hồng tươi thắm và tàn vào buổi chiều, trước khi hoa tàn hoa lại có mầu hồng đỏ thẫm !! Cả ba sắc hoa đều đẹp, ba nói vì sáng nở tối tàn lại thay đổi sắc màu như vậy cho nên ngày xưa nhà có con gái không ai trồng loại hoa nầy, người ta  chỉ trồng hoa phù dung nơi chùa chiền ....Rồi ba lại nói khi nào có dịp ba sẽ chỉ cho tôi xem....Nhưng tôi vẫn chưa bao giờ  nhìn được loài hoa thay sắc đổi màu lạ lùng nầy....
        Sau đám tang mẹ gần 1 năm thì em trai lớn của tôi có bạn gái, em là người mà mẹ thương nhất, có lẻ sự ra đi của mẹ là một mất mát to lớn cho nó nên khi gặp Vân hai đứa dễ thân nhau, Trong những ngày em tôi đi công tác xa Vân thường tới nhà chơi trò chuyện làm thân, Vân kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của Vân, tôi được biết Vân có nhiều chị em gái, nhưng mẹ lại gởi Vân và một người em nữa cho các cô nuôi ở Long An, các cô không chồng sống cùng nhau trong một khu vườn lớn còn lại sau khi bị nhà nước lấy đi một phần, tôi thường ngồi vừa vẽ mẫu áo vừa nghe Vân kể, bất chợt tôi nhớ và hỏi thăm về hoa phù dung, Vân nói có biết và thấy hoa trong vườn nhà ! Thật là may, Vân hứa khi nào có dịp về quê sẽ mang lên cây hoa phù dung tặng tôi !
*****
        Cuối cùng thì tôi cũng được nhìn thấy hoa phù dung, cây hoa Vân mang đến cho tôi vào buổi chiều, cây chưa cao lắm nhưng đã có hoa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa là sắc hồng đậm gần qua đỏ, trong ánh nắng chiều hoa vẫn còn tươi đẹp mang vẻ kiêu sa, nhưng dường như dáng hoa hơi mõi mệt, có lẻ do ấn tượng sắc hoa lúc về chiều hay vì khi rời xa chốn cũ lên đây hoa phải trải qua một đoạn đường dài hơn 40kms ? Quả thật là hoa đẹp như ba tôi mô tả, tôi vui mừng trồng ngay vào một chậu tương đối lớn....chăm chút và tưới cây liền, nôn nao nhìn những búp non hé mở báo hiệu sẽ nở rộ lúc ban mai....
        Sáng tinh mơ thì hoa nở, một màu trắng tinh khôi trông như một nàng công chúa kiêu sa đài các, đến trưa hoa đổi dần sang sắc hồng tươi thắm, rực rỡ và xinh tươi như cô gái xuân thì !
        Bấy giờ là những năm tháng của thập niên 80....Mọi người trong xóm đều tới xem hoa...Ai cũng trầm trồ với vẻ đẹp cũng như đặc tính thay đổi màu sắc của hoa, trong đó có cô Bảy "xóm trong", gọi là xóm trong chỉ để phân biệt "xóm ngoài", đa phần dân xóm ngoài là gia đình công nhân viên chức, con cái ở trong nhà, xóm trong sống tận cùng hẻm nhỏ có chia nhánh đi luồn qua các hẻm lân cận, đa số là dân lao động , buôn bán ngoài chợ, bán chè, cháo, cơm tấm.. .Không ai biết tên thật của cô, cô còn có biệt danh "Cô Bảy chà" vì cô có nước da ngăm, có lẻ cô lai Ấn hay Miên, trước năm 75 cô đi làm ở các quán bar bán cho quân đội Đồng Minh....giống những người xóm trong cô là thành phần lao động, nhưng vì nghề nghiệp lúc nào đi làm cô cũng trang điểm đậm nét như ca sĩ,  và mặc toàn áo đầm, jupe bó, thỉnh thoảng mới thấy cô mặc áo dài, lúc còn sinh viên tối thức khuya học bài, hằng đêm chị em tôi  nghe tiếng giày cao gót của cô lộp cộp trong đêm khuya thanh vắng, mỗi khi nhìn thấy chị em tôi đứng hóng mát trên balcon cô lại cười vẩy tay chào và hỏi còn thức học bài hả con  ...?
        Chúng tôi dần thân quen với hình ảnh người đàn bà "quốc tế" nầy, cô đi làm miệt mài do sinh kế phải nuôi sống sáu mẹ con vì chưa bao giờ tôi thấy thiếu vắng tiếng giày của cô trong đêm khuya tĩnh lặng
        Xóm trong gọi cô là "bà mẹ quốc tế" vì cô có 6 đứa con, nhưng người ta chỉ thấy trước mắt là 5 đứa lai ngoại quốc, đầu tiên là đứa con gái tên Đen, lai Maroc, sau đó 1 cặp con trai sanh đôi lai Hàn, tiếp theo là đứa con gái lai Mỹ, và cuối cùng 1 đứa con trai út cũng lai Mỹ... Tất cả cô đều thương yêu cưng chìu như nhau, bình thường cô rất hiền không nói đến ai, nhưng nếu có người nói động hay trêu ghẹo các con là cô lăn xả vào bênh vực, cô như con gà mái sẵn sàng xù lông che chở cho đàn gà con trước móng vuốt của diều hâu,  người ta nói cô còn đứa con gái lớn nhất người Việt ở dưới quê, kết quả của mối tình đầu với người đàn ông Việt bội bạc khiến cô hận đời bỏ lên Sài gòn, không vốn liếng, không học thức cho nên cô đành phải vào làm ở quán bar, vừa là tiếp viên, vợ hờ rồi vợ một đêm, ....
        Sau năm 75 tất cả các con của cô đã lớn,  không còn lính Đồng Minh để làm nghề cũ, cô cũng lớn tuổi, mấy đứa con cùng mẹ bán bánh tráng và bắp nướng ngay ngã ba đường Vườn chuối, buổi chiều khoảng 4g là mấy mẹ con dọn ra bán, mãi đến tận khuya mới dọn về....Tôi lại nghe tiếng chân khuya nhưng không còn tiếng giày cao gót gỏ trong đêm, mà là tiếng dép và tiếng cười nói rôm rả của mấy mẹ con, nghèo nhưng vô cùng ấm cúng !
        Cây phù dung của tôi đã quen phong thổ nên lớn nhanh và cho hoa thật nhiều, nhà tôi hướng Tây nắng chiều gay gắt nhưng giúp cho sắc hoa thêm tươi tắn và đậm màu, ngày ngày cô Bảy đi ngang qua, buổi sáng cô trầm trồ với màu phù dung tinh khôi sắc trắng , buổi chiều cô lại trầm ngâm ngắm sắc hoa đỏ tươi... Một  lần thấy hoa nở to thật đẹp, cô nói với tôi :"Con cắt hoa dâng lên cúng Phật, hoa nầy chùa hay trồng, tuy héo trong ngày nhưng ở quê cô mấy thầy trong chùa thường cắt hoa buổi sáng dâng Phật, màu hoa thay đổi giống kiếp người, sớm nở tối tàn, thấy đó rồi mất đó, màu hoa thay đổi như đời người đổi thay !."Giọng cô đang vui khi ngắm hoa chợt nhỏ lại u trầm trong nỗi buồn sâu thẳm, tôi vâng dạ mà không làm vì không nở cắt đi khi hoa chưa thay sắc. Bây giờ đã lớn tôi mới thấy và hiểu tại sao hoa lại chỉ trồng ở chùa, và hoa được dâng cúng ở chùa nơi quê xa để cho người ta ngắm sự thay đổi sắc hoa và tính cách sớm nở tối tàn của hoa nào khác chi thân phận người phụ nữ và sự biến đổi sắc màu của hoa phù dung cho ta hiểu lẻ Vô thường của Phật pháp ?...
***
        Và rồi cây phù dung cũng chết đi vì đó là loại cây không thể sống lâu dài trong chậu, ba tôi tuy không tin dị đoan nhưng cũng không muốn tôi lại trồng loại hoa nầy, cô Bảy cũng ra đi với đàn con lai....Mỗi lần có dịp về quê, nhìn thấy cây phù dung tôi lại nhớ đến thân phận người phụ nữ, nhớ mẹ, nhớ sư cô chùa KT và nhớ nhất là cô Bảy....
       Vân sau nầy là con dâu trong gia đình, cũng trải qua thời gian hạnh phúc với em tôi ...giờ thì Vân  không còn nữa do căn bệnh ung thư quái ác giống như mẹ tôi...Lại một đoá hoa phù dung sớm tàn, tôi còn nhớ như in bóng dáng xinh xắn lanh lẹ của cô thiếu nữ ngày nào ôm cây phù dung từ quê nhà lên cho tôi, trong ánh nắng buổi chiều Vân đẹp như đoá phù dung hồng thắm, chả trách sao trái tim em trai tôi không thể nào không xao xuyến..! Cuộc đời người phụ nữ mặc dù trải dài theo năm tháng nhưng lại phải chịu đựng nhiều biến đổi bể dâu, cuộc sống hạnh phúc quả thật là ngắn ngủi nào khác chi đoá phù dung sáng nở tối tàn ?!
Sắc màu thay đổi với Sắc Không,
Sớm nở tối tàn phận long đong....
Kiếp hoa nào khác chi bèo bọt ?
Cuối cùng rồi cũng trở v Không !!
        Thế nhưng tôi vẫn thấy yêu hoa phù dung, tuy số phận của hoa phù dung như thế, nhưng ít ra hoa cũng đã khoe hết sắc hương cho đời, sắc hoa đem lẽ Vô thường của Phật pháp đến với tất cả mọi người, nhưng quan trọng nhất là cuộc sống của hoa cho thấy thân phận đáng thương của người phụ nữ trong cõi đời vốn dĩ Sắc Không nầy !!
NM Phan thị Ngọc Diệp

Đêm Tâm Sự

Những Kiếp Hoa Xuân

Phù dung vẫn nở
Hạnh phúc đã qua, vượt xa tầm với,
Anh là người tuyệt vọng giữa muôn người...
Phút buông trôi trong men rượu chơi vơi,
Trót lầm lỡ tạo cho mình nghiệp chướng !

Ta gặp nhau hai kiếp người vất vưởng,
Chuộc sai lầm trong lặng lẽ khổ đau...
Tuy gần nhau mà lại rất xa nhau ,
Có một lúc em nhận ra tất cả... !

Năm tháng qua mau, hai người đôi ngã,
Nợ duyên tình đưa ta gặp lại nhau...
Qua bao nhiêu cay đắng thuở ban đầu,
Dẫu trong gió hoa phù dung vẫn nở !!

Tháng ngày qua, đôi ta cách trở,
Sắc hoa chiều càng rực rỡ hơn !
Xin em quên bớt tủi hờn,
Hoa xưa vẫn thắm cô đơn xa rồi
  NM

Cánh phù dung trong gió

Cuộc gặp gỡ này là kiếp nạn hay mối lương duyên?!...

Một ngày cuối đông, gió rét cắt da cắt thịt nhưng trong lòng Minh Trí còn buốt giá hơn trăm ngàn lần. Anh vừa bước ra khỏi tòa án cùng với Thúy Mai, vợ của anh: hôm nay, anh đã ly hôn. Một cuộc hôn nhân hai năm ròng, tuy đó không phải một con số quá lớn nhưng cũng không chỉ đơn thuần mới một vài ngày. 
Thúy Mai nói:
-Thật là may! Tôi với anh chưa có con chung. 
Nếu không thì thật rắc rối 
Nói rồi, cô gái trẻ bước đi trước, bỏ lại người đàn ông đã từng là chồng mình phía sau. Bọn họ, yêu nhau năm năm, kết hôn hai năm, nhưng phải đến giờ phút này, anh mới nhận ra, người con gái ấy quá vô tình rồi. Trước đây, gia đình phản đối, nhưng anh vẫn kiên quyết lấy cô, thậm chí còn bỏ quyền thừa kế để kết hôn với cô. Vậy mà, cô thì sao? Mới chỉ hai năm, cô đã vứt bỏ anh một cách không thương tiếc rồi đi theo gã đàn ông khác. Bỗng dưng, anh cảm thấy chỉ mình mình là tự đa tình.
Ngồi trong quá bar, Trí uống hết chai rượu này đến chai rượu khác. Một cuộc hôn nhân thất bại khiến anh cũng chẳng khác nào một kẻ bại trận. Hôn nhân không phải một trận chiến nhưng nếu thất bại lại khiến người ta đau đớn gấp trăm nghìn lần việc thịt nát xương tan ngoài biên ải.
Từ trước đến này, Trí uống bao nhiêu cũng không say, chỉ là sẽ có đôi chút buồn ngủ. Anh vẫn đi rất tỉnh táo tới nhà để xe, ngồi lên ghế vẫn như người chưa từng có giọt rượu nào. Chiếc xe phi ra khỏi quán bar một cách bình thường.
Khi đang lái, cơn buồn ngủ bắt đầu ập đến, anh ngáp ngắn ngáp dài, cố gắng xua đi cơn buồn ngủ. Được một lúc, anh dần dần nhắm mắt lại và…
“Bíp”
Anh vừa va phải còi xe. Cũng may, tiếng còi đã làm anh tỉnh táo hơn đôi chút. Đi được một đoạn, anh thấy mấy chiếc xe cấp cứu đi ngược lại với mình, tiếng kêu rõ inh tai nên hiển nhiên cơn buồn ngủ cũng bay biến từ lúc nào. Anh từ từ lái xe trở về nhà, rồi leo lên giường ngủ một giấc thật đã tới tận sáng.
Sáng hôm sau, anh ăn mặc chỉnh tề hơn hẳn bình thường bởi hôm nay, anh sẽ chính thức quay về gia đình, quay trở về Trần gia. Anh lái chiếc xe Honda cũ tới bệnh viện “Nhân dân” của gia đình mình. Chiếc xe này, anh mua bằng số tiền mặt ít ỏi anh tích góp được vì năm xưa khi anh bỏ nhà đi, bố anh đã tuyên bố: 
-Một khi anh đã muốn sống cùng con bé đó thì phải bỏ lại toàn bộ xe, điện thoại và thẻ mà gia đình này đã cho anh.
Mẹ anh tuy cũng cùng quan điểm với chồng nhưng bà cũng tự mình đưa ra điều kiện:
-Con trai, nếu một ngày, con muốn trở về bệnh viện, trở về gia đình này, con hoàn toàn có thể nhưng chỉ với một điều kiện, con phải từ bỏ cô gái đó.
Khi ấy, sao trông anh tự tin là thế, hiên ngang bỏ lại mọi thứ. Vậy mà, giờ đây, anh lại quay trở về đây.
Lúc anh đi qua khu tang lễ, thấy có khá đông người. Có lẽ, vừa mới mất đi một sinh mạng…
Anh là bác sĩ đa khoa và đã lấy được bằng tiến sĩ ở Mỹ. Từ nhỏ, khi chứng kiến bà ngoại, người mà yêu thương anh vô hạn qua đời, anh đã luôn tự đặt ra mục tiêu: Không bao giờ để bệnh nhân của mình ra đi! Một bác sĩ trẻ lại có năng lực, tâm huyết với bệnh nhân và gia cảnh tốt như anh quả thực rất hiếm thấy.
Minh Trí dừng bước, tiến vào khu tang lễ. Thì ra không phải chỉ một sinh mạng mà có đến hai sinh mạng đã ra đi. Nhìn vào khung hình, hình như là hai bố con. Người cha còn khá trẻ, còn đứa nhỏ cũng chỉ khoảng bốn tuổi. Thật đáng thương! Anh lại nhìn vào những người đang có mặt tại đó. Bỗng, đôi mắt đen dừng lại trên một người phụ nữ còn đang mặc bộ quần áo bệnh nhân của bệnh viện. Trông người phụ nữ đó khá yếu.
Qua đôi mắt tinh tường của bác sĩ, anh đoán, có lẽ họ gặp phải tai nạn, chỉ còn người phụ nữ này sống sót nhưng sống sót là một chuyện, lượng máu người này mất đi quá lớn, thân thể suy nhược, lại thêm tâm lý đang không tốt, rất nguy hiểm.
Quả thực, Minh Trí vừa mới suy nghĩ như vậy, chỉ một lát sau, người phụ nữ đó đã bị ngất đi. Anh giật mình nhưng cũng rất nhanh chóng lao đến như bản năng của một bác sĩ. Mấy cô y tá cứ cuống cả lên. Anh lại rất bình tĩnh nhưng vô cùng khẩn trương, nói với họ:
-Các cô mau gọi người đưa bệnh nhân tới phòng cấp cứu nhanh lên!
Bọn họ có lẽ là y tá mới vào nên không biết anh. Thấy một người lạ hoắc chẳng biết từ đâu xuất hiện lại ngang nhiên chỉ đạo họ như vậy nên có phần không thích ứng được. Anh lại giục lần nữa, khiến mấy cô nàng trước mắt nghe theo đã. Khi người phụ nữ được đưa đến phòng cấp cứu, Minh Trí cũng nhanh chóng đi thay trang phục. Vừa đến nơi thì thấy bác sĩ điều trị của người này tới. Khi anh vẫn chưa kịp nói gì thì vị bác sĩ kia đã lên tiếng:
-Tiền bối!
Anh cũng không để ý lắm nhưng những người còn lại, đặc biệt là mấy cô y tá lúc nãy thì như đứng hình. Vị bác sĩ kia lại nói tiếp:
-Anh đã trở về rồi ư? Em tưởng anh không quay lại nữa?!
-Ừ! Và cậu vẫn nói nhiều như xưa!
-Anh thật là… giờ em đã là Trưởng khoa Ngoại rồi, anh không thể giữ cho em chút thể diện trước mặt cấp dưới được hay sao?
-Nhiều lời. Tình trạng bệnh nhân này là sao? Theo tôi thấy, người bệnh này bị mất lượng máu khá lớn, tuy vẫn sống nhưng chỉ còn nửa cái mạng.
-Quả nhiên, hai năm không gặp, thần y vẫn là thần y năm nào! Người phụ nữ này được đưa vào bệnh viện cùng chồng và cậu con trai do gặp phải tai nạn giao thông. Sau khi cấp cứu, người chồng và đứa bé không qua khỏi, chỉ còn người phụ nữ này thôi. Thật đáng thương! Mà người quen của tiền bối sao? 
-Không quen. Lúc nãy đi qua chỗ tang lễ nhìn thấy thôi.
-Ồ, ra vậy.
-Tôi sẽ điều trị cho bệnh nhân này. Cậu giao cho tôi bệnh án.
-Thật là. Vừa mới trở về đã lại hách dịch rồi! Còn cướp cả bệnh nhân của hậu bối nữa chứ?!
-Nhiều lời. Cậu có đưa không đây?
-Ầy. Đưa, tất nhiên là phải đưa rồi!
Những người có mặt tại đó không sao thích ứng được với chuyện vừa xảy ra. Bình thường, Trưởng khoa hung dữ là thế, vậy mà đứng trước vị này, nửa câu cũng không dám nặng lời. Rốt cuộc vị này là ai mà có thể thần thánh đến vậy? Hơn thế, anh ta còn có thể ra vào vô cùng tự nhiên và còn muốn chữa trị cho bệnh nhân nữa. Không lẽ, anh ta cũng là một bác sĩ
Chẳng mấy chốc, câu chuyện về người đàn ông thần bí kia nhờ những cái miệng của “bà tám” mà lan truyền khắp bệnh viện với tốc độ chóng mặt. Cuối cùng, chỉ nửa ngày sau, lai lịch của người này đã được xác định. Chỉ là, khi sự thật đã được phơi bày, chẳng ai có thể tin nổi: Chủ tịch bệnh viện có con trai sao? Hơn nữa lại còn là một cậu con trai vô cùng tài giỏi nữa chứ?! Thật là không phải con người!
Về phần Minh Trí, từ lúc anh tiếp nhận bệnh án cũng chẳng còn tâm chí đâu để ý đến những chuyện khác. Anh là như vậy, một con người điên cuồng vì công việc. Cũng đơn giản vì, đem lại sự sống cho một sinh mạng mà tưởng chừng như tất cả mọi người đều buông tay là một tham vọng của anh, tham vọng được cứu người. 
Bệnh Án (chỉ mang tính chất minh họa)
Họ và tên: Nguyễn Minh Thu – 29 tuổi - Nữ 
Dân tộc: Kinh
Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 1
Địa chỉ: Số nhà X, đường Y, …
Số điện thoại: 097xxxxxxx
Vào viện: Lúc 23giờ 15phút ngày 20 tháng 1 nă
2015
Lý do vào viện: Tai nạn giao thông
Chẩn đoán: Bệnh nhân nữ 29 tuổi, nhập viện vì tai nạn giao thông. Qua những kiểm tra sơ bộ cho thấy, bệnh nhân vị thiếu máu nặng, mắt bị ảnh hưởng do va đập, thần kinh suy nhược, tâm thần không ổn định.

Quá trình chữa trị: Đã truyền 200cc máu, mắt qua điều trị đã có phần ổn định, vẫn chưa tìm ra cách điều trị tâm lý của bệnh nhân.
***
Đọc xong bệnh án của người phụ nữ đó, anh vẫn thất thần như đang suy nghĩ điều gì. Phải, anh là bác sĩ, ngoài tìm cách chữa trị thì còn có thể nghĩ gì chứ?!
Tuy anh là một bác sĩ giỏi nhưng trên phương diện tâm lý, anh không phải một chuyên gia. Hơn nữa, mỗi người lại có một rào cản khác nhau. Có những bệnh nhân, họ muốn vượt qua trở ngại tâm lý nên công việc của người bác sĩ cũng không quá khó khắn nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những bệnh nhân chưa sẵn sàng từ bỏ. Và có lẽ, người phụ nữ này thuộc kiểu người thứ hai.
Trước khi là một bác sĩ, Minh Trí là một con người bình thường nên hiểu rất rõ việc mất đi người thân là đau đớn đến nhường nào. Trước mắt, anh đã nghĩ tới một vài phương pháp chữa trị nên sẽ thử xem sao.
Sáng hôm sau, anh đến bệnh viện từ sớm, không thay áo blouse mà mặc nguyên bộ trang phục giản dị nhưng vẫn không hề che mất thân hình hoàn hảo của bản thân. Anh mua một giỏ hoa quả đến phòng bệnh nhân Nguyễn Minh Thu, phòng 1144. Đẩy cửa bước vào, người phụ nữ ấy vẫn còn đang ngủ. Nhìn hình ảnh người phụ nữ mỏng manh, yêu mềm thế này mà phải trải qua nỗi mất mát to lớn như vậy, người làm bác sĩ như anh cũng cảm thấy xót thương.
Anh cũng từng có một gia đình nhỏ của riêng mình. Nếu giả dụ khi ấy, anh mất đi, liệu Thúy Mai có xót thương cho anh không nhỉ? Có lẽ, điều đó là không thể. Không biết chừng, người phụ nữ vô tình ấy còn ngang nhiên đi theo một người đàn ông khác cũng nên. Quả thực, mỗi gia đình lại có một bi kịch riêng.
Anh đặt giỏ hoa quả xuống bàn. Tiếng động phát ra không lớn nhưng lại khiến cô gái kia tỉnh giấc
-Cô tỉnh rồi sao?
-Quang Minh?! Là anh sao?
-Quang Minh? Cô nhầm người rồi! Tôi là Minh Trí, bác sĩ điều trị của cô.
-Không phải! Anh nói dối! Tại sao anh lại nó
dối
Người phụ nữ ấy có lẽ do tổn thương ở mắt, tuy đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vì tâm lý bị kích động nên gây ra ảo giác. Việc nhận nhầm người, anh cũng không phải mới gặp lần đầu nên thái độ vẫn vô cùng bình tĩnh.
Ngay sau khi bệnh nhân có vẻ bị kích động mạnh, một người chạy vào, có lẽ là người nhà bệnh nhân. Người phụ nữ ôm chặt lấy cô, nước mắt ứa ra.
-Con gái, con gái! Con đừng như vậy. Con rể Vũ đã đi thật rồi! Con đừng tự hành hạ bản thân như vậy có được không? Nghe mẹ đi con!
-Con không muốn nghe! Mẹ lừa con! Tất cả mọi người đều lừa con! Anh Minh vẫn còn sống, anh ấy chưa chết! Mẹ, mẹ, mẹ thương con thì cho con đi gặp anh ấy được không? Con muốn gặp anh ấy, con còn muốn gặp cả tiểu bảo bối nữa. Chắc chắn giờ này thằng bé đang rất nhớ con, rất muốn gặp con.
Người phụ nữ ấy khóc lóc, la ó nhưng ai nẫy chỉ cảm thấy cô thật đáng thương. Còn trẻ như vậy mà đã trở thành goá phụ. Thật quá cay nghiệt!
Y tá nhanh chóng vào phòng bệnh, người thì giữ cô cố định, người thì tiêm thuốc an thần cho cô. Chỉ khoảng một lúc, thuốc ngấm, Minh Thu lại chìm vào giấc ngủ.
Thấy Minh Trí cũng đang có mặt ở đó, mấy cô y tá cũng tự dưng mà cam tâm ở lại phòng bệnh, tươi cười với anh. Con người Minh Trí từ trước đến nay vẫn luôn hòa đồng với mọi người nên anh cũng mỉm cười với họ.
Tình trạng người bệnh ngày càng có biến chuyển, chỉ là trở ngại về tâm lý vẫn luôn tồn tại như một vết sẹo gắn chặt lấy cô.
“Nếu nó là một vết sẹo của cô ấy thì tôi nhất định sẽ là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, cắt bỏ vết sẹo ấy.”
Đã một tháng trôi qua, Minh Thu không còn khóc lóc, la hét như trước đây nữa, tình trạng của cô thậm chí còn trầm trọng hơn, cả ngày, cô không nói chuyện, cũng không cười, không khóc, cho ăn thì ăn, cho uống thì uống, chẳng khác gì người thực vật. Theo như Minh Trí chẩn đoán, cô đang bị mắc chứng trầm cảm.
Anh cần mau chóng đưa cô thoát khỏi tình trạng ấy càng sớm càng tốt! Một ngày, Trí đẩy Thu đang lặng yên trên chiếc xe lăn ra vườn bệnh viện. Bánh xe dừng lại ở một khóm hoa vô vùng xinh đẹp, tươi tắn.
-Minh Thu!
Cô không hề có phản ứng gì. Anh nói tiếp:
-Cô nhìn xem, nhưng bông hoa này có phải rất đẹp không?
Cô vẫn không chịu mở miệng. Anh cảm thấy có chút thất vọng. Kỳ thực, khu vườn này vốn không trồng hoa vì biết đâu sẽ có những bệnh nhân bị dị ứng nên tuyệt nhiên không hề trồng. Nhưng bỗng nhiên lại lòi ở đâu ra một khóm hoa thế này? Đơn giản là, khoảng một tháng trước, Trí đã tự tay  trồng những bông hoa xinh đẹp ấy. Anh đã biết được sở thích của cô qua những người thân nên mới phát hiện ra, cô rất thích hoa phù dung. Anh cũng tìm hiểu về loài hoa này, ngôn ngữ của hoa phù dung là hồng nhan bạc phận. Tự dưng, anh cảm thấy sao loài hoa này có nét giống cô. Một cô gái xinh đẹp nhưng cuộc đời này cũng thật trớ trêu lại cướp đi hạnh phúc và tình yêu của cô ấy.
Đang tưởng như cô sẽ cứ im lặng như vậy thì một lúc sau, anh nhận được một cái gật đầu của Minh Thu. Gật đầu? Có lẽ cô đang muốn nói, hoa đẹp sao? Quả là không uổng công anh luôn chăm sóc những bông hoa ấy, nhận được tín hiệu tốt từ cô, tâm trạng của anh cũng dần được thả lỏng đôi chút.
Anh là một con người không thích đốt cháy giai đoạn, muốn ép cô mau chóng hồi phục nhưng cũng không có nghĩa anh để kệ cô như vậy. Một thời gian sau, anh lại đưa cô đến một bãi cỏ rộng. Hôm đó, trời vô cùng xanh mát, không khí trong lành.
-Minh Thu
Ngưng một lát, anh lại để ý đến sắc mặt của cô
Sắc mặt vẫn tốt, anh nói tiếp:
-Cũng đã gần hai tháng rồi! Tôi nghĩ, đã đến lúc, cô phải đối diện với sự thật.
Đôi mắt vô hồn ngày nào bất giác có chút dao động. Cô đang có phản ứng lại với những gì anh nói. Điều đó không biết nên vui hay lo đây?! Thấy cô vẫn chưa có thái độ gì, anh lại tiếp tục:
-Bây giờ, cô chỉ còn lại một mình thôi! Thời gian qua, cô vì bị tâm lý đè nén nên đã sinh ra ảo tưởng về người chồng quá cố.
Nhắc đến “chồng” không hiểu sao, cô lại bị kích động mạnh.
Những y tá theo sau vẫn luôn bám sát cô để phòng trưởng hợp cô kích động thì một liều thuốc Dimedrol (thuốc an thần) sẽ kịp thời tiêm vào tĩnh mạch của Thu. Nhưng lần này, Trí lại ngăn cản sự can thiệp của thuốc. Anh dùng sức ở hai bàn tay, nắm chặt lấy hai vai của Thu. Cô vẫn đang khóc lóc thảm thiết. Anh không quan tâm, cất giọng nói trầm nhưng rất dứt khoát:
-Tỉnh lại đi! Cô muốn mãi mãi chìm vào thế giới đó sao? Cô có thể không thiết sống nữa. Nhưng còn bố mẹ của cô, cô tính sao đây? Cô cứ chốc một lại điên điên dại dại thế này liệu bố mẹ cô vui lắm sao? Liệu chồng cô, con trai cô trên trời vui vẻ lắm khi nhìn thấy cô thành thế này sao? Cô muốn tất cả mọi người được vui vẻ thì phải vượt qua rào cản tâm lý này ngay lập tức! Có nghe thấy tôi nói gì không?
Những lời nói của anh đều rất thẳng nhưng cũng rất chân thành. Và nó dường như cũng là một hồi chuông đánh thức lý trí đã ngủ quên của Minh Thu rất lâu rồi. Cô không còn trạng thái kích động như trước nữa.
Thấy có chuyển biến, Minh Trí nhanh chóng đưa cô về phòng bệnh. Ra ngoài như thế là đủ rồi, giờ thì cô cần nghỉ ngơi và cũng tiện cho anh kiểm tra thể trạng.
Anh dìu cô lên giường. Sau đó, anh tiến hành kiểm tra nhịp tim và huyết áp cho cô. Cũng may, mọi thứ đều ổn định. Sau khi, Minh Thu đã chìm vào giấc ngủ, anh mới nhẹ nhàng dời khỏi phòng bệnh.
Tr lại phòng làm việc, Minh Trí lại vẽ thêm một nét vào tấm đồ thị. Lần này, đường đồ thì lên cao một chút tức là tình trạng bệnh nhân đã có tiến triển. Anh đang xem tài liệu thì vị Trưởng khoa Ngoại ngày đó nhàn rỗi vào phòng anh uống nước nói chuyện.
-Tiền bối à?! Có phải anh có ý gì với bệnh nhân tên Nguyễn Minh Thu phải không?
-Nói bậy bạ!
-Ây da! Đừng vội phủ nhận như vậy chứ?! Em biết là anh luôn hết lòng vì bệnh nhân thân yêu nhưng mà trường hợp này có hơi khác tác phong làm việc của anh. Hay là sau hai năm trở về, anh đã thay đổi phong cách làm việc?
-Nhảm nhí! Muốn tự mình rời khỏi đây hay để tôi đá cậu ra khỏi đây?
-Ấy chết chết!! Đường đường là tiến sĩ y khoa ai lại nỡ phũ phàng với hậu bối như vậy?
-Tôi không đùa đâu! Muốn thử hả?
-Khoan khoan! Tiền bối cứ bình tĩnh. Em ra, em ra là ok phải không? Được rồi, ra thì ra!! Làm gì mà nóng?!
Rồi vị Trưởng khoa Ngoại kia bất lực ra khỏi phòng. Khi ở trước mặt Trí, anh ấy ngoan ngoãn là thế, vậy mà, ngay sau đó, anh nhìn thấy mấy cô y ta đang tám chuyện với nhau liền lườm một cái. Cái lườm của anh chẳng khác gì lưỡi dao giết người không thấy máu, mấy cô y tá vội vội vàng vàng rời khỏi đó, tiếp tục công việc.
Còn Minh Trí, sau khi cậu em kia rời đi, sắc mặc cũng trầm xuống vạn phần. Anh cũng không hiểu ra sao nữa. Đơn giản là muốn đối với cô gái đó tốt một chút, muốn quan tâm cô nhiều một chút, liệu có phải, anh đang muốn thay thế người chồng quá cố của cô, chăm sóc cô hay không? Tâm tình thật rối ren!
Rồi đến một ngày, anh tình cờ đọc được cuốn nhật ký của cô gái đó. Có lẽ, khi còn tỉnh táo, Minh Thu đã viết những dòng chữ này. 
Ngày 2/2/2015
Anh à, em chẳng biết mình đang ở đâu nữa, chỉ là, tay em đang gắn với ống truyền. Có lẽ là bệnh viện.
Quang Minh, em nhớ anh! 
*** 
Ngày 5/2/2015
Anh à, hôm nay, mấy cô y tá và mẹ đưa em đi kiểm tra tổng quát. Họ đưa em vào một cái máy, em cũng chẳng biết là máy gì nữa nhưng nằm trong đó một lúc, em thấy đau đầu lắm!
Vũ Quang Minh, em nhớ anh! 
*** 
Ngày 10/2/2015
Anh à, hôm nay có anh bác sĩ đưa em đi xem hoa phù dung. Nhìn chúng thật đẹp! Hồi còn sinh viên, hai chúng ta cũng thường ngắm hoa phù dung. Anh bảo: Hoa phù dung có nghĩa hồng nhan bạc mệnh nhưng anh chắc chắn sẽ không để em giống loài hoa ấy…
Anh! Em rất nhớ anh! 
*** 
Ngày 14/2/2015
Chồng à, hôm nay là Valentine, thế là đã năm năm, ngày mà anh chính thức cầu hôn em. Em thực sự hạnh phúc vì đã gặp được anh!
Vũ Quang Minh, em yêu anh! 
Đọc những dòng nhật ký ấy, lòng Trí ngổn ngang những tâm trạng. Tuy nó dành cho người khác nhưng nó cũng khiến anh nhớ về những hồi ức đã qua. Anh cũng cầu hôn Thúy Mai vào ngày lễ Valentine hai năm trước…
Anh đang định gấp cuốn nhật ký lại thì phát hiện phía sau cuốn nhật ký ấy có chữ. Anh mở ra xem và giật mình. Cô gái dịu dàng như nước khi viết những dòng tâm tư với người chồng quá cô đã biến mất. Tại đây, cô viết chi chít toàn chữ là chữ, những đường nét mạnh, đậm như muốn găm sâu vào trái tim: 
Các người thật đáng chết!
Ta nhất định sẽ tìm được ngươi!
Gia đình ta vốn không thù hằn với bất kỳ ai, tại sao ngươi nỡ hại chết gia đình ta?... 
Rốt cuộc là sao? Chẳng lẽ, đây là một vụ mưu sát? Bản thân anh cũng cảm thấy khá tò mò về sự việc.
Sau đó, anh tìm đến người bạn thời Trung học của mình, nay anh ta là Cảnh sát Trưởng thành phố. Trí nhờ anh bạn tìm cho mình những cuốn băng ghi lại hình ảnh vụ tai nạn.
Nhận được chồng băng cao chót vót nhưng anh lại không hề nản nỏng, từ từ xem từng chiếc
May mắn, có một chiếc ghi lại cảnh tai nạn hôm đó. Nhưng vì quay từ trên cao và cách hiện trường khá xa nên hình ảnh cũng chỉ lờ mờ.
Qua đoạn video có thể thấy: Hôm đó, vào khoảng lúc 23 giờ, gia đình Minh Thu đang trở nhau bằng xe máy trên đường. Lúc đó, tại hiện trường còn có hai chiếc xe ô tô, một chiếc xe tải đi cùng chiều và một viếc xe con đi chiều ngược lại. Nhìn sơ qua có thể thấy, tài xế chiếc xe con đang trong tình trạng nồng độ cồn cao, không còn tỉnh táo, đi xe không vững, chệch sang làn đường bên kia. Chiếc ô tô tải vì muốn tránh ô tô con và cũng chủ quan, không để ý bên mình đang còn xe cộ đi lại nên đã lái chếch sang phía lề đường để tránh xe con và đã tông phải gia đình cô.
Sau khi sự việc xảy ra, chỉ có tài xế xe tải là đỗ lại còn chiếc xe con kia đã đi xa. Một lúc sau, xe cứu thương đến.
Thì ra là như vậy! Quả đúng là tên lái xe con vô cùng thiếu trách nhiệm. Chỉ là, nếu muốn tìm anh ta thì cũng phải tốn chút công sức, biển số xe không thể nhìn rõ. Anh cần phải nhờ bạn chỉnh lại để nhìn biển số rõ hơn. Trí chụp lại biển số xe rồi gửi cho một người bạn hồi còn bên Mỹ, cậu ta là một chuyên gia về lĩnh vực này. Đúng là, có việc cần thì anh mới biết, mấy thằng bạn tồi ngày xưa quả có chút hữu dụng…
Anh bạn kia nhắn lại: “Ok men! Cho tớ mấy tiếng, chắc mai sẽ có kết quả! Giờ muộn quá! Cần phải ngủ…”
Trí bó tay với anh ta luôn nhưng anh cũng thông cảm, nơi này và bên đó lệch múi giờ nên hiển nhiên, ai cũng đều có quyền được nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, Minh Trí lại dẫn Thu ra bên ngoài hóng gió, ngắm nhìn những bông hoa phù dung xinh đẹp. Cô gái này quả thực rất thích hoa phù dung. Nhìn hoa, ngắm người, anh không hiểu sao lòng mình cũng trở nên nhẹ bẫng. Cô gái này, từ bao giờ đã khiến anh phải động não, phải lo lắng nhiều như vậy?
Đang mải suy nghĩ, bất chợt, tiếng chuống điện thoại reo lên kéo anh trở về với thực tại. Anh nhìn vào dãy số đang hiển thị trên màn hình, lại nhìn về phía Minh Thu, là số của cậu bạn bên Mỹ anh đã nhờ vả hôm trước. Anh nhấn nút nhận cuộc gọi rồi đi về một hướng khuất người.
-Alo
-Tôi đây!
-Sao ông bắt máy lâu vậy? Người ta khổ sở làm giúp ông đến ngủ cũng chỉ dám ngủ có 8 tiếng.
-…!
-Ahahaha!! Đùa chút thôi, nhưng nói chung là đã có kết quả rồi! Mang giấy không? À mà thôi! Để tôi chụp rồi gửi cho ông!
-Ok!
Cuộc gọi nhanh chóng kết thúc. Nguyễn Minh Thu, tôi đã tìm ra manh mối của người lái chiếc xe đó rồi!
Lúc sau, anh trở lại phòng làm việc vừa đọc tài liệu, vừa nghỉ ngơi thì có tin nhắn đến, là của cậu bạn đó.
Trong tấm hình, biển số xe ghi: “29C – 06435”
Tấm hình khiến anh chết lặng, sắc mặt tối sầm lại. Biển số xe này… biển số này… đây… chẳng phải là của chiếc xe Honda cũ của anh trước đây sao? Hiện giờ, anh không còn đi bằng chiếc xe ấy nữa. Trở về nhà, trở về bệnh viện, anh được lấy lại chiếc xe Lamborghini tốc độ trước đây. Trước khi là một bác sĩ tài năng, anh còn là một tên nghiện tốc độ nhưng anh không cho rằng đó là một căn bệnh, nó là một đam mê. Tuy chiếc xe cũ kia không thể so sánh với siêu xe đắt tiền ấy nhưng nó lại khiến anh không thể nào vứt bỏ mà cũng chẳng thể tiếp tục sử dụng. Nó chứa đựng biết bao hình ảnh, biết bao kỷ niệm tươi đẹp của anh và Thúy Mai. Giờ cả hai cũng đã có cuộc sống riêng nên anh cần phải học cách quên cô ấy.
Nhưng có thật là chiếc xe của anh đã gây ra tai nạn cho gia đình Minh Thu? Làm sao có thể chứ? Anh vốn không còn đi chiếc xe ấy nữa, cũng đã rất lâu rồi chưa có say. Minh Trí liền lục lại hồ sơ bệnh án của cô.
“23giờ 15phút ngày 20 tháng 1 năm 2015”
“Ngày 20 tháng 1”!!!! Đó chẳng phải ngày anh và
Thúy Mai chính thức được pháp luật công nhận ly hôn sao? Chính vì quá đau đớn, anh đã đi uống rượu. Phải! Đó là lần cuối anh uống rượu. Tất cả mọi sự việc đều trùng khớp…
Quả thực, anh chính là người đã gây cái chết cho hai mạng người!
Đúng là đau lòng mà! Suốt bao nhiêu năm, kể từ khi anh bước chân vào ngành này, bệnh nhân của anh dù mắc phải căn bệnh khó đến mức nào, anh cũng chưa từng để họ ra đi. Mỗi tính mạng ấy, anh đều rất chân trọng, rất nâng niu. Vậy mà, anh lại giết cùng lúc hai mạng người…
Trần Minh Trí, ngươi thật không đáng làm bác sĩ! Tài giỏi thì có là gì chứ? Rượu là chính ngươi uống, người là do ngươi giết. Còn gì đáng hổ thẹn hơn?
Anh rời khỏi phòng làm việc, vô thức đi tới phòng bệnh của Minh Thu. Từ bên ngoài nhìn vào, anh cảm thấy lòng quặn thắt.
Cảnh tượng bên trong, một đồng nghiệp của Thu dắt theo mấy học sinh trong lớp đến thăm bệnh cô giáo. Đứa nào đứa nấy đều sụt sùi:
-Cô, cô! Cô phải mau khỏe lại đó! Cô bị bệnh sao lâu khỏi thế ạ?
-Ngọc Anh ngoan, cô chỉ nằm đây một thời gian thôi, sau đó nhất định sẽ trở lại dạy các em. Các em phải nghe lời và học tập tốt đó.
-Cô phải mau khỏe lại , mau khỏe lại!
-Đúng đó! Cô mau đi làm dạy chúng em!
-Thôi nào các em, muộn rồi, chúng ta về thôi, để cô Minh Thu nghỉ ngơi còn có sức khỏe dạy các em chứ!
-Vâng ạ!
-Được rồi! Con chào bác gái! Thu à, mình về trước đây, nhớ giữ gìn sức khỏe.
-Ừm!
Minh Thu là một cô giáo tốt. Vậy mà, anh đã hủy hoại cuộc đời của cô, khiến cô trở thành góa phụ…
Cuộc gặp gỡ này là kiếp nạn hay mối lương duyên?!...
Thấy mọi người chuẩn bị bước ra, anh cũng nhẹ nhàng tránh đường trước. Sau đó, anh bước vào phòng bệnh.
-Chào bác sĩ Trần! 
-Vâng, chào bác gái. Minh Thu, cô cảm thấy trong người sao rồi? 
-Cảm ơn bác sĩ! Dạo này tôi cũng khỏe rồi! Nhưng tôi có chuyện này muốn nhờ anh.
-Cô cứ nói.
-Anh có thể tiến hành trị liệu cho tôi không? Tôi muốn nhanh chóng khỏe lại. Nhìn những đứa nhỏ ấy, tôi thực không muốn nằm một chỗ ở đây.
-Trước mắt, cô sẽ được đưa đi kiểm tra tổng thể. Sau đó, tôi mới có thể quyết định xem cách trị liệu thế nào.
-Được.
Vài ngày sau, y tá đến và đưa Minh Thu đi kiểm tra. Cầm kết quả trên tay, Trí cảm thấy ngạc về tốc độ hồi phục của cô. Cô lúc này hoàn toàn khác với một Minh Thu mấy tháng trước, một Minh Thu tuyệt vọng. Có lẽ, cô gái ấy mạnh mẽ hơn những gì anh nghĩ.
Bước vào phòng cô, Trí thấy Thu đang tươi cười cùng mẹ ăn hoa quả. Hình như, anh trước giờ chưa từng được thấy cô cười vui vẻ đến vậy, trái tim anh đập có chút nhanh, anh hiểu, điều đó có nghĩa là gì.
Nhìn thấy anh, Minh Thu vẫn giữ nguyên nụ cười tươi tắn ấy, cô cất giọng nói:
-Bác sĩ, kết quả kiểm tra thế nào rồi?
-Rất tốt. Cô yêu tâm. chỉ cần điều trị đơn giản một thời gian nữa, cô có thể xuất viện rồi.
-Vậy thì cảm ơn anh rất nhiều.
Khi anh bước ra khỏi phòng, mẹ của Thu cũng đi theo sau.
-Bác sĩ Trần, tôi muốn cảm ơn anh! Anh có bận gì không? Tôi mời anh một cốc nước nhé!
-Vâng.
Hai người bước ra khu vườn của bệnh viện, họ chọn một chiếc ghế đá rồi ngồi xuống.
-Thực lòng, gia đình tôi vô cùng biết ơn bác sĩ. Nếu không nhờ bác sĩ, có lẽ, con gái tôi đã chẳng thể được như ngày hôm nay.
-Bác đừng khách sáo. Chữa bệnh là việc bác sĩ nên làm. À phải rồi, tôi có chuyện thắc mắc, không biết là bố mẹ chồng của cô ấy đâu mà cháu chỉ thấy mỗi bác và bác trai vậy?
-À, chuyện là vậy, con rể Vũ, cậu ấy là một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ.
-Ra là vậy.
Một tháng sau…
-Cảm ơn bác sĩ, sau này rảnh, cậu có thể đến nhà chúng tôi chơi. Bác sĩ là ân nhân của chúng tôi.
-Minh Thu ra viện là tốt rồi. Mọi người cũng không cần phải khách sáo với cháu như vậy.
-Cảm ơn anh, bác sĩ Trần!
-À phải, cháu có thể xin phép nói chuyện với bệnh nhân à không Minh Thu một lát được không?
-Tất nhiên rồi!
Trí đưa cô đến một quán cafe. Anh đã chuẩn bị mọi thứ kể cả về tâm lý. Hôm nay, anh nhất định sẽ cho cô biết sự thật.
-Anh muốn nói chuyện gì với tôi sao?
-Chuyện này có liên quan đến vụ tai nạn.
-Vâng.
Vừa nói, anh vừa phải để ý đến sắc mặt của cô. Dù sao, cô cũng mới xuất viện. Nhưng nếu không nói, anh sẽ chẳng biết bao giờ mới có thể nói nữa. Cũng may, hiện giờ, cô không có biểu hiện gì khác. Anh nói tiếp:
-Ngày gia đình cô gặp chuyện cũng là ngày tôi chính thức ly hôn trước tòa.
-Vâng. Nhưng có liên quan gì đến vụ tai nạn thế ạ?
-Những điều tôi kể không biết cô có tin hay không nhưng xin cô hãy nghe tôi nói. Hôm đó, tôi thực rất buồn nên đã đi uống rượu. Tất cả mọi thứ đều không có gì đáng trách. Chỉ trách, sau đó tôi có phần say nhưng tôi lại không thuê tài xế hay đi taxi mà lại tự mình lái. Trên đường đi, tôi đã ngủ gật nên đường lái bị chếch sang đường bên kia. Một chiếc ô tô tải đi ngược chiều vì tránh tôi, lại không để ý bên đường mình còn có phương tiện đi lại nên đã vô tình đâm phải gia đình cô.
Câu truyện của anh như sét đánh ngang tai. Tuy giờ cô đã bình phục nhưng không có nghĩa đã mất hết cảm giác với ký ức ấy. Một ký ức đau thương bất giác lại ùa về.
-Khoan đã! Anh nói lúc đó anh đang ngủ kia mà, sao anh lại biết rõ đến vậy?
-Sự thực thì lúc đó, tôi vốn chẳng biết sự tồn tại của vụ tai nạn. Trong lúc ngủ gật, tôi ấn phải còi nên đã tỉnh lại và tiếp tục lái xe về nhà. Nhưng khi điều trị cho cô, tôi vô tình nhìn thấy những dòng nhật ký của cô, tôi đã đi điều tra và phát hiện ra những thứ đó.
-Anh đọc nhật ký của tôi sao?
-Thực xin lỗi. Là một bác sĩ điều trị toàn diện của cô, tôi cần được tìm hiểu tâm lý của bệnh nhân.
Bầu không khí như chìm xuống, chẳng còn một âm thanh nào phát ra. Sau một lúc trầm tư, Minh Thu đứng dậy:
-Tôi xin phép về trước.
Minh Trí vội vàng đứng lên theo
-Cô có thể nhận lời xin lỗi của tôi không?
-Lỗi không hoàn toàn thuộc về anh, tôi không trách anh. Dù sao thì chồng và con trai tôi cũng chẳng thể sống lại dù anh có xin lỗi. Nên thôi đi! Anh vô tình trở thành tác nhân gây ra vụ tai nạn đó nhưng anh lại cật lực cứu sống tôi. Vậy đi, coi như hòa. Từ nay về sau, chúng ta có gặp lại nhau mong cả hai sẽ quên đi mọi thứ.
Nói xong, cô liền bước ra khỏi quán café và dần dần chìm vào giữa dòng người tấp nập. Chỉ còn lại anh ở đó. Anh chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống xảy ra nhưng thật không ngờ cô lại có phản ứng nhưng vậy. Anh rồi cũng bước ra khỏi tiệm.
Năm năm sau…
-Mẹ à, con không đi đâu!
-Thôi nào, con giờ đã ba mươi tư tuổi đầu rồi định cứ ở vậy như thế mãi sao?
-Thôi được rồi! Gặp mặt là được chứ gì?
-Ngoan, ăn mặc đẹp một chút. Đối phương cũng không phải trai tân đâu nên không cần lo lắng. Nghe nói từng ly hôn.
-Vâng vâng vâng! Mẹ à, mẹ đã nói đến mấy chục lần rồi không biết.
***
-Tiền bối à, em biết anh tài giỏi rồi! Hiện giờ, anh cũng sắp được lên chức Viện trưởng rồi, không thể cứ chăn đơn gối chiếc như vậy được
-Haha, cậu nói nghe thì hay lắm! Vợ cậu sao rồi?
-Ai da! Em không thể hiểu nổi, con vợ em nó chẳng thích cái gì, chỉ thích đẻ. Khổ là em đây này. Bây giờ nó mang thai đứa thứ tư rồi. Anh xem…
-Hahaha!!! Cậu vất vả quá!
-Thôi thôi! Anh chỉ thích đánh trống lảng thôi!! Nói tóm lại là, anh đây danh tiếng lẫy lừng, không thể để người ta bàn ra tán vào rằng anh có vấn đề không tiện nói ra nên mới không lấy vợ được.
-Ph phui cái mồm cậu. Muốn chết sao?
-Anh không muốn em nói thì đồng ý đi xem mắt người ta đi!
-Thật là nhức đầu. Tôi biết rồi!!
-Wow! Vậy là đồng ý rồi đấy nhé! Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy. Tiền bối à, đối tượng lần này đã từng kết hôn rồi. So với anh cũng không quá thiệt thòi mà. Lần trước tìm cho anh gái “tơ” thì anh không thèm đi nên em nghĩ chắc anh thích hàng second-hand.
-Muốn chết hả? Mau bắn ra ngoài cho tôi mau!!
-Được rồi, cứ bình tĩnh! Vậy em sẽ nhắn cho anh địa điểm và thời gian.
Bảy giờ mười lăm phút tối tại nhà hàng “Mỹ Lệ”
-Xin chào quý khách, hiện tại nhà hàng chúng tôi đã được đặt hết bàn.
-Tôi đã đặt trước rồi!
-Vậy xin hỏi anh đặt bàn nào?
-M1105
-À vâng! Mời anh theo tôi.
Nữ phục vụ nhẹ nhàng đi phía trước dẫn đường. Thấy cô gái đó đã tới, anh liền lên tiếng:
-Thật xin lỗi cô! Hôm nay ca phẫu thuật kéo dài hơn dự định.
-Không sao 
Cô gái ngẩng lên, hai người nhìn nhau, thời gian như ngừng trôi. Đã năm năm rồi... 
Anh mỉm cười ngồi xuống ghế đối diện cô gái: 
-Xin chào! Tôi tên là Trần Minh Trí. 
-Vâng, chào anh! Tôi là Nguyễn Minh Thu…
ST
Ngõ hoa Phù dung
“Ngõ” với “cổng” có gì khác nhau? Cả hai đều để gọi tên lối ra vào của một khuôn viên, như một cái sân, một cái vườn chẳng hạn, sau đó mới đến ngôi nhà. Nhưng từ ngõ gợi ra một không gian sâu vào mở, có thể nó không cần một cánh cửa. Vì thế mà anh con trai mới thích đi ngang qua ngõ nhà nàng, để “Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau”. Còn cổng gợi một cảm giác cạn, đóng và kín hơn.
Có lẽ cái ngõ thơ mộng và nổi tiếng nhất mà lại rất gần gũi với người Việt Nam là cái ngõ của nhà thơ Nguyễn Khuyến “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Cũng như những người yêu thơ cổ mê cái ngõ tre của thi sĩ kiêm họa sĩ nổi tiếng đời Đường của Trung Quốc là Vương Duy với cảnh “Trong núi đưa tiễn bạn, chiều tà đóng cổng tre…”
***
Ở quê tôi hồi đó, nhà nào mà chẳng có ngõ. Nhà giàu có ngõ xây bằng đá, bằng xi măng lợp ngói, gọi là ngõ ngói. Nhà nghèo đựng ngõ bằng tre. Nhưng nhiều nhất vẫn là những ngõ bằng cây trồng tự nhiên rồi người ta uốn lại, những ngọn cây giao nhau thành vòm, thành mái và tên ngõ cũng được gọi theo tên loại cây ấy. Ngõ trúc, ngõ dâm bụt, ngõ tường vi, ngõ hoa ngâu, hoa giấy. Cái ngõ như một nụ cười đón khách, hiền hậu, niềm nở.
Hồi nhỏ tôi thích ra chơi ngoài ngõ, vừi chơi lò cò, chơi búp bê vừa ngóng ra ngõ đón mẹ đi chợ về, đón bà đi ăn giỗ về, có món quà trao tận tay mình. Ngõ hướng về hướng phía đông nên từ cái ngõ ấy tôi nhìn trăng lên. Mùa xuân buổi sáng tinh mơ sương mù dày đặc ngoài ngõ, mặt trời chìm trong sương có màu hồng và thơ mng chẳng khác nào mặt trăng. Chẳng hiểu sao ngõ nhà tôi lại trồng hoa phù dung, hoa này bây giờ ít thấy. Cành ph dung  mảnh khnh vươn cao, phải tựa vào cái gì đó thì mới đứng vững, một chút gió nhẹ cũng làm cành hoa lay động. Cây ra hoa không nhiều nhưng hoa lớn, bằng một bàn tay xoè màu hồng nhạt với những cánh hoa mềm mại, mùi thơm nhẹ có một vẻ đẹp não nùng và rất mong manh vì sớm nở tối tàn. Mỗi khi đi đâu về, qua bao nhiêu cái ngõ mới tới nhà, nhiều lúc tôi thử nhắm mắt bước, đến ngõ nhà mình tôi vẫn biết ngay vì cái  ngõ ấy có một hơi thở riêng. Có người cho tôi giàu tưởng tượng, nhưng đến giờ tôi vẫn tin rằng chỉ những cô gái nhỏ mới có được sự mẫn cảm như thế… Lớn lên bạn đến chơi, bạn quý, tôi tiễn ra tận ngõ mà câu chuyện vẫn chưa ngớt. Bóng ai thấp thoáng ngoài ngõ là tim yếu mềm hẳn đi. Muốn gặp ai đó giả vờ tình cờ đi ngang qua ngõ…
***
Ở thành phố tôi đang sống hiếm nhà nào có cái ngõ. Nhà mặt tiền, nhà hẻm không có ngõ, nhà chung cư lại càng không. Có những biệt thự với những cái cổng cao lớn làm bằng bê tông, sắt thép vô hồn, kín mít hay thâm nghiêm lạnh lùng, đôi khi còn đe dọa bằng hình vẽ con chó dữ nhe nanh… Có những cái ngõ khiến người ta nao nức muốn bước vào, tìm hiểu, hòa nhập với cái không gian bên trong, có những cái cổng khiến người ta ngại ngùng không muốn vào vì sợ đánh mất mình…
Nhưng trong ký ức tôi vẫn còn cái ngõ thật nơi ngôi nhà tuổi thơ, lẫn lộn giữa bao cái ngõ mơ màng của thi ca hòa nhập lại…
nta
Kết quả hình ảnh cho Hoa phù dung

Secret Garden - Gates Of Dawn

Đành phận
Từng giọt nước mắt tuôn rơi,
Xót thương cho một kiếp đời phù dung...!
Biết rằng không thể tương phùng,
 Thôi đành trao gửi duyên mình cho em !!
NM
Nước mắt hoa phù dung
Tôi không sợ lây bệnh trong những lần tiếp xúc, HIV không lây qua các con đường tiếp xúc thông thường; hơn nữa, chị chưa từng chạm vào tôi, và bây giờ thì thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Tôi có ghê sợ chị không? Không
 Một loài hoa sớm nở tối tàn
Trắng, đỏ, hồng rực rỡ trời thu
Nhưng lại mang biệt danh "con đĩ"
Người đời cười số kiếp hồng nhan.
Phù Dung, đó là tên của một loài hoa đẹp nhưng buồn, đó cũng là tên của chị và cũng là cuộc đời của chị. Đọc bài thơ thôi là đã hiểu hết rồi. Bài thơ này chị đọc cho tôi nghe mỗi lần chị gặp tôi, đơn giản vì tôi thích.
Chúng tôi gặp nhau lần đầu có thể là vô tình, cũng có thể là cố tình. Chị đã nghe Lam (đọc Giới hạn "đủ" cho tình yêu) kể về tôi nên chị biết tôi, còn tôi không biết gì về chị. Trời mưa, chị ngồi một mình ở quán nước. Thấy tôi đi qua, chị ngỏ ý đi nhờ một đoạn và tất nhiên tôi đồng ý. Làm sao tôi lỡ từ chối một người xinh đẹp như chị. Chị đẹp nhưng nét đẹp héo hon, u buồn; chị trang điểm nhẹ, chiếc váy voan xanh da trời thật hợp với nước da trắng của chị. Tôi cũng chỉ liếc mắt để ý đến vậy thôi. Nhìn lâu, chị ấy lại nghĩ tôi soi mói. Nhưng mỗi lần nói với chị một câu nào đó, tôi không quên liếc thêm một số chi tiết khác như: tóc, trang sức, ngực, bàn tay... Tính tôi trầm nên không nói gì nhiều với chị, chị cũng không nói gì nhiều với tôi mà chỉ cười - một nụ cười thân thiện:
- Sao buồn vậy em?
- Nhìn mưa buồn quá chị ạ.
- Tâm trạng nghệ sĩ thường vậy à?
Tôi ngạc nhiên nhìn chị, như đã hiểu ánh mắt tôi muốn nói gì, chị nói:
- Chị là "đồng nghiệp" của Lam.
Một cái nháy mắt tinh nghịch ném về phía tôi. Tôi không ngạc nhiên, tôi chỉ nghĩ rằng: "Những người xinh đẹp đi làm cave hết hay sao ý." Quả thật, chị đẹp thật, đẹp hơn Lam. Tôi cười mỉm:
- Chị trông nhiều tuổi hơn Lam?
- Ừ. Đàn chị đã nghỉ hưu mà.
Cái kiểu nói văn hoa nhưng trơ lì của chị rất hấp dẫn tôi, vì thế tôi thích chị ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Đến nơi, chị chào tôi bằng một cái gật đầu nhẹ, tôi cũng mỉm cười chào chị. Trước khi vào nhà, chị quay người lại nói với tôi một câu rất khó hiểu:
- Một người bình thường như em, không có gì đáng buồn cả, tương lai rộng mở lắm!
Chị cười méo xệch rồi quay vào nhà. Tôi đứng im, ánh mắt dõi theo bóng chị, trầm ngâm suy nghĩ câu nói của chị. Những người như chị trải đời nhiều, tôi không thể hiểu nổi.
Tôi là sinh viên năm thứ hai nên vẫn được ở kí túc xá, kí túc xá của trường tôi đẹp, sạch sẽ, tiện nghi, tôi rất tự hào về điều này. Một buổi tối đã khá muộn, tôi đang ngồi vắt vẻo trên lan can thì có tiếng điện thoại của tôi reo: bài My heart will go on. Thấy số điện thoại lạ, tôi ngập ngừng không có ý định sẽ nghe, nhưng cuối cũng tôi vẫn mở máy nghe. Tôi có một thói quen là cứ số lạ gọi đến là tôi nói giọng miền Nam, tôi nói ngọng lắm nhưng vẫn lừa được khối người. Thế là tôi nói giọng miền Nam, cái giọng chua chua nhưng nhẹ nhàng:
- A lô.
Tiếng bên kia là tiếng con gái rất nhẹ nhàng, ấm:
- Ninh à. Chị muốn gặp em ngay bây giờ. Chị đang ở dưới cổng kí túc xá. Em xuống luôn nhé!
Tôi lúng túng và vẫn giả giọng:
- Vâng, nhưng... đã hơn 9 giờ rồi và... ai đó ạ?
- Chị là Phù Dung.
Tôi ngạc nhiên "à" lên một tiếng. Tôi đã nhớ ra chị, chị là "đồng nghiệp" với Lam. Lần trước, chị chưa nói tên cho tôi biết, nhưng tôi đã hỏi Lam. Nghe tên chị là Phù Dung, tôi ngậm ngùi thương chị quá, cái tên là hiện thân của cuộc đời chị mà.
Tôi xuống gặp chị ở dưới cổng, chị nhìn thấy tôi thì vui mừng vẫy gọi tôi:
- Linh, Linh à!
Tôi chợt nhận ra là chị bị ngọng, chị gọi Ninh nhưng thực ra là Linh, chính tôi cũng bị ngọng mà. Chị hôm nay thật lạ: chiếc váy ngắn màu đỏ, tóc xoăn nhẹ, trang điểm đậm, xăng đan cũng phải đến 13 phân. Đặc biệt là chị đang đứng tựa vào chiếc xe Sh màu đỏ sậm. Tôi ngại ngùng bước lại gần chị, một người quê mùa như tôi đứng cạnh một người quý phái như chị khiến tôi mất tự nhiên. Chị biết vậy nên bảo vào quán cà phê ngồi, tôi lắc đầu:
- Không cần đâu chị ạ. Vả lại mười rưỡi là kí túc đóng cửa rồi!
- Ừ... Vậy thì ngồi trà đá nhé!
Tôi bật cười, nhìn chị, nhìn chiếc Sh của chị:
- Để chị ngồi trà đá... thế nào ấy?
Chị cười khúc khích:
- Trà đá thuộc về mọi đẳng cấp.
Thế là chúng tôi ngồi trà đá. Chúng tôi ngồi xa trung tâm để dễ nói chuyện. Tôi biết chị không ngại gì vì chị đã quá quen bị người khác xỉa xói, chửi tục, có khi bị đánh. Nhưng tôi vẫn muốn ngồi cách xa những người lắm chuyện kia, tôi không muốn có bất kì một thái độ bất nhã nào với chị và những người như chị trước mặt tôi. Tôi không bảo vệ được họ nhưng tôi biết cách tránh cho họ bị tổn thương.
Chị nói nhiều lắm, tôi chỉ biết ngồi nghe và ngắm chị. Chị nói, chị thích tâm sự với tôi vì tôi là một nhà biên kịch tương lai, chị muốn cuộc đời của chị được thể hiện trên phim. Điều ước của chị đặt nhầm chỗ rồi, tôi là một người không tài, không có mối quan hệ nào với giới làm phim, cũng không phải con nhà nòi. Tôi không muốn làm chị thất vọng nên không dám nói ra. Hơn nữa, tôi cảm thấy như chị cần một người lắng nghe hơn là khuyên nhủ, chị đang cần một nơi để dựa dẫm tinh thần. Có lẽ vì vậy mà chị thường xuyên gặp tôi vào buổi tối, khi tôi rảnh rỗi và trước lúc kí túc xá đóng cửa. Lần nào chị cũng ngồi ở quán trà đá quen thuộc với tôi và chị ấy.
Chị kể nhiều lắm, chị kể về gia đình, về đời sinh viên đã qua, về cái nghề của chị mà tôi đã quá rõ và về tình yêu. Chẳng lẽ chị cũng yêu như Lam? Chị nói úp mở nên tôi cũng không hiểu, tôi cũng không hỏi lại; tôi chỉ biết lắng nghe những gì chị nói chứ không đòi hỏi những gì chị không muốn nói. Vậy là chuyện tình của chị bị gác lại.
Nhiều lần gặp gỡ chị như vậy, tôi đều kể lại với Lam. Lam chỉ nhún vai, không bàn luận gì cả mà chỉ nói:
- Khổ thân mày, thân mày sạch sẽ bị bọn tao vấy bẩn rồi.
Tôi cau mày khó chịu ngay. Đối với tôi, ai cũng có thể là bạn tôi, chỉ cần họ cần tôi, tôi sẽ là bạn với họ, nếu họ không cần tôi nữa, tôi cũng chấp nhận. Ví dụ như Lam đây này, tôi ở với nó gần hai năm nay rồi, chẳng bao giờ biết cãi nhau, chẳng bao giờ tôi nói xấu nó, chẳng bao giờ tôi khinh bỉ nó vì cái nghề mà nó đang làm. Những người như nó có cái thân bẩn thỉu nhưng chưa chắc trái tim cũng bị nhơ nhuốc, tình cảm bị khuyết thiếu. Họ cũng giống như bao người bình thường khác thôi. Họ sống và làm gì mặc họ, chỉ cần họ là bạn mình thì mãi là bạn mình. Có nhiều người sẽ trách tôi là không biết khuyên nhủ bạn, nhưng tôi phải nói thật rằng, lời nói của một mình tôi có sức mạnh đến đâu cũng không bằng một lời vùi dập của người thân và người ngoài xã hội. Như Lam và chị Phù Dung đó, bản chất của họ đâu phải như vậy, chỉ vì gia đình không ra gì, xã hội cũng không quan tâm nên họ đành tìm đến sự khoái lạc của xác thịt để biết là mình vẫn đang sống và đang tồn tại, để nhận lấy sự quan tâm giả tạo của đàn ông, vậy thôi.
Có một lần, chị Phù Dung có nhắc đến tiểu thuyết Rừng Na-uy của Haruki Murakami. Chị biết, tôi học ngành biên kịch là phải đọc và xem phim này rồi nên chị không giải thích nhiều mà chỉ gói gọn: "Chị giống họ". Đúng vậy, chị cô đơn, nên chị mới tìm tôi. Tôi không biết chị có coi tôi là một người bạn không, nhưng dù thế nào tôi vẫn muốn được làm bạn với chị, được gặp chị, được lắng nghe chị tâm sự vì tôi thương chị, thương Lam, thương những người như chị và Lam                          
Chị rất để ý, quan tâm đến tôi. Lam bảo thế vì chị hay hỏi Lam về tôi, trước cả khi chúng tôi gặp nhau. Rồi khi gặp nhau, chị hút thuốc nhưng thấy tôi nhăn mặt chị dụi tắt ngay. Tôi không khó chịu gì đâu, vì tôi cũng hút thuốc mà. Tôi hút thuốc vì thích hút để biết, thế thôi. Tôi bảo chị là tôi có hút thuốc, chị lại tỏ ra vui mừng chứ, chị mời thuốc tôi, tôi không hút, thuốc chị hút tôi không quen. Hay là mỗi lần nói chuyện xong, chị thường ví những buổi nói chuyện như vậy là "tra tấn", chị lại mua ngô hoặc khoai nướng cho tôi đem về phòng mời các bạn, kiểu như trả công ý. Tôi cảm động lắm, rất ít người biết sở thích ăn vặt vào ban đêm của tôi. Chị còn biết cả chuyện tôi thích được xoa đầu khi ngủ, nhưng chị chưa bao giờ chạm vào người tôi thì làm sao xoa đầu tôi được. Mà những lúc ngồi nghĩ, tôi cũng thấy lạ, từ khi quen chị ấy, chị ấy chưa một lần nào chạm vào người tôi, dù chỉ là một cái nắm tay. Tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi Lam, sợ Lam nói lại với chị, chị buồn. Nhưng chẳng cần thắc mắc lâu, mọi chuyện đã được chấm dứt vào buổi tối cuối cùng.
Một buổi tối mát mẻ, không khí trong lành, quán trà đá đông người. Tâm trạng của tôi thoải mái lạ thường, nhưng chị lại buồn. Chị nói:
- Tối nay là lần cuối cùng chị gặp em. Chị sẽ đi xa.
Nghe chị nói vậy, mắt tôi cay cay muốn ứa nước mắt, chị nhìn tôi - cái nhìn sâu hoắm, tha thiết, buồn thảm:
- Em đừng khóc vì chị, chị sợ những người tốt sẽ phải khóc vì chị. Em nghe chị nói này. Chị rất quý em, em là một cái máy thu rất đặc biệt. Chị nói hết chuyện đời chị với em không phải chỉ để được đưa lên phim mà chị cần một người có thể lắng nghe và hiểu chị, trước khi chị chết.
Tôi giật mình, nước mắt tràn ra, muốn nói mà lắp bắp không nói nổi. Chị nhìn tôi - cái nhìn lạnh lùng:
- Chị không muốn em khóc, không thích em khóc, không cần em khóc vì chị.
Rồi chị cũng không nén nổi cảm xúc, chị cũng khóc, nước mắt lạnh lùng rơi, nhưng chị vẫn cố nói cái giọng dứt khoát:
- Em nín đi. Chị rất muốn gạt nước mắt cho em, rất muốn ôm em, hôn lên đôi mắt đang khóc vì chị kia. Nhưng... chị xin lỗi. Chị không thể làm được những điều đó cho em. Chị bị HIV.              
Rồi chị bật khóc nhưng không có tiếng khóc, chị đang cố chịu đựng nỗi đau. Tôi ngỡ ngàng quá nên không thể khóc nổi. Tôi không sợ lây bệnh trong những lần tiếp xúc, HIV không lây qua các con đường tiếp xúc thông thường; hơn nữa, chị chưa từng chạm vào tôi, và bây giờ thì thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Tôi có ghê sợ chị không? Không. Tôi không khinh bỉ chị là một cave thì tôi làm sao ghê sợ chị vì căn bệnh đó được. HIV ư? Vậy là chị sẽ chết. Tôi thương chị nhiều hơn.
Chị cố nín khóc. Tôi đưa bàn tay thô ráp của tôi ra:
- Chị đưa tay đây.
Chị nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, nhưng rồi cũng đưa tay nắm chặt bàn tay tôi, chị nhìn tôi cười trong nước mắt:
- Ai cũng bảo những người có thân xác nhơ bẩn như chị đáng khinh. Ai cũng bảo những kẻ bị HIV như chị đáng sợ. Còn em thì không... Cảm ơn em.
- Nếu miệng em nói chị đáng thương hơn đáng sợ, ý thức em nghĩ chị đáng sợ hơn đáng thương thì sao. Chị tin và hiểu em thế sao?
- Chị tin, chị hiểu chứ! Có nhiều người trước mặt nói cười với chị nhưng sau lưng đang cầm dao sẵn sàng đâm chị bất cứ lúc nào. Còn em ư? Trẻ con, ngây thơ, hồn nhiên, luôn nghĩ cuộc đời này chỉ toàn màu hồng. Không đâu em ạ. Toàn gai góc, bùn lầy, vực thẳm. Chị bị HIV là đúng, là đáng. Cuộc đời tươi đẹp còn đáng để sống chứ... thế này thì chết là hạnh phúc.
Tôi cố cười, cười và cười để lau đi những giọt nước mắt đang rơi kia, để xoa dịu trái tim yếu đuối kia, và trên hết là để cứu lấy sức sống mong manh trong tâm hồn chị:
- Em không muốn chị chết. Từ lâu, chị đã là bạn em, nếu cuộc đời em thiếu chị, nó sẽ ra sao?
- Ngốc ạ. Nếu không có chị, em sẽ vui hơn. Chỉ cần như vậy thôi là chị thấy chị chết thật ý nghĩa.
Tôi định cãi lại nhưng chị ngăn tôi lại:
- Đừng nói nữa, chị không thích người nói nhiều đâu.
Rồi chị lấy từ trong túi xách ra một hộp quà nhỏ, tặng cho tôi. Tôi ngạc nhiên cầm lấy nó và quên cảm ơn chị. Nhận món quà từ tay chị xong là chị đứng dậy:
- Gần mười rưỡi rồi! Chị không muốn em ngủ ở gầm cầu đâu. Món quà xứng đáng dành tặng em. Em biết không? Em là món quà quý giá nhất mà chị không muốn tặng ai cả.
Chị cười và ngồi lên xe. Tôi nhìn chị lưu luyến:
- Chị Phù Dung.
Quen chị lâu rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gọi tên chị, cái tên tôi thương và yêu nhất, loài hoa đẹp và bất hạnh.
Chị ngoái đầu lại nhìn tôi. Tôi bước lên vài bước, cách xa chị vài bước, tôi không dám đến gần chị vì tôi sợ chị sẽ khóc:
- Em sẽ tặng chị một món quà. Và... chị đừng khóc nhé! Em yêu chị.
Chị mỉm cười gật đầu, đôi mắt mọng nước. Tôi đưa tay lên vẫy chào chị một cách luyến tiếc. Tôi không khóc, chị không thích tôi khóc. Chị phóng xe đi thật nhanh, tôi chạy vù vào trong cổng, sau lưng tôi chiếc cổng sắt được đóng lại.
Chị tặng tôi một chiếc nhẫn, có lẽ là nhẫn vàng nhưng cũng có thể là nhẫn bạc. Tôi không biết. Nhưng sau khi đọc tấm thiếp (mang hình hoa linh lan: sự trở về của hạnh phúc) chị để bên trong tôi đã hiểu. Chiếc nhẫn đó là của người chị yêu cầu hôn chị, nhưng chị không thể đến với anh ấy. Chị có ý nhờ tôi chăm sóc anh ấy, vì tôi quen anh ấy và vì tôi cũng có tình cảm với anh ấy. Đó là thầy giáo dạy một môn học phụ của tôi. Tôi đã có cảm giác rung động trước thầy, nhưng giới hạn thầy trò không cho phép tôi làm quen và làm bạn với thầy. Tôi đành câm lặng và tương tư. Kể cả bây giờ, khi chị ấy trao tình yêu và hạnh phúc của chị cho tôi, tôi cũng không thể nhận. Vì thầy yêu chị.
Bây giờ, tôi đã hiểu tại sao chị lại không nhắc đến người yêu chị trước tiên. Rõ ràng, chị biết về tôi nhiều hơn tôi biết về chị. Tôi càng cảm thấy mình yêu chị hơn, nợ chị nhiều hơn. Chị đã trao cho tôi hạnh phúc duy nhất của chị là được yêu và được làm vợ mà HIV đã cướp đi của chị.
Tôi đã hứa là sẽ tặng chị một món quà. Và tôi đã thực hiện. Tôi tặng chị một bài hát tên là "Gates of Dawn" của Secret Garden, bài hát mà tôi yêu thích nhất, một bài hát rất ý nghĩa:
"The wheels of life keep turning.
Spinning without control.
The wheels of the heart keep yearning.
For the sound of the singing soul..."
Chị chỉ nhắn lại đúng hai chữ: Cảm ơn.
Từ đó, tôi không thể liên lạc được với chị. Lam cũng không biết chị đi đâu, làm gì, đã chết hay chưa? Tôi vẫn mong chị sẽ quay lại để trả lại chị tình yêu và hạnh phúc xứng đáng thuộc về chị. Chị Phù Dung, em vẫn chờ và mãi chờ.
ST
        

Truyền Thuyết Hoa Phù Dung 

Ngày xưa tiên nữ Phù Dung
  
Vì do duyên số chu du xuống trần 

Sánh tình với lại Ðông tâm
  
Vương mẫu trách tội cam tâm gánh vào
  
Ân tình hẹn lại kiếp sau
,
 Cùng chàng hạnh phúc bên nhau suốt đời.
  
Ngờ đâu tạo hoá trêu ngươi
  
Cho tình đôi lứa đôi nơi lỡ làng 

Ðông tâm mang tiếng phũ phàng 

Ðể Phù Dung phải ôm ngàn nỗi đau
 Nhưng chàng biết phải làm sao
 Bởi hai con dại làm nao núng lòng

Duyên trần nay hết trông mong

Nàng ôm uất ức đau lòng chết đi
Ðông tâm sâù  khổ ai bi
Hỡi trên trần thế tình yêu là gì?
Phù Dung chua xót thân nàng
Tình yêu kiếp trước lở làng vì ai
Cuộc đời sao lắm đắng cay
Hy sinh,đánh đổi,để nay ngậm  ngùi
Thôi rồi một kiếp hoa trôi,  
Khóc thầm duyên số lẽ loi một mình. 
Thẹn không hai chữ chung tình, 
Ôi Ðông tâm hỡi thôi mình đành cam. 
Phù Dung một kiếp hoa tàn,  
Mong tình nhân thế đừng mang như nàng.
Ngày xưa trên thiên cung có 1 nàng tiên nương , tánh tình hiền lành tốt bụng nhưng nét mặt lúc nào cũng buồn rầu ưu uất .Pháp hiệu là “Phù Dung Tiên Nữ” sống trong cõi tiên nhưng không làm sao vui được
Vương mẫu nương nương thấy vậy cho nàng một ân huệ , được chu du bốn bể ngao sơn ngoạn thủy chốn trần gian trong một ngày rồi trở về thiên cung . Phù dung tiên nữ phụng mạng giáng trần.
Nàng phiêu du khắp chốn nhân gian , ngắm những núi non hùng vĩ , những sông hồ xanh ngát , mọi thứ đều lạ lẫm nhưng giãn dị và thơ mộng , nàng quên hết bao ưu phiền nơi tiên cãnh và hoà mình vào phong cãnh hữu tình chốn nhân gian.
Nhìn dòng nước xanh mát , nàng không kềm được lòng sảng khoái và đắm mình vào dòng suối mát.
Chẳng may vô tình làm mất lá bùa phi thiên , nàng vội vã lên bờ tìm nhưng không thấy , nàng ôm mặt khóc nức nỡ vì trời đã tối .
Lúc Ðó có chàng thợ săn tên ‘Ðông tâm’ đi săn về ngang thấy vậy liền hỏi chuyện . Nàng không dám nói thât chỉ giã vờ bị lạc người thân nên không biết đườngng về nhà . Ðông tâm xót thương hoàn cãnh liền đưa nàng về nhà mình trú tạm . Nhà Ðông tâm có bà mẹ già bị bệnh nặng nên chàng phải vào rừng săn bắn lấy tiền mua thuốc than cho mẹ . Phù Dung khuyên chàng:
vạn vật trên đời đều có sinh mạng , chàng đừng vì miếng ăn mà tàn sát nhân loài
Ðông tâm nói:
Mẹ ta bệnh nặng không săn bắn rồi lấy tiền đâu mua thuốc và sinh sống qua ngày.
Phù du nói:
Thiêp có biết chút ít y dược , để thiếp lên núi tìm thảo dược về nấu thuốc trị bệnh cho phụ mẫu và tìm rau cãi vê trồng ăn tạm , chàng đừng săn bắn thú rừng nửa.
Ðông Tâm không đồng ý nhưng thấy Mẹ ủng hộ Phù Dung nên đành nghe theo.
Mổi sáng Phù Dung phải dậy thật sớm để hứng từng giọt sương trên cây cõ , và lên núi tìm thão dược quý về nấu thuốc trị bệnh cho phu nhân . Ðông Tâm thì vào rừng chặt củi gánh về.
Cứ thế ngày ngày trôi qua , bệnh tình của Mẹ Ðông Tâm đã khỏi hẳn , nhưng Phù Dung thì đã quá mêt mỏi và ngất đi , Ðông Tâm phải thay mẹ chăm sóc cho Phù Dung để trả ơn.
Nhìn thấy bàn tay nàng chai sần rướm máu vì leo núi hái thuốc và đào rể cây thảo dược chữa bệnh cho mẹ chàng , Ðông tâm vô cùng cảm động và biết ơn nàng , dần dần hai người nảy sinh tình cảm và yêu nhau . Phù Dung quên mất những việc trên Thiên Ðình và sống hạnh phúc cùng Ðông Tâm nơi trần gian.
Về vương mẫu nương nương, đã hết hạn một ngày không thấy Phù Dung trở về liền bấm quẻ biết Phù Dung làm mất lá bùa phi thiên không thể về trời , lại còn sinh tình với người phàm, liền cho thiên binh thiên tướng xuống bắt nàng về.
Trước khi bị đưa về trời Phù Du trao cho Ðông tâm một viên ngọc lô có thể nhớ quá khứ vị lai và luôn nhớ nàng
Phù Dung theo thiên binh thiên tướng về gặp vương mẫu chịu phạt . Vương mẫu trách tội Phù Dung tiên nữ , thân là tiên mà lại tự ý kết duyên cùng người phàm tội không thể tha.
Phù Dung van xin:
Nhân gian hữu tình nên Phù Dung không thể tránh khỏi kiếp nạn. Phù Dung bằng lòng đánh đổi đạo hạnh ngàn năm tu hành của mình chỉ mong được làm người phàm và sống bên Ðông tâm.
Vương mẫu tức giận, người phán:
_Nhân sinh tự sinh tự diệt , khó khăn lắm con mới được thành chánh quả , nay vì người phàm mà đánh đổi đạo hạnh ngàn năm thật không đáng , nhân gian không hữu tình như con nghĩ đâu.
Phù Dung hết lời van lạy và chấp nhận đánh cuộc với Vương mẫu , nếu Ðông tâm vô tình với mình và không được hạnh phúc bên Ðông tâm , Phù Dung nguyện không làm người nữa.
Vương mẫu phán tiếp:
Cho dù Ðông tâm có chung tình bao nhiêu đi nữa cũng không thoát khỏi dư luận xã hội và luân thường đạo lý.Ta khuyên con nên suy nghĩ cẩn thận , kẻo hối hận không kịp.
Phù Dung chấp nhận thử thách.
******
Kiếp sau,
Phù Dung đầu thai xuống trần nhưng là nam nhi chứ không phải là nữ. Mang hình hài của một đấng mày râu nhưng trái tim và tâm hồn là nhi nữ . Nàng nuốt lệ cay đắng cố gắng tìm cho được Ðông Tâm, nhưng số trời đã định , nên mãi tới 20 năm nàng mới tìm thấy Chàng.
Khi gặp lại tuy có chút ngỡ ngàng về hình thể nhưng vì viên ngoc lô mà ngày xưa nàng tặng Ðông Tâm , giúp hai người nhận ra nhau. Nước mắt mừng vui hạnh phúc . Có cả mặn , ngọt , đắng , chát cứ không ngừng rơi.
Trớ trêu cho hai người vì Ðông Tâm đã có vợ và hai con thơ dại .Nàng nghe xót xa vì nghĩ lại thân xác mình như vậy sao tránh khỏi tiếng đời mai mỉa . Nhưng vì cố gắng vượt qua thử thách do Vương mẫu sắp đặt nàng đành ngậm ngùi cay đắng.
Hai người phải lén lút gặp nhau mỗi tháng vài lần để hạnh phúc bên nhau . Nhưng cuối cùng vợ Ðông Tâm phát hiện . Chuyện vỡ lỡ Phù Dung cũng không biết giải thích thế nào vì thân xác này hỏi mấy ai tin .
Mọi chuyện do Ðông Tâm quyết định . Vì vợ bắt buộc chỉ được chọn một trong hai và vì còn hai con thơ dại đang than khóc não lòng nên Ðông Tâm đành nhắm mắt buông xuôi mà phụ bạc Phù Dung trở về với gia đình.
Trái tim nàng tan nát vụn vỡ tung mạch máu trong cơ thể , viên ngọc lô cũng hoá thành tro bụi.
Nàng uất ức chết đi , linh hồn nương theo cây cỏ thành Hoa Phù Dung , Ðông Tâm hay chuyện muốn chết theo nàng nhưng còn gánh nặng làm cha trên vai . Chàng nuốt lệ mà làm kể vong phu nàng .
Ðêm đêm than thở với Hoa Phù Dung , Vương mẫu không muốn nàng quyến luyến mà không được siêu thoát nên cho hoa nỡ vào ban ngày hoàng hôn phai tàn phải tự rụng tránh cho Phù Dung đau lòng khi thấy Ðông Tâm.
Từ đó nhân gian có câu:
Phù Dung sớm nở tối tàn 
Hỏi nhân gian hữu tình hay vô tình?
ST

Khúc tỳ bà hội ngộ
Bấm phím tay tiên đàn khúc nhạc,
Nguyện dâng người với tấm lòng son...
Mong người thôi hết đa đoan,
  Quên đi khúc nhạc lỡ làng năm xưa
                  NM                        
alt
Tri huyện Phù Dung
Nguyễn lặng lẽ ngắm người con gái đang hát. Trông nàng quen quen như thể là ông đã gặp đâu đó từ lâu lắm. Nàng vừa hát, vừa đánh đàn tì bà. Tiếng sợi tơ rung lên nghe nức nở như bao nhiêu khổ đau của cả thế gian này dồn cả vào đôi tay với những ngón lan thon dài, nổi li ti những đường gân xanh xao. Gương mặt trái xoan thật đẹp và buồn của nàng khuất lấp bởi một phần mái tóc dài xanh đen với những sợi tóc rũ xuống vầng trán nhỏ thoáng một chút nếp nhăn. Ta đã gặp nàng ở đâu rồi? Nguyễn cố tìm trong ký ức một sợi dây liên hệ nào đó đến người con gái đẹp đang ngồi hát, nhưng ông bất lực. Cái vũng tối ký ức chỉ chập chờn như ngọn lửa ma trơi, chưa kịp loé lên đã chìm khuất sau đám sương mù già nua của thời gian.
Đám tao nhân mặc khách đã vãn dần.
Đêm xuống từ lâu.
Hơi gió lạnh luồn qua khung cửa hẹp khiến Nguyễn khẻ rùng mình. Ông kéo nhè nhẹ chiếc cổ áo lụa lên che phần cổ cao gầy. Người con gái đẹp vẫn mê mải hát. Ngọn nến cháy lách tách soi lên gương mặt nàng những vùng tối hư ảo.
Trời sang đông và như đã khuya lắm.
Đây đó một tiếng chuông chùa xa vắng.
Khách đã vãn. Chỉ còn một mình Nguyễn ngồi lặng lẽ ngắm mê muội người con gái. Bất chợt một tia sáng loé lên trong ký ức mờ tối của Nguyễn, ông đứng phắt dậy và bước nhanh về phía nàng. Nguyễn khẽ đưa cả hai tay nâng gương mặt người con gái như nâng một bông hoa quý, giọng ông thảng thốt:
- Nàng có phải là người kỹ nữ ở Long Thành dạo nào không? Ta … ta vẫn còn nhớ nàng.
Ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào đôi mắt Nguyễn, người con gái cảm động cười nhỏ, Đôi hàm răng nàng trắng như ngọc:
- Vâng! Thiếp chính là người con gái mà chàng đã gặp ở Long Thành năm xưa …
Nguyễn quỳ sụp xuống. Ông nâng người con gái đứng dậy, đôi mắt đẹp với hàng mi cong rợp của nàng nhìn ông đầy xót xa. “Bao nhiêu năm tháng ta vẫn không quên nàng. Từ dạo ấy, ta tưởng nàng đã phiêu bạt chốn nào” - Nguyễn vẫn quỳ như vậy mà nói chuyện với nàng. Mồ hôi lấm tấm trên vầng trán rộng của ông.
Ký ức đưa Nguyễn về những năm tháng vàng son.
Phường Bích Câu những năm cuối thế kỷ 18 san sát lầu son gác tía.
Gia thế Nguyễn là một thế gia vọng tộc. Cha Nguyễn là tể tướng đầu triều. Anh Nguyễn cũng là một vị quan to. Nguyễn sống trong nhung lụa, chỉ lo đèn sách học hành, cực kỳ sáng dạ. Chẳng mấy năm, tri thức chàng vào loại quán thế. Nguyễn có thể đọc thuộc lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh, phân tích sự tồn vong buồn cười của các triều đại. Vì vậy mà chàng thấy cuộc đời này mới vô nghĩa làm sao. Vận nhà Lê đã hết, chàng rất hiểu điều đó, chẳng có thể làm thêm được điều gì nửa để cứu vãn nó. Có chăng chỉ là một chút tình dành cho kỷ niệm đã qua. Với triều Tây Sơn, tất cả đều nhanh quá. Mười bốn năm ngắn ngủi như một giấc mộng kê vàng. Quang Trung là mộ anh hùng, Nhưng trời không cho người anh hùng ấy đi trọng cuộc chấn hưng đất nước. Còn với triều Nguyễn, chàng chỉ thấy có cái gì đó thật dã man.
Về với triều Nguyễn, mấy năm nhậm chức Tri Huyện Phù Dung, chàng chỉ làm việc cho có chừng, dù lòng rất đỗi thương dân. Với tài của Nguyễn, huyện quan chỉ là một cái chức vặt vãnh. Chàng nhận chức ấy, chẳng qua để không bị làm khó dể. Một dạng ở ẩn giữa công đường mà thôi. Ôi! Làm quan với Nguyễn dễ như trở bàn tay và cũng khó khăn biết bao nhiêu. Tai ương, hạn hán, rồi sự nhũng nhiễu của bọn tham quan sở tại …Phận dân nghèo hèn, cổ ngắn kêu chẳng thấu trời. Suốt mấy năm ngồi ở huyện đường, chàng để tâm giải quyết biết bao nhiêu oan ức, cứu bao nhiêu lê dân lầm than. Nguyễn sống thanh sạch đến nỗi cái sự ăn, mặc, ở của chàng cũng ở mức tối thiểu, tầm thừơng như lê dân. Ngay cả số tiền nhỏ dưỡng liêm, chàng cũng không đụng đến, mà giành cho mẹ già đơn côi, những đứa con dại không cha mẹ.
Nguyễn nhớ có năm huyện Phù Dung hạn hán chưa từng có, Nắng suốt ba năm trời, không một giọt mưa. Sông cạn. Suối cạn. Giếng cạn. Mùa màng mất sạch. Cây cối cháy rụi. Lê dân đói khổ kéo nhau bỏ làng đi ăn xin vạ vật. Một mặt, Nguyễn đốc thúc dân làng làm thuỷ lợi, nạo vét kênh mương, đào giếng để tìm nguồn nước. Mặt khác, chàng quyết lập trai đàn chẩn tế.
Buổi lễ được tổ chức trang trọng và đơn giản. Nguyễn mặc áo sô gai trắng, chân đi dép cỏ may. Mặt xót xa buồn bước lên trai đàn khấn cầu trời đất. Nguyễn khấn rằng:
“Kẻ hạ thần này, tài hèn đức mọn, xin được chịu mọi bề tội, không quản sống chết, riêng lê dân không có tội tình gì, xin được tha cho trăm họ”
Nguyễn cứ đứng như thế trên trai đàn, ba ngày ba đêm không ăn không uống. Mặt trắng xanh cắt không còn một giọt máu, tóc tai dã dượi. Mắt vẫn mở trừng trừng, đôi môi khô rộp cháy. Lòng quan huyện Phù Dung thương dân thấu động đến trời đất. Vào cuối đêm của ngày thứ ba, trời bỗng tối sầm, Sấm sét đùng đùng, gió xoáy dữ dội vần vũ bầu trời huyện Phù Dung. Rồi đất trời nứt toát ra, mưa như trút nước xuống huyện Phù Dung.
Dân huyện Phù Dung ùn ùn kéo đến trai đàn. Dưới ánh chớp của sấm sét, họ nhìn thấy tri huyện Nguyễn ngã nằm trên vũng nước, mắt chàng vẫn nhắm nghiền, miệng ứ ra một bọng máu đỏ tươi. Dân làng vực tri huyện lên võng rồi đưa chàng về công đường …
Nguyễn nhớ khi tỉnh dậy, chàng thấy một người con gái đẹp quỳ bên giường tự bao giờ. Hai tay nàng ôm mộ bó hoa Phù Dung lớn, loài hoa mà Nguyễn mê nhất trên đời. Đầu đau như búa bổ nhưng trí óc Nguyễn vẫn lởn vởn câu hỏi: tại sao nàng biết rằng ta yêu hoa Phù Dung? Trở mình tựa vào gối, Nguyễn hỏi nhỏ “Nàng từ đâu đến?”. Cúi đầu, người con gái thỏ thẻ:
- Thưa chàng, thiếp là con dân của chàng, vốn người ở làng Mộ Hoa huyện Phù Dung. Biết tin chàng đau nặng, từ xa xôi xin được vế đây đỡ đần chăm sóc chàng.
Nguyễn khoác tay một cách yếu ớt, nói:
- Ta biết ơn nàng dã từ xa đấn đây giúp ta, nhưng đời ta chỉ yêu có mỗi một người. Mười lăm năm qua, người ấy đã lưu lạc “sống làm vợ khắp người ta”, không trở về. Lòng ta đau đáu và đã chết từ dạo ấy. Nàng hãy tha lỗi cho ta.
Người con gái khóc bảo:
- Thiếp là người trinh bạch, có nhan sắc, mà không thể thay thế được người ấy hay sao?
Nguyễn im lặng. Rồi chàng khẽ lắc đầu, quay mặt vào vách.
Nguyễn nhớ có lần chàng ngồi công đường, xử án giải oan cho một người con gái đẹp. Nàng cảm kích mà nguyện suốt đời hầu hạ Nguyễn, nhưng lòng chàng trong lúc quá đau buồn đã từ chối nàng. Về sau, người con gái ấy cùng quẫn, tự tử ở sông Tiền Đường.
Nguyễn nằm liệt giường khi hay tin nàng chết
Lòng chàng vốn đã tan nát giờ lại thêm bầm đau một nỗi giày vò. Chàng thấy mình là người bất hạnh …
Nguyễn yêu hoa Phù Dung đến mê muội. Từ ngày về nhậm chức ở huyện Phù Dung, chàng cho trồng hoa khắp khu vườn nhỏ. Mùa hoa Phù Dung nở, Nguyễn không lên công đường, chàng cáo ốm để ở nhà, suốt ngày tha thẩn bên hoa. Màu hoa trắng lụa là trong nắng mai khiến lòng Nguyễn thanh thản. Mười lăm năm người con gái ấy lưu lạc là mười lăm năm Nguyễn sống trong một tâm trạng bị giày vò. Như có một ngọn lửa suốt ngày đêm đốt cháy tâm can chàng, đứng ngồi không yên.
Nguyễn sợ đêm tối
Sợ thứ bóng tối nhung mịn đau đớn làm Nguyễn khổ sở suốt đời.
Mùa hoa Phù Dung, Nguyễn có vẻ vui hơn, chàng đi lại tất bật, bận bịu với hoa mà quên hết mọi sự trên đời. Cõi vô thường này, chút quyền uy huyện lệnh này, với Nguyễn sao mà nó nhỏ bé đến thảm hại. Có lúc chàng đã cười một mình vì sự vớ vẩn đó. Nhưng nếu không làm quan, Nguyễn sẽ phải chết. Không ai được đứng ngoài đế chế của Gia Long. Nguyễn hiểu rõ kiếp người, nó tội nghiệp, vớ vẩn và đau khổ còn hơn cả loài hoa Phù Dung bạc mệnh, sáng nở tối tàn. Dù vậy, chàng vẫn cố làm tròn nhiệm vụ của một huyện lệnh, giúp dân cày cấy, lo âu từng đêm cho dân, dưới sự chăm dắt của chàng muôn dân được hạnh phúc. Từ ngày Nguyễn về làm tri huyện Phù Dung, những oan khuất đã được dẹp bỏ, người dân sống như thời Nghiêu Thuấn. Tiền rơi không người nhặt, không trộm cắp, những dư đảng hiếp đáp dân lành đều bị tảo thanh tận gốc.
Nguyễn thỉnh thoảng thấy lòng vui khi chàng làm tròn phận sự. Có ngày thấy lòng khoái hoạt, Nguyễn chơi cờ một mình. Nguyễn thích chơi cờ mù - một kiểu cờ tướng mà tất cả các quân cờ đều úp mặt. Cái may rủi chi phối gần như toàn bộ cuộc chơi. Nhưng tàn cuộc cờ, người thắng cuộc phải là tay chơi cờ tao tay nhất. Phong thái chơi cờ mù của Nguyễn là của bậc cao nhân: mềm rắn có lúc, hư thực khôn lường, nhưng dù quyết liệt đến đâu cũng toát lên lòng nhân ái kỳ lạ. Đánh cờ, Nguyễn giữ gìn con chốt còn hơn sinh mệnh mình. Chàng không bao giờ thí chốt dù đã có lúc cùng đường. Đây là điểm khác biệt nhất của Nguyễn dù chàng chơi cờ một mình hay chơi với các bậc cao cờ khác.
Sang thu, lá vàng đổ khắp các dặm vuông, Nguyễn ngồi một mình cô độc giữa khu vườn nhỏ. Chung quanh chàng nở đầy những đoá hoa Phù Dung trắng. Hương hoa Phù Dung lay lắt xa xôi. Nguyễn thấy lòng nhớ người ấy ray rứt. Giờ này nàng ở đâu? Tại sao lại để ta một mình hiu quạnh thế này? Tại sao số phận lại khắc nghiệt đến vậy? Người ta yêu thương nhất trên đời không bao giờ được ở bên ta …Trong nỗi muộn phiền đến tận cùng đau khổ, Nguyễn tuyệt vọng hất bàn cờ xuống thảm cỏ xanh. Những quân cờ mù rơi vãi tung toé. Ván cờ mù này dang dở như đời Nguyễn, như đời nàng. Một sự dang dở của định mệnh. Bất chợt, Nguyễn ngữa mặt lên trời cười lớn. Sương thu ướt đẫm mái tóc vốn đã bạc sớm của chàng.
Mùa hoa Phù Dung nở, Nguyễn sai giai nhân bày tiệc rượu giữa vườn hoa, chàng uống một mình. Đời Nguyễn không có bạn tri kỷ. Tri kỷ của chàng là hoa Phù Dung, còn tri âm của chàng là rượu. Nguyễn mê rượu như chàng mê hoa. Cái thức uống kỳ lạ ấy thường giúp chàng qua những cơn buồn dằng dặc. Cơ thể hao gầy chợt tráng kiện khi chàng đã uống đến mười đấu lớn. Lúc đã say, mặt Nguyễn thường lạnh toát. Chàng thấy hồn mình thoát ra khỏi thân xác phàm trần để phiêu diêu cùng với bao sinh linh buồn vui ở cõi đời này. Và lúc ấy, thi tứ xuất hiện ồ ạt. Những con chữ chật chội chen nhau trong đầu Nguyễn. Chúng tự xếp đặt trong một trật tự náo đó rồi khiến bàn tay Nguyễn đẩy lòng bút trên tờ giấy ho tiên.
Bàn tay Nguyễn khô gầy và dài một cách kỳ lạ.
Các khớp xương xanh nhợt như xương cây thông mùa rụng là, vừa mảnh mai nhược hoa, lại vừa can trường cừng cỏi. Nó là thứ bàn tay của văn nhân tài hoa, sống cho nỗi giày vò buồn thương không dứt, cho sự sáng tạo khổ ải tù tội và thăng hoa, tự làm khô héo đời mình mà không hề hối hận.
Nguyễn yêu cái đẹp còn hơn cả sinh mệnh mình.
Chàng hiểu đời người chỉ là một kiếp phù sinh, mà cái đẹp là lương tri, kéo dài sự bất tử, nó như ngọn lửa âm ỉ cháy trong những cội thông già nua mọc trên núi cao. Rượu thường làm Nguyễn nhớ người ấy da diết. Nguyễn nhờ đôi mắt nàng hiền dịu như một khoảng trời rợp nắng, khuôn mặt trái xoan như gương mặt hoa Phù Dung ban mai, và mái tóc dài xanh rợn chảy mềm mại như con suối nhỏ giữa rừng già. Nàng hiện thân làm đoá hoa Phù Dung cùng ngồi bên Nguyễn đối ẩm, tấm lưng ong thon thả gợi hoài những đam mê bừng cháy. Trong cơn say, Nguyễn thấy mình hoá thành con thiêu thân nghiện ngập bay về phía ngọn lửa, thân xác chàng cháy bùng lên, nỗi đau đớn tan rã ra thành những hạt tro nâu đen mê muội đi về phía mặt trời.
Nguyễn làm tri huyện Phù Dung mười năm chẵn, nỗi tiếng cương trực và thanh liêm. Đường hoạn lộ thảnh thơi. Chàng được cất nhắc đến chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ, sung chánh sứ đi Tàu.
Nguyễn có viết cuốn “Đoạn trường tân thanh”, kể lại mười lăm năm lưu lạc của một cô gáp đẹp lầu xanh. Người đời sau đọc ca ngợi và thương cảm vô cùng mà không hiểu cô gái ấy là mối tình sâu nặng đau khổ và lỡ làng nhất của Nguyễn. Nguyễn mất tầm thường trong một trận đại dịch. Chàng ra đi thanh thản khi viết xong câu thơ cuối cùng trên giường bệnh.
Nơi nguyên tán Nguyễn là một cánh đồng lớn, vắng, nhiều hồ nhỏ và đá ở phía sau lưng Thiên Mụ tự, mà người dân ở đây gọi nôm na là xứ đồng Bàu Đá.
Kỳ lạ thay, đây cũng là nơi duy nhất ở Huế mọc nhiều hoa Phù Dung. Màu hoa nở trắng bàng bạc cả cánh đồng lớn lô nhô đá trắng. Khi chiều tà, cả cánh đồng chuyển sang máu hồng phấn, những đoá hoa Phù Dung cháy rực lên lần cuối cùng trước khi chìm vào đêm tối …
ST
Hình ảnh có liên quan