Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Hoa lộc vừng

Tình hoa
Người với hoa tuy hai là một, 
  Dẫu xa rời hoa vẫn cứ yêu...

Nở đêm trăng sáng yêu kiều,
Chút hồn ghi nhớ bao nhiêu ân tình !
Kiếp hoa, một kiếp linh đinh,
Người yêu hoa lại nặng tình với hoa....
Người giờ về chốn phôi pha,
Tạ tình hoa nở, người xa đâu rồi ?!
NM

Cây lộc vừng trổ hoa 

Chú tôi mất. Đấy là tổn thất vô cùng to lớn của gia đình. Chỉ có điều rất lạ là cây lộc vừng chú tôi yêu quí và gắn bó từ lâu cũng tự nhiên héo úa.

Chú tôi là công nhân lâm nghiệp, cả cuộc đời gắn bó với rừng. Có thể nói rừng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chú. Bàn chân chú đã từng in dấu trên nhiều cánh rừng của Tổ Quốc. Ở đâu khó khăn hoặc cần là chú có mặt.

Anh em tôi được chú cưu mang từ nhỏ khi mẹ tôi không may bị tai nạn mất sớm. Chú coi anh em tôi như con, còn anh em tôi coi chú vừa như cha, vừa như một người bạn lớn. Chú luôn dang tay che chở cho anh em tôi, bên chú chúng tôi thấy yên tâm và thanh thản. Mỗi lần về thăm nhà chú đều có quà cho chúng tôi, khi thì chùm quả vả căng đầy những mật, khi lại chùm dâu da đỏ rực… Ngày ấy chúng tôi rất thích nghe chú kể chuyện. Khi chú kể về khu rừng mới trồngđã lên xanh tốt, trong ánh mắt chú như có hai đốm lửa sáng ngời. Còn những hôm bắt gặp những cánh rừng bị bọn lâm tặc tàn phá, chú xót xa đau đớn như chính cơ thể mình bị tổn thương….

Có lần chú cho tôi vào rừng cùng. Tôi như đứa trẻ lạc vào khu rừng cổ tích. Rừng xanh đầy những bất ngờ, đây đó những cây cổ thụ to đến mấy người ôm không xuể, cao vút, bạnh cây gân guốc, tán lá rậm rạp, ánh nắng xuyên qua thành những tia vàng óng. Những chùm dây leo như bầy rắn khổng lồ đang gồng mình cuồn cuộn. Dưới thấp là thảm cây rậm rạp, nhiều lòai hoa đủ sắc mầu rất lạ mắt. Những con sóc chuyền cành nhanh thoăn thoắt, một tiếng chim lảnh lót trong tán lá, thỉnh thoảng một chú chim từ bụi cây bên cạnh bay vút lên khiến tôi giật mình thích thú. Tiếng gió reo trong lá tạo thành những âm thanh ru dương trầm bổng. Tôi bắt trước chú áp tai vào thân cây, lắng nghe tiếng nhạc rừng đang ngân rung những giai điệu bất tận của tình yêu cuộc sống, trong lồng ngực non trẻ bỗng dâng lên một cảm giác xốn xang rất lạ.

Chú đưa tôi đến một cánh rừng mới trồng, chú bảo đây là nơi bọn lâm tặc đã khai thác trộm, chú và anh em mới trồng lại. Có mấy cây con bị gió thổi ngã rạp xuống, chú nhẹ nhàng nâng dậy và cứ xuýt xoa mãi. Nhìn tôi đang vụng về lấy cành cây cắm xuống đất làm điểm tựa cho những cây yếu, chú xoa đầu trìu mến:

- Cháu ạ, cây cũng có đời sống và tình cảm như người, chỉ có những người yêu rừng, yêu cây và hết lòng vì nó mới có thể cảm nhận được.

Chú tôi nói về rừng về cây một cách say sưa. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất… rồi cây cũng biết vui biết buồn, biết giận. Nhiều điều chú nói sau này được học trong nhà trường tôi càng thấm thía hơn. Còn lúc đó trong trí óc non nớt của mình, tôi cứ tưởng tượng có một cô gái xinh đẹp như cô tiên ẩn trong thân cây. Khi cô khỏe, cây vui cứng cáp mỡ màng, mỗi khi cô yếu hay buồn là cây lại ủ rũ…

Hai chú cháu dừng chân bên một gốc vả, quả sai trĩu từng chùm mọng căng quanh gốc. Chú lựa mấy quả chín đỏ bổ cho tôi ăn, lát vả thơm lựng dâng đầy mật ngọt làm bao mệt nhọc tan biến. Nhìn ra phía rừng xa, chú vui vẻ:

Lộc của rừng đấy cháu ạ. Còn nhiều thứ quí và của ngon vật lạ lắm, nếu ta biết trân trọng nâng niu, rừng sẽ cho ta hưởng lộc.

Từ ngày nghỉ hưu, chú tôi qui hoạch lại khu vườn, mùa nào cũng xanh tốt và sai trĩu quả. Chú trồng một vườn cây cảnh, đủ cả sung, si, đa, lộc vừng… Nhìn chú chăm chút khu vườn mới biết tình yêu rừng trong chú vẫn như ngày nào.

Lần ấy thấy tôi về chơi chú mừng lắm, kéo tôi ra vườn khoe:

- Chú mới có một cây lộc vừng đẹp tuyệt vời. Cây này do anh em trong lâm trường tặng. Cả đời gắn bó với rừng mà chú chưa thấy cây lộc vừng nào đẹp đến như vậy.

Nói rồi chú đưa tôi đến bên cây lộc vừng, đi xung quanh rồi lại ra xa ngắm. Cây lộc vừng thân to xù xì u cục nhưng tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt, tán cây xòe rộng hình tháp, xanh mướt vươn lên kiêu hãnh, bộ rễ xum xuê vững chãi.

Nhìn chú vui tôi mừng lắm và hiểu rằng chú quí cây lộc vừng trước hết vì đó là cái tình sâu nặng của đồng đội. Mà cây lộc vừng ấy đẹp thật, càng ngắm càng thấy tỏa ra thần thái của bậc trượng phu, khí tiết của trang quân tử. Chẳng khác nào chú tôi cả đời ngay thẳng, trung thực, hết lòng vì những cánh rừng.

Chú từng kể cho tôi nghe, nhiều lần bọn lâm tặc tìm mọi cách mua chuộc chú để chú làm ngơ cho chúng khai thác gỗ trái phép, bị chú từ chối chúng tưởng chú chê ít chúng lại tăng gấp bội, nhưng chú kiên quyết không tiếp tay cho kẻ ác, chú bảo:

- Mình sống nghèo mà thanh thản, chứ ăn của rừng “rưng rưng nước mắt” đấy cháu ạ. Những lời nói chân thành mộc mạc ấy làm tôi xúc đông và nhớ mãi.

Thế rồi chú tôi bất ngờ đổ bệnh. Khi gia đình đưa chú đi khám mới biết chú bị ung thư giai đoạn cuối. Cả gia đình đều quây quần bên chú. Nhìn hình hài bé nhỏ gầy guộc, đến trở mình cũng khó khăn của chú, mọi người đều cố kìm xúc động, ra sân khóc lén. Riêng chú là vẫn cười nói như không, chỉ khi trong giấc ngủ ít ỏi mới thoáng thấy chú rên nhè nhẹ.

Khi chú hỏi thăm cây lộc vừng và bảo đem sang gửi ở nhà người con thứ ở cuối làng, kẻo cây biết chú ốm sẽ buồn phiền, ai cũng nghĩ chú nói đùa. Cũng đến lúc đó mọi người mới để ý tới cây lộc vừng. Vẫn cái dáng cứng cáp ấy nhưng lá đã ngả vàng từ lúc nào, lác đác đã có vài chiếc lá lìa cành. Tôi nghe loáng thoáng ai đó nói rằng từ khi chú tôi đổ bệnh không chăm sóc được nên cây mới thế, chứ khi còn khỏe ngày nào cũng thấy chú bên cây, có lúc còn thầm thì như đôi bạn tâm giao, tri âm tri kỷ. Tôi bỗng ớn lạnh khi nhớ tới chuyện hồn sống của cây mà chú tôi kể ngày nào. Tôi tin rằng bằng một cách nào đó, cây lộc vừng đã cảm nhận được tình trạng sức khỏe của chú tôi.

Thế rồi chú tôi lặng lẽ ra đi, vầng trán rộng còn vương nỗi ưu tư trăn trở. Chúng tôi đem khăn tang thắt cho cây lộc vừng và những cây trong vườn, cả khu vườn trắng một mầu tang tóc. Anh em chúng tôi không ai cầm lòng được, nức nở gọi chú trong nước mắt. Hàng cây chịu tang đứng im phăng phắc bỗng rùng mình xao xác, trời không mưa mà những giọt nước trên vòm lá rơi ướt lạnh trên má anh em tôi.

Đưa chú tôi ra đồng, chúng tôi kính cẩn gửi chú vào lòng đất mẹ xong, tôi thắp hương xin phép chú rồi mấy anh em xúm lại xem xét cây lộc vừng. Cây không có biểu hiện sâu bệnh, bộ rễ vẫn từng chùm đầy sức sống, cây đã rụng hết lá, vài cành nhỏ khô cứng nhưng bấm vào nhựa vẫn ứa ra. Mấy anh em tôi tỉa cành khô, chuyển cây vào nơi dịu nắng. Trong thâm tâm mấy anh em tôi ao ước cây lộc vừng xanh tốt trở lại. Chúng tôi đã quen với hình ảnh chú bên cây lộc vừng, đến mức có lúc cứ ngỡ cây với chú đã hòa làm một.

Dịp bốn chín ngày chú tôi, chúng tôi không hẹn mà cùng ra thăm cây lộc vừng, chú em tôi nghẹn ngào:

- Hàng ngày chúng em vẫn chăm sóc cho cây, nhiều lúc chúng em vẫn nói chuyện với cây như ngày trước bố em vẫn làm. Chúng em không muốn cây thiếu vắng tình người…

Thế rồi cây lộc vừng xanh tốt lại thật, những chiếc lá non tơ mới nhú óng lên trong nắng sớm, những hạt nước li ti long lanh trên lá như muôn hạt châu. Cả khu vườn mơn mởn một mầu xanh. Trong gió thoang thoảng hương thơm của lá, của hoa, ngây ngất một sức sống diệu kỳ dâng lên từ đất.

Gần đến ngày giỗ đầu chú, chú em điện cho tôi giọng mừng rỡ:

- Lạ lắm anh ạ, cây lộc vừng sai nụ lắm, em cứ cầu trời khấn phật để cây trổ hoa đúng ngày giỗ anh ạ.

Ngày giỗ chú, dù làm việc gì thì anh em tôi thỉnh thoảng vẫn ngó về phía cây lộc vừng với một sự chờ đợi thấp thỏm. Chiều ấy khi mọi việc đã xong, mấy anh em tôi ngồi quanh cây lộc vừng, câu chuyện đưa về những kỷ niệm về người chú thân yêu đã đi xa. Mỗi người đều kể về chú với một tình cảm sâu nặng.

Trăng lên. Tán lá xanh ánh lên một mầu vàng dịu, những chùm nụ đung đưa lung linh huyền ảo. Tôi thắp một nén hương trên bàn thờ chú, khi quay ra chợt sững người lại. Trời ơi! Tôi có nhầm không, khi từ trong tĩnh lặng như có tiếng lách tách nhè nhẹ. Những cánh hoa lộc vừng bừng nở đỏ thoáng chốc ngỡ ngàng, rồi chẳng mấy chốc đã buông thành một rèm hoa tha thướt. Mấy anh em tôi không ai kìm được tiếng xuýt xoa. Thấy vậy cả nhà ùa đến, thím tôi khóc nức lên: “Ông ơi là ông ơi! Ông sống khôn thác thiêng…”

Tôi chợt cay sè sống mũi vội bước ra sân, dưới ánh trăng, những cánh rừng bạt ngàn nối nhau xa tít tắp, mùi hoa, mùi lá cây lan tỏa khắp không gian. Tôi như thấy chú tôi vẫn còn đâu đó, lưng áo bạc trắng mồ hôi, cần mẫn vì sự sống của những cánh rừng
Trần Vân Hạc 
Hoa lộc vừng
Nghĩa địa làng Bùi cạnh sông Cầu Chày. Ngày ấy có một người tự nguyện trông coi. Bình thường lão lo làm ăn hầu như không giao thiệp với ai, khi làng có người chết lão tất tả đi lại nói năng khác thường, tỉ mẩn hướng dẫn cách đào huyệt thế nào để khi đặt người âm xuống cho đỡ đau, xua đám trẻ chăn trâu dạt ra cho người ta cúng tế, hạ huyệt.
Xong việc, mọi người về hết, lão thui thủi một mình cùng đống hoa giấy, tiền âm, cầm chai rượu cúng, ngửa cổ lên trời tu mấy ngụm rồi loạng choạng ngất ngưởng thu dọn đồ cúng cho vào nhà. Hôm sau, lũ trẻ chăn trâu biết chắc lão còn ở ngoài vườn bày trò tập trận giả, trộm hết chuối, oản, bánh kẹo ra bãi tha ma chén sạch. Lão biết nhưng không thèm xua đuổi.
Lão có tên Trần Như Tiếp, dân làng Bùi quen gọi thân mật bằng cái tên cúng cơm từ bé là Cò Tiếp. Ai gọi thế nào mặc kệ, lão không thèm để ý, cứ dửng dưng vô cảm. Cò Tiếp dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ xoan cạnh nghĩa địa, trồng các loại hoa màu đủ ăn. Làng bảo mắc điện, lão ậm ờ cho qua chuyện, bảo không có tiền. Các tổ chức đoàn thể khuyên lấy vợ lão nói lảng sang chuyện khác. Trong nhà trống huơ trống hoác không có gì đáng giá ngoài mấy bộ áo quần bộ đội đã cũ, một giường đơn và vài dụng cụ sản xuất vẹt mòn theo năm tháng. Bộ ấm trà và ống thuốc lào cũng đen sì, đặc quánh thâm u. Xung quanh nhà, lão đắp ụ trồng nhiều cây lộc vừng lấy từ đầu nguồn sông Cầu Chày, có hai cây đẹp, lão cho vào chậu cảnh cắt tỉa công phu tạo dáng mẹ bồng con.
Nhìn lão tỉa tót, nâng niu, chẳng khác mấy đại gia chơi bon sai sành điệu dưới phố. Ai trả bao nhiêu lão cũng không bán. Mùa xuân, hai cây lộc vừng ra hoa giống những sợi tơ trời rũ xuống như hai mái tóc buông xõa. Lũ chim trời động lòng rủ nhau về ngự, chuyền cành hót líu lo xua tan vẻ âm u tĩnh mịch, làm lão Tiếp cũng vui lây. Mới ngoài năm mươi tuổi, cổ lão đã có hốc, mắt trũng sâu như người đói ngủ, chân mày rậm, trán hói, hai hàm răng bám đầy trà thuốc. Lão cười ngô nghê trông đến tội nghiệp. Những người ở làng kháo nhau: Lão Tiếp mắc chứng mộng du. Mấy bà quá tuổi, góa chồng mỗi lần đi làm qua vườn gặp lão đều trêu:
- Anh Tiếp ơi, người ta con đàn con đống, còn anh để chúng em chờ đến bao giờ…?
Tiếp vốn là đứa con hoang được một người tốt bụng từ thị xã Thanh Hóa mang về cho ông Thiện làm con nuôi. Ông bà Thiện chân chất, phúc hậu nhất nhì ở làng Bùi nhưng sinh con một bề nên ông bà quý Tiếp hơn vàng. Tiếp lớn lên nhờ những giọt sữa thơm bú mướn, được trời sinh, trời dưỡng không ốm đau dặt dẹo rồi cũng đi học, chăn trâu cắt cỏ bình thường như những đứa trẻ khác. Có điều kỳ lạ, Tiếp học rất sáng dạ, thông minh, mới lớp sáu mà đã giải hộ được toán lớp bảy, làm không ít con gái ở trường làng để ý, liếc trộm, thán phục trong đó có con gái ông Chủ tịch xã Nhiêu Về. Mới mười lăm tuổi đã biết làm dáng, nhưng học kém, kiểm tra toàn nhìn bài của Tiếp. Bù lại, Nhiêu Về có đôi mắt bồ câu sắc đẹp, khuôn mặt thanh tú dễ nhìn, vồng ngực vun lên từng ngày và mùi hương thơm khó tả của tuổi dậy thì làm cho máu con trai trong người Tiếp rực lửa.
Những năm giữa thế kỷ trước, chiến tranh lan đến mọi nẻo quê, con trai làng Bùi xung phong ra trận gần hết, nhiều người không về, những người phụ nữ âm thầm gánh thêm phần góa bụa. Ngày ấy, chỉ còn lại những người đàn ông tật nguyền và phụ nữ ngày đêm thi đua sản xuất góp gạo nuôi quân. Vượt lên nhiều mất mát của chiến tranh, hạt gạo làng Bùi cũng âm thầm, lặng lẽ theo những cánh quân xuyên rừng vào tận trời Nam đánh giặc. Không chịu được nỗi cô đơn trống trải của người con trai thời loạn và khát khao cháy lòng được đi bộ đội cầm súng đánh giặc, trốn ông bà Thiện, Tiếp nhiều lần đến nhà Chủ tịch xã xin được nhập ngũ.
Ông Hoắng, Chủ tịch xã vừa đi họp trên huyện về đã thấy Tiếp trong nhà, không kịp cởi bộ áo quần màu gụ còn nguyên bụi đường, dựng chiếc xe đạp Thống Nhất vào rặng cúc tần, ném mũ cói và chiếc xắc cốt màu đen xuống phản. Không thèm đáp lại lời chào của Tiếp, ông vê một điếu thuốc lào tra vào nỏ châm lửa kéo một hơi dài, tiếng điếu rít lên như xé gió, khói từ miệng ông phả ra thành nhiều vòng tròn nối nhau như ống khói tàu hỏa chạy bằng hơi nước. Chiêu một ngụm chè xanh, ông phán:
- Tôi đã nói nhiều lần, ngữ anh vắt mũi chưa sạch, còn thiếu một tuổi, xã đội đã bàn cho ở nhà đi cày.
Tiếp ấp úng:
- Bác khỏi lo, cháu đi bộ đội được mà.
Ông Hoắng cao giọng:
- Không nói nhiều, mất thì giờ, về đi để tôi còn làm việc.
Không nhịn được, Tiếp đứng lên tuyên bố một câu xanh rờn:
- Không bác cháu gì sất! Ông không cho tôi đi, tôi sẽ lấy con gái ông, đừng trách.
Ông Hoắng như giẫm phải lửa, sau phút chau mày ông trấn tĩnh lại ngay: Mình là Chủ tịch xã có bề thế danh gia vọng tộc không thể đồng trang lứa với thằng phải gió, mách qué này. Mẹ kiếp, thằng này không cha không mẹ, máu giang hồ còn nguyên, mấy năm uống nước làng Bùi có nhằm nhò gì? Không khéo nó làm thật thì khốn. Nghĩ đến đó ông hạ giọng vỗ về:
- Bác nói đùa vậy thôi để thử quyết tâm của cháu. Không sao, cứ về chuẩn bị đi, từ từ rồi bác tính.
Đợt tuyển quân năm ấy, Tiếp đi bộ đội lúc 17 tuổi, khi chuyến đò dọc đưa anh và nhiều thanh niên khác về bến sông Mã để đi vào Nam thì có một người con gái đứng khuất sau rặng lộc vừng vẫy tay đưa tiễn. Ông Hoắng đâu ngờ trong hành trang Tiếp mang theo có một cuốn nhật ký và một khăn mùi xoa thêu hai con bồ câu đậu trên một trái tim màu lửa rất đẹp. Nhiêu Về xúc động chóng mặt khụy xuống, mầm sống trong người cô xuất hiện.
Ông Hoắng gọi dân quân đưa ngay vào trạm xá cấp cứu. Là người từng trải, rành đời, ông tức lộn tiết muốn tống cái của nợ này đi nhưng không được. Nhiêu Về đòi tự vẫn để bảo toàn danh dự đã thề thốt với người mình yêu. Vốn là kẻ đa mưu túc kế, may cho ông, chỉ một tháng sau đám cưới của Nhiêu Về - con gái ông Chủ tịch xã và anh thương binh Trần Trọng Kim bị ù tai do sức ép của bom Mỹ từ miền Nam ra an dưỡng tại làng được tiến hành. Đám cưới tổ chức theo đời sống mới, dân làng Bùi tha hồ đàm tiếu xung quanh câu chuyện cái thai trong bụng Nhiêu Về, được cái anh Kim điếc đặc không nghe thấy, ai nói cũng cười cứ tưởng họ chúc mừng hạnh phúc. Nhiêu Về cũng khéo ăn ở nên được chồng cưng chiều yêu thương.
Rồi con gái Nhiêu Về ra đời giống mẹ như tạc, mũi dọc dừa, lớn nhanh học giỏi. Của đáng tội con bé đẹp người, đẹp nết gặp ai cũng lễ phép chào, làng trên xóm dưới ai cũng đặt miệng khen, rồi tai họa bỗng dưng ập đến làm xôn xao cả làng. Hôm ấy hai mẹ con giặt áo ngay bến sông Cầu Chày, trời nắng, con bé Liên ngẫu hứng xin mẹ tập bơi, không may gặp dòng nước xoáy hụt chân. Nhiêu Về lao ra cứu con bị dòng nước cuốn chìm, ba ngày sau dân làng mới vớt được xác hai mẹ con dưới rặng lộc vừng cách đó không xa. Anh thương binh thương vợ, thương con bỏ đi mất tích.
… Hết chiến tranh, Tiếp về làng với chiếc ba lô trĩu nặng, lỉnh kỉnh một con búp bê mặc váy củn cỡn mắt xanh lè, tóc vàng hoe, một khung xe đạp Stecnin và khá nhiều quà cáp. Anh tặng tôi một tập ảnh có cô gái nheo mắt rất đa tình mỗi khi di chuyển trông thật ngộ nghĩnh. Ngày anh vắng nhà, các chị đều đi lấy chồng làng bên, ông bà Thiện lần lượt dìu nhau về với tổ tiên, nỗi cô đơn trống trải đè nặng khi anh đặt ba lô xuống chiếc giường cũ trong gian nhà ngói ba gian lâu ngày vắng hơi người và đầy tiếng mọt nghiến. Đón anh không ai khác chính là ông Hoắng.
Anh ra bến sông Cầu Chày ngồi lặng đi hằng tuần, tìm về bãi tha ma thắp hương cho người xấu số, anh ốm một trận thập tử nhất sinh, đi nhiều bệnh viện không xác định rõ bệnh, rồi tự nhiên trở thành người khác và tự đốn gỗ làm nhà ở lại nơi này.
Hôm ấy trời bỗng dưng đổ mưa, cất xong mẻ rượu, mẹ tôi bảo mang ra cho bác Tiếp, giờ này không có ai chắc bác buồn lắm. Trời xẩm tối, tôi vừa đi vừa sợ, biết ý mẹ tôi dỗ dành: Không có ma quỷ gì đâu, mà nếu có thì ma không bắt những người tử tế.
Tôi đạp xe một mạch ra cạnh bến sông. Mưa tạnh. Trời đầy sao, tiếng dế nỉ non, tiếng côn trùng rả rích, lũ ếch nhái đi tìm bạn tình, tiếng cuốc gọi đêm tạo thành một thứ âm thanh với nhiều tạp âm hỗn loạn. Dưới ánh đèn dầu leo lét mờ tỏ tôi thấy bóng anh đổ dài đang thì thầm với người thiên cổ. Gió suông đưa theo mùi vàng mã trộn với khói nhang thơm ngát, tiếng anh vọng lại:
- Mình ơi! Tôi vượt qua nghìn lửa đạn nguyên vẹn về đây sao lại gặp nhau trong hoàn cảnh thế này?
Đất trời vẫn im lặng.
- Mẹ con nằm dưới ấy có lạnh không? Mùa đông về rồi tôi gửi cho em và con hai tấm chăn bông và ít quần áo sách vở.
Tôi đứng như phỗng, không tin những điều mình nghe thấy. Đất dưới chân như lún xuống, cảm giác như từng ngọn cỏ, nhành cây, tiếng gió đều tụ về chứng kiến tấm lòng của anh.
Bến quê còn đây mãi
Em và con đâu rồi
Ngước nhìn lên dốc vắng
Gặp vầng trăng đơn côi
Không dám lên tiếng sợ cắt đứt dòng suy nghĩ thiêng liêng của anh, nhẹ nhàng bỏ can rượu vào nhà, dắt xe ra bờ đê, tôi chạy một mạch như bị ma đuổi.
Hơn mười năm, tôi về thăm làng trong một ngày nắng đẹp. Mẹ tôi tóc bạc da mồi, nhưng vẫn nhớ như in ngày anh Tiếp ra đi. Cả làng ai cũng khóc. Mẹ tôi ngậm ngùi “Thế là ông ấy toại nguyện xuống gặp được vợ con”. Tôi ra bến sông Cầu Chày, nhớ về thời chăn trâu cắt cỏ. Vẫn cây cáo mọc chìa ra giữa sông cho chúng tôi tập bơi, điếm canh đê của làng vẫn còn, nghĩa địa có thêm nhiều ngôi mộ mới. Tôi kính cẩn thắp cho anh một tuần nhang. Ngôi nhà cũ năm xưa vẫn còn, ai đó âm thầm chăm chút cho rặng lộc vừng xanh tốt. Bên cạnh hai cây lộc vừng cũ, giờ lại có thêm một cây được bài trí trong chậu mới theo thế quân tử. Hai cây lớn khép tán xanh nụ, những đài hoa tím ngát tỏa hương thơm dịu nhẹ len vào đất trong ráng chiều tĩnh lặng.
ĐỖ NHƯ THUẦN

Hoa lộc vừng thương nhớ

Về nhà đi con gái 
Bên góc vườn xưa cha vẫn ngồi đó ngóng chờ  
Về nhà đi con gái 
Cuối mùa này hoa Lộc Vừng vẫn nở 
Nhành đỏ tươi đợi người thiếu nữ cài lên tóc 
Chú họa mi ngày nào chẳng hót nữa 
Cả khu vườn cây cỏ chợt lặng im 
Về nhà đi con gái 
Tất cả đều đang buồn rầu mong mỏi...
***

hoa-loc-vung-thuong-nho
Một buổi sáng gần đầu mùa đông năm ngoái tôi nhận được tấm bưu thiếp của em trai gửi từ quê nhà với những dòng thơ ấy. Đã gần một năm trôi qua tôi không về nhà. Cha tôi đang bị ốm, bao nhiêu thuốc thang cũng không thể chữa được những căn bệnh của tuổi già. Ngay trong chiều hôm ấy tôi đã mua vé máy bay từ Marrid (Tây Ban Nha) về nước ngay.
Tôi bỏ tấm thiệp vào túi áo khoác, thỉnh thoảng lại lôi ra đọc, những dòng chữ trên đó đã ướt nhòe bởi những dòng nước mắt của tôi. Tôi nhớ cha mẹ, nhớ nhà, đã bao nhiêu lần tôi bảo về nhưng cứ lần lữa mãi. Hoa Lộc Vừng, cây hoa mà em trai tôi nhắc đến trong bài thơ ấy chắc là cây Lộc Vừng mà cách đó khoảng năm, sáu năm về trước cha tôi không biết xin được ở đâu đem về trồng ở một góc vườn nhỏ của gia đình. Cha chăm sóc nó rất cẩn thận, chỉ vài năm sau nó đã lớn và trổ hoa, hồi đó tôi vẫn đang học những năm đầu đại học, tôi đi xa nhà suốt. Mỗi lần về nhà tôi cũng chẳng để ý là trong vườn nhà mình có cái cây nào đó tên là Lộc Vừng, mãi đến khi nó trổ hoa một màu đỏ tươi tôi mới hỏi cha tôi đó là cây gì.
" Người ta gọi đó là cây Lộc Vừng đấy!"
"Cha trồng cây này để làm gì? Nó có quả ăn được không, sao giống như cây cảnh vậy?"
"Tao cũng không biết, nghe một người Kinh ở dưới xuôi bảo trồng cây này thì nhà sẽ có lộc, phát tài phát lộc ấy, sau này hoa nở nhiều ta sẽ có cuộc sống ấm no, đủ đầy..."
Nghe cha trả lời vậy tôi chỉ thấy trái tim mình đau nhói, cha tôi vẫn không ngừng mơ ước, mơ ước và hy vọng về một cuộc sống sung túc cho cả gia đình. Năm ấy cha tôi đã ngoài 50 tuổi, người ta luôn mơ ước những điều mình không có, cha tôi cũng vậy, cả cuộc đời cha sống trong nghèo khổ nên lúc nào cha cũng mơ ước về một cuộc sống khá giả hơn ở hiện tại. Tôi biết cha mơ ước như vậy cũng là vì mấy anh em tôi, là cho những đứa con mà ông hằng thương yêu mà thôi. Hồi trẻ cha tôi là con riêng của bà nội, ông nội tôi không yêu quý ông nên suốt những năm tháng tuổi thơ ông phải chịu rất nhiều thiệt thòi và cay đắng. Cha mẹ tôi lấy nhau cũng trong hoàn cảnh nghèo khó, vài năm sau mấy anh em tôi lần lượt ra đời cuộc sống của cha mẹ lại thêm phần khổ cực hơn. Hồi bé tôi từng bị một trận ốm rất nguy kịch, cha tôi đã phải bán chiếc đồng hồ đeo tay là kỉ vật mà cha đẻ của ông để lại cho, cha phải bán đi lấy tiền chữa chạy cho tôi.
Sau này lớn lên biết được chuyện đó lúc nào tôi cũng thầm ao ước một ngày nào đó kiếm ra tiền sẽ mua tặng cho cha mình một chiếc đồng hồ đeo tay thật đẹp. Trong suốt nhiều năm qua với công việc của một nhà báo tôi đã có cơ hội gặp không ít những vĩ nhân, người nổi tiếng trong số ấy có rất nhiều người không chỉ tài giỏi mà còn có tấm lòng nhân hậu, với tôi họ đến tuyệt vời đến mức hoàn hảo. Tôi rất ngưỡng mộ họ nhưng người tôi luôn kính trọng và thần tượng nhất trên đời này chính lại là cha tôi, một người đàn ông cả đời lam lũ, chỉ biết có ruộng vườn, cây cỏ. Một người đàn ông mà trong suốt gần sáu mươi năm cuộc đời chưa từng đặt chân đến thành phố lớn nhất đất nước của mình. Một người đàn ông chỉ biết có núi đồi, ông chưa từng đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết nào thậm chí nói tiếng phổ thông còn không thạo. Cha tôi là một người cha miền núi chất phác, là một người đàn ông hầu như phần lớn cuộc đời chỉ biết hỏi: "Ngày mai sẽ ăn gì?"; "Mùa sau có đủ thóc ăn không?"; "Lấy tiền đâu gửi cho con nộp học kỳ tới?"... Đất đai ít, chẳng có vốn liếng gì, nhà đông con, vợ lại hay ốm đau... cả đời dù đã làm việc cật lực nhưng cha tôi chẳng hết được khổ cực. Cha nghiêm khắc lắm, mấy anh em tôi thường xuyên phải đòn vì những trò nghịch dại nhưng sau mỗi cái roi quất xuống mông đứa con nào là nước mắt của cha tôi tuôn rơi theo từng lằn roi ấy. Sau này tôi và anh trai lớn dù có hư cha cũng chẳng đánh nữa, chỉ mắng mỏ đôi câu. Còn các em tôi thì chẳng bị đánh bao giờ, chắc theo thời đại phương pháp giáo dục con cái của cha tôi đã khác đi.
Cha tôi nấu ăn ngon và khéo nữa nên họ hàng có tiệc tùng gì luôn nhờ ông sang nấu nướng hộ một vài món chính, anh em chúng tôi đứa nào cũng thích ăn cơm của cha nấu hơn là của mẹ. Những năm tháng nơi đất khách quê người phải ăn những món ăn khác lạ tôi luôn thấy thèm một bữa cơm gia đình nhất là những món ăn ngon mà do chính tay cha tôi làm. Ngày xưa đi học đại học, không có tiền nên dù được nghỉ lễ dài ngày tôi cũng không thể về nhà, từ thành phố về quê cũng mất gần nửa ngày đi xe khách. Thế là một mình tôi cứ lang thang quanh khu kí túc xá vắng tanh, mỗi lần như thế cha tôi lại gọi điện xuống hỏi, nghe giọng ba và các em chí chóe qua điện thoại tôi phải cố kìm nén để không òa khóc. Dù không nhìn thấy nét mặt tôi lúc đó nhưng hình như cha tôi biết rõ chuyện gì đang xảy ra, ông bảo.
"Nhớ nhà quá thì về một chuyến đi, để tao đi gửi tiền xuống cho mua cái vé xe về nhé".
Tôi bảo không, vì biết cha cũng chẳng có tiền, cha sẽ lại đi vay, cả đời cha phải vay nợ khổ lắm rồi. Sau khi tôi ra trường đi làm được một thời gian, anh trai cả nhà tôi cũng đi xuất khẩu lao động nước ngoài, cuộc sống của gia đình tôi có khấm khá hơn nhưng tôi vẫn rất ít khi về nhà. Một lần cha tôi gọi điện:
"Tết Cơm mới này có về nhà không?"
Thấy tôi chần chừ mãi không trả lời, ở đầu dây bên kia giọng cha sốt sắng nói tiếp.
"Nếu mày bận học, bận việc thì thôi ở nhà vẫn tốt cả mà".
Đúng là tôi rất bận, không có cả ngày nghỉ cuối tuần, cha biết thế cũng chẳng giục tôi về. Cũng vì thế mà những cuộc điện thoại về nhà của tôi cũng thưa dần đi, cha ốm tôi nhiều lần tôi không biết. Cha tôi vốn là một người đàn ông cao lớn, khỏe mạnh từ bé đến giờ ít khi thấy ông ốm đau, nếu cha ốm tôi thấy không quen chút nào và thấy có cảm giác sợ hãi. Tôi đã quen với việc mẹ quanh năm thuốc thang nhưng lần nào thấy ba phải uống thuốc là tôi thấy lo lắm, lúc đó biết bao nhiêu điều xấu xa chợt hiện về trong trí óc tôi. Tôi sợ nếu như cha cũng thường xuyên bị như mẹ thì ruộng vườn, việc học hành của anh em chúng tôi sẽ ra sao đây? Và tôi biết chính cha tôi cũng sợ lắm, một lần ông bị đau bụng rất nặng, do bị dị ứng thức ăn lạ, ông gọi anh em tôi đến và bảo đem cái vòng tay bạc duy nhất của mẹ đi bán lấy tiền rồi đưa ông đi bệnh viện. Lời cha nói hôm đó vẫn còn ám ảnh tôi đến bây giờ.
"Tao không muốn chết lúc này đâu, tao sợ lắm, tao còn nợ nần nhiều quá, tao mà chết đi mẹ con chúng mày làm gì mà trả được cho người ta".
Ơn trời mọi chuyện rồi cũng đã trôi qua, sau đợt đó cha tôi lại khỏe mạnh lại như xưa. Mỗi lần đến một vùng đất mới, tôi thường không bỏ qua những đền chùa, nhà thờ, nhà nguyện và tất cả những nơi có thể cầu nguyện được. Tôi đến những nơi ấy cầu nguyện bằng đủ tất cả những thứ tiếng mà tôi biết, tôi cầu nguyện cho cha mẹ, cho tất cả gia đình tôi. Mở đầu những lời cầu nguyện bao giờ tôi cũng cầu cho cha mẹ tôi được khỏe mạnh bình an. Thế mà mùa đông năm ngoái cha bỗng bị một trận ốm, ốm nhẹ thôi nhưng kéo dài. Dù khi anh em tôi trưởng thành, biết đi làm cha đã đỡ vất vả nhiều nhưng lúc ấy cha cũng già rồi, sức khỏe không còn được như trước nữa. Em trai út tôi bảo cha ốm còn là vì cô đơn nữa, anh em tôi đứa đi học, đứa đi làm, có đứa cả năm không về cha buồn nên sinh bệnh. Đúng là từ ngày đi làm tôi cứ đi suốt từ nơi này đến nơi kia, cha không nói gì tôi cứ nghĩ là ông chẳng nhớ tôi nhiều đến thế. Hóa ra ông luôn lo lắng, luôn mong ngóng chúng tôi về... Ông chẳng nói với tôi người chuyên đi không có điểm dừng, chẳng nói với anh trai cả đang làm việc ở Đài Loan mà chỉ nói với thằng em trai út của tôi đang ở cùng cha mẹ, rằng ông nhớ những đứa con đang tha hương nơi đất khách quê người, nhất là tôi là con gái mà cứ một thân, một mình. Tôi mới biết điều ấy từ mùa đông năm ngoái, lúc ấy dù đang có đủ thứ phải làm ở Tây Ban Nha tôi cũng bỏ dở để về nhà. Thấy tôi trở về cha mừng lắm, ông chỉ tay ra góc vườn, cây Lộc Vừng xưa giờ đã cao lớn, đầu đông rồi mà hoa vẫn nở.
"Cái ông người Kinh gì dưới xuôi cho tao cái cây này đã bảo mà, hoa nở là nhà có cái lộc, mày về rồi đúng là cái lộc đây mà..."
Lúc ấy nước mắt tôi lại tuôn rơi, hóa ra tôi là "lộc" của cha sao? Những điều cha mong mỏi chỉ có vậy, chỉ là mong chúng tôi luôn được vui vẻ, hạnh phúc và thỉnh thoảng về sum họp đủ đầy bên nhau...
Mùa hè qua tôi đi lấy chồng, nhà chồng xa nhà cha mẹ có vài chục cây số nhưng tôi vẫn ít khi được về nhà thăm cha mẹ, thăm ngôi nhà thân yêu xưa cũ của mình, vẫn là chuyện công việc, chồng con. Về nhà chồng được một tháng ba tôi gửi tặng cho tôi cành Lộc Vừng đã được ông chiết từ lâu, chồng tôi mang ra khoảng sân trước nhà trồng và ngày nào anh cũng chăm bón cẩn thận. Sáng nay dậy trong tiết trời hơi se lạnh của cuối mùa thu tôi nhìn thấy trước cổng nhà mình cây Lộc Vừng nhỏ đã đỏ đầy hoa, bài thơ của cậu em trai nhỏ viết ngày nào lại ùa về trong tâm trí:
...Về nhà thôi con gái
Cuối mùa này hoa Lộc Vừng vẫn nở...
Sáng nay tôi quyết định về thăm cha tôi.
Hoa Thược Dược

Hoa Nở Về Đêm 

HOA LỘC VỪNG LẠI NỞ…  

Sau lần đầu tiên bất ngờ khi chứng kiến cả một chùm dây hoa lộc vừng, với những bông hoa nhỏ màu đỏ, lấp lánh dưới ánh đèn treo trên cao, đong đưa trong gió, tỏa hương ngào ngạt trong đêm, đã năm năm trôi qua, đợi chờ mãi mà cây lộc vừng ở căn nhà gỗ ven sông Sài Gòn của tôi không thấy nở hoa. Tôi cũng không biết điều này có ý nghĩa gì vì cây lộc vừng nằm trong tam đa sinh vật cảnh, là một loại hoa có nhiều ẩn ý phong thủy, linh thiêng. Từng cánh hoa như những hạt vừng tuy nhỏ nhặt nhưng nhiều nhặn, khác với những loài hoa khác chỉ rụng khi đã úa tàn, riêng hoa lộc vừng ngay khi bóng đêm vừa tan, hoa còn tươi thắm đã rời cành. Một loài cây mang lại cảm giác bình yên, an toàn..

Hơn năm năm qua, hàng ngày tôi vẫn thầm quan sát, chờ đợi. Nước sông Sài Gòn ngày hai bận lên xuống, bèo lục bình mênh mang xanh ngắt dạt cả một bên bờ khi nước lên, bóng cây lộc vừng in xuống dòng sông. Cây lộc vừng này do mấy người thân trong gia đình các nạn nhân trong vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký tặng cho tôi thay vì phải trả thù lao luật sư trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ là bị hại trong vụ tai nạn chìm tàu Dìn Ký xảy ra vào ngày 20/5/2011. Thân cây lộc vừng ngày càng vững chãi, lá xanh um choàng bóng mát lên cả một khoảng sân rộng, thi thoảng khi nhìn ánh hoàng hôn toả vàng trên tán lá, đón màn đêm dần che phủ trên sông, tôi thầm cầu mong linh hồn của các nạn nhân siêu thoát.
Đó cũng là quãng thời gian tôi chứng kiến biết bao mảnh đời, thân phận của những người phụ nữ là khách hàng của tôi đang phải tự mình giành lấy sự bình yên cho gia đình sau những biến cố. Khi đang viết những dòng chữ này vào ngày cuối cùng của tháng Ba, có Ngày Quốc tế phụ nữ, tôi cảm nhận giới đàn ông dường như chưa hiểu thấu đáo sự trưởng thành của chính họ xuất phát từ chính yêu thương, lòng bao dung của những người mẹ, người vợ, người chị, người em trong gia đình hay bạn hữu thân thiết. Sau những mệt mỏi, thậm chí chán chường, tuyệt vọng trong chuyến đi của chính mình vào cuộc đời nhiều bất trắc này, khoảnh khắc cô đơn giữa sa mạc, trong giông bão đời thực hay tâm hồn, có lẽ không người đàn ông nào thôi suy nghĩ, ước có được một mái hiên với vòng tay của người phụ nữ đang chờ họ.
Vậy mà cây lộc vừng lâu lắm rồi không trổ hoa, khói trầm nghi ngút mỗi độ trăng tròn, nhưng bóng cây vẫn cô độc in bóng bên dòng sông. Tôi không rõ bây giờ, những người đàn ông còn lại đang sống như thế nào khi trong căn nhà mỗi khi họ mệt mỏi quay về, không có bóng dáng của những người phụ nữ thân yêu của họ. Ở ngoài kia, tôi đang chứng kiến những mảnh đời còn đau đớn hơn, khi dường như bây giờ phụ nữ phải gánh vác vượt quá thiên chức vốn dĩ dành cho họ. Trong một vụ án hình sự đặc biệt lớn đang diễn ra, người phụ nữ nhỏ nhoi bất lực chống đỡ cùng số phận có thể bị tước đi mạng sống, chờ đợi mãi không thấy người đàn ông của đời mình đến gặp mỗi kỳ thăm nuôi. Bà bảo với tôi, nếu có mệnh hệ nào không bước qua được phận số, bà muốn hiến tặng thân thể của mình cho y học. Tôi lặng người trước suy nghĩ kỳ dị của bà
Vẫn biết dù đó là người bình thường hay đang bị chế tài của pháp luật, quyền được hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết đã được pháp luật quy định. Tôi chưa rõ nếu ý tưởng trên thành hiện thực, liệu những mô, tạng trong cơ thể nhỏ bé của bà sẽ giúp được cho những ai đang chờ đợi được ghép tạng như là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối ? Đó là chưa kể, trước khi hiến tặng thân xác, nội tạng, chắc chắn bà phải trải qua một quy trình kiểm tra sức khỏe hết sức nghiêm ngặt, để đảm bảo mô, tạng hiến tặng thật sự có thể giúp cho người có nhu cầu khi cơ thể của bà đã ngừng hay không còn cơ hội hồi phục. Tôi cũng tự hỏi, không biết bà có hiểu một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn mười người khác không ? Chỉ nghĩ đến đây thôi, tôi lại thấy thương vô cùng cho những khách hàng của mình, khi đối diện với sinh tử cuộc đời, vẫn còn hy vọng làm điều gì ân nghĩa như là một sự hồi tâm.
Trong khi tôi miên man suy nghĩ về những sự kiện đang xảy ra, vào sáng hôm qua khi tôi ghé về căn nhà nhỏ bên sông, bỗng thấy một thảm hoa lộc vừng phủ kín dưới thân cây. Tôi đã từng ví von, khi bình minh chiếu rọi cảnh quang sông nước khi triều lên, thảm hoa lộc vừng vương vãi trên mặt đất, để lại những nhành hoa buông thõng như vừa qua một kỳ sinh nở. Nay vốc một nhúm hoa lộc vừng để trên bàn tay, tôi cảm nhận những cánh hoa mềm ướt đang run rẩy, như thể chiêm nghiệm giây phút ngắn ngủi của đời người. Một cơn gió bất ngờ thổi qua, khiến những cánh hoa bay dọc bờ sông, chấp chới. Có cảm giác như ai đó vừa mới về ghé thăm vườn cũ…
Luật sư Phan Trung Hoài
  
 
Hình ảnh có liên quan

 
Cây lộc vừng kỳ lạ 

Bán mua gì đâu bác. Ông chủ tịch huyện miền núi thích quá, nhà em biếu luôn. Nhận được cái dự án mấy chục tỉ còn gì. Lão ấy tiếc chứ em thèm vào. Cây gì mà như có ma, em cứ đến gần là rợn cả tóc gáy.

Nha khí tượng dự báo thời tiết lạnh 6-7 độ. Nhưng ở bản Mây, có lẽ trời lạnh hơn. Gió bấc thông thốc, nhức buốt từ lỗ tai này sang lỗ tai kia. Năm nay rét lạ. Rét chết trâu chết bò. Sương muối buổi sáng rải trắng hai bờ cỏ ven đường vào bản. Cuối con dốc đổ sát ven suối, ngôi nhà sàn phên nứa mốc đen, khói bay cuộn ra từ gian giữa. Một cái đầu bịt khăn ngó ra sau cửa sổ, mặt mũi nhăn nheo ám khói của bà già người Mường, giống cái sọ người mới đào lên, chỉ thấy hai hốc mắt.
- Chỗ có cờ đỏ ấy mà!
Bàn tay khô mỏng da ếch, khua khua chỉ về phía trong bản. Nơi có lá cờ đỏ bay trên cây cột thép cao là Trạm kiểm lâm bản Mây. Khách hỏi đường là một ông già tóc muối tiêu để dài, mũ len, áo dạ xù xù. Khách dụi mắt, lạnh buốt dọc sống lưng. Vừa đến đầu bản đã gặp ma. Hay tại mình chạy xe đường xa, mệt quá nên hoa mắt. Rõ ràng vào đây một lần rồi, sao quên đường nhanh thế. Bộ mặt khô quắt của bà già thật giống chiếc đầu lâu trùm khăn đỏ. Khách xiết ga, chạy. Chiếc xe máy cũ nát, tả tơi phun khói mù mịt, lao thẳng vào sân trạm kiểm lâm.
-        Ô! Nhà thơ! Lâu ngày tiên sinh vẫn khoẻ chứ ạ?
-        Chả khoẻ lại vào được nơi rừng sâu, nước độc này à.
Người thì bắt tay, người thì ôm vai vồ vập. Mấy cuốn sách mỏng được lôi ra từ chiếc cặp da cũ. Tặng anh em tập thơ mới ra này. Toàn viết về rừng nhà các cậu đấy.
Chưa ngồi ấm chỗ, Nhà thơ nhấp nhổm.
- Cành lộc vừng  của tớ ra rễ chửa? Được rồi! Rễ màu vàng là được rồi.
- Đang rét lắm anh ạ. Để tháng ba ấm áp vào cắt đảm bảo hơn.
- Mặc kệ! Cứ cắt cho tớ. Chờ đến tháng ba, có thằng dở hơi nào nó cắt mất thì sao.
- Của nhà thơ ai dám lấy! Mà còn anh em ở đây nó trông giữ chứ.
- Cậu cứ đùa dai. Hỏi ở đâu có cây lộc vừng ra hoa hai màu vàng đỏ như ở đây? Nói thật nhá. Lỡ ông Tính phó chủ tịch tỉnh vào thăm, lão ấy đòi lấy, có đứa nào dám giữ không? Hớ hớ! Bố bảo chả dám nhá. Nên tí nữa cơm rượu xong, anh xin mang về thành phố cho chắc.
Đúng là chẳng chỗ nào có cây lộc vừng ra hai màu hoa như ở bản Mây. Nó cao sừng sững có tới bảy tám mét, cành lá rườm rà, mỗi chùm hoa buông dài cả thước. Đặc biệt, từng dải hoa vàng đỏ xen lẫn, đẹp tuyệt. Cậu kỹ sư lâm nghiệp của trạm sau khi tính toán, cho hay lão lộc vừng đã hơn trăm tuổi. Đầu năm ngoái lang thang vào rừng tìm cảm hứng, Nhà thơ “thơ thẩn” phát hiện ra cây lộc vừng lạ. Ông ngơ ngẩn trước những chùm hoa hai màu, rồi tỉ tê xin trạm trưởng một cành mang về làm cây cảnh. Kiểm lâm đồng ý rồi. Cũng phải mất ba ngày nhà thơ cứ chắp tay sau đít đi đi lại lại dưới gốc cây, ngửa cổ lên lựa chọn.
- Cho anh xin cái cành tha la kia kìa. Cành ấy chiết xong, trồng vào chậu sẽ có thế Nghênh phong. Cánh văn nghệ bọn tớ khoái thế ấy. Anh cám ơn trước nhá.
Một cậu kiểm lâm trẻ vất vả trèo lên cây. Tiếng cưa xoèn xoẹt. Xoèn xoẹt. Mùn cây lươm tươm đỏ như máu, bay rắc lên đầu nhà thơ. Cành lộc vừng được buộc dây thả xuống. Đám rễ đã chùm ra ngoài nắm mùn đất trong bọc ni lon buộc túm hai đầu. Nhà thơ nhẹ nhàng dựng ngược cành cây, gật đầu ưng ý. Trong nỗi thích thú âm ỉ, nhà thơ chợt nghe có tiếng gầm gừ trên ngọn cây. Ông ngước nhìn lên, nheo nheo con mắt trái. Nơi cành lộc vừng vừa bị cắt, một khoảng trống nhỏ hiện ra, nhìn rõ cả mây trời màu xám. Nhà thơ lại lạnh sống lưng. Giữa khoảng trống kia xuất hiện một cái đầu tóc vàng hoe, khuôn mặt già nua nhăn nheo giận dữ. Bụp! Mọi người đều giật mình. Câu kiểm lâm trượt chân ngã từ trên cây xuống, nằm ngất lịm. Lao xao, cuống quýt. Có sao không? Kiểm tra xem có gãy xương không? Cứ để cậu ấy nằm yên đấy, gọi y tá ra đây. Cậu kiểm lâm được cấp cứu, mấy phút sau thì tỉnh. May không gãy xương. Nhà thơ tay cầm cành lộc vừng, tâm trí rối bời vì tai nạn do mình liên đới. Trưởng trạm an ủi ông. Không sao đâu bác. Ngã cây, trượt dốc đối với chúng em là chuyện thường. Anh cắt bỏ mấy chùm hoa buông loà loà cho khỏi vướng. Về nhà ươm nơi đất mát ba bốn tháng hãy vào chậu. Nhà thơ ngần ngừ một lúc rồi nhất quyết:
- Kệ nó! Về nhà tớ cắt sau. Giờ cứ loà xoà thế này cho có tý sắc xuân.
Cây lộc vừng mới vắt vẻo sau yên chiếc xe máy cọc cạch, rong ruổi từ rừng ra phố. Những cánh hoa màu đỏ, vàng rơi rải rác từ bản Mây ra suối Nai, lốm đốm rắc dọc tỉnh lộ ra bến phà Tam Dân. Về đến thành phố thì trơ mấy chùm cuống hoa tơi tả.
                                               ***
Năm sau cây lộc vừng nhu nhú mấy cọng hoa. Nhà thơ ngày ngày nín thở, hồi hộp nhìn, chờ đợi. Rồi thì hoa cũng buông, nhưng chỉ ngắn chừng gang tay. Rồi cánh hoa cũng nở, nhưng chỉ toàn hoa đỏ chứ không có chùm hoa vàng nào. Chờ mãi, chờ mãi, cùng chỉ thấy màu đỏ mịn màng, mòng mọng. Nhà thơ gừ gừ trong họng, đeo cả kính lão lên. Lạ nhỉ! Mới từ rừng ra phố mà nó thoái hoá nhanh thế? Ấy vậy mà cánh bạn văn chương ông nào cũng mê tít. Nhà thơ nhớ lời dặn của tay trạm trưởng kiểm lâm. “Tiên sinh mà không kín miệng. Thiên hạ vào đây tàn phá cây lộc vừng là tiên sinh có tội lớn đấy”.
Góc tường rào của Nhà thơ có rãnh nước nhỏ đổ vào hệ thống thoát nước của khu phố. Cảnh thôn quê mới lên thành thị, nhiều thứ có vẻ kệch cỡm. Vậy mà mấy cánh hoa đỏ mòng mọng lững lờ chảy qua rãnh nước lại tạo ra nét thơ mộng. Chúng túm tụm lại một chỗ, một màu đỏ trinh nguyên. Có người đi qua, phát hiện ra mấy cánh hoa lạ. Hoa gì nhỉ? Không mỏng manh như cánh bích đào, không to dày như cánh hồng trà hay hải đường. Tò mò, có kẻ trèo lên bức tường rào dòm vào trong sân. Ái chà! Có phải cây lộc vừng không? Sao từng chùm hoa đỏ lạ thế? Bỗng oạch. Tiếng kêu đau đớn chói tai. Nhà thơ đang viết, vội dừng bút mở cổng nhìn ra. Một thanh niên to béo ngồi bệt dưới tường rào, máu me đỏ thẫm bàn chân.
- Chết chửa! chân cẳng sao thế này?
- Ái ui! Cháu bị trượt chân ạ.
- Cậu chờ tí nhá. Tớ vào lấy cho miếng vải sạch băng vết thương lại.
Khi bước qua chậu lộc vừng, mắt nhìn mờ mờ nhân ảnh, khuôn mặt lão già nhăn nhó giận dữ phảng phất sau gốc cây. Tuần sau, khi Nhà thơ đưa vợ con đi đám hiếu nhạc mẫu về, cây lộc vừng đã “bay qua” tường rào hai mét, biến mất. Nhà thơ đứng dụi mắt nhìn dấu vết hình tròn cái chậu để lại trên sân, lòng thầm thán phục bọn trộm. Làm cách nào mà chúng khiêng nổi cái chậu cây nặng hàng tạ qua tường rào? Ông lặng lẽ đi quanh sân. Đây! Dấu vết chúng để lại lộn xộn nhiều bàn chân đi từ góc sân về phía tường rào. Đây! Chiếc dép tổ ong thằng trộm làm rơi. Đứng trước bức tường cao hai mét, ông lắc đầu không hiểu. Cũng may là trước kia nhà thơ không chịu cắm mảnh chai lên mặt tường. Ông phát hiện một cục kẹo sô cô la dài màu tím ngay chân tường rào, kiến bu kín đen. Mẹ cha bọn này! Đi trộm cây còn kẹo bánh mang theo. Gẩy cục kẹo vào bụi cỏ “tóc tiên”, Nhà thơ há mồm hoảng sợ. Đó là một ngón tay người, nát bươm. Trời cao đất dày ơi! Cây lộc vừng đày đọa người ta thế này ư?! Nước mắt rơi ướt đẫm buổi bình minh. Bà vợ đi chợ về, thấy nước mắt thì an ủi chồng:
- Thôi mình ạ! Mẹ cũng thọ hơn 80 rồi còn gì. Ai chẳng biết mình thương bà ngoại.
Nhà thơ ngơ ngẩn ra vào không làm được việc gì. Ông thương nhớ cây lộc vừng, tiếc đứt từng khúc ruột. Lại còn ngón tay rách tươm ông chôn dưới bụi chuối kia. Không lẽ lại đi báo công an. Nhưng ông vốn dị ứng với ngành này. Cứ nhắc đến công an là khắp người nổi mần đay, ngứa râm ran. Trong khi khắp người đang ngứa ngáy, Nhà thơ bỗng nghĩ tới một giải pháp. Hôm nào lại xấu mặt vào rừng xin cây khác vậy.
Cách đó 60 cây số là nhà một đại gia chuyên thầu xây dựng. Ngôi nhà của kẻ lắm tiền trông cũng khác. Cao ba tầng, mái chồng mái. Đằng trước một tháp tròn kiểu Nga-ta-lư, đằng sau tháp nhọn kiểu Ai Cập. Cổng vào bằng gỗ quý có hai con chó đá ngồi chầu. Tường rào toàn đá đen xây thô như tường phủ Vua Mèo trên Hà Giang. Đại gia này tuyên bố. “Ngôi nhà là tập hợp các kiểu kiến trúc của người giàu có”. Hôm nay chủ nhật, nhà đại gia có tiệc sinh nhật. Khách khứa tới nơi mới té ngửa không phải sinh nhật 49 tuổi đại gia, mà là sinh nhật một năm cây lộc vừng quý. Chẳng nói thì ai cũng đoán ra, đó chính là cây lộc vừng hoa đỏ mà nhà thơ nọ bị mất. Một năm nay cây lộc vừng lọt vào nhà đại gia, được chăm sóc kỹ lưỡng rồi ngồi trong chậu quý. Cái cành ngả xuống thành thế Nghênh phong nay được uốn lên, kết hợp với hai cành nhỏ phía trên thành thế Tam Đa (Phúc- Lộc – Thọ). Ai cũng trầm trồ vì những chùm hoa đỏ buông thõng, ríu rít ong bướm. Thay vì nở chúm chím như buổi đầu mới ở rừng ra, nay những cánh hoa nhỏ nở bung hết cỡ, để thiên hạ chiêm ngưỡng thật rõ từ đầu cánh hoa đỏ tròn mọng đến cuống hoa màu phớt hồng và chùm nhụy li ti trắng chấm đen.
- Chậu lộc vừng này... Lúc nào đại gia không khoái chơi nữa, sang tay cho tôi nhé.
Một tiểu gia xuất khẩu chuối xanh sang Tàu, gạ gẫm.
- Cậu có bao nhiêu tiền mà dám hỏi mua cây lộc vừng của ông ấy?
- Thì cũng cỡ một trăm trở lại chứ mấy!
- Thôi cậu lượn đi cho nước nó trong. Chị trả nửa tỉ rồi mà mặt lão ấy lạnh như đít bom kia kìa.
Tiểu gia nóng mặt, văng tục:
- Bà cậy lắm tiền kiểu trọc phú thì mua làm sao được cây quý của ông anh tôi. Vấn đề không phải là tiền, mà là văn hoá thưởng thức. Kể ra…công việc của bà cũng bận rộn, thời gian đâu mà thưởng thức cây cảnh?
Bà trọc phú giận tím cả mặt. Nó mới ti toe mấy năm buôn chuối xanh mà xấc, lại dám cạnh khoé nghề chạy tìm con nuôi cho người nước ngoài của bà. Đang sắp tốc váy lên dạy cho thằng tiểu gia một bài học, thì liên tục chuông điện thoại:
- Ờ! Ờ! Cứ đưa nó về chỗ chị. Cho đi thử máu, kiểm tra sức khoẻ cả mẹ lẫn thai nhi nhá. Dồi! Dồi! Ô-kê! Thanh- kìu! Phần em có mười triệu nhé.
Tiệc mở tưng bừng, bia rượu tràn cung mây. Kiếp người ta, có nhiều tiền cũng sướng. Cái cây quý thế này chứ quý nữa cũng mua được. Kể cả mấy cái mạng người có đáng bao nhiêu đồng tiền đâu. Bọn họ bắt chước dân Nam Bộ, một tay giấu sau lưng, một tay nâng cốc bia, miệng hô: “Một! Hai! Ba! Dzô! Chúc mừng cây quý! Dzô! Dzô!”.
Có tiếng xe máy nổ lạch bạch chạy vào sân. Cả hội quay ra nhìn người đàn ông tóc muối tiêu để dài đang lúi húi tìm chỗ dựng xe. Ai thế nhỉ? Khách của ai mà trông như ông ăn mày hiện đại.
- Chào các anh em!
- Vâng! Bác tìm ai? Có nhầm nhà không?
- Không lẽ lại nhầm? Đây là nhà Đại gia xây dựng...
- Ông là ai?
- Tớ là nhà thơ. Nghe gia chủ có cây lộc vừng quý nên đến thưởng lãm thôi mà.
Cả đám ồ lên. Ái chà chà! Tiếng lành đồn xa. Đúng là cây quý. Xin mời nhà thơ vào đây. Thưởng thức cây phải thưởng thức cốc bia đã. Nhà thơ đứng trố mắt nhìn cây lộc vừng. Ôi cây ơi! Đúng là mày đây, nhưng sao bây giờ cành lá lộn tùng phèo cả lên thế này? Hình như cành lá cây lộc vừng run rẩy, dù trời lặng gió. Nhà thơ cảm thấy lờ mờ bộ mặt già nua nhăn nhó vẻ đau đớn trong thế cây mới.
- Tớ hỏi không phải. Chứ đại gia mua cây này ở đâu ?
- Ha ha ha! Cám ơn bác quan tâm. Tôi không phải khai báo việc này chứ?
- Này! Ông có bán lại không?
- Trả bảo nhiêu hả nhà thơ?
- Hai chục triệu! Hoặc là báo công an.
Ha ha ha! Cả đám cười đau bụng. Thằng cha nhà thơ này điên. Người ta bảo bọn nhà thơ thường điên điên khùng khùng. Đúng thế! Cây lộc vừng giá nửa tỉ mà nó trả hai chục triệu. Lại còn doạ báo công an nữa. Thôi mời ông xơi cái cánh gà này, rồi về mà nghỉ ngơi làm thơ nhá. Nhà thơ thấy trong người ngứa râm ran. Ông đang nghĩ đến việc báo công an về vụ mất cây quý.
- Các người cứ vui vẻ đi. Tớ về. Hẹn gặp lại sau.
Chẳng đồng chí công an nào can thiệp vào vụ mất cây của Nhà thơ. Ông mất cây hàng năm trời, bây giờ mới báo thì bố chúng tôi tìm được à? Nhà thơ lại ngứa phát điên lên vì tức. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, câu châm ngôn loé lên trong một đêm mưa lớn, sấm chớp ùng oàng. Sáng hôm sau, Nhà thơ dắt xe máy ra đường. Nước mưa còn chảy cuồn cuộn từ các ngõ hẻm đổ ra mương thoát nước. Bánh xe rẽ nước thành niềm hy vọng. Mình phải nói thẳng, nói thật với tay đại gia xây dựng. Nếu nó động tâm sẽ cho chuộc lại cái cây với giá mua vào. Xe hết xăng giữa đường, phải dắt bộ hai cây số. Mồ hôi túa ra, hơi thở phì phì. Nhà thơ thất vọng bải hoải chân tay khi được biết đại gia xây dựng không có nhà. Cô vợ, cổ, tay vàng đeo như mang cùm, thông báo:
- Nhà em đưa máy vào huyện miền núi làm đường rồi bác ạ. Lão ấy có về, phải cuối tuần.
Nhà thơ liếc mắt nhìn. Cây lộc vừng không còn nằm ở góc sân. Nó giấu đi đằng nào nhỉ?
-   Nhà có cây lộc vừng quý. Cô chú bán rồi à?
-   Bán mua gì đâu bác. Ông chủ tịch huyện miền núi thích quá, nhà em biếu luôn. Nhận được cái dự án mấy chục tỉ còn gì. Lão ấy tiếc chứ em thèm vào. Cây gì mà như có ma, em cứ đến gần là rợn cả tóc gáy.
Cô vợ cười toe toét, đôi mắt dâm đãng xô bắn nhà thơ ra khỏi cổng.

***
Trưởng trạm kiểm lâm ghé tai Nhà thơ thì thầm :
- Đúng cành lộc vừng này rồi. Mẹ khỉ! Thế nào mà nó lại quay trở ngược về rừng?
Chủ tịch huyện xách bình rượu thuốc, rót ra ba cái cốc lớn.
- Rượu này một người uống, nhiều người vui đây. Chẳng mấy khi có nhà thơ về huyện. Xin mời cụ lộc vừng trước ạ.
Chủ nhà tưới chút rượu xuồng gốc cây, rồi mới đưa mời khách.
Rượu uống vào đắng ngắt. Nhà thơ ấp úng :
- Nghe tin anh có cây lộc vừng quý, anh em chúng tôi vào xin phép ngó qua tí.
- A! Thế này là Bá Nha gặp Tử Kỳ  đây. Đúng là giống cây quý. Các cậu xem này. Hoa nó đang buông, lại có hai màu vàng và đỏ xen lẫn. Tuyệt cú mèo không? Cây này nguồn gốc từ bên Trung Quốc hay châu Phi mới di thực về. Nếu nó chịu được thổ nhưỡng ở đây, mình sẽ đề nghị lập dự án nhân rộng cây lộc vừng hai màu, giao cho bên kiểm lâm thực hiện.
Nhà thơ lom khom đứng xem chậu cây. Những chùm hoa hai màu đỏ, vàng buông tuyệt đẹp. Cả lá cây cũng xanh nhuận hơn, không héo hắt như hồi ở nhà ông. Nhà thơ dụi mắt. Lạ thật! Giữa những chùm hoa, phảng phất khuôn mặt lão già tóc vàng, hẻ hê như say rượu.
Lúc ra khỏi nhà Chủ tịch huyện, trạm trưởng kiểm lâm nói nhỏ:
- Anh phải tuyệt đối giữ bí mật nhé. Không là có tội đấy. Thằng nào lại ba hoa xích đế, lừa cả chủ tịch huyện thế nhỉ? Để trời nắng, em bảo lính nó chiết cho anh cành khác. Lần này chọn thế gì? Chứ nghênh phong thì hết rồi.
Nhà thơ lắc đầu. Thôi cậu ạ! Đem cây từ rừng về nhà mình, có lẽ là tội ác thật. Mình không còn hứng thú chuyện cây cảnh nữa. Nhà thơ thì làm thơ thôi. Líu ríu chuyện đời thường làm gì. Nhưng mà hôm nào tìm cho tớ mấy cái rễ cây mật gấu về ngâm rượu nhá. Hồi này người ngợm nhão hết cả rồi. Đau ê đau ẩm. Tớ sẽ giữ bí mật, không bẻm mép với bố con thằng nào cả. Thật đấy!
 

Kết quả hình ảnh cho Tranh vẽ hoa lộc vừng