Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Bướm đêm

Hoa bướm đêm
Một chút gì rực rỡ,
Một thoáng dáng kiêu sa.
Em khác chi nào những doá hoa...
Bao nhiêu ong bướm mơ màng đến,
Em vẫn là em nét mặn mà !

Vô thường là cõi tạm,
Sao lòng cứ bâng khuâng !
Em xa rồi xa mãi,
Bao giờ ta được gần ?...
Trong giấc mơ trẻ dại,
Thương nhớ hình bóng cha,
Nơi quán Vô thường ấy
Là tình yêu thiết tha !!
NM

BƯỚM ĐÊM
Khi còn nhỏ, tôi rất hay theo mẹ đến nhà hát lớn để xem ba biểu diễn. Ông là một nhạc công chơi violon trong giàn nhạc giao hưởng lớn ở Thành phố. Có thể nói đối với ông, âm nhạc là cả cuộc đời. Cái thứ thanh âm khi réo rắt, khi du dương, trầm lặng ấy ám ảnh tôi cả trong những giấc mơ thơ dại khi nép mình nơi góc cửa nhìn ba chơi violon trong ánh sáng mờ nhạt ban chiều bên khung cửa sổ. Là một mình trong cái thế giới đầy huyền hoặc, chỉ riêng ba mà có lẽ tôi không bao giờ chạm tới được. Cũng vì lẽ đó, tôi ấn tượng mạnh với những người làm công việc liên quan đến âm nhạc, dù sau này tôi chọn cho mình một lối đi riêng, hoàn toàn tách biệt với thế giới của những điệu nhạc không lời.
1- Tôi làm trong một công ty quảng cáo, chuyên thiết kế ý tưởng và nhận nhiệm vụ quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Sếp của tôi là một ông chủ cực khó tính nhưng lại cực dễ gần. Nghe có vẻ như khá ngược ngạo nhưng sự thật là vậy. Để làm được công việc này không chỉ đòi hỏi nhân viên phải nhanh nhẹn, hoạt bát mà còn phải có trí tưởng tượng, khả năng quan sát và thẩm mĩ cao. “Ngoài ra còn phải có cá tính nữa”- cái giọng khàn khàn quen thuộc của sếp lại vang lên, tôi phải nín lắm mới không khỏi bật cười ra thành tiếng. Có lẽ vậy mà ngày đầu tiên bước chân vào văn phòng, tôi đã không giấu nỗi sự ngỡ ngàng trước hàng loạt những cái tện kì quặc từ những người cộng sự: Tép Riêu, Bão biển, Dâu tây, Rêu Phong, Ninja… Lẫn trong số vô vàn nickname kì lạ, trò chơi và kế hoạch chẳng giống ai ấy là cái tên Bướm đêm, tưởng như rất đỗi bình thường nhưng lại mang đến cho tôi cái cảm giác tò mò và thôi thúc đến lạ như cái thời còn bé lén ba đem cây violon ra chơi, mà mãi đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết tại sao. Có thể là định mệnh. Hoặc chẳng là gì cả.
  1. Tên em là Hạ Chi, nhẹ nhàng, xinh đẹp, bí ẩn nhưng lạnh lùng như chính cái tên Bướm đêm. Ngoài khả năng làm việc không mệt mỏi và bề ngoài ưa nhìn, em còn là chủ nhân của hàng tá những ý tưởng và kế hoạch độc đáo, được sếp cực kì tin cậy. Có thể nói em đang đứng ở vị trí mà bất cứ cô gái nào đều thèm muốn nhưng tỉ lệ thuận với những thứ ấy là sự lạnh lùng đến đáng sợ. Đôi lúc tôi lại tự hỏi liệu ngoài công việc ra còn có thứ gì khác quan trọng với em khi hầu như em không hề tỏ ra quan tâm đến bất cứ một vấn đề nào khác mà các cô gái đều yêu thích. Chẳng mua sắm hàng tháng ở Plaza. Chẳng xem tạp chí thời trang. Đặc biệt lại chẳng ưa những lời đường mật có thể giết chết 99% loài ruồi. Bằng chứng là lời tỏ tình có cánh của một bậc đàn anh nổi danh là đào hoa trước mặt toàn thể các anh em trong công ty đã được đáp lại bằng một vẻ mặt thản nhiên cùng câu trả lời cũng thản nhiên nốt: “Xin lỗi anh, nhưng dầu anh có nói hàng vạn lần như thế nữa thì câu trả lời vẫn chỉ có một. Em không cần anh và cũng không cần bất kì ai bảo vệ và chăm sóc”. Nhiều khi lén nhìn em trong giờ làm việc tôi cũng chỉ biết thở dài. Dường như bức tường bao bọc quanh em quá lớn. Nó dày và kiên cố đến nỗi không có chút ánh sáng nào có thể lọt vào. Vì đơn giản câu trả lời vốn dĩ cũng chỉ có một. Em là bướm đêm. Loài bướm chỉ xuất hiện mỗi khi đêm về…
Bướm đêm: Sky. Ngày mai đem cho tôi xấp tài liệu chuẩn bị cho mẫu quảng cáo loại trà xanh mới nhé.
Sky: Sáng mai phải không? Mấy giờ?
Bướm đêm: Uk . Đúng 8 giờ nhé. Cậu biết đó tôi không thích mấy người lề mề.
Sky: Nếu xét ra anh lớn hơn em một tuổi đấy. Đáng lẽ ra em phải gọi anh là anh chứ nhỉ?
Bướm đêm: Cậu bắt đầu học cách xét đoán người khác từ bao giờ thế? Cậu sinh tháng 12, tôi sinh tháng 1. Tại sao người ta lớn hơn nhau cả chcu5 tháng mà vẫn xưng hô bạn bè đấy thôi. Tôi không thích phải gọi những người chỉ lớn hơn mình một hoặc hai tuổi bằng anh đâu.
Sky: Em cũng biết ngày sinh anh đấy à? Lạ nhỉ? :))
Bướm đêm: Cậu không biết à? Tôi là người xét duyệt cậu vào công ty này trước khi hồ sơ được đưa lên cho sếp. Với lại hình như nãy giờ tôi đã thông báo những điều cần biết cho cậu rồi. Tôi out đây. Nhớ đúng giờ đấy.
Sky: Khoan đã. BUZZ!
Bao giờ cũng vậy. Cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ là những mẩu đối thoại vụn vặt chưa đầy 5 phút và chỉ được gói gọn trong hai từ: Công việc. Lúc nào cũng là em mở đầu với công thức: “Ngày mai…” hay “Nhớ đem cho tôi….”, “Cuộc họp bắt đầu lúc…”. Còn tôi sẽ đảm nhận phần kết thúc với hai từ Khoan đã thay cho The end. Phũ phàng. Lạc lõng. Nó đem lại cho người ta cái cảm giác như thể khi vừa kịp nhìn thấy thiên đường thì đã rơi tõm xuống dưới chín tầng mây. Không đau nhưng chơi vơi lắm…
3.  Một chiều mưa nhẹ.
Phần còn lại của bản phác thảo ý tưởng cho dòng điện thoại cảm ứng mới phải được nộp gấp vào sáng mai bó chân tôi lại phòng làm việc đến quá giờ làm. Không gian thật yên ắng. Đâu đó ngoài trời mưa vẫn rơi nhẹ. Từng cơn gió thoảng qua khẽ mang theo cái không khí lành lạnh len lỏi qua khung cửa sổ chạm đến tận sâu trong da thịt. Thật hiếm hoi những khoảnh khắc được ở một mình như thế này. Vớ vội chiếc áo khoác, tôi lững thững bấm nút thang máy xuống tầng dưới, định bụng sẽ đi đâu đó xả stress trước khi quay lại làm nốt phần cuối cùng. Em ở đó. Vẫn dáng người thanh mảnh, vẫn mái tóc xoăn nhẹ bồng bềnh, giơ tay đón chiếc taxi nào đó đi ngang. Không hiểu sao ngay lúc đó, có một động lực nào thôi thúc, tôi bám theo em cho đến một quán café nhỏ nhắn mang tên Vô thường ở trên đường Văn Cao. Bướm đêm trút bỏ lớp vỏ ngoài màu đen tuyền u tối để khoác lên mình bộ cánh màu thiên thanh giữa màn đêm tĩnh mịch. Ở đây, lần đầu tiên sau bao tháng trời làm việc, tôi tìm thấy một góc khác trong em, dịu dàng, chất chứa những điều mà tôi không thể nào hiểu được vào trong đôi mắt sâu thẳm đượm buồn. Chọn một chỗ ngồi khuất, tôi lặng lẽ gọi một ly café đen, vừa để lòng mình thư giãn và hòa mình vào tiếng violon khi du dương, da diết đã ám ảnh tôi suốt quãng tuổi thơ khờ dại. Không phải là cô bạn đồng nghiệp lạnh lung được sếp tin cậy và nhân viên mới, mà đơn giản chỉ là một nhạc công và vị khách xa lạ thích được thưởng thức tiếng đàn lay động lòng người giữa những lo toan, bộn bề cuộc sống…
Kể từ ngày đó, tôi có thói quen đến Vô thường mỗi khi tan ca. Sự xuất hiện đột ngột của tôi có phần làm em hơi ngạc nhiên nhưng rồi em chỉ mỉm cười đáp lại. Nụ cười hiếm hoi của một bướm đêm lạnh lùng. Khi thì một nhành hoa, khi thì một cốc café sữa nóng kèm theo một vài dòng nhắn nhủ trên tờ giấy nhỏ trước khi tôi ra về. Thảng hoặc vài lần tôi nhìn thấy niềm vui dù rất nhỏ ánh lên trong đôi mắt em qua những cái nhếch môi bất chợt. Đó chỉ là tôi đoán vậy thôi chứ thật sự em có vui hay không thì tôi không tài nào biết được. Nhưng dù sao tôi vẫn thích nghĩ thế, tự an ủi rồi mỉm cười với chính mình một cách thật ngốc xít theo cách khả thi nhất mà một tên con trai nửa cổ điển nửa hiện đại như tôi có thể làm được cho em- Một con bướm đêm đúng nghĩa chỉ thật sự xuất hiện vào ban đêm để rồi khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng đó là lúc bướm ta biến mất nhường chỗ cho những loài sinh vật khác khoác lên mình bộ áo rực rỡ dưới ánh mặt trời…
Có lẽ vì vậy mà em bớt thờ ơ với tôi hơn dù ở công ty hay ở Vô thường tuy chưa bao giờ em nói là chấp nhận sự có mặt của tôi trong cuộc sống của mình. Em vẫn thế, vẫn dựng một bức tường dày kiên cố với tất cả mọi người như một lẻ hiển nhiên dù đôi lúc tôi vẫn tự hỏi tại sao em lại làm như vậy. Nhưng dường như tôi mặc nhiên chấp nhận điều ấy mà không đòi hỏi bất cứ một câu trả lời nào. Vì tôi chỉ cần có một chỗ đứng dù rất nhỏ nhoi thôi, ở bên cạnh em những lúc em cần, được ngồi hàng giờ không lo âu suy nghĩ ở Vô thường để nghe em chơi nhạc, được nhìn thấy cái nhếch môi hài lòng mỗi khi nhận được một mòn đồ gì đó từ tôi. Mọi thứ cứ diễn ra đều đều và yên ả như thế. Vẫn là những mẩu đối thoại vụn vặt về công việc. Không tin nhắn yêu thương. Không cùng nhau đi xem một bộ phim nào đó ở rạp. Cũng không quán xá la cà. Chỉ thi thoảng cùng ăn phở hay cơm sườn ở một quán cơm bình dân ngoài phố vì em thích được ngắm từng dòng người vội vã trên đường. Thi thoảng đi chung thang máy, bâng quơ gọi cho nhau lúc giữa trưa rồi thì ậm ừ vì công việc. Chỉ bấy nhiêu thôi mà nó khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về cái thứ tình cảm lơ lửng cứ như áng mây trôi hoài vô định. Duy chỉ có một lần em đề nghị tôi chở về, chắc em mệt, tôi cứ thấy như thể em muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi ngoài câu chuyện bình thường về loài sinh vật xuất hiện về đêm:
-          Bách nè!
-          Ừ! Em mệt hả? – Chúng tôi vẫn gọi nhau ngược ngạo thế.
-          Có muốn nghe một câu chuyện không?
-          Ừ! Hiếm khi anh nghe em kể chuyện – Tôi cười toe, vừa đưa tay chỉnh lại kiếng chiếu hậu.
-          Có một con bướm đêm luôn khoác bên ngoài bộ cánh mỏng. Nó luôn cố gắng hết sức để dẫn đầu đàn để chứng tỏ cho mọi người thấy nó mạnh mẽ. Vì nó phải thật mạnh mẽ mới có thể một mình đi hết quãng đường dài phía trước. Một mình mà không có ai cả. Nó thay đổi và nó phải làm lại từ đầu sau cú va chạm đầy đau đớn với các loài khác để sinh tồn. Nhưng rồi một ngày nó gặp một con bướm khác muốn cùng đi với nó. Nhưng nó không thể. Vì nó chỉ có thể đi một mình…
-          Vì sao?
-          Vì nó chỉ có thể đi một mình chứ sao nữa.
Em phá lên cười. Lần đầu tiên tôi thấy em cười to thế. Câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi nhưng tự nhiên tôi lại thấy vui, cũng không định vặn vẹo lại em thêm nữa. Gió cứ thổi đừng đợt vào mặt. Tôi cảm nhận được đâu đó vòng tay em ôm ngang lấy tôi một vgiây rồi vội vàng rụt lại. Ít ra giữa màn đêm mờ mịch, tôi còn tìm thấy một tia hy vọng. Rằng với em tôi không hẳn chỉ là một người bạn bình thường… 
4. Chuyện tôi với em bỗng trở nên thân hơn không tránh khỏi tai mắt của các “nhân vật tai tiếng” kiêm “loa phóng thanh” trong công ty. Có đứa còn mạnh dạn vỗ vai tôi “Sky. Mày được lắm!”. Nhưng không được bao lâu bầu không khí bỗng trở nên nặng nề đến đáng sợ. Mọi người đều lờ tôi sang một bên. Khi chắc hẳn bắt gặp một ánh nhìn từ xa của một bạn đồng nghiệp thì ngay lập tức khi tôi quay lại, mọi thứ dường như lại đi vào quỹ đạo của nó. Tôi ngơ ngẩn chẳng biết chuyện gì cho đến một hôm tình cờ nghe được một đoạn đối thoại cắt ngang trong nhà vệ sinh:
–        Ninja. Nghe tin gì chưa?
–        Tin gì là tin gì?
–        Thì chuyện của nhỏ Bướm đêm đó!
–        À! Vụ nó với thằng Sky lâu rồi mà.
–        Không phải. Tao mới nghe được tin khác kìa. Mày có biết tại sao nhỏ lại lạnh thế không?
–        Thì tại nó vốn thế chứ sao. Cái thằng này hỏi lạ.
–        Không. Tao nghe nói nó bị.. đồng tính mày ạ.
–        Đồng tính?
–        Suỵt. Nói nhỏ chứ.
Tôi suýt nữa không kìm được tức giận để lao ra ngoài đánh cho tụi nó một trận ra trò. Đồng tính? Nhảm nhí! Nếu em là người như thế, chắc hẳn trong buổi tối hôm đó em đã không xử sự như vậy. Tôi đã tự nhủ với mình như thế. Tất cả chỉ là một trò đùa.
-          Mày lấy cái tin đó ở đâu thế? Có bằng chứng gì không mà đồn bậy bạ vậy mậy? Nhỏ mà nghe báo cáo với sếp lại mất tình cảm anh em với nhau.
-          Chính xác 100%. Không những lanh mà nhỏ còn tránh tiếp xúc với mọi người nữa. Mỗi lần lỡ đụng chạm đến nhỏ là y rằng nhỏ la oai oái. Ở đời mà mậy, ai biết được bản chất người ta ra sao. Huống hồ gì như tụi mình làm mới có mấy năm. Mà tao nghe nói mấy rài nhỏ cũng nghe rồi mà không có phản ứng gì, chắc là…
Tôi lao thẳng ra ngoài bỏ mặc hai thằng bạn đứng như trời trồng. Hôm đó, tôi đến Vô thường và về sớm hơn thường lệ. Suốt quãng đường dài, thứ thanh âm réo rắt của violon và những lời nói ban nãy cứ lẫn lộn, đan xen nhau. Nắng nhạt dần trên con dài thẳng tắp

  Buổi party cuối năm.
Những ánh đèn màu rực rỡ của Deja Vu, nhà hàng kiểu pháp sang trọng gần ngay bên bờ hồ. Âm nhạc du dương, trầm lắng của một điệu Valse nào đó bất chợt vang lên, đem lại bầu không khí nhẹ nhàng, thư thái lạ. Bướm đêm xuất hiện với bộ đầm trắng muốt, chỉn chu và lộng lẫy tựa như những nàng công chúa bước ra từ truyện cổ tích. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Đối với tôi là  vậy. Đứng dựa lưng vào góc tường, tôi khoan khoái nhấp từng ngụm Champagne dài, vừa đưa mắt dõi theo hình dáng em từ xa. Một lần nữa giai điệu Valse lại vang lên, phá vỡ những cuộc trò chuyện rôm rả và đưa mọi người vào quỹ đạo. Nắm tay em giữa không gian rộng lớn chỉ chìm trong ấm nhạc, chúng tôi để từng bước chân di chuyển thật êm, thật nhịp nhàng trên nền nhạc nhẹ. Hơi rượu từ đâu còn vương lại phảng phất trong từng hơi thở phả vào không gian nay chỉ còn là những đốm sáng nổi bật lên giữa màn đêm mờ mịch:
-          Hôm nay em thật đẹp, Bướm đêm ạ!
-          Sky, cậu cũng biết nịnh đấy à? – Đôi môi đỏ mộng khẽ nhếch lên.
-          Dạo gần đây anh có nghe một số tin đồn không hay về em…
-          Tôi không có gì để giải thích cả.
Chân tôi lỡ mất một nhịp. Câu trả lời của em thật sự làm tôi bối rối.
-          Vậy là sao? Anh không hiểu.
-          Cậu hiểu hay không cũng được. Nhưng tôi đã nói rồi tôi không có gì để giải thích cả.
Trong hơi men ngà ngà say, tôi không chắc là mình đã ôm lấy em và hôn. Nụ hôn đầu đời của một thằng con trao lần đầu tiên nếm vị ngọt bùi của thứ tình yêu đầu đời. Mãnh liệt đến lạ lùng với thứ tình cảm ngay từ đầu đã không có gì là chắc chắn. Con bướm đêm nhỏ bé ngất ngây với cảm giác và cú va chạm bất ngờ nhưng cố sức giẫy giụa thoát khỏi vòng tay mạnh bạo của chàng trai trước mặt bằng một cú đẩy người và một cái tát thật mạnh. Ánh sáng đèn phụt lên. Có tiếng xù xì to nhỏ lẫn những gương mặt còn vẹn nguyên nỗi tò mò. Trong cơn say váng vất, bản tính tự trọng và kìm nén của tôi từ đâu trỗi dậy, tôi không còn nhớ là mình đã gạt phắt các chén đũa được bày trên bàn xuống đất và hét lên rằng:
-          Cô nói đi! Tại sao vậy? Tại sao cô lại đối xử với tôi như thế? Chẳng lẽ bao nhiêu ngày qua cô không có chút tình cảm nào với tôi sao?
-          Sky! Cậu say rồi. Ai đó đưa cậu ta về ngay đi trước khi cậu ta phá tan bữa tiệc này.
-          Không. Tôi không say. Tránh ra. Tại sao cô không nói? Hay cô sợ điều mình sắp nói ra. Rằng cô không thể như một lần cô đã nói với tôi hay cô muốn nói cô là một con less như mọi người đồn đại?
Những gương mặt thảng thốt cùng vài tiếng “Ồ” khe khẽ xuất hiện. Mọi thứ như chìm vào khoảng không im lặng. Trong một khoảnh khắc, em đẩy tôi ra và lao thật nhanh ra ngoài. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ ánh mắt ấy. Đôi mắt có những ánh nhìn vụn vỡ, long lanh tựa như một viên đá bỗng chốc lọt tõm xuống đáy hồ tĩnh lặng.
Em không đến Vô thường, cũng không đến công ty làm việc nữa. Sếp nhận được mail xin thôi việc của em trong niềm luyến tiếc và một cái thở dài. Dù sếp có đồng ý hay không thì em vẫn sẽ đi, để lại trong lòng tôi một khoảng trống và hàng tá những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Không ai biết em đi đâu, cũng chẳng ai nhận được tin tức gì. Những tin nhắn offline và email không reply trong vô vọng. Cho đến một buổi tối lạnh, tôi bất ngờ nhận được thông báo có mail mới, tựa đề ngắn gọn chỉ hai chữ Bướm đêm, mang theo niềm hi vọng mong manh và lời xin lỗi đắng ngắt từ sâu thẳm đáy lòng.
Gửi Sky, bầu trời của tôi! 
Khi cậu nhận được bức mail này, có lẽ tôi đã đi xa lắm rồi. Trước khi gõ những dòng này, tôi đã suy nghĩ rất lâu về những điều mình đang nói nhưng cuối cùng, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó hoặc chí ít là nói ra những điều trong lòng để sau này sẽ không phải hối tiếc. 
Từ khi gặp cậu, có lẽ cuộc sống của tôi đã thay đổi. Kể từ cái giây phút bắt gặp ánh mắt của cậu ở Vô thường, tôi đã nghĩ  đó là một định mệnh. Định mệnh của một con bướm đêm vốn đã bị buộc mình trong cái vỏ do chính mình tự tạo ra  để rồi chính cậu là người kéo nó ra khỏi cái vỏ an toàn đó. Những hành động của cậu, tuy rất đơn giản thôi nhưng không hiểu sao nó đem lại cho tôi cái cảm giác kì lạ mà trước đây tôi chưa hề gặp ở bất cứ chàng trai nào. Có lẽ cậu giống tôi, yêu thứ âm thanh da diết, réo rắt của violon, của những bản nhạc không lời vốn được viết bằng nỗi buồn và thứ tình cảm chân thành. Tối hôm đó, tôi mệt lắm, muốn vòng tay ôm cậu thật chặt nhưng lại sợ nó vượt qua giới hạn của mình. Nói đúng hơn tôi sợ không ngăn nổi mình yêu cậu. Cậu là một người con trai tốt nên cậu xứng đáng có được người con gái tốt hơn tôi và yêu cậu hơn gấp trăm lần. Những cơn đau đầu bất chợt và số phận buộc bởi sợi chỉ mỏng mang tên Căn bệnh thế kỉ, lỗi lầm của một thời tuổi trẻ bồng bột, không cho phép tôi làm điều đó. Không thể tiếp xúc quá thân mật với nhiều người. Không thể hôn cậu quá sâu và cùng cậu đi đến cuối con đường. Bữa tiệc hôm đó, tôi biết đã đến lúc mình phải rẽ sang một hướng khác trước khi mọi chuyện đi quá xa. Tôi không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa, càng không muốn cậu vì tôi mà chịu liên lụy. Và câu trả lời cuối cùng vẫn là tôi không thể… 
Hãy quên tôi đi. Sống thật tốt và hạnh phúc nhé. 
Dù biết không còn là gì nữa, tôi vẫn muốn nói với cậu, dù chỉ một lần: Em yêu anh… 
Bướm đêm 
Hạ Chi
***
Rất nhiều năm sau đó tôi vẫn luôn nghĩ về em như một thói quen khó bỏ. Vẫn đến Vô thường mỗi khi chiều về để tìm kiếm trong những tiếng đàn xa lạ  hình bóng em của ngày xưa, con bướm đêm có đôi mắt đượm buồn. Trong tiếng violon réo rắt giữa ánh nắng chiều le lói, tôi bỗng nhớ đến lời ba nói năm nào: Cuộc sống của mỗi người cũng giống như những bản nhạc, có lúc thăng, lúc trầm, khi buồn, khi vui, có mở đầu rồi cũng có kết thúc. Nhưng nó khác với cuộc đời ở chỗ chúng ta có thể chọn lựa để được nghe những âm thanh vui hay buồn. Nhưng cuộc đời vốn dĩ thì không được lựa chọn…”
PHONG HY

Trở về
Giờ thì em đã vu quy,
Như lời hẹn ước ra đi hôm nào...
Hàng ngàn cánh bướm xôn xao,
Mừng ta hội ngộ bên nhau trọn đời !
Ngỡ rằng trong đạo một thời,
Vô ưu nở trắng xoá lời thề xưa...
Những ngày nắng sớm chiều mưa,
Sớm khuya kinh kệ vẫn chưa quên người
Thôi thì trả hết nợ đời,
Trở về hoàn tục xa rời thiền môn !!
NM
Tháng tư mùa bướm bay
Thanh soi vào mắt bướm, nhè nhẹ đọc câu thơ của người đồng đội năm nào. Đám mây trắng nõn sà xuống vòm lá, nắng hừng lên sáng cả một khoảng trời. Hàng ngàn cánh bướm vẫy vẫy vút bay lên. Gió rừng xào xạc. (Truyện ngắn của H'LINH NIÊ)
 Ngôi chùa nhỏ tít trên đỉnh núi. Con đường đất hẹp, quanh co, gập ghềnh, lổn nhổn đá gan gà. Bạch đàn phủ kín từ chân lên tới đỉnh, cây chưa thành cổ thụ nhưng đủ độ râm mát và có chỗ cho các loài chim làm tổ. Sớm sớm, chiều chiều, hàng trăm loài chao chác tranh cãi, liệng vòng, lá khô rụng đầy, mỗi bước đi tiếng lá vỡ giòn tan xao xác.
Mấy năm trước, sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo, sư thầy Thanh đã trồng thêm hai cây ngọc lan và mộc liên. Thân cây còn thấp nhưng đã ra hoa lứa đầu. Hoa mộc liên muôn muốt trắng, hương vô ưu thoang thoảng, man mát thanh tịnh…
Nhìn những bông hoa trắng muốt, người sãi già bần thần. Lần nào sư thầy cũng dặn bà đôi câu trước khi đi, thậm chí còn nói cả ngày đi, ngày về, ít ra thì cũng là khoảng ấy, khoảng ấy. Vì chí ít bà cũng là dì ruột của sư thầy. Còn lần này... Không biết sư thầy đi lúc nào? Đi đâu? Bao giờ về? Hình như có một nỗi niềm nào đó trong chuyến đi này, một nỗi mơ hồ nào đó mà bà đôi khi thoảng thấy trong mắt người tu hành. Tưởng rằng sư thầy đã quên hẳn những năm chiến tranh…
*
*     *
Trường Sơn.
Chiến dịch phối thuộc giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, cánh bộ binh hành quân theo sự dẫn đường của một cô gái giao liên người dân tộc bản địa. Nước da cô nâu hồng, mượt mà màu quả bồ quân, gương mặt thanh tú như nét khắc trên các khối tượng gỗ trầm tư cắm quanh những khu nhà mồ đầy cây cỏ hoang trong vùng. Ánh nhìn của cô thì trong veo tựa mắt một con nai nhỏ, váy thổ cẩm đầy hoa văn đã bạc, ngắn ngang bắp đùi nâu, chân đi đôi dép cao su vô cùng lanh lẹ. Bộ đội đã hành quân ba ngày, đây là trạm giao liên cuối cùng của vùng bán sơn địa. Tiểu đội trưởng Thanh quần cắt ngắn ngang gối, đi ngay sau cô giao liên, không may anh dẫm phải đuôi một con rắn độc mốc thếch đang bò ngang qua đường mòn, bị nó mổ một phát đau điếng. Cô gái giao liên nhanh nhẹn dừng lại, vẫy tay ra hiệu cho cả đoàn quân cứ tiến, rồi ngồi ngay xuống, lấy dải băng thổ cẩm buộc tóc làm garo phía trên chỗ rắn mổ. Cô bình thản cúi xuống hút hết máu bầm ngay chỗ vết cắn, nhổ đi. Thao tác diễn ra nhanh chóng, Thanh chưa kịp bình tâm thì cô gái đã đứng dậy. “Xong rồi, đi tiếp thôi.” Thanh chớp thấy nụ cười có hai lúm đồng tiền sâu rất duyên của cô gái, chưa kịp cảm ơn, cô đã vụt chạy băng lên đầu hàng quân, mớ tóc dài và dày bới gáy rất khéo. Hình như cô gái vừa đi vừa kết tóc nên đến lúc bộ đội tạm dừng, đã thấy hai bím tóc dài búi gọn lại thành nắm như hai trái đào bên tai trông rất ngộ nghĩnh.
Thanh trở lại nhiều lần vùng bán sơn địa đó để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Anh cũng có nhiều dịp được gặp lại cô gái “của mình” như tự gọi. Tỉnh đội Kon Tum lại cho Y Van Ly đưa đường đi thực địa. Giữa họ đã hình thành một tình cảm thân thiết hơn mức bình thường. Đêm hoàn thành nhiệm vụ điều nghiên, Y Van Ly đưa Thanh ra ven bờ suối giữa rừng xà nu. Trăng ngờm ngợp xiên chéo qua đám cành thông lá nhọn. Thanh vơ một đám lá khô rụng dày làm chỗ ngồi. Mùi nhựa, mùi lá, thơm hăng hăng quẩn quanh thật dễ chịu.Y Van Ly kể cho Thanh nghe phong tục bó củi hứa hôn của làng. Các cô gái phải đi kiếm củi để dưới gầm sàn từ khi ngực mới nhú, cho tới khi đếm đủ một trăm bó:
- Anh có bắt em nộp củi không?
- Anh biết lấy củi về để đâu?
- Ơ! Củi là để nấu ăn ngày cưới đấy.
- Vậy à?
Con mắt trăng biếc xanh tò mò. Không gian mờ tỏ huyền hoặc. Suối đuổi nhau cười cợt trêu chọc, trượt qua những tảng đá lớn, róc rách, róc rách thóc mách. Ánh mắt Y Van Ly long lanh đong đầy sóng trăng. Tiếng tắc kè một mình báo nắng mưa, nôn nao va vào bóng trăng, vỡ ra từng mảnh trên mặt suối. Thanh bỗng thấy mình bồng bềnh trong một màn sương, anh xiết chặt lấy Y Van Ly trong tiếng rì rầm của núi rừng...
Trong trận mở cửa đánh đồn Plei Ki, Thanh dẫm phải một quả mìn, bị thương ở đùi. Y Van Ly và đồng đội cáng anh đến trạm phẫu tiền phương. Dẫu bịn rịn và nước mắt lưng tròng, cô vẫn phải rời anh để về ngay đơn vị, vì vết thương khoét sâu vào gần hết phần mềm phía trên bắp đùi, Thanh phải chuyển ra tuyến sau. Hai người mất liên lạc  từ đó...
*
*     *
Chuyến xe đò Bắc - Nam vẫn nổ máy, đến cuối đèo Lò Xo thì đã sang chiều. Nắng rừng đại ngàn nghiêng hết về phía vực mà đường hừng hực nóng. Một người lính quân phục cũ, ba lô cũ, chiếc mũ tai bèo chụp trên đầu cũng bạc hết màu cỏ, bước xuống xe. Lúc dừng ăn cơm trưa trên đường, khi nghe người cựu chiến binh dặn nhớ cho xuống chỗ Đèo Lò xo, bác tài, cũng là một cựu lính xế Trường Sơn, ái ngại:
- Từ đó đến chỗ có làng của người thiểu số còn tới bốn năm cây số nữa đấy.
- Tôi biết! Chiến trường cũ mà. Thắp hương cho các bác cựu chiến binh bị đổ xe mấy năm trước xong, tôi tự đi tiếp được. Ngày trước luồn rừng còn không lạc, huống hồ bây giờ đường nhựa thẳng tắp, thênh thênh thế này. Tôi là cựu lính trinh sát đấy.
- Chiều mai tôi lại ngang qua đường này, anh có cần tôi đón ở đâu không?
- Cám ơn anh! Tôi còn phải ở đây lâu.
Dường như đã quen với những người lính đến thắp hương nơi chiếc xe đổ của các cựu chiến binh năm nào, bác tài vẫy tay chào rồi tiếp tục cho xe lăn bánh.
Tháng Tư.
Cái nóng giao mùa ở cao nguyên làm lũ sâu bướm trong bộng bừng tỉnh, cựa quậy cắn thủng kén chui ra. Chúng hóa thành ngàn vạn cánh bướm vàng rợp trời. Vũ điệu của lũ bướm dập dềnh lượn vòng tròn, khi thành một vệt chéo dài, lúc lại là một đường cong mềm mại. Đôi lần chúng sà xuống đậu kín vạt hoa cỏ. Bước chân đánh động khiến bầy bướm tung cánh vụt bay lên ào ào, quạt một luồng gió vào mặt mát rượi. Thanh lấy chiếc đĩa nhựa ai đó để sẵn trong am nhỏ bên đường, cẩn thận dùng mảnh báo lau sạch, bày biện số hoa quả mua ở chỗ nghỉ ăn trưa, đặt lên. Bó hương Bắc chính hiệu anh mang theo trong suốt chặng đường từ Bắc vào Nam (các bác đều từng ngụ ở Hà Nội mà) hương thơm rất sâu mà không gắt, toả khói nghi ngút trong bóng hoàng hôn rừng vắng lặng:
- Xin vong linh các bác phù hộ cho tôi tìm được cô ấy. Tôi có lỗi vì đã hơn ba mươi năm, nay mới trở lại. Nhưng đó là việc ngoài ý muốn...
Tuần hương thứ hai đã vạc một nửa, bỗng bùng bùng ngọn lửa. Vái ba vái, đội lại mũ, anh xốc ba lô lên vai, rảo chân trên đường chiều.
Đã ba ngày. Thanh phát huy hết các bài học và kinh nghiệm lính trinh sát để tìm những con đường giao liên và làng cũ của Y Van Ly mà không thấy. Khắp nơi mênh mông cà phê, cà phê được tưới muộn nên hoa trắng cũng nở muộn. Hương đặc trong gió như có thể dùng dao mà cắt ra từng miếng. Cao su hàng nối hàng, lộc xanh nõn lao xao tít trên ngọn. Chỗ này là xưởng chế biến mủ cao su rộng mênh mông, máy chạy ầm ầm, mùi thum thủm theo gió loang khắp vùng. Chỗ kia là văn phòng công ti cà phê, nhà tầng ốp đá granite, cửa kính sáng loang loáng. Trong làng chỉ thấy toàn áo quần xanh công nhân treo đầy dây phơi. Nhà gạch, nhà tầng nối nhau. Đường nhựa thẳng tắp.
Trở ra lộ sau một ngày nữa lui tới. Thanh theo bậc cấp lên bờ đường cao, ghé vào cái quán tựa lưng vào vách đồi, một bên hàng ăn, một bên bán tạp hoá, gọi li cà phê đá mà quên uống. Cái lạnh trong li rìn rịn tan chảy thành dòng trên mặt bàn. Thanh thẫn thờ ngó mông ra đường. Ngày xưa nơi đây là đường mòn, hai bên toàn rừng già. Làm gì có phố xá với đèn cao áp sáng choang thế này. Nhưng hơn ba mươi năm rồi, đổi thay là phải. Ngày ấy chỉ có người Xơ Đăng với bộ đội. Nay những nơi anh qua toàn dân kinh tế mới. Nghe nói chính quyền vận động bà con người dân tộc các làng dời rừng, bỏ làm rẫy, xuống thung lũng học cấy lúa nước. Biết làng em bây giờ chuyển đi đâu? Chiều cao nguyên xuống nhanh như ai trút, sương mù màu tím nhạt từ rừng xa ùa ra bàng bạc cả thị trấn. Cảnh và người ảo ảo, mông lung trong sương.

 

VN QD 15102015                                                                                                                    
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Chị chủ quán to béo người gốc Bắc, tính xởi lởi, sốt sắng chỉ chỗ, giục Thanh rửa mặt mũi chân tay rồi dọn một phần cơm nóng hổi. Chỉ vài câu hỏi han, chị đã biết mục đích chuyến đi của khách nên vui vẻ khuyên:
- Tối nay chú cứ ngủ lại đây. Nhà rộng, đủ chỗ. Ông xã tôi cũng là cựu chiến binh, hôm nay phải lên tỉnh tập huấn nên không có nhà. Nhưng ông nội thì có đấy. Cụ thế nào cũng giúp được anh. Cứ yên tâm. Cơm nước xong mời anh vào nhà trong uống trà, trò chuyện với cụ.
Ông cụ ngồi mà vẫn thấy rõ thân hình cao lớn. Ngoài tám mươi tuổi nhưng cụ vẫn mắt tinh, tai thính, giọng nói sang sảng, mái tóc bạc phơ như một vầng bông xoã dầy trên vai, khuôn lấy gương mặt nâu nét sắc như gỗ tạc. Hết hai xị rượu đế với mấy miếng cá thiều khô, ông cụ đã bắt đầu hứng khởi, kể:
- Du kích làng mình đánh nhau với Pháp với Mĩ giỏi nhất vùng này chớ. Hồi mình chỉ huy đâu có súng. Chỉ tên tẩm thuốc độc, hầm chông với bẫy đá thôi, tụi Pháp làm gì được đâu. Đánh Mĩ sau này du kích mới sướng, lấy AR15 của thằng Mĩ bắn chết Mĩ luôn... hà hà hà... Rồi cụ kể chuyện cứu một cán bộ:
- Mình đổ cả gùi cỏ khô lấp miệng cống từ sáng. Chiều đi lấy cỏ về, nó (cán bộ) giả vờ xin đi ngoài, chui xuống cống luồn ra nấp ở đó. Tối hù mình mới tới dỡ ra lôi lên. Nó còm như thằng nhỏ chưa tới mười mùa rẫy. Mình bỏ nó vô trong cái gùi. Mấy người thay nhau cõng về tận làng luôn. Nếu mình đừng giết mấy thằng chỉ huy Pháp đó, mình cũng được phong anh hùng như Núp chớ. Cấp trên nói mình vi phạm chính sách. Nhưng mình ghét thằng Pha lăng đó đốt cháy hết cả mấy làng, giết người bà con nhiều lắm, đâu có kể con nít, đàn bà. Giữ nó thì làm gì có bánh mì cho nó ăn. Ăn cơm mình tốn gạo, tốn củ mì, bắn bỏ cho xong... hà hà hà...
Không có chút oán giận nào trong tiếng cười sảng khoái của ông lão đẹp như tiên ấy.

Ối trời! Anh nhớ rồi. Trước mắt anh là cụ Mết, nhân vật huyền thoại cả thời chống Pháp lẫn chống Mĩ của người Xơ Đăng ở Kon Tum. Tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc học hồi phổ thông đây này. Phim Rừng Xà nu xem ngày chưa đi bộ đội nữa, đều có nhắc đến cụ. Hồi còn ở chiến trường Tây Nguyên, đơn vị anh luôn ao ước được phối hợp với du kích làng cụ Mết mà không có dịp. Đúng rồi. Hồi đó anh cũng nghe các thủ trưởng kể “nếu ông cụ đừng bắn mấy tên tù binh là chỉ huy lính Pháp thì cũng tập kết ra Bắc, rồi được phong anh hùng như bác Núp. Thành tích của cụ không kém gì ai đâu nhé.” Câu chuyện cụ vừa kể chính là chiến công cứu người tù chính trị bị giam ở ngục Đăk Glây, sau này là một nhà thơ, cán bộ cao cấp của nhà nước. Cụ Mết là người tổ chức thực hiện thành công cuộc giải cứu ấy. Cũng chính cụ là người chuẩn bị quần áo, giày mũ và lương thực vài ngày đường, rồi cử người đưa ông ấy luồn rừng giao cho chính quyền tỉnh Thừa Thiên.
- Cụ ơi, thế sau này, ông ấy có quay lại đây không ạ?
- Quay sao được. Cùng một mẹ cha mà chia hai miền. Đánh nhau với người Mĩ hai mươi mùa rẫy nữa chớ. Ổng sao tới  được? Ngày đó đâu có cho dùng tên thật đâu. Mình biết, vì nghe ổng kể lại chuyện trên radio đó thôi. 
- Sau năm 1975, ổng cũng không tới ạ?
- Ổng còn bận nhiều việc cho nhà nước, cho nhân dân chớ! Ổng làm việc to. Mình làm việc nhỏ. Nếu đã được phân công nhiệm vụ thì sống chết gì cũng phải làm cho được thôi.
Nụ cười hồn nhiên khiến gương mặt ông lão hồng hào hẳn lên. Câu chuyện của hai cựu chiến binh một già một trẻ suốt đêm không dứt. Thanh biết con trai cụ Mết, một bác sĩ người Xơ Đăng đi B đã cưới cô y sĩ quê Thái Nguyên trong căn cứ, nay nghỉ việc, mở quán này. Cụ Mết cũng biết chuyện Thanh đi tìm cô giao liên tên Y Van Ly.
*
*     *
Thanh giật mình. Cửa mở. Bàn tay ai mát lạnh chạm vào anh? Một thiếu phụ tóc dài và dày nắm lấy tay anh dắt đi. Hai người băng qua đường tiến sâu vào rừng thông. Trăng hạ tuần nhàn nhạt không thấy rõ mặt, cảm giác bình an khiến anh cứ lẳng lặng bước theo. Đi không biết bao lâu thì gặp một căn lều nhỏ. Người phụ nữ dừng lại, quay mặt về phía anh “Ôi! Y Van Ly!” Cô gái trẻ nhoẻn cười, ra hiệu đi tiếp. Róc rách suối. Xào xạc cây. Khoan nhặt tiếng tắc kè. Tiếng cồng chiêng âm âm lúc xa, lúc gần. Phía sau căn lều hiện lên một khoảng rừng trống. Một cây nêu cao vút và một đống lửa bập bùng. Có cây củi cháy hết, đổ gục xuống, ngàn vạn hạt  bụi than đỏ lừ vụt bốc tung lên như sao sa. Có nhiều người tụ tập quây thành vòng tròn rộng. Mỗi nhóm bốn năm người vây quanh một ghè rượu. Hàng chục ghè rượu. Chắc uống đã lâu nên thấy ai cũng gật gù. Hay thật, mình cũng say? Cả cây nêu, đống lửa lẫn mọi người, đều lơ lửng không chạm đất, nhẹ bỗng như có thể bay lên được. Y Van Ly kéo Thanh ngồi xuống bên một ghè rượu gần gốc cây thông đại cổ thụ. Một người, có lẽ là già làng, tóc bạc phơ, gương mặt hơi giống cụ Mết, thân thiện kéo đặt vào tay anh cần rượu. “Uống đi bộ đội. Ba cang. Năm cang nhé. Mừng bộ đội biết tìm về lại làng.” Thanh  uống. Ừ thì ba cang. Ừ thì năm cang. Anh tìm thấy em rồi Y Van Ly!
Rồi không biết từ lúc nào Thanh thấy mình ở giữa vòng xoang. Hàng trăm cô gái đeo những chiếc trống bọc da bò, khi nhún theo nhịp chiêng trống, khi nhảy vút bay lên khỏi mặt đất, ai cũng xinh đẹp, nhưng không ai xinh bằng Y Van Ly của anh. Họ đồng loạt tiến lên, lùi xuống trong một vũ điệu mê say vòng quanh đống lửa và cây nêu, nụ cười xinh như hoa mộc liên, gương mặt hồng lên dưới ánh lửa. Vẫn hai bím tóc dày như hai trái đào lớn bên tai. Lạ thật? Hàng mấy chục năm sao em không già đi chút nào? Thanh thoáng nghĩ rồi lại miên man cuốn theo nhịp chiêng trống và những bước chân của vòng múa. Bỗng chỉ còn có hai người nắm tay nhau cùng xoay đến chóng mặt trong một điệu luân vũ khác. Tóc Y Van Ly bung xõa ràng rịt quấn quanh người anh... “Ô. Sao đầu anh không có tóc  vậy?”...
- Dậy đi chú bộ đội! Ông nội nói sẽ đưa chú về làng đó!
Thanh giật mình. Bà chủ quán to béo lay mạnh vai anh.
- Ông nội cứ nằng nặc đòi đưa anh tới chỗ Y Van Ly. Nói để chờ ba các cháu về đưa đi cùng nhưng ông không chịu. Đi chầm chậm thôi nhé. Lâu rồi ông không đi xa khỏi thị trấn. Cho cả thằng cháu theo, có gì nó đỡ ông với anh.
- Mí thằng Lang không phải lo cho pá. Chân còn khỏe hung. Yang cho pá thêm sức khỏe để đi về làng với Thanh mà.
Thanh nghĩ mình vẫn đang trong đám hội. Nhưng cụ Mết ở đây, không phải ông già làng tóc bạc đặt tay anh vào cần rượu, cả chị chủ quán vui tính nữa. Mọi người đâu rồi? Anh dụi mắt ngồi bật dậy.
*
*     *
Cụ Mết dẫn anh đi trên con đường về làng đã trải nhựa gần hết. Thằng cháu nội bảo lấy xe máy đi cho nhanh nhưng ông cụ không chịu.
- Hồi kháng chiến ông đi bộ miết. Có sao đâu.
- Nhưng nội ơi, hồi đó làm gì có đường.
- Ơ! Xe máy chở ba người là phạm luật giao thông nhé.
Đi sớm nên trời mát. Thả sức ngắm bướm vàng tung tăng giỡn gió nữa. (Cái “món” bướm từng đàn, từng đàn thế này, cũng là một đặc sản của cao nguyên đó chớ!) Đã hết mùa gió lộng. Đủ để thoải mái tắm nắng vàng mà không sợ mệt mỏi. Gió lớt phớt nhẹ nhàng đùa cợt với người. Thằng cháu nghịch ngợm buộc vào đầu cây gậy một sợi dây và một mảnh giấy nhỏ, phất lên quanh đầu. Cả dây bướm dài lê thê kéo nhau  lượn theo mảnh giấy.
- Có ai ở Đăk Tơ Ra không biết Y Van Ly chớ! Nó làm giao liên. Dẫn giải phóng đi xuống Trà Mi an toàn. Lần nào cũng một mình một AK báng gập luồn rừng về cứ. Mĩ với biệt kích cũng sợ nó chứ đừng nói con thú trong rừng. Có nhiều cái giấy chính phủ và bộ đội khen lắm. Treo lên thì kín hết vách nhà sàn đó.
- Cô ấy lấy chồng bao lâu rồi cụ?
- Chồng nào mà lấy? Nhiều con trai trong làng ưng mang cườm qua đổi lấy bó củi kết đôi lắm. Nhưng nó đâu chịu ai. Chờ bộ đội giải phóng mà. Có hẹn nhau với bộ đội mày chớ gì nữa… 
Câu chuyện về người con gái giao liên có hai bím tóc trái đào “của anh” hiện dần mỗi lúc một rõ nét, theo từng bước chân của ba ông cháu. Hàng trăm lượt, bất kể ngày đêm. Nắng mưa. Bom giập. Pháo bầy. Đưa quân, đưa cán bộ lên xuống giữa miền núi và đồng bằng an toàn. Tỉnh đội đã định làm thủ tục tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn miền cho Y Van Ly, nếu không có chuyến đò qua sông Pô Kô giữa mùa lũ quét năm ấy của trung úy A San...
Con suối mùa khô nước trong veo, xanh leo lẻo như lá cây rừng. Lội qua sông cũng được nhưng chỉ cần một cơn lũ đầu mùa, con sông bỗng biến thành con trăn khổng lồ, nuốt vào trong cái bụng phình to đục ngầu của nó hàng trăm cây gỗ, nhà cửa, người...
Quân đi vào mùa ấy đông nườm nượp. Sắp đánh lớn. Chiếc thuyền độc mộc, tài sản của gia đình A San mang theo phục vụ giao liên qua sông chỉ chở được tối đa là năm người. Bộ đội tràn xuống. Người nào cũng muốn leo lên thuyền sang trước. A San và Y Van Ly hét khản cổ không ai nghe. Bộ đội trên bờ xúm vào phụ đẩy thuyền ra giữa dòng... Lũ quét. Sóng lớn bất ngờ. Ba ngày sau làng Kon Rơ Ve gần thị xã Kon Tum vớt được mười lăm thi thể.
- Đây! Y Van Ly ở đây!
Cụ Mết bất ngờ ngoặt vào một cánh rừng nhỏ. Bóng cây dày tối thẫm. Khắp nơi rải rác những căn lều nhỏ, cái mới, cái đã rách nát, cái nào cũng trang trí bằng rất nhiều những sợi dây trắng, đỏ, đen buộc chung quanh mái. Dưới mỗi mái lều, gác trên những chiếc giá gỗ bắt chéo thấp lè tè gần sát mặt đất là nguyên những khúc gỗ dày, cưa một mảnh nhỏ làm nắp đậy. Nghĩa địa của làng. Thảo nào mà còn nhiều cây cổ thụ đến thế.
- Nó đó!
Họ đứng trước một căn lều cột đã gãy sập, mái lá mục nát ụp xuống ôm lấy mặt đất. Phủ kín ngôi mộ là vòm hoa lạc tiên khổng lồ. Những bông hoa nhỏ vòng trắng viền xanh như hàng ngàn cặp mắt tròn xoe ngước nhìn vòm lá rừng. Quả xanh mươn mướt, quả vàng lúc lỉu. Thằng cháu cụ Mết bóp mấy quả chín trong lòng bàn tay, hương thơm hoang dại lan lan trong gió.
Thanh cứng đơ như cây tượng gỗ cắm xuống đất, một lúc lâu mới từ từ ngồi xuống. Thanh mở ba lô bày ra trên mặt cỏ những bánh, kẹo, lon nước ngọt mua trong quán chị béo khi sáng, một bộ áo dài hoa đỏ và bộ quân phục còn nguyên màu rêu đặt cạnh bên lấy chai rượu trong vắt với hai chiếc li, Thanh chậm rãi rót rượu, thắp hương và lột chiếc mũ tai bèo xuống khỏi chiếc đầu không có tóc. Nắm hai bàn tay trước ngực, anh thủ thỉ:
 - Bộ áo dài này anh may ngay sau ngày xuất viện. Tưởng chỉ kiếm đủ tiền làm đám cưới là quay vào tìm em. Nào ngờ... lần mổ ruột thừa, bác sĩ cho biết vết thương đi quá sâu. Anh xin lỗi. Vì không muốn để em phải chịu thiệt thòi, đành im lặng suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng trái tim anh chưa bao giờ phai mờ hình ảnh của em. Anh trở lại xin cưới em.
Thanh nâng cao hai chiếc li, chạm vào nhau. Cạch. Một li anh uống cạn. Một li tưới đều rượu lên vòm hoa lạc tiên. Anh rót hai li nữa:
- Xin cụ chứng dám cho đám cưới đơn sơ của hai chúng con.
Cụ Mết mỏi chân, ngồi bệt xuống đám cỏ. Bây giờ cụ đứng lên, ngửa cổ uống cạn một hơi. Cụ trao lại chiếc li, tháo chiếc vòng đồng trên tay, đeo vào cho Thanh:
- Thay mặt làng Xơ Đăng. Ta nhận bộ đội làm con rể.
Bó hương Hà Nội bùng lên, phần phật lửa. Mùi trầm ngan ngát lan tỏa trong không gian vắng lặng của trưa tháng tư. Hàng ngàn con bướm bỗng từ đâu tràn vào đầy rừng. Tung tăng, quay cuồng trong vũ điệu hoan lạc của tháng sinh sôi. Con bướm xanh đen lớn nhất, cánh ánh bạc, to như chiếc lá, sà xuống đậu trên vòm hoa lạc tiên, dương đôi mắt ngô ngố nhìn Thanh.
Giờ thì em đã vu quy. Như lời xưa hai đứa mình  hẹn ước(1)
Thanh soi vào mắt bướm, nhè nhẹ đọc câu thơ của người đồng đội năm nào. Đám mây trắng nõn sà xuống vòm lá, nắng hừng lên sáng cả một khoảng trời. Hàng ngàn cánh bướm vẫy vẫy vút bay lên. Gió rừng xào xạc.
*
*     *
Giáo hội cử người khác đến trụ trì ngôi chùa nhỏ trên núi. Người sãi già báo sư thầy đã rời chùa. Hoàn tục                                 
H'LINH NIÊ                                                                                                                                                                       

Cánh bướm đỏ

Có nhiều người cho rằng cánh bướm chính là người dẫn lối để họ đến Âm Ty. Quả đúng như thế thật. Nhưng dẫn lối như thế nào, chỉ có người đã chết và người từng trải mới hiểu được. Ngoài kia, cánh bướm đỏ vẫn đang bay, chấp chới.
“…Vụ án về cái chết bí ẩn của cô nữ sinh tại phòng 505 kí túc xá trường đại học Nông Sản đã có kết luận. Sinh viên Đỗ Bảo Nguyên chết do nhiễm bụi phấn của loài bướm Huyết điệp, 1 loài bướm màu đỏ tươi vốn cư trú ở vùng núi cao mạn Bắc nước ta, thỉnh thoảng vẫn “đi lạc” xuống các khu vực khác. Hiện tại, kí túc xá đang tiến hành phun thuốc phòng trừ loài bướm này cũng như các loại côn trùng nguy hại khác để đảm bảo cho các sinh viên đang sống ở nơi này…”
Nguyên ngả người vào chiếc giường, mắt dán trân vào trần nhà, nơi có con bướm màu đen thẫm đang dán chặt mình vào. Nguyên cảm thấy mệt mỏi và xa lạ với thành phố ồn ào, náo nhiệt này. Cô quen và thích cuộc sống nơi làng quê yên ả hơn. Những đêm giật mình vì cơn ác mộng vu vơ, Nguyên tỉnh dậy, thấy sợ hãi thì ít, mà cô đơn thì nhiều. Cũng chẳng dám khóc vì sợ làm bạn cùng phòng giật mình, Nguyên chỉ dám len lén trở mình vào giấc ngủ. Trọ học xa nhà, nên Nguyên hiểu ai cũng có những bộn bề khó nhọc riêng. Nguyên chẳng dám làm phiền đến bạn bè.
Hôm nay ca làm thêm kết thúc sớm, Nguyên chạy vội về kí túc xá để nghỉ ngơi. Cô cảm thấy tuy vất vả một chút nhưng có thể đảm bảo cho gia đình Nguyên tiết kiệm được một phần chi tiêu dành cho cô. Gia đình cô cũng chẳng khá giả lắm.
Giấc ngủ chẳng thèm chập chờn mà nhanh chóng tìm đến với Nguyên. Cô cảm thấy mi mắt mình kéo sụp xuống. Thế nhưng, giấc ngủ chưa kéo dài được bao lâu thì Nguyên nghe có tiếng gõ cửa phòng mình. Cô cáu gắt trèo xuống từ tầng trên của chiếc giường tầng để mở cửa,miệng lẩm bẩm phòng chẳng còn ai hay sao mà đến nổi cô phải thức giấc mở cửa.
– 505 thay nước hay không? – Tiếng chị đổi nước uống cho tầng cô vang lên đều đều không cảm xúc, có chăng là một chút khó chịu vì mãi mới có người mở cửa.
– Dạ không ạ, em cám ơn chị. – Nguyên nhỏ nhặn đáp lại và đóng cửa, hằng mong có thể quay lại giấc ngủ còn dang dở.
Bỗng dưng Nguyên không hiểu sao căn phòng này lại tối như vậy. “Chắc là chưa có ai về.” Nguyên nhủ thầm rồi đi về giường. Nhưng Nguyên lúc này lại không hiểu sao giường mình có người nằm, chẳng lẽ có ai nhầm giường? Trong bóng tối, Nguyên căng mắt nhìn khuôn mặt của cô gái đang nằm trên giường mình. Đó không phải là khuôn mặt của bất kì người bạn cùng phòng nào của cô, cô thậm chí còn chưa trông thấy cô gái đó lần nào. Bỗng chốc, cô thấy hoang mang, cố tìm và bật công tắc đèn của phòng, để nhìn rõ xem đó là ai, nhưng sờ soạng mãi vẫn không thấy bảng công tắc đâu cả. Nguyên quay lại nhìn vào bức tường. Chỗ vốn dĩ là bảng công tắc giờ đây trống hoác. Bất giác Nguyên quay người khắp phòng tìm xem nó nằm ở đâu, chẳng lẽ cô nhớ nhầm? Cả căn phòng ngập trong bóng tối, chỉ thấy 1 con bướm phượng màu đen đang chấp chới bay mà chẳng thể thấy được gì nữa. Cô có cảm giác như cách bày trí của căn phòng không giống vời thường ngày lắm, dù rằng không hiểu vì sao Nguyên tin chắc rằng mình vẫn đang đứng trong phòng của mình. Con bướm phượng màu đen cứ bay dập dìu, đến gần chỗ Nguyên đứng. Cô đưa tay ra định đón lấy nó thì một cơn buồn ngủ ập đến. Nguyên lắc đầu rồi quay lại phía chiếc giường của mình, lại thấy 1 cô gái nữa trèo lên giường Cô gái này làm một đông tác gì đó mà Nguyên không thấy rõ, rồi cô đặt lên gối của cô gái mắt đang nhắm nghiền kia 1 vật bé xíu mà Nguyên không thể thấy được đó là gì. Không hiểu sao, Nguyên bỗng nghĩ, cô gái đang nằm trên giường của mình sẽ không bao giờ tỉnh dậy nữa…
Nguyên đảo mắt nhìn trần nhà, ánh đèn nê-ông đập thẳng vào mắt là cô thấy nhứt mắt. Nguyên đưa tay sờ lên ngực, nghe rõ tiếng quả tim đang đập thình thịch một cách vội vã, mồ hôi túa ra hệt như cô vừa kết thúc quãng đường đua 100m. Lại là giấc mơ đó. Kể từ ngày vào ở phòng này, thỉnh thoảng Nguyên lại mơ thấy giấc mơ đó, và tần suất mỗi ngày lại cứ tăng dần. Thêm vào đó là khung cảnh của giấc mơ càng lúc còn rõ nét hơn. Nếu như trước kia Nguyên chỉ lờ mờ thấy 1 màu đen thì nay, đến khuôn mặt của hai cô gái ấy, Nguyên có thể thấy một cách chi tiết, đến độ cô tin rằng, nếu có gặp họ, cô nhất định sẽ nhận ra. Nhưng Nguyên không hiểu ý nghĩa của giấc mơ này. Con bướm kia, nó ở đó để làm gì. Hết thảy những câu hỏi đó làm Nguyên rối trí, đến độ cô không để ý con bướm dán mình vào trần nhà đang vỗ đôi cánh đen sẫm, như thể nó vừa rời đi đâu đó trong một chốc. “Có lẽ mình nên đến gần thêm một chút.” Nguyên nhủ thầm trước khi cô bạn cùng phòng gọi cô dậy chuẩn bị cho buổi dạo khuya.
***
Sáng thứ 2, cả khu kí túc xá Nguyên đang ở xôn xao hẳn, mọi người chuẩn bị cho đợt phun thuốc diệt côn trùng để nghỉ Tết. Nguyên bỗng cảm thấy có chút thương cảm cho con bướm đang náu mình trên trần nhà. Con bướm yếu ớt ngoài việc vỗ cánh vô hại trong căn phòng này thì nó chưa hề làm đau ai cả. Nó đâu đáng phải chết trong căn phòng này. Nguyên kể suy nghĩ này cho Diệp nghe, nhỏ bạn cùng phòng mà Nguyên thân thiết hơn so với 4 người còn lại . Diệp nguýt dài:
– Tại mày không biết chứ côn trùng có con độc chết người đó.
Nguyên cảm thấy nghi ngờ về việc này, trước nay cô chỉ biết vài loài ong có thể đốt làm độc chết người chứ bướm thì toàn phấn hoa vô hại kia mà.
– Gần quê Chi có 1 loài bướm độc lắm. Cánh của nó chứa bụi phấn gây buồn ngủ, mà hít liên tục trong mấy giờ đồng hồ có thể chết thật đấy. – Chi ở dười giường nói vọng vào. – Nghe nói hồi đó kí túc xá trường mình có người chết vì loài bướm này nên cứ gần Tết mới phải phun thuốc diệt côn trùng đó.
– Giống như thuốc ngủ. – Nguyên nói khẽ.
-Dạo này tao thấy mày ngủ nhiều lắm đó Nguyên. – Diệp tinh nghịch.
Nguyên biết dạo gần đây đúng là cô ngủ nhiều thật, nhưng đó là vì cơn ác mộng buổi tối làm cô mất ngủ. Nguyên chẳng kể với ai về cơn mơ lạ lùng ấy, kể cả Diệp.
Nguyên kéo ghế rồi đứng trên ấy, cầm cây chổi huơ huơ cho con bướm trên trần nhà bay đi. Nguyên cảm giác mình không muốn nó chết mà không hiều vì sao. Con bườm lúc này mới lười nhác cất mình lượn môt vòng quanh phòng thì đúng lúc cửa phòng bật mở, chị quản lí Thu bước vào. Con bướm bỗng bay sượt qua mặt chị làm chị hét lên rồi lùi vào 1 góc. Nguyên và Diệp lại huơ huơ tay cho con bướm bay về phía ban công, rồi mất hút.
 -Chị có sao không? Con bướm thôi mà chị. – Diệp nhanh tay đỡ lấy chị Thu.
– Chị sợ bướm, à, côn trùng từ bé.
Khổng hiểu sao lúc đó Nguyên bỗng nghĩ chị Thu lúc bằng tuổi cô và chị Thu bây giờ, khuôn mặt không khác nhau là mấy dù rằng Nguyên chắc là mình chưa bao giờ gặp chị lúc chị bằng tuổi cô.
– 505 chuẩn bị nhé, năm phút nữa là sẽ bắt đầu phun thuốc đó.
Diệp quay người qua nói với Nguyên:
– Ê. Nguyên, vậy là con bướm của mày thoát kiếp nhé.
Nguyên chăm chú nhìn chị quản lí, không để ý lời Diệp nói mà chỉ ừ hử đáp lời, vì lúc nghe Diệp gọi tên cô, 1 tia hoảng loạn trong mắt chị Thu sượt vào Nguyên.
– Em cũng tên Nguyên à.
– Dạ, sao vậy chị. – Nguyên giật mình đáp lời chị.
– À, không. Người ta phun đến rồi đấy. – Chị Thu không trả lời Nguyên mà giục mọi người nhanh chóng ra ngoài.
Buổi tối kết thúc đợt phun thuốc chuẩn bị cho kì nghỉ Tết, Nguyên thở phào khi con bướm quay lại và trông nó không có vẻ gì là chịu ảnh hưởng của đợt phun thuốc. Đột nhiên, Nguyên tò mò muốn biết nó là loại bướm gì, sao nó có thể ở một nơi như vậy trong suốt gần 6 tháng. Cô mở máy tính và tìm hiểu một loạt thông tin, tập tính về loài bướm. Cô thoáng chút thất vọng vì không tìm thấy loài nào “có màu đen, chỉ bám lấy trần nhà” và “sống gần 6 tháng” cả. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh 1 con bướm phượng đen giống với nó, cô đều thất vọng ngay sau đó vì tập tính không giống. Bao nhiêu lần hụt như thế, Nguyên thôi tra xét con bướm đó là gì, cất máy tính rồi dịu dàng vỗ mình vào giấc ngủ.
Như mọi khi, giấc ngủ nhanh chóng đến. Lần này Nguyên quyết định bước đền gần một chút, đến độ thấy xác 1 con bướm màu đỏ bị vò nát đặt cạnh gối cô gái đang nhắm nghiền mắt. Lần này không còn là cảm giác mà Nguyên biết chắc rằng, cô gái ấy sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa.
Nguyên mở mắt và nhìn đồng hồ, chỉ hơn 2h sáng. Cô thở dốc một chút, còn quả tim như đã quá quen với khung cảnh này nên chỉ đập nhẹ. Nguyên ngồi bật dậy, vớ lấy máy tính, tra cứu về loài bướm đỏ trong giấc mơ của cô. Rất nhanh chóng, trước mắt Nguyên là kết quả cuộc tìm kiếm. Huyết điệp, loài bướm “có đôi cánh màu đỏ và mang trên đó 1 lượng lớn bột an thần mà chỉ cần nó lượn lờ trong căn phòng này cũng đủ làm cho cả phòng ngủ say.” Còn nếu trong một khoảng thời gian dài hít thở không khí có lượng phấn này, cái chết là điều tất yếu. Nhưng Nguyên không hiểu 1 loài đặc thù của khu rừng hoang sơ lại có thể làm hại ai nếu nó không tiếp xúc với bất kì ai. Nhanh chóng, thắc mắc của cô được giải đáp khi nhìn thấy thông tin thích “du cư” từ loài bướm này cùng một số tai nạn mà nó gây ra. Có người chìm vào giấc ngủ hàng giờ liền mà đau thương nhất chính là tai nạn về cái chết của cô sinh viên trường Nông Sản do tiếp xúc với lượng bụi phấn ấy trong thời gian dài. Nguyên rùng mình nhớ lại giấc mơ, cô gái vò nát cánh bướm ấy, trông quen lắm.
Sáng hôm sau, Diệp thấy Nguyên dậy rất sớm vì cô không biết là Nguyên không hề chợp mắt được chút nào. Nguyên nhớ lại lời Chi nói hôm trước mà hỏi Chi vu vơ. Nhanh chóng, Nguyên biết được vài thông tin cơ bản về vụ tử nạn của nữ sinh đó để tìm hiểu. Nguyên không biết sao mình lại muốn biết sự thật đến như vậy, có lẽ là vì giấc mơ của cô.
Thông tin về 1 cái chết sau cách nay gần 15 năm không phải là điều dễ có được. Nguyên thầm cảm ơn Internet đã phát triển và lưu lại hầu hết các thông tin. Lần theo những đường link cũ, cuối cùng, Nguyên cũng biết chính xác sự việc đó là gì.
Vào những năm kí túc xá trường cô vừa xây xong, ở phòng 505 xảy ra 1 vụ án kì lạ. Buối sáng một ngày tháng giêng, chị quản lí như thường lệ đi lên kiểm tra phòng thì thấy cả phòng lúc này còn 3 người, vì gần Tết nên hầu như sinh viên đề đã về quê, vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Vốn khó tính nên chị không chấp nhận chuyện như vậy, liền gõ cửa căn phòng. Chị đập to đến mức cả dãy hành lang còn bao nhiêu người đều ùa ra ngoài để xem chuyện gì mà ồn như thế. Linh tính nghề nghiệp mách bảo chị có điều không ổn, chị liền dùng chìa khóa dự phòng để mở cửa bước vào phòng,cố gắng lạy 3 cố gái tỉnh dậy. Nhưng cả 3 đều năm yên bất động. Xe cứu thương nhanh chóng được điều đến để mang họ tới bệnh viện. Nhưng đau lòng thay, chỉ có 2 cô gái tỉnh lại, còn 1 cô mãi chìm vào giấc ngủ say. Người ta nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân của sự việc kì lạ này và kết luận chính loài Huyết điệp thích di cư đã mang đến tai họa thảm khốc này. Người ta khóa cửa phòng 505 và trong suốt 10 năm, dãy phòng tầng 5 không hề có người ở. Sau này, khi sự việc đã qua lâu và nhu cầu về phòng đã đòi hỏi ban quản lí cho sử dụng lại tầng 5 bao gồm cả phòng 505 đó. Và cũng chính vì lí do đó, mà cứ dịp cận Tết, cả kí túc xá lại tiến hành phun thuốc diệt côn trùng để đảm bảo nơi ở an toàn cho sinh viên.
Nguyên chăm chú xem lại ảnh chụp sự việc năm đó và nhận ra vài chuyện, vì sao chỉ có cô mơ thấy giấc mơ ấy mà không phải là ai khác. Bức ảnh chụp cô gái, nạn nhân tên Đỗ Bảo Nguyên, đôi mắt đang nhắm nghiền, cũng chính là cô gái nằm trên giường của Nguyên trong giấc mơ. Căn phòng 505 ngày đó cách bày trí khác với bây giờ nhưng cũ đủ nhận ra điểm giống với căn phòng của bây giờ. Nguyên có cảm giác giấc mơ đó đang ùa về dù Nguyên đang hết sức tỉnh táo. Cũng căn phòng này, trên chiếc giường này, cũng tên là Nguyên, đó có lẽ là lí do mà Nguyên có thể mơ thấy giấc mơ đó. Cô gái ra đi vào những ngày cận tết, nên càng gần đến ngày nghỉ Tết, Nguyên lại càng mơ thấy giấc mơ ấy nhiều hơn, và rõ nét hơn. Nhưng theo giấc mơ ấy, có người đế lên gối của Bảo Nguyên 1 con Huyết điệp chứ không đơn giản là 1 tai nạn.
Cuộn chuột xuống cuối trang, Nguyên thấy hình ảnh căn phòng được ghi lại không sót 1 chi tiết nào. Cửa sổ nơi giường Nguyên và ban công bị khép chặt. Bên kia phòng, cửa sổ nơi hai cô gái nằm, được mở toang, Nguyên lưu ý chi tiết này trước khi kinh hoàng nhìn tên của hai người vô tình có mặt trong phòng năm đó: Nguyễn Thị Anh Thư và Phạm Minh Thu. Phạm Minh Thu, quản lí kí túc xá hiện tại của Nguyên, cô thầm mong là người cùng tên.
Biết được bí ẩn này không làm cho cô thấy dễ chịu hay ngừng mơ về giấc mơ ấy mà trái lại, Nguyên càng bị cuốn vào giấc mơ đó. Cô thấy cô gái vò nát cánh bướm bỏ lên gối của Bảo Nguyên nằm rồi mở cửa số giường mình. Dựa vào vị trí giường của cô gái, Nguyên đoán đó là Thu. Giấc mơ cứ tái diễn đi tái diễn lại nhiều lần khiến Nguyên cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Lúc này quá quen với câu chuyện nên Nguyên thường đùa với con bướm hoặc ngồi im mà chờ cho nó kết thúc. Cô phân biệt được đó là mơ chứ không lẫn như ngày trước. Nguyên có cảm giác mình giống như 1 kẻ đồng lõa tham gia vào vụ án mưu sát này. Mỗi khi nghe loáng thoáng đâu đó có người nói:”mơ, bướm” hay “chết…”, cô đều giật mình. Cô biết mình đang nắm 1 bí mật mà không chắc nó có thật hay không hay chỉ là giấc mơ ảo giác. Nguyên trông mệt mỏi đến mức Diệp thương hại, cho là Nguyên bệnh.
Thế rồi Nguyên quyết định đi dò xét mọi thứ, làm sáng tỏ những gút mắc trong đầu mình.
Ngồi trà nước bâng quơ khiến Nguyên biết được Bảo Nguyên và Thu vốn là bạn thân. Từ ngày Bảo Nguyên mất, Thu đâm ra sợ bướm, có lẽ là ám ảnh. Và quan trọng hơn, Phạm Minh Thu năm đó chính là chị Thu quản lí tầng 5 của kí túc xá đại học Nông Sàn bây giờ.
Ngày càng dấn sâu vào sự việc năm đó, Nguyên càng trở nên rối trí. Chị Thu rõ ràng đã nói dối về thời điểm chị bắ đầu sợ con bướm. Giấc mơ ấy liệu có phải là sự thật? Nếu nó là giả thì sao lại cứ lẩn quẩn, chân thật đến thế, Nguyên nhìn thấy khuôn mặt của Bảo Nguyên từ trước khi tìm ra bài bào đó. Còn nếu nó là thật thì Thu làm thế có ý gì? Bao nhiêu nghi vấn cứ bám lấy Nguyên không dứt.
Việc 1 người đột nhiên tìm hiểu về 1 vụ án cách đây gần 15 năm không khỏi làm mọi người không chú ý. Nguyên bắt đầu bị điều tra và giải trình với ban quản lí nhưng cô chỉ một mực nói rằng mình không biết gì cả, chỉ là tò mò. Nhưng cô vẫn bị theo dõi sát sao khi đang thả những cánh bướm đỏ bằng giấy màu trong sân kí túc xá. Nguyên có cảm giác mọi chuyện cũng sắp kết thúc, cô thả con bướm bằng giấy màu đỏ xuống sân rồi bước vào phòng. Tối qua, trong giấc mơ, thay vì Nguyên vô hình và an toàn, chỉ cần chờ cho giấc mơ kết thúc thì lần này, Nguyên thấy sợ. Cô gái đang vò cánh bướm không chỉ trông thấy mà còn mỉm cười với Nguyên.
Tối 23 Tết, cả phòng về quê gần hết, chỉ còn Diệp và Nguyên ở lại. Nguyên không còn thấy sợ khi ở trong phòng 1 mình mà lại muốn gặp cô gái đã từng ngủ trên chiếc giường này, Bảo Nguuyên, để biết được sự thật. Nguyên có cảm giác, mọi chuyện đêm nay sẽ kết thúc nên từ chối đi cùng Diệp. Ngẩn ngơ ngắm con bướm một lúc, Nguyên bỏ xuống ra ban công ngắm 1 bầu trời không trăng, chỉ có sao.
Cửa phòng hé mở, Nguyên thoáng gọi:
– Về sớm thế.
Đáp lại lời Nguyên là tiếng của phòng khép lại. Bình thường Diệp mà vào phòng là sẽ liếng thoắng không ngừng. Không quay lại, Nguyên lại hỏi:
– Sao hôm nay mày hiền thế. – Lòng Nguyên chộn rộn.
Cô xoay người vào trong và giờ thì biết trong phòng lúc này không phải là Diệp mà là chị Thu, quản lí kí túc xá có chìa khóa riêng của các phòng.
– Chị chưa nghỉ ạ. – Nguyên mỉm cười.
– Em biết gì rồi? – Giọng chị Thu run run. – Sao em lại đi tìm hiểu về cái chết của Bảo Nguyên, em là gì của Nguyên.
– Em không quen ai tên Bảo Nguyên cả. – Nguyên trầm giọng, cơ hồ như cô đã biết câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu nay của mình.
– Nói dối. – Giọng chi Thu hung hăng. – Đỗ Bình Nguyên, cái tên chỉ sai khác 1 chữ. Lẽ ra chị nên đoán được mà xếp em vào nơi khác.
– Tại sao ạ, chị đoán ra gì? – Nguyên vẫn dò hỏi.
– Ra cái gì, em giả vờ à. Nếu không phải, sao gần đây con bướm giấy màu đỏ cứ xuất hiện khắp nơi quanh chị?
Nguyên thở nhẹ, mấy ngày gần đây Nguyên vờ với mọi người và không nói với ai vì sao Nguyên làm thật nhiều con bướm bằng giấy màu đỏ rồi rải khắp nơi. Nguyên chắc rằng sẽ có con lọt vào tầm mắt chị Thu, và mọi chuyện sẽ sớm kết thúc.
– Bướm đỏ thì sao vậy chị, em chỉ có hứng mà.
– Em thôi vờ vịt đi. Bây giờ em muốn gì mới chịu kết thúc trò chơi thám tử của em?
– Vì sao? Em chỉ muốn biết vì sao. – Nguyên rắn giọng đáp.
– Chẳng vì sao hết, Em ngừng ở đây trước khi quá muộn. – Chị Thu khàn giọng, Nguyên nghe trong đó chút nhợt nhạt.
– Em sẽ không dừng lại tới khi nào em biết được chính xác cái gì đã xảy ra năm đó. – Nguyên kiên quyết, cô toan chạy ra ngoài để tìm một lối thoát, thầm trách sao mình không sớm làm như thế. Nhưng chưa kịp làm vậy, 1 bàn tay đã nắm lấy áo cô và ghì mạnh vào ban công. Nguyên cố gắn giãy giụa và hét to lên nhưng vô ích, hành lang ít người nên chẳng ai chú ý. Dường như khi một kẻ mất đi lí trí vì hoang mang thì có một sức mạnh ghê gớm, bàn tay chị Thu siết chặt lấy Nguyên như muốn hất cô xuống dưới sân. Càng lúc, Nguyên càng cảm thấy đuối sức, sắp không giữ được thân mình, cô buông tay ra, những con bướm làm bằng giấy màu đỏ bay chấp chới ngoài không trung.
Đột nhiên, Nguyên thấy một thứ gì đó đen sẫm bay vờn giữa cô và chị quản lí. Ban đầu chị Thu hung hăng gạt phăng nó đi nhưng khi Nguyên nhận ra đó là một con bướm màu đen cũng là lúc chị Thu bắt đầu mất đì tính hung hãn tấn công Nguyên mà thu về một góc, la hét kinh hoảng. Nguyên dựa hẳn vào ban công, người từ từ tụt xuống, thở lấy sức. Nguyên biết chắc cô gái trước mặt sẽ không thể nào tấn công mình được nữa vì cánh bướm đỏ chấp chới, cánh bướm đen dịu dàng bay đến bên chị làm chị điên loạn dần, chỉ còn có tiếng hét “Tránh xa tao xa”. Nguyên đoán mấy ngày nay cánh bướm đỏ của cô đã làm chị mất ăn mất ngủ, và giờ đây cánh bướm đen làm chị thêm loạn trí. Ám ảnh bởi chính cách thức giết người của mình nên chỉ còn biết gào thét, Nguyên biết điều đó nhưng cô không hề thấy 1 cô gái nữa đang đứng kế bên chị Thu, đôi mắt mỉm cười, 1 cái cười giễu cợt. Đêm nay, hai người bạn năm nào đã hội ngộ cùng nhau, chỉ là 1 trong 2 người đã phát điên vì cuộc hội ngộ này.
Mọi việc đã kết thúc trong đêm đó đúng như Nguyên dự đoán. Vì ganh tỵ với người bạn thân cùng phòng, cô gái tên Thu đã không cất công lặn lội về vùng quê xa mà tìm 1 đôi Huyết điệp, lại không ngại nguy hiểm mà để mình và cô bạn khác cùng chìm vào giác ngủ. Thu tính toán tất cả, đóng kín cửa sổ và ban công nơi gần giường Bảo Nguyên mà mở cửa sổ gần mình để đảm bảo rằng, kế hoạch này chỉ làm duy nhất 1 người bị tổn thương mà không hề hay biết về nỗi ám ảnh những cánh bướm của mình. Cô đã tính không sót chi tiết nào, đến độ người ta thương cảm cho cô gái vì mất đi một người bạn và phải mang nỗi sợ bướm từ ấy, chỉ là Thu tính sót 1 điều rằng người bạn mang tên Bảo Nguyên biết hết mọi việc và gần 15 năm sau, có 1 Bình Nguyên vô tình biết được bí mật này và mang nỗi ám ảnh của kẻ sát nhân để dồn kẻ đó vào chân tường sự thật. Đêm hôm ấy, giấc ngủ đến muộn hơn thường lệ nhưng cũng đủ cho hai cô gái tên Nguyên nói lời tạm biệt cùng nhau. Bảo Nguyên đã không nói gì, chỉ cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn rồi mất hút. Sáng ngày hôm sau, Nguyên thấy bên gối mình, xác con bướm đen đã hóa khô từ bao giờ, cô mang nó đi chôn cất cẩn thận. Đó là con bướm phượng màu đen.
***
“…Vụ án bí ẩn gần 15 năm trước bất ngờ có 1 kết thúc mới. Người ta điều tra ra nguyên nhân chết của Đỗ Bảo Nguyên nhưng kẻ sát nhân không phải giam mình trong chấn song công lí mà phải cả đời giam mình trong chấn song của lương tâm. Kẻ sát nhân đã hóa điên bởi chính nỗi ám ảnh ma mị của mình. Có lẽ ai cũng có 1 tâm ma trong lòng, để khi người ta làm điều gì sai phạm thì nó hiện hữu mà đeo bám làm kẻ đó mang theo ám ảnh cả đời. Đáng tiếc là nó không đủ để ngăn điều đáng tiếc xảy ra. Hành lang nới kẻ sát nhân giam mình chỉ văng vẳng mấy tiếng hét vô nghĩa cùng nụ cười ma mị của hắn khi đưa tay vào không trung mà lẩm bẩm:”Cánh bướm đỏ…””
Ngoài kia, cánh bướm đỏ vẫn bay, chấp chới.
Tử Hạ

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Thăm Sa Đéc giữa năm 2018

Chiều Qua Phà Hậu Giang

Sóng xa
Dòng sông xưa dịu êm,
Cảnh cũ thật êm đềm...
Mà sao luôn nhung nhớ,
Bao kỷ niệm không quên !

Sóng đưa thuyền nhấp nhô,
Người thì xa vạn nẽo.
Hoa ngoài sân cũng héo...
Tất cả vào hư vô ?!
NM
 Thăm Sa Đéc giữa năm 2018
Ngày 20/6 Ti rủ về Sa Đéc chơi, ăn sáng, đi chợ mua bánh phồng tôm xong, nói với Ti hai cô cháu tìm nhà Dì Hai để xem phong cảnh bây giờ thay đổi ra sao, mấy lần về trước muốn tìm mà khg nhớ đường và cũng buồn vì Dì Hai giờ khg còn !
Bây giờ Vân đã cung cấp rõ ràng về địa chỉ rồi thì khg phải lo lắng nữa
Cây cầu sắt ngày trước giờ đã được tráng nhựa, con đường vô nhà phẳng phiu hết còn lởm chởm đá gạch và việc tìm nhà Dì Hai thật dễ dàng vô cùng ! Có điều khi đứng trước cổng rào thấy buồn buồn vì nhà cửa đóng then cài, hàng xóm phơi ké quần áo trên hàng rào, cây xoài xơ xác lá khg còn xum xuê trái như lúc về thăm Di Hai với chị em Tâm... 
Hôm nay trời khg nắng gắt, nhờ ánh sáng mặt trời ấm áp khiến cho lòng bớt ảm đạm ngậm ngùi vì chỉ còn hai cô cháu đứng bên ngoài nhìn nhìn ngó ngó chụp hình rồi....thôi !!
Khoảng cách từ nhà Dì Hai ra bờ sông chỉ hơn chục bước chân, cảnh quang hoàn toàn thay đổi, đây vừa là bờ sông vừa là công viên, cây cỏ xanh mướt và nở đầy hoa dành cho những ai thích tản bộ vừa hít thở gió mát vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình...
 
Người ta vẫn còn giữ lại những bậc thang đi xuống sông mà lần về trước nhìn thấy những người dân ở đó xuống sông giặt quần áo hay vớt lục bình xắt cho gia súc và gia cầm ăn....
 Chỗ có bậc thang thông xuống sông có cắm cờ cứu hộ, vì dân ở đó còn thói quen giặt giũ, cũng như chiều mát hay ngày hè vẫn còn người thích thú tắm sông, nhất là bây giờ khg còn lục bình trôi nổi sông trở nên sạch đẹp hơn nhiều !
Dòng sông sạch với gió mát làm hai cô cháu thích thú muốn ngồi hóng gió nhưng tiếc rằng khg có cái băng đá nào! Ước gì trong căn nhà nhỏ bằng cây cảnh nầy có một vài cái ghế đá nhỉ ?!
Dù thường xuyên về Sa Đéc vào những dịp cuối năm để ngắm hoa và dạo mát trong làng hoa, nhưng lần về nầy hai cô cháu cũng đi thăm đại lộ cây cảnh của Sa Đéc, một phần vì thích, một phần muốn tìm mua thêm cây trà hoa nữ tím.....
Đại lộ lớn nơi tập trung những địa điểm bán cây cảnh và phân bón, con đường nầy còn kéo dăi cặp theo bờ sông, những hoa lá cây cảnh trong làng hoa được tập trung ra đây, người ta chuyên chở bằng ghe lớn đi phân phối khắp nơi như ở Sài gòn có bến Bình Đông là trạm cặp bến của ghe thuyền chuyên chở cây cảnh về đó rồi mới tãi đi đến các làng hoa của thành phố như Gò Vấp,.Nguyễn Trải...
 Bến phà Sa Đéc nối "hai bờ vui", đây có lẻ là tiếp nối của phà Mỹ Thuận, bên nầy là Sa Đéc qua bên kia bờ là đường đi đến Đồng Tháp, con đường nhỏ nhưng mát vì trồng nhiều cây, lâu lâu có người bày bán cây trái của nhà vườn như xoài, ổi với giá thật rẻ đến ....tội nghiệp ! Xoài cát 10.000d/3 kgs, Ổi ngon cũng vậy. Trên đường từ Mỹ Tho về Sa Đéc thì thanh long giá chỉ 1 hay 2 ngàn 1 kg nhưng rất vắng khách !
Lâu thật lâu mới có dịp đi phà, cảm xúc lẫn lộn, nhớ những ngày chờ phà của hơn 40 năm trước, bây giờ khg còn hàng quán, không người bán vé số hay rao bán hàng rong, nhất là khách qua phà cũng thưa thớt không còn đông đúc như ngày xưa !!
Ti giục " đi thôi " vì nó hứa sẽ dẫn đi ăn cá lóc nướng trên ao sen Đồng Tháp...Quay nhìn lại căn nhà Dì Hai trong nắng ước thầm giá mà Dì Hai còn đang ở trong nhà chắc Dì sẽ vui lắm, Ti nhắc tô hủ tiếu mà lần về thăm đó Dì Hai vui mừng nhưng không quên kêu hủ tiếu cho đám con trai ăn liền vì sợ đói khi chờ cơm trưa...! Nhớ và nhớ đủ thứ nhưng cũng vui vì não bộ của mình vẫn chưa bị lão hoá ...
Về nhà định post liền cho Vân xem, nhưng đủ thứ chuyện linh tinh ập đến thành ra cho đến hôm nay mới hoàn tất được "trọng trách" nầy, đừng buồn nha Vân ! Nói với Ti hẹn lần sau đi chụp hình tiếp những ngôi nhà cổ trong thành phố Sa Đéc cho đủ bộ 🌹
 NM PTND
(Tùy bút)