Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Tết quê nhà

Liên khúc mẹ và mùa xuân 

Hôm nay đã hạ nêu rồi, Tết đã qua nhưng tháng giêng vẫn còn lại, mùa Xuân chỉ mới bắt đầu, chủ đề về Tết đáng lý xong sớm nhưng thật sự vừa lu bu dọn dẹp "chiến trường" rồi theo thông lệ cúng sao, vía Trời, vía Thần tài cũng như đi những chùa xưa vẫn đi từ thuở nhỏ nối tiếp truyền thống xưa của gia đình, cảm thấy vừa vui vừa buồn vì chùa ngày nhỏ hay đi vẫn ...nghèo hoạ chăng thay đổi đôi chút, chùa Thích Ca vẫn khg có thùng "công đức", còn lại chùa mới giàu thật giàu !
Đi viếng cho biết nhưng cũng tự an ủi, khg biết sư trụ trì là ai, tâm như thế nào nhưng thà rằng dân đổ tiền vào xây dựng chùa có chỗ để mà ngắm hơn là giúp cho quán nhậu mọc lên như nấm
             Thú nhàn
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt
Duy giang thượng chi thanh phong,
dữ sơn gian chi minh nguyệt
Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Kẻ thành thị kẻ vui miền lâm tẩu
Gõ nhịp lấy, đọc câu 'Tương Tiến Tửu'
"Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi"
Làm chi cho mệt một đời.

Cao Bá Quát
Nhớ Xuân
Tiếng pháo giao thừa rộn  trước sân,
Cành mai hé nụ chớm bâng khuâng...
Tiếc Đông, mừng đón Xuân hồng đến,
Thắm thoát Xuân qua biết mấy lần ?
Mai vàng, cúc đỏ hoa hồng thắm,
Đời đã bao lần vui đón Xuân ?
Ta vẫn chưa quên Xuân dĩ vãng...
Thanh bình mộc mạc mái tranh xưa !
NM

Tết Quê Nhà
 TỦ SÁCH TUỔI HOA
Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa xuân Quý Sửu, 1973

Tết Quê Nhà 

1 – Mùa xuân hồng này ta thêm một tuổi mới bao dung. Một chút bâng khuâng xa đưa qua hồn chim phiêu du về đậu trên cành hương xưa của khu vườn tuổi ấu thời.
Ơi chừ có nghe trăm nỗi thương nhớ ngút ngàn, những kỷ niệm của tháng ngày hồng xưa trở về thật đầy ắp trong một đời mộng tưởng của trí nhớ hoài niệm.

2 – Mười mấy năm rồi, hồi còn niên thiếu nơi quê ngoại. Thuở còn là cậu học trò lớp ba thơ dại hồn nhiên cắp sách đến trường làng, nghe thật xa vời.
Nhớ những mùa xuân xưa lúc ta còn bé, trong lòng rộn rã vô cùng một niềm vui mới chớm : Tết đến ! Thật nhiều mong đợi của tuổi nhỏ từ ngày rằm tháng chạp với lần đứng nhìn chú ba suốt lá cây mai trước sân nhà. Cây mai già trụi lá trơ những cành gầy guộc khẳng khiu trong nắng chiều và trong những ngày sắp tới sẽ trổ nụ nở đầu xuân.
3 – Rồi những ngày trong nhà nhộn nhịp hẳn lên, mẹ và chị hai bận rộn với mãng cầu, dừa, bí, gừng, me mà mẹ mua ngày chợ phiên. Chừ ta vẫn còn nhớ mãi hương vị mứt mới đậm đà biết mấy. Những tràng mứt phơi dưới nắng như những vòng tròn xanh đỏ vàng bày khắp sân, những buổi trưa ngồi học bài ở hiên nhà len lén chạy ra bốc một nắm cho vào túi. Thích nhất bao giờ cũng là mứt gừng ngọt dịu dàng pha một chút cay the.
4 – Ông thầy giáo già của ngôi trường làng cho bọn học trò liên hoan từ hôm hai mươi tháng chạp. Thuở nhỏ Tết đến ta thường đi tết thầy. Cành mai, hộp trà, chai rượu gói trọn tấm lòng kính mến của học trò nhỏ. Bao tục lệ cổ truyền đáng yêu của dân tộc vẫn tồn tại mãi trong lòng người dân quê. Chiều hăm ba pháo nổ vang vang trước ngõ đưa tiễn ông Táo về trời tâu nhỏ tâu to cùng Ngọc Hoàng, những chuyện trong năm từ tết năm xưa cho đến bây giờ.
5 – Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè

Từ những ngày đầu tháng chạp ta đã chờ đợi và lắng nghe tiếng chim kêu để được ăn chè. Ôi một tuổi ấu thời ngát hương hồn nhiên thơ ngây. Thật hớn hở bước chân sáo theo chú ba ra lũy tre làng chặt một cây tre già về dựng nêu ngày Tết. Buổi chiều ta ăn chè đứng nhìn ngọn nêu mới trồng trước sân nhà cao ngất nghểu, lá bùa đỏ viết mấy chữ nho phất phơ trong gió chiều. Trí óc non nớt của tuổi nhỏ vẫn có một sự tin tưởng thành kính ở lá bùa có quyền lực xua đuổi ma quỷ.
6 - Ở trong làng từ hôm đưa ông Táo đã có một không khí tết nhất bao phủ. Mọi nhà bắt đầu sửa sang sơn phết đón Tết, lòng người dân quê đượm một chút nao nao. Chú ba làm vườn đem bộ lư đồng ra hiên nhà cặm cụi đánh bóng. Màu đồng xám xịt trở nên sáng choang phản chiếu gương mặt của “cậu học trò trường làng” đang đứng trầm trồ khen ngợi. Cha ta kính cẩn dán trước cửa nhà hai câu đối chữ nho – màu đen nổi bật trên nền giấy hồng – mà cụ đồ Nhiêu đem tài họa phả vào ngọn bút lông như rồng bay phụng múa.
7 – Ngày cuối năm không khí buổi sáng thật êm dịu và thoang thoảng mùi Tết. Cây mai trước nhà ươm đầy những nụ hàm tiếu màu xanh non thật dễ thương. Vài cánh hoa nở sớm lung linh theo gió mai. Liếp vạn thọ ra bông thật nhiều vàng ối cả một góc vườn sau. Lá chuối xanh thật xanh – màu xanh hiền hòa thanh bình của quê hương – được rọc ra trải trên bộ ván. Nếp, đậu xanh, những sản phẩm thuần túy dân tộc nhất của ngày Tết, được mẹ và chị hai gói thành những đòn bánh tét xinh xắn, đậm đà tình quê hương thiết tha. Ơi ! Chừ ta vẫn còn nghe thật nhiều bâng khuâng.
8 – Tối ba mươi trời đen như mực ta ngồi cắn hạt dưa bên cạnh bếp lửa nấu bánh chờ đón giao thừa. Ngọn lửa tí tách reo vui. Giọng chú ba đều đều say mê theo pho truyện Tam Quốc. Ông ngoại nằm trên võng đong đưa nhâm nhi chén trà mạn sen bốc khói kể cho con cháu nghe những ngày Tết xa xưa. Hương yêu gia đình đoàn tụ thơm ngát ấm cúng vô cùng.
Giao thừa, năm hết Tết đến, người người hân hoan trăm nỗi vui mừng. Ông ngoại đốt một tràng pháo dài trước hiên nhà mừng năm mới. Tạch đùng, tạch đùng, tiếng pháo nổ vang khắp nơi. Ta vỗ tay vui cười thích chí lẫn trong làn khói trắng và tia chớp vàng rực xác pháo rơi đỏ tươi cả sân gạch tàu.
9 – Sáng đầu năm ta dậy thực sớm, xúng xính quần áo mới theo bà ngoại đi lễ chùa. Hương trầm bát ngát, người đông như hội. Ta ngoan ngoãn bên cạnh bà lễ lộc khấn vái nguyện cầu một năm mới được mùa sung túc. Lễ xong hai bà cháu ra sân chùa hái một nhánh lộc non xanh, sự may mắn thịnh vượng trong năm mới.
Pháo chuột, pháo tre nổ đì đùng, xác pháo rơi đỏ khắp làng xóm. Người dân mình thích màu đỏ cho những ngày Tết nhất – màu đỏ là sự sung túc của năm mới.
Ta quỳ lạy nghiêm trang trước bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Tuổi nhỏ thật ngây thơ ngoan hiền câu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác họ hàng. Và thật vui mừng với những đồng bạc cắc xóc xóc trong túi nghe vui tai, những phong giấy đỏ đựng tờ bạc mới còn thơm mùi giấy lì xì cho con cháu ngày Tết.
10 – Ngày mùng một cử quét nhà hốt rác, giờ ta thấy tập tục đó đáng yêu vô ngần. Mai nở rộ vàng óng ả giữa bầu trời xuân quyến rũ thật nhiều ong bướm xôn xao. Ngọn nêu cao vòi vọi bay bay theo gió, trong sắc nắng xuân sớm ngại ngần.
Ôi mùa xuân thanh bình cho quê hương ta đơn sơ mộc mạc thiết tha và đậm đà thâm tình dân tộc.
11 – Thật nhiều rộn ràng ba ngày Tết no đủ với thèo lèo, bánh mứt. Ta cắn hạt dưa đỏ hồng cả đầu ngón tay, lâu lâu hớp một ngụm trà tầu nhâm nhi ra vẻ người lớn.
Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao tràng pháo, bánh chưng xanh

Ngày Tết quê ta không thiếu thức gì. Cũng thịt kho, dưa giá bùi bùi, cũng bánh tét cắt từng khoanh bằng sợi lạt thơm ngon. Bánh chưng chỉ có ở những nhà người Bắc mà thôi. Dưa hấu da xanh mịn màng, xẻ đôi xẻ năm ruột đỏ đậm đà. Xôi vò, cơm rượu, rượu nếp than thơm nồng ngát hương xuân.
12 – Ngày xuân trong làng có hội hè đình đám nhộn nhịp vô cùng. Thiên hạ quần áo mới lượt là vui chơi ngày Tết. Những đám cờ bạc, xóc đĩa, bầu cua tụ năm tụ bảy từng đám đông ồn ào dọc theo bên lề con đường làng trải đá. Tiếng pháo chuột của bọn trẻ trong làng nổ đì đẹt vui tai suốt cả ngày. Ta cùng với mấy đứa bạn rủ nhau đi xem múa lân ở đình làng, chiêng trống thùng thùng náo nhiệt vui vô kể.
Tối đến đình làng có hát bội. Người đông như nêm, chú ba chen mãi mới giành được một chỗ đứng gần nơi diễn tuồng. Cuộc vui thường kéo dài đến khuya và ta đã ngủ gật trên lưng chú ba.
Gió xuân phảng phất trên làng xóm, lòng ai ai cũng nhẹ nhàng thư thái, hân hoan một nỗi reo vui. Ta theo cha đi xông đất bà con bằng hữu trong làng. Những lời chúc tụng vang vang, tiếng cười đùa rộn rã.
13 – Những ngày Tết trôi qua thật vội vã, thấm thoát mà đã mùng bốn rồi. Không khí Tết nhạt dần. Bánh mứt đầy vơi. Trong làng ngày mùng bảy hạ nêu, chú ba đốt một phong pháo tiễn xuân. Người dân làng trở về với cuộc đời bình dị hiền hòa bên lũy tre xanh. Ta đứng trông theo, bao luyến tiếc thật đầy ắp trong lòng, vẻ ngẩn ngơ in hằn trên khuôn má thật thà của cậu bé học trò trường làng ngày xưa.
Mười mấy năm trôi qua, hương yêu cũ ngút ngàn, chừ nhớ lại ta thấy tiếc những ngày xưa còn bé, những ngày niên thiếu ngát hương ấu thời như một chỗ nghỉ chân chim đậu. Bây giờ là mùa xuân hồng trên quê hương yêu dấu, bước chân chim gõ xuống cuộc đời, thật nhiều bâng khuâng, đôi chim sẻ hồn nhiên ríu rít đón chào mùa xuân mới trên ngọn cau đầu làng. Ôi làng quê thanh bình mộc mạc, lũy tre bờ giậu và những ngày Tết quê nhà yên vui xa xưa. Nắng tháng giêng đong đầy trong đáy mắt nhớ thương…
TRANG VY
(Trần Thượng Thái)

Bút Nhóm Hoa Nắng
Mẹ
Mẹ tôi cười lặng lẽ,
Hạnh phúc dâng tràn đầy...
Qua rồi Đông buồn tẻ,
Mẹ không rượu mà say !
NM

Mẹ và mùa xuân
Mẹ tôi làm nghề nấu, bán rượu. Nói phải tội, chứ nghề này như bán niềm vui cho thiên hạ mà mua buồn bực về cho mình. Tôi to gan nói vậy vì tôi thấy mẹ chẳng còn thời gian, mà cũng chẳng có bụng dạ để cười. Có khi mẹ đã quên cười rồi cũng nên.
Nghề nấu rượu rất cực, giỏi lắm cũng đủ mắm cá và lo cho chị em tôi đi học. Ba tôi có nhiệm vụ kiếm củi, còn chọn gạo, mua men, nấu rượu là việc của mẹ. À, giới thiệu với các bạn, nhà ngoại tôi ở Bình Định, có nghề gia truyền nấu rượu. Mẹ tôi là “con nhà tông”, lại thêm thích tìm tòi nghiên cứu nên kiến văn về rượu của mẹ cũng gần bằng… chuyên gia.
Nghề nấu rượu không có tết. Để ra lò và bán 10 lít rượu mỗi ngày thì gần như mẹ đã không còn thời gian để ngủ. Còn tết ư? Nghèo khó gì thì ngày tết cũng phải có rượu. Lại thêm cái lệ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên rượu cho ba ngày tết thì càng nhiều càng… ít. Mà nấu rượu đâu có dễ như nấu… cháo. Nghề này lắm công phu, đòi hỏi phải tỉ mỉ ở tất cả các khâu. Mẹ rất đầu tư cho một mẻ rượu có chất lượng, làm riết rồi “võ công” của mẹ cũng lên mức thượng thừa. Đến nỗi chỉ cần nghe tiếng giọt rượu rớt xuống hũ sành là mẹ có thể biết được chất lượng của mẻ rượu ấy. Nên tôi cũng chẳng lạ gì chuyện nhà mình lúc nào cũng có khách, thì rượu mẹ nấu chỉ khiến người khác “say” thôi mà.
Lần quần chuyện rượu mà quên chuyện tình tầm… huyền thoại của mẹ. Mẹ kể, hồi í mẹ học xong trung cấp thì vào Nha Trang làm việc cho một xí nghiệp chế biến thực phẩm. Ba không nhiều chữ nghĩa, bán hàng ở quầy mỹ nghệ dưới chân tháp Bà. Chỉ việc gã trai nghèo đèo trên chiếc xe đạp cà tàng về tới nhà khi gã đi làm về gặp mẹ ngồi dưới chân tháp nhăn nhó vì chân bị trật khớp mà mẹ hoàn toàn tin rằng, đó là một gã trai tốt. Tình yêu bắt đầu, đơm hoa, kết trái - như mối lương duyên tiền kiếp. Chuyện tình tưởng đã kết thúc có hậu với sự dâng hiến và chiếm đoạt theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Giọt máu đang tượng hình trong bụng mẹ tưởng trái ngọt của tình yêu lại là lý do để bắt đầu cuộc chiến lựa chọn.
Thì ông bà ngoại làm sao chấp nhận chuyện “cành vàng lá ngọc” của mình lại đi trao thân cho một tên nhà nghèo ít học. Còn ông bà nội thì nổi xung vì thấy bị xúc phạm, từ tự ti, sang tự ái rồi đổ quạu. (Ba không được đi học nhiều, lại thêm cái vụ bác Năm, bác Chín từng ra vô chốn ngục tù). Vậy là ba mẹ đành chấp nhận cái giá từ bỏ gia đình để bảo vệ tình yêu. Đưa nhau về vùng kinh tế mới, không có công ty, xí nghiệp để xin làm công nhân, lại không có “kỹ năng” phá rừng làm rẫy, xóm núi heo hút, dân di cư là chủ yếu, lại thêm có nhiều người nghèo lười biếng và nghiện rượu. Trong hoàn cảnh ấy, để tồn tại thì nấu rượu là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt.
Quay lại chuyện nấu rượu nhé. Vì rượu của mẹ chỉ khiến người ta “say sưa” nên mấy ông lưu linh hay ghé nhà. Nhiều lúc muốn bỏ nhà đi quách. Biết sao không, làm nghề buôn bán thì khách hàng đương nhiên là “thượng đế”. Khổ nỗi, nhà tôi toàn là những “thượng đế”… say. Thấy khổ chưa? Mà bạn biết rồi đấy, rượu vào thì ai mà tỉnh táo cho được. Buông lời sỗ sàng, có khi còn hành xử lỗ mãng, ngỗ ngược. Mẹ cắn răng chằng mắt chịu, chị em tôi thì tức cành hông. Đấy là chưa nói chuyện mấy ông vô nhà mua rượu, bày ra uống tại chỗ rồi chèo kéo ba tôi lại. Mà rớt xuống bàn rượu rồi thì “vào ba ra bảy” chứ đâu dễ dàng được đứng lên, vậy là trễ công trễ việc. Mẹ phải nai ra làm hết, tối mặt tối mày. Ba tôi có tính xấu là hễ rượu vô thì nhớ bài lai, hay lôi chuyện tận đẩu tận đâu ra ca cẩm. Mà chuyện này đâu phải chuyện năm thì mười họa, nó diễn ra gần như ngày một mới chết chứ. Giờ thì bạn hiểu vì sao tôi nói mẹ hình như quên cười chưa? Khổ lắm, mẹ có than thân trách phận, có đòi hỏi chi đâu. Mẹ lại càng không thích chuyện cãi cọ, hục hặc nên lầm lũi như chiếc bóng. Không nổi đóa là may chứ bụng dạ nào mà cười.
Không phải sự im lặng nào cũng cần thiết cho một gia đình. Căng quá! Chị em tôi nhiều lần nói tới chuyện nhà mình đừng nấu rượu nữa, mà nếu nấu thì không nên bán ở nhà. Không được, không còn sự lựa chọn nào khác. Khu này dân cư ít ỏi, quán xá ở đâu mà đi bỏ mối, đó là chưa nói, nấu rượu lời lãi bao nhiêu, đi bỏ quán họ kiếm hoa hồng, mình còn chút gì để ăn. Khổ nỗi nhà mình mọi thứ đều ngó chừng vào lò rượu của mẹ.
Mẹ không nói tôi cũng biết nỗi khổ của mẹ. Nhưng tôi cũng phải nói để mẹ biết nỗi khổ của mình. Chán, chán và chán! Đi học thì thôi, về tới nhà đằng nào cũng nghe mùi rượu lẫn với mùi hành, mùi sả. Cái mùi của mấy ông say rượu nôn mửa tới mật xanh mật vàng thật chỉ khiến người ta muốn… chết ngợp. Đó là chưa nói, mấy ông uống rượu cứ ra hè vô mấy bụi cây trong vườn mà xả nước. Chết mất thôi! Tôi tin là không có nỗi phiền nào lớn bằng nỗi phiền một người tỉnh phải “cộng nghiệp” với một người say.
Ở trong xóm, nhà chú Mĩ cũng nấu rượu nhưng khách bên nhà tôi lúc nào cũng nhiều hơn. Người ta tấm tắc khen rượu mẹ nấu. Tôi không biết uống rượu, cũng chưa nếm thử bao giờ nhưng tôi tin là người ta nói đúng. Tôi lấy món cơm rượu của mẹ để xác thực.
Dù bận rộn thế nào thì tết đến mẹ tôi cũng không quên làm cơm rượu - là món nửa cơm, nửa rượu. Nó là cơm nếp ép thành miếng, phủ men lên rồi bọc kín bằng lá chuối đem ủ. Một ngày, hai ngày, ba ngày…, cơm rượu bắt đầu dậy, thơm điếc mũi luôn. Từng miếng cơm rượu vuông, tươm nước được bóc lên, cho cẩn thận vào thẩu. Nhìn mà nuốt nước miếng ừng ực. Mùi thơm ngọt của nếp, mùi thơm nồng của rượu hòa vào nhau, quyến rũ đến mê mệt. Với chị em tôi thì món cơm rượu của mẹ là hương vị tết. Chị em tôi trông tết một mà trông món cơm rượu của mẹ đến… mười.
Còn nhớ, năm tôi học lớp 8, tết năm ấy, nhà tôi có một sự kiện trọng đại là phía nội ở Nha Trang ra chơi. Cái vụ bên kia thấp kém, bên này kiêu căng, chắc đã quên rồi. “Giận gần chết ngày tết cũng thôi” mà. Mẹ tôi vẫn một lòng tôn kính gia đình chồng, năm nào mẹ chẳng gửi thẩu rượu nếp vào Nha Trang. Mười lăm năm thử thách rồi còn gì, phía bên nội quay lại nhận con, nhìn cháu. Niềm vui quả là to lớn.
Phía nội bây giờ còn bác Năm, bác Chín. Hai bác đưa gia đình ra thăm thằng Út - ba tôi. Bữa cơm đầu năm thật ấm áp, có bánh chưng, giò chả, củ kiệu, cuối bữa còn có thêm đặc sản cơm rượu. Hai bác niềm nở, không khí thật nồng ấm. Ba tôi thấy vui quá, bèn lôi cây guitar ra, ai cũng hào hứng với tiết mục đờn ca sáo thổi. Hai bác gái hát trước. Ba sai tôi xách ra chai rượu. Mẹ tỏ ý không muốn nhưng ba bảo, hát hò mà không có rượu nó “nhạt” lắm.
Một đĩa thịt quấn lá mãng cầu nướng sực nức mùi thơm cộng với chai rượu mang thương hiệu mẹ thì còn gì bằng. Vậy là một chai, hai chai… Ba tôi rất máu mê đàn hát nhưng cuộc sống cơm áo đâu có chỗ để đờn ca. Được mấy khi nuông chiều cảm xúc, ba ôm đàn, đắm đuối gõ bập bùng. Rồi mẹ hát, giọng mẹ nhẹ xốp, ngọt lịm. Bỗng “ầm”, chai rượu nát mem dưới thềm nhà. Bác Năm gào:
- Cái đồ đàn bà hư hỏng mà mở miệng hát lời thanh cao. Ngon lành gì cái thứ được sinh ra trong lò rượu. Bán rượu cho đàn ông được thì bán thân cũng không khó đâu! Mày cao đẹp mà có chửa rồi bắt chồng? Vậy mà gia đình mày khinh miệt nhà tao thấp hèn. Tao phỉ nhổ cái thứ đàn bà mất gốc, lai căng!
Bác Năm gái tái mặt, chạy lại bụm miệng bác trai, cuống cuồng xin lỗi mẹ tôi: “Ổng say quá rồi nên nói xàm đấy, cái tật đánh chết cũng không bỏ! Thím đừng buồn nha!”. Ba tôi vụt cây đàn xuống, dỗ mẹ đang thút thít. Mấy anh chị con bác Năm vội lại ôm chặt, lôi bác vô giường, đè xuống cho bác ngủ.
Gia đình nhà bác Năm, bác Chín về, bữa ấy mới mùng hai tết nhưng nhà tôi cũng chính thức hết tết. Sau cái tết ấy, mẹ tôi bỏ nghề nấu rượu. Bỏ hẳn. Ba xin làm bảo vệ ở trường mẫu giáo, mẹ làm tạp vụ ở ủy ban xã. Không có “thượng đế” ra vô, không có mùi nồng của rượu, không còn tiếng lải nhải của mấy ông say, nhà tôi bình yên, đúng nghĩa của từ đó. Nhưng cũng chẳng thể vui.
Mấy cái tết qua, mâm cơm đầu năm thật đầy đủ. Nào bánh chưng, giò chả, dưa kiệu… Nhưng cuối bữa, không còn bát cơm rượu nồng nàn nữa. Thấy thiếu thiếu, nhạt nhạt. Tôi lỡ miệng nói:
- Lâu lắm rồi, nhà mình không còn tết!
- Mẹ tới tuổi tri thiên mệnh rồi, có biết tết nhứt chi đâu!
Mẹ nói trơn tru, không chút cảm xúc nhưng tôi nghe rất đau. Mẹ không thở dài nhưng tôi nghe mùa xuân trôi qua nặng nề, như tiếng lòng của mẹ…
* * *
- Tết này mẹ đưa vợ chồng thằng Khánh vào chỗ con ăn tết, con gái có đón mẹ không?
Là điện thoại của bà ngoại tôi đấy. Mẹ mừng đến sửng sốt. Tiếng “dạ” buông ra nghèn nghẹn, hạnh phúc có niềm vui lẫn tủi hờn. Trả lời bà ngoại xong, mẹ hớn hở chạy tìm ba báo tin. Ba không có trên bàn trà, không xem ti vi. Đố bạn biết ba tôi đang làm gì? Tin không, ông đang loay hoay dưới bếp. Mẹ thấy ba làm cơm rượu thì kinh ngạc, hỏi có chuyện trọng đại gì, ba cười hê hê nói, không có gì, chỉ là muốn có một mùa xuân trọn vẹn. Tết mà thiếu cơm rượu thì hương vị mùa xuân sẽ thiếu.
Mẹ cười, im lặng ngồi làm cơm rượu cùng ba. Tôi biết, mẹ không thắc mắc chuyện lần đầu ba tự tay làm cơm rượu mà muốn hỏi lý do bà ngoại thay đổi, chấp nhận ba. Mẹ cũng ngờ ngợ nghĩ, hình như ba đã biết chuyện tết này nhà tôi sẽ có “khách quý” nhưng hỏi thì ba đánh trống lảng. Thì tôi với ba âm mưu bí mật nên đâu để mẹ biết chuyện tôi tình cờ hay cậu Út bị bệnh, đang tìm người hiến thận, nghe tôi kể xong thì ba vui vẻ đi làm xét nghiệm và tặng quả thận cho cậu Út. Ba bảo, nó là lễ vật ba cưới mẹ. Rồi chuyện bà ngoại với ba lên kế hoạch cho bữa cơm đầu năm cũng được bảo mật.
Sáng mùng một tết, bà ngoại, cậu mợ với cháu Bo vào xông đất. Mẹ tôi mừng rỡ, ôm chầm lấy ngoại, bồng cháu Bo hun hít… Chao ôi, đẹp làm sao những hạt mưa mùa xuân đọng trên đôi má xương xương của mẹ, đôi má ấy sáng nay bỗng hồng hào, đằm thắm. Mẹ mừng đến nỗi cứ loay hoay bên bà, bên cậu… Ba tôi thấy mẹ vui nên một mình xuống bếp, thi thoảng đưa mắt lên nhìn mẹ rồi lỏn lẻn cười.
Mâm cơm đầu năm sung túc, ăn xong bánh chưng, củ kiệu thì ba giới thiệu tới tiết mục thưởng thức món cơm rượu. Ba vừa mở nắp hũ cơm rượu thì có tiếng xe dừng trước cửa nhà. Bác Năm, bác Chín nói từ ngoài sân:
- Dân Nha Trang đánh hơi được mùi cơm rượu nên đến nhà chú thím kiếm tết nè!
Mùi cơm rượu nồng nàn làm ngôi nhà nhỏ bừng sáng, ấm cúng lạ thường. Mẹ tôi cười lặng lẽ, chưa khi nào tôi thấy mẹ hạnh phúc đến vậy, chưa bao giờ tôi thấy mùa xuân đẹp đến thế…
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Xuân Trên Non Cao (Y Vũ)


Bắt vợ trên núi mùa xuân

Đêm qua nằm trong chăn chàm ấm mới nhuộm, nghe cây mận bên chái nhà trình tường lợp ngói âm dương đã nở ra lách tách những bông hoa đầu tiên. Sáng ra mở cửa đi lấy cháo ngô cho ngựa trong chuồng, sương giá ùa vào nhà như suối. Sùng Thị Say bước ra ngỡ ngàng nhìn những cánh mận trắng muốt rung rinh trong gió lạnh. Hoa mận báo tin mùa xuân đã về. Thế là mùa xuân đã về trên núi. Mùa con chim queng quy bay đôi. Mùa con hươu nai gọi bạn tình. Mùa con trai cầm khèn đi bắt con gái về làm vợ.
Ngựa ăn xong, Sùng Thị Say cời hòn than đỏ trong bếp tro ấm, dùng cái ống thổi cho lửa cháy bùng lên, rồi ngồi khâu lại cái xà cạp cũ. Lửa giãn mấy nếp nhăn trên khuôn mặt Sùng Thị Say, lửa che mấy sợi bạc trên mái đầu Sùng Thị Say. Có cháu nội, cháu ngoại rồi thì cần gì cái mới, dùng váy cũ với xà cạp cũ cũng được mà, mấy tết trước đã bỏ không xem đi đánh yến, ném pao, có sao đâu.
Tiếng khèn ai gọi bạn lửng lơ bay qua bờ rào đá, bay qua khe vách nứa, lọt vào tai Sùng Thị Say khiến mũi kim đâm vào đầu ngón tay buốt nhói, người lâng lâng say như rơi tõm vào chum rượu ngô.
“…Khèn thơm như hơi thở
Khèn ngọt như lúa đòng
Chưa gặp mà đã nhớ
Chưa hẹn mà đã mong

Khèn sánh như mật ong
Khèn vàng như nắng mới
Quẩy tấu đầy nhớ mong
Mà chân người chẳng tới…”

Tiếng khèn tha thiết, bồi hồi làm Sùng Thị Say nhớ lại mùa xuân trước. Ngày ấy, Sùng Thị Say còn trẻ lắm, như trăng mười sáu, xinh lắm như hoa mận chái nhà. Thứ bảy, mặc váy hoa, địu quẩy tấu đi chợ phiên Cán Cấu bán tam thất trồng trên núi. Đường dốc vừa đủ hai bàn chân bước, nhỏ như sợi lanh đông Sùng Thị Say đang xe thoăn thoắt trên tay. Trời rét như dao cứa mà tự nhiên Sùng Thị Say thấy nóng gáy. Ngoái đầu lại, thấy ánh mắt của một thằng trai như hai hòn than đỏ đang đốt phía sau. Mắt nó truyền hơi ấm làm cho má Sùng Thị Say ửng lên thẹn thò như hoa đào gặp rét. Sùng Thị Say dừng, nó dừng. Sùng Thị Say đi, nó đi. Cứ thế cho đến tận chợ phiên. Mấy phiên rồi vẫn thế. Chắc nó rình cả đêm, chờ gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, đợi Sùng Thị Say bước ra khỏi nhà là đi theo. Nó là Giàng Mí Lầu, nhà bên Thào Chư Phìn, cách nhà Sùng Thị Say mấy chục quăng dao, đi một lần con ngựa nghỉ chân. Nhà xa lắm mà nó rình giỏi thế, bao nhiêu phiên là bấy nhiêu lần đi theo, cứ như mùa xuân về là hoa mận nở, chẳng sai hẹn bao giờ.
Đến phiên chợ thứ năm, thì Sùng Thị Say không thấy Giàng Mí Lầu đi phía sau nữa. Cứ bồn chồn, lo lắng không yên. Hay là nó ốm nhỉ. Không, nó khỏe thế cơ mà, mắt sáng sao hôm, ngực vồng đá tảng. Hay là nó lấy vợ rồi. Tuần trước, bên Thào Chư Phìn chẳng có đám cưới là gì, có lẽ nào chứ. Cái chân Sùng Thị Say thì vội vã mà cái lòng thì trông ngóng. Thôi kệ đi, hơi đâu mà nhớ người dưng chứ, rõ buồn cười.
Gần đến chợ rồi, Sùng Thị Say rẽ vào bụi cỏ tranh ven đường thay váy áo mới, cuốn xà cáp mới, chải đầu, vấn tóc chặt hơn một tí. Cái gương be bé, xinh xinh cất trong quẩy tấu đem ra soi. Trong gương, mắt ai mà trong như sương mai, môi ai mà hồng như đào phai, da ai mà nõn như măng vầu thế nhỉ. Sùng Thị Say tự hỏi rồi mỉm cười rõ tươi. Bọn con trai, dù cưỡi ngựa thồ hay đi xe máy, dù đi với vợ hay tay không, nhìn thấy Sùng Thị Say thì cứ phải liếc trộm một cái đã. Sùng Thị Say lấy làm thích lắm. Có thằng mải liếc quá, bị vợ đi cạnh véo cho vào hông một cái thật đau mới tỉnh, kêu “ối” lên rõ to.
Chuẩn bị rẽ vào cổng chợ, Sùng Thị Say bất ngờ bị một thằng từ phía sau tháo tuột quai quẩy tấu đang địu, cùng lúc đó một thằng khác ở đâu chạy ra ôm lấy bắp chân rồi bế thốc lên vai, lại còn một thằng nữa lấy dây vải điều buộc tay Sùng Thị Say trong lúc thằng kia vừa vác vừa chạy. Sùng Thị Say hiểu ra mình đã bị bắt về làm vợ, làm con ma suốt đời, trọn kiếp của dòng họ cái thằng đang vác mình. Sùng Thị Say giãy giụa và kêu khóc, mọi người đi chợ nhìn thấy cả, nhưng thật lạ chẳng ai ngăn cản đám trai để cứu lấy Sùng Thị Say yếu đuối, bé nhỏ, và tuyệt vọng. Lúc úp mặt vào vai áo thằng đang vác mình, Sùng Thị Say thấy mùi chàm hăng hắc thuốc lá, thấy mùi mồ hôi nồng nồng quả vả, hai thứ mùi sánh đặc như mật ong, tỏa ra ngây ngất như bùa mê. Ý nghĩ xoẹt ngang đầu Sùng Thị Say như tia chớp, thôi phải rồi thằng bắt mình chính là Giàng Mí Lầu, thằng hay đi theo sau mỗi buổi chợ phiên. Sùng Thị Say vui cái bụng quá, quả tim trong ngực cứ đập rộn ràng theo mỗi bước chạy của Giàng Mí Lầu. Sùng Thị Say chợt nhớ ra, có lần bà nội bảo, nếu yêu nhau thật lòng thì mới bắt vợ, bắt được vợ thì phải bắt được cả trái tim nó và nếu trong cuộc bắt vợ, cô gái nào khóc càng to và phản ứng càng quyết liệt thì sau này vợ chồng sẽ càng hạnh phúc. Và, có bắt vợ thì thằng trai mới chứng tỏ được với đứa gái về tình yêu và lòng dũng cảm của mình. Vì vậy, Sùng Thị Say mặc dù rất thích nhưng giả vờ giãy giụa và kêu khóc to hơn cả lúc bị bắt ở ngoài cổng chợ nữa. Hai thằng trai chạy phía sau thở hổn hển như ngựa thồ vượt dốc, một thằng đeo quẩy tấu, một thằng xách giày thêu tuột ra của Sùng Thị Say. Giàng Mí Lầu cướp được vợ nên chạy nhanh quá, chạy khỏe quá làm cho hai thằng bạn không đuổi kịp. Đến gốc cây pơ mu cạnh chợ trâu, Giàng Mí Lầu bế Sùng Thị Say lên con ngựa đã đóng yên cương, thắt nơ đỏ đợi sẵn. Sùng Thị Say ngồi nghiêng, váy như hoa nở xòe rực rỡ đón nắng. Giàng Mí Lầu ngồi sau, một tay giữ cương, một tay đặt nhẹ vào vòng eo con kiến của đứa gái mới bắt. Ngựa chạy một đoạn, Giàng Mí Lầu khẽ thì thầm vào tai Sùng Thị Say: “Làm vợ anh nhé!”. Lời thương như gió thổi. Lời thương như mây bay. Lời thương như suối chảy. Lời thương như núi đầy. Sùng Thị Say khẽ cúi đầu không nói. Trong lòng có chim hót. Trong lòng có hoa nở. Trong lòng có hội mở. Trong lòng có bướm vờn. Ngồi trên ngựa, mà cảm tưởng vó ngựa không hề chạm đất, trôi bồng bềnh trong sương.
Sùng Thị Say bị bắt về nhà Giàng Mí Lầu ba ngày. Ba ngày không phải cõng nước, chẻ củi, thái cỏ, dệt vải. Đến bữa ăn, mẹ Giàng Mí Lầu đưa cơm canh qua ô cửa sổ lỗ vuông mờ trắng hơi sương. Cửa buồng khóa trái để Sùng Thị Say không thể trốn về nhà, mà nếu không khóa trái thì Sùng Thị Say cũng chẳng thích trốn nữa, chỉ thích làm ma nhà họ Giàng, đẻ cho nhà họ Giàng một đàn con, để con trai lớn lên lại đi bắt vợ như bố, để con gái lớn lên lại đi chợ phiên như mẹ.
Nhà Giàng Mí Lầu cũng nghèo, không đủ bạc trắng, rượu tăm, lợn béo thách cưới theo tục lệ người Mông, nên Giàng Mí Lầu không vội ngỏ lời thương với Sùng Thị Say mấy phiên chợ trước. Lời thương ấy nói bằng mắt, bằng tim chứ không nói bằng lưỡi. Ba ngày sau, Giàng Mí Lầu đưa Sùng Thị Say về nhà bố mẹ vợ xin cưới. Tiền thách cưới được giảm đi một nửa. Bố mẹ vợ ưng con rể lắm, khen mắt nó sáng, mặt nó hiền. Bố vợ bảo nó không bắt con Sùng Thị Say, đến nhà xin cưới tao cũng chỉ thách thế thôi. Mẹ vợ tủm tỉm nói, ngày xưa ông bắt vợ, bố mẹ vợ cũng giảm cho một nửa tiền thách cưới còn gì. Tiềng cười làm tan giọt sương đầu lá quế rơi xuống kẽ đá sau nhà nghe thánh thót, gọi mặt trời lên lấp ló trên đỉnh Quan Thần Sán băng tuyết. Rượu ngô hâm nóng để bố vợ thết con rể. Rượu rót tràn bát sóng sánh, khói xanh bay lên đọng vào mái ngói âm dương, ngấm sang cột gỗ trình tường thứ men xuân ngây ngất.
Sùng Thị Say nhớ lại, vẫn phơi phới như thời còn trẻ. Ngoài đường tiếng khèn gọi bạn bay vào đậu trên cành hoa mận trắng muốt. Mưa bụi giăng khắp trời mỏng tang nét mày sơn nữ đánh thức búp chồi xanh biếc. Con trai út của Sùng Thị Say là thằng Giàng Mí Vàng đang chuẩn bị xách khèn đi chợ phiên, sắp tết rồi. Sùng Thị Say sẽ nói với con trai lời dặn của bà nội khi xưa về phong tục bắt vợ để nó biết, nó lớn rồi mà, biết đâu chợ phiên này…
Lại một mùa bắt vợ đã về trên núi mùa xuân…
Hoàng Anh Tuấn

Tháng giêng,
Tháng giêng xanh non chồi mới nhú,
Con về thương nhớ dáng xuân xưa
Bình yên đi dưới cơn mưa,
Nhớ bao hình bóng mãi chưa phai mờ !
NM
Xanh miền tháng Giêng quê
Tháng Giêng về hiền như nụ cười của mẹ. Buổi sáng bước ra đường đã nghe từng giọt nắng xuân ùa về trong vắt. Giọt nắng ấm cả những lời chào của mọi người lúc chạm mặt nhau. Dang tay đón những giọt nắng ấm của tháng Giêng trong veo, lòng lại khấp khởi những miền ký ức trong xanh.
Ta bước thật chậm cùng tháng Giêng cứ như bước vội thêm một chút, ta sẽ đánh mất tháng Giêng trong từng khoảnh khắc. Mùa về thật bình yên, trên lối vắng những cơn gió lồng lộng thổi qua vai. Tháng Giêng cứ bình yên đến lạ. Những cơn mưa phùn dùng dằng trước hiên nhà, những giọt mưa làm ướt mềm hoa cỏ, cho vạt áo ai cũng chùng chình qua ngõ. Những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi như cái chớp mi hững hờ của người con gái nhà bên, nhẹ nhàng mà xao xuyến. Đi giữa cơn mưa phùn bất chợt, những vòng xe ngày xưa giờ đã trôi theo những cũ càng của quá khứ. Con đường ngày ấy vẫn thăm thẳm dáng hình của em. Ta lơ đễnh đánh rơi nhịp tim mình trong một miền tháng Giêng năm nào, để mỗi lần chạm mặt tháng Giêng, lòng ta lại bồi hồi về những ngày xưa xanh biếc.
Tháng Giêng xanh như chồi non mới nhú. Qua từng vạt cỏ xanh rì, ta nghe lời cỏ cây thầm thì năm tháng. Câu hát ru vọng về lấp lánh cả mặt sông quê, níu bước chân của người xóm nhỏ. Dòng nước đỏ chở đầy phù sa váng vất cả mặt sông vẫn lặng lẽ bên đời chẳng bao giờ vơi cạn. Giề lục bình trôi tím cả một triền sông, tiếng bìm bịp vẫn âm thầm theo từng con nước. Ta đứng giữa miền tháng Giêng quê nhà, nghe từng nhịp thời gian trôi rất khẽ như gieo vào lòng người những khoảng trắng bình yên…
Bao lần ta trở về với xóm nhỏ ven sông. Những bờ lá phía bến sông vẫn xạc xào trong gió. Con đò bao bận đưa người qua sông, giờ đã khảm lên mình mưa nắng phủ quanh. Trên chuyến đò chở ánh hoàng hôn về xóm nhỏ, có những dáng người mang nặng những ưu tư. Ký ức cứ như lá trong vườn nhà, hết lớp này rồi đến lớp khác theo thời gian mà không bao giờ phai cũ. Phía bên bờ kia, có người dõi mắt trông theo con nước lớn ròng trườn lên bờ bãi.
Tháng Giêng về trong mắt em tôi. Câu chuyện cổ tích ngày xưa của bà vẫn vỗ về năm tháng theo chân ta đi suốt cả cuộc đời. Để khi những khó khăn làm ta chùn bước, ta vẫn có một thứ để vịn vào mà vượt qua những ngày giông bão. Đám trẻ trong xóm lại nghiêng tai nghe những tiếng chim vút lên giữa xóm nhỏ bình yên, chúng kể cho nhau nghe về những vùng đất mới, về những giấc mơ viễn du miền sông núi. Tiếng cười của lũ trẻ cứ giòn tan trong nắng tháng Giêng.
Dáng mẹ vẫn quanh quẩn trước sân nhà với những chiếc nia phơi đầy cá khô, chuối ép, lạp xưởng, củ kiệu làm dưa. Những thứ vốn dĩ thuộc về mẹ mỗi khi tháng Giêng vừa chạm ngõ. Những món ăn bình dị mà vẫn đọng lại trên vành môi của những đứa con xa quê. Cho nên mỗi tháng Giêng về, ta lại khao khát cho những cuộc trở về bên mẹ, được cùng gia đình ngồi bên mâm cơm rộn rã tiếng cười. Mật nắng tháng Giêng cứ thơm lừng trong tấm lòng thơm thảo của người nhà quê. Cho những chiếc chân đi cứ rộng dài nỗi nhớ.
Tháng Giêng về, ta thu xếp lại lòng mình, dưới hiên nhà, ta đưa mắt nhìn những cánh chuồn nâu chuồn đỏ bay chấp chới đường về. Đâu nghĩ mình đã từng rời đi với ước mơ phố thị. Mái nhà quê có ngọn khói vờn trên mái lá làm cay xè đôi mắt tháng Giêng xanh…
Nguyễn Chí Ngoan


                  

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Viếng chùa Lá ngày mùng 5 Tết

 

Xuân Đi Lễ Chùa

Mùng năm Tết,
Tiếng cầu kinh nho nhỏ
Nơi chánh điện vắng người...
Không tiếng mõ ngân nga
Giữa thinh không,
Bỗng ấm lòng
Người đang quỳ bái lạy...
Chiếc thuyền Từ đưa người qua khổ ải
Biết bao lần con cố vượt bến mê !
Rồi đây trên lối đi về,
Mong tỉnh thức đưa con về bến Giác
NM
Chùa Lá còn gọi là chùa Huyền Trang ở Q7, năm nào hai cô cháu cũng đi viếng chùa ngày mùng 4 hay mùng 5. Chùa còn đang xây dựng, tất cả công trình hãy còn dở dang, chùa mang nét mộc mạc chân quê ngoài ra chùa vẫn còn đang nuôi một số trẻ em mồ côi
 Có chú mèo vá đen trắng, khg hiểu sao chú cứ lẩn quẩn theo chân, nhỏng nhẻo thật dễ thương, đặc biệt chú có đém lông màu đen giữa mũi và miệng trông giống như râu mép của chú hề Charlot.
Mèo con dễ thương! Gọi con là Charlot nhé vì con có đém lông đen trên mũi giống chú hề Charlot mong năm sau sẽ còn gặp lại con nữa
 Ôi số kiếp mình hoá ra chỉ có chó mèo thiện cảm hay sao đó
Ước gì nghe được tiếng chuông đánh lên nhỉ ! Sao mình thích nghe tiếng chuông chùa vang trong thinh không quá, nhưng tiếc rằng khg phải giờ công phu, trong tĩnh lặng tiếng đọc kinh của chú tiểu nhỏ nghe thật rõ và...thật gần !
Năm nay trong sân chùa có thêm vài tượng Phật, cây sala trổ bông ít hơn mọi năm nhưng hoa rất đẹp, trước sân bên ngoài chánh điện năm nay có thêm cây mai nhỏ dáng xinh
Những ngôi nhà tôle đơn sơ và các gian nhà cây thô chắp vá...Nơi đây chưa có công trình nào bằng gạch quy mô ngoại trừ chánh diện và cây cầu rồng bắt ngang qua con rạch nhỏ
Hoa cảnh đơn sơ bình dị mang sắc thái của ngôi chùa làng quê nghèo khiến người viếng dễ gần gũi hơn, so sánh chùa Lá với chùa Kỳ Quang thật là hai cảnh chùa khác nhau xa, cùng là chùa, cùng là nơi nuôi trẻ nhưng một bên quá giàu và một bên lại quá quá nghèo ?
Chuối bắt đầu chín cây rồi đây, cây sala cũng bắt đầu kết trái, ở đây như ở quê dừa nước thật nhiều mặc dù viếng chùa nhiều lần nhưng chưa một lần nào thấy trái chỉ có bụi ô rô mọc xen 
 
Hi vọng sang năm viếng chùa, cảnh quang sẽ tiến triển nhiều hơn nữa, quay lại bàn tiếp khách bên hông chánh điện đóng góp chút công đức nhỏ nhoi, sư thầy trụ trì đi vắng chỉ còn thầy quản lý đang giảng pháp cho một số khách tham quan, thầy gởi bao thư chúc Tết trong đó kèm theo những báo cáo về Phật sự từ thiện mà chùa đã giúp người nghèo trong năm, thật đúng là lá rách đùm lá nát !!