Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chào Tháng sáu

Cám ơn tấm hình hoa phượng rất đẹp của TG
Bản Tình Ca Tháng 6 (truyện đọc)

Tình Khúc Tháng Sáu

Tháng Sáu Trời Mưa

(Thân tặng soeur KH)
Người ấy,
Người ấy cho tôi lượn sóng trào,
Dạt dào ý nghĩa của ngàn sau...
Người tuy xa cách nhưng gần gũi,
Kỷ niệm dù xưa vẫn ngọt ngào,
Người đã dâng đời cho yêu thương,
Giúp người cùng khổ với tai ương...
Người nâng tôi dậy trong ơn Chúa,
Và dõi theo tôi một đoạn đường !! 
NM
Mưa tháng sáu
Từ trường đại học về, tôi đạp xe trong bụi mưa lất phất. Về đến nhà cũng đủ ướt áo. Mưa tháng Sáu bất chợt và thơ mộng như mối tình học trò. Tưởng chừng khoác áo nhiệm mầu. Mưa rơi đầy kỷ niệm man mác buồn, nỗi buồn mà lại ngọt ngào, khó tả...
Thế mà đã bốn năm thấm thoát như bóng câu vút qua. Nhưng, bốn năm xa từ chiều mưa ấy vẫn như là hiện tại. Vài ngày nữa tôi sẽ là cô giáo. Niềm vui vừa đến thì nỗi buồn cũng vừa trở lại. Không biết "người ấy" bây giờ ra sao?
o0o
Nghe mẹ nói có người đến ở nhà để đi học, tôi không phản ứng gì vì không mấy quan tâm, chỉ biết là con trai của một người bạn thân với mẹ ngày xưa. Rồi buổi chiều, đi học về ướt như chuột lột, vì có "khách", tôi chỉ bị trách nhẹ:
– Con gái lớn rồi, mẹ đã dặn mùa mưa thì phải đem áo mưa theo. Không ý tứ gì cả!
– Đã vậy, mẹ còn quay sang cười nói với "khách":
– Con gái mới lớn vậy đó. Làm dáng, nhõng nhẽo, bướng bỉnh. Đúng là "nhất quỷ, nhì ma". Nhiều khi đến bực mình với nó.
Chẳng biết "hắn" nghĩ gì mà "ném" cho tôi một cái nhìn kèm theo một nụ cười "miểng chai" hóm hỉnh. Tự nhiên tôi ghét cay ghét đắng "hắn". Thì ra "hắn" tên là Ân. Cái tên nghe "diễm phúc" vậy mà lại... dễ ghét ghê! Chưa đến đầu niên học nhưng Ân phải đi làm thêm dịp hè để kiếm tiền tự trang trải cho năm học sắp tới.
Gia đình Ân ở dưới tỉnh. Phần thì xa, phần thì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất sớm, mẹ Ân một nách ba đứa con. Ân ở đây để học Anh văn. Tôi hơi "ghen" khi thấy mẹ chu đáo chăm sóc Ân. Tuy không ác tâm nhưng tôi... "coi thường" Ân. Tuy vậy, dù không nói ra nhưng tôi thấy khâm phục Ân về việc tham dự thánh lễ hằng ngày. Vẫn biết là không được đối xử không tốt với người khác, phải "yêu người như chính mình", nhưng tính bướng bỉnh của một cô bé mới lớn vẫn bảo thủ lý lẽ riêng. Ân hơn tôi ba lớp. Dù vậy, Ân luôn bị tôi "ăn hiếp". Có lần làm bài xong, tôi loay hoay tìm cuốn truyện mãi mà không thấy, tôi muốn "điên tiết" lên, máu như dồn hết lên não!
– Thi, con tìm gì vậy?
– Cuốn truyện con để đây mà mất đâu rồi! – Giọng tôi không bình thường.
– Làm gì mà con gắt lên vậy? Từ từ tìm sẽ thấy.
– Con tìm khắp nơi rồi. Con để ngay đây mà!
Nghe hai mẹ con tôi nói chuyện, Ân chạy lại với cuốn truyện trên tay.
– Truyện đây, thưa bác.
Tôi vênh mặt và cao giọng:
– Sao "ông" tự nhiên như ruồi vậy?
– Tôi tưởng...
– Không tưởng với nghĩ gì cả. Muốn gì "ông" phải hỏi người ta chứ!
Mẹ tôi nghiêm giọng:
– Thi! Con không được hỗn với Ân như vậy. Ân không đáng là anh con sao?
– Nhưng...
– Không nhưng nhị gì hết. Cứ "nhưng", "vì" và "tại" là làm hư chính mình. Con gái lớn rồi, phải ăn nói cho đàng hoàng. Con phải thương hoàn cảnh của Ân mới đúng. Nghèo không xấu, nhân cách mới quan trọng, con gái à! Đừng thấy mình hơn người khác một chút về một phương diện nào đó đã vội lên mặt mà khinh thường người khác. Sông có khúc, người có lúc. Con có nghe mẹ nói không Thi?
– Thưa mẹ, con nghe. Con xin lỗi mẹ!
– Xin lỗi thì dễ. Biết phục thiện mà sửa đổi mới khó.
Tôi bật khóc. Khóc vì tự ái. Con gái vẫn thường vu vơ thế đấy. Tính bướng bỉnh của tuổi mới lớn còn mạnh hơn cả tình yêu, thậm chí hơn cả... sự chết.
Thời gian cứ trôi qua. Ngày tháng nhìn nhau bằng ánh mắt không mấy thiện cảm đã chấm dứt. Trước đó, tôi không muốn gặp... anh (đại từ này "khó nói" thí mồ đi!) vì... ghét. Bây giờ tôi ngại ánh mắt anh vì... e lệ. Dẫu sao thì cũng đã là nữ sinh lớp 12. Suốt ngày anh cặm cụi với sách vở và chữ nghĩa, còn tôi lo giữ "hồn" tôi. Nhìn những cuốn tự điển dày cộm của anh mà tôi thấy "ớn lạnh".
Những ngày học cuối cấp trôi qua thật nhanh, không thể níu lại được. Nhánh phượng đỏ như vẫy gọi người ra đi. Mây giăng xám bầu trời chỉ chực mưa. Mẹ và anh vui mừng khi tôi đậu đại học. Niềm vui rộn rã, nhưng tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng lạ thường. Anh sắp đi xa. Có niềm vui này tất sẽ có nỗi buồn khác, như một quy luật bất biến muôn thuở vậy.
Buổi chiều. Mưa dầy hạt. Mẹ đi công chuyện. Tôi đang chuẩn bị hành trang cho những ngày sắp tới. Chợt có tiếng gọi khẽ:
– Thi!
Tôi quay lại và bối rối khi ""chạm" ánh mắt anh – một hiện-tượng-giao-thoa! Tôi chưa biết phải nói gì thì anh mỉm cười hỏi (may quá!).
– Thi có rảnh không?
– Dạ, em... em... rảnh.
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi "lễ phép" và nhẹ nhàng với anh như vậy. Mặt nóng bừng, tôi vội tiếp:
– Anh có... giận Thi không?
– Có gì đâu mà giận. Tôi tặng Thi cuốn truyện, món quà nhỏ mừng Thi vừa thi đậu.
Tôi đưa tay đón lấy mà không kềm được run nhè nhẹ. Tôi nói át đi:
– Anh hỏi Thi rảnh hay không để làm gì?
– Ừm... thì để nói chuyện nãy giờ đó.
Tôi "tinh ranh" liếc anh và thầm nghĩ:
– Anh chàng này "dễ ghét" ghê! Có lẽ chưa học "đại từ ngôi thứ hai số ít".
o0o
Thế là anh đã xa. Kỷ niệm chẳng bao giờ cũ. Kỷ niệm chỉ đến một lần cũng đủ làm người ta luyến nhớ. Khoảng trống khó lấp đầy.
Mở trang đầu cuốn truyện, màu mực như chưa phai. Kỷ niệm đầu đời mãi ghi đậm dấu ấn, dù màu mực có thể "cũ" theo thời gian. Bốn năm chưa phải là dài. Tôi nhẩm đi nhẩm lại những dòng chữ anh đề tặng:
Bướm chưa hóa kiếp chưa đa tình
Áo trắng học trò còn trắng tinh
Chẳng nhớ, chẳng thương, và chẳng hẹn
Bỗng dưng một lúc hóa... vô tình!
Mùa Thi – Tháng Sáu
Cơn mưa ập tới bất thình lình. Cơn mưa nào cũng có tính chất giống nhau. Nhưng hình như hôm nay mưa khác hẳn. Mưa ơi! Tôi sắp trở thành cô giáo. Tôi không còn là cô bé bướng bỉnh, cố chấp và lanh chanh như trước nữa. Tôi chợt thấy lòng đầy ký ức về những ngày xưa thân ái. Còn anh?
Thật ngẫu nhiên, bên nhà hàng xóm đang vang vọng tiếng ca truyền cảm: "Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt... Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa...". Lòng tôi như sợi dây đàn chùng xuống, lạc cung...
Nghe mẹ nói anh học xong đại học và đã vào Dòng, anh nghèo nên anh muốn dành cả cuộc đời để yêu thương những người cùng khổ nhất mà xã hội bỏ rơi. Là con người, tôi không tránh khỏi nữ nhi thường tình. Nhưng tôi tin có thể vượt qua và dâng tất cả cho Chúa. Tôi tin Ý Chúa luôn nhiệm mầu. Tôi ngước nhìn lên linh ảnh Lòng Thương Xót và thầm nguyện: "Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài! Xin Chúa nâng đỡ con và gìn giữ anh theo Ý Chúa!".
Từ ngày ba mất, mẹ tôi vất vả hơn, nhưng chiều nào mẹ tôi cũng đi dự giờ kinh Lòng Thương Xót ở nhà thờ xứ. Lòng đạo của mẹ cũng tự nhiên truyền sang tôi. Mẹ tôi thường khuyên tôi: "Hãy sống kết hiệp mật thiết với Chúa bằng cách cầu nguyện liên lỉ, tôn sùng Thánh Tâm Chúa cũng là tôn sùng Lòng Thương Xót của Chúa. Không có Chúa thì không ai làm được gì".
Tôi thầm tạ ơn Chúa ban cho tôi một người mẹ hiền từ và đạo đức. Vả lại, lúc này tôi đã trưởng thành, lại không còn lo bài vở như thời là sinh viên nữa, nên tôi tham gia dạy giáo lý cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Tôi muốn tham gia việc đạo đức, trước tiên là giúp mình cố gắng sống đạo đức hơn để phần nào làm vui lòng Chúa, sau là tự cứu mình và giúp người khác càng ngày càng sống thánh thiện hơn.
 TRẦM THIÊN THU
 Tóc bay trong gió
Gió bay, chiều gió tóc bay,
Vàng bông điên điển đôi tay vương đầy,
Tình chưa thân thiết bao ngày...
Giờ chia tay đã đong đầy nhớ thương !!
NM

Mái tóc - Truyện ngắn tháng sáu
Cứ như những buổi sáng tui dậy thật sớm và chạy ra cánh đồng nhỏ có bờ đê rộng rãi phía xa xa. Cỏ bông lau vẫn mọc thật dày và thật cao phủ kín mấy con mương còm cõi nương vào bờ đê mà chạy dài miết mải. Tui lại bắt gặp một cô bé quê mùa khoác hai ba chiếc áo trắng ngà xốc xãi đang với tay hái mấy nụ điên điển vàng phất phơ trong gió chướng.
Tôi gọi nó là con nhóc quê, một con nhóc cực kỳ quê mùa trong đôi mắt gắn contaclens của tôi. Tôi không thể hiểu nổi cô bé đào đâu ra cái quần lãnh ngắn cũn cởn để lộ ra cái ống chân nhỏ thó lấm tấm cái thứ đất nâu vàng lầm lũi trên đê. Mấy cọng chỉ bung, lơ thơ bay về một hướng gió. Cả cái áo cũng vậy, loại áo sơ mi năm ngàn một cái bán đầy ở chợ đồ cũ cũng chi chít vết thâm. Vậy mà nó lại cột trước bụng một nuộc thiệt chắc để gió không thổi bay lên. Rối rắm ! Phong cách Tây tàu kết hợp chẳng có gu gì và chẳng có gì ấn tượng với tôi. Tự nhiên tôi thấy nó trong những buổi sớm vậy, lần nào tui cũng ngó đi chỗ khác như chẳng thèm quan tâm để mắt đến.
          Nhưng bữa nay thấy tui, nó giả bộ lơ đễnh, rồi khẽ vẹt đám điên điển, nhìn tôi vừa chèo ghe vừa thả hồn theo sông nước.
          Tôi vào vai một cô nhóc tiểu thư học đường sành điệu và đỏm dáng. Một vai phụ trong cuốn phim dễ thương dành cho tuổi học trò trong một vài phân cảnh ở vùng quê này. Lần casting đầu tiên tui đã được chọn, hoặc tại tui xinh, hoặc tại tui lanh lợi, hoặc cả hai. Đạo diễn yêu cầu tui có một mái tóc dài thiệt dài, phải đen và duỗi thẳng nữa chứ. Tui ấm ức vác con heo xinh xắn của tui ra đập, đủ tiền mua 2 cái váy digan và nối thêm một mớ tóc đen óng ả. Mà cái ấm ức đó đa phần là từ con nhỏ hái bông điên điển mà ra. Quần lãnh, áo mun vá chằng vá đụp mà nó lại có một mái tóc dài đẹp dữ dội.
          Một bữa nó cặp ghe vào đê, hái cỏ bông lau đo độ dài tóc của em nó, rồi nhỏ em nó đo lại cho nó. Bữa đó nắng lên hơi sớm, chiếu lấp lánh trên thửa nước đồng, vậy mà cũng hổng lấp lánh bằng tóc của hai chị em nó. Hai mái tóc chẻ đôi, trãi dài đến tận thắt lưng mà không một chút gãy gọn.        
Nhỏ em phát hiện ra tui ngồi lẩn thẩn trên chiếc xuồng nhỏ một mình, cái tay nắm cái dầm miết vào lòng còn con mắt hoa lên vì mái tóc của tụi nó. Hai đứa nó chèo ghe lại gần và bắt chuyện với tui, làm như tui quen thân với tụi nó lắm vậy:
          -"A, chị diễn viên, chị nhà giàu nè!". Nhỏ em réo lên làm tui giật mình. Còn nhỏ chị mắt sáng lên, nhìn vào mắt tui rồi quay sang em nó:
-"Ừ, đúng ồi. Chị nhà giàu đóng phim hổm rày nè!"
Tui bối rối trứơc vẻ hân hoan và tươi rói của hai con nhóc có nước da bánh ít ram rám đang cố làm quen với tui.
-"Ủa mấy cưng biết chị nữa hả? Bộ mấy cưng ở đây hả?"
-"Dạ, đúng ồi đó chị. Tụi em hái bông điên điển ở đây nè". Con em láu táu.
-"Chị ơi, chị tên gì vậy? Áo chị đẹp quá à. Tóc chị còn đẹp hết xẩy luôn. Thẳng băng à!". Nhỏ lớn nhìn tui, tò mò.
-"Em tên Bé Ba, còn chị em tên Bé Hai". Nhỏ em lại xen vào.
-"Ừ, chị tên An. Quỳnh An." Tui cười gượng trân. "Tóc chị là tóc nối thôi, không đẹp bằng tóc tụi em đâu."
-"Tóc nối là tóc làm sao hả chị?" Nhỏ em mắt tròn xoe.
-"Ừ thì, tóc nối là ... nối tóc !"
-"Hihi, ngộ quá hén chị Hai." Tụi nó nhìn tóc tui, tóc màu thuốc nhuộm đen luốc, hiện đại và thẳng đờ, bay bay trong gió.
Tui hỏi hai nhỏ sao có mái tóc dài đẹp dữ. Nhỏ chị cười nhe răng, nói hai chị em dụm tiền bán điên điển mua chai bồ kết, hai chị em nó xài nhàn nhàn. Cứ hai tháng là lại ra chợ đồ cũ mua, loại rẻ nhất. Tui nhìn hai mái tóc vừa dày vừa bóng xinh như nhung. Cứ suy nghĩ lan man mãi.      
Vai phụ của tui chỉ đóng trong vài ngày, mỗi ngày vài phân cảnh, mỗi phân cảnh chỉ 5, 6 phút là cùng. Nhưng đạo diễn bắt tui quay đi quay lại nhiếu lần, đến khi nào thật xuất sắc thì thôi. Tự nhiên giấc mơ làm diễn viên trong hàng tá cái giấc mơ nghệ sĩ của tui trước đây bỗng dưng tan biến, không phải vì công việc đóng phim vất vả, mà là vì vẻ dung dị đáng yêu của hai cô bé kia.
Không cần phải có những chiếc váy hoa đắt tiền và rực rỡ, không cần phải diện những kiểu tóc mới lạ hợp thời. Chỉ một lần nhìn thấy hai cô bé đứng dưới những bụi cây điên điển, chòng chành trên sóng nước mùa lũ lam lam trong sương sớm, với những ngón tay đen nhẻm hái lấy hái để những bông hoa điên điển vàng, rực rỡ đến bao nhiêu so với hai mái tóc dài tuyệt đẹp đó? Tui cám ơn trời đã cho tui cái phúc làm con gái, nếu không tui đã iu hai cô bé mất rồi (?!)
          Những ngày còn lại ở đây, ngày nào tui cũng chèo ghe ra khúc nước dàu dàu có trồng mấy cây điên điển cong cong theo gió. Tui đã có dịp chạm vào mấy cái bông điên điển vàng se ra đầy phấn. Ba chị em cùng chơi trò cô dâu, nhỏ chị lấy cọng chỉ xỏ bông điên điển thành vòng tròn rồi tròng lên đầu tui. Đeo vào cổ và làm hoa tai. Hai cô bé cứ thế mà khiến tui nghĩ về chính tui mãi. những cái đẹp giả tạo đắt tiền và phô trương, chẳng thể sánh bàng cái vòng hoa kết vội kia, trên hai mái tóc xúng xính trong chiều gió. Y chang như hai cô công chúa nhỏ lấm luốc lọ lem vậy, cơ cực mà vẫn lộng lẫy đến lạ thường.
          Rồi ngày cuối cùng cũng đến, ngày cuối cùng tui ở lại, một ngày thứ bảy trời se se gió. Tui thức dậy thật sớm chuẩn bị cho phân cảnh cuối cùng của đoàn phim, rồi chạy ra đồng, giúp bé Hai trong ngày cuối cùng ở bên hai bé.
Hôm nay bé Hai chỉ một mình. Tui vui vẻ chạm gót giày xăng-đan lên chiếc thuyền con của bé Hai. Vẫn chiếc áo sờn đầy vết thâm và cái quần lãnh chỉ lơ thơ, bé Hai đang đưa tay hái chùm bông điên điển tít trên cao. Với lấy cái nia phía mui thuyền, trong lúc tui cố cúi xuống, tui đã thấy mắt bé Hai khẽ rụng xuống một giọt nước. Tui ngỡ ngàng thấy bé có một chút gì khác hơn so với mọi ngày. Dưới cái nón rộng vành cũ kỹ, tóc bé cắt ngắn cũn, cao hơn vai đến vài phân. Tui bần thần hỏi bé: " Bé Hai, ai biểu cưng cắt tóc vậy ?!" .
Lúc này tự dưng nó vỡ oà ra, như một đứa nhóc hồn nhiên khóc và cần thiết tha một sự chở che, bảo vệ. Nó buông rổ điên điển đang hái dở xốc lên vung vãi đầy chiếc thuyền nhỏ chòng chành, hai tay ôm chầm lấy tui:
-"Chị, chị ơi, em xin lỗi .."  
Trong tiếng nấc nó kể cho tui nghe:
-"Hôm bữa trời gió, gió thổi nhiều lắm. Ngoại tiếc đám môn mới trồng nên ngoại dầm mưa rào lại cho nó. Rồi ngoại bịnh, em đi cân mấy con gà đem bán không đủ, nhà lại không còn gì để bán nên em cắn răng bắt con bé Ba cắt tóc bán lấy tiền nuôi ngoại. Nó hổng chịu, còn đòi oánh em nữa. Nhưng nó thấy ngoại ho tức tức, nó với em ngồi trong buồng khóc, khóc cả đêm, thương ngoại lắm..."
Nói tới đó nó nghẹn lại, rồi lại nấc lên. Mắt tui đỏ hoe, tui ôm nó, vỗ về:
-"Thôi em, không sao đâu, chị biết em tiếc tóc lắm,nhưng miễn ngoại khoẻ là được rồi em hen. Đừng khóc nữa, mai mốt tóc khác mọc còn đẹp hơn nữa đó!".
Nó ngẩng đầu lên nhìn tui, khoé mắt còn long lanh nước:
-"Thiệt hả chị?"
-"Thiệt mà. Chị cũng sẽ nuôi tóc như em. Bé Ba luôn. Ba đứa mình cùng để tóc dài. Mãi. Hén !"
Tự nhiên nước mắt tui trào ra, cũng may bé Hai không trông thấy.
Tui hoàn thành phân cảnh cuối cùng của mình trong một cảm xúc thật khác, thật lạ. Cái cảm xúc mà tui chưa từng có bao giờ. Dắt tay hai cô nhóc của tui trên con đê hiền quen thuộc, chỉ có tóc tui tung bay theo gió. Nong điên điển vàng choé một màu giản dị thiết tha trên tay bé Ba chạm vào với nắng và mây. Màu vàng lục lam như cắt khứa vào hồn tui. Se sẽ đau. Lát nữa hai em sẽ lại ngồi ngoài chợ, loay hoay bán cho mọi người cái thứ hoa rẻ tiền và dung dị này, rồi tung tẩy tìm mua một chai bồ kết loại rẻ nhất. Còn tui thì trở về trên con đường đê có hàng bông lau phủ kín.
Gió thốc nhẹ vào sau vạt áo.
 Hồng Ngọc Diệu An
 Tình quê
Gởi về tháng sáu niềm nhung nhớ,
Một chốn làng quê xưa mến thương
Ký ức ngời xanh cùng năm tháng
Đò nương theo sóng lượn muôn phương

Dòng sông tắm mát tuổi thơ tôi,
Một thuở bình yên mắt rạng ngời...
Tiếng gà trưa gáy trong yên ắng,
Tình quê thôi thúc mãi người ơi !!
NM
Gởi về tháng sáu....
Nhác thấy những tia nắng vàng trải khắp một góc trời quê. Lòng lại rộn lên một nỗi niềm chấp chới. Tháng sáu lại về rộn đầy nỗi nhớ, dưỡng nuôi những miền kí ức xanh ngời năm tháng. Tôi lại nghe lòng mình từ tốn những giấc mơ. Nỗi nhớ nhà chao chát ru đêm với những lưa thưa dằn dặt. Tôi lại tìm kiếm cho mình một cuộc trở về…
Đã thấy những cánh diều quê chao nghiêng trên nền trời xanh biên
biếc. Những cánh diều chuyên chở ước mơ của đám trẻ nghèo thiếu thốn. Sợi dây mỏng manh ngày nào đã giúp tôi biết với tay lên bầu trời cao dài rộng. Cho tôi biết ước mơ về những thứ ánh sáng rực rỡ bên kia sông. Cánh diều giấy đã mang tôi đến với những chân trời, động rung miền cỏ lạ.
Đi qua những ngày tháng sáu an yên. Nghe hương vị tuổi thơ dậy lên trong từng hơi thở. Nhớ con đường quê có hàng tre xanh rì thẳng tắp, rợp mát cả một góc quê nhà. Nhớ mái nhà quê có cơn gió lùa thổi mát. Trong từng cánh gió, hương thơm của trái vườn chín bối thoang thoảng quyện vào sóng mũi vỗ về giấc ngủ và cả những tiếng gà trưa gợi nhớ bao điều. Để mỗi lần đi xa lại thèm nghe một tiếng gà trưa vút lên giữa yên ắng lạ thường.
Bước trên những cánh đồng tháng sáu, màu khói đốt đồng trắng xoá bình yên. Từng vòng khói nối nhau mải miết, thắc thỏm khi chiều về. Đám trẻ quê lọt thỏm giữa cánh đồng chiều mơ đắm, tiếng cười giòn tan như xua đi nhọc nhằn dâu bể. Đám trẻ chạy nhảy tung tăng trên cánh đồng quê nứt nẻ dấu chân trâu. Vấp vào khúc gỗ mương đất, tôi  đã bao lần ngã sóng xoài trên đất. Những cái vấp ngã đó đã cho tôi biết cách đứng lên, để tôi được nằm trên nền đất xù xì ngai ngái, để tôi biết nâng niu từng hạt lúa trong đời.
Trên triền đê, mùa hoa dại bung nở thênh thang chen với những đám cây thấp lè tè. Nghe màu thời gian đổ tràn trên vạt tóc. Lũ trâu già đủng đỉnh dưới chân ruộng đãi đằng mơ gì mà say ngày tắt nắng. Tôi trở về nhận mặt lại cánh đồng sau bao kìm nén chắt chiu. Hoàng mơ kéo từng vệt dài nhưng nhức, chỉ còn tôi rớt lại cánh đồng với heo hút những tán cây già. Tuổi thơ qua đi đầy ắp những tiếc nuối nguyên khôi.
Chốn cũ tôi về, dòng sông quê lững lờ con nước. Những hạt phù sa bao đời bồi đắp bến quê, cho hạt lúa vàng căng mẩy. Dòng sông tắm mát tuổi thơ tôi. Cho những phút yên bình trong suốt. Mà dẫu có đi đâu tôi vẫn thèm được trở về úp mặt vào sông.
Chiếc đò nhỏ nằm ru mình trên bến. Con sóng lăn tăn vỗ về năm tháng. Tưởng như mình chưa bao giờ bỏ tất cả để mà đi. Chuyến đò cuối ngày chở buồn vui giữa làn nước bạc, chỉ có ánh nhìn đau đáu mãi khôn nguôi. Nhánh bần gie dưới mé sông vừa rơi một trái bần chín mọng, trái bần quê lại dạt trôi vào bờ bến khác sau cuộc vượt thoát đời mình. Rồi đây những rặng bần quê lại ắp ôm bờ bãi, lặng lẽ bên đời cùng con nước đầy vơi.
Tháng sáu về lơ thơ những cơn mưa đầu hạ. Nỗi nhớ lại về trong biêng biếc ấu thơ. Vòng xe chậm chở nhau về lối cũ, để kí ức dùng dằng trong xót đắng xa xăm. Cánh phượng rơi vỡ nát con đường. Nhặt cánh hoa rơi như để nỗi nhớ nằm im giữa ngọn đồi xanh im ắng.
Tôi bước qua bao mùa mưa nắng quê nhà, cứ ngỡ đích đến sẽ là vùng đất có những thứ ánh sáng chói chang, có những lòng đường chật ních người xe. Ngờ đâu khi một mình lạc giữa lớp bụi mù xứ lạ, tôi lại muốn trở về ngồi khóc bên hiên. Để được mẹ vuốt ve và nghe ba kể chuyện đồng áng vụ mùa. Tháng sáu về âm thầm không đoán định, tôi thấy lại đời mình trong ánh mắt em tôi. Tôi gởi vào tháng sáu những nỗi niềm chất chứa, cho những yêu thương đi qua thời gian không phai màu năm tháng. Tháng sáu quê nhà chợt nhớ, chợt thương…
 Du Miên 
(Kiên Giang)

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác

Phật Là Ánh Từ Quang


Chánh giác niệm
Cúi đầu kính lạy Thế Tôn,
Cửa Thiền rộng mở sao chồn bước chân...!?
Hoa sen chừ nở thật gần,
Mùi hương thanh khiết xin lần nương theo,
Sá chi một kiếp bọt bèo,
Cùng về cảnh Phật giàu nghèo khác chi ?
Vui trong ánh sáng Từ Bi,
Buông đi tất cả để đi theo người...
Lợi danh xin để lại đời,
Tâm thành ắt sẽ rạng ngời đạo danh
NM
                           Một ngày Như Ý (4)
            Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác
Bỗng dưng tôi lại muốn giữ chủ đề " Một ngày Như Ý " cho tất cả những ngày còn hạnh phúc, những ngày còn sức khoẻ di viếng chùa, vì thế ngày đi viếng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sau ngày đi viếng ba Thiền viện trước cách nhau gần 10 ngày nhưng vẫn xem đó là một hành trình liên tục...
Khi viếng chùa của người Việt thì cả hai cô cháu đều thích nét kiến trúc của các Thiền viện Trúc Lâm nhất, tất cả đều đượm vẻ thanh tịnh, có nét Thiền rất cao qua cảnh trí và cho dù toạ lạc ở các địa phương khác nhau nhưng ta cũng vẫn nhận ra nét chung đặc trưng của Thiền Viện từ cổng chào, chánh điện cũng như cách bày trí
Hôm nay là ngày thường, nhưng Thiền Viện Chánh Giác cũng rất đông, Phật tử khắp nơi đến viếng, trước sân rộng xe khách lớn vô ra nườm nượp ! Nơi đây còn là địa điểm nằm trong chương trình du lịch miền Tây của du khách...
Thiền viện cũng còn trong thời gian hoàn thành, thợ đang thi công cho sân sau....Khác với Thiền Viện Trí Đức, chúng ta ít bắt gặp hình ảnh các nhà sư ra trực tiếp giám sát...Tất cả người trong sân hoàn toàn là khách thập phương và thợ thuyền.
Loay hoay vừa chụp hình trong sân vừa ngắm cảnh, tôi bỗng nhận ra hai cây Bồ đề cũng khá sum suê, một cây là của môt Tiến sĩ người Ấn Độ tặng và một cây nữa của "Đại Tướng - GS TS Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính Trị " trong ngày 22 - 07- 2015...Lại bắt gặp thêm kỷ niệm của một Phật tử cao cấp nữa, một Phật tử cấp cao nhất nước CHXHCNVN....!

Nghĩ gì bây giờ ? Buồn hay vui ? Hai cô cháu đi lang thang cũng khá nhiều chùa, nhưng không biết tại sao mỗi lần vào một cảnh chùa có ghi dấu kỷ vật của các nhân vật Phật tử cấp cao "hiện đại" tôi lại cảm thấy bồi hồi ! Trà Vinh có Trầm Bê, chùa Một Cột có "Bác" Đinh La Thăng , và có cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang...! Và ở đây Thiền Viện khá lớn lại cũng có di tích của Cố chủ tịch nước, một nhân vật khá "Song toàn" cả văn lẫn võ, ước gì nơi đây và những nơi khác chỉ ghi lại vỏn vẹn năm chữ "Phật tử Trần Đaị Quang" thì sẽ hay biết mấy nhỉ ?!! 

Rằm tháng tư lễ Phật Đản đi viếng chùa Một Cột, ngôi chùa lịch sử của vị sư di cư từ Bắc vô Nam, người cũng đã khg còn, nếu còn khg biết người sẽ vui hay buồn khi nhìn cái đỉnh ngay trước chánh điện có khắc tên Đại Tướng Trần Đại Quang và tôi lại lẩn thẩn nghĩ tiếp khg biết cái đỉnh nhang cũ trước có khắc tên vị sư trụ trì tạo dựng chùa nầy khg nhỉ ?! Chắc hẳn là khg rồi ! Công đức của các vị sư đi vào lịch sử và Phật tử khg thể nào quên !
Ngày xưa " bạt sơn, cử đỉnh" phải là người vừa có sức mạnh, vừa có âm đức và có thần hộ mạng mới làm nên...Tiếc thay cây cỏ và đỉnh thì vẫn còn và tồn tại nhưng khg biết sẽ bao lâu và được bao lâu ?
Chợt nhớ lại mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!".
NM PTND
Hòa Hải
(Một ngày Như Ý)


        

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Thiền Viện Trúc Lâm Chân Chiếu

Chỉ vỏn vẹn ba ngày nữa là đến ngày lễ Phật Đản, NM xin ghi lại loạt bài "Một Ngày Như Ý" nầy, đáng lý ra loạt bài nầy phải hoàn tất từ trước Tết 2019, nhưng vì một số chuyện bất khả kháng và điều kiện sức khoẻ khg cho phép mà mãi đến tận hôm nay mới thành tựu trong vội vã nhưng vẫn ...hợp duyên .! NM


Một ngày vui

 
Một ngày vui, 
Xin cúi đầu đãnh lễ, 
Con có được ngày vui... 
Ngày thân tâm an lạc, 
Bao hờn giận buông xuôi 
Những ân oán ngậm ngùi 
Và một đời tăm tối, 
Giờ tất cả xa vời...  
Nhờ ơn cao vời vợi !!
NM

Một Ngày Như Ý (1)
Thiền Viện Trúc Lâm Chân Chiếu
Dự tính là sẽ đi dạo một vòng từ Vũng Tàu qua Long Hải rồi ghé suối nước nóng Bình Châu, thế nhưng khi đến trước cổng vào suối thì chỉ thấy một quang cảnh vắng teo, trước cửa phòng bán vé cũng khg thấy một bóng dáng du khách nào...?! Đi đến chỗ đông thì sợ ồn ào, nhưng vắng lặng lại làm cho ta có cảm giác...hụt hẫng và khg hào hứng mua vé để vào xem...Hai cô cháu bàn nhau thôi thì đi chùa vậy, lúc nảy trên đường đi đã thấy cổng vào của Thiền viện Trúc Lâm Chân Chiếu ngay ngoài mặt tiền quốc lộ lúc xe chạy từ Vũng Tàu qua Bình Châu
Qua cổng chào, xe đi theo con đường đất của núi khg cao lắm là đã thấy nóc chùa và chùa được xây dựng trên khoảng đất rộng kế bên sườn núi khiến phong cảnh thật là ....Thiền, dựa vách núi là một cái bệ đá người ta có thể ngồi nghỉ chân ngắm cảnh mà khg sợ nắng, chỉ có cảm giác ấm áp nương tựa vì sau lưng mình là vách núi với cây cao bóng râm xanh mát
Dọc bên núi có tiểu cảnh khá đẹp, một cái hồ ôm theo chân núi đầy đủ sắc màu của hoa sen và hoa súng, hoa sứ, hoa trang...Phía trên cao còn có một tượng thờ Phật Quan Âm nhỏ bao bọc là một hàng rào lan can uốn lượn theo bậc thang dẫn lên ...Tất cả là một hòn non bộ lớn sinh động
Bây giờ mới để ý thấy là chùa cửa đóng then cài vắng lặng, ngồi hóng mát khg được bao lâu hai cô cháu lăng xăng đi chụp toàn cảnh bên ngoài rồi quay lại nghỉ chân, Ti nói khg đi Bình Châu nhưng đi chùa ngắm cảnh đẹp cũng vui ! Chỉ tiếc là chùa khg có ai mở cửa để mình vào trong lạy Phật chụp hình...Ngoài hai cô cháu thì chẳng có một ai nơi đây, bỗng nhiên có tiếng xe gắn máy từ đường đất dẫn lên chùa cùng tiếng cười nói rôm rả, xe ngừng trước cổng chùa có lẻ đây là người thân quen của sư cô vì người ngồi trước là một nữ Phật tử mặc bộ quần áo nâu (màu áo thường thấy ở vùng xa vì đa phần vì bụi đường hay lao động trồng trọt) phía sau cô là một sư cô mặc áo già lam, hai thầy trò nhìn hai cô cháu một thoáng rồi cô áo nâu chạy lại cổng kêu cửa thật to, có lẻ có người bên trong nhưng bận lo quét dọn trồng trọt phía sau vườn....
 
 
Kêu được một hồi cũng khá lâu mới có một sư cô chạy ra mở cửa, cả ba đi vào sân trong, nhưng vị sư cô bây giờ khg đóng cửa !! Và rồi một lúc sau cả ba quay trở ra cũng vui vẻ chuyện trò, dưới ánh nắng buổi trưa đôi tà áo lam của hai vị sư cô hoan hỉ đi song đôi là một hình ảnh đẹp và linh động, bỗng dưng tôi cảm thấy thật xúc động cố ghi lại hình ảnh đẹp nầy 
Qua câu chuyện mới biết đây là hai chị em cùng xuất gia và sư cô đến thăm mang theo quà của mình biếu cho cô em, sau một vòng đi loanh quanh ngắm cảnh và bàn bạc với nhau hai sư cô quay lại chùa, tôi nói với Ti chùa vắng nhưng mình khg xin viếng thử xem sư cô có gài cửa lại khg...
Thật là vui vì khi ba người vào trong chùa thì sư cô ý nhị mở rộng cửa như chào mời với nét mặt thật vui vẻ hiền hoà...!!
 
Ti nói nhỏ tuy không viếng được suối nước nóng Bình Châu nhưng thật là "Một ngày Như Ý" vì Ti đang ao ước có người mở cổng để xin vào chụp hình !!
Tôi nói với cháu vậy thì tất cả những cảnh chùa đi viếng ngày hôm nay sẽ cùng mang một chủ đề "Một ngày Như Ý" nha, niềm ao ước đã đạt được dẫu không nói ra vì mới đây chùa cả bên trong lẫn bên ngoài vắng lặng khg có ai ngoài tiếng chim hót và tiếng lá xào xạc trong gió, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đã có hai thầy trò sư cô đến và cửa chùa đã rộng mở hoan hỉ đón khách phương xa, đó là điều thật bất ngờ mà lúc ngồi ngắm cảnh hai cô cháu không hề nghĩ đến chỉ biết ao ước mà thôi !!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Một Ngày Như Ý)