Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Tôi tin nhân quả


Ca khúc Hoa Sen Nở

Lời ru nước mắt quê hương


Nhân quả
Nhân lành sanh quả ngọt,
Tâm thiện nở Vô ưu...
Xin người mau tỉnh thức,
Thoát khỏi cảnh sương mù !
NM

Tôi tin nhân quả

Kinh Nhân quả có câu “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay”.
Gieo hạt lành thì sẽ gặt được quả vui - Ảnh minh hoạ
Thiên nhiên có nhiều nguyên lý bất di bất dịch, trong đó có hai nguyên lý Nhân quả và Nghiệp. Nói đến Nhân quả không thể không nói đến Nghiệp vì không có Nghiệp sẽ không có Nhân quả. Cuộc sống thực tế đã cho thấy điều đó. Luật Nhân quả không chỉ có tác dụng trong cuộc sống vật chất mà còn cả trong đời sống tâm linh, và cũng không chỉ báo ứng “nhãn tiền” trong hiện tại mà còn cả trong quá khứ và tương lai.
Căn cứ vào câu kinh trên, tôi ôn lại cuộc đời của mình từ tấm bé đến hôm nay. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ tôi đều là Phật tử. Nhà tôi gần chùa, hồi còn nhỏ tôi đã được mẹ dẫn đi chùa lạy Phật, nghe kinh. Năm bảy tuổi tôi được quy y thọ giới với cố HT.Thích Thiện Hoa, sau đó vào Gia đình Phật tử. Trong khoảng thời gian đó, ngoài những sinh hoạt của Gia đình Phật tử và tụng kinh, tôi còn được học giáo lý các cấp. 
Rớt tú tài một liên tục hai năm, tôi bị động viên nhập ngũ. Sợ bị đưa ra chiến trường, tôi đăng ký vào binh chủng Quân cảnh. Gần hai năm sau, tôi phục vụ tại một đơn vị ở đô thành Sài Gòn hoa lệ, quy tụ nhiều thành phần dân chúng 
Lúc bấy giờ miền Nam chìm ngập trong chiến tranh. Ở đời không ai không tham sống sợ chết. Bởi vậy số quân nhân đào ngũ và thanh niên trốn quân dịch ngày càng nhiều, một số nương thân vào cửa thiền để nhờ chư Phật gia hộ và Tăng Ni che chở. Khi bị tôi bắt, nếu không muốn bị đưa ra chiến trường, họ phải lòi tiền mua sự sống với giá cắt cổ. Ai không có tiền hối lộ tôi kiên quyết không tha. Tôi đã nhiều lần làm chuyện bất nhân thất đức đó. Tôi cũng đã từng bắt bọn tội phạm và du đảng, đứa nào ngoan cố sẽ nhừ đòn. Tôi vang bóng một thời với biệt hiệu “khắc tinh” của lính đào ngũ, thanh niên trốn quân dịch và bọn tội phạm. 
Đồng tiền có được do “ăn bẩn” là tiền phi nghĩa cho nên nó nhanh chóng tiêu tan khi tôi lao đầu vào những cuộc hoan lạc ở các quán bar, vũ trường. Hết tiền tôi lại tìm bắt người đào ngũ và thanh niên trốn quân dịch. Không có, tôi phải viết thư về xin tiền cha mẹ chứ tiền lương hàng tháng không đủ xài. “Ăn quen chồn đèn mắc bẫy”, một lần, tôi bị mật phục bắt được tại trận đang ngã giá với một thanh niên trốn quân dịch, bị giam vào quân lao và đưa ra Tòa án binh, cha mẹ tôi phải lo một số tiền khá lớn mới yên.  
Tôi cũng là tay uống rượu. Thịt chó là món đặc sản khoái khẩu của tôi. Có tiền thì mua, không có thì ăn trộm. Tôi đã lập gia đình hồi còn trong quân đội, có một con. Sau ngày hòa bình, cuộc sống càng tồi tệ hơn. Cha mẹ tôi cũng không mấy khá giả nên không thể giúp đỡ tôi. Vợ chồng, con cái bươn chải hơn bốn mươi năm nhưng vẫn không cải thiện được. Từ lục tuần trở lên sức khỏe tôi suy kiệt dần, mang nhiều bệnh tật do trước kia phung phí sinh lực vô độ, bừa bãi. 
Đó là những nét chính của đời tôi. Ôn lại quãng đời quá khứ, tôi không khó để nhận ra rằng tôi nghèo nàn, mang nhiều bệnh tật là do tôi đã tạo ra quá nhiều nghiệp ác. Ỷ vào quyền thế tra khảo, đánh đập người khác không chùn tay; lấy tiền người khác không thương tiếc; nhất là đẩy người khác vào chỗ chết (chiến trường) một cách tàn nhẫn và giết khá nhiều chó... Tuy tôi không bị luật pháp trừng phạt nhưng vẫn không thoát được sự trừng phạt của âm đức. Gieo nhân nào gặt quả đó thật không sai. 
Khi trở về già tôi mới tiếp xúc lại với Phật pháp. Năm ngoái, tôi bị bệnh nhiễm trùng đường huyết thập tử nhất sanh. Năm nay, tôi lại bị khối u đầu tụy, phải mổ. Nhờ tin tưởng và chuyên tâm tu tập hành trì giáo pháp, ngồi thiền mỗi đêm nên tôi không hề lo âu sợ hãi, chán nản mà luôn luôn lạc quan. Nếu sanh nghiệp dứt, tôi vui vẻ chấp nhận, còn như chưa thì tiếp tục trả quả cho đến hết. 
Dù nghèo nhưng gia đình tôi vẫn hạnh phúc, vợ chồng chung thủy, con cái thuận hòa. Trong hai lần bệnh, vợ con tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc tôi cả vật chất lẫn tinh thần, lo từng miếng ăn giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. 
Tuy nhiên, tôi vẫn có điều tiếc nuối. Tôi đã được trang bị một số giáo lý Phật pháp căn bản từ thời niên thiếu nhưng tôi đã lãng quên, không biết gieo trồng những hạt giống thiện cho sinh khởi mà ngược lại còn tạo điều kiện cho những hạt giống ác tự tung tự tác. Nếu giác ngộ sớm hơn chắc chắn tôi sẽ không mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng. Đợi đến khi bóng xế chiều tà mới phát lồ sám hối thì chẳng phải muộn màng lắm sao? 
Trương Hoàng Minh
Niệm
Án tan người ắt thọ nhân lành,
Ma vương rời khỏi kiếp súc sanh...
Ni khoác nâu sòng tay lần chuỗi,
Bát nhang hương khói toả mong manh.
Di nguyện an bình trong cõi thức,
Hồng danh niệm Phật với tâm thành !
NM

BÓNG THUYỀN ẢNH HIỆN
Tôi không dính líu đến dòng đời nữa. Không điện thoại, không ti vi, internet, không con đường trở về. Cơ ngơi mới: ngôi nhà lộng lẫy, mái vòm uốn lối cổ, cửa kính sáng choang, nền gạch bóng, một cái hiên đầy gió mỗi sớm tôi ngồi nhấp trà nhìn ra núi đồi và sông.
Hành lý ngoài những bộ quần cũ, người ta thương tình dúi cho tôi một gói cơm nắm muối hột, với bộ ấm chén. Tôi ăn hết cơm giữa chặng. Bộ ấm chén na bên mình cứ sợ rơi vỡ, không có nó tôi sẽ trống tênh. Lúc mọi người bái biệt trở về, tôi một mình nhấp nhổm. Chạy theo vẫn còn kịp, nếu không tôi có thể mục ruỗng, vì buồn. 
Lão hàng xóm cách mấy chục bước, ngôi nhà lẻ loi cũ nát, chân què chống gậy thường qua chơi rất sớm. Buổi đầu tiên lão mang theo vốc trà. Tôi bày ra bộ ấm chén đất màu đà, gã nhìn không lạ, bảo trước cũng có một bộ như vầy, thợ nung chưa tới, được mấy năm đất nhũn ra. Tôi tráng hai lần trà vẫn còn mùi mốc. Tầm nửa buổi, phía đối diện mặt trời có một vị đầu tròn bước ra đứng như tượng. Lão què bảo, sư. Đến tìm thanh vắng. Sáng nào ông cũng dậy trước mặt trời ngồi thiền
Tôi bắt đầu chú ý, quan sát vị sư thường xuyên qua khe cửa. Ngôi nhà của ông hình ngôi tháp, cánh cửa chớp phía sau đóng kín, cửa chính thì luôn mở, mấy ngày liền ông đều ra sân vào lúc ánh nắng chếch trên nóc nhà. Theo lão què, vị này chuyên tu, không đi đâu, không nấu nướng, mỗi tuần ăn có một lần. Kinh ngạc. Tôi nghĩ phải đến thọ giáo. Nhân hôm ông ra cửa xả thiền, tôi lần đến theo vào luôn. Không giường chiếu, nền mát lạnh nhỉ nước. Nhìn quanh, tôi cố hình dung nơi nằm của ông. Ở đây, ở kia, góc này, hay có cái hầm đâu đó dưới nền? Vị sư khoan thai ra hiệu tôi ngồi, rồi ông bắt chân kiết già, nếp áo phủ lên. 
- Bác mới đến chắc cũng buồn.
Gọi tôi là bác, trong lúc sư hơn tôi vài chục thu tàn. Phải xưng hô lại thế nào? Băn khoăn, cuối cùng tôi nghĩ đến chữ Thầy, bao hàm được hai nghĩa, thầy giáo và thầy tu. 
- Dạ cũng hơi hơi. Thú thực không tưởng nổi nơi này lại tuyệt tĩnh đến vậy. Thưa, lúc nào rỗi mời thầy qua nhà dùng trà.
Sư cười.
- Mình trước ghiền trà lắm, lúc ra đi họ cũng dúi trà, nhưng quyết tâm ăn cầm hơi, uống trà vào xót ruột. Để rồi mình qua, ngồi bên nghe chuyện cũng thú.
Sư lui múc ra một ly nước trong. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa sổ, ánh sáng ùa vào, thấy rõ ngôi nhà mới toanh của mình bên kia, nắng đầy hiên. Tôi uống một ngụm. Không mùi vị. Nước thánh. Ngôi nhà hình tháp của sư chân tường rêu mọc, nhiều vết rạn kéo dài. Chủ nhân của nó chuyển đi, hoặc là họ đã về một thế giới khác. 
- Vùng này nhiều nhà bỏ hoang quá thầy nhỉ.
- Có chủ cả đấy chứ, bác chưa thấy đó thôi.
- Thế à… 
Tôi từng được nghe công phu của vị sư. Có đêm trên đỉnh ngôi nhà hình tháp bốc lửa, lão què hốt hoảng cháy cháy, nào hay đó là hào quang phát khởi từ công phu Tam muội
Không hiểu sao tự dưng tôi lại hỏi: “Thầy chắc sắp xuống núi?”
Sư nhìn ra, không nói.
Tôi định hỏi thêm: “Sư đến đây làm gì?” Và tưởng đến cảnh sư hỏi lại tôi đúng câu đó. Còn nói: “Ai đến đây chẳng với mục đích giống nhau”. Lúc đó trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh lão què, chẳng lẽ với mục đích như tôi và sư? 
Hơn ai hết, vị sư hiểu hai chữ “xuống núi” trong câu hỏi của tôi, bèn tránh đi và dẫn một câu chuyện thiền: 
- Ngày xưa ngài Huệ Năng chứng ngộ, được tổ Hoằng Nhẫn trao y bát; lúc đó ngài còn trẻ, ngũ tổ bèn khuyên nên tạm trốn. Ngài nghe theo ẩn mình trong đám thợ săn mười sáu năm. Lần nọ ngài ngang qua một ngôi chùa, thấy đám người xúm lại tranh luận gió động hay phướn động chẳng bên nào chịu thua, ngài mới thả một câu: Là tâm các ngươi động. Nghe vậy sư trụ trì liền mời ngài vào an tọa. Cơ duyên hóa độ của lục tổ xem như đã chín. 
- Lỗi phép cho hỏi, trước thầy ở chùa nào?
- Mình dạy học, giáo án không, toàn giảng ngoài khuôn phép nên bị đình chỉ, phân vào thư viện trông sách. Mấy năm trời làm mọt; chạm đến Đại trí độ mới biết những gì học trước nay đều thừa thãi. Được phân dạy trở lại, mình thường tranh thủ đem Phật pháp ra giảng, đối sánh với thượng tầng xã hội, mở cái nhìn về chân tướng vũ trụ nhân sinh, thế là tai vạ ập đến… Bỏ trường. Có lẽ túc nghiệp quá nặng, mình xuất gia nhầm một nơi thầy trò đều mê tín, bóp méo lời Phật. Tuổi trẻ thật nông nổi…  
Vị sư cúi mặt trầm tư, tiếng thở dài chừng được nén lại. Nắng chiếu vào khung cửa sổ, bóng sư vươn dài. Cuộc đàm đạo kéo đến giữa ngọ. Tôi trở lại nhà trong cơn đói, còn sư tiếp tục cuộc thiền. Cánh cửa sổ mở vẫn nguyên như vậy, sư không đóng lại. Tôi nhớ tới công án thiền giữa nhà trí thức và một vị sư. Anh ta đến xin thỉnh giáo, được tiếp trà, vị sư cứ rót nước vào ly tràn trề. Nhà trí thức liền nhắc, vị sư mới ngừng tay, nói: “Trong đầu anh chứa đầy kiến giải thế gian, giờ thầy nói gì cũng như với ly trà này thôi. Thưa thí chủ, điều vi diệu luôn được sanh khởi từ cái không…”. Bao năm tôi đắp bờ thành ao tát nước thiên hạ vào, lâu ngày tù đọng ô nhiễm. Không như thứ trí huệ lòng giếng càng múc càng trong. Tôi muốn dốc mình đổ hết ra. 
Đêm trăn trở. Tại sao phải nằm trên giường chực chờ giấc ngủ. Tôi bật dậy khoác áo dạo quanh nơi mình mới nhập cư. Đúng là có một số nhà toang hoang, nhìn vô nào có ai, hay họ tạm thời đi vắng? Nhớ lời vị sư: “Bác chưa thấy đó thôi”; mắt tôi có vấn đề, hay họ ở trong cảnh giới khác. Tôi rảo tới ngôi nhà hình tháp. Ánh trăng rọi ngược cửa chính. Ở đấy hiển hiện một hình khối mảnh mai, vẻ nghiêm trang toát ra loại từ trường ấm áp khiến chân tôi bủn rủn muốn khụy. Vị sư chắp tay. Không ai lên tiếng. Tôi vào ngồi cũng lặng lẽ, mãi mới mở miệng xin được làm đệ tử. Sư lắc đầu.
- Không dám. Nếu bác muốn, mình có thể truyền dạy Phật pháp.
- Dạ. Tri ân thầy. Học thiền có khó không ạ?
Sư lại cúi mặt chiêm nghiệm
- Mình chuyên tu Thiền Minh Sát. Nhưng xét thấy bác chắc không theo nổi. Kính dâng một lời: bác nên trì Chú. Có câu: tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Lại xét thấy bác thuộc hàng trí thức tiêu biểu thường nghĩ mình tài giỏi hơn cổ đại đức, chắc xem thường pháp Niệm Phật thậm thâm, nên sẽ truyền cho bác câu chú Án ma ni bát di hồng trong Mật tông. Chẳng cần hiểu nghĩa, bác cứ suốt ngày niệm câu nào tai nghe rõ câu đó, tâm với khẩu hợp nhất, chắc sẽ nhiệm màu. Còn bác ngại người đời nhìn xéo thì tốt nhất cứ niệm thầm trong tâm, chẳng động môi mép, chẳng ai trên đời biết bác đang hành pháp thậm thâm. Bác cứ nghe rõ câu chú mà tâm bác niệm, cứ quay như vậy suốt ngày đêm ắt có ngày tha hồ hưởng lạc siêu thế.
Tôi nhẩm lại từng chữ Án - ma - ni - bát - di - hồng. 
- Hễ ý niệm nào khởi lên bác liên tục niệm, ba câu, năm câu làm thành một khối. Bác niệm một thời gian giả như khó nhuyễn thì đổi qua niệm 4 chữ “A Di Đà Phật” xem sao. Câu này thật ra cũng là đại minh chú, biết đâu hợp với căn cơ của bác. Chuyên tâm trì niệm rồi những thứ rác rưởi trong tâm sẽ tự khắc chuyển hóa. Một khi tâm lặng, trí huệ sẽ thông. 
Tôi mừng khôn xiết, nhẩm niệm không ngừng, lắng tâm nghe rõ từng chữ. 
- Ấy là yếu quyết. Nếu miệng niệm tai không nghe, tức tâm lăng xăng vọng động. Ý niệm phát xuất từ tâm, là một dạng sóng dao động không ngừng trong vũ trụ. Tâm khởi điều thiện là tâm thánh, chiêu cảm phước đức; tâm khởi điều xấu ác là tâm phàm, chiêu cảm nghiệp lực. Niệm đại minh chú là sóng siêu thiện đó bác.
Vội chào ân sư, tôi về ngồi ngay ngắn giữa nền, nhắm mắt trì niệm. Lạ. Hoàn toàn tác dụng ngược. Bao cảnh xưa người người cũ phút chốc ùn ùn hiện lên. Tôi theo lời vị sư niệm thành chuỗi ba câu, năm câu, cố lắng nghe, nhưng càng niệm vọng tưởng càng trỗi dậy mạnh mẽ. Những trường đoạn nối nhau. Rồi nguyên một cuộn phim chiếu qua màng não.
Tôi ngồi trong lớp nghiên cứu sinh. Vẫn gã giáo sư ấy, vẫn bộ dạng ấy, chừng ấy kiến thức cũ mòn. Gã đang say sưa giảng, tay huơ lên đầy nhiệt huyết: “Sau thời gian trèo cây, loài vượn xuống đất kiếm ăn, đi bằng chân, đôi tay được giải phóng để hái lượm…”. Trong bài tiểu luận, tôi đưa vào “hạt của Chúa”, về ngành vật lý lượng tử khám phá vật chất vốn là kết tinh ý niệm phóng chiếu từ alaya thức. Con người theo đó vẫn tồn tại khi xác thể hư hoại v.v. Điểm 1 đau đớn. Lúc nhận bài tôi nã pháo ngay giữa lớp học. Gã giáo sư trừng mắt đứng như cây khô. 
Rồi những hoạt cảnh khác xen vào. Tôi vẫn lọt tai rõ ràng mấy lượt Án ma ni… Rồi đổi qua “A Di Đà Phật”; câu hồng danh nhòa chữ, trôi dạt bồng bềnh tan vào hư không. Rồi tôi thấy mình lạc vào phòng trọ của nàng. Những đôi dép thường gợi lên chủ nhân hơn hết. Đàn ông. Lớn tuổi. Tôi toan đánh tiếng, lại thôi. Không hiểu nổi. Tâm người nhiều lúc thật kinh khủng. Ý nghĩ muốn xem nàng đang làm gì với ai nhắc tôi cần bình tĩnh. Lén dò tìm. Một vết nứt ở cửa, không soi toàn cảnh nhưng, đủ khiến tôi rùng mình. Gã, một cơ thể trần truồng bèo nhèo đang vồ vập nàng. Tôi không tin nổi mắt mình. Có ai tin nổi không. Cái đuôi. Còn nguyên cái đuôi dài chưa tiến hóa của loài vượn trên thân gã. 
Tôi quay người vụt chạy khỏi con vượn sau mấy ngàn năm vẫn chưa rụng đuôi, vụt chạy khỏi tấm thân của nàng đã tởm lợm trong tâm trí. Nhưng. Gã giáo sư có linh cảm kỳ diệu. Biết tôi. Gã có thể lòi dốt, lòi tất thảy nhược điểm song không thể… lòi đuôi. Gã, với một kế hoạch phi tang hoàn hảo được vạch ra chớp nhoáng...
Mở choàng mắt, hơn cả ác mộng. Câu minh chú rơi đâu mất. Chưa bao giờ tôi tưởng đến cảnh rùng rợn như thước phim vừa chạy qua não. Tôi chân trần chạy qua ân sư thuật lại. Sư cười, chút mỉa mai.
- Bác nghĩ tu dễ vậy sao! Trước nay vọng tưởng vô biên nhưng bác đâu để ý, nay đưa câu chú vào cũng như dùng chổi quét nhà vẩy lên bao bụi bặm, như soi kính hiển vi vào nước thấy tám vạn con vi trùng. Vọng tưởng mạnh bởi câu chú còn non yếu, lúc câu chú được quyện thành khối vạm vỡ tâm sẽ lặng sáng như gương.
*
Buổi sớm sau nhiều năm. Những cây chè già cỗi, vào mùa hè tôi nhẫn nại hái, phơi và gói kỹ dùng dần đến sang xuân, thời điểm chúng nở hoa trắng muốt. Lão què bưng qua ấm trà vừa pha, khoe với tôi:
- Trà thiệt ngon. Thằng cha mới đến này giàu nên dùng trà xịn.
Câu hỏi trong tôi vụt hiện tức thì: “Ai? Đâu?”
Lão què chỉ tay về phía đông, chếch ngôi nhà hình tháp của ân sư 60 độ. Tôi căng mắt nhìn, thấy một khối tròn mờ mờ.
Nước trà xanh biếc, đặc sánh, thơm mùi tinh khiết rất lạ. Tôi tính qua mời ân sư cùng thưởng. Nhưng phải đợi. Đến tầm non bữa như thường lệ, vẫn không thấy sư bước ra
- Tui muốn thõng tay vào chợ một phen.
Lão què nghe vậy ngước nhìn tôi như với kẻ lạ. Rất lâu mới nói khẽ: “Từ từ, từ từ… Sáng quá… mấy ai chịu che mắt mình? Họ tắt cái đèn!” Rồi lão gác cái chân què lên ghế, ý nhắc tôi nên nhớ lão từng là vận động viên số một.
- Mà… qua sông nhớ “dìm thuyền”. Chú hồi đến đây còn neo thuyền ngoài bãi sao?
- Đã dìm! 
Tôi nhìn vói qua ngọn núi để thấy dòng sông rộng ngút bao quanh. 
- Nghĩa là chú nghĩ phen này mình đủ định lực qua sông mà không cần thuyền?
Tôi lặng thinh, nhìn về phía ngôi nhà hình tháp. Hồi đêm tôi có hành thiền ngang qua song không thấy ân sư. Còn ngôi nhà của nhân vật mới đến bây giờ trông rõ hơn. Trắng xóa.
- Từ ngày tới đây chú cứ quẩn quanh lối mòn nhỉ. Hay ta trèo lên ngọn núi kia cho khuây khỏa. 
Tôi hơi ái ngại với cái chân què của lão. Nhưng đằng khác chợt nghĩ, ai đến đây cũng mang theo bí kíp; mà cầm bí kíp đương nhiên phải luyện trong bí mật. Tôi biết gì về lão hàng xóm này? 
Theo lão què mấy ngày liền, không mang theo bất cứ gì, đói khát tôi phải tự kiếm lá lay, củ quả. Lúc hạ sơn người nhẹ bẫng đến mức có thể bay lên. 
Đến hiên nhà, tôi sững sờ. Bó hoa ai gửi lại? Linh cảm mách bảo NÀNG đã đến, dẫu trong quá khứ tôi chưa từng nghĩ sẽ có con tàu vĩ đại nào đó đưa nàng tới đây. Hình ảnh xưa cũ hiện về. Phải đánh tan ký ức buồn tủi này. Phải chuyển hóa hình ảnh nàng thành một thứ sương loãng. Tôi lập tức trì chú. Thêm một mảnh giấy, đã đốt. Tôi vẫn đọc được: “Em để lại con thuyền, đợi anh trở về…”.
... Tôi vừa trì niệm hồng danh vừa hướng mình theo những dấu chân thon. Câu chú dẫn đến bờ sông, tôi phóng tầm mắt rất xa, không bóng một cánh buồm. Nàng đi rồi. Án ma ni bát di hồng. Có cái gì trỗi dậy thật mạnh mẽ. Phải, nỗi buồn. Tôi đang sở hữu nỗi buồn. Nỗi buồn còn lại trong sâu thẳm cõi hồn…
Tôi liêu xiêu trên cát. Những viên sỏi nhấn vào gan bàn chân đau buốt. Biết hướng về đâu. Thôi buông đi… Khoảnh khắc tâm tôi trong lặng không khởi ý niệm, từ đâu rơi xuống một thông điệp: Nàng không thể dối thêm nữa. Không ai nói dối với linh hồn bao giờ. Tôi liền quay lại bờ sông. Kia rồi. Nơi những que nhang vừa tàn lụi, đúng như lời hứa trên mảnh giấy đã thành tro: Nàng để lại cho tôi một con thuyền. 
Con thuyền bằng giấy sũng ướt đang dần chìm vào mênh mang sóng nước.
Nhuỵ Nguyên
Duyên
Bình an nơi cõi thế,
Hạt giống Phật nẩy mầm....
Hơi ấm Từ Bi toả,
Duyên lành tự trăm năm !
NM
Chàng Tiến Sĩ Và Phật Pháp
Trong niềm hân hoan ấy, chúng tôi viết đôi dòng về cuộc đời anh như là một câu chuyện nhỏ về sự vận hành và ràng buộc trong thế giới nhân duyên Phật pháp, chắc chắn rằng khi một hạt giống nhỏ Phật pháp rớt vào tâm ai thì cũng đến lúc nó trổ quả… nguyện cầu ai ai cũng được bình an trong hơi ấm từ bi của đức Phật.
Ngày anh tốt nghiệp thủ khoa tiến sĩ toán học tại một trường đại học hàng đầu của Mỹ ở tuổi 34 thì cũng chính là ngày mà cả dòng họ của anh mở tiệc ăn mừng, với dòng họ, anh là một tấm gương của sự nỗ lực và trí tuệ, là một biểu tượng cho các con cháu trong nhà và cũng là niềm hi vọng lớn lao của tất cả mọi người. Sau đó anh được chính phủ Mỹ bố trí cho một công việc trong hệ thống an ninh quốc phòng và dĩ nhiên với trình độ và đầu óc như một thiên tài thì công việc của anh vô cùng đơn giản, anh không cần làm gì cả, không đến cơ quan mọi ngày giống như bao người khác, công việc không áp lực và cũng không ai đòi hỏi ở anh cái gì, anh chỉ ở nhà nghiên cứu chế tác ra các công trình mới và ít nhất mỗi năm có một ý tưởng phát minh mới trình cho chính phủ là đủ rồi, nước Mỹ họ trọng dụng chất xám của anh chứ họ không đòi hỏi quá nhiều ở sức lực. Và dĩ nhiên lương bổng và các chế độ phụ trợ thì vô cùng đặc biệt.
Anh kể rằng, cả dòng họ qua Mỹ định cư năm anh 22 tuổi, khi đang học năm cuối của Đại học Bách Khoa Sài Gòn, những ngày đầu qua Mỹ, anh khó khăn trăm bề để hòa nhập vào cuộc sống tấp nập của xứ người, đất nước họ giống như một con tàu điện ngầm hiện đại lúc nào cũng phải chạy, chạy mãi, bất kì một ai đứng lại là bị xã hội bỏ lại phía sau. Giáo dục của Mỹ khác xa Việt Nam mình lắm, họ chỉ trập trung vào ba môn chính là Toán, Công nghệ thông tin và Văn học sử; Anh bảo, Lịch sử Mỹ không hay bằng sử Việt Nam mình, nhưng cách họ viết sách và giảng dạy đã biến lịch sử thành một môn vô cùng hấp dẫn và bắt buộc bất cứ ai đến Mỹ phải học lịch sử Mỹ, vì họ cho rằng, lịch sử là nền tảng của văn hóa, văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì dù quân sự chính trị có mạnh đến đâu trước sau gì cũng mất nước, vì chú trọng và nghiêm túc trong trong việc học Sử đã khiến cho bất cứ ai cũng dễ bị thấm nhuần văn hóa bản địa và dù nước Mỹ có pha trộn hàng trăm chủng người trên thế giới đến nhập cư sinh sống thì họ không bao giờ lo mất nước.

Về phần Sư:
Sư biết anh từ khi anh còn là một cậu học sinh tiểu học thông minh với nét thư sinh trên khuôn mặt trẻ thơ, mỗi buổi tối cuối tuần mẹ anh hay dẫn anh đi chùa tụng kinh và thường được Sư xoa đầu bảo “là Phật tử, ráng học cho giỏi nghe con”. Bẵng một thời gian lớn lên, anh đi học rồi xuất ngoại và cũng không bao giờ còn biết đi chùa nữa. Rồi nhân duyên, Sư cũng rời xa quê hương, sang Pháp để nhận Phật sự mới. Khi biết anh đã tốt nghiệp và đi làm, sợ dòng đời cuốn mất đi một con người siêu xuất, Sư đã dành nhiều thời gian để tạo nhân duyên đưa anh trở về với đạo Phật. Mỗi lần Sư có Phật sự sang Mỹ, dù bận cỡ nào Sư cũng nghé nhà thăm mẹ anh, và mỗi lần như thế mẹ anh vô cùng hạnh phúc, Sư dạy cho mẹ pháp môn niệm Phật, hướng dẫn mẹ tu hành trong những ngày già yếu, và cũng nhờ có Sư mà mẹ anh đã có một tuổi già an lạc với Phật pháp. Từ nhỏ đến lớn, anh lo học và không biết tình yêu là gì và anh cũng không có gia đình, với anh, mẹ là tất cả cuộc đời mình. Chứng kiến Sư phụ năm xưa giờ này đã hơn 70 tuổi mà lần nào đi Phật sự cũng ghé thăm mẹ, anh mang ơn Sư rất nhiều.

Năm đó, anh quyết định bay sang Pháp đảnh lễ Sư và thưa rõ ý nguyện của mình, anh bày tỏ rằng anh mang ơn Sư quá lớn vì Sư đã độ mẹ anh, giúp mẹ sống an lạc mỗi ngày, cái điều mà bản thân anh và tất cả anh em trong nhà dù cho giàu có, công danh đến đâu cũng không thể làm được. Anh thưa với Sư rằng anh muốn đáp lại ân đức to lớn của Sư, bất kì Sư muốn làm Phật sự gì, xây cất chùa hay mọi thứ, tốn bao nhiêu tiền, anh sẽ cúng dường tất cả…Sư cười, Sư bảo:

- Sư xuất gia từ lúc mới sinh ra được mấy ngày, cả đời tu của Sư, Sư không cần tiền. Nhưng Sư có công việc cần con giúp!
Nói rồi Sư lấy bộ sách “Vi Diệu Pháp” dày cộm gồm ba tập bằng anh ngữ đưa cho an

- Sư định dịch bộ sách này ra Việt ngữ để Phật tử làm tài liệu tu học, nhưng Sư bận quá, tuổi lại già, con giúp Sư d
Anh vô cùng hoan hỷ, tưởng Sư nhờ việc gì to lớn lắm, chỉ là dịch sách thôi, đối với anh, anh thông nhiều thứ tiếng thì việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang Việt đâu gì là khó khăn. Cầm bộ sách ba tập với gần hai ngàn trang, anh dự tính là cứ đọc và chuyển ngữ thì khoảng vài tuần xong. Anh thưa với Sư:
- Dạ, chậm nhất 1 tháng con sẽ gửi toàn bộ bản dịch, dâng lên Sư, và nếu Sư muốn xuất bản, con sẽ lo phần đó luôn ạ!
Sư lại cười:
- Con dịch một tháng hay mấy tháng không quan trọng, con dịch bao lâu cũng được, miễn sao con hoàn thành công việc, đừng bỏ cuộc giữa chừng là coi như con đền ơn Sư rồi.
Anh quỳ bên Sư và thưa rằng:
- Bạch Sư phụ, dù bất kì hoàn cảnh nào, con sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Sư phụ đã giao cho con!
Đảnh lễ Sư xong anh mang bộ sách về Mỹ và bắt đầu chuyển dịch.
Tất nhiên là việc dịch sách không hề ảnh hưởng gì đến công việc ở cơ quan anh vì anh không phải đi làm hàng ngày như mọi người.
Ngày đầu tiên, mở sách ra dịch, anh thốt lên: “Sư phụ ơi, chết con rồi! sao mà con dịch nổi đây!”. Anh bối rối, ngơ ngác, lạc lõng…anh cứ ngỡ chỉ là chuyển ngữ bình thường thôi, ngờ đâu, ngay trang đầu tiên, cái gì là Tâm vương, tâm sở, sắc pháp…cái gì là Nhân chế định, Thọ uẩn, Vô vi…

Tiếp sang trang thứ hai và những trang nữa, cái gì là A tăng kỳ kiếp, Trung gián kiếp, Ngũ tịnh cư thiên, Sắc cứu cánh…

Hàng trăm thuật ngữ xa lạ hoàn toàn cứ đập liên tục vào mắt anh… ngơ ngác, lạ lẫm, hoang mang…chữ nghĩa tiếng Anh thì không có chữ nào mà anh không biết, nhưng rốt cuộc anh không biết một chữ gì cả!

Đọc một hồi mấy chục trang liên tiếp mà chẳng thể hiểu nổi “Vi Diệu Pháp” là cái gì nữa, ngay lúc đó, anh định bỏ cuộc! Nhưng nhớ lời Sư dặn và làm người thất hứa cũng không phải là bản chất của anh, anh lại quyết tâm kiên trì…nhưng cứ đọc tiếp lại cứ rơi vào hoang mang, bế tắc và ngõ cục, anh nhận ra rằng việc này nó không đơn giản như anh nghĩ trong vài tuần là xong, và anh càng hiểu được thâm ý của Sư dặn anh “con dịch bao lâu cũng được”.
Những ngày sau đó và nhiều ngày nữa, anh mang nỗi lòng nặng trĩu về nhiệm vụ của mình, lần đầu tiên anh cảm thấy bị áp lực và khó khăn như vậy. và rồi anh hiểu rằng, anh không thể làm một cách dĩ hữu, không thể làm qua loa, và anh cũng không thể dịch được bộ sách ấy khi trong đầu trống rỗng về Phật pháp.
Anh book chuyến bay vội về Sài Gòn, lang thang hết tất cả cách nhà sách Phật giáo, bao nhiêu quyển giáo lý căn bản, các tác phẩm Phật học, các bộ kinh và nhất là cách sách về Vi Diệu Pháp…Anh gom được năm va-ly sách lớn. Trở lại Mỹ, anh đóng cửa nghiền ngẫm tất cả các kinh sách, đọc chỗ nào không hiểu anh lên mạng nghe quý Thầy giảng về bài pháp đó…và cũng bắt đầu từ đó, người ta không còn thấy anh đi dạo nhiều, không còn thấy anh đi du lịch hay tham gia các hoạt động giải trí khác nữa, anh vẫn sống nhưng hầu như không nói chuyện nhiều với ai, gặp ai anh cũng cười nhẹ và nếu có ai hỏi gì, anh cũng chỉ trả lời vắn tắt mà thôi, anh không quan tâm quá nhiều đến xã hội và cũng không tranh luận vấn đề gì với ai, anh cũng từ chối rất nhiều cuộc hội thảo quốc tế hay các diễn đàn của nước Mỹ…cứ vậy đó, không ai biết anh đang làm gì, có người thì đoán rằng anh đang nghiên cứu công trình gì đó lớn lắm đây! Anh mặc kệ tất cả

Xuyên suốt ba năm nghiên cứu hết các tác phẩm Phật giáo mà anh có, cộng với một năm dịch bộ sách Vi Diệu Pháp nữa..bốn năm như vậy, anh bay trở lại Pháp mang bản dịch trình cho Sư.
Ngày gặp lại, Sư đã già hơn nhiều lắm, sức khỏe lại kém hơn nhưng đôi mắt Sư vẫn sáng ngời như ngày nào, còn anh, anh đã già dặn và trưởng thành hơn rất nhiều:

Quỳ dưới chân Sư phụ cũng y cái nơi mà bốn năm trước anh quỳ nơi đây, trình Sư phụ bản dịch xong và anh thưa rằng:
-  Bạch Sư, con muốn xuất gia!
Sư không ngạc nhiên và cũng không hỏi nhiều, có lẽ Sư đã đoán được tất cả, Sư hạnh phúc nhìn anh, hạnh phúc vì đã đưa được một con người tài giỏi về lại với Phật pháp. Sư lại bảo:

- Chưa vội xuất gia đâu con, sắp tới, trường Đại học Phật giáo quốc tế […] sẽ khai giảng khóa mới, con thi vào đó học đi, rồi học xong Sư sẽ tính cho con.
Anh cuối lạy Sư phụ với tấm lòng vô cùng biết ơn và hạnh phúc.
Trở về Mỹ, anh quyết định xin nghỉ việc sau hơn sáu năm công tác và sắp xếp đi học Phật học. Tin anh nghỉ việc như một tiếng sét giáng xuống dòng họ, ai cũng bàng hoàng tiếc nuối và ra sức ngăn cản, nhưng ở xã hội Mỹ, dù là gì đi nữa thì không ai có quyền áp đặt hay ngăn cản ý nguyện của người khác, đó là phạm pháp luật, hơn nữa, khi nghe anh nói vậy, mẹ anh, người duy nhất hoan hỷ và ủng hộ anh tuyệt đối…
Tôi gặp lại anh ở mái trường Phật học quốc tế, giữa cộng đồng sinh viên quốc tế đang du học có cả người xuất gia lẫn tại gia ở nhiều nước trên thế giới, là người đồng hương và đồng chí nguyện, chúng tôi trở nên thân thiết, anh hay bảo: “đến một ngày con sẽ giống như Thầy” (tức là trở thành người xuất gia). Chúng tôi hay trao đổi với nhau về đề tài Phật giáo và khoa học vì tôi biết rằng nói về khoa học, không ai giỏi hơn anh và dĩ nhiên tôi học từ anh rất nhiều điều về thế giới thật mà con người đang theo đuổi..
Có một lần anh hỏi tôi:
-  Thầy có biết tại sao các nhà khoa học, những người càng giỏi, nhìn họ bù xù đầu tóc, như người bị điên không?
Tôi trả lời không chút suy nghĩ:

-  Vì họ học nhiều nên tư tưởng bị chiếm lĩnh bởi đề tài của họ nghiên cứu, thành ra họ không quan tâm đến xung quanh, nên nhìn họ khác dị…cũng như mình, những ngày thi học kỳ, quên ăn, quên tắm mà có hay biết gì đâu.
- Dạ, không phải đâu thầy:

- Chính con cũng đã từng sắp bị điên rồi thầy ạ, không phải vì học nhiều mà quên chăm sóc bản thân. Ở đỉnh cao của sự nghiên cứu, hầu như mười người là điên hết cả mười. Bởi vì khoa học như một mớ hỗn độn các chân lý, chẳng có cái nào là đúng sự thật, tất cả chỉ đặt trên nền tảng các hệ thống lý thuyết của người đi trước rồi bây giờ dựa vào đó mà nghiên cứu, mà các lý thuyết trước kia cũng chỉ là quan điểm, công trình của người xưa, chưa chắc đã đúng. Khi nghiên cứu đến đỉnh cao, thấy tất cả điều mình học lâu nay là sai lầm vì thực tế không phải vậy, hệ thống quan điểm của các nhà bác học vẫn sai lầm…
Trạng thấy nhận thấy cái việc mình dốc toàn lực mấy chục năm vất vả học tập, để khi nhận ra nó không có kết luận nào chính xác, nó lại rơi vào mênh mông không có giải đáp…ai cũng bị khủng hoảng và điên thôi.

Bản thân con khi nghiên cứu về thiên nhiên vũ trụ, đến kỳ hạn cuối năm phải trình kết quả, rất nhiều lần không biết phải trình cái gì vì sự thật khi nghiên cứu thấy tất cả vô nghĩa, không có thật. Nhưng với áp lực từ chính phủ và nhà tài trợ, không công bố thành phẩm nghiên cứu suốt năm qua là một điều rất khó chấp nhận, đành vậy, sếp bảo rằng, thôi, cứ công bố đại rằng, “Chúng tôi tìm được hành tinh đó, cách mấy triệu năm ánh sáng, có sự sống…”. Sự thật thì hàng năm có rất nhiều công bố khoa học, nhưng phần lớn đều là giả tạo hết…

Anh lại tiếp tục:

-  Tất cả Phật nói hết rồi, muốn biết về vũ trụ, học Phật học là chuẩn nhất. - Có một năm, chúng con nhận đề tài, nghiên cứu xem thật sự Trái Đất phải cấu tạo từ 7 lớp như xưa nay kết luận không? Nhưng rồi nghiên cứu, thí nghiệm cũng không biết được, tất cả chỉ đoán là như vậy thôi, chứ không thể nào khoan thủng tận vào bên trong mà xác định chính xác được…rồi khi con đọc Vi Diệu Pháp, Phật dạy trái đất có hai phần thôi, bên trong là khối sắt thép bao bọc địa ngục, bên ngoài là lớp mềm của đất và nước hòa lẫn mà mình đang sống, con tin hoàn toàn điều đó, vì chính con đã nghiên cứu về Trái Đất mà cũng đi đến ngõ cụt..
Lần khác, khi tôi và anh đến cúng dường bữa ăn sáng nơi một trường hạ an cư với hơn một ngàn vị năm trăm vị tăng ni, trong lúc chờ đến giờ dâng vật phẩm, tôi nói vui “cũng may anh hiểu Phật pháp, chứ không, làm gì có cơ hội đi cúng dường an cư như thế này?”. Anh lại nhẹ nhàng:

- Khi con đi học và nghĩ, cái ngày con tốt nghiệp tiến sĩ Mỹ, chắc huy hoàng lắm, rồi mỗi ngày đi làm, cuỗi tuần giải trí, lương tháng cao…chắc hạnh phúc lắm. Nhưng rồi ngày nhận bằng, thấy nó chỉ là một tờ giấy chứ không khác hơn, đi nước này nước kia dự bao nhiêu hội thảo diễn đàn, rồi thấy có hạnh phúc gì đâu, làm việc, cuối tuần giải trí…như một cái máy, không có chút gì huy hoàng cả, cuộc sống thấy bình thường như bao người bình thường khác..
- Cũng nhờ năm xưa còn bé, mỗi tối mẹ dẫn đi chùa tụng kinh, lần nào tụng kinh xong, Sư phụ cũng dành 15 phút nói chuyện, nhắc nhở mọi người tu hành…bao nhiêu năm con không đi chùa, nhưng lời dặn của Sư phụ vẫn hiện rõ ràng trong tâm, nhất là lúc con gặp khó khăn…mà ngày đó Sư phụ giảng pháp hay lắm, mỗi tối có 15 phút, Sư phụ kể một mẫu chuyện về đức Phật, rồi rút lại dạy sơ sơ mấy điều…vậy mà tụi ham đi chùa để nghe kể chuyện lắm…

Tôi hạnh phúc và vui mừng cho anh vì cuối cùng anh đã tìm được con đường đúng đắng cho mình, anh và tôi cùng học tại trường Phật học và anh vẫn miệt mài dịch các tác phẩm Phật giáo ra Việt văn để đóng góp cho tư liệu Phật giáo nước nhà. Anh đến với Phật giáo bằng những hạt mầm nhỏ nhoi thời thơ ấu và kết tinh của trí tuệ của một con người cần cù và khiêm tốn.

Hôm nay là ngày 16 tháng 9 âm lịch, chính là ngày Đại Lễ Thadingyut. Thuở Phật còn tại thế, mùa an cư thứ bảy Phật lên cung trời Tivatiṃsa (Đao Lợi Thiên) để thuyết Vi Diệu Pháp cho chư thiên cũng là để độ cho mẹ của Ngài, hoàng hậu Māhāmāyadevī (Ma-ya). Sau khi sinh thái tử Siddhattha được bảy ngày, Mẫu hậu qua đời và tái sinh thành một vị thiên nam với tên gọi Santusita tại cung trời Đẩu Suất, vì để đền ơn huyết sữa của mẹ, đức Thế Tôn đã dành mùa an cư thứ bảy lên cõi trời độ mẹ. Ngày đức Thế Tôn trở về trần gian đúng vào ngày 16 tháng 9, dân chúng đã đốt hàng triệu ngọn nến để cung rước và đón mừng Phật, và ngày lễ đó mang tên Thadingyut đã được giữ gìn từ thuở ấy đến hôm nay ở các nước Phật giáo. Hôm nay, trong này đặc biệt này, ở các nước Phật giáo vui như là ngày Tết, dân chúng khắp nơi đổ về chùa mang theo đèn và hoa ngập tràn để mừng ngày Phật về trần gian.

Trong niềm hân hoan ấy, chúng tôi viết đôi dòng về cuộc đời anh như là một câu chuyện nhỏ về sự vận hành và ràng buộc trong thế giới nhân duyên Phật pháp, chắc chắn rằng khi một hạt giống nhỏ Phật pháp rớt vào tâm ai thì cũng đến lúc nó trổ quả… nguyện cầu ai ai cũng được bình an trong hơi ấm từ bi của đức Phật. 

Văn Thiên - (Vườn hoa Phật giáo) 
Đại lễ Thadingyut 16/9 (al).
 
Nợ,
Mẹ trót nợ con một kiếp người,
Tấm lòng thương nhớ mãi khôn nguôi,
Giờ con trở lại hình hài khác,
Mẹ vẫn yêu con suốt cuộc đời...
NM
Cô con gái mèo
Bên trong những ô cửa kính đã từng một thời mới tinh trong suốt, nay đã ngả sang một màu trắng đục mờ mờ vì bụi bặm và sự tàn phá của thời gian. Trong phòng có vài người mặc đồng phục trắng toát đi lại khẩn trương. Chiếc quạt trần trên cao uể oải quay khuấy động  khắp căn phòng một mùi rất đặc trưng của bệnh viện, mùi ê te lẫn với mùi cồn…
Ngồi nơi chiếc giường ở cuối phòng là người phụ nữ khá trẻ, tay ôm chặt đứa bé trong lòng vì chị biết cơ hội này sẽ không còn bao lâu nữa, lòng chị thắt lại nghẹn cứng như có hòn đá nằm chặn ngang. Chị nấc lên nhưng không còn khóc được vì ước mơ lớn nhất của đời chị đang dần tan như vạt nắng yếu ớt của một chiều đông buồn miền Bắc
Thoáng sân hận nổi lên, chị giận dữ vì tại sao ước mơ đã bao ngày và hạnh phúc được làm mẹ của chị ngắn ngủi đến thế, đau khổ tột cùng chị không thể lý giải và nương tựa vào đâu để vượt qua phút giây đắng lòng này…Và rồi lòng chị dịu lại với gương mặt thánh thiện của đứa bé. Chị tự nhủ, con ơi con sẽ là một cô gái đẹp vì con đã thừa hưởng được những tinh hoa từ bố mẹ, nhưng vì lý do gì mà con đến đây rồi sao con lại vội ra đi như vậy. Con không đủ hạnh duyên hay bố mẹ không đủ phước đức để cùng con hôi ngộ ở cõi Ta bà này …
Chị chới với hoang mang với ngập tràn câu hỏi không cùng, chị ghì chặt lấy đứa bé cho đến khi đôi tay của người hộ lý nhẹ nhàng đặt lên vai chị:“ Cho tôi xin cháu- chị còn yếu lắm cần nghỉ ngơi, không nên xúc động!”…
Ngay lúc ấy, bỗng nhiên đứa bé mở to đôi mắt đầy ngạc nhiên nhìn chị, ánh mắt ấy như  còn biết bao điều muốn nói như cố thu giữ lại hình ảnh của người mẹ, đó là hình ảnh duy nhất của những gì đẹp nhất trần gian và đó cũng là điều sau cùng mà bé nhìn thấy trên cõi đời này…Tâm hồn chị  ngây dại, rồi từ trong vô thức chị thốt lên “Con của mẹ… ơi…!”.
Đôi mắt đã khép chặt như cánh cửa cuộc đời vừa đóng sầm lại ấy của bé lại bất ngờ mở ra nhìn chị thật trìu mến. Rồi thật nhanh nó mở ra và nhắm lại ba lần như thế rồi khép hẳn một cách ray rứt khi rời khỏi cuộc đời ngắn ngủi này…
Người hộ lý vẫn đứng đó khẽ lay chị, hai tay giành lấy bé rồi nói:
- Cho tôi xin…
Giọng người mẹ nghẹn lại:
- Giá như mà cô hiểu được cách mà con bé đã nhìn tôi !
Người hộ lý bồng đứa bé trên tay, dịu giọng an ủi:
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bé yếu quá
Chị còn trẻ vẫn còn nhiều cơ hội  mà, yên tâm nghỉ ngơi nhé…
Bản chất của cuộc đời là những thay đổi không mong muốn cho dù mình có chấp nhận nó hay không nó cứ vẫn xảy ra. Bởi cuộc đời là như thế
 Đó là đoạn văn trong một bài viết trên cuốn tạp chí Phật giáo mà chị tình cờ đọc được trên giường bệnh đã giúp chị hóa giải rất nhiều nỗi đau khổ và hụt hẩng trong lòng. Hạnh duyên đọc được những lời này là do một bệnh nhân khác vừa xuất viện tặng lại cho chị vài số báo nhà Phật. Suốt thời gian dưỡng bệnh chị đọc say sưa và phát hiện được nhiều hoàn cảnh còn bi đát hơn chị rất nhiều. Chị thấy rõ cuộc đời quả là một bể khổ nếu ta không đủ sức để vượt qua…Nỗi đau không là của riêng ai và cái khổ của ta nếu nhìn cho kỹ thì có sá gì so với muôn vàn nỗi khổ đau khác mà người kém duyên đang ngày đêm gánh chịu…Thời gian vẫn lặng lẽ và vô tình trôi đi với vô số những niềm hỷ lạc hay những biến cố đau buồn và chuỗi nối tiếp đó cứ tuần tự phân chia một cách công bằng và sòng phẳng cho mọi chúng sinh ở cõi Ta bà. Chị nhận thấy sự thật là như vậy cho dù ai đó có muốn hay không thì cuộc đời vẫn thế…
Nỗi mất mát đau thương của chị đã vơi đi khá nhiều khi trở về với cuộc sống bình thường. Từ ngày về nhà chị đã tìm hiểu sâu hơn về chánh pháp khi thường xuyên đến chùa lễ Phật. Chị càng thấu hiểu cuộc đời qua những bài pháp thoại rất sát với đời thường. Chị tìm thấy sự thanh tịnh khi đọc tụng những lời kinh Phật. Và trân quý nhất là chị tìm thấy hạnh phúc chân thật của cuộc đời chính là chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với những người đang đau khổ hơn bản thân mình…Người chồng của chi thật ngạc nhiên và yên tâm khi thấy chị mạnh mẽ vượt qua cú sốc của gia đình. Bản thân chị biết rõ sự an lạc thật sự chính là nương nhờ nơi pháp Phật và đó chính là con đường duy nhất để an trú trong thế gian này
Và những ngày tháng bình yên cứ tuần tự trôi qua đời chị một cách êm đềm. Vào một đêm mưa, quỳ trước bàn thờ chị nghiêm trang với nhịp chuông mõ đọc tụng bài kinh Phật, chị như thoát ly hẳn trong cái không gian thanh tịnh ngập tràn an lành ấy. Với sự tinh khiết ấy mọi thứ phiền não tầm thường của thế gian như không hề có mặt…Nhưng rồi chị vẫn nghe được một âm thanh lạ. Ban đầu chị không chú ý, không quan tâm đó là tiếng động gì. Tiếng cào nhè nhẹ vẫn tiếp tục tác động vào cánh cửa. Phân tâm chị dừng lại một chút để tập trung lắng nghe. Chị nhận rõ bên ngoài cửa phòng  thờ hình như có điều gì đó khác thường. Và rồi chị tiếp tục tập trung tụng kinh để hoàn tất thời pháp lễ…
Chị thoáng giật mình khi vừa mở cửa, bên ngoài là một con mèo nhỏ trắng muốt quẩy đuôi mừng rỡ khi gặp chị, biểu hiện của nó thật kỳ lạ, nó vui mừng như chờ đợi giây phút hội ngộ đó từ lâu rồi…Nhìn chăm chú con mèo một lúc, chị không biết đó là mèo của nhà nào và  chị cũng không hiểu tại sao nó lại có thể lên đến căn phòng thờ trên tầng hai nhà chị. Chị cuối xuống nhìn nó và nói:
- Mèo của nhà ai sao lại đến đây? Tối rồi, thôi trở về nhà đi…
Con mèo nhỏ kêu lên meo meo rồi dúi đầu vào chân chị. Con mèo thật dễ thương nhưng vì bất ngờ chị chưa biết xử trí ra sao với nó. Chị lại cuối xuống để nhìn nó rõ hơn, bất ngờ con mèo nhảy vào lòng chị, phản ứng tự nhiên, tay chị đẩy nó ra…Con mèo cuống quít kêu càng kêu to hơn, trong tiếng kêu meoo… me..o..oo… hốt hoảng của nó, cơ hồ như chị nghe là nó gọi…“mẹ…ơi!”…Bất giác chị bế con mèo vào lòng…Con mèo hạnh phúc mở đôi mắt tròn xoe tin tưởng nhìn chị. Một lần nữa chị lại nói với nó: “Nhà con ở đâu, sao lại đến được đây?”. Nghe chị hỏi đôi mắt tròn xoe của con mèo vẫn đăm đăm nhìn chị, rồi bất ngờ đôi mắt ấy lại nhắm lại và mở ra đúng ba lần…
Trong một khoảnh khắc, chị lạnh hết cả người. Đôi mắt này chị đã thấy và cảm giác này đã một lần chị cảm nhận được. Ôm chặt con mèo trong lòng, chị nói thầm: “Con của mẹ đây sao, sự kỳ diệu đã hiện hữu ngay trên cõi đời này sao?”. Trong đôi tay nhẹ nhàng ấm áp của chị con mèo hạnh phúc rên lên i ỉ….
Suốt ngày con mèo cứ quấn quít bên chị không rời. Khi chị nấu bếp nó cũng loanh quanh  gần bên. Đêm đến nó cũng vào phòng, nằm gọn trong chiếc giỏ mây mà chị đặt cho nó bên cạnh chiếc giường ngủ. Và đêm nào cũng vậy nó nằm âu yếm nhìn chị thật lâu cho đến khi lim dim chìm vào giấc ngủ. Từ sâu thẳm trong vô thức, chị linh cảm con mèo này có gì đó thật đặt biệt và chị cảm nhận được điều đó, nó vô hình nhưng thật gần gũi thiêng liêng. Cảm nhận đó chỉ có ở những người từng làm mẹ và từng có lần đứt ruột xa cách đứa con thân yêu của mình…Chị tin tưởng và biết cảm giác không lừa dối mình, vì trong sự tái sinh và vòng luân hồi lẩn quẩn…Đức Phật đã từng dạy: “Chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử, trong nhiều đời nhiều kiếp đã từng là cha mẹ, con cái của nhau…” Và các Sư thầy trong chùa cũng thường khuyên các đạo hữu nên chăm sóc đàng hoàng cho các vật nuôi vì đó cũng là một phước báo. Cần hội đủ nhiều lắm hạnh duyên, chúng ta và các con vật mới cùng góp mặt và có mối liên hệ hiện hữu với nhau trên cuộc đời này….
Bồng con mèo trên tay, chị ra đón chồng và con trai vừa về thăm quê nội trở về. Cả nhà thật vui vì gia đình bất ngờ có thêm thành viên mới. Chỉ vào con mèo chị nói với anh:
- Tự nhiên mèo đến nhà mình, em đã hỏi thăm hết xung quanh, không có nhà nào lạc mất mèo cả, vậy thì mình nuôi. Nó là con gái, con gái của mình đấy anh à!
Người chồng đưa tay nựng con mèo rồi cười nói:
- Phụ nữ và trẻ con nào chả thích mèo, lý do của em khéo quá . Thôi kệ có thêm mèo nhà cũng vui…
Thời gian rồi vẫn êm đềm trôi trong hạnh phúc và an lạc của gia đình chị, ngày ngày chị chu đáo chăm sóc vun vén cho cái tổ ấm thân yêu của mình. Sau những công việc đầy hạnh phúc đó, chị vẫn kiên cố Tâm Bồ Đề với các thời kinh do các nhà sư hướng dẫn chị trì tụng tại nhà…
Hôm ấy là một ngày cuối tuần cả nhà quây quần bên mâm cơm, thấy chị dùng cái chén sạch để sớt thức ăn cho mèo, đứa con trai bốn tuổi của chị xoa đầu nựng nịu con mèo cưng rồi nói:
- Bé mèo ngoan cùng ăn cơm với anh nhe…
Người cha nhìn thấy cảnh ấy quay sang nhìn vợ và nói:
- Con mèo thật có phước mới gặp được em…
Chị mỉm cười mãn nguyện thân thương nhìn chồng rồi nói:
- Giá như mà anh hiểu được cách mà bé mèo đã nhìn em !
Vừa lúc ấy con mèo ngẩng lên nó trìu mến nhìn cái gia đình hạnh phúc thân yêu của mình. Không biết cô nàng mèo có hiểu hết sự kỳ diệu của chiếc bánh xe xoay tròn không ngừng nghỉ và duyên phận của chúng sinh hy hữu biết dường nào mới cùng có mặt trong một căn nhà tràn đầy yêu thương và an lạc
Hoàng Dũng Hùng





Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chào tháng bảy

Nỗi Nhớ Tháng 7

Tháng Bảy Chưa Mưa

Cơn mưa lớn

Cơn mưa lớn như giòng đời giông bão,
Trót một lần lầm lỡ dạ khôn nguôi !
Thân đơn côi lẻ bóng cả một đời,
Có thương nhớ chỉ là trong dĩ vãng...
 
Cơn mưa lớn nhưng ngoài trời không gió,
Chợt thấy lòng lạnh lẽo giữa hoàng hôn.
Nỗi cô đơn gặm nhấm cả linh hồn,
Có ai thấu cho một đời vô vọng ?

Mưa vẫn lớn giữa trời cao đất rộng,
Người trở về lầm lũi giữa cơn mưa...
Người ra đi bao ngày tháng trông chờ ,
Người quay lại khóc thầm trong lặng lẽ !!
NM














Mưa dầm tháng bảy
Mấy ngày nay trời mưa dầm. Mưa không lớn, nhưng một lát tạnh, một lát mưa, mưa day dẵng từ sáng đến chiều làm trời đất âm u, làm con sông như chìm trong màn nước. Bên bờ sông, một mái nhà nhỏ nép dưới tàng cây trứng cá ướt sủng, tàng lá run rẫy sau làn gió thu bất chợt thổi qua.
Ông Hai Khá ngồi trong nhà nhìn ra sông, nghe tiếng mưa rì rào mái lá, thở dài:
- Mưa dầm … buồn chết mẹ!
Ông nhìn trời mưa, nhìn con sông nhỏ với ánh mắt đượm buồn làm như đang nhìn vào cõi xa xôi nào đó, tìm kiếm điều gì đó không biết. Cảnh vật chung quanh không còn ý nghĩa với ông Hai Khá, kể cả tiếng kêu của bà Tư Giá vừa bước vào mái nhà vắng vẻ:
- Ông Hai à! Ông Hai ...
Lại có tiếng loẹt xoẹt của áo mưa bà Tư vừa cởi ra, máng lên tấm phên tre.
Ông Hai Khá nghe loáng thoáng có tiếng ai đó, day lại nhìn, nhận ra bà Tư hàng xóm:
- À! Bà Tư đó hả? 
Bước vào nhà, bà Tư hỏi:
- Ngồi cú rủ vậy ông Hai. Mưa mắc gì buồn? Tháng bảy mà…
- Mưa quá … bà hỏng đi bán sao?
- Ối… bán buôn gì hỏng biết. Có con cá lóc mần rồi nè. Đem qua cho ông nấu cháo ăn… - Bà Tư xách con cá lóc bước vào chái bếp. Chái bếp nhỏ xíu, thấp chủm phải khòm lưng – Hỏng ấy tui nấu cháo luôn cho rồi…
- Ờ..! – Ông Hai ờ rồi bỏ lững câu nói thường ngày ông nói với bà Tư Giá “Bà lo cho tui chi dữ vậy? Hàng xóm người ta dị nghị…”. Lúc nào ông nói vậy, bà Tư cũng cự - Người ta dị nghị thây kệ. Chuyện ai nấy lo. Vài lần sau bà thêm câu “Kệ tía nó. Ai nói gì thì nói. Miễn là …”. Lần nầy ông Hai không nói câu đó nữa.
Mưa lớn hơn, nặng hột. Bong bóng nước nổi trên mặt sông rõ hơn, dày hơn và nổi thành dề ở mép nước sát bờ, dưới hàng dừa nước.
Mưa lớn thì không có gió.
Nhưng ông Hai thấy lạnh!
- Củi ướt nhẹp nhúm lửa khó quá trời!– bà Tư Giá cằn nhằn một mình, lui cui một mình vo gạo nấu cháo, nhúm lửa, khứa cá… trong chái bếp úng khói, ngộp ngạt.
Ông Hai Khá nhìn, thây kệ, việc nầy quen rồi. Lâu nay bà Tư thường qua chăm sóc ông Hai, nấu cho ông miếng cháo, nồi cơm. Ngày nào cũng qua, làm như bà mắc nợ ông vậy. Có lúc bà đem qua mấy lít gạo ngon, nói gạo nàng Thơm chợ Đào, miệt Cần Đước Long An.
- Có nợ nần gì đâu? Chẳng qua là cám cảnh … - bà Tư thở dài nhìn ông Hai Khá ngày càng héo hắt. Bà biết ông Hai mang nỗi buồn từ ký ức xa thẳm của ông. Buồn quá sanh bệnh! Vợ ông Hai Khá – cô Sáu Nga – bỏ đi dắt theo đứa con gái, tính đến giờ ba chục năm rồi. Ông Hai Khá sống một mình, rượu chè, chán sống, lần hồi mà ra nông nỗi. Nhà ngoài chợ bán đi, mua nhà trong ấp, rồi cũng bán. Mấy năm nay, ông Hai Khá cất mái lá cuối xóm bên bờ sông nầy, sống một mình với cái tuổi ngoài sáu mươi, tóc bạc trắng, thân hình gầy còm.
Về phần bà Tư thì thú thiệt nhiều năm nay bà có tình cảm với ông Hai Khá. Bắt đầu từ sự thương hại hoàn cảnh đơn chiếc của ông Hai Khá, rồi chuyển thành thứ tình cảm khác không nói ra được. Hoàn cảnh bà Tư Giá ai cũng biết, là gái ở giá lâu nay chẳng ai thèm dòm tới, nhưng trong sâu thẳm thì không ai biết được, từ hơn chục năm nay, sự cô đơn đã làm nước mắt chảy dài trên gò má khô ráp của bà đêm hôm trời mưa, gió rít hàng tre vi vút.
Tên bà là Nguyễn Thị Tư nhưng chết tên Tư Giá từ hồi bà bước qua tuổi bốn mươi lăm mà chưa lấy chồng. Người ta gọi bà Tư là bà Tư ở giá, nói tắt là bà Tư Giá, làm bà thấm thía hơn về nỗi cô đơn.
- Buồn muốn chết! – Có lần bà Tư nói với ông Hai lúc ông là đà cơn say – Nhiều đêm nằm một mình, thấy chiếu giường nó trống trải, rồi khóc mình ên! Ông có thấy buồn vậy không?
Ông Hai lắc đầu, nói như tránh né:
- Không! Buồn là tôi uống xị rượu, rồi lăn ra ngủ bất biết.
- Ông thì vậy cho nên thân thể héo queo.
- Kệ!
Đôi lần, chiều mưa tạnh đã lâu mà nhà ông Hai không có khói bếp, bà Tư lật đật qua coi. Qua thì thấy ông Hai nằm co như con tôm kho trên vạt tre, mép chiếu bị đẩy ra ngoài. Ông say rượu, ngủ mê mệt. Ly chén lăn lóc dưới nền đất. Bà Tư dọn dẹp xong, kéo mềm đắp cho người bạn già, rồi về.
- Ổng uống rượu vậy… mau chết đó! – Bà cằn nhằn ông- Ai đời uống rượu với… mấy trái trứng cá!
Bên sân nhà cây trứng cá rụng những trái chín đỏ. Trái chín là có sâu. Những con sâu đó có vô tình chui vào bụng ông Hai trong dòng chảy nóng hổi của rượu đế nếp hay không? Ông Hai uống rượu à? Không phải rượu. Đó chỉ là nước lã pha với một viên cồn thành thứ nước đục ngầu cay nồng, gọi là rượu. Ông Hai uống, cả xóm đều uống thứ rượu đó, mua ngoài quán bà Sáu Méo.
Ông Hai ngồi trong mái lá hẩm hiu, uống rượu một mình, nhìn ra con sông nước chảy xiết. Ông ngẫm nghĩ cuộc đời như dòng nước kia, cứ chảy đi không dễ gì trở lại. Rồi ông lại nghĩ nỗi buồn của ông sao không chịu trôi đi mà cứ vướng vào trái tim ông khô héo? Tháng bảy mưa dầm cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, còn ông và bà Sáu Nga sao cứ xa nhau mãi vậy?
- Đánh vợ! Không thể chấp nhập được một thằng đàn ông đánh vợ - Ông Hai Khá hối hận lắm, có lúc ông càm ràm một mình rồi lớn tiếng một mình, với chính mình. Lần đó sau canh bạc thua rất nhiều tiền, ông Hai Khá vùi đầu trong men cay cho lãng quên chuyện đời. Ông về nhà lúc nửa đêm, cự nự vợ con, gào thét và đánh Sáu Nga một bạt tai. Hậu quả là hôm sau vợ ông dắt con bé gái ra đi trong màn mưa dầm tháng Bảy cũng lạnh lẽo như hôm nay.
Ông Hai đã đi tìm vợ con cả chục năm, mệt mỏi quá, chán chường quá, đành thôi. Bóng chim tăm cá!
Mỗi lần mưa dầm như vầy là lòng ông nặng trĩu. Nỗi buồn, nỗi đau và sự ân hận đã gậm nhắm lòng ông ba mươi năm rồi chớ ít đâu! Hỏi sao không lạnh?
Mưa chợt ngưng rồi có gió. Nước đầy sông. Dòng chảy mạnh.
Bà Tư Giá về lúc nào ông Hai không biết. Bếp đã tắt lửa. Nồi cháo nóng hổi, nấp đậy he hé. Con cá lóc và miếng ruột để trên dĩa. Nắm rau đắng đất mới rửa trên mâm. Chén đũa có sẵn rồi. Nhìn thấy thèm.
Ông Hai rót một xị rượu, cầm cái ly mắt trâu, bưng mâm ra bàn, ngồi bên cửa sổ. Không chờ ai cả. Uống rượu một mình, rồi ăn cháo một mình, đêm vẫn ngủ một mình  … Miếng ruột cá day day, chấm nước mắm, đưa cay là ngon lắm.
- Bà Tư giỏi hết sức - Ông Hai khen thầm bà Tư rồi lại nghĩ đến Sáu Nga và đứa con gái lúc mẹ nó dắt đi, mới hai tuổi đầu - Giờ nầy hai mẹ con nó sống ra làm sao? Trôi dạt phương trời nào? Dư dả hay xơ xác như mình? Hồi đó là vợ mình, còn bây giờ Sáu Nga là vợ của ai ? – Ông Hai tự hỏi mà thấy lòng đau nhói- Sáu Nga bây giờ chắc cũng già rồi, trẻ trung gì nữa. Bà Hai Khá ơi! Tui nhớ bà, nhớ con lắm  …!
Từng ly rượu ấm chảy vào cuống họng, thấm vào mạch máu ông Hai Khá làm nỗi buồn hình như có vơi đi. Uống một mình, ông cũng nói chuyện một mình:
- Ú quạ, ông bà nói hay thiệt. Cái tuổi… Ất Dậu của mình! Ất là phải cô độc lúc cuối đời. Còn con mẹ… à không, bà Tư ở giá …tuổi Canh Dần, số cũng quạnh hiu. Tuổi Cọp ai dám cưới. Hứ! Mà mình còn sức nữa đâu mà…
Ông Hai rót không đầy ly rượu vì rượu trong chai xị không còn. Ông ực một cái rồi đi chiết thêm rượu. Miếng ruột cá đã hết, con cá đã dẽ hết phần thịt một bên, rau đắng đất còn năm sáu cọng. Kệ! Mần xị nửa cho quên sầu đời…
Đêm đó trời lại mưa. Cơn mưa day dẵng buồn thấu trời đất.
Lúc bớt mưa thì gió lao xao, xô qua giựt lại làm cho những giọt mưa tạt vô mái lá, rồi hất ra sông vắng.
Sáng sớm, bà Tư Giá bước qua nhà ông Hai thất thần kêu “Trời đất ơi, ông Hai sao vầy nè?” Bà Tư chạy ra ngoài la lớn, kêu mấy người hàng xóm ở mấy căn nhà lá xa xa. Họ kéo tới! Rồi trở lui, thở dài:
- Ông Hai đi rồi!
Ông Hai Khá nằm co ro trên chiếc chiếu trải nửa tấm vạt tre, mép chiếu xô lệch ra ngoài như lần trước bà Tư Giá nhìn thấy. Nhưng sáng nay thì người ông đã lạnh!
Có lẽ ông đi lúc con nước giác sáng vừa đầy bến sông quê.
Chiều hôm đó, người trong xóm đưa tang ông. Chiếc quan tài rẻ tiền, đám tang ít nhang khói, ít người đưa. Bà con chôn ông Hai Khá trên gò đất là nghĩa địa của ấp. Chỉ có một mình bà Tư Giá khóc, nhưng giọt nước mắt chảy ra rất lặng lẽ.
Mọi người ra về. Bà Tư Giá cũng về.
Lúc vắng vẻ, có một cô gái tuổi ngoài ba mươi bước tới nấm đất, cầm theo bó nhang. Cô gái thắp hết bó nhang, quỳ bên mộ ông thì thầm:
-Tía ơi! Mẹ hết hận tía rồi. Trước lúc mất, mẹ dặn con về đây nhìn tía. Nhưng mà… - Cô gái nấc lên, nghẹn ngào – Con về … muộn rồi tía ơi! 
Diệp Hồng Phương'

Trở về chốn xưa
Tháng bảy trôi qua ngỡ nhẹ nhàng,
Mà sao đau đáu tận tâm can...
Trở về nương náu gian nhà cũ,
Ngậm ngùi thương nhớ thuở gian nan
Thoảng đây hương lúa nồng nàn,
Tưởng như mẹ gặt vội vàng chiều qua !
Tôi về ươm lại mùa hoa,
Cho xanh hi vọng chan hoà niềm vui,
NM

Tìm về tháng bảy xưa

Tháng bảy về từ những cơn gió phủ vàng góc phố bằng những chùm lá me bay. Những chùm lá vàng mỏng manh, chấp chới, bay lả lơi trên những ngả đường giữa xô bồ nơi phố thị, nhắc tôi tìm về nương náu nơi thềm nhà cũ kỹ, nghe hương lúa còn nồng nàn như vừa được mẹ gặt về tựa mới hôm qua.
Nhưng thẳm sâu sau những cuộc trở về nhẹ gánh bon chen, là những tia hy vọng ngày xưa cứ dật dờ như đốm sáng li ti từ những chiếc đèn đom đóm, lịm tắt sau những vốc mưa mỗi tối dịu dàng.
Tôi không thể nào đong đếm nổi những mùa tháng bảy như thế đi qua trong cuộc đời mình. Cũng như chưa bao giờ thấy có thể yên bình trong suốt những ngày tháng bảy ươm vàng bởi nỗi đau và mất mát cứ giày vò nỗi nhớ của những người ở lại. Nghĩ về những ngày tháng bảy, tôi nghĩ về những nước mắt, những đợi chờ mòn mỏi nhiều hơn là những tháng ngày nghỉ ngơi sau thời gian dài dành cho bài vở và học hành thi cử. Nơi mà ở đó, trong suốt những mùa ấu thơ, tôi như đắm chìm mịt mù bởi dáng bà vất vưởng bên thềm nhà những xế chiều tím tái, đợi chờ một bóng hình suốt bao năm ra đi và không bao giờ trở lại. Khói nhang mịt mùng vẫn âm ỉ những xế chiều như thể chẳng bao giờ chịu ngưng, như tia hy vọng của bà vẫn gieo rắc vào lòng chúng tôi, khi nghe ai đó nhắc đến ông, nhắc đến một người trụ cột để bà có thể dựa dẫm suốt bao mùa lúa xanh lúa chín vàng đồng.
Tôi sống cùng bà từ những ngày còn rất bé, một phần do cha mẹ tôi đi làm ăn ở xa, một phần vì cha mẹ muốn tôi về ở cùng cho bà đỡ tủi thân những năm tháng tuổi già lay lắt. Bởi sau rất nhiều năm gồng mình nuôi 6 mụn con trưởng thành khôn lớn, đã đến lúc bà cần thời gian để nghĩ về một lời hứa đã cất giấu suốt mấy chục năm qua cho riêng mình. Về một mùa đoàn viên, về một ngày đất nước bình yên không còn bom đạn.
Tôi về sống cùng bà cho có người bầu bạn, sống cùng những câu chuyện kể ngập ngừng trong giàn giụa nước mắt. Có cả những đêm khuya khoắt, thấy bà chợt tỉnh giấc, mân mê những bức ảnh cũ nhàu giữa đêm trăng bạc màu, nhưng đủ để soi rõ những mùa hoa cau, hoa bưởi thoảng về thơm nức mũi. Những bức ảnh trắng đen bà luôn cất dưới gối, để thi thoảng thấy buồn, hoặc khi quá mỏi mệt với nỗi lo cơm áo, bà lấy những tấm ảnh cũ ra để vịn vào đó mà nhủ mình đứng vững sau bao bão táp phong ba.
Để giờ đây, dù đã bao mùa tháng bảy đi qua, cây bưởi sau nhà đã cằn cỗi không thể cho ra những chùm hoa bung biêng trắng, rục rịch tỏa hương mỗi độ thu về. Hàng cau trước nhà chỉ trơ lại những gốc khô cằn, như dáng người mệt mỏi tìm về gục đầu vào nơi chốn bình yên để ru mình giấc ngàn thu thanh thản. Chỉ có dáng bà vẫn mãi xiêu vẹo, ngồi lặng im nơi bậc thềm nhà mỗi mùa tháng bảy, nước mắt không còn trệu trạo rơi khi nhìn về khoảng không nào đó xa ngái. Bởi nước mắt theo thời gian đã cạn vơi theo từng nỗi nhớ, cũng như vết thương nào rồi cũng phải nguôi ngoai, bén thành vết sẹo lồi lõm trong những khắc giây nơi khoảng trời hồi ức.
Đi qua những mùa tháng bảy, tôi có thêm một lý do để tìm về sau những mưu sinh khốn khó, phần nhỏ cho riêng tôi, phần nhỏ cho những người thân của mình những mùa tháng bảy nén lòng sau bao được mất. Để bắt đầu vun trồng những mùa hoa mới, mùa hoa của những niềm vui và hy vọng đong đầy.
XL ( qdnd.vn.)

Trăng tháng bảy
Thương nhớ vô cùng tháng bảy ơi,
Biết bao ơn nghĩa ở trên đời ?
Vầng trăng tháng bảy vầng trăng sáng,
Vàng óng lung linh sắc rạng ngời !
NM
 Mùa trăng tháng bảy
Tháng nào cũng có một mùa trăng nhưng trong tôi trăng tháng bảy vẫn đẹp hơn hết. Trăng cứ tròn thả từng sợi vàng ôm trọn không gian như vòng tay của mẹ ôm con vào lòng.
Tháng bảy mình ở thành phố mưa sũng nước, những đợt mưa sáng chiều làm thâm tím cả khung trời vốn dĩ trong xanh. Có những ngày hửng nắng và đêm ấy ta thấy trăng treo trên vòm trời đầy mây… Trăng như mẹ hiền luôn muốn gặp con dù trong hoàn cảnh nào. Trăng dịu nhẹ như tiếng mẹ ru. Trăng rằm tháng bảy…
Trăng tháng bảy nghe trong mạch máu mình có dòng máu tổ tiên, nhớ thương về người bởi có người rồi mới có ta… Ơn đức ấy bao giờ ta mới trả được, vậy thì cố gắng một ngày sống đẹp là mang tinh thần tổ tiên về với cuộc sống này.
Trăng tháng bảy mình ta ngồi nghe máu thịt cha mẹ trong thân thể. Cha mẹ cho con hình hài trọn vẹn không chút khiếm khuyết. Cha mẹ cho con một tinh thần sống tuyệt vời. Một đời yêu thương trọn vẹn: tất cả mọi người không bỏ sót một ai. Một chút lòng nhân chia sẻ ta biết gởi đến mọi người xung quanh.
Trăng tháng bảy ở thành phố không trong như quê mình năm xưa nhưng tình cha mẹ cho con vẫn tuyệt vời. Dù mưa gió, bão bùng mẹ cha vẫn yêu thương trọn vẹn. Những ngày thiếu thốn phải giật gấu vá vai ba mẹ vẫn lo cho con miếng cơm trắng để con từng ngày đến lớp với bước chân sáo. Chưa khi nào ba mẹ dành miếng bánh ngon cho mình, chưa khi nào mẹ may chiếc áo mới cho riêng mình, chỉ biết những ngày vất vả cha mẹ dành cho con tất cả. Những vết nám của mẹ, những vết da nhăn gầy không thể gầy hơn đã cho ta những ngày tươi sáng. Ta bước vào đời bằng vòng nguyệt quế trên đầu, ta cười thật tươi, nụ cười chứa cả giọt mồ hôi cha mẹ. Có khi nào mình biết ngày mình thành công trên đời này có tấm áo sờn vai dưới nắng cháy không dám đến dự cùng con. Nơi góc chợ ấy người một mình tưởng tượng, tự mỉm cười thoả mãn. Mẹ xấu quá không dám đến nơi cao sang ấy…

Trăng tháng bảy ngàn thu nay vẫn thế: Trăng mang màu yêu thương để người người tri ân cha mẹ tổ tiên. Hình bóng cha già yêu thương con hơn thân thể mình, suốt đời cha dành cho con tất cả. Cha là trụ cốt chính trong nhà nhưng lúc nào cha cũng đặt yêu thương lên hết thảy. Cha không đòn roi nhưng con cha vẫn ngoan vẫn thành công trong cuộc sống bởi cha dạy con bằng cả trái tim nhân hậu của cha.
Còn mẹ, hình bóng mẹ vẫn âm thầm cùng ngày nắng đêm lạnh cho con những gì tốt nhất, ngon nhất. Cha mẹ ơi! con không bao giờ trả được ơn này…Nhưng mùa trăng tháng bảy con nhớ nhiều hơn, thương nhiều hơn dù ở xa con vẫn về dâng ba mẹ miếng bánh thơm, ngồi dưới chân ba mẹ dể được ôm đôi chân gầy guộc. Trăng tháng bảy nhẹ nhàng trải xuống mái tóc mẹ yêu chút sợi vàng ngày thu. Con theo sau ngồi ngắm chiếc lưng còng, con ôm vào lòng cánh tay mẹ yếu đuối, con và ba mẹ cùng cười, ấm áp nói không nên lời…
Trăng tháng bảy cho ai đó ngậm ngùi nhớ về cha mẹ đã đi xa. Như khi ba nhìn vào khoảng không xa vắng nhớ về một thời ấu thơ còn ông bà. Dưới mái nhà tranh, ngọn đèn dầu nhỏ ba ngồi học và nội vẫn mải đan rổ rá kiếm thêm tiền cho buổi chợ ngày hôm sau. Những chiều sau buổi cày nội cùng vợ con ăn bữa cơm chiều đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu thương và sự bình an ngày ấy. Vì không muốn ba vất vả nghề nông, nội ra sức cho ba học và thành người. Ba cứ lặng và nhớ không nguôi những kỷ niệm về nội…
Trăng tháng bảy mẹ nhớ về ngoại, người đàn bà góa chồng khi chỉ mới 24 tuổi. Một sự hy sinh vô cùng lớn lao khi ngoại ở vậy nuôi mẹ và một đời cùng con nuôi đàn cháu nhỏ. Đàn cháu bảy đứa cứ ăn học dưới sự chăm bẵm, yêu thương của ngoại. Mẹ muốn ngoại đi bước nữa nhưng ngoại ngóai nhìn những đứa cháu nhỏ rồi thương. Mấy mươi năm sống trong sự trìu mến của ngoại để những đứa cháu thành công trong cuộc đời. Rồi ngoại ra đi trong vòng tay con và cháu…Những hy sinh của ngoại sao cao cả quá không gì sánh nổi. Ngoại ơi!

Trăng tháng bảy, con cháu nhớ về ông bà và tổ tiên một cách kính cẩn. Thương nhớ nhiều lắm những khi đứng dưới trăng vàng nhất là trăng tháng bảy, những sợi trăng mỏng mảnh giăng trong đêm như tình cha mẹ yêu thương con vô cùng cao quý, nồng nàn và thiết tha nhất trên đời này. Từng ánh trăng vàng một như vòng yêu thương cha mẹ quấn quít ôm mình vào lòng, như tiếng ru ngọt nào của mẹ giữa đêm khuya. Đời là những gì hữu hạn mà tình cha mẹ là vô hạn con nào diễn tả nổi. Bàn tay con đặt giữa đôi tay chai sần của ba mẹ và con nói ngàn lời thương yêu cũng không bằng.
Trăng tháng bảy mình quê mình đẹp lắm! Trời vào thu những bông hồng đỏ thắm nguyên vẹn trên áo mình, những ngày này khuôn mặt con sáng rạng ngời. Còn gì vui hơn bông hồng thắm cài trên ngực. Trong vòng tay cha mẹ một đời con ấp áp. Trong lòng mẹ một đời con hạnh phúc. Con cười thật nhiều bên cha mẹ.
Trăng tháng bảy mình vẫn nép mình bên bụi trúc bên nhà. Ngọn gió xào xạc và con ngồi trong lòng mẹ ngắm trăng. Vì tháng bảy trời mưa nên mẹ con ngồi trước thềm nhà ngắm trăng. Rồi mẹ ôm chặt lấy con, con quấn lấy áo mẹ ngửi múi hương da thịt mẹ. Mẹ của con!
Tháng nào cũng có trăng nhưng trăng tháng bảy vẫn lung linh rạng ngời.Trăng tháng bảy mình rất ấm trong thế gian này dù trời có mưa, dù vòm trời đầy mây. Trăng tháng bảy mình ấm áp hạnh phúc vô kể.
Diệu Hòa