Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Tình quê hương

Tất cả các hình ảnh trong chủ đề Tình Quê nầy đều là hình chụp của hai cô cháu khi đi vãng cảnh Bình Chánh và Trà Vinh

Mối Tình Quê Ngoại (T đọc)

Người Tình Quê

Xuân đất khách,
Xuân đất khách luôn hướng về quê cũ,
Kiếp tha hương lòng sao mãi vấn vương...!
Chạm cốc nâng ly lữ khách bên đường,
Tạm an ủi với người đồng cảnh ngộ
Biết bao giờ ta trở về chốn cũ ?
Đốt hương trầm trong giây phút thiêng liêng...
Để nhớ thời ta lưu lạc mọi miền,
Lòng vương vấn cố hương thời vị ngộ !!

Quê hương

 "Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi...". Nhưng quê hương thời kinh tế thị trường cũng có biết bao thay đổi. Cái đẹp đi cùng cái chưa đẹp. Cái dở đi cùng cái hay. Vì thế mà niềm yêu thương cùng sự trăn trở luôn ám ảnh. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, lúa đồng vẫn xanh và hoa lục bình vẫn tím...
Tôi vẫn thích cái cảm giác thư thái khi bước trên con đường làng, con đường nằm giữa hai hàng nhãn nhìn xuống cánh đồng. Mỗi lần đi xa về tôi không thích đi xe mà đi bộ trên "con đường nhãn" về nhà. Để nhìn làng xóm, cánh đồng, hàng cây. Thích cảm giác bình yên, tĩnh lặng của nơi đây. Thích những buổi chiều khói bếp quẩn quanh trên những nóc nhà, những hàng cây, lãng đãng, mờ ảo. Thích giấc ngủ dài và sâu không chút lo toan. Về đây, tôi như được trút đi mọi gánh nặng bon chen nơi đô thành nhộn nhịp.
Mỗi khi thất bại trong cuộc sống, bế tắc trong đường đời, tôi lại trở về với vùng quê nghèo này. Để tìm lại sức mạnh niềm tin, bù đắp, chắp vá lại những vết thương nơi tâm hồn. Khi nhìn những ruộng lúa, dòng sông đầy hoa lục bình, lòng tôi thấy yên tĩnh. Nó đúng là Tara của đời tôi (*).
Nhớ phiên chợ Bình theo bà mua bánh. Nhớ đêm 30 ra chùa thắp hương hái lộc. Nhớ đêm trung thu rước đèn, phá cỗ. Nhớ mùi bánh đúc, ngô bung của mẹ. Nhớ những ngày đi học sớm trộm vải, trộm nhãn ven đường. Và nhớ nụ cười em, cô gái tuổi trăng tròn với bước chân sáo qua cổng trường chuyên năm xưa, nhớ những chiều thứ 7 cùng em về quê trên đường đê ven sông Trà Lý. Nhớ... và nhớ...
Ở đây có những con người thân thuộc, mộc mạc, chất phác dễ gần. Nụ cười luôn tươi mới dù cuộc sống cũng bao nhọc nhằn. Tôi không bao giờ quên buổi tối trước ngày vào đại học. Bà con xóm làng kéo đến chia vui, ân cần dặn dò động viên. Bỗng nhớ đến những vần thơ đầy "chí khí":
 "Con trai sinh viên vào ký túc 
Thề với lòng "vứt hết" yêu thương
Ngày lên đường hứa thầm với mẹ
Xa nhà con chỉ nhớ quê hương 
Nhớ quê mình cũng có một mái trường
Một đàn em với tuổi thơ khó nhọc
Ngày đến lớp bùn còn vương trên tóc
Đẹp dịu hiền những nét chân quê". 
Quê tôi vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, cái khó. Bố vẫn thở dài bên khói thuốc lào, tóc mẹ bạc thêm sau mỗi lần con gửi thư về. Nuôi một đứa con học đại học vẫn là một sự nỗ lực lớn lao với người dân quê tôi.
Tôi vẫn tin vào tương lai tươi sáng của miền quê mình, chỉ sợ rằng nó có mãi còn là nơi tiếp thêm sức mạnh cho tôi sau mỗi chặng đường?!
Đôi chút băn khoăn ấy là vì những năm trở lại đây, quê tôi đang dần thay đổi. Cuộc sống dường như nhộn nhịp hơn, con người bận bịu, lo toan nhiều hơn. Khát vọng làm giàu và sự thay đổi cuộc sống đã bắt đầu giúp cho bộ mặt của làng quê thêm sinh khí, thêm nhuận sắc, nhưng cũng làm mất đi ít nhiều vẻ thanh bình vốn có.
Người ta không còn nhiều thời gian tâm tình bên chén nước chè mỗi buổi trưa hè. Phiên chợ quê tôi bây giờ mua một trò chơi điện tử dễ hơn tìm hàng bánh đúc. Trẻ con không còn biết chơi pháo đất, chọi gà, cái trò "kim kỉm kìm kim" sẽ chỉ là dĩ vãng. Thay vào đó là "đế chế", là half-life, là football. Một cậu bé 12 tuổi có nick yahoo: kẻ ăn xin đa tình.
Chúng cũng không còn biết làm sáo diều, chỉ thả những chiếc diều nilon bán sẵn. Đi tìm tiếng sáo diều trong gió chiều tắt nắng liệu sẽ mãi chỉ là giấc mơ?.
Ngôi chùa làng không còn  như trước. Những kèo những cột được thay bằng bê tông cốt thép, mái đình chẳng cong vì lợp bằng ngói xi măng. Tôi thèm đến nao lòng không khí Tết của buổi sáng mùng một năm xưa. Xác pháo đầy sân, hương trầm nghi ngút, nước mùi già như rửa sạch mọi vương vấn lo toan...
Ông ngoại không còn đan rổ vì làng chẳng còn tre. Bà không còn thả vó vì ao làng lấp dần và tôm cá đi đâu hết. Mẹ chẳng còn nấu bánh đúc và ngô bung vì đã có bao món ăn khác thay thế.                                               
Bước chân sáo cũng đã đôi lần lạc lối. Nụ cười em không trong trẻo như trong nỗi nhớ. Chút âu lo già dặn in dần lên khuôn mặt, em sẽ chẳng còn nghĩ về con đê ngày ấy. Như hoa lục bình, em đến vào một chiều gió thổi và vào ngày nước nổi, em lại theo dòng đi xa để đậu lại ở một bến khác. Bờ tôi chẳng thể giữ em. Bởi em không còn là... ngày ấy.
Làng tôi thay đổi và chính tôi cũng đang thay đổi. Cậu bé ngày xưa chai tay cuốc đất, khom lưng gặt lúa, đếm từng gầu nước với mẹ đêm hè. Cái mơ ước rời khỏi luỹ tre làng để giúp gì đó cho sự thay đổi của làng quê này đã không còn cháy bỏng
Cậu ta đã thay đổi, thực dụng hơn và nghĩ về mình nhiều hơn. Ngày càng xa làng quê hơn và càng ít khi trở về, đôi lúc  thấy xa lạ lạc lõng giữa con đường thân thuộc. Lời hứa thầm xưa kia với mẹ con đã không thể làm.
Mọi cái đã thay đổi như quy luật của cuộc sống. Chỉ có lúa đồng vẫn xanh và hoa lục bình vẫn tím... 
Nguyễn Đức Hạnh

Mong chờ
"Rồi mùa thóc rạ rơm khô,
Anh đi bỏ bạn biết mô mà tìm ?"
Tìm người như thể tìm chim,
Bay đi muôn hướng biết về nơi nao...
Chắc gì ta sẽ gặp nhau,
Chờ mùa lúa mới xôn xao quay về !
Biệt ly lòng thấy não nề,
Trông vời bốn phía ngóng về phương anh ?
NM

Quê bạn
Rồi mùa thóc rạ rơm khô 
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm
    (Ca dao)

     Vùng quê, một đêm trăng. Gió thổi đều đều qua ngọn cây và lay nhẹ những tàu lá xám. Trăng sáng , và trời không mây.
     Hương ngồi nấu chè trong bếp, lắng tai nghe những câu hò tình tứ của Mẫn ở ngoài sân. Hương lùa một nắm rơm khô vào bếp rồi đưa chiếc que gạt tàn tro ra, làm đều đặn như cái máy.
    Hơn ba hôm nay giọng hò của Mẫn đã quyến luyến Hương và làm lòng Hương xao xuyến. Hương tự nhiên thấy buồn buồn khó tả.
    Mỗi lần giọng hò của Mẫn ngân lên không, như tiếng chuông rền, hay tản mác ra xa như dòng hương cuộn, Hương lại thổn thức và có cái cảm giác hơi lạ: là chừng đã sống với Mẫn đâu từ kiếp xa xưa.
    Ban đầu Hương mê giọng hò của Mẫn nhưng sau Hương cũng không biết Hương đã mê chính người con trai ấy hay chỉ mê riêng giọng hò. Hương cố phân biệt để xem nhưng mỗi lần nghĩ đến Mẫn, Hương lại thèn thẹn và không dám nghĩ lâu.
    Hương là con gái đầu lòng của ông Cả Lai, một điền chủ ở làng Mỹ Lý. Lúc còn nhỏ, Hương học đến lớp ba, nhưng qua năm sau mẹ mất Hương phải xin thôi học. Từ đó, Hương giúp cha trong nghề làm ruộng. Ông Cả ngày càng già, nên bao nhiêu việc ruộng nương đều do tay Hương coi sóc.
    Hương người dều đặn nở nang, khuôn mặt tròn và cặp mắt lúc nào cũng mở lớn như ngạc nhiên, Hương lại còn có cái đặc điểm là vui tính và hiền lành. Hương ít giận ai và cũng không làm ai mất lòng. Cũng nhở tính vô tâm, nên đã ngoài hai mươi tuổi mà Hương vẫn giữ được sự mềm mỏng và nét dịu dàng của tuổi ngây thơ.
    Năm ấy ông Cả Lai xem lịch thấy thời tiết khá nên mời trai bạn ở các làng đến làm hơn mười mẫu ruộng.
    Trai bạn là lớp trai tráng ở các làng chung quanh vùng, có khi xa, xa lắm. Họ ở những nơi đất kém ruộng khô, hay những vùng nghèo nàn, lụt lội. Họ kéo nhau đi từng đoàn trên hai mươi người, dò la những nơi nào cần đến công việc của họ.
    Họ là người bốn phương nhưng gặp nhau và hiểu nhau trong một cảnh ngộ. Họ sống với nhau trong những ngày cày cấy, gặt hái rồi lại tản mát ra như những mảnh mây ngàn.

    Xa nhau họ còn nuôi hy vọng sang năm gặp nữa. Nhưng sang năm gặp nhau là một chuyện khó, vì quê hương của họ cách nhau xa lắm. Và trước kia họ gặp nhau giữa cánh đồng hoang hay trong quán vắng, chứ có ai biết nhà cửa ai đâu. Vì thế mỗi lần hẹn sang năm gặp nhau thì lòng họ đã đoán trước những nỗi buồn vĩnh biệt.
    Nhưng không gặp đoàn này thì họ gặp lớp người khác. Vì hàng năm cảnh làm ăn đã kéo họ ra khỏi nhà và bắt họ đi tha phương. Đời họ mỗi năm mỗi khác như rừng cây mỗi năm có một lần lá mới.
    Mẫn ở làng Lộc Giang, huyện Bình Hải, cách làng Mỹ Lý hơn bốn ngày đường. Mẫn xưa kia có theo học chữ Nho nhưng lỡ thời. Ban đầu Mẫn định mở trường dạy học trong làng nhưng thấy chữ Nho không ai dùng nữa nên vào với trai bạn đi làm ăn xa. Mẫn đi xa làng lần đầu và cũng là lần đầu nếm qua cái đời trai bạn.
    Mấy hôm theo chúng bạn ra đồng gặt lúa hay về nhà xay độn rơm, Mẫn thấy lòng vui vẻ và ăn cơm ngon miệng. Cũng có khi giữa buổi làm việc, Mẫn tự nhiên thấy nhọc lả người và hai bên thái dương lùng bùng như bị cảm gió. Mẫn lại ngồi trên bờ ruộng, để tìm nước uống.
    Mùa lúa chín và hơi gió nhẹ dần dần làm Mẫn khoan khoái và tỉnh táo như trước. Mẫn lại cất giọng hò lanh lảnh hay vui miệng nói đùa để chọc cho người chung quanh bật cười. Mẫn đi đến đâu là trận cười đi theo đến đó.
    Hương lắm lúc muốn làm mặt nghiêm nhưng cũng khó nhịn cười trước lắm câu khôi hài ý vị của Mẫn. Nhờ tài khéo pha trò, Mẫn đã dần dần quen thân với cô gái con nhà chủ. Nhưng lối hài hước của Mẫn làm Hương cười thì giọng hò của Mẫn lại làm Hương buồn thấm thía.
    Một thứ tình cảm đằm thắm gây nên từ đó. Hương mỗi ngày mỗi quý mến Mẫn hơn lên.
    Đêm ấy trời có trăng, Mẫn cho trâu đạp lúa ngoài sân với trai bạn. Giờ càng khuya giọng hò của Mẫn nghe càng thâm trầm bi thiết. Hương nấu chè xong bảo người ở múc vào bát rồi đem ra sân. Giữa sân đã có ba chiếc chõng tre trải chiếu sạch sẽ. Hương đứng nhìn mấy mâm chè đã để hẳn hoi trên chiếu giữa sân rồi nói lớn:
    - Thôi mời anh em nghỉ tay vào ăn chè.
    Mẵn tự nhiên ngừng bặt giọng hát, hỏi:
    - Cô Hương nấu chè gì đấy?
    Hương mỉm cười khôi hài:
    - Chè để ăn.
    Mẫn nói tiếp:
    - Chẳng lẽ nấu chè để uống à?
    Hương đưa cánh tay che miệng cười:
    - Ơ hay! Anh Mẫn quên rồi à? Nụ nước chè tươi chẳng để uống thì để làm gì?
    Một người bạn đứng đàng xa tinh nghịch:
    - Để uống trong tiệc cưới đấy!
    Hương bẽn lẽn nhìn xuống đất, Mẫn nói chữa ngượng:
    - Thôi ăn với uống cũng như nhau, miễn no bụng là được.
    Nhưng Hương vẫn chưa chịu thua:
    - Uống thì no bụng thế nào được. Ăn mới no thôi chứ.
    Nói xong thì Hương cười nức nở. Mẫn cũng cười theo. Mấy người khác biếng cười nên lẳng lặng đến bên mấy mâm chè khói bay lên thơm phức. Họ đua nhau ăn ồ ạt và vui vẻ.
    Trời càng khuya trăng càng tỏ. Tiếng nói qua lại dịu dần cho đến lúc câu chuyện thành nhạt nhẽo vô duyên thì ai nấy đều im tiếng. Cảnh vật của trời đêm lặng lẽ bao vây giấc ngủ say sưa của mọi người.
    Hôm sau, trên dòng sông Viên, bốn chiếc thuyền chở đầy lúa trôi nhanh về làng Mỹ Lý. Trên mỗi thuyền có năm người chèo. Họ đặt ra cuộc đua tài, thách nhau thuyền nào về trước thì được giải. Giải đơn sơ lắm: chỉ có một chai rượu trắng và hai con mực khô. Nhưng bạn trai cũng vui lòng đua, họ cốt lấy tiếng. Nhất là hôm ấy có Hương đi theo nên họ không muốn mất mặt trước cô gái trẻ tuổi con nhà chủ.
    Người cố gắng sức hơn hết là Mẫn. Mẫn đứng cầm lái và không dám để lơi một mái chèo. Dòng sông hẹp, bốn chiếc thuyền cứ đuổi nhau rẽ nước tiến lên, có lúc hai chiếc kèm nhau, chạm vào nhau để bật ra những tiếng khô và ngắn.
    Họ vừa chèo vừa hát làm vang động cả một dòng sông. Hai bên bờ, người làng ra đứng xem đông nghịt và trong số đó có một vài người lớn tiếng hát theo để thêm phấn khởi lớp trai tráng dưới thuyền.
    Thuyền của Mẫn hôm ấy giật giải nhất. Hương vui vẻ đứng bên Mẫn rồi ấp úng nói sẽ:
    - Anh được giải, thật em bằng lòng anh lắm.
    Mẫn tươi cười nói tiếp:
    - Cô bằng lòng tôi thật à?
    Hương biết mình nói hớ nên hai má đỏ bừng. Một lát sau Hương cúi đầu thì thầm:
    - Thôi anh vào ăn cơm chẳng đói.
    Mẫn có ý khoe khoang. Anh chàng kiêu hãnh một cách ngây thơ và nói một câu rất mộc mạc:
    - Tôi còn đi ăn giải đã chứ.
    Hương nhìn Mẫn có vẻ không hiểu. Mẫn nói tiếp:
    - Nghĩa là tôi ăn con mực và chai rượu người ta thưởng cho ấy mà.
    Hương làm bộ nũng nịu"
    - Em không bằng lòng anh uống rượu đâu.
    Mẫn híp mắt lại cười:
    - Thế sao hồi nãy cô bảo bằng lòng tôi?
    Những lời trao qua đổi lại toàn là những câu khôi hài nhạt nhẽo nhưng lòng Hương thì tưng bừng như ánh trời buổi sáng. Hương sung sướng được Mẫn để ý đén mình và xem mình như bạn thân thiết. Hương không e lệ nữa, cô đã can đảm nói một câu mà tưởng không bao giờ cô dám nói ra:
    - Em bằng lòng anh thật, nhưng anh uống rượu thì không.
    Mẫn làm ra vẻ hung hăng mõt cách khôi hài:
    - Không bằng lòng mà được à, tôi thì cứ...
    Hương ngước mắt nhìn Mẫn:
    - Tôi làm gì?
    - Tôi không uống rượu nữa.
    Hai người nhìn nhau cười chúm chím, trong lòng nao nức vui.
    Qua tháng sau rơm đã thành độn, lúa đã nằm yên trong vựa, và trai bạn sau một bữa cơm ngon lành do ông Cả thết đãi, đã từ giả làng Mỹ Lý ra đi.
    Ban đầu họ nối chân nhau đi thành một đoàn dài, nhưng qua mỗi làng lại có một vài người rẽ đường đi về quê hương của họ. Đoàn người cứ ngắn dần.
    Hôm thấy trai bạn cất hái lên vai sắp đi, Hương chạy ra sau bụi chuối đứng khóc. Mẫn đứng sau đống rơm thấy Hương khóc cũng tấm tức khóc theo.
    ... Và từ đó dòng sông Viên phẳng lặng, đồng làng Mỹ Lý vắng teo. Trai bạn đi, lòng Hương bơ phờ như cảnh vườn hoang chờ gió lạ. 
Thanh Tịnh  


Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Thiền viện Trúc lâm Chân Nguyên

Một chút Thiền !
Đối cảnh vô Tâm chớ hỏi Thiền,
Như mây nghịch gió, gió triền miên...
Tìm trong chiếc lá rơi thềm vắng,
Một chút hồn tôi, một chút Thiền
NM

Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên
(Chùa Khỉ)
Qua Google được biết từ Thiền Viện Chân Chiếu đi theo đường đất lên cao hơn nữa là Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên, Thiền viện nầy rộng lớn và đẹp hơn Thiền Viện Trúc Lâm Chân Chiếu,nền đất rộng và cao hơn, cây cối cũng nhiều hơn, cho nên nơi đây từ xưa cho đến bây giờ khỉ tập trung về ở, trong chùa có bảng chỉ dẫn đường lên xem khỉ, có điều thật đáng thương là lũ khỉ ngày một ít dần đi do bị săn bắt và sau nầy chúng cũng bị tật nguyền khá nhiều vì mất tay hay mất chân do bị sập bẫy mà cố gắng chạy thoát thân !!
  
Hôm nay là ngày thường và gần trưa cho nên chùa tương đối vắng, chùa gần núi và đá cũng là Thiền cho nên ta có thể bắt gặp nhiều hình tượng đá với nét chữ thư pháp ở khắp nơi !
  Nhìn ra quãng sân rộng trước chánh điện Ti vẫn mãi mê chụp ảnh, mà cũng đúng thôi vì ở đây phong cảnh thật đẹp, thanh tịnh, hoa lá xanh tươi, người vãng cảnh đa số là gia đình hay từng nhóm nhỏ cho nên không ồn ào náo nhiệt, người ta viếng Phật xong cũng ra sân trước chánh điện hóng gió và ngắm cảnh
Nhưng điều mà mình thích nhất vẫn là tiếng chuông gió thanh thoát ngân nga trong không gian tĩnh lặng của cảnh chùa. Khi Ti đi loanh quanh chụp hình thì còn lại một mình ngồi ở ngoài sân chánh điện, nhìn bao quát không gian tĩnh lặng của Thiền viện lòng bỗng dưng lắng đọng cảm thấy dễ chịu vô cùng, bao nhiêu mệt nhọc ưu phiền tan biến, dù không biết Thiền là gì nhưng vẫn cảm nhận được Thiền ngay cả trong hình ảnh nhỏ nhoi của chiếc lá bay vèo rồi nằm im dưới bậc thềm nhỏ trước sân chánh điện, bỗng dưng cảm thấy hình như lá cũng nằm yên để lắng nghe tiếng chuông gió ngân nga mà quên đi thân phận của mình đã là chiếc lá vàng rơi !! 

Lá rơi trên thềm vắng,
May mà nơi chốn đây...
Cửa Phật chiều hanh nắng, 
Vẫn thấy hạnh phúc đầy !!
NM PTND
Hòa Hải
(Một Ngày Như Ý)

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Thiền Viện Trúc Lâm Trí Đức

Nhạc Thiền thư giản

Thiền độ
Thinh không thoảng tiếng nhạc Thiền.
Giúp người hạ giới giải phiền lo toan...
Sầu chi một kiếp đa đoan,
Nương theo cảnh Phật an nhàn tịnh tâm 
NM

                    Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức
Ngôi chùa sau cùng trong "Một ngày như ý" mà hai cô cháu đến viếng là Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, chùa thuộc xã An Phước, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, chùa có hai viện Tăng và Ni với tổng diện tích trên 10 hecta

Chùa còn được biết đến nhờ Tháng 6/2012, các phật tử đã cúng dường quyển thư pháp “Bát Nhã Tâm Kinh” dài 110cm, rộng 80cm, dày 6cm đặt trong hộp gỗ xoan đào, kích thước 111cm, ngang 81cm, dày 7cm do Phật tử Tuệ Chiếu viết từ ngày 3/02 đến 30/06/2011( Nguồn: Kỷ lục Việt Nam)

Mặc dầu chùa đã khánh thành từ 15-16/01/2011, nhưng khi hai cô cháu đến viếng chùa vào giữa trưa chùa vẫn còn đang tiếp tục xây dựng thêm cả hai bên Tăng và Ni. Thật là ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến các sư cô mặc bộ áo lam ngắn tất bật lái xe ba bánh cải tiến có động cơ của Liên Xô chở xà bần đi hay chở cát, đá bi, hoặc ciment về để xây cất ( bây giờ nhớ lại rất tiếc lúc đó bận ngồi trông xe và ngắm cảnh khg đến tận chỗ các sư cô đang làm việc để chụp ảnh lưu niệm )

 
Ngoài những hoạt động xây cất ra thì chùa rất vắng vẻ, khách thập phương cũng khg nhiều, mặc cho Ti lang thang đi tìm cảnh đẹp để chụp hình, mình ngồi lại dưới vòm cây xanh để nghỉ ngơi và bỗng dưng lòng cảm thấy ước ao được nghe tiếng mõ hay tiếng chuông chùa vang lên trong không gian im ắng nầy hay ít ra là tiếng chuông gió đung đưa theo tiếng lá xào xạc ở trên cao ....
NM Phan thị Ngọc Diệp
Hòa Hải
(Môt Ngày Như Ý)