Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Truyện ngắn về Vĩnh Long

Hát Về Vĩnh Long

Hút hồn vẻ đẹp đảo Nam Du

Giã biệt anh,
Giã biệt chuyến phà, giã biệt anh,
Người em yêu dấu đã không thành....
Em về thương tiếc ân tình cũ,
Giã biệt phà thôi, giã biệt anh !!

Nhìn con nước lớn phẳng lặng trôi,
Những ánh đèn xa cũng xa rồi...
Tưởng như đom đóm tìm mơ ước,
Trao gởi tình em tận cuối trời !

Em sẽ quay về gom nhớ thương,
Không trao người nữa khỏi tơ vương...
Phà không còn nữa, tình không vẹn,
Mạnh mẽ mình em vạn nẻo đường !!
NM

Tranh minh họa: Trần Thắng

Chuyến phà cuối cùng

Dòng nước chảy xiết làm cuốn trôi những đám lục bình thành từng cụm, trên tay Duyên còn nặng cả gánh hàng chưa bán hết. Cô dõi mắt về hướng dòng sông rồi nghĩ ngợi những chuyện vu vơ:
Mình chỉ còn bán được ngày hôm nay thôi, ngày mai sẽ không còn được bán hàng trên chiếc phà này nữa. Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà cầu Cao Lãnh ấy cũng đã xong rồi. Nhanh thật!
Đột nhiên bao nhiêu ký ức năm năm về trước lại ùa về trong tâm hồn của người con gái bé nhỏ như Duyên. Khi nghe tin dự án cầu Cao Lãnh chuẩn bị khởi công thì bà con và người dân nơi đây lại phấn khởi vô cùng.
Khi ấy đôi bờ sẽ được kết nối, hành khách sẽ không còn đợi phà hay chen lấn mỗi khi đông người. Mọi người đều náo nức mong đợi sẽ có được cây cầu tuyệt đẹp. Bản thân Duyên cũng vậy.
Mỗi sáng sớm cô thường dọn hàng ra bến phà để bán. Giọng điệu mời khách của Duyên rất ngọt ngào, dễ mến và gần gũi. Bởi thế lúc nào cô cũng được nhiều người yêu quý và ủng hộ.
Duyên là cô bé mồ côi, từ khi mới lọt lòng Duyên được chú thím Hai đem về nuôi cho tới bây giờ. Chú thím Hai cưới nhau đã gần hai mươi năm mà chưa sinh được đứa con nào cả. Từ khi gặp cô, chú thím vui lắm. Ban đầu thím Hai không biết đặt cho cô tên gì, bà liền nhìn vào mặt cô mà tặc lưỡi:
Ôi! Con bé xinh quá ông Hai nhỉ? Thôi thì con gặp vợ chồng ta như là một cái duyên, ta đặt cho con tên Duyên vậy. Từ nay con sẽ về ở cùng với vợ chồng ta, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
Từ khi có con, chú thím vui lắm. Hễ ai lại nhà thì thím lại khoe rất sung sướng và xem cô như con ruột của mình. Duyên là cô bé rất xinh đẹp, tóc cô lúc nào cũng tỏa ra mùi hương đến kỳ lạ. Đôi mắt long lanh to tròn là điểm rất nổi bật tạo sức thu hút đặc biệt cho mọi người mỗi khi gặp Duyên.
Lòng hiếu thảo của Duyên khiến cho bà con khu vực bến phà ai ai cũng phải thán phục trước nghị lực để vượt qua số phận. Ngay từ nhỏ, Duyên sớm có ý thức học tập và biết phụ giúp cha mẹ những chuyện từ quét nhà, nhặt rau, nấu cơm, giặt giũ cho đến trông coi hàng hóa nên được chú thím Hai rất mực yêu thương.
Cũng có đôi lần bà có ý định cho cô nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình hiện tại quá khó khăn, không đủ chi phí cho cô tiếp tục học tập. Nhưng cũng chính vì lý do Duyên học tập quá xuất sắc nên chú thím cứ thầm nghĩ, lây lất rồi cũng xong cuối cấp thôi.
Ước mong lớn lên, cô sẽ học ngành công tác xã hội bởi vì đơn giản Duyên cũng biết mình là trẻ mồ côi được chú thím đem về nuôi nấng cho đến hôm nay. Thầm nghĩ rằng, nếu không có “cha mẹ nuôi” thì cô đâu còn được sống trên cõi đời này nữa.
Ngoài những giờ phụ cha mẹ bán hàng, Duyên thường đến Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh- nơi có những người già neo đơn, những người không may mắn mắc phải bệnh tâm thần và thương cảm hơn cho những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Duyên bỗng có niềm xúc động dâng trào đến rơi nước mắt. Duyên thường giúp các cô chú ở đây nấu những bữa cơm, chăm sóc cho những trường hợp hết sức đặc biệt. Tuy rất vất vả nhưng đối với Duyên là một niềm hạnh phúc vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho công tác xã hội.
Hạnh phúc cũng đã mỉm cười với Duyên vì cô đã thi đỗ đại học đúng chuyên ngành mình mong muốn. Dẫu biết điều kiện hiện tại của gia đình quá khó khăn, nhưng với ý chí nghị lực của cô bé mới tập tễnh bước vào đời khiến cho Duyên không chùn bước.
Duyên suy nghĩ đến cha mẹ lại là niềm động lực to lớn giúp cô đến với giảng đường đại học. Duyên không hề mặc cảm trước số phận, mà càng tự hào hơn vì đã có cha mẹ bên cạnh. Những ngày nghỉ, Duyên thường phụ mẹ bán hàng.
 Có những lúc cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng, ngồi ngắm lục bình trôi, có khi nhìn gánh hàng ế ẩm, cứ nghĩ cuộc đời mình cũng như những gánh hàng ngả nghiêng kia rồi cứ mặc cho số phận trôi theo thời gian.
Những buổi tối, cô thường ngắm những ánh đèn nơi công trình của cầu Cao Lãnh đang xây dựng. Những âm thanh phát ra từ công trình như là tiếng than âm ỉ dường như mang nhiều tâm sự như cô. Đột nhiên Duyên nhớ về Hoàng- anh chàng kỹ sư xây dựng gốc miền Trung- hay mua nước giải khát của cô kèm theo lời trêu đùa hóm hỉnh:
Cô bé miền Tây bán nước vừa ngon và dễ thương thế, có bớt cho anh không bé?
Thoạt đầu, cô vẫn cười tươi và hiền hòa với Hoàng. Nhưng mỗi lần Hoàng mua nước hầu như lúc nào anh và Duyên đều có một cái nhìn rất kỳ lạ khó có thể giải thích được. Hoàng được phân công nhiệm vụ giám sát công trình của cầu Cao Lãnh.
Hoàng lớn hơn cô sáu tuổi. Anh sinh ra và lớn lên ở miền Trung. Một vùng đất đầy khó khăn, quanh năm phải hứng chịu bao nhiêu thiên tai và lũ lụt. Nghe anh kể về gia đình, có năm quê anh ngập lụt phải chìm trong biển nước.
Vật nuôi chết gần hết, ruộng lúa, hoa màu phải mất trắng. Duyên chạnh lòng và đồng cảm với Hoàng. Buổi tối, Duyên thường thả những chiếc đèn bằng cây, xung quanh bao phủ bằng giấy xuống dòng sông Cao Lãnh hiền hòa mang nặng phù sa bồi đắp, làm cho Hoàng phải suy nghĩ:
Em thả những chiếc đèn này vào buổi tối để làm gì?
Em thả những ước mơ và niềm tin đó anh ạ!
Buồn cười nhỉ! Thế ước mơ của em là gì?
Không phải đơn thuần chỉ để thả đèn trên sông để lấy niềm vui đâu anh. Nó sẽ chở những ước mơ, niềm tin của em đi thật xa, thật xa anh à. Em chỉ mong sao cho cha mẹ nuôi của em được sống hạnh phúc, mạnh khỏe.
Bà con khu vực bến phà này có cuộc sống tốt hơn. Các cô chú trong Trung tâm Công tác xã hội cũng vậy. Còn các trẻ em mồ côi được nô đùa, vui chơi, được học tập đàng hoàng và sau khi tốt nghiệp ra trường em sẽ làm việc ở đó. Trung tâm đã cho em được tình thương yêu của mọi người. Em chỉ ước bấy nhiêu thôi.
Thời gian cứ thế trôi qua, tình cảm của Duyên và Hoàng cũng lớn dần theo năm tháng. Duyên vẫn nuôi ước mơ, hoài bão vẫn đợi chờ Hoàng cũng như đợi chờ chiếc cầu yêu thương nằm trên vùng đất “Sen Hồng” trù phú.
Duyên cũng thường bơi xuồng đưa Hoàng dạo quanh khu vực những con rạch ven sông để được ngắm nhìn những hoa lục bình tim tím đua nở.
Những sắc hoa mang nét đẹp giản dị, thanh khiết chân chất thật thà giống như Duyên. Cô cũng thường hò tặng cho Hoàng nghe những câu ca dao ấm áp nghĩa tình pha lẫn niềm da diết triền miên về Đồng Tháp thanh bình- nơi quê hương cô được sinh ra và lớn lên:
Hò ơi… Ai về Đồng Tháp xa xôi. Cho tôi nhắn gửi…. Hò ơi… cho tôi nhắn gửi đôi lời nhớ nhung…
Đúng như mong đợi, sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, Duyên đã được làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội. Môi trường nơi đây nó đã trở nên quá quen thuộc đối với cô. Cô bắt nhịp với công việc rất nhanh chóng và hiệu quả.
Thỉnh thoảng, Duyên vẫn phụ chú thím Hai bán hàng trên phà. Cũng ngay lúc này, cầu Cao Lãnh đã hoàn tất chỉ chờ ngày thông xe. Bà con lại vừa vui, vừa buồn.
Vui vì đôi bờ được nối liền, buồn vì sẽ không còn được nghe tiếng rao, tiếng hò khi mời khách nữa. Rồi mọi người sẽ sống ra sao khi không còn được buôn bán trên bến phà đầy kỷ niệm? Bà con khu vực bến phà ai ai cũng dần dần chuyển đi nơi khác buôn bán.
Chú thím Hai cũng không ngoại lệ, cũng có ý định sẽ chuyển lên TP Cao Lãnh để sinh sống. Còn Duyên vẫn quyết tâm chờ đợi Hoàng từng ngày, từng ngày khiến cho chú thím Hai lại rơi nước mắt nghẹn cả lòng:
Trời ơi, thằng Hoàng sẽ không quay lại nữa đâu con à, con đừng chờ đợi nó làm chi thêm vô vọng.
Không! Con tin anh ấy sẽ quay lại. Con sẽ chờ, con vẫn bán hàng trên chiếc phà này đến khi nào Ban quản lý thông báo dù chỉ còn một ngày cuối cùng trên chuyến phà này con vẫn bán.
Nói đến ấy, cô lại khóc nhưng thâm tâm vẫn còn chút hy vọng mỏng manh như ngọn đèn lúc cô cùng Hoàng thả trên sông khi có nước len vào sắp tắt.
Cuối cùng cô nhận được tin từ một anh công nhân gần nhà bảo rằng Hoàng đã có vợ và đứa con gái đã năm tuổi. Quá bất ngờ trước sự thật ấy, Duyên đau đớn không thốt nên lời. Thì ra bấy lâu nay cô đã bị lừa.
 Niềm hy vọng về một tình yêu đã dập tắt với biết bao kỷ niệm cùng với người con trai của vùng đất miền Trung. Hôm nay, chỉ còn một ngày duy nhất cô được bán trên chuyến phà nhiều kỷ niệm này.
Những ký ức buổi ban đầu gặp gỡ giữa cô và Hoàng lại hiện hữu. Chuyến phà cuối cùng chiều nay cũng gấp gáp, vội vã để chở những dòng người qua lại.
Giọng rao mời của Duyên như chất chứa nỗi niềm khó diễn tả. Phà Cao Lãnh chiều nay nó lại vắng thưa dần hành khách đã làm tăng thêm nỗi buồn của Duyên nhiều hơn. Bất chợt trên phà Duyên trông thấy thấp thoáng dáng của một người thanh niên rất giống Hoàng.
Hoàng ơi, anh Hoàng ơi…
Cô gọi ai thế, tôi không phải Hoàng!
Vâng, tôi xin lỗi anh, vì tôi thấy phía sau lưng anh trông rất giống một người bạn của tôi.
Thế là chuyến phà cuối cùng đã kết thúc trong sự đợi chờ vô vọng của Duyên. Đan xen vào đó là những cảm xúc tình cảm yêu thương gắn bó biết bao nhiêu năm mưu sinh từ thuở bé cô cùng chú thím Hai buôn bán nơi đây giờ chỉ là kỷ niệm. Cô nhớ nhiều lắm, nhớ bác Năm chạy xe honda ôm, nhớ chị Thủy bán vé số, nhớ dì Tư bán bánh mì thịt, nhớ bé Châu bán yaourt đá,...
Cảnh vật hôm nay sao lạ quá, con nước lớn dường như nó cũng không dâng cao như mọi hôm, mặt nước phẳng lặng cứ trôi nhè nhẹ. Duyên đã chuẩn bị những chiếc đèn mà cô thường thả trên sông vào buổi tối.
 Cũng trên bến sông ấy, kỷ niệm xưa đã khơi gợi cho cô những cảm xúc đau buồn. Từng ngọn đèn li ti sáng trên một khúc sông như những con đom đóm nhỏ vẫn tiếp tục chở những ước mơ nhen nhóm trong tâm hồn của Duyên.
Giờ đây Duyên chỉ thầm nghĩ, sống để chăm lo cho cha mẹ và cống hiến hết mình cho công tác xã hội. Đêm đã buông dần trong bóng tối, Duyên vẫn dõi mắt hướng về bến phà, phía xa là ánh đèn lung linh sắc màu trên cầu Cao Lãnh. Duyên chợt nhớ, lúc chiều cha mẹ có bảo rằng:
Hôm nay là chuyến phà cuối rồi con gái ạ, con tranh thủ về sớm ăn bữa cơm cùng cha mẹ nhé!
Duyên nhanh chóng bước ra về khi lòng còn trĩu nặng những lo toan cuộc sống và vội vã về nhà cùng gia đình để thưởng thức nồi lẩu cá linh bông điên điển, hoa lục bình bùi ngọt qua bàn tay khéo léo của thím Hai mà cô ưa thích.
Lê Hậu 

Nhớ quê,
Thương nhớ dòng sông như nhớ quê,
Thương ngày trôi nổi rất chân quê...
Thương em chân chất, tình tha thiết,
Trở lại dòng sông, trở lại quê !
 Cứ ngỡ quên rồi bao nhớ nhung,
Làm sao nguôi nhớ tấm tình chung...
Dòng sông năm cũ luôn chờ đợi,
Ta vẫn mình ta sống lạnh lùng !!
NM
 Nhớ sông
Ông Ba Khùng mất tích cùng chiếc xuồng câu nhỏ xíu. Không phải lần đầu, chuyện không lạ, nhưng dân xóm Đình đều thương tình đổ xô đi tìm từ đầu vàm đến cuối rạch rồi luồn vào, sục sạo khắp các con mương nhỏ.
Tội nghiệp thằng Hai Cua Đồng, nó chạy loanh quanh khắp xóm, miệng cứ kêu hoài ba ơi, ba à, ba trở về với con.
****
*****
Trước đây, khi Ba Khùng sống độc thân trên chiến ghe thương hồ nhỏ. Dân thương hồ quen gọi ông bằng cái tên Ba Dưa Leo. Tính tình của Ba Dưa Leo hơi khác thường, lúc nắng, lúc mưa, vui buồn bất chợt, mới thấy xởi lởi mời khách thì vội ngồi thừ ra, buồn như kẻ mất hồn.
Trên chiếc ghe thương hồ nhỏ xíu đó, y không cần buôn bán nhiều, dường như chỉ đủ để kiếm hai bữa cơm và vài xị rượu đế.
Bao giờ trong buổi cơm chiều y cũng uống rượu bằng cái thói quen rất khác dân thương hồ: Uống rượu một mình. Có bữa, khi màn đêm buông xuống, Ba Dưa Leo ngồi trước mũi ca mấy câu vọng cổ nghe buồn như có ai đang rứt khúc ruột mình ra.
Hồi đó, cũng trên chiếc ghe thương hồ nhỏ xíu này có tới bốn con người cùng sinh sống: đôi vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Nhưng đứa con gái đầu lòng vắn số chết lúc lên sáu trong lần bị bệnh sốt xuất huyết.
Chiếc ghe nhỏ còn lại ba người, vẫn chật. Những buổi chiều neo đậu, cạnh mấy chiếc ghe thương hồ lớn, thấy vợ ngồi ôm con mà mắt cứ nhìn hoài qua đó vẻ thèm thuồng, người đàn ông nghe tủi. Ông không ngại khó, không sợ cực, làm thì đầu tắt mặt tối mà không hiểu sao cái nghèo cứ ôm riết lấy.
Nhiều đêm, ông ngồi trước mũi ghe cho tới khuya, nhìn trời nước mênh mông mà suy nghĩ về cha, về mẹ, về bản thân, về vợ con- những con người đã và đang bươn chải trong cuộc sống thương hồ lang bạt. Và những lần như thế, lòng ông chợt dậy lên nỗi thèm muốn. Ông mơ có một chiếc ghe lớn, có phòng ngủ, có nhà bếp, có cái ti vi nhỏ xem thời sự, coi cải lương.
Trên mui ghe, ông sẽ mắc hai cái võng, chiều vợ chồng ngả lưng nghe gió thổi. Rồi ông sẽ nuôi thêm hai con chó, nó sẽ đùa giỡn, nó sẽ sủa râm ran,… Nhưng khi trở về với thực tại với chiếc ghe nhỏ hai bên be sờn như cá rô rỉa, cái sạp xỉn màu, mui ghe thấp tè, chật chội,… thì nỗi buồn bỗng ngùn ngụt kéo về, cứa xót lòng xót dạ.
Chắc không sống nổi với cảnh nghèo nên người đàn bà đã bỏ đi trong một buổi chợ khuya. Người ta đồn bà cuốn gói theo ông chủ vựa trái cây ở Cái Bè, người thì nói bà mê tiền, chịu làm vợ ông chủ ghe thủ giàu xụ ở Lái Thiêu,…
Từ đó, mỗi sáng, người đàn ông một mình đón mua rau cải để bán lại trong cái nhịp nhàng của cuộc mưu sinh trên sông nước.
Chiều, ông ngồi cạnh đứa con trai nhỏ bên mâm cơm nguội lạnh bằng hai hố mắt trũng sâu gần như vô hồn.
Ông không khóc! Không, chắc nước mắt ông đã cạn. Và cũng kể từ đó, một gia đình, dù nhỏ, nhưng không có bóng dáng người đàn bà bỗng trở nên lạnh lẽo và vắng ngắt. Một chiếc ghe nhỏ, hai cái bóng nương tựa vào nhau bên những buổi chợ đông rồi lặng lẽ nhìn hoàng hôn rơi trên sông trong những buổi chiều vắng khách.
Người đàn ông ngã bệnh rồi qua đời bỏ lại thằng con trai mười bốn tuổi đầu, côi cút, vật lộn với chợ đời nhiều cạm bẫy.
Nó, thằng Ba Dưa Leo ít nói, tính khí thất thường, hơi gàn gàn trong cái nhìn của mọi người đã trôi nổi khắp trăm ngàn con sông, con rạch. Có những buổi chiều mưa, thằng Ba ngồi một mình, đơn côi bên dòng sông lạnh, nghe nước mắt rớt dài, lăn nóng hổi trên vai.
Rồi trên bước đường rong ruổi đó, người đàn ông trung niên- Ba Dưa Leo- tình cờ gặp được Hai Chà Uôl- một cô gái lỡ thời, sống trên bờ, dưới chân cầu đúc, làm nghề đi lượm ve chai, sắt vụn.
Tính tình Chà Uôl hiền và thiệt thà đến mức hơi bị khờ. Nhưng có những đêm cô đã đủ tỉnh táo vét cạn túi cho cái bọn lưu manh, say lúy túy đang khát tình để chúng quên đi cái quý giá nhất mà người phụ nữ đang có.
Chiều hôm đó, chắc do duyên số khiến hai người gặp nhau. Ba Dưa Leo đã làm một việc trượng nghĩa, dắt cô gái bụng đói meo đang ngồi khóc thút thít ở dạ cầu về ghe cho một bữa cơm. Và… thêm mười mấy buổi chiều như vậy nữa, họ đã cảm thông và thực sự là của nhau.
Từ khi chiếc ghe thương hồ có người đàn bà, Ba Dưa Leo siêng hớt tóc, cạo râu, ít uống rượu và mái ấm trên sông có được tiếng cười. Sáng, vợ chồng nhắc nhau dậy sớm để kịp đón mua rau cải từ vườn mang ra. Chiều, vợ bắc nồi cơm, nhắc chồng đi tắm. Cái chuyện tưởng chừng như rất thường ấy vậy mà trước đây chàng Ba hay bị… quên, có khi hai, ba ngày không tắm.
Có hôm vui miệng, vợ thủ thỉ với chồng: “Hồi nhỏ em tên Ngọc. Tại èo ọt quá nên má đem “cho” ông Lục, ổng đặt lại tên Chà Uôl cho dễ nuôi. Cũng nhờ vậy mà em mới mạnh giỏi cho tới bây giờ…”. “Vậy mơi mốt tui kêu mình là Ngọc cho đẹp, nghen, bà xã!” Họ nhìn nhau, cười. Tiếng cười của họ nhỏ, nhẹ, chỉ đủ hòa cùng tiếng sóng vỗ lách tách vào mạn thuyền nhưng ngân nga mãi không thôi.
Hạnh phúc của người nghèo rất đơn giản. Đêm đêm, họ ôm quấn lấy nhau mà ngủ. Chỉ cần một con sóng nhẹ cũng đủ làm cho chiếc ghe nhỏ xíu chòng chành khiến họ nằm úp lên nhau mà tận hưởng cái hạnh phúc không chỉ dành riêng cho kẻ giàu.
Hơn năm sau, người đàn bà bỗng nghe thèm chua, trong bữa cơm thường nôn ọe. Ông chồng luýnh quýnh: “Mình… mình bị bệnh sao vậy? Để tui lên bờ, chạy tới ông bác sĩ Minh mua thuốc”.
Chà Uôl thẹn thùng chỉ tay xuống bụng: “Nè, tại cái thằng Dưa Leo nhỏ đang quậy phá nè!” Tin vui đến quá đột ngột khiến chàng Ba ngẩn người rồi giả bộ bò ra trước mũi treo cây bẹo để giấu nụ cười.
Chàng ta ca vống lên mấy câu rồi ngồi bệt xuống sạp tưởng tượng đến cái ngày vợ chồng gọi nhau là ba sấp nhỏ ơi, má sấp nhỏ à. Nghe lạ mà vui thiệt! Ông tủm tỉm cười một mình.
Người đàn bà trở dạ trong một đêm mưa, đúng lúc đang neo đậu ở chợ nổi Trà Ôn, không xa bệnh viện. Nhưng… lên bờ không kịp, cũng may, nhờ thím Sáu chở hàng bông, năm con, nhiều kinh nghiệm sang đỡ, giúp Chà Uôl qua lần vượt cạn.
Lúc này, ông chợt nhớ tới câu hát ru con của một bà thím nào đó, trên một bến sông nào đó không rõ: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” nên ở trước mũi, người đàn ông cứ thấp thỏm, bụng bồn chồn muốn lộn cả ruột gan. Một lúc sau, có tiếng con nít khóc thét và cái giọng hồ hởi của “bà mụ” bất đắc dĩ: “Chèn ơi, một thằng cu.
Chú Ba ơi, vô đây, thằng nhỏ đã lắm, mình mẩy sạch trơn hà. Mà, hồi nào tới giờ tui mới thấy, đàn bà sanh con ít ai được cái nết như thím đây, nằm im re, hổng rên la, rặn hai hơi là ra liền. Gặp mấy bà xấu nết thì phải biết. Đau quá mấy bả hay chửi bậy, có khi còn ngắt véo ông chồng nổi cục, bầm tím luôn”.
Ba Dưa Leo như mở cờ trong bụng, bò vào trong mui nói lời cảm ơn. Thím Sáu cười: “Ơn nghĩa gì, để tui về bển kêu ổng qua phụ đưa hai má con lên bệnh viện nhờ bác sĩ làm thuốc”.
Ba ngày nữa là thằng bé tròn thôi nôi, vợ chồng bàn với nhau mua con vịt nấu cháo cúng ông bà, cảm ơn “bà cậu” che chở, hộ độ cho thằng nhỏ mạnh giỏi, mọi việc đều tai qua nạn khỏi.
Nhưng… chạng vạng ngày hôm đó, vợ chồng ông giong ghe từ Trà Ôn qua Cái Răng, đến giữa sông Hậu, người vợ đang ngồi trước mũi không biết bị gió máy gì, bỗng nhiên giật người mấy cái rồi ngã nhào xuống nước.
Ba Dưa Leo buông máy, phóng liền xuống theo nhưng… vẫn không kịp. Vợ ông đã mất biệt trong dòng nước sâu. Mấy người bạn thương hồ kéo tới, mướn vỏ lãi chạy kiếm khắp nơi nhưng cuối cùng cũng tìm không thấy xác.
Không mẹ, thằng bé khóc ngằn ngặt. Nhìn chiếc ghe nhỏ, vắng ngắt, dân thương hồ mủi lòng khóc theo. Nhưng người chồng không khóc, gương mặt ông trơ ra như đá. Chỉ có cái lưng trần của ông là cong oằn xuống khi ngồi đốt xấp vàng mã bằng đôi tay gân guốc, run lẩy bẩy.
Trước mũi, từng tờ giấy cháy lóe chút ánh sáng rồi lụi xuống, tắt nghỉm. Ông chới với nhìn tàn tro bị gió thổi thốc lên, chờn vờn rồi đáp xuống, lịm dần trong dòng nước sâu, thăm thẳm như không đáy. Ông không nói chuyện kể từ đó, chỉ thỉnh thoảng thảng thốt kêu lên: “Ngọc ơi! Ngọc ơi!...”.
Vợ không nhớ mà kêu tên ai nghe lạ hoắc, người ta nói ông bị khùng, kêu Ba Khùng, ông mặc kệ. Mấy người bạn thương hồ tốt bụng sợ ông lơ lơ, đễnh đễnh hoài như vầy mà sống trên ghe rất nguy hiểm. Nguy nhất là thằng bé, sống với người cha không tỉnh táo sơ sẩy té xuống sông là mất mạng. Họ bàn nhau kiếm nhà trên bờ giúp ông ổn định lại tinh thần.
Ông Từ thương tình, cho hai cha con ở nhờ nhà khói của đình. Sống ở xóm Đình, ai nói gì, hỏi gì ông cũng im lặng, mặc kệ. Ông mặc kệ luôn cả cái tên của thằng con trai. Chòm xóm thông cảm, không giận nhưng không biết gọi nó là gì, kêu đại thằng Hai cho dễ nhớ.
Từ đó, cái ghe hàng nhỏ xíu trở thành ghe câu. Những lúc “tỉnh” nhất, ông bơi ghe, đi cả đêm, mờ sáng đem cá ra chợ xã, bạn hàng đón mua, trả cho bao nhiêu tiền ông cũng gật đầu.
Mặc kệ! Thằng Hai mới sáu, bảy tuổi là đã biết ra đồng bắt cua đem bán. Nó quen nết của ông, được trả bao nhiêu cũng gật đầu cảm ơn. Thấy thằng Hai mê cua, sáng bắt cua, chiều cũng bắt cua, người ta kêu ghẹo là Cua Đồng, Hai Cua Đồng, chết danh luôn.
Thằng Hai mười tám tuổi, ông Ba Khùng già yếu lại thêm cái bệnh lảng tai. Bệnh khùng thì xem ra ngày một nặng hơn. Có hôm, đang giữa trưa, ổng chụp cây dầm vội vã xuống bến, ngơ ngác bơi xuồng khắp xóm rao bán dưa leo, bắp cải.
Tụi con nít thấy ngộ, chạy dài theo hai bên bờ reo hò, cười bể xóm. Thằng Hai cũng chạy theo, kêu ba ơi, ba à.
Ổng không thèm ngó: “Ngọc ơi, đói bụng chưa? Xuống ghe ăn cơm chung với tui nè, cho vui!” Ổng nói mà con mắt thì trõm lơ, ngơ ngác, trống không. Mấy bà già thấy thương tình, kêu: “Cua Đồng ơi, ráng chạy theo giữ ổng, để hoài kiểu này có bữa té xuống sông là chết như chơi”.
Thỉnh thoảng, ông Ba Khùng ra sau hè, đến bên chiếc ghe thương hồ mục nát, giờ đã đổ đầy rác để trồng hành nói lảm nhảm điều gì không rõ y như đang tâm tình với người bạn cũ lâu ngày không gặp.
Người không hiểu chuyện nói ổng khùng nhưng chỉ có Cua Đồng, thằng con, là máu mủ mới hiểu được đó là những phút giây ba mình tỉnh táo nhất. Có hôm ông ra mé sông, ngồi cặp bụi bình bát, cầm xấp vàng mã đốt.
Những lúc như vậy, mặt ông nhăn nhúm lại, mắt rịn nước như thể lòng đang đau, đang rát bởi tàn tro đang xát vào những vết xước trong lòng. Rồi ông khẽ khàng trở vào chái bếp, bật quẹt, miệng thổi phù nắm lá dừa, lẩm bẩm: “Nấu cơm cho Ngọc! Ngọc đói bụng rồi!”
Nhưng có một buổi chiều, gió chướng trở ngọn thổi riu riu trên đọt cây dưới bến, nhìn thằng con đang nhen lửa bữa cơm, chợt ông Ba tặc lưỡi, mắt khắc khoải ngó xa xăm: “Chà, ăn cơm chiều mà được ngồi trên ghe, nghe gió thổi lồng lộng, nghe mấy ông bạn già cả đời lênh đênh khắp xứ nói chuyện tầm phào thì sướng thiệt!”
Thằng con day lại thấy mái tóc đã bạc đang lất phất trong con gió lạc bầy, cô đơn. Chợt ông già ứ hự một tiếng nhỏ: “Ừ mà… coi chợ nổi đông đúc vậy chớ đời thương hồ dễ buồn, dễ tủi, dễ cô đơn lắm.
Sống dưới ghe, cả đời trên sông làm sao có bạn bè đông như người trên bờ được! Vậy mà, lại có những người khi không lại coi chiếc ghe là mái nhà, muốn được ở hoài trong nhà, xa nó thì nhớ, nhớ thiếu điều muốn rớt nước mắt ra luôn.
Vậy mới kỳ!” Thằng Hai hết giật mình đến kinh ngạc khi nghe những lời nói bông khơi của ba mình. Nó trố mắt: Trời ơi, hổng lẽ ông già?... Bất chợt Hai Cua Đồng nghe mắt mình rơi xuống vài giọt mặn, cay cay, xót xót.
Sau hôm đó, chiều nào thằng con cũng ngồi nghe những lời tâm tình, đứt quãng, chấp vá của ba mình. Người không hiểu, nói ông Ba bị khùng. Nhưng nếu chịu khó góp nhặt và sắp xếp chúng lại thì ta mới hiểu và thông cảm cho ước nguyện của một con người trót đã sinh ra, từng sống và bươn chải trên sông.
Có khi ông còn cao hứng hò mấy câu: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh có thương em thì cho bạc cho tiền. Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”; “Đường trường nước chảy trong veo. Thương em chẳng nệ mái chèo ngược xuôi”.
Một buổi sáng, Hai dậy sớm, thấy ba mình đang lui cui tưới mấy bụi hành trong chiếc ghe thương hồ cũ sau hè. Anh đến bên thủ thỉ: “Ba ơi, vài bữa nữa mình xuống ghe, ở luôn, nghen ba! Con đã dọ mua một chiếc ghe cũ rồi. Mơi mốt ba dạy con mua bán, hen!”
Ông già chưng hửng, ngó thằng con, nước mắt ông rịn ra: “Ờ, ờ bắt ở trên bờ hoài tao nghe nhớ sông lắm rồi. Còn má mầy nữa, hổng biết bây giờ hồn bả đang trôi nổi ở đâu. Cha con mình phải đi kiếm bả dìa, Giang ơi!”
Hai Cua Đồng tên Giang. Gần hai mươi năm rồi anh mới biết tên thật của mình. Anh chạy lại, ôm chầm lấy người cha già, hôn vào đôi bàn tay thô, nức nẻ mà nức nở, nghẹn ngào. Người đàn ông cúi xuống nhìn thằng con trai bằng đôi mắt xốn xang.
Có lẽ lòng ông đang thức dậy một thứ gì đó đã ngủ yên hay thỉnh thoảng chập chờn như trong cơn say chếnh choáng. Ông thẫn thờ buột miệng: “Giang ơi! Trường Giang ơi! Con sẽ mãi mãi là sông, dòng sông dài bất tận”.
Nguyên Linh 

Thương quê thương cả quà quê,
Đường xa vẫn giữ tình quê trong hồn !
NM

Tam Hợi vàng 

“Ở xứ Lung Lá, tưởng gì không có chớ cá phi mùa này thiếu cha gì! Tao đánh một dạo lưới mặc sức cho mà ăn”.

Đó là lời giới thiệu của chú Út tôi. Bất kỳ ai khi mới nghe qua lời giới thiệu ấy mà chưa đến xứ Lung Lá thì cứ tưởng đó là lời nói dóc. Nhưng không, lời nói của chú Út tôi có thật trăm phần trăm. Có lần tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó.

Chiều mùng năm tháng năm, ngoài trời mưa lâm nhâm, những đám mây đen kịn cứ cuồn cuộn kéo đến. Chú Út biết ngày mai tôi trở về Vĩnh Long nên gọi điện rủ tôi đi thả lưới ở dưới vuông nuôi tôm sú để bắt cá phi mang về nhà ăn. Cánh đồng nuôi tôm rộng mênh mông. Mỗi vuông nuôi tôm có diện tích hàng chục công (tầm lớn), xa xa mọc lên cái chòi nhỏ được lợp bằng lá dừa nước. Đó là cái chòi của người dân ở để giữ tôm.
Đúng hẹn, tôi lội ra tới bờ kinh xáng. Lúc đang nhìn dáo dác xung quanh thì từ xa tôi đã thấy chú Út đang bì bõm lội dưới vuông thả lưới. Vừa thả lưới xong, chú quây lại móc đất sình quăng xung quanh hai bên chỗ thả tai lưới. Lúc đó, trời cũng đã dứt hột mưa. Tôi đang đứng trên bờ vuông thấy mấy con cá đâm vào lưới vẫy tung tóe nước thật thích. Đang lúc tôi say sưa ngắm nhìn, thì chú Út bảo tôi:
- Xách cái xô lội xuống đây!
Chú Út còn cẩn thận dặn tôi:
- Mầy lội từ từ thôi, coi chừng đạp phải miểng ốc đó nghen. Ba cái con chuột, nó ăn mấy con ốc bươu vàng, rồi tha bỏ vỏ tùm lum tùm la hết trơn hà. Đi không khéo là đứt chưn như chơi nghen!
Tôi cầm cái xô từ từ lội xuống vuông. Tôi lội đến chỗ điểm đầu của tai lưới, nơi chú Út đang đứng chờ. Chú Út kéo nhẹ một đầu tai lưới đưa lên khỏi mặt nước, cá phi dính dày bịt, có đùm, có đùm, con nào con nấy to đùng vậy đó. Chúng nhảy loạn xì ngầu trên tai lưới. Chú Út đưa một đầu tai lưới cho tôi rồi nói:
- Mày cuốn lưới đi, để tao gỡ cá cho mau. Mầy không biết gỡ, cá đâm vào tay đó.
Chú Út đi trước gỡ cá. Tôi đi phía sau vừa cuốn lưới, vừa vịn cái xô đựng cá từ từ đẩy đi. Tai lưới ba màng dài độ chừng trăm mét. Chúng tôi gỡ gần một tiếng đồng hồ mà chưa được phân nửa tai lưới. Thỉnh thoảng, tôi thấy xót ruột, nên tôi nghĩ ra cách dùng hai chân kẹp cái xô rồi gỡ cá phụ ổng cho mau. Tay tôi vừa đụng vào con cá, nó lại nhảy lách chách, cuốn tròn tai lưới, vây nó đâm vào tay tôi rướm máu. Thấy vậy, chú Út trách:
- Thấy chưa, tao đã nói rồi mà mày không chịu nghe. Coi vậy chớ nó đâm nhức thấy mồ tổ luôn à nghen.
Chỗ chúng tôi thả lưới chỉ cách nhà thằng Trạng chừng vài trăm mét. Một căn nhà lá cất trên bờ kinh xáng, xung quanh toàn là những vuông nuôi tôm theo kiểu thả nuôi tự nhiên. Thằng Trạng ra đứng phía sau hè, thấy chúng tôi đang cặm cụi gỡ cá, nó chụm hai tay lại để trước miệng gọi thật lớn:
- Ui! Ui! Giăng lưới xong, ông với anh Ba vô nhà tui bàn công chuyện chút nghen!
- Ừa!
Chú Út ngước mặt lên trả lời thằng Trạng. Nhìn vẻ mặt của chú, tôi đoán là ổng biết thằng Trạng kêu nói chuyện gì. Nhưng tôi giả bộ không biết và hỏi:
- Nó kêu mình vô trỏng không biết có chuyện gì hông cà?
Chú Út đưa mắt nhìn tôi, chú cười khanh khách rồi nói với tôi:
- Có chuyện gì đâu mầy ơi! Nó kêu mình vô nhậu đó! Hôm nay là mùng năm tháng năm. Chắc nó có làm món gì đó cúng nên nó mới gọi tao với mầy. Thôi, tranh thủ gỡ nhanh rồi tao với mầy vô nó chơi một chút hen.
- Ừa, đi thì đi!
Nội tôi có hết thảy mười người con. Ba tôi thứ hai, má của thằng Trạng thứ ba, chú Út là thứ mười một. Mặc dù chú Út vai lớn, nhưng tôi, chú Út và thằng Trạng đều có cùng một tuổi- tuổi Hợi, mà là Quý Hợi nữa chớ. Từ nhỏ chúng tôi chơi thân với nhau như thể bạn bè và thường gọi nhau là “mày- tao”. Mặc dù cả ba đứa chúng tôi chơi rất thân, nhưng cũng không ít lần xảy ra mâu thuẫn, thậm chí còn đánh lộn nhau chỉ vì tranh giành đồ chơi. Tôi nhớ như in, có lần chúng tôi đang chơi bắn đạn cu li, bỗng dưng chú Út lượm được một viên đạn ở gần đó. Thấy vậy, tôi và thằng Trạng nhảy vô giành phần là của mình. Còn chú Út cứ khăng khăng khẳng định viên đạn cu li ấy là của chú vì chú lượm. Cả ba đứa giằng co mãi, không ai chịu nhường cho ai cả. Một lát sau, chú Út sợ tôi và thằng Trạng giựt lấy, nên chú cẩn thận giấu viên đạn vào người. Thằng Trạng vốn nóng tính nên khi biết chuyện liền nhào tới vật chú Út ngã xuống đất để tìm lấy viên đạn. Chú Út mếu máo khóc rồi đi tìm ông nội để méc chuyện.
Lúc đó, mọi người thường ví ba chúng tôi là những “heo vàng”, có người còn bảo “số mấy thằng này khi lớn lên sẽ sung sướng, “heo vàng” mà!” Xưa nay ông bà ta vẫn thường nói vậy. Nhưng tôi thấy cái tuổi chẳng có liên quan gì đến số phận của con người. Điển hình sờ sờ trước mắt đây, chẳng phải cả ba chúng đều là tuổi con “heo vàng” đó sao, nhưng bây giờ có ai được sống sung sướng đâu? Đứa nào đứa nấy cực khổ thấy mồ. Cực nhất là thằng Trạng. Nó là trụ cột trong gia đình. Hàng ngày, nó phải thức khuya dậy sớm để đi giăng câu, thả lưới kiếm sống qua ngày. Kế đến là chú Út, quanh năm bám ruộng tôm. Nhưng lâu nay chú có được mấy lần nuôi trúng vụ, toàn là thất mùa.
Hồi học tiểu học, thằng Trạng nổi tiếng lười học. Mang tiếng đi học mà nó cứ trốn đi chơi, không vào lớp học. Một hôm, cô Ba biết được lôi nó ra đánh một trận no đòn. Kể từ đó, nó không dám trốn học nữa. Nó chuyển sang ngủ gục trong lớp. Thầy giáo đang giảng bài, nó lén nằm úp mặt trên bàn ngủ. Đến khi thầy gọi lên hỏi thì nó cứ ú ớ trả lời bằng điệp khúc “Dạ thưa thầy! Con không biết.” Thế rồi học hết bậc tiểu học, thằng Trạng xin nghỉ học theo dượng Ba làm nghề cá.
Chú Út thì đỡ hơn, chú chịu khó học hành đàng hoàng. Nhưng hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, các cô, các chú đều lập gia đình và ra ở riêng. Chỉ còn có mình chú ở với ông bà nội. Trong khi đó, ông bà nội đã lớn tuổi, vuông tôm thì không ai trông coi. Cho nên học hết lớp 11, chú Út xin nghỉ học để ở nhà lo phụ giúp gia đình.
Tôi thì may mắn hơn. Tôi được ba má cho ăn học đến nơi đến chốn. Học hết phổ thông, tôi thi đậu vào đại học. Tôi học bốn năm rồi tốt nghiệp và xin về công tác ở Vĩnh Long. Vì công tác xa quê, nên lâu lâu có dịp tôi mới trở về thăm quê một lần.
Khi tôi và chú Út gỡ cá xong, được hơn phân nửa “thùng bê” (loại thùng sơn tường 18 lít- BT). Chú Út dành phần rinh thùng cá, chú giao nhiệm vụ cho tôi xách tai lưới. Hai chú cháu đi một mạch vào nhà của thằng Trạng. Vào đến nơi, chú Út để thùng cá ngay giữa sân rồi xuống sàn nước dưới mé sông rửa chân. Tôi đưa mắt nhìn trên bộ ván ở ngay hàng ba thì thấy thằng Trạng đã bày biện sẵn thức ăn. Một tô canh chua cơm mẻ cá lóc nấu với năn bộp và bông súng Đà Lạt; dĩa bánh xèo, kèm dĩa rau sống gồm lá cách, lá cát lồi, đọt sộp non; một chai rượu đế. Thằng Trạng đang ngồi xếp bằng trên bộ ván chờ chúng tôi. Đôi bàn chân của nó lộ lên những vết chai sần cứng như đá. Vừa thấy tôi và chú Út, thằng Trạng cười thật tươi rồi bảo:
- Vô đây, mình làm sương sương một chút rồi về!
Chú Út gặng hỏi:
- Có mồi gì bén hông mậy?
Nghe tiếng chú Út hỏi, thằng Thưởng từ trong nhà chạy ra khoe:
- Nhóc luôn ông cậu. Có con rắn bông súng bự chà bá lửa luôn.
Chú Út cười khà khà, rồi hỏi tiếp:
- Thiệt không mậy?
- Nói thiệt đó. Hổng tin, ông cậu vô đây coi đi!
Thằng Trạng ngắt lời con:
- Nói dóc quá ông ơi! Con rắn bông súng chừng hơn nửa ký hà. Tui mới giăng lưới bắt được hồi khuya. Để một lát, tui đập đầu đem đi nướng mọi nhậu hen.
Vừa ngồi vào bộ ván, chú Út sực nhớ:
- Quên nữa! Thùng cá để ở đây đợi tới mình nhậu xong thì cá chết hết. Nếu cá chết thì sẽ mất ngon.
Thằng Trạng đưa ra ý kiến:
- Để tui kêu bà Cụm lấy vỏ lãi chạy chở thùng cá vô trỏng cho chị Ba chỉ mần!
Vừa nói xong, thằng Trạng quay mặt vào hướng nhà bếp, gọi vợ:
- Bà Cụm ơi, lên đây nói nghe nè!
- Có chuyện gì vậy ông Cụm?
Thu Trang- vợ thằng Trạng- dưới bếp đi lên và hỏi. Thấy tôi, Thu Trang chựng lại hỏi:
- Bộ ngày mai hia về Vĩnh Long hả hia?
- Ừ.
- Ổng dọn mồi sẵn nãy giờ để chờ cậu Út và hia đó!
Thằng Trạng bảo vợ:
- Em lấy vỏ chạy chở thùng cá vô trỏng cho chị Ba chỉ mần giùm anh Ba coi.
- Ờ, ông Cụm khiêng thùng cá xuống vỏ giùm đi!
Thằng Trạng liền bước ra sân khiêng thùng cá để xuống vỏ lãi cho vợ. Xong, nó quay trở lên bảo:
- Xong rồi, anh Ba cứ yên tâm mà nhậu hen. Hôm nay tụi mình quất một trận tới bến mới được à nghen anh Ba.
- Uống vừa vừa thôi, mai tao còn phải về Vĩnh Long nữa.
Thằng Trạng tặc lưỡi:
- Đâu có được anh. Lâu lâu anh mới về quê một lần mà. Phải uống cho quắc cần câu mới được.
Chú Út ngắt lời:
- Thôi, hổm rày tụi mình nhậu nhiều rồi. Hôm nay, thằng Ba nó uống được bi nhiêu hay bấy nhiêu. Mai nó còn chạy xe về Vĩnh Long. Đường xá xa xôi. Vả lại, đi xe cộ giờ nguy hiểm lắm mấy cha ơi!
Lần nào tôi về thăm quê cũng vậy, chú Út và thằng Trạng hay tin trước là hai người tổ chức đi kiếm mồi chuẩn bị sẵn. Cá lóc, ếch, lươn, lịch, rắn… Thằng Trạng hay chú Út hễ ai kiếm được con gì thì rọng lại chờ đến ngày tôi về quê là mần mồi nhậu. Ở xứ Lung Lá này, cá lóc kiếm dễ ợt hà. Hơn nữa, thằng Trạng là người sát cá. Ban đêm nó xách đèn pin đi soi nhái con rồi ra vuông cắm mấy cần câu hoặc đi đặt lọp thì sáng hôm sau chắc chắn sẽ dính cá lóc.
So với chú Út và thằng Trạng thì tửu lượng của tôi còn thua xa. Hai người còn tỉnh queo, trong khi đó tôi cảm thấy mình đã thấm mệt. Cho nên tôi xin được nghỉ trước để về còn chuẩn bị đồ đạc sáng mai về Vĩnh Long. Cả hai người đều đồng ý cho tôi nghỉ, nhưng với điều kiện phải uống một ly chia tay. Tôi đồng ý. Uống xong, chú Út bảo:
- Mầy ngồi đây đợi một chút để tao chạy vỏ chở mày vào trỏng, chớ mầy đi bộ biết chừng nào tới.
- Ông đi đâu vậy?
- Tao ra vuông một chút xíu vô liền hà!
Chú Út đi vô chỗ cây nước, chú mượn cái thùng mốp của thằng Trạng rồi đi thẳng ra vuông. Thằng Trạng cũng đang lui cui bắt mấy con cá lóc bỏ vào cái bao bằng lưới, cột miệng thật chặt. Xong, nó vào nhà sau lấy keo mắm cá chốt. Nó xách cá lóc và keo mắm ra để ở hàng ba, nói với tôi:
- Ông xách keo mắm và mấy con cá về trển ăn lấy thảo với tui hen.
- Sao mầy không để bán?
Thằng Trạng nhún vai phớt lờ:
- Bán có được bi nhiêu tiền đâu. Lâu lâu ông mới về quê, gởi ông ăn lấy thảo vậy mà!
Một lát sau, chú Út xách thùng mốp vô tới. Chú đặt thùng mốp trước mặt tôi rồi nói:
- Mầy kiếm cái gì đựng mấy con tôm mang về trỏng ướp nước đá. Sáng mai, mày xách về trển ăn.
Tôi nhìn trong thùng mốp có khoảng hai ký tôm sú cỡ ba mươi lăm con một ký. Thì ra nãy giờ chú đi ra vuông giở nò bắt tôm cho tôi. Thằng Trạng kiếm đâu ra cái bọc dài đưa tôi. Mặc dù, đã ngà ngà say, nhưng tôi vẫn thấy rành rõi và bắt từng con một cho vào cái bọc. Lúc tôi đang chăm chú bắt tôm, chú Út hối thúc:
- Nhanh lên, kẻo trời tối tao không thấy đường chạy máy đó nghen!
- Xong rồi nè!
Tôi và chú Út xuống vỏ lãi. Chú Út cầm cần máy để xoay chân vịt qua, lại. Tôi thì cầm cây dầm bơi cho chiếc vỏ ra giữa sông. Lúc chuẩn bị giựt máy, chú còn căn dặn tôi:
- Tôm này, mầy đem về trển muốn làm món gì thì làm. Nhưng mày nhớ đừng có nướng nhen…
Nguyễn văn Dô