Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Con cua đồng

Nỗi nhớ cua đồng ơi,
Cua đồng ơi, tuổi thơ tôi,
Ngọt ngào thay vị mồng tơi cua đồng...
Những ngày xa xứ xa sông,
Hương đồng cỏ nội mênh mông... nhớ nhà !
Bình dị thay, ngày hôm qua,
Xốn xang khói bếp la đà hương rơm...
Tình quê xao xuyến trong tim,
Hồn quê da diết nỗi niềm khôn nguôi !!
NM
 

Cả tuổi thơ dữ dội cùng bè bạn tôi đã gửi lại chốn quê. Nơi những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ, nỗi nhọc nhằn của cha làm lên bông lúa trĩu vàng, nơi tiếng ếch ồm ộp đêm đêm đã thâu lại thành khúc hát nhớ thương da diết. Để rồi mỗi lần muốn trốn chạy sự căng thẳng, áp lực cuộc sống hiện tại, tôi lại lục tung những kí ức trở về với tuổi thơ ngọt ngào trong năm tháng đã qua. Kỉ niệm cứ lao xao trong miền nhớ nhung như vừa mới xảy ra từ hôm qua vậy. Trong tất tần tật kỉ niệm chẳng thể phai mờ, những trưa hè cùng bè bạn bắt cua nơi cánh đồng chẳng hiểu sao cứ làm tôi nhung nhớ lạ lùng.

Cua đồng vốn là con vật chẳng xa lạ gì với lũ trẻ chúng tôi. Tôi còn nhớ như in vào những ngày tháng sáu, ông trời giận dữ ai trút nóng bức xuống trần gian. Âý thế mà chúng tôi chẳng sợ cái nóng đáng sợ ấy. Buổi trưa, chẳng ai bảo ai, mỗi đứa mang một chiếc giỏ ra đồng kiếm con cua về cho mẹ nấu bát canh. Lỗ cua thường cao hơn mép nước một chút. Bên ngoài lỗ có lớp bùn mỏng và một chút đất tơi xốp gọi là mà cua. Mỗi lỗ thường có một con cua. Có lỗ có hai, ba con. Có khi chẳng có con nào mà chỉ có lươn hoặc rắn nước. Mỗi lần thò tay móc được chú cua đang ẩn mình trong lỗ là vui phải biết. Nhưng đôi khi hét toáng lên vì sợ hãi khi móc phải con rắn nước đang thè chiếc lưỡi dài như thể đang rất đói. Cảm xúc cứ đan xen lẫn lộn.

Cua đồng giản dị như tên của nó vậy. Thân màu nâu, có hai càng: một càng to và một càng nhỏ và quen bò ngang. Thế nên các cụ ta thường hay nói: “Ngang như cua kềnh” để chỉ những ai có tính cách ngang bướng, ngỗ nghịch. Khi nào, ông mặt trời dịu lại. Dòng nước mát mẻ trong lành. Những chú cua lại hẹn nhau rời nhà để dạo chơi, rong ruổi quanh ruộng lúa. Những lúc ấy, chúng thật hiền lành, ngoan ngoãn lạ kì. Tôi khẽ khàng bước tới là đã tóm gọn cho vào giỏ mang về. Giỏ cua đầy ắp mang trong niềm vui đong đầy hiện hữu trên đôi mắt mẹ yêu.

Tôi đổ cua ra chiếc nồi không nông quá vì sợ cua bò đi mất. Đàn cua lúc nhúc có vẻ lo lắng, xô đẩy lẫn nhau. Mẹ múc gầu nước giếng khơi đổ vào nồi rửa cua cho thật sạch. Tôi cùng mẹ ngồi nhặt bỏ mai, yếm rồi khều lấy gạch. Phần thịt cho vào cối đá để giã cho thật nhuyễn. Nhiều khi sơ ý bị cua cắp phải kêu lên đau điếng. Mẹ thổi thổi vài cái rồi lại quên cả đau, rồi lại tiếp tục làm như thể đam mê lắm.

Cua giã nhừ được lọc vài lần nước rồi bắc lên bếp củi đun thật nhỏ lửa, để thịt cua kết tủa lại thành miếng. Khi thấy tảng thịt ấy nổi lên, mẹ tôi đưa đũa khuấy nhẹ để thịt cua không đọng lại dưới đáy. Mẹ nhẹ nhàng đổ gạch cua vào khiến nồi nước bồng bềnh, sóng sánh. Cuối cùng mẹ cho rau đay hoặc mồng tơi đã thái nhỏ cùng mấy lát mướp hương vào nồi. Đun sôi kĩ được nồi canh cua đồng ngon tuyệt.

Thỉnh thoảng để cho đỡ nhàm chán, mẹ lại đổi món bằng cách nấu riêu cua với khế. Mỗi món có một vị riêng nhưng tất cả đều rất tuyệt. Mâm cơm ngày ấy bày ra sao mà giản dị thế. Chỉ vẻn vẹn vài ba món: canh cua, đĩa cà, bát mắm, tươi lắm thì có thêm ít thịt kho mà lúc nào cũng cảm thấy ngon miệng. Bữa cơm gia đình đầm ấm, thân thương trong cùng tiếng truyện trò về mùa màng đồng áng khiến ta cứ nhớ và khao khát trở về. Và cứ như vậy, cua đồng cùng với vị ngòn ngọt của rau mồng tơi, rau đay, vị chua của khế đã tạo lên một món ăn đậm đà, chan chứa tình quê mà khiến người ta yêu, nhớ mãi.

Ngày trước, cua đồng trở thành một món ăn có nhiều đạm và dinh dưỡng ở quê tôi. Hôm nào bí tiền mua thức ăn, xách giỏ ra đồng là có mớ cua tươi về nấu. Nhưng dần dần chúng càng ngày càng trở nên khan hiếm do đồng bị thu hẹp dần, nguồn đất bị ô nhiễm. Trẻ con bây giờ cũng không được ra đồng trải nghiệm móc cua như ngày trước. Mỗi lần thèm món ăn quê này, tôi lại ra chợ mua lấy nửa cân để nấu canh. Khi ăn mới phát hiện là cua nuôi. Bát canh không được thơm, ngọt nước như bát canh cua tự nhiên được bắt về. Nhưng dù ở thời nào, cua đồng cũng là món ăn được người dân ở mọi nơi dù nông thôn hay thành thị yêu thích.

Dẫu thời gian cứ vội vã, hối hả trôi như một cái chớp mắt hay làn gió vô tình thoảng qua. Tuổi thơ với những kỉ niệm quê hương ngọt ngào đã đi vào dĩ vãng. Ai đó có thể quên nhưng với tôi những thứ bình dị ngày hôm qua vẫn còn đọng mãi ở góc nhỏ trái tim. Chiều chiều, ánh mắt xa xăm cứ nhìn về miền quê yêu dấu. Chẳng có khói bếp lam chiều, cớ sao tôi cứ lao xao nỗi nhớ quê với bát canh cua đồng.

  Nguyễn Thanh Thủy

Vua cua đồng

Đang yên đang lành, vườn táo nhà lão Đồng đẹp như thế, thu hoạch tốt như thế, thế mà lão ấy lại phá bỏ đi để xây hai cái bể to lù lù ở giữa vườn. Đúng là lão Đồng gàn.

Là một người khá đặc biệt của làng Cổ Cò, năm nay, lão Đồng bốn mươi chín tuổi, bước vào cái tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh". Mọi người trong làng gọi ông Đồng là lão vì mấy nhẽ. Thứ nhất, là nông dân chính hiệu nhưng Đỗ Đình Đồng lại có dáng dấp của một nghệ sĩ phong trần. Người lão dong dỏng cao, khoảng hơn mét bảy gì đó. Khi ở nhà thì lão cởi trần quần đùi, luôn động chân, mó tay vào các việc. Thế nhưng, hễ ra khỏi nhà là lão lại đóng bộ, sơ vin, giày mũ, đầu tóc bóng lộn. Trông lão khi đó nhàn nhã và oách lắm. Cấm thấy lão mặc quần đùi, áo lót khi ra đường bao giờ.

Vua cua đồng  - Ảnh 1.

Lão luôn để tóc rậm trùm quá tai. Chỉ khi nào quá lứa, lão mới ra hiệu sửa sang lại đôi chút. Mái tóc lão bềnh bồng, dài kín gáy. Nhìn lão từ phía sau, ai không biết lại cứ tưởng là thanh niên. Phong độ, nhanh nhẹn lắm. Mấy năm gần đây, mắt kém, lão phải đeo kính. Chính vì thế mà trông lão càng có vẻ trí thức hơn.

Lão Đồng có rất nhiều tài lẻ. Đàn giỏi, hát hay, kẻ vẽ đẹp. Hồi trẻ, lão đã từng làm MC đám cưới, rồi đội trưởng đội nhạc hiếu nữa. Lão vận thơ đám ma, đám cưới thì thôi rồi. Hợp cảnh, hợp tình, vần vèo cứ ngọt lịm. Tính lão xởi lởi, tếu táo. Trẻ con cũng thích. Người già cũng mến. Gần lão, ai cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Lão sống hòa đồng, dân dã. Phụ nữ trong làng ối người tơ tưởng đến lão. Cái chất nghệ sĩ, vô tư đã khiến cho lão trẻ mãi đến tận bây giờ...

Vốn là thợ xây có tiếng, đã từng làm đội trưởng đội thợ nề nên lão Đồng xây cái bể này nhanh lắm. Thì có gì phức tạp đòi hỏi phải kỹ thuật cao siêu đâu. Cứ ngang bằng, sổ thẳng, vôi vữa tỷ lệ chuẩn là OK. Đến nhà tầng, cầu cống, ngày xưa Đồng còn xây ngon được nữa là. Bây giờ, hai cái bể, mỗi cái hơn năm chục mét vuông này có là gì. Chiều dài chín mét, chiều rộng sáu mét. Thế thôi. Bể được đào sâu xuống đất già nửa mét. Đáy đổ bê tông, nghiêng về một phía. Bức tường xung quanh cao hơn mét, phần nổi lên trên mặt đất là bốn chục phân. Phía cao có đường ống dẫn nước từ suối vào. Phía thấp, có đường ống dẫn nước thoát ra ruộng. Hệ thống van cấp thoát nước khá hiện đại. Bên trên bể là bộ khung giàn chăng lưới đen làm mái che. Vì thế hai cái cái bể nửa chìm nửa nổi này khá kín đáo, mát mẻ.

Biết lão có ý định xây bể, cánh thợ cùng làm với lão trước đây liền kéo đến. Toàn đệ tử ruột ngày xưa. Họ đã theo lão ăn mòn bát đũa thiên hạ. Mỗi người mỗi ý. "Bác xây bể làm hòn non bộ à? Nhưng mà sao lại làm tận những hai cái? Để chúng em giúp bác một tay". "Việc này đáng ra bác phải làm từ lâu rồi mới phải. Cây cảnh đẹp như thế, vườn rộng như thế, thế mà em vưỡn thấy nó tạp nham, chắp vá làm sao ấy. Giờ bác quy hoạch lại, thêm hòn non bộ nữa thì chỉ có tuyệt". Lão Đồng ậm ừ, chẳng ra nhất trí cũng chẳng ra không. Mọi người thấy thế càng truy vấn. "Hay bác làm bể nuôi cá?". "Hay nuôi ếch?". "Có cái ao to tướng ở góc vườn rồi, xây thêm hai cái bể này làm gì nữa?"...

Lão Đồng cười hề hề, úp úp mở mở: "Cứ làm rồi khắc biết. Các chú giúp bác vài buổi rồi sẽ thấy". Nghe vậy, cánh thợ chỉ còn biết làm theo ý của lão thôi chứ còn hỏi gì thêm được nữa! Tính lão thế. Lúc thì bộc tuệch, bộc toạc. Lúc lại kín như bưng. Hỏi thế chứ hỏi nữa lão cũng không bao giờ nói. Khi ấy, chính là lúc lão đang ủ mưu gì đó. Đố mà cạy được miệng của lão.

Xi cát, gạch đá tập kết. Người chặt táo, phá cây. Kẻ cuốc xẻng chờ sẵn. Lão xăm xăm đóng cọc, chăng dây, vạch móng. Máy múc rồ ga ẻn ẻn. Máy trộn bê tông rào rào. Mỗi người mỗi việc. Dân xóm Đông thấy lạ kéo đến xem. Vừa là hỏi thăm, vừa là để thỏa tính tò mò. Không biết cái nhà lão Đồng này làm gì? Cải tạo vườn tạp làm công viên chắc? Hay xây bể bơi? Chắc là nuôi cá, nuôi ếch gì đó thôi. Ở cái xứ "khỉ ho cò gáy" này, công viên, bể bơi mà làm gì? Nhà lão cũng chưa đến mức dư thừa, đại gia để làm vậy.

Nhìn số cây táo vừa qua vụ thu hoạch bị máy múc đào trật gốc, xô về một góc, vợ lão Đồng xót của, cứ rên rỉ kêu giời. Chẳng những bà Đồng mà ai thấy vậy cũng tiếc. Trồng mãi mới được vườn táo, đến khi chỉ sẵn thu hái vậy mà cái lão Đồng gàn này lại phá bỏ mới tiếc chứ. Tiếc quá đi chứ lại. Đúng là lão Đồng "Ba Đê" chập mạch.

Ở cái làng Cổ Cò này, khá nhiều người có biệt danh. Tuy nhiên, người có nhiều biệt danh nhất lại là lão Đồng. Biệt danh chính là thương hiệu của người đó. Thường thì khi đứng tuổi người ta mới có. Biệt danh thường gắn với cá tính, khuyết tật hay nghề nghiệp của mỗi người. Chỉ cần xướng nó lên là đã biết họ là ai rồi. Tỉ như nhà ông Chõe ở cuối xóm giỏi về chăn nuôi bò thì gọi là "Chõe bò". Nhà anh Lư xóm chợ chuyên mổ lợn thì gọi là "Lư ba toa". Tay Tùng ở đầu làng chuyên buôn chó được mọi người gọi rất thô: "Tùng chó".

Lúc đầu những người như Tùng nghe gọi vậy tức lắm. Sau rồi quen dần, thích dần, rồi là hãnh diện nữa. Chính biệt danh đó làm nên thương hiệu cho họ. Khách hàng dễ tìm, dễ liên hệ. Rất tiện. Nhất là khi làng có nhiều người trùng tên. Ví như "Khải gỗ", "Khải trâu", "Khải cụt" chẳng hạn. Gọi như vậy để phân biệt các Khải với nhau và biết ngay là Khải nào ở xóm nào rồi.

Mỗi người một biệt danh. Riêng lão Đồng thì có quá nhiều biệt danh. Ngay từ lúc còn đi học, hay khi trong quân ngũ, Đồng đã có mấy biệt danh rồi. Mỗi thời đoạn, lão lại có những biệt danh khác nhau để gọi. Hồi học phổ thông, Đồng có biệt danh là "Ba Đê". Biệt danh này do chính họ tên Đỗ Đình Đồng mà thành. Đồng học giỏi toàn diện, nhất là hai môn toán và văn. Hồi lớp bảy, một lúc Đồng đồng thời dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh cả hai môn này và đều được giải. Toán giải ba, văn giải khuyến khích. Chẳng những học giỏi, Đồng còn có nhiều tài lẻ. Chữ đẹp, hát hay, thổi sáo giỏi. Đồng thường nổi trội trong các đám đông. Đồng làm công tác đội, công tác đoàn suốt những tháng năm đi học. Đúng là gai nhọn từ bé. Lên cấp ba, Đồng trổ mã, phổng phao, đẹp trai hẳn lên. Khối nàng mê chàng "Ba Đê" đến mất ăn mất ngủ. Mặc, Đồng vẫn cứ vô tư học hành và tham gia công tác đoàn thể.

Vậy mà… thi đại học "Đồng Ba Đê" lại trượt mới lạ chứ. Học tài thi phận, biết làm sao được. Đa số bạn bè kéo nhau vào đại học, cao đẳng. Ở quê còn lại Đồng và một số bạn nữa. Đồng suy sụp mất cả tháng. Sau rồi, bình tĩnh lại, "Đồng Ba Đê" quyết chí tìm lối mới vào đời. Anh xung phong nhập ngũ. Quân đội là trường đại học tổng hợp lớn của cuộc đời. Mọi người chẳng nói thế là gì. Vào đó, phấn đấu, rèn luyện không gì là không thể. Không được thối chí. Có chí thì nên. Các cụ đã dạy rồi.

Với năng lực, trình độ và những tài lẻ của mình, môi trường quân đội đã chắp cánh cho Đồng. Anh hăng hái tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị. Khiếu kẻ vẽ, văn thơ, tài đàn sáo, hát hò đã giúp anh vượt lên. Đồng làm "chủ bút" báo tường đại đội, là hạt nhân văn nghệ tiểu đoàn. Anh nổi trội qua các hoạt động phong trào. Có đợt thi đua hay kỳ hội diễn nào của đơn vị, đội của Đồng và cá nhân anh luôn đoạt giải. Cả tiểu đoàn biết tên anh. Đặc biệt, khi báo quân khu đăng một số tin bài, tiểu phẩm cùng thơ của Đồng thì tên anh nổi như cồn. "Đồng kẻ vẽ", "Đồng thổi sáo", "Đồng viết báo" rồi cả "Đồng thi sĩ" nữa.

Viết báo âu cũng là cái duyên của anh. Vào quân ngũ, vốn ham mê viết lách, thấy đơn vị có nhiều hoạt động hay, chiến sĩ Đỗ Đình Đồng thu thập tin tức, viết bài, đưa tin, lặng lẽ gửi báo. Chẳng ngờ ít ngày sau báo đăng. Thủ trưởng và anh em đọc báo, thấy tên đơn vị mình, ai cũng phấn khởi. Không biết tay nhà báo Đỗ Đồ Đệ nào mà viết về đơn vị mình đúng và hay thế cơ chứ. Chính xác tới từng con số, từng sự kiện. Lại còn làm cả thơ nữa đây này. Tờ báo được truyền tay nhau đọc đến nát nhàu. Đồng lặng lẽ nhìn họ, bụng mở cờ, sướng râm ran. Đến khi tòa soạn phối hợp với sư đoàn mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên, ban tuyên huấn cử người xuống gặp chỉ huy tiểu đoàn xin đồng chí Đỗ Đồ Đệ đi học lớp này thì mọi người mới ớ ra. Tiểu đoàn không có ai tên như thế cả. Lãnh đạo báo liền đưa bút tích bản thảo các bài báo ra. Hòm thư địa chỉ đúng đơn vị. Chính xác tới trung đội luôn. Nét chữ thì đúng là của Đỗ Đình Đồng.

Thì đây, tiểu phẩm "Đèn đỏ đây" viết cho tháng an toàn giao thông còn nguyên nét chữ của Đồng. Toàn vần "đê" mới "ác" chứ. "Đường Đống Đa, đê Đồng Đất, đập Đá Đen, đỉnh đèo Đụt... đoạn đông đúc đều đã được đặt đèn đỏ. Đèn đỏ đạt độ đồng đều, đo đếm đứng đắn, đúng điều độ Đông Đức đấy. Đêm đầu đặt đèn đỏ, đàn đom đóm đeo đèn đến đều đờ đẫn: "Đẹp! Đẹp đáo để!". Đèn đỏ đĩnh đạc, điềm đạm: "Đã đành! Đèn Đức đấy!". Đèn đỏ đây! Đi đơn độc đến đi đông đủ đoàn, đồ đệ đến đại đức, đại đội đến đại đoàn đi đến đèn đỏ đều đứng, đỗ, đậu đúng điểm đã định. Đừng đâm đầu đổ đuôi đi đại (đui), đừng đua đòi đú đa đú đởn đánh đu (điên), đừng đò đưa đủng đà đủng đỉnh (đần), đừng đong đưa điệu đàng, đỏng đảnh (đỏm)... để đến đoạn đâm đầu đổ đồ đạc. Đỗ, đậu, đài, điện, đường, đạm... đè đầu, đầu đâm đống đá, đít đinh đâm, đuôi đứt đành đạch. Điêu đứng. Đời "đứt đừn đừn" đi đứt đó. Đau đớn! Đại đau đớn! Đến đận đó đừng độc địa đổ đèn đỏ đáo để, độc đoán. Đèn đỏ đây! Đi, đứng, đỗ, đậu đúng đèn đỏ đấy! Đèn đỏ đây!". Ký tên Đỗ Đồ Đệ.

Đỗ Đồ Đệ là cậu nào nhỉ? Chỉ huy tiểu đoàn nhăn trán, chau mày suy nghĩ. Anh cho gọi chiến sĩ Đỗ Đình Đồng lên làm việc. Bản thảo chìa ra. Nét chữ đúng là của Đồng. Đồng ấp a ấp úng: "Vâng. Em… em lấy bút danh thế các thủ trưởng ạ. Có… có gì chưa phải, em mong các thủ trưởng thứ lỗi". "Không phải là chưa phải mà là rất phải. Thế nhưng lại là chưa phải. Cậu hiểu chưa?". Mọi người ngạc nhiên trước câu nói đầy mâu thuẫn của vị trung tá, trưởng ban tuyên huấn sư đoàn. Riêng Đồng thì run nhong nhóc, mặt tái dại.

Lát sau, vị này nói tiếp: "Tôi nói chưa phải là ở cái chỗ Đồ Đệ đó. Đỗ thì được rồi nhưng Đồ Đệ thì chưa. Cậu biết chưa được ở chỗ nào không? Ở chỗ cậu khiêm tốn quá. Lại rất Tàu nữa. Tại sao không là Đỗ Đình Đồng? Cũng Ba Đê, lại danh chính ngôn thuận, đường đường chính chính. Viết bài đưa tin tốt về đơn vị, làm sao mà phải ẩn danh? Vẫn biết, viết báo là có thể dùng bút danh. Nhưng tại sao không lấy bút danh khác cho hay mà cứ phải là Đỗ Đồ Đệ?". Đồng lí nhí thanh minh.

Sau lớp tập huấn về, anh không dùng bút danh đó nữa mà lấy ngay chính tên họ của mình cho mỗi bài báo. Tuy nhiên, biệt danh "Ba Đê" Đỗ Đồ Đệ vẫn được cánh lính trẻ réo gọi anh cho mãi tới về sau.

Mấy năm quân ngũ, đồng thời với hoạt động văn hóa văn nghệ, Đồng còn được đơn vị cử vào đội xây dựng. Từ phụ vữa, khuân bê, dần dần anh cầm dao xây, lên dàn giáo. Do khéo tay và có con mắt nghệ thuật, từng bước, Đồng tiến tới đứng góc xây trụ. Rồi đọc bản vẽ, xây đắp các chi tiết khó. Lúc gần ra quân, anh đã là thợ cả, chỉ huy cả trung đội thợ nề của ban doanh trại. Chính cái nghề xây trát này mà Đồng đã không bị thất nghiệp khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về.

Về làng, Đồng tập hợp thanh niên lập đội thợ xây. Từ xây thuê đơn lẻ đến bao thầu trọn gói công trình. Nhờ đó mà kinh tế gia đình anh khá lên dần. Rồi anh lấy vợ. Vợ anh chính là cô gái làng đi phụ vữa cho đội thợ. Sau đó, Đồng bỏ nghề xây chỉ vì cái tính ngang ngang gàn gàn của mình. Anh không chịu luồn cúi, gian dối trong xây dựng. Chính xác ra là anh không biết chia chác A, B để tồn tại. Trong khi đó, quân của anh có người đã tách ra, lập công ty xây dựng, nhận thầu những công trình lớn của xã và của huyện. Họ trở thành những chủ doanh nghiệp ra vào cửa các nhà lãnh đạo cứ như người nhà vậy. Chúng xum xoe, khúm núm, thơn thớt nói cười, ôm hết công trình nọ, tới công trình kia.

Vợ chồng Đồng cùng nhóm thợ còn lại tiếp tục nhận những công trình lặt vặt của làng. Thêm vài năm nữa, chán chường anh bỏ nghề. Đội nề giải thể. Đồng chuyển sang kinh doanh dịch vụ đám cưới. Được đôi năm, lại chán trò, anh chuyển sang dịch vụ đám ma. Ba, bốn mươi tuổi, làm đám cưới thì già mà làm đám ma thì lại quá trẻ. Chết cái, tiếng đàn, tiếng sáo cứ cuốn hút Đồng. Hễ cứ trống phách ở đâu nổi lên, dẫu là việc vui hay việc buồn đều khiến Đồng đứng ngồi không yên. Bằng mọi cách Đồng phải tìm đến. Đồng đến để thể hiện. Lúc thì sáo, khi thì đàn. Lúc khác lại hát. Đồng diễn "Cô đôi thượng ngàn", Đồng hát "Thập ân" thì thôi rồi. Cả đám ma đang buồn khóc như thế cũng phải lặng phắc ra để ngắm nhìn và nghe Đồng hát. Rõ khổ. Cái máu nghệ sĩ ấy khiến Đồng cứ xê dịch, tùy hứng chuyển việc như thay áo. Làng chuyển gam gọi Đồng dần dần từ anh sang tay, đến ông, cuối cùng là lão. Biệt danh được gắn theo. "Đồng đám cưới", "Đồng thợ kèn", "ông Đồng gàn", "lão Đồng ngang"… cũng chính là vì vậy.

... Chưa đầy tuần thi công, hai cái bể đã được xây xong. Hôm khánh thành, lão bảo vợ làm năm mâm cỗ mời cánh cựu chiến binh, bạn xây thân thiết đến nhậu. Cả bọn bù khú với nhau. Tính lão thế. Cứ thích tụ tập đàn đúm. Vui là chính. Chứ cái bể bé tí tẹo này có gì mà phải khánh thành? Chẳng qua nó là cái cớ để cho lão tụ tập bầu bạn ấy mà. Lão đánh đàn, lão thổi sáo. Bừng bừng hơi men. Lão múa "Cô đôi thượng ngàn". Lão hát "Vang mãi khúc quân hành", rồi "Cuộc đời vẫn đẹp sao"… Rồi cả chèo, cả cải lương nữa. Cả bọn vỗ tay cổ vũ hát cùng. Vui ra phết. Lâu lắm rồi, có dịp nào để cho lão thể hiện đâu.

Trước lúc vào cuộc rượu, lão Đồng nhờ các chiến hữu khiêng chuyển, xếp đặt, bố trí lại các ang, chậu cây cảnh. Số này, trước xếp chật sân, đầy quanh nhà. Toàn những cây cảnh có giá, lão tích cóp từ lâu rồi. Lão mê cây cảnh lắm. Cứ làm được đồng nào là lão lại đầu tư vào chúng, nhất là dạo nó sốt cao. Khi cây cảnh mất giá, lão Đồng ngơ ngẩn cả tháng trời. Tự nhiên mất luôn cả đống tiền. Đành rằng lão chỉ mua chơi thôi, không buôn bán gì nhưng tình cảnh ấy cũng xót lắm chứ. Bây giờ nguôi ngoai, lão quy hoạch lại, cắt tỉa chúng, chuyển chúng ra vườn, xếp xung quanh cái bể vừa mới xây. Những cây tạp trong vườn, lão phá bỏ hết. Ngay cả táo dây đang cho thu hoạch, quả ngon như thế lão cũng phá bỏ. Lão bảo với vợ: "Chỉ tổ rác nhà, rác vườn. Mất công đốn tỉa mà tiền thu chẳng đáng là bao. Cả năm được có mỗi vụ tháng Tết. Chẳng bõ. Thôi! Bỏ! Bỏ hết! Chuyển làm cái khác. Nhàn nhã hơn, cảnh quất hơn. Mà lại có tiền". Vợ lão hỏi: "Ông định làm gì?". Lão úp mở: "Cứ làm rồi khắc biết".

Nghe chồng nói vậy, bà Đồng cũng chẳng dám hỏi gì thêm. Hơn hai chục năm sống với nhau, bà quá rõ tính chồng. Ông ấy bốc đồng thay nghề như thay áo. Hồi còn đi phụ xây cho ông ấy, bà chết mê chết mệt về tay dao xây và những tài lẻ của Đồng. Hai người tình ý với nhau, cả tổ thợ nề đều biết. Họ gán ghép, tạo điều kiện cho Đồng và Trang (tên bà) nên vợ thành chồng. Chính cái buổi trưa hè cách nay hai mươi ba năm đã gắn kết Đồng Trang với nhau.

Dạo ấy Thu Trang mới hai chục tuổi, phơi phới thời con gái. Thi đại học hai năm liền không đỗ, Thu Trang xin anh Đồng cho đi phụ vữa cùng. Năm đó, Đồng hai sáu tuổi, đã ra quân được hơn hai năm. Anh là thợ cả, giữ chân tổ trưởng tổ thợ xây. Vừa phụ vữa, Thu Trang vừa kiêm luôn cả chân cấp dưỡng cho tổ thợ. Những ngày tháng công trình, tình cảm giữa hai người nảy nở.

Hôm đó, như mọi ngày tổ thợ sẽ ăn trưa tại công trình nhưng không hiểu sao mọi người lại về hết. Công trường chỉ còn Đỗ Đình Đồng và Đinh Thu Trang. Hai người ngồi ăn với nhau vừa ngượng ngập vừa cứ như vợ chồng vậy. Thế rồi, cái gì đến đã đến. Trưa hè vắng vẻ, công trình lẻ loi, lán trại kín đáo, sức trai hừng hực, thân gái mơn mởn đã cuốn họ vào với nhau. Lửa gần rơm đã bén. Đám cháy trưa ấy bùng lên dữ dội. Hơn tháng sau, làng Cổ Cò vui mừng dự đám cưới giữa anh thợ cả và cô phụ hồ. Kết quả trưa ấy là chàng sinh viên Đỗ Đình Đăng hiện đang học đại học năm cuối ở Hà Nội. Sau đó, họ có thêm hai đứa con gái nữa. Cái Thủy đại học năm đầu. Cái Hoa đang cấp ba. Tất cả ba anh em đều ngoan ngoãn xinh đẹp như bố mẹ chúng trước đây. Thế là hạnh phúc lắm rồi. Bà Trang nghĩ vậy. Thôi thì ông ấy muốn làm gì thì làm. Miễn là ông ấy vui là được. So lên dẫu chẳng bằng ai. Nhưng so xuống thì ối người cũng chưa bằng mình. Mình cứ bằng lòng với mình là được.

Sau bữa liên hoan, đêm ấy nằm bên vợ, ông Đồng thủ thỉ: "Mình sẽ nuôi cua bà ạ". Bà Đồng giật mình: "Cái gì? Ông vừa nói cái gì?". Ông Đồng nhắc lại: "Mình sẽ nuôi cua. Bà nghe rõ chửa?". "Ông có điên không đấy? Cua với chả cáy. Trần đời tôi thấy có ông là một". Bà Đồng ngồi bật dậy trân trân nhìn chồng trong đêm. Ông Đồng cũng nhỏm dậy thong thả giải thích: "Điên là điên thế nào? Như thế là độc đắc đấy. Thời buổi kinh tế thị trường này, cái gì độc sẽ hiếm. Mà hiếm thì sẽ có giá. Nuôi cua vừa nhàn vừa hiếm, vừa có giá, bà ạ". "Giá với chả rổ. Ông chỉ được cái "ngang như của bò". Dạo đang làm dịch vụ đám cưới ăn lên làm ra thì ông quay ngoắt sang làm đám ma. Ông cũng bảo làm dịch vụ đám ma tốt hơn. Cũng độc, cũng hiếm. Vừa làm phúc lại vừa có tiền. Thế rồi, đang yên ổn thì ông lại bỏ. Chuyển cây cảnh, rồi thì táo dây. Giờ lại cua với lại chả ốc. Không khéo lại như "cua gặp ếch" đấy nha".

Bà Đồng bực dọc tuôn ra một tràng dài. Chờ cho vợ nguôi ngoai, ông Đồng lại kiên trì giải thích: "Bà tính xem, bây giờ cua hiếm lắm. Đặc sản đấy. Tính kỹ ra, cua đắt hơn thịt lợn nhiều. Ngày trước, cua là món ăn của người nghèo. Bây giờ, người giàu, đại gia mới dám nghĩ đến chuyện ăn cua đấy, bà nhé. Bà đi chợ nhiều thì biết. Thế nên, mình phải đi tắt đón đầu, sản xuất cua tung ra thị trường, bán cho người giàu, cho các quán đặc sản. Mình vừa nuôi cua chơi vừa làm kinh tế. Bảo đảm chắc chắn thắng to bà ạ".

Ông Đồng rỉ rả bên tai vợ khá dài. Bà Đồng ngồi yên lắng nghe. Mãi khuya, bà mới chép miệng: "Thôi thì tùy ông. Muốn làm gì thì làm. Đừng để xóm làng người ta cười cho". "Cười là cười thế nào. Tôi nghiên cứu kỹ thị trường, lên mạng tìm hiểu chán rồi. Bà yên tâm đi. Thời buổi này phải dám nghĩ dám làm. Nuôi cua ở bể và cả ở ao nữa. Cho bõ công làm. Chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lại lao động ngay trong nhà mình bà ạ".

Hôm sau, vợ chồng lão Đồng bắt tay triển khai ngay kế hoạch này. Họ chặt cả vườn chuối, chém nhỏ từng cây thả xuống ao. Tiếp đó, lão tháo nước vào ngâm. Một tuần sau, nước lại được tháo hết ra. Vợ chồng lão lại hì hục vớt sạch số thân cây chuối lên. Lão dùng vòi xịt mạnh vào bể cho trôi hết lớp cặn xi măng và dùng thuốc khử trùng làm sạch bể. Rồi lão chở đá về kê xếp lổm ngổm khắp đáy ao. Mấy ngày sau, lão tháo nước trở lại và mua cua giống về thả.

Xong phần bể, vợ chồng lão chuyển sang cải tạo tiếp cái ao rộng hơn sào nằm ở góc vườn. Dùng máy bơm, lão hút cạn nước rồi phơi nắng ao cả tuần liền. Sau đó, lão bón vôi bột, tháo nước dẫn vào, thả thêm trà. Số trà này sẽ làm nơi trú ngụ cho cua lột xác sau này. Xung quanh ao, lão rào bằng đăng tre, đặt nghiêng về phía trong. Xong đâu đó, lão lại mua cua giống về thả. Lão còn thả thêm cả rau muống và bèo tây nữa. Lão nói với vợ: "Số rau bèo này chỉ cần che kín một phần ba mặt nước ao là được. Như thế, cua nó mát, dễ kiếm ăn, lột xác và sinh đẻ. Google nó bảo thế, bà ạ!". Bà Đồng chỉ biết nghe và răm rắp làm theo chồng. Công nhận cái ông này chịu khó tìm hiểu. Cái gì cũng biết. Thông tỏ đáo để. Chả rõ kết quả sau này thế nào nhưng thấy cung cách làm ăn của ông ấy có vẻ bài bản, chi tiết lắm. Thôi, thế cũng tạm yên tâm.

Những ngày chăm sóc cua, bà Đồng nhớ da diết thuở thiếu thời. Ngày đó, hầu như nhà nào của làng Cổ Cò cũng thiếu đói. Mọi người đều phải mò cua, bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Lũ trẻ như bà, như chồng bà, ngoài giờ học là chăn trâu, cắt cỏ, là bắt ốc, mò cua. Chằm Trong, Ao Na, Bềnh Sậy, Tổ Đỉa…những cánh đồng ngày đó cỏ lăn, cỏ lác trùm kín đầu người. Vậy mà sao lại nhiều cua đến thế. Bỏ trâu ăn ở vệ đồi, đứa nào đứa nấy đeo giỏ bên hông ào ra đồng. Mỗi đứa một bờ ruộng, một đoạn mương. Bà thò tay vào hang bắt cua. Hôm thời tiết nắng nóng, cua bò lổm ngổm trên bờ, chỉ sẵn nhặt cho vào giỏ. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết "Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy". Có khi, chỉ một buổi chiều, bà đã bắt được mấy giỏ cua liền tha hồ cho mẹ bà mang cua ra chợ bán. Ăn không hết, cua còn để làm mắm. Đến bây giờ, bà vẫn không quên được vị mắm cua. Nó là nước mắm của nhà nghèo dạo đó. Mặn chát, thơm nồng nồng ngai ngái, màu nâu vàng sóng sánh. Bát cơm chan canh cua nấu với rau mồng tơi hay rau đay (kể cả cơm độn sắn đi chăng nữa) ăn cùng với cà pháo ướp muối thì thôi rồi. Rau xanh, váng gạch cua vàng ngậy, cà pháo trắng tinh, cơm trắng nữa, chỉ nhìn thôi đã tứa nước miếng rồi. Ăn no đẫy bụng lúc nào không hay. Trong tất cả các món ẩm thực, bà khoái nhất món riêu cua. Món này vừa giàu chất đạm, giàu chất khoáng lại bổ dưỡng nữa. Mùa nóng bức, ngồi dưới giàn thiên lý thưởng thức gió rừng mà húp bát riêu cua có mẻ, có hành, ăn kèm với rau rút, rau kinh giới thì thật là đậm đà hương vị quê hương. Khoái vô cùng. Bây giờ cua hiếm, món ấy đã trở thành đặc sản. Vậy mà, trong tay vợ chồng bà đã có hẳn một ao và một bể cua. Nhìn chúng bò ăn rào rào từng đàn, bà thích lắm. Thật bõ công mấy tháng trời thả nuôi, chăm sóc chúng suốt từ tháng ba đến giờ.

Ngày nào vợ chồng lão Đồng cũng trăn trở với cua, chăm sóc cây cảnh và dàn hoa phong lan. Họ cặm cụi, say sưa. Tưới nước cho cây, làm dò phong lan mới, chế biến thức ăn cho cua… Cá tạp, ốc, hến, khoai lang băm nhỏ. Mỗi ngày cua được ăn hai lần. Sáng một bữa nhẹ, chiều một bữa chính. Sang tháng sáu, cua lớn ăn khỏe, lão bảo vợ cắt thêm cỏ, băm thêm khoai sắn cho vào những cái sàng thả xuống các góc ao cho chúng ăn. Nhìn lũ cua bò lổm ngổm tranh nhau ăn, vợ chồng lão cứ nghệt mặt ra. Lũ cua chẳng khác gì lũ trẻ. Nó đông đàn dài lũ và lớn lên từng ngày.

Số cây sung trồng quanh ao giờ mới phát huy tác dụng. Vừa mát ao, vừa có thức ăn cho cá, cho cua. Những quá sung chín, rụng xuống ao, cá tranh nhau đớp, quẫy gợn thành sóng. Sung nếp chín đỏ ngọt lừ, cá ăn vào rất mau lớn và chóng béo. Chúng lại làm mồi cho cua. Cua rất thích ăn thịt cá. Tuy nuôi cua là chính nhưng lão Đồng vẫn kết hợp thả cá ở ao vì lẽ đó. Cá chép, cá diếc, cá rô…nuôi tất. Duy chỉ có loài cá chuối thì tuyệt đối không. Loại này chúng rất thích cua. Mà chúng lại ăn khỏe nữa. Thế nên, nếu ao sót lại con cá chuối nào thì phải tìm diệt cho bằng sạch. Cả lũ ếch ộp nữa. Cá ăn sung chín, cua ăn cá, người ăn cua. Cứ thế dựa vào nhau mà sống. Không như cua, ếch, rắn truyền đời, truyền kiếp kỵ nhau, diệt nhau.

Cùng với chế độ ăn cho cua, lão Đồng còn điều tiết chế độ nước trong bể và ao nữa. Ba ngày, năm ngày, một tuần một lần, tùy theo màu nước để lão thay. Mỗi lần thay một phần ba nước thôi. Thay thế để môi trường vừa độ, kích thích cua lột xác, bắt mồi mạnh. Không bao giờ lão tháo cạn hết nước cả.

Nhiều sáng, cho cua ăn xong, pha ấm trà, lão Đồng ngồi nhâm nhi một mình bên bộ bàn ghế đá, dưới dàn phong lan hoa buông rực rỡ. Dạo này, phong lan có giá. Nhiều khách đến ngó nghiêng, trả giá khá cao nhưng lão chưa bán. Lão ngắm vườn cây cảnh, ngắm hoa phong lan, ngắm trời, ngắm đất rồi ngắm cua trong bể. Có hôm, phởn chí, lão ôm cây đàn guitar, gảy phừng phừng, nghêu ngao hát. "Con vua thì lại làm vua/ Mình con nhà khó bắt cua cả ngày". Rồi nhìn bà Đồng đang chổng mông cho cua ăn, lão í ởn: "Con cua kềnh càng bò ngang cây mít/ Thấy cô Trang hiền lớn đít mà thương". Bà Đồng nghe thấy, quay đầu lại, ngấm ngoảy: "Rõ là đồ nỡm! Lại ba đê rồi phỏng?". Lão Đồng chẳng nói gì, nháy mắt liếc vợ một cái rồi càng đàn hát to hơn. "Hồn tôi là hồn con cua/ Tám chân, hai mắt biết bò ngang ngang". Bà Đồng chủng chẳng: "Đúng là ngang như cua bò lại còn!".

Nickname facebook "gacuadong" của lão Đồng dạo này nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài các bài thơ, tiểu phẩm theo dòng máu văn học báo chí của lão, lão còn đăng nhiều ảnh và bài viết về cua nữa. Bức ảnh vợ chồng nhà lão cùng ba người con, đặc biệt hai cô con gái xinh như mộng, quây quần bên chiếc bàn đá, giữa vườn cây cảnh, ngay bên bể cua, trên bàn là những con cua vàng ruộm cùng những món ăn hấp dẫn, bia lon đủ thứ đã thu hút quá nhiều likes và comments. Ngày nghỉ mà, ba đứa con lão về cùng lúc. Cả nhà sum họp, cười hớn hở. Lão Đồng ôm đàn guitar, mặt vểnh lên như đang hát. Hai cô con gái đẹp như công chúa cầm hai con cua giơ lên nhí nhảnh nheo mắt cười như mời gọi khiến ối chàng ngắm nhìn mê mẩn. Thằng con trai hai tay cầm muôi, cầm thìa gõ như phụ họa. Bà Đồng mắt sáng lên nhìn chồng con. Hạnh phúc như thế thì còn gì bằng.

Ngoài post ảnh ra, lão Đồng còn "lai trim" nữa. Toàn cảnh ao cua, bể cua, vườn cây cảnh được lão post lên. Cua bò lổm ngổm trên mặt facebook "gacuadong". Cua giơ càng, giương mắt trong các bức ảnh. Các đơn hàng mua cua chen nhau về trên inbox. Cả khu vực có chỗ nào nuôi cua bán đâu. Chỉ có nhà lão Đồng là duy nhất. Đúng là độc đắc luôn. Đi tắt, đón đầu là đấy chứ còn đâu nữa?

Bà Đồng chẳng phải đi chợ bán lẻ cua nữa. Sáng sáng, xe của các quán ăn phố huyện phóng về. Rồi mấy bà buôn ở chợ cũng tới. Họ đến để lấy cua về quán, về chợ bán. Dân làng Cổ Cò lúc đó mới ngộ ra. Cứ bảo lão Đồng ngang à? Bây giờ lão ấy đang bán cái ngang đó để làm giàu đấy. Làng này đã ai bằng lão chưa? Vua cua đồng rồi nhé. Tỷ phú phong lan rồi nhé. Lão mang biệt danh mới với đặc điểm được đưa lên trên, đặt ở phía trước tên mình "Cua Đồng" đúng như nick name facebook "gacuadong" của lão. Lão khiêm tốn nhận là "gã" nhưng dân làng tôn trọng vẫn gọi là "vua". Cánh trẻ cũng kháo nhau: thua tất lão "Đồng Ba Đê" rồi. Phải xem lại ngay cách khởi nghiệp của chúng mình thôi. Đứa nào cũng cứ chê quê để tìm đi. Gã cua đồng đấy? Oách chưa?

Cánh cựu chiến binh thân thiết, số thợ nề bạn hữu, thi thoảng lại được lão Đồng mời đến chơi. Cả bọn tụ tập ngắm vườn hoa, cây cảnh, nhìn bể cua, ao cua. Khu vườn nhà lão bây giờ được quy hoạch, thiết kế lại, xanh sạch đẹp y như là công viên. Lãnh đạo xã và huyện đã lấy mô hình vườn ao nhà lão Đồng để làm gương điển hình cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Lão Đồng không để ý đến điều này lắm. Lão cứ vô tư đàn hát trên chiếc ghế đá bên bờ ao dưới tán cây mít sau khi cho cua ăn và chăm tỉa cây cảnh xong. "Đỗ Đại Đồng đấy, đừng đùa!". Mấy cô thôn nữ rúc rích cười với nhau cùng liếc về lão Đồng. Bà Đồng thấy thế bê vội chậu cua đang chuẩn bị giao cho khách đến ngồi ngay cạnh chồng. Trên cây, lũ chim sâu đang chuyền cành đuổi nhau kêu lích chích. Gió mùa thu mơn man…

Đỗ Xuân Thu (Phú Thọ)

 Con cua đồng

Từ những năm giữa thế kỷ hai mươi đổ về trước, tôi chả thấy ai nói đến chuyện nuôi cua. Bởi vì ngày ấy, cua thiên nhiên nhiều lắm. Ra đồng bắt một lúc đầy giỏ, nuôi làm gì? Bây giờ cua hiếm dần, hóa đặc sản, rất đắt. Tính kỹ ra, cua đắt hơn thịt lợn nhiều. Ngày xưa, cua là món ăn của người nghèo. Bây giờ, người giàu mới dám nghĩ đến chuyện ăn cua. Người nghèo phải ăn thịt. Cho nên người ta nghĩ đến chuyện nuôi cua. Tôi cũng nuôi.

Chỗ tôi, phố phường tiếp giáp với đồi núi. Ở chợ phố, thỉnh thoảng tôi thấy người ta bán cua núi, họ buộc thành từng xâu. Thứ này luộc chấm mù tạt, ăn hay ra phết. Nhà tôi tọa ngay chân núi. Tôi nảy ra ý định nuôi thứ này. Hôm ấy gặp, tôi mua mươi xâu về thả hốc đá sau nhà. Mươi hôm sau, chẳng biết chúng đi đâu sạch. Tìm kỹ khắp quanh đấy, chả thấy con nào. Thế là mất toi mấy trăm bạc. Nuôi cua núi thất bại, tôi bèn nghĩ đến chuyện nuôi cua đồng. Cua đồng nuôi ao, nuôi ruộng. Ao ruộng có bờ thì còn kiểm soát được. Nuôi cua núi thì trùng điệp thế kia kiểm soát làm sao?

Gần nhà tôi có một vùng gần như hoang vu, toàn bùn và cỏ. Tôi làm giấy xin mượn địa phương, cải tạo thành cái ao to và làm vài mảnh làm ruộng trồng lúa nuôi cua đồng chơi. Sự cải tạo này, với đôi bàn tay và xẻng cuốc, tôi hoàn toàn tự làm lấy, không thèm thuê máy đào, máy xúc gì sất. Sẵn sức trai, tôi xoay trần, lao động hùng hục. Chỉ chưa đầy sáu tháng, tôi đã có một cơ ngơi khá hoành tráng.

Cái gì tôi cũng thích tự làm theo ý mình. Tôi làm để tôi chơi, tôi thích. Chứ có phải tôi làm cho người khác chơi, cho người khác thích đâu? Ai chê mặc kệ. Tôi tự thiết kế theo kiểu của tôi.

Gọi là nuôi cua chơi, nhưng ý tưởng sâu xa của tôi là vừa chơi, vừa làm kinh tế hẳn hoi. Tôi sẽ nuôi nhiều, dùng cho gia đình một phần, chủ yếu cung cấp cho thị trường. Tôi rất tin tưởng rằng sẽ có thu nhập cao.

Nuôi cua, nhưng tôi nuôi cả cá. Cá chép, cá diếc, cá rô nuôi ruộng, nuôi ao rất mau lớn và chóng béo. Nhưng mục đích của tôi là ở con cua đồng. Nuôi cua, có người xây quang bờ để cua khỏi đào hang và bỏ đi. Tôi không làm thế. Tôi tạo môi trường y như tự nhiên. Bờ đất, cua tha hồ đào hang.

Thỉnh thoảng nhớ ngày xưa, tôi lội xuống tìm hang, móc. Thì ra, móc cua rất khoái. Tôi lên rừng tìm những cây sung lớn, sung nếp cành lá xum xuê, đã có quả, đánh về trồng trên bờ ao. Giống sung nếp quả đẹp lắm. Quả nhỏ thôi, chi chít thành chùm. Quả sung xanh ngắt mang ra phố bán để họ muối chua, hoặc cầm cả chùm, vặt từng quả chấm muối nhắm rượu. Bây giờ những bậc đại gia ăn nhiều đạm sợ gút, họ thích dùng những thứ này, vừa thanh cao, vừa lành. Các bậc văn nhân thi sỹ họ cũng thích nhắm rượu với sung xanh. Họ bao giờ cũng sống khác đời mà. Quả sung không muốn bán xanh thì kệ nó chín. Sung chín rụng xuống ao, cá ăn. Cá ăn sung chín rất mau nhớn và chóng béo. Cá mau nhớn và chóng béo để làm mồi cho cua. Cua rất thích ăn thịt cá. Cua ăn cá rất mau nhớn và cũng chóng béo. Bắt cua cái béo về nấu riêu thưởng thú vị lắm.

Những cây sung to, lòa xòa bóng mát. Dưới bóng râm, sóng nước hiền hòa. Quả sung chín, rơi cái tõm, gọi đàn cá bỗng to lừng lững như những cái phích lượn lờ, quẫy tung bọt. Bờ ao từng đàn cua nhởn nhơ… Đang thả hồn rập rờn trong sóng nước và mơn man trong gió rừng thì ông bạn đồng nghiệp của tôi xuất hiện. Hắn cũng nuôi cua, nhà hắn bên kia núi. Hai nhà cách nhau một con đèo. Hắn thủng thẳng:

- Ông Bình này.

- Gì?

- Cho hỏi một tẹo.

- Hỏi gì?

- Ngoài cái cách tháo ao, ông bắt cua, kiểu gì?

- Thiếu gì kiểu.

- Kiểu gì, bảo nhau một tẹo.

- Lội xuống, xắn tay áo, lần các hang ở bờ ao, móc là một. Kéo vó là hai. Thả rọ là ba.

- Quanh bờ ao nhà tôi xây gạch, làm gì có hang. Vậy tôi chỉ làm hai kiểu sau.

- Thì làm hai kiểu sau.

Nghe hắn nói, tôi thầm nghĩ, bờ ao nhà tôi toàn đất, cua tha hồ đào lỗ làm hang. Làm hang, nghĩa là làm tổ. Mà cái tổ là cái góc riêng của đời sống. Muôn loài, loài nào mà chả cần tổ? Sao lại tìm cách không cho con cua làm tổ? Đồ phát xít, đồ dã man!  Nghĩ thế, nhưng tôi chỉ nghĩ thầm trong bụng, không nói ra. Nói ra sợ hắn giận. Mà đồng nghiệp giận nhau thì buồn lắm. Buồn hơn mưa rừng chiều.

Đặng, tôi phổ biến cho hắn vài chiêu bắt cá, bắt cua. Bắt cá có chiêu này, tôi cho là nhàn nhất, mà cũng khoái nhất. Rừng nhiều nứa ngộ, chọn cây thật to, mỗi gióng cắt thành một cái ống, chọc thủng một lỗ dưới đáy, buộc dây quẳng xuống ao. Chỉ để một lúc, kéo lên, có cá ở trong rồi. Con nào người ăn, con nào thả lại, con nào băm cho cua, tùy. Cua thì phải chẻ nứa rọ và trong để mồi nhử. Tôi bày cho hắn cách đan rọ cua, hắn khoái lắm.

Chỉ một điều, tôi giấu kỹ không bao giờ nói cho hắn biết. Đó là, đã nuôi cua thì phải nuôi cá. Nuôi cá làm thức ăn cho cua. Nhưng nhất định phải nhớ, không được nuôi cá chuối. Ao có con cá chuối nào phải tìm mọi cách diệt cho bằng sạch. Cá chuối rất thích cua. Mà nó ăn lại rất khỏe. Không những tôi không nuôi, mà thỉnh thoảng tóm được vài con chuối con, tôi mang làm quà cho hắn để hắn quẳng xuống ao nhà hắn. Hắn thích lắm, cứ cảm ơn tôi hoài. Chơi với bạn đồng nghiệp kiểu ấy, kể cũng là chơi bẩn. Nhưng thôi, bẩn cũng mặc kệ. Thương trường mà. Nghĩ nhiều hại não.

*

Gọi là nuôi cua, nuôi cá nhưng thực chất lại chả phải nuôi gì. Chỉ đào ao, làm ruộng rồi kiếm một ít cua giống, cá giống quẳng xuống đấy. Đất và nước tất phải sinh phù du. Phù du nuôi cả hai. Cá tìm bắt những con cua mới lột xác, cua mới đẻ mà cải thiện để mà mau nhớn, để mà sinh sôi. Cua tìm bắt cá mà chén. Thỉnh thoảng mình hỗ trợ loài này, hoặc loài kia để cân bằng sinh thái. Đồng thời giữ môi trường làm sao cho khỏi ô nhiễm. Thế thôi, có gì đâu.

Thế nghĩa rằng, nói không nuôi mà nuôi đấy. Nói nuôi mà không nuôi đấy. Làm được như vậy không dễ đâu. Khó phết. Tôi khoái con cua đồng lắm. Trong tất cả các món ẩm thực, tôi khoái nhất món riêu cua. Riêu cua vừa giàu chất đạm, giàu chất khoáng, rất bổ dưỡng, nhất là đối với người thành phố. Mùa nóng bức, ngồi dưới giàn thiên lý thưởng gió rừng mà húp bát riêu cua có mẻ, có hành. Ăn kèm với rau rút, kinh giới thật đậm đà vị quê hương. Khoái vô cùng.

Thì ra, nuôi cua, ngoài chuyện tạo thực phẩm sạch phục vụ gia đình và cộng đồng, tôi thấy nuôi cua còn cho thu nhập rất cao. Chỉ sau vài vụ thu hoạch, tôi đã nâng cấp được căn nhà khang trang hơn trước nhiều, với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt ở mức tiên tiến. Sau vài vụ nữa, tôi sắm một cái ô tô bán tải vừa để thỉnh thoảng chở vợ con đi chơi thành phố, vừa để chở cua đi bán. Lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh tiền. Đời sống được.

Nguyễn Đình Lãm






 

 

 

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Ngã ba sông

  Ngã Ba Nhà Thờ Hòa Ninh

Tạ Ơn

Đêm nay sóng vỗ
Đêm nay sóng lại vỗ bờ,
Mênh mông biển động mây mờ phủ che...

Chị về bến nước thân quen,
Sống cho trọn vẹn nghĩa tình năm xưa.
Cho dù sông cũ gió mưa,
Người đi đi mãi vẫn chưa thấy về...
Xin ai quên hết nguyện thề,
Cầu cho mưa gió não nề qua mau
Chị rồi quên hết thương đau,
Chị rồi hạnh phúc mai sau vững bền
NM

 Nơi ngã ba sông
Chỗ bến sông lõm vào một khoảnh hình mũi tàu. Người sống lâu năm bên bờ sông nói rằng hình dạng ấy của đất không phải vì sóng đánh gây lở, mà vì chuyến tàu cũ mỗi bận đi về đều ghé lại đón khách, mũi tàu xiên vào bờ đất thành hình tam giác mất một cạnh. Mưa gió khiến nó rộng ra, cỏ mọc xanh rờn.
Những đêm trăng sáng, người trong làng đi soi nhái, câu cá ngang qua bến thường trông thấy bóng người đàn bà ngồi bên bờ sông. Trăng rọi xuống mặt sông thành tấm gương phẳng phiu, sáng ngần. Người đàn bà có đôi mắt buồn, lúc nào cũng ngấn lệ. Người biết chuyện lắc đầu buồn bã, mái dầm khỏa nước bơi đi.
***
Ngày còn nhỏ, những bữa được nghỉ học, tôi thường cùng ngoại đi đò qua chợ xóm chài bên kia sông. Đưa đò là một chị gái hiền lành, xinh đẹp, mái tóc dài lúc nào cũng tết thành hai bím xõa hai vai. Đò ngang nào chị cũng chọc tôi, nói tôi lớn rồi mà còn níu áo ngoại đi chợ, nhưng tôi không bực tức bởi điều ấy, mà vẫn thấy chị dịu dàng ngọt ngào như tên của chị - chị Đào.
Nhà chị Đào ở bên bờ sông cạnh bến đò, thuở ấy bến sông chưa khuyết như bây giờ. Những hôm tôi với ngoại ra bến đò khi chưa có ai lui tới, chị Đào nói để chị đưa hai bà cháu qua sông luôn cho kịp. Ngoại tôi lắc đầu, tôi với ngoại ngồi dưới bóng mát trước căn nhà nhỏ của chị, đợi thêm vài khách nữa cho trọn vẹn một chuyến qua sông. Chị Đào rót chung nước trà mời ngoại tôi, đưa cho tôi mấy trái cây chị hái sau vườn nhà. Ngoại tôi hỏi về gia đình chị. Chị nói ba chị bỏ đi theo người đàn bà khác hồi chị còn nhỏ xíu. Năm chị mười tuổi thì mẹ mất, chị phải sống nhờ chú ruột, nhưng vợ chú luôn tìm cách hắt hủi. Mấy năm sau, chị buộc phải rời nhà chú, lang bạt rồi dừng chân ở bến sông này. Người làng thương mà dang rộng vòng tay đón chị, dựng cho chị căn nhà nhỏ trên bờ sông, chị vừa đưa đò vừa bán hàng nước sống đắp đổi qua ngày.
Trưa buồn buồn tôi hay xin ngoại ra bến đò. Đò vắng khách, dưới bóng cây ngả nghiêng xuống mặt sông, tôi với chị Đào ngồi trên chiếc đò nhỏ chòng chành mặt nước. Tay vờn nước, sóng vỗ vào bờ, chị hát cho tôi nghe. Kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn liền với bến sông này, với hình bóng chị Đào hiền lành, xinh đẹp…
***
Tôi qua sông về làng. Đưa đò không phải là chị Đào dịu dàng trong tiềm thức của tôi. Ngót nghét đã mười năm qua nhanh như một cái chớp mắt. Tôi lớn lên, trưởng thành và mạnh mẽ trụ chân nơi phố thị ồn ào. Mà quê hương vẫn bình yên, sông vẫn chảy và từ làng vẫn tỏa khói đốt đống un trong mỗi buổi hoàng hôn chập choạng. Tôi bước lên đò, bóng chị lái đò mù mù trong khói sóng ban chiều bảng lảng. Tôi bùi ngùi nhìn về mỏm đất khuyết hình mũi tàu in dấu thời gian.
Đường về nhà ngoại không xa. Đi một đoạn trên con đường đất, nhà ngoại liêu xiêu dưới bóng sầu đâu. Cây sầu đâu gắn liền với bài hát hồi xưa tôi thích lắm, đêm nào tôi cũng hát cho ngoại nghe, nói mai này đi đâu tôi cũng đưa ngoại theo. Mẹ tôi mất sớm, ngoại gồng mình làm lụng nuôi tôi ăn học nên người. Năm tháng đi qua, tôi quên lời hứa năm nào, một thân một mình lên phố ăn học, để ngoại lại làng khi tuổi già xế bóng. Nhớ tôi thì ngoại khăn gói lên thăm, mang cho tôi ít quà quê, kể tôi nghe chuyện “Bà con xứ mình…”, ngủ với tôi mấy đêm rồi đón xe đò về quê. Tôi vẫn nhớ ngày tôi đi, chị Đào đứng trên xuồng cầm nón lá vẫy vẫy về phía tôi, nói chừng nào tôi về chị Đào lại bơi xuồng đưa tôi đi hái sen về chưng trên bàn thờ ông ngoại.
Đêm đầu tiên ở nhà sau những đêm và ngày dài xa cách, tôi hỏi ngoại đủ chuyện mà nhiều nhất là về chị Đào. Căn nhà lá - hàng nước năm nào của chị - đã bị dỡ ra, nền nhà cỏ mọc um tùm, xanh mướt, chiều mù sương giăng mắc trên vòm cây phía bến sông. Ngoại nói: “Đời chị Đào bây khổ quá, người ta nói hồng nhan bạc phận, quả không sai..”. Tôi bùi ngùi bước ra thềm ba nhìn về phía sông. Ngọn đèn đỏ ối trên chiếc tàu chạy từ chợ tỉnh về huyện. Còi tàu nghèn ngẹt kéo dài trong không gian thinh vắng rồi tựa hồ đọng lại thành giọt buồn rơi rớt mặt sông quê.
***
Người làng nhắc hoài chuyện năm xưa, trong một chiều giông gió có chiếc tàu đắm ngoài ngã ba sông. Trên trời gió giông, nước sông cuộn xiết. Ba ngã dòng sông sóng cuốn trôi người tài công về ngã nào chẳng biết.
Quán xập xòe gió, chị Đào đang với tay lấy cây chống lại cái mái nhà bỗng thấy người lạ chạy vào, hớt hơ hớt hải báo tin:
- Ở ngoài ngã ba sông sóng dữ lắm, chiếc tàu chìm nghỉm… Người ta đang tìm tài công…
Chị Đào lao ra sân, ngoài trời mưa giăng rối rít. Mưa trắng xóa. Dòng sông cuộn mình trong màn nước, sóng to gió lớn. Chị chạy vùn vụt trên bờ về phía ngã ba sông. Ở đó, chiếc tàu đã chìm tự bao giờ, chỉ để lộ khỏi mặt nước ống khói nguội lạnh
Chị Đào kêu gào, chị gọi tên anh. Người làng giữ chị lại để chị không lội xuống sông tìm chồng. Nước đang chảy nhanh về phía cửa biển mù khơi xa tít. Người ta đang tìm vớt khách lênh đênh trên sóng đưa vào bờ. Chiếc tàu chở hơn hai mươi khách từ huyện ra chợ tỉnh bị sóng hất lật ngang. Người lên được bờ hoảng quá khóc không ra tiếng
Chị dầm mưa ngồi bên bờ sông suốt mấy hôm liền. Mắt chị sưng húp. Nước mắt chị Đào giàn giụa hòa lẫn với nước mưa. Mấy năm trước, có người thanh niên lái tàu vẫn thường đưa khách đi về ngang qua bến chị. Dần dần, chị phải lòng anh. Hôm nào chị cũng đứng đón tàu anh đi qua, vẫy tay, mỉm cười rồi đợi chuyến tàu về huyện khi hoàng hôn tắt lịm phía chân mây. Rồi chị Đào với anh tài công nên vợ nên chồng. Đám cưới của anh chị có người làng đến góp vui. Anh dựng lại cái quán bên bến sông cho kiên cố. Ki cóp mấy năm, anh dành dụm đủ tiền thuê người đóng được chiếc tàu, không phải lái thuê cho người khác nữa. Khi đưa khách về huyện, anh dong tàu ngược về bến sông đậu lại. Mũi tàu vì thế mà khắc thành hình trên bờ đất quê hương
Những năm tháng đó, tôi không sống ở làng, không nhìn được chuyến tàu về khi hoàng hôn bảng lảng màu khói bạc
Anh không về. Người ta nói năm ấy sóng to, gió lớn cuốn anh trôi ra cửa biển. Chiếc tàu chìm xuống đáy. Mấy tháng sau, xác tàu được trục vớt lên, để bên bờ đất tháng năm mưa nắng khiến nó mục dần, giờ đây xám xanh màu rêu gió. Chị cất nhà ở hẳn bên bờ nhìn ra ngã ba sông. Làng nói chỗ đó năm nào cũng xảy ra lở đất, mưa bão, sóng to, nước cuộn… khuyên chị về bến dựng lại cái nhà ở cho chắc chắn. Đau thì cũng đã đau rồi. Người đi cũng đã đi rồi, có đợi, có chờ… thì người cũng đâu trở lại?
Chị Đào vuốt tóc, cười cười. Mái tóc dài mấy năm chị không cắt tỉa, thoảng mùi nắng mưa. Chị nói:
- Chồng tôi ở ngã ba sông thì tôi cũng ở ngã ba sông cho gần ảnh.
Đêm đêm, người ta thường thấy chị về lại bến nước quen. Nơi chị đã gắn bó bao năm tháng thanh xuân, vui buồn chôn nơi bến đỗ có hình mũi tàu khuyết vào trong đất. Để góp nhặt những ký ức xưa cũ có hình hài, vóc dáng của người mà chị yêu thương…
***
Đêm nay, sóng lại vỗ bờ. Ngoài xa mênh mông là biển động. Tôi nghe chị phát thanh viên nói như vậy trên ti vi. Bóng trăng vừa hiện ra đã bị mây mờ che phủ, vàng nhợt xanh xao.
Tôi biết chắc đêm nay chị Đào lại về bến nước ngồi thẫn thờ. Ngoại tôi vẫn buồn bã thương chị. Chị Đào của tôi, người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành trong ký ức tuổi thơ tôi, nay sống hoài trong nỗi đau của quá khứ.
Gió nổi lên. Đêm nay nước lớn. Tôi lo cho chị Đào, không biết rồi chị có chống chọi được với những bất trắc trong đời để sống cho trọn vẹn một kiếp người, dẫu đau đớn. Tôi nhắm mắt nguyện cầu cho chị được bình an, mong sao hạnh phúc sẽ mỉm cười với chị. Vì chị thủy chung. Vì chị xứng đáng nhận được những điều tốt lành chứ không phải trăm chiều giông gió…
Hoàng Khánh Duy

Ngã ba sóng dồi
Ghe xuồng tới Ngã Ba chịu sóng dồi mỗi lúc, mỗi chỗ, mỗi khác. Nào là xoay tròn xuôi xuôi ngược ngược, nào bập bênh dọc bập bênh ngang, nào chao nghiêng chao lệch. Rạch kinh lạ! Đường nước khắp đó đây không đâu có cái vũ điệu cuồng cuồng loạn loạn vầy. Ngã Ba các dòng mạch nguồn đổ về, biển ngược tới, trong lòng rạch cuồn cuộn quần quần xô đẩy đẩy xô. Dân hải hồ rạch kinh tới đây ngộ ra rằng phải lơi chèo lái để tự nhiên sóng dồi, lòng vòng rồi cũng tới chỗ cần tới. Và còn được bài học hay “Tới đâu theo nước đó” của thời mở cõi nước nổi bao la.
Người tá túc vùng giang đồng này trải đời ngày đêm làm ăn, thức ngủ với miên man dòng nước. Tay canh nông vườn ruộng thì ưu ái rạch Đông đục đỏ sắc phù sa màu mỡ. Tay ngư phủ lại linh hoạt với các loại trang trại hầm cá vuông tôm và đăng đó vó lưới với các loại thủy sản của con nước ngọt, con nước lợ và con nước mặn. Ở đây lúa gạo trái rau cá tôm thứ nào cũng nổi tiếng. Dân mình mấy ngàn năm dựng nước, mấy trăm năm mở cõi có nhiều cố sự quý giá.
Ngã Ba nước nổi này mỗi phận người mỗi kể ra bao nhiêu cố sự dòng trong dòng đục. Hai Óng nằm võng trong nhà mình nhìn con nước của Ngã Ba, nghĩ đến mẹ sinh cha dưỡng, rồi quay nhìn sau nhà. Mí bờ rạch bên kia là nấm mồ của cha, bên hông ngôi nhà của cha mẹ Hai Óng.
****
Mấy chục năm trước nhà ghe Nguyễn Hóa - Kim Trầm xuôi rạch Tây tới Ngã Ba, lên bờ dựng nhà lo gia viên. Họ phảng leng lên mương vườn, trong khi chồng vẫn ghe vợ vẫn xuồng câu lưới cần mẫn. Rồi họ lâm nạn sóng nước. Cái buổi chiều nhập nhoạng ấy, Kim Trầm ham hố săn “tôm ăn chạng vạng” (*) ở bờ bên kia. Con cá lớn dính câu lưới. Thế là ra cuộc vật lộn quyết liệt. Kim Trầm la thất thanh. Nguyễn Hóa từ bến nhà mở máy ghe lao tới lo cho vợ. Cái ghe phóng vào hàng bình bát nằm nước. Ba ngày sau người ta mới phát hiện Nguyễn Hóa chết trong cái ghe lật úp. Họ lấy ghe làm quan tài, lên cho Hóa nấm mồ bên hông nhà. Còn cái xuồng của Kim Trầm bị vặn vẹo bung keo dán ván lườn nước ào vào ngập ngụa, cô bị té nằm sàn xuồng chết giấc. Xuồng trôi dạt tới nấm đất giữa giang đồng. Đêm khuya Kim Trầm mơ tỉnh bò lên nấm đất đụng cặp lu, bám lu cất mình lên vục mặt vào dòng nước mát tràn trề. Trầm nằm ôm chân lu lơ mơ xoa xoa cái bụng bầu, vơ cỏ, lượm trái rụng bỏ miệng. Dăm bảy ngày sau có người đi ngang nấm đất thấy Kim Trầm thì đưa về Ngã Ba. Trầm được rước lên cửa nhà, nhìn thấy nấm mồ của chồng, Trầm lại ngất. Liên tiếp những ngày sau Trầm cứ bò lết ra ôm nấm mồ. Người ta tìm ra nơi chốn nên cơ duyên vợ chồng của Kim Trầm. Trầm là “cô quản tum liếp vườn” lo nơi ăn chốn ở cho các thợ vườn của một đại điền chủ ở phố huyện. Trầm và thợ vườn Nguyễn Hóa phải lòng nhau rồi phiêu dạt tới Ngã Ba… Nghe chuyện vợ chồng Trầm gặp nạn, chủ vườn cũ lại cho cô làm tiếp việc cũ chờ ngày sinh. Phước đức! Kim Trầm có công ăn việc làm, sinh hạ Hai Óng vuông tròn, nuôi con học hành. Mười lăm tuổi Hai Óng quỳ trước ông bà chủ xin về với cha Nguyễn Hóa. Chủ thanh toán công xá rồi tặng cho mẹ con cái nhà ghe mới, thêm cái xuồng.
Về ngôi nhà cũ ở Ngã Ba, hai mẹ con đèn nhang lễ lạc dâng trước mồ Nguyễn Hóa. Mẹ cho con hết số tiền làm công và tháo cặp bông tai đeo cho Hai Óng. Đôi bông cha tặng ngày cưới, nay mẹ tặng lại con gái. Chúng ta mỗi người mỗi chỗ. Con về với cha. Ở đây cần cái ghe hơn. Mẹ về nấm đất có cặp lu. Đó là nơi Kim Trầm đã kể bao lần rằng đôi lu đó là của một cặp vợ chồng mang tới. Đời dân nước nổi có sao sống vậy, nhưng phải lo nấm mồ xây để chết có chỗ nằm đó, kẻo nước nổi tiêu tan mất. Đôi vợ chồng đó tính cặp lu thay cho mộ xây, nhưng rồi họ bỏ đi, vượt trùng dương bao la đến đất mới. Mẹ đã trôi tới nấm đất có đôi lu ngày cha mất, nay mẹ bước xuống xuồng, lái ghe về Ngã Ba sóng  dồi.
****
Hai Óng sửa ngôi nhà của mẹ cha và lên ban thờ gia tiên, nhưng cô vẫn ở nhà ghe. Hai Óng cũng đi từng nhà cám ơn những người trước kia đã lo chôn cất cho cha bằng nấm mồ nhà ghe, sau đó cô xây mộ cho cha. Con báo hiếu bằng cách mỗi lần mẹ về là chuẩn bị đầy đủ thức ăn, hoa trái mà cha thích, để mẹ bày ra bên mộ cha mà kể, mà nhớ. Hai bên mộ lát đá, là giường phản cho mẹ có nhớ thương thì cứ nằm hoài, không phải như ngày nào lăn lộn ôm mồ đất để bị kè vào nhà, đưa về tận phố huyện xa biền biệt.       

Trên bờ Ngã Ba có mấy chục nhà tá túc. Nhà nào cũng dựng nhà mí bờ trong đồng. Hai Óng thì dựng ngôi nhà bên dòng rạch phương Nam. Lần đầu tiên Ngã Ba có ngôi nhà hướng ra đường nước, lại duy nhất là nhà cất ở trên một trong ba mũi đất Ngã Ba. Người ta sợ sóng dồi, bảo cô Hai Óng lấy chồng rồi tính tuổi làm nhà tốt hơn. Hai Óng bảo cất nhà để bắt rể.
Rể chưa thấy đâu nhưng bến nhà Hai Óng là cái bến duy nhất ở đây nên thành bến Ngã Ba. Ghe xuồng xuôi ngược tới, Hai chào hỏi mời lên nhà. Tất nhiên là chủ các ghe rinh cả bếp than, bếp ga, đồ mồi... lên đỏ lửa. Hai Óng cũng đỏ cà ràng xào xào chiên chiên ba thứ rau trái vườn nhà bán cho khách thập phương. Sum họp vầy tâm giao thương thảo, hữu hảo hài hòa, đầm ấm. Cá tôm rau trái của nhà Hai Óng được tiêu thụ, đem lại thu nhập đáng kể.
Chỗ đất nước vầy ắt có khách không mời cũng tới. Ấy là Tiến sĩ môi trường Văn Quốc một lần đi công tác ngang đây, ngưỡng mộ trước cô gái trẻ đẹp mà làm ăn theo cái cách “trông nước ngước trời” hay tới mức Văn Quốc quyết cùng Hai Óng kết dính “trăm năm” ở cõi Ngã Ba sóng dồi.
Từ ngày có Văn Quốc tư vấn thêm, quan hệ của Hai Óng với bạn hữu xuồng ghe cũng có thêm nhiều công chuyện trồng nuôi xa gần, phát triển kinh tế, đưa sản vật quê hương vượt xa Ngã Ba sóng dồi. Đài báo tưng bừng đưa tin tức đời sống mới, khen hoạt động vừa làm giàu vừa bảo vệ môi trường. Hai Óng mừng vui bàn bạc xem vợ chồng cô phải làm gì cho Ngã Ba tốt hơn? Văn Quốc chợt nghĩ đã mở bến mặt nước sao không đóng góp cùng xã làm cầu? Hai Óng nhìn Ngã Ba. Từ đây bắc hai nhánh cầu qua hai mũi đất bên kia. Có khi nào tới đây nơi này sẽ là Ba Ngã Đầu Cầu?
Vừa lúc đó mẹ Kim Trầm tới, Hai Óng ríu rít xoa bụng bầu nói với Kim Trầm giờ sắp lên chức bà ngoại kế hoạch cháu ra đời đúng ngày cầu được xây dựng. Chợt có tiếng loa sôi sục lời kêu gọi bà con di dời gấp Ngã Ba sắp có sụt lở nguy hiểm. Mẹ Trầm bảo Văn Quốc con lo di dời nhà cửa, mẹ đưa Hai Óng và cháu đi trước. Mẹ xách đồ, rước con xuống ghe, ra tay máy cái ghe luồn lách rời Ngã Ba sóng dồi. Coi bộ chuyện làm cầu phát triển Ngã Ba phải được tính nhanh thôi. 
Lương Minh Hinh
Huyền thoại về mũi đất ngã ba sông (Truyện ngắn) 25/01/2010

 Huyền thoại về mũi đất ngã ba sông
Chiều 30 Tết mưa bụi phủ trắng trời. Những ngọn gió xuân tràn về mơn man se lạnh. Trên phố huyện, những cô gái áo màu sặc sỡ, hớn hở bước bên người yêu. Từ cụm loa phóng thanh một giọng nữ mượt mà đang ngân nga khúc tình ca: " Anh đưa em về thăm quê hương xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sông nước chan hòa ôm ấp tình quê.."
          Hoài bước đi trong dòng âm thanh náo nức của cuộc đời, mà lòng bồi hồi xao xuyến, bao nỗi vui buồn thương nhớ về một thời quá khứ đã xa. Ngày ra đi tóc anh hãy còn xanh hôm nay trở về mái đầu đã điểm bạc. Bao nhiêu nỗi cực nhọc vất vả trên bước đường đời đã làm cho khuôn mặt anh già đi trước tuổi. Lòng bâng khuâng, anh thả bộ dọc theo bờ sông. Trước mắt anh là dòng Kim Giang xanh thẳm, những kỷ niệm xưa cứ ùa về. Bên kia là mái trường Trung học nơi anh đã ghi những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ trẻ của anh. Và dưới vòm cây xanh bên bờ sông là bến đò ngang của ông Hoành ngày chống Mỹ, giờ không còn nữa. Cái bến đò ngày ấy lớp bạn bè của anh chen chúc để sang sông trong mỗi buổi sáng đến trường. Bây giờ cỏ đã lên xanh. Nó chỉ còn là dấu tích kỷ niệm xao xuyến, bồi hồi của buổi đầu gặp gỡ. Và xa kia nữa là dãi đất choài ra giữa ngã ba sông như ngọn bút khổng lồ đang hướng về phía thượng nguồn Kim Giang vẽ lên chân trời phía Tây Nam, những dãy núi mờ xanh hùng vĩ. Doi đất hình Mũi Viết ấy có từ ngàn xưa. Nó chứa trong mình biết bao nhiêu câu chuyện huyền thoại làm  rung động lòng người.
          Một trong những câu chuyện cuốn hút tâm hồn thơ trẻ của anh ngày ấy, nó đã làm cho anh mất ăn mất ngủ; Đó là câu chuyện về ông Thượng ở làng Hà. Người ta kể rằng: Thuở ấy bố ông Thượng là một trong những người giàu nhất vùng, có cả hàng chục đôi trâu, hàng trăm mẫu ruộng. Ông cũng muốn cho con cái học hành đỗ đạt như người, nên đã bỏ tiền ra thuê thầy về ở luôn trong nhà để dạy chữ cho con. Trong số những con trai của ông, ông Thượng là người học hành chăm chỉ và sáng dạ nhất. Nhưng đến trường thi hai ba lần vẫn không đỗ đạt. Gia đình ông Thượng vừa buồn phiền vừa uất ức. Hết trách mắng con, ông bố lại đâm ra tự trách mắng mình. Ông chạy vạy đủ cách khắp nơi nhưng chẳng làm gì được. Tự nhiên, một đêm bố ông Thượng đang nằm ngủ, mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, dắt tay ông đi ra phía bờ sông; Vừa đi ông vừa chỉ tay về phía doi đất có hình Mũi Viết vươn ra giữa ngã ba sông ấy mà nói rằng: "Thế đất làng này có hình cây bút, nhưng ở phía đầu ngọn bút còn chưa sáng nên con cháu trong làng chưa viết ra thành chữ được. Nếu dân trong làng biết tích đức, phùng thiện thì chắc chắn mai sau con cháu sẽ được rạng rỡ mặt mày". Nói rồi ông già biến mất. Bố ông Thượng giật mình tỉnh dậy vừa sợ hãi vừa khấp khởi mừng thầm. Ông cho rằng gặp được điềm lành, trời báo mộng nên ngày hôm sau ông cho đầy tớ gọi những tá điền vay thóc nặng lãi của nhà ông đến xóa nợ cho họ, rồi ông bán một nữa gia sản của mình để giúp  cho người nghèo đói, số còn lại sung vào công quỹ của làng để chữa lại cầu, đắp lại đường cho mọi người đi lại đỡ khổ. Thấy bố ông Thượng làm vậy, nhiều người giàu có trong thôn cũng làm theo. Quả nhiên doi đất ngày một thanh tú ra, sáng sủa hơn. Đứng từ xa nhìn lại trong thật giống như một ngọn bút đang vẽ lên chân trời.
          Hai năm sau, ông Thượng con trai của ông thi đậu thật, được triều đình bổ đi làm quan, sau thắng tiến dần đến chức Thượng thư.
          Ngày vinh quy bái tổ ông Thượng đã xin làng xây một ngôi  đền ở ngã ba sông để ghi nhớ công lao người đã chỉ giáo, giúp mình thành đạt. Ngày nay vì đi qua bao cuộc chiến tranh, ngôi đền ông Thượng xây không còn nữa, nhưng những câu chuyện huyền thoại về Mũi Viết vẫn còn trong dân gian.
          Thời còn là cậu học sinh Trung học, Hoài cứ mong lúc ngủ mình nằm mơ để được gặp ông già râu tóc bạc phơ ấy. Nhưng giấc mơ chưa đến được với Hoài thì tiếng máy bay phản lực Mỹ đã gầm rít vang khắp bầu trời quê hương. Bom đạn giặc ngày đêm trút xuống, dãy đất Mũi Viết cũng trở thành mục tiêu đánh phá của kẻ thù. Hoài phải cầm súng lên đường ra trận.
Hoài đang đắm mình trong những dòng suy nghĩ thì giọng người ca sĩ ở loa phóng thanh lại vút lên réo rắt. Lời ca bổng trầm tha thiết kéo Hoài trở về với những ngày quá khứ. Lòng anh trào lên một cảm xúc bồi hồi. Hoài lần theo lối mòn tìm  về gốc dừa nơi ngã ba sông ngày ấy. ở nơi đây đã ghi vào lòng anh một kỷ niệm buồn đau mà suốt cả cuộc đời anh không sao quên được. ấy là dịp tết Nguyên Đán năm 1972. Trong những ngày ngừng bắn, Hoài được phép về thăm nhà để cưới vợ. Gặp lại những người thân quê hương, ai cũng mừng vui, nhưng thấy ai cũng tất bật vội vã. Phụ nữ, mẹ già lo đi chợ mua sắm hàng lễ  tết. Những người nông dân khỏe mạnh thì lo bố phòng lại hầm hào, công sự. Còn nam nữ thanh niên thì thành lập Đội thanh niên xung kích vận chuyển hàng ra tiền tuyến. Hoài về thăm nhà nhưng không thể ngồi yên trước khung cảnh rộn ràng của làng quê trong những ngày sôi động. Anh xin tham gia cùng Đội xung kích vận chuyển của thanh niên. Anh được bố trí cùng đi trong đội thuyền vận chuyển của Huyền. Huyền là vợ sắp cưới của anh. Anh với Huyền học cùng một lớp. Năm tốt nghiệp cấp 3 xong, Hoài lên  đường đi bộ đội, còn Huyền ở lại quê hương vừa làm Bí thư Chi đoàn Đoàn thanh niên vừa làm kế toán của hợp tác xã.
Dịp ngừng bắn, Chi đoàn thành lập Đội xung kích vận chuyển hàng ra chiến trường. Nhiệm vụ của họ là chuyển hàng từ trạm trung chuyển ở bến bãi Mũi Viết đưa lên kho Lòi Sinh.
Đêm cuối năm, thuyền các xã ven sông tham gia chiến dịch vận chuyển đi đông vui như trẩy hội. Thuyền của Huyền và Hoài đã đi được mấy chuyến. Đến chuyến cuối cùng thì đêm đã khuya, mưa phùn lất phất ngấm vào người thấm lạnh. Họ ghé thuyền lại ngồi nghỉ tạm dưới góc dừa bên doi đất Mũi Viết. Huyền buông chèo đến ngồi bên Hoài nhỏ nhẹ:
- Sau tết anh còn ở nhà thêm được mấy ngày?
- Gần nữa tuần em ạ!
- Răng phép của anh mau rứa?
- Chiến tranh mà em!. Hết giặc rồi anh về ở mãi bên em.
- Huyền im lặng, vẻ mặt đượm buồn, một hồi lâu cô mới thầm thì nho nhỏ:
- Đến khi nớ thì đã già rồi.
- Đối với anh, Huyền lúc nào cũng trẻ.
- Chắc không?
Hoài trả lời một tiếng "chắc" thật to rồi cười lên thoải mái. Anh muốn xóa tan nỗi băn khoăn lo lắng đượm vẻ buồn trong lòng người con gái. Đêm càng khuya, những ngọn gió bấc lang thang làm cho đất trời thêm se lạnh. Hoài đã áp sát vào người Huyền mà lòng cứ thổn thức: Một nỗi tái tê trào dậy trong người: Chiến tranh quá tàn khốc. Nó đã đẩy tuổi thanh xuân của họ phải đi vào trận mạc. Hai người đã sắp thành vợ chồng rồi mà không được một ngày rãnh rỗi để đi mua sắm cho nhau một món  quà nho nhỏ để làm kỷ niệm ngày cưới. Cũng không được đi thăm bạn bè, bà con hai bên. Ai cũng bận rộn dành thời gian "Tất cả để chiến thắng giặc mỹ xâm lược". Bỗng phía cuối dòng sông có ai đó bắt chước điệu hò sông mã cất lên một điệu hò lơ lớ. Nghe ngộ quá, Huyền bật cười. Sau tiếng cười Huyền trở lại trầm tư. Hoài lo lắng  vội ghì sát Huyền vào lòng. Hai người cười khúc khích...Con thuyền chao động. Những tiếng sóng vỗ vào bờ ràn rạt.
Đêm về sáng, những ngôi sao trên nền trời dần dần tản mác, rồi biến mất. Phía đông chân trời như thẩm lại, mấy đám mây phả mưa bụi xuống lạnh ngắt. Hoài và Huyền lại đẩy đò tiếp tục  ra đi.
Đò chưa ra khỏi bến thì dừng lại vì mắc cạn. Hoài vội vàng xắn quần lội xuống đẩy. Nhưng chiếc đò cứ nằm ì ra không thèm nhúc nhích. Ở phía lái Huyền thấy vậy nóng lòng nên cũng nhào ào xuống nước để đẩy. Nhưng chẳng may từ trong lớp bùn non một quả bom bị nằm giấu mặt từ bao giờ, vụt lên nổ một tiếng rầm trời, hất tung thuyền và người ra tứ phía.
Bến Mũi Viết  đất khói lên mù trời, mọi người vội vàng chạy đến. Ba ngày sau người ta mới tìm được thi thể của Huyền nỗi lờ đờ dưới mép nước ở Mũi Viết. Còn Hoài được đưa vào bệnh viện ngay. Phải một tuần sau anh mới tỉnh lại được. Khi biết mọi chuyện, Hoài vô cùng đau đớn xót xa vật vã anh ngất đi tỉnh lại mấy lần.
Ngày Hoài ra viện cũng là ngày cuối cùng trong đợt nghỉ phép về thăm nhà để xây dựng gia đình của anh. Sớm mai anh về lại đơn vị, nằm thao thức hoài anh không tài nào chớp mắt được.  Bao nhiêu ý nghĩ về Huyền cứ xáo động lòng anh. Anh cố nhắm mắt lại nhưng tiếng những con Thạch Sùng ở trên mái nhà cứ "chắt chắt" gọi bạn càng làm cho tim anh thêm đau nhói. Gà đã gáy tàn canh, giấc ngũ chập chờn vừa kéo đến thì hình ảnh người vợ chưa cưới của anh cứ hiện về: Huyền đang đứng phía lái, đôi tay khỏe mạnh nắm mái chèo gạt sóng băng băng. Mỗi mái chèo đẩy đi lưng Huyền khom xuống làm hằn lên những đường cong mềm mại giữa màn xanh da trời. Anh gọi tên Huyền nhưng cô cứ lặng im chèo miết, con đò cứ xa dần, xa dần rồi mất hút... Khi có người lay gọi mãi Hoài mới biết là mình  đang mơ, anh ngồi dậy thở hổn hển, mồ hôi tưá ra đầy người...
Một phút trôi qua, anh ngồi thẩn thờ câm lặng, nhìn vào khoảng  không mênh mông phía trước. Tự nhiên hai giọt nước ở khóe mắt  trào ra từ từ lăn xuống má. Lòng Hoài sục sôi căm giận kẻ thù tàn ác đã cướp đi tình yêu, hạnh phúc của đời anh.
Buổi sáng những tia nắng vàng đã bừng dậy, anh vội vàng đứng lên thu xếp hành trang của người lính để lên đường ra trận.
Đã mấy chục mùa xuân đi qua, nhiệm vụ của người lính đã đưa Hoài đến với nhiều vùng quê của đất nước, nhưng không ở đâu nhớ thương sâu thẳm và da diết bằng những kỷ niệm ở doi đất hình Mũi Viết này.
Đêm cuối năm, thị trấn rực rỡ ánh đèn màu và cờ hoa đón Tết. Mặt nước Kim Giang lung linh lấp lánh ánh điện. Từng đôi trai gái dìu dặt trên cầu Xuân Phong. Hoài bước đi mà lòng rưng rưng một cảm giác nghẹn ngào xúc động, không nén nỗi lòng mình anh bật lên thành tiếng.
"Huyền ơi! Tết này anh lại về với em đây! - Em ở đâu? Tiếng anh nghẹn ngào nức nở..."
Giữa không gian mênh mông của đất Mũi, trong màn sương bàng bạc, dưới ánh đè mờ ảo, Hoài như thấy hiện lên dáng hình người con gái cùng anh năm xưa vào trận.
Mùa xuân đang về. Hoài trở lại với thực tại, trước mắt anh giữa ngã ba sông lấp lánh muôn ngàn ngôi sao rực rỡ. Trên dãi đất hình Mũi Viết - khu trung tâm văn hóa huyện những ngôi nhà cao tầng sừng sững vươn cao. Đứng từ xa nhìn lại cả tòa nhà như một chiếc thuyền khổng lồ đang dương những cánh buồm lộng gió rẽ sóng ra khơi, đưa quê hương tiến lên phía trước.
Lê Đình Hồng (Tác giả đã mất)
 Rút trong tập "Văn nghệ Lệ Thủy"