Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Chào Tháng Giêng

 Mưa Tháng Giêng

THÁNG GIÊNG VÀ ANH


Tháng giêng và Anh
Những giọt mưa long lanh,
Khẽ bám nhẹ trên cành...
Mùa Xuân vừa chớm đến,
Dường giọt nước mắt xanh !

Một lần về trẩy hội,
Và rồi chim bay đi...
Anh cố tìm mãi miết,
Lặng ôm mối tình si !

Lần đầu em viết thư tình,
Gieo duyên se kết đôi mình bên nhau.
Em nào có biết tình sâu,
Trong tim anh giữ biết bao ân tình ?!
Nhờ chim se kết ba sinh,
Anh về, em đợi đôi mình nên đôi !!
NM
Mưa ấm Tháng giêng
Thường vào lúc  những cơn mưa tháng giêng bay mờ trắng và ấm áp, thì bầy chim đi tránh rét từ mùa đông năm trước trở về. Cả bãi vải rộng và chạy dài gần một cây số dọc trên triền sông quê Ngần  trở thành nơi nghỉ cánh của bầy chim. Không hiểu vì sao, bầy chim di cư lại chọn bãi vải ấy làm nơi nghỉ trước khi bay chặng cuối cùng về một vùng đất ngập nước cách làng Ngần khoảng 50 cây số. Chúng sống trên vùng đất ngập nước ấy từ mùa xuân cho đến đầu đông. Suốt thời gian ấy, chúng kiếm ăn và sinh nở. Bầy chim bay về những vùng ấm áp ở phương nam theo một đường khác. Khi trở về, chúng chọn một đường khác và nghỉ lại bãi vải vào giữa chiều. Người làng chạy ra mặt đê xem chim về. Bà nội Ngần kể: Ngày trước, có mùa chim về nhiều quá, bãi vải không đủ chỗ cho chúng, bầy chim phải đậu tràn vào những khu vườn trong làng, nghỉ lại đúng một đêm, và mờ sáng hôm sau lại ra đi. Cả làng như thức giấc bởi tiếng đập cánh ngờm ngợp của bầy chim. Chúng bay cắt qua làng và cất tiếng kêu trong như tiếng sáo trúc. Bà nội Ngần bảo, đó là lời cảm ơn của chim. Những buổi sáng như vậy, Ngần dậy sớm. Cô chạy ra sân, ra ngõ và đường làng để nhặt những chiếc lông chim rụng.

"Tại sao bầy chim chỉ ở lại bãi vải làng mình có một đêm hở bà?". Ngày còn bé, Ngần hỏi bà nội như thế. Và bà nội kể câu  chuyện về bầy chim do cụ nội Ngần kể lại.

Từ thuở xa xưa, bầy chim di cư đã chọn đường bay trở về vùng đất bãi quê Ngần. Chúng chỉ bay qua chứ không nghỉ lại bãi vải. Nhưng một buổi chiều, người làng thấy bầy chim đỗ xuống bãi vải. Thấy lạ, cả làng đổ ra xem. Trên ngọn của một cây vải to nhất, cao nhất, bầy chim lượn thành hình tròn như một dải mây khổng lồ. Gió từ cánh của bầy chim rào rào vào những vòm lá vải. Chúng vừa bay vừa kêu thảm thiết. Trên tán lá dày nơi ngọn cây, một con chim lớn nằm xõa cánh. Đấy chính là con chim Chúa. Trong chặng bay cuối về vùng đất ngập nước, con chim Chúa đã hạ cánh xuống bãi vải. Nó biết nó không còn đập cánh được nữa. Và nó chọn bãi vải quê Ngần làm nơi yên nghỉ. Đàn chim bứt những chùm vải phủ kín lên con chim Chúa. Đêm ấy bầy chim ở lại bãi vải. Và sáng sớm hôm sau thì chúng ra đi.

Sau khi bầy chim ra đi, dân làng đổ ra bãi vải và mang xác con chim Chúa xuống. Con chim Chúa to hơn những con chim khác. Đặc biệt, nó có một đôi cựa như một đôi ngà voi nhỏ xíu và một chiếc lông đỏ trên đỉnh đầu. Dân làng chôn con chim  dưới gốc cây to nhất, cao nhất ấy và hương khói như đối với một con người. Lạ thay, năm ấy làng được mùa vải chưa từng có. Hình như cái hoa nào cũng đậu quả, và vải quê Ngần là giống vải to và hơi chua, bỗng trở nên ngọt và thơm lạ thường. Cho đến bây giờ, ngoài giống vải thiều ra, không có loại vải nào ngọt như vải quê Ngần cả.

Và từ đó, làng Ngần đã chọn ngày 13 tháng giêng làm ngày hội làng, hội thi cây cảnh. Những cây chuối được uốn, tỉa thành hình con chim, có cái lông đỏ trên đỉnh đầu. Buổi sáng, người làng đổ ra mặt đê thắp hương và đợi chim về. Sáng sớm hôm sau, khi bầy chim ra đi, người làng ra bãi vải nhặt những chiếc lông chim rụng. Nếu ai nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ thì sẽ gặp phước lành. Người già nhặt được thì sẽ không bệnh tật và sống đến trăm tuổi. Trẻ con nhặt được thì ngoan ngoãn, thông minh. Con trai nhặt được thì khỏe mạnh, tài trí, làm ăn phát đạt. Và con gái nhặt được thì mỗi ngày một đẹp, một thảo hiền và sẽ lấy được người mình mong ước. Nhưng mỗi lần chim về, trong hàng ngàn chiếc lông chim rụng, chỉ có mỗi chiếc mầu đỏ.

Sau khi nghe bà kể, năm nào cũng vậy, đêm trước ngày hội làng Ngần hầu như chẳng ngủ được vì thấp thỏm. Nhưng cho tới bây giờ, Ngần vẫn chưa nhìn thấy chiếc lông chim ấy. Bởi thế mà Ngần vẫn chỉ ru rú ở nhà với bà. Đám trai làng hầu như chẳng để ý đến cô. Nếu có, cũng chỉ là những câu đùa cho vui mà thôi. Ngay cả khi ở tuổi 17, Ngần vẫn như một cô gái lên mười.

Đã có thời gian dài, có lẽ cũng phải 15 năm, bầy chim không trở về bãi vải. Vào một đêm trong chiến tranh, đúng cái đêm mà bầy chim nghỉ lại bãi vải thì bị bom đánh. Hàng chục quả bom đã ném xuống bãi vải. Sáng sớm hôm sau, người làng chạy ra bãi vải. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra. Bãi vải xơ xác, cây đổ ngổn ngang. Trên mặt đất, rụng kín hoa vải và la liệt xác chim. Người làng nhìn cây đổ, hoa rụng và chim chết mà nước mắt ròng ròng. Sau đêm ấy, bầy chim di cư không thấy bay về nữa.

Vào những ngày đầu tháng giêng, Ngần vẫn đôi lúc tha thẩn dọc bãi vải. Chính ở đó Ngần đã gặp Thư. Đó là một buổi chiều cách đây bốn năm. Họ làm quen nhau và Thư hỏi:

- Cô có biết bầy chim di cư không?

Ngần đã kể cho Thư nghe về bầy chim ấy, cả câu chuyện về con chim Chúa và chiếc lông chim mầu đỏ.

- Cô đã nhặt được chiếc lông chim ấy chưa?

Ngần buột miệng:

- Chưa. Năm nào em cũng tìm.

Nói xong, Ngần đỏ mặt và vội bỏ đi.

Hôm sau, một cán bộ xã đưa Thư đến nhà Ngần. Lúc đó cô mới biết Thư là một người nghiên cứu về những bầy chim di cư. Thư đến để được nghe bà nội Ngần kể về bầy chim.

- Tôi đang đi tìm bầy chim ấy - Thư nói.

- Bầy chim nào? - Ngần hỏi.

- Bầy chim trước kia đậu lại làng mình một đêm ấy.

- Chúng nó ở tận trên trời, làm sao anh tìm được?

- Tìm được chứ - Thư nói hồ hởi - Tôi đã tìm thấy chúng rồi.

- ở đâu hở anh? Chúng ở đâu?

- Chúng đã về bãi vải ven sông, nhưng không như ngày xưa, chỉ có vài chục con thôi.

Thư đưa Ngần ra bãi vải. Anh chỉ cho Ngần thấy một hai chiếc lông chim. Rồi cả làng xôn xao lên sau buổi Thư nói chuyện ở đình làng về bầy chim, rằng chỉ một vài năm nữa, bầy chim sẽ lại về. Những ngày sau đó, có những buổi Ngần và Thư lang thang dọc bãi vải cho đến tối. Thư nói với Ngần:

- Chúng sẽ trở về. Bầy chim biết rõ chúng phải bay theo nguồn gió nào và hạ cánh ở đâu.

Vào mùa xuân năm sau, Thư lại lỉnh kỉnh đồ đạc về làng Ngần từ mồng 5 tết. Suốt ngày Thư ở trên đê nhìn trời. Thi thoảng, anh qua sông và đạp xe vào sát chân núi Mối. Mỗi khi trở về, mặt Thư tím đi vì gió lạnh. Ngần thường đun một ấm nước nóng cho Thư rửa mặt.

- Anh có thấy chúng về không? Lần nào thấy Thư dắt xe đạp từ ngõ vào sân, Ngần cũng hỏi như thế.

- Chưa thấy gì - Thư đáp - Nhưng anh tin năm nay chúng sẽ về đông hơn...

Thư bỏ lửng câu nói và im lặng nhìn Ngần.

Một buổi tối, Thư ở lại nhà Ngần rất khuya. Hai người ngồi nói chuyện với nhau bên bếp lửa.

- Đúng là những con chim này có một chiếc lông đỏ phải không anh? - Ngần hỏi.

- Anh tin là có - Thư nói - Anh cũng muốn nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ.

- Để làm gì?

- Để anh thực hiện được ước mơ của anh.

Câu ấy, Thư như nói bằng hơi thở. Và sau câu nói ấy, cả hai người im lặng cho đến lúc Thư đứng dậy. Khi hai người bước ra sân, Thư chợt kêu lên:

- Mưa ấm quá!

Hai người đứng ở sân và cùng ngửa mặt lên bầu trời tháng giêng tối thẫm. Mưa tháng giêng từ xa thẳm đang thì thầm phả vào mặt họ. Cả hai thấy ấm rực lên như đang ngồi bên bếp lửa.

- Mưa ấm quá! Thư nói như reo khẽ. Mưa ấm thế này là bầy chim sẽ về!

Nói xong, Thư nắm lấy bàn tay Ngần. Và họ nhận ra, hai bàn tay họ cũng đang ấm rực. Sau khoảnh khắc bàng hoàng qua đi, Ngần vội rút tay mình ra khỏi tay Thư.

- Anh về đi, khuya rồi! - Ngần nói vội vã.

- Ngần, Ngần! - Thư gọi thảng thốt.

Ngần bước lên hiên nhà. Cô đứng nép vào cột hiên. Chưa bao giờ cô lại thở như thế. Khi biết Thư đã đi xa, và khi hơi thở dần dần trở lại đều đều, Ngần đẩy cửa vào nhà. Cô bước lại bên giường bà nội và nói:

- Bà ơi, bà ngủ chưa? Cháu đốt cho bà chậu lửa nhé!

- Bố cô! Bà nội mắng yêu. Chờ được cô đốt lửa cho thì tôi đã chết cóng rồi!

Ngần cười khúc khích và chui vào màn. Cô ôm lấy bà nội.

- Bà ơi, mưa ấm lắm. Mưa ấm như thế bầy chim sẽ về!

- Ai bảo thế? - Bà nội hỏi.

- Anh Thư nói thế bà ạ!

- Thằng Thư à - Bà nội nói - Cháu à, bà bảo nhé, con gái mà da khô, tóc cứng và nóng như cháu thì đường tình duyên khổ lắm. Đứa nào nó yêu cháu thật thì nó phải là người đức độ lắm.

Đêm ấy, Ngần thao thức mãi không ngủ được. Tiếng Thư gọi Ngần lúc ở ngoài sân làm cho Ngần thấy chóng mặt. Chưa ai gọi Ngần với giọng như thế bao giờ.

Đúng chiều ngày 13 tháng giêng năm ấy. Ngần theo Thư ra đê. Mưa tháng giêng bay mờ cả triền sông. Vải đang trổ hoa. Họ đứng im lặng nhìn về phía trời xa. Bầy chim trở về thật, chừng vài chục con từ từ đậu xuống ngọn cây vải cao nhất. Thư nắm tay Ngần chạy xuống chân đê. Cả hai rón rén đến dưới gốc vải và nhìn lên. Bầy chim đậu sát bên nhau và khẽ kêu lên, tiếng trong như tiếng sáo trúc. Thư say sưa ngắm nhìn bầy chim cho đến khi trời đổ tối. Thư dắt tay Ngần đi lên mặt đê. Ngần để yên tay mình trong tay Thư. Lên đến mặt đê, Thư vừa thở vừa nói:

- Anh dự báo đúng. Bầy chim đã trở về rồi, Ngần ơi!

Nói xong, Thư ôm choàng lấy Ngần. Ngần gục đầu vào vai Thư. Cô thấy tim mình đập vang vang tận đỉnh đầu.

Sáng sớm hôm sau bầy chim rời bãi vải ra đi. Ngần lén ra bãi vải. Cô vừa hồi hộp vừa ngượng ngùng tìm dưới gốc cây vải xem có chiếc lông chim mầu đỏ không. Dù trong lòng cô nghĩ chiếc lông chim mầu đỏ có lẽ chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng khi không tìm thấy chiếc lông chim ấy thì lòng Ngần dâng lên một nỗi lo âu mơ hồ. Và rồi, cô buồn hết cả tháng giêng.

Bầy chim ra đi được mấy ngày thì Thư cũng ra đi. Anh phải trở về vùng đất ngập nước, cùng các đồng nghiệp tiếp tục công việc của mình. Đêm ấy, trong bếp lửa nhà Ngần, nghe Thư thổ lộ tình yêu của anh, Ngần đã khóc. Lời tỏ tình mà Ngần đã chờ đợi bao năm tháng lại làm cho Ngần hoảng sợ và đau khổ. Nếu Ngần tin rằng mình xinh đẹp như các cô gái khác, cô đã chạy ùa đến đón nhận tình yêu của Thư.

- Làm sao em khóc? - Thư hỏi.

Ngần không thể nói cho Thư biết vì sao cô khóc. Cô ngước mắt nhìn Thư. Cô nhìn thấy đôi mắt Thư đang nhìn cô đắm đuối và ấm áp vô cùng. Lúc đó, Ngần muốn gào lên với Thư rằng: "Tại sao anh có thể nhìn gương mặt xấu xí của em đắm đuối như thế kia được". Nhưng Ngần không gào lên được. Cô chỉ biết khóc. Thư kéo đầu Ngần vùi vào ngực mình. Anh vuốt ve mái tóc Ngần. Lúc đó, Ngần cảm thấy mái tóc mình khô giòn và khét đắng. Đến khi Thư vuốt ve bàn tay Ngần thì Ngần vùng khỏi vòng tay Thư và nghẹn ngào:

- Tại sao em lại không nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ?

Câu hỏi của Ngần vừa tủi thân, vừa oán hận. Thư nhìn Ngần và nhận ra tất cả. Anh thì thào:

- Em sẽ nhặt được, chắc chắn là nhặt được.

Nửa tháng sau ngày Thư đi. Ngần nhận được thư anh. Thư say sưa kể cho Ngần nghe về những bầy chim di cư trở về trong những ngày đầu xuân ấm áp. Ngần thấy hạnh phúc và nhớ Thư vô hạn. Đêm ấy, cô đọc thư của anh bao nhiêu lần cũng không thấy chán. Nhưng khi cô lấy chiếc gương ra soi thì cô lại gục đầu mệt mỏi. Cô luôn luôn cảm thấy da cô khô và sạm, tóc cô cứng và khét, mắt cô hơi xếch, đôi môi cô có những vệt rộp. Nhưng sao anh ấy lại yêu mình? - Cô thầm hỏi. Hay anh ấy chỉ yêu bầy chim thôi? Ngần nhận được thư của Thư, nhưng cô không viết lại cho anh.

Thư viết cho Ngần mỗi lúc một thưa và bặt hẳn. Lá thư nào, Thư cũng xin được cưới Ngần và mong câu trả lời của Ngần. Nhưng Ngần đã im lặng suốt cả một năm. Những lúc thấy Ngần thẫn thờ, bà nội lại bảo: "Bà biết cháu chờ nó. Nhưng cháu ơi, người ta khác mình lắm. Xem có đứa nào trong làng tốt bụng hỏi thì lấy. Tuổi cháu đứng rồi, đừng viển vông. Trong nhà, bà lo và thương nhất mày. Nếu xinh đẹp như người ta thì lại đi một nhẽ, đằng này... Thôi, ông trời cho thế nào thì được thế, cháu ạ".

Năm ấy, bầy chim di cư trở về đông lắm, có tới hàng trăm con. Cả làng xôn xao. Những người già trong làng họp lại để bàn về lễ đón chim năm sau. Sau khi bầy chim bay đi, chẳng có ai ra bãi vải tìm chiếc lông chim mầu đỏ, chỉ có Ngần. Nhưng Ngần không tìm được chiếc lông chim mong ước ấy. Và năm đó, thời gian đối với Ngần trôi đi quá chậm.

Nhưng rồi mùa xuân lại trở về, dù rằng năm nay mùa đông như về quá muộn. Nhưng mùa đông phải trả lại thời gian cho mùa xuân đúng quy luật của nó. Mới chỉ ngoài Tết mấy ngày mà mưa phùn đã ấm như hơi nước nóng. Cũng vào lúc đó, có một người tìm đến Ngần. Đó là một người đàn ông tóc đã điểm bạc. Ông là một nhà nghiên cứu chim di cư. Ông làm cùng viện với Thư:

- Cậu Thư đang lặn lội tận đồng bằng sông Cửu Long - Người đàn ông nói vậy. Sau đó ông không hề đả động gì đến Thư, mà chỉ chăm chú hỏi về bầy chim.

- Tôi đọc hồ sơ của cậu Thư về bãi đỗ chim làng cô và cả câu chuyện về chiếc lông chim mầu đỏ...

- Chuyện cổ tích ấy mà, bác quan tâm làm gì. - Ngân buồn bã nói.

- Tôi lại tin chuyện đó là thật.

- Thật, sao chẳng thấy chiếc lông chim mầu đỏ? - Ngần nói, giọng chợt xa  xăm, - có người tìm cả đời chẳng thấy.

- Người nào có lòng tin thì sẽ gặp được điều mình mong muốn - Người đàn ông nói. Mỗi người phải tin vào một điều đấy. Trước hết phải tin vào chính mình.

Đêm ấy, Ngần lại mở thư của Thư ra đọc. Cô biết, cô vừa mong đợi những lá thư như thế, lại vừa nghi ngại những gì Thư viết cho cô.

Sau bao nhiêu năm, ngày 13 tháng giêng năm nay, làng Ngần lại tổ chức lễ đón bầy chim. Khoảng hai giờ chiều, người làng đã tụ tập kín mặt đê. Một chiếc bàn phủ gấm điều bày bánh trái, hoa quả và một chiếc lư đồng. Trầm được đốt lên tỏa thơm ngát, Ngần cũng có mặt trên đê. Nhưng cô chỉ đứng ở phía cuối đoàn người, khăn len che kín mặt. Với mặc cảm về sắc đẹp của mình, cô luôn luôn né tránh đám đông. Cô đứng đợi bầy chim trở về mà lòng buồn bã.

Khoảng ba giờ chiều thì bầy chim trở về. Chúng xuất hiện phía xa như một đám mây. Đám mây mỗi lúc một lớn. Và những người đứng trên mặt đê nghe thấy tiếng đập cánh của bầy chim như tiếng mưa rào đang đổ xuống. Và trong khoảng khắc, bầy chim có lẽ đến vài ba ngàn con ngờm ngợp đập cánh trên đầu họ. Tiếng kêu của bầy chim vang lên như tiếng sáo trúc rộn ràng. Bầy chim lượn một vòng quanh làng Ngần rồi từ từ đậu xuống bãi vải. Mọi người đứng trên mặt đê reo hò.

Ngần đứng lặng im, mắt không chớp nhìn bầy chim.

- Tôi đã nhìn thấy con chim Chúa.

Nghe tiếng người nói sau lưng. Ngần quay lại và nhận ra người đàn ông cùng viện với Thư.

- Bác nhìn thấy thật à? - Ngần hỏi. - Sao bác biết?

- Con chim bay ở giữa đàn. - Người đàn ông nhìn về phía bãi vải, nói. Nó có đôi cánh dài, rộng gấp đôi những con khác. Nó bay nhanh nhưng đập cánh rất ít. Chỉ có con chim Chúa mới có chiếc lông mầu đỏ.

Câu nói của người đàn ông bỗng làm cho Ngần dâng lên một cảm xúc lạ lùng. Cô mở chiếc khăn ra. Gió xuân ấm áp phả lên mặt cô. Và từ đó cho tới lúc đi ngủ, Ngần náo nức lạ thường. Ngày mai cô sẽ dậy thật sớm để đi tìm chiếc lông chim mầu đỏ.

Và Ngần đã khóc nấc lên trong buổi sớm mùa xuân. Khi bước ra sân, cô thấy những chiếc lông chim rụng ngay ở sân nhà cô. Sáng sớm hôm nay, bầy chim từ bãi vải đã bay cắt qua làng cô để trở về vùng đất ngập nước. Và giữa những chiếc lông chim mầu trắng là một chiếc lông chim mầu đỏ như lửa. Ngần nhặt chiếc lông chim lên. Cô để chiếc lông chim trong lòng bàn tay. Chiếc lông chim khe khẽ rung lên bởi hơi thở của Ngần. Cô vội mang chiếc lông chim mầu đỏ vào nhà, mở chiếc khăn tay và đặt chiếc lông chim lên đó ngắm nhìn, lòng ngập tràn hạnh phúc. Suốt ngày hôm đó, Ngần cười nói khác thường. Đến khuya, khi tin chắc mọi người đã ngủ say, Ngần rón rén trở dậy. Cô vặn to đèn, run rẩy lấy ra chiếc gương rồi lại ấp chiếc gương vào ngực, người run bắn. Cuối cùng cô đưa chiếc gương lên ngang mặt mãi lâu sau mới lấy hết can đảm và từ từ mở mắt ra. Cô nhìn vào gương. Và thật kỳ lạ, cô thấy mình không hề xấu xí như những ngày xưa, nước da không phải khô và sạm, mà rám nắng, khỏe mạnh, đôi môi không hề có vết rộp mà mọng ướt. Cô từ từ đưa tay lên mái tóc. Mái tóc cô dày và mềm mại.

Cô soi gương, rồi bỏ gương đi. Rồi cô lại soi, lại bỏ, mỗi lúc lòng tin về nhan sắc của mình càng mạnh mẽ.

Ngày hôm sau, cô đi chơi khắp làng. Bạn gái cô kéo cô lại và thì thầm: "Yêu rồi phải không?", "Yêu ai mà yêu", - cô cãi. Bạn gái cô nói: "Đừng có giấu tao, mày đẹp ra như thế này thì chỉ do hơi đàn ông chứ còn gì". Cô đỏ mặt sung sướng. Cô không muốn nói về chiếc lông chim mầu đỏ. Cô không tin chuyện thần tiên. Nhưng cô không lý giải được vì sao lại thế. Chỉ có điều không ai cho là cô xấu. Chỉ có cô nghĩ mình xấu xí và tự ti về nhan sắc của mình.

Điều ấy chỉ mình Thư biết. Và anh yêu cô lạ lùng. Anh phải kéo cô ra khỏi sự mặc cảm ghê gớm đó. Chỉ làm như thế, anh mới có được cô. Và anh đã bỏ mọi công sức lang thang đến nhiều vùng để tìm được một chiếc lông chim mầu đỏ. Anh đã nhờ một đồng nghiệp về làng Ngần trong mùa chim di cư trở về và bí mật thả chiếc lông chim mầu đỏ xuống trước cửa nhà cô.

Mấy ngay sau, người đàn ông cũng ra đi. Ngần viết lá thư đầu tiên cho Thư và nhờ người đàn ông ấy chuyển giúp. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Em yêu anh. Ngày nào em cũng mong anh trở về. Hãy về với em! Ngần".

NGUYỄN QUANG THIỀU
Xuân đoàn viên
Theo một chuyến đi xa,
Tình riêng anh để lại...
Tháng ngày dần xa mãi
Héo buồn một kiếp hoa
Nơi phương Nam nắng ấm,
Một tấm lòng bao la.
Thương người vui chia sẻ....
Cùng phận đời với ta !
Bây giờ mới thật là nhà,
Tình riêng không để xót xa cho người.!
NM

 Tháng giêng cỏ non

Cách đây 18 năm, Sạng bỏ quê hương, một thôn xóm bé nhỏ miền duyên hải Bắc Việt, vào Nam kỳ. Chuyến đi của anh Sạng ngày ấy như một chuyến đi phát vãng biệt xứ và anh Sạng lúc xa lìa bóng tre làng cũ lên đường vào đất Nam kỳ xa xôi, anh đã cầm bằng là sẽ gửi nắm xương trên một mảnh đất nào ở xứ lạ. Anh Sạng đi làm phu đồn điền cao su.
Hồi ấy, tôi mới có tám tuổi. Ngày anh Sạng đi đến nay tôi chỉ còn nhớ được qua những hình ảnh rất nhạt thoáng, bóng dáng người mẹ anh khóc sướt mướt chạy theo anh lên tận chân đê đầu làng, túm áo anh van xin anh ở lại. Ở lại mà làm ăn. Mà cầy bừa. Mà thương lấy một người đàn bà còn trẻ dại đã có với anh hai đứa con thơ.
Nhưng rồi anh Sạng cũng vẫn đi Nam kỳ. Đôi mắt ấu thơ của tôi ngày ấy đã nhìn thấy những ấn tượng khá buồn thảm: bóng anh Sạng xa khuất dần trên con đê heo hút, người mẹ khóc rũ xuống, bước chân xiêu đổ trên con đường về và qua nhà tôi, người đàn bà hiền lành đã chạy vào ngồi trên bục cửa mà khóc như mưa như gió.
Tôi còn nhớ mụ bảo tôi:
“Chú Thảo ơi, thằng Sạng nó bỏ vợ bỏ con nó đi Nam kỳ rồi”.
Một lát sau, chị Sạng tay bồng hai đứa trẻ nhỏ cũng chạy đến. Thế rồi cả cái gia đình đáng thương ấy đã ngồi quây lấy nhau mà khóc cái tan vỡ gây nên bởi một người bỏ đi Nam kỳ. Hồi ấy tôi chưa hiểu gì đến phân ly. Càng không hiểu Nam kỳ là gì nữa. Người làng xóm nhắc nhở thì thầm đến Tân Thế giới, đến Nam kỳ, đến đời sống hãi hùng của những người phu dưới bóng lá tối thẳm của những đồn điền cao su và đất Nam kỳ đã hiện ra trong tưởng tượng thơ ngây đơn giản của tôi như một hòn đảo nào xa dạt có những bến bờ hoang vu và đầy gió bão.
Trong cái thôn xóm nhỏ bé của quê tôi, một vài năm lại có một vài người, thường là một gã con trai, động lòng bốn phương thì ít, vì chuyện này chuyện nọ thì nhiều, bỗng dưng một buổi bỏ làng đi Nam kỳ. Chuyến đi nào cũng chứa đựng một cái gì tối tăm thê thảm. Người làng coi những người bỏ đi như những kẻ điên dại cùng cố, đã mất hết lẽ phải.
“Bọn mày đã dở chứng. Muốn hoá điên hay sao mà đi chứ? Tự dưng bỏ làng bỏ nước đi biệt vô tăm tích, có chăng là đồ hoá dại!”

Riêng anh Sạng, cái nguyên nhân bỏ đi của anh về sau tôi hỏi và mẹ tôi có thuật lại. Số là anh Sạng bị làng xóm láng giềng nghi ngờ là đã ra tỉnh báo Tây đoan về bắt rượu lậu chôn giấu ở vườn rau một người anh họ con chú con bác với anh. Người anh họ bị đi tù sáu tháng về tội nấu rượu lậu thật. Và anh Sạng uất ức bỏ đi. Riêng tôi, không hiểu tại sao ngay hồi đó tôi đã nhất định tin rằng anh oan. Một phần có lẽ vì anh Sạng oan thật, một phần vì anh là một trong những người ở làng mà tôi mến yêu trong suốt thời kỳ tuổi nhỏ. Giữa anh Sạng và tôi có nhiều kỷ niệm, bé mọn, nhưng lòng tôi thay đổi nhiều mà những kỷ niệm ấy vẫn còn lại và vẫn thơm hương.

Anh Sạng có một thửa ruộng nhỏ ngoài cánh đồng gần nhà tôi. Buổi sớm nào tôi cũng ra đứng ở đầu ngõ và buổi sớm nào tôi cũng gặp anh Sạng ra đồng. Lần nào thấy tôi anh cũng đứng lại, trợn mắt, mắm môi, làm cho tôi vừa sợ hãi và thích thú. Anh bế bổng tôi lên trên cánh tay lực lưỡng, đoạn anh ghé sát vào tai tôi, hỏi nhỏ:
“Chú Thảo muốn gì?”
Lần nào anh cũng chỉ hỏi có vậy. Lần nào tôi cũng giơ tay chỉ lên cây bàng cổ thụ ở trước cửa nhà tôi. Thế là anh Sạng liền bỏ cày bỏ cuốc leo ngay lên cây. Từ những cành cao chót vót, anh hái những trái bàng chín vàng vất lung tung xuống đất cho tôi nhặt. Khi nào thấy hai túi áo tôi đã phồng lên, anh mới leo xuống, phùng má trợn mắt với tôi một hồi nữa rồi mới bỏ đi. Tôi lớn dần lên. Đến lúc đi học ở trường làng lại vẫn anh Sạng là người ở những ngày mưa gió cõng tôi đi trên con đường lầy đến tận cửa trường.
Tôi yêu anh Sạng. Gia đình tôi quý anh, vì tính anh hiền lành, vì lòng dạ anh ngay thẳng, hay nổi nóng, nhưng bản chất anh bao giờ cũng đôn hậu, cũng vui tươi.
Chuyện anh Sạng bỏ làng đi Nam kỳ, người làng người nước nói này nói nọ mãi rồi cũng thôi. Như mọi câu chuyện xảy ra ở cuộc đời, những sự kiện sôi nổi nhất cũng lắng chìm trong dĩ vãng và cái thôn xóm bé nhỏ của tôi cũng biết lãng quên. Chuyện cũ nhoà dần, rồi chết hẳn. Duy có gia đình anh, duy có tôi là vẫn không quên anh. Cứ mỗi mùa bàng chín, tôi ra đầu ngõ nhìn lên là hình ảnh anh lại hiện về qua một nhớ thương phảng phất dịu nhẹ. Bàng chín vàng trên kia nhưng không ai hái cho tôi nữa. Người mẹ già yếu thêm mãi. Chị Sạng lúc nào cũng tư lường sầu muộn. Những đứa con anh đã biết nói biết đi.

Nhưng anh Sạng đi Nam kỳ thì vẫn chẳng thấy về. Cũng chẳng có âm hao tin tức gì. Người đàn ông bỏ làng một buổi đi xa, con đê cao dẫn lối cho anh Sạng ngày nào, đến nay vẫn không hắt trả lại một bước chân, một tiếng nói, một âm hưởng, một chút ánh sáng dù rất mong manh của ngày hồi hương. Tôi thương vợ con anh Sạng, càng thấy cái đất Nam kỳ là mịt mùng xa xôi. Không biết anh Sạng còn sống hay đã chết? Một vài lần, chị Sạng khẩn khoản nhờ vả, tôi cũng viết mấy lá thư cho chị gửi vào Nam. Nhưng viết đấy cũng biết trước chẳng ăn thua gì. Phần vì anh Sạng bặt vô âm tín đã lâu ngày. Phần vì thư gửi đến những địa chỉ hết sức vu vơ. Thường là những vùng có đồn điền cao su. Dầu Tiếng, Trảng Bom, Ninh Hoà. Hỏi thăm phong thanh thấy nói anh Sạng ở đâu là chị Sạng lại nhờ tôi viết đến đấy. Cứ viết cứ gửi. Cứ bặt vô âm tín. Chị Sạng buồn phiền đau yếu luôn, càng biết đến những ngày cùng cực thiếu thốn trên mảnh vườn ruộng xơ xác. Về sau không biết ai đồn đến tai chị Sạng rằng anh Sạng ở trong Nam kỳ bây giờ giầu có lắm, rằng anh đã có nhà cửa đất cát, anh đã thôi làm ở đồn điền cao su về mua nhà mở tiệm ở Sài Gòn. Chị Sạng cũng giục giã tôi viết hộ chị những cánh thư gửi vào Nam. Thư tôi viết cho anh Sạng từ hồi đó đã nhiều mà vẫn không có một hồi âm nào gửi trả về xóm cũ.
Ngày tháng nghiêng đi. Như thế đã 18 năm.
Rồi người ta ký kết với nhau hiệp định Genève.
Cái thôn xóm bó nhỏ miền bể quê tôi náo động lên như một cuộc đổi đời. Đàn bà trẻ con già lão từng đoàn kéo nhau lũ lượt xuống tàu. Vợ con anh Sạng cũng dời bỏ mảnh vườn cũ. Đất Nam kỳ xa xôi hãi hùng ngày nào bây giờ lại nằm trong nhỡn giới người đi như một viễn tượng tươi đẹp của miền Tự Do.
Chị Sạng cùng đi một chuyến tàu với tôi. Suốt mấy ngày lênh đênh trên mặt sóng, chị Sạng chỉ nói chuyện với tôi đến chồng. Xa cách 18 năm, tin tức bằn bặt, mà chị Sạng vẫn cứ tin rằng anh còn sống và trời đất tao loạn lại làm cho vợ chồng chị được gặp nhau. Tôi, tôi cũng muốn tin như thế, tin niềm tin của chị Sạng, tin tưởng hết lòng. Kỷ niệm tuổi nhỏ trở về trong một ngày ly hương của tôi đã có cái bóng dáng của anh Sạng, những ngày mưa gió cũ cõng tôi đi trên con đường lầy. Tôi cũng mong được gặp lại anh.
Đặt chân lên đất nước miền Nam, mẹ con chị Sạng theo người làng lên định cư ở vùng Dốc Mơ, trên con đường Biên Hoà. Chị khẩn khoản dặn tôi ở Sài Gòn nếu có gặp anh Sạng thì nhắn ngay cho anh biết mẹ con chị đã vào đây. Sự chung thủy của người đàn bà làm tôi cảm động. Tôi hứa với chị Sạng nếu anh còn sống, thế nào tôi cũng tìm bằng được anh.
Suốt hai tháng đầu tiên ở Sài Gòn, tôi để ý thăm dò tin tức của anh Sạng trong những buổi đi thăm thú đường đất, thuê mướn nhà cửa. Tình cờ một hôm, tôi gặp anh Sạng ở Khánh Hội. Tôi nhận ra anh nhưng anh không nhận được tôi. Mãi sau, lúc tôi đã nói trên tuổi nhà cửa anh mới chợt nhớ. Nhớ ra tôi rồi, anh mừng quýnh mời tôi về nhà.
Anh Sạng đã già đi nhiều. Tóc đã hoa râm. Những nếp nhăn in hằn lên những ngày mưa nắng. Vậy mà đi bên anh tôi bỗng có cảm tưởng như mình bé nhỏ hẳn lại. Tôi sống một cảm giác thơ dại bỡ ngỡ như những tháng ngày hoa bướm đã về cũ, đã xa khuây, gặp anh đi qua ngõ ra đồng phùng má trợn mép làm bộ doạ nạt, một cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú lại nổi dậy trong tôi. Chỉ thiếu một con đường lầy và những trái bàng chín, nếu không, anh Sạng đã đưa hẳn tôi trở về trong tuổi thơ.
Tôi hỏi anh Sạng:
“Anh đi từ hồi ấy được bao lâu rồi nhỉ?”
Anh Sạng vẫn gọi tôi bằng chú:
“Chú tính 18 năm rồi còn gì? Dạo ấy chú còn bé tí. Giời mưa đi học còn phải cõng, chú bá lấy cổ tôi mỏi chết đi ấy”.
Hai chúng tôi cùng cười.

Đang đi tôi chợt nhớ đến mẹ con chị Sạng. Định báo tin cho anh biết, nghĩ thế nào tôi lại thôi. Để đến nhà anh sẽ báo sau. Tôi muốn dành cho anh một sự bất ngờ vui thú. Tôi tin rằng nếu biết vợ con anh đã vào đây anh Sạng sẽ sung sướng lắm.
Đến một căn nhà lá bé nhỏ, xiêu vẹo cuối một ngõ hẻm, anh Sạng đứng lại.

“Nhà tôi đây chú ạ!”

Tôi nhìn căn nhà tồi tàn, thật thà hỏi anh:
“Sao người ta đồn anh giàu có lắm cơ mà?”
Anh Sạng nói, giọng buồn rầu:
“Ấy vì thế mà tôi cũng chẳng muốn tin tức gì về làng về nước cả. Đã lang bạt đến nơi đất khách quê người mà cứ lận đận mãi. Tôi cũng chẳng muốn cho làng xóm láng giềng họ biết làm gì. Chỉ thêm chê cười chú ạ!”
Anh đẩy cánh cửa gỗ mời tôi vào. Định nói cho anh biết tin tức vợ con anh tôi lại thôi ngay. Vừa có một người đàn bà đi ra tay dắt mấy đứa trẻ con. Thấy tôi nhìn trừng trừng có vẻ lạ lùng, anh Sạng vậy nói:
“Nhà tôi đấy chú ạ!”
Người đàn bà cúi đầu chào tôi. Chị nói tiếng miền Nam. Mấy đứa trẻ nhỏ vây chung quanh gối người mẹ, nhìn tôi chăm chú.
Anh Sạng bảo vợ:
“Chú Thảo đấy!”
Người đàn bà mỉm cười bế con lại gần. Chị hỏi thăm tôi chuyện ngoài Bắc. Chị bảo tôi rằng anh Sạng có nói chuyện đến tôi, đến gia đình tôi cho chị nghe luôn. Chị mong một ngày nào yên bình, đường đất đi lại dễ dàng, mẹ con chị sẽ được anh Sạng cho ra chơi thăm ngoài quê chồng. Tôi trả lời nhát gừng. Tôi không có cảm tình với người đàn bà này. Nhìn chị, tôi nghĩ đến một người đàn bà khác, người vợ cả miền Bắc, vừa vượt bể đi hàng nghìn cây số vào đây, với niềm tin tưởng cuối cùng gửi gấm tất cả vào một ngày lại gặp người cũ. Nhưng mà cuộc đời có đi theo cái hướng đi của niềm tin tưởng kia không? Anh Sạng đã lấy vợ khác rồi. Anh đã có những đứa con khác, xây dựng một cuộc đời khác. 18 năm hiện lên trong trong qua một ấn tượng cách biệt thăm thẳm. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian không cùng ấy với sự đổi thay rộng lớn của cuộc đời và của con người. Tôi nghĩ đến những tầng lớp của biến chuyển tàn nhẫn, đảo lộn ghê gớm, đến cái độ tan biến hoàn toàn những dấu vết đường lối cũ. Thời gian ở đây cũng đang làm loãng nhạt những tâm hồn chung thuỷ nhất, những kỷ niệm đằm thắm nhất và những liên lạc sâu nặng nhất. Vậy mà chị Sạng đã đợi chờ mười tám năm. Hình ảnh người đàn bà bồng con đợi chồng về trong không gian bát ngát và trong thời gian không màu, dưới mưa nắng gió bão, mùa qua mùa, trở lại về bằng những bóng hình tối xám trong tôi. 18 năm. Người đàn ông bỏ làng ra đi, khi ném cả đời mình vào cuộc phiêu lưu chắc đã có thừa ý định đoạn tuyệt với đoạn đời cũ, những người thân yêu cũ. Tôi không muốn tin. Nhưng lại bắt buộc phải tin.
Tôi nhìn anh Sạng. Anh bế đứa trẻ nhỏ nhất vào trong lòng. Người đàn bà đến ngồi bên anh. Tôi quay mặt trước cảnh tượng âu yếm. Tôi đứng dậy.

“Ngồi chơi đã chú Thảo”. Anh Sạng bảo tôi.
“Thôi để lần khác”.
“Vậy hôm nào chú ở chơi lâu nhé! Các con chào chú Thảo đi”.

Người đàn bà đẩy tay những đứa trẻ. Chúng chào tôi ngượng ngập. Anh Sạng đứng dậy bảo vợ:
“Mình ở nhà, tôi đưa chú Thảo ra đầu phố”.
Từ nhà anh Sạng đi trở ra, ngõ hẹp chói nắng không có một bóng cây. Tôi nhớ đến cái bóng mát dầy đặc của một cây bàng cổ thụ ở đầu ngõ quê tôi. Tôi muốn đưa anh Sạng trở về cùng tôi dưới gốc bàng này, trong dĩ vãng. Tôi nghĩ nhiều đến cái gia đình của anh. Đến chị Sạng, đến sự đợi chờ của chị suốt bấy lâu, đến những cánh thư của chị gửi đi lác đác suốt một đoạn đời dài thẳm, sự trông mong khắc khoải không tính đếm đến tháng ngày. Tôi nghĩ đến lúc tàu ghé bến Sài Gòn, đôi mắt chị tha thiết, khẩn khoản nhờ tôi tìm bằng được anh Sạng cho chị. Tôi đã tìm được rồi, chị Sạng ạ! Nhưng anh Sạng có còn là người của chị nữa không?
Hai chúng tôi im lặng bước đi.
Tôi nói bất thình lình:
“Anh Sạng này!”
“Chú Thảo bảo gì?”
“Chị ấy và các cháu đã vào đây rồi đấy”.
“Ai?” Anh Sạng hỏi sửng sốt.
“Chị ấy với các cháu. Cùng đi một chuyến tàu với tôi. Bây giờ hiện ở trên Dốc Mơ. Chị Sạng có nhờ tôi nếu có gặp anh thì nói cho anh biết để anh tới đón về”.
Một lát ngẫm nghĩ. Anh Sạng nhìn tôi:
“Sao bây giờ chú mới nói cho tôi biết”.
Tôi không trả lời anh. Anh cũng đã biết tại sao tôi đã im lặng, tại sao bây giờ tôi mới nói với anh. Người đàn bà miền Nam với những đứa trẻ nhỏ tôi vừa gặp đã là cái nguyên nhân làm cho tôi trở nên ngại ngùng. Báo tin cho anh Sạng về sự mới tới của mẹ con chị Sạng, tôi chỉ giữ trọn vẹn một lời đã hứa. Thế thôi. Tôi không dám tin tưởng gì. Mà lại chỉ dám tin tưởng ở điều này là thời gian và sự xa cách vẫn làm cho những hướng đời gần gụi nhất cũng lãng quên nhau và kỷ niệm chỉ là một hình ảnh trừu tượng, những sự kiện đã chết, không có được lấy một tác động bé nhỏ. Tôi không giận anh Sạng nếu thực ra anh đã lãng quên. Tôi biết anh đang buồn phiền nhiều. Đem lòng mình hôm nay để giải quyết một sự trạng trái ngược của hiện tại, anh Sạng chỉ còn cách đi ngược lại 18 năm cũ, thăm dò lại lòng anh thì anh mới tìm được giải pháp thích đáng. Lại cũng chỉ có mình anh giải quyết được thôi. Tôi đoán anh cũng đang làm thế.

“Tôi thật không ngờ, chú Thảo ạ! Chú có nói tôi mới nhớ vì quả thật tôi đã quên từ rất lâu. Như tôi đã muốn quên tất cả. Cả làng ngờ oan cho tôi, đến mẹ tôi, đến vợ tôi cũng ngờ vực theo nữa. Mấy năm sau có người vào trong này nói đến tai tôi là vợ tôi đã đi lấy chồng. Sau đó tôi gặp cái Năm ở Dầu Tiếng. Đang buồn bực tôi lấy nó làm vợ. Bây giờ thấm thoát đã ăn ở với nhau được mười hai năm rồi. Có con cái với nhau nữa. Tôi cũng lại bảo cái Năm là tôi đã mất vợ trước, nó mới bằng lòng lấy tôi. Nó biết sự thể thế này, nó sẽ buồn lắm. Mà tôi bỏ cái Cả ở trên Dốc Mơ thì cũng không đành. Chú bảo tôi xử trí thế nào bây giờ?”
Trước hết tôi thấy cần phải đính chính giùm cho chị Sạng một điều: không bao giờ có chuyện chị đi lấy chồng. Mười tám năm trời chị nuôi con trong khổ cực và sống trong sự chờ mong tin tức anh. Anh Sạng có thể tin rằng, trước sau ở người vợ miền Bắc đáng thương kia không hề có một dấu vết đổi thay bé nhỏ nào, mà chỉ là những sắc màu bền vững nhất của chung thuỷ. Ngoài ra đó là chuyện riêng của anh. Anh phải xử trí lấy. Nghe rõ những tiếng lòng anh, thì rồi anh sẽ giải quyết được êm đẹp ổn thoả.
Cuối cùng, tôi cho anh biết địa chỉ của mẹ con chị Sạng, rồi tôi từ giã anh.
Thời gian nghiêng đi. Từ ngày gặp anh Sạng, đến nay đã được sáu tháng. Trong thành phố rộng lớn, cuộc sống tiến tới là sự kết thành của những lớp đổi thay mãnh liệt. Mỗi ngày một hình thức mới. Mỗi ngày một màu sắc mới, một tâm tình mới. Đôi khi, giữa hai trang nhật báo, đọc những tin tức của thất lạc, của thăm hỏi, và qua hình ảnh của những người mẹ tìm con, những đứa con thơ dại đi tìm những người chị khuất vắng dài hạn, những người vợ yếu đuối đi dò thăm một dấu vết nhoà nhạt của chồng con giữa những ngã ba, những đám đông, tôi lại chợt nhớ đến chị Sạng, đến đôi mắt chị Sạng, chị có còn được ai dành cho một chỗ đứng bé nhỏ dưới một mái nhà nào không? Sự cô độc đơn lẻ ở người đàn bà đáng thương kia có là một trạng thái vĩnh viễn kéo dài như một vệt bóng tối cho đến trọn đời?
Tôi còn giữ được niềm tin của tôi ở rất nhiều điều. Nhưng tôi không dám tin tưởng ở sự bền chặt của lòng người. Nhất là ở lòng người đã bỏ đi như anh Sạng.
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về. Mùa xuân tự do thứ nhất ở đây vẫn chứa đựng cái hình ảnh muôn đời đôn hậu của đoàn viên. Cuộc sống như hình ảnh của một ngả đường đến hình ảnh một trạm hẹn. Con người từ hình ảnh một chuyến đi đến hình ảnh một ngày dừng chân. Đến sự hoà hợp của những phương hướng cách biệt. Nhưng còn điều này: mùa xuân có đến với tất cả mọi người? Đến với tôi, đến với chúng ta, nhưng có đến với mẹ con chị Sạng? Tôi không biết nữa.
Rồi câu chuyện của anh Sạng, nỗi bận tâm của tôi trong suốt một thời gian, chính tôi cũng lãng quên đi.

Cho mãi đến tuần lễ trước. Một buổi sáng tháng Chạp. Thành phố tấp nập không khí buôn bán cuối năm. Tôi đang đi bộ ngắm những dãy hàng đến dịp này thì lại xuất hiện và lại chiếm hết chỗ của những hè đường vây chung quanh chợ Bến Thành thì tôi gặp anh Sạng.
Trông thấy tôi, anh đứng sững lại mừng rỡ:
“Ô kìa chú Thảo! Lâu lắm mới lại gặp chú. Về nhà chơi cái đã”.
Không kịp để tôi trả lời, anh kéo bừa tôi đi. Giữa phố phường đông đảo, một anh Sạng đã già yếu nắm tay tôi kéo thẳng một mạch về nhà, và tôi ngoan ngoãn đi theo anh như anh đã dắt tôi những ngày thơ ấu cũ. Anh Sạng nói chuyện suốt dọc đường đến cái Tết năm nay. Đến công việc của anh dạo này xem chừng đã thấy khấm khá hơn. Đến sự may mặc cho những đứa trẻ. Như thế cho đến nhà.
Như lần trước căn nhà bé nhỏ của anh hiện ra cuối đáy ngõ hẻm.
Như lần trước anh gõ cửa. Như lần trước cửa mở, rồi người đàn bà miền Nam hiện ra. Đằng sau chị, mấy đứa trẻ nhỏ.
Nhưng lần này tôi đã nhìn thấy thêm một cái gì, một cái gì mà tôi đang mong đợi hết lòng suốt mười tám năm. Tôi đứng ngây người: ở một góc nhà, dưới một vùng ánh sáng của lửa bếp, chị Sạng, người vợ cả miền Bắc, đang ngồi thổi cơm. Bên gối chị, hai đứa trẻ miền Nam tựa vào lòng chị nhìn lửa cháy. Nghe tiếng động, chị Sạng bỏ củi lửa nhìn lên. Chị mỉm cười với tôi. Tôi nhìn anh Sạng. Tôi nhìn cả nhà. Sau cùng cái nhìn của tôi gửi đến người đàn bà miền Nam vẫn đứng sau tôi. “Cái Năm Sà-goòng” của anh Sạng, người đàn bà thứ hai đã đến đời anh, yên lặng ngó tôi không nói gì. Nhưng tôi đã hiểu chị, qua một thoáng lửa lấp lánh nghịch ngợm mà tôi vừa bắt gặp ở trong mắt chị, nó nói nhiều cho cái tâm tình dễ dàng cởi mở, dễ dàng đón nhận, mà tôi thường thấy ở người đàn bà miền Nam. Tôi nhìn chị Sạng Hai. Tôi nhìn anh Sạng. Vui mừng và cảm động.
Tôi biết anh đã giải quyết ổn thoả êm đẹp cái chuyện riêng của anh rồi. Tôi còn biết rằng một phần lớn chính còn ở chị Năm nữa. Trước sự phân vân lưỡng lự, trước hoàn cảnh éo le của chồng, người đàn bà miền Nam đã hành động cao đẹp bằng cách đón nhận về chung một mái nhà, người đàn bà miền Bắc xa lạ, chia sẻ tình vợ chồng để có thêm tình chị em. Hành động này tôi thấy như một bông hoa vừa nở lên giữa thiên nhiên, trong cuộc đời, thành mùa xuân thứ nhất sau 18 năm không có mùa xuân. Tôi nhìn chị Năm, kính phục, quý mến. Chị Năm đã lấy được trọn vẹn cảm tình của tôi.
Buổi trưa cuối năm hôm đó tôi đã ở lại ăn một bữa cơm thường với gia đình anh Sạng.
Chúng tôi nói chuyện ngày xưa. Kỷ niệm tuổi thơ được nhắc nhở lại, vừa cảm động, vừa buồn cười. Tôi thấy tôi bé nhỏ hẳn lại.
Vợ chồng con cái anh Sạng đưa tiễn tôi ra tận đầu ngõ. Ngày ngả về chiều. Nắng vàng lụa. Xa xa từ những trung tâm thành phố, những tiếng ồn ào của một phiên chợ Tết vừa dâng lên. Tôi đi ra khỏi ngõ. Tôi cất tiếng hát nhỏ. Tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi. Tôi đang đi trên đường tuổi thơ. Hình ảnh đoàn viên của gia đình anh Sạng, chiều nay đã gây cho tôi cái cảm giác ấm áp của đêm Giao thừa, của ngày mùng Một. Người ta đang tìm về nhau. Đông lắm. Người ta đang gặp lại nhau. Con người, dân tộc đang hồi xuân.
Tôi nghĩ đến những con mắt, những nắm tay, những bếp lửa, những mái nhà. Từ một chấm dứt của mưa phùn tháng Chạp đến một khởi đầu của cỏ non tháng Giêng, mùa xuân dâng lên trong tôi, trong những hình ảnh tươi đẹp nhất của Đoàn Viên.

Mai Thảo

Thương nhớ tháng Giêng !
Trong làn mưa bụi nhẹ bay,
Hồn ta lắng lại đón ngày tháng Giêng...
Bâng khuâng chẳng chút ưu phiền,
Cỏ cây bừng tỉnh giữa miền tinh khôi,
Thương ơi giọt nắng bên trời,
Nhu mì vương vấn sương rơi vương cành !
Thương cơn gió sớm qua mành,
Thơm mùi rơm rạ, cánh đồng cỏ lên.
Nhớ hoài ký ức mông mênh,
Thương ơi dáng mẹ chênh vênh đốt đồng...!
Ngậm ngùi thân mẹ long đong,
Tháng năm lưng mẹ lại còng hơn xưa,
Mẹ ơi biết nói sao vừa,
Lòng con thổn thức khi chưa quay về !!
NM

Hoài cảm tháng Giêng

Trong làn mưa bụi nhè nhẹ choàng lên đất trời, ta lắng lòng thầm nghe những bước chân khẽ khàng của tháng Giêng, và điềm nhiên an trú trong khoảng trời ký ức riêng mình. Tháng Giêng tựa đôi mắt huyền của thiếu nữ đương độ trăng rằm, có chút bâng khuâng, mơ màng phảng phất giữa thanh xuân dịu dàng. Tháng Giêng đằm thắm ngân lên những âm điệu đầu tiên, trong bản hòa tấu bao cung bậc vui buồn của một năm, là khởi đầu chặng đường với những ấp ủ, ước vọng chan chứa. Thời gian lặng lẽ ghi dấu bao hành trình mà ta đã đi qua, những được mất, lòng chợt dấy lên ít nhiều những trăn trở, suy tư...

Tháng Giêng về đỏng đảnh nắng mưa. Cỏ cây bừng thức giữa trời đất tinh khôi, cánh đồng, dòng sông đang mùa thay áo, ẩn chứa nét duyên thầm mơ màng, xa xăm. Những vạt nắng nhu mì còn vấn vương thấp thoáng trong mưa, đậu nhẹ lên làn cỏ dọc triền đê xanh mướt. Hương cỏ dìu dịu ru giấc mơ tuổi dại, nâng gót chân em thơ ríu rít chạy cùng khúc đồng dao êm đềm. Ta theo mẹ ra đồng khi làn sương mỏng còn chùng chình giăng mắc, những cơn gió sớm lướt qua người lành lạnh. Lâu lắm rồi ta mới được hít căng lồng ngực hương hoa cỏ tinh khiết sớm mai, để mùi bùn đất, rơm rạ chất phác vương lại trên tóc, và thanh thản chìm vào khoảng trời trong vắt tiếng chim kêu. Cánh đồng mạ lên xanh mượt mà, tít tắp, trải dài màu của niềm hy vọng một vụ mùa sung túc, lúa chín vàng thẳng cánh cò bay.

Đi trong những ngày tháng Giêng, ta thương hoài mảnh vườn nhà một tay mẹ vun vén, nhớ mùa hoa cải vàng lung linh màu cổ tích trong giấc mơ ấu thơ. Ta nào quên những buổi chiều mơ mộng, ngồi nhìn đám cải vàng quyện giữa đàn bướm thướt tha đang la đà bay, mà lòng thơ thẩn nghĩ về bao ước mơ diệu vợi. Dáng mẹ lom khom gom lại rồi đốt đống lá khô ở góc vườn, mùi khói nao lòng vương lại ở đâu đấy trong hành trang ký ức, mà ta đã gói ghém vào đó bao yêu thương đong đầy. Những buổi chiều như thế trôi bình yên giữa dòng thời gian chầm chậm, để giờ đây, lưu lại trong ta bao hoài niệm quay quắt...

Rồi những ngày đoàn tụ qua mau, ta rưng rưng khăn gói trở lại phố thị với ngổn ngang lo toan phía trước. Tháng Giêng bỗng ngậm ngùi trong ánh mắt xót xa của mẹ. Hành lý không quá nặng mà sao tay chân cứ vướng víu, không nỡ bước qua cánh cổng tre dưới tán sầu đông, mùa hoa tím li ti rắc màu thương nhớ. Trong mắt mẹ bao giờ ta cũng chỉ là một đứa trẻ cần vòng tay yêu thương, mẹ nào được an lòng khi thấy ta một mình nơi đất khách.

Dẫu mưa nắng cuộc đời có làm vết thời gian bàng bạc trên dáng hình của mẹ, người vẫn không thôi ngóng chờ ta về nằm trọn trong khoảng trời bình yên, và ru ngủ bao nhọc nhoài sóng gió. Nên ta trân quý vô cùng những thức quà quê dung dị mẹ đã tỉ mẩn gói ghém, là kết tinh của tấm lòng ân cần, chăm chút cho đứa con sắp xa nhà.

Bánh xe thời gian vẫn lặng lẽ quay, tháng Giêng dịu êm trôi đi giữa chòng chành nỗi nhớ. Để rồi bao dấu yêu mùa cũ, cùng những tiếng lòng man mác vẫn không thôi thổn thức trong ta, khi nhớ về mảnh đất chôn nhau cắt rốn thấm đượm ân tình. Hẹn những mùa đoàn tụ đang chờ ta phía trước, để ta có thể trở về vun vén yêu thương mà ôm lấy đôi vai gầy của mẹ, rồi nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc vô bờ...

Trần Văn Thiên

 

Tháng Giêng trong vườn bà

Ngày nhỏ, tôi tin cả tuổi thơ mình không ra được khỏi khu vườn của bà. 
Tháng Giêng, cha mẹ tôi lại khăn gói đi làm xa người lớn hình như không bao giờ biết được cuộc đời này có thêm những gì ngoài công việc. Tôi được gửi về bà nội. Đó là một vùng quê năm nảo cũng như năm nào, cũ kỹ, quen thuộc đến từng gốc cây, ngọn cỏ.

Bà tôi có một chiếc đồng hồ để bàn của Nga, có khi nó gục mặt vào đống rơm dưới bếp cả mấy ngày bởi không ai vặn dây cót. Ở đây thời gian bao giờ cũng ngủ quên như tôi thôi. Có sáng thức dậy trong mưa lạnh, mắt nhắm mắt mở trong khói bếp, tôi đồ rằng mấy con chim sâu đang tập chuyền cành ngoài kia đã tập từ bao mùa xuân mà chưa thuần thục. Khói rơm cay xè mắt, bắp ngô luộc, siêu nước sôi, tôi tự đo mình bằng cái đòn gánh gác ở xó bếp xem cao đến nhường nào thì mọi sự quen mòn nhàm chán ấy sẽ có đổi thay.

Nắng hửng lên, đi trong khu vườn của bà thì tôi hào hứng lắm. Bà bảo bà đã phải bỏ cả những năm tháng tuổi trẻ để biến khu đất sỏi đá, đầy mảnh bom trên miền non cao này thành khu vườn xanh tươi như bao mảnh vườn dưới xuôi cho con cháu được chơi đùa.

Tháng Giêng, gia tài của bà là những bưởi, nhãn, mít, ổi, vú sữa, na, chanh... bắt đầu xanh lộc và ra hoa. Đến khi nắng xuân xuyên qua vòm lá chiếu xuống đây cũng không thể nào xuyên thủng bầu trời cổ tích bởi có tiếng chim trong lòng vá víu. Quanh những gốc táo, lê, trên con đường rải đá, tưởng như lúc nào đó sẽ gặp một bà cụ hay một nàng công chúa hiện ra với cái giỏ đầy nấm. Tiếng cá quẫy dưới mặt ao sóng sánh nắng vàng. Những câu chuyện của Tô Hoài, Vũ Tú Nam về những con dế mèn, xén tóc, chuồn chuồn kim hay lời đồn con cá chuối có cái miệng rộng nuốt cả đứa trẻ con... mà tôi mê mẩn đọc đến toét mắt mới nhận ra cơm đã quá lửa, tất cả như ùa về trong những sáng xuân ấy.

Tháng Giêng, như văng vẳng tiếng chuông chùa, không hiểu sao tôi cứ tự nhủ một điều đến lạ. Hoa bưởi như cô gái không xuất gia nhưng vẫn khép cánh cửa xanh của đài hoa tu hành, có con chim sẻ bay từ vườn chùa sang tịnh độ. Ngôi chùa ấy ở đâu? Tiếng chuông từ đâu?

Xế trưa, bao giờ bà cũng tìm ra thứ rau nào đấy trong vườn để nấu canh hay xào với dầu lạc. Bà nựng tôi về ăn cơm bằng câu nói tôi đã thuộc làu: “Cây bưởi, cây ổi, cây na... này, nhớ ra quả là để anh cò ăn nhé, không cho lũ chào mào đít đỏ lắm lời kia ăn đâu”. Tôi biết thừa là hoa bưởi đẹp thế nhưng bưởi chua, ổi chát, quả na còn lâu mới mở mắt nhưng vẫn thích nghe bà nựng rồi lặp lại những câu của bà. Tôi bỏ lại phía sau lưng hôm thì đống ống trúc khoét dở lồng chim, hôm thì thanh gươm bẹ chuối, hôm cái cung bằng cành tre... Mỗi buổi trưa dở dang để lại niềm thương nhớ.

Rồi một ngày bà mất. Dù ông đã cố gắng hằng ngày tất bật chăm bón nhưng có lẽ thiếu hơi bà, khu vườn dần trở nên tiêu điều. Rồi các cô chú đều lập gia đình, ông phải bán mảnh vườn đi, chia số tiền ra cho mỗi người rồi rời về thành phố ở. Người chủ mới đến lại sang tay khu vườn cho người khác. Từng cái cây bị đốn hạ, từng tổ ong, tổ chim tan hoang dưới bầu trời quang quẻ.

Khi ấy, dù đã lớn mà tôi vẫn ngỡ ngàng. Hóa ra trên vòm lá kia đâu có tiếng chim cổ tích, không có nàng công chúa, bà tiên nào bước ra. Ao bị lấp, con cá chuối hung dữ chắc cũng bị chôn vùi. Từ đó cuộc đời tôi cứ xuôi mãi xuống đồng bằng, gắn với những dãy phố dài. Mới hay, một thời ấu thơ tôi cứ ngỡ vườn bà có tất cả những gì trong cổ tích, còn hôm nay, tôi tin cổ tích chỉ có ở vườn bà.

Bùi Việt Phương

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!

Duyên kỳ ngộ
Bay trong cõi càn khôn vũ trụ,
Ngàn năm một thuở gặp do duyên...
"Mãn hoa thiên vũ" gọi tên em,
Trùng hợp với sắc mùa Đông chí
 
Không gian rộng ngàn năm hạnh ngộ,
 Duyên của Trời nào khác nhân gian ?
Thôi thì cũng vẫn hợp tan,
Cơ duyên một thuở lưu ngàn năm sau !!
NM

Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!
 Thay cho lời tạ lỗi với những người của ngày xưa....
Trong suốt cuộc đời từ lúc còn bé sau đó lớn lên đi học, ra trường rồi về Bạc Liêu là quê hương bên ngoại, một tỉnh ở miền cuối Việt xa xôi, về Bạc Liêu trong lúc mùa Đông nên tôi mới biết và để ý đến Tiết Lập Đông và nhất là Tiết Đông chí vì Bạc Liêu là vùng đất có ba dân tộc cùng sinh sống:Việt, Khmer và người Hoa, cả ba dân tộc đều sống chan hòa với nhau, cùng vui chung trong những mùa lễ lớn, nhất là vào dịp cuối năm bắt đầu từ tháng mười âm lịch trở đi, khởi đầu là lễ đua ghe ngo của người Khmer rồi tiếp theo là một loạt các lễ hội lớn của người Hoa kéo dài cho đến Tết Nguyên đán mới hết
Năm đầu tiên về nhận nhiệm sở là đã cuối tháng 11 dương lịch, những bận rộn của cuộc sống mới cộng với những tháng ngày chính thức bước vào đời lại gặp số lượng học sinh khá cao và cũng ....khá lớn tuổi, lớn cả sức vóc, đa phần các em chỉ nhỏ hơn cô tối đa là 5 tuổi còn lại đôi khi có em lại bằng tuổi hay lớn hơn cô và đã có gia đình, nhưng em nào có gia đình thì trầm tỉnh dễ thương và rất lễ phép !
Cô giáo trẻ xa nhà, bỡ ngỡ cho nên ....nhớ nhà rất nhiều, năm đầu tiên còn được ở với ngoại vì vậy chỉ mong ban Giám hiệu sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện để bốn tuần được về Sài gòn thăm nhà, tất cả những dịp lễ hội đều không quan tâm đến dù các em học sinh hay giới thiệu và "quảng cáo" để giữ cô giáo ở lại chung vui....
Nhận nhiệm sở ngay giữa mùa Đông thì lại càng nhớ nhà nhiều hơn nữa vì lúc nầy là lúc quán cà phê của mẹ rất cần cả hai chị em phụ giúp, cô em gái bây giờ phải vừa đi học vừa đi chợ, nấu cơm rồi phụ quán, mỗi lần nhận điện thoại của mẹ than thở là một lần...khóc âm thầm, cho nên chỉ mong về thôi cho dù chỉ về thăm nhà được ba ngày hai đêm, cho dù ngày ngày cứ nghe tin đắp mô và đêm đêm thường nghe tiếng đạn pháo kích...!
Những buổi sáng mùa Đông ở Bạc Liêu vô cùng thích thú tôi thường đến trường thật sớm, trời Đông lạnh khô ráo tuy nắng bụi nhưng vẫn còn hơn là mưa bùn, được đi bộ đến trường giữa đám học sinh thân quen, có niềm vui nhìn ngắm vườn hoa sao nháy đủ màu sắc của các soeur ở nhà thờ lớn trên đại lộ chính hay ngắm cây đào lông duy nhất đang trổ hoa trong sân tennis bên cạnh trường, nhưng niềm vui lớn nhất là được vô trường sớm chạy đến hộp thư tìm thư "người quen" ! Và trong những sáng mùa Đông đó cũng có một người đến sớm không kém là anh VH, anh cũng lục tìm thư nhưng hình như chỉ để xem "những ai" có thư thôi, và mỗi khi thấy mình có thư thì anh lại hay nói đùa "Hạnh phúc thay cho người có thư !", phòng  giáo sư vắng người anh thường hay thổi kèn harmonica những bản nhạc buồn làm lòng càng nôn nao nhớ nhà, nhớ quán cà phê của mẹ !!
Trưa và chiều tan trường đi ngang qua chợ dịp cuối năm thì thật là nhộn nhịp, người ta chưng bày đủ thứ lễ vật cúng cuối năm, những tháp bằng đường đủ màu sắc, những bánh trái lựu to nhỏ xen với đủ loại giấy tiền, đèn lồng màu được bày bán đầy mặt tiền cửa hàng... Học trò vừa chỉ cô xem vừa giải thích để thuyết phục cô đừng về, ngoài việc ăn  mừng lễ Đông chí ra người ta còn tổ chức đi biển, thăm vườn nhãn., mừng vụ mùa thu hoạch cuối năm...Nhưng cô vẫn về vì niên học thứ hai một mình ở trọ, ngoại lên Sóc trăng, cậu cũng ít về Bạc Liêu, nhất là "người thân" cũng rời Bạc Liêu hẹn ...với ngoại sẽ trở lại khi tu nghiệp xong hai năm !!
Sự lạc lỏng cô đơn thiếu tình thân gia đình làm mình càng mong về hơn, thờ ơ với tình cảm gắn bó của học sinh dù trong lòng rất thương mến các em, biết bao lần anh VH đề nghị rủ thầy cô nhóm Văn tổ chức cho học sinh cắm trại chung cho vui, tuy rất ngại nhưng vẫn phải từ chối rồi lại khăn gói về Sài Gòn giữa 2g30 đêm mà không lo lắng đến những bất trắc mình có thể gặp trên đường đi vào thời chiến tranh !
Mùa Đông của niên học đầu học trò chưa thân thiết nhiều, nhưng qua niên học thứ hai thì các em học sinh thân gần cùng cô giáo hơn, nhất là khi thấy cô ở một mình thuê nhà người quen mà không ở tập thể cùng các cô giáo độc thân khác trong trường. Còn nhớ năm đó Tiết Đông Chí về thăm nhà, khi quay trở xuống thì bà chủ nhà báo hôm kia Đông chí, học trò xách một gà mên lớn đầy chè xôi nước đem đến biếu cho cô cả mấy chục viên! Tục lệ của lễ là ngoài những món bánh trái ra nhà nào cũng nấu chè xôi nước, bao nhiêu tuổi thì ăn bấy nhiêu viên ỷ. Viên ỷ nhỏ hơn viên xôi nước, cũng bằng bột nếp nhưng không nhân, nhà nào cũng thức suốt đêm để nấu chè, với người lớn tuổi người ta thay một viên xôi nước bằng 10 viên ỷ tương đương với 10 tuổi, các em chỉ đoán tuổi cô và vì thấy cô ở trọ cho nên mang lại cho cô trên hai mươi mấy viên ...! Và món quà đó dĩ nhiên cô chỉ nghe kể và chủ nhà "khen" học sinh thương cô quá, khen chè ngon và chè nhiều quá ăn không hết! Cô chỉ dùng hàm thụ mà trực tiếp là gia đình chủ nhà thưởng thức vì chè không thể để lâu được mà nhà cũng không có tủ lạnh !
Học trò thời đó thương cô giáo ở xa nhà cho nên quan tâm đến cô rất nhiều, biết cô cứ khoảng bốn tuần về Sài gòn thì cuối tiết học chót có em lại đem quà gởi biếu cô kèm theo phong kẹo chewing gum để cô dùng lúc ngồi gần cả ngày  trên xe hay đôi khi chờ phà bị kẹt, chờ phá mô. Có lần đang dạy hai tiết kề nhau nhìn ra ngoài thấy một em nam sinh ngại ngùng đứng ngoài cửa lấp ló ngoắc cô ra tặng cô túi hột gà mà mẹ em đã để dành cho em tặng cô dưỡng sức...!!
Hơn mấy chục năm qua, nếm trải biết bao nhiêu biến cố của thời cuộc nhưng mỗi lần Tiết Đông chí đến, nhìn các cửa hàng rực rỡ chưng bày quà bánh bán cho mùa lễ thì bỗng dưng thấy buồn, một nỗi buồn day dứt khó quên và ngậm ngùi ước gì mình được trải qua Tiết Đông chí một lần như ngày xưa nơi quê ngoại
.....Và tôi chưa bao giờ cúng Đông chí cho mãi đến năm nay, cô bạn lại tặng hoa ngày Chủ nhật, sau khi đi chợ Vườn chuối thì có việc ghé chợ Bàn Cờ mua rượu và vài món cần dùng, cô chủ tiệm là người Hoa cũng khá thân, cô tất bật bán hàng, qua câu chuyện mới biết ngày mai là Tiết Đông chí, khách hàng đến mua giấy tiền rất đông, có người không rành phải nhờ cô hướng dẫn, Cô giải thích thế nào là Đông chí và với người Hoa đó còn là Tết cuối năm cho nên người ta cúng thật rầm rộ
Cô cẩn thận hướng dẫn mua lễ vật và sắp xếp bàn cúng như thế nào, cô luôn căn dặn phải có ba viên xôi nước kèm theo mấy viên ỷ, cô nói bây giờ người ta cúng đơn giản hơn nhiều chỉ trừ những gia đình giàu có, gia đình đầy đủ đông vui thì mới cúng linh đình như  ngày xưa
Mọi việc trên đời đối với tôi đều có cái "duyên" của nó, ngày mai 21 tháng 12 là Tiết Đông chí và cũng là ngày Sinh nhật của Ti, ngày Đông chí năm nay còn có điểm thật đặc biệt là ngày duy nhất sau 800 năm hai sao Thổ và sao Mộc hội tụ cùng trái đất, cả hai tiến lại gần nhau và...lướt qua nhau !!Năm 2020 là một năm có nhiều biến đổi, toàn thể thế giới lao đao vì dịch bệnh Covid, biết bao gia đình mất mát đau khổ, thôi thì xin hãy lướt qua nhau và mang đi theo những nỗi buồn của dương thế
 Ti có đề nghị ăn buffet chay ở Đại Nam Hưng, không ngờ khi đến nơi thì quán đã đóng cửa ! Cả một tập thể nhà hàng rộng lớn tối thui không đèn làm hai cô cháu càng thêm chạnh lòng không còn vui vẻ hứng thú nữa, tôi nói thôi thì đi ăn  cháo lòng bánh hỏi Bình Định cho thuận đường và không phải chạy loanh quanh giữa lúc ngoài đường có quá nhiều xe cộ chen chúc nhau....
Khác với mọi năm, ngay tại trung tâm thành phố vẫn chưa có vẻ khởi sắc của dịp lễ lớn ngoại trừ các khuôn viên nhà thờ đông vui nhờ các xe bong bóng, những món hàng bày bán trên lề đường trước cổng nhà thờ...Khi đi ngang qua nhà thờ Tân Hương định nói với Ti dừng lại chụp vài tấm ảnh để chia sẻ cùng các bạn nhưng cảm thấy không còn hăng hái như các năm trước khi có dịch Covid
 Sáng sớm còn sốt sắng bày biện để cúng cho kịp trước khi Ti đi làm để Ti có thể đốt nhang "ăn Tết" Đông chí lần đầu tiên trùng hợp với sinh nhật của Ti, ngoài ra còn trùng hợp với sự hội tụ kỳ tích của sao Mộc và sao Thổ ngay trong đêm Đông Chí, một đêm dài nhất trong năm và cái duyên hạnh ngộ hiếm hoi đó mãi đến tám trăm năm sau mới có một lần !
Không biết tại sao mình lại có nhiều cảm xúc đến như thế, mong rằng thời gian tới sẽ thuận duyên hơn, tất cả nỗi đau sẽ qua mau và đi xa giống như sự chia tay của sao Mộc và sao Thổ, nỗi niềm của cô giáo ngày xưa cũng đã vơi đi ít nhiều...Có lẽ cảm xúc ấy đã làm mình quên chụp ảnh lại khi cúng, chợt nhớ ra thì đã dọn dẹp cả rồi chỉ còn lại cặp đèn cầy vẫn còn cháy cùng bình hoa của cô bạn, đó cũng là cái duyên vui ấm áp trong ngày Tết Đông chí nầy !
Thôi thì đành hẹn với lòng sẽ nhớ và ghi hình lại trong mùa Đông chí của năm sau vậy...!!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Ký ức mùa Đông)