Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

NTV - Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc và Phim Người Tình (P1)


"Sa Đéc quê em"

Sa Đéc ngày xưa trước năm 1975

Vàng Son Một Thuở Yêu Em - Nguyệt Anh

Thân tặng Vân, một chủ đề về quê hương Sa đec
Vàng son một thuở
Dấu tích vàng son vẫn còn đây,
Mối tình xưa cũ dẫu theo mây....
Bay đi, để lại ngàn thương tiếc,
Để nhớ muôn đời chẳng nhạt phai..!
 NM
SA ĐÉC VÀNG SON MỘT THUỞ
Tôi đến Sa Đéc khi trời đã ngả chiều. Những tia nắng yếu ớt và buồn thiu vắt qua các ngọn cây cao chót vót như cố níu lấy chút ánh sáng để giữ cho ngày dài thêm một vài khoảnh khắc trước khi bóng tối trùm lên. Trong không gian chập choạng ấy, lại thêm một bên bờ sông Tiền dập dờn sóng, cứ gợi lên một điều gì đó không rõ rệt là vui hay buồn.
Cũng giống như những đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sa Đéc mang trong lòng cái phóng túng, hào sảng của vùng đất mới, đồng thời không hề giấu diếm vẻ mộc mạc, quê kiểng qua cách ứng xử và cả trên gương mặt phố phường. Chính vì thế mà tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt cho phương Nam nắng gió này. Một tình cảm lạ lùng và hết sức tự nhiên, tựa như trên đường phố bắt gặp một đôi mắt đẹp, một tà áo dài bay bay lòng bỗng ngẩn ra, bồi hồi... Ví von vậy cũng không hẳn là đúng nhưng thực lòng, khi đứng nhìn sông Sa Đéc tấp nập ghe thuyền và những con đường nho nhỏ, chạy quanh co giữa một thị xã êm đềm, tôi thấy như đang đứng ở quê nhà mình. Một cảm giác trìu mến, ấm áp cứ lan tỏa một cách nhẹ nhàng và thầm lặng, không cưỡng được.
Chiều đã hết. Bóng hoàng hôn chậm chạp phủ lên bầu trời thị xã một màu xám trong man mác. Không phải do ánh đèn đường mà từ bóng sáng trên trời cao rọi xuống gợi lên trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê, nhớ người. Tôi chợt nghĩ, nhà thơ Hồ Dzếnh, khi viết bài  Chiều chắc cũng trong tâm trạng như thế này. Cái màu chiều khó mà thể hiện được trên bức tranh sơn dầu, thậm chí tranh thủy mặc. Nó chỉ có thể cảm nhận bằng những giác quan và cuối cùng là nhìn khói thuốc bay lên cây, vờn quanh cái thời khắc chiều chậm đưa chân ngày để mà thành thơ.
Tôi đứng giữa buổi chiều Sa Đéc với bổi hổi bồi hồi như vậy.
oOo
Sa Đéc có số phận thăng trầm theo diễn biến lịch sử ở vùng đất phương Nam  và của cả đất nước này. Địa danh Sa Đéc theo nhiều nhà nghiên cứu thì bắt nguồn từ chữ Phsar Dek, theo tiếng Khmer, có nghĩa là Chợ Sắt. Một số người khác lại cho rằng Phsar Dek là tên một vị thần nước của dân tộc Khmer. Trước kia, đây là đất của Thủy Chân Lạp, được Chúa Nguyễn khai phá, mở mang bờ cõi. Sau khi ổn định được vùng đất mới này, Chúa Nguyễn cho thành lập 5 đạo và Sa Đéc thuộc Đông Khẩu Đạo. Năm 1832, vua Minh Mạng thay đổi hệ thống hành chính, chia Nam bộ thành lục tỉnh và Sa Đéc thuộc phủ Tân Thành, tình An Giang. Năm 1867, sau khi xâm chiếm nước ta, Pháp lại thay đổi, chia Nam kỳ thành nhiều địa hạt và tỉnh An Giang được chia thành 3 địa hạt là Châu Đốc, Sa Đéc và Ba Xuyên. Một thời gian dài, Sa Đéc là một thị tứ, nơi tập trung buôn bán phồn thịnh bậc nhất của đất Nam Kỳ.
Chưa được bao lâu thì đến năm 1889, Pháp lại thành lập tỉnh Sa Đéc, gồm có các quận: Châu Thành (tức thị xã Sa Đéc, một phần Châu Thành và một số vùng phụ cận ngày nay), quận Cao Lãnh và quận Lai Vung. Trong vòng 5 năm, Sa Đéc phải chịu sự thay đổi 3 lần từ 3 chế độ chính trị. Năm 1951, nhà cầm quyền thời kỳ này nhập Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền thành tỉnh Long Châu Sa. Cho đến năm 1954, tỉnh Long Châu Sa lại được chia thành 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc. Đến năm 1956, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ lại hủy bỏ tình Sa Đéc, chia phần đất phía bờ bắc sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong; bờ nam sông Tiền nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Nhưng đến năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập và thị xã Sa Đéc trở thành tỉnh lỵ. Mười năm sau, tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp và thị xã Sa Đéc vẫn được giữ làm tỉnh lỵ. Đến năm 1994, tỉnh lỵ Đồng Tháp được chuyển về Cao Lãnh và Sa Đéc lại trở thành một thị xã với nét vẻ riêng của mình: tấp nập, đông đúc nơi chợ búa, bến thuyền... và thâm trầm trên các mái ngói cũ xưa. 
oOo
Ngày trước, tức cách đây chừng vài chục năm, nhắc tới Sa Đéc, người dân Việt ở miền Nam thường nhớ tới một người và một sản vật. Đó là bà Năm Sa Đéc, một nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng và bánh phồng tôm Sa Giang khét tiếng.
Bà Năm Sa Đéc nổi tiếng với các tuồng hát bội, cải lương và cả lĩnh vực phim ảnh nữa. Lứa tuổi trung niên trở lên, nhiều người còn nhớ vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình hay vai Mạnh thị trong tuồng Mạnh Lệ Quân do bà thủ vai. Hoặc, trong các vở cải lương Đời cô Lựu, Đoạn tuyệt, bà Năm đóng vai mẹ chồng cô Diệu, mẹ chồng cô Loan (đều là mẹ chồng) đã để lại dấu ấn sâu đậm cho khán giả. Đặc biệt, khi về sống với công tử tài hoa và sau này thành học giả Vương Hồng Sển, và “kỳ án” bánh bao Cả Cần đã khiến khán giả mộ điệu không thể quên được hình ảnh bà Năm Sa Đéc vừa chanh chua, đanh đá trong vai mẹ chồng, vừa uy dũng trong vai võ tướng vừa hiền lành, chất phác và đảm đang, tận tụy giữa cuộc đời thật của mình.
Còn bánh phồng tôm Sa Giang bây giờ không còn như trước nữa. Không biết có phải do có quá nhiều nhãn hiệu bánh phồng tôm hay do khoa học phát triển, công nghệ chế biến tinh vi đã làm hương vị bánh hiện nay trở nên nhàn nhạt thế nào.
Tuy nhiên, lần này ở Sa Đéc, tôi được thưởng thức một món ngon mà tôi tin rằng, không ở đâu sánh bằng, kể cả Mỹ Tho. Đó là hủ tiếu Sa Đéc. Người phụ nữ phụ trách món hủ tiếu này ở khách sạn Bông Hồng nhiệt thành giới thiệu những hương vị đặc biệt làm nên tô hủ tiếu danh bất hư truyền. Tôi cẩn trọng như một nhà...  khảo cổ học, nếm từng chút một và cuối cùng phải gật đầu công nhận hương vị tô hủ tiếu khô Sa Đéc ở đây ngon không thể tả được. Người phụ nữ chỉ vào tô đựng nước tương có màu nâu đậm đà, tiết lộ: Chính chất này làm nên cái riêng của hủ tiếu Sa Đéc mà ngay ở Cao Lãnh cũng không có được. Cũng sợi hủ tiếu dai dai, cũng những con tôm đỏ au, những cục thịt băm, miếng tim (đặc biệt là không có gan), cũng  khoảnh sườn heo như những tô hủ tiếu nơi khác nhưng rõ ràng hủ tiếu khô Sa Đéc có một hương vị rất lạ và rất riêng. Tiếc một điều là không thể ăn thêm một tô nữa để xác nhận vị giác của mình.
oOo
Nhưng, mục đích chuyến đi Sa Đéc lần này không phải... khám phá hủ tiếu hay món ngon Sa Đéc mà chính là tìm lại một Sa Đéc vàng son một thuở. Không hiểu sao, khi đứng trên cầu bắc qua sông Sa Đéc, nhìn những con thuyền ngược xuôi và đưa tầm mắt chạy dọc theo đường Nguyễn Huệ, nơi có ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng tôi chợt nhớ đến câu hát của Vũ Thành An: “Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi...”. Sa Đéc ngày nay đã có những con đường rộng lớn nhưng vẫn còn đó những con đường hẹp, chạy quanh co trong phố, giống như Hội An hay khu phố cổ Hà Nội. Chính những con đường này trở thành chứng nhân cho những thăng trầm của Sa Đéc (hay của một đời người?).
Tôi ghé vào ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà vẫn còn giữ được những nét xưa cũ nhưng cảm giác chật chội đến một cách tự nhiên. Anh chàng hướng dẫn viên đẹp như con gái, thú nhận: “Một phần do con cháu bán đất lấy tiền sinh sống, phần bị người khác lấn chiếm nên không gian nhà cổ trở nên chật chội hẳn đi”. Thực ra, căn nhà cổ (được ông Huỳnh Thuận, cha của ông Huỳnh Thủy Lê xây dựng năm 1895 bằng gỗ và được sửa lại theo kiến trúc hiện nay từ năm 1917) này thiết kế mang phong cách Trung Hoa như thường thấy ở Hội An (Quảng Nam) hay ở Chợ Lớn (Sài Gòn), không có gì đặc biệt hơn. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được nhiều người, trong và ngoài nước, tìm đến là do mối tình của ông Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Mối tình đó được bà đưa vào tác phẩm L’ Amant nổi tiếng khắp thế giới, được dịch sang nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành phim cùng tên, năm 1991. Bộ phim này từng gây xôn xao Sài Gòn một thời và những nhà kinh doanh nắm bắt cơ hội tung ra thị trường kiểu mũ “Người tình”, dựa theo kiểu mũ nhân vật chính trong phim.
Trước dấu tích xưa cũ còn sót lại (bị tàn phá khá nhiều) của ngôi nhà cổ này, cứ gợi lên một không khí ảm đạm, buồn thương về những gì đã qua. Nhà đẹp nhưng không vui, những căn phòng theo kiến trúc cũ chật chội nhưng lạnh lẽo cứ buộc liên tưởng đến những cô phòng trong cung cấm ngày xưa. Tôi men theo lối đi, cố gắng tìm một cái gì đó, khả dĩ chứng minh cho những ngày hạnh phúc của chủ nhân ngôi nhà này bên người tình mắt xanh. Nhưng, hoàn toàn tuyệt vọng, dù đã biết trước là không thể có. Tình yêu của họ hẳn cũng mong manh và chính vì thế mà đẹp đẽ nên thu hút được nhiều người tìm đến đây.
Khi rời Sa Đéc, tôi lại nghĩ đến lẽ hưng phế của cuộc đời. Sa Đéc từng là tỉnh lỵ đông vui và bây giờ cố gắng chứng tỏ mình. Song, làm sao biết được gì sẽ xảy ra! Cũng như tô hủ tiếu Sa Đéc kia đang oằn lưng chống đỡ những món ăn xa lạ được bày ra mỗi ngày trên bàn tiệc để giữ hương hoa vàng son một thuở không bị tàn phai ngõ hầu dành tặng cho những người qua đây một ký ức đẹp.  
LƯU VỸ BỬU 
 
Cảnh trong phim "Người tình"
"Người tình" trong nhà cổ Sa Đéc 
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi bật như một điểm đến cho du khách khi về với miền sông nước Cửu Long là nhờ chủ nhân của nó liên quan đến tác phẩm “Người tình” lừng danh! 
Nếu nói về kiểu dáng mỹ thuật và mức độ hoành tráng, thì nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) không thể so sánh với nhà cổ Huỳnh Kỳ ở Cầu Kè (Trà Vinh) và nhà cổ Huỳnh Phủ ở Thạnh Phú (Bến Tre). Thế nhưng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi bật như một điểm đến cho du khách khi về với miền sông nước Cửu Long là nhờ chủ nhân của nó liên quan đến tác phẩm “Người tình” lừng danh
Thực tế, cái tên gọi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng là cách lả lơi theo tác phẩm “Người tình”, vì ngay chính điện ngôi nhà có ghi danh chủ nhân “Huỳnh Cẩm Thuận” bằng tiếng Hoa. Nói một cách rõ ràng hơn, nhân vật Huỳnh Thủy Lê chỉ thừa kế từ cha mình - thương gia Huỳnh Cẩm Thuận, và có một thời gian không ngắn cư ngụ tại đây.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Cẩm Thuận bỏ công bỏ của xây dựng từ năm 1895 với chất liệu gỗ mang phong cách cố hương Quảng Châu (Trung Quốc). Đến năm 1917, khi văn hóa Pháp bao trùm cả Đông Dương, thì ngôi nhà gỗ được bọc thêm kiểu dáng phương Tây bên ngoài. Chính sự kết hợp này mang lại cho biệt thự một nét riêng khá độc đáo!
Nếu không có tác phẩm “Người tình” thì có lẽ giờ đây nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chỉ là một nhà cổ bình thường, và thiên hạ chắc chắn gọi đúng tên của nó là nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận. Thế nhưng, ở đời có những cơ duyên kỳ lạ, bất kỳ thứ gì dù đơn sơ đến đâu mà được khoác lên huyền thoại thì đều có sức thu hút đặc biệt.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê 
Năm 1984, khi nữ sĩ Marguerite Duras đặt dấu chấm hết cho dòng cuối cùng của “Người tình” ở ngoại ô Paris, chính bà cũng không thể ngờ đó là cuốn sách rực rỡ nhất trong số hơn 40 tiểu thuyết của mình. Và nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ngờ cuốn sách hé lộ giai đoạn bí mật nhất trong cuộc đời của mình, đã làm phục sinh một ngôi biệt thự cổ nằm lặng lẽ bên một nhánh sông Tiền yên ả.
Ban đầu “Người tình” được xếp vào thể loại hư cấu, nhưng câu chuyện của “Người tình” và không gian của “Người tình” khiến độc giả tin rằng yếu tố sự thật lấn lướt hoàn toàn yếu tố tưởng tượng. Sau khi “Người tình” được trao giải thưởng Gouncourt uy tín và được dịch ra gần 50 ngôn ngữ trên thế giới, nữ sĩ Marguerite Duras lên tiếng thừa nhận đó là tự truyện về thời thiếu nữ của bà ở Việt Nam.
Nữ sĩ Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Sài Gòn. Thân phụ của bà là một doanh nhân Pháp sang Việt Nam làm ăn, không may bị bạo bệnh qua đời khi bà mới 4 tuổi. Thân mẫu của bà không thể tiếp tục sự nghiệp làm ăn ở đô thị, đã đưa cả gia đình bốn người về sống tại Sa Đéc ngày ấy chỉ là một thị trấn nhỏ.
Mẹ dạy học tại Trường tiểu học Sa Đéc (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương), còn Marguerite Duras vẫn phải lên Sài Gòn học nội trú. Cuộc sống của Marguerite Duras trôi qua trĩu nặng với người mẹ đã khô cạn khát vọng, người anh nghiện ngập và người em trai yếu đuối. Sự tẻ nhạt và túng quẫn ấy đã thay đổi khi Marguerite Duras gặp gã đàn ông người Hoa giàu có trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long trong một lần về thăm nhà và quay lại Sài Gòn đi học!
Tất nhiên, gã đàn ông ấy không được viết rõ ràng danh tính trong tác phẩm “Người tình”, nhưng những chi tiết và những tình huống đã được soi chiếu vào thực tế và độc giả dễ dàng nhận ra là Huỳnh Thủy Lê!
Trong tiểu thuyết, Marguerite Duras hé lộ lần gặp gỡ định mệnh đầu tiên diễn ra vào lúc bà “mười lăm tuổi rưỡi” còn Huỳnh Thủy Lê đã 32 tuổi. Cái cột mốc “mười lăm tuổi rưỡi” được Marguerite Duras nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như một khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.
Mối tình say đắm nhưng đầy trái ngang giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê rơi vào bẽ bàng. Hai trái tim lãng mạn không thể gắn kết với nhau vì Huỳnh Thủy Lê phải cưới vợ theo sự sắp xếp môn đăng hộ đối của người cha, còn Marguerite Duras trở về Pháp năm 18 tuổi!
Đúng như Marguerite Duras viết trong “Người tình”, Huỳnh Thủy Lê dẫu lịch lãm trên chiếc xe Limousine sang trọng và hào phóng chi tiêu, nhưng “anh sẽ không có gì cả, nếu làm trái ý cha mình”. Sự chân thành của Huỳnh Thủy Lê lẫn sự rồ dại của Marguerite Duras cũng không cứu vớt được mối tình nghiệt ngã trước những định kiến phũ phàng.
 
Du khách tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Bộ phim “Người tình” do hai diễn viên Lương Gia Huy (Hồng Kong) và Jane March (Anh) đóng vai chính. Khán giả theo chân “Người tình” đã đến Sa Đéc để thăm viếng ngôi nhà mà nhân vật nam ngoài đời từng sinh sống. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê định danh và thu hút du khách nhờ có bóng dáng “Người tình”.
Mỗi năm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mang lại cho ngành du lịch Đồng Tháp một khoản doanh thu tương đối lớn. 
Sau khi cưới vợ, Huỳnh Thủy Lê được thừa kế gia sản và có 5 người con. Huỳnh Thủy Lê sống chủ yếu ở Sài Gòn nhưng vẫn giữ biệt thự ở Sa Đéc như một kỷ niệm. Năm 1972, Huỳnh Thủy Lê qua đời, 5 người con của ông cũng ra nước ngoài lập nghiệp. Ngôi nhà ở Sa Đéc được Nhà nước quản lý từ năm 1975.
Từ sức hấp dẫn của tiểu thuyết “Người tình”, đạo diễn Annaud quyết định đưa tiểu thuyết này lên màn ảnh vào năm 1990. Khoảng 90% cảnh quay bộ phim “Người tình” được thực hiện tại Việt Nam, trừ những cảnh mặn nồng của nam nữ vai chính được quay bí mật tại Pháp.
Khi được mời cố vấn về văn hóa cho bộ phim “Người tình”, nhà văn Sơn Nam nói với đạo diễn Annaud: “Hãy cố gắng để 50 năm sau hoặc 100 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam Bộ giữa 2 cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông”.
Quả nhiên, đạo diễn Annaud đã làm một “Người tình” với những hình ảnh quá quyến rũ, từ cảnh mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 30 của thế kỷ 20. Trước khi mất (năm 1996) nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ít lần ca ngợi thành công của bộ phim “Người tình”!
Đến nay, “Người tình” vẫn là bộ phim nước ngoài đầu tư lớn nhất để quay tại Việt Nam. Nếu tính theo thời giá quy ra… vàng, thì kinh phí làm phim “Người tình” của đạo diễn Annaud gấp đôi kinh phí làm phim “Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Phillip Noyce.
Thế nhưng, dù kinh phí không hạn chế, thì đạo diễn Annaud cũng không thể dàn dựng bến phà đúng không khí Marguerite Duras miêu tả dạo nào trên dòng sông Tiền mênh mông. Bến phà mà Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras gặp gỡ trong phim “Người tình” được quay tại… Cát Lái - TP. HCM.
Một sự thay thế bối cảnh nữa trong phim “Người tình”, đó là ngôi nhà cổ. Cảnh quay không nhiều, chỉ có một trường đoạn Huỳnh Thủy Lê về thưa chuyện với cha mình để thương lượng ý định tiến xa hơn với cô gái da trắng, chứ không đám cưới theo hôn nhân định trước. Đạo diễn Annaud đến Sa Đéc và chứng kiến ngôi nhà cổ năm xưa đã bị bủa vây và xâm lấn bởi các hộ dân chen chúc xô bồ, nên cho rằng hơi nhỏ và không bắt mắt. 
Đạo diễn Annaud lấy hình ảnh nhà cổ Sa Đéc và lấy hình ảnh nhà cổ Dương Chấn Kỷ ở quận Bình Thủy - Cần Thơ để tạo tác tư gia họ Huỳnh trong phim “Người tình”. Khán giả khi xem “Người tình” phải rất tinh ý mới nhận ra cảnh nào của nhà cổ Sa Đéc và cảnh nào của nhà cổ Cần Thơ. Thế nhưng, sòng phẳng mà nhận xét, hình ảnh nhà cổ Cần Thơ lấn lướt hình ảnh nhà cổ Sa Đéc trong trường đoạn hiện ra trên phim “Người tình”

LÊ THIẾU NHƠN
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê ở Sa Đéc,
Ngoài trời vẫn còn mưa rả rích do áp thấp nhiệt đới, thôi thì tiếp tục post lại những hình ảnh mà mình đã đi thăm viếng để chúng ta cùng nhìn lại cho vui đồng thời tách ra từng địa điểm cho đỡ lộn xộn
Hôm nay có khách ngoại quốc đến viếng thật đông cho nên hai cô cháu phải đợi phái đoàn tham quan xong xuôi mới vào, thường thì Ti vào trong chụp hình mình có bổn phận đứng ngoài coi xe  
Nhìn trong ảnh thấy chiếc TV cổ lại nhớ cái TV hiệu Denon của nhà cũ, ba mua lúc mới có truyền hình và lúc đó phát hình bằng máy bay, thật là vui, mỗi đêm bà con láng giềng kéo đến xem ké đứng đầy ngoài sân, thời chiến tranh nhưng sao vui vẻ thanh bình quá, giờ nhớ lại tưởng tượng sao mà thương các anh lính chiến thời đó cực khổ, thương cả nhóm truyền hình trên cao như thương những đóm hoả châu chiếu sáng hằng đêm mà mình luôn nhìn thấy ngoài cửa sổ kế bên bàn học ! Đúng là "người già" hay hồi tưởng kỷ niệm cũ nhìn thấy vật gì liên quan đến ngày xưa đều xúc động !!
Một ngôi nhả cổ vừa đủ cho người ta trân trọng vì kiến trúc cổ và cũng vì câu chuyện tình hi hữu giữa đôi nam nữ thanh niên hãy còn quá trẻ xảy ra trong khoảng thời gian hãy còn được xem là rất phong kiến 
!Ngôi nhà đã "quyến rũ" biết bao du khách ngoại quốc đên nơi đây để ghi lại một chuyện tình vượt không gian và thời gian, và đặc biệt hơn nữa nhân vật nữ trong câu chuyện tình hi hữu nầy lại là một nữ văn sĩ ...Chính bà là nữ văn sĩ đã ghi lại thực tế câu chuyện tình của chính mình
Nơi đây ghi lại chuyện tình,
Một thời tuổi trẻ ba sinh biết gì ....?
Ngỡ rằng khi bước chân đi,
Tình kia sẽ hết xuân thì cũng qua !!
Nào ngờ tình cũng thiết tha,
Lưu danh kim cổ tình xa hóa gần.
Không duyên kiếp, chẳng nợ nần,
Thôi đành lưu lại một vầng trăng xưa !!
NM PTND
 

Về miền Tây, theo dấu 'Người tình'

Chuyến khám phá miệt vườn Tây Nam bộ của Sài Gòn Tourist đưa tôi qua những cù lao xanh mướt bên sông Tiền, chợ nổi Cái Răng, rừng tràm Trà Sư, và dừng chân trước một ngôi nhà cổ kỳ lạ ở thị xã Sa Đéc- Đồng Tháp, nơi diễn ra một thiên diễm tình Việt- Pháp đã đi vào tiểu thuyết “Người tình” nổi tiếng toàn thế giới...

Ngôi nhà kỳ lạ ở miệt vườn
Trong cái nắng chói chang ban trưa Đồng Tháp, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê hiện ra sừng sừng bên sông. Ngôi nhà được xây cất từ năm 1895 này cho đến bây giờ vẫn nổi bật không thể trộn lẫn giữa thị xã đã mọc lên rất nhiều những cao ốc hiện đại.
Ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa Đông và Tây với nét cao thoáng, xây bằng gạch rất dày nhưng hình dáng lại theo truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền như những mái đình Bắc Bộ.
Bước vào nhà ba gian, tôi bắt gặp cách trang trí nội thất theo phong thủy người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chính giữa có chạm đôi loan phụng thể hiện loan phụng hòa mình, sắc cầm thỏa hiệp có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn. Giữa bàn thờ có bức hình Quan Công với bộ râu dài cuộn như nước chảy. Gian trong vẫn còn chiếc phản khảm xà cừ với những đường nét cực kỳ tinh xảo.
Hai phòng ngủ bằng gỗ quý, chăn đệm trắng tinh và mành rèm khép hờ gợi vẻ êm đềm trướng rủ màn che... Nền nhà lát bằng gạch bông được đặt hàng và chở từ Pháp sang. Nền gạch hơi trũng ở giữa gian chính của ngôi nhà.
Mới đầu, người ta cứ tưởng do bị lún, nhưng sau này mới biết đó là một nét phong thuỷ theo ý tưởng “nước chảy chỗ trũng” để cầu tiền tài vào nhà. Hơn một thế kỷ đầy biến động trôi qua, ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê vẫn nguyên vẹn những giá trị kiến trúc độc đáo, nhưng điều khiến hàng vạn du khách trong và ngoài nước đổ về đây lại là để được tận thấy nơi diễn ra câu chuyện “Người tình”.
Chủ nhân của ngôi nhà - ông Huỳnh Thuận không khởi nghiệp làm giàu bằng ruộng lúa như những đại điền chủ khác ở miển Tây Nam bộ, mà bằng kinh doanh lúa gạo.
Ông có chành gạo lớn nhất Sa Đéc, nơi tập trung lúa gạo để chuyển đi bán ở Bắc kỳ và Trung kỳ, cũng như đưa về cảng Nhà Rồng để xuất khẩu. Phất lên với nghề xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Thuận xây dựng nên những dãy phố sầm uất ở thị xã Sa Đéc để cho thuê.
Ba phần tư bất động sản ở Sa Đéc là của ông Huỳnh Thuận. Ngoài ra, ông còn có nhiều bất động sản ở Sài Gòn - Chợ Lớn để cho thuê. Cậu con trai út Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Thuận chọn nối nghiệp trao cho toàn bộ gia sản. Vì vậy mà ông Thủy Lê thường xuyên đi lại giữa Sa Đéc và Sài Gòn để quán xuyến chuyện làm ăn của gia đình bằng chiếc xe Limousine.
Hồi ấy khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, chỉ có hai chiếc Limousine, một của công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng và một của Huỳnh Thủy Lê.
Tuy giàu có nhưng Huỳnh Thủy Lê không chơi bời theo kiểu “đốt tiền luộc trứng” như công tử Bạc Liêu. Gia đình họ Huỳnh ở xứ Sa Đéc được người dân biết ơn vì đã bỏ nhiều tiền ra để xây chùa và trường học.
Công tử gốc Hoa - cô gái Pháp và tiểu thuyết “Người tình”
Hôm ấy chiếc Limousine chở Huỳnh Thủy Lê từ Sa Đéc lên Sài Gòn dừng lại trên bến phà Mỹ Thuận.
Công tử Huỳnh Thuỷ Lê lúc còn trẻ.
“Tôi 15 tuổi, trên chuyến phà qua sông Cửu Long” - Nữ văn sỹ M. Duras đã viết như vậy trong phần mở đầu của tiếu thuyết “L. Amante” (Người tình).
Trên chuyến phà ấy, ngồi trong chiếc ôtô đen sang trọng, công tử Thủy Lê bắt gặp một thiếu nữ da trắng, tóc nâu, đang đứng cạnh lan can phà nhìn dòng nước chảy xuôi. Nàng đội mũ rộng vành, mặc chiếc váy đầm màu sáng – cô gái Pháp toát lên một vẻ đẹp rất Á Đông khiến công tử Thủy Lê như bị thôi miên.
Chàng lặng lẽ mở cửa xe đến bên nàng. Chỉ qua vài lời bắt chuyện của Thủy Lê, họ bỗng thấy như thân quen từ thuở nào, nhất là khi nhận ra cả hai cùng ở Sa Đéc, sống gần nhau “hai nhà cuối phố”. Chàng mời nàng cùng lên xe về Sài Gòn và nàng đã gật đầu…
Về Sài Gòn, họ gặp nhau mỗi ngày và yêu nhau như một điều tất yếu. Họ yêu nhau trong những cơn cuồng say của thể xác và tinh thần nhưng không thể công khai quan hệ của mình bởi những ngáng trở về sắc tộc, giai cấp, giàu nghèo.
M.Duras - lúc ấy là một thiếu nữ da trắng “mẫu quốc” trong gia đình mà bốn người (người anh cả nghiện ngập) phải sống nhờ vào đồng lương của người mẹ làm hiệu trưởng trường nữ sinh Sa Đéc bấy giờ. Còn Huỳnh Thủy Lê lại là một công tử giàu có, được thừa hưởng cơ nghiệp gia đình và lại là dân thuộc địa.
Chính vì thế, cuộc tình của diễn ra trong “bóng tối”, không dám thừa nhận với bất cứ ai. Nhưng ai đó đã nói trên đời có hai điều khó giấu nhất: say rượu và đang yêu. Sau hai năm, gia đình của Huỳnh Thủy Lê đã biết việc con trai mình yêu một thiếu nữ “mẫu quốc”.
Cha của Thủy Lê nhất quyết bắt con từ bỏ tình yêu “ngang trái” này, 10 năm trước ông đã hứa hôn cho chàng một thiếu nữ Tiền Giang.
Dù rất yêu Duras, nhưng truyền thống Nho giáo đã ăn sâu vào huyết quản của người Hoa, Thủy Lê không dám cưỡng lời cha mà đành chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt. 
Còn Duras cùng gia đình về Pháp trong một cuộc chia ly khắc khoải, đầy nước mắt. Hôm ra bến tàu, M.Duras ngóng mãi hình bóng của người tình, mong được nhìn thấy Thủy Lê lần cuối.
Tàu vừa nhổ neo, Duras đứng tựa vào lan can như những lần trên phà Mỹ Thuận vô vọng nhìn vào bờ. Trong khoảnh khắc, cô nhìn thấy Thủy Lê đang đứng nép bên ôtô màu đen quen thuộc. Họ chỉ kịp vẫy tay chào...
Dù đã kể lại câu chuyện tình này biết bao lần, nhưng Thanh Tuyền, nữ thuyết minh của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn đầy cảm xúc khi nói về đoạn kết của cuộc tình này.
“Sau khi cưới vợ, Huỳnh Thủy Lê trở về với công việc kinh doanh. Ông và bà Mỹ có với nhau 5 đứa con 3 trai 2 gái, hiện nay đều đinh cư ở nước ngoài và rất thành đạt. Cô con gái Huỳnh Thủy Anh về làm con dâu Trần Văn Hương, nguyên Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ. Huỳnh Thủy Tiên hiện nay đang là GS.TS Giám đốc bệnh viện ở bang Califonia (Mỹ). Huỳnh Thủy Hà, giảng viên Đại học Sorbone (Pháp)...
Khi đã ở tuổi thất thập ông Thủy Lê có sang Pháp tìm gặp người tình thuở nào. Một ngày nọ, chuông điện thoại reo, bà M.Duras cầm máy và lặng người đi khi nghe giọng một người đàn ông.
Dù gần 50 năm đã trôi qua, bà vẫn nhận ra giọng Thủy Lê. Thủy Lê đang ở Paris và tha thiết mong gặp bà. Bà đã từ chối gặp mà nước mắt rơi ràn rụa. Và bà nghe thấy giọng của Thủy Lê đang run lên: “M.Duras, anh yêu em và yêu em suốt đời”.
Một năm sau, Huỳnh Thủy Lê qua đời tại Sa Đéc ở tuổi 70. Những cảm xúc về người tình trỗi dậy, M.Duras đã viết cuốn tiểu thuyết “L’Amant, Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit năm 1984”. Cuốn sách nhanh chóng trở thành best- seller với 2,4 triệu bản, đoạt giải Goncourt danh giá của Pháp và dịch ra 43 thứ tiếng.
Và tiểu thuyết đã được dựng thành phim nhựa “Người tình” cũng gây xôn xao dư luận. Trước đó đã viết nhiều sách đều chìm vào quên lãng, nhưng với tiểu thuyết “Người tình” M.Duras đã đi vào lịch sử văn chương nước Pháp. Cuộc sống riêng không hạnh phúc, M.Duras qua đời năm 1996 ở Paris”.
 Cảnh trong phim "Người tình".
Trưa ấy, tôi thấy nhiều du khách nước ngoài đến tham quan ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trong đó có nhiều người Pháp. Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê mất, các con đều định cư ở nước ngoài, ngôi nhà này trở thành trụ sở của công an.
Nhưng người ta thấy có rất nhiều khách du lịch cứ lấp ló trước trụ sở. Hỏi ra mới biết họ muốn vào xem... trụ sở công an, nhưng vì nguyên tắc của ngành nên không thể. Sau này, thấy lượng khách nước ngoài kéo đến và đứng ngoài ngày một đông, Sở Du lịch Đồng Tháp đã kiến nghị biến nơi đây thành một điểm du lịch.
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê cũng được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi nhà có sức hút lớn đến mức, có hẳn một tour du lịch mang tên “Theo dấu người tình”, mỗi ngày trung bình khoảng 100 khách du lịch nước ngoài tới đây để trải nghiệm cho riêng mình. 
 Ngôi nhà cổ miệt vườn- được trùm lên thiên diễm tình của công tử người Hoa và cô gái Pháp - đã vượt qua những giới hạn của thời gian và không gian, trở thành điểm đến hấp dẫn của những ai từng thổn thức với “Người tình"
  Phùng Nguyên  




Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

NTV - Trở lại Thảo Cầm Viên Sài gòn sau 49 năm !!

Vòng quay xưa
Vòng quay xưa dừng lại,
Chưa khép kỹ niệm qua...
Mong chờ ngày vui mới,
Sẽ đua nở trăm hoa !!
NM

Trở lại Thảo Cầm Viên Sài gòn sau 49 năm !!
Lâu quá không đi chơi xa và cũng không có dịp được gần gũi với thiên nhiên cho nên khi Ti rủ đi chơi Thảo Cầm Viên thì mình đồng ý ngay, nhớ lần cuối vào nơi đây là khoảng gần cuối năm 1972, lúc đó đang học năm thứ hai Đại học Sư Phạm, bộ ba Minh Chi Đoàn đang làm bài chủ đề nghiên cứu về kiến trúc cổ của cung điện triều Lê do Thầy Lê Hữu Mục ra đề tài .
 Lớp có 35 sinh viên, chia ra cứ bốn người một tổ, xào tới xào lui, không hiểu sao "thời đó" các bạn nữ không thích nhóm "tư bản", hay "nhà lá" này thành ra cuối cùng chỉ có nhóm mình là có ba người thôi, được cái là có mấy nam "Mạnh Thường Quân" giúp, như anh LVT thì cho mượn tài liệu bài viết, anh Ánh "trưởng lớp" lúc nào cũng "tự bổ sung" cho nhóm đủ bốn người, lại có thêm một "phó nhòm" là anh Mười bạn của anh Ánh một nhiếp ảnh viên tài tử nhưng rất yêu nghề và chuyên nghiệp lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ nhóm mình
Nhiệm vụ của mình là cùng nhau viết rồi đúc kết lại bài viết cả nhóm, chụp lại những  hình ảnh có giá trị kiến trúc xưa sau đó đóng thành một tuyển tập và trang trí như một cuốn tiểu luận về đề tài Thầy cho, vì bài nghiên cứu nầy cho nên khi nào rảnh không có tiết học hay chiều thứ bảy, chủ nhật cả nhóm lại hẹn nhau vào Thư Viện hay Viện Bảo Tàng chụp ảnh tài liệu....
Kết quả cuốn tiểu luận đó rất khả quan, phần nội dung thầy cho 9 điểm, riêng phần hình thức thầy khen đẹp cho điểm tối đa là 10 và sau khi thuyết trình xong, thầy giữ quyển tiểu luận làm kỹ niệm, làm mẫu cho các lớp khóa sau !!Sự thành công này đa phần là nhờ công lao giúp sức của ba "Mạnh Thường quân" đã "mũi lòng" mà giúp bộ ba "nhà lá" của lớp !!
Lúc đang ăn sáng Ti rủ đi chơi Thảo Cầm Viên thì mình đồng ý liền, nơi đây còn là kỹ niệm thuở thơ ấu sáng Chủ Nhật nào ba cũng dẫn bốn chị em vào đây chơi, ba trải tấm nilong ngồi dưới gốc cây trái viết canh chừng các con, ba thường mua bánh mang theo cho mấy chị em ăn sau khi chơi đùa đói bụng...Lúc đó Sở Thú đông vui cây cối xanh tươi rực rỡ, vừa mới mua vé đi vào cửa là đã nghe tiếng chim chóc , tiếng cọp beo gầm và nhất là tiếng voi rống !!
Thảo Cầm Viên chỉ mới hoạt động mở cửa lại từ 5/11 cho nên khách tương đối ít, đa phần người ta dắt theo trẻ em còn nhỏ cho chúng có dịp vui chơi ngắm cảnh vì thế những khu có trò chơi dành cho người lớn và trẻ lớn vắng teo không có hoạt động
Tuy nhiên vẫn có một nhóm người chụp ảnh dạo, cũng giống như xưa họ ăn mặc thật tề chỉnh, nhưng hôm nay vừa còn sớm vừa vắng khách cho nên họ đứng nói chuyện để chờ khách, thời buổi hiện đại nhất là giới trẻ đi đâu cũng có mặt đi đâu họ cũng mang theo máy tự live stream với nhau 
Toàn thể Thảo Cầm Viên như hãy còn ngái ngủ sau một giấc mơ dài đầy mông mị và ảm đạm không vui, cây cối tuy vẫn thấy có người đang chăm sóc nhưng hãy còn um tùm tự phát...may mà những vườn ươm cây có hoa phong lan đang khoe sắc cũng giúp tô điểm cho cảnh quang Thảo Cầm Viên sinh động thêm một chút !!
Vườn thú chỉ có chỗ nuôi dê là đông và ồn ào nhất, chúng cũng dạn dĩ khôn ngoan thấy có người là cả đám le te chạy ra nhìn, rái cá cũng vậy, thú thuộc loài thú dữ thì quá tuổi thọ, chẳng màng nhìn khách vãng lai, có một chuồng cọp vằn không có thú mở cửa mới nhìn hơi hoảng vì bên trong có con cọp vằn bằng đá nằm phủ phục trông như thật đang nhìn ra !! Cửa mở và cọp bằng đá nên yên tĩnh không "Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt" và ta cứ thản nhiên đi qua !!
Tuy là ngày thường nhưng Viện Bảo Tàng và Đền thờ vua Hùng vẫn đóng cửa im ắng, tuy nhiên cũng sinh động đôi chút nhờ có đoàn quay phim đang hoạt động, sáng hôm nay do ảnh hưởng thời tiết xấu nắng không rực rỡ, nhưng tiếng rộn rã gọi nhau của đoàn cộng thêm mấy bộ trang phục cổ xưa của hai diễn viên trên bực thềm của đền làm không khí sôi nổi hơn !!
Tất cả các tiểu cảnh, hình thú tương đối ít và nhìn hơi cũ có lẽ chưa được "tắm mưa" nhiều, rất mong sự phục hồi của Thảo Cầm Viên nhanh chóng trở lại, Ti nói đi chơi Thảo Cầm Viên lần nầy vì muốn nhớ lại lúc nhỏ ông nội có chở đi vài lần và nhất là đóng góp chung tay với Thảo Cầm Viên được mau chóng trở lại đông vui như trước, còn mình thì lại nhớ ký ức cùng bạn bè xưa của thời sinh viên hoa mộng !!
Quanh quẩn tìm đâu hình bóng cũ ?
Một thời tuổi trẻ thuở xa xưa...
Mỗi người một chốn giờ ly tán,
Còn mỗi mình tôi với nắng mưa !
NM PTND

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

NTV - Ngắm biển Gò Công ngày có bão



Biển cạn,
Gió thổi dồn trên mặt bờ biển cạn,
Ngày mất vui vì sóng vỗ khơi xa....
Trời âm u làm sóng biển nhạt nhòa,
Mây xuống thấp chuồn chuồn bay tránh bão !!
Bao nỗi buồn trong những ngày giông tố,
Mặc trên bờ người cám cảnh quạnh hiu...
 
Ngọn buồn gió thổi liu xiu,
Rập rờn khóm ớt trong chiều vắng thưa...
Mong đừng gió, cũng đừng mưa,
Cho tàu rời bến, đưa người ra khơi !!
NM

Ngắm biển Gò Công ngày có bão
Hôm nay vẫn còn ảnh hưởng của bão cho nên dù đã gần 9g sáng ghé biển Tân Thành nắng vẫn còn le lói và trên đường đi từ chợ Gò Công ra biển hai cô cháu lại mắc một cơn mưa rào ! Nhìn hai bên đường không thấy bóng dáng nào của hoa cát lồi ngoại trừ từ ngoài tỉnh lộ vào thành phố chỉ còn duy nhất một chỗ người ta trồng sát bên bờ tường nhưng chỉ là một bụi nhỏ và hoa cũng rất ít oi...
Biển giờ nầy nước đã rút ra xa, trên bờ hàng quán không có khách, bàn ghế chổng chơ, người ta đã bắt đầu gia cố ngay mặt tiền biển....những khối bê tông nhỏ chồng chất trên bờ...nhà cửa cũng đang sữa chữa lại ! Giờ nầy sương mù vẫn còn bao trùm tuy nhiên chúng ta vẫn còn có thể nhìn thấy những chòi canh ruộng nghêu ẩn hiện xa xa

Ngồi nói chuyện với một cô bán hàng hải sản ở đó, cô tâm sự năm nay mất mùa nghêu, cô phải đi theo ghe đánh cá, bán hàng hải sản mới đủ sống....Sau lưng tôi là một chị bán trái cây khá lớn tuổi đang chờ bạn hàng giao nhãn, cả hai người thăm hỏi nhau và than thở cùng nhau !!
Tuy nhiên vẫn mong rằng ngày mai trời lại sáng sau khi gia cố bờ biển xong...bây giờ đã có vài người khách vào thăm biển, cái vắng vẻ quạnh hiu giữa cơn gió biển mùa đông hơi se lạnh cũng có vẻ đẹp riêng của nó nhất là đối với những ai thích tĩnh lặng như hai cô cháu...
Đã hơn 10g30 gọi Ti quay về thành phố GC ghé quán bún vịt suông trước công viên để thưởng thức món đặc sản nầy, lòng vẫn còn cảm kích khi nhớ lại những lời tâm tình của cô bán hải sản về gia đình, về hạnh phúc và nhân sinh quan của cô, khá ngạc nhiên vì những suy nghĩ của mình và người tuy là hai người xa lạ hoàn toàn nhưng suy nghĩ rất giống nhau dù tuổi tác và hoàn cảnh xã hội hoàn toàn cách biệt !!
Một buổi sáng trời không có nắng nhưng yên tĩnh và thú vị....!
Hẹn ba tuần nữa lại có dịp quay về GC từ giã cho trọn vẹn một người em trai GC thứ hai đã ra đi đột ngột cũng trong những ngày nầy tháng trước...
NM PTND 

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

NTV - Những món ăn sáng ở Cần Thơ !

Bốn mươi năm trước đã về đây,
Từng "trọ" cùng "ai" một tháng dài ...
Bên nhau một thoáng, chia tay nhớ ,
Chốn cũ ta về.... luyến tiếc thay !!
NM 
(Nhớ lại thời gian học tập chính trị tập trung dành cho các gv miền Tây Nam Bộ tại trường Trưng nữ Vương ở CT mùa hè 75)

         Món nem nướng quán Thanh Vân (Cần Thơ) !

Hơn 6 tháng dài mòn mỏi "bó chân" vì dịch bệnh, vì giãn cách, cũng như tìm đủ cách được "thoát" khỏi các chốt chặn để đi loanh quanh mua thức ăn, rau củ, chạy lòng vòng tìm cách "canh" chích ngừa ....nhưng dường như ánh sáng Mặt Trời vẫn chưa cung cấp đủ năng lượng dù chỉ ngồi không xem ti vi, ôm điện thoại "nghiên cứu giá cả " đặt hàng online sao cho rẻ và giúp shiper có thể đem đến nhà giao hàng, ...chỉ cần có thế thôi lại được ăn ba bữa cơm rau, ngủ nghĩ đầy đủ thế mà hai cô cháu lại ốm đi !! Ti đi làm ai cũng quở, còn mình tóc tai lùi xùi quấn ổng một "cục" nhỏ như búi tó đi khắp nơi ...quần áo mặc rộng rinh..sụt cân thấy rõ dù hàng ngày vẫn uổng bổ sung thêm Vitamine nhưng vẫn ốm, điều mà trước đây mình mong thì không bao giờ được, thế mới "thấu hiểu" vì sao người ta "ra đi" nhiều đến như vậy, không ăn uống đầy đủ, đói kém cực khổ và lo lắng khủng hoảng đã giúp con virus Covid giết hàng loạt người dân thiếu thốn đáng thương sống chen chúc tá túc trong những dãy nhà trọ nghèo nàn, lụp xụp đôi khi còn thiếu cả tiện nghi vệ sinh và nhất là thiếu ăn trầm trọng !
Giờ mới hiểu ra rằng ngoài vật chất thì tinh thần cũng rất là quan trọng, nhớ lại những tháng ngày trước đi lung tung, ngồi trên  xe gắn máy suốt chặng đường dài cả ngày rong ruổi khắp nơi thì lại mập muốn sụt cân cũng khó được?!Mở trang ảnh fb ra xem lại những hình ảnh cũ, nhìn lại các món ăn tuy bình dân nhưng ngon miệng rồi lại mơ không biết chừng nào mình được tự do dạo chơi như trước nữa, tinh thần tuổi tác và sức khỏe liệu có được như vậy nữa không nhất là sau trận khủng hoảng do dịch Covid đem lại ?!
Nhìn lại hình món chả giò và nem nướng của quán Thanh Vân thật là hấp dẫn, hai lần về Cần Thơ để đi thăm bạn và xem chợ nổi Cái Răng mới có dịp ghé, lần sau chót đi Thanh minh ở Sóc Trăng thì đi cùng gia đình trên xe hơi cho nên chỉ ghé qua Cần Thơ một chút mà thôi !
Lòng ngậm ngùi tự hỏi không biết bao giờ mình có thể quay trở lại đây, được gặp một lần nữa người bạn mới quen trong buổi sáng tinh mơ tập thể dục bên bờ sông chợ Cái Răng nhỉ ?!
NM 
 
*******
 
Quán cơm tấm Bà Tư trong hẻm tại Cần Thơ
Trước khi đi hai cô cháu bàn nhau kỳ này về sẽ không ăn món nem nướng nữa và sẽ ăn món khác đặc biệt hơn, buổi trưa cũng vậy
Đến Cần Thơ chỉ hơn 7g sáng, chạy lòng vòng một lúc Ti nói muốn ăn thử cơm tấm ngay Cần Thơ rồi search Google liền cuối cùng bạn chỉ quán cơm tấm bà Tư trong hẻm...!!
Ăn uống xong tính tiền mới thấy còn mắc hơn quán Cali Phước Lộc Thọ ở Thủ Đức chỉ ngon hơn chút xíu và ngộ nhất là sườn bì thì giống như mọi nơi nhưng chả lại là một viên xíu mai !! Nhưng dù sao cũng khá thú vị...
Chỉ trong "cám cảnh" mới thương người,
Nhớ ngày rong ruổi đi khắp nơi...
Nắng gió mưa sa mà ta vẫn,
Thấy mình sao khỏe mãi yêu đời !!
Mơ ngày mai đến an bình lại,
Khắp chốn người vui, sống thảnh thơi.
Chuyện xưa qua hết cần chi nhớ ?
Trân quý làm sao một kiếp người !!
NM PTND
(Nhật ký trong thời gian giãn cách 2021)

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

NTV - Chuẩn bị cho ngày Mùng 5 tháng 5 92021) !!

 
Hình của internet

Tết tháng năm

Nhớ mùa "Tết tháng năm",
Của ngày vui xưa cũ...
Có mẹ và có cha,
Bao ân tình đầy đủ !

Năm tháng thoắt qua mau,
Tháng năm giờ hiu quạnh...
"Sâu bọ" lại hoành hành,
Thương thân người bất hạnh !!

Vẫn còn đây tục xưa,
Mà sao lòng như thấy.
Cô đơn cùng trốn trải,
Nhớ ngày xưa rất xưa !!
NM
Chuẩn bị cho ngày Mùng 5 tháng 5 !!
Sáng hôm qua mua cơm rượu trước, sáng nay mua bánh ú, định ngày mai mua xôi vò để tránh cảnh chen nhau, hai năm nay không tự làm cơm rượu ở nhà được vì lúc sau nầy viên men không như ý, cơm rượu làm ra hay bị đắng mà lúc này tụi nhỏ cũng "già" hết ai cũng đi làm cộng với tình hình dịch bệnh tốt hơn không nên tập trung....!!
Cô bạn tặng hoa, mua thêm 3 cây cúc quan âm cắm chung vào hai bình trầu bà trong hai bình thủy tinh, chưng mùng 5 xong đợi cây có rễ lại mang ra trồng trong chậu đất ! Nhưng tiếc thay các cây cúc quan âm nầy sau một thời gian xanh lá, đâm chồi mới thì lại âm thầm ....ra đi khi thì bị chuột cắn phá khi thì úng nước vàng cây ...
Những bó lá treo trước cửa ngày Tết Đoan Ngọ năm nay to hơn, nhiều thứ hơn nhưng cũng mắc hơn, thay vì mua treo mình mua mấy cây kia chưng cho đẹp rồi....mai tính, trong khi chờ đi chợ thì Ti đọc tin mới Covid đã xuất hiện thêm ở dãy phòng trọ quận Bình Tân, lòng bỗng dưng bất an chợt nhớ tới cô em mấy hôm nay "thất nghiệp" ở nhà và cũng ở phòng trọ, cứ gọi điện căn dặn đừng giao dịch nhiều và không cho người vào phòng, Ti nói thôi thì lát về đi ngang qua chỗ cô ở xem sao ?!
Quả là đoán không sai đi từ xa đã thấy đầu đường đang chăng dây cách ly, nhà cô ở cũng trên con đường đó, về đến nhà gọi điện thoại cho cô liền nó nói đó là chặn đầu đường khu nó ở không sao, như vậy có lẽ dịch mới viếng phía ngoài thôi nhưng cũng phải dặn nó đừng đi đâu hết và an tâm khi nghe nói thức ăn "viện trợ" vẫn còn nhất là nhu yếu phẩm đã cung cấp hờ hai tháng 6 và 7
Sáng hôm qua đi ngang qua công viên Hoàng văn Thụ thấy mọi người tuy không đông nhưng vẫn vui vẻ tập thể dục nhưng sáng hôm nay thì công viên vắng vẻ cũng bị chăng dây không cho người vào giống như công viên Thống Nhất có thể vì phát hiện thêm mấy ổ nhiễm bệnh mới....!?
Năm nay cúng mùng 5 lại càng đơn giản và ít hơn nữa, vì đã quen cúng từ thuở còn nhỏ, còn ba và mẹ, lúc nào ba cũng dặn cúng trưa nhớ ra sân nhìn mặt trời để giết sâu bọ, bây giờ phải nhìn chung quanh và trước sân nhà coi con nít thả ra tụ tập, không đeo khẩu trang chạy nhảy rong chơi để "mời" chúng về nhà, chung quanh đây cũng còn khá nhiều phòng trọ tuy cách xa khu công nghiệp hơn ở Bình Tân thế nhưng cũng vẫn bị cách ly như thường !
Không biết bao giờ xã hội được bình yên như cũ ?!
Buồn thay cho kiếp phù du,
Thương thân trôi nổi sớm tu chưa thành...
Thân người ngắn ngủi mong manh,
Sớm về cực lạc cũng đành thế thôi !
Thôi đành cũng phải"về" thôi,
Lánh xa chốn dữ, xuôi tay về nguồn !!
NM PTND
(Mùa cách ly Covid)