Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Con cá cô đơn

Người Không Cô Đơn

Buồn Con Cá Quẫy Đuôi 

Album Tuyển Tập Những Bài Ca Về Gió  

Nước mắt cô đơn,
Dẫu có khóc nhưng nào ai có thấy ?
Nước mắt trôi hoà lẫn biển mênh mông...
Xa giờ xa chợt nhớ đắng cay lòng,
Ơi bạn nhỏ từ đây thôi vĩnh biệt !

Thiết tha thế ta cũng đành xa cách,
Nào ai nhìn thấy rõ nước mắt đau ?
Một mình ta trở lại với nong sâu,
Cố quên lãng người bạn thân nhỏ bé...

Nhớ thật nhiều những ngày bên nhau nhé,
Những vui buồn hờn giận lẫn thương đau...
Ta bên nhau khắn khít ngỡ dài lâu,
Nào ai biết giờ chia tay vĩnh viễn ?

Con cá cô đơn

Từ lúc nào không rõ, khi bước chân đến nơi làm việc của mình, tôi đã thấy bể cá được đặt trên mặt kệ đá hoa cương; cái kệ vốn là chiếc tủ nhà bếp được tận dụng lại đựng giày dép, vớ tất các loại. Bể nhỏ, bề ngang khoảng bốn tấc, dài hơn nửa thước nên vừa đủ cho hai con cá màu hồng nhạt bơi lội tung tăng.


Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng đó là cá diêu hồng, cho đến khi hỏi người nuôi mới biết đó là cá phát tài, thuộc họ tai tượng. Loài cá này dễ nuôi, có sức bền tốt, nhiều khi hai ba ngày quên cho ăn cũng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, lại không đòi hỏi môi trường nước phải thật sạch. Để ý, tôi thấy lâu lâu chúng lại nghịch ngợm nhảy lên trên bể cho nước bắn tung tóe ra ngoài. Chúng diễn trò bắn nước này nhiều lần trong ngày.
Cá phát tài rất khôn ranh, biết nhảy múa theo tay người nuôi. Đây là loại cá dữ nên không thể nuôi chung với các loại cá khác.
Bể cá của công ty chỉ có hai con, nuôi cùng một lúc mà chúng lớn không đều nhau, một con phàm ăn thì to xác, còn con kia bé xíu nên giành không lại “người anh em” sống chung với mình, có thể vì vậy mà nó không thể lớn, bị ăn hiếp suốt ngày. Con cá to hơn buồn buồn lại đuổi đánh cá nhỏ, nó tấn công liên tục đến nỗi trên thân thể cá nhỏ bị lủng một vết khá sâu, rách thịt, sứt vảy, một thời gian lành lại nhưng vẫn để sẹo rất rõ. Đánh nhau như vậy nhưng chúng vẫn quấn quýt, con cá nhỏ cứ kè kè bơi sát mình cá lớn, khi vui chúng cùng quẫy thật mạnh rồi tung tăng bơi lượn trong lòng bể nhỏ.
Thời gian lặng trôi, hai con cá cứ cặp kè bên nhau qua năm tháng. Với khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình về loài cá, tôi không biết cá nào trống, cá nào mái. Nếu là hai con trống thì chúng sống như bạn bè đồng chí, dù đôi khi đánh nhau đổ máu nhưng rồi lại huề như bản tính nam nhi phóng khoáng, không thèm chấp chuyện nhỏ nhặt chi li. Nếu là hai con mái thì tránh sao khỏi lúc ganh ghét nhau vì đố kỵ, vì giành giựt những cái lợi tủn mủn hàng ngày; nhưng cũng giống như chị em trong nhà, gây gổ, mắng mỏ, thậm chí đánh nhau, rồi cũng tha thứ cho nhau vì tình thương máu mủ ruột rà. Nếu là một trống, một mái thì quyến luyến nhau là chuyện xửa xưa vẫn thường xảy ra, như người ta vẫn nói “thương nhau lắm, cắn nhau đau” có bao giờ sai? Hai con cá này cũng vậy, cắn nhau, đánh nhau rồi tha thứ nhau, khoan dung mà sống trong không gian bó hẹp do con người quy định.
Một ngày, công ty được dọn dẹp sắp xếp lại, bể cá bị chuyển tới góc khác, dưới chân cầu thang. Có phải vì lạ cảnh, lạ chỗ hay bắt buộc bị bứt rời khỏi không gian quen thuộc mà đôi cá mất dần sự nhanh nhẹn vốn có, chúng lờ đờ, u hoài, dật dờ. Lâu lắm rồi không còn nghe tiếng cá quẫy, không có bọt nước bắn tung tóe lên mặt kệ đá như hồi còn ở nơi cũ. Chúng ít ăn hơn trước, cũng không còn giành giựt đớp mồi hay rượt đuổi nhau. Con cá nhỏ bỗng nhiên thay đổi kiểu bơi, nó cứ nằm ngang trên mặt kiếng như giả chết, nhưng chỉ cần lấy ngón tay gõ gõ thì nó lại nổi lên. Ban đầu, nghĩ nó bị bệnh gì đó nên tôi thử thả một nhúm muối vô bể, nhưng sau đó thấy nó vẫn khỏe mạnh bình thường. Nó buồn vì xa nơi ở cũ nên đùa chăng? Nó lặp đi lặp lại trò này rất nhiều ngày, nhiều tuần… cho đến khi không ai chú ý tới nó nữa.
Tháng mười một, trời đã lập đông nhưng vẫn còn những cơn bão rớt kéo về hoành hành đâu đó trên dải đất miền Trung thân yêu, gây bao thảm cảnh cho người dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nay lại càng khó khăn hơn. Mùa này vẫn chưa ngớt mưa, chiều về, con phố nhỏ vẫn đong đầy những hạt nước bám vào khung cửa kính của dãy nhà cao tầng; từng dòng người xe vẫn lũ lượt lướt qua, đèn xanh, đèn đỏ chớp tắt liên hồi… Thời gian vô tình phủ bụi mờ lên vạn vật. Cuộc sống bận rộn trôi qua, có ai quan tâm đến sự sống nhỏ nhoi của hai con cá cảnh dưới chân cầu thang?...
Sáng nay, cô đồng nghiệp đứng bần thần rất lâu trước bể khi thấy con cá nhỏ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, nó đã ngừng thở từ lúc nào không ai biết. Chắc là khi bóng tối ngập tràn công ty, chỉ còn ánh sáng le lói đo đỏ của chiếc đèn quả ớt nơi góc thờ ông Địa tỏa ra, mọi người về hết, cá nhỏ buồn buồn lại chơi trò bơi ngang trong đêm, và không còn ai quan tâm nữa, nên nó cứ vậy mà “chơi mãi mãi”.
Từ khi con cá nhỏ chết đi, con cá lớn chẳng buồn bơi lội như mọi hôm, nó cứ rề rà quanh mặt kiếng, tư lự. Thấy con cá bơ vơ, lẻ loi, thiêu thiếu một điều gì đó, chúng tôi đồng lòng cho nó về với tự nhiên khoáng đạt. Lúc hút nước ra khỏi bể, nó đã quẫy rất mạnh, động tác phản kháng cuối cùng không muốn đi hay là bản năng khi sắp bị bắt? Từ bây giờ, cá đã về sông, đoạn tiếp theo không thể hình dung được nó sẽ thế nào? Tiếp tục sống hay lềnh bềnh nơi bến bờ xa lạ?
Thôi thì khuất mắt, biết nó về đâu, hy vọng nó sẽ bơi lượn nơi sông dài biển rộng”. Chúng tôi an ủi nhau như vậy rồi quay về với nhịp sống thường ngày. Bể cá đã được lau rửa, đổ đầy nước chờ đón thành viên mới hoặc sẽ nằm một xó nào đó mặc cho lớp bụi thời gian bao phủ...
Tạp bút Nguyễn Hồng Vân

 Duyên Phận
Gặp gỡ nhau giữa biển đời rộng lớn,
Duyên là đây mà Phận cũng là đây...
Cùng nhau Hạnh Phúc đắp xây,
Nâng niu gìn giữ những ngày bên nhau !
NM 

Nước mắt của cá

Ở một vùng biển xa xôi, có một con cá lớn rất đẹp nhưng lại cô đơn, hàng ngày nó chỉ biết dạo chơi ở những nơi đáy biển sâu nhất, lạnh nhất, những âm thanh vắng lạnh vang lên , từng giọt từng giọt khi nó thở ra bọt khí…

Có một ngày, thấy chán ngán thứ nước lạnh lẽo này, nó đã bơi về phía thượng nguồn. Khi nhô đầu lên mặt nước, nó nhìn thấy mặt trời ấm áp, thế giới tươi đẹp và … một cô cá nhỏ màu hồng vờn trên những bọt sóng, dáng vẻ rất vui tươi. Cá nhỏ nhìn thấy nó thì vui vẻ chào: “Xin chào, bác cá”.
-“Gì cơ?” Cá lớn rất tức giận nói: “Cô chẳng lịch sự gì cả, tôi vẫn con trẻ mà, sao lại gọi tôi là bác?”.
Cá nhỏ ồ lên một tiếng: “Còn trẻ á, vậy mà tôi còn tưởng anh là lão cá già thành tinh”.
Cá nhỏ vừa nói vừa tiện tay lấy một đoạn dây thép uốn thành vòng tròn vợt nước biển, làm thành cái gương nước đưa cho cá lớn rồi nói: “Anh hãy tự nhìn cái dáng vẻ già nua và cô đơn của mình đi”.
Cá lớn tự nhìn lại mình, đúng là một kẻ cô đơn và tiều tụy. Cá nhỏ lấy lại chiếc gương và nói: “Chắc chắn là do anh suốt ngày ở dưới đáy rồi, anh nên thường xuyên lên trên tắm nắng, giống tôi đây này”.
Cá lớn tròn mắt “Tắm nắng?”. Cá nhỏ cười “Chính là khi có nắng thì nhô lên và bắt đầu tắm nắng”.
“Đúng là cô cá mặt trời đầy thú vị”, cá lớn tự nhủ. Thế là từ đó cá lớn thường xuyên lên mặt biển chơi đùa, trò chuyện cùng cá nhỏ và chẳng bao lâu chúng trở thành bạn tốt của nhau.
Bên cạnh một cá lớn lạnh lùng, cứng rắn là một cá nhỏ nhiệt tình, mềm yếu. Bên cạnh một cá lớn điềm tĩnh, trầm tư, có đôi lúc thô lỗ là một cá nhỏ vui vẻ, dịu dàng và có phần tinh nghịch. Hai tính cách ấy cứ thế song hành cùng nhau dù không ít lần cãi vã.
Có lúc cãi nhau tới hai giờ, cá nhỏ rất tức giận. Cá lớn không dỗ dành nó, quẫy đuôi một cái rồi bơi xuống đáy biển. Cá nhỏ ngồi trên những bọt sóng nhìn ánh trăng mà khóc, nó tự nói với mình: “Cá nhỏ ơi đừng giận nữa, làm em giận là anh không đúng. Xin lỗi em, sau này anh nhất định sẽ yêu thương bảo vệ em”.
Nói xong thì nó tự cười với mình, trên mặt vẫn còn đọng những giọt nước mắt. Thực ra, cá lớn đang đứng từ đằng xa nhìn cá nhỏ. Nhìn thấy cá nhỏ tự gạt mình, nó cảm thấy xấu hổ vì những chuyện đã xảy ra. Hôm sau cá lớn liền đến tìm cá nhỏ. Cá nhỏ vốn rất vô tư, sau khi ngủ một giấc thì đã quên hết những chuyện buồn, vừa nhìn thấy cá lớn nó vô cùng mừng rỡ.
Ngày tháng dần trôi.
Cá lớn lúc vui vẻ cũng trêu đùa cá nhỏ, lúc ở dưới đáy nước cũng nghĩ xem cá nhỏ đang làm gì. Hai bên dù tính cách khác nhau nhưng điều đó cũng không ngăn được chúng nhớ về nhau.
Cá lớn rất thích chơi với cá nhỏ nhưng vùng nước lạnh nơi đáy biển vẫn là nhà của nó. Đó là sự thật không thể thay đổi. Cá nhỏ tuy rằng rất thú vị, ấm áp song với cá lớn dường như những thứ càng ấm áp thì càng hoang tưởng, càng nhiều ánh sáng thì càng xa xôi.
Bất kể là con cá nào thì cũng không thể thay đổi thuộc tính của mình, bởi không tìm được cách thích ứng thì sẽ không thể sinh tồn. Cá lớn lên mặt biển nhiều lần, từng mảng vẩy đã bị bong ra, lớp bảo vệ bên ngoài đã yếu hơn, đối với nó đây là điều thật đáng sợ. Lần cuối, nó nói với cá nhỏ rằng nó không thể tiếp tục lên chơi cùng cá nhỏ được nữa. Cá nhỏ gật gật đầu, rất ngoan không ầm ĩ, không hỏi bởi trong lòng nó hiểu.
Đó là lần cuối chúng cùng nhau tắm nắng. Cá lớn bắt đầu cảm thấy đau rát trên da, cá nhỏ cũng cảm thấy đau nhưng là ở trong lòng. Cá nhỏ nhìn cá lớn khóc và nói: “Em rất muốn cãi nhau với anh… cái dáng vẻ xấu xí của anh… em sẽ không nhớ anh nhiều nữa đâu "
Cá lớn nhìn cá nhỏ mà nhói đau nhưng lại nói: “Em… là kẻ đáng ghét nhất”, rồi từ từ bơi xuống đáy biển lạnh lẽo.
Cá lớn cuối cùng cũng trở về đáy biển, nhiều năm trôi qua nó không hề lên mặt biển. Thỉnh thoảng, nó tự hỏi không biết cá nhỏ sống thế nào, có còn nhớ nó không. Đôi khi, nó nhờ những đợt sóng thủy triều hỏi tin tức của cá nhỏ nhưng không hề có hồi âm.
Một hôm, cá lớn muốn lên mặt biển. Thế là nó bơi về phía thượng lưu, bơi được nửa đường thì phát hiện một thứ gì đó rất lạ… là xương của cá nhỏ. Điều kỳ lạ là, đầu của nó vẫn hướng xuống dưới biển, dường như dù có phải chết nó cũng muốn bơi xuống đáy biển.
Cá lớn bơi đến gần, đột nhiên nó bất động. Chúng đã quá thân thiết nên dù có hóa thành tro, nó cũng nhận ra cá nhỏ, đây chính là xương của cá nhỏ. Cá nhỏ đi tìm cá lớn nhưng nó quá nhỏ bé, không thể chống chọi với cái giá lạnh của biển sâu. Nó đã đi tìm cá lớn theo tiếng gọi của con tim.
Cá lớn  ôm lấy xương cá nhỏ – thứ bảo bối quý giá nhất trên đời với nó rồi từ từ bơi về phía đáy biển. Không ai có thể nhìn thấy giọt nước mắt của cá lớn bởi vì nó đang ở dưới nước.!
Các bạn à, trong cuộc sống cũng vậy, giữa một biển người gặp nhau quen nhau là Duyên, yêu thương nhau là Phận…đã có Duyên-Phận với nhau là Phúc, để giữ được Phúc thì chúng ta phải biết trân trọng nâng niu những gì cuộc sống đã mang lại. Đừng để vì một lúc thiếu suy nghĩ để mất đi Hạnh phúc của mình, đừng để như chú cá lớn xấu xí phải suốt đời ân hận các bạn nhé.
Giang Nhất Yến 

 Một thoáng gió lay
Xin chút gió cho thoáng đời đi nhé,
Gởi tình người vào biển rộng trời cao...
Mong thiên nhiên trao sức sống nhiệm màu,
Ta cảm thấy cõi lòng vui thanh thản ?
NM

Truyện ngắn 1.200 chữ: Chuyện con cá Rồng - Ảnh 1.
MInh họa: KIM DUẨN

Chuyện con cá Rồng

TTO - Quán Hương Giang bán nhiều món ăn, từ điểm tâm đến hai bữa chính, phần lớn thực khách là những người định cư trong vùng vài mươi năm nay, họ đến quán để tìm hương vị cũ của những món ăn ưa thích chốn quê nhà.

Vào những sáng hiu hiu mát, cả chục chiếc bàn đặt ngoài hiên không còn trống chỗ vì khách thích ngồi ngoài hiên cho ánh nắng ban mai tắm gội lên mặt, lên tóc.
Bên cốc cà phê nguội lạnh, họ tán gẫu đủ thứ chuyện mà đêm qua họ đọc được trên mạng Internet, có câu chuyện xảy ra trong cộng đồng nhập cư, nhiều nhất là những câu chuyện xảy ra ở nơi chốn mà họ đã rời đi.
Họ rôm rả phân tích, bình luận những tin tức, sự kiện xảy ra ở quê cũ, thường với tinh thần hài hước và châm biếm. 
Thỉnh thoảng trong số họ, có người vừa về quê thăm bà con, cung cấp một số đề tài mới để tán gẫu. Có vài người già ngồi đến trưa, lái xe về nhà, dùng bữa, đánh một giấc rồi xế chiều trở lại quán. 
Họ có nhu cầu gặp gỡ những người cùng thích thú nhai một ổ bánh mì thịt, ăn ngon lành một đĩa cơm tấm có miếng thịt cốc lết nướng thơm lựng hay khoái trá húp một bát phở nổi váng nước béo...
Buổi chiều thường có nhiều gió chạy quanh những con đường rộng rãi với hai hàng cây thẳng tắp và cách quãng đều đặn trên hai bên lề đường. 
Gió mang tiếng ru trầm đều buồn nản lọc qua những tầng lá thấp lướt trên những ô cửa kính đóng kín, châm kim nhọn vào mọi vật di chuyển trên đường, nên những người khách ngồi ngoài hiên quán Hương Giang vào buổi sáng rút vào một góc bên trong. 
Đời sống của những người nhập cư về già ở đây thanh bình, nhàn tản trôi đi chậm chạp; chỉ thỉnh thoảng khuấy động bởi một đám cưới hay một đám tiễn biệt người qua đời.
Ông bà chủ quán Hương Giang có một đứa cháu ngoại sáu tuổi, cháu trai, cháu và mẹ ở chung với ông bà. 
Cha cháu là dân bản xứ làm việc xa nhà non ngàn cây số, hàng tháng trời mới về thăm vợ con một lần. Thằng bé mang hai dòng máu, gần gũi với ông bà và những người cùng màu da, tiếng nói nên nó nói rất sõi tiếng mẹ đẻ. 
Ngoài lúc phải đến trường học, nó có rất nhiều thời gian ở quán Hương Giang, ngồi bên ông ngoại nó nơi quầy thu ngân, hí hoáy với trò chơi trên cái iPad.
Chủ quán Hương Giang xấp xỉ bảy mươi, gương mặt khắc khổ, thùng thình trong chiếc áo lạnh quá khổ không che giấu được vóc dáng gầy còm. 
Mỗi sáng, ông rời nhà rất sớm, đến quán bật lò hầm nồi xương nấu nước lèo; rồi vợ, mẹ thằng bé và nhân viên phục vụ mới đến chuẩn bị đón khách. Sau đó, việc chính của ông là thu tiền và phân loại giấy bạc, tiền xu cho vào các ô riêng.
Lúc vắng khách, ông chỉ cho thằng bé xem tranh ảnh, những tranh ảnh đồng lúa chín vàng, con sông có chiếc thuyền lững lờ, con bò gặm cỏ bờ đê, đàn gà bươi gốc chuối, mái chùa cong cong... mà ông lấy trên mạng Internet. 
Ông muốn trong trí óc trẻ thơ của cháu có chút khái niệm về cội rễ của nó. Thằng bé thích thú lắm, liến thoắng hỏi luôn miệng. Mấy hôm rày ông còn nợ thằng bé một câu hỏi.
Đó là chuyện con cá Rồng. Năm năm trước, ông mua về nuôi lúc con cá mới bằng ngón tay cái, dài hơn một tấc. 
Cá nhỏ cỡ đó mà nuôi trong lồng kính chữ nhật dài tám tấc, ngang bốn tấc thì cả đàn cá bơi lội cũng còn thoải mái huống chi chỉ có một con. Nhưng nó mau lớn quá, mà cũng phải thôi vì nó ăn toàn thịt heo thịt bò, dù là thịt vớt ra từ các tô phở của khách bỏ lại. 
Mãi khi thằng bé chỉ tay vào con Rồng, nói: "Nó dài như vậy, to như vậy mà cái chuồng kính nhỏ như vậy thì làm sao đủ không khí cho nó thở, làm sao cho nó bơi đi chơi được?". 
Lúc này, ông mới để ý thấy con Rồng chỉ đứng yên hay nhúc tới nhích lui chớ nó không quay đầu lại được nữa, dù các vi và đuôi vẫn phe phẩy không ngừng.
Trời bỗng nổi gió dữ dội. Ở vùng này, thỉnh thoảng có những đêm gió gào rú mãnh liệt, càn quét trên những mái nhà, vòm cây, chạy dài suốt con đường. 
Đầu đêm, bên chiếc bàn ăn trong căn nhà cách quán nửa giờ lái xe là thời khắc ấm cúng nhất của vợ chồng chủ quán Hương Giang sau một ngày tất bật, nhưng đêm nay, hai vợ chồng to tiếng với nhau. 
Người vợ đòi dẹp cái lồng kính, bán con Rồng cho tiệm cá kiểng vừa được tiền vừa thừa chỗ đặt thêm bàn ghế cho khách, khi ông đề nghị sắm cái lồng kính to hơn. Người vợ giận dỗi đã lên giường sớm, người chồng ngồi lặng lẽ đến tận khuya chỉ để nghe tiếng gió hú.
"Báo cáo! Cho xin chút gió". Nhiều lần trong một buổi trưa, đám người ở trần quần đùi lại la to như vậy. 
Phòng chật, mái lợp tôn, trần thấp, chỉ chừa một ô thông gió nhỏ lại nhốt mấy chục người trong đó nên canh trưa, khí nóng từ mái tôn dội xuống, cộng với hơi người bốc lên làm thiếu không khí để thở khiến nhiều người bị ngất xỉu. 
Chủ quán Hương Giang ngày đó tưởng chừng đã mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Con Rồng nhúc tới nhích lui, quạt vi quạt đuôi không ngừng chắc là đang thở hổn hển.
Lẽ nào ông phản bội lại những bài học về tình yêu thiên nhiên, vật nuôi mà ông cố gắng truyền đạt cho đứa cháu thiếu quê hương qua những hình ảnh sinh động hiền hòa.
 Ông mường tượng ánh mắt hân hoan của thằng cháu khi nhìn con cá Rồng lượn lờ thoải mái...
HỒ VIỆT KHUÊ

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Nhạc - Thơ Văn Hương tháng chạp

Về quê 20 tháng chạp 

Ở Một Nơi Tháng Chạp Gọi Mưa Về


Hương tháng chạp,
Hơi gió lạnh của mùa Đông tháng cuối,
Làm sắt se bao nỗi nhớ mẹ ơi...
Biết bao mùa Đông giá sống chơi vơi ,
Sao vẫn tiếc thương hoài hương tháng chạp !!
Còn có mẹ mùa Đông dường ấm áp,
Tiếng cười vui bên bếp lửa thơm nồng...
Mặc ngoài kia gió lạnh thổi qua song,
Hương của bánh khiến mùa Đông dịu ngọt !
Tháng Chạp của mẹ có chan chứa những yêu thương và đầy niềm tin mãnh liệt.
Tháng Chạp về, mẹ thở dài cái thượt, than thời gian trôi nhanh quá! Mọi việc ngoài kia dở dang đang chờ mẹ vun vén, thu xếp mà chỉ có ba mươi ngày ngắn ngủi.
Tháng Chạp của mẹ bắt đầu từ vụ lúa Đông Xuân. Bấy giờ trời hãy còn đang rét đậm, cầm dẻ mạ trên tay mẹ lo gần lo xa, lo cây lúa còn hơn lo cho bản thân. Tay mẹ tách mạ non nhẹ nhành như sợ đau, sợ thân mạ khẳng khiu không chịu nổi cái giá lạnh cuối đông. Mặc bùn nâu quyện chặt, sỏi đá lấm chấm dưới chân mẹ vẫn miệt mài cùng những thửa ruộng sớm hôm.
Tháng Chạp mẹ ươm sẵn một vườn rau xuân chuẩn bị cho vụ Tết. Vườn của mẹ đủ đầy các loại giống rau từ mùi, hành, tỏi cho tới các loại cải... Mẹ tưới tắm, bón phân, nhổ cỏ làm chẳng bao giờ hết việc. Những đứa con xót mẹ khổ, gàn rằng, nhà ăn hết bao nhiêu mà mẹ trồng chi cho mệt. Mẹ khoát tay, mắng yêu “cái lũ ăn hại này, không làm thì thôi để mẹ làm, cứ ngăn cản là sao?”. Đấy là chúng tôi lo lắng cho mẹ nên mới nói thế! Chứ thực ra mỗi người đều xúm một tay giúp mẹ. Mà cũng khoái cái khoảnh rau xuân lắm lắm. Tết nhất thịt thà, bánh kẹo ngầy ngậy mà không có khoảnh rau của mẹ dung hòa thì coi như mất ngon. Ăn không hết mẹ biếu hàng xóm, mang chợ chiều bán gom chút bạc lẻ. Anh em tôi học hành cũng từ những đồng tiền ấy chứ đâu.
Tháng Chạp của mẹ toan lo cho chồng cho con, cho những đấng sinh thành hai bên nội ngoại. Dù bận rộn cỡ nào mẹ cũng dành thời gian đi sắm sanh, mua quà cho những người thân yêu của mình. Chúng tôi vui sướng khi nhận từ tay mẹ bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, đôi dép vẹn nguyên trong túi bóng lấp lánh những niềm vui. Nhưng chẳng bao giờ tôi thấy mẹ quần mới áo đẹp xúng xính hay đơn giản là một đôi dép “tử tế” đi trong dịp Tết. Lớn lên tôi mới hiểu rằng vô tình tháng Chạp đã hằn lên trán mẹ những nếp nhăn nặng gánh cũng bởi chỉ mong muốn chồng con, người thân hạnh phúc!
Tháng Chạp của mẹ có chan chứa những yêu thương và đầy niềm tin mãnh liệt. Thiếu thốn, đói kém nhưng mẹ chẳng bao giờ bộc lộ những âu lo, thể hiện trên khuôn mặt. Mẹ khéo co kéo để gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Mẹ bảo chỉ cần Xuân sang thôi là mọi chuyện sẽ ổn. Và tôi thì luôn tin rằng điều mẹ nói là đúng.
Rồi những tháng Chạp chỉ có mình mẹ ở nhà. Bầy con đã vỗ cánh bay xa tới phương trời khác. Tháng Chạp của mẹ có những giọt nước mắt ngồi bên hiên mùa Đông thưa thớt nắng ngóng trông đàn con phương xa…
Bên mẹ trong những ngày cuối Chạp lòng bình yên vô ngần. Rũ bỏ những âu lo, bon chen phố thị, chúng tôi về với người, xắn tay áo chăm luống rau nghe mẹ kể chuyện. Mẹ khoe khoảnh rau năm nay tốt hơn năm ngoái, bầy gà cũng chóng lớn hơn... Mẹ đang vui và lòng chúng tôi cũng đang hân hoan.
Tháng Chạp của mẹ năm nào cũng thế! Ngồn ngộn đống việc và chưa được một phút thảnh thơi…
Quyền Văn

Phiên chợ Mường tháng Chạp

Tháng Chạp một sáng ngày cạn mùa, gió chợt nồng nã hơn khi lùa qua vách sàn, trời cũng phai sắc màu bàng bạc để len lén những ánh vàng âm ấm giao mùa. Cây mận cuối vườn nhu nhú nụ căng ngần, như chỉ đợi một cơn mưa phùn thôi sẽ bung trắng gọi Giêng về. Đầu đường, cuối dốc đã nghe rộn rã tiếng nói cười của trẻ nhỏ í ới gọi hẹn của trai gái đợi nhau xuống chợ. Từ gầm sàn, mẹ tất bật gánh lưng nếp nương cùng vài đon lá dong, lạt giang vội vã cho kịp đoàn người. Tết ở Mường bắt đầu vào một ngày như thế trong tháng Chạp.


Đó là phiên chợ ngày hai lăm Tết, phiên chợ lớn nhất trong năm đối với người ở vùng Mường tôi. Chợ có từ bao giờ không rõ nữa, chỉ nhớ rằng, khi lớn lên, tôi đã biết đến phiên chợ này như một lễ hội đặc biệt, báo hiệu cho Tết và Xuân về. Sáng ngày hôm ấy, trẻ già, gái trai sẽ diện cho mình bộ quần áo đẹp nhất, hẹn hò từ chiều ngày hôm trước, đợi đến sáng thì xếp thành từng đoàn rồi thư thả ra phố huyện. Người ta đi chợ, ngoài việc mua bán vài thứ gì đó còn là cái cớ đi tìm một thú vui, hương vị cho ngày Tết.  
Thời đó, trẻ con mong phiên chợ Tết để được mặc quần áo đẹp, để được ra chợ xuống phố xem bày bán những thứ lạ mắt, thật đẹp, rồi ăn vài thứ bánh kẹo lạ mà cả năm chẳng mấy khi được thấy, rồi được mua một vài quả bóng bay xanh đỏ khoe với nhau. Từng ấy thứ thôi mà xa xỉ đến độ, cứ trở đi trở lại trong giấc mơ cả bao ngày tháng dài.
Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp, nôn nao, rạo rực của những đêm ngày chợ phiên. Bọn trẻ chúng tôi hầu như không ngủ được, bị người lớn ép đi ngủ nhưng lòng cứ thao thao mong trời sáng. Nằm như đếm được từng canh gà thức ngày và trở dậy khi ngoài cửa voóng vừa có chút ánh sáng len qua.
Quần áo mới từ đêm hôm trước được gấp sẵn để ngay cạnh chiếu ngủ, tỉnh dậy là quờ vội thay ngay vào người. Tháng Chạp trời lạnh lắm, quần áo mới đẹp nhưng mỏng manh. Ngày Tết mẹ không thể sắm cả quần áo ấm cho tất thảy, nên mỗi đứa chỉ được một bộ mong mỏng.
Chúng tôi ngày đó không có nhiều đồ mặc ấm, một chiếc áo khoác hay áo len mặc đến độ vàng nâu lấm cặn, giặt bữa nào thì hong vội bếp lửa cho kịp khô bữa ấy nhưng ngày chợ Tết sẽ chỉ mặc quần áo mới thôi, trời lạnh bao nhiêu cũng chịu được.
Hôm ấy, mẹ trở dậy sớm hơn mọi khi, nhóm bếp lửa cho chúng tôi ngồi đợi sáng. Cả nhà cũng thức theo vì tiếng nói cười ồn ã. Chỉ đợi nhìn rõ mặt đường, sương còn đặc trĩu trên cỏ trên lá, ngoài ngõ, đầu bản đã ríu rít ồn ã tiếng trẻ con cười nói, gọi nhau. Con đường làng như một luống hoa rực rỡ màu xanh xanh, đỏ đỏ của quần áo mới, môi lũ chúng tôi đứa nào cũng thâm tái nhưng nụ cười thì không ngưng tắt bao giờ…
Phiên chợ ngày hai lăm tháng Chạp ấy, người già cũng rủ nhau đi chơi, họ muốn nhìn phố xá, hàng quán nhộn nhịp, xem thiên hạ vui chơi thế nào. Hơn cả, xuống chợ phiên họ cũng mong được gặp gỡ lại những người quen, bạn già cũ.
Người già xuống chợ vào giờ muộn hơn. Đợi trời tan sương, đường vãn trẻ nhỏ, họ mới bắt đầu chống gây, đeo dón ra đường, họ cũng hẹn hò nhau, đợi nhau ở góc làng, đầu bản. Cụ nào có bộ váy, áo mới nhất đẹp nhất cũng đem ra diện. Trong nhà dành dụm được đồng nào từ tiền bán măng, bán lá, bán củi cũng đem hết để đi chơi, có khi chẳng mua gì nhưng gọi là có tiền đi chợ. Con đường từ các thôn bản đến chợ huyện rộn rã tiếng hỏi han cười đùa. Người già đôi khi chào hỏi nhau bằng những đoạn Đang, đoạn Xường đối đáp, nên chợ phiên ấy chỉ thiếu tiếng cồng chiêng nữa là thành một lễ hội Mường đặc biệt.
 Trai làng, gái bản thì đi chợ như đến một lễ hội duyên, để mong được gặp gỡ, hội ngộ bạn bè khắp Mường quen Mường lạ, để mong tìm lại người cũ nào đó đã thất lạc từ lần vừa kịp biết tên ở chợ phiên trước, hay để mong tìm được người tri kỉ, bạn trăm năm trong một ngày rong chơi.
Có khi họ chẳng kịp bước chân vào chợ để xem quán hàng hay mua gì đó, mà chỉ tụm năm, tụm bảy để hàn huyên, hẹn hò, làm quen với nhau cho đến khi vãn chiều rồi bịn rịn chia tay. Nhiều cuộc hò hẹn đã được bắt đầu từ một buổi chợ như thế và biết bao nhiêu cuộc duyên đã thành đôi lứa từ những lần chợ phiên này.
Đàn ông có gia đình thì thường đi chợ để mua rượu, có khi họ xách theo chai rượu ngô, rượu củ dành dụm lâu nay để xuống chợ, gặp hẹn bạn bè anh em ở đâu là say đến cạn ngày. Chỉ có các mẹ, các cô bận bịu với những gánh hàng đơn sơ, đủ mua quà bánh cho lũ nhỏ.
Bây giờ người ở Mường có thể một tháng vài lần ra phố, phố chợ không còn quá lạ lẫm và thiếu thốn. Người đi chợ Tết không còn giữ được những nét đẹp như trước kia, thế nhưng phiên chợ Tết cuối tháng Chạp vẫn là phiên chợ được người ở Mường mong mỏi, hào hứng nhất trong cả một năm dài. Chỉ bởi đó là một nơi để rong chơi, cho lòng mình thanh thản, nguôi vơi, tạm quên đi những lo toan nhọc nhằn suốt bốn mùa nương núi.
Cũng bắt đầu từ ngày chợ phiên ấy trở đi, người trong Mường gác hết việc ruộng rẫy để lo chuẩn bị cho Tết nhất. Tôi thích những buổi trưa ngồi ở cửa voóng hướng mắt theo phía âm thanh ồn ã, nhộn nhịp bên con đường dưới chân núi sau nhà, nhìn đoàn người trong bản theo nhau vào đồi hái lá dong, kiếm củi, chặt giang tước lạt bánh, tiếng cười đùa hân hoan, háo hức cho đến khi hút bóng phía thung rộng.
Tôi thích những lưng chiều tất bật bên bờ suối, cùng các chị các cô đánh rửa nồi niêu, bát đĩa, rộn ràng, hoặc ngồi trên bếp nghe tiếng người ta chia chác nhau những phần thịt lợn dưới sân lớn. Chẳng biết nhiều ít ra sao, nhưng giọng nói câu cười nào cũng ấm áp vui tươi.
Đêm ba mươi thiêng liêng chầm chậm trôi trong tiếng khấn lởi của cha bên bàn thờ gia tiên và ngồi dưới bếp bên nồi bánh chưng của mẹ nghe những giai âm tâm linh thấy ấm áp và thanh tịnh đến lạ. Cha khấn xong, mâm cơm cúng đó sẽ được dọn xuống để cả gia đình cùng quây quần hưởng lộc.
Xong bữa cơm tất niên, cha đốt đóm, xách cồng ra nhà văn hóa thôn vui đêm múa hát pồn pông đón giao thừa cùng đoàn thanh niên và bà con. Tôi ở lại bên bếp lửa cùng mẹ. Bếp lửa lặng lẽ cháy, nồi bánh đều đều lục bục sôi, mẹ rủ rỉ kể tôi nghe chuyện nương núi bốn mùa gió nắng. Tháng Chạp đi qua nhè nhẹ trong tiếng mưa xuân rích rắc chái thềm lẫn vào tiếng chiêng đêm vọng lại từ đâu đó.
THY SƯƠNG

LK Nhạc Miền Tây Dạ Cổ Hoài Lang

Vá nồi ngày tháng Chạp ở quê tôi

 Ngày trước, mỗi khi tết đến, người dân quê tôi (Vũng Liêm, Vĩnh Long) ngoài việc trang hoàng nhà cửa, tất bật làm các loại bánh mứt, các món ăn truyền thống thì còn một việc tuy nhỏ nhưng phải làm cho xong trước ngày đưa ông Táo về trời đó là chà rửa nồi, chảo thật sạch, rồi lựa những cái nào bị sứt quai, lủng lổ đem ra chợ vá lại

Hồi tôi còn nhỏ, khoảng chiều 20 tháng Chạp là mẹ tôi xắn tay dọn dẹp góc bếp. Ngày đó, góc bếp của mẹ nhỏ bé, đơn sơ với mấy cái nồi, chảo và cái bếp cà ràng do chính tay cha tôi nắn. Mẹ thường nói với cha tôi làm ra nó với tất cả tâm huyết của mình, cha phải lựa chọn đất sét mềm, dẻo, mịn rồi trộn với trấu để tạo độ kết dính; khi làm xong cha tôi còn nắn hoa văn, đường viền cho cà ràng thật bắt mắt. Vậy nên, mẹ tôi quí nó lắm, mỗi khi thấy tôi đụng chạm mạnh tay vào bếp là 
mẹ rầy rà ngay.
Người thợ vá nồi ở quê tôi. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Thương nhất là lúc mẹ đem mấy cái nồi, cái chảo dính lọ đen sì ra chùi, cực khổ vô cùng vì ngày trước làm gì có các loại nước rửa chén như bây giờ, mẹ  phải lấy xơ dừa khô để chùi nồi. Mẹ chùi đến mồ hôi nhễ nhại, mặt dính đầy lọ nghẹ cho đến khi cái nồi, cái chảo đã trắng tinh; mẹ tươi cười xếp chúng gọn gàng lên kệ, ngắm nghía hồi lâu.
Sáng hôm sau, mẹ lựa những cái sứt quai, lủng lổ đem ra chợ. Tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Nó bị hư, mẹ bán lấy tiền mua kem cho con ăn nghe mẹ!”. Mẹ tôi cười, xoa đầu tôi ngọt ngào: “Không đâu con, những cái nồi này sửa lại là dùng được, chưa đến mức bỏ đi đâu con!”. Thế là mẹ cóc cách đạp xe chở tôi đi chợ.
Tôi ngồi sau xe, tay cầm một cái chảo, còn hai cái nồi nhỏ mẹ để vào rổ xe đạp. Chợ quê những ngày gần tết thật náo nhiệt, người dân quê dù nghèo khó nhưng cũng ráng sắm sửa để có một cái tết đàng hoàng. Mẹ dừng xe ở góc chợ, nơi có một người đàn ông chắc cỡ tuổi cha tôi, đang gõ gõ với rất nhiều nồi, chảo.
Vậy là không phải chỉ có tôi mà rất nhiều người cũng đem nồi, chảo ra chợ cho ông ấy vá lại. Tôi nhìn quanh, thấy đồ nghề cũng khá đơn giản, mấy cái kéo, cái kềm, mũi khoan cùng với một tấm tôn phẳng khá lớn. Ông ấy đang miệt mài gọn dũa, đụt đẽo cái nồi, khéo léo cắt miếng tôn cho vừa vặn rồi đắp vào lổ thủng. Đâu chỉ vậy, từ miếng tôn đó, ông tỉ mỉ cắt ghép thành cái quai mới gắn vào những cái nồi, chảo bị sứt quai. Ngồi cạnh ông là một đứa trẻ chắc lớn hơn tôi mấy tuổi, tôi độ là con trai ông, đang nhìn ông làm không chớp mắt. Hết người này đến người kia mang nồi, chảo đến, cái to có, nhỏ có, ông làm không kịp tay…
Đó là chuyện của những ngày xưa, tôi nhớ đến tận hôm nay. Giờ đây, kinh tế khá giả, việc mua cái nồi, cái chảo mới rất dễ dàng nhưng người dân quê tôi ít nhiều vẫn giữ thói quen tự thuở nào: mang nồi, chảo thủng ra chợ vá lại chứ không bỏ đi. Hình ảnh người thợ vá nồi với đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh tường, kiên nhẫn làm mới từng cái nồi, cái chảo hư có thể sau này không còn nữa nhưng lại là ký ức khó quên, là nét đẹp chất phác, mộc mạc, đơn sơ của quê tôi mỗi khi tết đến, xuân về.
Nhất Huỳnh


Nhớ Tết quê
Tha hương mấy độ tủi thân con
Dấn bước phiêu du kiếp mỏi mòn
Kỷ niệm một thời xuân sắc ấy
Tết quê hoài nhớ mãi trong con

Phơi phới mưa Xuân rắc bụi mờ
Căng tràn nhựa sống búp non tơ
Hương bưởi vườn nhà thơm ngào ngạt
Áo, quần khoe mới các em thơ

Con nhớ ngày xưa thuở thiếu thời
Mẹ ngồi đun bánh tối Ba Mươi
Mồng Một đường làng vang tiếng guốc
Người đi chúc Tết rộn Xuân tươi

Ruộng chùa mấy cặp đua bay bổng
Sân đình trống vật thúc liên hồi
Trai gái hẹn hò đêm hát hội
Tích truyện Lưu Lang diễn tuyệt vời

Cánh chim lưu lạc bốn phương trời
Khắc khoải ngày về quê hương ơi
Ước gì trở lại… ngày xưa ấy
Tết của quê ta thuở thiếu thời

Doãn Hải

Tháng Chạp - Thương về cố xứ

Mấy hôm trước, lần giở tờ lịch năm mới, mẹ tôi bần thần, nhẩm tính hồi lâu. Thì ra, tháng Chạp đang chậm rãi đến. Gần chạm ngưỡng “thất thập”, đối với bà, Tết chỉ khiến mái tóc bà nhiều hơn một sợi bạc, lại bớt đi một ít thời gian sống cùng con cháu. Không mong Tết, nhưng bà trông ngóng tháng Chạp!
Hơn 20 năm trước, ông ngoại tôi mất vào giữa tháng Chạp, sau cơn bệnh nặng. Con cháu bỏ dở công việc bề bộn của thời điểm cuối năm. Lo đám tang xong, chẳng ai còn tâm trạng ăn Tết. Tháng Chạp năm ấy buồn bã trôi qua, khắc sâu nỗi mất mát vào ký ức mọi người. Khi thương tiếc phai nhạt dần theo thời gian, những tháng Chạp sau đó trở thành dịp hội tụ con cháu, đông đủ hơn cả ngày Tết.
Gần đến ngày giỗ ông ngoại, mẹ vừa chuẩn bị quần áo, vừa dặn dò cha con tôi đủ thứ, rồi lặn lội đi xe đò, vượt cả trăm cây số về quê. Chẳng có điều kiện góp tiền tổ chức giỗ, bà dùng tấm lòng hiếu thảo để dọn dẹp phủ thờ, quét dọn sạch sẽ, tham gia nấu nướng, dọn dẹp cùng cánh phụ nữ trong bếp. Đàn ông thì lo dọn mâm cúng kiếng, tiếp khách, khề khà bên ly rượu để chia sẻ chuyện nhà, chuyện đời.
Đám giỗ hầu như đủ mặt mọi người, trở thành dịp đoàn tụ cả nhà trước năm mới. Mấy chục năm trôi qua, cũng là ngần ấy năm mẹ tôi sống xa quê. Có một ngày đặc biệt của gia đình như thế, nên bảo sao, mẹ tôi không thể không bần thần vì tháng Chạp!
 
Ông James Nguyen rời Việt Nam 35 năm trước, khi vừa tròn 12 tuổi. Bao nhiêu năm xa quê, ông vẫn không thể quên hình ảnh đồng ruộng mênh mông, tiếng trâu cày vất vả. Tâm sự với tôi, ông cẩn thận lục lại ký ức: “Tôi nhớ, sáng sớm tôi đi học ở trường, khi về là quăng cặp, ra ruộng giúp gia đình. Quê hương vẫn nằm sâu trong tim, khi mẹ già và người thân của tôi còn sinh sống”.
Mỗi lần về Việt Nam, ông nôn nao, hạnh phúc vì được trở về xứ sở, được nghe tiếng nói của đất nước mình, được nhìn thấy vùng sông nước miền Tây đậm đà tình nghĩa. Mấy tháng trước, mẹ ông qua đời. Bởi vậy, Tết này ông không về Việt Nam, không nghe lòng nôn nao Tết như trước nữa... Nhưng ở xứ người, ông vẫn tham gia các hoạt động đón Tết. Hiện giờ, ông đang tập hát bài “Hình bóng quê nhà”, chuẩn bị cho buổi tiệc tân niên sắp tới. “...Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương/ Trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà” - câu hát như thay tiếng lòng của ông và những người con xa xứ khác, cất lên trĩu nặng nỗi nhớ mông lung!
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thương nhớ tháng Chạp. Anh Huỳnh Tiến (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Tôi xa quê, đến TP. Long Xuyên lập nghiệp hơn 20 năm. Nhà chỉ còn mẹ tôi sống cùng họ hàng lân cận. Lúc ấy, thu nhập có được, vun vén lắm mới đủ dùng. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là tôi về nhà thường xuyên hơn.
Tuần này, tôi lau dọn nhà cửa, chỉnh lại mái hiên trước sân. Tuần sau, tôi ra chợ, chọn chậu mai đẹp chưng Tết, mua ít bánh kẹo, dây kim tuyến, đèn nhiều màu. Tuần sau nữa, tôi đem quà tặng, lịch của cơ quan về cho mẹ... Nhà dẫu nghèo, dẫu nhỏ, nhưng cũng phải có Tết như ai. Bây giờ, cuộc sống đỡ hơn trước, tôi lập gia đình và sinh sống ổn định ở Long Xuyên. Chỉ có điều, mẹ vắng bóng, tôi chẳng còn dịp về quê để chuẩn bị Tết như xưa. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi đã có những tháng Chạp rất ý nghĩa, không thể nào quên”.
Có người bảo, tháng Chạp đôi khi còn vui hơn cả Tết. Ngoài việc sắm sửa, chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết cận kề, người ta còn khắc khoải trở về nhà, làm tròn bổn phận con cháu bằng 2 lễ cúng lớn: đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), rước ông bà (30 tháng Chạp).
Chợ Tết đông nườm nượp, người mua kẻ bán tất bật. Đi chợ xong, phải về bày biện, nấu nướng, chuẩn bị cúng kiến theo phong tục. Chính những phút giây tất bật ấy mới làm người ta cảm nhận rõ ràng nhất không khí tháng Chạp - những ngày cận Tết. Và tháng Chạp cũng chất chứa đầy đủ mong ước cho năm mới: Ai ai cũng mong ông Táo cưỡi cá chép về trời, trình tấu với Ngọc Hoàng mọi điều tốt đẹp của gia đình mình, nguyện cầu cho năm mới suôn sẻ, bình an. Ngày rước ông bà, con cháu làm mâm cơm cúng. Bữa cơm tất niên - đầy đủ người thân trong nhà lẫn tổ tiên đã khuất - trở thành hoạt động tống tiễn tháng Chạp, nghênh đón tháng Giêng.
Tháng Chạp bịn rịn trôi qua, chắc chắn sẽ khiến người ta nuối tiếc. Bởi, mấy ngày Tết qua nhanh như gió thổi, họ phải chia tay quê nhà, trở lại xứ lạ, tiếp tục hành trình mưu sinh. Lúc ấy, người ta lại ước: phải chi, bây giờ vẫn còn tháng Chạp!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG