Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Hạt bụi

Cát Bụi

Cát Bụi (hát) 

Tạ tình
Một chút tâm tình sao lưu luyến mãi,..?
Vật đổi sao dời đá nát vàng phai !
  Bụi kia dẫu đã thoắt bay  ,
Nỡ đâu sớm vội tháng ngày phôi pha...?
Người đi luôn nhớ đến ta,
Ngàn năm sỏi đá nở hoa ân tình !
NM

hinh-anh-buon-21

Hạt bụi

Đây là những câu chuyện thật, việc thật, tác giả Lê Thanh Dũng gửi cho Blog. Nhưng đọc xong thấy buồn quá…
…Mình có một anh bạn học. Tốt người tốt nết, học giỏi, thầy yêu bạn quý. Thế rồi cuộc đời nghiệt ngã làm sao, anh mắc bệnh điên, nằm điều trị ở trại tâm thần Trâu Quỳ. Số phận vẫn không buông tha cho anh, trại bị tàu bay Mỹ ném bom tan hoang. Anh bơ vơ. Gia đình mình đón anh về nhà nuôi một thời gian. Hai cụ thân sinh của mình vốn rất quý bạn bè của con cái. Đó là khoảng 1967-68 gì đó, lúc ấy mình chưa có vợ.
Chẳng cần nhắc đến thì ai cũng nhớ, thời ấy cái ăn cái mặc cơ cực thế nào. Khó khăn mấy cũng phải đùm bọc, chăm sóc bạn.
Thời gian qua đi.. Một hôm vợ mình đọc được tin có ảnh anh bạn mình trên mục “Tìm người nhà” của báo Hà Nội mới. Cô ấy vội vàng đạp xe từ nhà máy về báo cho mình biết: “Anh Quỳnh có chuyện gì rồi, anh xuống Kim Liên ngay xem sao”. Thì ra anh đã trầm mình xuống sông Hồng tự tử.  Biết tin, bạn bè chạy đến vớt anh lên. Anh chỉ còn là cái xác không hồn… Thời gian trôi đi, quãng mươi năm sau, ở một quầy báo, mình thấy một cuốn tạp chí đẹp, ngoài bìa có ảnh một cô gái xinh, bèn mua về đọc chơi. Khoảng gần 12 giờ đêm, chấm bài mệt, mình mới lấy tờ tạp chí, định xem qua cho đầu óc thư thái rồi chấm nốt số vở còn lại.
Trời xui đất khiến thế nào, hú hoạ mở tờ tạp chí ra lại đúng vào trang có in một câu chuyện. Kể rằng có một gia đình nghèo khó không đủ tiền ăn và nuôi con ăn học, chị vợ phải tính chuyện đi xuất khẩu lao động. Chẳng may đúng lúc anh chồng bị phát hiện ung thư. Để cho vợ yên tâm ra đi, anh một mực nói mình vẫn khoẻ, không sao cả, trong người khó chịu chút thôi, rồi sẽ khỏi…
Và ngày chị lên máy bay rời quê hương rời gia đình thì cũng là ngày anh được chở đến nhà xác!
  Câu chuyện buồn quá và mình choáng người: Tác giả câu chuyện có cái tên “Hạnh Phúc” không ai khác, đó là Quỳnh, người đã trầm mình xuống sông Hồng. Tất nhiên anh viết từ lâu rồi. Đăng câu chuyện này, người ta có ghi: Truyện ngắn đầu tay và cuối cùng của tác giả.
Đọc xong, mình không thể tập trung làm việc được nữa, bỏ đi ngủ thì tâm thần thảng thốt, không tài nào chợp mắt được mặc dù đêm đã khuya… Người ta bảo người âm thường báo mộng vào nửa đêm? Thật thế sao!? Bỗng mình thấy như có đôi ba hạt bụi rơi vào mắt. Rồi không phải đôi ba hạt nữa mà là cát rơi lả tả. Nhìn lên, trần nhà đã nứt một vạch dài. Mình chỉ kịp luồn tay xuống dưới lưng vợ quăng mạnh cô ấy xuống sàn nhà và mình cũng ngã nhào theo. Mảng bê tông trần nhà rơi xuống đè nát chiếc giường…
Mình bảo, Quỳnh nhắc vợ chồng mình nhớ đến anh ấy. Vợ mình bảo: Không phải đâu, anh ấy về để cứu cả nhà mình…Phải như thường ngày, anh đi ngủ đầu chưa chạm gối đã ngáy thì không biết thế nào…
***
Đó là câu chuyện mà bạn tôi, nhà giáo Vũ Thế Khôi kể lại. Và người bạn xấu số là bạn Mộng Quỳnh. Người dẫn anh em chạy ra sông vớt xác Quỳnh là nhà văn Thuý Toàn. Tất cả chúng tôi đều là bạn hồi mười ba mười bốn tuổi, đến nay đều trên dưới tám chục. Anh Vũ Thế Khôi nhà giáo văn học Nga, nhà nghiên cứu Hán Nôm, người đã dịch truyện Kiều sang tiếng Nga, đã viết hàng ngàn trang khảo cứu và tham luận, thế mà lại “lười” không chịu viết câu chuyện này cho mọi người đọc, anh đùn đẩy cho tôi. Biết làm sao, tôi đành ghi lại câu chuyện này kẻo “phí của giời”.
Đến lượt tôi mất ngủ. Người chết còn không quên ân tình, không quên người đã cưu mang mình; vậy những ai đang sống mà chỉ chăm chăm vơ vét, vô ơn bạc nghĩa, thì độc ác và tàn nhẫn quá lắm. Người tử tế chết đi rồi vẫn thương người sống, vẫn tâm sự được với người sống, bằng đủ cách, kể cả bằng những hạt cát. Ai xui bạn tôi mua cuốn tạp chí, ai bắt bạn tôi phải đọc trước khi ngủ, ai nhắn bạn tôi giở đúng cái trang đó, để rồi không ngủ, nhìn lên trần nhà, để rồi…
Tôi nghĩ miên man… những hạt cát từ trần nhà rơi xuống nói gì? Phải chăng “sỏi đá cũng cần có nhau…”
Đầu óc tôi nửa tỉnh nửa mơ: “… Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để ngày mai tôi trở về cát bụi….”
Lê Thanh Dũng

 Nhớ !
 Mưa rơi nặng hạt ngoài trời,
Ngỡ anh chung thuỷ một đời yêu em...
  Mong sao giọt nắng bên thềm,
Nhắc anh nhớ thuở êm đềm bên nhau !
NM
Sau màn mưa bụi
Trong khi cái lãng mạn của những ngày hẹn hò trong làn mưa bụi vẫn còn dâng trong Du mỗi ngày thì Minh đã biến thành người khác… 
Du nhanh chóng về làm vợ Minh sau những ngày hẹn hò lãng mạn chẳng được bao lâu
Trời cứ mưa suốt tháng như thể muốn nhuộm cả thế gian này thành một màu bàng bạc, xam xám và ướt sũng hơi nước. Đã thế, cái lạnh lại càng tê tái, khiến ngay cả cảm xúc cũng muốn đóng thành khối như những tảng băng. Mỹ than. Mỹ lôi đống quần áo còn ẩm xì ngoài dây phơi vào, chun mũi ngửi rồi bật máy sấy sì sì, chân tay dằn dỗi như thể muốn tống khứ cái thứ mưa gió ẩm ương ấy đi. Rồi suốt ngày Chủ nhật, loanh quanh chả biết đi đâu, Mỹ ngồi chống tay vào cằm, vếch mặt lên nhìn trời qua ô cửa sổ, ư ử: “Trời xuân sáng ngời, giọng chim nghe cao vút”… Nhìn Mỹ vậy, Du bật cười. Mỹ thật biết cách làm người ta thấy yêu đời. Còn Du, tính sớm nắng chiều mưa, tinh thần phụ thuộc vào thời tiết. Chung quy là người mơ mộng. Thế nên khi nghe Mỹ đế thêm vào: “Mở đầu một năm mà thời tiết vậy, chả biết năm nay có ra cái gì không”, Du đã ra hiệu Mỹ đừng có gở mồm vì Du bắt đầu yêu. Mối tình sét đánh.
Đó là một buổi chiều mưa bất ngờ đổ bụi. Vẫn biết mưa bụi là đặc trưng của thời tiết ra xuân nên Du khá chủ quan, trên người chỉ khoác chiếc áo gió mỏng manh. Thế là sau gần một giờ phóng xe đến được đầu kia của thành phố, giao được tài liệu xong thì người Du như cây kem vừa lôi trong tủ lạnh ra. Nhìn bộ dạng lạnh cóng và ướt lướt thướt của Du lúc ấy, anh chàng nhận tài liệu hoảng quá, lôi Du vào văn phòng, ấn Du ngồi xuống ghế rồi chạy biến đi. Mấy phút sau anh quay lại với cốc sữa. Thấy Du vẫn run như cầy sấy, anh cầm cả hai tay Du áp vào cốc sữa đang bốc hơi nghi ngút. Rồi vẫn hai bàn tay ấy, anh ép Du đưa cốc sữa lên miệng, uống bằng hết. Chả biết tại sữa nóng hay là do sự đụng chạm mà người Du cứ nóng bừng lên. Không biết cái nóng ấy lan tỏa từ đâu, từ bụng, từ mặt, từ hai bàn tay hay từ ánh mắt anh chàng nhìn Du đăm đăm nữa. Khoảnh khắc ấy, cả thế giới xoay tròn xung quanh và dường như chỉ có anh ta và Du là tâm điểm. Cũng không biết thời gian ngừng lại bao lâu, chỉ biết, trên đường về Du đi như bay dưới làn mưa man mát rắc lên mặt. Trên người cô, chiếc áo khoác dày, ấm đang ấp ủ một trái tim loạn nhịp.
Nghe kể đến đoạn ấy, nhìn mặt Du phiêu phiêu, Mỹ phá lên cười. Cụt hứng, Du phát Mỹ đôm đốp. Lãng mạn vậy, sao cười, Du trừng mắt. Mỹ ôm bụng cười:
– Giống… cháo hành quá.
Du xụ mặt:
– Nhưng cũng ngọt ngào quá mà.
Mỹ có vẻ hối lỗi, vỗ vỗ vai Du.
– Thôi đừng buồn, tình yêu của đàn ông còn đi qua dạ dày cơ mà.
Mặc kệ Mỹ vùi đầu vào mấy cuốn truyện tranh, Du tiếp tục mơ màng. Chờ mãi chẳng đến ngày tạnh ráo, chiếc áo Du mặc về đã giặt sạch từ lâu, chả nhẽ cứ cầm mãi. Du lại làm một cuộc phóng xe sang bên kia thành phố. Đường xa, mưa ướt, áo mưa cẩn thận, chẳng còn cái cảm giác ái ngại. Chỉ là sự ngượng ngùng, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Bao nhiêu câu từ chuẩn bị sẵn trong đầu bay đâu hết cả, khi anh chàng đón lấy chiếc áo, lạnh lùng:
– Sao không gọi điện trước…
Thế là sao? Đến nơi không tiện sao? Du bất giác nhìn quanh như thể có ánh mắt dò xét, hậm hực của cô gái nào đó đang găm lấy mình. Anh chàng thấy vẻ mặt biến sắc của Du thì hình như sợ cảnh buổi đầu gặp gỡ tái diễn, vội vàng thanh minh:
– … Để anh sang chỗ em. Mưa gió thế này, đi xa cho khổ.
Du nghe như có những giọt mưa mát lành chảy khẽ khàng mơn man khắp người mình. Chiều ngoại thành khi ấy hình như vương vất hương bưởi. Cái mùi dịu dàng ấy khiến tâm trí Du lúc nào cũng như trên mây. Du không còn ghét tiết trời âm u mưa gió nữa. Thậm chí, lúc nào Du cũng có thể hát. Nhất là ngày hai buổi đi về. Con đường quen thuộc bao nhiêu năm nay, ngày nào Du cũng hờ hững phóng qua từ nhà đến công ty rồi từ công ty về nhà bỗng trở nên tươi mới khác lạ. Mùa mưa bụi là mùa cây trổ lá. Bao nhiêu lộc non xanh mỡ màng. Bao nhiêu nụ hoa bừng lên, dậy hương từ muôn ngàn hạt bụi nước mát lành ấy. Thi thoảng, điện thoại Du rung lên những tin nhắn yêu thương: “Em ngủ dậy chưa? Nhớ ăn sáng trước khi đi làm nhé”. “Đi cẩn thận kẻo đường trơn đấy nhé”. “Nhớ em nhiều”.“Mong đến cuối tuần quá”.
Cuối tuần nào cũng vậy, Minh ở đầu kia thành phố đi sang với Du. Có những hôm mưa bụi thật khẽ, Minh cũng chủ quan chẳng mặc áo mưa. Đến chỗ Du, cả người Minh như phủ hàng vạn giọt nước li ti. Còn bông hồng nhung trên tay Minh thì long lanh. Mờ mờ ảo ảo, nhìn mọi thứ trong cái không gian đặc quánh hơi nước ấy sao mà đẹp đến kỳ lạ.
Tất nhiên, người không vui bây giờ là Mỹ. Vui sao được khi Du như một người khác hẳn. Sáng ra bảo phơi quần áo rồi hãy đi làm thì khi về vẫn một đống lù lù trong máy giặt. Nhắn tin bảo chiều về đi chợ nấu ăn thì tối về vẫn thấy ngồi ôm chiếc điện thoại, rù rì nhỏ to như con chim cu, tức lộn ruột lên, bụng đói meo mà còn bảo phải thông cảm, thông cảm. Đã thế, suốt ngày phải nghe Du kể về Minh. Tin nhắn nào của Minh, Du cũng nhớ như in, hành động nào của Minh cũng đầy hay ho thú vị, câu nói nào của Minh cũng đầy ẩn ý yêu thương. Cả sự giận hờn, ghen tuông của Minh cũng đáng yêu đến chết lịm. Du cứ vừa kể vừa cười. Mỹ chỉ biết ừ ào. “Cuộc sống còn nhiều màu lắm đấy Du ơi”, Mỹ nhắc. Du lại tuôn một tràng trách móc, rằng Mỹ khô như ngói, trẻ con. Minh là anh chàng thú vị nhất Du từng gặp.
Đó là chưa kể, những ngày họ hẹn hò nhau thì Mỹ ra rìa. Mà không hẹn hò được nhau thì Mỹ đến khốn khổ với Du, hết khóc lại thở dài, bồn chồn, tấm tức, cơm chả buồn ăn, chuyện chả buồn nói. Thế nên, một ngày, Minh vừa thò cổ vào đón Du đi chơi, Mỹ đã tuyên bố:
– Anh chị đón nhau về dinh cho tôi nhờ.
Tiếng Mỹ sẵng và nặng, làm cả Du và Minh đều bất ngờ. Du hơi buồn. Minh nắm tay Du bóp nhẹ. Thôi thế cũng hay, mọi việc được đẩy lên sớm. Trong hơi mưa bụi còn sót lại cùng mùi hương mùa xuân còn phảng phất, Du ôm chặt lấy Minh khi lời cầu hôn của anh thầm thì bên tai sau chiếc hôn bỏng cháy.
Không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy sự gượng gạo và một khoảng trống khó lấp đầy giữa Du và Mỹ.
Ngày Du dọn đồ đạc, Mỹ đi làm từ sớm. Đám cưới Du, Mỹ nắm tay Du rất chặt nhưng lại tránh không nhìn vào mắt Du. Một lúc nào đó Mỹ sẽ yêu và hiểu.
Du phải đi làm xa. Sáng nào rời khỏi nhà cũng lưu luyến. Nụ hôn chia tay ngọt ngào mãi trên môi. Bao nhiêu cái ôm cũng chẳng đủ cho một ngày nhung nhớ.
Cuối ngày Du phóng xe như bay để về với tổ ấm của mình. Hôm ấy, trời ảm đạm. Đầu đau như búa bổ, Du chạy xe loạng choạng, đường về dài khủng khiếp. Không muốn làm Minh lo, Du lên giường nằm. Hình như Du đã chợp mắt được một lúc. Tiếng mở cửa rất mạnh, giọng Minh gắt gỏng làm Du giật mình thức giấc.
– Về từ bao giờ mà không biết cất quần áo đi để mưa ướt hết thế này?
Điện bật sáng choang, Du nhắm mắt để ngăn luồng ánh sáng đột ngột, nghe thấy một khối nặng nề nào đó đang dâng dần lên ngực mình. Có lẽ nhìn thấy gương mặt tối sầm của Du, lại không nghe Du véo von như mọi ngày, Minh chột dạ. Sờ tay vào trán Du, Minh giật mình, gắt:
– Ốm sao không đi mua thuốc uống, còn nằm đấy làm gì?!
Lẽ ra Du định nằm thêm, định khóc, định dỗi, nhưng không hiểu sao Du ngồi dậy đi nấu cơm. Hai người cắm cúi ăn. Không hiểu sao Du không khóc, dù những miếng cơm nuốt vào vô cùng khó khăn.
Kết thúc bữa ăn, Minh đứng dậy dọn mâm. Lần đầu tiên kể từ ngày cưới Minh dọn mâm giúp vợ. Những lần trước, mặc Du ỉ ôi, nịnh nọt, cả trách cứ, Minh vẫn khăng khăng cơm nước là việc đàn bà. Nay Minh biết dọn mâm rồi, lòng Du dịu lại. Thương Du ốm chăng, hối hận sau những lời đã nói với Du chăng? Bỗng Minh vứt cái bát đánh xoảng.
– Bảo bao nhiêu lần rồi, rót nước mắm vừa đủ ăn thôi, nhiều thế này đổ đi lãng phí. Bỗng Du nhớ Mỹ quá, nhớ cả cái câu Mỹ đã đe Du: “Cuộc sống còn nhiều màu lắm đấy Du ơi”. Du biết rồi. Du chỉ không ngờ là nó đến sớm thế. Bao giờ Mỹ mới yêu để Du lại được nói với Mỹ câu ấy. Ngoài trời mưa càng nặng hạt.

 Hương Giang.


NGỌC LAN - Những Tình Khúc Bất Hủ
Theo gió
Tôi đến gần tôi, tôi thấy tôi,
Cuộc đời dẫu bạc trắng hơn vôi...
Thế nhân nhân thế đều là bụi,
Theo gió dòng đời trôi cuốn trôi !!
NM 


 Bụi của nhau
“Ôi những con đường đến tự đâu?
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình, bụi của nhau?”

... Bắt chước sự ngây ngô sơ sinh giọng nói em, tôi đọc mấy câu thơ của Tô Thùy Yên.“Bụi của nhau, là gì vậy anh?” Em lay tôi, mùa thu trên mắt

“Anh cũng không biết nữa, em. Nhưng bằng cách nào đó, anh sẽ tan ra thành bụi, thế rồi anh sẽ lên đường phiêu lưu để hỏi thăm hết thảy những hạt bụi khác trên thế gian này, thể nào rồi cũng gặp hai hạt bụi yêu nhau. Anh sẽ dùng cơm tối và nói đủ chuyện với chúng về tình yêu. Rồi anh sẽ quay về, vẽ lại cho em hình dung của chúng. Anh sẽ vẽ đôi mắt của chúng, nếu chúng có mắt để nhìn nhau, đôi tay của chúng, nếu chúng có tay để chạm vào”.
“Anh nhà thơ của em, người ta hoặc sở hữu một giọng đọc thơ cực kỳ dở, hoặc là xạo. Thế mà anh có cả hai. Vậy thì yêu, yêu là gì?” Mùa thu tra hỏi tôi.
“Vậy thì yêu, yêu là gì? Là điều em gọi tên, khi một mình”Tôi viết cho tôi và em một câu thơ. À, mà tôi không phải là nhà thơ như lời nàng đùa đâu, tôi chỉ là một gã chăn cừu xứ Provence trong truyện của Alphonse Daudet, cố tìm những ngôi sao trên núi, một hành động mang bản chất thơ ngây, trong giây phút chỉ muốn thấy nàng, tiểu thư Stéphanette.
“Cái anh này. Không những đọc thơ dở, rồi xạo, mà còn làm thơ khó hiểu nữa, nghỉ chơi”. Mùa thu chun mũi, hồng má, cấu vào vai tôi đau điếng.
Chúng tôi im lặng nhìn ngắm những buổi chiều đang dìu nhau qua cửa. Mùa thu hào phóng đổ bóng dài trên khắp các tán lá, sườn đồi, dốc nhỏ, quán gầy, phố thuôn, phủ rợp cả những ngón tay ngập ngừng, len lén tựa vào nhau...      
“Đấy. Hôm nay đến đây thôi. Tuần nữa, có rảnh, cháu lại ra đây, chú lại kể cho cháu nghe một phần khác của câu chuyện”.
Tôi nhận ra mình hơi trẻ so với tuổi tám mươi khi nói câu này. Đó quả là một tự thú trung thực, nhưng gây buồn cho tuổi của tôi, cái tuổi mà đã lâu rồi giả vờ không biết đếm. Ghế đối diện, Nguyễn, cậu trai hai mươi tám tuổi, mà tôi vẫn gọi là bạn vong niên, ngồi lơ đãng, đốt đầy thuốc, cậu ta làm như chiều đã hết nhẵn khói vậy. Nếu bạn để ý kỹ, thì dường như trong mọi cuộc đối thoại thân tình, đều có ít nhất một cử chỉ lơ đãng của người đối diện, mang sẵn trong mình sự nhẫn tâm nhẹ nhàng, nó cố tình bày biện cho ta một cơn hoài niệm khôn cùng. Thịnh soạn và đơn chiếc.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta già đi bởi những cái chớp mắt. Cái chớp mắt ngày đó của năm 2015 xếp hàng ngay trước cái chớp mắt mới tức thì, cái chớp mắt của năm 2065. So với thời tôi còn trẻ, lúc này người ta đã tạo ra được rất nhiều đồ vật thần kỳ đến mức quái gở và phiền phức. Từ những điếu thuốc tự châm khi nhấn remote tích hợp sẵn trong điện thoại, những robot phục vụ cà phê tự động cho đến những chiếc máy biết trả lời những câu hỏi có mức độ bí ẩn rất cao mà loài người từng rất thảm hại khi cố sức giải đáp. Chẳng hạn: nhớ là gì...
Nguyễn tỉ mẩn chỉnh sửa lại những đoạn tốc ký trước khi hít vào thật sâu cái dễ chịu bất tử của chiều:
“Chú ạ. Như vậy là chú cháu mình đã đi được một quãng dài của hồi ký rồi. Chú kể, cháu ghi tay, không cần những cái máy ghi âm có bộ mặt lãnh cảm. Cháu thích cách làm xưa cũ này, khi ai đó làm một cuộc tìm về, hay nhớ lại”. Cậu trai nói dõng dạc, còn tôi vừa phì cười vừa lo ngại cho sự giảm giá thê thảm của công nghệ tân kỳ, ít nhất là trong một số lĩnh vực, như văn chương và ký ức.
“Cảm ơn bạn trẻ. Thật ra, ở tuổi chú, người ta đều muốn tự tay ghi lại đời mình - con chim đồi cao luôn khao khát tự hót bài tình lương thiện của chính nó, nhưng điều đó chỉ có thể xảy đến nếu đôi bàn tay chú còn đủ cường tráng để cầm được bút, và nếu mắt chú không mờ như mù sương mỗi sáng mùa đông. Chỉ tiếc là…” Tôi nói, chợt thương cho tay tôi, cho mắt tôi, chúng phải chịu khổ nạn khi gắn bó với tuổi già của tôi rồi. Ôi. Bất hạnh làm sao cái cảm giác xộc đến khi chúng ta phải chứng kiến một cành cây nào đó trong vườn lòng mình đang răng rắc gãy.
Nguyễn im lặng lắng nghe, đôi khi im lặng là phương cách người ta an ủi nhau tốt hơn hết thảy mớ lời lẽ vô tích sự. Cậu bạn vong niên của tôi là một nhà văn trẻ có những nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống. Đó không phải là một nhận định mang hàm ý ngợi khen bạn mình, nếu biết rằng sự sâu sắc trước tuổi có khả năng để lại cho ta những vết-thương-biết-lẩn-trốn. Cậu ta cố gắng chuyển chủ đề, để người bạn già có cớ tạm biệt cái buồn về tồn sinh, về hạn hữu đời người:
“À, cháu có một thắc mắc này. Trong những chương khúc khác của hồi ký, về tuổi thơ, về học vấn, về nghiệp... chúng ta có thể đi rất dài và rất nhanh đến tận cốt lõi vấn đề trong những quãng thời gian rất ngắn. Chú nhớ không, chỉ trong một tuần đầu làm việc, mỗi ngày chúng ta đều gặp nhau và đã có đến hàng chục trang hồi ký nghiêm cẩn. Thế nhưng, những buổi gần đây, trong phần ghi lại về tình yêu, chú chỉ cho cháu những cái hẹn tuần. Lạ lùng, mỗi tuần, chú thường kể rất ngắn, nhưng lại đầy say mê, kiểu say mê của một vũ công flamenco bị giam trong những tấu khúc tuyệt vời?”
Tôi gắn một nụ cười hào sảng lên gương mặt, trước khi nói bâng quơ với cậu bạn trẻ một vài điều có vẻ chẳng liên quan:
“Chú thích thơ lắm. Cháu có nghĩ rằng thơ và tình yêu hình như có một vài điểm chung? Đó là tính khoảnh khắc và sự duy nhất. Điều đó biến chúng thành những hiện hữu khó tìm thấy nhất trong cuộc đời”.
Chúng tôi tạm biệt.
***
Sáu ngày sau,
Tôi đang cổ hủ hóa mình khi chuyển chế độ Off với tất cả những đồ vật trong nhà có thể phục vụ mình tận nơi thông qua những mệnh lệnh bằng ý nghĩ. Đó là những thứ đổ đầy sự thông minh của năm 2065, và sự lười biếng của con người, cũng của năm 2065. Mai là ngày tôi hẹn gặp Nguyễn để kể tiếp câu chuyện tình của mình. Nghĩ cũng lạ, có những ý định phát khởi trong một khoảnh khắc và phản bội mọi nguyên tắc vững bền mà mỗi chúng ta cố kìm giữ suốt cả quãng đời trước đó. Ngày còn trẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình muốn để lại mình trong những trang hồi ký, thậm chí có khi tôi còn cho rằng những tay phát minh ra trò chơi lục lọi ký ức này chắc hẳn mang sẵn dòng máu độc ác và phi nhân, vậy mà bây giờ, tôi đang nhờ Nguyễn viết hồi ký cho mình. Bởi trí nhớ đã bắt đầu phụ rẫy tôi, nên tôi cần tự chuẩn bị cho mình một chút hồi ức về nàng, ngay từ hôm nay. Tôi bắt đầu ngồi lặng bên những bức thư mà em viết cho tôi, chìm dưới một hòm cũ, sâu hoắm dấu thời gian.
... Này là tóc dài hương đêm thanh, này là tiếng nói rung chuyển lồng ngực lạnh, này là dáng bước của xuân sang, này là những kỷ niệm mở mắt sau giấc mê man. Ngày đó, tôi và em đã vô tình bước chung một nẻo mà tình yêu như một cơn mưa đổ ập, không cho chúng tôi một nơi nương náu khác. Tôi nghĩ khá nhiều và sắp xếp sẵn những chi tiết sẽ kể cho Nguyễn nghe vào ngày mai. Từ những bộ áo em thích mặc và tôi mê đắm, từ những thủ thỉ của em về tôi, mà tôi từ khoảnh khắc nghe giọng em, đã vội vàng gói ghém, chôn sâu trong tôi, sợ mất... Đó là những ngày vui nhất, những ngày đẹp chỉ gõ cửa một số người trên trần gian theo những lá thăm may mắn do Thượng Đế ân ban, thậm chí tôi còn lo rằng những điều tôi nói quá dài và miên man, tôi chuẩn bị luôn một giọng kể thật tiết chế. Chúng ta có nên nói về dở dang và tiếc nuối hay không, tôi rất phân vân về điều đó. Bởi dở dang và tiếc nuối là thứ có bản chất sẵn định, là đích đến đương nhiên cho mọi sự trên đời này, kể cả tôi, kể cả em, tất cả. Thôi chúng ta, quyết định điều đó vào tuần sau vậy. Ngày mai, tôi sẽ gặp nhà văn Nguyễn bằng mọi niềm vui mà tôi sở hữu. Đêm vẫy tay vô hình. Tôi chìm vào giấc ngủ với nụ cười của ai, không rõ nữa.
***
Tôi tỉnh dậy, có thể tự bước. Quái lạ. Tại sao tôi lại di chuyển được mà không cần cái xe lăn tự động tiên tiến đáng ghét kia nữa vậy? Tại sao tôi lại xuất hiện bên giường bệnh với đôi mắt chưa bao giờ mù sương, đôi tay lành lặn có thể nâng cả một cuộc đời. Mà ai đang nằm đó? Bên giường bệnh, tôi thấy Nguyễn. Nguyễn đang đọc gì cho người trên giường nghe vậy? Nhẹ chân bước đến, tôi giật mình nguyền rủa cả những bước chân khi thấy chính tôi đang nằm ngủ, đó là một giấc ngủ có độ dài thiên thu, Nguyễn thì đang đọc cho tôi nghe đoạn cuối của hồi ký chính tôi. Những con chữ cuối trang giấy chắc hẳn vẫn đang bất ngờ khi chính chúng sẽ cùng tôi, khép lại tôi.

“Ôi những con đường đến tự đâu?
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình, bụi của nhau?”

... Bắt chước sự ngây ngô sơ sinh giọng nói em, tôi đọc mấy câu thơ của Tô Thùy Yên.
“Bụi của nhau, là gì vậy anh?” Em lay tôi.
“Anh cũng không biết nữa, em. Nhưng bằng cách nào đó, anh sẽ tan ra thành bụi, thế rồi anh sẽ lên đường phiêu lưu để hỏi thăm hết thảy những hạt bụi khác trên thế gian này, thể nào rồi cũng gặp hai hạt bụi yêu nhau. Anh sẽ dùng cơm tối và nói đủ chuyện với chúng về tình yêu. Rồi anh sẽ quay về, vẽ lại cho em hình dung của chúng. Anh sẽ vẽ đôi mắt của chúng, nếu chúng có mắt để nhìn nhau, đôi tay của chúng, nếu chúng có tay để chạm vào”.
Nguyễn Đăng Khoa

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Đáo Bỉ Ngạn

Riêng tặng cho những ai điên đảo vì danh lợi tiền tài, tất cả đều "Đáo bỉ ngạn" mà thôi !!
 
Đáo bỉ ngạn
Lung linh đóm lửa lung linh,
Cuối đời hoa đến chực chờ đón đưa.
Bao nhiêu ân oán ngày xưa,
Giờ xin trả lại như chưa một lần...!
Nhẹ bay thoát khỏi hồng trần,
Đến bờ bên ấy bâng khuâng nẻo về.
Thôi thì thoát khỏi bến mê,
Bên kia bờ giác mới là quê hương !
Đoá hoa bỉ ngạn như sương,
Hoa vàng rồi trắng đỏ dường giấc mơ...
Bây chừ bay bổng hồn thơ,
Hồng trần một kiếp vật vờ tựa mây...
Đáo bỉ ngạn chính là đây,
Đoá hoa đỏ thắm sáng nay nở buồn !!
NM

 
Giấc mơ cuộc đời 
Tôi mơ thấy em ngồi lặng yên bên khung cửa sổ nhỏ
Mái tóc thuở nào giờ bạc trắng hai vai
Đưa bàn tay đếm những tháng năm phai
Chải bụi đường trần ru từng ngọn đời đổ gãy...


Và buồn biết mấy...
Giữa dòng đời được mất, tôi vẫn mơ thấy mình lạc lối ở nơi đây
Trơ trọi, chùng chình, cô đơn, ngoài hiên từng giọt bay lất phất
Rồi chợt mơ tiếng rao rơi rất thật
"Ai ơi lòng người nhỏ bé đến mênh mông..."


Tôi mơ thấy mình chìm xuống giữa dòng sông
Hai bên bờ là rừng hoa cỏ mọc
Mơ thấy tôi nằm trong nôi òa khóc
Cuộc đời này ngắn ngủi biết bao nhiêu

Và tôi mơ thấy cơn nắng chiều
Lặng lẽ tỏa hương trên con đường vội vã
Có ai quen, và có ai xa lạ?
Có ai đi về tìm một bóng hoàng hôn..

Đỗ văn Điệp 
  Đáo bỉ ngạn
Người khách cuối ngày vẫn chưa chịu về dù ông đã từ chối cuộc viếng thăm bằng im lặng. Hắn tới "xin ý kiến anh" nhưng thật ra để thăm dò ông còn bao lâu mới chết. Mặt hắn phủ đầy bóng mây buồn bã nhưng không che giấu được tia nắng nhảy nhót trong đáy mắt khi sắp được thay ông làm giám đốc.
- Mẹ thằng Nhất!
Ông gọi vợ bằng cái giọng của đứa trẻ buồn ị gọi mẹ khiến hắn phải ngừng lải nhải, lải nhải, đứng dậy:
- Em về! Gắng anh nhé!
Vợ ông tất tả lấy bô nhưng ông mệt nhọc khoát tay bảo đừng và nhắm mắt lại.
Lượng khách đến thăm ông giảm dần theo thời gian. Ban đầu đông như hội. Sau lác đác. Có người ông tiếp bằng nụ cười héo hắt. Có người ông nhắm mắt lại. Ông nói ít, hầu như chỉ trả lời có - không. Cái nhìn trống rỗng. Bước chân ai ra cửa cũng nhẹ nhõm vì không phải mình sắp chết. Ngay cả bà vợ tận tụy của ông giờ cũng đã quen với chuyện ông sắp ra đi, và những đứa con đến thăm đã hồn nhiên nói cười như thể việc ấy chẳng can dự gì đến cuộc sống chúng nó.
Khi mở mắt ra, ông bực mình thấy một vị khách ngồi trên chiếc ghế bên giường. Lão ta trông lạ hoắc, vào khi nào không hay.
- Mẹ thằng Nhất!
- Gì thế mình?
- Mời khách ra!
- Có ai đâu? - Bà ngạc nhiên.
- Đui à?
- Có ai đâu? - Bà lặp lại.
Lão ta vẫn ngồi trên ghế, giương mắt nhìn ông. Một gương mặt lạ lẫm, không gian hoạt, đớn hèn khúm núm hay vênh vang tự đắc như những khuôn mặt ông thường gặp mà bình lặng đến phẳng lì.
- Ông là ai?
Im lặng.
Kẻ im lặng là kẻ yếu hoặc mạnh.
Vợ ông hoảng hốt khi thấy ông không bình thường.
- Mình nói với ai thế?
- Không có ai trong phòng thật sao?
- Thật.
Ông quay mặt vào tường. Một luồng khí lạnh phả ra làm lưng ông lạnh buốt. Ông quay ra. Lão vẫn ngồi đó .
 - Ông là ai? - Ông hoảng hốt.
- Bạn.
- Tôi không biết ông.
- Ta đồng hành với ngươi từ khi sinh ra. Có khi gần đến nỗi giơ tay là chạm...                                                      

- Ông là...?
- Không dám gọi tên ta ư? Có khởi đầu là có kết thúc. Không kết thúc mới là bi kịch. Mọi người sinh ra để biết nỗi kinh hoàng khốc liệt này - ai cũng phải chết. Chịu khó thôi!
Lão quét cái nhìn lạnh như nước đá lên người ông khiến ông đông cứng trong sợ hãi. Vẫn biết cái chết sẽ ập đến với mọi cuộc đời nhưng khi người khác chết, điều ấy ở ngoài ông, mơ hồ xa xôi. Giờ đến lượt ta - ông nhắm mắt lại.
Khi mở mắt, ông vẫn còn sống mà lão đã đi. Ghế trống trơn. Ông không nhìn thấy gương mặt trơ lì cảm xúc của lão nữa. Nhưng thấy nó - cơn đau lì lợm, dai dẳng, quen thuộc. Nó đang thong thả dạo bước trong xương thịt ông. Giữa nó và lão, ai dễ chịu hơn?
***
- Đêm bà có nghe thấy gì không?
- Thỉnh thoảng ông rên.
- Tôi mơ chuột gặm ngón chân mình và giọng ai đó hát đều đều bên tai.
- Hát gì?
- Một bài vè tôi nghe ở Đồng Tháp mấy mươi năm trước: "Cái đồ gặm nhấm. Cắn hủy cắn hoài. Mặt dạn mày dày. Cắn hoài cắn hủy...".
- Tại tâm ông bất an đó thôi!
Giấc ngủ ông giờ cũng bệnh, đầy ác mộng. Chân dài thơm phức, ngực vun như núi hễ kéo vào lòng là da thịt nõn nường mọc lông mọc lá. Sơn hào hải vị hễ bỏ vào mồm biến thành đất cát. Những tòa nhà lẩy bẩy như âm binh không đủ ngày tháng đổ ập xuống người ông... Không ngủ, càng khổ. Tiếng chuông gọi hồn của lão cứ rõ mồn một dọc hành lang bệnh viện. Gọi ai hôm nay. Gọi ai ngày mai?
Giờ thì ông đã nhận ra lão qua những hồi chuông báo tử vọng từ xa thẳm. Có lúc chuông rung khi tiếng cười chưa dứt, cái chết xé gió mang hình nụ cười, không kịp đớn đau, kinh ngạc. Có khi cái chết đến từ mọi phía, dữ dằn gớm ghiếc, chuông gióng giả từng tràng át cả tiếng con chim sắt xé nát bầu trời, tiếng bom nổ, cây đổ, đất đá rào rào... Diện mạo cái chết khác nhau nhưng chuông gọi hồn bao giờ cũng thế. Mồn một và đĩnh đạc. Suốt ngày ông nghe văng vẳng tiếng chuông. Từ quá khứ vọng về. Hiện tại vọng đến. Nhét bông vào tai vẫn nghe.
- Tôi muốn về nhà - ông thều thào.
Vợ ông chưng hửng. Rồi chiều. Vả lại, bệnh viện ung bướu trong nước và cả bệnh viện Thái Lan đều đã lắc đầu trước lá gan mục nát. Từ khi thấy lão, ông biết cuộc chiến đấu với thần chết đã vô vọng. Tiền và sự tiến bộ của khoa học vẫn không cản được bước chân lạnh lùng của lão. Về thôi!
Kẻ đón ông cuồng nhiệt đến ứa nước mắt ngay từ ngõ là con Vàng. Nó rên ư ử như giận dỗi vì sao ông đi lâu thế, rối rít chạy theo cáng, chui tọt xuống giường, đánh đuổi cũng không chịu ra.
Lão cũng có mặt. Áo choàng đen tối hơn huyệt mộ. Cái bị bắt hồn phồng to.
"Người này thế mà đi trước ngươi!". Lão ngó người em họ hồng hào khỏe mạnh mới trên bốn mươi.
"Còn gã này cũng theo ngươi - vì nhậu!"- lão chỉ tay trưởng phòng kế hoạch vừa ló mặt.
Lão vuốt con Vàng bằng bàn tay xương xẩu khiến hắn như bị điện giật sủa ổng lên: "Không thể sống thiếu chủ!".
Căn phòng lạnh và tối hẳn khi có lão. Nắng vàng vọt. Gió lẩy bẩy. Nỗi sợ hãi làm tóc tai ông dựng đứng. Không, ông không muốn chết. Ông có trong tay mọi thứ - quyền lực, tiền bạc, những mảnh đất đẹp như mơ "ăn" từ các dự án, những em chân dài xinh như mộng...
"Ta đi rước năm thằng nhóc chán sống đèo nhau trên một xe. Sinh tử như hơi thở vào ra của vũ trụ nên lúc nào ta cũng có việc". Lão vụt ra như làn khói còn ông nhìn tay trưởng phòng kế hoạch đang nói huyên thuyên, hình dung hình hài béo tốt ấy rồi sẽ dán vào giường như mình. Cuối cùng lão chộp được tất. Có ai thoát đâu! Lão đến để kết thúc mọi cuộc đời, chỉ sớm hay muộn. Sợ cũng vô ích. Nhưng còn mẩu thời gian bé tẹo này, nó vẫn là của ông, không phải của lão. Ông sẽ mút nó như mút viên kẹo cuối cùng. 
Đúng là lão đã đi. Ông cảm thấy đỡ buốt giá. Nghe tiếng thở của con chó dưới gầm giường. Tiếng lá rơi ngoài cửa sổ. Có nhẹ nhàng không nhỉ lá ơi!
Xôn xao một đỗi rồi lặng im. Vợ ông đút cho ông vài muỗng sữa Ensure nhưng ông đẩy ra.
- Tôi muốn ăn bánh nậm bà làm!
Người vợ ngẩn người vì kinh ngạc. Ở bệnh viện về mấy hôm nay ông không ăn được, chỉ uống sữa hoặc truyền dịch, làm sao ăn được bánh nậm? Cũng dễ đã trên hai mươi năm, ông không ăn món ruột của bà. Các món bánh lá, bánh canh ấy đã nuôi sống gia đình những năm khó khăn nhất rồi bị lãng quên không thương tiếc khi cuộc sống thay đổi. Đúng là chồng bà sắp ra đi. Cứ cho ổng ăn, ông ngửi những gì ổng thích còn hơn sau này cúng ruồi.
Bà tất tả đi chợ mua lá, bột gạo, tôm tươi, chuẩn bị tỉ mỉ từng chút như để tặng ông món quà cuối cùng. Đích thân bà chấy tôm, làm chả, dáo bột, gói bánh, sống lại một quãng đời cũ, vừa làm vừa chặm nước mắt. Bà biết ông sắp ra đi. Những kẻ sắp chết thường rất lạ lùng.
Mùi bánh lá hấp chín nhẹ nhàng đưa vào tận phòng người bệnh khiến ông ứa nước bọt. Đã lâu lắm rồi mới ngửi lại mùi hương thanh đạm rưng rưng của quá khứ. Xa xăm như từ kiếp trước, tiếng rao lanh lảnh của bà dội vào tim ông: "Bánh canh, bánh lọc, bánh nậm nóng hổi đây...!".
Lúc ấy lão đến.
Lão tò mò nhìn chiếc mẹt tre mới toanh còn thơm mùi đồng nội. Trên mẹt để đĩa bánh lá sắp theo hình rẽ quạt, châu đầu vào quả ớt đỏ tỉa hoa. Đầu mỗi chiếc bánh đội một miếng chả tôm hồng nhạt cắt theo hình trăng khuyết trông như chiếc vương miện. Chén nước mắm vàng nhạt trong vắt điểm mấy lát ớt đỏ thắm. Đúng kiểu quà Huế, thanh đạm mà tinh tế. Bà đỡ ông ngồi tựa vào gối, mở lòng lá bánh nóng hôi hổi, xắn đút cho ông từng mẩu nhỏ như đút cho em bé.
- Ăn cái cho biết! Không ai qua mặt bà ấy về món này - Ông buột miệng mời.
- Mình nói với ai thế?
- Với tôi.
Lão nhón một miếng chả tôm hình trăng khuyết bỏ vào cái mồm tối thui không răng, say mê nhóp nhép.
Thấy lão ăn ngon lành, ông thều thào:
- Chả...
 Kệ, thích cứ chiều. Bác sĩ bảo không còn hy vọng nữa. Bà tự nhủ rồi xắn đút cho ông mẩu chả tôm nhỏ. Ông ngậm trong miệng nhưng mùi cuộc sống vẫn không đánh dạt vị ốm đau nhàn nhạt. Đắng nghét.
Lão vừa đi. Ông nôn thốc nôn tháo.
***
Ông đối mặt với cái chết đang nhích lại gần với vẻ tò mò. Ông từng chứng kiến nhiều cái chết - nóng hổi, tươi rói, dịu dàng, bạo liệt... Với ông, lão sẽ múa lưỡi hái như thế nào?
Một người bạn năm xưa tới thăm, khuyên ông tập thở bụng. Phình bụng hít vô. Thóp bụng thở ra. Gác mọi phiền não, chỉ kiểm soát hơi thở vào ra để biết mình đang sống. Khi cơn đau quen thuộc bên sườn trỗi dậy, lì lợm, bướng bỉnh, ông làm theo bạn, chuyên chú vào nhịp thở. Hớp một ngụm không khí, đẩy vào tận ngóc ngách, đối đầu với cái đau và có khi đánh dạt được cả nó. Đúng là gần chết mới biết thở. Gần chết mới nhận ra cái đẹp lạ lùng của trần gian mà mình sắp xa lìa. Cây bàng bên bờ tường đối diện cửa sổ phòng ông ở đấy từ lâu mà tâm hồn hoang mạc của ông có bao giờ nhìn thấy? Giờ nằm đợi chết mới có dịp ngắm. Sắc vàng nâu trầm tĩnh chuyển qua đỏ lộng lẫy như trút hết sinh lực đẹp lần cuối rồi nhẹ nhàng lìa cành để nhường cho chồi biếc, mầm non. Kết thúc cái này là để bắt đầu cái khác... Không kết thúc mới là bi kịch. Lão đã bảo thế.

Cái chết xâm chiếm ông từng ngày, nhưng cũng theo từng ngày, một mầm sống khác lại quẫy cựa, trồi lên. Dường như có một thằng bé chui ra từ hình hài mục ruỗng của ông, đái lên trái tim khô của ông làm nó ướt đẫm. Hắn dẫm lên tâm hồn băng giá của ông khiến băng tan chảy thành buồn thương, xấu hổ. Hắn nhìn mọi thứ bằng cặp mắt ngạc nhiên và lạ lẫm. Hắn nhảy nhót và hát: "Ta bị nhốt quá lâu. Trong tấm thân máu lộn mỡ. Trong cái đầu ma quái. Đầy mưu ma chước quỷ. Trời xanh trong thế này ư? Hoa đẹp thế này ư?...".
Ông khước từ mọi thăm viếng, quà cáp. Chiến đấu với đớn đau bằng sự dũng cảm và trầm tĩnh. Trên gương mặt in dấu thần chết, đôi mắt lại sống, da diết thiết tha. Sự bình thản của ông làm bầu không khí nặng nề của ốm đau chết chóc vơi nhẹ. Ngôi biệt thự mang dáng dấp một mái nhà bình yên. Không tiếng đóng sập cửa xe, tiếng giày nện quyền uy, tiếng quát tháo, tiếng thì thầm xin xỏ, biếu xén. Cổng đóng. Chuông điện tắt. Cây cỏ im lặng xanh. Con Vàng gần như túc trực trong phòng. Hơi thở của nó hòa với hơi thở người bệnh, và ông lắng nghe với sự thương cảm.
Gần chết ông mới hiểu tấm lòng của một con chó. Hắt hủi, quát tháo mà vẫn lăn xả vào thương. Gần chết mới biết dịu dàng với người vợ hiền tận tụy. Dịu dàng đến nỗi bà khóc một cách âm thầm. Đúng là chồng bà sắp ra đi. Bà không còn nhận ra ông trong những ngày này. Ai đó đã nhập vào người chồng độc đoán của bà, người mà mỗi cái liếc mắt, quát tháo, ra lệnh đều thể hiện quyền lực tối thượng của một chủ nhân ông. Người đã chê bà già rồi, không xứng đầu ấp tay gối, không xứng cùng đi, không cùng chia sẻ... Người ấy hôm nay lại cầm tay bà, dịu dàng săm soi bàn tay đầy vết chai sần, lổm ngổm gân xanh. Cái nhìn day dứt, ấm áp...
- Sao bà không sai bọn nó, tự làm chi cho khổ?
- Người khác làm sao tôi yên tâm. Chỉ tôi mới thành thuộc những gì ông thích.
- Bà có oán tôi không?
- Tôi chỉ ước mình đau thay ông. Đàn bà chịu đựng giỏi hơn đàn ông.
- Người ta chỉ được sống một lần, sai không làm lại được.
- Cũng có thể chết và sống lại trong từng khoảnh khắc, ông à! Lúc này ông cũng đang sống lại đó thôi. Ông như ông ngày xưa, của tôi...
Người đàn ông mạnh mẽ, quyền uy giờ bất lực, yếu ớt như một đứa trẻ và hoàn toàn của bà. Bà bón cho ông từng giọt sống, vỗ về ông khi đau, lau mình mẩy ông nhẹ nhàng như lau em bé - tẩn mẩn từng vết sẹo, từng nốt ruồi, nốt ghẻ thân thuộc.
- Có bà bên tôi, cái chết bớt đáng sợ hơn. Da tôi vàng thêm nhưng hồn tôi thì xanh lại, phải không?
- Có. Xanh ngắt - Bà  nhìn sắc da vàng nghệ, ứa nước mắt.
- Bà lại khóc! Đừng khóc! Những phút quý giá này đừng dành cho nước mắt... Này, bà mua cho tôi một con chó cái...
- Làm gì?
- Để con Vàng có bạn, khuây khỏa. Có những con chó chủ chết nó nhịn ăn chết theo bà à! Nó thương tôi lắm đó!
Nghe nhắc tên, con Vàng đang nằm dưới chân đứng dậy vẫy đuôi kêu ư ử...
***
Lão tạt qua, ngạc nhiên thấy ông có vẻ nhẹ nhõm, bình tĩnh. Lão bảo: "Tốt. Chết cũng phải học. Quẳng hết. Về tay trắng. Giờ ngươi như đứa trẻ tập đi, phải tự bước, không ai bước thay. Đừng sợ ngã. Không ngã nữa. Chỉ bay, nếu nhẹ như hạt bụi".
Và ông đã bay trong những cơn mê. Tấm thân nặng nề khi quẳng hết hỉ nộ ái ố, thoát khỏi những trò chơi khốc liệt của cuộc đời, nhẹ như phù vân. Ông bay vào những đám mây xốp màu sáng bạc, màu của hư vô bát ngát. Tắm gội linh hồn thanh sạch bằng tiếng ngân dài bay bổng của sơn ca, giọng rừng nguyên thủy mang theo tiếng suối reo, thác đổ của chích chòe lửa. Bay qua tán rừng xanh lục, nơi ông gửi lại một chặng đời trong trẻo tươi xanh khi lòng còn tinh khôi chưa lốm đốm u sần của tham vọng gian dối. Tuổi trẻ ông nhìn ông xa lạ còn đồng đội không nhận ra ông. Họ nằm lại giữa màu xanh và tiếng chim, linh hồn nhẹ như mây, làm sao nhận ra cái lão bụng phệ ăn đất và sắt thép này là anh chàng thủ kho xanh rớt ngày nào sẵn sàng ăn sắn nhường cơm cho đồng đội?
Ông bay qua nơi mình tạo ra dâu bể - khách sạn, nhà hàng, quán nhậu mọc như nấm sau mưa trên dải đất trước kia là thôn xóm, ruộng vườn yên ả. Những ngọn lúa, ngọn rau bị vùi dưới lớp xi măng cốt thép ngóc dậy nhìn theo. Bay qua hội chợ phù hoa - phòng VIP, rượu ngoại, cờ bạc, chân dài như ngọn lửa dịu êm thiêu đốt nhân cách và làm mục nát lá gan mình.
Ông đảo lại lần cuối trên tòa nhà ba tầng, công ty xây dựng và phát triển nhà ở. Phòng giám đốc, hắn ta đang ngồi. Hắn có ngồi tù thay ông, kẻ hạ cánh an toàn xuống cái chết? Ông cố tìm trong lô xô, bé tẹo dưới kia những mảnh đất mình "ăn" qua các dự án nhưng tất cả như những mảnh ghép hình trong thành phố đồ chơi. Người ông chợt sà xuống như diều đứt dây và ông nghe  lão quát: "Về thôi!".
Ông rơi vùn vụt xuống hố thẳm không đáy, muốn mở miệng kêu mà không kêu được. Thân xác này không còn của ông nữa. Nó đã bị cái chết xâm chiếm. Ông nghe vẳng vẳng tiếng khóc gào, tiếng tụng niệm. Thấy mình bị nhấc bổng lên và tiếng lão dõng dạc hô to: "Đáo bỉ ngạn !"(*)
***
Theo ước nguyện sau cùng của người đã khuất, di chúc mở ra có sự chứng kiến của gia đình và đại diện chính quyền. Trong đó có đoạn:
"Đến cuối đời tôi mới nhận ra lương tâm là quyền lực lớn nhất.
Dưới quyền lực ấy, tôi xin để lại cho vợ và hai con những gì do sức lực, trí tuệ mình làm ra trong mấy mươi năm gồm...
Xin trả lại những gì do mưu ma chước quỷ tôi chiếm đoạt được gồm...
Xin tha thứ cho tôi...".
Vừa qua giỗ đầu, thằng Nhất bảo:
- Mẹ bán nhà chia cho tôi! Nhà này tôi cũng có phần.
- Bán rồi ở đâu?
- Ra nghĩa địa mà hỏi ổng. Trâu chết để da, người ta chết để của. Tự dưng đem khai ra rồi đem trả. Ngu! Cha mẹ ngu thì con khổ! Tui còn sống là còn oán ổng. Vì ổng mà con cái xuống đời! Người ta ăn đầy ra đó có ai tự nguyện trả đâu! Miếng đất ở ngã tư giờ phải mấy tỉ, nếu xây khách sạn ba sao tui đâu có thành thằng ma - cà - bông! Còn miếng ở khu trung tâm, xây nhà hàng cho con Thanh làm chủ, hắn đâu có đi làm cực khổ mà lương chỉ hơn triệu bạc. Cha mẹ ngu con mới khổ!... Ngu! Ngu! Đại ngu!
Cứ rượu vào là cậu quý tử đem chuyện ấy ra nhấm nháp, liên miên...
Bà nuốt nước mắt ngước nhìn trời. Bà tin đám mây trắng nhẹ thênh bay ngang qua nhà là ông. Hình hài tan rã, tham sân gửi lại, chỉ còn linh hồn lãng du theo mây trắng.
Từ khi ông mất, bà bỗng sinh chứng nhìn mây, nói với mây, khóc với mây. Chuyện con cái xâu xé nhau của cải. Chuyện chúng đã quen làm cậu ấm cô chiêu, tiêu xài như nước, gì cũng có người lo sẵn, giờ không tự đi được.
"Bay đi ông ơi! Đừng nhìn! Đừng nghe!", nhưng giọt nước mắt vô hình vẫn nhỏ trúng tâm hồn bà. Bà thì thào: "Ông khóc đó ư?".
***
Năm sau ngôi nhà vườn tuyệt đẹp biến thành quán Hương Huế chuyên bán bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo, bánh canh. Khách ngồi dưới bóng cây râm mát, ăn những món dân dã nóng hổi, trình bày tinh tế đẹp mắt. Bánh nậm xếp theo hình quạt, mười cái một dĩa. Mở lòng mỏng mảnh, phơi dạ trắng ngần, điểm nhụy tôm hồng, chấm nước chấm ngọt thanh, ăn kèm chả tôm cắt hình thoi, xếp thành đóa hoa vàng, đưa đũa lên, cứ tần ngần vì quá đẹp. Dĩa bánh ướt nhụy tôm cũng mười cái, uốn cong thành mười cánh hoa. Bánh bèo chén để trên mẹt tre, rắc nhụy hồng, điểm tóp mỡ giòn, ăn bằng chèo tre vót mảnh... Bắt mắt nhất là tô bánh canh Nam Phổ. Tô nhỏ để vừa say, chưa ngán, hòa quyện tinh tế sắc màu và hương vị. Rẻ, ngon, đẹp mắt, lịch sự, khách vô ra quán nườm nượp, làm không kịp bán.
Cuối ngày, khi xong việc, bà lại thắp lên bàn thờ ông một cây nhang, thì thầm kể chuyện: "Hôm nay thằng Nhất có phụ tôi đôi chút ở quán! Nó hết đòi bán nhà rồi! Tôi đang tập cho nó đi. Khi nào nó bước đi vững vàng rồi, tôi sẽ về với ông, ông ơi...!".
Tàn hương uốn cong như lời đáp. Đốm lửa như mắt người, lung linh đỏ, đỏ lung linh...
(*) Đáo bỉ ngạn: Tới bờ bên kia
Quế Hương
Bỉ ngạn hoa
Ngàn năm vĩnh viễn xa nhau,
Dẫu gần cho đến bạc đầu vẫn xa...!
Thương hoa tinh khiết kiêu sa,
Bỗng dưng tình luỵ thắm hoa máu đào.
Từ xưa cho mãi ngàn sau,
Tình ta còn đó dễ nào sánh đôi ?
NM 

TRUYỀN THUYẾT HOA BỈ NGẠN

Truyền thuyết hoa bỉ ngạn được nhiều quốc gia lưu truyền trên thế giới với nhiều ý nghĩa sâu sắc với nhiều biến thể, chúng ta cùng tìm hiểu truyền thuyết về hoa bỉ ngạn qua câu chuyện tình cảm động này bạn nhé:
Thuở xưa trên thiên giới có một cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết. Chàng trai vốn là võ tướng tên Hoa, cô gái là công chúa tên gọi Châu Nhi. Vốn hai người đã định xin Thiên đế ban hôn, nhưng vì lúc đó xảy ra loạn lạc, Hoa đành phải gác tư tình sang bên, cầm quân đánh giặc.
Khi trở về, chàng biết tin Thiên đế muốn đem gả Châu Nhi cho Tiên tôn để kết tình hữu nghị. Hoa bèn vào cung thỉnh cầu, ngờ đâu Thiên đế nghe xong thì nổi trận lôi đình, giam chàng vào ngục.
Châu Nhi lén vào thăm Hoa, hai người bàn kế vượt ngục. Hoa vốn dòng Thiên tướng, pháp thuật tinh thuần, rốt cục đã vượt ngục thành công, dẫn theo Châu Nhi chạy trốn.
Thiên đế biết chuyện, giận dữ phái thiên binh thiên tướng đuổi giết. Hoa và Châu Nhi lâm vào tình cảnh ngặt nghèo, tiến lui đều không có lối. Giữa lúc tuyệt vọng, hai người vì muốn trọn đời bên nhau không chia cắt, Hoa thi triển bí thuật, tự biến hai người thành một loài hoa. Châu Nhi hóa thành nụ hoa trắng trong tinh khiết, Hoa biến thành tán lá xanh mịn màng ôm lấy nụ hoa. Đám thiên binh thiên tướng đuổi giết thấy thế ngỡ ngàng, bèn đặt tên loài hoa này là Mạn Châu Sa Hoa.
Mọi việc tưởng đến thế thì kết thúc, nào ngờ Thiên đế lòng dạ hẹp hòi, muốn cho đôi tình nhân vĩnh viễn phân ly, bèn trớ chú cho loài hoa này một trớ chú vô cùng độc ác:”Mạn Châu Sa Hoa, hoa ngàn năm nở, ngàn năm rụng, lá ngàn năm sinh ra, ngàn năm chết đi. Hoa lá vĩnh viễn không thể gần nhau, dù cùng sống trên một thân cây.”
Thời gian cứ thế trôi qua…. Cả ngàn vạn năm sau, lời trớ chú cũng trở nên yếu ớt trước ái tình đằm thắm khắn khít của hai người. Cuối cùng hoa lá cùng bung nở trên thân cây, đôi tình nhân chung thủy sắt son rốt lại vẫn có thể tương kiến giữa con sông dài thời gian chia lìa sinh tử.
Thế nhưng trớ chú cũng bị thời gian bào mòn, vậy mà lòng hẹp hòi của Thiên đế vẫn không thay đổi. Sau khi y biết Mạn Châu Sa Hoa bừng nở, liền sai binh tướng đuổi giết, bắt về.
Mạn Châu Sa Hoa sau khi cùng nở cùng sinh, pháp lực khôi phục, vội vàng chạy trốn. Trời đất bao la nhưng không chốn dung thân, Mạn Châu Sa Hoa cuối cùng đành phải trốn xuống địa ngục.
Thiên binh thiên tướng đuổi sát không tha. Chính thái độ hống hách tàn ác của chúng đã khiến cho người Ma vực nổi lòng oán ghét, lại thêm câu chuyện tình Mạn Châu Sa Hoa càng khiến họ nổi mối thương tâm, cuối cùng người Ma vực đứng ra bênh vực cho Mạn Châu Sa Hoa, dẫn đến một trường Thần Ma đại chiến.
Trong khi hai bên chiến đấu, máu tươi của binh sĩ hai bên chảy tràn mặt đất, không ngờ lại bị hút hết vào cây Mạn Châu Sa Hoa. Máu tươi nhiều đến nỗi nụ hoa vốn trắng trong tinh khiết cũng trở thành đỏ tươi như máu, yêu dị và diễm lệ vô cùng.
Cả Mạn Châu Sa Hoa cũng không hay biết chuyện gì xảy ra, đột nhiên huyết quang từ cây hoa xông vọt lên tận trời, tất cả binh sĩ hai bên đang chiến đấu thảy đều bị biến thành tro bụi.
Biến cố đột ngột này oanh động cả tam giới, Thiên đế, Ma vương, Quỷ vương, Tiên tôn đều tự thân đến xem xét. Thiên đế vẫn không cam lòng, quyết bắt Mạn Châu Sa Hoa trở về, bất quá thông qua Thiên nhãn kính cả 4 người bọn họ đều biết Mạn Châu Sa Hoa đã vượt khỏi tam giới, siêu thoát ngũ hành, không chịu câu thúc của các quy tắc thông thường nữa. 
Vì Mạn Châu Sa Hoa tiền thế đã chịu nhiều oan ức, lại thêm oán khí chưa tan, thích hợp để dẫn độ các vong linh lầm lạc trở lại luân hồi, cho nên cuối cùng 4 người quyết định để Mạn Châu Sa Hoa lại bên Nại Hà, suối Hoàng Tuyền hầu dẫn độ vong hồn oán khí trên thế gian.
Từ đó, bên bờ Hoàng Tuyền, dưới cầu Nại Hà, cây hoa đỏ rực, yêu dị diễm lệ vô cùng cứ bừng nở, sinh sôi, dẫn đường cho các đôi tình nhân chia cắt, cho những vong hồn còn nhiều oán khí quay lại luân hồi, nhận lấy nhân quả mà số phận chú định. Đời sau gọi loài hoa này là hoa bỉ ngạn. 
 
-NTNT-ST-

Ý nghĩa hoa Bỉ Ngạn  

Hoa Bỉ Ngạn có 3 màu chính: Trắng, đỏ và vàng. Bỉ Ngạn màu trắng gọi là Mạn Đà La Hoa (mandarava), Bỉ Ngạn màu đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa (Manjusaka). 

Hoa và lá của Bỉ ngạn hoa mặc dù chung một rễ, thế nhưng đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không gặp gỡ. 

1. Tên gọi

  • Tên tiếng Trung:
  1. Bỉ Ngạn hoa
  2. Mạn Châu Sa Hoa
  3. Hồng hoa Thạch Toán
  4. Thạch Toán
  5. Long Trảo hoa
  6. Vô Nghĩa thảo
  7. San Ô Độc
  8. U Linh hoa
  9. Địa Ngục hoa
  10. Tử Nhân hoa
  11. Vong Xuyên hoa
  • Tên khoa học: Lycoris Radiata

2. Đặc điểm

Cây hoa bỉ ngạn thuộc loại cây thân thảo lâu năm, chiều cao khoảng 40  – 100cm. Hoa tạo thành chùm sắp xếp lạ mắt. Hoa bỉ ngạn có ba màu chính: Đỏ, trắng và vàng. Phổ biến nhất là hoa màu đỏ. Hoa có màu đỏ rực rỡ như máu, cành hoa dài vươn lên từ mặt đất, trên đài gồm một cụm hoa khoảng 5 đến 7 nụ, khi nở xòe tròn ra mọi hướng, trông như con chim công đang múa, khi có hoa thì không có lá.
Hình ảnh: Cây bỉ ngạn mới mọc
Mọc hoang trên những triền đồi, đôi bờ sông, ven đường đi, những bờ ruộng và rất nhiều trong nghĩa địa. “Củ” của loài hoa này rất độc vì chứa lycorine, một chất độc thuộc nhóm alcaloid, gây tổn hại đến hệ thần kinh. Truyền thuyết kể rằng có người đã tuyệt mệnh bằng cách ăn “củ” của loài hoa này trong lúc đói.
Trong một năm có 2 ngày mặt trời chiếu thẳng góc xuống xích đạo, vào thời điểm đó độ dài của ngày và đêm bằng nhau, đó là ngày xuân phân và thu phân. Bỉ ngạn nở hoa trùng với tiết thu phân. Đây cũng là thời gian mà theo lời dạy của Phật trong thời gian 7 ngày của mùa thu, người sống có thể đi vào thế giới của người chết để gặp gỡ ông bà tổ tiên.
Bỉ ngạn không thích nhiệt. Nó thích một môi trường ấm áp. Khi nhiệt độ vào mùa hè quá cao, các cây Bỉ ngạn sẽ chết. Các cây Bỉ Ngạn thường được trồng ở những khu vực có hệ thống thoát nước tốt để các bông hoa không bị tổn hai và phát triển bình thường. Đặc biệt là khu vực trồng cũng không bị ảnh hưởng bởi gió quá nhiều vào những tháng mùa đông.
Ba ngày trước và sau xuân phân gọi là Xuân Bỉ Ngạn, ba ngày trước và sau thu phân gọi là Thu Bỉ Ngạn. Hoa Bỉ Ngạn nở vào Thu Bỉ Ngạn, thời gian rất chính xác cho nên mới gọi là hoa Bỉ Ngạn.

3. Truyền thuyết

  1. Truyền thuyết 1
Theo truyền thuyết người ta hay kể rằng hoa bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc dưới đường xuống hoàng tuyền, nở bên cạnh Vong Xuyên hồ ở Minh giới. Hoa có màu đỏ rực rỡ như máu, phủ đầy trên con đường thông đến địa ngục, mà có hoa thì không có lá. Trên con đường Hoàng Tuyền nở rất nhiều loài hoa này, nhìn từ xa như một tấm thảm phủ đầy máu, màu đỏ đó như là ánh lửa nên bị gọi là “hỏa chiếu chi lộ”, đây cũng là loài hoa duy nhất mọc trên con đường Hoàng Tuyền, và cũng là phong cảnh, là màu sắc duy nhất ở nơi đấy. Khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa Bỉ ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết, hoa bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó.
Thông thường cho rằng đây là loài hoa tiếp dẫn, sanh trưởng bên bờ sông Tam đồ. Theo truyền thuyết, mùi hương của hoa có ma lực, có thể gọi ký ức thuở còn sanh tiền của người chết trở về.
Bỉ Ngạn là đóa hoa trong truyền thuyết tình nguyện đi vào địa ngục, bị chúng ma quỷ bắt quay về nhưng vẫn ngập ngừng trên con đường Hoàng Tuyền, chúng ma quỷ không nhịn được nên đều đồng ý cho nàng nở trên con đường này, cho những linh hồn đã rời khỏi nhân giới có một sự chỉ dẫn và an ủi.
Bỉ Ngạn hoa nở ở bờ bên kia thế giới, chỉ là một khối đỏ rực như lửa; hoa nở không lá, lá mọc không hoa; cùng nhớ cùng thương nhưng không được gặp lại, chỉ có thể một thân một mình ở trên đường cực lạc.
Hoa lá không bao giờ gặp gỡ, đời đời dở lỡ. Bởi vậy mấy có cách nói: “Bỉ Ngạn hoa nở nơi Bỉ Ngạn, chỉ thấy hoa, không thấy lá”. Nhớ nhau thương nhau nhưng vĩnh viễn mất nhau, cứ như thế luân hồi hoa và lá không bao giờ nhìn thấy nhau, cũng có ý nghĩa là mối tình đau thương vĩnh viễn không thể gặp gỡ. Cũng vì thế mà người ta dùng nó để làm ví dụ cho những chuyện tình không có kết quả.
Trong Phật kinh có ghi “Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm hoa nở, một nghìn năm hoa tàn, hoa diệp vĩnh bất tương kiến. Tình bất vi nhân quả, duyên chú định sinh tử.”
  1. Truyền thuyết 2 
Rất lâu rất lâu trước đây, ven thành thị nở một dải lớn hoa Bỉ Ngạn – cũng chính là Mạn Châu Sa Hoa. Bảo vệ bên cạnh hoa Bỉ Ngạn là hai yêu tinh, một người tên là Mạn Châu, một người tên là Sa Hoa. Bọn họ đã canh giữ Bỉ Ngạn suốt mấy nghìn năm nhưng trước giờ chưa từng tận mắt nhìn thấy đối phương… Bởi vì lúc hoa nở nhìn không thấy lá; khi có lá lại không thấy hoa. Giữa hoa và lá, cuối cùng cũng không thể gặp nhau, đời đời lầm lỡ. Thế nhưng, bọn họ điên cuồng nhung nhớ đối phương, và bị nỗi đau khổ hành hạ sâu sắc. Cuối cùng có một ngày, bọn họ quyết định làm trái quy định của thần, lén gặp nhau một lần.
Năm đó, sắc đỏ rực rỡ của Mạn Châu Sa Hoa được sắc xanh bắt mắt bao bọc lấy, nở ra đặc biệt yêu diễm xinh đẹp. Thế nhưng vì việc này mà Thần trách tội. Mạn Châu và Sa Hoa bị đánh vào luân hồi, và bị lời nguyền vĩnh viễn không thể ở cùng nhau, đời đời kiếp kiếp ở nhân gian chịu đựng nỗi đau khổ. Kể từ đó về sau, Mạn Châu Sa Hoa chỉ nở trên con đường Hoàng Tuyền, hoa có hình dạng như những cánh tay hướng về thiên đường để cầu khẩn, mỗi khi Mạn Châu và Sa Hoa luân hồi chuyển thế, trên con đường Hoàng Tuyền ngửi thấy mùi hương của hoa Bỉ Ngạn thì có thể nhớ lại bản thân ở kiếp trước, sau đó thề không bao giờ chia lìa nữa nhưng vẫn lần nữa bị lời nguyền kéo vào vòng luân hồi.
  1. Truyền thuyết 3
Thuở xưa trên thiên giới có một cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết. Chàng trai vốn là võ tướng tên Hoa, cô gái là công chúa tên gọi Châu Nhi. Vốn hai người đã định xin Thiên đế ban hôn, nhưng vì lúc đó xảy ra loạn lạc, Hoa đành phải gác tư tình sang bên, cầm quân đánh giặc.
Khi trở về, chàng biết tin Thiên đế muốn đem gả Châu Nhi cho Tiên tôn để kết tình hữu nghị. Hoa bèn vào cung thỉnh cầu, ngờ đâu Thiên đế nghe xong thì nổi trận lôi đình, giam chàng vào ngục.
Châu Nhi lén vào thăm Hoa, hai người bàn kế vượt ngục. Hoa vốn dòng Thiên tướng, pháp thuật tinh thuần, rốt cục đã vượt ngục thành công, dẫn theo Châu Nhi chạy trốn.
Thiên đế biết chuyện, giận dữ phái thiên binh thiên tướng đuổi giết. Hoa và Châu Nhi lâm vào tình cảnh ngặt nghèo, tiến lui đều không có lối. Giữa lúc tuyệt vọng, hai người vì muốn trọn đời bên nhau không chia cắt, Hoa thi triển bí thuật, tự biến hai người thành một loài hoa. Châu Nhi hóa thành nụ hoa trắng trong tinh khiết, Hoa biến thành tán lá xanh mịn màng ôm lấy nụ hoa. Đám thiên binh thiên tướng đuổi giết thấy thế ngỡ ngàng, bèn đặt tên loài hoa này là Mạn Châu Sa Hoa.
Mọi việc tưởng đến thế thì kết thúc, nào ngờ Thiên đế lòng dạ hẹp hòi, muốn cho đôi tình nhân vĩnh viễn phân ly, bèn trớ chú cho loài hoa này một trớ chú vô cùng độc ác: Mạn Châu Sa Hoa, hoa ngàn năm nở, ngàn năm rụng, lá ngàn năm sinh ra, ngàn năm chết đi. Hoa lá vĩnh viễn không thể gần nhau, dù cùng sống trên một thân cây.”
Thời gian cứ thế trôi qua… Cả ngàn vạn năm sau, lời trớ chú cũng trở nên yếu ớt trước ái tình đằm thắm khắng khít của hai người. Cuối cùng hoa lá cùng bung nở trên thân cây, đôi tình nhân chung thủy sắt son rốt lại vẫn có thể tương kiến giữa con sông dài thời gian chia lìa sinh tử.
Thế nhưng trớ chú cũng bị thời gian bào mòn, vậy mà lòng hẹp hòi của Thiên đế vẫn không thay đổi. Sau khi y biết Mạn Châu Sa Hoa bừng nở, liền sai binh tướng đuổi giết, bắt về.
Mạn Châu Sa Hoa sau khi cùng nở cùng sinh, pháp lực khôi phục, vội vàng chạy trốn. Trời đất bao la nhưng không chốn dung thân, Mạn Châu Sa Hoa cuối cùng đành phải trốn xuống địa ngục.
Thiên binh thiên tướng đuổi sát không tha. Chính thái độ hống hách tàn ác của chúng đã khiến cho người Ma vực nổi lòng oán ghét, lại thêm câu chuyện tình Mạn Châu Sa Hoa càng khiến họ nổi mối thương tâm, cuối cùng người Ma vực đứng ra bênh vực cho Mạn Châu Sa Hoa, dẫn đến một trường Thần Ma đại chiến.
Trong khi hai bên chiến đấu, máu tươi của binh sĩ hai bên chảy tràn mặt đất, không ngờ lại bị hút hết vào cây Mạn Châu Sa Hoa. Máu tươi nhiều đến nỗi nụ hoa vốn trắng trong tinh khiết cũng trở thành đỏ tươi như máu, yêu dị và diễm lệ vô cùng.
Cả Mạn Châu Sa Hoa cũng không hay biết chuyện gì xảy ra, đột nhiên huyết quang từ cây hoa xông vọt lên tận trời, tất cả binh sĩ hai bên đang chiến đấu thảy đều bị biến thành tro bụi.
Biến cố đột ngột này oanh động cả tam giới, Thiên đế, Ma vương, Quỷ vương, Tiên tôn đều tự thân đến xem xét. Thiên đế vẫn không cam lòng, quyết bắt Mạn Châu Sa Hoa trở về, bất quá thông qua Thiên nhãn kính cả 4 người bọn họ đều biết Mạn Châu Sa Hoa đã vượt khỏi tam giới, siêu thoát ngũ hành, không chịu câu thúc của các quy tắc thông thường nữa.
Vì Mạn Châu Sa Hoa tiền thế đã chịu nhiều oan ức, lại thêm oán khí chưa tan, thích hợp để dẫn độ các vong linh lầm lạc trở lại luân hồi, cho nên cuối cùng 4 người quyết định để Mạn Châu Sa Hoa lại bên Nại Hà, suối Hoàng Tuyền hầu dẫn độ vong hồn oán khí trên thế gian.
Từ đó, bên bờ Hoàng Tuyền, dưới cầu Nại Hà, cây hoa đỏ rực, yêu dị diễm lệ vô cùng cứ bừng nở, sinh sôi, dẫn đường cho các đôi tình nhân chia cắt, cho những vong hồn còn nhiều oán khí quay lại luân hồi, nhận lấy nhân quả mà số phận chú định. Đời sau gọi loài hoa này là hoa bỉ ngạn. 
(Sưu tầm)