Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Khoảnh khắc đêm giao thừa

Phút Giao Mùa

Liên Khúc Phút Giao Thừa


Đêm Giao thừa,
Trong khoảnh khắc bỗng sáng bừng rực rỡ,
Pháo vang rền khai mở hội đêm xuân...
Xa thời xa gần cũng lại hoá gần.
Xuân đã đến trong sắc màu lễ hội

Tình xuân thắm xoá tan màu đen tối,
Sắc xuân về chan chứa khắp nhân gian...
Cha ngày xưa cứ ngỡ sắc Xuân tàn
Sẽ khg có một ngày xuân tái ngộ,

Giao thừa đến biết bao là ý nghĩa,
Nước mắt rơi mừng hội ngộ an vui
Đẹp lòng cha mang ý nghĩa cho đời
Xuân tái ngộ mang sắc màu hạnh phúc  
NM

Khoảnh khắc đêm giao thừa

Khoảnh khắc giao thừa đang đến gần, và hàng triệu con tim cùng hướng về một năm mới. Nhưng ở đâu đó trên những góc phố kia, trong những gầm cầu, vẫn có những con người đang mưu sinh, đang hy vọng, đang chờ đợi…
Thằng bé chạy tung tăng trên phố. Hôm nay nó kiếm được thật là nhiều, giá mà ngày nào cũng được như vậy… Đêm giao thừa năm nay, nó mua được một cái bánh chưng và kiếm vài ngọn nến giấu ở trong “cái ổ” dưới gầm cầu. Chỉ còn nửa tiếng nữa là năm mới rồi, thành phố dịp này thật là vắng vẻ và yên tĩnh.
Mấy hôm trước, người ta đổ hết về quê, khiến mọi con đường đều ùn tắc. Nhưng đó là lúc nó kiếm được nhiều tiền hơn cả. Nó cẩn thận để tiền tích cóp được trong một chiếc túi vải, buộc lại bằng dây dù, thắt nút vào con đỉa quần, rồi lại đút vào chiếc túi moi. Mấy ngày Tết chạy đôn chạy đáo, nhưng nó vẫn thật vui vì kiếm được nhiều tiền.
Phịch… Nó ngồi bệt xuống vỉa hè dưới gầm cầu, để bộ đồ nghề đánh giầy qua một bên, rồi lần mò moi chỗ tiền vừa kiếm được ra, xếp thành từng loại và gấp lại cho phẳng. Nó lẩm bẩm: “Đủ tiền mua xe đạp rồi”… Nó ngước nhìn lên…
Đêm giao thừa, ai nấy ăn mặc chỉnh chu, lác đác mấy chiếc xe sang trọng lướt qua. Nó tự nhủ: “Hôm nay chắc mấy cái công-te-nơ không làm phiền nữa…”, vừa dứt lời thì tiếng ai đó bất giác kêu lên, rồi có tiếng rồ ga của một chiếc xe máy. Chạy vội tới, nó thấy một ông lão đang ngồi trên mặt đất, đưa tay ôm chân, bên cạnh là chiếc xe đạp, bánh xe quay tròn.
“Để cháu giúp”, nó lật đật đỡ ông lão về vỉa hè, rồi dựng lại chiếc xe.
“Nhà ông ở đâu?”, nó hỏi với vẻ lo lắng. Ông lão nhịn đau, “Ở gần thôi…” rồi băn khoăn hỏi: “Cháu giúp lão nhé?”
“Vâng”, nói rồi nó chỉ tay qua cái ổ: “ông vào chỗ cháu ngủ ngồi đã”. Ông lão quay qua, chợt nín lặng, rồi gật đầu…
Hỏi địa chỉ rồi, nó chạy vụt đi.
*****
Bác tài điều khiển chiếc xe lao vút đi để kịp giờ đón giao thừa. Sau xe, một cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng đang ngồi ngắm đường phố. Người phụ nữ nhìn lướt qua ánh đèn hoa lấp lánh, khẽ giọng: “Thành phố bây giờ khác anh nhỉ”.
Người đàn ông trầm tư, ngả lưng về phía sau thở dài: “Mình đi hai mươi năm còn gì”.
Người phụ nữ tiếp lời: “Ba chắc cũng già đi nhiều. Em chưa hiểu được vì sao ba cứ nhất quyết không chịu qua đó ở cùng vợ chồng mình”.
Liếc nhìn vợ đăm chiêu, người đàn ông nhẹ giọng: “Ba có lý do mà. Có nhiều điều có thể em sẽ không hiểu. Cuộc sống sung túc đôi khi không phải là tất cả”.
Người phụ nữ hơi cau mày: “Anh giống ba, đến giờ em vẫn chưa hiểu, nơi đây thì có gì mà lưu luyến?”
“Có những điều em cần phải có cơ hội để cảm nhận bằng trái tim, nó rất giản dị, nhưng lại hàm chứa hạnh phúc… Ước gì anh có thể nói để em hiểu…”
Người đàn ông lặng nhìn đường phố, con đường vắng vẻ mà thời học sinh anh vẫn hay đi qua giờ đã mọc lên những căn biệt thự sang trọng. Anh đưa tay lên, liếc nhìn đồng hồ…
Kít… chiếc xe đột ngột phanh gấp rồi quẹo sang một bên, đâm vào vỉa hè. Bác tài nổi nóng rít lên: “Mày đi đứng thế à!”
Người đàn ông đặt tay lên vai bác tài: “Bác An à… Bình tĩnh!” Nói rồi anh vội xuống xe. Đầu chiếc xe hơi bị móp một chút. Trên đường, một thằng bé đang xanh mặt từ từ đứng dậy, “Cháu… cháu…”
Người phụ nữ xuống xe, lạnh lùng nói: “Xin lỗi thì có tác dụng gì”. Nói rồi cô rút điện thoại ra.
Người đàn ông im lặng nhìn cậu bé rồi quay sang nói: “Thôi em, xe nhà, mà sắp đến giao thừa rồi, ba đang đợi”. Anh quay lại hỏi thằng bé: “Nhà cháu ở đâu?”
Nó rụt rè chỉ về phía gầm cầu: “Ở kia ạ!” Mặt tái nhợt, thằng bé run run moi chiếc túi ra, cởi nút thắt, cầm cả mớ tiền được xếp ngay ngắn, ấp úng nói: “Cháu… cháu chỉ có ngần ngày thôi. Van xin cô chú đừng báo công an. Họ tới thì cháu mất chỗ ngủ…”
Người đàn ông nhìn thằng bé sâu hơn: “Chúng ta về chỗ cháu ngủ đã…”, nói rồi anh quay qua dặn bác An chờ xe.
Thằng bé dẫn người đàn ông đi, người phụ nữ níu tay anh, vẻ khó hiểu. Ba bóng người bước về phía cuối gầm cầu.
Tới gần chỗ mấy khối bê tông chặn lại, thằng bé luống cuống chui vào trước, nói nhỏ với ai đó: “Ông ơi, cháu xin lỗi…” Nói rồi, nó moi ra một cây nến và cái bao diêm. Ánh nến từ từ sáng lên, người đàn ông chợt nheo mắt, rồi kêu lên ngạc nhiên: “Ba! Sao lại thế này?” Người phụ nữ chạy tới: “Chân ba sao thế này?”
Ông lão nhìn hai con, từ từ nói: “Ba đi viết chữ về, bị đụng xe. Nhờ thằng bé về nhà báo. Hai con đã về rồi à? Bác An đâu?” Nói rồi, ông lão liếc nhìn qua thằng bé: “Cháu ổn chứ?” Nó gật gật đầu.
Gió lạnh, hương hoa sữa thoảng qua, và bất chợt những làn pháo hoa bắn lên, báo hiệu thời khắc giao thừa đến…
Ông lão trầm tư, ngoảnh sang hai con nhẹ giọng nói: “Tết cổ truyền, đêm giao thừa, gia đình sum họp, mà chúng ta ở đây cũng là ba thế hệ rồi”.
Thằng bé như chợt nhớ ra điều gì, luống cuống mò từ trong góc một lon Coca, hai cái cốc, một chiếc bát, và một chiếc bánh chưng, lí nhí nói: “Cháu chỉ có ngần này thôi”.
Bốn người ngồi nhìn nhau trong khoảnh khắc đó, dưới bầu trơi lung linh rực sáng pháo hoa. Người phụ nữ nghẹn ngào mở lời: “Ba, con đã hiểu. Cái Tết này thật là ý nghĩa…”
Nói rồi, cô đưa tay ra kéo thằng bé, đôi mắt rưng rưng: “Con về ở với cô chú nhé?” Thằng bé lặng đi…
Ông lão nhìn con dâu hồi lâu, rồi gật gù mỉm cười: “Cuối cùng ba cũng có cháu đích tôn rồi…”
Bầu trời đêm giao thừa rực sáng tình người…
Thanh Phong

Mai trắng năm xưa,
Nhớ hoài mai trắng năm xưa,
Đêm đêm hoa nở dù chưa xuân về...
Ta thường trong mộng nhớ quê,
Xuân dù có đến ngày về còn xa..
Thương thay giấc mộng Nam Kha,
Nửa đêm thức giấc quê nhà viễn khơi
Vay đời một kiếp rong chơi,
Tình quê luôn sống ngàn đời trong tim
NM

 Tết, Hương Nhà Ngày Đã Một Xa

Khá lâu hai chữ “ăn tết” chừng như không còn làm cho những người xa nhà xôn xao nữa, bởi không xa nhà như Nguyễn Bính, cách một hai lần đò, chúng tôi xa nhà vạn dặm không con đò nào đưa về quê được nên nhớ nhà chỉ còn cách duy nhất là lần về bằng trí nhớ, mà một khi trí nhớ hao mòn thì giống như thanh tre gát trên cầu khỉ gãy ngang, gây hụt hẫng cho người lần dò lấy nó mà đi cho dù con sông mà nó bắc ngang chỉ trong gang tất.
Khi cái mát lạnh của mùa xuân phảng phất thì chừng như những ngày tết đã cận kề. Nhớ như in về mẹ, những ngày này bận rộn nhưng môi mẹ chừng như không ngớt mỉm cười. Gia đình sống phiêu dạt theo chân cha trên nhiều tỉnh thành nhưng cái chất quê ngọt ngào không hề phai trên đôi vai của mẹ. Chiều 23 Tết trong khi mọi nhà cúng kiến ông Táo về trời thì nhà mình lại im ắng trước mâm cơm thường nhật. Sau bữa cơm mẹ kêu mình ra thử bộ quần áo mới mẹ vừa mua, cái cảm giác thử áo theo mình suốt bao nhiêu năm đến nỗi khi đã thành người lớn mỗi lần mua một bộ quần áo mới lại nhớ đến mẹ, nhớ từng cái vuốt cho áo thẳng thớm, kéo bên này phủi bên kia làm cho mình cảm thấy như được vuốt ve dưới manh áo mới. Mùi thơm của vải là thứ duy nhất nối liền mình với mẹ cho tới nay, nó như thứ nước hoa không thể lẫn giữa muôn ngàn loại hương thơm khác trong đời sống.
Và từ lúc thử cho tới lúc chính thức được mặc bộ quần áo mới là cả một chuỗi ngày chờ đợi.
Cũng may, chỉ một tuần lễ là tết, sự bận bịu không chừa một ai làm thời gian ngắn lại. Mẹ thường dẫn mình đi chợ tết vào những ngày sát tết thường là 27 tết khi mọi thứ bớt rầm rộ và giòng người len lỏi trong chợ ít đi. Đó là lúc mẹ chọn dưa hấu, các loại bánh mứt trên bàn thờ, thịt heo, gà sống, củ kiệu và hàng chục món khác. Mình thích nhất là chợ hoa trong những ngày này, những chậu mai hiền lành, những cụm vạn thọ vàng rực một góc chợ chen với cúc, huệ, và nhiều loại hoa khác làm cho không khí tết rực rỡ hẳn lên. Người ngắm kẻ mua chen lẫn nhau và mình chợt nhận ra mọi người đều hiền hòa, dễ thương so với ngày thường nhiều lắm, có lẽ mùa Tết làm cho người ta gần nhau hơn bởi ai cũng cùng chung mục đích: “ăn tết”.
Đêm ba mươi dù buồn ngủ cách nào mình và các chị không bao giờ vào mùng sớm vì còn xem nấu bánh tét. Cả nhà đi vô đi ra như chờ đợi một điều gì quan trọng lắm, thì ra chờ giây phút giao thừa để được đốt phong pháo mà cha mua về từ hôm trước. Cái thời khắc thiêng liêng ấy được chờ đợi trong hồi hộp vì pháo nổ là tết chính thức bước vào nhà và năm cũ ra đi dể năm mới hoàn toàn khác trở về. Những ngày tết về sau này nhà nước cấm đốt pháo thì mình đã xa quê nhưng tâm trí cứ nghĩ về tiếng pháo giao thừa của những ngày xưa cũ. Tiếng pháo đánh thức niềm hy vọng, hương thơm của pháo tết lan tỏa khắp nơi làm không khí ngày tết đượm mùi gần gũi của hàng xóm láng giềng. Pháo nổ làm cho những phiền muộn của người nghèo tạm thời bay xa nó làm cho những gia đình khá giả biết ơn những gì trời đất đã dành cho họ. Tiếng pháo mang nặng tâm lý cộng đồng và chính nó làm cho người ta gần gũi nhau hơn mỗi lần tết đến.
Rồi sáng mùng một trong lành cũng đến. Mẹ đánh thức mặc cho bộ quần áo mới, dặn dò nhiều điều mà năm trước mẹ từng dặn dò. Mọi người lục tục kéo nhau mừng tuổi ông bà cha mẹ, những phong thơ màu đỏ đựng những đồng tiền mới tinh lì xì cho bọn trẻ, tiếng nhạc mừng xuân bắt đầu rộn rã, bữa ăn sáng mùng một tết được dọn ra và mọi người quây quần bên nhau trước khi ra khỏi nhà mỗi người một hướng.
Mâm cơn sáng mùng một tết có lẽ là mâm cơm tươm tất và ngon nhất trong năm. Mẹ và các chị đã hết sức chăm chút nó từ những ngày trước tết. Củ kiệu và tai heo đã được ủ trong những chiếc hủ sành tính sao cho đủ độ chua ngọt cần có khi bóc ra vào sáng đầu năm. Những khoanh bánh tét xanh ươm màu lá nằm tròn trĩnh cạnh dĩa dưa món đầy màu sắc. Nồi thịt kho măng vàng rực cùng với những chiếc bánh tráng đang chờ cuốn với rau sống là món chủ lực của bữa ăn đầu năm. Tuy ngon và mát mắt như thế nhưng không ai ăn no cả, hình như tiếng trống múa lân ngoài phố đang thúc giục mọi người.
Trước khi xem lân, mình ghé ngang đám đông đầy tụi con nít cỡ tuổi mình trong các sòng “bầu cua cá cọp” bên đường. Những hình ảnh trái bầu đỏ mọng, con cua hùng tráng xanh mầu biển, con nai hiền lành đứng trên con cá đang vẫy đuôi cùng chú gà cồ lảnh lót tiếng gáy theo sát mình suốt mấy ngày tết. Vài đồng bạc lì xì mau chóng vào túi của nhà cái, thường là một anh chàng trong xóm, hết tiền lại chạy đi chơi cái khác, hiếm gì cuộc vui ngày tết hơi đâu phải phí công ngồi ngắm chú bầu con cua?
Tiếng trống múa lân làm cho bọn trẻ cỡ tuổi mình đứng ngồi không yên. Cứ thấy ông địa lắc bụng cầm chiếc quạt rách phe phẩy là mình lại thích thú. Con lân dưới đôi mất ngây thơ của mình thật khác thường, mắt nó chớp giật như một con vật sống đôi lúc làm mình sợ hãi nhưng cũng đầy thích thú. Khi nó leo lên táp túi đựng tiền lì xì của gia chủ là tiếng trống dồn dập, tiếng hò reo cổ vũ đầy trời tạo cho không khí hừng hực mầm sống của ngày tết Nguyên đán.
Lớn lên một chút tết vẫn còn nguyên hương vị của nó như xưa, có điều vì lớn nên cái nhìn ngày tết của mình cũng khác. Lớn có những yêu cầu khác với một cu con nít, tâm trí vỡ ra những hình ảnh mà ngày thường không có, nhất là phong vị của tết, càng lớn thì người ta càng cảm nhận đầy đủ hơn về không khí đặc biệt mà chỉ ngày tết mới có.
Đó là những cuộc đi chơi với bạn bè trong không khí ấm áp đầy hoa của không gian ngày tết. Đây là lúc chưng diện với mọi người chung quanh để chứng tỏ ta đã lớn, đã bước hẳn vào tuổi hoa niên đầy hoa lá chung quanh.
Nhưng có lẽ thời khắc này chính là lúc âm nhạc cuốn hút người ta nhiều nhất.
Tết mà không có nhạc xuân thì còn gì thiếu vắng hơn. “Tấm thiệp đầu xuân” “Xuân này con không về” cùng nhiều bài hát bất hủ khác của ngày tết góp phần làm cho tết lý thú, gắn bó hơn giữa người nghe với nhau… nhưng gì thì gì một bản nhạc không thề thiếu trong ba ngày tết đó là bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương.
Thật vậy, ca khúc Ly rượu mừng đã ăn sâu vào trí nhớ của người Việt đối với những ai sống ở đất nước này từ năm 1975 trở về trước. Giai điệu quyến rũ, ca từ mặn mà, hồn hậu lột tả hết nét nhân văn của một vùng đất tuy đạn bom dày xéo vẫn không mất đi lòng thương yêu, thói quen tha thứ và khuyến khích nhau xây dựng quê hương trong tinh thần tương ái. Là một nhạc sĩ miền Bắc di cư vào Nam, Phạm Đình Chương mang tâm trạng xa quê lồng vào ca khúc này với ước vọng mọi người cùng nhau xây đắp non sông trong một ngày mai hòa bình hạnh phúc. Nhạc sĩ vượt lên mọi cám dỗ thường trực của chiến tranh tâm lý để cho ra đời một ca khúc bất hủ cho dân tộc. Ở đâu trên mọi vùng đất của quê hương, trong những ngày tết xa quê người ta cũng có thể hợp ca Ly rượu mừng để nối liền những người con xa xứ với gia đình.
Nhưng tiếc thay bài hát không thể nối được những đứa con xa quá, xa đến nỗi không con đò nào đem họ về được với quê nhà.
Nguyễn Bính chỉ từ Bắc vào Nam vài ngày đã rên rỉ:
……
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
Xuân này em chị vẫn tha hương
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ
Son sắt say hoài rượu viễn phương (…)
Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….

Ông đúng là giang hồ vặt, chỉ thấy cơm sôi đã nhớ nhà, còn chúng tôi không hề muốn giang hồ, chỉ muốn ngồi bên mộ mẹ ôn lại những ngày còn thơ cũng không được huống chi là tết?
Tản mác khắp thế giới chúng tôi cũng cố giữ cái hồn tết của dân tộc lắm nhưng tiếc thay cố gắng nào cũng vô ích trong suốt hơn 40 năm qua. Chúng tôi đốt pháo nhưng không ai nghe, mua bánh tét bánh chưng chất đầy nhà chỉ để đem đi làm trong mấy ngày được gọi là tết. Những bông hoa giả nằm buồn bã trong góc nhà. Chai rượu đắt tiền không biết khi nào mới khui vì bạn bè ai cũng tất bật mưu sinh không còn thời gian để nhớ tết. Trẻ con không cần áo mới vì chúng có mỗi ngày. Chúng cũng không biết thế nào là lì xì, là bầu cua cá cọp như chúng tôi.
Tết ở phương xa nếu có cũng chỉ ngồi trong bóng tối rồi nghe một mình ca khúc “Xuân này con không về” để tự đánh lừa mình cho một ngày về không được in trong lịch.
Tết, đối với chúng tôi, ngày càng xa, càng teo tóp. Nó giống như tiếng pháo không mùi thuốc pháo vậy thì khác gì tiếng nổ trong mọi cuốn phim hành động?

Mặc Lâm

Đêm Giao thừa,
Đêm giao thừa lúc tưng bừng rực rỡ,
Mẹ một mình tĩnh lặng giữa đêm khuya..
Trăng lẻ loi soi sáng trước hiên nhà,
Trăng năm mới khác gì trăng năm cũ ?
Tình mẹ cho con âm thầm chứa đủ,
Những ấm nồng và có cả hy sinh..
Mẹ cho con tất cả biết bao tình,
Nhưng với mẹ con thật là  ích kỷ.!
Bao giờ mẹ cũng hi sinh,
Bây giờ con mới giật mình ngộ ra.
NM

 Đêm giao thừa 1
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm, khi năm cũ hôn nhẹ lên môi năm mới để tạm biệt, đi về miền kí ức. Sống giữa giây phút giao hoan của đất trời, lòng người cũng từ tâm như một tách trà đượm nóng. Người ta nói giao thừa là đêm của tình nhân, khi những đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp òa xuống phố phường để yêu lấy nhau và yêu lấy mọi người, để oán hờn đi vào quên lãng, để muộn phiền ở lại cho tình yêu đi tiếp và để chúc nhau tiếng cười của ái ân.
- Con đi mẹ ơi. Mẹ ở nhà cứ ngủ trước đi, đừng đợi cửa con!
- Về sớm nhé con!
          Như những cặp tình nhân khác, tôi và Lan cũng xuống đường đêm giao thừa. Đó là sự bình thường giản dị của một kiếp người yêu nhau. Xã hội này có những luật lệ của tâm hồn mà nếu làm khác đi ta sẽ trở thành kẻ khác thường. Chúng tôi cũng thường nắm tay nhau đi bộ hàng giờ trên những con phố đông đúc, lấp lánh ánh đèn neon sáng trưng. Ngắm pháo hoa xong chúng tôi cũng đi chùa cầu may đầu năm. Dù phải chen nhau đông đúc nhưng ai cũng vui vẻ vì đó là điều bình thường của cuộc sống.
          Mẹ cúng giao thừa xong đợi tôi về, nhưng chẳng bao giờ đợi được. Tôi thường về muộn và mẹ đã tắt đèn tự khi nào. Những giao thừa của tôi cứ trôi đi lặng lẽ và bình yên như thế.
- Mẹ nhìn kìa, pháo hoa năm nay đẹp hơn mọi năm mẹ nhỉ? Mẹ có nhìn rõ không? Hay con cõng mẹ cho cao hơn nhé!
Bên cạnh tôi là một chàng trai trạc ba mươi tuổi đang cõng một bà cụ tóc bạc lấm tấm, khuôn mặt sạm những nếp nhăm của tuổi đá vôi, lưng còng xuống như đã cõng cả cuộc đời. Đôi mắt bà cụ sáng rỡ theo từng tràng pháo hoa, và những lúc như vậy nụ cười của chàng trai lại thêm nồng hơn. Sự hiện diện của hai con người ấy như một biến số lạ giữa đường phố tình nhân và bè bạn. Ai cũng ngoái lại với ánh mắt hiểu kì.
          – Nếu là họ chắc em xấu hổ chết mất! – Tiếng một cô gái khẽ thì thầm.
          Phải! Vì xấu hổ nên đã từ lâu tôi không còn đi chơi giao thừa với mẹ. Chợt, tôi thoáng nhớ về những năm tháng ấu thơ, khi mẹ còn dắt tay tôi khắp những con phố đêm giao thừa. Tôi nhớ nụ cười của mẹ, nhớ những chiếc kem bông giòn tan mẹ mua cho tôi, và mắt mẹ cũng từng sáng rực trước từng tràng pháo hoa trên trời. “Năm nay con lớn rồi, con đi với bạn nhé, đi với mẹ xấu hổ lắm!”. Mẹ mỉm cười đồng ý. Chẳng rõ tôi nói câu ấy khi nào, chỉ biết từ khi có bạn, rồi có người yêu, tôi đã bỏ mặc mẹ. Kể từ ngày ấy mẹ chỉ ở nhà cúng giao thừa rồi đi ngủ, còn tôi vui vẻ đến muộn khuya mới về. Giờ này chắc mẹ đã ngủ rồi. Trong khi tôi ở đây sáng choang thì mẹ ở nhà tối mịt một năm mới không ai bên cạnh, lủi thủi trong những giấc mơ dài. Luống nghĩ tới đó mà mắt tôi cay xè.
          Năm nay con không đi lễ chùa, nhất định con sẽ về sớm mừng tuổi mẹ!
          Đôi khi xã hội dùng những quy luật bình thường, giản dị để trói buộc nhân thế trong một sự bình yên đến nhạt nhẽo. Nhưng đâu đó vẫn có những tâm hồn tự do biết sống với tình yêu của bản ngã.            
Nhật Hạnh                                                                                                                                                               
 Đêm Giao Thừa 2 
Vậy là cái tết đã đến. Chỉ còn đêm nay nữa là kết thúc một năm đầy biến động trong gia đình Sơn. Chưa có năm nào anh phải gói bánh chưng tết một mình và đón phút giao thừa trong buồn tẻ thế này. Bé Na ngồi cạnh anh, nó cũng tập gói bánh. Trông bàn tay non nớt của nó vụng về dúm những tàu lá dong, gạo vương vãi, lòng anh se lại, thỉnh thoảng nó lại ngước lên hỏi chuyện: 
- Giờ này mà mẹ vẫn chưa về bố nhỉ? 
- Ừ, chắc mẹ đang về con ạ. 
- Mẹ đi công tác xa lắm hả bố? 
- Ừ, xa lắm. 
- Bệnh dài tim là gì hả bố? 
- Sao con lại hỏi thế, ai nói với con? 
- Các cô, các chú trên cơ quan. Hôm qua con lên đấy các cô bảo mẹ mày mắc bệnh dài tim. Mẹ mày xinh lắm lấy được ối chồng.
Sơn biết thừa đấy là những câu châm chọc ác ý của những kẻ xấu bụng dành cho vợ anh. Anh hướng thằng Na sang chuyện khác:
- Thôi, đừng hỏi nhiều nữa, tập trung vào gói bánh cho bố đi. Nào đưa đây bố bảo cách gói.
Sự vô tư của thằng bé đã vô tình động vào nỗi đau sâu thẳm của lòng anh. Thằng bé mới 5 tuổi, nó ngây thơ và tội nghiệp chẳng hiểu điều gì đã xẩy ra với gia đình nó.
Sơn và Xuân gặp nhau và lấy nhau trong hoàn cảnh tình cờ. Ngày ấy Sơn là một nhà báo trẻ năng nổ. Trong một chuyến công tác tại một lâm trường anh gặp Xuân. Cô là kỹ sư, làm ở phòng kỹ thuật. Được biết ngoài chuyên môn là một kỹ sư giỏi, Xuân còn thích làm thơ, viết báo. Sơn tìm đến phòng ở của Xuân, cốt mong tìm được người bạn tâm tình về viết lách ở chốn rừng xanh hiu quạnh cho đỡ buồn. Sơn đến nhà vừa lúc Xuân đi làm về. Bộ quần áo bảo hộ còn vương bụi bặm của cây rừng.
Thấy có khách lạ và giới thiệu là nhà báo, Xuân không khỏi lúng túng. Cô xin phép khách đi tắm và thay quần áo. Khi Xuân trở ra đã trở thành cô gái khác xa lúc đầu Sơn gặp. Cô có nước da hơi xạm nắng với một gương mặt khá xinh và đôi mắt thông minh, sâu thẳm. Trong cuộc trò chuyện tay đôi Sơn biết Xuân là người đàn bà có trái tim nồng cháy và nhiều khát vọng. Cô như con chim bị nhốt ở trong lồng, bị giam hãm, tù túng và muốn vùng vẫy bay trong bầu trời tự do. Người yêu của cô là một lái xe, tính tình khô khan, băng giá không phù hợp với trái tim cháy bỏng của cô. Anh ta chẳng bao giờ đọc báo, càng chúa ghét văn chương, thơ phú. Trong mối tình của họ luôn xẩy ra "chiến tranh lạnh".
Xuân đưa cho Sơn một tập thơ do cô sáng tác và nhờ Sơn đọc hộ, góp ý. Tập thơ ghi lại những nỗi niềm, tâm trạng vò xé và nỗi khát khao được sống, được yêu. Hàng chục bài thơ còn thô nháp nhưng hôi hổi cuộc sống, Sơn cũng nhận ra một tài năng lấp lánh ẩn trong những trang thơ. Anh xin phép cô được chép lại để gửi cho tòa soạn.
Một thời gian sau, bài thơ đầu tay của Xuân được đăng trên báo. Sơn gửi tờ báo cho Xuân kèm theo đôi lời khích lệ. Sự kiện ấy đã chắp cánh cho niềm hứng khởi sáng tạo của Xuân. Từ ấy Xuân gửi bài đều đặn về tòa soạn. Những bài thơ, bài báo của cô dù chưa được chỉnh lắm nhưng được bàn tay Sơn gọt rũa đã trở nên sinh động và gây dấu ấn trong lòng bạn đọc. Họ ngày một xích lại gần nhau hơn.
Một hôm Xuân tìm đến tòa soạn thông báo do cơ quan lâm trường đấu đá mất đoàn kết, là người viết lên những bài báo chống tiêu cực, cô cũng trở thành nạn nhân và đang có nguy cơ mất việc. Giữa lúc tòa soạn đang thiếu phóng viên, Sơn xin cho Xuân một suất. Xuân trở thành phóng viên từ ngày đó. Được sống gần nhau, mối tình của hai người nhen nhóm và được anh em đồng nghiệp vun vén, họ nên vợ nên chồng. Cuộc sống thật đầm ấm và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi họ có với nhau thằng con trai kháu khỉnh. Vốn chiều vợ và thương con, Sơn nhận tất cả phần việc của gia đình, tạo điều kiện để Xuân làm nghề. Xuân năng nổ, yêu nghề. Cô đi nhiều, viết nhiều và trở thành cây bút chủ lực của tòa soạn. Cô nổi tiếng với những bài viết sắc sảo làm nhiều vị giám đốc phải sởn gai ốc. Nhưng cũng từ đây tính cách của cô bắt đầu thay đổi. Những khoản tiền cô kiếm được làm cô giàu có lên, sang trọng lên nhưng lại làm tâm hồn cô hoen ố. Đã có dư luận về những sự buông thả sau mỗi lần đi công tác của cô.
Xuân trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Đám phụ nữ ích kỷ thì xì xào: "Có chồng rồi còn tí tởn". Đám đàn ông háo sắc thì tấm tắc: "Em xinh đẹp tuyệt vời". Nghe thấy hết. Cô bỏ ngoài tai những lời ghen ghét còn những lời gió trăng thì cô nuôi thành ảo vọng, cái ảo vọng về quyền uy của sắc đẹp và ảo vọng về một cuộc sống giàu sang.
Tiếng eo sèo rồi cũng đến tai Sơn. Đã có lần anh góp ý cho vợ nhưng cô ấy không chịu nghe. Cô tự bênh vực bằng cái lý của mình: "Làm phóng viên là phải giao tiếp, anh đừng có ghen tuông vớ vẩn". Tính hiền lành và thương vợ, Sơn bỏ qua để gia đình yên thấm. Sẽ chẳng có chuyện gì với tổ ấm của họ nếu không có một lần có một ông giám đốc tìm đến nhà Xuân đón đi để viết bài cho xí nghiệp. Sơn không biết vị giám đốc này là một ông cai đường và chính là người tình của Xuân. Họ gặp nhau trong một hội nghị các giám đốc doanh nghiệp. Sau đó trở thành cặp tình nhân. Mỗi chuyến đi công tác xa của Xuân là cô đến với gã. Những khoản tiền hậu hĩnh và những món quà có giá trị cùng với sự hào hoa của vị giám đốc lắm tiền đã làm hoa mắt Xuân. Cô không còn đủ tỉnh táo để nhận ra những cạm bẫy của cuộc đời nữa.
Lần này Xuân ra đi rất lạ. Cô thu hết các thứ tư trang quần áo nói rằng để đi lâu ngày. Cô ôm thằng Na vào lòng, nước mắt rưng rưng. Sơn không biết rằng đó là lần cuối cùng Xuân được ôm con để đi theo gã giám đốc đến một nơi xa lắc. Năm ngày, mười ngày rồi một tháng không thấy Xuân về lúc đó anh mới hiểu vợ mình đã bước đi quá xa trên con đường tội lỗi.
Xuân được Hãn (tay cai đường) đưa về một thành phố xa lạ. Hắn gửi cô ở nhà một người bạn. Những ngày đầu hắn chu cấp đầy đủ và đến thăm non thường xuyên. Cuộc sống của Xuân coi như tạm ổn. Nhưng rồi rắc rối nảy sinh. Căn hộ vẻn vẹn chín mét vuông vốn đã chật hẹp nay có thêm Xuân càng trở nên chật chội. Cô bé chủ nhà đã bắt đầu tỏ ra coi thường và khó chịu. Những câu nói vu vơ đã ám chỉ Xuân chỉ là một gái làm tiền.
Thời gian trôi đi chậm chạp, không có công ăn việc làm, không có người thân trò chuyện, Xuân ngồi đếm từng ngày qua đi trong nỗi buồn tủi và ân hận. Trước khi đưa Xuân về đây Hãn đã hứa sẽ lo cho cô công ăn, việc làm và cuộc sống tự do thoải mái. Vậy mà đến giờ hắn cứ lần lữa qua ngày. Một hôm Hãn đem tiền đến cho Xuân, hai người đang ngồi bên nhau thổn thức thì thấy có một phụ nữ cùng mấy tay đầu trọc gớm ghiếc dừng xe xông vào. Đó là vợ của Hãn. Mụ ta mặt đằng đằng sát khí chỉ vào mặt Hãn:
- Thằng già kia, quỳ xuống giường.
Hãn nem nép làm theo. Rồi mụ quay sang Xuân:
- Còn mày, mày biết tao là ai không? Tao nhắc cho mày biết thế nào là kẻ trốn chúa lộn chồng.
Mặc cho Xuân quỳ lạy, mụ cũng không tha. Mụ bảo bọn đàn em đưa cho cái kéo. Chỉ trong chốc lát mái đầu của Xuân đã mất đi một mảng tóc. Làm xong mụ tuyên bố: - Đây là những đứa tao cảnh cáo lần đầu, liệu đường mà tránh xa thằng chồng dê già của tao ra hiểu chưa? Xong rồi cả bọn lại rồ xe ra về. Thấy vợ về Hãn không dám ở lại và cũng lấm lét về theo. Không bị đánh đập, không bị chửi bới nhưng nỗi nhục nhã lại ê chề. Xuân thu dọn hành lý, trùm cái khăn lên đầu và lê bước ra đường,
Ra ngoài đường Xuân mới nhận ra không khí của ngày tết đang đến. Những chuyến xe ca chở đầy hoa đào hối hả đi về các ngả. Cô vẫy chiếc xe ôm bảo chở cô ra bến xe. Vừa lúc có chuyến xe về tỉnh nhà, cô leo lên xe và lẫn vào với mọi người. Về đến bến, mọi người tranh nhau xuống, trên tay họ cầm những cành đào sặc sỡ. Xuân bước xuống và chưa biết đi về đâu. Nhà cô ngay gần đây. Chỉ một ngõ nhỏ nữa thôi là cô sẽ nhìn thấy ngôi nhà tập thể giản dị của mình, nhìn thấy đứa con tội nghiệp mà mấy tháng nay nó đã vắng mẹ.
Xuân không định về nhà hay nói đúng hơn không dám về nhà. Nhưng những bước chân vô định lang thang của cô lại cứ nhằm vào cái ngõ nhỏ. "Qua ngõ nhỏ này là nhìn thấy nhà mình", cái ý nghĩ ấy cứ cháy bỏng trong đầu Xuân.
Từ xa Xuân đã nhìn thấy ô cửa sổ nhà mình và cánh cửa của nhà mình vẫn mở. Từ căn nhà ấy hắt ra ánh đèn quen thuộc - ánh đèn mà bảy năm qua cô vẫn ngồi viết những bài báo và những trang thơ. Ngôi nhà ấy từng là tổ ấm, là nơi bình yên để tâm hồn cô trú ngụ. Vậy mà giờ đây cô không dám bước vào.
Xuân đứng nép vào một gốc sấu bên đường nhìn vào nhà và thấy hai bố con Sơn đang dạy nhau gói bánh. Thằng bé vừa nói với bố nó chuyện gì đấy lại vừa ngó ra đường. Giọt nước mắt hiếm hoi từ từ lăn trên gò má. Tự nhiên Xuân thấy đầu choáng váng, tay chân rời rã. Cô gục dần, gục dần xuống gốc cây sấu ngay trước cửa nhà mình.
TRIỆU ĐĂNG KHOA 


Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Con gà đại tướng

Tiếng gà gáy,
Cất cao tiếng gáy vang oanh liệt,
Hà cớ sao người nỡ xuống tay ?
Bỗng dưng tiếng gáy lạc loài,
Xót thương thân phận đến ngày ra đi !
NM

Con gà Đại tướng

Rõ là một Đại tướng! Chú gà ấy bộ dạng uy nghiêm, hùng dũng quả rất xứng danh Đại tướng bởi mang hai dòng máu bố chọi và mẹ kiến
Nó thừa hưởng của bố cái vóc dáng cao to, lực lưỡng. Còn mẹ? Đó là bộ cánh sặc sỡ điểm vàng, điểm tía, điểm xanh. Lũ gà mái tơ ngây người, tít mắt đến quên bươi mỗi khi Đại tướng dạo gần…
Khuya mờ đất, Đại tướng đã lục cục trong chuồng. Nó đập cánh bình bịch, dõng dạc cất một tràng dài ò o giật nảy cả xóm làng. Chuỗi ò o như hiệu lệnh báo thức đám “bộ hạ dưới quyền” còn mải ngủ say. Cả chuồng gà lập tức nhộn nhạo, xôn xao. Mẹ con mái Hoa chiêm chiếp, tùng tục. Lũ gà choai chen ra cửa, cãi kình nhau oang oác. Thằng trống non phởn chí cũng ngửa cổ lên trời, tít mắt, cố rặn một tràng cụt lủn: Kéc… ke…
Đại tướng xuống chuồng đầu tiên. Tất nhiên! Nó đường bệ phi lên đống rơm, khom người xem xét “bộ hạ” đang lũ lượt… duyệt binh. Xong, Đại tướng mới quay lưng, ngửa mặt lên trời, lại bình bịch cánh, lại một tràng dài ò o. Giọng nó trầm hùng, sang sảng, âm vang như tiếng chuông đồng!
Đại tướng là nhà vô địch. Từ lúc bắt đầu làm chú trống trưởng thành, Đại tướng đã là nhà vô địch. Thể lực tuyệt vời của gà chọi, cộng với máu hăng, nhanh nhẹn và những miếng đá hiểm của gà kiến khiến Đại tướng không còn đối thủ. Thời Đại tướng sung sức, từng có không biết bao nhiêu tên chọi nòi chính cống, dòng dõi mười mươi phải cắp… cựa chạy dài. Dân chơi gà chuyên nghiệp cứ nài nỉ hỏi mua. Bố lắc đầu bảo để làm giống. Thật tình, còn thêm một lý do khác. Ấy là bé Mi. Bé Mi yêu con Đại tướng từ lúc nó còn là một chú gà con lích rích, ngày ngày chạy theo bé vòi dế cơm, châu chấu, thằn lằn…
Ấy là nói chuyện ngày trước, chứ bây giờ thì Đại tướng đã già. Tuy già nhưng cái oai danh lẫy lừng một thuở vẫn còn. Bằng chứng là lũ trống tơ không con nào dám xâm phạm “lãnh địa”. Cứ nhác trông đôi mắt diều hâu, nhác nghe tiếng gáy quen thuộc “ò o” là lảng xa, nem nép. Mà không riêng lũ gà trống, cả ngan, cả ngỗng, cả chó mèo cũng thế. Chúng “kiềng mặt” Đại tướng đến mức lỡ có “xung đột quyền lợi” vì mẩu xương cá hay vài hạt cơm thì bọn to xác ấy cũng chỉ “khống chế hành vi” ở mức gầm gừ, quàng quạc cãi vã chơi chứ không dám “ẩu” với chiếc mỏ khoằm cong ánh thép và cặp cựa nhọn, dài! Tranh để mà tranh, thực tình, Đại tướng cũng chẳng thiết ăn.
Những của tầm phào ấy, Đại tướng đem làm quà biếu các chị mái tơ. Mổ lên thả xuống, cục cục một tràng, vậy là các nàng mái tơ te tái đổ xô đến, vây quanh. Đại tướng đứng gật gù, âu yếm nhìn đám “phu nhân” hớn hở tranh cơm, tranh thóc, tranh xương. Nói vui, chỉ còn thiếu một bàn tay đưa lên thong thả vuốt “râu”, hẳn Đại tướng sẽ càng giống y một lão đại tướng thứ thiệt với bao chiến tích xông pha trận mạc, và bây giờ đang vui vẻ cùng vợ con sau khi ca khúc khải hoàn vang lên.
truyen-ngan-con-ga-dai-tuong-quan-hinh-anh-1
Ấy vậy mà, Tết này, gà Đại tướng sẽ… vô xoong!
Nó già quá, bố bảo: “Giống không còn tốt. Làm thịt thôi!”. Bé Mi rụng rời. Thịt con Đại tướng ư? Quả tình, bé rất mê thịt gà nhưng tưởng tượng đến cảnh con Đại tướng vô xoong bé lại thấy chẳng ngon lành gì! Bé liếc mẹ, cầu cứu. Mẹ trù trừ: “Nó già, thịt dai nhách, ăn uống gì? Cứ để nuôi làm cảnh. Lỡ rồi…”. Mắt bé Mi sáng lên, đầy hy vọng. “Không sao! Mẹ nó cứ mua măng. Ta sẽ hầm măng, hầm nhừ. Trời ạ, ấy mới thật hết đường!”.
Viễn cảnh Đại tướng vô xoong thành chắc chắn, không sai! Bé Mi hầu như muốn khóc. “Gà nuôi là để ăn thịt, không ai lại nuôi gà làm cảnh”, bố bảo thế với Mi.
Biết vậy, nhưng Mi vẫn cứ buồn thiu. Mi nhớ đến ngày Đại tướng còn là một chú chíp con lông vàng lẽo đẽo theo Mi. Mi nhớ đến Đại–tướng–trống–choai, lộc ngộc cao to mà vẫn khờ đặc, không biết “theo mái, chỉ nhăm nhăm chờ cô chủ bồng, vuốt ve để lim dim mắt, cổ họng bật ra những tiếng rên khoái trá cồ ồ… cồ ồ…
Còn nữa, còn cái lần Mi ôm Đại tướng trốn đi vì sợ khách hỏi mua. Rõ ràng, với Mi, Đại tướng không còn là con gà bình thường, mà là một thành viên gia đình, một đứa em. Thịt Đại tướng ư? Không ổn. Phải ngăn ba mẹ. Phải có cách gì đó ngăn ba mẹ. Cái “cách gì đó” bé Mi nghĩ mãi, nghĩ mãi, hết ngày rồi đến đêm mà vẫn chưa ra. Mai là ba mươi Tết. Bố mẹ sẽ thịt gà vào ba mươi Tết. Cái “cách gì đó” cần phải nghĩ ra, phải thực hiện gấp hôm nay!
– Này, tối qua em quên đóng chuồng gà phải không?
– Đâu? Em chốt kỹ rồi mà!
– Chốt đâu mà chốt? Con Đại tướng sổng rồi.
Quả thật, Đại tướng đã rời chuồng tự lúc nào, đang ngẩng cao đầu, hùng dũng ò o trên chót đống rơm!
“Làm sao đây?”, bố nhăn mặt. Mẹ ca cẩm. Chỉ có bé Mi cười thầm. Rụt đầu trong chăn, bé giả vờ ngủ nhưng thực ra bé không ngủ. Con Đại tướng đã sổng chuồng. Và vì sao con Đại tướng sổng chuồng, thú ghê, chỉ mình bé biết.
Nhưng bé không cười được lâu. Bé lò dò ra sân đã thấy bố vốc thóc, ngồi xổm, miệng cục cục. Con Đại tướng từ đống rơm vù xuống, dáo dác nhìn quanh, e dè tiến lại gần. Ban đầu, nó nghi ngại, dừng bước. Nhưng sau, chắc nghĩ mình là Đại tướng mà rụt rè e xấu hổ với “ba quân” nên nó lại ngẩng cao, đường hoàng dắt cả lũ gà mái, gà choai xúm xít ùa vào. “Oác” một tiếng, bé Mi chỉ kịp thấy bố nằm xoài, con Đại tướng đã bị túm chân, giãy đành đạch. Cả đàn gà bay tán loạn.
Bé Mi điếng người!
Trưa, mẹ đun nước. Bé Mi thấy bố mài dao. Con dao sáng loáng, lạnh lùng. Rồi bố vào chuồng, túm Đại tướng mang ra. Bố lại ngồi xổm, kẹp cánh, kẹp chân. Con Đại tướng lúc lắc đầu, ngơ ngác. Hình như nó vẫn chưa hiểu vì sao ông chủ lại tàn nhẫn với nó. Nó nhìn bé Mi cầu cứu, đôi mắt diều hâu chơm chớp, cổ họng đưa ra những tiếng rên ảo não cồ ồ, cồ ồ…
Mặt bé Mi tái nhợt. Nước mắt lưng tròng.
Bố không để ý. Bố vừa giơ dao, toan cắt tiết, đã nghe tiếng bé òa khóc. Bố hốt hoảng buông dao, nhìn bé. Vừa khóc, bé vừa bệu bạo: “Đừng, đừng giết Đại tướng, bố ơi”. “Không giết nó, thịt đâu mà ăn Tết? Con không thích thịt gà sao?”. “Không! Con không thích thịt gà. Con không thích thịt Đại tướng. Bố… híc, bố… đừng… giết…”.
Mẹ bỏ bếp chạy ra. Mẹ nhìn bố. Bố nhìn mẹ. Mẹ lại nhìn bố rồi mẹ lắc đầu. Cái lắc đầu khiến bố hiểu ý, ngừng tay. Con Đại tướng được mở trói đứng rùng mình, dậm dậm chân, rồi đủng đỉnh đi về phía góc sân. Bình bịch cánh, nó lại gân cổ ò o. Hình như nó cho cái sự cố vừa qua là chuyện vặt, chẳng xứng cho sự quan tâm của một Đại tướng từng xông pha trận mạc, tăm tiếng lẫy lừng.
Tết năm nay, nhà bé Mi không có thịt gà!
Ấy vậy mà chưa năm nào bé cảm thấy cỗ Tết ngon hơn. Không khí Tết cũng vui hơn. Tinh mơ đầu năm, cái giọng kèn đồng của con Đại tướng đã rúc oang oang. Bố cười:
– Cha! Đầu năm to tiếng gớm chưa? Cứ theo lời ngài Đại tướng, năm nay nhà ta tha hồ mà phấn chấn, phát tài.
Y Nguyên

 MỘT CON CHÓ HAY CHIM CHUỘT
Hôm ấy, cụ Bá ông quả quyết mở ví tiền để trả cho anh lái chó cái giấy bạc một đồng. Cụ sung sướng cực điểm vì rằng con Vện mà cụ mới mua đấy, theo ý cụ, là một con chó có... dị tướng: béo tốt, chân thấp, mồm và tai vừa nhọn vừa ngắn, mặt trùn trùn gẫy gập như mặt giơi, lông đã hung hung lại có vằn đen như lốt hùm.
Cụ đã khoe với cả xóm rằng ai nuôi được thứ chó ấy ắt sẽ có nhiều dịp phát tài - giống chó cũng có tướng như giống người, mà con Vện của cụ thì lại quý hơn các thứ chó huyền đề hoặc là tứ túc mai hoa vì nó có tướng ngũ đoản.
° ° °
Chẳng hiểu cụ Bá xem tướng con Vện có đúng hay không! Sau khi có nó ba bốn ngày, chưa cho cụ được dịp phát tài đâu, nó đã vồ lấy ống chân cụ Bá bà mà ngoạm luôn cho một ngoạm. Tuy rằng mấy cái răng ngập vào thịt cũng không sâu cho lắm, nhưng cụ bà bị toạc mất hai tấc váy lĩnh: cái triệu chứng hao tài!
Có lẽ tướng ngũ đoản cũng chẳng đáng quý bằng cái váy lĩnh nên chi cụ ông, mặc dầu đã hết sức can ngăn và hạch lại cụ bà rằng "Mới thả cũi nó một ngày nó chưa quen hết người trong nhà, ai bảo bà đã đi về khuya lại không đánh tiếng", cụ cũng chẳng giựt nổi của cụ bà cái đòn ống to tướng lúc ấy cứ giáng xuống lưng con Vện như mưa...
- Này cắn trộm! Này phản chủ với bà!
- Ẳng ẳng ẳng ẳng!
Con Vện trong lúc chịu đòn, chỉ biết kêu có thế, nước mắt chảy ra ràn rụa, trông cũng đáng thương hại lắm.
Thất bại trong cuộc làm thầy kiện cho con chó có dị tướng ấy, cụ Bá ông hậm hực mất đến vài ngày, và khách hàng của cụ, từ đó cũng phải một phen kệch. Bốn chiếc răng nanh chẳng dám dùng đến nữa, từ đấy, hễ thấy người lạ mặt, con Vện chỉ đành gừ gừ một cách cho phải phép, hay là, quá lắm, cũng chỉ đến gâu gâu rất suông. Cái bực tức ấy thật chẳng khác gì cái bực tức của những ông quan viên nào đi che tàn, xuống xóm những tưởng sẽ được hưởng thế nọ... thế này, mà kỳ chung chỉ được có một chầu chay thôi vậy!
° ° °
Vẫn biết cắn là một tính thiên bẩm của loài chó thật song le, bất cứ lần nào, hễ Vện ta vừa rụt chân, rụt cổ, ngứa mồm nhe nanh, hừ một cái, là tức khắc bị những người suỵt suỵt ầm lên, cho nên nó nghĩ ngay đến cái đòn ống, lại cho rằng sự mình bị quát mắng là một điều áp chế, nó chui ngay vào gậm phản mà nằm rồi nhìn thế sự bằng cặp mắt bàng quan. Nếu nó biết nói, ắt nó đã làm một câu: "Chặc! Thì ông mặc kệ".
Dần dần, nó chỉ biết đến bữa thì ăn, ăn xong tìm chỗ nào cao ráo, ít ruồi, ít muỗi, đánh một giấc, cái đầu đặt giữa hai chân trước như người nào đến cái tuổi mũ ni che tai... Nhưng mà các cụ nhà ta đã bảo rằng nhàn cư vi bất thiện.
Cứ ngày nào cũng đủ hai bữa, sáng ngủ đến 9 giờ mới dậy, buổi trưa nào cũng la siết 1 một giấc, cuộc đời như vậy cũng tẻ ngắt. Vện ta phải nghĩ đến cách tán gái cho qua thời giờ. Đã không phải vất vả đến thân lúc nào lại được ăn chơi mặc thích, Vện càng ngày càng béo tốt, lông cứ mượt mà như nhung. Trông cũng có vẻ công tử bột lắm. Bộ mã đã bảnh bao cố nhiên trên đường tình dễ đắc thắng: cái tiếng chơi bời của Vện chỉ trong ít lâu đã lừng lẫy cả xóm: Vện đã nặn thêm ít nhiều xuất đinh cho cái "xã hội có mõm" và hễ cứ nhà nào có chó cái là phải thấy tiếng "quấy khóc" của đàn chó con lau nhau. Thì ra Vện cũng có số đào hoa như Người vậy.
° ° °
Nếu có ai được mục kích công tử Vện tán gái thì mới rõ tâm lý phụ nữ, với những cái thế lực của những bộ mã giẻ cùi.
Không có mùi soa nhưng lại thích cái mốt quay quay mùi soa đằng sau gái nó là cái mốt của bọn đệ tử đảng "Càn Long" ở Hà thành, trước mặt gái, Vện ta cũng vẫy cho đuôi luôn luôn phe phẩy, loanh quanh vài vòng thè lưỡi, ghé mũi, hết sức bầy tỏ tấm lòng khuyển mã, ấy chỉ có thế mà các "tiểu thư" Vàng, Bông, Cún, Mực, cô nào dữ và "lắm điều" vào bậc nhất, và có răng nanh nhọn nhất, cũng không nỡ cự tuyệt con... người có duyên một cách lạ ấy, cũng cảm ngay. Thật vậy, Vện chẳng bị tẽn hoặc bị cự tuyệt bao giờ.
Trò đời vẫn thế: thấy ai hơn mình là phải ghen ghét. Những chó vô duyên khác thường họp đàn họp lũ nhau rồi đến tận nhà cụ Bá gây sự với Vện luôn thôi! Không hề gì, cũng là hạng "có một vài miếng" nên Vện cũng chẳng sợ. Lắm khi một mình cự địch với ba bốn cũng vẫn thắng trận như thường. Cho nên từ các cô êu đài các đến các cô êu nghèo hèn, không một "mẻng" nào mà lại thoát cái phong tình của Vện. Không phải con chó ấy tham lắm, nhưng những khi chim chuột những hạng không có nhan sắc, dễ thường nó muốn thực hành cái lý thuyết: Mùi nhang đã trải, mùi dầu thử chơi! Nói cho đúng ra, Vện lại còn muốn được đời khen mình là yêu bình dân, vì sự thực thì Vện cũng có óc "hoạt đầu" dữ lắm.
° ° °
Nhưng mà có một lần, cái đàn những anh tình địch của Vện đông quá; dễ đến mười mõm ấy; thảy đều vây quanh lấy Vện mà vồ, mà nhá, khiến cho, không chống cự nổi nữa, Vện phải hộc tốc chạy về nhà, chui tọt vào gậm giường đứng giữ thế thủ cẩn thận rồi nhe nhanh gừ gừ ra ý thách:
- Chúng mày có giỏi, vào đây với ông!
Đàn kia.. không có con nào dám vào, chỉ đứng ngoài mà gầu gầu rầm lên ra ý chửi bới và văng tục.
Thật cũng chẳng may cho Vện quá, vì ngày hôm ấy cụ Bá có giỗ tổ, giữa lúc ấy lại nhằm lúc cụ bà đương xới cơm cúng, và cụ ông đương kính cẩn khấn khứa trước bàn thờ.
Bỗng dưng thấy tiếng chó sủa kinh thiên động địa, nhìn ra lại thấy toàn một lũ "đầu trâu mặt ngựa" đương đứng xúm nhau giữa cửa để chõ mõm vào mà tự do chửi rủa tàn tệ, mà dưới gầm thì là Vện, biết ngay lại chuyện ghen tuông chi đó, bực mình và sợ bất kính trong lúc cúng tế, cụ Bá ông quên cả chân mình đương có bít tất bông trắng nõn, nhẩy ngay xuống đất vớ cái lau màn, ra dẹp tan lũ "ưng khuyển" rồi mới quay vào giọt cho Vện một trận không tiếc tay.
Thói thường chó đen giữ mực, Vện cũng chẳng chừa.
° ° °
Đêm ấy, một đêm giăng thanh gió mát, nhân khi cao hứng, Vện phá rào chui ra ngoài đi với tình nhân. Giữa lúc hai bên chỉ non thề biển nặng lời trên con đường nhỏ giáp với lũy tre quanh làng nó cũng là một thứ "con đường Cổ Ngư" 2 chẳng hạn, thì một chú Cược thừa cơ chui qua cái chỗ hở ở giậu, vào sân tự do lấy mất cái chậu thau đồng.
- Thấy sột soạt tiếng động lúc trộm đã chui ra, cụ Bá gọi Vện mãi chẳng thấy đâu, phải lật đật ra sân soi thì... hỡi ơi nông nỗi!
Cách đấy vài phút, Vện lại chui qua lỗ hổng mà vào, hai mắt lấm lét nhìn trộm chủ, ra vẻ lo sợ chẳng hiểu đương đêm soi đèn và gọi mình làm gì thế kia... Thấy Vện có vẻ khả nghi, cụ Bá nhìn đến hàng rào rồi thất kinh chạy đến chỗ hổng. Rành rành một mảng lông mắc gai theo cái triều lưng của Vện lúc chui ra vẫn còn sờ sờ ở đó, cụ biết ngay ra là thủ đoạn của Vện, là nhờ Vện thì chú Cược mới được thừa cơ!
Giữa lúc cụ đương tiếc đứt ruột, cô Khoang, một con chó trông có quý tướng lắm, tứ túc mai hoa, "gót sen đẹp nõn", thật đáng gọi là... hoa khôi của làng êu, cũng chui qua giậu mà vào. Cô vào gừ gừ một câu nũng nịu những tiếng oanh thỏ thẻ muốn đại khái nói; "Giữa lúc này, gió mát trăng thanh mà chàng nỡ bỏ em, vậy thì chàng không coi cái ái tình cao thượng của đôi ta ra sao nữa ư?" Còn Vện giữa lúc ấy đã là một kẻ phạm nhân, mà cũng cứ tự do mơn trớn tình nhân, không coi mặt cụ Bá vào đâu sất cả!
Chẳng thèm nghĩ đến "cặp uyên ương" cụ Bá bèn lấy gậy vụt cho cả đôi một cách phàm phũ. Giận đến cực điểm, lại đau đớn về nỗi mắc lừa cái tướng ngũ đoản, cụ quả quyết chỏ tay lên vầng giăng mà thề độc: hễ có khách là trị tội, bắt Vện phải chịu... giềng hình!
° ° °
Khách lại là chúng tôi.
Muốn an ủi cụ Bá, chúng tôi phải nói chế đi rằng:
- Chó ngũ đoản chẳng hiểu có lợi gì cho người nuôi không, nhưng mà chén thì kể cũng đường được.
Trong lúc giốc bầu say tỉnh, chúng tôi chợt nhớ đến lúc con chó Khoang sang xem cuộc hành hình người yêu của nó. Ôi, thật là một sự chung tình đáng làm gương cho giai nhân tài tử ở đời soi chung!
Thấy con Vện bị trói chặt bốn chân, tiết ở cổ ứa ra như suối, con Khoang vẫn cứ chạy quanh cái chỗ gớm ghiếc ấy để liếm vào mình mẩy con Vện ra ý thương xót. Còn Vện thì nước mắt ràn rụa, khóc như một người thật. Nếu biết nói như người, hẳn nó đã nói: "Em ơi, anh chết vì em đấy! Thôi cũng là dịp cho anh tỏ dạ hy sinh tính mệnh để phụng sự ái tình!".
Nhưng những tư tưởng tốt đẹp ấy chỉ được phô diễn bằng mấy tiếng:
- Ẳng ẳng ẳng ẳng!
Vũ Trọng Phụng 
1934

 
Nương tựa
Hữu duyên nương tựa chốn thiền môn,
Phúc phận cho người khắp mọi thôn...
Đâu biết nơi đây âm thầm khóc,
Bao điều ước nguyện ắt vùi chôn !

Pháp Phật cao siêu rất nhiệm mầu,
Cứu người, cứu vật thậm cao sâu...
Tâm lành như ý ngày sau đến,
Thuyền Từ dẫu khẳm có chìm đâu ?
NM

Nuôi heo trong chùa

“Chùa mà cũng nuôi heo”. Người ta nói thế không biết khen hay chê. Nhưng chắc chắn chuyện này lạ, và gây tò mò. Nhiều người đến chùa chẳng phải với mục đích viếng Phật mà chính là vì hiếu kỳ, muốn chứng thực coi cái điều đồn đại ấy có đúng không. Vớ vẩn thế!
Con heo này thầy nuôi lâu lắm rồi, từ bữa mới về trụ trì đây cơ. Một buổi chiều tình cờ trong vườn chùa lạc vào một con heo, hình như nhà ai đó cúng tạ lăng mới phóng sanh. Đã phóng sanh thì chẳng lẽ bắt lại? Nhưng sao nó lại lạc vào đây. Chắc tại vườn chùa nhiều cây cối, mà ở đời cái sự trốn tránh luôn tìm nơi rậm rạp. Vậy người tu hành có phải trốn tránh không mà vườn chùa cũng rậm rạp?
Lúc đầu sư thầy chẳng có ý định bắt giữ. Thầy nghĩ heo nó khôn lắm, thế nào rồi cũng tìm về cái nơi được sinh ra. Nhưng suốt hai ba hôm sau con heo vẫn đi long nhong quanh vườn, phóng uế lung tung, thi thoảng lúc thầy đang tụng kinh trong chánh điện lại nghe tiếng khịt khịt trái tai. Chẳng đặng đừng thầy phải đóng bốn cọc tre, nẹp mấy tấm ván bìa xung quanh làm thành cái chuồng. Ném vào trong ít ngọn rau khoai lang, thế là con heo chui ngay vào nhai ngon lành. Thầy khóa cửa chuồng lại, tạm thời cứ cho nó sống ở đây, mai mốt có ai đến xin thì thầy cho. Nhiều khi đấy cũng là một cái duyên, nó có mến chùa thì mới đến. Mà cũng có thể là nghiệp của con heo, trải qua mấy ngàn lần tích lũy công đức tiền kiếp mới được thế này. Và nhà Phật gọi cái đức ấy là căn tu.

Nhiều người đến viếng chùa thấy lạ, rỉ tai nhau. Từ bữa đó chùa đông người đến thăm viếng hơn. Thầy nghĩ nơi này hẻo lánh, đạo Phật chưa ai biết. Nhờ con heo mà người ta đến chùa thì cũng là một điều hay. Chùa được giáo hội phong hiệu tự đàng hoàng, song, người ta quen gọi ngôi chùa heo, hơi thô thiển nhưng không thể trách. Gọi thế cũng như dân gian hay gọi tên quai nôi, mà tên quai nôi thì có đâu sang với đẹp.
Cũng may heo là loài ăn chay được, chỉ cần rau ráng ngũ cốc thôi. Xong bữa cơm còn đồ thừa thầy đem đổ vào máng cho nó. Rồi thầy phát quang mảnh đất cỏ rậm sau nương chùa, trồng khoai lang. Người mới khó nuôi chứ heo thì dễ, cho gì nó ăn nấy. Ăn như heo. Thành ra có nuôi heo cũng hay, tận dụng được những thứ thừa thãi. Bậc tu hành vốn sống nhờ công đức của chúng sanh, mỗi miếng ăn phải biết quý trọng công sức lao động của người đời.
Con heo lớn nhanh, thầy phải nới cái chuồng ra rộng thêm cho nó có chỗ đi lui đi tới. Nhờ chay tịnh mà con heo láng mịn, da lông mọc thưa. Chỉ có điều nó là con heo cái, dân mình hay gọi heo nái, nhưng nó có đẻ đâu mà gọi là nái.
Người đến chùa vô tình buột miệng, con heo này phối đực được rồi đấy. Phỉ phui cái miệng, nhà chùa không ủng hộ chuyện đó. Trong mầm sinh có chủng tử khổ đau, có manh nha tử biệt. Sinh trụ hoại diệt là quy luật muôn đời của loài hữu tình, cũng là nghiệp chướng mà nhà Phật phải vượt qua để đạt giải thoát.
Vào kỳ động dục, con heo cái cứ dũi mõm sủi đất nền, húc phá bốn bức thành, thức ăn đổ vào nó vớt vát qua quýt vài miếng rồi đẩy lật cái máng đi. Tham dục vốn là căn nguyên của mọi tội lỗi. Phá một hồi chán nó lại nằm ì ra giữa nền. Sư thầy đưa tay vuốt dọc từ đầu nó xuống tận đuôi, như an ủi động viên, như cầu mong thứ lỗi. Thầy không thể làm khác được. Có người nói như thế là ác. Trời sinh ra có đực có cái thì phải cho nó đến với nhau chớ.
Nhờ sống cảnh thanh tịnh, ăn chay tịnh riết con heo cũng bớt dần cái tham đắm bản năng ấy. Cứ mùa dậy cái sau lại bớt quậy phá đi. Nhưng cội rễ si mê thì khó bỏ lắm. Nó nằm ì ra, chán ăn. Ngó đâm tội mà chẳng thể cho nó toại nguyện. Vào chùa là chấp nhận những nguyên tắc ràng buộc để về sau được giải thoát. Thôi coi như kiếp này nó chấp nhận tu hành hòng kiếp sau được đầu thai làm người. Mà kiếp người cũng khổ chớ sướng sung chi đâu. Ừ, nhưng đấy là sự đầu thai gần nhất để thăng lên cõi Phật.
*
Khi Sanh vào chùa cạo đầu làm chú tiểu thì con heo đã được mười tuổi rồi, ở chùa nên tuổi heo cũng gọi là tuổi đạo. Nó cũng tu mà, có khi còn tu nhiều hơn con người nữa là khác. Mỗi lần hai thầy trò tụng kinh thì con heo nằm oẹp xuống, hướng mũi vào trong chùa, tai vểnh lên như nghe kinh, mắt nhắm lại chẳng khác nào nhập pháp.
Con heo được nuôi nấng và chăm sóc chu đáo. Quanh năm, ngày nào hai thầy trò cũng múc nước tắm cho nó. Mùa nóng thì tắm bằng nước giếng, mùa lạnh pha thêm nước sôi cho ấm. Điệu Sanh xắn tay áo lên, cầm một cục sỏi to cọ quanh mình con heo.
Từ khi có chị bán vải, cái chị không sinh được con đã ly dị chồng ấy, đến chùa thì chị đỡ đần giúp. Dù sao có bàn tay phụ nữ mọi việc thu vén chăm bẵm cũng tốt hơn nhiều. Con heo coi chừng thích được chị chăm sóc, nó nhắm nghiền mắt lại vẻ thích thú mỗi lần được chị cọ xát lên da. Chị xoa tay vào chỗ bụng con heo, sờ mấy cái núm xám đen rồi chép miệng: “Thế này mà không đẻ đái được gì cũng buồn”. Điệu Sanh đứng bên ngoài buột miệng: “Tại thầy không cho nó đẻ đấy”.
Trái ngoắc vậy đó, người muốn có con thì chẳng sinh được, kẻ sinh được lại không ai cho. Chị thèm khát mong mỏi có được cái diễm phúc làm mẹ mà chẳng được. Nhiều khi chị nghĩ nếu mình đổi phận với con heo thì có lẽ hay. Cho nó ra ngoài mặc sức sinh con, để chị vào chùa ở chay ở nể. Nhưng nghĩ là nghĩ vu vơ vậy, chớ có căn tu cả đấy. Lâu nay chị vốn là một đệ tử sùng đạo Bổn sư, một phật tử thân tín nhà chùa, năng lui tới thăm viếng và đóng góp công quả. Chỉ chừng ấy thôi thì tốt, còn cạo trọc đầu làm ni sư thì khó lắm.
Con heo cái lớn hết cỡ, bụng phình xệ xuống chạm sát nền chuồng, đi lại khó khăn. Suốt ngày nó nằm một chỗ, mắt nhắm nghiền, thở nhẹ, thi thoảng co duỗi chân cựa quậy một chút cho đỡ tẻ. Những ngày chùa có lễ, bà con Phật tử đến đông, cứ vây quanh cái chuồng ngó con heo cái. Người tỏ vẻ thích thú khi ngắm lớp da dẻ trắng hồng của nó, heo nái ở ngoài nhăn nheo chớ làm sao được khuôn dung như thế. Người lại cảm thương cái phận nằm chờ vô thưởng vô phạt, lại tiếc khi ngó mấy cái núm ú tròn ở bụng heo, giống này mỗi lứa phải sinh được trên chục con bụ bẫm chứ chẳng phải chơi. Đa phần người ta mủi lòng thương, bảo thầy nhốt chi con heo, kìm giữ cái khát khao sinh nở của nó. Lạ một điều là người ta không bao giờ biết rằng cuộc sống trần tục vướng nhiều sự khổ não hơn. Chẳng thương lấy cái thân mình trong cõi cuồng mê, lại bận tâm trắc ẩn cho kẻ khác.
Những ngày sóc vọng như thế chị bán vải ở miết trong chánh điện, phụ lo dầu đèn, lau quét tàn nhang, ai đưa hương hoa đến viếng thì chị nhận rồi sắp đặt. Nhất quyết chị không ra chỗ chuồng heo, cứ như thể sợ người ta nhắc đến chuyện sinh đẻ thêm buồn.
Tiếng tăm ngôi chùa heo lan xa. Tiếng tốt tiếng xấu đều có. Thiên hạ đồn đại thêu dệt trăm chuyện như mộng. Người bảo con heo là hóa thân của vị Bồ Tát từ cung trời đâu suất giáng hạ nhập thế. Ai muốn cầu xin điều gì cứ đến vườn chùa, khấn thầm rồi sờ tay vào con heo là được. Kiểu như các sĩ tử đến mùa thi đổ xô vào Văn Miếu xoa đầu các cụ rùa đá để mong đỗ đạt.
Thế là con heo cái lạc loài bỗng dưng được hóa thiêng. Người ta kiêng cữ, không gọi nó bằng cái tên heo phàm tục nữa mà xưng chung chung là Chú, như gọi một chú tiểu. Ai đến chùa đều nói ra vườn thăm Chú. Người ta càng sùng bái Chú chừng nào thì thầy thêm lo chừng nấy. Đạo Phật là chân tín, không chấp nhận những trò mê muội đó. Sư thầy bước ra chuồng, nhìn con heo cái nằm an nhiên, yên trí rằng nó đang thiền định. Tâm nó từng ngày lãnh nhận dần những quả đắc lợi. Chẳng có thần thánh thiêng liêng gì đâu, sư thầy chỉ nghĩ đơn giản là con heo có căn tu.
Chị bán vải đến chùa thường xuyên. Cái tâm chị tốt, muốn nương tựa vào tam bảo như một bến bờ vững chắc, và chị làm thiện nguyện chỉ mong phần đời còn lại được sống an lạc, chẳng đòi hỏi gì hơn. Thế nhưng đàn bà thường nhẹ dạ cả tin. Nghe người ta bảo bữa nhờ sờ vào tai Chú mà làm ăn khấm khá lên, một cô mãn kinh nói xoa đầu Chú thì hết bệnh nhức óc… Lúc đầu chị không tin lắm. Rồi nghe thêm mấy người khác nữa kể, chị đâm hoang mang, và tin. Ở đời đôi khi điều giả nhưng nhờ người ta nói hoài mà thành sự thật.
Lần thấy chị tắm cho heo, điệu Sanh hỏi: “Cô có xin Chú điều gì không? Cô tắm cho Chú hoài thể nào xin cũng được”. Vừa lúc ấy chị lần tay xoa vào phần bụng con heo. Chị nghĩ, giờ có xin cũng đã muộn. Rồi chị ngẩn ra cười méo mó, chắc mình có xin Chú cũng không thể cho, vì Chú cũng đâu có sinh được nhiệm mầu công lực ấy.
Buổi chiều chị xách làn từ chùa trở về nhà. Nước mắt tự dưng chảy. Không rõ đang thương heo hay thương mình.
ST