Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Viếng chùa Lá ngày mùng 5 Tết

 

Xuân Đi Lễ Chùa

Mùng năm Tết,
Tiếng cầu kinh nho nhỏ
Nơi chánh điện vắng người...
Không tiếng mõ ngân nga
Giữa thinh không,
Bỗng ấm lòng
Người đang quỳ bái lạy...
Chiếc thuyền Từ đưa người qua khổ ải
Biết bao lần con cố vượt bến mê !
Rồi đây trên lối đi về,
Mong tỉnh thức đưa con về bến Giác
NM
Chùa Lá còn gọi là chùa Huyền Trang ở Q7, năm nào hai cô cháu cũng đi viếng chùa ngày mùng 4 hay mùng 5. Chùa còn đang xây dựng, tất cả công trình hãy còn dở dang, chùa mang nét mộc mạc chân quê ngoài ra chùa vẫn còn đang nuôi một số trẻ em mồ côi
 Có chú mèo vá đen trắng, khg hiểu sao chú cứ lẩn quẩn theo chân, nhỏng nhẻo thật dễ thương, đặc biệt chú có đém lông màu đen giữa mũi và miệng trông giống như râu mép của chú hề Charlot.
Mèo con dễ thương! Gọi con là Charlot nhé vì con có đém lông đen trên mũi giống chú hề Charlot mong năm sau sẽ còn gặp lại con nữa
 Ôi số kiếp mình hoá ra chỉ có chó mèo thiện cảm hay sao đó
Ước gì nghe được tiếng chuông đánh lên nhỉ ! Sao mình thích nghe tiếng chuông chùa vang trong thinh không quá, nhưng tiếc rằng khg phải giờ công phu, trong tĩnh lặng tiếng đọc kinh của chú tiểu nhỏ nghe thật rõ và...thật gần !
Năm nay trong sân chùa có thêm vài tượng Phật, cây sala trổ bông ít hơn mọi năm nhưng hoa rất đẹp, trước sân bên ngoài chánh điện năm nay có thêm cây mai nhỏ dáng xinh
Những ngôi nhà tôle đơn sơ và các gian nhà cây thô chắp vá...Nơi đây chưa có công trình nào bằng gạch quy mô ngoại trừ chánh diện và cây cầu rồng bắt ngang qua con rạch nhỏ
Hoa cảnh đơn sơ bình dị mang sắc thái của ngôi chùa làng quê nghèo khiến người viếng dễ gần gũi hơn, so sánh chùa Lá với chùa Kỳ Quang thật là hai cảnh chùa khác nhau xa, cùng là chùa, cùng là nơi nuôi trẻ nhưng một bên quá giàu và một bên lại quá quá nghèo ?
Chuối bắt đầu chín cây rồi đây, cây sala cũng bắt đầu kết trái, ở đây như ở quê dừa nước thật nhiều mặc dù viếng chùa nhiều lần nhưng chưa một lần nào thấy trái chỉ có bụi ô rô mọc xen 
 
Hi vọng sang năm viếng chùa, cảnh quang sẽ tiến triển nhiều hơn nữa, quay lại bàn tiếp khách bên hông chánh điện đóng góp chút công đức nhỏ nhoi, sư thầy trụ trì đi vắng chỉ còn thầy quản lý đang giảng pháp cho một số khách tham quan, thầy gởi bao thư chúc Tết trong đó kèm theo những báo cáo về Phật sự từ thiện mà chùa đã giúp người nghèo trong năm, thật đúng là lá rách đùm lá nát !!





Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Khoảnh khắc đêm giao thừa

Phút Giao Mùa

Liên Khúc Phút Giao Thừa


Đêm Giao thừa,
Trong khoảnh khắc bỗng sáng bừng rực rỡ,
Pháo vang rền khai mở hội đêm xuân...
Xa thời xa gần cũng lại hoá gần.
Xuân đã đến trong sắc màu lễ hội

Tình xuân thắm xoá tan màu đen tối,
Sắc xuân về chan chứa khắp nhân gian...
Cha ngày xưa cứ ngỡ sắc Xuân tàn
Sẽ khg có một ngày xuân tái ngộ,

Giao thừa đến biết bao là ý nghĩa,
Nước mắt rơi mừng hội ngộ an vui
Đẹp lòng cha mang ý nghĩa cho đời
Xuân tái ngộ mang sắc màu hạnh phúc  
NM

Khoảnh khắc đêm giao thừa

Khoảnh khắc giao thừa đang đến gần, và hàng triệu con tim cùng hướng về một năm mới. Nhưng ở đâu đó trên những góc phố kia, trong những gầm cầu, vẫn có những con người đang mưu sinh, đang hy vọng, đang chờ đợi…
Thằng bé chạy tung tăng trên phố. Hôm nay nó kiếm được thật là nhiều, giá mà ngày nào cũng được như vậy… Đêm giao thừa năm nay, nó mua được một cái bánh chưng và kiếm vài ngọn nến giấu ở trong “cái ổ” dưới gầm cầu. Chỉ còn nửa tiếng nữa là năm mới rồi, thành phố dịp này thật là vắng vẻ và yên tĩnh.
Mấy hôm trước, người ta đổ hết về quê, khiến mọi con đường đều ùn tắc. Nhưng đó là lúc nó kiếm được nhiều tiền hơn cả. Nó cẩn thận để tiền tích cóp được trong một chiếc túi vải, buộc lại bằng dây dù, thắt nút vào con đỉa quần, rồi lại đút vào chiếc túi moi. Mấy ngày Tết chạy đôn chạy đáo, nhưng nó vẫn thật vui vì kiếm được nhiều tiền.
Phịch… Nó ngồi bệt xuống vỉa hè dưới gầm cầu, để bộ đồ nghề đánh giầy qua một bên, rồi lần mò moi chỗ tiền vừa kiếm được ra, xếp thành từng loại và gấp lại cho phẳng. Nó lẩm bẩm: “Đủ tiền mua xe đạp rồi”… Nó ngước nhìn lên…
Đêm giao thừa, ai nấy ăn mặc chỉnh chu, lác đác mấy chiếc xe sang trọng lướt qua. Nó tự nhủ: “Hôm nay chắc mấy cái công-te-nơ không làm phiền nữa…”, vừa dứt lời thì tiếng ai đó bất giác kêu lên, rồi có tiếng rồ ga của một chiếc xe máy. Chạy vội tới, nó thấy một ông lão đang ngồi trên mặt đất, đưa tay ôm chân, bên cạnh là chiếc xe đạp, bánh xe quay tròn.
“Để cháu giúp”, nó lật đật đỡ ông lão về vỉa hè, rồi dựng lại chiếc xe.
“Nhà ông ở đâu?”, nó hỏi với vẻ lo lắng. Ông lão nhịn đau, “Ở gần thôi…” rồi băn khoăn hỏi: “Cháu giúp lão nhé?”
“Vâng”, nói rồi nó chỉ tay qua cái ổ: “ông vào chỗ cháu ngủ ngồi đã”. Ông lão quay qua, chợt nín lặng, rồi gật đầu…
Hỏi địa chỉ rồi, nó chạy vụt đi.
*****
Bác tài điều khiển chiếc xe lao vút đi để kịp giờ đón giao thừa. Sau xe, một cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng đang ngồi ngắm đường phố. Người phụ nữ nhìn lướt qua ánh đèn hoa lấp lánh, khẽ giọng: “Thành phố bây giờ khác anh nhỉ”.
Người đàn ông trầm tư, ngả lưng về phía sau thở dài: “Mình đi hai mươi năm còn gì”.
Người phụ nữ tiếp lời: “Ba chắc cũng già đi nhiều. Em chưa hiểu được vì sao ba cứ nhất quyết không chịu qua đó ở cùng vợ chồng mình”.
Liếc nhìn vợ đăm chiêu, người đàn ông nhẹ giọng: “Ba có lý do mà. Có nhiều điều có thể em sẽ không hiểu. Cuộc sống sung túc đôi khi không phải là tất cả”.
Người phụ nữ hơi cau mày: “Anh giống ba, đến giờ em vẫn chưa hiểu, nơi đây thì có gì mà lưu luyến?”
“Có những điều em cần phải có cơ hội để cảm nhận bằng trái tim, nó rất giản dị, nhưng lại hàm chứa hạnh phúc… Ước gì anh có thể nói để em hiểu…”
Người đàn ông lặng nhìn đường phố, con đường vắng vẻ mà thời học sinh anh vẫn hay đi qua giờ đã mọc lên những căn biệt thự sang trọng. Anh đưa tay lên, liếc nhìn đồng hồ…
Kít… chiếc xe đột ngột phanh gấp rồi quẹo sang một bên, đâm vào vỉa hè. Bác tài nổi nóng rít lên: “Mày đi đứng thế à!”
Người đàn ông đặt tay lên vai bác tài: “Bác An à… Bình tĩnh!” Nói rồi anh vội xuống xe. Đầu chiếc xe hơi bị móp một chút. Trên đường, một thằng bé đang xanh mặt từ từ đứng dậy, “Cháu… cháu…”
Người phụ nữ xuống xe, lạnh lùng nói: “Xin lỗi thì có tác dụng gì”. Nói rồi cô rút điện thoại ra.
Người đàn ông im lặng nhìn cậu bé rồi quay sang nói: “Thôi em, xe nhà, mà sắp đến giao thừa rồi, ba đang đợi”. Anh quay lại hỏi thằng bé: “Nhà cháu ở đâu?”
Nó rụt rè chỉ về phía gầm cầu: “Ở kia ạ!” Mặt tái nhợt, thằng bé run run moi chiếc túi ra, cởi nút thắt, cầm cả mớ tiền được xếp ngay ngắn, ấp úng nói: “Cháu… cháu chỉ có ngần ngày thôi. Van xin cô chú đừng báo công an. Họ tới thì cháu mất chỗ ngủ…”
Người đàn ông nhìn thằng bé sâu hơn: “Chúng ta về chỗ cháu ngủ đã…”, nói rồi anh quay qua dặn bác An chờ xe.
Thằng bé dẫn người đàn ông đi, người phụ nữ níu tay anh, vẻ khó hiểu. Ba bóng người bước về phía cuối gầm cầu.
Tới gần chỗ mấy khối bê tông chặn lại, thằng bé luống cuống chui vào trước, nói nhỏ với ai đó: “Ông ơi, cháu xin lỗi…” Nói rồi, nó moi ra một cây nến và cái bao diêm. Ánh nến từ từ sáng lên, người đàn ông chợt nheo mắt, rồi kêu lên ngạc nhiên: “Ba! Sao lại thế này?” Người phụ nữ chạy tới: “Chân ba sao thế này?”
Ông lão nhìn hai con, từ từ nói: “Ba đi viết chữ về, bị đụng xe. Nhờ thằng bé về nhà báo. Hai con đã về rồi à? Bác An đâu?” Nói rồi, ông lão liếc nhìn qua thằng bé: “Cháu ổn chứ?” Nó gật gật đầu.
Gió lạnh, hương hoa sữa thoảng qua, và bất chợt những làn pháo hoa bắn lên, báo hiệu thời khắc giao thừa đến…
Ông lão trầm tư, ngoảnh sang hai con nhẹ giọng nói: “Tết cổ truyền, đêm giao thừa, gia đình sum họp, mà chúng ta ở đây cũng là ba thế hệ rồi”.
Thằng bé như chợt nhớ ra điều gì, luống cuống mò từ trong góc một lon Coca, hai cái cốc, một chiếc bát, và một chiếc bánh chưng, lí nhí nói: “Cháu chỉ có ngần này thôi”.
Bốn người ngồi nhìn nhau trong khoảnh khắc đó, dưới bầu trơi lung linh rực sáng pháo hoa. Người phụ nữ nghẹn ngào mở lời: “Ba, con đã hiểu. Cái Tết này thật là ý nghĩa…”
Nói rồi, cô đưa tay ra kéo thằng bé, đôi mắt rưng rưng: “Con về ở với cô chú nhé?” Thằng bé lặng đi…
Ông lão nhìn con dâu hồi lâu, rồi gật gù mỉm cười: “Cuối cùng ba cũng có cháu đích tôn rồi…”
Bầu trời đêm giao thừa rực sáng tình người…
Thanh Phong

Mai trắng năm xưa,
Nhớ hoài mai trắng năm xưa,
Đêm đêm hoa nở dù chưa xuân về...
Ta thường trong mộng nhớ quê,
Xuân dù có đến ngày về còn xa..
Thương thay giấc mộng Nam Kha,
Nửa đêm thức giấc quê nhà viễn khơi
Vay đời một kiếp rong chơi,
Tình quê luôn sống ngàn đời trong tim
NM

 Tết, Hương Nhà Ngày Đã Một Xa

Khá lâu hai chữ “ăn tết” chừng như không còn làm cho những người xa nhà xôn xao nữa, bởi không xa nhà như Nguyễn Bính, cách một hai lần đò, chúng tôi xa nhà vạn dặm không con đò nào đưa về quê được nên nhớ nhà chỉ còn cách duy nhất là lần về bằng trí nhớ, mà một khi trí nhớ hao mòn thì giống như thanh tre gát trên cầu khỉ gãy ngang, gây hụt hẫng cho người lần dò lấy nó mà đi cho dù con sông mà nó bắc ngang chỉ trong gang tất.
Khi cái mát lạnh của mùa xuân phảng phất thì chừng như những ngày tết đã cận kề. Nhớ như in về mẹ, những ngày này bận rộn nhưng môi mẹ chừng như không ngớt mỉm cười. Gia đình sống phiêu dạt theo chân cha trên nhiều tỉnh thành nhưng cái chất quê ngọt ngào không hề phai trên đôi vai của mẹ. Chiều 23 Tết trong khi mọi nhà cúng kiến ông Táo về trời thì nhà mình lại im ắng trước mâm cơm thường nhật. Sau bữa cơm mẹ kêu mình ra thử bộ quần áo mới mẹ vừa mua, cái cảm giác thử áo theo mình suốt bao nhiêu năm đến nỗi khi đã thành người lớn mỗi lần mua một bộ quần áo mới lại nhớ đến mẹ, nhớ từng cái vuốt cho áo thẳng thớm, kéo bên này phủi bên kia làm cho mình cảm thấy như được vuốt ve dưới manh áo mới. Mùi thơm của vải là thứ duy nhất nối liền mình với mẹ cho tới nay, nó như thứ nước hoa không thể lẫn giữa muôn ngàn loại hương thơm khác trong đời sống.
Và từ lúc thử cho tới lúc chính thức được mặc bộ quần áo mới là cả một chuỗi ngày chờ đợi.
Cũng may, chỉ một tuần lễ là tết, sự bận bịu không chừa một ai làm thời gian ngắn lại. Mẹ thường dẫn mình đi chợ tết vào những ngày sát tết thường là 27 tết khi mọi thứ bớt rầm rộ và giòng người len lỏi trong chợ ít đi. Đó là lúc mẹ chọn dưa hấu, các loại bánh mứt trên bàn thờ, thịt heo, gà sống, củ kiệu và hàng chục món khác. Mình thích nhất là chợ hoa trong những ngày này, những chậu mai hiền lành, những cụm vạn thọ vàng rực một góc chợ chen với cúc, huệ, và nhiều loại hoa khác làm cho không khí tết rực rỡ hẳn lên. Người ngắm kẻ mua chen lẫn nhau và mình chợt nhận ra mọi người đều hiền hòa, dễ thương so với ngày thường nhiều lắm, có lẽ mùa Tết làm cho người ta gần nhau hơn bởi ai cũng cùng chung mục đích: “ăn tết”.
Đêm ba mươi dù buồn ngủ cách nào mình và các chị không bao giờ vào mùng sớm vì còn xem nấu bánh tét. Cả nhà đi vô đi ra như chờ đợi một điều gì quan trọng lắm, thì ra chờ giây phút giao thừa để được đốt phong pháo mà cha mua về từ hôm trước. Cái thời khắc thiêng liêng ấy được chờ đợi trong hồi hộp vì pháo nổ là tết chính thức bước vào nhà và năm cũ ra đi dể năm mới hoàn toàn khác trở về. Những ngày tết về sau này nhà nước cấm đốt pháo thì mình đã xa quê nhưng tâm trí cứ nghĩ về tiếng pháo giao thừa của những ngày xưa cũ. Tiếng pháo đánh thức niềm hy vọng, hương thơm của pháo tết lan tỏa khắp nơi làm không khí ngày tết đượm mùi gần gũi của hàng xóm láng giềng. Pháo nổ làm cho những phiền muộn của người nghèo tạm thời bay xa nó làm cho những gia đình khá giả biết ơn những gì trời đất đã dành cho họ. Tiếng pháo mang nặng tâm lý cộng đồng và chính nó làm cho người ta gần gũi nhau hơn mỗi lần tết đến.
Rồi sáng mùng một trong lành cũng đến. Mẹ đánh thức mặc cho bộ quần áo mới, dặn dò nhiều điều mà năm trước mẹ từng dặn dò. Mọi người lục tục kéo nhau mừng tuổi ông bà cha mẹ, những phong thơ màu đỏ đựng những đồng tiền mới tinh lì xì cho bọn trẻ, tiếng nhạc mừng xuân bắt đầu rộn rã, bữa ăn sáng mùng một tết được dọn ra và mọi người quây quần bên nhau trước khi ra khỏi nhà mỗi người một hướng.
Mâm cơn sáng mùng một tết có lẽ là mâm cơm tươm tất và ngon nhất trong năm. Mẹ và các chị đã hết sức chăm chút nó từ những ngày trước tết. Củ kiệu và tai heo đã được ủ trong những chiếc hủ sành tính sao cho đủ độ chua ngọt cần có khi bóc ra vào sáng đầu năm. Những khoanh bánh tét xanh ươm màu lá nằm tròn trĩnh cạnh dĩa dưa món đầy màu sắc. Nồi thịt kho măng vàng rực cùng với những chiếc bánh tráng đang chờ cuốn với rau sống là món chủ lực của bữa ăn đầu năm. Tuy ngon và mát mắt như thế nhưng không ai ăn no cả, hình như tiếng trống múa lân ngoài phố đang thúc giục mọi người.
Trước khi xem lân, mình ghé ngang đám đông đầy tụi con nít cỡ tuổi mình trong các sòng “bầu cua cá cọp” bên đường. Những hình ảnh trái bầu đỏ mọng, con cua hùng tráng xanh mầu biển, con nai hiền lành đứng trên con cá đang vẫy đuôi cùng chú gà cồ lảnh lót tiếng gáy theo sát mình suốt mấy ngày tết. Vài đồng bạc lì xì mau chóng vào túi của nhà cái, thường là một anh chàng trong xóm, hết tiền lại chạy đi chơi cái khác, hiếm gì cuộc vui ngày tết hơi đâu phải phí công ngồi ngắm chú bầu con cua?
Tiếng trống múa lân làm cho bọn trẻ cỡ tuổi mình đứng ngồi không yên. Cứ thấy ông địa lắc bụng cầm chiếc quạt rách phe phẩy là mình lại thích thú. Con lân dưới đôi mất ngây thơ của mình thật khác thường, mắt nó chớp giật như một con vật sống đôi lúc làm mình sợ hãi nhưng cũng đầy thích thú. Khi nó leo lên táp túi đựng tiền lì xì của gia chủ là tiếng trống dồn dập, tiếng hò reo cổ vũ đầy trời tạo cho không khí hừng hực mầm sống của ngày tết Nguyên đán.
Lớn lên một chút tết vẫn còn nguyên hương vị của nó như xưa, có điều vì lớn nên cái nhìn ngày tết của mình cũng khác. Lớn có những yêu cầu khác với một cu con nít, tâm trí vỡ ra những hình ảnh mà ngày thường không có, nhất là phong vị của tết, càng lớn thì người ta càng cảm nhận đầy đủ hơn về không khí đặc biệt mà chỉ ngày tết mới có.
Đó là những cuộc đi chơi với bạn bè trong không khí ấm áp đầy hoa của không gian ngày tết. Đây là lúc chưng diện với mọi người chung quanh để chứng tỏ ta đã lớn, đã bước hẳn vào tuổi hoa niên đầy hoa lá chung quanh.
Nhưng có lẽ thời khắc này chính là lúc âm nhạc cuốn hút người ta nhiều nhất.
Tết mà không có nhạc xuân thì còn gì thiếu vắng hơn. “Tấm thiệp đầu xuân” “Xuân này con không về” cùng nhiều bài hát bất hủ khác của ngày tết góp phần làm cho tết lý thú, gắn bó hơn giữa người nghe với nhau… nhưng gì thì gì một bản nhạc không thề thiếu trong ba ngày tết đó là bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương.
Thật vậy, ca khúc Ly rượu mừng đã ăn sâu vào trí nhớ của người Việt đối với những ai sống ở đất nước này từ năm 1975 trở về trước. Giai điệu quyến rũ, ca từ mặn mà, hồn hậu lột tả hết nét nhân văn của một vùng đất tuy đạn bom dày xéo vẫn không mất đi lòng thương yêu, thói quen tha thứ và khuyến khích nhau xây dựng quê hương trong tinh thần tương ái. Là một nhạc sĩ miền Bắc di cư vào Nam, Phạm Đình Chương mang tâm trạng xa quê lồng vào ca khúc này với ước vọng mọi người cùng nhau xây đắp non sông trong một ngày mai hòa bình hạnh phúc. Nhạc sĩ vượt lên mọi cám dỗ thường trực của chiến tranh tâm lý để cho ra đời một ca khúc bất hủ cho dân tộc. Ở đâu trên mọi vùng đất của quê hương, trong những ngày tết xa quê người ta cũng có thể hợp ca Ly rượu mừng để nối liền những người con xa xứ với gia đình.
Nhưng tiếc thay bài hát không thể nối được những đứa con xa quá, xa đến nỗi không con đò nào đem họ về được với quê nhà.
Nguyễn Bính chỉ từ Bắc vào Nam vài ngày đã rên rỉ:
……
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
Xuân này em chị vẫn tha hương
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ
Son sắt say hoài rượu viễn phương (…)
Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….

Ông đúng là giang hồ vặt, chỉ thấy cơm sôi đã nhớ nhà, còn chúng tôi không hề muốn giang hồ, chỉ muốn ngồi bên mộ mẹ ôn lại những ngày còn thơ cũng không được huống chi là tết?
Tản mác khắp thế giới chúng tôi cũng cố giữ cái hồn tết của dân tộc lắm nhưng tiếc thay cố gắng nào cũng vô ích trong suốt hơn 40 năm qua. Chúng tôi đốt pháo nhưng không ai nghe, mua bánh tét bánh chưng chất đầy nhà chỉ để đem đi làm trong mấy ngày được gọi là tết. Những bông hoa giả nằm buồn bã trong góc nhà. Chai rượu đắt tiền không biết khi nào mới khui vì bạn bè ai cũng tất bật mưu sinh không còn thời gian để nhớ tết. Trẻ con không cần áo mới vì chúng có mỗi ngày. Chúng cũng không biết thế nào là lì xì, là bầu cua cá cọp như chúng tôi.
Tết ở phương xa nếu có cũng chỉ ngồi trong bóng tối rồi nghe một mình ca khúc “Xuân này con không về” để tự đánh lừa mình cho một ngày về không được in trong lịch.
Tết, đối với chúng tôi, ngày càng xa, càng teo tóp. Nó giống như tiếng pháo không mùi thuốc pháo vậy thì khác gì tiếng nổ trong mọi cuốn phim hành động?

Mặc Lâm

Đêm Giao thừa,
Đêm giao thừa lúc tưng bừng rực rỡ,
Mẹ một mình tĩnh lặng giữa đêm khuya..
Trăng lẻ loi soi sáng trước hiên nhà,
Trăng năm mới khác gì trăng năm cũ ?
Tình mẹ cho con âm thầm chứa đủ,
Những ấm nồng và có cả hy sinh..
Mẹ cho con tất cả biết bao tình,
Nhưng với mẹ con thật là  ích kỷ.!
Bao giờ mẹ cũng hi sinh,
Bây giờ con mới giật mình ngộ ra.
NM

 Đêm giao thừa 1
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm, khi năm cũ hôn nhẹ lên môi năm mới để tạm biệt, đi về miền kí ức. Sống giữa giây phút giao hoan của đất trời, lòng người cũng từ tâm như một tách trà đượm nóng. Người ta nói giao thừa là đêm của tình nhân, khi những đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp òa xuống phố phường để yêu lấy nhau và yêu lấy mọi người, để oán hờn đi vào quên lãng, để muộn phiền ở lại cho tình yêu đi tiếp và để chúc nhau tiếng cười của ái ân.
- Con đi mẹ ơi. Mẹ ở nhà cứ ngủ trước đi, đừng đợi cửa con!
- Về sớm nhé con!
          Như những cặp tình nhân khác, tôi và Lan cũng xuống đường đêm giao thừa. Đó là sự bình thường giản dị của một kiếp người yêu nhau. Xã hội này có những luật lệ của tâm hồn mà nếu làm khác đi ta sẽ trở thành kẻ khác thường. Chúng tôi cũng thường nắm tay nhau đi bộ hàng giờ trên những con phố đông đúc, lấp lánh ánh đèn neon sáng trưng. Ngắm pháo hoa xong chúng tôi cũng đi chùa cầu may đầu năm. Dù phải chen nhau đông đúc nhưng ai cũng vui vẻ vì đó là điều bình thường của cuộc sống.
          Mẹ cúng giao thừa xong đợi tôi về, nhưng chẳng bao giờ đợi được. Tôi thường về muộn và mẹ đã tắt đèn tự khi nào. Những giao thừa của tôi cứ trôi đi lặng lẽ và bình yên như thế.
- Mẹ nhìn kìa, pháo hoa năm nay đẹp hơn mọi năm mẹ nhỉ? Mẹ có nhìn rõ không? Hay con cõng mẹ cho cao hơn nhé!
Bên cạnh tôi là một chàng trai trạc ba mươi tuổi đang cõng một bà cụ tóc bạc lấm tấm, khuôn mặt sạm những nếp nhăm của tuổi đá vôi, lưng còng xuống như đã cõng cả cuộc đời. Đôi mắt bà cụ sáng rỡ theo từng tràng pháo hoa, và những lúc như vậy nụ cười của chàng trai lại thêm nồng hơn. Sự hiện diện của hai con người ấy như một biến số lạ giữa đường phố tình nhân và bè bạn. Ai cũng ngoái lại với ánh mắt hiểu kì.
          – Nếu là họ chắc em xấu hổ chết mất! – Tiếng một cô gái khẽ thì thầm.
          Phải! Vì xấu hổ nên đã từ lâu tôi không còn đi chơi giao thừa với mẹ. Chợt, tôi thoáng nhớ về những năm tháng ấu thơ, khi mẹ còn dắt tay tôi khắp những con phố đêm giao thừa. Tôi nhớ nụ cười của mẹ, nhớ những chiếc kem bông giòn tan mẹ mua cho tôi, và mắt mẹ cũng từng sáng rực trước từng tràng pháo hoa trên trời. “Năm nay con lớn rồi, con đi với bạn nhé, đi với mẹ xấu hổ lắm!”. Mẹ mỉm cười đồng ý. Chẳng rõ tôi nói câu ấy khi nào, chỉ biết từ khi có bạn, rồi có người yêu, tôi đã bỏ mặc mẹ. Kể từ ngày ấy mẹ chỉ ở nhà cúng giao thừa rồi đi ngủ, còn tôi vui vẻ đến muộn khuya mới về. Giờ này chắc mẹ đã ngủ rồi. Trong khi tôi ở đây sáng choang thì mẹ ở nhà tối mịt một năm mới không ai bên cạnh, lủi thủi trong những giấc mơ dài. Luống nghĩ tới đó mà mắt tôi cay xè.
          Năm nay con không đi lễ chùa, nhất định con sẽ về sớm mừng tuổi mẹ!
          Đôi khi xã hội dùng những quy luật bình thường, giản dị để trói buộc nhân thế trong một sự bình yên đến nhạt nhẽo. Nhưng đâu đó vẫn có những tâm hồn tự do biết sống với tình yêu của bản ngã.            
Nhật Hạnh                                                                                                                                                               
 Đêm Giao Thừa 2 
Vậy là cái tết đã đến. Chỉ còn đêm nay nữa là kết thúc một năm đầy biến động trong gia đình Sơn. Chưa có năm nào anh phải gói bánh chưng tết một mình và đón phút giao thừa trong buồn tẻ thế này. Bé Na ngồi cạnh anh, nó cũng tập gói bánh. Trông bàn tay non nớt của nó vụng về dúm những tàu lá dong, gạo vương vãi, lòng anh se lại, thỉnh thoảng nó lại ngước lên hỏi chuyện: 
- Giờ này mà mẹ vẫn chưa về bố nhỉ? 
- Ừ, chắc mẹ đang về con ạ. 
- Mẹ đi công tác xa lắm hả bố? 
- Ừ, xa lắm. 
- Bệnh dài tim là gì hả bố? 
- Sao con lại hỏi thế, ai nói với con? 
- Các cô, các chú trên cơ quan. Hôm qua con lên đấy các cô bảo mẹ mày mắc bệnh dài tim. Mẹ mày xinh lắm lấy được ối chồng.
Sơn biết thừa đấy là những câu châm chọc ác ý của những kẻ xấu bụng dành cho vợ anh. Anh hướng thằng Na sang chuyện khác:
- Thôi, đừng hỏi nhiều nữa, tập trung vào gói bánh cho bố đi. Nào đưa đây bố bảo cách gói.
Sự vô tư của thằng bé đã vô tình động vào nỗi đau sâu thẳm của lòng anh. Thằng bé mới 5 tuổi, nó ngây thơ và tội nghiệp chẳng hiểu điều gì đã xẩy ra với gia đình nó.
Sơn và Xuân gặp nhau và lấy nhau trong hoàn cảnh tình cờ. Ngày ấy Sơn là một nhà báo trẻ năng nổ. Trong một chuyến công tác tại một lâm trường anh gặp Xuân. Cô là kỹ sư, làm ở phòng kỹ thuật. Được biết ngoài chuyên môn là một kỹ sư giỏi, Xuân còn thích làm thơ, viết báo. Sơn tìm đến phòng ở của Xuân, cốt mong tìm được người bạn tâm tình về viết lách ở chốn rừng xanh hiu quạnh cho đỡ buồn. Sơn đến nhà vừa lúc Xuân đi làm về. Bộ quần áo bảo hộ còn vương bụi bặm của cây rừng.
Thấy có khách lạ và giới thiệu là nhà báo, Xuân không khỏi lúng túng. Cô xin phép khách đi tắm và thay quần áo. Khi Xuân trở ra đã trở thành cô gái khác xa lúc đầu Sơn gặp. Cô có nước da hơi xạm nắng với một gương mặt khá xinh và đôi mắt thông minh, sâu thẳm. Trong cuộc trò chuyện tay đôi Sơn biết Xuân là người đàn bà có trái tim nồng cháy và nhiều khát vọng. Cô như con chim bị nhốt ở trong lồng, bị giam hãm, tù túng và muốn vùng vẫy bay trong bầu trời tự do. Người yêu của cô là một lái xe, tính tình khô khan, băng giá không phù hợp với trái tim cháy bỏng của cô. Anh ta chẳng bao giờ đọc báo, càng chúa ghét văn chương, thơ phú. Trong mối tình của họ luôn xẩy ra "chiến tranh lạnh".
Xuân đưa cho Sơn một tập thơ do cô sáng tác và nhờ Sơn đọc hộ, góp ý. Tập thơ ghi lại những nỗi niềm, tâm trạng vò xé và nỗi khát khao được sống, được yêu. Hàng chục bài thơ còn thô nháp nhưng hôi hổi cuộc sống, Sơn cũng nhận ra một tài năng lấp lánh ẩn trong những trang thơ. Anh xin phép cô được chép lại để gửi cho tòa soạn.
Một thời gian sau, bài thơ đầu tay của Xuân được đăng trên báo. Sơn gửi tờ báo cho Xuân kèm theo đôi lời khích lệ. Sự kiện ấy đã chắp cánh cho niềm hứng khởi sáng tạo của Xuân. Từ ấy Xuân gửi bài đều đặn về tòa soạn. Những bài thơ, bài báo của cô dù chưa được chỉnh lắm nhưng được bàn tay Sơn gọt rũa đã trở nên sinh động và gây dấu ấn trong lòng bạn đọc. Họ ngày một xích lại gần nhau hơn.
Một hôm Xuân tìm đến tòa soạn thông báo do cơ quan lâm trường đấu đá mất đoàn kết, là người viết lên những bài báo chống tiêu cực, cô cũng trở thành nạn nhân và đang có nguy cơ mất việc. Giữa lúc tòa soạn đang thiếu phóng viên, Sơn xin cho Xuân một suất. Xuân trở thành phóng viên từ ngày đó. Được sống gần nhau, mối tình của hai người nhen nhóm và được anh em đồng nghiệp vun vén, họ nên vợ nên chồng. Cuộc sống thật đầm ấm và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi họ có với nhau thằng con trai kháu khỉnh. Vốn chiều vợ và thương con, Sơn nhận tất cả phần việc của gia đình, tạo điều kiện để Xuân làm nghề. Xuân năng nổ, yêu nghề. Cô đi nhiều, viết nhiều và trở thành cây bút chủ lực của tòa soạn. Cô nổi tiếng với những bài viết sắc sảo làm nhiều vị giám đốc phải sởn gai ốc. Nhưng cũng từ đây tính cách của cô bắt đầu thay đổi. Những khoản tiền cô kiếm được làm cô giàu có lên, sang trọng lên nhưng lại làm tâm hồn cô hoen ố. Đã có dư luận về những sự buông thả sau mỗi lần đi công tác của cô.
Xuân trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Đám phụ nữ ích kỷ thì xì xào: "Có chồng rồi còn tí tởn". Đám đàn ông háo sắc thì tấm tắc: "Em xinh đẹp tuyệt vời". Nghe thấy hết. Cô bỏ ngoài tai những lời ghen ghét còn những lời gió trăng thì cô nuôi thành ảo vọng, cái ảo vọng về quyền uy của sắc đẹp và ảo vọng về một cuộc sống giàu sang.
Tiếng eo sèo rồi cũng đến tai Sơn. Đã có lần anh góp ý cho vợ nhưng cô ấy không chịu nghe. Cô tự bênh vực bằng cái lý của mình: "Làm phóng viên là phải giao tiếp, anh đừng có ghen tuông vớ vẩn". Tính hiền lành và thương vợ, Sơn bỏ qua để gia đình yên thấm. Sẽ chẳng có chuyện gì với tổ ấm của họ nếu không có một lần có một ông giám đốc tìm đến nhà Xuân đón đi để viết bài cho xí nghiệp. Sơn không biết vị giám đốc này là một ông cai đường và chính là người tình của Xuân. Họ gặp nhau trong một hội nghị các giám đốc doanh nghiệp. Sau đó trở thành cặp tình nhân. Mỗi chuyến đi công tác xa của Xuân là cô đến với gã. Những khoản tiền hậu hĩnh và những món quà có giá trị cùng với sự hào hoa của vị giám đốc lắm tiền đã làm hoa mắt Xuân. Cô không còn đủ tỉnh táo để nhận ra những cạm bẫy của cuộc đời nữa.
Lần này Xuân ra đi rất lạ. Cô thu hết các thứ tư trang quần áo nói rằng để đi lâu ngày. Cô ôm thằng Na vào lòng, nước mắt rưng rưng. Sơn không biết rằng đó là lần cuối cùng Xuân được ôm con để đi theo gã giám đốc đến một nơi xa lắc. Năm ngày, mười ngày rồi một tháng không thấy Xuân về lúc đó anh mới hiểu vợ mình đã bước đi quá xa trên con đường tội lỗi.
Xuân được Hãn (tay cai đường) đưa về một thành phố xa lạ. Hắn gửi cô ở nhà một người bạn. Những ngày đầu hắn chu cấp đầy đủ và đến thăm non thường xuyên. Cuộc sống của Xuân coi như tạm ổn. Nhưng rồi rắc rối nảy sinh. Căn hộ vẻn vẹn chín mét vuông vốn đã chật hẹp nay có thêm Xuân càng trở nên chật chội. Cô bé chủ nhà đã bắt đầu tỏ ra coi thường và khó chịu. Những câu nói vu vơ đã ám chỉ Xuân chỉ là một gái làm tiền.
Thời gian trôi đi chậm chạp, không có công ăn việc làm, không có người thân trò chuyện, Xuân ngồi đếm từng ngày qua đi trong nỗi buồn tủi và ân hận. Trước khi đưa Xuân về đây Hãn đã hứa sẽ lo cho cô công ăn, việc làm và cuộc sống tự do thoải mái. Vậy mà đến giờ hắn cứ lần lữa qua ngày. Một hôm Hãn đem tiền đến cho Xuân, hai người đang ngồi bên nhau thổn thức thì thấy có một phụ nữ cùng mấy tay đầu trọc gớm ghiếc dừng xe xông vào. Đó là vợ của Hãn. Mụ ta mặt đằng đằng sát khí chỉ vào mặt Hãn:
- Thằng già kia, quỳ xuống giường.
Hãn nem nép làm theo. Rồi mụ quay sang Xuân:
- Còn mày, mày biết tao là ai không? Tao nhắc cho mày biết thế nào là kẻ trốn chúa lộn chồng.
Mặc cho Xuân quỳ lạy, mụ cũng không tha. Mụ bảo bọn đàn em đưa cho cái kéo. Chỉ trong chốc lát mái đầu của Xuân đã mất đi một mảng tóc. Làm xong mụ tuyên bố: - Đây là những đứa tao cảnh cáo lần đầu, liệu đường mà tránh xa thằng chồng dê già của tao ra hiểu chưa? Xong rồi cả bọn lại rồ xe ra về. Thấy vợ về Hãn không dám ở lại và cũng lấm lét về theo. Không bị đánh đập, không bị chửi bới nhưng nỗi nhục nhã lại ê chề. Xuân thu dọn hành lý, trùm cái khăn lên đầu và lê bước ra đường,
Ra ngoài đường Xuân mới nhận ra không khí của ngày tết đang đến. Những chuyến xe ca chở đầy hoa đào hối hả đi về các ngả. Cô vẫy chiếc xe ôm bảo chở cô ra bến xe. Vừa lúc có chuyến xe về tỉnh nhà, cô leo lên xe và lẫn vào với mọi người. Về đến bến, mọi người tranh nhau xuống, trên tay họ cầm những cành đào sặc sỡ. Xuân bước xuống và chưa biết đi về đâu. Nhà cô ngay gần đây. Chỉ một ngõ nhỏ nữa thôi là cô sẽ nhìn thấy ngôi nhà tập thể giản dị của mình, nhìn thấy đứa con tội nghiệp mà mấy tháng nay nó đã vắng mẹ.
Xuân không định về nhà hay nói đúng hơn không dám về nhà. Nhưng những bước chân vô định lang thang của cô lại cứ nhằm vào cái ngõ nhỏ. "Qua ngõ nhỏ này là nhìn thấy nhà mình", cái ý nghĩ ấy cứ cháy bỏng trong đầu Xuân.
Từ xa Xuân đã nhìn thấy ô cửa sổ nhà mình và cánh cửa của nhà mình vẫn mở. Từ căn nhà ấy hắt ra ánh đèn quen thuộc - ánh đèn mà bảy năm qua cô vẫn ngồi viết những bài báo và những trang thơ. Ngôi nhà ấy từng là tổ ấm, là nơi bình yên để tâm hồn cô trú ngụ. Vậy mà giờ đây cô không dám bước vào.
Xuân đứng nép vào một gốc sấu bên đường nhìn vào nhà và thấy hai bố con Sơn đang dạy nhau gói bánh. Thằng bé vừa nói với bố nó chuyện gì đấy lại vừa ngó ra đường. Giọt nước mắt hiếm hoi từ từ lăn trên gò má. Tự nhiên Xuân thấy đầu choáng váng, tay chân rời rã. Cô gục dần, gục dần xuống gốc cây sấu ngay trước cửa nhà mình.
TRIỆU ĐĂNG KHOA