Kỷ niệm mùa Phật Đản 2019 với tấm lòng cảm tạ
Bình yên,
Tâm bình yên tìm con đường Giác ngộ,
Giữa sóng đời ta vượt khỏi bến mê...
Vui gì hơn khi biết được nẻo về,
Nương theo gió vui chơi miền cực lạc
NM
Rồi cũng như gió bay
Đời người, đến một lúc nào đó cũng sẽ như gió bay. Không hình hài, không níu giữ được, tan ra giữa cuộc đời bề bộn này.
Con
gái lớn nhà ông Hai đi tu rồi, nghe đâu xuất gia ở một chùa nào đó
trong Nam. Đang yên đang lành lại đi tu, chắc là làm ăn thất bại hay
buồn tình duyên nên muốn dứt duyên đời. Ở xóm nhỏ thanh bình này, mấy
hôm nay bỗng trở nên xào xáo bởi chuyện đó. Họ đồn đoán, thêm thắt, phán
xét theo hướng nghiêm trọng hóa vấn đề. Tính ông Hai vốn bỏ ngoài mình
miệng lưỡi thế gian, còn bà Hai thì không sao tránh khỏi những gợn lòng.
Bà Hai đi đâu về, ống quần còn ghim mấy hoa cỏ may. Bà quăng cái nón cời, rồi ngồi bệt xuống nền nhà tủi hờn:
- Con người ta lớn lên thì dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, con mình thì đi vô chùa ở, để miệng đời quở ngày quở đêm!
Ông
Hai ngồi trầm ngâm kéo từng hơi thuốc lá bên ấm trà mới châm. Ông lúc
nào cũng vậy, chậm rãi và suy tư. Không thấy ông Hai nói gì, bà Hai lẳng
lặng vào nhà nấu cơm, khói bếp thơm nồng xộc lên căn nhà già nua như
chính tuổi tác của ông bà. Khói bay lờn vờn trong nhà, rồi luồn qua từng
kẽ ngói, tan biến giữa thinh không. Bữa cơm trưa hôm đó thật mặn, bởi
được chan thêm bao lời gièm pha của miệng đời. Ngay cả việc đưa tay xới
cơm, bà Hai cũng kèm theo tiếng thở dài, nghe xiêu vẹo và mòn mỏi. Ông
Hai cứ cặm cụi ăn, vừa buông chén xuống thì ông buông một câu thản
nhiên:
- Không ai thương mình bằng cơm thương, cơm thương nên mới cho mình ăn được ngon! Ăn mà thở dài khác gì tự làm mình khổ!
-
Số tui với ông khổ, con cái toàn chọn điều không như ý! - Bà Hai trút
câu than vãn, sau khi nuốt miếng cơm nặng oằn trôi qua cuống họng.
- Là không như ý bà, hay không như ý thiên hạ?
Bà
Hai lặng thinh, nhưng sắc mặt vẫn buồn man mác. Rõ ràng là không vừa ý
thiên hạ, họ gièm pha, nên bà phiền lòng. Xong bữa cơm trưa, ông Hai ra
nằm trên cái võng mắc phía dưới hiên, tay phẩy phẩy cái quạt mo cau, nói
vọng ra chỗ bà Hai ngồi rửa chén:
- Họ nói con mình thất bại, nên vô chùa trốn tránh. Họ đâu có biết đó là con đường giác ngộ, không phải đường cùng!
Bà
Hai nghe tất thảy những lời ông nói, nhưng làm sao bà hiểu hết mớ câu
từ của một người đọc sách, một tú tài như ông. “Con đường giác ngộ” sao?
Một cụm từ có ngữ nghĩa quá xa vời, so với một người quanh năm chỉ biết
mùi chua của đất phèn như bà. Trong xóm, ông Hai nổi tiếng là người
hiểu biết. Thời trẻ, ông đi nhiều nơi, học cao hiểu rộng. So với những
người cùng thời, ông thuộc dạng có tri thức. Nhưng thời thế đưa đẩy, ông
an phận làm một lão nông. Ông Hai có cái thú đọc sách, chiêm nghiệm
kinh Phật. Hễ rảnh rỗi ông lại kê cái ghế ra hiên ngồi, đặt một ấm trà
kế bên, từ tốn lật từng trang. Khi ông đọc sách, mặt ông tĩnh lặng như
mặt hồ buổi sớm xuân.
Sợ bà Hai vẫn chưa hiểu, ông nhốm người dậy, nói thêm:
- Bà cứ rầu vậy, sao con đường tu tập của con bà thành tựu được? Họ nói chi kệ họ, cứ coi như gió thoảng qua tai!
Bà
Hai im lặng, chẳng biết sự im lặng của bà là đã tường tận hay là sự
miễn cưỡng chấp nhận. Đối với con cái, bà không hoạch định ra điều gì
cả. Chọn lối đời nào cũng được, miễn bình an và đủ đầy. Tu tập là điều
con bà phát nguyện từ nhỏ, là niềm tin tôn giáo mãnh liệt, là kết quả
của chuỗi ngày nghe ông Hai nói nhiều về Phật pháp. Và hơn hết, đó căn
duyên. Thật ra, hạnh phúc được định nghĩa dưới nhiều dạng, mỗi người có
chuẩn mực hạnh phúc khác nhau, miễn họ cảm thấy bằng lòng với thực tại
là được. Ông bà Hai xem chọn lựa của con mình là lối đi hạnh phúc, nhưng
người đời lại lo xa quá, họ cứ cho đó là bất hạnh.
*
Ông
Hai còn có cái thú trồng cây, trồng hoa. Người ta thường nói, vĩnh cửu
màu xanh lá cây. Xem việc trồng cây là niềm vui, ấy hẳn là một người có
tâm hồn tao nhã. Bà Hai cho đó là việc thừa, nên hay cằn nhằn. Ngược
đời, dạo này bà lại có thói quen giúp ông chăm sóc cây trong vườn. Bà
dửng dưng hơn với những lời nói thiệt hơn của thiên hạ. Có lẽ, khi đã xế
tuổi, người ta bắt đầu thích dựa vào những điều dung dị để sống. Ngoài
việc đồng áng, chăm sóc khu vườn là niềm vui của ông bà. Hôm trước đi
chợ huyện, ông bà mua được hai cây cam sành miền Nam mang về trồng ngay
đầu ngõ. Rải rác trong vườn, trồng khoảng chục gốc bưởi da xanh. Cây lựu
đỏ ngay góc sân, được chiết ra thành nhiều cây, vì sợ mùa bão gió quật
trốc gốc thì sẽ mất giống. Bà còn tỉ mỉ giúp ông vặt hết lá cây mai già,
để ủ sức cho kịp ra hoa.
Khu
vườn vì thế mà xanh ngát, có trái chua trái ngọt và hoa lá bốn mùa.
Buổi trưa, gió nồm đông luồn qua kẽ lá, nghe lào xào như ru. Thi thoảng,
thấy được đôi thằn lằn rượt nhau trên thân cây xoài, nghe cả tiếng con
kỳ nhông chạy lộp bộp trên lớp lá khô khi trông thấy dáng người, vài con
chim vờn nhau khi tranh ăn mấy trái lựu chín… Rất bình yên!
Có hôm, đang ngồi nghỉ dưới tán cây xoài, ông Hai triết lý:
-
Bà thấy không? Đầu tư tâm tư cho loài vô thức như cây cối, lại được
thảnh thơi. Quá chú trọng vào miệng lưỡi thiên hạ, chỉ làm mình phiền
não!
Bà
Hai chỉ “ờ ờ” cho có, chứ chẳng hiểu ý ông là mấy. Mà bà cũng không cần
hiểu cặn kẽ, bà chỉ cần cảm nhận được sự an yên là được rồi.
*
Ở
miền quê này, người ta chỉ làm hai vụ mùa, vụ đông - xuân và hè - thu.
Không làm vụ thu - đông, vì đây là thời gian mưa bão nhiều, có làm cũng
chỉ mất mùa. Thời gian ấy là mùa đất nghỉ, đất chẳng phải vắt kiệt phù
sa để nuôi cây trồng. Người nông dân bắt đầu buông việc đồng áng, đây
cũng là mùa mà mồ hôi được quyền ráo trên vai họ.
Ông Hai mất, vào một mùa đất nghỉ như thế.
Ông
ra đi rất nhanh, nhẹ nhàng và trầm lặng như chính cuộc đời ông. Ông
không có một dấu hiệu bệnh tật nặng nào để lường trước được. Ông bảo
mệt, lên giường nằm nghỉ. Rồi bảo đừng nói gì thêm nữa, cũng đừng khóc.
Lúc đó bà Hai hốt hoảng la lên, thì ổng đã ra đi, mãi mãi. Tai biến ấy
mà, đã đến thì trở tay chẳng kịp.
Mấy
mẹ con bà Hai chít khăn tang trắng xóa. Bà ứa nước mắt, đứa con gái lớn
nắm chặt tay bà: “Má đừng khóc, để người ra đi được thanh thản!”. Đó là
đám tang không có tiếng khóc tang thương, người ở lại không bò lê tiếc
nuối người đã mất. Mẹ con bà Hai bình thản như một cách chấp nhận quy
luật tự nhiên, dẫu buồn đến tận cùng. Cây cối trong vườn cũng được cột
tang để tưởng nhớ người trồng, gió vẫn thổi qua khu vườn, xào xạc như ru
người vừa nằm xuống.
*
Sau
cái ngày ông Hai về với đất, đứa con gái thứ đi làm xa dọn về ở hẳn với
bà Hai. Có hôm, bà ra chợ, nghe người đời xào xạc: “Ổng mất bất tử quá,
bệnh vài bữa nửa tháng để con cháu chăm sóc trả hiếu rồi hễ đi!”,
“Chồng mất, cha mất mà mẹ con nhà bả không ứa nổi một giọt nước mắt
nào!”…
Bà
đạp xe về. Suy nghĩ của bà khác họ, bà vẫn thường nghe lúc trước ông
Hai nói “sinh, trụ, dị, diệt” - đã là một cơ thể sống thì theo quy luật
tự nhiên, con người ta phải già úa và mất đi. Mất vì tuổi già, khác mất
vì tai ương. Mất trong thanh thản, khác mất trong bệnh tật vật vã. Sự ra
đi nào cũng đáng buồn, nhưng phải đón lấy như một lẽ dĩ nhiên. Đến giờ
phút đó, quan trọng là phần tâm linh được yên ổn. Bây giờ, bà chẳng biết
phải làm gì, ngoài việc tự an cái tâm cho mình bằng những điều ngày xưa
ông hay nói với bà.
Sắp
vào tháng bão, bà Hai ra vườn chặt bớt mấy nhánh cây để gió không quật
trốc gốc, khu vườn trông trống trải hẳn ra. Buổi trưa nằm ở võng, bà
không còn nghe tiếng gió luồn qua kẽ lá. Gió cứ rít thông thốc qua khu
vườn trống hoác, trôi tuột qua lòng bà, không đọng lại thứ gì. Đời
người, đến một lúc nào đó cũng sẽ như gió bay. Không hình hài, không níu
giữ được, tan ra giữa cuộc đời bề bộn này.
Lưu Huyên
Giọt nước.
Cùng là nước tự trên trời rơi xuống,
Có giọt buồn mà cũng có giọt vui...
Sáng mùa đông sông theo lũ tràn về,
Nắng yếu ớt không đủ làm sông ấm !
Giữa bộn bề ta âm thầm gieo hạt,
Rồi tuỳ duyên hạt sẽ nẩy mầm cao...
Dẫu mùa Đông hoa vẫn nở xôn xao,
Hoa lấp lánh giữa màu xanh của cỏ.
NM
Những hạt mưa
Sông
Hiên chảy từ thượng nguồn núi Phun. Năm nào cũng thế, mùa thu nước sông
trong vắt còn mùa đông thì nước đục ngầu. Mưa lũ từ thượng nguồn xối
xả, cây cối đua nhau kéo về. Lá khô, củi mục, lau lách đều nằm lại ở lưu
vực sông Hiên. Cả đất đá trên núi Phun cũng về nằm dưới vực sông. Cạnh
khúc sông uốn cong hình trăng lưỡi liềm có cây đa cổ thụ, bên dưới cây
đa là ngôi chùa của thầy Huệ Châu.
Gọi
là chùa chứ thực ra chỉ là ngôi miếu nhỏ, thầy Huệ Châu dựng lên đằng
sau chùa một túp lều nhỏ để coi sóc chùa. Thầy hơn ba mươi tuổi, mặt mày
thanh tú và giọng nói trầm ấm. Chùa ở cạnh làng, sáng sớm thầy đi cày
với dân, trưa ăn cơm nhà họ. Cứ như thế, nhà nào có việc thầy làm giúp.
Hiếm khi người ta thấy thầy tụng kinh niệm Phật. Chỉ thấy thầy thắp
nhang, đêm rằm Vu lan thấy thầy cắt hoa hồng ngoài vườn vào lễ. Hương
hoa hồng thơm dịu dàng. Khu vườn quanh chùa toàn trồng hoa hồng đủ màu
sắc, trai gái lúc yêu nhau thường hò hẹn ở đây, cô dâu chú rể chụp ảnh
ngoại cảnh cũng ở đây. Ai cũng bảo rằng ngồi ở chùa ba mươi phút chợt
thấy lòng thanh thản. Yêu đương trò chuyện ở đây là hạnh phúc đến tận
đời. Ai đau yếu đến đây vài ngày ngồi ngửi hương hoa hồng tự dưng lành
bệnh.
Cứ thế, người ta
đồn đoán đủ điều nên ngày càng đông người đến chùa. Thầy Huệ Châu phải
tất bật nhiều hơn. Khi không lại trở nên bận bịu, ngay cả sự chào hỏi
khách đến lễ chùa thôi cũng đã hết nhiều thời gian. Chùa không bỏ hòm
công đức, không nơi đặt hoa quả. Chỉ độc nhất bát nhang, tượng Phật và
chiếc lọ hoa. Khách đến viếng chùa nâng lọ hoa lên làm cái án đằn tiền.
Chẳng mấy chốc cái lọ hoa nghiêng rồi đánh vỡ, hoa hồng rớt trên nền
gạch, nước loang cả một đám.
Đầu
tháng Tám có người đàn bà tên Duyên, người ta hay gọi là Duyên Việt
kiều. Không biết cơ sự do đâu hay sự tình cờ, chị Duyên mang đến chùa
toàn là lọ hoa. Có hết thảy gần 20 cái. Chị đặt một góc ở chùa rồi vào
thắp nhang. Chị ngỏ lời góp công đức xây chùa lớn nhưng thầy Huệ Châu
khất lại. Thầy nói, tiền công đức thời gian rồi thầy ban phát cho người
dân cả. Chùa thì cần lắm nhưng ở làng còn nhiều người khổ. Trẻ con chưa
đủ áo ấm mặc vào mùa đông, người già không đủ chăn để đắp những lúc tiết
trời lạnh giá. Thôi thì chị có lòng từ bi thì hãy giúp họ. Việc này
được đáp ứng, trong làng ai có khó khăn gì đều được tháo gỡ, về cơ bản
đã xong, giờ đến việc xây chùa. Thầy Huệ Châu lại nói, cái khổ trần gian
mênh mông lắm, không chỉ ở làng này mới có khổ… Hiểu được lời thầy, chị
Duyên đem tất cả của cải đi bố thí. Hơn năm sau thì chị trở lại chùa
với đôi bàn tay trắng. Ngày ngày chị trồng hoa hồng, lúc đi làm ruộng
cùng người dân. Sự thể có thế thì chẳng nói để làm gì, sau chín tháng
mười ngày chị đẻ ra một đứa bé trai. Đêm rằm trăng sáng, tiếng khóc trẻ
thơ cất lên ở chùa. Người làng rọi pin đến chùa thì thấy thầy Huệ Châu
ẵm đứa bé. Mọi người nhìn nhau, nhìn thầy Huệ Châu rồi nhìn chị. Chẳng
ai nói được câu nào. Thầy Huệ Châu mỉm cười nhìn đứa bé. Rồi nói với chị
Duyên.
– Chị hãy nghỉ ngơi, đứa bé mạnh khỏe.
– Thầy ơi! Có khi con lại mang đến điều tiếng cho thầy…
– Trong tâm niệm của ta, nếu có chắc gì dứt ra đã được mà không có vận vào cũng chẳng xong. Con nghỉ ngơi đi.
Duyên nằm nghiêng mặt về phía sau vách, nước mắt chảy như nước mưa.
Đứa
bé càng lớn càng giống thầy Huệ Châu. Điều ấy khiến những nghi ngờ của
người sống quanh chùa thêm có cơ sở. Rằng thầy Huệ Châu chính là cha của
đứa bé. Thời gian sau thì Duyên biến mất, không ai biết chị đi đâu, hỏi
thầy Huệ Châu đâm ra bất tiện. Cánh đồng làng giờ có thêm một chú tiểu
tên là Phước Huệ. Cậu bé lớn nhanh, thông minh sắc sảo nhưng lại ham
chơi. Ngày ngày cậu ta ra đồng bắt dế, có hôm cậu đi dọc triền sông ngắm
hoa chuồn chuồn. Nhiều đêm trăng sáng, Phước Huệ ngủ ngay trên triền
sông khiến thầy Huệ Châu phải vất vả đi tìm. Năm tròn 18 tuổi, Phước Huệ
đã trở thành một chàng trai đẹp mã và nhiều cô gái mê. Trong đám con
gái, Phước Huệ chọn Tần. Cô gái không xinh đẹp nhưng lại đôn hậu. Việc
chọn vợ của Phước Huệ, thầy Huệ Châu không cấm, thầy bảo rằng tùy duyên.
Đám
cưới Phước Huệ được tổ chức bằng tiệc nhỏ, thầy Huệ Châu làm chủ hôn.
Phía đằng gái cũng neo người. Tần mồ côi từ nhỏ, cô ở với dì ruột. Thêm
lần nữa sự kiện đám cưới diễn ra giữa chú tiểu Phước Huệ ngày nào với
gái làng khiến sự việc người đàn bà tên Duyên đẻ trong chùa lại được xào
xáo. Chuyện đến tai thầy Huệ Châu, thầy chỉ mỉm cười. Nhiều điều không
nên cố tránh, cứ để nó đến, nhận nó rồi nó sẽ qua đi. Thầy nghĩ thế.
Thầy chỉ muốn lo cho Phước Huệ có một mái ấm gia đình. Trong nhân gian,
lót tổ yêu thương cũng như đúc tượng Phật, khó khăn đấy nhưng dễ dàng
cũng tại đấy. Cốt ở tại mình. Có điều, đúc tượng Phật chỉ cần con người
và chiếc khuôn thì việc lót tổ yêu thương cần đến hai con người. Tức nó
di động cả hai bên, biến đổi cả hai bên và lắm lúc nhọc nhằn cả hai bên.
Dù sao, Phước Huệ sống và biết yêu thương là việc tốt. Đó là điều
thiện. Cứ gieo hạt bồ-đề sẽ nảy mầm cây bồ-đề. Còn cây bồ-đề có sống
được không, to lớn không đó còn tùy duyên nữa.
Chị
Duyên trở về, một bước xuống xe lộng lẫy. Thầy Huệ Châu không ngoái đầu
nhìn lại. Đứng nhìn thầy hồi lâu, chị cảm thấy nghẹn ngào.
– Thầy, qua bao năm tháng chắc thầy đã khổ vì con, vì con của con…
Thầy
Huệ Châu vẫn lần tràng hạt niệm, dạo này sức khỏe thầy không được tốt.
Cơn hen suyễn kéo dài khiến thầy sụt cân trầm trọng. Cũng vì sự việc
thầy ốm nên khách viếng chùa ít đi. Người ta bảo chùa của thầy Huệ Châu
hết phước huệ rồi, không thiêng nữa. Có lẽ từ ngày người đàn bà đẻ trong
chùa nên Phật mới bỏ đi. Nhân gian là thế, như chuyện ong tìm mật hoa,
thậm chí còn mù mờ hơn, cái nghiệp này còn nặng. Chỉ có người làng là họ
vẫn đến chùa như thường. Người bưng cho thầy bát cháo, người mang canh
rau. Đến thì mùa đông, gió thốc tháo thổi từ bờ sông vào hun hút khiến
bệnh thầy thêm nặng. Phước Huệ và Tần đi đâu không ai rõ, chỉ thấy là
không còn ở chùa, cũng không còn ở làng. Mọi người hỏi, thầy Huệ Châu
chỉ nói rằng: Thực ra, đời người không phải chuyện đến đi, lúc ở đây Tần
là cô gái tốt và Phước Huệ là chàng trai tốt. Chỉ có bấy nhiêu, làm sao
biết Phước Huệ ở phương trời nào. Thật khổ cho thầy Huệ Châu. Dính vào
người đàn bà, rồi đến lượt Phước Huệ. Giờ người đàn bà xuất hiện giàu
sang phú quý, không biết Phước Huệ sau này xuất hiện như thế nào. Người
ta nói chuyện giàu có mã. Không cứ ăn ở phúc đức lại có tiền, cũng không
cứ gì ăn ở thất đức lại hái ra tiền. Chung quy thế, cái “mã” này nó nằm
trong tưởng tượng. Cũng chẳng hiểu thế nào. Thầy Huệ Châu cũng không
hỏi đến chuyện chị Duyên đi đâu, làm gì thời gian qua. Thầy chỉ rót trà
mời.
– Chị uống đi, trà sen vẫn còn nóng đấy.
Chị
Duyên khóc. Sự độ lượng của thầy Huệ Châu đã vượt ra khỏi biên giới của
sự được mất, của sự cho nhận. Chị nói, trong chậm rãi, nước mắt và đớn
đau.
– Sau bao nhiêu chuyện, thầy không hỏi vì sao con mang thai? Vì sao con bỏ đi và vì sao con trở về ư?
– Cái đó tùy duyên, nếu chị thấy cần phải nói tự khắc chị sẽ nói.
–
Con đã bị người ta cưỡng bức. Con đã không thấy mặt người đàn ông đó.
Đêm hôm đó, ngay sau chùa. Con đã gọi thầy nhưng không thấy thầy đâu.
Con chỉ còn chừng này, đó là tang chứng…
Chuỗi
hạt được đưa ra, từng hạt rời rạc được gói kỹ trong chiếc khăn vải màu
vàng. Thầy Huệ Châu đón lấy. Thầy nhìn một lúc rồi nói với người đàn bà.
– Đây là chuỗi hạt của ta.
– Thầy ơi, con lạy thầy.
– Nó có cũ đến đâu, có mốc meo thì ta vẫn nhận ra đó là chuỗi hạt của mình.
Chị
gục đầu xuống đất. Thầy Huệ Châu vẫn tiếp tục niệm Phật. Tiếng mõ bắt
đầu cất lên, từng tiếng một, rất buồn. Lúc này đây, chị đã lui về phía
sau rồi đi ra bến sông. Mùa đông, hoa chuồn chuồn vẫn nở. Từ thượng
nguồn cho đến cuối con sông, hoa cỏ xanh rờn. Màu vàng của hoa lấp lánh
trong màu xanh của cỏ. Một lúc sau, thầy Huệ Châu xuống theo. Thầy cũng
đi dọc con sông đến nửa thì thầy cắt ngang dòng. Thầy lội sang phía bên
kia sông, nước rất buốt nhưng thầy vẫn bình thản. Chị cố chạy theo, bì
bõm, nhăn nhúm, xuýt xoa.
– Thầy ơi, thầy đang ốm cơ mà…
– Ta sẽ đi tìm Phước Huệ về cho con. Nó ở bên kia sông…
Sáng
mùa đông, nước sông xanh lấp lánh. Những giọt nắng yếu ớt không đủ làm
ấm nước sông. Phía bên kia sông, thấp thoáng trong rặng cây xanh là ngôi
chùa rất khang trang. Thầy Huệ Châu bước vào, theo sau là chị. Đi đến
giữa điện thì chị chợt nhận ra người đàn ông giống thầy Huệ Châu đến lạ.
– Thầy ơi, đây là Phước Huệ ư?
– Đây là con trai của cha ta. Phước Huệ ở đâu có lẽ người này biết.
Nói
xong thầy Huệ Châu lấy chuỗi hạt đặt vào tay người đàn ông. Thầy ngược
sông trở về. Mấy hôm sau thì thầy mất. Người làng tập hợp nhau làm đám
cho thầy. Hôm lễ tang, Phước Huệ cũng có mặt ở đó, người đàn ông cũng có
mặt. Người làng trầm trồ, ở đâu ra tới ba người giống hệt nhau như ba
hạt giống từ một quả. Đám đưa, mộ thầy Huệ Châu được chôn trên ngọn đồi,
ở đây có thể nhìn bao quát cả mấy làng, có thể nhìn thấy rõ dòng chảy
của con sông. Chị chợt nghĩ, nhìn trần gian lắm chỉ thêm khổ thầy. Phải
chăng??? Không phải thế, không lý nào chuỗi hạt đó là của thầy. Thế tại
cơ sự nào khiến thầy nói vậy. Chị vẫn nhớ, dùng dằng đôi co với người đè
mình xuống bến sông chị đã giựt đứt chuỗi hạt. Không lý nào…
Trên
ngọn đồi, gió thổi thốc tháo lật tung mớ tóc đã chải kỹ của chị. Chị cứ
đứng nhìn trân trối đám nhang đang cháy trên mộ thầy Huệ Châu. Lúc sau,
người đàn ông đến gần chị, giọng nói đặc quánh của một người chưa đủ
già.
– Chuỗi hạt đó là
của cha tôi. Cha tôi đã trao lại cho anh trai tôi, đó là vật gia truyền.
Và anh tôi đã đưa nó cho tôi, mong tôi gìn giữ…
– Thầy có gìn giữ nó không?
– Tôi đã không gìn giữ được nó. Tôi đã đánh mất nó từ hai năm nay, vì sợ anh trai tôi buồn lòng nên tôi đã không nói ra điều đó.
– Thầy nói thật lòng chứ?
– Người xuất gia không được nói dối nửa lời.
Sư
thầy chẳng nói thêm gì. Thầy xuống núi và ngược sông trở về chùa lặng
lẽ. Hôm đó trời mưa rất to, mưa được một lúc thì nước sông Hiên vồn vực
nước. Giữa dòng củi mục, lau sậy, cây cối đua nhau đùn về. Chị ngước mắt
lên trời, quá nhiều giọt nước giống nhau chẳng thể nào đếm nổi. Nó thi
nhau chảy xối xả vào mắt. Cũng lạ, có lúc nước lại trở nên bỏng rát.
Hoàng Hải Lâm
Về đi
Về đi, thôi hãy về đi nhé,
Tìm chốn làng quê thăm chốn xưa...!
Lá si từng chiếc rơi mưa,
Tình đời, cõi đạo vẫn chưa tìm về !?
NM
Về đi !
Một năm nay, sư thầy về quê thường xuyên hơn, ít nhất
mỗi tháng một lần. Ông cụ thân sinh của thầy đã già yếu lắm rồi. Trước
ngày rời chùa, bao giờ thầy cũng thu xếp mọi việc, căn dặn đệ tử rồi mới
an tâm xách túi vải màu lam thong dong bước ra cửa.
Những chuyến về quê thầy thường cho điệu Sanh đi
cùng. Có lẽ tại điệu Sanh là chú tiểu nhỏ tuổi nhất trong các đệ tử nên
được thầy cưng chiều hơn cả. Với lại thầy biết điệu Sanh vốn tính hiếu
động, ở chùa mà vắng thầy thì thể nào điệu cũng bày trò quấy rầy các sư
huynh hoặc khách hữu đến thăm viếng. Về quê, thầy nói cho điệu Sanh đi
cùng vừa để chùa “yên”, cũng là để điệu ấy được tu. Điệu Sanh thắc mắc:
“Tu là phải ở trong chùa, có Phật mới tu được chứ?” Thầy mỉm cười nhẹ,
bao giờ điệu Sanh thắc mắc những điều như thế, thầy cũng chỉ cười mà
không trả lời.
Ra đến cổng chùa, điệu Sanh lại hỏi: “Thầy ơi! Hôm
qua con nghe các sư huynh nói đi tu là quên hết chuyện gia đình. Sao giờ
thầy lại về quê?” Sư thầy dừng chân, yên lặng một lúc rồi lại mỉm cười
hiền dịu và quay sang phía điệu: “Vậy điệu Sanh ở lại chùa, để thầy về
quê một mình, nghe”. Nói xong thầy rảo bước đi. Điệu Sanh chạy theo cầm
lấy vạt áo nâu. Thầy đưa tay lên xoa đầu điệu Sanh: “Thôi nhanh lên con,
sắp tới giờ xe chạy rồi”.
Mất gần ba tiếng đồng hồ ngồi xe, sau đó hai thầy trò
thả bộ chừng ba mươi phút mới tới được quê nhà của thầy. Con đường làng
hai bên cỏ rợp lên, những bông cỏ dại nở màu vàng trắng tím khiến điệu
Sanh thích thú. Đi một chặng, điệu Sanh cúi xuống hái hoa hoặc đuổi chụp
cánh bướm vờn, rồi lại lon ton chạy theo thầy. Mỗi lần như thế, thầy
lại mắng yêu: “Trên đường cứ mải hái hoa nghịch bướm thì chừng nào mới
tới được”. Rồi như để điệu Sanh bớt nghịch, thầy kể chuyện cho điệu Sanh
nghe. Mà điệu Sanh lại hay tò mò. Điệu Sanh hỏi: “Thầy ơi! Sao thầy lại
đi tu? Có phải thầy cũng ghét cha mẹ như con không?”.
Sư thầy không trả lời. Nhưng câu hỏi đã khiến thầy như chạnh nhớ. Ký ức tưởng đã xa xăm chìm vào lãng quên.
*
Hồi mười tám tuổi, sư thầy lúc đó là chàng trai làng tên Khôi sức vóc, siêng năng.
Khôi thương cô Nguyệt cùng làng. Cô Nguyệt hiền lành,
xinh xắn. Cả làng ai cũng khen hai người đẹp đôi. Đi làm đồng, lúc nghỉ
giữa buổi thể nào Khôi cũng kéo Nguyệt lên trên triền cỏ ngồi tâm tình.
Khôi khéo ăn nói, cả làng bảo thằng này đi cưa gái lắm đứa chết mê.
Nhưng Khôi chỉ để ý đến Nguyệt. Biết tin hai người có tình cảm với nhau,
ông giáo Tuệ, cha của Khôi, liền ngăn cấm.
Ông Tuệ chê nhà cô Nguyệt nghèo. Cha Nguyệt mất sớm.
Song thân đằng ấy không đầy đủ. Không môn đăng hộ đối. Nguyệt còn có một
chị gái, một em gái; nòi nhà toàn… cái. Mà Khôi là con trai duy nhất
của ông giáo Tuệ, phải đẻ cháu đích tôn. Ông dõng dạc nói như phán:
thằng Khôi nhà này không thể lấy con Nguyệt. Cấm!
Ông giáo Tuệ vốn là người nhất nhất nghi lễ. Biết cha
mình “phong kiến” và nghiêm chỉnh, cộng với chút nông nổi tuổi trẻ,
Khôi quyết chí bỏ làng đi vào Nam. Đi suốt một ngày chàng vẫn chưa hết
buồn lòng, nhưng lại đói lòng, thế là Khôi tìm vào một ngôi chùa. Chàng ở
lại chùa rồi xin xuống tóc. Tu luôn!
Ừ! Thầy đi tu có phải cũng vì ghét cha mẹ như điệu Sanh không?
*
Đến nhà rồi. Điệu Sanh ném mấy bông hoa dại mới ngắt
lúc nãy, cùng thầy bước chậm vào ngõ. Cụ giáo Tuệ nằm trên giường ngó ra
như thể ngóng đợi. Sư thầy mới bước qua cửa thì ông cụ Tuệ đã bật lời
rền rĩ như mắng: “Về đi! Tu chi cho khổ”. Rồi cụ cố nghiêng người quay
mặt vào tường. Sư thầy nhìn mọi người trong nhà và mỉm cười. Nụ cười
thanh thoát của vị sư hai nhăm tuổi đạo.
Hai tháng sau, điệu Sanh lại theo sư thầy về quê.
Thấy sư thầy gấp gáp chuẩn bị túi vải, điệu Sanh bớt hoang, dọc đường
không nghịch hoa hay hỏi han nữa. Ông cụ Tuệ yếu hẳn đi, gầy rộc, nằm
yên ắng. Cụ vẫy vẫy sư thầy tới, đưa tay kéo đầu thầy xuống và nói nhỏ
vào tai, lần này không mắng. Cụ không còn sức mắng, hay là cụ đang năn
nỉ? “Về đi! Lấy vợ. Cháu đích tôn”. Và sư thầy cũng không cười như lần
trước nữa, dù chỉ là một nụ cười mỉm thật nhẹ.
Tu là để đạt đạo. Mà hiếu cũng là đạo. Hiếu đạo. Ngày
xưa thái tử Tất Đạt Đa đã từng có vợ, sinh cháu cho phụ vương rồi mới
đi tu để thành Phật. Vậy là Ngài trọn hiếu đạo.
Tu là đi. Về cũng là đi. Về đi! Tu, đi hoài liệu có
tới cõi Phật? Nhưng về, ít nhất đối với sư thầy lúc này, về là sẽ tới...
cõi người.
Sư thầy trầm ngâm nghĩ suy từ lúc ấy cho đến khi quay
lại chùa. Trong thầy hai chữ về đi cứ thổn thức. Thầy như chìm vào cơn
mê kiểu giấc mơ Trang Tử. “Không biết ta là sư thầy giữa cõi người? Hay
ta là người thường lạc giữa cõi đạo?”
Đám tang cụ Tuệ tổ chức trọng thể. Đám làm cơm chay
và theo nghi thức nhà Phật. Lễ nhập liệm, lễ cầu siêu… đều có các thầy
trong giáo hội và đoàn sinh Phật tử tụng kinh. Đêm trước ngày di quan,
mọi người đã đi nghỉ cả rồi, chỉ còn sư thầy ngồi trước bàn vong niệm
kinh Sám Hối.
*
Thuở ấy tôi là điệu Sanh, nghịch ngợm bướng bỉnh,
không yêu thương cha mẹ nên được gửi vào chùa tu để cải nghiệp. Tôi là
con trai duy nhất của cha mẹ.
Đêm tôi ngồi trước thềm chùa, lá si rơi từng chiếc tán xuống sân.
Về đi!
Về đi!
Về đi!
Hoàng Công Danh