Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

NTV - Chùa Bửu Long và ngôi nhà thờ họ


Bên Bến Sông Buồn


Thương ngôi nhà cổ
Mù u chừ xanh lá,
Không còn hoa trắng khoe...
Chùm trái tròn xanh ngắt,
Xôn xao dưới nắng hè !!

Bến sông quê gió mát,
Đâu còn mái chèo xưa...?
Giờ máy ghe dồn sóng,
Phà đưa người qua sông !!

Thinh không chim ríu rít,
Chào đón nắng ban mai...
Bìm bịp kêu không ngớt,
Tìm bạn đâu quanh đây ?!

Lần đầu về quê cũ,
Ngắm nhà cổ ban trưa...
Lòng bỗng dưng xúc động,
Nhớ người muôn năm xưa !!
NM

Chùa Bửu Long và Ngôi nhà thờ cổ

 Chùa Bửu Long thuộc huyện Tân Bửu, quận Bình Chánh cũng cùng một nơi với quê hương bên nội của cha con Ti, chỉ hơi khác là chùa Bửu Long nằm bên này sông, nơi đây ban đầu là chỗ gởi hai hủ tro cốt của Bà cố và ông nội của Ti, ngoài ra còn có sẵn hủ tro cốt của ông Sơ là ông cả Hương, một hương chức cố cựu nổi tiếng giàu có nhiều đất ruộng ở quê hương Bình Chánh nầy !

Vị trí của chùa khá nên thơ vì từ con đường tỉnh lộ quẹo vào con đường đê tương đối rộng còn  phải đi qua một lối nhỏ bằng bê tông mới vào đến cổng chùa, hai bên là ruộng cũng có nhà và ao thả súng, sen .... Sau nầy tro cốt được dời đi hai cô cháu không có dịp viếng thăm chùa thường xuyên, lần ghé gần đây trước giãn cách thấy quang cảnh không còn như cũ, chùa đã được tu sữa lại không còn phong cảnh làng quê mộc mạc nữa !

  Dòng sông chia đôi bờ bên này bờ là chùa Bửu Long, bên kia bờ là đường vào nhà thờ họ

Chùa nằm kề cận bên sông có bến đò nhỏ để thuyền cặp ghé vào vì hai bờ sông chưa có cầu bắc ngang qua, người dân muốn qua lại hai bên sông đều phải đi bằng ghe máy nhỏ hay phà nhỏ, mỗi lượt khách lên phà đầy đủ, phà chỉ cần quay đầu lại là đến bờ bên kia! Ban đầu hai cô cháu chỉ biết viếng chùa Bửu Long những dịp Thanh Minh, lễ Tết...Tất cả những người liên quan đến dòng họ hai cô cháu chưa có dịp gặp mặt chỉ biết chút ít nguồn cội cha con Ti qua lời thầy trụ trì chùa này, thầy là người cố cựu ở đây nên rất rành về gia tộc của Ti ở quê và ở Sài gòn nữa...

Trong thời gian các hủ tro cốt còn lưu lại đây, cảnh quang chùa hãy còn thơ mộng và đậm chất chân quê, mỗi lần có dịp viếng chùa là thầy hay lưu lại trò chuyện thăm hỏi, mời thưởng thức những chung trà lá dứa rất thơm ngon, lúc đó các hủ tro cốt nắp chưa gắn kín lại không có hình và bảng tên, thành ra phải lục tìm hình cũ đi rửa ảnh, đặt bảng tên rồi lựa ngày tốt nhờ Thầy gắn hình và bảng tên giùm, dùng ciment trắng khằn nắp của các hủ tro cốt để phòng khi hủ ngã sẽ không bị đổ tro cốt ra ngoài !!

Theo lời thầy, thân nhân bên nội Ti vẫn còn ở đây nhiều, nhưng không hiểu tại sao người ta vẫn giữ nguyên tình trạng các hủ tro cốt chông chênh như vậy ? Khi biết mối liên hệ của cha con Ti với ông Cả Hương Thầy trụ trì rất có thiện cảm, thầy thường kể cho nghe những tin tức tranh chấp đất đai của "những bậc trưởng bối", hầu như người ta quên mất hãy còn sót lại chút máu mủ tình thân của người con gái cả của ông cả Hương !! ...Cứ như thế hai cô cháu âm thầm đi viếng bên nội Ti một thời gian khá dài ....Sau này Ti lớn lên lại tiếp tục chở mình đi viếng tro cốt ở chùa Bửu Long, tin tức dòng họ cũng chỉ biết qua thầy ở chùa....Mãi cho đến một ngày thầy trụ trì báo tin "bên kia" muốn gặp và liên lạc với hai cô cháu để nhìn "bà con" có lẽ vì người ta thỉnh thoảng cũng ghé chùa thăm tro cốt, khi nhìn thấy hai hủ tro cốt được gắn hình và bảng tên đầy đủ và nhất là sau khi tranh chấp phân chia ruộng đất xong hết thì mới bắt đầu nghĩ đến việc muốn gặp hai cô cháu để "nhận" bà con !

Tổng quan nhà thờ họ ngày mới viếng ở phía bên kia sông

 Theo chỉ dẫn của thầy hai cô cháu đã gặp bà con bên Ti, bà thím Ba đã vui vẻ tiếp đón và mời hai cô cháu đến dự đám giỗ "bà cố dì" là em của bà cố của Ti, căn nhà thờ họ lúc ấy cũng khá cũ nhưng còn được chăm sóc, nhà chỉ mở cửa khi cúng giỗ các bậc trưởng thượng, phần hương hỏa thờ phượng có lẽ thuộc về vợ chồng chú Ba Cao cho nên hôm đó Thím Ba mời tất cả bà con hàng xóm ở chung quanh đến dự rất đông, rất vui và thân tình nhờ không khí dân dã của làng quê, mọi người ở đây không chỉ là láng giềng mà hầu như  còn có liên hệ bà con gần xa với nhau cho nên hàng năm vào mùa nước lên, con trai chú thím Ba phải khuân vác tủ thờ, bàn ghế đi gởi hàng xóm vì nước tràn lan vào nhà ! 

Con đường nhỏ đi từ con đường đê vào hãy còn hoang sơ, nhà thờ họ nằm gần sông nhưng mặt tiền nhà lại quay ngang nhìn ra con đường nhỏ dẫn vào sân
Căn nhà thờ họ nhìn tuy cũ nhưng khá ấm áp, chung quanh vẫn còn có đủ các chuồng nuôi gia súc như gà vịt, riêng chuồng heo thì thím Ba cho biết đó là heo của hàng xóm gởi nhờ! Có cả hàng cây mù u giờ đang đơm trái....
Căn nhà thờ họ đông vui rộn rả hẳn lên, thím Ba tất bật chạy lên xuống sắp xếp và nấu nướng, bà con đến phụ cũng nhiều vì vậy mọi chuyện nhanh chóng hoàn tất để dọn lên cúng, và đây cũng là lần đầu tiên gặp mặt nhau cho nên việc giới thiệu thăm hỏi cũng khá nhiêu khê ! 
Riêng chú Tuấn, con trai duy nhất của chú thím Ba cũng khá thân tình, chú nói khi nghe thầy cho biết về hoàn cảnh của cha con Ti tuy khác dòng và trơ trọi nhưng đã được gia đình mình nuôi dưỡng cưu mang như ruột  thịt, chú nói câu chuyện nghe qua tưởng như chỉ có thể xảy ra trong phim ảnh mà thôi! Chú còn vui vẻ hoạch định sẽ sữa chữa ngôi nhà thờ họ nầy và di dời nhà thờ vào sâu trên bờ hơn để tránh ngập mùa nước lớn !!
Chuồng gà và chuồng heo vẫn còn nuôi gia súc, trong khi chờ đợi người lớn sắp xếp hai cô cháu đi tham quan ghi hình kỹ niệm
Trên sông ghe thuyền khá tấp nập, tiếng máy ghe xình xịch kết hợp với tiếng chim, tiếng cười nói sau bếp đưa ra tạo nên một khoảng không gian vui vẻ và thật gần gũi ! Bây giờ "người lớn" đã cúng xong là đến phiên con cháu cho nên hối Ti mang hoa quả vào bày cúng chung 
Lúc này sau bếp thức ăn đã xong hết cả rồi, mọi người đang chuẩn bị dọn lên cúng cho kịp giờ ăn trưa, tội nghiệp chú Hai Còn và chú Ba Cao coi bộ vui lắm, riêng chú Hai cứ áy náy sợ hai cô cháu cảm thấy lạc lỏng không vui! Nhìn Ti nó vẫn không nói gì vì là "phận" nhỏ nhít nhưng nghĩ chắc là cháu cũng vui giống như lòng mình đang vui vì hôm nay Ti đã biết được bà con bên nội của mình, không cần ruộng đất thừa kế, cũng không cần ngôi nhà thờ tự uy nghi mà lòng vẫn cảm thấy ấm áp vì đã tề tựu về nơi đây dù chỉ một lần cho biết cũng đủ thỏa nguyện
Không hiểu tại sao mình lại có ý nghĩ khá nông nổi và bi quan như vậy nhỉ ?!
Thời gian sẽ trả lời cũng như một câu hỏi lớn hiện ra trong đầu là không biết tương lai hai cô cháu sẽ được viếng nơi đây bao nhiêu lần nữa, sự tản mác của dòng tộc, một phần lớn con cháu đã lưu lạc tha hương, nhóm con cháu còn lại đây chỉ  vừa đủ ăn, đủ mặc là quý lắm rồi....Nhưng mọi chuyện giờ đã an bày, chỉ mong người đứng ra đại diện thờ tự sẽ có đầy đủ phúc đức hữu duyên mà lưu giữ ngôi nhà thờ tự cùng mảnh đất hương hỏa cuối cùng của dòng họ gia đình Ông Cả Hương được trường tồn với thời gian !!
Chỉ cầu xin được bấy nhiêu thôi, xin còn được trở về ngồi dưới bóng mát của cây mù u trong vườn, nghe tiếng chim ríu rít trên cao, tiếng bìm bịp gọi bạn trên sông hòa cùng tiếng máy ghe xuôi ngược mà ngậm ngùi tưởng nhớ một thời gia đình còn sum họp và sung túc ...!
NM PTND

 

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

NTV - Con quay gỗ

Tạ Ơn (nhạc)

 
Sao mãi còn quay ?
Mấy chục năm sao mãi còn quay tít ?
Thò lò ơi tâm cố giữ bình yên...
Thế sự thăng trầm, tâm trí đảo điên
Đời là thế vì đời là bể khổ !!
Xin Phật Trời, xin ơn trên cứu độ .
Giúp mọi người sớm vượt ải trầm luân
Tạ ơn người vì dịch bệnh quên thân
Lòng nhân ái giúp người qua kiếp nạn !
NM

 
Bông vụ

Nhất đứng ở trên bậc thềm tam cấp nối lên cầu thang ngay dãy nhà A của trường tiểu học nhìn thằng Hòa đang cầm bông vụ của mình xoay xoay trên lòng bàn tay trước ánh mắt hiếu kỳ của những cô cậu bạn khác. Nhất giận lắm, cậu từng là tiêu điểm thu hút mọi ánh nhìn của mọi người với nhiều món đồ chơi hấp dẫn như xe hơi điều khiển từ xa, các bộ lắp ráp bằng nhựa mới coóng có thể tạo thành những tòa lâu đài khổng lồ đầy màu sắc, đến những lá bài đầy đủ hình thù kỳ quái và đầy sinh động, đến cả những chiếc điện thoại cảm ứng thông minh cậu cất kỹ lưỡng vào ngăn bí mật trong cặp nơi mà cô chủ nhiệm không thể phát hiện, để có thể chơi vào giờ giải lao…

Nhất luôn là tâm điểm ở giờ ra chơi với những món đồ báu vật đầy phép thuật được thần linh ban tặng. Những lúc chán chê, cậu thường nhường cho những cô cậu bạn khác mà cậu thích. Vì thế, ai cũng muốn trở thành bạn của Nhất, bởi chẳng phải ai cũng đủ điều kiện để có thể sở hữu cho mình những món đồ chơi đắt tiền. Cậu thích như thế lắm, sự vây quanh của mọi người và xin cậu mượn những thứ vật thần kì trong chiếc cặp vuông của mình. Tuy nhiên, cái ngày Hòa đem bông vụ bằng gỗ màu nâu bóng loáng của mình lên lớp, những ánh mắt thèm khát và cám dỗ đã không dành cho Nhất nữa. Họ ùa theo Hòa trong giờ ra chơi, trầm trồ khi xem cậu dùng dây quấn quanh bông vụ từ chân đến thân và kéo vút sợi dây khiến nó xoay mòng mòng trên mặt đất. Nhất thấy cái thứ gỗ đen kịt ấy sao lại hơn những mô hình rô bốt của mình được chứ? Cục gỗ ấy làm gì biết nói, làm gì biết cử động theo lệnh của con người qua cái điều khiển cầm tay. Cục gỗ ấy chỉ biết xoay và xoay và xoay, còn phải dùng lực trực tiếp vào nữa chứ, cái bông vụ ấy thật vô dụng. Nhưng tại sao mọi người lại tụ tập vào Hòa. Nhất nắm chặt bàn tay, hùng hổ đi lại đám đông, chen lấn vào sâu bên trong và thấy thằng Hòa đang cười toe toét với chiếc áo sơ mi trắng đã xỉn màu nâu nhạt vì cũ kỹ. Hòa có vẻ đang vui lắm khi trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thường ngày, cậu chỉ là một đứa học sinh bình thường chẳng ai được để tâm đến, lủi thủi ngoài sân nô đùa với đám bạn riêng lẻ vì chẳng bao giờ có cơ hội chạm vào những món đồ chơi xa xỉ của Nhất, nhưng nay cậu lại được mọi người chú ý với con bông vụ của mình. Hòa lặp lại những động tác của mình, nhanh thoăn thoắt, quấn dây, đặt gần mặt đất, vút sợi dây và thả bông vụ xoay xoay trên nền đất màu nâu bằng phẳng. Bông vụ xoay và xoay, đảo sang trái và lệch sang phải, lực yếu dần, bông vụ xoay chậm và hướng đi dần mất ổn định hơn và dừng lại ngay dưới chân Nhất.

Bần thần, cậu đứng đó, cuối mặt nhìn bông vụ lăn tăn vắt kiệt từng vòng quay cuối cùng dưới chân mình. Nhất nhìn cái bông vụ dơ bẩn đen kịt và vô dụng ấy hồi lâu đến khi nó dừng hẳn. Hòa chạy lại gần, dự định tiếp tục biểu diễn tiết mục xoay bông vụ chán ngắt của nó thêm một lần nữa, lộ trên mình một nụ cười sảng khoái đáng lẽ ra phải là của Nhất. Nhất tức lắm. Nó cuối người xuống giữa hai thằng, thò tay dưới hai chân của một cậu bạn khác, chộp lấy bông vụ gọn trong lòng bàn tay và chui ra thật nhanh. Cầm trên tay bông vụ, Nhất nắm thật chặt, vung tay ra sau và quẳng thật mạnh. Con vụ bay vuốt lên trên nóc của tòa nhà một tầng của học sinh lớp năm. Tiếng va chạm của con vụ với những mái ngói đỏ, có lẽ đã vỡ tấm gói nghe răng rắc. Rồi âm thanh con vụ lăn từ từ qua các mối ghép nghe lọc cọc, lọc cọc và tiếng va chạm với máng xối nước một tiếng vang khô khốc. Con vụ đã bị thằng Nhất ném lên máng xối nước. Nó không ngờ mình đã ném mạnh đến thế. Nó chỉ muốn ném con vụ đi thật xa để thằng Hòa phải chạy đến lượm và nó sẽ cười hả hê. Nhất chỉ muốn thế. Nhưng nó đã quá tay, lực dùng quá nhiều, động tác ném quá chuẩn xác đối với một vận động viên ném tạ nhí. Con vụ bay đi thật cao lên mái nhà ngói đỏ của học sinh lớp năm. Thằng Nhất hoảng hốt quay lưng bỏ chạy khi đám bạn còn ngẩn ngơ không biết chuyện gì đang xảy ra. Nó chạy thẳng một mạch từ sân trường, lên những chiếc cầu thang ám màu cũ kĩ và những vết rêu bám đang dần loang lổ, qua các hành lang đông đúc tiếng nô đùa của những cậu bé nghịch ngợm và tiếng cãi nhau ý ới của những cô bé khác, chạy thẳng về phía trước mà không hề quay lại nhìn phía sau dù chỉ là một lần. Nhất chạy thẳng vào trong lớp và úp mặt xuống bàn, đối chọi với những giằng xé trong nội tâm của một cậu bé chưa tròn mười tuổi. Nó hơi khẽ run khi nghĩ đến việc thằng Hòa sẽ mách với cô giáo chủ nhiệm và nó sẽ bị quở mắng thậm chí là mời phụ huynh vì những hành động ngu xuẩn đã làm. Nó úp mặt xuống bàn, nhưng vẫn mở mắt, Nhất nhìn chằm chằm vào những vân gỗ đã nứt và bị bào mòn bởi thời gian hóa thành những khe nứt nhỏ tí  trên mặt bàn. Nó ước gì mình có thể chui gọn vào trong chiếc khe bé xíu ấy để không phải đối mặt với sai lầm mà mình đã gây nên.

Chợt, tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi kết thúc. Nhất có thể nghe rõ mồn một từng tiếng trống ngắt quãng từ từ ngân lên và dừng lại. Nó cũng nghe rõ âm thanh rì rào bởi những tiếng cười nói ồn ào ở dưới sân ngày càng dồn ứ trước hành lang các lớp. Cô giáo sắp lên và thằng Hòa cũng chuẩn bị vào lớp. Nó không thể chịu đựng được cái cảm giác quỷ quái này như một hũ mực vừa đổ đang ăn dần lấm lem tờ giấy trắng tinh. Nhất vẫn không dám ngẩng mặt lên. Các bạn đã vào lớp đầy đủ và vẫn chưa ổn định chỗ ngồi vì cô giáo chưa đến. Bạn Trang ngồi cạnh nó đã vào bàn ngồi và chuẩn bị sẵn sàng bút vở trước mặt. Nó có thể nghe tiếng âm thanh mở cặp và tiếng  những thanh nhựa va chạm nhau. Chợt, những tiếng xầm xồ bắt đầu nhỏ lại thành những tiếng xì xào và im bặt. Cô đã lên lớp. Tiếng đôi giày cao gót của cô từ từ bước lên bục giảng, từng bước chậm rãi như khẽ vào suy nghĩ Nhất từng đòn roi.

“Học sinh … Nghiêm.” Giọng nữ lớp trưởng vang lên. Cả lớp rầm rập đứng dậy chào cô. Nhất không thể tiếp tục ngồi đó được. Nó phải đứng dậy. Nhưng rất từ tốn. Đầu tiên là đứng bằng hai chân rồi thẳng lưng và vẫn chưa vội ngước mặt, đầu nó vẫn cúi gầm nhìn cái khe gỗ nứt trên bàn do trải qua thời gian. Cả lớp im lặng vài giây. Cô ra hiệu các em ngồi. Nhất vẫn không ngẩng mặt nhìn. Nó vẫn cuối gầm như cây liễu với những cành cây cao rủ xuống mặt đất. Trong thoáng chốc, Nhất nghĩ, nó không thể cứ tiếp tục thế này được. Cổ nó đang mỏi và dấy lên những cơn đau nhói ngay đốt sống. Nó phải ngước lên. Nó ngóc đầu dậy. Lắc lắc cái đầu và nhìn thấy cô đang ngồi trên bục giảng, chuẩn bị xấp tài liệu, không có dấu hiệu gì sẽ trừng phạt mình. Nhất nghiêng đầu sang phải, nhìn thấy thằng Hòa, từ phía sau, Nhất thấy nó đang nghiêng mình nhìn ra cửa sổ, hướng qua tòa nhà một tầng của lớp năm, nơi bông vụ của nó đang kẹt trên máng xối nước dưới ánh nắng gay gắt của những ngày không mây.

*****

Ông già ấy vẫn ngày qua ngày ngồi đấy với quyển sổ có vỏ được bọc da cẩn thận nhưng lớp da ấy đã sần sùi và ngả sang màu nâu đặc quánh. Ông ta ngồi trong căn nhà bỏ hoang đang chờ xây dựng trước hẻm. Gặp ai lão cũng mỉm cười hiền hậu. Ông ta chẳng phải ăn xin, Nhất chưa từng thấy ông ta chìa tay ra xin tiền bất cứ ai bất cứ điều gì dù chỉ là những thứ nhỏ nhặt nhất. Ông lão chỉ ngồi đó, đưa mắt con đường vắng ngay trước mặt và đếm thời gian qua. Ông xuất hiện ở đây vào một chiều thu tháng chín, Nhất vừa được mẹ mua tặng cho một chiếc lồng đèn chạy bằng pin với những ánh sáng nhấp nháy cùng với những tiếng nhạc vui tai nối tiếp nhau vang lên. Khi về đến đầu hẻm,. Nhất phát hiện ra ông ta ngồi đấy, tựa lưng vào tường và nghĩ ngợi. Phát hiện ra Nhất đang nhìn mình, ông nhìn cậu nở một nụ cười như vừa nhìn thấy cả quá khứ trong một cậu bé tiểu học. Nhất nhìn ông với đôi mắt tò mò như muốn mở toang mọi bí ẩn của trong ông. Và cứ thế, từng ngày, mỗi sáng khi đi học và mỗi chiều khi đi học về, cậu đều nhìn ông chăm chú và cúi đầu chào một cách lễ phép. Còn ông ta thì vẫn cứ ngồi đấy, mỉm cười thật khẽ với đôi mắt đã chi chít dấu đồi mồi. Ông thường xuyên ôm khư khư quyển sách với vỏ da khiến Nhất tò mò kinh khủng. Cậu muốn biết trong đó chứa đựng điều gì mà ông ta giữ gìn như thế. Là một bản đồ kho báu dẫn đến một cù lao giữa sông chứa đầy vàng bạc và đá quý hay một công thức có thể giúp con người trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng? Hay là một món đồ chơi quý báu mà chẳng ai trên thế giới này có thể sở hữu được. Những suy nghĩ kì lạ ấy cứ lảng vảng trong đầu Nhất khiến cậu không thể nào ngừng tưởng tượng ra lão già không tên ngồi dưới căn nhà hoang ngay đầu ngõ. Nhưng điều làm cậu thắc mắc hơn hết thảy, và chỉ có duy nhất cậu để ý đến việc này, đó chính là cái bớt màu nâu nhăn nheo ngay giữa ngực của lão già. Phải, nó rất đặc biệt, nó màu nâu chàm, nhăn nheo như một mảnh vải mành đã nhàu nát theo thời gian. Cái bớt hình thù chẳng có gì đặc biệt, nó chẳng phải giống một cái đầu lâu hay một bông hoa hồng giữa ngực, cũng chẳng tạo thành hình thù hay chữ số kỳ quái. Điều khiến Nhất chú ý đến vết bớt của lão, là nó giống hệt của cậu.

*****

Thằng Nhất vẫn chưa thể rũ bỏ cái tâm lý sợ sệt khi đến trường. Nó chưa bao giờ cảm thấy ngại đến trường như bây giờ. Cậu luôn có một lý do vui để có thể đến trường vào mỗi buổi sáng. Nhưng chưa bao giờ, bước qua cổng trường lại áp lực đến thế. Nhất biết, nếu vào lớp, nó phải đối diện với Hòa, người vừa bị cậu nắm bông vụ lên nóc nhà mà chẳng tài nào có thể lấy xuống được. Nó nằm trên  nóc nhà của tòa nhà khối lớp năm, trường thì chẳng có thang và chẳng có bất kì giáo viên hay công nhân viên sẽ giúp cậu trèo lên đấy và lấy cái bông vụ ấy xuống. Nó sẽ  bị những lớp lá bàng vàng rượi chôn lấp và chẳng thể nào lần mò ra. Nhất đã có những kế hoạch khác cho riêng mình. Đó là cậu nhờ cha mẹ mình mua một bông vụ mới. Khi suy nghĩ ra sáng kiến đó, nó mừng lắm. Bởi, không có thứ đồ chơi trên thế giới này mà ba mẹ cậu không thể mua được. Nó tin chắc là thế. Cậu sẽ nhờ ba mẹ mua cho mình một vài con bông vụ mới, đền cho thằng Hòa và sau đó tự sở hữu lấy con quay ấy một cách thoải mái. Rồi Nhất sẽ thản nhiên được giải phóng khỏi những tội lỗi bám sâu trong cậu. Nhưng. Nhưng mọi thứ chẳng đơn giản như cậu nghĩ. Phải, gia đình cậu thuộc loại khá giả nhất lớp, có thể nói là nhất trường. Không một món đồ chơi hay khoản phí nào có thể làm khó được ba mẹ Nhất. Tuy nhiên việc sở hữu một món đồ chơi không còn sản xuất là cực kỳ khó khăn. Khi Nhất nói với ba mình. Ông đáp: “Bông vụ ư? Con biết sự tồn tại của bông vụ à? Ba không nghĩ bây giờ người ta còn sản xuất những món đồ chơi thủ công như thế. Để ba cố gắng tìm.” Chính ba cậu cũng đã ngờ ngợ ra cái  viễn cảnh chẳng thể tìm được bông vụ ở cái thành phố náo nhiệt xô bồ và hiện đại hóa thế này. Cho dù trở về vùng nông thôn hay các tỉnh giáp với thành phố cũng khó lòng tìm được một công ty sản xuất đồ chơi nhân gian. Họ đang chuyển mình để hướng đến những món đồ chơi hiện đại hoạt động bằng điện năng có thể phát ra hình ảnh, âm thanh vui tai và bắt mắt. Những thứ như bông vụ của thằng Hòa sở hữu thì chẳng thể nào giúp doanh thu một công ty sản xuất đồ chơi phát triển được.

Sau hai ngày cuối tuần được nghỉ, ba Nhất bó tay. Ông đã chở cậu lòng vòng khắp thành phố, chen lấn trên những con đường đông đúc dịp cuối tuần và luồn lách vào những con hẻm ngập mùi ẩm thấp và chìm trong sự tĩnh lặng cách xa những con đường. Cậu cùng ba đi hết những siêu thị đồ chơi lớn nhất, hiện đại nhất, đến những con phố chuyên bán đồ dùng dụng cụ trang trí theo từng mùa nhất định nhưng vẫn chẳng thể nào tìm ra được bông vụ. Trong đầu Nhất cảm thấy khó chịu vì cái bông vụ ấy. Sao nó có thể bí ẩn đến thế. Một món đồ chơi cậu chưa từng sở hữu, một món đồ chơi chẳng nơi nào bán, một món đồ chơi như thế tại sao thằng  Hòa lại có được. Nhất vừa tức, nhưng vừa cảm thấy có lỗi tột cùng. Làm sao cậu có thể tìm được món đồ chơi để đền cho thằng Hòa đây. Nó cứu thế cuối tựa mặt vào lưng cha và suy nghĩ. Đầu Nhất tràn ngập những hình ảnh nặng nề về những lời mắng nhiếc của cô chủ nhiệm và những lời trách móc thằng Hòa dành cho cậu. Nó trốn tránh những suy nghĩ ấy bằng cách nhắm mắt và ngủ quên trên lưng cha cho đến khi trở về nhà. Cậu sực nhớ ra mình đã quên nhìn ông lão đầu hẻm và chào, tuy nhiên, việc đó không mấy quan trọng vào thời điểm này.

Nhất vẫn lên lớp, ba mẹ cậu nuông chiều cho cậu nhiều đồ chơi nhưng rất khó khăn trong việc giáo dục, đó là lý do cậu vẫn đi học đầy đủ chưa vắng mặt bất kì một ngày nào ở học kỳ này. Và tất nhiên, cậu chẳng nào trốn học khi nói sự thật cho ba mẹ cậu nghe. Nhất vẫn đến lớp. Hôm nay có tiết sửa bài tập làm văn đã làm từ hồi tuần trước. Cậu chẳng có tâm trạng để chú tâm. Đầu cậu cứ nghĩ về bông vụ, bông vụ và bông vụ. Món đồ chơi ấy xuất hiện trong đầu cậu như một thcu75 thể không xác định và chẳng có cách nào để có thể tìm ra ngọn nguồn của nó. Nhất tức lắm. Nó luôn đặt những câu hỏi tại sao và cái gì cho bông vụ? Tại sao nó được gọi là bông vụ? Bông vụ là cái gì? Chẳng lẽ nó tồn tại trên thế giới này chỉ để xoay trên nền cát thôi sao. Có lẽ chỉ vì thế mà chẳng ai còn bán nó nữa. Nó chẳng đáng giá. Thế nhưng tại sao thằng Hòa lại sở hữu một cái bông vụ đẹp như thế. Bằng gỗ bóng và mới tinh như vừa được bóc ra khỏi một chiếc hộp kín. Nhất chẳng thể nào hiểu nổi.

Giọng cô chủ nhiệm vang lên, yêu cầu Hòa lên bảng. Tim Nhất đập thình thịch theo từng bước chân của thằng Hòa. Mặt nó vẫn ươm buồn, và Nhất ắt hẳn biết lí do. Cô giáo nói gì đó, Hòa vẫn không thay đổi sắc mặc, cứ như một ngày mùa nhiều mây từ sáng đến tối chẳng ánh nắng nào xuyên thủng. Cô đưa Hòa một tờ giấy hơi nhàu và cũ. Hòa cầm ra giữa sân và đợi cô chủ nhiệm phát biểu.

“Tuần trước, chúng ta đã làm một bài tập làm văn miêu tả đề tài tự do. Lớp chúng ta đã rất xuất sắc làm rất tốt, điểm khá cao, không có ai cần phải nhắc nhở. Và bạn Hòa là một trong những bạn có bài rất xuất sắc mà cô cho điểm 10. Sau đây, bạn Hòa sẽ đọc bài của mình cho các bạn tham khảo. Đề nghị các em im lặng và tập trung lắng nghe.”

Cả lớp im thin thít. Không một âm thanh nào vang lên. Ai cũng có thể nghe rõ mồn một tiếng thở của nhau và tiếng lật giấy sột soạt trên bụt giảng của Hòa. Nhất khá mừng vì Hòa không mách với cô chủ nhiệm những gì nó đã làm Nhưng càng khiến lo lắng hơn về những gì xảy ra trong tương lai. Sau vài phút chần chừ, lật tờ giấy đã nhuộm màu vàng nâu như bị thấm cà phê, Hòa bắt đầu cất giọng.

“Ba em là một thợ mộc. Ba em rất thích dùng những dụng cụ thô ráp và sắc bén của mình để có thể tạo ra những hình thù kỳ lạ từ những khúc gỗ đứng yên phăng phắc giữa trời. Ba luôn dùng những mảnh gỗ thừa để tạo ra những con vật dụng cụ nhỏ bé để em có thể có đồ chơi vì nhà em không đủ giàu để có thể mua được những món đồ chơi mắc tiền chạy bằng pin được trưng bưng bày ở các cửa hàng. Có lúc, ba làm một con ngựa từ một mảnh gỗ nhỏ chỉ bằng một bàn tay. Có lúc, ba biến khúc gỗ nhỏ thành một cây thước. Cũng có lúc, ba góp những mảnh gỗ thừa thành một chiếc hộp nhỏ để em có thể cất những cây bút mà ba đã mua cho. Em rất thích những món đồ chơi đó. Tuy nhiên, món đồ chơi em thích nhất mà ba đã từng làm, đó là bông vụ.

Thật ra, em cũng chẳng biết đó là gì cho đến khi ba em làm ra nó và cho em xem trực tiếp. Ba dùng một khúc gỗ sưa nhỏ chỉ bằng một lòng bàn tay, đó là một mảnh vụn từ khúc gỗ ba được thuê để tạc thành một con hổ để trang trí trong nhà. Với tài năng và sự tỉ mỉ của ba em thì con hổ ấy chỉ là chuyện nhỏ. Ba em nhốt mình trong kho trong bốn ngày, chỉ ngủ khi mười hai giờ khuya và sáng sớm khi em thức dậy đã thấy tiếng lục đục trong kho. Ba em đã hoàn thành nó trước thời hạn được giao. Trên bàn vẫn còn thừa một khúc gỗ nhỏ, và đó là lúc ba em đã thể hiện tài năng của mình. Ba dùng máy mài để tạo những đường nét cho khúc gỗ, biến khúc gỗ từ một vật nham nhở thành một vật được định hình rõ ràng. Từ hình vuông ba biến nó thành một vật có hình cầu, tròn. Tiếp đến, ba lại dùng máy mài để bào mòn một đầu khiến nó thon và gọn hơn, biến khúc gỗ thành một chiếc phễu đặc. Kế đến, ba lại dùng máy mài để có thể tạo một cái chân nhỏ và nhọn. Ba dùng một con dao để dục một lỗ tròn nhỏ ở cuối. “Xong phần thô.” ba bảo. Ba lại tiếp tục dùng dao để trạm khắc lên cái vật hình thù kì lạ ấy. Ba khắc lên đó tên em. Rồi ba dùng bộ đục mĩ nghệ gồm rất nhiều cây với nhiều kích thước khác nhau để trang trí lên. Ba “vẽ” lên những chiếc thuyền, ba “vẽ” lên dòng sông cùng với những cây dừa,… tất cả được tạo dựng trên một bức tranh tuyệt vời trên một khúc gỗ thừa thải. Tiếp đến, ba dùng giấy rất nhiều giấy nhám để đánh bóng. Những ngón tay thoăn thoắt lướt trên món đồ chơi bằng gỗ khiến em không thể nào rời mắt một giây. Ba chà bằng giấy nhám và dùng dầu để đánh bóng. Tất cả đều được thực hiện rất nhanh và thuần phục cứ như đây chỉ là một trò chơi cỏn con. Em đắm mình trong màn trình diễn của ba mà quên mất rằng. Ba làm tất cả điều đó chỉ với một cái tay duy nhất còn lại của ba.”

Cả lớp bỗng nhiên trở nên xì xào khó kiểm soát, Cô giáo chủ nhiệm đã phải dùng tay đập bàn để ổn định trật tự của lớp. Hòa lại tiếp tục đọc.

“Món đồ chơi ấy đối với em là vô giá. Tuy nó không mắc tiền nhưng những món đồ chơi khác nhưng đó là một tuyệt phẩm không ai có thể mua được và em sẽ chẳng bán nó với bất kỳ giá nào. Hiện giờ tình trạng sức khỏe của ba em không tốt để có thể tiếp tục với nghề thợ mộc. Em luôn giữ lấy bông vụ ấy như là một kỉ niệm tuyệt vời. Bây giờ em chỉ mong ba có thể khỏe trở lại và tiếp tục làm những điều mình thích.”

Giọng thằng Hòa trầm xuống và im bặt. Cả lớp vỗ tay tán thưởng. Hòa cúi gằm mặt xuống. Thằng Nhất chỉ biết ôm mặt và khóc nức nở như một cậu nhóc bướng bỉnh khó chiều.

*****

Lão già vẫn ngồi đấy và mỉm cười với tất cả mọi người đi vào hẻm. Hôm ấy, lão vẫn chưa ăn gì từ sáng sớm. Lão không phải ăn xin, vì lão chẳng xin gì từ ai, nếu ai có lòng tốt cho bất cứ thứ gì, lão sẽ nhận và rất biết ơn vì điều đó. Có người cho lão quần áo cũ, có người cho lão những chiếc chăn đã mòn rách nhưng lão vẫn giữ kĩ như một vật quý báu. Nhà Nhất thì thường xuyên cho lão đồ ăn thừa sau mỗi bữa ăn. Nhất cùng với mẹ thường sang thức ăn thừa vào một chiếc tô to bưng ra cho lão. Cậu thường đi với mẹ để có dịp trò chuyện với lão. Cậu không biết vì sao, nhưng từ lão toát ra một vẻ rất hiền diệu và cực kì cuốn hút cậu. Chưa bao giờ Nhất đối diện với người đàn ông bí ẩn như thế. Cậu đã gặp nhiều người ăn xin, hành khất và vô gia cư khác nhau. Nhưng ông lão chẳng phải thế. Từ trong ánh mắt lão hiện ra một vẻ tự tin và biết chắc những gì đang diễn ra và lão biết chắc những gì mình đang làm là đúng đắn. Nhất cảm thấy lão ta cực kì thú vị. Hôm ấy, cậu cùng mẹ bưng ra, Nhất vẫn khá buồn vì những chuyện xảy ra với bông vụ của thằng Hòa. Cậu càng buồn hơn khi lắng nghe bài văn được tuyên dương trước lớp của Hòa. Lúc ấy, trái tim cậu như vỡ nát. Nó đã biến từ sai lầm trở thành tội lỗi chỉ trong vài khoảnh khắc. Lúc ấy, Nhất biết rằng tội lỗi của mình khó mà có thể sửa chữa được.

Lúc đối mặt với ông già, Nhất cảm thấy có tí sợ hãi vì đôi mắt đục ngầu ấy như có vẻ nhìn thấu cả tương lai. Ông nhìn cậu cúi đầu cảm ơn cậu và mẹ. Lão ăn ngấu nghiến phần cơm như thể đó là bữa ăn cuối cùng. Cạnh đấy, lão vẫn giữ khăng khăng quyển sổ với vỏ được bọc da bên mình. Nhất cùng mẹ đi vào và không quên xoay đầu nhìn lão đút từng muỗng cơm vào miệng trước khi bị khuất trước con hẻm ngoằn ngoèo. Nhất trở về phòng, ngồi lì trên chiếc ghế sô pha và suy nghĩ về những gì mình đã làm. Suy nghĩ về ba của Hòa. Ba cậu thì đang đọc báo ở chiếc ghế đối diện, ẹm cậu thì loay hoay với đống sổ sách ở trong phòng. Căn phòng im lặng như tờ. Ít khi cậu có thể cảm thấy cái luồng không khí ngột ngạt đến thế ở chính căn nhà  của mình. Nhất suy nghĩ về những gì mình phải làm tiếp theo? Hay mình bỏ trốn? hay mình mặc kệ những gì đã làm và tỏ vẻ như chưa từng có gì xảy ra. Dù gì đó cũng chỉ là một bông vụ thôi mà. Đó chỉ là một con bông vụ thôi mà. Nhất thầm nghĩ. Nhiều luồng suy nghĩ cứ như những thanh gươm đâm xuyên trí não của một cậu bé tiểu học. Cậu chẳng biết phải làm gì? Mình nên nhận lỗi và tìm người giúp cậu leo lên mái nhà và lượm bông vụ xuống. Hay trốn tránh nó mãi mãi. Nhất thẫn thờ ngồi đấy, thừ mặt ra và thở dài. Cậu không hề nghĩ đây có thể là một bước ngoặt quyết định cuộc đời của mình. Cậu lại thở một hơi thật dài và để đầu mình trống rỗng. Có lẽ, mình nên buông xuôi và tỏ ra như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Có lẽ đó là cách hành xử tốt nhất. Nhất nghĩ.

Chợt, tiếng mẹ vọng từ phòng nhờ cậu lấy chiếc tô đầu hẻm từ ông già kỳ lạ kìa. Nhất không muốn đi một mình nhưng cũng chẳng dám cãi lời mẹ. Cậu mở cửa, xỏ đôi dép nhỏ màu xanh vào và cất bước ra khỏi nhà.  Từ xa, cậu đã thấy lão ngồi đấy, bên ngoài là lớp áo gió rộng phùng phình, ông ngồi đấy, khoanh chân và nhìn đường xá. Chốc chốc, một chiếc xe máy chạy ngang qua, lão lại phì cười không rõ nguyên nhân. Nhất thấy thắc mắc lắm nhưng không dám hỏi. Cậu đứng đấy, ngắm lão một chút. Thỉnh thoảng, khi chẳng có xe cộ chạy qua, lão ngước đầu ngắm bầu trời đầy mây, những thứ ánh sáng nhân tạo đã cuỗm lấy những thứ ánh sáng mỏng manh từ những ngôi sao lấp ló giữa những đám mây. Râu lão dài đến giữa ngực, gần như che cái vết bớt mà cậu đã từng thấy. Lão cứ thế ngước nhìn, thở đều đặn như cầu cứu ai đó từ phía trên trời. Nhịp thở nhẹ nhàng, Nhất thử ngước nhìn theo hướng của lão nhưng chỉ thấy những đám mây che lấp cả ánh trăng. Trong một khoảnh khắc, Nhất nghĩ lão đã khóc. Một giọt nước mắt chảy ra khỏi khóe mắt đầy dấu chân chim và đục ngầu ấy. Nhất thở dài.

Hơi thở ấy đánh động lão quay lại. Cậu từ từ bước đến xin phép được đem tô về nhà để rửa. Lão gật đầu đồng ý và không quên nở một nụ cười như bao lần. Nhất cầm tô bằng hai tay như mẹ dặn, từ từ thu gọn đũa và muỗng. Cậu đứng lên, chần chừ đôi lúc. Lão cũng nhìn cậu, chần chừ một điều gì đó. Miệng lão mấp máy như muốn mở miệng kêu gọi gì đó nhưng chẳng thể thành lời. Không khí xung quanh tự nhiên trở nên khó xử và không có lối thoát. Nhất chuẩn bị bước khỏi hiên của căn nhà hoang chất đầy gạch vụn thì lão cất tiếng gọi.

“Nhất!”

Cậu hơi hốt hoảng nhưng vẫn giữ vững bình tĩnh không để rớt cái tô trên tay.

“Dạ?”. Cậu đáp.

“Nhất đang buồn à?” Lão hỏi một cách chần chừ.

Vài giây đầu, cậu cảm thấy mình nên giữ điều bí mật của mình cho đến cuối đời. Chẳng ai biết đến bông vụ và chẳng ai trách móc cậu cả. Nhưng đôi mắt của lão, đôi mắt đục ngầu đầy vết chân chim như nhìn thấu cả tương lai của lão đã thuyết phục cậu chỉ bằng ánh nhìn. Trong lòng cậu bỗng trở nên đổ vỡ, từng bức tường cứ như đổ sập và nước mắt cứ òa ra trong vô thức. Cậu ngồi gần lão. Kể cho lão nghe về mọi chuyện. Về bông vụ, món đồ chơi chẳng thể nào mua được. Về Hòa, cậu bạn hiền lành bị mật món đồ chơi quý báu. Về người cha thợ mộc chỉ có một tay. Cậu òa khóc như một đứa trẻ khi kể những điều đó cho ông lão nghe. Lão yên lặng và lắng nghe tất cả. Tay vẫn ôm khư khư quyển sổ bọc da nâu của mình.

Lão vần ngồi đấy đợi Nhất khóc xong hết từng tiếng nấc của mình. Khi tiếng nấc của Nhất ngày càng thưa và dần bình tĩnh trở lại. Bằng chất giọng trầm và từ tồn của mình. Lão cất giọng.

“Cháu đã bao giờ nghe câu chuyện về lão tiều phu và rừng chưa?” Lão nói, đôi mắt nhướng lên nhìn Nhất chằm chằm.

“Chưa!” Nhất đáp trong tiếng nấc.

“Thế này nhé! Ngày xưa, có một chú tiều phu vào rừng đốn củi để sống qua ngày. Chú sống một mình không gia đình và không nhà cửa. Giữa rừng xanh, chú chỉ có chim chóc và cây rừng làm bạn bè để trò chuyện. Trong một lần trò chuyện với một thân cây xanh đang lớn. Chú tiều phu vung rìu, chặt vài phát vào gốc thì nghe được tiếng than khóc y ỷ của ai đó vọng ra từ sâu trong rừng. Đó là tiếng khóc của rừng già. Rừng già van khóc xin chú đừng chặt những cây con đang lớn, đó là thế hệ của mai sau, nếu chú giết hết thì mai sau sẽ chẳng có rừng để cung cấp củi cho mọi người. Chú tiều phu nghe thế thì liền hạ rìu mà không chặt nữa. Tuy nhiên vết thương trên thân cây vẫn không ngừng rỉ máu. Nhìn cảnh tượng thảm thương kia, chú tiều phu không kiềm được nước mắt và xem rừng xanh như bạn mình. Từ hôm ấy, chú tự lập một lời thề: chỉ chặt những cây rừng đã chết khô và những cành cây vương vãi dưới đất mà thôi. Chú không muốn làm hại đến rừng già. Cứ thế, họ sống hòa thuận với nhau như thế. Rừng già luôn dành cho chú tiều phu những câu củi to và chất lượng cũng như những hoa quả ngon và mọng nước nhất. Chú tiều phu thì giữ lời hứa của mình và chỉ hái những trái cây rơi rụng dưới đất và tìm đến những cây khô đã chết theo lời chỉ dẫn của rừng già. Tuy nhiên, nhát cắt và vết thương vào thân cây kia đã để lại một nỗi căm hận không nhỏ trong lòng của cái cây khi xưa. Hằng đêm, chú vẫn nghĩ về cái cây năm xưa và vẫn chưa cầu xin cây tha lỗi cho mình. Chú tiều phu không thể mở miệng vì một lỗi lầm đã xảy ra quá lâu. Chú cảm thấy điều đó là không cần thiết.  Cây năm xưa có lớn lên, gốc to ra, lá nhiều hơn, nhiều tán lá rộng phủ rộp một vùng trời nhưng vết thương năm xưa vẫn còn đó. Nó đã biến thành một vết sẹo to tướng trên gốc cây không thể nào xóa bỏ. Xung quanh cây luôn tạo thành một bầu không khí nặng nề, ngột ngạt. Những tán cây rộng cứ rủ xuống, những lớp lá dày đặc nhưng lại ngộp một màu xanh xám. Những hoa quả trên cây lúc nào cũng đầy sâu bọ và luôn bị quấy phá bởi chim chóc  và các loại thú rừng. Nhìn cảnh tượng ấy, chú tiều phu không kiềm được nước mắt. Chú cứ mãi nhìn vào vết thương, nhìn vào cái cây hoang tàn, sống một cách vật vờ giữa khu rừng khiến tội lỗi của chú bắt đầu biến thành một con dao sắc lẻm. Con dao ấy cắt đứt từng đoạn trong cơ thể nhưng thản nhiên, chú lại chẳng thể nào đưa ra một lời xin lỗi. Chẳng thể nào chứng kiến được cảnh tượng ấy, chú tiều phu đã có một quyết định sai lầm. Thay vì xin lỗi, chú đã dùng rìu, chặt phăng cây đi để khỏi phải đối mặt với những tội lỗi năm xưa. Những nhát rìu mạnh như trời giáng, những nhát cắt thẳng thừng chém thẳng vào thân cây, và như để giải thoát cho cả hai. Chú tiều phu nghĩ thế. Nhưng điều đó đã làm cho rừng già giận dữ. Mặt đất rung chuyển, những nhánh rễ cây dài bò ngoằn ngoèo trên mặt đất cứ trườn lên như những con rắn khổng lồ, lá cây thì rơi như những cơn mưa nặng hạt muốn nhấn chìm tất cả. Tiếng gầm rú của các loại thú săn mồi, tiếng gầm vang giận dữ của mọi loài động vật khiến ai nghe cũng phải run sợ. Chú tiều phu bị đuổi khỏi khu rừng và chẳng thể nào quay trở lại. Chú đã mất đi tất cả.”

Lão im lặng không nói gì.

Nhất cũng im lặng không nói gì. Nó nghe rõ mồn một từng chữ phát ra từ giọng lão nhưng nó không biết nói gì. Cả hai im lặng.

Lão thở dài và hỏi cậu.

“giờ cậu đã biết mình nên làm gì chưa Nhất?”

Giọng lão run run khiến Nhất có phần e ngại. Khoảng vài giây sau, Nhất đứng dậy, lấy tay quẹt hai hàng nước mắt và dõng dạc trả lời.

“Cháu đã biết mình phải gì rồi ạ!”

Nó khoanh tay, chào và cảm ơn lão già. Rồi bước vào sâu trong con hẻm. Lão ngước nhìn khi bóng cậu đã khuất. Lão cười mãn nguyện, nhưng trong sâu trong thâm tâm, dường như có một điều gì đó khiến lão chẳng thể thảnh thơi. Lão lại ngước nhìn ánh đèn đường vàng cam cùng với tiếng chương trình ca nhạc phát ra từ tầng hai của một tòa nhà nào đó, lão cũng chẳng rõ. Lão biết, ngày mai, có thể ngày mai, lão sẽ chẳng ngồi đây để tận hưởng cái không gian này. Lão ôm quyển sổ vào lòng, hít một hơi thật sâu, thở một hơi dài và ngủ thiếp đi trong màn đêm đang dần phủ đầy hơi sương. Quyển sổ trước ngực áp vào cái bớt giống hệt thằng Nhất.

*****

Nhất chạy đến trước mặt thằng Hòa. Nó đứng đó mấy giây. Rất khó để mở lời. nhưng nó cũng không thể đứng đó mãi được. Nó biết thế nhưng nó chẳng thể nào mở lời. Thằng Hòa thì cứ nhìn chăm chăm vào mặt khiến nó càng thêm ngại ngùng. Mặt nó đỏ ửng nhưng nó vẫn chưa thể mở lời. Thấy vậy, thằng Hòa tính mở lời nói gì đó. Nhưng thằng Nhất lại chen ngang.

“Tao xin lỗi vì đã quăng bông vụ của mày lên nóc nhà.”

Nhất đứng im nhìn thằng Hòa và trông chờ những câu mắng nhiếc sỉ vả từ thằng Hòa. Nó cúi mặt và chờ đợi. Nhưng không. Thằng Hòa chẳng phản ứng gì cả. Nó cứ ngồi đấy, yên ắng trên chiếc ghế gỗ và từ tốn đáp.

“Tao biết mày không cố ý. Nhưng tao đang suy nghĩ làm sao để lấy bông vụ xuống.”

“Để tao mượn cầu thang của bảo vệ cho.” Nhất đáp, giọng run run vì mừng rỡ. Cảm giác được tha thứ có thể là cảm giác tuyệt vời nhất mà nó từng được trải qua. Nhất vui khi thằng Hòa không giận nó. Nhất vui vì bây giờ nó có thể giúp đỡ thằng Hòa lấy bông vụ từ nóc nhà xuống.

“Tao thấy bảo vệ hay lấy một chiếc thang bằng gỗ tre để trèo lên mái nhà để dọn dẹp lá bàng. Chiều nay tao sẽ mượn cho.” Thằng Nhất hào hứng nói như vừa giải được bài toán hóc búa.

“Được đó! Mày mượn đi. Rồi tao sẽ nhờ ba tao trèo lên lấy.” Thằng Hòa cũng hào hừng đáp.

Thằng Nhất cảm thấy có gì đó chưa ổn nhưng cũng mặc kệ. Trong lòng nó đã an phận một phần. Nhưng vẫn có gì đó tồn tại trong lòng như một vết sạn vậy. Nó vẫn không yên lòng tập trung mà nghe lời cô giảng.

Cuối giờ, sau khi muốn được cầu thang từ bảo vệ. Nhất đã phải rất khó khăn mới có thể thuyết phục mượn được thang từ bảo vệ. Chú đã đồng ý cho cậu mượn với điều kiện cậu không được trèo và phải có ít nhất hai người giữ vững cầu thang. Nhất tạm thời đồng ý. Chú bảo vệ xách cầu thang bằng gỗ tre lên vai và đem ra kề lên nóc nhà. Tòa nhà không quá cao nhưng rõ ràng là với chiều cao của một người lớn còn chẳng thể nào với tới được, huống hồ gì con nít như Nhất. Hòa từ cổng đi vào, dắt theo ba cậu, người đàn ông trung niên da ngăm ngăm, chỉ có một tay như lời Hòa nói. Nhất ngạc nhiên khi thấy một thợ mộc chỉ có một tay, tuy vậy, chú ta lại rất to con và trông rất hiền. Hòa nói gì với ba. Có lẽ nó đang nhờ ba cậu leo lên cầu thang. Khi chú ấy đặt 1 tay mình lên cầu thang, chú bảo vệ đứng cạnh đè chặt thang để nó có thể đứng thật vững. Nhất vẫn cảm thấy mình phải là người leo lên cầu thang và tận tay lấy bông vụ xuống. Ba của Hòa cất từng bước lên cầu thang và dùng tay nắm lấy từng nấc phía trên. Thang rung lắc dữ dội vì chỉ với một tay, chú ta khó có thể giữ thăng bằng. Nhất cảm thấy không thể để bất kỳ ai sửa chữa lỗi lầm mà mình đã tạo ra. Cậu cương quyết muốn tận tay đem bông vụ xuống. Cậu thuyết phục bảo vệ, chiều cao tòa nhà không quá cao, có người giữ chặt cầu thang, mọi thứ sẽ ổn. Chú bảo vệ nhất quyết từ chối và nói mình sẽ là người thực hiện điều đó. Nhất cương quyết và bảo rằng.

“Đó là lỗi của cháu. Đó là trách nhiệm của cháu. Hãy để cháu tự mình sửa chữa lỗi lầm.”

Mọi người nhìn nó với đôi mắt ngạc nhiên. Tròn xoe và chăm chú. Chú bảo vệ dường như bị thuyết phục. Có lẽ Nhất đúng, tòa nhà chẳng quá cao, thằng nhóc có thể dễ dàng với tay lấy bông vụ hơn là một ông chú lực lưỡng khó giữ thăng bằng vì bị mất một tay. Nhất cất từng bước chậm rãi bước lên cầu thang. Đầu cậu đã ngang máng xối nước. Tất cả cậu thấy bây giờ chỉ là lá vàng khô vùi lấp toàn mái nhà. Mọi người vẫn giữ chặt thang. Nhất với tay xới tung cả mái, dùng tay lùa những chiếc lá bàng to bằng cả khuôn mặt cậu xuống mặt đất. Và ngay máng xối, nằm yên ắng, đó là hai cái bông vụ bằng gỗ, đen bóng và có trạm khắc chữ “Hòa”.

*****

Nhất trở về nhà, lòng vui lâng lâng. Chưa bao giờ cậu cảm thấy vui như thế này. Cậu muốn khoe cho ông lão đầu hẻm những gì mình đã làm. Chạy ngang qua đầu hẻm, cậu nhìn vào hiên nhà nhưng chẳng thấy ai. Chỉ có đầy những gạch vụn và đồ đạc còn sót lại. Nhưng cậu chẳng thể nào tìm thấy ông lão ấy. Nhất có phần hơi lo lắng. Vừa về đến nhà. Cậu bỏ cặp xuống và chạy thật nhanh ra đầu hẻm. CẬu muốn khoe việc tự mình đã lấy bông vụ và tìm được một bông vụ khác y chang cái cũ. Hòa rất thắc mắc không biết tại sao lại có sự hiện diện của cái thứ hai này nhưng cũng đã đồng ý cho Nhất vì đã có 1 cái. Nhất vui lắm. Cậu muốn kể tất cả những gì đã xảy ra cho lão nghe. Trên tay vẫn cầm bông vụ đứng trước hiên đợi lão. Nhưng chẳng thể nào tìm thấy bóng dáng của lão đâu cả. Nhất đợi, quay mặt mình xung quanh, đập vào mắt nó là quyển sổ cũ được bọc vỏ da của ông lão. Lão ta lúc nào cũng giữ khư khư quyển sổ bên mình, tại sao lão lại để quên chứ. Chẳng có chuyện lão để quên đâu.Nhất biết chắc điều đó. Cậu từ từ mở quyển sổ. Đó là một tập hợp những tin trong các tờ báo giấy được cắt và dán cẩn thận trong từng trang giấy. Nhất đánh vần tiêu đề đầu tiên.

“TAI NẠN CHẾT NGƯỜI NGAY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC”

“Vào chiều nay, tại trường… Một tai nạn bất ngờ đã xảy ra. Một người thợ mộc khuyết tật đã ngã từ cầu thang  và bất tỉnh. Ngay lập tức, được nhà trường đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Theo xác nhận ban đầu, vì muốn nhặt một bông vụ bị mắc kẹt trên mái nhà do ẩu đả từ hai bạn nhỏ nên anh ta đã trèo lên trong tình trạng sức khỏe không tốt.”

Đọc các dòng ấy xong, Nhất cảm thấy thế giới này đang chao đảo. Mọi thứ đảo lộn đầu cậu bỗng ong ong, đau như búa bổ. Quyển sổ trên tay bỗng tan biến dần. Từ chiếc vỏ da nâu đến tờ giấy, đến bài báo. Còn những mẩu báo khác nhưng cậu chưa kịp đọc cũng dần tan biến. Bông vụ trong tay của cậu cũng dần biến mất như chưa từng xuất hiện. Cậu ngẩn ngơ nhìn hiên nhà trống trơn chỉ toàn gạch vỡ nát và chất thành từng đống.

PHAN THUẬN


 Con thò lò
Tuổi trẻ chỉ biết mê say,
Nhìn con quay nhỏ thơ ngây biết gì...?
Mai sau trên bước đường đi,
Cảnh đời xoay tít khác chi "thò lò" !!
NM

Một số trò chơi dân gian truyền thống tại Nhật Bản|Giới thiệu Nhật Bản  (日本紹介) 
Quay quay bông vụ

Mùa thu đến trường với những cơn mưa nhỏ, ướt tóc, ướt mi, ướt áo trắng hồn nhiên nhưng náo nức tuổi thơ vui cùng những trò chơi cùng chúng bạn. Tình cờ tôi thấy trong sân trường các bạn học sinh tiểu học đang chơi một con quay với nhiều kiểu tạo dáng khác nhau, hỏi ra mới biết đó là trò chơi theo một phim hoạt hình Nhật Bản mà các em đang rất yêu thích. Có một thời tuổi thơ của tôi đã lăn quay theo những con bông vụ giản dị, ít tiền nhưng không kém phần vui nhộn.

Nghe tên cứ tưởng là một loài hoa lạ lẫm nào đó nhưng bông vụ làm bằng gỗ, to cỡ chừng nắm tay, được tiện tròn có đóng một cây đinh ở phần trôn nhọn nhọn để xoay vòng mà lâu ngã. Các bạn trai rất điệu nghệ khi quấn một sợi dây tim đèn dài khoảng sáu, bảy tấc, đầu dây có đồng xu để kẹp vào hai ngón tay khi bong bông vụ cho chạy re re còn vòng dây vẫn giữ trong tay mình. Bông vụ quay lâu hay không là do lực bong của sợi dây và ở sự tài tình của bạn trai khi “chọi” bông vụ xuống đất. Tụi con gái chỉ đứng coi chớ không biết chơi, nhưng nhiều khi mê quá cũng táy máy làm thử nhưng có lẽ do tay quá yếu hay không biết cách quấn sợi dây để bong nên bông vụ chỉ quay vài vòng rồi xụi lơ.

Cứ tới giờ ra chơi là cả nhóm tụ năm, tụ ba, chọi bông vụ để phân thắng thua. Bọn con trai còn có thêm trò “hầm bông vụ” nghe cứ như là món ăn nhưng coi cái này cũng vui “nổ trời nổ đất”. Ban đầu vẽ một cái vòng dưới đất, chia hai phe rồi thi nhau bong bông vụ, cái nào té thì cho vô vòng nằm ở đó chờ cứu nhưng phải xếp sao cho chưn vụ hướng về tâm vòng tròn và sát nhau trông như một đóa hoa nâu nâu mầu gỗ - hoa của đất hiền lành. Chỉ còn một anh bông vụ sống dai nhứt thì bắt đầu nghĩa vụ “cứu bồ” nhưng thường ưu tiên cứu phe mình trước bằng cách quấn sợi dây thật chặt vô bông vụ và tính toán xem sẽ cứu cái nào đang nằm trong vòng tử. Nhanh như sao xẹt, mạnh và dứt khoát như chú hổ, bạn trai đứng co một chân, mắt nhắm ngay mục tiêu “chọi” một cái thật mạnh sao cho một con bông vụ đang nằm trong vòng tử phải bật ra khỏi vòng và quay tít thì mới đạt yêu cầu được “sống” trở lại. Cứ như vậy cho tới khi cứu được hết các bông vụ còn lại khác, nhưng thường thì con sau cùng còn một mình nên khó cứu và trở thành “mồi” cho tụi nó hầm bông vụ. Tiêu rồi, con bông vụ này sẽ bị tất cả các bông vụ khác bong thẳng vào cùng lúc và lãnh thẹo đầy mình. Bọn con gái đứng chung quanh cổ vũ rất nhiệt tình khi thấy con bông vụ nào quay thật lâu và cứu bồ thật tốt mà không bị chết. Những trận cười và vỗ tay liên miên cho tới khi có trống hết giờ chơi. Vô học rồi mà còn râm ran bàn bạc về đứa học trò nam chơi hay nhứt hồi nãy và con bông vụ thần thánh đó sẽ còn được so tài tiếp trong những kì chơi miên man không dứt, cho tới khi người ta bắt đầu lớn và thôi không còn nghĩ tới trò chơi hồi nẳm nữa.

Cái bông vụ xinh xinh trong sân trường be bé, học trò thì chân đất đầu trần mà hạnh phúc tuổi hồng cứ theo mãi tháng năm xa.

Hồng Vân

Thò lò ơi,
Không có rượu sao thò lò quay tít ?
Dẫu ngã nghiêng mong tâm vẫn bình yên,
Thân phận con người , cuộc thế đảo điên.....?
Có dừng lại.. cũng xin đừng .....chỏng gọng !!
NM

Con Thò Lò
Hồi nhỏ, tôi rất ít được nhận các món đồ chơi. Gia đình tôi khá giả, bố tôi là đại lý độc quyền hãng guốc sơn và guốc mộc khắp miền Nam, có cửa hàng chi nhánh ở Cần Thơ và giao bán khắp các tỉnh miền Tây. Lâu lâu, bố tôi lại tham dự hội chợ triển lãm và được cấp bằng khen Medaille d or hay Medaille d argent treo đầy nhà, có thứ được tặng từ Foire de Phnom Penh, hay Đấu Xảo Hà Nội chẳng hạn. Vậy mà nhớ mua cho tôi một món đồ chơi thì hầu như bố tôi không nghĩ đến.
Tôi ham đồ chơi lắm nên góp nhặt lon sữa bò tự chế thành những cái xe khi đẩy nó xoay tròn tròn coi cũng ngộ. Lần vớ được con thò lò, tôi thích lắm. Dù không rõ vì sao lại gọi là thò lò, nhưng búng nó quay và nhín nó quay, quay tít suốt ngày, tôi cũng thấy hay hay. Búng thì nó quay, lảo đảo như người say, ngả nghiêng chông chênh, sức chuyển giảm dần rồi đổ ụp xuống, lăn quay ra đó.
Tôi nhặt lên, búng lại, con thò lò lại quay. Tôi nhẩn nha chơi với nó suốt ngày không thấy chán, dẹp hết mấy cái xe làm bằng lon sữa bò hay các món khác đi. Có một lần mẹ tôi trông thấy tôi búng con thò lò quay tít, bà đứng lại nhìn một đỗi. Xem chừng tôi bị thu hút bởi sức quay của con thò lò, bà ôn tồn hỏi tôi: mày xem vậy mà không thấy chóng mặt sao?
Tôi bảo: nó quay chứ con có quay theo nó đâu mà chóng mặt. Mẹ tôi cười khểnh phê phán: con nít con nôi tưởng việc gì cũng dễ. Vậy mà rồi có lúc mày sẽ thấy choáng váng đó con. Nói xong mẹ tôi bỏ đi. Tôi cũng không để tâm đến việc ấy.
Thời gian bẵng đi bao năm tháng, bất chợt cái lần vào quân trường Thủ Đức, những lần cầm súng di hành ra bãi tập, rõ ràng nhìn giữa cái nắng chói chang của vùng Chợ Nhỏ, Linh Xuân Thôn ra bãi 25, hàng người nối đuôi nhau mà ngủ gục lúc nào không biết.
Ông Đại Đội Trưởng của tôi vốn hết sức cẩn thận, cứ đưa SVSQ ra khỏi cổng là bắt gắn lưỡi lê vào đầu súng. Các đại đội bạn đi ngang đều tủm tỉm cười kháo nhau " đây là lính của ông Phới ". Thực ra tên ông DDT của tôi là Phái, nhưng bạn nhạo đổi thay giọng quảng Ngãi để chọc chúng tôi thôi. Còn anh em chúng tôi thì buồn buồn trong lòng, trường đóng ngay trên ngã ba Xa Lộ Biên Hòa, đi di hành ngay trong thành phố mà làm như đi " oánh giặc ".
Có lẽ những điều nói hành nói tỏi của tụi tôi thấu đến tai ông cũng nên, vậy nhân một lần tập họp trước khi ra quân, ông đã vừa cảnh cáo vừa giảng giải cho tụi tôi rõ: các anh đừng tưởng mặt trận ở đâu xa, nó lù lù ngay ở trước mặt bất cứ lúc nào. Hơ hỏng là bị thịt đứt đuôi ngay tức khắc. Đã mặc bộ áo trận trên người là coi đã bắt đầu chết ngay từ phút đó rồi, may mắn lắm còn trụ được thêm phút giây nào là ân huệ của trời ban cho, đừng tưởng bở.
Sau này, gần ngày ra trường để thằng nào thằng ấy cũng đều trở thành " thượng sĩ gân " với chức vụ Trung đội trưởng, chúng tôi mới biết kinh nghiệm chiến trường của ông. Thì ra ông đã một lần hơ hỏng ở Hưng Yên khiến quân số của ông đi đứt gần một nửa nên từ đó ông ân hận vô vàn.
Lại nữa, khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra ngay trong thành phố, tôi càng thấm thía chẳng có tiền tuyến lớn hay hậu phương nhỏ gì hết, chỗ nào cũng có thể mặt trận tất tận. Rồi tháng 4.75, bao nhiêu đô thị, thành phố ùn ùn kéo nhau đi thì quả thật cái chết đang đuổi theo sát nút mọi người.
Tôi chợt nhớ lại con thò lò và những lời của mẹ. Ôi thôi, ai cũng quay tít, mệt hết thở, quân hồi vô phèng, lính làm thịt lẫn nhau, tệ hại là nhiều thằng hận cá chém thớt nên cứ nhè tìm vợ con sĩ quan để " trả thù dân tộc ". Dạo đó, nhiều người đã nghĩ: thôi kệ, ở lại dù có bị hành vẫn sướng hơn, chứ ra đường cảnh hỗn quân, hỗn quan, đầu không phải lại phải tai thì khốn.
Nước có nguy mới thấy đâu là tài ba lương đống. Mấy bố phét lác nhanh chân vọt hết cả. Bất nhẫn là lại dối lừa đàn em cho mắc kẹt chết chùm để các bố dông được yên. Đất nước " giải phóng ", quân dân cán chính trải qua những tháng ngày tù cải tạo, thằng nào cũng chửi thượng cấp vung xích chó.
Chính lúc đó nhìn đâu cũng thấy quay tít như con thò lò. Vợ các ông, bà nào không chịu nổi cảnh hẩm hiu là chập chững tìm một ông cán bộ dựa. Con thò lò quay tít không ngừng, một ngày nào đó anh chồng hết thời khập khiễng về thì nhà đã có chủ mới. Tử tế thì chị vợ cho trú tạm một đêm, quẳng cho cái chiếu nằm chèo queo ở hàng hiên, còn bà thì du dương với anh cán trong chính nhà của mình. Bằng không thì có ngay anh khu vực đến mời đi chơi chỗ khác.
Con thò lò xem vậy mà có giá trị kinh hồn. Nó quay làm mọi người cũng quay theo, bát nhào bát nhào suốt từ thôn quê thành thị. Tôi mới thấy mẹ tôi tiên đoán cái chuyện ngồi xem con thò lò quay mà bỗng chóng mặt là sao. Cảm thương bà mẹ tội nghiệp đã nhìn xa thấy rộng mà không cưỡng lại được chính số phận của bà.
Mỗi con người Việt Nam dường như đều có một thời lận đận của mình. Nhất là 20 năm đầu sau ngày "giải phóng ", ôi ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh, không kể đâu cho xiết. Mẹ tôi lẽo đẽo theo tụi con lên kinh tế mới, khều khào với cái cuốc mà nước mắt lưng tròng. Lưng mẹ một ngày một xụm, đến lúc nào đó thì cong tịt thành con tôm luộc. Vậy mà con thò lò vẫn cứ quay, chưa chịu ngưng.
Phúc mươi đời, sao lại có ngày cả gia đình tôi lại cũng nhau lên phi cơ rời khỏi nước. Mẹ tôi tủm tỉm cười luôn miệng: tao tưởng đâu được một lần đường hoàng lên máy bay ra khỏi mảnh đất đang quay. Tôi thì ứa nước mắt khi phi cơ đảo vòng chót chào phi trường dưới thấp. Tôi tự hỏi mình: hồi nào về.
Sang tới bên này rồi, con thò lò vẫn bám chặt theo người. Đi đâu cũng thấy cảnh thò lò đua nhau quay vung vít. Ông này đổ lỗi cho bà kia, toàn là đấng đầy tràn trách nhiệm, còn quốc gia ngả nghiêng là tại ai đâu đó. Chao ôi, những con thò lò biết nói và nói hay như khướu. Tôi mệt đầu vì ba cái chuyện lu bu.
Ước gì tôi còn giữ được con thò lò ngày nào. Một mình, tôi sẽ giở ra búng khi đêm về trên đất khách. Tôi sẽ nghiền ngẫm xem cái trục nào giữ con thò lò đứng vững để quay, chờ khi hết đà thì lăn quay chỏng gọng. Tôi càng phục mẹ tôi mỗi khi cảm thấy cơn chóng mặt vừa lóe ra. Tôi muốn thưa với mẹ: bây giờ con nhức đầu quá.
Ba mươi mấy năm rồi, những con thò lò vẫn chưa chịu ngừng. Cả bên này lẫn bên kia, những cái búng vẫn đẩy nhanh để khiến những con thò lò giao động. Biết ngày nào những con quay này mới nhận ra thân phận của mình, quay tít âu cũng chỉ là nhất thời rồi sẽ lăn chiêng ra đó?
Đỗ Thành

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Cây Cát lồi

Cây Cát lồi (Mía dò, nến đỏ,...) ở Gò Công,
Em đứng một mình trông cũng xinh,
Thương em số phận khá linh đinh...
Bên đường, bờ ruộng thân hoang dại !
Xin hãy yêu em với chút tình !! 
NM
Trong những lần về Gò Công tôi rất thích nhìn bông hoa dân dã nầy, tôi không muốn gọi là hoa dại vì nét đẹp trang nhã của nó, hoa có vẻ sang cả tuy mọc trên vệ đường nhưng không thua hoa cúc hay hoa vạn thọ hoặc chuối kiểng, rất nhiều lần muốn chụp hình để dành nhưng xe chạy qua lại lười không ngừng để ghi hình...
Hôm nay tuy đã vào thu nhưng có lẻ nhờ mưa, cây cối xanh mướt, hai bên đường các loại hoa nở thật nhiều nhưng thôi xin ghi lại hình ảnh những đoá hoa nở dọc bờ ruộng bên đường và duy nhất chỉ có bụi hoa nhỏ nầy thôi ! Tên của hoa là "Hoa đèn cầy" (Nến đỏ hay cát lồi)
Tôi đã trồng được cây nầy trong chậu trước sân, trồng được cây cũng là một kỳ công, thấy cây ở đâu ghé chặt đem về nhưng nó èo uột rồi chết, cuối cùng nhờ một ông và một cô ở Gò Công góp sức bây giờ cây cũng lớn nhưng ẻo lã và chưa có hoa đã vậy còn bị con đĩa đất ăn lá non hoài! Chắc phải ra tiệm thuốc Đông y mua củ về trồng cho chắc ăn....Bây giờ đi về miền Tây ngồi sau lưng Ti cứ nhìn hai bên đường tìm coi có bụi nào mọc hoang lại chặt thêm cây già mang về nhưng không thấy nữa
Cô ở Gò Công hôm lấy dao đào cho than phiền rằng cây đầy hoa rất đẹp vì nó mọc kế bên con rạch, nhiều phái đoàn ở SG về chơi ghé chụp hình, sau đó có mấy cặp đôi chụp ảnh cưới nữa, thế nhưng ông chủ garage không thích, ông cứ đốn bớt, và cuối cùng hai cô cháu khi về Gò Công đi ngang qua chẳng thấy cây đâu nữa !! Cây ngoài mặt đường làm đẹp cho cái garage tối tăm mà người ta cũng không chịu chẳng hiểu tại sao, dù rằng lá cây ăn được, nghe cô nói dùng ăn bánh xèo, cuốn thịt bò nướng hay xào thịt bò cũng ngon....
Bây giờ chờ thời thôi chẳng biết khi nào cây ra hoa vì khác thổ nhưỡng và thiếu ánh mặt trời, thôi thì cứ mong đợi đi vậy ....!! 
(P1)

Bao giờ trở lại con đường quê ?
Thương cả đường đi lẫn lối về.
Bao giờ ngắm được làng xưa cũ...
Hay chỉ là mơ trên bến mê ?!
NM
Cây cát lồi có hoa nầy mọc bên cánh đồng ruộng trên con đường tỉnh lộ đi về Bình Ân Gò Công, hoa đồng nội mà đẹp và duyên dáng có thua gì ai đâu, củ cát lồi còn là vị thuốc đông y sau này xem qua các video về món ăn miền tây mới biết lá cát lồi còn là loại rau đặc sản cuộn thịt bò nướng như lá lốt còn dùng với ăn bánh xèo, chả giò. thịt luộc...
Bây giờ thì không còn thấy cát lồi mọc ở hai bên đường về miền Tây như trước nữa, năm ngoái trên đường đi Thủ Đức có nhìn thấy một bụi cát lồi um tùm đầy hoa trên đường ray xe lửa, lúc đó nhân công đang dọn dẹp gia cố đường ray, cứ nghĩ là họ sẽ không chặt bỏ đi, hay ít ra chừa lại một chút mình sẽ ghé mang vài cành già đem về làm giống trồng thêm cho ra mầm cây nhỏ có dịp về Bình Chánh thăm mộ sẽ trồng ở đó cùng gốc cây hoa vàng đã già nhưng không ngờ chân đau, dịch bệnh bùng phát..!!
Có lẽ bây giờ cát lồi chỉ còn hiện diện trong những cánh đồng quê xa xôi, người ta không trồng nhưng lại hái về bán hay ăn, tuy dễ mọc và phát triển nhanh nhưng nếu đào lấy củ thì không bao giờ được ngắm hoa nữa trong khi đọt choại luôn có mặt chen chúc khắp nơi ở hai bên đường. hai bên bờ kênh, đọt choại còn bày bán cả ngoài chợ. 
Hoa cát lồi hiếm vì mọc trên đất.nhưng có một loại hoa đồng nội khác cũng đẹp và mọc tràn lan khắp nơi giờ cũng ít thấy đó là hoa lục bình, giờ cũng là đặc sản của các món lẩu trong quán ăn...
Trong thời gian giãn cách này hàng quán đóng cửa hi vọng với bản năng sinh tồn qua vài cơn mưa rào cát lồi sẽ phát triển trở lại, hoa lục bình rộ nở khắp nơi... Nhưng chỉ tiếc rằng mình lại bị "cấm cung" ở nhà thì cũng thế thôi đành lục tìm hình ảnh cũ nhìn ngắm cho đỡ buồn
Lắm lúc cũng tự hỏi sao mình chỉ thích hoa đồng cỏ nội đến như vậy như sao nháy, hoa sim, cát lồi, lục bình. ...Nhưng chợt nhận ra rằng trong tất cả những loại cây đó đều hữu dụng !!
Như vậy mình yêu thích chúng thì cũng hợp lý thôi (P2)
NM  Phan thị Ngọc Diệp
(viết tặng Thủy Grant)