Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

NamMai 1: Nhạc - Thơ - Văn Ngày của Mẹ

NamMai 1: Nhạc - Thơ - Văn Ngày của Mẹ: Thương tặng  tất cả các "bà nội, bà ngoại" và các "bà mẹ" thân quen trong Ngày của M...

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024


 

Cả tuổi thơ dữ dội cùng bè bạn tôi đã gửi lại chốn quê. Nơi những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ, nỗi nhọc nhằn của cha làm lên bông lúa trĩu vàng, nơi tiếng ếch ồm ộp đêm đêm đã thâu lại thành khúc hát nhớ thương da diết. Để rồi mỗi lần muốn trốn chạy sự căng thẳng, áp lực cuộc sống hiện tại, tôi lại lục tung những kí ức trở về với tuổi thơ ngọt ngào trong năm tháng đã qua. Kỉ niệm cứ lao xao trong miền nhớ nhung như vừa mới xảy ra từ hôm qua vậy. Trong tất tần tật kỉ niệm chẳng thể phai mờ, những trưa hè cùng bè bạn bắt cua nơi cánh đồng chẳng hiểu sao cứ làm tôi nhung nhớ lạ lùng.

Cua đồng vốn là con vật chẳng xa lạ gì với lũ trẻ chúng tôi. Tôi còn nhớ như in vào những ngày tháng sáu, ông trời giận dữ ai trút nóng bức xuống trần gian. Âý thế mà chúng tôi chẳng sợ cái nóng đáng sợ ấy. Buổi trưa, chẳng ai bảo ai, mỗi đứa mang một chiếc giỏ ra đồng kiếm con cua về cho mẹ nấu bát canh. Lỗ cua thường cao hơn mép nước một chút. Bên ngoài lỗ có lớp bùn mỏng và một chút đất tơi xốp gọi là mà cua. Mỗi lỗ thường có một con cua. Có lỗ có hai, ba con. Có khi chẳng có con nào mà chỉ có lươn hoặc rắn nước. Mỗi lần thò tay móc được chú cua đang ẩn mình trong lỗ là vui phải biết. Nhưng đôi khi hét toáng lên vì sợ hãi khi móc phải con rắn nước đang thè chiếc lưỡi dài như thể đang rất đói. Cảm xúc cứ đan xen lẫn lộn.

Cua đồng giản dị như tên của nó vậy. Thân màu nâu, có hai càng: một càng to và một càng nhỏ và quen bò ngang. Thế nên các cụ ta thường hay nói: “Ngang như cua kềnh” để chỉ những ai có tính cách ngang bướng, ngỗ nghịch. Khi nào, ông mặt trời dịu lại. Dòng nước mát mẻ trong lành. Những chú cua lại hẹn nhau rời nhà để dạo chơi, rong ruổi quanh ruộng lúa. Những lúc ấy, chúng thật hiền lành, ngoan ngoãn lạ kì. Tôi khẽ khàng bước tới là đã tóm gọn cho vào giỏ mang về. Giỏ cua đầy ắp mang trong niềm vui đong đầy hiện hữu trên đôi mắt mẹ yêu.

Tôi đổ cua ra chiếc nồi không nông quá vì sợ cua bò đi mất. Đàn cua lúc nhúc có vẻ lo lắng, xô đẩy lẫn nhau. Mẹ múc gầu nước giếng khơi đổ vào nồi rửa cua cho thật sạch. Tôi cùng mẹ ngồi nhặt bỏ mai, yếm rồi khều lấy gạch. Phần thịt cho vào cối đá để giã cho thật nhuyễn. Nhiều khi sơ ý bị cua cắp phải kêu lên đau điếng. Mẹ thổi thổi vài cái rồi lại quên cả đau, rồi lại tiếp tục làm như thể đam mê lắm.

Cua giã nhừ được lọc vài lần nước rồi bắc lên bếp củi đun thật nhỏ lửa, để thịt cua kết tủa lại thành miếng. Khi thấy tảng thịt ấy nổi lên, mẹ tôi đưa đũa khuấy nhẹ để thịt cua không đọng lại dưới đáy. Mẹ nhẹ nhàng đổ gạch cua vào khiến nồi nước bồng bềnh, sóng sánh. Cuối cùng mẹ cho rau đay hoặc mồng tơi đã thái nhỏ cùng mấy lát mướp hương vào nồi. Đun sôi kĩ được nồi canh cua đồng ngon tuyệt.

Thỉnh thoảng để cho đỡ nhàm chán, mẹ lại đổi món bằng cách nấu riêu cua với khế. Mỗi món có một vị riêng nhưng tất cả đều rất tuyệt. Mâm cơm ngày ấy bày ra sao mà giản dị thế. Chỉ vẻn vẹn vài ba món: canh cua, đĩa cà, bát mắm, tươi lắm thì có thêm ít thịt kho mà lúc nào cũng cảm thấy ngon miệng. Bữa cơm gia đình đầm ấm, thân thương trong cùng tiếng truyện trò về mùa màng đồng áng khiến ta cứ nhớ và khao khát trở về. Và cứ như vậy, cua đồng cùng với vị ngòn ngọt của rau mồng tơi, rau đay, vị chua của khế đã tạo lên một món ăn đậm đà, chan chứa tình quê mà khiến người ta yêu, nhớ mãi.

Ngày trước, cua đồng trở thành một món ăn có nhiều đạm và dinh dưỡng ở quê tôi. Hôm nào bí tiền mua thức ăn, xách giỏ ra đồng là có mớ cua tươi về nấu. Nhưng dần dần chúng càng ngày càng trở nên khan hiếm do đồng bị thu hẹp dần, nguồn đất bị ô nhiễm. Trẻ con bây giờ cũng không được ra đồng trải nghiệm móc cua như ngày trước. Mỗi lần thèm món ăn quê này, tôi lại ra chợ mua lấy nửa cân để nấu canh. Khi ăn mới phát hiện là cua nuôi. Bát canh không được thơm, ngọt nước như bát canh cua tự nhiên được bắt về. Nhưng dù ở thời nào, cua đồng cũng là món ăn được người dân ở mọi nơi dù nông thôn hay thành thị yêu thích.

Dẫu thời gian cứ vội vã, hối hả trôi như một cái chớp mắt hay làn gió vô tình thoảng qua. Tuổi thơ với những kỉ niệm quê hương ngọt ngào đã đi vào dĩ vãng. Ai đó có thể quên nhưng với tôi những thứ bình dị ngày hôm qua vẫn còn đọng mãi ở góc nhỏ trái tim. Chiều chiều, ánh mắt xa xăm cứ nhìn về miền quê yêu dấu. Chẳng có khói bếp lam chiều, cớ sao tôi cứ lao xao nỗi nhớ quê với bát canh cua đồng.

 Nguyễn Thanh Thủy

 

 

 

 

 


Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

NTV - Những ngày Tết của Mẹ

 

Nhạc Xuân Hay Nhất

Những quả bóng ước mơ,
Bay cao đi hỡi bóng ơi,
Mang theo hi vọng tuổi đời thanh xuân
Đông qua Xuân đến bao lần,
Mà hình bóng mẹ vẫn không phai mờ
 Mẹ là tất cả tuổi thơ,
Mẹ luôn chắp cánh ước mơ cho tròn
Cả đời mẹ sống vì con
Dẫu cho thân mẹ héo hon trăm chiều...
Ôi thương đời mẹ quạnh hiu,
Sớm trưa vất vả trăm điều nuôi con,
NM

Những ngày Tết của mẹ

Mẹ là quê hương của con.  

  Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi chợt bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xa xưa và thoáng trong miền kí ức đầy sương ấy, hình bóng hao gầy của mẹ tôi hiện ra mỗi lúc một rõ dần, rõ dần      

 Thuở ấy, nhà tôi nghèo lắm. Tôi mới lên mười. Ba chị em tôi còn nhỏ nên chẳng giúp được gì cho mẹ. Bố tôi bỏ đi làm xa lâu lâu mới trở về thăm nhà một lần. Bởi vậy, mẹ tôi - một cô giáo trường làng - ngoài giờ lên lớp phải một mình “lặn lội thân cò” để kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Năm mười hai tháng không ngày nào mẹ rảnh tay. Tuy vất vả thật nhưng thấy con cái đứa nào cũng học giỏi nên mẹ rất vui lòng. Ở cùng chúng tôi còn có bà ngoại. Tuổi bà đã xế chiều. Ngày ba bữa, nhà tôi đã ăn cháo hết hai. Những lúc ấy, bà thường kể cho chúng tôi nghe về nạn đói năm một chín năm hai. Bà bảo rằng:“Người ta phát chẩn cho những người bị đói nhưng do họ nhịn quá lâu ngày nên bấy giờ họ cố ăn thật nhanh, thật nhiều, giành giật nhau mà ăn, ăn quá nhiều đến mức bao tử không thể chứa được nữaVà thế là họ chết ! ”. Tôi nghe mà rợn cả người.       

Những ngày tháng vô cùng thiếu thốn và gian khổ ấy vẫn cứ trôi qua. Bỗng một hôm cây mai trước cửa nhà tôi chợt rụng lá. Khí trời trở gió se se. Tôi biết: Mùa xuân sắp về.     

 Là những ngày giáp Tết mà không khí chuẩn bị ở quê thật sơ sài. Mẹ tôi thường ngày đã vất vả bây giờ lại càng vất vả nhiều hơn. Mẹ luôn thức dậy từ sáng sớm. Trong màn sương muối dày đặc mang theo cái lạnh thấu xương của miền Trung, mẹ bấm chân dò từng bước trên con đường đất đỏ lầy lội. Ra đến chợ, mẹ lấy hàng của đại lý rồi đem bán lẻ để kiếm lời. Công việc có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chẳng dễ chút nào. Ở chợ cũng có nhiều người bán như mẹ nên số tiền thu được chỉ tính từng đồng. Vậy mà có hôm, đứa em út của tôi  đòi mẹ một gói kẹo, tôi dỗ cách nào nó cũng không nín, mẹ liền bảo: “Thôi con lấy cho em một gói kẹo đậu phộng da cá (loại nhỏ nhất, rẻ tiền nhất) cũng được !”. Cầm bao kẹo trên tay, vẻ mặt nó rạng rỡ hẳn lên. Tôi ngồi cạnh bên...im lặngGần hết buổi sáng mà chưa có ai mua cả, thỉnh thoảng có dăm ba người tới hỏi vài câu rồi lại bỏ đi ngay, mặc cho mẹ tôi mời mọc hết lời. Độ giữa trưa, tôi về nhà mang ra cho mẹ một nắm cơm đã trộn sẵn với muối tiêu. Nắm cơm bé xíu lọt thỏm giữa những ngón tay gầy guộc, xương xương của người. Mẹ nhìn hai chị em tôi bằng ánh mắt xót xa rồi bẻ cho mỗi đứa một mẩu nhỏ. Từ trong khóe mắt mẹ, một giọt nước mắt long lanh từ từ rơi xuống đôi gò má nhô cao, khô ráp. Trong thoáng chốc, hai mắt tôi cũng như nhòa đi  

    Hai chín Tết. Pháo tất niên nhà ai nổ lộp độp. Mẹ tôi dậy muộn hơn mọi ngày. Mẹ bảo sáng nay sẽ đi chợ để mua sắm đồ Tết cho mấy chị em tôi, nhân tiện người sẽ mua thêm cho mỗi đứa một chùm pháo tiểu. Bỗng “soạt”. Tôi chạy vội xuống bếp xem. Thì ra trên giàn bếp, con miêu đang dòm ngó cân thịt lợn mà bà tôi mới cân hồi sớm của cô hàng xóm. Lúc đi chợ về, mẹ mua cho tôi đôi dép có quai sau tiện thể dùng để đi học, chị tôi lớn hơn nên được cái mũ rộng vành có gắn một bông hoa và cành lá xung quanh, còn bé út tôi thì nhỏ nhất nên nó được một bộ quần áo rất xinh, mới tinh với nhiều hình vẽ cùng màu trang trí. Vậy mà...tết nay bố tôi lại vẫn không về...      

  Mồng một tết. Nắng xuân ấm áp chan hoà trên con đường xanh biếc cỏ non. Mọi người ai nấy đều hăm hở đi viếng mộ tổ tiên, ông bà. Vài bà cụ mặc áo dài, quần the cũng tất bật hoà vào dòng người. Mẹ tôi là con gái duy nhất của ông ngoại nên việc hương khói ông bà đều do mỗi mình mẹ gánh vác. Tôi thấy mẹ quỳ xuống đốt nhang và thì thầm khấn điều gì đó trước mộ ông. Dáng mẹ trông thật bé nhỏ làm sao trước không gian rợn ngợp chỉ toàn là mộ và cát trắng tinh.        

Tết ở miền quê buồn và yên ả, không có những hội chợ hay các trò chơi nhộn nhịp như ở phố thị. Đâu đó bên góc đường tiếng cãi vả ồn ào của một đám người đánh “bầu, cua, tôm, cá, nai, gà” mỗi lúc một to dần. Cả người lớn và trẻ con như bị hút hồn vào nơi ấy. Còn tôi, tôi biết rõ đó là thứ trò chơi mà mình càng chơi càng cay cú. Do vậy, tôi không bao giờ dùng tiền mừng tuổi của mình để chơi cả. Tôi luôn nghe theo lời dạy của mẹ. Ngược lại, tôi có một công việc khá dễ để làm. Tôi lon ton theo mẹ ra chợ và giúp mẹ bán các con số ghi trên những tấm vé ứng với sáu mặt của một con xúc xắc bỏ vào đĩa rồi đậy chiếc chén nhỏ lên trên. Sau đó mẹ tôi xóc vài cái cho nó đảo đều. Mẹ tôi gọi trò chơi ấy là “Rung Tam Hường”. Tôi rất khoái trò chơi này  (mặc dù nó cũng chẳng khác trò kia là mấy). Và, bọn trẻ con trạc tuổi tôi cũng vậy. Lúc đầu, bọn chúng tỏ ra dè dặt và có ý thăm dò. Chỉ một lúc sau chúng hiểu luật và thích ngay. Đặc biệt là giá trị của phần thưởng cũng khá “hậu” so với số tiền mà chúng bỏ ra. Vì vậy, chúng say sưa bên những ván “Tam Hường” mà quên cả sớm trưa. Chúng cũng nhanh chóng trở thành “thượng đế” của chúng tôi tự lúc nào. Nhìn những đôi mắt đen tròn, mở to chăm chú của mấy cô, cậu bé lên năm, lên sáu rồi nhìn vào những đường gân nổi rõ trên đôi tay xanh xao của mẹ mình mà tôi cảm thấy vừa vui vừa chạnh lòng.      

  Hai hôm sau chúng nó trở nên thân với tôi hơn. Mới sáng sớm chúng đã vây quanh chiếc sạp bé nhỏ của chúng tôi rồi. Chúng còn giục mẹ tôi đi lấy phần thưởng về thật mau. Khi thấy tôi tay ôm tay xách thì chúng vội vàng chạy đến đỡ lấy ngay. Mẹ tôi xổ ván đầu tiên. Cả bọn im lặng, hồi hộp, chờ đợi. Khi vừa thấy mẹ tôi mở chiếc chén ra, tức thì thằng Tèo- con ông Tư hàng xóm- háo hức reo lên : “Con trúng rồi ! ”. Thằng bé cười- một nụ cười hồn nhiên đầy “thắng lợi”. Suốt ngày hôm đó, tôi luôn bận rộn. Hơn thế, chính cái tài rao vặt khéo léo của tôi đã khiến chiếc cổ họng tôi khan cứng tự lúc nào, giọng nói cứ rè rè chẳng khác nào chiếc ra-đi-ô bị hỏng.   

     Đến chiều mồng ba “khách” bắt đầu thưa dần. Có đứa buồn bã, tiếc rẻ khi mẹ tôi tuyên bố ngày mai sẽ thôi không chơi nữa. Chúng hỏi tại sao thì người chỉ cười, một nụ cười hiền lành, đôn hậu, mẹ đùa:         

  - Thế các cháu không cho cô về ăn tết hả ?   

      Bọn chúng lặng nhìn nhau. Chợt có đứa thỏ thẻ:   

       - Vậy Tết sang năm cô có chơi nữa không ?      

   Rồi nó nói thêm:         

 - Bọn con hứa là sẽ chờ cô mà !  

     Nghe xong, mẹ tôi cố nén xúc động, nhìn bọn trẻ bằng ánh mắt yêu thương rồi nhẹ nhàng bảo:        

 - Ừ, hẹn sang năm, cô cháu mình sẽ gặp lại nhau nhé !...     

            Ba ngày xuân ngắn ngủi trôi qua. 

    Mồng bốn Tết. Chợ đầu năm đã họp. Người dân quê tôi thường mang ra chợ những thứ gọi là “cây nhà lá vườn” bán để cầu tài. Họ cũng không quên mua thêm một ít muối hạt gọi là “muối sống” theo phong tục cổ truyền “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.” Riêng mẹ tôi thì khác. Mẹ chẳng có gì để bán nhưng ngược lại thứ mà mẹ mua về chính là túi gạo nặng trĩu trên tay cùng với chùm bóng bay chia đều cho ba đứa. Thấy mẹ về, chúng tôi chạy thật nhanh ra ngõ để đón mẹ. Chị tôi nhanh nhảu đỡ túi gạo từ tay mẹ, khệ nệ mang vô nhà bếp, đổ vào chiếc thạp sứ chỉ còn vương vài hạt tấm. Mẹ dịu dàng trao chùm bóng bay cho tôi rồi cúi người xuống nhẹ nhàng bế lấy em gái tôi, ẳm em vào lòng và hôn lên đôi má ửng hồng của nó. Tôi chạy vội vào nhà vơ lấy chiếc khăn ra lau những giọt mồ hôi chảy thành từng vệt trên trán mẹ. Hôm nay được nhìn kĩ khuôn mặt mẹ tôi thấy mẹ gầy hẳn đi. Đôi gò má của người như càng khô ráp và nhô cao hơn. Tôi biết mẹ đã vất vả vì chúng tôi nhiều quá. Tôi cảm thấy thương mẹ vô cùng. Rồi, đột nhiên mọi thứ xung quanh tôi dường như nhoà đi. Bất giác, chùm bóng bay trong tay tôi vụt mất. Tôi ngước mắt nhìn theo. Trên bầu trời cao rộng, chùm bóng bay mà mẹ dành cho chúng tôi đang vươn cao và mỗi lúc một cao dần, cao dần tựa hồ như những ước mơ, những niềm hi vọng của tuổi thơ bọn tôi sẽ được mẹ chắp cánh cho bay cao và bay xa, xa mãi..

Phạm Nguyễn Quế Linh

Tháng chạp, năm 2009

Xuân buồn
Trong ánh mắt cô đơn,
Tôi thấy dường Xuân muộn ?!
Còn nỗi buồn nào hơn,
Xuân không là tất cả...
Và Xuân của riêng em,
Là chuỗi ngày vất vả !!
NM

Công viên ngày Tết

Quãng những năm cuối thập niên 1980, cứ Tết đến, cha tôi lại mở một quầy ảnh trong công viên Lê Nin. Khách đi chơi công viên ngày lễ đều muốn chụp một bức ảnh cả đại gia đình làm kỷ niệm. Họ đứng trước đài phun nước, cạnh vườn hoa, mặc quần áo mới đủ màu sắc, em bé thì cưỡi ngựa gỗ, cầm bóng bay, cô gái trẻ ngồi xích đu có nơ hoa chăng xung quanh. 

Cha tôi bận rộn tối ngày với việc chụp, in tráng, trả ảnh. Mẹ cũng ra tiệm ảnh công viên phụ cho cha. Tôi và em gái cũng thế, mặc dù một đứa trẻ 15 tháng tuổi thì chẳng phụ được gì cả. Đấy là một trong những quãng thời gian hạnh phúc nhất của tôi cho dẫu ngay cả giao thừa, cha mẹ tôi cũng bận rộn cả ngày. Cha mẹ tôi phấn khởi vì chúng tôi đã thu được khá nhiều tiền ngay từ những ngày đầu tiên, còn tôi phấn khởi vì được ở trong công viên cả ngày.

Sang ngày thứ ba, khi tôi đã quá quen với những trò giải trí bắt đầu trở nên cũ mèm thì đột ngột trong công viên thấy xuất hiện hai nhân vật lạ. Đó là một người đàn ông mặc ba đờ xuy bằng dạ xám, đầu đội mũ phớt, chân đi giày da, và có bộ ria mép được xén tỉa cầu kỳ. Người thứ hai là một cô bé trạc tuổi tôi, tóc cắt ngắn và mặc bộ nỉ thể thao màu xanh biển rất đẹp. Chắc hẳn đấy là hai cha con dù tôi chẳng thấy họ trao đổi với nhau lời nào. Họ trải một tấm thảm hình tròn ngay cạnh tiệm ảnh của cha tôi, lại chăng thêm dây dù xung quanh trông rất giống sân khấu. Tôi không hiểu họ sẽ làm gì nhưng cảm thấy vô cùng tò mò. Tôi đứng sáp lại quan sát người đàn ông đang bày biện mấy gói giấy bản buộc kín lên rìa tấm thảm. Chừng nửa tiếng sau, người đàn ông đứng ra giữa tấm thảm và hô to:

- Xin kính mời bà con cô bác khán giả đón xem tiết mục ảo thuật vô cùng đặc sắc của đoàn chúng tôi... Những màn trình diễn kỳ lạ nhất mà chắc chắn quý vị chưa bao giờ được thưởng thức... Xin mời... Xin mời... Chúng tôi chỉ biễu diễn một buổi duy nhất... Xin mời... Xin mời...

Lời mời gọi của người làm ảo thuật thu hút được chừng hơn chục người đứng xung quanh sân khấu. Người đàn ông bắt đầu biểu diễn. Ông ta lấy từ túi áo ra một quả bóng bàn, nuốt chửng nó vào miệng, rồi trước sự ngạc nhiên của khán giả, quả bóng lại chui ra từ hốc mắt nhà ảo thuật, sau đó nhanh chóng biến mất vào không khí. Một giây sau, từ hai lỗ tai ông ta lại thòi ra hai quả bóng. Ông ép hai quả bóng vào lòng bàn tay, lập tức chúng tan chảy như sương như khói.

Hai túi áo ba đờ xuy của nhà ảo thuật cứ như cái thùng không đáy. Ông ta lôi ra từ trong túi đủ thứ đồ lỉnh kỉnh: Bóng bàn, bóng bay, dây vải lụa, cả vài tờ báo nữa. Ông làm biến mất mọi thứ rồi lại cho chúng xuất hiện trở lại trong nháy mắt trong khi tôi căng mắt không dám chớp để bắt quả tang xem ông giấu nó vào đâu. Tờ báo bị xé vụn thành chục mảnh rồi ráp lại thành chiếc khăn quàng. Khăn quàng phất phơ hóa thành quả bóng bay. Bóng bay lại chui tọt vào miệng và phì ra đằng tai thành quả bóng bàn. Cứ như thế, biến hóa khôn lường như thể có phép màu. Vừa biểu diễn, người đàn ông vừa giả bộ làm khuôn mặt ngạc nhiên, rồi nở nụ cười hóm hỉnh và nheo mắt nhìn dây vải lụa bảy màu nãy còn ở trong mũ phớt giờ chui tuốt ra từ ống tay, trong khi trên mũ trống trơn chẳng còn gì nữa hết.

- Và bây giờ tôi xin nhường sân khấu cho một nghệ sĩ trẻ. Chắc chắn quý vị cũng sẽ vô cùng thú vị với tiết mục đặc sắc này.

Cô gái lạ mặt ban nãy tiến ra giữa sân khấu. Cô ấy không có nét tươi tắn nghệ sĩ của người cha mà chẳng nói chẳng cười, mặt mũi ủ ê như đang bị chép phạt. Tuy nhiên cô ấy cũng có thể làm biến mất những quả bóng bàn và khiến các mẩu báo rách liền lại ngay trước mắt khán giả. Tôi kinh ngạc. Sao cô ấy làm được như thế? Cô ấy chỉ độ bằng tuổi tôi, mà tôi ra ngõ mua cho cha chén rượu còn ngã oạch vỡ cả chén, đổ cả rượu. Tôi gọt táo, thái hành thế nào cũng bị đứt tay. Tôi hậu đậu như thể chân tay đi mượn tạm của người khác, có học ảo thuật chắc cũng phải xấp xỉ cỡ tuổi cha cô ấy mới khiến cho giấy rách lại liền được. Tôi vỗ tay rất to bên cạnh những tiếng lộp bộp của khán giả xung quanh.

Xong màn trình diễn của cô con gái, ảo thuật gia tiến lên trước khán giả và giơ một mẩu cao màu đen bọc giấy ni lông.

- Điều gì quan trọng nhất đối với quý vị? Sức khỏe là quan trọng nhất... Đặc biệt là trong những ngày Tết, chắc không ai muốn để mình bị ốm đau bệnh tật... Chúng tôi mang đến đây một giải pháp tuyệt vời nhất cho quý vị... Đau nửa đầu, cao huyết áp, đi ngoài, khó tiêu, mẩn ngứa ngoài da, trĩ nội, trĩ ngoại... đều có thể chữa khỏi bằng cao gia truyền mười đời của gia đình chúng tôi... Cao này được làm bằng... Hãy bảo vệ sức khỏe lâu dài bằng...

Một vài người hỏi giá. Một vài người tản đi. Một hai người rút ví ra mua gói giấy bản buộc dây bốn góc đặt ở mép sân khấu.

Lát sau hai cha con người làm ảo thuật lại diễn suất thứ hai. Lại biến mất những quả bóng, lại làm liền những tờ báo đã rách và lại bán thuốc cao gia truyền. Lần thứ hai người ta chỉ xem mà không mua. Lần thứ ba người ta thậm chí còn không xem. Sân khấu chỉ vẻn vẹn có tôi và vài ba người nữa. Suất diễn kết thúc. Người làm ảo thuật không thu được đồng nào từ khán giả. Ông ta đã chào mời tất cả mọi người trừ tôi.

Từ lúc họ dỡ đồ nghề xuống bãi cỏ, chuẩn bị sân khấu, trình diễn cho đến bây giờ, khi người đàn ông xếp gọn những gói thuốc trở lại vào hòm sắt, cả hai cha con đều không để ý gì đến tôi. Cứ như thể tôi là vô hình vậy. Cô gái nói khẽ điều gì đó với cha và lập tức bị ông ta rít lên những câu mà tôi không nghe rõ, chỉ loáng thoáng thấy ông gọi con gái bằng “mày” xưng “tao”. Ông ta cằn nhằn một hồi và thái độ ấy khiến tôi kinh ngạc. Tôi vẫn thường xuyên bị mắng nhưng chưa bao giờ cha mắng tôi bằng vẻ mặt ấy. Nét tươi tắn nghệ sĩ trên sân khấu đã biến mất, giờ đôi mắt và khóe miệng đầy râu của ông ta chỉ còn lại vẻ cay nghiệt và giận dữ. Sau đó ông ta bỏ đi một hồi lâu. Chỉ còn lại cô gái ngồi trơ trọi trên chiếc hòm sắt đựng thuốc cao gia truyền, vẫn với nét mặt buồn bã như thế.

Tôi thấy cô ấy thật cô đơn. Mẹ cô ấy đâu? Mẹ tôi chưa bao giờ để tôi phải đi đâu với cha một mình ngoài những lúc ông đưa tôi theo đến nhà bạn bè. Bạn bè cô ấy đâu? Em gái cô ấy đâu? Nhà cô ấy nữa. Nhà cô ấy ở đâu, có cùng thành phố với tôi không? Cô ấy học trường nào? Người đàn ông kia có phải là cha cô ấy thật không?

Tôi cứ hình dung cô gái giống như những trẻ không gia đình trong một đoàn xiếc rong thường xuyên ế khách, không bạn bè, không được đi học. Tôi muốn lại gần hỏi thăm và bắt chuyện, muốn mời cô một dây kẹo kéo vì mặc dù cô ấy có bộ quần áo biểu diễn đẹp hơn bộ quần áo mặc Tết của tôi nhưng chắc không nhiều tiền túi bằng tôi.

Hai suất diễn sau cô ấy đã bán được gói thuốc nào đâu. Nhưng nhìn khuôn mặt ủ ê lạnh giá cứ hút mãi vào đám cây âm u không người qua lại phía bên kia khu vực Nhà cười thay vì ngắm nhìn dòng người nườm nượp cờ hoa bên đài phun nước, tôi lại không dám cất lên lời nào.

Lát sau, cha cô quay trở lại. Ông ta đưa cho con gái một ổ bánh mì và họ lặng lẽ ngồi ăn trên chiếc hòm sắt, lưng quay vào nhau. Buổi chiều, họ diễn thêm hai suất nữa, bán được đâu chừng hai gói thuốc. Sau mỗi lần diễn, người đàn ông lại làu bàu hành hạ con gái bằng vẻ mặt cay nghiệt. Còn cô vẫn im lặng như khi tôi nhìn thấy cô lần đầu vào buổi sáng.

Có một lúc tôi chạy đi ăn, khi quay về, chỉ trong vòng 15 phút, đã không còn thấy cha con người làm ảo thuật đâu nữa. Cả sân khấu và chiếc hòm sắt đựng thuốc cao gia truyền cũng biến mất, chỉ để lại một bãi cỏ trống trơn như thể họ chưa từng xuất hiện. Ngày hôm sau, cả hôm sau nữa, cha con người làm ảo thuật không đến diễn. Có lẽ họ đã không kiếm được nhiều tiền từ khu công viên này. Họ không may mắn như cha tôi, như những nghệ sĩ môtô bay, như ông lão phim đèn chiếu, ông lão nặn tò he, ông lão kẹo kéo, bà hàng bún riêu, cô gái bán vòng nhẫn hạt cườm hay thằng bé thổi bong bóng bay bên đài phun nước.

Hết năm ngày Tết, tôi quay lại trường học. Còn cô gái ấy, cô gái ảo thuật tài hoa có khuôn mặt ủ ê lạnh giá, cô ấy có đến trường giống như tôi không?

di li
Tết xưa,
Nhớ cái Tết năm xưa còn thơ ấu,
Nơi quê nhà rộn rịp đón Xuân sang...
Xuân quê hương sao thắm thiết rộn ràng,
Lòng hớn hở chờ đón ngày Tết mới,
Tuy xa cách nhưng vẫn luôn chờ đợi.
Mỗi một mùa là một nỗi nhớ mong !
Tôi luôn ôm ấp trong lòng,
Mơ ngày trở lại Xuân hồng chốn quê !!
NM

                     Những Ngày Giáp Tết

    Chuyện nhớ nhà, nhớ quê: “Mà lạ? Bên này mình có nhà cửa đàng hoàng, còn bên kia, nhà còn đâu? Sao cứ nhớ nhà ở bển hoài?” Tác giả tự hỏi.
    Cứ mỗi năm gần Tết là nhớ về quê nhà… bên Việt Nam đó. Trong lòng rộn rịp, nôn nao hay lâng lâng trộn lẫn vào nhau…nhớ cái không khí hơi lành lạnh… và nhất là gần ngày nghỉ Tết bỏ hết chuyện học hành qua một bên, tính toán, nào là đi mua quà cho Thầy, Cô, nào là làm báo, và làm tiệc tất niên.
    Tui còn nhớ năm đó trong lớp tụi nó chia ra, nhóm văn chương chữ nghĩa lai láng thì làm báo, nhóm khéo tay thì trang hoàng, còn nhóm tui chắc hay ăn vụng trong lớp cho nên được thủ nhiệm vụ gom tiền đi mua bánh mứt. Quá đã, "tự dzì" được cho giờ công khai đi "shopping" mờ. Trong nhóm nầy có Mỹ, Thảo, Nhiều và …tui. Bây giờ nghĩ lại chắc tụi nó lựa nhóm tui đi cho khuất mắt để tụi nó yên ổn làm báo khỏi bị phá hay làm bộ… phê bình.
    Từ trường Trung Thu mà đi bộ ra chợ Bến Thành đâu có gần, mà đi cả đám bốn đứa, nếu đi xe lam thì còn tiền đâu mua mứt nên rủ nhau đi bộ. Trời ơi, cả tiếng mới tới. Cả đám có dặn trước là đem theo tiền túi để ăn hàng trước, "chiện" mua mứt tính sau…
    Đứa này thì gỏi đu đủ tôm thịt, đứa nọ thì xề bên kia bánh ướt nem chua, đứa thì đứng cắn bò bía…ôi thôi hầm bà lằng trong bụng, trước khi về còn… "dọng" thêm một ly đậu đỏ bánh lọt nữa.
    Hỏng biết lúc đó tui để dành làm sao mà lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi, đứa nào hỏng đủ thì tui cho mượn, ăn trước, chuyện khác tính sau. Lo xong phần bao tử no nê đầy bụng rồi, bây giờ tới phần chánh là mua bánh mứt!. Tiền hùn thì ít mà tụi nó dặn phải mua đủ thứ, mứt me, mảng cầu, chà là.. v.v.. Tính sao đây? Cái màn nói thách trên trời hỏng đứa nào dám trả giá hết… Đẩy qua con Thảo vì nó lanh nhất để nó trả giá, trả một tiếng bả… bán, thấy lầm rồi nên cũng biết khôn, mua 1 gram thôi. Bà bán hàng vừa cân vừa lầm thầm trong miệng "Tưởng gì mua có 1 gram mà cũng trả giá cho dữ… mấy con nhỏ này". Đi qua hàng khác lại màn trả giá…sợ chúng… chửi. Rốt cuộc cũng mua được đủ thứ, mỗi loại nửa ký…Riêng mứt dừa thì phải nhiều hơn mấy thứ kia…vì nhiều người thích…Xong trách nhiệm được giao phó…
    Bây giờ nói về cái Tết bên Mỹ đây…cũng có chợ đêm….cũng đầy đủ Mai, Lan, Cúc, Trúc…cũng bánh mứt ê hề…cũng có đầy mâm ngũ quả. Ba ngày Tết có diễn hành, có múa Lân, có dựng cái nhà lá kê cái lu giống bên quê nhà mình (cái nhà này tui thích nhất) có màn thi hoa hậu phu nhân, hoa hậu Việt Nam và hoa hậu trẻ em…còn về văn nghệ tân cổ có đủ, có luôn vỏ thuật. Hay nhứt là cái màn mấy em nhỏ xíu cầm sớ Táo Quân đọc tiềng Việt rót rót vv…. nhưng cái không khí nó vẩn còn… thiêu thiếu cái gì đó…Thiếu cái không khí Việt Nam ở đây…
    Nhớ gần Tết tui khoái nhất là cái màn xách giỏ ra chợ với má mua toàn là thức ăn cho mấy ngày Tết, nhất là củ kiệu, dưa hành để làm chua trước ba ngày cho ngấm, cuốn bánh tráng với thịt kho dưa giá và bánh tét trong mấy ngày Tết thiệt là ngon…nhưng mà ghét nhứt là cái màn lột cả rổ củ hành hương…nó nhỏ xíu mà cay mắt muốn chết…bây giờ ngồi đây nhớ lại "ủa? mà sao năm nào… cũng có mình tui với má ngồi lột củ kiệu với củ hành hương hết ta? còn mấy bà chị đi đâu hết? để Tết này hỏi cho ra lẽ….
    Ngày ba mươi, bận rộn cách gì! Nào là cúng quãy, chuyện của má, nào là quét dọn nhà cửa, chuyện này Năm Sira lo, là tui đó. Phận sự treo màn có chị hai lo. Treo cờ mới tinh là chuyện của ba lo. Còn bà ba nhăn, biệt hiệu của chị ba Xuân), bà tư điệu, biệt hiệu của bà chị kế tui là Ngọc Anh, lúc đó ở đâu ta? Hai bà này mà vô Hải Quân làm thợ "LẶN" được lảnh "CÚP" là cái chắc!! để Tết này hỏi cho ra lẽ…
    Làm gì thì làm cũng phải cho xong trước Giao Thừa.
    Thường thường ba má kiểm soát một vòng trong nhà coi có sạch sẽ không rồi mới chuẩn bị cái bàn thờ cúng đêm 30. Chuyện cúng Giao Thừa là phần của Ba, rất trịnh trọng. Bàn hương đèn ngoài sân, ngay trước cửa nhà. Trên bàn có bình bông tươi, thường là bông vạn thọ, hay bông huệ ta, trái dừa tươi, dĩa mứt đủ thứ, nước trà, nước lọc, nhang, đèn cầy phải đủ cặp màu đỏ cho hên. Nhất là hai cây mía thiệt đều nhau dựng ở hai bên bàn cúng, với ngọn được cột dính giao đầu nhau.
    Chị em tui lúc này mới sửa soạn thay quần áo mới để đi ra… đi vô, coi ba má sắp đặt…trong lòng nó nôn nao làm sao í! Lúc ba má cúng là tui chạy tới…chạy lui qua nhà hàng xóm rủ mấy đứa bạn đi coi nhà nào đốt pháo trước…đứng bịt lổ tay…dòm. Sợ pháo gần chết mà cứ hay đi kiếm để tụi "con chai" đốt liệng vô chân…la bài hãi rồi chạy… làm cho đám "con chai" ôm bụng cười rồi canh me làm tiếp…Đêm Giao Thừa thức gần sáng đêm vì ba má và mấy người lớn còn đi chùa hái lộc đầu năm nữa….Cũng có năm đám con nít được đi theo. Ba má tui tin chuyện hái lộc đầu năm nầy lắm.
    Sáng mùng một, chị em tui thức sớm lắm để diện bộ đồ mới mà tối hôm qua chưa có mấy người thấy bộ đồ chiến này, đi ra, đi vô, cắn hột dưa. Cái màn kế tiếp mà tụi tui khoái nhất là…LÌ XÌ…quần áo mới, tiền mới thơm phức. Đầu tiên là ba má lì xì, xong là tiếp dọn mâm cúng chay. Nguyên ngày mùng một ăn chay, mùng hai trở đi là ăn mặn. Má sắp dọn cúng Ông Bà mỗi ngày, nhang và đèn trên bàn thờ Tổ tiên hỏng tắt suốt mấy ngày Tết. Bàn thờ Tổ Tiên được chưng dọn sáng rực rỡ với bộ lư đồng, hai trái dưa hấu phải thiệt tròn trịa, cá dán tấm giấy đỏ viết chữ Tàu, chắc là chữ Phước và chữ Lộc. Má cúng ngày ba lần, liên tiếp trong ba ngày. Không quét nhà, không gây lộn, chỉ ăn với cười thôi, cũng khỏi rửa chén luôn, Má làm hết. Chắc ba má khoái nhất là mấy ngày này.
    Mùng hai, mùng ba trở đi bà con, hàng xóm bắt đầu lai rai tới chúc Tết, lì xì. Ba má nói mùng một mình không nên tới nhà người khác "xông đất", rủi trong năm có gì không may xảy ra thì người ta …"nhớ tới mình", trừ phi người ta "mượn" mình tới xông đất dùm.
    Tui khoái nhất là dì Bảy mà mấy chị em tui kêu là Má Bảy, trong gia đình tui, tất cả mấy dì tui đều kêu bằng Má hết. Má Bảy phốp pháp, vui tánh. Má ưa nói đứa nào chúc hay và dài thì được lì xì nhiều, mà phải khoanh tay lại đàng hoàng. Nghe chúc Tết xong Má Bảy cười ha hả rồi móc túi kéo mấy bao đỏ ra, nên mùng hai năm nào tui cũng tính sẳn mấy câu dài thiệt là dài để chúc cho riêng Má Bảy. Má Bảy buôn bán quanh năm không nghỉ ngày nào, nên vào dịp Tết, sau màn đi lòng vòng ngày mùng hai lì xì cho hết thảy mấy đứa cháu xong là Má Bảy bắt đầu ngồi sòng tứ sắc luôn cả ngày đêm cho hết mấy ngày Tết. Má Bảy lựa một ngày tốt mở cửa hàng lấy ngày, xong tiếp tục ngồi sòng. Ai có cần gì thì cứ tới sòng tứ sắc thì gặp Má liền.
    Mùng hai. Có tiền rủng rỉnh trong túi bây giờ kiếm chổ đi chơi. Đi sở thú…coi thú?. Năm nào cũng đi coi thú thì ít mà đứng ngồi làm duyên để chụp hình thì nhiều.
    Mùa Tết trong sở thú có đủ loại bông hoa nở đẹp lắm, đủ màu sắc. Tui thích hết tất cả loại hoa trừ hoa… Mồng Gà (ghét cay ghét đắng) mà sao ba tui cứ kêu đứng kế Mồng Gà mà chụp hình thành ra tấm hình nào Mồng Gà cũng… đẹp hơn tui. Tui đoán chắc ba nghĩ… Tết có sẵn quần áo đẹp, và bông hoa đủ màu sắc rực rở, tươi thắm thì hên cả năm cho nên la cà chụp hình ở sở thú cả ngày trời, nhất là lại có tiền bạc rủng rỉnh trong túi nên …thiệt là vui ….Tui khoái nhất cái màn coi mô tô bay…hồi hộp, nín thở!!. Mua vé vô cửa xong, được người hướng dẩn chỉ lên thang lầu…Kiếm được chổ ngồi gần lan can…nhìn chung quanh thấy nhiều hàng ghế sắp từ thấp lên cao theo hình tròn (cái nhà này hình tròn, khán giả ngồi phía trên nhìn xuống giống như mình đi coi xiệc vậy, nhưng cái nhà này có chiều cao hơn nhiều. Từ trên nhìn xuống thấy chung quanh vách ván được đóng hơi lài lài từ phía dưới lên lần lần tới trên là thẳng đứng. Phía dưới là nền bằng xi măng …có chiếc xe mô tô dựng đó…kế cái kệ nhỏ trong góc.
    Giờ bắt đầu… nghe tiếng còi thổi lớn mọi người lồm chồm nhìn xuống phía dưới… thấy một người con gái nhỏ nhắn, mảnh mai, bước ra cúi đầu chào xung quanh bốn phía xong bước lại chỗ cái… kệ nhỏ trong góc nhà… chấp tay lại và cúi đầu xá …tôi nghĩ "chắc đây là bàn thờ Tổ của ngành mô tô bay", xong rồi cô ấy mới lấy cái nón "sắt" đội lên đầu…nhảy cái thoắt lên xe bắt đầu nổ máy…tiếng máy xe nổ …bùm… bùm thiệt là lớn làm sôi động hết cả một vùng…mọi người nín thở, mở lớn mắt ra coi…Cô ấy rồ ga lớn chạy một vòng chung quanh dưới thấp nhất "chắc cho nóng máy" một tay dơ cao chào mọi người, xong đảo thêm hai ba vòng nữa rồi…rồ ga mạnh hết cở là bắt đầu phóng lên cao thật nhanh chạy theo vòng tròn từ thấp lên cao…lên tới gần lan can chổ khách ngồi rồi vòng trở xuống…cũng theo vòng tròn…lập đi…lập lại mấy vòng…có lúc tui có cảm tưởng như cô ta sắp rớt ra khỏi xe vì cái độ nghiêng của xe.
    Hú hồn!!!
    Và đó là lần đầu mà cũng là lần cuối cùng tui đi coi mô tô bay…
    Sáng mùng ba. Ba má đem mấy chị em tui ra thăm ông Tỉa, bà Ý ở đường Huỳnh Thúc Kháng Sài Gòn (ông dượng, bà dì kêu theo tiếng Hoa). Bên nội người Triều Châu …nói toàn tiếng… Tàu hông hà! mà tụi tụi thì hỏng đứa nào biết nói hết thành ra thân bên ngoại hơn bên nội, mà ba làm thành thông lệ nên mùng ba năm nào cũng đi thăm ông bà, và tụi tui cũng phải mặc aó đầm, chân mang giày bít, dớ trắng rất giống mấy "little chinese girls" lắm. Gia đình ông bà nói chuyện với ba tui bằng tiếng Tàu vui vẻ lắm, còn tụi tui thì ngồi…ngớ ra đó. Vậy mà ông Tỉa, bà Ý lúc nào cũng bắt ở lại ăn cơm tới chiều mới về. Nhà bà Ý lúc nào cũng có sẳn bánh ngọt cho con cháu ăn hết!.
    Qua chiều mùng ba…Đi coi hát…Bước ra cửa nhìn tới nhìn lui coi có "con chai" hông… sợ tụi nó liệng pháo vô mình. Nếu tụi nó… bận hết thì mình yên tâm bước, còn nếu tụi nó đứng… lấp ló đâu đó thì quay trở vô nhà chờ tụi nó đi...Hỏng biết tại sao lại đi coi hát dịp Tết? Chen lấn mua vé bị người ta đụng…chổ này…cạ chổ kia…Mấy cha đợi dịp…chờ nước đục thả câu…Về tới nhà là hết ngày mùng ba.
    Qua mùng bốn. Ăn trưa xong, bày bộ Bầu Cua Cá Cọp ra… rủ luôn mấy đứa hàng xóm qua chơi. Vui thiệt là vui. Đứa thắng thì vui nhiều, đứa thua cũng hỏng buồn, vì Tết mà, buồn thì xui suốt năm sao?.
    Tết bên này cũng có bộ Bầu Cua Cá Cọp nhưng cũng hỏng vui bằng lúc nhỏ bên quê nhà….Ở thành thị qua mùng bốn, mùng năm là bớt đi không khí Tết rồi…Bắt đầu quét nhà mà phải quét ngược vô, vì quét ra là sợ tiền cũng theo ra…nhất là quét hột dưa rải rác đầy nhà… dọn dẹp rác rến. Nhưng nếu ở dưới quê thì người ta còn ăn Tết lai rai tới hết cả tháng lận…Sướng thiệt.
    Hơn ba chục năm nay tui chưa từng có được dịp ăn cái Tết đúng nghĩa y như hồi còn nhỏ ở Việt Nam. Ước gì một hai năm nữa, tất cả mọi chuyện "xuôi chèo mát mái", tui sẽ đem mấy nhỏ trở về quê nhà vào dịp Tết để hít thở cái không khí Tết của năm xưa, cả ở thành thị lẫn thôn quê…
    Mà lạ? Bên này mình có nhà cửa đàng hoàng, còn bên kia, nhà còn đâu?
    Sao cứ nhớ nhà ở bển hoài?
    Chúc tất cả mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, tâm thần an bình và tài lộc dồi dào… 
Trương Kim Loan


Nhạc Xuân Hay Nhất

Những quả bóng ước mơ,
Bay cao đi hỡi bóng ơi,
Mang theo hi vọng tuổi đời thanh xuân
Đông qua Xuân đến bao lần,
Mà hình bóng mẹ vẫn không phai mờ
 Mẹ là tất cả tuổi thơ,
Mẹ luôn chắp cánh ước mơ cho tròn
Cả đời mẹ sống vì con
Dẫu cho thân mẹ héo hon trăm chiều...
Ôi thương đời mẹ quạnh hiu,
Sớm trưa vất vả trăm điều nuôi con,
NM

Những ngày Tết của mẹ

Mẹ là quê hương của con.  

  Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi chợt bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xa xưa và thoáng trong miền kí ức đầy sương ấy, hình bóng hao gầy của mẹ tôi hiện ra mỗi lúc một rõ dần, rõ dần      

 Thuở ấy, nhà tôi nghèo lắm. Tôi mới lên mười. Ba chị em tôi còn nhỏ nên chẳng giúp được gì cho mẹ. Bố tôi bỏ đi làm xa lâu lâu mới trở về thăm nhà một lần. Bởi vậy, mẹ tôi - một cô giáo trường làng - ngoài giờ lên lớp phải một mình “lặn lội thân cò” để kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Năm mười hai tháng không ngày nào mẹ rảnh tay. Tuy vất vả thật nhưng thấy con cái đứa nào cũng học giỏi nên mẹ rất vui lòng. Ở cùng chúng tôi còn có bà ngoại. Tuổi bà đã xế chiều. Ngày ba bữa, nhà tôi đã ăn cháo hết hai. Những lúc ấy, bà thường kể cho chúng tôi nghe về nạn đói năm một chín năm hai. Bà bảo rằng:“Người ta phát chẩn cho những người bị đói nhưng do họ nhịn quá lâu ngày nên bấy giờ họ cố ăn thật nhanh, thật nhiều, giành giật nhau mà ăn, ăn quá nhiều đến mức bao tử không thể chứa được nữaVà thế là họ chết ! ”. Tôi nghe mà rợn cả người.       

Những ngày tháng vô cùng thiếu thốn và gian khổ ấy vẫn cứ trôi qua. Bỗng một hôm cây mai trước cửa nhà tôi chợt rụng lá. Khí trời trở gió se se. Tôi biết: Mùa xuân sắp về.     

 Là những ngày giáp Tết mà không khí chuẩn bị ở quê thật sơ sài. Mẹ tôi thường ngày đã vất vả bây giờ lại càng vất vả nhiều hơn. Mẹ luôn thức dậy từ sáng sớm. Trong màn sương muối dày đặc mang theo cái lạnh thấu xương của miền Trung, mẹ bấm chân dò từng bước trên con đường đất đỏ lầy lội. Ra đến chợ, mẹ lấy hàng của đại lý rồi đem bán lẻ để kiếm lời. Công việc có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chẳng dễ chút nào. Ở chợ cũng có nhiều người bán như mẹ nên số tiền thu được chỉ tính từng đồng. Vậy mà có hôm, đứa em út của tôi  đòi mẹ một gói kẹo, tôi dỗ cách nào nó cũng không nín, mẹ liền bảo: “Thôi con lấy cho em một gói kẹo đậu phộng da cá (loại nhỏ nhất, rẻ tiền nhất) cũng được !”. Cầm bao kẹo trên tay, vẻ mặt nó rạng rỡ hẳn lên. Tôi ngồi cạnh bên...im lặngGần hết buổi sáng mà chưa có ai mua cả, thỉnh thoảng có dăm ba người tới hỏi vài câu rồi lại bỏ đi ngay, mặc cho mẹ tôi mời mọc hết lời. Độ giữa trưa, tôi về nhà mang ra cho mẹ một nắm cơm đã trộn sẵn với muối tiêu. Nắm cơm bé xíu lọt thỏm giữa những ngón tay gầy guộc, xương xương của người. Mẹ nhìn hai chị em tôi bằng ánh mắt xót xa rồi bẻ cho mỗi đứa một mẩu nhỏ. Từ trong khóe mắt mẹ, một giọt nước mắt long lanh từ từ rơi xuống đôi gò má nhô cao, khô ráp. Trong thoáng chốc, hai mắt tôi cũng như nhòa đi  

    Hai chín Tết. Pháo tất niên nhà ai nổ lộp độp. Mẹ tôi dậy muộn hơn mọi ngày. Mẹ bảo sáng nay sẽ đi chợ để mua sắm đồ Tết cho mấy chị em tôi, nhân tiện người sẽ mua thêm cho mỗi đứa một chùm pháo tiểu. Bỗng “soạt”. Tôi chạy vội xuống bếp xem. Thì ra trên giàn bếp, con miêu đang dòm ngó cân thịt lợn mà bà tôi mới cân hồi sớm của cô hàng xóm. Lúc đi chợ về, mẹ mua cho tôi đôi dép có quai sau tiện thể dùng để đi học, chị tôi lớn hơn nên được cái mũ rộng vành có gắn một bông hoa và cành lá xung quanh, còn bé út tôi thì nhỏ nhất nên nó được một bộ quần áo rất xinh, mới tinh với nhiều hình vẽ cùng màu trang trí. Vậy mà...tết nay bố tôi lại vẫn không về...      

  Mồng một tết. Nắng xuân ấm áp chan hoà trên con đường xanh biếc cỏ non. Mọi người ai nấy đều hăm hở đi viếng mộ tổ tiên, ông bà. Vài bà cụ mặc áo dài, quần the cũng tất bật hoà vào dòng người. Mẹ tôi là con gái duy nhất của ông ngoại nên việc hương khói ông bà đều do mỗi mình mẹ gánh vác. Tôi thấy mẹ quỳ xuống đốt nhang và thì thầm khấn điều gì đó trước mộ ông. Dáng mẹ trông thật bé nhỏ làm sao trước không gian rợn ngợp chỉ toàn là mộ và cát trắng tinh.        

Tết ở miền quê buồn và yên ả, không có những hội chợ hay các trò chơi nhộn nhịp như ở phố thị. Đâu đó bên góc đường tiếng cãi vả ồn ào của một đám người đánh “bầu, cua, tôm, cá, nai, gà” mỗi lúc một to dần. Cả người lớn và trẻ con như bị hút hồn vào nơi ấy. Còn tôi, tôi biết rõ đó là thứ trò chơi mà mình càng chơi càng cay cú. Do vậy, tôi không bao giờ dùng tiền mừng tuổi của mình để chơi cả. Tôi luôn nghe theo lời dạy của mẹ. Ngược lại, tôi có một công việc khá dễ để làm. Tôi lon ton theo mẹ ra chợ và giúp mẹ bán các con số ghi trên những tấm vé ứng với sáu mặt của một con xúc xắc bỏ vào đĩa rồi đậy chiếc chén nhỏ lên trên. Sau đó mẹ tôi xóc vài cái cho nó đảo đều. Mẹ tôi gọi trò chơi ấy là “Rung Tam Hường”. Tôi rất khoái trò chơi này  (mặc dù nó cũng chẳng khác trò kia là mấy). Và, bọn trẻ con trạc tuổi tôi cũng vậy. Lúc đầu, bọn chúng tỏ ra dè dặt và có ý thăm dò. Chỉ một lúc sau chúng hiểu luật và thích ngay. Đặc biệt là giá trị của phần thưởng cũng khá “hậu” so với số tiền mà chúng bỏ ra. Vì vậy, chúng say sưa bên những ván “Tam Hường” mà quên cả sớm trưa. Chúng cũng nhanh chóng trở thành “thượng đế” của chúng tôi tự lúc nào. Nhìn những đôi mắt đen tròn, mở to chăm chú của mấy cô, cậu bé lên năm, lên sáu rồi nhìn vào những đường gân nổi rõ trên đôi tay xanh xao của mẹ mình mà tôi cảm thấy vừa vui vừa chạnh lòng.      

  Hai hôm sau chúng nó trở nên thân với tôi hơn. Mới sáng sớm chúng đã vây quanh chiếc sạp bé nhỏ của chúng tôi rồi. Chúng còn giục mẹ tôi đi lấy phần thưởng về thật mau. Khi thấy tôi tay ôm tay xách thì chúng vội vàng chạy đến đỡ lấy ngay. Mẹ tôi xổ ván đầu tiên. Cả bọn im lặng, hồi hộp, chờ đợi. Khi vừa thấy mẹ tôi mở chiếc chén ra, tức thì thằng Tèo- con ông Tư hàng xóm- háo hức reo lên : “Con trúng rồi ! ”. Thằng bé cười- một nụ cười hồn nhiên đầy “thắng lợi”. Suốt ngày hôm đó, tôi luôn bận rộn. Hơn thế, chính cái tài rao vặt khéo léo của tôi đã khiến chiếc cổ họng tôi khan cứng tự lúc nào, giọng nói cứ rè rè chẳng khác nào chiếc ra-đi-ô bị hỏng.   

     Đến chiều mồng ba “khách” bắt đầu thưa dần. Có đứa buồn bã, tiếc rẻ khi mẹ tôi tuyên bố ngày mai sẽ thôi không chơi nữa. Chúng hỏi tại sao thì người chỉ cười, một nụ cười hiền lành, đôn hậu, mẹ đùa:         

  - Thế các cháu không cho cô về ăn tết hả ?   

      Bọn chúng lặng nhìn nhau. Chợt có đứa thỏ thẻ:   

       - Vậy Tết sang năm cô có chơi nữa không ?      

   Rồi nó nói thêm:         

 - Bọn con hứa là sẽ chờ cô mà !  

     Nghe xong, mẹ tôi cố nén xúc động, nhìn bọn trẻ bằng ánh mắt yêu thương rồi nhẹ nhàng bảo:        

 - Ừ, hẹn sang năm, cô cháu mình sẽ gặp lại nhau nhé !...     

            Ba ngày xuân ngắn ngủi trôi qua. 

    Mồng bốn Tết. Chợ đầu năm đã họp. Người dân quê tôi thường mang ra chợ những thứ gọi là “cây nhà lá vườn” bán để cầu tài. Họ cũng không quên mua thêm một ít muối hạt gọi là “muối sống” theo phong tục cổ truyền “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.” Riêng mẹ tôi thì khác. Mẹ chẳng có gì để bán nhưng ngược lại thứ mà mẹ mua về chính là túi gạo nặng trĩu trên tay cùng với chùm bóng bay chia đều cho ba đứa. Thấy mẹ về, chúng tôi chạy thật nhanh ra ngõ để đón mẹ. Chị tôi nhanh nhảu đỡ túi gạo từ tay mẹ, khệ nệ mang vô nhà bếp, đổ vào chiếc thạp sứ chỉ còn vương vài hạt tấm. Mẹ dịu dàng trao chùm bóng bay cho tôi rồi cúi người xuống nhẹ nhàng bế lấy em gái tôi, ẳm em vào lòng và hôn lên đôi má ửng hồng của nó. Tôi chạy vội vào nhà vơ lấy chiếc khăn ra lau những giọt mồ hôi chảy thành từng vệt trên trán mẹ. Hôm nay được nhìn kĩ khuôn mặt mẹ tôi thấy mẹ gầy hẳn đi. Đôi gò má của người như càng khô ráp và nhô cao hơn. Tôi biết mẹ đã vất vả vì chúng tôi nhiều quá. Tôi cảm thấy thương mẹ vô cùng. Rồi, đột nhiên mọi thứ xung quanh tôi dường như nhoà đi. Bất giác, chùm bóng bay trong tay tôi vụt mất. Tôi ngước mắt nhìn theo. Trên bầu trời cao rộng, chùm bóng bay mà mẹ dành cho chúng tôi đang vươn cao và mỗi lúc một cao dần, cao dần tựa hồ như những ước mơ, những niềm hi vọng của tuổi thơ bọn tôi sẽ được mẹ chắp cánh cho bay cao và bay xa, xa mãi..

Phạm Nguyễn Quế Linh

Tháng chạp, năm 2009