Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Viết cho những ngày cuối năm

        Mãi tìm
    Tìm chốn thiên thu nơi cõi mộng,
   Gom tình hờ hửng kiếp nhân sinh....
 Mới hay ta chỉ một mình,
Viễn vông phiêu bạt linh đinh một đời !!
    NM

Viết cho những ngày cuối năm

  Một đời người có bao nhiêu lần cuối năm? Con số thất thường, mơ hồ không ai trả lời được cho đến lúc “cát bụi lại trở về với cát bụi”. Một năm nữa lại sắp qua rồi, giữa dòng đời hối hả, bộn bề, ai trong chúng ta cũng đã có những lúc tưởng chừng đuối sức vì công việc và áp lực cuộc sống.

Có khi nào bạn đã cảm nhận mình còn thiếu một điều gì đó rất quan trọng, phải chăng đó là những lúc cần được chia sẻ chân thành và trải lòng mình ra, một phút để nhìn lại mình, để thanh thản, để trở về với chính mình.
Để khi những vòng kim đồng hồ khép lại trọn vẹn một năm là khi chúng ta ngồi nhìn lại chặng đường đã qua của mình.
Trong 365 ngày qua chúng ta có lúc hối hả tất bật, có lúc lại chợt thấy thanh thản bình yên sau những ngày tháng bận rộn.
Dường như hôm nay mọi lo toan, mọi gánh nặng đều được trút bỏ, để thấy những khoảnh khắc là yên ắng, là chan chứa, là bình yên…
Rồi chợt nhận ra, đời người như một dòng sông, thấy là thẳng nhưng không phải thẳng; thấy là uốn khúc nhưng không phải cong; thấy là ngược dòng nhưng luôn xuôi chảy…
Giữa thời khắc nầy, việc nhìn lại những việc đã xảy ra và nghĩ về những điều sắp tới khiến mỗi người có cảm giác hồi hộp và háo hức lạ kỳ. Một năm qua đi, chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì và định hướng xem cần phải làm gì trong một năm mới đến.
Con đường dẫn đến hạnh phúc, thành công không ở đâu xa mà ngay chính trong con người mình. Tất cả những gì bạn cần lúc nầy, trong ngày cuối năm nầy, đó là một khoảng lặng để nhìn lại một năm đã qua, hồi tưởng lại những gì mình đã được hay mất trong một năm qua.
Với nhà kinh doanh thì bận rộn tính toán lời lổ trong công việc doanh thương.
Còn với ông già bán vé số dạo thì nhìn đâu cũng lãi cả nên vui lắm, mới sinh ra mình trần thân trụi bây giờ chí ít cũng có chiếc khố rách trên mình, năm nay chiếc áo bạc màu hơn năm ngoái, làn da sạm nắng hơn, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn hơn, con cháu nhiều hơn, tóc bạc nhiều hơn và chắc chắn là nghèo hơn năm củ và vân vân, nói chung là hơn nhiều lắm.
Phần vật chất, con người thì xem như tạm ổn. Cho dù thêm một tuổi đời sức khoẻ có kém hơn trước nhưng bù lại kinh nghiệm sống nhiều hơn, thu nhập ít hơn nhưng công việc nhàn hạ hơn và có nhiều giờ hơn với bạn bè.
Một năm trôi qua có nhiều thành tựu, nhưng cũng có không ít lần thất bại. Chúng ta dễ dàng mỉm cười với thành công nhưng luôn chạy trốn những lần bị vấp ngã. Không sao cả.
Tương lai là để tiến về phía trước, đừng để mình bị thụt lùi lại phía sau. Những buồn đau dai dẳng phải là thứ được loại bỏ đầu tiên trong hành trình đón chờ một năm mới.
Năm mới đến, không nên rước thêm những phiền muộn vào mình. Hãy liệt kê ra những sai lầm phạm phải, những thương tổn gây ra cho nhau, cùng chân thành nhìn lại và nhủ lòng khắc phục chúng trong năm mới đến. Đó là cách để xoá đi nỗi buồn, hay cũng là cách để buông bỏ chúng thành công nhất.
Bây giờ xét về phần tinh thần: Một năm qua bao nhiêu người đã quan tâm giúp đở, an ủi chia sẻ với mình mà mình đã làm được gì cho người bên cạnh? Dành tình yêu thương trong trái tim bình an của mình và đem chia sẻ với mọi người xung quanh : với gia đình, bè bạn và tất cả mọi người chung quanh.
Khi bắt nguồn tình cảm từ một trái tim khỏe mạnh và lành lặn, chúng ta có thể tự tin vào những thành quả yêu thương trong một năm mới đến.
Hãy thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho những hố than đã tàn tro. Một năm mới, khởi đầu mới, chúng ta có quyền tin vào những thành công dựa trên những nền móng cũ.
Bất chợt mình nhận ra, dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm, mất mát, đớn đau, buồn vui thì cuộc sống vẫn vô tình, vẫn hồn nhiên trôi đi và mọi thứ rồi cũng sẽ qua… Một ngày, hai ngày… rồi ba trăm sáu mươi lăm ngày…
Tất cả đôi khi chỉ là một vùng để thơ thẩn, để thênh thang khi quay lại nhìn. Và yêu thương, sẻ chia, lòng vị tha, trắc ẩn... là điều quan trọng nhất trong cuộc đời.
Dù lặng lẽ hay ồn ào, một năm rồi cũng đang chuẩn bị qua đi. 365 ngày đã trôi qua với đủ đầy những hương vị và sắc màu của cuộc sống… vui có, buồn có, thành công có, thất bại có, hy vọng có và tuyệt vọng cũng có…
Thời gian làm mọi thứ già đi, bạc trắng theo nó .Cuối năm mọi người sẻ có thêm một tuổi nhưng lại có một năm để ngắm nhìn bản thân, ngắm nhìn mỗi người mình thương yêu để biết cho đi nhiều hơn.
Người ta dùng ngày cuối năm như một nốt lặng trầm ngâm giữa giao thừa năm cũ và năm mới, và cũng là thời điểm dành cho một cái ngoái nhìn về những ngày vừa trôi qua.

Chỉ mong một năm khép lại, và những điều tốt đẹp và may mắn hơn sẽ mở ra.
Mong an lành và bình yên cho một năm sắp tới…
Mong những lo lắng bớt đi trên nếp nhăn của những người thân, Mong ai ai cũng sức khỏe dồi dào  quên đi bệnh tật…
Mong niềm vui nối đuôi ghé thăm tất cả mọi người và bỏ quên bất hạnh, tuyệt vọng ở đằng sau…
Mong nụ cười luôn hiện hữu khắp nơi và bỏ quên nước mắt, đớn đau ở lại…
Mong may mắn luôn đồng hành trên con đường sắp tới…
Mong 365 ngày tiếp theo sẽ sống mà không phải luyến tiếc…
Mong một năm mới sẽ thật vui theo cách mọi người mong muốn…

Dù cho tình cảm trao đi không được nhận lại. Dù cho bị phản bội sau nhiều ngày nắm chặt tay nhau.
Dù cho khi nhận ra tim mình đã rách bươm và chằng chịch nhiều vết xước. Thay vì buồn khổ và hoài niệm, hãy học cách tự chăm sóc cho tim mình, tự ủi an bản thân, yêu thương mình và yêu thương rộng mở với những người xung quanh.
ST
                                              
 
Đón Xuân
  Rộn ràng trên bến dưới thuyền,
    Mai vàng khoe sắc trên miền đất quê...
  Chúa Xuân về khắp sơn khê,
 Nhà nhà sum họp tình quê chan hoà 
 Thanh bình đây khúc hoan ca,
 Hương trầm toả ngát bao la đất trời..
  Cầu cho gia đạo khắp nơi , 
  Một mùa Xuân mới thảnh thơi an lành
NM

Hương Vị Tết Miền Tây Xưa

Đồng bằng Tây Nam Bộ đón Tết sau mùa lũ. Mùa xuân ở đây là mùa gió chướng thổi về, tiết trời trở nên se lạnh. Dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu, mai vàng đã khoe sắc trong vườn nhà. Mùa xuân, Tết đã đến trên một miền đất trù phú, ruộng vườn xanh bát ngát bao la. Nét nổi bật của Tây Nam Bộ là có đến 200.000 ha cây ăn quả, sông rạch đan xen như mạng nhện nên Tết ở đây có một phong thái riêng, không giống bất cứ một cái Tết của nơi nào khác  
Khi công việc đồng áng đã xong, mọi nhà tất bật chuẩn bị cho ngày Tết. Bước sang trung tuần tháng Chạp, khắp xóm làng đã nghe tiếng chày giã gạo nếp bình bịch, nhịp nhàng từ sáng đến tối. Đặc biệt nhà nào cũng lo quết bánh phồng vang động khắp nơi.Ở miền sông nước thường có lệ hùn hạp, đổi công trong láng giềng, mỗi nhà thay phiên nhau quết bánh. Cánh thanh niên thì lãnh nhiệm vụ cầm chày, cánh phụ nữ thì đảo bánh.Bánh tráng miền Tây có hương vị riêng bởi có nước cốt dừa bổ sung vào bột gạo. Khi ăn có vị bùi béo, mùi thơm của tinh túy trái dừa làm nên cái bánh tráng vừa giòn, lại dày dặn và hấp dẫn, không thể thiếu trong ngày Tết của nông thôn. Ở miệt vườn miền Tây không chỉ nổi tiếng với sản phẩm làm từ gạo và dừa, mà còn có những loại mứt làm từ khoai, bí, gừng… Miệt Chơn Thiện, Mỹ Tho (Tiền Giang) có loại bí đặc sắc được chọn làm mứt. Bí to, chắc, ít ruột. Món mứt của Mỹ Tho nổi tiếng bởi sự cầu kỳ chọn nguyên liệu, từng công đoạn chế biến. Ăn mứt bí sẽ cảm nhận sự ngọt thanh, thơm, bùi. Ngoài ra còn có món lạp xường Cần Thơ, Sóc Trăng nổi tiếng cả miền Nam và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan…
Trên bến dưới thuyền, tiếng nói cười, tiếng máy nổ vang dội cả dòng sông. Người ta chuyển hàng về giao cho kịp Tết. Ngày 23 Tết tiễn Táo Quân về trời, các cụ đã nhắc nhở con cháu chọn đốn cây tre tốt, cao để dựng nêu. Cây nêu cao độ 4 mét, được trảy bỏ nhánh, chừa đọt có lá, chờ đến ngày 30 mới dựng nêu và đến mùng 7 thì hạ nêu.
Sau ngày 23, nông thôn rộn ràng hẳn lên, người ta tranh thủ tát mương, chắt đìa, dỡ chà để bắt cá linh, lươn, ếch… đặc biệt là cá lóc, lươn được thả trong lu đất để làm thức ăn dự trữ trong ba ngày Tết. Nhà cửa được quét vôi, trang hoàng lại từ ngày 25 Tết. Con cháu cũng lo tu sửa, sơn quét vôi lại phần mộ của tổ tiên.
Món chủ lực của vùng nông thôn Nam Bộ là bánh tét.Người Nam Bộ thường dùng lá dứa băm nhuyễn, vắt lấy nước trộn vào nếp để bánh có màu xanh. Mỗi lần gói bánh chí ít cũng 3 – 4 chục đòn, tùy khả năng của mỗi gia đình. Hai đòn cột thành một cặp dụng ý cho đủ đôi, đủ cặp là niềm hạnh phúc để làm quà biếu.
Đêm 29 không khí lành lạnh, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp canh chừng nồi bánh tét, vừa uống nước trà, vừa trò chuyện râm ran cả đêm. Người Nam Bộ ăn bánh tét với thịt kho tàu. Nồi thịt có đến hơn chục quả trứng vịt, ăn kèm với dưa giá, dưa cải. Ngày Tết người dân đồng bằng Nam Bộ thường có món cá lóc hấp hay nướng trụi, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn. Lớp thanh niên lo chuẩn bị loại rượu hảo hạng, thường là rượu gạo ngon để nhâm nhi với các đặc sản miệt vườn.Các cụ xưa thường thích tự mình viết câu đối hoặc ra chợ nhờ các cụ đồ viết hộ câu đối mực Tàu lên tờ giấy đỏ. Chiều 30, mọi nhà chuẩn bị mâm cỗ để cúng rước ông bà về chung vui với con cháu trong 3 ngày Tết.
Tối 30, bầu trời miền sông nước đen như mực, trên các kênh rạch vài chiếc ca nô nổ máy chạy vội về nhà để kịp đón giao thừa. Trong gia đình, người lớn bên tách trà thơm, chờ giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, ánh đèn lung linh huyền ảo. Mâm ngũ quả bóng láng, đủ các sản vật của miệt vườn ít có nơi nào bì kịp. Nào Xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn… màu sắc rất hài hòa. Trên bàn thờ được điểm thêm hai trái dưa hấu lớn đặt bên bộ đèn. Chậu mai vàng đặt trước bàn thờ đã bắt đầu nở nụ xinh tươi. Trong đêm trừ tịch trôi đi lặng lẽ của một miền sông nước êm ả, người chủ gia đình thành kính cúng giao thừa, ông bước ra vườn để đón gió xuân xào xạc, thoảng trong không gian mùi hương trầm. Có lẽ mọi người đang cầu khấn một năm mới có nhiều may mắn và hạnh phúc.
Từ giao thừa trở đi, người ta kiêng cữ nhiều việc: Không cãi vã lớn tiếng, không động đất, không quét nhà, xách nước. Đồng bằng Nam Bộ theo phong tục “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy’’. Cứ thế gia đình nào cũng đưa con cháu về quê nội, rồi quê ngoại, sau đó mới đi thăm thầy cô giáo. Trên các kênh rạch, những chiếc xuồng tam bản chuyên chở khách thăm viếng thật đông vui, nhộn nhịp.
Những năm gần đây, đồng bào đồng bằng Nam Bộ thường tổ chức du xuân miệt vườn trên sông bằng thuyền. Cả gia đình đi một thuyền hoặc hai ba gia đình thuê chung. Nằm giữa vùng nước mênh mông là những vùng đất trù phú của Thới Sơn, Tân Long, Tân Quy… được mệnh danh là vương quốc của trái cây. Nếu đổi thuyền nhỏ thì về rạch Miễu (Bến Tre), đây là vùng đất lịch sử. Bến Tre không chỉ nổi tiếng về cây lúa truyền thống mà còn là nơi sinh sản những giống cây mới như: sầu riêng Mon Thoong (Thái Lan), ổi Mã Lai, sa-pô-chê Mêhicô, đặc biệt là bưởi da xanh, ruột đỏ hồng rất đẹp, vị ngọt thanh không bị the. Ngày Tết đi chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) là vui nhất. Chợ nổi nằm ở giao điểm năm con sông đi Cà Mau, Vĩnh Quốc, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Chợ có từ lâu đời, nhộn nhịp nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có đến hàng trăm chiếc ghe lớn đậu san sát nhau. Hàng hóa không thiếu thứ gì, chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm tươi sống. Trên bờ thì mua bán hàng tiêu dùng cao cấp. Ngày Tết đi chợ nổi mới thấy cái đông vui, độc đáo của một miền sông nước.  
u tầm
                                          
         Lạc Mất Mùa Xuân        
 Lạc mất mùa Xuân
  Vô tình đánh mất một mùa Xuân
   Xuân của thanh tân tuổi trẻ buồn...!
 Tuổi thơ tôi có mùa Xuân đẹp,
Có mẹ cùng cha lẫn cố nhân !! 
 NM
Lạc Tết
Xa nhà mấy chục năm trở về không còn gặp lại cha. Đó là nỗi buồn lớn của đời tôi. Cha tôi mất năm Nhâm Dần, tính đến nay đã gần năm mươi năm. Nhưng đối với tôi, Người như hóa thành một bầu không khí thân thiết vừa đủ bao bọc lấy tôi. Ngày đêm tôi vẫn hít thở nó. Để nhớ cha.
Ngồi vào bàn ăn thấy chén mắm cái với trái ớt xanh, nhớ. Về thăm quê thấy bộ bàn ghế tay cha đóng, nhớ. Những rằm, mùng một thắp nén hương lên bàn thờ, nhìn gương mặt cha trong khung ảnh, nhớ…
Nhớ nhất là vào lúc năm cùng tháng tận. Quãng cuối tháng mười một đầu tháng chạp, khi mùa mưa lụt đã qua, lớp bùn non hai bên đường vừa rạn chân chim, trời bắt đầu hửng nắng. Một thứ nắng mật ong thật lạ: yếu ớt mà ngọt ngào, mà ấm áp, như một cái gì còn rớt lại, lại như một cái gì đang chớm hừng lên.
- Hừ, mới đó mà đã…
Như nói một mình vậy thôi nhưng đó là lúc cha tôi đã bắt đầu nghĩ đến cái Tết đang tới gần, nghĩ đến những cái thú chơi mà cứ thiếu chúng là cha tôi coi như không có Tết. Mà cái thú chơi Tết của cha tôi ngày ấy không biết có giống ai? Tết năm nào cũng chừng đó thứ, đã thành công thức: một con gà giò, một phong pháo, một nhành mai.
Vậy mà không hề thấy cha tôi chán. Mà luôn luôn chỉn chu, mà đam mê. Như một thầy lang. Như một nghệ sĩ.
Gà giò là thứ phải tính tới sớm nhất, trước ngày đưa Ông Táo về trời. Từ đầu tháng chạp mẹ tôi đã hỏi ướm:
- Đã mua gà chưa ông nhỉ?
- Không lo mua bây giờ thì đến chiều Ba mươi mới mua à? Mà phải nhớ mua ba con để còn có cái mà chọn. Đừng quơ mấy đứa mới múm đuôi tơm, mà cũng đừng rước mấy thằng tồng ngồng quá, còn phải nuôi om hàng tháng nữa đấy.
- Thì hỏi vậy chứ thuộc hết rồi.
Mẹ tôi vừa cắp rổ ra cổng vừa nói lại cố ý nhấn ba tiếng “thuộc hết rồi” như để cha tôi yên tâm.
Gà chưa mua về, chuồng đã đóng sẵn, ba ngăn hẳn hoi, chứ nhốt chung các chú chàng hoang nghịch đánh đá nhau trầy trụa, giò cẳng còn ra gì.
Hằng ngày, dọn chuồng sạch sẽ, để gà giẫm phải cứt gà, giò Mất tinh khiết. Ăn thì cơm nguội với bắp tẻ, cho mềm thịt, vàng da, đẹp giò. Đến chiều ba mươi, chọn con đẹp nhất cúng hành khiến. Cha tôi cứ luồn tay xuống ức gà nhấc lên nhấc xuống, hết con này đến con khác, chọn thật kỹ. Con nào cặp giò đẹp nhất mới được lên bàn thờ vào giờ giao thừa. Gà luộc xong, giò phải sáng lên vàng rực, giống nét chữ thếp vàng trên mặt liễn gỗ. Khi lên mâm, gà nằm gọn trong chiếc đĩa kiểu, cổ tréo vào cánh, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm một bông phượng, trông thật kiêu hùng.
Lên hương đèn xong, cha tôi áo thụng khăn đóng, đứng cúng. Còn phận sự của tôi là đánh chuông: cứ ba tiếng một, không nhanh không chậm, phải gõ êm dùi chứ không nện mạnh, đầu năm đầu tháng chuông nghe như đĩa bể là kỵ. Tuần hương vừa tàn, cha tôi đưa tay ra hiệu cho tôi hồi chuông. Khi những tiếng chuông đầu năm ngân nga một hồi dài là lúc cha tôi chậm rãi đưa tay trái ra vén ống tay áo rộng, ngón cái và ngón trỏ của tay phải thận trọng với lên nhón đôi giò gà ra khỏi mâm cúng. Rồi trịnh trọng đưa đôi giò gà hướng ra sân vái thổ thần thiên địa ba vái, lại quay vào hướng lên bàn thờ vái tổ tiên ba vái. Xong đó mới đưa lên ngắm nghía. Đôi giò gà thật đích, các ngón chân cong chúm lại như bàn tay vũ nữ. Cha tôi khẽ hắng giọng, vén tay áo rộng, đưa giò lên, lật qua lật lại, coi xét thật kỹ như thể thầy thuốc đang coi mạch, gật gật đầu. Mẹ tôi rón rén đến sau lưng, hỏi nhỏ: “Tốt quẻ không ông?”. Cha tôi vẫn chăm chú săm soi đôi giò gà, đầu không quay lại, miệng nói vui:

- Chứ bà không nghe đôi giò hắn mới nói đó à? - Rồi cụ giả tiếng gà lấy giọng cổ - “Heo bà mau lớn, hàng ông bán chạy”.
Hai ông bà cùng cười, chúng tôi cũng reo cười theo.
Coi giò xong, cha tôi buộc đôi giò gà vào sợi chỉ đay đã chuẩn bị sẵn, bảo mẹ tôi treo lên giàn bếp. Để làm thuốc. Trẻ con đứa nào chậm biết đi lấy xuống, rửa sạch hầm kỹ lấy Nước cho uống. Chẳng biết trúng trật đến đâu mà mới ra Giêng đã có chị, có bà đến xin về làm thuốc cho trẻ.
Sau đó, tới mục được chờ đợi nhất của bọn con nít chúng tôi: đốt pháo. Phong pháo đã buộc đầu cây sào, câu sẵn ra giữa sân. Không thấy sợi chỉ treo, chỉ thấy dây pháo hồng cánh sen đung đưa lơ lửng giữa không trung giống con rết thần trong truyện cổ tích đang cố bò lên trời, mãi vẫn không lên được. Trong khi cha tôi tay phải cầm cây đèn bạch lạp, bàn tay trái khum lại che gió, bước ra sân, bọn tôi đã vội nhảy vào nách cửa lấy đầu ngón tay trỏ nút chặt vào tai. Pháo nổ giòn giã, lửa xẹt nhoáng nhoàng, xác hồng như cánh hoa giấy tung tóe, rơi lả tả đầy sân, khói pháo xanh loãng tạt vào nhà thơm ngan ngát. Đây là giờ phút vui nhất của bọn tôi: dứt tiếng pháo một cái là nhảy ra tranh nhau lượm những trái pháo nín đứt ngòi nửa chừng, rơi nguyên xuống đất. Lom khom mò Tìm mãi chỉ được vài mẩu pháo lép. Mẹ tôi bảo:
- Ba tụi bay mà mua pháo thì đố bay nhặt được trái nào.
Mẹ tôi thì quá hiểu cái sự sắm pháo Tết của cha tôi, thiệt kỹ không ai bì. Không cần sớm như mua gà giò vì pháo Bắc chỉ sau hai mươi mới có. Cha tôi bảo:“Pháo ngoài đó nổ giòn, xác đẹp, khói thơm, không biết họ luyện thuốc cách gì mà tài thế”. Nên cúng Ông Táo xong, cha tôi mới dạo phố, để tìm pháo. Xem thử đã, chưa mua. Đôi lần ba lượt kén chọn mới chịu móc tiền túi ra. Không mua được anh pháo Bắc thì ít ra cũng phải kiếm cho được thằng Nam Ô. Mà cha tôi cũng chỉ chọn loại pháo thường, phong hai lớp chỉ vài gang tay. Không phải pháo thước, pháo cối. Đó là thứ của những nhà sẵn tiền. Nhà mình đầu năm chỉ đốt pháo cốt xua tà khí, cho thơm nhà. Tiền đâu mà đem nổ thành khói. Mua được pháo rồi đem về phơi. Hằng ngày đi ra đi vào dời pháo theo nắng không biết bao nhiêu lần. Gặp ngày trời râm thì gác bếp, không quên dặn mẹ tôi “đừng để hỗn lửa, hắn mà rẹt một cái là Ông Táo giật mình đó hỉ”. Có năm trời mưa lây nhây cho đến ba mươi, cha tôi bắt mẹ tôi quạt nồi than, tự tay cụ ngồi hong, tay quạt than, tay trở pháo. Mẹ tôi chọc: “Y cái bà nướng bánh tráng dưới chợ, chẳng khác tí nào”.
Cho nên pháo nhà tôi Tết năm nào cũng giòn, thời tiết nào cũng nổ như rang bắp. “Năm mới năm mung mà phong pháo cứ cà xịt cà đùng thì cả năm chỉ có ăn dăm bào”. Cha tôi thường bảo thế.
Nhưng công phu nuôi gà, sắm pháo chẳng ăn thua gì so với sự chăm chút cho cành mai. Hoa mai ngày đó chưa thành cái đem bán, chỉ cho nhau để lấy thơm lấy thảo. Cũng là chỗ bà con thân quen cả. Đầu chạp, cha tôi đã dạo một lượt qua các nhà vườn có mai. Rồi chọn mấy cành có thế nhánh coi được, làm dấu để đó. Đến áp Tết, mới dứt bụng chọn cành nào. Rồi trước Tết vài bữa, mới xách cái cưa rà - loại cưa lưỡi mỏng, răng nhỏ và sắc, thợ mộc dùng để rà mộng - đến rà nhẹ vào gốc nhánh mai. Mai đem về, đốt dăm bào lên thui qua đầu gốc cắm vào chiếc độc bình, ngày hứng nắng đêm dang sương. Đến chiều ba mươi, săm soi từng chùm bông xem được bao nhiêu nụ lúp búp sẽ bung cánh đúng vào giữa đêm, thấy còn thưa thì thay nước ấm vào bình để thúc.
Đến khi pháo nổ, dường như những nụ hoa đã cố ngậm nín từ cuối năm trước, bỗng giật mình xòe cánh trước bàn thờ. Một làn hương nhẹ nhàng tỏa ra, quyện với trầm hương, phảng phất một mùi thơm đặc biệt mà con người chỉ được hưởng mỗi năm một lần vào giờ phút thiêng liêng trước thềm năm mới-giờ phút ai đã từng sống qua dù chỉ một lần, suốt đời cứ nhớ.
Thế là Tết đã vào nhà.
Cả nhà quây quần quanh mâm cỗ giao thừa. Cha tôi với tay đỡ chiếc đĩa nhỏ trên bàn thờ xuống, trong đĩa có những đồng xu đồng mới keng, bọc giấy hồng điều. Theo lệ, anh em tôi đến trước mặt cha, môi mím chặt lại giữ cho sự vui sướng khỏi bật reo thành tiếng, nghiêm trang ngửa hai bàn tay nâng lên nhận lộc đầu năm.
- Năm mới phải học giỏi, không hoang nghịch nghe!
Cha tôi vừa trao lộc vừa xoa đầu từng đứa. Sau đó, mỗi đứa được cha tôi mừng tuổi thêm một lát bánh tét cắm vào đầu đũa. Xúng xính trong bộ quần áo mới, chúng tôi vui thích giơ cao chiếc đũa bánh tét giống cái lung tung với con gà kéo mẹ vừa mua ở chợ phố chiều cuối năm, nhong nhong khắp nhà…
Thế. Chỉ đôi chút vui bé bỏng như vậy, mà sao nó cứ theo tôi qua sáu, bảy mươi cái Tết, vui mãi cho đến bây giờ.
Giờ đây cha mẹ tôi không còn nữa. Chúng tôi cũng đã thành ông ngoại bà ngoại. Mỗi năm Tết đến, chúng tôi lại cố tạo cho mình và cho con cháu một cái Tết vui.
Nhưng thật lạ, Tết nay, nhà không còn chật, thịt thà bánh trái không còn thiếu, pháo không còn được đốt nhưng chơi Tết thì cũng lắm trò, mà sao chúng tôi không thể nào tìm được cái Tết vui ngày mình còn bé, một cái Tết hồn nhiên, thơm phức như chúng tôi từng được ông bà, cha mẹ ban cho ngày trước.
Sao thế nhỉ?
Hay là bởi, trước cái Tết ngày càng đủ đầy, sôi động của thời này, bọn già chúng tôi đã bị... lạc Tết rồi chăng?
Có lẽ, thế thật. 
Phạm Phát
 

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Con đò Vô Tích

    Chuyện tình Vô Tích
  Vô Tích một chiều trên bến sông,
  Tiếng hò êm dịu nhẹ mênh mông....
Ru hồn ai đó tìm người cũ,
 Âm ba da diết sắt se lòng !! 

 Con đò trôi mãi, em tìm mãi,
 Người cũ xa vời, anh ở đây....!
  Gần nhau cứ ngỡ là trong mộng,
    Duyên tình hờ hững ai đắp xây ?!
****
 Vô Tích chiều nay khúc hoan ca, 
Tình duyên xưa cũ hết chia xa..!
 Bên sông tấp nập thuyền hoa đến
            Ta lại gần nhau, bóng chiều tà !!            
NM    
 
              Con đò Vô Tích
Vẫn là chuyện tình thông thường, nhưng tác gỉa muốn ra chiều đổi mới. Người trai bị tình phụ, khó lòng tha thứ. Cô gái để cả đời xin chuộc lỗi, vẫn không được tha thứ. Dở dang cả đôi. Người viết muốn tránh cái thường tình trong yêu đương nên đã ném cặp trai gái này vào cuộc chạy đuổi đầy ảo mộng, hoang tưởng đến… vô tăm tích. Trên con đò ảo vọng, người trai chèo đò và cô gái đi đò như mộng du trong tiếng sáo liêu trai. Cuộc qua lại bến sông bảng lảng mộng mị. Thử bóc đi vỏ ngoài huyền hoặc của câu chuyện, thì chỉ thấy một cuộc rượt đuổi ảo ảnh trong tình yêu, như đuổi hình bắt bóng. Kết thúc truyện, cặp cô dâu chú rể hình nộm trên con thuyền chở đầy hoa cưới đã cập bến sông. Còn đôi tình nhân trong đời thực lại chẳng gặp được nhau, không thành vợ chồng. Thì ra, sau câu chuyện sương khói mờ nhân ảnh ấy, là nhắc nhở nghiệt ngã: Tình yêu khi lạc nhịp đã phải trả giá thật đắt! 
Nguyễn Thị Minh Thái.
Đò sang bên đó, đò đã sang bên đó thật rồi. Chị đứng nhìn ngẩn ngơ. Mái chèo đã trả lại nước mặt sông thẳng băng trong chiều vàng nhạt nắng. Chị đứng bên này tóc xõa, chị đứng bên này gác nỗi nhớ lên mặt sông. Con đò ấy đậu tựa cây trâm bầu.
Nó nằm lả lướt cùng câu hát cất lên buốt cả dòng sông. Ai bên đó mà chị đứng nhìn? Con đò ai đó mà chị đứng nhìn? Chị lặng im, con sóng dợn lên trong mắt. Nhưng mắt chết trên sông, cả ánh nắng từ trên trời cao rơi tỏm xuống đáy sông và nằm im ở đó.
Không có con đò nào cả, chỉ chị thấy đò. Không có câu hát nào cả, chỉ chị nghe thấy tiếng hát. Không có con nắng nào cả, suốt mùa mưa chị đứng ướt đẫm bên cây dừa ở bến sông. Người con gái ướt trong mưa khiến giọt mưa càng rơi xối xả. Hình chị đứng đó chôn cả vũng mắt người khi đi ngang qua đây. Không ai biết chị sinh ra từ đâu, không ai biết chị đến từ đâu mà sắc chị đẹp như những giọt mưa khi gặp ánh sáng cầu vồng.
Không ai dám nhìn sâu vào trong mắt chị. Nhưng Tuần ngu ngơ, Tuần đưa ánh nhìn vào đáy mắt người con gái vừa tròn tuổi trăng đó. Và Tuần hát nghêu ngao bên bờ sông lóng lánh cát vàng. Đêm về Tuần trèo lên con đò Vô Tích ở cây trâm bầu.
Mắt Tuần nhìn trời, nhìn sang phía cây dừa ở bến sông rồi thẫn thờ nhắm lại. Con sông này nó chứng kiến nhiều thân phận không đầu không cuối. Đầu tiên là chị, giờ đến Tuần. Cũng không ai biết Tuần đến từ đâu. Tuần không đẹp trai nhưng có trái tim nhân hậu. Tuần hay phơi nắng trên bãi cát vàng và ngồi trú mưa dưới cây trâm bầu suốt mùa đông giá rét. Khúc sông nơi con đò đậu ít người qua lại.
Ở bến sông này nước lớn, rêu thả xanh trôi lờ đờ từng lọn tóc ma dài và con nước có đoạn xoáy tròn trùng trục đến cực âm. Ngày trước có người chết ở đó, người con trai tên là Vô Tích. Vô Tích đem lòng yêu cô gái trên bờ nhưng chàng bị người tình từ chối.
Vô Tích chết trên sông trong một chiều mưa còn cô gái sau đó lang thang trên sông tìm lại người thương cũ. Nhưng chỉ thấy bến sông với con đò Vô Tích nằm trong quạnh quẽ. Chuyện tình buồn là thế nên trai gái đến tuổi yêu đương chẳng ai dám ra bến sông này.
- Có ai đưa đò không? Chị gọi, tiếng lanh lảnh trùm lên phía bên kia sông. Con đò trườn ngang qua như đáp lại tiếng người. Chị về bên cây trâm bầu nằm lại nghe sông hát suốt đêm. Sông hát rằng:
Gió ơi!
 Gió đi về đâu để con thuyền thả trôi trong quạnh vắng?
 Người tôi yêu ơi!
 Người yêu về đâu để bến vô tích mang tên một kiếp lụy tình đò cứ vắt ngang sông?
 Lạc mất giữa nhân gian xanh một mối tình…
 Gió ơi !
 Người tôi yêu ơi!
Cứ suốt đêm, dập dìu những câu hát. Gần có, xa thăm thẳm buồn có. Và dường như chị khóc. Những đám rong rêu trườn lên theo nhịp sóng cuốn lấy một phần của tay chèo. Chị vịn vào chỗ đó, như giữ cho chiếc thuyền khỏi trôi. Nhưng con đò chưa bao giờ bị cuốn trôi, như mối tình của người con trai ấy, nó vĩnh viễn nằm lại với sông.
“Cô làm gì suốt đêm qua trên đò tôi?” - Tuần hỏi, chị vẫn ngồi lặng im nhìn xuống con sông trong vắt có đàn cá canh tung tăng bơi lội. “Ai mang cô sang đây?”, Tuần lại hỏi và chị nhìn về phía anh, đôi mắt vẫn thế. Đôi mắt chị đượm buồn như câu hát trên sông. Và trong khắc ấy Tuần thôi không còn nhìn vào tròng mắt.
“Đò mang tôi sang, Vô Tích đã mang tôi sang”, chị đáp. Tuần thả mái chèo đưa chị trở lại bến sông. Lúc đò cập bến, chị nhìn trở lại phía Tuần nhưng không thấy Tuần ở đó nữa. Con đò nằm lại với chị ba hôm. Đêm trăng sáng con đò lại trôi về bên đó.
Chị đứng nhìn ngẩn ngơ người con trai tay lái đò, tay kia đưa sáo lên môi thả lên mặt sông tiếng sáo buồn thê thiết. Chị nhớ quá! Tiếng sáo này nghe quen, con đò này thấy quen, chàng trai này thấy quen qua từng hơi thở.
Có một đêm, trong nước đục lờ nhờ và tiếng khua nước đánh cá trên sông, chị nhìn thấy người mũ cao áo dài đứng trên con đò thả khúc hát buồn thê thiết. Vô Tích, có phải là Vô Tích đấy không? Đêm sương giăng, khúc gió thổi ngang đưa câu hát về càng làm cho chị xác định lại cảm xúc của mình là đúng.
Chị lội xuống sông trong cái rét căm người, chị bơi sang tận phía con đò, mải miết cánh tay theo con đò và tiếng sáo đến cây trâm bầu có trái lủng lẳng xanh tươi. Chị ngất lịm đi trong giá buốt và tiếng sáo buồn miên man vẫn trôi trên sông cùng với đêm thao thức. “Để tôi đắp đồ cho cô” - có tiếng nói của một người đàn ông trầm ấm. Anh ta gác sáo lên đò rồi cởi áo của mình vận vào cho chị.
Vô Tích! Bất giác chị gọi và choàng tỉnh dậy trong con nắng ban mai chan xuống cả mặt sông. Không có người nào trên đò cả, không có Vô Tích, không có Tuần. Chị ngồi ngẩn ngơ nhìn mặt nước xanh trong lấp lánh nắng. Chị nhìn tấm áo choàng lên cơ thể mình, đó là chiếc áo dài chị thấy người đàn ông mặc trong đêm.
Môi chị chắp nhẹ và nước mắt rơi bên bến đò. “Có phải chàng đã về không?”, chị thầm hỏi, trong khắc ấy, Tuần đứng nhìn chị và tiếng anh xua tan đi sự lặng lẽ buổi sớm mai trên sông.
“Hôm qua cô ngủ trên đò của tôi” - anh nói, vẻ mặt chẳng có chút cảm xúc nào cho thấy sự có mặt của một cô gái đẹp như chị ở lại đò anh trong đêm. Chị ngồi rúm ró soát xét lại tấm áo của mình, chị mân mê từng hạt cúc. Nó vẫn nằm ở đấy, không có dấu hiệu nào của sự lỡ làng... “Nhưng tôi không phải là người đưa đồ cho cô đâu” - Tuần tiếp - đó là người đàn ông khác, anh ta đã trở lại phía sông rồi.
Và chị đưa mắt nhìn theo ngón tay trỏ của Tuần. Sông trôi xa, chị biết. Để tìm một con người trên sông trong đêm không phải là chuyện dễ. Mà người đó lại lảng tránh mình thì bội phần khó khăn. “Bằng mấy thời gian tôi cũng phải đi tìm cho bằng được Vô Tích” - chị nói với Tuần.
Tuần đứng lặng im nhìn xuống bờ sông, anh đưa tay vuốt đi lớp sương bám vào chân mày và trên hàng mi. “Để làm gì?” - Tuần hỏi chị - cô tìm Vô Tích để làm gì? Để chuộc lỗi - chị đáp - tôi đã từng phụ lòng Vô Tích.
Trăm năm duyên lỡ
 Bến sông bồi
 Người đi đi mãi
 Con đò trôi…
- Sao anh biết mấy câu thơ này? 
- Tôi nghe người ta đọc…
- Ở đâu?
- Trên sông.
- Đó là những câu thơ của Vô Tích…
- …
Anh lặng im một lúc rồi quay về phía chị. “Chuyện đó trăm năm rồi, Vô Tích đã chết trên bến sông ai ai cũng biết” - anh nói, giọng rất nhỏ lặng lẽ đến lạnh lùng. Bến đò đã mang tên Vô Tích, câu chuyện Vô Tích bị phụ tình vẫn còn trong nhân gian, cô là người của hôm nay tìm gặp người ngày xưa để chuộc lỗi”... “Không, Vô Tích vẫn còn, Vô Tích vẫn trên bến sông” - chị đáp lại Tuần.
“Tôi nghe tiếng sáo, tôi thấy con đò, tôi đã mặc trên mình chiếc áo của Vô Tích”. “Con đò là của tôi - Tuần nói - tiếng sáo là của tôi, chiếc áo cô vận trên mình là của một người đàn ông trạc 70 tuổi”. “Ông ta đâu?”, chị hỏi. Tuần đáp trong mệt mỏi: “Ông ta nói là bố của cô, ông ta về rồi, ông ta nhờ tôi coi sóc cô, ba ngày nữa có người đưa thuyền rồng đến đón cô về”.
Chị đặt chân ra khỏi thuyền và chạy nhanh trên những đồi cát. Chị chạy trốn cái giới hạn ba ngày. Chị không thể trở về nhà, chị phải ở đây. Thể nào rồi chị cũng tìm được Vô Tích, thể nào rồi Vô Tích cũng đến trong sự đợi chờ đầy thần ý của chị. Tuần không cản chị, anh bước lên bờ và thả mình xuống cát. Anh cứ nằm ở đấy, để cho nắng hun lên da mỗi ngày càng rám cháy.
Chuyện đã xa rồi mà - anh nói với lòng mình - Vô Tích ơi là Vô Tích, can cớ làm chi chút tình duyên. Dường như Tuần đang khóc, có gì đó rấm rứt, rất nhỏ. Mắt Tuần nhòe nước và anh thả ra không gian hơi thở dài.
“Vô Tích”, tiếng gọi của người đàn ông trạc 70 tuổi. Ông đứng phía sau anh, trên đỉnh đầu. Bóng ông thả xuống phủ bóng râm lên mình người con trai nằm trên cát. “Con tha thứ cho nó đi” - giọng ông cầu khẩn.
- Tôi không phải là Vô Tích thưa ông - Tuần đáp - tôi chỉ là người lái đò trên bến Vô Tích.
- Thế anh từ đâu đến và rồi anh ra đi từ đâu, anh sẽ ra đi như thế nào? Tha thứ cho nó đi, một lần thôi để bến đò Vô Tích không còn lạnh...
Lão già đã đi thật xa, lão không chờ mong câu trả lời từ Tuần hay bất cứ người nào đấy ở bến sông này. Ba ngày sau không thấy ai trở lại đón chị, và Tuần lang thang đi trên những bãi cát vàng trong những câu hát buồn nối đuôi nhau bất tận. Tuần đi tìm chị. Trông mắt anh mỏi mòn nhìn từ phía hàng dương xanh ra những con nước xa xa, rồi tầm mắt anh treo về cuối con sông.
Sáng Tuần đi, tối anh trở lại bến đò ngồi thổi sáo. Tiếng sáo cất lên buồn cả mặt sông, tiếng sáo rét cả không gian và ngọn gió không dám về đối diện. Qua mấy tuần trăng nhưng chị không trở lại. Qua mấy dịp hoa xoan rụng tím cả mặt sông nhưng chị vẫn không trở lại. Tiếng sáo Tuần vẫn réo rắt và người Tuần gầy đi trông thấy. Anh vẫn ở lại đò, dường như cuộc sống của anh đã khác xưa ở sự chờ đợi một bóng người.
Mùa xuân nữa lại về, hoa xoan bắt đầu lú nhú nở màu tím nhạt. Khắp con sông phủ đầy bông hoa xoan tím. Hương hoa xoan thơm ngát cả mặt sông. Tuần ngồi phía cây trâm bầu, phía bên kia sông có đám cưới ai to lắm! Chiếc đò này nối đuôi chiếc đò kia, và người, và hoa phủ kín cả chục con đò.
Nhưng lục tìm mãi vẫn không nhìn thấy chú rể và cô dâu. Những con đò nối đuôi nhau chạy về bến sông. Đò cập bến, già trẻ gái trai khẩn khoản làm những công việc của mình. Họ bê mâm cỗ xuống bến, hoa được đặt phủ trên bờ. Mọi thứ được bày biện xong và hai hình nhân được họ bê xuống. Một hình nhân mặc áo chú rể trông giống Vô Tích, cô dâu xinh tươi lạ kỳ và khuôn mặt trông giống chị đến lạ.
Họ làm đám cưới cho chuyện tình của Vô Tích. Sẽ không còn bất cứ chuyện tình buồn nào ở bến sông. Và Tuần đứng nhìn ngẩn ngơ thấy hình nhân nam giống mình còn hình cô dâu giống chị. Phía đằng sau Tuần, chị rấm rứt khóc và bíu chặt tay anh.
Những người đến tế lễ nắm chặt tay nhau vượt qua tiếng khóc giữa không gian lạnh đến lạ lùng. Họ không nhìn thấy Tuần và chị, họ không nhìn thấy con đò đậu ở bến Vô Tích. Cũng phải thôi, họ không thuộc về thế giới ấy.
Hoàng hải Lâm    
Kết quả hình ảnh cho cõi nhớ
Kết quả hình ảnh cho cõi nhớ
Về lại bến sông quê
Cầm chắc vô lăng, tôi cho xe tăng tốc xuôi con đèo Ngoạn Mục. Gió chiều mát rượi thổi qua sườn dốc, lay động nhẹ nhàng từng cành cây kẽ lá. Những tia nắng vàng yếu ớt còn sót lại uốn éo vắt qua lưng đèo. Đường đèo tĩnh lặng, chỉ có dòng ô tô hối hả ngược xuôi... Cảnh vật thật lãng mạn, yên bình, nhưng lòng tôi đang dậy sóng. Tôi chú ý tập trung lái xe, chủ yếu sao cho xe chạy nhanh mà vẫn giữ được an toàn. Tôi tự nhủ với mình: An tâm, sẽ tìm thấy cô ấy, nhất định cô ấy sẽ không sao, cô ấy sẽ không rời xa mình... Cô ấy là người hiểu chuyện, có lẽ có việc gì quan trọng ở quê, cô ấy trở lại bến sông quê, nhất định... Trong đầu tôi nảy ra hàng loạt ý nghĩ nhưng tôi cố gạt đi để tập trung lái xe, đầu óc tôi căng thẳng... Máy điều hòa trong ô tô phả ra mát rượi, nhưng tôi cảm thấy thật bức bối, khó chịu. Cà vạt chặt cổ tôi, tôi đưa tay kéo lỏng ra, chuệch choạc, tôi không còn chú ý tới hình thức của mình. Tôi cầu mong không có chuyện gì xảy  ra với cô ấy và sớm tìm gặp lại. 



Tôi tự trách mình là một người vô trách nhiệm, trên danh nghĩa tôi là người yêu của cô ấy mà tôi không biết gì về cô ấy. Tôi không biết cô ấy buồn vui như thế nào trong cuộc sống. Cô ấy thích ăn gì uống gì, sở thích ra sao? Cô ấy có khó khăn gì, uẩn khúc gì, có đau ốm gì không?... Sống bên nhau dưới một mái nhà gần hai năm qua, nhưng phòng ai nấy ở. Tôi hầu như không quan tâm gì về cô ấy. Ngược lại, cô ấy quan tâm tôi, chăm sóc tôi, lặng lẽ dõi theo cuộc sống của tôi. Không những tốt với tôi, mà cô còn đối xử tốt với bạn bè và mọi người xung quanh mình. Ở công ty của tôi ai cũng yêu quý cô. Còn tôi thì ngược lại, tôi đối xử với cô ấy như với người giúp việc, không hơn không kém. Và trong lòng tôi gần đây có suy nghĩ khác. Tôi nhận ra mình là người cố chấp, gia trưởng, độc đoán luôn cho mình đúng. Trong công việc kinh doanh, quyết định của tôi hầu hết mang lại hiệu quả cao, nhưng trong tình cảm tôi không sáng suốt, tôi đã vô tình "bước lơ đãng", để vuột mất "một tâm hồn tôi đợi đã từ lâu". Bằng hai bàn tay trắng, tôi đã tự mình gầy dựng được sự nghiệp. Không! Tôi không thể để mất khỏi tầm tay một nửa quan trọng của đời mình...
Một buổi chiều đẹp trời nhiều hoa nắng, tôi đang tập trung kiểm tra đống sổ sách của các phòng chuyển lên sau khi đã đóng thùng một lô hàng mới chuẩn bị xuất kho. Anh bảo vệ vào báo cáo:
- Thưa anh! Có khách xin gặp anh.
- Mời vào. - Tôi đáp lạnh lùng.
Một cô gái xinh đẹp nhưng ăn mặc chân quê ngại ngùng bước vào phòng. Cô lúng túng cất lời chào. Tôi mời cô gái ngồi ở ghế sô pha. 
- Cô gặp tôi có việc gì? - Tôi hỏi. 
- Em nộp hồ sơ xin việc làm. - Cô gái trả lời và e ngại đưa bộ hồ sơ cho tôi.
Tôi xem nhanh qua lý lịch và các văn bằng chứng chỉ. Cô bé tốt nghiệp đại học khoa kế toán tài chính loại ưu. Gấp lại các giấy tờ, tôi nói chậm rãi như thách thức: 
- Công việc khá vất vả, cô làm được không?
- Lao động để kiếm sống em không ngại... Rất mong được giám đốc nhận em vào làm việc. Em cám ơn!
- Khoan đã. Cô chưa biết tôi nhận cô vào công ty làm công việc gì mà đã vội cảm ơn à? - Tôi vừa hỏi vừa quan sát sự ngạc nhiên biểu hiện trên khuôn mặt thánh thiện của cô gái.
-  Nếu em được vào làm việc, anh phân công em về bộ phận nào của công ty em cũng sẽ cố gắng, em đã chuẩn bị tinh thần rồi.
- Cô… có thể làm người yêu của tôi không, tất nhiên là trên danh nghĩa thôi! Tôi sẽ không mạo phạm đến cô đâu. Tôi sẽ trả lương cho cô và phân bổ cô vào một khu dây chuyền sản xuất với cương vị “trưởng chuyền”... Cô sẽ có hai khoản lương, ý cô thế nào? Cô không cần trả lời tôi vội, cô có thể suy nghĩ hoặc từ chối...
Tôi đứng lên định đi ra khỏi phòng khách, giọng cô gái nói với theo:
- Anh ơi, em… đồng ý.
- Được! Hôm nay là thứ năm, đầu tuần tới cô đến chúng ta làm hợp đồng...
Cô gái ngập ngừng bước ra khỏi văn phòng. Tôi không quan tâm đến tâm trạng của cô ấy. Tôi đã chọn cho mình con cừu non xinh đẹp, cô ta sẽ là món quà tự tôi tặng cho mình để che mắt mọi người và bè bạn trong giới kinh doanh của tôi. Rằng tôi là người hoàn hảo và hạnh phúc mỹ mãn...
Chỉ có tôi và cô gái tên Giang hiểu được sự tình và mối quan hệ giữa chúng tôi theo thỏa thuận. Trước mặt mọi người trong công ty và bạn bè thân hữu, thì tôi và Giang là một cặp đôi hoàn hảo. Nhưng khi chỉ có hai, quan hệ của chúng tôi là giám đốc và công nhân. Giang giữ thái độ rất đúng mực của một nhân viên. Giang biết thân phận của mình. Giang làm việc rất chăm chỉ, nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc. Hết giờ làm mỗi chiều, Giang tranh thủ ghé qua nhà riêng của tôi để dọn dẹp, giặt giũ và chuẩn bị cơm nước cho tôi. Xong việc đã đến tám giờ tối, Giang chào tôi và vội vã về phòng trọ của mình. Ngày lại ngày Giang cần mẫn làm việc như một cỗ máy, nhưng rất vui vẻ. Nhất là đến lượt được nhận lương, tôi nhận ra được sự phấn khởi ở cô ấy. Nhiều tháng qua đi, Giang cũng thu nhập được kha khá, theo dự tính của tôi. Nhưng tiền lương Giang nhận được không biết dùng vào việc gì, mà chẳng thấy cô ấy sắm sửa gì cho mình cả. Tôi hơi thắc mắc về điều này. Có lần tôi định hỏi Giang, nhưng lại thôi. Tôi cũng không muốn tìm hiểu sâu vào đời tư của người khác. Tôi thấy Giang vất vả vì vừa làm việc ở công ty, vừa phải lo công việc nhà cho tôi, không hiểu em ăn uống nghỉ ngơi thế nào, nên tôi yêu cầu em dọn về ở trong ngôi nhà của tôi… Những buổi tiệc tùng với bạn bè quan trọng, tôi đưa Giang đi cùng. Tôi nhận ra được sự bất đắc dĩ ở cô khi đi bên cạnh tôi, hoặc khi tôi tỏ ra thân thiện tình cảm mối quan hệ của hai chúng tôi trước mặt bạn bè. Giang luôn giữ thái độ lễ phép với tôi và bạn bè của tôi, vì so tuổi đời Giang kém tôi hơn mười tuổi. Những buổi được gọi là hẹn hò như thế, Giang ăn mặc gọn gàng trông rất xinh đẹp. Bạn bè nhìn vào ai cũng ngưỡng mộ tôi... Ngày ngày Giang sống trầm lặng và làm việc bên cạnh tôi như một cái bóng. Giang chăm sóc tôi chu đáo như một đứa em gái ngoan hiền lo lắng cho anh trai. Có lẽ trong thâm tâm nàng nghĩ mình là một người làm thuê, nên phải hoàn thành tốt công việc. Có bàn tay nội trợ của Giang, ngôi nhà bề bộn của tôi trở nên ấm cúng và ngăn nắp. Có bàn tay người con gái chăm sóc, tôi thêm phần đạo mạo của một nhà doanh nghiệp trẻ. Tôi bỗng cảm nhận được không khí của gia đình hạnh phúc… Từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi thấy vui hơn, tâm trạng thoải mái hơn, tính tình cởi mở hơn, cuộc đời trở nên tươi đẹp. Có những buổi tối rỗi rãi, tôi đánh xe chở cô nàng đi dạo. Mục đích của tôi là ra ngoài hít thở không khí trong lành để suy nghĩ kế hoạch cho một dự án mới. Còn Giang thì vô tư hỏi tôi đủ điều về các di tích, các thắng cảnh... cho đến các kế hoạch kinh doanh. Có đôi lúc Giang quên mình là công nhân của tôi, nàng vui vẻ trao đổi với tôi như với một người em hay một đồng nghiệp. Tôi nhận ra Giang là người rất hiểu biết, có nhiều sáng kiến, sống chan hòa và là người làm việc có trách nhiệm...
Đầu óc đặc quánh những con số và các dự án kinh doanh, tâm hồn khô cứng của tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ mới. Hình ảnh cần mẫn của Giang, khuôn mặt xinh đẹp của cô đêm đêm hiện về chiếm lĩnh trong tâm thức của tôi. Nhiều đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi muốn gặp em, tôi muốn được ở bên em, được ôm em vào lòng… Tôi đã yêu em sao? Nhưng không, tôi không thể hành động như vậy được. Tôi phải tỏ ra mình là người đàn ông chân chính, chính tôi đã lạnh lùng thỏa thuận với em mà. Hơn nữa, vốn dĩ từ trước đến giờ tôi không thích con gái. Từ trong sâu thẳm đáy lòng mình chỉ có bản thân tôi biết vì sao một người đàn ông có ngoại hình lịch lãm, thành đạt như tôi lại không có người yêu, mặc dù có rất nhiều cô gái theo đuổi tôi.  Tôi đã thất bại từ mối tình đầu. Tôi đã bị người yêu đầu đời phản bội, bị coi thường vì tôi là kẻ nghèo trắng tay, không có sự nghiệp… Nàng đã vui cười trên sự đau khổ của tôi để bước lên xe hoa của một đại gia, nàng không quên ném vào mặt tôi những lời khinh bỉ nghiệt ngã. Trái tim tôi tan nát, kể từ đó tôi vùi đầu vào lao động và học hành. Tôi đã tự mình dành lấy những thành tựu cao quý nhất trong con đường học vấn và tôi đã trở thành nhà kinh doanh thành đạt. Cũng từ đấy đến nay trong tim tôi không có chỗ cho những cô gái xinh đẹp xung quanh mình…
Di động của tôi reo lên, tôi thoát ra khỏi dòng suy nghĩ, nhìn thấy số lạ tôi tắt máy. Nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ tối, tôi gọi với xuống lầu:
- Giang ơi! Làm hộ anh ly nước cam.
- Dạ anh! Đợi em tí. - Giang trả lời tôi ngọt ngào.
Giang mang ly nước lên đặt ở bàn máy tính và quay sang trải giường cho tôi rồi lặng lẽ đi xuống. Giang không quan tâm tôi đang nghĩ gì. Em không để ý đến tôi, em giữ đúng khoảng cách “chủ tớ” làm tôi càng nể phục em nhiều hơn. Tôi nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của em ban chiều vui cười cùng một người bạn trai trong công ty mà tôi vô tình nhìn thấy làm lòng tôi ghen tỵ. Tôi ghen sao? Nhưng tôi không biết mở lời với Giang như thế nào. Tính kiêu ngạo của tôi không cho phép tôi hạ mình trước những người con gái. Nhưng Giang cũng không giống các cô gái khác, Giang không để mắt đến tôi. Tâm can tôi rối bời trong mối quan hệ không rõ ràng, lòng bức bối…
Ngày lại ngày trôi qua, tôi tìm cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình nhưng chưa có dịp. Tôi vẫn cố tỏ ra lạnh lùng vô cảm với Giang, nhưng tim tôi nhức nhối. Giá mà tôi nói được tiếng “yêu em”, giá mà tôi được che chở chăm sóc cho em, được ôm em vào lòng… Một buổi chiều tôi đang vùi đầu vào đống sổ sách thì Giang bước vào phòng giám đốc, ngập ngừng nói: 
- Anh ơi, cho em… xin ứng tiền lương của tháng sau… được không anh?
- Em buồn cười nhỉ, tiêu xài vào việc gì mà mới lãnh lương xong lại xin ứng lương tiếp vậy? - Tôi gắt gỏng.
Giang lặng lẽ chào tôi và bước nhanh ra cửa. Chiều tối hôm ấy tôi tiếp khách hàng nên không về nhà ngay sau khi hết giờ làm việc. Khoảng tám giờ tối, tôi thấy điện thoại mình có tin nhắn. Mở ra xem thì đó là tin nhắn của Giang chỉ vẻn vẹn “Xin phép anh, em về quê có việc gấp. Xong việc em trở lại. Anh cho phép nhé, anh giữ gìn sức khỏe…”. Tôi vẫn bình thản, xong cuộc vui trở về nhà tôi mở điện thoại gọi hỏi em việc gì đã xảy ra. Điện thoại em reo vang ở ngăn tủ phòng khách. Hình như em cố tình để lại điện thoại, vì chiếc điện thoại ấy là một trong những thứ tôi mua cho em. Tôi tân trang những vật ngoài thân cho em để chứng tỏ đẳng cấp của chúng tôi. Có lẽ em biết nó không thuộc về em, nên trước khi đi em gởi trả lại tôi. Thế là tôi không còn cách nào liên lạc được với em. Vì từ trước tới giờ tôi không quan tâm đến em. Tôi không biết bạn bè em có những ai, quê quán em ở đâu, cha mẹ em là người thế nào? Tôi thấy buồn khi em không còn ở bên tôi. Lòng bỗng dưng trống vắng lạ thường. Căn nhà giờ đây như rộng hơn, một nỗi buồn man mác trỗi dậy trong lòng. Tôi thao thức cả đêm không ngủ được. Tôi hốt hoảng vào phòng em xem còn lại đồ dùng cá nhân không? Không phải tôi sợ em mang đi những thứ của tôi, mà tôi sợ em không trở lại. Căn phòng em ở rất ngăn nắp, quần áo mặc thường ngày em đã đem đi, chỉ còn lại quần áo đẹp mà tôi mua cho em thì vẫn treo ngay ngắn trong ngăn tủ. Tôi ngồi lặng trên chiếc giường nhỏ của em như cố tìm chút kỷ niệm còn sót lại. Đưa tay vuốt chiếc gối mỏng còn vương hơi ấm của em, tay tôi gạt trúng chú gấu bông nhỏ cũ kỹ được đặt trên góc chiếc gối. Tôi với tay cầm con gấu bông lên xem. Có thể đây là kỷ vật quan trọng nên em trân trọng mang theo bên mình, mặc dù nó đã cũ theo thời gian. Bỗng tôi nhìn thấy một mảnh giấy cũ được xếp trong vòng tay chú gấu rơi ra. Đó là bức tranh nhỏ vẽ bằng bút chì than của một họa sĩ không chuyên. Bức tranh quê có con đò, bến nước, dòng sông… nhưng không theo một cấu tứ của hội họa. Bức tranh cũng cũ kỹ theo thời gian có kèm theo dòng địa chỉ… Tôi đã biết em đang về nơi đâu. Lần theo dòng địa chỉ này, chiều hôm sau tôi vội vã lái ô tô đi tìm em.
Trong ngôi nhà nhỏ, người mẹ đang nằm trên gường bệnh, bà cố gượng đau để ngồi lên hỏi thăm tôi. Tôi bối rối tự giới thiệu về bản thân mình: Tôi là người yêu của Giang. Họ hàng và người làng xúm xít thăm hỏi quan tâm chăm sóc bà. Mọi người cũng vui mừng chào đón tôi như người thân về lại. Tôi cảm thấy lòng ấm áp lạ thường sau bao năm xa cách không khí chân tình, mộc mạc của làng quê. Tôi lại là tôi - chàng trai chân chất của làng quê năm nào. Tôi nhanh chóng trở thành thành viên chính thức của gia đình. Giang cũng vui mừng vì tôi đã tìm về nhà em… Cởi bỏ áo com lê,  tôi cùng Giang cắm hoa, đơm hoa quả lên bàn thờ của người anh trai cũng trạc tuổi tôi. Qua lời kể của Giang, tôi được biết: Anh là con trai ruột của mẹ đã hy sinh trên chiến trường K năm 1987. Giờ đây tôi mới hiểu Giang làm việc bằng mọi cách là để kiếm tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho mẹ, người đã có công nuôi dưỡng Giang trưởng thành sau khi cha mẹ sinh ra Giang đã mất trong một trận thiên tai. Tôi có cơ hội dùng tiền của mình vào việc chính đáng. Tôi lái xe đưa mẹ ra bệnh viện tỉnh để điều trị bệnh thận mà bà đã mang trong mình nhiều năm. Nhập viện, mẹ được các y tá, bác sĩ tận tình chăm sóc. Tôi cùng Giang ngày đêm túc trực bên giường bệnh của mẹ. Tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc thật sự  khi ở bên Giang. Tôi không thể sống thiếu  Giang… Mắt mẹ ánh lên niềm vui tuổi già vì thấy tôi hiếu thảo và yêu thương con gái của bà. Bệnh của mẹ có phần thuyên giảm… Và tôi có cơ hội bày tỏ tình cảm của mình dành cho Giang bên bến sông quê…
Kim Chung
Sóng ru
     Chòng chành sóng đánh đò đưa,
       Một đời trải gió dầm mưa với đò...
  Đi tìm lại những câu hò
       Mà sao gặp lại nghẹn ngào nhìn nhau !
    Và rồi hạnh phúc nơi đâu ?
      Chỉ còn đọng lại nỗi đau không lời...
  Nhớ sông, thương đất bời bời,
   Chia tay luôn nhớ một thời trên sông.
 Tìm trong cõi mộng mênh mông,
    Đong đưa sóng nước ru nồng giấc mơ !!
  NM
                                   Nhớ sông
Mỗi lần qua sông Cái Lớn, Giang lại nghĩ chắc tới già, tới chết, mình sẽ chẳng bao giờ rời chiếc ghe nhỏ này đâu. Cũng khúc sông này, năm Giang mười tuổi, má Giang chết. Hôm đó, trời mưa nhỏ nhưng gió nhiều, gió bạt tay chèo liêu xiêu. Nước từ vàm sông cuồn cuộn đổ ra. Chiếc ghe bạt nước tấp vô sà lan chở cát. Ông Chín, ba Giang, chống đằng mũi; má Giang, chống đằng lái. Giang ngồi trong mui ghe, ôm con Thủy vào lòng. Giang thấy rõ ràng lúc cây sào trong tay má đang chỏi vào thành sà lan trượt hướt lên, má ngã xuống, đầu má đập vào cái gờ sắt, đôi chân còn bíu vào ghe. Rồi má cong lại như chiếc võng, hụp vào sông. Giang khóc điếng, bồng con Thuỷ lồm cồm bò về đằng sau lái, Giang còn kịp nhìn thấy mái tóc má trôi loà xoà liêu phiêu trong làn nước rồi mất hút.
    Giang không hiểu tại sao mình nhớ hoài, nhớ ràng ràng cái ngày đó. Cho nên qua vàm lần nào Giang đều kéo con Thủy ra, Giang chỉ: má chết chỗ này nè. Con Thuỷ ừ hữ như không. Giang hỏi: Không nhớ à? Thuỷ lắc đầu.
    Cũng phải, lúc đó con Thuỷ còn mềm xèo, nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mui ghe. Con Thuỷ bò chán bò chê rồi nằm ngửa ra, ngó những trái cà, trái khóm, trái bí, bầu ông Chín treo lúc lỉu trên nhánh chà đằng mũi ghe. Có lẽ nó biết thân mình mồ côi mẹ nên nó dễ chịu, dễ tánh.
    Gia đình ông Chín sống hẳn trên ghe. Cảnh của ông cũng buồn lắm. Nhà nghèo, ra riêng, gia đình chỉ cho hai công đất. Năm Giang ba tuổi, Giang lên sởi. Ông Chín bán đất cứu con. Số tiền còn dư lại, ông mua chiếc ghe nhỏ đi bán hàng bông. Cả nhà dắt díu nhau linh đinh sông nước. Có lúc vừa ghé lại bờ, chưa kịp buộc dây ghe vô gốc mắm, do quẩn chân lâu ngày Giang đã chạy lên bờ, chạy cuống chạy cuống như điên trên đất. Má Giang rớt nước mắt: "Con nhỏ thiệt thòi...". Ông Chín an ủi: "Vì miếng ăn mà, mình ơi".
    Sau này khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín trôi dạt hết dòng sông này đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó còn là nơi gởi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số - má Giang. Những buổi tối, buộc ghe vô gốc tra bông nở vàng cặp mé sông, ông Chín dạy chị em Giang học. Có được chút vốn học hành nhỏ nhoi, ông dạy bằng hết. Giang lanh lợi hơn con Thuỷ, học ít mà tính rợ cực kỳ giỏi. Buôn bán lu bù mà nó tỉnh như không. Nó tính toán hết, mua rau trái, đường đậu tạp phẩm cho chuyến đi, chở than, chở củi chuyến về. Nhiều chuyến bốc than còn nóng chất dưới sạp ghe, chị em Giang nằm trên đó mà ngủ, sáng ra lưng phồng rộp. Ông Chín ứa nước mắt, cắn răng biểu: "Lần sau thôi nghen, con Hai".
    Bây giờ hỏi lại Giang nói không có con kinh, con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước ròng... Không ai nói với ai, nhưng cả nhà ông đều nghĩ, chắc là sống như vầy hoài, như vầy mãi thôi. Chị em Giang đùa nhau sau này lấy chồng, ra riêng, ba cho mỗi đứa một chiếc ghe. Con Thuỷ nói nó không lấy chồng, nó ở vậy đi bán với ba, nó nói mà giọng hơi buồn. Ông Chín nghe rồi như gió ùa về, lòng tự dưng nghe đau xót. Rồi khi hai đứa con gái ông sinh ra những đứa con, chúng lại phải sống cuộc đời lênh đênh như má chúng, ông nghĩ vậy, đâu có được. Những buổi chiều ghé đi qua thị trấn, qua phố huyện, giờ tan học nhìn đám học trò túa ra cổng trường, đám học trò áo lem mực, tay kẹp nách cái cặp, tay mang bình nước, con Thuỷ lón lén đắm đuối nhìn lên, mắt ông Chín cháy âm âm một nỗi gì đau đáu.
    Giang gặp hoài đôi mắt đó, Giang thương ông quá đi thôi. Giang lấy chồng. Chồng Giang tên Thuấn ở Ðập Sậy. Những lần đậu ghe lại buôn bán, Thuấn đều mời ông Chín lên nhà uống rượu. Nhà Thuấn không giàu nhưng cũng đủ mặc đủ ăn, có đất làm ruộng, gần trường xã. Ông Chín chọn Thuấn trước, ông hỏi Giang có ưng không. Giang ngồi chải tóc, chải tới rát da đầu, vuốt ra từ cây lược mớ tóc rối (như lòng mình rối). Giang gật. Giang lấy chồng hôm mười chín tháng hai, khi dọc những triền sông, trên những đám chùm gọng, những rặng ráng... loài chùm gởi tơ hồng phủ lên một màu vàng óng, rồi chi chít những bông hoa trắng con con như hột tấm mẳn. Mấy chiếc ghe bạn kè lại thành bè, đậu phía ngoài đập. Ðám đàn bà con gái bê những cái cà ràng nhóm củi nấu ăn trên bờ. Hiện - bên ghe bạn - cũng bày đặt đi đốn lá dừa về bẻ vòng nguyệt trên mũi ghe nhà Giang. Ngày vui của Giang mà Hiện lầm lì, có cười cười cũng héo xèo. Nửa đêm nhóm họ, rượu uống sương sương, Hiện ca Tình anh bán chiếu mà nước mắt ròng ròng. Hiện lấy mu bàn tay quệt nước mắt, trợn trạo biểu: "Rượu xứ nầy cay dễ sợ". Rồi dòm trong ghe thấy Giang ngồi xếp quần áo với con Thuỷ, Hiện kêu: "Chắc sau này mình hổng gặp được nữa, cô Hai hen". Giang ngước lên cười buồn. Con Thủy thày lai: "ảnh thương chế đó". Giang vỗ đầu em: "Thương khỉ khô gì mà không chịu nói, hả?". Con Thuỷ cười: "Chế hỏi cái bộ như em là ảnh vậy". Sáng sau, Giang mặc áo dài từ dưới ghe bước lên, ông thợ chụp ảnh chụp được một pô đẹp ơi là đẹp, đẹp nhất là quanh Giang mớ bông tra vàng rụng tơi bời lừng lững như hàng trăm cái chuông.
    Giang ở nhà chồng rồi, con Thủy buồn lắm. Nó thay Giang buôn bán cho ông Chín nghỉ ngơi sau bao ngày lèo lái. Nó lanh lợi, mau mắn không bằng Giang nhưng được nước siêng. Ngày nào nó cũng lật lịch coi, tới con nước ba mươi đi bán vùng xóm rẫy về, ghe ghé Ðập Sậy thăm chị nó. Có bữa dọn cơm nó vô thức dọn thừa đôi đũa, cái chén, ông Chín rày: "Mai mốt bay lớn bay cũng lấy chồng, chị bay đâu ở được với bay hoài". Nói vậy mà sao lòng ông cũng cồn cào nhớ.
    Ghé Ðập Sậy, Giang đòi ông Chín ở lại một đêm, cho Giang xuống ghe ngủ với con Thủy. Giang than nức nở: "Trời ơi, con nhớ ghe quá trời đất đi". Xuống ghe, Giang đưa tay rờ rẫm từng món hàng, từng miếng sạp. Trên nhà, ông Chín ngồi uống rượu với Thuấn. Thuấn uống dữ, anh toàn tợp nguyên ly. Uống xong rồi lè nhè than: "Con nuôi con Giang như nuôi con sáo, hổng biết giờ nào nó xổ lồng nó bay. Con Giang là vợ con, nó ở đây mà lòng dạ nó ở đâu á...". Ông Chín lặng người.
    Thường thì cơm nước, quét dọn xong hễ hở ra giờ nào Giang lấy xuồng chèo đi giờ ấy. Trời đất, nó đi đâu? Thuấn cười chua chát: "Hổng biết, nó chèo khơi khơi vậy đó ba à, con cũng nghi bậy trong bụng, có bữa con rình đi theo, vợ con chèo đã đời rồi nó buông chèo lụi vô đám lá, lấy tay vịn, ngồi ở đó. Rồi chèo về, vậy à". Ông Chín thở dài.
    Ðêm đó Giang nằm dưới ghe. Giang hỏi con Thủy: Vậy chớ ghe mình bán có đắt không, bây giờ ghe mình thường về đậu ở bến nào, ba còn buồn, còn uống rượu ban đêm không... Thủy trả lời muốn mệt. Con Thủy nói:
    - Anh Hiện gởi lời thăm chế, ảnh hỏi em hoài hà, hỏi vậy chớ chế lúc này vui hông? Em nói em hổng biết. Sao mà em thấy ảnh tội nghiệp thiệt. Phải chi... - Con Thủy lúng búng dừng lại rồi thẹn thò nói tiếp - Phải chi có cái gì thường được, mình thường cho ảnh.
    Mắc mớ gì mà phải bồi thường - Giang cười rồi giật mình. Con Thủy năm nay mười tám tuổi, nó lớn thiệt, lớn mau quá. Giang nhớ cái ngày con Thủy có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, nó lụi đầu giấu vô mớ cốm gạo treo lủng lẳng khóc mướt. Giang bảo không sao đâu, không sao đâu mà chực rơi nước mắt. Giang nghĩ phải chi còn má. Thủy còn có chị nó, chớ ngày đó của Giang, Giang cũng khóc mà không thể hỏi ai. Ông Chín tinh ý biết, ông lặng lẽ qua bên ghe nhà Hiện, nhờ má Hiện. Ngồi hút thuốc như ống khói tàu, lần đầu tiên ông thấy mình bất lực, vô dụng và bối rối trước đứa con gái đáng thương.
    Nhớ lại nhiều chuyện quá, Giang không ngủ được. Con Thủy bày ra chuyện lắc ghe, lắc như là ghe đang bị sóng vậy, nó biểu "chắc là chế quen ngủ vậy rồi, êm êm hổng chịu". Giang thiếp đi, thấy mình đang ở trong một cơn mơ mà giấc mơ cũng tròng trành.
    Khi ra về, nhìn bóng Giang xơ rơ đứng tiễn bên hàng me, ông Chín dặn lòng, thôi, sau nầy có nhớ thì lâu lắm mình mới ghé thăm. Rồi nó sẽ quen, sẽ quên đi. Nó phải biết cách sống với đất để nghĩ về tương lai những đứa con của nó.
    Nhưng chưa đầy con trăng đã thấy Giang khăn gói về bến Xã Xiêu. Giang lần theo mấy chiếc ghe bạn hỏi thăm rồi quá giang họ về. Ông Chín thấy Giang lòng đau bầm. Ông gằn gằn hỏi: "Con Hai! Bay đi đâu?" Giang cúi mặt: "Con nhớ ghe quá hà, con nước rồi ba không thèm ghé thăm con". Giang nói thêm, nói Thuấn cho Giang đi, chừng nào muốn về thì về, "ảnh dễ ghê vậy đó ba à". Ông Chín đâm sầm ra ngồi đàng lái, vấn thuốc rồi bập bập trên môi mà không buồn đốt. Con Thủy sợ ông giận Giang, nó men ra nói khơi: "Lâu lâu có con gái về thăm, sướng thấy mồ, ba đừng giận ba ha". Ông không trả lời, lúc đó ông đang nghĩ về một người đã khuất, lòng ông chua chát: "Tui biết tính sao bây giờ, bà ơi. Tui tính lầm một lần này rồi". Nghe con Thuỷ cười với Giang rộn rã: "Chế ngủ trên nhà riết rồi cũng quen mà, ngủ ghe vừa chật vừa nực thí mồ - Con Thuỷ nói hoài, nó thích có đất, có vườn như bên chồng Giang - Có đất để làm gì hả? Ðể trồng cây, ừ trồng cây ăn trái, trồng mít và trồng rau". Giang nhắc: "Ờ phải em ham đất lắm, hồi nhỏ ghe đậu bến nào chế cũng coi em bắt mệt, cứ xoay lưng là em chổng mông cạp đất ăn ngon lành. Ăn đất hoài bụng ỏng bụng eo luôn, nhớ chưa? ".
    Ông Chín lần vào trong, vẹt mớ bánh kẹo, giở hũ gạo ra, moi dưới đáy một chiếc hộp sắt sơn đen. Ông gọi chị em Giang lại, ông mở hộp ra, trong hộp một túi vải dây gút miệng. Ông ngồi xếp bằng, trịnh trọng, trang nghiêm như thể ông sắp đánh đổi cái gì thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Ông từ tốn lấy từ trong túi ra từng chiếc khâu vàng óng ánh, nói: "Ngày mai ba đưa con Hai về, thằng chồng bay chắc đang trông...". Giang ngước nhìn trân ông rồi cụp mắt, cúi đầu. Dốc ngược cái túi, ông Chín bảo:
    - Dành dụm cả đời ba chỉ có bao nhiêu đây thôi. Ba sẽ bán chiếc ghe nầy, về quê nội mua một miếng đất, rồi ba với con Thuỷ cuốc đất trồng rau, có gì ăn nấy. Ba đi cả đời, ba cũng mệt...
    Con Thuỷ ngỡ ngàng nhìn vào mớ vàng rồi nó lặng lẽ bò ra ngoài mũi ghe. Nó sợ còn ngồi trong đó, chút nữa thôi nó sẽ bật khóc vì thương mình, thương ba. Con Thuỷ biết khi bỏ lại sau lưng hơn nửa đời sông nước, ông Chín hẳn sẽ buồn lắm, đau lòng lắm. Trong này ông Chín biểu Giang: "Ngủ đi. Rồi ngày mai...". Ông chờ Giang quay đi rồi mới đốt nén nhang cắm trên cái trang thờ treo trên vách: "Còn bà, bà đã thành nước, thành đất, thành cỏ thành cây, cha con tui ở đâu, xin bà theo đó. Ðám cháu chắt chít của mình rồi sẽ chẳng phải chịu lênh đênh".
    Giang ngồi ở đầu vòm mui nhìn ra đằng trước. Con Thủy không biết mình đang vui hay đang buồn, nó thẫn thờ buông chân xuống nước, khỏa bì bõm, mắt hướng về chiếc ghe của Hiện đang đậu sát bờ lá. Hiện biết Giang về nên Hiện nằm ca sang sảng.

    Con Thuỷ lầm bầm: "Chắc là sau này em không gặp được anh đâu".
    Ðêm nay cũng có gió nhiều, cà bắp trong đám lá dậy hương, cái mùi dân dã không chịu được. Gió làm sóng chao ghe mà sao khó ngủ quá vậy nè.
Nguyễn Ngọc Tư