Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Con đò Vô Tích

    Chuyện tình Vô Tích
  Vô Tích một chiều trên bến sông,
  Tiếng hò êm dịu nhẹ mênh mông....
Ru hồn ai đó tìm người cũ,
 Âm ba da diết sắt se lòng !! 

 Con đò trôi mãi, em tìm mãi,
 Người cũ xa vời, anh ở đây....!
  Gần nhau cứ ngỡ là trong mộng,
    Duyên tình hờ hững ai đắp xây ?!
****
 Vô Tích chiều nay khúc hoan ca, 
Tình duyên xưa cũ hết chia xa..!
 Bên sông tấp nập thuyền hoa đến
            Ta lại gần nhau, bóng chiều tà !!            
NM    
 
              Con đò Vô Tích
Vẫn là chuyện tình thông thường, nhưng tác gỉa muốn ra chiều đổi mới. Người trai bị tình phụ, khó lòng tha thứ. Cô gái để cả đời xin chuộc lỗi, vẫn không được tha thứ. Dở dang cả đôi. Người viết muốn tránh cái thường tình trong yêu đương nên đã ném cặp trai gái này vào cuộc chạy đuổi đầy ảo mộng, hoang tưởng đến… vô tăm tích. Trên con đò ảo vọng, người trai chèo đò và cô gái đi đò như mộng du trong tiếng sáo liêu trai. Cuộc qua lại bến sông bảng lảng mộng mị. Thử bóc đi vỏ ngoài huyền hoặc của câu chuyện, thì chỉ thấy một cuộc rượt đuổi ảo ảnh trong tình yêu, như đuổi hình bắt bóng. Kết thúc truyện, cặp cô dâu chú rể hình nộm trên con thuyền chở đầy hoa cưới đã cập bến sông. Còn đôi tình nhân trong đời thực lại chẳng gặp được nhau, không thành vợ chồng. Thì ra, sau câu chuyện sương khói mờ nhân ảnh ấy, là nhắc nhở nghiệt ngã: Tình yêu khi lạc nhịp đã phải trả giá thật đắt! 
Nguyễn Thị Minh Thái.
Đò sang bên đó, đò đã sang bên đó thật rồi. Chị đứng nhìn ngẩn ngơ. Mái chèo đã trả lại nước mặt sông thẳng băng trong chiều vàng nhạt nắng. Chị đứng bên này tóc xõa, chị đứng bên này gác nỗi nhớ lên mặt sông. Con đò ấy đậu tựa cây trâm bầu.
Nó nằm lả lướt cùng câu hát cất lên buốt cả dòng sông. Ai bên đó mà chị đứng nhìn? Con đò ai đó mà chị đứng nhìn? Chị lặng im, con sóng dợn lên trong mắt. Nhưng mắt chết trên sông, cả ánh nắng từ trên trời cao rơi tỏm xuống đáy sông và nằm im ở đó.
Không có con đò nào cả, chỉ chị thấy đò. Không có câu hát nào cả, chỉ chị nghe thấy tiếng hát. Không có con nắng nào cả, suốt mùa mưa chị đứng ướt đẫm bên cây dừa ở bến sông. Người con gái ướt trong mưa khiến giọt mưa càng rơi xối xả. Hình chị đứng đó chôn cả vũng mắt người khi đi ngang qua đây. Không ai biết chị sinh ra từ đâu, không ai biết chị đến từ đâu mà sắc chị đẹp như những giọt mưa khi gặp ánh sáng cầu vồng.
Không ai dám nhìn sâu vào trong mắt chị. Nhưng Tuần ngu ngơ, Tuần đưa ánh nhìn vào đáy mắt người con gái vừa tròn tuổi trăng đó. Và Tuần hát nghêu ngao bên bờ sông lóng lánh cát vàng. Đêm về Tuần trèo lên con đò Vô Tích ở cây trâm bầu.
Mắt Tuần nhìn trời, nhìn sang phía cây dừa ở bến sông rồi thẫn thờ nhắm lại. Con sông này nó chứng kiến nhiều thân phận không đầu không cuối. Đầu tiên là chị, giờ đến Tuần. Cũng không ai biết Tuần đến từ đâu. Tuần không đẹp trai nhưng có trái tim nhân hậu. Tuần hay phơi nắng trên bãi cát vàng và ngồi trú mưa dưới cây trâm bầu suốt mùa đông giá rét. Khúc sông nơi con đò đậu ít người qua lại.
Ở bến sông này nước lớn, rêu thả xanh trôi lờ đờ từng lọn tóc ma dài và con nước có đoạn xoáy tròn trùng trục đến cực âm. Ngày trước có người chết ở đó, người con trai tên là Vô Tích. Vô Tích đem lòng yêu cô gái trên bờ nhưng chàng bị người tình từ chối.
Vô Tích chết trên sông trong một chiều mưa còn cô gái sau đó lang thang trên sông tìm lại người thương cũ. Nhưng chỉ thấy bến sông với con đò Vô Tích nằm trong quạnh quẽ. Chuyện tình buồn là thế nên trai gái đến tuổi yêu đương chẳng ai dám ra bến sông này.
- Có ai đưa đò không? Chị gọi, tiếng lanh lảnh trùm lên phía bên kia sông. Con đò trườn ngang qua như đáp lại tiếng người. Chị về bên cây trâm bầu nằm lại nghe sông hát suốt đêm. Sông hát rằng:
Gió ơi!
 Gió đi về đâu để con thuyền thả trôi trong quạnh vắng?
 Người tôi yêu ơi!
 Người yêu về đâu để bến vô tích mang tên một kiếp lụy tình đò cứ vắt ngang sông?
 Lạc mất giữa nhân gian xanh một mối tình…
 Gió ơi !
 Người tôi yêu ơi!
Cứ suốt đêm, dập dìu những câu hát. Gần có, xa thăm thẳm buồn có. Và dường như chị khóc. Những đám rong rêu trườn lên theo nhịp sóng cuốn lấy một phần của tay chèo. Chị vịn vào chỗ đó, như giữ cho chiếc thuyền khỏi trôi. Nhưng con đò chưa bao giờ bị cuốn trôi, như mối tình của người con trai ấy, nó vĩnh viễn nằm lại với sông.
“Cô làm gì suốt đêm qua trên đò tôi?” - Tuần hỏi, chị vẫn ngồi lặng im nhìn xuống con sông trong vắt có đàn cá canh tung tăng bơi lội. “Ai mang cô sang đây?”, Tuần lại hỏi và chị nhìn về phía anh, đôi mắt vẫn thế. Đôi mắt chị đượm buồn như câu hát trên sông. Và trong khắc ấy Tuần thôi không còn nhìn vào tròng mắt.
“Đò mang tôi sang, Vô Tích đã mang tôi sang”, chị đáp. Tuần thả mái chèo đưa chị trở lại bến sông. Lúc đò cập bến, chị nhìn trở lại phía Tuần nhưng không thấy Tuần ở đó nữa. Con đò nằm lại với chị ba hôm. Đêm trăng sáng con đò lại trôi về bên đó.
Chị đứng nhìn ngẩn ngơ người con trai tay lái đò, tay kia đưa sáo lên môi thả lên mặt sông tiếng sáo buồn thê thiết. Chị nhớ quá! Tiếng sáo này nghe quen, con đò này thấy quen, chàng trai này thấy quen qua từng hơi thở.
Có một đêm, trong nước đục lờ nhờ và tiếng khua nước đánh cá trên sông, chị nhìn thấy người mũ cao áo dài đứng trên con đò thả khúc hát buồn thê thiết. Vô Tích, có phải là Vô Tích đấy không? Đêm sương giăng, khúc gió thổi ngang đưa câu hát về càng làm cho chị xác định lại cảm xúc của mình là đúng.
Chị lội xuống sông trong cái rét căm người, chị bơi sang tận phía con đò, mải miết cánh tay theo con đò và tiếng sáo đến cây trâm bầu có trái lủng lẳng xanh tươi. Chị ngất lịm đi trong giá buốt và tiếng sáo buồn miên man vẫn trôi trên sông cùng với đêm thao thức. “Để tôi đắp đồ cho cô” - có tiếng nói của một người đàn ông trầm ấm. Anh ta gác sáo lên đò rồi cởi áo của mình vận vào cho chị.
Vô Tích! Bất giác chị gọi và choàng tỉnh dậy trong con nắng ban mai chan xuống cả mặt sông. Không có người nào trên đò cả, không có Vô Tích, không có Tuần. Chị ngồi ngẩn ngơ nhìn mặt nước xanh trong lấp lánh nắng. Chị nhìn tấm áo choàng lên cơ thể mình, đó là chiếc áo dài chị thấy người đàn ông mặc trong đêm.
Môi chị chắp nhẹ và nước mắt rơi bên bến đò. “Có phải chàng đã về không?”, chị thầm hỏi, trong khắc ấy, Tuần đứng nhìn chị và tiếng anh xua tan đi sự lặng lẽ buổi sớm mai trên sông.
“Hôm qua cô ngủ trên đò của tôi” - anh nói, vẻ mặt chẳng có chút cảm xúc nào cho thấy sự có mặt của một cô gái đẹp như chị ở lại đò anh trong đêm. Chị ngồi rúm ró soát xét lại tấm áo của mình, chị mân mê từng hạt cúc. Nó vẫn nằm ở đấy, không có dấu hiệu nào của sự lỡ làng... “Nhưng tôi không phải là người đưa đồ cho cô đâu” - Tuần tiếp - đó là người đàn ông khác, anh ta đã trở lại phía sông rồi.
Và chị đưa mắt nhìn theo ngón tay trỏ của Tuần. Sông trôi xa, chị biết. Để tìm một con người trên sông trong đêm không phải là chuyện dễ. Mà người đó lại lảng tránh mình thì bội phần khó khăn. “Bằng mấy thời gian tôi cũng phải đi tìm cho bằng được Vô Tích” - chị nói với Tuần.
Tuần đứng lặng im nhìn xuống bờ sông, anh đưa tay vuốt đi lớp sương bám vào chân mày và trên hàng mi. “Để làm gì?” - Tuần hỏi chị - cô tìm Vô Tích để làm gì? Để chuộc lỗi - chị đáp - tôi đã từng phụ lòng Vô Tích.
Trăm năm duyên lỡ
 Bến sông bồi
 Người đi đi mãi
 Con đò trôi…
- Sao anh biết mấy câu thơ này? 
- Tôi nghe người ta đọc…
- Ở đâu?
- Trên sông.
- Đó là những câu thơ của Vô Tích…
- …
Anh lặng im một lúc rồi quay về phía chị. “Chuyện đó trăm năm rồi, Vô Tích đã chết trên bến sông ai ai cũng biết” - anh nói, giọng rất nhỏ lặng lẽ đến lạnh lùng. Bến đò đã mang tên Vô Tích, câu chuyện Vô Tích bị phụ tình vẫn còn trong nhân gian, cô là người của hôm nay tìm gặp người ngày xưa để chuộc lỗi”... “Không, Vô Tích vẫn còn, Vô Tích vẫn trên bến sông” - chị đáp lại Tuần.
“Tôi nghe tiếng sáo, tôi thấy con đò, tôi đã mặc trên mình chiếc áo của Vô Tích”. “Con đò là của tôi - Tuần nói - tiếng sáo là của tôi, chiếc áo cô vận trên mình là của một người đàn ông trạc 70 tuổi”. “Ông ta đâu?”, chị hỏi. Tuần đáp trong mệt mỏi: “Ông ta nói là bố của cô, ông ta về rồi, ông ta nhờ tôi coi sóc cô, ba ngày nữa có người đưa thuyền rồng đến đón cô về”.
Chị đặt chân ra khỏi thuyền và chạy nhanh trên những đồi cát. Chị chạy trốn cái giới hạn ba ngày. Chị không thể trở về nhà, chị phải ở đây. Thể nào rồi chị cũng tìm được Vô Tích, thể nào rồi Vô Tích cũng đến trong sự đợi chờ đầy thần ý của chị. Tuần không cản chị, anh bước lên bờ và thả mình xuống cát. Anh cứ nằm ở đấy, để cho nắng hun lên da mỗi ngày càng rám cháy.
Chuyện đã xa rồi mà - anh nói với lòng mình - Vô Tích ơi là Vô Tích, can cớ làm chi chút tình duyên. Dường như Tuần đang khóc, có gì đó rấm rứt, rất nhỏ. Mắt Tuần nhòe nước và anh thả ra không gian hơi thở dài.
“Vô Tích”, tiếng gọi của người đàn ông trạc 70 tuổi. Ông đứng phía sau anh, trên đỉnh đầu. Bóng ông thả xuống phủ bóng râm lên mình người con trai nằm trên cát. “Con tha thứ cho nó đi” - giọng ông cầu khẩn.
- Tôi không phải là Vô Tích thưa ông - Tuần đáp - tôi chỉ là người lái đò trên bến Vô Tích.
- Thế anh từ đâu đến và rồi anh ra đi từ đâu, anh sẽ ra đi như thế nào? Tha thứ cho nó đi, một lần thôi để bến đò Vô Tích không còn lạnh...
Lão già đã đi thật xa, lão không chờ mong câu trả lời từ Tuần hay bất cứ người nào đấy ở bến sông này. Ba ngày sau không thấy ai trở lại đón chị, và Tuần lang thang đi trên những bãi cát vàng trong những câu hát buồn nối đuôi nhau bất tận. Tuần đi tìm chị. Trông mắt anh mỏi mòn nhìn từ phía hàng dương xanh ra những con nước xa xa, rồi tầm mắt anh treo về cuối con sông.
Sáng Tuần đi, tối anh trở lại bến đò ngồi thổi sáo. Tiếng sáo cất lên buồn cả mặt sông, tiếng sáo rét cả không gian và ngọn gió không dám về đối diện. Qua mấy tuần trăng nhưng chị không trở lại. Qua mấy dịp hoa xoan rụng tím cả mặt sông nhưng chị vẫn không trở lại. Tiếng sáo Tuần vẫn réo rắt và người Tuần gầy đi trông thấy. Anh vẫn ở lại đò, dường như cuộc sống của anh đã khác xưa ở sự chờ đợi một bóng người.
Mùa xuân nữa lại về, hoa xoan bắt đầu lú nhú nở màu tím nhạt. Khắp con sông phủ đầy bông hoa xoan tím. Hương hoa xoan thơm ngát cả mặt sông. Tuần ngồi phía cây trâm bầu, phía bên kia sông có đám cưới ai to lắm! Chiếc đò này nối đuôi chiếc đò kia, và người, và hoa phủ kín cả chục con đò.
Nhưng lục tìm mãi vẫn không nhìn thấy chú rể và cô dâu. Những con đò nối đuôi nhau chạy về bến sông. Đò cập bến, già trẻ gái trai khẩn khoản làm những công việc của mình. Họ bê mâm cỗ xuống bến, hoa được đặt phủ trên bờ. Mọi thứ được bày biện xong và hai hình nhân được họ bê xuống. Một hình nhân mặc áo chú rể trông giống Vô Tích, cô dâu xinh tươi lạ kỳ và khuôn mặt trông giống chị đến lạ.
Họ làm đám cưới cho chuyện tình của Vô Tích. Sẽ không còn bất cứ chuyện tình buồn nào ở bến sông. Và Tuần đứng nhìn ngẩn ngơ thấy hình nhân nam giống mình còn hình cô dâu giống chị. Phía đằng sau Tuần, chị rấm rứt khóc và bíu chặt tay anh.
Những người đến tế lễ nắm chặt tay nhau vượt qua tiếng khóc giữa không gian lạnh đến lạ lùng. Họ không nhìn thấy Tuần và chị, họ không nhìn thấy con đò đậu ở bến Vô Tích. Cũng phải thôi, họ không thuộc về thế giới ấy.
Hoàng hải Lâm    
Kết quả hình ảnh cho cõi nhớ
Kết quả hình ảnh cho cõi nhớ
Về lại bến sông quê
Cầm chắc vô lăng, tôi cho xe tăng tốc xuôi con đèo Ngoạn Mục. Gió chiều mát rượi thổi qua sườn dốc, lay động nhẹ nhàng từng cành cây kẽ lá. Những tia nắng vàng yếu ớt còn sót lại uốn éo vắt qua lưng đèo. Đường đèo tĩnh lặng, chỉ có dòng ô tô hối hả ngược xuôi... Cảnh vật thật lãng mạn, yên bình, nhưng lòng tôi đang dậy sóng. Tôi chú ý tập trung lái xe, chủ yếu sao cho xe chạy nhanh mà vẫn giữ được an toàn. Tôi tự nhủ với mình: An tâm, sẽ tìm thấy cô ấy, nhất định cô ấy sẽ không sao, cô ấy sẽ không rời xa mình... Cô ấy là người hiểu chuyện, có lẽ có việc gì quan trọng ở quê, cô ấy trở lại bến sông quê, nhất định... Trong đầu tôi nảy ra hàng loạt ý nghĩ nhưng tôi cố gạt đi để tập trung lái xe, đầu óc tôi căng thẳng... Máy điều hòa trong ô tô phả ra mát rượi, nhưng tôi cảm thấy thật bức bối, khó chịu. Cà vạt chặt cổ tôi, tôi đưa tay kéo lỏng ra, chuệch choạc, tôi không còn chú ý tới hình thức của mình. Tôi cầu mong không có chuyện gì xảy  ra với cô ấy và sớm tìm gặp lại. 



Tôi tự trách mình là một người vô trách nhiệm, trên danh nghĩa tôi là người yêu của cô ấy mà tôi không biết gì về cô ấy. Tôi không biết cô ấy buồn vui như thế nào trong cuộc sống. Cô ấy thích ăn gì uống gì, sở thích ra sao? Cô ấy có khó khăn gì, uẩn khúc gì, có đau ốm gì không?... Sống bên nhau dưới một mái nhà gần hai năm qua, nhưng phòng ai nấy ở. Tôi hầu như không quan tâm gì về cô ấy. Ngược lại, cô ấy quan tâm tôi, chăm sóc tôi, lặng lẽ dõi theo cuộc sống của tôi. Không những tốt với tôi, mà cô còn đối xử tốt với bạn bè và mọi người xung quanh mình. Ở công ty của tôi ai cũng yêu quý cô. Còn tôi thì ngược lại, tôi đối xử với cô ấy như với người giúp việc, không hơn không kém. Và trong lòng tôi gần đây có suy nghĩ khác. Tôi nhận ra mình là người cố chấp, gia trưởng, độc đoán luôn cho mình đúng. Trong công việc kinh doanh, quyết định của tôi hầu hết mang lại hiệu quả cao, nhưng trong tình cảm tôi không sáng suốt, tôi đã vô tình "bước lơ đãng", để vuột mất "một tâm hồn tôi đợi đã từ lâu". Bằng hai bàn tay trắng, tôi đã tự mình gầy dựng được sự nghiệp. Không! Tôi không thể để mất khỏi tầm tay một nửa quan trọng của đời mình...
Một buổi chiều đẹp trời nhiều hoa nắng, tôi đang tập trung kiểm tra đống sổ sách của các phòng chuyển lên sau khi đã đóng thùng một lô hàng mới chuẩn bị xuất kho. Anh bảo vệ vào báo cáo:
- Thưa anh! Có khách xin gặp anh.
- Mời vào. - Tôi đáp lạnh lùng.
Một cô gái xinh đẹp nhưng ăn mặc chân quê ngại ngùng bước vào phòng. Cô lúng túng cất lời chào. Tôi mời cô gái ngồi ở ghế sô pha. 
- Cô gặp tôi có việc gì? - Tôi hỏi. 
- Em nộp hồ sơ xin việc làm. - Cô gái trả lời và e ngại đưa bộ hồ sơ cho tôi.
Tôi xem nhanh qua lý lịch và các văn bằng chứng chỉ. Cô bé tốt nghiệp đại học khoa kế toán tài chính loại ưu. Gấp lại các giấy tờ, tôi nói chậm rãi như thách thức: 
- Công việc khá vất vả, cô làm được không?
- Lao động để kiếm sống em không ngại... Rất mong được giám đốc nhận em vào làm việc. Em cám ơn!
- Khoan đã. Cô chưa biết tôi nhận cô vào công ty làm công việc gì mà đã vội cảm ơn à? - Tôi vừa hỏi vừa quan sát sự ngạc nhiên biểu hiện trên khuôn mặt thánh thiện của cô gái.
-  Nếu em được vào làm việc, anh phân công em về bộ phận nào của công ty em cũng sẽ cố gắng, em đã chuẩn bị tinh thần rồi.
- Cô… có thể làm người yêu của tôi không, tất nhiên là trên danh nghĩa thôi! Tôi sẽ không mạo phạm đến cô đâu. Tôi sẽ trả lương cho cô và phân bổ cô vào một khu dây chuyền sản xuất với cương vị “trưởng chuyền”... Cô sẽ có hai khoản lương, ý cô thế nào? Cô không cần trả lời tôi vội, cô có thể suy nghĩ hoặc từ chối...
Tôi đứng lên định đi ra khỏi phòng khách, giọng cô gái nói với theo:
- Anh ơi, em… đồng ý.
- Được! Hôm nay là thứ năm, đầu tuần tới cô đến chúng ta làm hợp đồng...
Cô gái ngập ngừng bước ra khỏi văn phòng. Tôi không quan tâm đến tâm trạng của cô ấy. Tôi đã chọn cho mình con cừu non xinh đẹp, cô ta sẽ là món quà tự tôi tặng cho mình để che mắt mọi người và bè bạn trong giới kinh doanh của tôi. Rằng tôi là người hoàn hảo và hạnh phúc mỹ mãn...
Chỉ có tôi và cô gái tên Giang hiểu được sự tình và mối quan hệ giữa chúng tôi theo thỏa thuận. Trước mặt mọi người trong công ty và bạn bè thân hữu, thì tôi và Giang là một cặp đôi hoàn hảo. Nhưng khi chỉ có hai, quan hệ của chúng tôi là giám đốc và công nhân. Giang giữ thái độ rất đúng mực của một nhân viên. Giang biết thân phận của mình. Giang làm việc rất chăm chỉ, nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc. Hết giờ làm mỗi chiều, Giang tranh thủ ghé qua nhà riêng của tôi để dọn dẹp, giặt giũ và chuẩn bị cơm nước cho tôi. Xong việc đã đến tám giờ tối, Giang chào tôi và vội vã về phòng trọ của mình. Ngày lại ngày Giang cần mẫn làm việc như một cỗ máy, nhưng rất vui vẻ. Nhất là đến lượt được nhận lương, tôi nhận ra được sự phấn khởi ở cô ấy. Nhiều tháng qua đi, Giang cũng thu nhập được kha khá, theo dự tính của tôi. Nhưng tiền lương Giang nhận được không biết dùng vào việc gì, mà chẳng thấy cô ấy sắm sửa gì cho mình cả. Tôi hơi thắc mắc về điều này. Có lần tôi định hỏi Giang, nhưng lại thôi. Tôi cũng không muốn tìm hiểu sâu vào đời tư của người khác. Tôi thấy Giang vất vả vì vừa làm việc ở công ty, vừa phải lo công việc nhà cho tôi, không hiểu em ăn uống nghỉ ngơi thế nào, nên tôi yêu cầu em dọn về ở trong ngôi nhà của tôi… Những buổi tiệc tùng với bạn bè quan trọng, tôi đưa Giang đi cùng. Tôi nhận ra được sự bất đắc dĩ ở cô khi đi bên cạnh tôi, hoặc khi tôi tỏ ra thân thiện tình cảm mối quan hệ của hai chúng tôi trước mặt bạn bè. Giang luôn giữ thái độ lễ phép với tôi và bạn bè của tôi, vì so tuổi đời Giang kém tôi hơn mười tuổi. Những buổi được gọi là hẹn hò như thế, Giang ăn mặc gọn gàng trông rất xinh đẹp. Bạn bè nhìn vào ai cũng ngưỡng mộ tôi... Ngày ngày Giang sống trầm lặng và làm việc bên cạnh tôi như một cái bóng. Giang chăm sóc tôi chu đáo như một đứa em gái ngoan hiền lo lắng cho anh trai. Có lẽ trong thâm tâm nàng nghĩ mình là một người làm thuê, nên phải hoàn thành tốt công việc. Có bàn tay nội trợ của Giang, ngôi nhà bề bộn của tôi trở nên ấm cúng và ngăn nắp. Có bàn tay người con gái chăm sóc, tôi thêm phần đạo mạo của một nhà doanh nghiệp trẻ. Tôi bỗng cảm nhận được không khí của gia đình hạnh phúc… Từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi thấy vui hơn, tâm trạng thoải mái hơn, tính tình cởi mở hơn, cuộc đời trở nên tươi đẹp. Có những buổi tối rỗi rãi, tôi đánh xe chở cô nàng đi dạo. Mục đích của tôi là ra ngoài hít thở không khí trong lành để suy nghĩ kế hoạch cho một dự án mới. Còn Giang thì vô tư hỏi tôi đủ điều về các di tích, các thắng cảnh... cho đến các kế hoạch kinh doanh. Có đôi lúc Giang quên mình là công nhân của tôi, nàng vui vẻ trao đổi với tôi như với một người em hay một đồng nghiệp. Tôi nhận ra Giang là người rất hiểu biết, có nhiều sáng kiến, sống chan hòa và là người làm việc có trách nhiệm...
Đầu óc đặc quánh những con số và các dự án kinh doanh, tâm hồn khô cứng của tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ mới. Hình ảnh cần mẫn của Giang, khuôn mặt xinh đẹp của cô đêm đêm hiện về chiếm lĩnh trong tâm thức của tôi. Nhiều đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi muốn gặp em, tôi muốn được ở bên em, được ôm em vào lòng… Tôi đã yêu em sao? Nhưng không, tôi không thể hành động như vậy được. Tôi phải tỏ ra mình là người đàn ông chân chính, chính tôi đã lạnh lùng thỏa thuận với em mà. Hơn nữa, vốn dĩ từ trước đến giờ tôi không thích con gái. Từ trong sâu thẳm đáy lòng mình chỉ có bản thân tôi biết vì sao một người đàn ông có ngoại hình lịch lãm, thành đạt như tôi lại không có người yêu, mặc dù có rất nhiều cô gái theo đuổi tôi.  Tôi đã thất bại từ mối tình đầu. Tôi đã bị người yêu đầu đời phản bội, bị coi thường vì tôi là kẻ nghèo trắng tay, không có sự nghiệp… Nàng đã vui cười trên sự đau khổ của tôi để bước lên xe hoa của một đại gia, nàng không quên ném vào mặt tôi những lời khinh bỉ nghiệt ngã. Trái tim tôi tan nát, kể từ đó tôi vùi đầu vào lao động và học hành. Tôi đã tự mình dành lấy những thành tựu cao quý nhất trong con đường học vấn và tôi đã trở thành nhà kinh doanh thành đạt. Cũng từ đấy đến nay trong tim tôi không có chỗ cho những cô gái xinh đẹp xung quanh mình…
Di động của tôi reo lên, tôi thoát ra khỏi dòng suy nghĩ, nhìn thấy số lạ tôi tắt máy. Nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ tối, tôi gọi với xuống lầu:
- Giang ơi! Làm hộ anh ly nước cam.
- Dạ anh! Đợi em tí. - Giang trả lời tôi ngọt ngào.
Giang mang ly nước lên đặt ở bàn máy tính và quay sang trải giường cho tôi rồi lặng lẽ đi xuống. Giang không quan tâm tôi đang nghĩ gì. Em không để ý đến tôi, em giữ đúng khoảng cách “chủ tớ” làm tôi càng nể phục em nhiều hơn. Tôi nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của em ban chiều vui cười cùng một người bạn trai trong công ty mà tôi vô tình nhìn thấy làm lòng tôi ghen tỵ. Tôi ghen sao? Nhưng tôi không biết mở lời với Giang như thế nào. Tính kiêu ngạo của tôi không cho phép tôi hạ mình trước những người con gái. Nhưng Giang cũng không giống các cô gái khác, Giang không để mắt đến tôi. Tâm can tôi rối bời trong mối quan hệ không rõ ràng, lòng bức bối…
Ngày lại ngày trôi qua, tôi tìm cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình nhưng chưa có dịp. Tôi vẫn cố tỏ ra lạnh lùng vô cảm với Giang, nhưng tim tôi nhức nhối. Giá mà tôi nói được tiếng “yêu em”, giá mà tôi được che chở chăm sóc cho em, được ôm em vào lòng… Một buổi chiều tôi đang vùi đầu vào đống sổ sách thì Giang bước vào phòng giám đốc, ngập ngừng nói: 
- Anh ơi, cho em… xin ứng tiền lương của tháng sau… được không anh?
- Em buồn cười nhỉ, tiêu xài vào việc gì mà mới lãnh lương xong lại xin ứng lương tiếp vậy? - Tôi gắt gỏng.
Giang lặng lẽ chào tôi và bước nhanh ra cửa. Chiều tối hôm ấy tôi tiếp khách hàng nên không về nhà ngay sau khi hết giờ làm việc. Khoảng tám giờ tối, tôi thấy điện thoại mình có tin nhắn. Mở ra xem thì đó là tin nhắn của Giang chỉ vẻn vẹn “Xin phép anh, em về quê có việc gấp. Xong việc em trở lại. Anh cho phép nhé, anh giữ gìn sức khỏe…”. Tôi vẫn bình thản, xong cuộc vui trở về nhà tôi mở điện thoại gọi hỏi em việc gì đã xảy ra. Điện thoại em reo vang ở ngăn tủ phòng khách. Hình như em cố tình để lại điện thoại, vì chiếc điện thoại ấy là một trong những thứ tôi mua cho em. Tôi tân trang những vật ngoài thân cho em để chứng tỏ đẳng cấp của chúng tôi. Có lẽ em biết nó không thuộc về em, nên trước khi đi em gởi trả lại tôi. Thế là tôi không còn cách nào liên lạc được với em. Vì từ trước tới giờ tôi không quan tâm đến em. Tôi không biết bạn bè em có những ai, quê quán em ở đâu, cha mẹ em là người thế nào? Tôi thấy buồn khi em không còn ở bên tôi. Lòng bỗng dưng trống vắng lạ thường. Căn nhà giờ đây như rộng hơn, một nỗi buồn man mác trỗi dậy trong lòng. Tôi thao thức cả đêm không ngủ được. Tôi hốt hoảng vào phòng em xem còn lại đồ dùng cá nhân không? Không phải tôi sợ em mang đi những thứ của tôi, mà tôi sợ em không trở lại. Căn phòng em ở rất ngăn nắp, quần áo mặc thường ngày em đã đem đi, chỉ còn lại quần áo đẹp mà tôi mua cho em thì vẫn treo ngay ngắn trong ngăn tủ. Tôi ngồi lặng trên chiếc giường nhỏ của em như cố tìm chút kỷ niệm còn sót lại. Đưa tay vuốt chiếc gối mỏng còn vương hơi ấm của em, tay tôi gạt trúng chú gấu bông nhỏ cũ kỹ được đặt trên góc chiếc gối. Tôi với tay cầm con gấu bông lên xem. Có thể đây là kỷ vật quan trọng nên em trân trọng mang theo bên mình, mặc dù nó đã cũ theo thời gian. Bỗng tôi nhìn thấy một mảnh giấy cũ được xếp trong vòng tay chú gấu rơi ra. Đó là bức tranh nhỏ vẽ bằng bút chì than của một họa sĩ không chuyên. Bức tranh quê có con đò, bến nước, dòng sông… nhưng không theo một cấu tứ của hội họa. Bức tranh cũng cũ kỹ theo thời gian có kèm theo dòng địa chỉ… Tôi đã biết em đang về nơi đâu. Lần theo dòng địa chỉ này, chiều hôm sau tôi vội vã lái ô tô đi tìm em.
Trong ngôi nhà nhỏ, người mẹ đang nằm trên gường bệnh, bà cố gượng đau để ngồi lên hỏi thăm tôi. Tôi bối rối tự giới thiệu về bản thân mình: Tôi là người yêu của Giang. Họ hàng và người làng xúm xít thăm hỏi quan tâm chăm sóc bà. Mọi người cũng vui mừng chào đón tôi như người thân về lại. Tôi cảm thấy lòng ấm áp lạ thường sau bao năm xa cách không khí chân tình, mộc mạc của làng quê. Tôi lại là tôi - chàng trai chân chất của làng quê năm nào. Tôi nhanh chóng trở thành thành viên chính thức của gia đình. Giang cũng vui mừng vì tôi đã tìm về nhà em… Cởi bỏ áo com lê,  tôi cùng Giang cắm hoa, đơm hoa quả lên bàn thờ của người anh trai cũng trạc tuổi tôi. Qua lời kể của Giang, tôi được biết: Anh là con trai ruột của mẹ đã hy sinh trên chiến trường K năm 1987. Giờ đây tôi mới hiểu Giang làm việc bằng mọi cách là để kiếm tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho mẹ, người đã có công nuôi dưỡng Giang trưởng thành sau khi cha mẹ sinh ra Giang đã mất trong một trận thiên tai. Tôi có cơ hội dùng tiền của mình vào việc chính đáng. Tôi lái xe đưa mẹ ra bệnh viện tỉnh để điều trị bệnh thận mà bà đã mang trong mình nhiều năm. Nhập viện, mẹ được các y tá, bác sĩ tận tình chăm sóc. Tôi cùng Giang ngày đêm túc trực bên giường bệnh của mẹ. Tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc thật sự  khi ở bên Giang. Tôi không thể sống thiếu  Giang… Mắt mẹ ánh lên niềm vui tuổi già vì thấy tôi hiếu thảo và yêu thương con gái của bà. Bệnh của mẹ có phần thuyên giảm… Và tôi có cơ hội bày tỏ tình cảm của mình dành cho Giang bên bến sông quê…
Kim Chung
Sóng ru
     Chòng chành sóng đánh đò đưa,
       Một đời trải gió dầm mưa với đò...
  Đi tìm lại những câu hò
       Mà sao gặp lại nghẹn ngào nhìn nhau !
    Và rồi hạnh phúc nơi đâu ?
      Chỉ còn đọng lại nỗi đau không lời...
  Nhớ sông, thương đất bời bời,
   Chia tay luôn nhớ một thời trên sông.
 Tìm trong cõi mộng mênh mông,
    Đong đưa sóng nước ru nồng giấc mơ !!
  NM
                                   Nhớ sông
Mỗi lần qua sông Cái Lớn, Giang lại nghĩ chắc tới già, tới chết, mình sẽ chẳng bao giờ rời chiếc ghe nhỏ này đâu. Cũng khúc sông này, năm Giang mười tuổi, má Giang chết. Hôm đó, trời mưa nhỏ nhưng gió nhiều, gió bạt tay chèo liêu xiêu. Nước từ vàm sông cuồn cuộn đổ ra. Chiếc ghe bạt nước tấp vô sà lan chở cát. Ông Chín, ba Giang, chống đằng mũi; má Giang, chống đằng lái. Giang ngồi trong mui ghe, ôm con Thủy vào lòng. Giang thấy rõ ràng lúc cây sào trong tay má đang chỏi vào thành sà lan trượt hướt lên, má ngã xuống, đầu má đập vào cái gờ sắt, đôi chân còn bíu vào ghe. Rồi má cong lại như chiếc võng, hụp vào sông. Giang khóc điếng, bồng con Thuỷ lồm cồm bò về đằng sau lái, Giang còn kịp nhìn thấy mái tóc má trôi loà xoà liêu phiêu trong làn nước rồi mất hút.
    Giang không hiểu tại sao mình nhớ hoài, nhớ ràng ràng cái ngày đó. Cho nên qua vàm lần nào Giang đều kéo con Thủy ra, Giang chỉ: má chết chỗ này nè. Con Thuỷ ừ hữ như không. Giang hỏi: Không nhớ à? Thuỷ lắc đầu.
    Cũng phải, lúc đó con Thuỷ còn mềm xèo, nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mui ghe. Con Thuỷ bò chán bò chê rồi nằm ngửa ra, ngó những trái cà, trái khóm, trái bí, bầu ông Chín treo lúc lỉu trên nhánh chà đằng mũi ghe. Có lẽ nó biết thân mình mồ côi mẹ nên nó dễ chịu, dễ tánh.
    Gia đình ông Chín sống hẳn trên ghe. Cảnh của ông cũng buồn lắm. Nhà nghèo, ra riêng, gia đình chỉ cho hai công đất. Năm Giang ba tuổi, Giang lên sởi. Ông Chín bán đất cứu con. Số tiền còn dư lại, ông mua chiếc ghe nhỏ đi bán hàng bông. Cả nhà dắt díu nhau linh đinh sông nước. Có lúc vừa ghé lại bờ, chưa kịp buộc dây ghe vô gốc mắm, do quẩn chân lâu ngày Giang đã chạy lên bờ, chạy cuống chạy cuống như điên trên đất. Má Giang rớt nước mắt: "Con nhỏ thiệt thòi...". Ông Chín an ủi: "Vì miếng ăn mà, mình ơi".
    Sau này khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín trôi dạt hết dòng sông này đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó còn là nơi gởi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số - má Giang. Những buổi tối, buộc ghe vô gốc tra bông nở vàng cặp mé sông, ông Chín dạy chị em Giang học. Có được chút vốn học hành nhỏ nhoi, ông dạy bằng hết. Giang lanh lợi hơn con Thuỷ, học ít mà tính rợ cực kỳ giỏi. Buôn bán lu bù mà nó tỉnh như không. Nó tính toán hết, mua rau trái, đường đậu tạp phẩm cho chuyến đi, chở than, chở củi chuyến về. Nhiều chuyến bốc than còn nóng chất dưới sạp ghe, chị em Giang nằm trên đó mà ngủ, sáng ra lưng phồng rộp. Ông Chín ứa nước mắt, cắn răng biểu: "Lần sau thôi nghen, con Hai".
    Bây giờ hỏi lại Giang nói không có con kinh, con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước ròng... Không ai nói với ai, nhưng cả nhà ông đều nghĩ, chắc là sống như vầy hoài, như vầy mãi thôi. Chị em Giang đùa nhau sau này lấy chồng, ra riêng, ba cho mỗi đứa một chiếc ghe. Con Thuỷ nói nó không lấy chồng, nó ở vậy đi bán với ba, nó nói mà giọng hơi buồn. Ông Chín nghe rồi như gió ùa về, lòng tự dưng nghe đau xót. Rồi khi hai đứa con gái ông sinh ra những đứa con, chúng lại phải sống cuộc đời lênh đênh như má chúng, ông nghĩ vậy, đâu có được. Những buổi chiều ghé đi qua thị trấn, qua phố huyện, giờ tan học nhìn đám học trò túa ra cổng trường, đám học trò áo lem mực, tay kẹp nách cái cặp, tay mang bình nước, con Thuỷ lón lén đắm đuối nhìn lên, mắt ông Chín cháy âm âm một nỗi gì đau đáu.
    Giang gặp hoài đôi mắt đó, Giang thương ông quá đi thôi. Giang lấy chồng. Chồng Giang tên Thuấn ở Ðập Sậy. Những lần đậu ghe lại buôn bán, Thuấn đều mời ông Chín lên nhà uống rượu. Nhà Thuấn không giàu nhưng cũng đủ mặc đủ ăn, có đất làm ruộng, gần trường xã. Ông Chín chọn Thuấn trước, ông hỏi Giang có ưng không. Giang ngồi chải tóc, chải tới rát da đầu, vuốt ra từ cây lược mớ tóc rối (như lòng mình rối). Giang gật. Giang lấy chồng hôm mười chín tháng hai, khi dọc những triền sông, trên những đám chùm gọng, những rặng ráng... loài chùm gởi tơ hồng phủ lên một màu vàng óng, rồi chi chít những bông hoa trắng con con như hột tấm mẳn. Mấy chiếc ghe bạn kè lại thành bè, đậu phía ngoài đập. Ðám đàn bà con gái bê những cái cà ràng nhóm củi nấu ăn trên bờ. Hiện - bên ghe bạn - cũng bày đặt đi đốn lá dừa về bẻ vòng nguyệt trên mũi ghe nhà Giang. Ngày vui của Giang mà Hiện lầm lì, có cười cười cũng héo xèo. Nửa đêm nhóm họ, rượu uống sương sương, Hiện ca Tình anh bán chiếu mà nước mắt ròng ròng. Hiện lấy mu bàn tay quệt nước mắt, trợn trạo biểu: "Rượu xứ nầy cay dễ sợ". Rồi dòm trong ghe thấy Giang ngồi xếp quần áo với con Thuỷ, Hiện kêu: "Chắc sau này mình hổng gặp được nữa, cô Hai hen". Giang ngước lên cười buồn. Con Thủy thày lai: "ảnh thương chế đó". Giang vỗ đầu em: "Thương khỉ khô gì mà không chịu nói, hả?". Con Thuỷ cười: "Chế hỏi cái bộ như em là ảnh vậy". Sáng sau, Giang mặc áo dài từ dưới ghe bước lên, ông thợ chụp ảnh chụp được một pô đẹp ơi là đẹp, đẹp nhất là quanh Giang mớ bông tra vàng rụng tơi bời lừng lững như hàng trăm cái chuông.
    Giang ở nhà chồng rồi, con Thủy buồn lắm. Nó thay Giang buôn bán cho ông Chín nghỉ ngơi sau bao ngày lèo lái. Nó lanh lợi, mau mắn không bằng Giang nhưng được nước siêng. Ngày nào nó cũng lật lịch coi, tới con nước ba mươi đi bán vùng xóm rẫy về, ghe ghé Ðập Sậy thăm chị nó. Có bữa dọn cơm nó vô thức dọn thừa đôi đũa, cái chén, ông Chín rày: "Mai mốt bay lớn bay cũng lấy chồng, chị bay đâu ở được với bay hoài". Nói vậy mà sao lòng ông cũng cồn cào nhớ.
    Ghé Ðập Sậy, Giang đòi ông Chín ở lại một đêm, cho Giang xuống ghe ngủ với con Thủy. Giang than nức nở: "Trời ơi, con nhớ ghe quá trời đất đi". Xuống ghe, Giang đưa tay rờ rẫm từng món hàng, từng miếng sạp. Trên nhà, ông Chín ngồi uống rượu với Thuấn. Thuấn uống dữ, anh toàn tợp nguyên ly. Uống xong rồi lè nhè than: "Con nuôi con Giang như nuôi con sáo, hổng biết giờ nào nó xổ lồng nó bay. Con Giang là vợ con, nó ở đây mà lòng dạ nó ở đâu á...". Ông Chín lặng người.
    Thường thì cơm nước, quét dọn xong hễ hở ra giờ nào Giang lấy xuồng chèo đi giờ ấy. Trời đất, nó đi đâu? Thuấn cười chua chát: "Hổng biết, nó chèo khơi khơi vậy đó ba à, con cũng nghi bậy trong bụng, có bữa con rình đi theo, vợ con chèo đã đời rồi nó buông chèo lụi vô đám lá, lấy tay vịn, ngồi ở đó. Rồi chèo về, vậy à". Ông Chín thở dài.
    Ðêm đó Giang nằm dưới ghe. Giang hỏi con Thủy: Vậy chớ ghe mình bán có đắt không, bây giờ ghe mình thường về đậu ở bến nào, ba còn buồn, còn uống rượu ban đêm không... Thủy trả lời muốn mệt. Con Thủy nói:
    - Anh Hiện gởi lời thăm chế, ảnh hỏi em hoài hà, hỏi vậy chớ chế lúc này vui hông? Em nói em hổng biết. Sao mà em thấy ảnh tội nghiệp thiệt. Phải chi... - Con Thủy lúng búng dừng lại rồi thẹn thò nói tiếp - Phải chi có cái gì thường được, mình thường cho ảnh.
    Mắc mớ gì mà phải bồi thường - Giang cười rồi giật mình. Con Thủy năm nay mười tám tuổi, nó lớn thiệt, lớn mau quá. Giang nhớ cái ngày con Thủy có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, nó lụi đầu giấu vô mớ cốm gạo treo lủng lẳng khóc mướt. Giang bảo không sao đâu, không sao đâu mà chực rơi nước mắt. Giang nghĩ phải chi còn má. Thủy còn có chị nó, chớ ngày đó của Giang, Giang cũng khóc mà không thể hỏi ai. Ông Chín tinh ý biết, ông lặng lẽ qua bên ghe nhà Hiện, nhờ má Hiện. Ngồi hút thuốc như ống khói tàu, lần đầu tiên ông thấy mình bất lực, vô dụng và bối rối trước đứa con gái đáng thương.
    Nhớ lại nhiều chuyện quá, Giang không ngủ được. Con Thủy bày ra chuyện lắc ghe, lắc như là ghe đang bị sóng vậy, nó biểu "chắc là chế quen ngủ vậy rồi, êm êm hổng chịu". Giang thiếp đi, thấy mình đang ở trong một cơn mơ mà giấc mơ cũng tròng trành.
    Khi ra về, nhìn bóng Giang xơ rơ đứng tiễn bên hàng me, ông Chín dặn lòng, thôi, sau nầy có nhớ thì lâu lắm mình mới ghé thăm. Rồi nó sẽ quen, sẽ quên đi. Nó phải biết cách sống với đất để nghĩ về tương lai những đứa con của nó.
    Nhưng chưa đầy con trăng đã thấy Giang khăn gói về bến Xã Xiêu. Giang lần theo mấy chiếc ghe bạn hỏi thăm rồi quá giang họ về. Ông Chín thấy Giang lòng đau bầm. Ông gằn gằn hỏi: "Con Hai! Bay đi đâu?" Giang cúi mặt: "Con nhớ ghe quá hà, con nước rồi ba không thèm ghé thăm con". Giang nói thêm, nói Thuấn cho Giang đi, chừng nào muốn về thì về, "ảnh dễ ghê vậy đó ba à". Ông Chín đâm sầm ra ngồi đàng lái, vấn thuốc rồi bập bập trên môi mà không buồn đốt. Con Thủy sợ ông giận Giang, nó men ra nói khơi: "Lâu lâu có con gái về thăm, sướng thấy mồ, ba đừng giận ba ha". Ông không trả lời, lúc đó ông đang nghĩ về một người đã khuất, lòng ông chua chát: "Tui biết tính sao bây giờ, bà ơi. Tui tính lầm một lần này rồi". Nghe con Thuỷ cười với Giang rộn rã: "Chế ngủ trên nhà riết rồi cũng quen mà, ngủ ghe vừa chật vừa nực thí mồ - Con Thuỷ nói hoài, nó thích có đất, có vườn như bên chồng Giang - Có đất để làm gì hả? Ðể trồng cây, ừ trồng cây ăn trái, trồng mít và trồng rau". Giang nhắc: "Ờ phải em ham đất lắm, hồi nhỏ ghe đậu bến nào chế cũng coi em bắt mệt, cứ xoay lưng là em chổng mông cạp đất ăn ngon lành. Ăn đất hoài bụng ỏng bụng eo luôn, nhớ chưa? ".
    Ông Chín lần vào trong, vẹt mớ bánh kẹo, giở hũ gạo ra, moi dưới đáy một chiếc hộp sắt sơn đen. Ông gọi chị em Giang lại, ông mở hộp ra, trong hộp một túi vải dây gút miệng. Ông ngồi xếp bằng, trịnh trọng, trang nghiêm như thể ông sắp đánh đổi cái gì thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Ông từ tốn lấy từ trong túi ra từng chiếc khâu vàng óng ánh, nói: "Ngày mai ba đưa con Hai về, thằng chồng bay chắc đang trông...". Giang ngước nhìn trân ông rồi cụp mắt, cúi đầu. Dốc ngược cái túi, ông Chín bảo:
    - Dành dụm cả đời ba chỉ có bao nhiêu đây thôi. Ba sẽ bán chiếc ghe nầy, về quê nội mua một miếng đất, rồi ba với con Thuỷ cuốc đất trồng rau, có gì ăn nấy. Ba đi cả đời, ba cũng mệt...
    Con Thuỷ ngỡ ngàng nhìn vào mớ vàng rồi nó lặng lẽ bò ra ngoài mũi ghe. Nó sợ còn ngồi trong đó, chút nữa thôi nó sẽ bật khóc vì thương mình, thương ba. Con Thuỷ biết khi bỏ lại sau lưng hơn nửa đời sông nước, ông Chín hẳn sẽ buồn lắm, đau lòng lắm. Trong này ông Chín biểu Giang: "Ngủ đi. Rồi ngày mai...". Ông chờ Giang quay đi rồi mới đốt nén nhang cắm trên cái trang thờ treo trên vách: "Còn bà, bà đã thành nước, thành đất, thành cỏ thành cây, cha con tui ở đâu, xin bà theo đó. Ðám cháu chắt chít của mình rồi sẽ chẳng phải chịu lênh đênh".
    Giang ngồi ở đầu vòm mui nhìn ra đằng trước. Con Thủy không biết mình đang vui hay đang buồn, nó thẫn thờ buông chân xuống nước, khỏa bì bõm, mắt hướng về chiếc ghe của Hiện đang đậu sát bờ lá. Hiện biết Giang về nên Hiện nằm ca sang sảng.

    Con Thuỷ lầm bầm: "Chắc là sau này em không gặp được anh đâu".
    Ðêm nay cũng có gió nhiều, cà bắp trong đám lá dậy hương, cái mùi dân dã không chịu được. Gió làm sóng chao ghe mà sao khó ngủ quá vậy nè.
Nguyễn Ngọc Tư