Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Tiếng chuông khuya

(Kính nhớ về ba và mẹ trong Ngày của Cha)
Tiếng chuông xưa
Chuông xưa không thanh thoát,
Âm ba lại trầm buồn...
Nhưng ngân dài nhắc nhở,
Một thời thương nhớ thương !!
NM
Tiếng chuông khuya
           Ba tôi bệnh rất nhiều, mẹ và cậu ba đã cố gắng đưa ba đi trị bệnh khắp nơi, từ thuốc tây cho đến thuốc ta ! Càng ngày ba tôi càng gầy ốm, bác sĩ nói ba bị thương hàn lại bệnh lâu không ăn được như bình thường nữa, chỉ húp nước soupe và nước gạo lức rang vàng mà thôi !
         Phòng của ba mẹ và phòng khách được ngăn bằng tấm vách tường, nhà tôi rộng bề ngang cho nên phòng khách chia hai, sát tường bên tay phải là cái divan gỗ xưa, divan nầy và cái đồng hồ cổ là hai vật kỷ niệm "dằn tâm" của người chủ trước căn nhà đã tặng lại cho ba mẹ tôi . 
           Chiếc divan được dặt sát tường kế bên cửa sổ nhỏ nhìn qua sân nhà ông Mười, hai chị em tôi ngủ trên divan nầy. Cách divan một khoảng rộng hơn một chiếc chiếu là bộ salon bằng mây có lót nệm đỏ.
          Giữa bức tường trên cao ba có làm một khung hình bán nguyệt, phía sau khung bán nguyệt có thờ hình Phật Quan Âm in trên giấy carton dầy lộng trong cái khung kính mạ vàng. Đây là hình Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, tay phải có bế một em bé trai còn rất nhỏ, tay trái cầm nhành dương liễu, quỳ dưới chân bà cũng là một bé trai lớn hơn bé trai kia tay cầm vòng càn khôn
          Khi mới dọn về nhà nầy ba mẹ qua chùa Phật Bửu Tự thỉnh tranh Phật về thờ cùng với bài vị Thần tài và ông Táo, hàng ngày khi thì mẹ khi thì ba hay cậu đốt nhan và cúng trái cây ngày rằm hoặc mồng một. Từ khi ba bệnh nhiều, ngoài người thân trong gia đình còn có hàng xóm tới thăm, trong số đó có bà Tư đầu xóm lớn tuổi nhất, bà khuyên mẹ qua chùa quy y và thỉnh kinh về đọc cho ba, mong ba có thể được Trời Phật gia hộ mau chóng khỏi bệnh 
         Ba bệnh nhiều nên  mỗi một lần người lớn hoặc chị em tôi có việc phải đi ngang qua cửa buồng của ba thì ba thường nhíu mặt, đi khẻ cách mấy ba cũng nghe và khó chịu trong người, cho nên mẹ hay chắc lưỡi ngó làm chúng tôi càng sợ, không dám nhìn và thật ra người lớn cũng không cho con nít vô sợ truyền nhiễm !
          Ba cứ nằm như vậy mà không thuyên giảm, thế là mẹ nghe theo lời bà Tư qua chùa Phật Bửu Tự chính thức quy y, mặc dù những rằm lớn mẹ cũng dắt hai chị em tôi qua chùa lễ Phật, ba mẹ con cũng lạy sám hối như Phật tử của chùa, có điều là vì hãy còn nhỏ nên chị em tôi giữa chừng thì thiu thiu ngủ ! Những năm tháng nầy Phật tử không mặc quần áo xám hay áo tràng như bây giờ, bà Tư và mẹ chỉ mặc nguyên bộ bà ba tay dài khi thì màu trắng lúc áo hoa nhỏ màu nhu ....
          Sư ông trụ trì khuyên mẹ thỉnh kinh Pháp Hoa, kinh Nhật tụng, kinh Sám hối. Đêm v yên tĩnh mẹ ngồi xếp bng trước bàn thPhật tụng kinh cầu nguyện. Nghe theo lời mẹ dẫn giải, ban đầu trước khi đi ngủ hai chị em tôi cùng ngồi sau lưng mẹ, cũng đứng lên, quỳ xuống giống mẹ, vì hãy còn con nít cho nên em tôi ngủ hồi nào không hay, còn tôi tuy buồn ngủ nhưng cũng ráng ngồi....Sau nầy mẹ không bắt chúng tôi quỳ sau lưng mẹ nữa, mẹ cho chị em đi ngủ sớm, tuy nằm trong mùng nhưng chúng tôi vẫn nhìn rõ mẹ trong bộ bà ba lụa trắng quỳ trước bàn thờ đọc kinh cho ba. Em tôi ngủ nhanh vì tiếng kinh nho nhỏ êm tai, riêng tôi không hiểu sao hay vạch mùng ló đầu nhìn mẹ đọc kinh
           Nhìn mẹ rồi nhìn hình Phật Quan Âm cũng trong xiêm y lụa trắng, tôi thấy sao mẹ giống Phật vô cùng, tiếng mẹ đọc kinh nhỏ đều, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông đánh khẻ ngân nga, thêm vào đó mùi nhan trầm lan toả xen với mùi hoa dạ lý hương nở về đêm làm tôi cảm thấy dễ chịu, một niềm an ổn vô biên thật nhẹ nhàng nhưng ấm áp lan toả, tôi không muốn ngủ dù rất buồn ngủ...
         Mẹ chỉ đánh chuông mà không gỏ mõ, tiếng mõ tuy không lớn nhưng ba không chịu được, một điều lạ lùng là mỗi tiếng động nhỏ hay tiếng chân đi thật khẻ cũng làm ba khó chịu chắc lưỡi, nhưng mỗi đêm tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông điểm nhẹ ba lại ngủ yên giấc hơn !
        Bỗng nhiên ba không húp cháo hay soupe nữa, mọi người thật sự lo lắng, bà Tư an ủi khuyên mẹ cứ nhẫn nại đọc kinh cứu khổ cứu nạn cho ba....Tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi thấy thương mẹ vô cùng, ba bệnh không đi làm được, lương của ba không đủ cho chi phí thuốc men, ban ngày mẹ phải làm sổ sách hụi hàng, mẹ còn theo bà Tư hướng dẫn mua bán cẩm thạch và hột xoàn thêm mới đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Tối về, sau khi xong mọi việc thì mẹ lại lo kinh kệ cầu nguyện cho ba !
           Có một đêm ba trở bệnh nặng hơn, mẹ dắt hai chị em vô phòng thăm ba, nghe tiếng mẹ gọi, ba chỉ mở mắt lờ đờ nhìn rồi lại nhắm mắt hình như khó chịu trong người, mẹ lại dắt hai chị em đi ra, lần đó tôi thoáng thấy mẹ và cậu khóc ! Ba ra dấu than lạnh, cậu ba lấy khăn hơ trên than nóng đắp lên trán, trên tay và chân cho ba, nước mắt cậu rơi trên than nghe xèo xèo !
          Rồi mẹ cố gắng đọc kinh, tiếng mẹ đọc nhỏ nhưng không đều đều như trước mà thỉnh thoảng ngắt quảng, chắc mẹ khóc âm thầm như cậu! Đêm đó mẹ đọc khuya thật khuya, mẹ ra dấu kêu tôi ngủ không cho ló đầu ra ngoài mùng nữa!
        ....Thức hơi khuya, cho nên buổi sáng hai chị em tôi dậy muộn, nắng rọi từ cửa sổ phòng khách xuyên qua mùng làm chị em tôi tỉnh giấc, cũng ngạc nhiên vì không ai đánh thức. Trong phòng ba có tiếng nói của mẹ và cậu cùng vài người hàng xóm, mọi người nói chuyện bình thường không khe khẻ như trước! Một việc khác thường chưa từng có trong thời gian ba bệnh nặng, lúc trước ai đến cũng đi thật khẻ, nói thật nhỏ, vô thăm ba xong đi ra phòng ngoài mới dám nói chuyện với mẹ
          Tò mò không giữ ý nữa, tôi và em gái chạy vào phòng xem sao thì thấy ba đã mở mắt, mặt ba tỉnh táo và sinh động hơn, ba không khó chịu khi có đông người....Theo lời ba kể lại sau nầy, đêm đó ba thấy mệt mõi vô cùng, người bứt rứt nặng nề mà không mở miệng nói được, tuy nhiên ba vẫn nghe tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông gỏ nhẹ bên tai.....Ba nghĩ rằng có lẻ ba sẽ không qua khỏi cơn bệnh nầy, ba nói đột nhiên ba chảy nước mắt, lúc ấy ba bỗng thấy có một bà rất đẹp như bà tiên mặc bộ đồ lụa trắng dài đứng bên giường cúi nhìn ba và nói với ba là :"Mệt lắm phải không con, bây giờ cố gượng nhổm cái lưng lên bà sẽ bế con xê qua phía bên kia con sẽ đở mệt!!"
         Như có một sức mạnh huyền bí nào đó tự nhiên ba nghe theo cố gồng cho lưng mình cong lên và bà đó lòn hai cánh tay xuống dưới lưng ba đưa ba qua phía bên kia giường, lúc đó ba nói người ba như có luồng gió mát thật nhẹ nhàng, ba cảm thấy như mình qua một giấc ngủ dài, không nóng nảy, không nặng nề và tỉnh lại thật bình thường !!
           Mọi người đều mừng và chúc ba sớm bình phúc, ba cảm thấy đói bụng đòi ăn cháo !! Và từ từ sau hôm đó ba khoẻ lại, ba ngồi lên được và cậu dìu ba đi chầm chậm trong nhà ....Mọi người đều nói đó là nhờ công đức của mẹ đã hết lòng trì tụng cầu nguyện cho ba
           Ngày ba khoẻ lại hẳn, bà ngoại ở Bạc Liêu lên, bà con bên ngoại ở Xóm Củi, bà con bên nội ở Tân Định đều ghé thăm, nghe mẹ kể lại câu chuyện nằm mơ của ba ai cũng tin đó là Phật Quan Âm chứng cho lòng thành của mẹ, em gái tôi ngây thơ hỏi ba :"Như vậy bà đó  ẵm ba thiệt hả ba, sao bà ẵm ba nỗi, sao con thấy ba vẫn nằm chỗ nầy mà ?"
           Câu hỏi ngây thơ của em làm mọi người ai cũng cười, tôi thấy ba nhìn lên bàn thờ và nói "Nét mặt của bà đêm hôm đó cũng hiền từ nhân hậu như hình Phật Bà thtrên trang...!"
          Ông nội vừa qua đời xong thì tới ba tôi bệnh....Giờ đã qua hết rồi "tang khó", bà con chúc ba mẹ sẽ có hai em trai khôi ngô tuấn tú như  hai em bé trong hình thờ Phật...
          Mẹ và ba tôi lần lượt qua đời hơn 30 năm, không gia sản để lại cho con, cái còn lại duy nhất là cái chuông ngày xưa, tấm hình Phật Quan Âm cùng hai bé trai cũng mục nát, kệ khung thờ bằng gỗ bị mối ăn, sau nầy mẹ thỉnh lại tượng bằng gốm, Tiếng của chuông không còn trong và ngân nga như xưa, nhiều lần đi chùa nghe tiếng chuông mới tuy nhỏ nhưng ngân vang, tôi có ý muốn thỉnh cái chuông khác....Nhưng tôi lại chạnh lòng, đây là cái chuông duy nhất còn sót lại của căn nhà bé thơ năm xưa sau nhà lầu năm tầng, đây cũng là di vật của mẹ cha để lại, kỷ niệm một thời hạnh phúc đầm ấm lúc còn ba mẹ cùng hai chị em tôi khi chưa có hai em trai
          Và tôi lại đổi ý, đây là chuông của kỷ niệm nghĩa mẹ tình cha, tiếng chuông linh ứng hoà với tiếng đọc kinh của mẹ đã đưa ba vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, tiếng chuông đánh động lòng từ bi của Đức Phật, cho nên dù chuông có rè không ngân nga, không sáng bóng như xưa nhưng đó là một báu vật mà tôi cần phải luôn gìn giữ !!
NM - Phan thị Ngọc Diệp
(Đạo Phật và Tôi - Thời thơ ấu)

Tiếng Chuông Chiều

Tiếng chuông chiều,
Trong tĩnh mịch tiếng chuông chiều vang vọng,
Thức tỉnh người trong bể khổ trầm luân...
Ngỡ là xa nhưng người lại rất gần,
Luôn nguyện hướng chúng sinh về bờ Giác !
NM
              Tiếng chuông chiều 
Chuông chùa vang lên ngân dài trong không gian tĩnh lặng chiều tà. Nắng đã tắt, mặt trời đã khuất sau dãy núi xa xa. Gió nhẹ đưa đẩy những tán lá
Bà Mận ngừng tay nhặt rau đưa mắt nhìn lên. 
Trên tháp chuông, giữa cổng tam quan của ngôi chùa, sư thầy đang thong thả đánh từng tiếng chuông. 
Boong... booong... booooong... boooooong
Không cần nhìn thêm bà Mận cũng biết rằng sư thầy sắp gõ nhẹ hơn và dừng lại. Bàn tay nhặt rau của bà cũng nhanh hơn. Vậy là đã năm giờ rưỡi rồi. Bà cần phải chuẩn bị một bát xúp nhỏ cho sư thầy. Hơn mười năm làm công quả bà đã quá quen với mọi sinh hoạt thường ngày của chùa 
Tiếng lạch cạch ngoài cổng. Vẫn không ngẩng lên bà Mận lẩm bẩm: 
- Vẫn không thay đổi. 
Tiếng bước chân của sư thầy nhẹ nhàng đi lướt qua phía sau bà. Tiếng lọc cọc của cánh cửa làm theo lối ngày xưa vang lên. Bà Mận cầm rổ rau đi lại giếng nước. 
Vít cái cần cho chiếc gầu đầy nước, bà Mận nhẹ nhàng thả tay để chiếc gầu tự chạy lên nhờ sức nặng của mấy hòn gạch buộc ở cuối cần. Vẫn là thói quen của bà từ ngày còn ở nhà với mẹ. Xưa nhà bà cũng có một cái giếng. Cha bà cũng làm cần kéo nước như thế này. Cái giếng này có từ bao giờ bà cũng không biết. Gần hai mươi năm trước khi bà về đây đã có rồi. Các cụ trong làng bảo giếng này dễ có đã ba trăm năm. Giếng xây bằng đá ong, thành dầy, nước trong. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. 
Mấy chú tiểu nhỏ cũng đã xong công việc buổi chiều. Sau tiếng chuông của thầy trụ trì các chú lặng lẽ sửa soạn cho buổi lễ sám hối vào lúc sáu giờ.
Bà Mận nhanh chóng vào bếp. Một bát xúp rau nhỏ. Chiều nào cũng vậy. Hơn mười năm rồi vẫn vậy. Chỉ cần hai mươi phút là bà làm xong. Vậy là vẫn kịp cho buổi lễ sám hối. Bà thầm nghĩ. Vừa nấu bà vừa đưa mắt nhìn ra sân. Thầy trụ trì đã đắp y và đang đi ngang qua sân để vào chính điện.
Gần ba mươi năm trước, chính xác là hai mươi tám năm chín tháng và mười sáu ngày, bà gặp người ấy. Lúc đó bà mới ngoài bốn mươi. Chồng mất cũng vừa qua giỗ đầu. Một mình sống cùng con gái nhỏ. Công việc nghiên cứu của chị ở cơ quan cũng không nhiều. Sáng bảy giờ rưỡi ra khỏi nhà. Chiều ba rưỡi rời cơ quan. Sáng thứ hai lên họp. Các ngày khác có thể ngồi nhà làm việc. Chị về Hà Nội và chuyển về cơ quan này đã sáu năm. Công việc chỉ có vậy. Thời gian biểu luôn như vậy. Thỉnh thoảng mấy đứa bạn thời đại học lại í ới gọi đi ngồi thiền. Thiền tại quán cà phê. Tán gẫu. Ngồi im. Cả buổi có khi chỉ nói dăm ba câu. Đứa nào đứa nấy cắm đầu vào điện thoại. Wifi miễn phí mà. Mấy đứa bạn xúi chị lên mạng kết bạn.
Chị gặp người ấy trên mạng. Đọc hồ sơ. Không thấy ảnh. Chẳng ấn tượng. Chào hỏi mấy câu rồi out. Rồi đột nhiên người ấy biến mất. Chị cũng không để ý. Bẵng đi hơn chục hôm lại thấy người ấy online và nói chuyện. Tự nhiên chị hỏi: Lâu không thấy. Đi công tác. Đi đâu? Nước ngoài. Nước nào?...
Không có trả lời. Chị nhận được một tấm ảnh. Người ấy đang ngồi giữa đám trẻ con nghèo ở một đất nước xa lạ. Nụ cười tươi, rạng rỡ. Một cảm giác rất lạ. Một cái rùng mình. Một dòng điện chạy dọc xương sống chị. Yêu mất rồi. Yêu rồi.
Tiếng chuông vang lên. Tiếng thầy trụ trì. Một chất giọng đặc biệt. Khỏe, trầm, vang. 
... Ngày nay đã qua 
Mạng sống giảm dần 
Như cá cạn nước 
Có gì là vui 
Đại chúng phải siêng tinh tấn... 
Bà Mận không còn nghe thấy mọi âm thanh bên ngoài nữa. Tay bà chắp trước ngực, mắt nhìn hướng lên tượng Phật ngồi giữa tam bảo. Giọng thầy trụ trì vẫn đều đều vang lên. Xung quanh bà mọi người vẫn đang chắp tay đọc bài sám hối. 
... Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay 
Bỏ mất bản tâm, không biết chính đạo 
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm 
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau... 
Đầu óc bà không còn tập trung được nữa. Tâm trí bà ngập tràn những kỷ niệm ngày xưa. Bà và người ấy. 
Bà và người ấy gặp nhau lần đầu tiên tại quán cà phê ngay dưới nhà bà. Không vồn vã, không lạnh nhạt. Hai người nói chuyện bình thản với nhau. Nhưng sao chị cứ nhìn người ấy. Nhìn chăm chú, nhìn không chớp mắt. Một cái gì đó chạy dọc thân người. Làn môi trên của chị hơi giật giật. Sao vậy. Sao mình lại như vậy. Ý nghĩ chợt đến trong đầu. Trấn tĩnh lại đi nào. Tránh bối rối chị phải cầm cốc nước uống một ngụm thật nhiều. Được rồi. Những e ngại của lần đầu tiên gặp mặt nhanh chóng trôi qua. Chị và người ấy nói chuyện vui vẻ và hợp.
Ngày xưa, những lúc bên nhau, chị vẫn thường ôm anh. Hít hà. Chị vẫn tự hỏi. Sao anh không tỏ thái độ gì? Sắc mặt anh vẫn vậy. Không một biểu hiện. Không một cử chỉ. Không một cái cau mày. Không một nụ cười. Đồ lạnh lùng. Đồ khô khan. Chị biết vậy nhưng sao vẫn cứ ôm lấy anh. Vẫn không rời được.
Đã có lúc tình cảm trỗi dậy mạnh mẽ. Chị biết vậy. Sau này em sẽ theo anh đi bất kỳ chỗ nào. Anh đi tu em sẽ đến cổng chùa. Không cho anh đi. Chị nhớ đã từng nói vậy. Anh vẫn im lặng. Vẫn ôm chị. Không lắc. Không gật. Nét mặt vẫn không thay đổi.
Anh biến mất. Không một lời nhắn. Không một cuộc điện thoại. Chị như phát điên. Mọi người thân bạn bè đều không biết anh ở đâu. Chùa nơi anh đã từng dẫn chị đến không có. Nhờ vả. Tự tìm. Mất công. Không thấy. Chị cất công vào tận Đà Lạt, vào tận Tiền Giang. Xuống tận Cà Mau. Rồi Vĩnh Phúc, Lào Cai. Chị đều đã đến.
Mười năm dù không là vợ chồng nhưng có quá nhiều ân nghĩa. Quá nhiều điều còn đọng lại, còn như mới hôm qua. Chị đã thành người của anh mất rồi. Chị vẫn thường nói vậy. Anh biến mất. Biến mất khỏi cuộc đời chị như biến mất khỏi cuộc sống này. Chị nghĩ và cứ đi tìm. Anh không thể bỏ chị lại như vậy được.
Mười năm sau ngày người ấy biến mất, bà tìm đến làng quê heo hút này. Mua một mảnh đất, cất một ngôi nhà. Nhỏ mà ấm cúng. Một mình vẫn ấm cúng. Con cái từ thành phố đến nhiều lần. Khẩn khoản có. Van nài có. Ép buộc có. Cầu xin có nhưng không đưa được bà trở về. Bà quyết rồi. Bà sẽ ở đây. Ở cạnh cổng ngôi chùa này.
Bà đã tìm thấy người ấy. Tìm thấy tình cờ. Mười năm. 3.650 ngày đằng đẵng. Bao chuyến đi bà cũng không còn nhớ nữa. Bao địa danh bà đã đặt chân đến. Bao ngôi chùa, bao nhà sư bà đã gặp. Không đếm được. Tấm ảnh của ông đã làm thêm bao nhiêu chiếc bà cũng không còn nhớ. Bà đến đây vào một buổi chiều tà. Nắng đang tắt dần. Tiếng chuông chùa vang trong không trung. Chậm rãi. Chậm rãi. Từng tiếng một. Từng tiếng một. Toàn thân bà chợt rung lên. Lâu lắm rồi. Hình như từ ngày ông đi bà chưa nghe thấy tiếng chuông chùa lần nào. Không biết có phải vì nỗi nhớ ông mà bà không nghe thấy.
Tâm trí bà như dừng lại. Nỗi khắc khoải nhớ. Sự mong mỏi đi tìm chợt biến mất. Tiếng chuông như những đợt sóng cứ dồn dập, hết lớp này đến lớp khác dội đến. Xoáy vào tâm trí bà. Bao mệt mỏi chợt tan biến. Nỗi nhớ cũng không còn. Một cảm giác nhẹ nhàng, an lành cứ trào dâng.
Đúng ông rồi. Chỉ có ông mới có cách đánh chuông như vậy. Tiếng chuông như những vòng tròn, hết lớp này đến lớp khác dội vào tâm trí khiến bất kỳ ai nghe thấy đều phải chú ý. Người tâm trí tĩnh lặng thì dừng lại lắng nghe. Người mải lo những chuyện cơm áo gạo tiền thì cố gắng đi thật nhanh hoặc cầu mong tiếng chuông sớm dứt. Ý nghĩ của bà vừa dừng lại ở đấy thì một giọng nói cất lên: 
Nghe tiếng chuông ngân phiền não nhẹ 
Trí tuệ lớn, bồ đề sinh… 
Ông. Đúng là ông rồi. Bà không thể quên được giọng nói của ông. Cách nói của ông. Đấy là câu mà khi đi cùng nhau chị vẫn nghe anh nói. Nói mỗi khi nghe tiếng còi xe. Hết nói lại ngân nga. 
Nghe tiếng chuông ngân, phiền não nhẹ. 
Tiếng chuông lảnh lót vang lên. Đại chúng đồng thanh chuyển sang bài kinh Bát Nhã. Bà Mận giật mình. Vội đọc theo. “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế... cho nên trong tướng không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới...” 
Đúng rồi. Mọi sự trên đời đều có nhân duyên. Tất cả đều do nhân duyên mà hợp mà tan. Nhân duyên mà anh và chị có mặt trên cõi đời này. Nhân duyên mà anh và chị gặp nhau. Nhân duyên mà tan mà hợp. Nhân duyên bà lại tìm thấy ông.
Gần hai mươi năm. Trước cổng ngôi chùa. Xin làm công quả. Bà làm việc của mình. Ngày hai bữa chính, một bữa phụ. Thầy trụ trì không phàn nàn. Không một lời chê trách. Bà nấu gì thầy ăn nấy. Chay, chay và chay. Bà cũng thấy cuộc sống yên bình. Ngày tháng trôi. Cứ trôi. 
Chờ mọi người ra hết, bà Mận đến trước tượng Phật quỳ xuống chắp tay. Trên cao, ánh mắt Đức Phật từ bi. Cúi sát đầu xuống đất. Hai bàn tay ngửa lên như đón nhận bàn chân Đức Phật. Tâm trí bà vang lên giọng ông ngân nga
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
 Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
 Trí Thanh
(daibieunhandan.vn) 

Truyện Ngắn Tiếng Chuông Vọng Xa

4. Tiếng chuông Giao Thừa
Chúng tôi đinh ninh rằng chúng tôi là những người hồi cư sớm nhất, nhưng không phải. Về đến địa hạt Dương Xuân Thượng, chúng tôi biết rằng đã có nhiều gia đình về trước chúng tôi đến cả nửa tháng. Trên con đường núi đưa về chùa, cỏ mọc che cả lối đi. Chú Tâm Mãn đẫn đầu đoàn người hồi cư, có vẻ nóng nảy hơn hơn ai hết. Thật ra, trong số sáu người hồi cư, không ai là không mong cho mau về đến chùa. Xa chùa đã mấy tháng, chúng tôi không mong sao được. Những người lớn tuổi điềm đạm và lặng lẽ nhất cũng tỏ vẻ sốt ruột. Chúng tôi về chùa như một đoàn thám hiểm núi rừng: mọi người phải vạch cỏ bẻ lau cho có lối đi Tất cả đều mặc áo ngắn, kể các thầy. Áo tràng và áo nhật bình chúng tôi đều cuốn bỏ chung với những dụng cụ, mang trên vai hoặc xách nơi tay. Tất cả đều mệt mỏi rã rời. Chúng tôi đã trải qua năm sáu ngày đi bộ đường trường còn gì! Về gần đến chùa bao nhiêu lo ngại hình như đã tiêu tan. Xóm làng rải rác trên các nẻo núi đồi tuy còn mang nặng vẻ lặng lẽ khiếp sợ, nhưng cũng đã phảng phất có sinh khí. Chúng tôi thấy nhẹ nhõm cả tâm hồn. 
- Chùa kia rồi!
Chú Tâm Mãn buột kêu lên một tiếng vui mừng. Dưới bóng những cây thông cao vút, mái tam quan của chùa hiện ra như một hình bóng quen thuộc và thân yêu từ những tiền kiếp xa xưa nào. Không ai là không cảm động. Tôi băn khoăn không biết dì Tư có an ổn không, có còn mạnh khỏe trong cảnh đạn lửa tơi bời. Hồi chúng tôi được giấy buộc phải tản cư, dì Tư đã nhất quyết xin ở lại chùa. Chúng tôi khuyên can thế nào cũng không được. 
- Xin các Thầy và các Chú cứ về quê để mà lánh nạn. Các Thầy và các Chú cần sống để làm việc cho đạo. Tôi xin ở lại giữ chùa. Không can gì đâu, tôi già cả rồi, Với lại dù có gì đi nữa, tôi cũng không tiếc. 
Chúng tôi dùng đến cả uy lực nữa, nhưng cũng không lay chuyển được dì. Cuối cùng, phải để cho dì ở lại. Tôi đã cẩn thận chỉ chỗ cho dì ẩn núp mỗi khi có tiếng súng nổ. Tôi cũng đã chỉ cách cho dì giấu gạo và thức ăn ở một nơi kín đáo. Xong cả đâu đấy và sau khi cầu Phật cho dì ở lại bình yên, tôi mới theo các Thầy và các Chú lên đường.
Vì vậy nên khi trở về, tối cứ băn khoăn lo ngại mãi, không biết dì ở nhà có bình an không. Nhưng nỗi lo ngại liền biến mất khi chúng tôi bước vào tam quan chùa. Từ xa, tôi nhận ra bóng dì Tư với chiếc áo nâu dài bạc màu, đang múc nước bên suối. Chú Mãn gọi tên dì thật to. Dì bỏ thùng xuống nhìn lên. Khi thấy bóng các Thầy và chúng tôi, dì lật đật chạy ra, và cảm động quá dì không nói năng được. Dì chỉ khóc.
Mái chùa bị đạn hư hỏng mất nhiều chỗ. Tường chùa cũng lỗ đỗ những vết đạn. Cảnh vật có vẻ tiêu điều hơn trước. Tuy nhiên ngoài những vết đạn kia, chùa không bị thương tích nào quá nặng đến nổi phải hư đổ như những nơi khác. Nổi vui mừng thứ nhất của chúng tôi và của dì Tư là số người tản cư trở về không hao thiếu một người nào.
Hôm chúng tôi trở về chùa là hôm hăm bảy tháng chạp. Cho đến chiều hôm đó, chúng tôi mới được ăn một bữa cơm nóng sốt và tươm tất, do dì Tư sửa soạn. Trong mấy tháng trời, chúng tôi ăn uống thiếu hụt kham khổ; không có bữa nào có thể gọi được là bữa, Một lít tương làm thức ăn cần thiết thì đã được pha loãng bao nhiêu lần trong những lít nước muối. Những chén cơm trộn đến hai phần ba khoai sắn bao giờ của được “tiêu thụ” một cách ít oi chừng mực. Thêm vào đó cái khổ không giường không chiếu làm cho chúng tôi ai cũng ốm và đen.
Sau khi dùng cơm, tất cả đều ngủ vùi một giấc mê mệt cho đến sáng. Qua ngày hôm sau, chúng tôi mới bắt đầu chương trình “kiến thiết”. Những đồ đạc trong chùa đều được lau chùi sửa soạn lại. Chúng tôi quyết dọn phòng xá, sắp đặt những đồ vật ngổn ngang. Định sửa soạn để ăn một cái Tết hồi cư.
Và suốt ngày hôm ấy, chúng tôi vui vẻ như đã thấy nét mặt của hòa bình. Nhưng tối đến, không khí chiến tranh và của chết chóc trở lại. Tiếng súng nổ ran bốn phía. Đạn bay vèo vèo trên mái ngói. Mọi người ngồi yên trong liêu phòng, cửa đóng kín mít. Thỉnh thoảng, ánh sáng của một trái châu từ đồn canh bắn lên, chiếu qua những kẹt cửa. Tiếp đến, những tràng liên thanh nổ ròn liên tiếp
Tôi ngồi với chú Mãn trong nhà hậu, bên ánh đèn dầu lù mù. Chúng tôi nghĩ đến cảnh tượng chết chóc đang diễn ra bên ngoài và cùng lặng lẽ niệm Phật cho những người xấu số, nhưng rồi thời khắc qua. Đêm hăm tám trở lại yên tĩnh, nhưng một sự an tĩnh luôn luôn bị đe dọa.
Từ hôm trở về chùa đến nay, buổi tối và buổi khuya chú Mãn không thỉnh đại hồng chung nữa. Bởi vì dì Tư không cho. Dì bảo rằng có một buổi tối (hồi chúng tôi đi khỏi) vừa lên lầu thỉnh được năm sáu tiếng chuông thì dì nghe có tiếng động bên dưới. Lật đật chạy xuống, dì thấy năm sáu ông tây đang hung dữ đi vào. Họ chỉ súng vào dì đe dọa và ra hiệu không cho dì thỉnh chuông nữa. Có lẽ họ sợ rằng tiếng chuông là một ám hiệu của địch quân. Hay có lẽ vì họ ghét không muốn nghe tiếng đại hồng chung cũng nên. Từ đó, mỗi buổi tối và buổi khuya, dì không dám thỉnh chuông nữa. Tối hôm chúng tôi về, dì đã căn dặn chú Mãn.
- Buổi tối và buổi khuya mà không có tiếng chuông thì thấy nhạt nhẽo làm sao ấy. Dì chép miệng.
Mà thực thế. Không có gì nhạt nhẽo và lạnh lùng bằng những buổi tối thiếu tiếng đại hồng chung. Không khí trong chùa trở nên buồn tẻ. Núi rừng cũng tăng vẻ hoang dại. Tiếng dế trở nên dày dặc và thê lương hơn. Ở chùa, thường thường mỗi buổi khuya chúng tôi thức dậy lúc bốn giờ. Sau khi rửa mặt rửa tay xong, chúng tôi ngồi bán già trên “đơn” của mình, lắng nghe tiếng đại hồng chung và thực hành phép tĩnh tọa hay niệm Phật. Bây giờ, buổi khuya không có tiếng chuông. Chúng tôi thấy thiếu một cái gì rất quan trọng. Tôi không ngồi tĩnh tọa được nữa. Hai ba bữa nay, chúng tôi phải rời “đơn”, ra bàn thắp đèn bạch lạp ngồi học bên nhau để tìm sự ấp áp và cũng để quên rằng chùa không thỉnh chuông. Những buổi tụng niệm công phu cũng trở nên thiếu thốn buồn tẻ. Tiếng chuông gia trì nhỏ quá, yếu đuối quá, không đủ sức xua đuổi bầu không khí ảm đạm và lặng lẽ của núi đồi, trong những buổi đêm tối đen và những buổi khuya mịt mờ sương phủ. 
Tuy nhiên chúng tôi không muốn để cho cái Tế trở về trong không khí buồn tẻ âm u ấy. Vâng lời các Thầy, chúng tôi đem lư trầm, chân đèn và các đồ thờ lau chùi cho thật bóng. Dì Tư đã nhân khi rảnh việc, đi chặt về những lá chuối. Dì đã ngâm nếp và đỗ xanh
- Thế nào tôi cũng nấu được một nồi bánh tét cho các chú xem. Ấy thế là dì bắt tay vào việc. Chúng tôi vui lòng giúp đỡ dì. Nhưng đến hôm hăm chín Tết, chú Mãn có một ý rất hay:
- Mình làm mứt ăn Tết, thưa chú.
Thoạt tiên tôi không biết nên làm mứt với cái gì
Nhưng chú Mãn giải thích ngay
- Mình chỉ làm mứt “bình dân” thôi, bằng khoai lang và bằng củ sắn mì.
Chúng tôi liền hăng hái thực hành ngay. Khoai và sắn thì thiếu gì ngoài vừa chùa.
Dì Tư sợ người ta vào đào trộm sắn, đẵn chặt sát gốc tất cả vườn sắn từ mười lăm hôm nay. Những đọt sắn non vừa lên chừng một tấc tây; đứng ngoài nhìn vào, người ta tưởng đó là một vườn sắn trồng chừng một tháng. Sắn một tháng làm gì đã có củ! Nhờ thế vườn sắn đang còn nguyên vẹn, chưa bị đào trộm như vườn khoai
Đường thì chúng tôi nhờ dì Tư mua thứ đường đen, ở cái chợ xép họp tạm dưới đồi Dương Xuân. Dì Tư đã khéo léo mua thêm một ít vừng. Thứ mứt của chúng tôi chẳng qua là một thứ khoai ngào, có trộn vừng rang. Thế thôi! Nhưng như thế cũng đã là sang chán đối với một cái Tết hồi cư nghèo khổ.
Điều an tâm nhất là chúng tôi đang còn lúa để xay ăn dần cho đến mùa gặt sang năm. Trước hồi tản cư, sáu bảy thầy trò đã hì hục đem chôn lúa sau vườn, trong những cái chum sành rất lớn. Chúng tôi đào dần lên từng chum, xong lấp đất như cũ. Sang năm, ruộng chùa thế nào cũng cung cấp kịp cho chúng tôi.
Đêm ba mươi. Nồi bánh chưng sôi sùng sục ở giữa nhà. Tất cả đều bắt ghế ngồi quanh đống lửa, từ các Thầy các Chú cho đến dì Tư. Trời hơi lạnh. Một vài tiếng súng lẻ tẻ. Chúng tôi ngồi thức và nói chuyện, đợi giờ đón giao thừa và lạy vía Đức Di Lặc. Ngoài kia, trời tối như hũ nút, chỉ có một vài vì sao lộ ra yếu ớt trên nền trời đen kịt.
Tết năm nay, chúng tôi chỉ có bảy người. Bởi vì trên đường trở về, vị Thượng tọa thầy tôi và bốn thầy khác đã thuận bước ghé thăm một ngôi chùa cổ bị tàn phá. Chúng tôi ba thầy và ba trò đã trở về trước. Mãi cho tới hôm nay, Thượng tọa chưa thấy về.
Ngồi bên đống lửa, tôi nghĩ nhiều đến vị trưởng lão đáng kính ấy. Hôm tản cư, thầy khuyên chúng tôi lên đường, nhưng chính thầy tôi lại không đi. Thật ra, trong đại chúng không ai muốn đi tản cư cả. Nhưng lệnh đã đưa ra, bắt toàn xóm tản cư, chùa cũng không thể không đi. Đại chúng đã bạch rằng Thượng tọa không thể ở lại một mình, và nếu Thượng tọa ở lại, tất cả cũng đều nhất tâm ở lại, mặc dù trái với lệnh chính quyền. Cuối cùng, Thượng tọa phải miễn cưỡng theo các thầy để đi lánh nạn. Ngài nói:
- Nếu quả đại chúng đã gây nhân tai nạn thì dù ta có lánh đi đâu cũng không trốn khỏi tai nạn.
Lời nói ấy, tôi còn ghi nhớ mãi và bây giờ tôi mới nhận được tất cả sự thật mà nó hàm chứa. Biết bao gia đình nghèo đã an toàn khi họ ở lại. Biết bao gia đình giàu có đã tan rã thảm thương vì đi lánh nạn. Đi lánh nạn, những người này lại tìm thấy taì nạn. Nói như lời của dì Tư mà đúng: “Thời này, tai ương hoạn nạn đầy đường. Lấy đức mà đo chứ không thể lấy sự giàu có khôn ngoan mà đo được”. Có lẽ chiếc áo giáo phòng thân chắc chắn nhất là tâm đức của mình, là sự ăn ở theo lẽ phải của mình. Họa phước đều do con người tự tạo ra, không phải do một sự tình cờ nào đưa đến
Dì Tư đã vớt ra khỏi nồi những chiếc bánh tét đầy đặn, hơi lên nghi ngút, bánh đã chín. Giờ cúng giao thừa cũng sắp đến. Chúng tôi sửa soạn hành lễ. 
Trầm hương xông ngất. Tôi ra đứng ở gác chuông, nhìn ra bốn phía. Núi rừng đen kịt. Vài ngôi sao lung linh như sắp rụng. Nhìn ra xa, không thấy có một bóng đèn. Có lẽ xóm làng tỉnh thức, đang đóng chặt các cửa để cúng lễ tổ tiên, đón chào giờ phút giao thừa. Lặng lễ, chú Tâm Mãn đến gần tôi: 
- Không có lý mà lễ giao thừa lại không có chuông trống Bát Nhã.
Tôi bàng hoàng như tỉnh giấc. Ừ, không có lẽ mà lễ giao thừa lại thiếu chuông trống Bát Nhã? Mọi năm mỗi lần cúng lễ giao thừa, chùa đều đánh chuông trống bảy hồi, và tiếng chuông trống Bát Nhã bao giờ cũng mở đầu cho những tràng pháo đón mừng năm mới vang dội từ xóm làng bao bọc chung quanh và dưới chân các đồi núi. Năm nay, cố nhiên không ai đám đốt pháo rồi, nhưng không lẽ chuông trống giao thừa lại im tiếng nữa sao. Chúng tôi lại đưa mắt nhìn ra ngoài. Đồi núi xóm làng chìm trong bóng tối nặng nề, u tịch. Giao thừa làm sao trở về trong bầu không khí trĩu nặng khiếp sợ và lo âu?
- Hay là chúng ta cứ đánh chuông trống như thường lệ? Tôi hỏi.
Chú Tâm Mãn nhìn tôi lo âu:
- Lỡ ra Tây xách súng chạy vào bắn thì sao
Tôi lặng thinh, nhưng nghĩ đến một năm dài u ám sắp trở về, tôi lại mạnh dạn:
- Không lo, họ cũng biết chắn hôm nay là ngày Tết Âm lịch, ta cứ đánh. Không khí nặng nề quá, làm sao năm mới dám về cho được? Ta cứ đánh chuông trống, chú ạ. Nó vào, tôi biết tiếng Tây, để tôi giải thích cho.
Thấy tôi cương quyết, chú Tâm Mãn vững tâm đi sang lầu trống.
Boong ... boong ...
Nhè nhẹ, tiếng đại hồng chung bắt đầu theo nhịp trống ngân lên. Tiếp theo, những tiếng trống oai hùng như sấm dậy mở đầu cho những tiếng đại hồng chung ngân vang sung sướng. Bảy hồi chuông náo động cả đêm khuya tịch mịch, tưng bừng đón tiếp một mùa Xuân mới. Xen lẫn trong tiếng chuông trống ngân vang, có tiếng kinh trầm trầm dậy theo tiếng mõ đều đều của các Thầy đang hành lễ. Tiếng chuông gia trì ấm áp, theo trầm hương quyện ngát cảnh chùa.
Chú Tâm Mãn một tay vịn vai tôi, một tay chỉ ra ngoài:
- Này chú xem
 Bốn phía, thấp thoáng những ngọn đèn của xóm làng trở dậy cúng giao thừa. Có lẽ cửa nhà nào cũng đã mở rộng. Núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp, đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch. Tất cả xóm làng đều đã cảm thấy Xuân về trên đất nước ly loạn. 
Đại hồng chung vẫn khoan thai điểm từng tiếng rành rọt. Âm thanh ngân dài, ấm áp và thuần hậu. Chúng tôi trở vào, quỳ dưới Phật đài, cùng với đại chúng tha thiết dâng lời cầu nguyện, cầu nguyện cho một mùa Xuân đất nước an vui.
 Thích Nhất Hạnh 
Truyện của tác giả khi còn là chú điệu

 

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Quân "ngày xưa"

Ngày Xưa Ơi

Những Ngày Thơ Mộng 

Ngày thơ ơi,
Dòng sông nào nhớ thương tìm bến cũ ?
 Thuyền xa bờ luôn nhớ bến đò xưa,
Tuổi thơ ơi, thương biết mấy cho vừa...
Nhánh sông nhỏ, trong xanh và dịu mát !

Cố tìm lại trong sóng xa dào dạt,
Dòng sông ngày thân ái thuở ngây thơ...
Nước trên cao trôi mãi có bao giờ,
Đổ ra biển quay về tìm chốn cũ !?
NM
Quân "ngày xưa"
           Chiếc đồng hồ cổ trong phòng khách đã rè rè đánh lên bảy tiếng từ lâu mà hai chị em tôi vẫn chưa thấy ba tôi dắt xe ra cửa đi làm... Trong phòng khách vẫn còn vọng ra tiếng nói chuyện của ba mẹ và chị Bảy giúp việc, thường vào những ngày thứ hai đầu tuần ba tôi hay đi làm sớm.
           Tôi đã nghỉ hè được một tuần, em gái còn nhvẫn chưa đi học, hai chị em bày biện đồ chơi ngoài sân, chỉ có hai chị em với nhau nên chóng chán mặc dù chị em chúng tôi có đầy đủ các món đồ chơi dành cho bé gái như ấm trà, mâm chén dĩa, đũa muỗng, gà mên, bếp lò nhỏ, nồi nấu cơm....tất cả đều bằng nhôm có thể nấu và xào thức ăn như thật !
           
        Cuối cùng thì ba tôi cũng dắt xe ra, em gái tôi nhanh nhẩu hỏi ba sao đi làm trễ, ba cười vui cho biết sáng nay ba có dặn chị Bảy đi chợ  mua cho hai chị em hai món quà để hai đứa chơi trong mùa hè nầy. Khi xe ba nổ máy đi thì chị Bảy cũng xách giỏ đi chợ, chị vui vẻ cười vẫy tay hẹn sẽ về sớm đem cho chúng tôi món quà mà ba đã hứa !
*****
          Chị Bảy quê ở Trà Kha thuộc tỉnh Bạc Liêu cùng quê với mẹ, bà ngoại tôi hàng tháng ở Bạc Liêu lên thăm mẹ và cậu ba, tháng trước ngoại không lên một mình mà dắt theo chị Bảy, một phụ nữ bà con xa, mặc dù chị sắp xỉ tuổi với mẹ, nhưng theo vai vế, chị phải gọi mẹ bằng cô, vì thế chị em tôi gọi bằng chị. Chị tròn trịa da ngâm ngâm, mái tóc chị dài đen nhánh được búi gọn ghẻ sau ót, đa phần dân Bạc Liêu hay mặc áo ngắn tay kiểu như áo xẩm vì Bạc Liêu là nơi nhiều người Triều Châu và người Miên, không biết chị Bảy có lai Tàu không nhưng chị ít khi mặc áo bà ba như bà ngoại, chị nhanh nhẹn và luôn vui cười lại yêu mến trẻ con, vì thế hai chị em tôi rất thương mến chị...Ngoại nói có chị Bảy giúp việc ngoại tôi sẽ an tâm hơn khi ba mẹ chào đón em bé vào cuối năm.
           Hơn  một tiếng sau chị Bảy về đến nhà, thấy bóng chị thoáng qua là hai chị em tôi chạy theo chị vào bếp, chị vui vẻ đưa ra khoe cái túi  bằng giấy ciment dày có khoét những lỗ tròn nhỏ, tôi nghe có tiếng chiêm chiếp và rột rẹt ở trong đó, chị nhanh nhẩu mở toang túi giấy và ơ kìa hai chú vịt con lao nhanh ra...Chị vội vã lấy cái rổ to úp lại và cầm từng con đưa cho hai chị em lựa, em gái tôi giành ngay con vịt toàn thân màu vàng như cuộn len, nó chừa lại cho tôi con vịt có một đốm lông đen trên lưng ! Chị Bảy nói cố tình mua như vậy để dễ phân biệt !

        Chị Bảy đem hai chú vịt con ra sân trước dưới bóng mát của cây vú sữa, chị căn dặn hai chị em nhớ để chúng một lúc trong rổ cho quen chỗ rồi mới được mở ra. Em tôi sốt ruột cứ hé cái rỗ để nhìn hai con vịt dễ thương kia, khi chị Bảy vui vẻ mở cái rổ, chị nói với em gái tôi đặt con vịt của em sau lưng rồi đi từ từ, con vịt lẻo đẻo chạy theo kêu chíp chíp nho nhỏ làm em vui vô cùng. Em bắt đầu chaỵ chầm chậm, con vịt cũng chạy chậm theo sau, em chạy nhanh hơn hai chú vịt cũng chạy lạch bạch theo nhanh, đôi chân ngắn đỏ hồng lạch bạch theo bén gót, có khi không kịp té lăn quay lại vội vã đứng lên chạy theo trông thật tức cười và đáng yêu
              Mặt trời lên cao nắng tràn vào sân trong, chúng tôi cũng mệt vì chơi đùa với hai chú vịt nhỏ, mẹ gọi vào thay quần áo, tắm rửa chuẩn bị ăn cơm trưa. Buổi sáng hôm nay thật là thú vị, hai chú vịt con lanh lẹ dễ thương cho nên em tôi cứ luyến tiếc mãi ! Nhà tôi hướng tây buổi chiều có nắng chói không được chơi dù trong sân có mái hiên che mát, hai chú vịt cũng được chị Bảy bỏ vào chuồng gà ngoài sân        
         Buổi chiều ba đi làm về, nhìn vào chuồng gà thấy hai chú vịt lấm lem vì ngã lăn quay trên cát để đuổi theo em tôi thì ba hướng dẫn cách chơi khác mỗi khi vui đùa với vịt xong, mượn chị Bảy cái thau nhỏ cho hai chú vịt bơi trong đó, xắt mỏng rau muống cho vịt ăn nhờ vậy em tôi mới không hành tội bắt hai chú vịt chạy theo mình hoài, chúng tôi thích thú xem vịt chúi đầu xuống nước tắm thỉnh thoảng ngẩng đầu lên vung vẩy cho rơi nước xong mới thò hai cái mỏ màu cam xinh xắn bập bập rau     
            - Cho anh em Quân chơi với !..
          Giật mình ngẩng đầu lên tôi thấy hai đứa con trai bất ngờ xuất hiện trước mặt, cả hai có lẻ lớn tuổi hơn tôi một chút, đứa con trai mặc áo màu kaki tự giới thiệu mình tên Quân  và chỉ đứa em trai mặc áo màu xám nhạt đứng kế bên tên Thuyên,
           Quân còn chỉ cho tôi nhà của Quân ở gần đó, cửa sau nhà Quân kế bên nhà ông Ba Ưu và mặt tiền nhà Quân nằm ngay ngã ba hẽm lớn, căn nhà nầy luôn đóng cửa im ỉm ở mặt trước. Hàng ngày khi đi học ngang qua tôi hay tò mò nhìn, tôi ch thấy thấp thoáng ở cửa sau một người đàn bà lớn tuổi hơn mẹ tôi một chút bế đứa con gái nhỏ xíu, bà luôn mặc áo bà ba màu măng cụt, tóc búi phía sau, căn nhà im ắng không thấy bóng dáng đàn ông hay ai ngoài người đàn bà đó, chỉ có mỗi con chó mực được cột ở cửa sau cất tiếng sủa vang mỗi khi có ai đi ngang qua....!
        Thật là bất ngờ khi hai gương mặt con trai vừa sáng sủa vừa vui vẻ đến làm quen ! Em gái tôi vui lắm, nó sốt sắng xích qua một bên cho anh em Quân ngồi xuống, Quân nhanh nhẹn giành cắt rau và bưng thau nước đi thay, em tôi vui hẳn lên luôn miệng hỏi han, Quân và Thuyên chìu em tôi trả lời tất cả mọi chuyện ngay cả những câu hỏi ngây thơ nhất !
            Bốn đứa trẻ chúng tôi sáng sáng vui đùa rồi ngắm vịt bơi lội, chị em tôi càng vui hơn khi có hai anh em Quân, được vài hôm thì Quân đề nghị thay vì cho vịt bơi trong thau , Quân sẽ đào một cái ao nhỏ ngay trên cát ngoài sân cho giống ao thật hơn, khi nào chơi xong sẽ cho vịt "tắm" lại trong thau nhỏ, Thuyên nói giống như cái ao sau nhà Thuyên ở quê vậy
         Anh em Quân nhanh nhẹn đào sâu xuống cát một khoảng rộng và sâu hơn cái thau một chút, ao không tròn vành như cái thau mà có những đoạn uốn lượn trông rất thiên nhiên, đất đào ra được Quân be thành bờ cao chung quanh ao, Quân còn đi bứng những đám cỏ nhỏ hay cây con gần nhà trồng lên bờ cát, hai chú vịt càng tung tăng bơi thoả thích trong cái ao thiên nhiên bé nhỏ nầy 
      ....Lúc nào cũng như lúc nào khi mẹ hay chị Bảy gọi chúng tôi vào nhà thay quần áo là anh em Quân ngoan ngoãn đi về hẹn hôm sau sang chơi tiếp, tđó bốn chúng tôi thân thiết với nhau và luôn có những trò chơi mới !
            Em gái tôi tuy nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng xinh đẹp và liếng thoắng, em hay hỏi, hay nghe và cái gì cũng muốn người ta chìu theo ý mình, trong những ngày có anh em Quân thì em càng đưa ra nhiều ý tưởng mới, anh em Quân đều vui vẻ làm theo, chúng tôi không còn chơi đơn giản như trước mà quy mô hơn, thay vì bày biện đồ chơi nhà bếp ra nấu giả thì chạy vào bếp xin cơm và thức ăn thật, giả như nấu xong dọn ra ăn, rồi Quân đi nhặt những quả gòn non rụng trong sân nhà ông Mười kế bên giả làm ổ bánh mì xẻ ra cho rau thái nhỏ vào, cũng có giấy bọc chung quanh như ổ bánh mì thật để bán hàng...
           Em tôi lại đề nghị làm nhà ở bằng hai chiếc mền, Quân cột sợi dây dài lên cao nối từ cửa sổ ra hàng rào, hai bên phủ hai cái mền lớn và bốn chân mền được gác lên bốn cái ghế, thế là chúng tôi đã có cái nhà hai mái với hai phòng bên trong , chúng tôi bắt đầu nấu đồ ăn thật dưới sự chỉ đạo của Quân, tất cả chuyện gì khó khăn anh em Quân đều làm nhanh nhẹn, vén khéo và giỏi,  
      ....Thỉnh thoảng tôi quay lại nhìn về cánh cửa sau nhà Quân thì thấy người phụ nữ bế con đang nhìn về phía chúng tôi chơi, bà cũng lặng lẽ như cái yên tĩnh của căn nhà luôn đóng cửa phía trước, còn Quân đang chơi mỗi khi nghe tiếng em bé khóc là gọi Thuyên chạy về xem sao, Thuyên sấp xỉ anh nhưng rất ngoan nhanh nhẹn chạy về rồi quay lại ngay...
           Năm nay cây sứ hồng trồng trong chậu lớn giữa sân đúng lứa cho  hoa nở thật nhiều, ba tôi nói đó là dạng "sứ cùi" nên hoa càng nhiều thì lá rụng gần hết, mỗi lần chơi với nhau chúng tôi phải quét gom hoa lại. Em gái tôi thấy màu hồng của hoa đẹp thì thích lắm, em đòi chơi trò "công chúa", không cần chúng tôi  đồng ý hay không em đã chaỵ vô phòng ba mẹ mang hai chiếc khăn voan của mẹ dùng để choàng mỗi khi đi xa, chẳng biết ai dạy em có sáng kiến cột hai đầu khăn lại rồi chui vào thế là em có cái áo đẹp bằng voan dài lê thê so với chiều cao của mình. Công chúa phải có hoa trên đầu như trong truyện tranh em nhìn thấy, em chỉ những bông hoa sứ rụng trong sân đòi Quân phải kết thành vòng hoa cho em đội, tính em tôi rất bướng muốn cái gì cũng đòi cho bằng được, sợ em khóc làm phiền người lớn, lúc nào Quân cũng nghe theo.
       Tôi và Thuyên đi nhặt hoa, chọn những hoa còn tươi gom lại cho Quân, hoa sứ không có nhuỵ nên Quân dùng cuốn hoa gắn vào giữa năm cánh thật chặt cứ thế mà kết nối nhau lại tạo được vòng hoa trên đầu, vòng đeo cổ và cả hai tay, em tôi hài lòng lắm cười vui...    
        Chợt nhớ ra hai cái khăn dài lê thê phết đất, sợ khăn dơ em lại nghĩ ra trò khiêng công chúa đi từ đầu sân đến cuối sân, em  mè nheo kéo vai Quân mà đòi, đang cắm cúi xỏ cho hết hai vòng đeo tay cuối cùng, Quân hứa sẽ cùng Thuyên bắt chéo tay khiêng em tôi, em hớn hở gọi Quân và Thuyên là "hai quân sĩ"....
           Đến trò chơi nầy, ngoài việc cùng Thuyên đi nhặt hoa cho Quân xong thì tôi chỉ ngồi nhìn và chờ theo ý em như anh em Quân, cũng hơi buồn và không biết mình sẽ làm gì, tôi hỏi nhỏ Quân :
        - " Vậy tui làm gì hả Quân ?"
        Vẫn cắm cúi gắn cho chặt những bông hoa rơi, Quân vừa chăm chú làm vừa nói cho tôi đủ nghe :
        - " Mai làm "hoàng hậu" !!
    *****
        Câu nói của Quân làm cho tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, tôi đinh ninh mình sẽ là "tì nữ" nâng vạt áo cho em hay làm bếp nấu cơm cho công chúa... không ngờ Quân lại có ý nghĩ như vậy. Thật sự trong suốt thời gian bốn đứa chúng tôi chơi đùa với nhau, em gái tôi lúc nào cũng được nuông chìu, em đẹp và mỗi khi mẹ dắt đi đâu em cũng được mọi người khen khi thì "Em bé đẹp" lúc thì "trắng trẻo như công chúa" cho nên em quyết định làm công chúa ! ngôi vị "Hoàng hậu" tôi nghĩ chỉ là mẹ thôi ! Tôi là chiếc bóng của em, âm thầm, lặng lẽ....
          Câu trả lời của Quân làm tôi bất ngờ và xúc động, tôi chỉ biết im lặng nhặt hoa đưa cho Quân và ....nhớ hoài câu nói nầy của Quân cho đến ....suốt đời, dù trải qua một  thời gian dài gặp biết bao nghịch cảnh, dù nhọc nhằn hay đau khổ, câu nói của Quân làm ấm lòng tôi mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn và giúp tôi mạnh mẽ hơn để vượt qua gian khổ, làm hoàng hậu thì không thể nào thua ai và không bao giờ cô độc !!...."Tôi là hoàng hậu", dĩ nhiên điều nầy chỉ có tôi và Quân biết !!
         Rốt cuộc em tôi cũng chán, Quân bất chợt đề nghị đi qua ao rau muống vớt bèo cho vịt ăn, lúc nầy hai chú vịt bắt đầu ăn nhiều, cái ao Quân đào càng ngày càng sâu rộng hơn, em tôi hưởng ứng liền, tôi ngần ngại vì biết ao nằm bên kia đường Hai Mươi, chiều nào cậu ba cũng chở tôi qua để phụ với cậu mở cửa, sắp bàn ghế lau bụi cho lớp học bình dân
          Lớp học nầy ba mẹ đã thuê một căn nhà rộng ở đó rồi "huy động" cả nhà đêm đêm qua dạy chữ cho dân nghèo, ngoài ba mẹ còn có cậu ba và hai người bạn thân của cậu là cậu năm Đ và cậu hai N và tôi cũng là một "cô giáo nhỏ"...! 
          Năm đó tôi chỉ mới bảy tuổi nhưng hết hè tôi sẽ lên lớp nhất, mẹ nói tôi dư sức kèm trẻ em từ lớp vở lòng cho đến lớp ba, mẹ chỉ tôi cách dạy như dò cửu chương, đọc chính tả, những bài toán cộng, trừ, nhân, chia...    
        Buổi chiều ở ao rau muống thật buồn và hình như mau tối hơn vì đa phần dân nghèo chỉ xài đèn dầu hay cùng lắm là đèn "măng sông" và cũng chưa có điện kéo tới ! Lớp học cũng xài loại đèn nầy, mùi dầu hôi của đèn thật khó chịu. Chung quanh và trước mặt nhà nào cũng có một hàng lạch nhỏ thay cho cống thoát nước, ô rô lẫn cỏ dại mọc rất nhiều
           Thú thật vì tôi chỉ là con bé bảy tuổi cho nên "cô giáo" rất sợ muỗi, sợ những con rắn mối, cóc nhái thấy ánh đèn sáng chạy vào đớp muỗi. Trời càng tối thì tiếng ễnh ương, nhái bầu càng lớn, lắm lúc thật buồn ngủ, mỗi khi mẹ đi ngang qua xong tôi lại co hai chân lên ghế ! Mẹ vừa dạy vừa thỉnh thoảng tới kiểm tra xem tôi "dạy" ra sao !
          Đám "học sinh " mà tôi phụ trách là những đứa bé của gia đình nghèo quần áo lôi thôi, có đứa mũi xanh chảy lòng thòng, thỉnh thoảng đưa tay lên quệt ngang làm "cô giáo" cứ rình chmẹ đi qua thì né ra xa...!         
       Lúc Quân rủ, tôi chỉ làm thinh mà cũng không cho Quân biết buổi tối mình "dạy học" ở đó, đối với tôi khung cảnh nơi đây thật buồn khi chiều xuống, hoa rau muống cụp lại, bèo và rong rập rình trên mặt ao trong chiều tối tạo thành những mảng đen chập chờn trên mặt nước đen thui trông thật ảm đạm, thế nhưng thấy anh em Quân rủ và em tôi  háo hức, tôi lẳng lặng cùng đi...
          Chúng tôi băng qua đường, Quân cẩn thận trông trước trông sau, con hẽm lớn dẫn vào ao ban ngày trông quang đãng hơn nhiều. Khi chúng tôi đứng trước ao, một cảnh tượng sáng rực đẹp vô cùng mà tôi không ngờ hiện ra trước mắt : mặt ao rau muống mênh mông lăn tăn những đợt sóng nhỏ theo gió phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh lung linh như kim cương, không có tiếng ếch nhái ễnh ương mà là tiếng chim ríu ríu bay chuyền trên những cây cao trồng chung quanh ao, mặt ao lại đầy màu tím của hoa rau muống, chuồn chuồn lớn, chuồn chuồn kim và bướm dủ màu lượn l vờn nhau...         
        Lúc nầy tôi chỉ thấy màu sắc xinh tươi của hoa, màu xanh của lá và những đám rong, bèo tạo thành quang cảnh đẹp mắt linh động. Sinh khí dường như bao trùm những gian nhà tôle và nhà lá chứ không tăm tối như ban đêm, tôi chỉ đứng đó ngắm nhìn so sánh mà cũng không hề nói cho Quân biết, lúc ấy còn quá nhỏ tôi không biết tâm trạng con người ta khi đứng trước một cảnh quan giống nhau lại có thể có những cảm nhận khác nhau, nhờ Quân tôi đã thưởng thức được vẻ đẹp thiên nhiên đầy ánh sáng và sức sống của nơi nầy, một nơi mà ban đêm thật là tối tăm ...!!
          Cứ như thế vài ba ngày anh em Quân lại rủ hai chị em tôi đi vớt bèo cho hai chú vịt con, những lần đi đó chỉ có Quân và Thuyên thay nhau lội xuống cắt rau, vớt bèo tuyệt nhiên chị em tôi chỉ đứng nhìn và em tôi hò reo vui vẻ khi Quân bắt cho nó con bướm hay con chuồn chuồn kim...
         Thỉnh thoảng ông Ba Ưu qua nhà trò chuyện với ba tôi, ông là "ông đốc học" nên rất oai vệ, tiếng nói vang vang  lớn, trên tay lúc nào cũng cầm cây can và miệng luôn ngậm ống pip phì phà khói, ông có vẻ không thích những người "di cư" ông thường nhắc nhở ba tôi hãy dè chừng họ, vì bên trái nhà tôi cũng có một gia đình di cư, tuy nhiên hai vợ chồng nầy cùng hai đứa con nhỏ trông sạch sẽ hiền lành, cả nhà lúc nào cũng mặc quần áo màu trắng vải phin, hai đứa trẻ trắng trẻo mập mạp chỉ đeo hàng rào ngó sang nhìn chúng tôi chơi.... Gia đình nầy khác với gia đình Quân nhưng tất cả các đứa trẻ của cả hai nhà đều lễ phép ngoan ngoãn
          Trong khi ông Ba không thiện cảm thì ba tôi trái lại , có lần trong đêm Trung Thu ba nhìn chúng tôi chơi rước đèn cùng con nít trong xóm, anh em Quân luôn cầm đầu khéo léo dẫn dắt chúng tôi, nhất là Quân và Thuyên luôn chìu theo ý em, ba tôi đã cười và buột miệng nói : "Thằng "Bắc kỳ con" nầy khôn tổ sư !" Và chưa bao ba giờ phản đối hay khó chịu khi thấy chúng tôi thân thiết chơi với nhau suốt cả mùa hè....
            Ba tháng hè qua nhanh, chúng tôi bắt đầu đi học, chỉ có dịp gặp nhau vào ngày thứ bảy và chủ nhật, hai chú vịt con giờ đã lớn cho nên không thả chạy rông như trước, chúng bị nhốt trong lồng gà lớn có thau chứa nước để tự tắm. Lớp học tạm đóng cửa vì mẹ sắp có em bé, mùi dầu đốt dèn làm mẹ dễ bị ngộp. hơn nữa trong thời gian nầy cậu ba còn chuẩn bị thi tú tài 1....            
        Bà ngoại lại lên dắt theo bà Tám trạc tuổi ngoại, nghe nói bà ở Nhu Gia, bà Tám là người nuôi em trai lớn của tôi lúc mẹ sinh ra em cách hai năm trước, bà Tám lên thì chị Bảy lại về Trà Kha vì ngoại nói có người ở quê ra nhắn chị về, mẹ chị bệnh cũng khá nặng ! Chia tay với chị Bảy cả nhà ai cũng buồn vì tánh chị chân chất lúc nào cũng vui cười, chị hay kể chuyện  bà con dưới quê cho mẹ tôi nghe.
          Ba mẹ quyết định cho chị Bảy mang hai chú vịt về quê vì chúng đã lớn mẹ lại khó ngủ, đêm về hễ có tiếng động là chúng "cạp cạp" um sùm, chúng chưa đủ lớn để làm thịt vã lại ba mẹ cũng không muốn chị em tôi chứng kiến cảnh cắt cổ hai chú vịt thân thiết của hai chị em  !!
        Con chó mực của nhà Quân mấy hôm nay ủ rủ không hay sủa như trước, nó nằm mẹp cạnh góc cửa sau được vài hôm thì biến mất ! Ông Ba lại sang nhà tôi nói chuyện, tôi chỉ nghe câu được câu mất, ông nói có lẻ tụi nó ăn thịt rồi... "Bắc kỳ" hay ăn thịt chó với "cá rô cây", rồi ông hỏi đùa tôi có hiểu không ? Ông về nhà ba tôi mới giải thích và nói không hiểu tại sao ông Ba lại ác cảm với người Bắc di cư ?
        Hôm sau anh em Quân sang chơi, bất chợt em gái tôi hỏi thẳng: "Con chó đâu bộ nhà Thuyên ăn thịt nó rồi hả ?", Quân nói nhỏ: "Con chó bệnh cho nên nhà làm thịt, nhưng Quân không ăn !!" Em tôi xì  một tiếng "Quân xạo" lúc ấy Thuyên bênh anh liền, Thuyên nói " Thật đó nhà Thuyên ăn, nhưng anh Quân không bao giờ ăn !"   
        Câu chuyện tưởng như chẳng có gì quan trọng, thế mà ông Ba đi nói với hàng xóm, Tiếng ông lớn có lẻ nhà Quân nghe được, cánh cửa sau không còn con chó lúc nầy đóng im ỉm và hai anh em Quân không qua nhà tôi nữa...!
        Tết Trung Thu đến, anh em Quân lại sang chơi, trước khi về Quân nói nhỏ với tôi nhà Quân sẽ dọn đi chỗ khác, anh em Quân cũng chưa biết dọn về đâu. Ngày hôm đó thật là buồn, tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng lờ mờ đoán ra nguyên nhân từ việc con chó mực chết, sau nầy gia đình tôi mới biết ông Ba không ưa những người Bắc di cư vì họ trốn chế độ Cộng sản, vượt biển vào Nam. Gia đình ông Ba gốc Ba Tri Bến Tre là nơi hoạt động cho Mặt Trận Giải phóng Miền Nam, ông có hai người con trai lớn đi theo Cách Mạng vì thế ông không thích người di cư !          
         Gia đình Quân dọn đi âm thầm và chị em tôi không còn có dịp gặp lại hai anh em Quân ! câu nói "Mai là hoàng hậu" tôi vẫn không quên, sau nầy học Sư Phạm từ "Quân" thường được dùng, Quân là vua, quân là "anh", là "chồng" chỉ đại từ ngôi thứ hai.... Tôi yêu chữ Quân và những bài thơ nào có chữ Quân tôi đều thuộc...!
*****
          Ngồi trên chiếc xe GMC của Công An huyện Long Đất đưa đám phụ nữ chúng tôi về trại E5 của tỉnh Đồng Nai, tất cả đám nữ tù vượt biên chúng tôi đều buồn bã, về đó chúng tôi mới thực sự biết mức án vượt biên của mình.
         Xe dừng lại trước một trạm Công An khác để lấy thêm người, nhìn qua khung cửa xe có lưới sắt tôi thấy phía bên ngoài là khu chợ nhộn nhịp vừa tiếng nhạc, tiếng hát rồi tiếng người đọc quảng cáo cho hai cuốn phim sắp chiếu: phim đầu là "Trại nữ tù binh" Một sự trùng hợp lạ kỳ, bỗng dưng tôi bật khóc, đám con gái trên xe cũng khóc ,...! Tiếng người quảng cáo lại đọc tiếp phim thứ hai là "Quân Vương và Thiếp", phim kể về một mối tình thật đẹp giữa nhà vua và cô gái, tôi đã ngừng khóc lắng nghe, cái gì mà khóc chứ, Quân đã nói tôi là Hoàng hậu mà ! Tất cả những kỷ niệm ngày còn bé lại hiện về, Quân người bạn hàng xóm dễ thương, một người anh trai tốt bụng chu đáo, một tình bạn đầu tiên tuyệt vời mà tôi luôn ghi nhớ, tôi mong rất nhiều sẽ có ngày được gặp lại hai anh em Quân, và ở đây mỗi khi tôi buồn , tôi sẽ đưa tâm trí mình trở về những ngày thơ ấu cũ ...
          Nhưng mà Quân bây giờ ở đâu nhỉ ? Trong cái cảnh "cá chậu chim lồng" nầy tôi nhớ về Quân, về "ngôi vị" của mình biết bao nhiêu !! Không biết Quân có bao giờ nhớ lại thời thơ ấu cũ ? Quân vẫn còn hay đã mất trong cuộc chiến vừa qua, hay Quân đã vượt biên qua bên kia nửa vòng trái đất ?! chỉ biết một điều là không bao giờ tôi muốn ngâm câu :
Quân bất kiến
Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi....
(Tương tiến tửu - Lý Bạch)
Phỏng dịch:
Anh không thấy sông Hoàng hà luôn chảy ?
Cao trên không buông theo sóng gập ghềnh...
Sông xa bờ ra biển cả mông mênh,
Mãi phiêu bạt biết bao giờ trở lại !?
NM Phan thị Ngọc Diệp

Niết Bàn tuổi thơ
Niết Bàn nào phải chốn cao sang,
Vốn dĩ là đây, Phật giữa làng !
Tiếng chuông thanh thoát nâng người khổ...
Tiếng ngắn đục trầm cứu oán than !
..........
Đêm nay trăng sáng Phật đi,
Nhường ngôi cổ tự cho người trần gian....
Biển đời dâu bể đa đoan,
Nơi đây phế tích hồng hoang vẫn còn !
Tiếng chuông ghi khắc lòng son,
Dẫu đời cơ cực tâm con Niết bàn !!
NM
           Cõi Niết bàn tuổi thơ
Quê tôi, làng Nguyệt Áng*, một làng nhỏ ở miền Trung. Cách làng một quãng đồng, phía nam, có một ngôi chùa nhỏ. Cửa chùa mở về hướng tây, nhìn về Thần Đinh, ngọn núi linh thiêng thuộc dãy Trường Sơn.
           Ngôi chùa làng tôi có tự bao giờ tôi không biết, bố mẹ tôi không biết, ông bà tôi cũng không biết. Chùa nằm giữa đồng vắng, bốn bề nắng gió. Lên năm, sáu tuổi, tôi vẫn chưa một lần vào chùa nhưng tôi cảm nhận được qua tiếng chuông, qua lời mẹ tôi. Khi gà gáy phiên cuối, tôi còn mơ ngủ, mẹ tôi chuẩn bị gồng gánh đi chợ Cổ Hiền*, bố tôi pha ấm trà đặc trầm ngâm nhìn ánh trăng hạ tuần chiếu qua khe cửa là lúc tiếng chuông thức giấc. Tiếng “boong, boong” thả vào khoảng không mờ đục, xuyên qua làn sương sớm, lay động giọt trăng đậu trên cành lá. Tiếng ngân dài lan xa, rất xa rồi chìm vào tiếng sóng của dòng Kiến Giang* có mái chèo khua nhẹ, xuôi theo tiếng gió tràn qua phá Hạc Hải* mênh mông. Tiếng ngân như tiếng hò khoan, lúc thưa lúc nhặt, như tiếng lúa hát, như lời mây bay. Tiếng chuông đưa mùi hương cốm ai giã sớm, bay xa, hòa vào tiếng dế ríu ran thành bản nhạc. Tiếng chuông như bàn tay chị nhẹ nhàng đánh thức giấc ngủ vùi. Tiếng chuông dìu mặt trăng xuống núi, nâng mặt trời từ biển lên, một ngày mới bắt đầu.
             Mẹ tôi không theo đạo Phật, tôi đoán thế, vì bàn thờ không treo ảnh Phật Bà Quan Âm, nhưng ngày rằm, mồng một bà vẫn thường ăn chay. Rằm tháng bảy, nghe tiếng chuông lúc trầm lúc bỗng, mẹ tôi bảo đó là ngày người dương thế gặp người cõi âm nên tiếng chuông cũng vậy. Tiếng trầm là âm thế, tiếng bỗng là trần gian. Khi tiếng chuông nằm lại, cũng là lúc những nén nhang đã tàn. Mẹ tôi rắc gạo muối quanh vườn và cầu khấn. Mẹ nói là cầu mong có chốn  lưu thân cho những âm hồn phiêu bạt.
             Tôi lớn lên trong tiếng chuông chùa, sự vật đổi thay, tiếng chuông cũng khác. Năm đói kém, tiếng chuông buồn tha thiết như cố làm đầy chén cơm vơi nửa của tôi. Mùa lạnh giá, tôi run cầm cập đến trường, tiếng chuông ngắn lại như áp vào tấm lưng nhỏ bé ngọn lửa ấm. Mùa lũ lụt, tiếng chuông đục ngầu  trôi nổi  lênh đênh… 
            Tôi thường theo mẹ lên thăm cô tôi ở thôn Trường Dục*, con đường mòn nhỏ đi qua trước cửa chùa. Cách vài chục bước, tôi thấy mẹ thường chỉnh lại áo quần,  cất nón trên đầu và nhắc tôi im lặng. Mẹ tôi bảo để cho phật tịnh tâm  cõi Niết Bàn.
           Lần đầu tôi sợ hãi khi thấy trước cổng tam quan những ông Hổ nhe răng, vuốt móng, những Quan hàm én cầm búa cầm đao. Mẹ bảo, các ông ấy dữ nhưng là dữ với cái ác, che chở cái hiền. Phật ở trong tâm, mình làm điều lành phật thì phù hộ, trời cao thấy hết chúng sinh.   
          Năm tháng đi qua, tôi đã là niên thiếu, mẹ tôi thành người cõi âm. Một mình lên thăm cô tôi, nghe lời mẹ, tôi xõa quần, cách dép và lặng lẽ khi đi qua cửa chùa. Những lúc trời tối, tôi không sợ vì có ông Hổ, ông Quan che chở cho mình.
          Vài năm sau, phong trào chống mê tín dị đoan rầm rộ, cúng tế thưa dần và tiếng chuông chùa cũng tắt lịm. Một đêm, trăng sáng đến nỗi tôi không nhìn thấy trời, trời chỉ là bóng đen u uất. Bọn trẻ xúm nhau nhỏ to gì đó rồi chạy về phía chùa, tôi chạy theo. Đến nơi, tôi chen qua đám đông và lẫn vào trong. Lần đầu tiên trong đời tôi được vào chùa. Chỉ có mấy năm vắng tiếng chuông mà ngôi chùa như nhà hoang, mái ngói hở ra từng mảng, ánh trăng rách rát chảy xuống rưng rức vỡ tan dưới nền nhà loang lổ. Những ông Phật già nua, ốm o lưng trần lạnh lẽo, mặt đầy bụi, mắt ngấn lệ. Những ông Phật áo xống tả tơi chau mày đau khổ như gánh hết cơ cực của nhân gian. Phía góc xa, chân hương gió bạt. Ở chính điện nước mưa  đọng vũng bệ thờ.
            Người ta đưa phật đi về phía Bình Thôn, ở đó cũng có một ngôi chùa.
            Tôi không biết vì sao đêm ấy trăng sáng đến thế. Trăng sáng để soi rõ mặt  người, tôi nghĩ thế.
            Tôi nhớ lời mẹ dặn “trời cao thấy hết chúng sinh”.
            Vài ngày sau, dân quân súng ống, cuốc xẻng đập chùa một cách rầm rộ, họ san bằng như bom phá. Ông Hổ, ông Quan dưới tay họ lặng lẽ đầu hàng và tan tác từng mảnh.
             Người ta xây trên nền chùa một  lò gạch, do có nền cao không bị ngập lụt.
            Mỗi lần tôi lên thăm cô tôi, trời tối không còn ông Hổ, ông Quan che chở, tôi sợ hãi cắm cổ chạy thật nhanh.
            Lớn lên. Xa làng. Về quê, tôi trở lại thăm nơi chùa cũ. Trong tiếng còi inh ỏi, tiếng nhạc xập xình giữa khu dân cư ồn ào náo nhiệt. Trên nền đất, trong phế tích vẫn còn hồn xưa nếp cũ, cỏ vẫn xanh rì mải miết như cố níu lại hơi ấm chân người qua đây một thuở có còn không?
             Tôi cởi giày, bỏ mũ, lặng im như lời mẹ dặn thuở nào. Những hồi chuông dội vào hồn tôi, từng hồi, từng hồi mừng rỡ như gặp lại người xưa, như nức nở sẽ chia những oan ức nghiệt ngã. Tiếng gươm đao, tiếng hổ gầm giữa thời loạn lạc. Tiếng kinh cầu râm ran trong khói hương huyền ảo, tiếng đất dậy sóng một thời. Trong tiếng kinh cầu đó có tiếng sám hối của những người đập chùa hay không ???
             Cũng vầng trăng đó, cũng bầu trời đây, thiếu tiếng chuông chùa thế gian như cô đơn, như đời tôi vắng mẹ. Rằm tháng bảy, có còn ai vẩy gạo muối trong vườn để những âm hồn trẻ thơ đỡ phần hờn tủi.
            Mấy chục năm rồi, đau đáu trong tôi  câu hỏi, những ông Phật giờ lưu lạc nơi nao???
            Bỗng vang lên  thong thả tiếng chuông chùa và câu hát ru văng vẳng đâu đây:
  Ru ru riến riến rà rà
 Voi ông đi trước ngựa bà đi sau 
Đi sau lủng lẳng con cau 
Ngó nhà mấy cột ngó cau mấy buồng
             Cõi Niết Bàn là nơi cực lạc. Với tôi, tuổi thơ cơ cực nhưng cám ơn đời đã cho tôi đã gặp cõi Niết Bàn.
Từ Sâm
Nha Trang xuân Qúi Ty – 2013

 Thương em !
Thương em không mẹ không cha,
Thương em sớm vắng chiều xa thâm tình...
Mai vàng mang đến yên bình,
Trong hương Xuân mới có tình yêu thương !
NM

Tuổi thơ mênh mông  

Từ cổng trường giáo dưỡng nhìn ra bên ngoài, con đường rộng và thẳng tắp chạy miết về phía cuối dốc, trườn mình rồi ngã nhào xuống như một dòng thác khô. Hai bên đường là hai hàng cây cao nằm kề bên những ngôi nhà cổ kín, đồ sộ đan xen trong sự bao phủ của các mảng nắng sáng. Những hàng cây hình như đã phải mỏi mòn chờ đợi mùa xuân, để rồi vừa mới đến xuân lại đi qua mau, làm chúng chưa kịp đón hết cái dư vị của buổi giao thời. Ánh nắng dát vàng lên sống lưng của những chiếc lá, thả vài tia le lói qua những kẻ lá rọi xuống mặt đường. Đã sắp đến rằm tháng Giêng, vậy mà mấy chậu mai đặt ở phía trước trường giáo dưỡng vẫn chưa tàn, họa chăng chỉ có vài cánh mỏng rơi vãi xuống đất, nghiêng nghiêng. Bên ngoài dù con đường trước nay vẫn vắng vẻ nhưng trong những ngày đầu năm nầy vài đôi nam nữ vẫn huyên thuyên chuyện trò và rảo bước. Còn trong trường giáo dưỡng nầy cái không khí mấy ngày Tết vừa mới qua hẳn còn âm vang đâu đây.

Thằng Tâm ra ngồi thẩn thờ trên chiếc ghế đá đặt trước sân, gương mặt nó đăm chiêu lắm. Đâu đó, vài ba cơn gió se lạnh thổi về làm hai vạt áo Tâm khẽ run run nhẹ nhàng. Gió phớt qua chậm rãi. Hơi lạnh buổi sớm thoáng mang một hương vị ngọt ngào phả vào môi, vào má Tâm. Đôi mắt nặng vẻ u buồn của Tâm căng tròn dõi về phía xa như cố ngóng chờ, hy vọng một điều gì đó, đôi chân mày đen mỏng chau lại… 
Nó đang tủi cho số phận của mình. 
Tội nghiệp, mới mười lăm tuổi đầu mà bao cay đắng, tủi cực đã đến với nó. Tâm sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ không đăng ký kết hôn và cả hai đều là đối tượng nghiện hút. Mẹ qua đời khi nó mới được mấy tháng tuổi. Sau khi mẹ mất cha nó cũng bỏ đi bụi đời, lang thang khắp nơi. Một đứa trẻ khát sữa, thiếu tình mẫu tử lúc chưa chập chững đi bước chân đầu tiên trong đời phải sống trong vòng tay yêu thương của người bà ngoại đã già yếu. Từ nhỏ nó đã chưa một lần thấy mặt mẹ và cũng không biết ba mình là ai, có lẽ trong cuộc đời nầy, người thân duy nhứt của nó chỉ có bà. Bà của Tâm, quanh năm nghèo khó, khốn khổ, bệnh còn không tiền mua thuốc, lắm khi không có lấy một đồng để mua gạo nấu cơm ăn hai bà cháu phải lặn lội ra đồng hái rau về luộc ăn cho đỡ đói. Sống trong hoàn cảnh như vậy thì làm gì Tâm được học hành đến nơi đến chốn. Khi nó được hơn mười tuổi, thấy bà đã già yếu không còn đủ sức nuôi mình, nó xin đi kiếm việc làm để phụ giúp bà, gánh vác một phần cuộc sống gia đình. Ai thuê gì nó cũng làm, nặng nhọc gì cũng ráng cố gắng cho xong, vì nó biết rằng mình phải làm, làm hết sức để đỡ đần bà. Tội nghiệp thằng nhỏ, mỗi ngày cắc củm năm mười ngàn đem về, nhưng có thấm vào đâu. 
“Thằng Tâm một lát qua rửa chén cho bà Bảy nghe con ?”. 
“Tâm, mày qua đây khiêng hàng vô kho với tao coi...”. 
Từ phụ hồ, khuân vác, rửa chén, giặt đồ, quét dọn, phục vụ quán ăn… chẳng có việc nào chưa từng trải qua. Nhưng nó lúc nào cũng bị người ta chửi bới, chà đạp. Khi rửa bể một cái chén hay làm vỡ một món hàng gì khi khiêng vác, người chủ mắng chửi nó bằng những lời thậm tệ. Khi phụ hồ thì bị mấy thằng lớn tuổi hơn chọc ghẹo, đánh đập. Những lần như thế nó ước gì sẽ có ba mẹ kề bên, mẹ sẽ ôm nó vào lòng dỗ dành cho nín, ba sẽ đến quát vào mặt người ấy rằng sao bà dám chửi con tôi… nhưng những ước mơ đó đối với nó thật xa vời. Người ta không cần thiết phải quan tâm gì đến thằng nhỏ nầy. Nó từ đâu đến, con nhà ai ? Trong mắt họ chỉ là một thằng đầu đường xó chợ. Hững hờ. Bỏ mặc. Họ thuê thằng Tâm và trả tiền với giá rẻ mạt cho những gì nó đã làm, vậy là xong. Họ chẳng cần thiết dành cho nó một tí tình cảm nào. 
Cũng từ dạo ấy, thằng Tâm cảm nhận rằng trên cuộc đời nào không có cay đắng nào nó chưa từng trải qua, không có tủi cực nào nó chưa từng nếm.
Nó mười ba tuổi, rồi bà cũng nằm xuống dưới ba tất đất, để lại một mình nó bơ vơ, trơ trọi giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã nầy. Những lúc nầy đây, khi buồn nó sẽ dựa vào ai để khóc ? Những lúc nó tủi cực nhứt, lấy ai để chở che ? Những khi nó vui, ai là người để nó chia sẻ ? Tất cả, tất cả niềm hy vọng đã theo bà bay đi mất, tất cả đã hết rồi. 
Cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng nó và bụi bẩn cuộc đời hằng sâu vào từng nếp gấp tâm hồn như không thể nào gội rửa sạch. Từ đó, nó đi lưu lạc đầu đường xó chợ cùng mấy đứa bụi đời để “hành nghề”... ăn cắp. Cuộc sống đối với nó tưởng chừng như không còn là cuộc sống nữa. Là nơi tận cùng của khốn khổ. Là chốn chỉ có căm thù và thèm khát. Xung quanh nó toàn mùi tanh hôi của xã hội coi trọng đồng tiền. 
Sau mấy “phi vụ lớn”, nó bị công an bắt. Cứ ngỡ là mình bị ở tù, vào trại cải tạo hoặc giả bị tra tấn, đánh đập… nhưng rồi nó được cho đưa vào trường giáo dưỡng nầy. Cũng từ đây cuộc đời nó đã sang trang, không còn là một thằng bẩn thỉu đầu đường xó chợ, không còn bị coi là côn đồ du đãng nữa, nó khỏi lo cái ăn cái mặc lại còn được học hành… 
Tuy vậy, nó vẫn buồn. 
Buồn vì cuộc đời, vì số phận ? 
“Tâm ! Con đang suy nghĩ gì vậy ?”. 
Nó quay lại sau lưng thì gặp cô Thủy đang đi tới
Cô Thủy là mẹ thứ hai của nó, vì chính cô đã cưu mang nó về trường giáo dưỡng nầy. Trong trường ai cũng yêu quý cô, các em còn rất nghe lời cô nữa. Đối với Tâm, nó rất biết ơn cô vì nếu không có cô thì ngày hôm nay không biết nó đang ở gầm cầu hay một xó tối tăm nào đó. 
“Dạ… con buồn quá cô ơi !”. 
“Sao lại buồn ? Có bạn nào chọc ghẹo con hả ?”. 
“Không, các bạn đối xử tốt với con lắm. con buồn vì… con không biết ba mẹ mình là ai”. 
Ngừng một chút, nó nhìn cô - một cái nhìn sâu lắm, nó nói tiếp : 
“… Con thiệt thòi hơn mấy đứa trẻ khác quá hả cô ?”. 
Nghe thằng Tâm nói tới đó cô Thủy sững sờ, cô nhìn thấy đôi mắt nó đỏ hoe. Từ trước đến giờ cô biết rằng Tâm và một đứa láu lỉnh, nhanh nhẹn, nhưng cô đâu ngờ nó cũng giàu tình cảm vậy, cứ tưởng đâu nó vô đây rồi chắc nó quên cái thời tối tăm xa xôi ấy… 
“Con vẫn thường nhớ về ba mẹ con hả ?”. 
“Dạ, tuy con không biết ba mẹ mình mặt mũi ra sao nhưng lúc nào con buồn là con nhớ về ba mẹ. Hồi đó con sống bụi đời, lúc nào bị người ta chửi mắng, chà đạp là con lại khát khao có ba mẹ ở đây để chở che cho con… Con…”. 
Nó không nói hết câu. Nó khóc. Cô Thủy cũng sụt sùi. 
“Con đâu có lỗi khi con mồ côi. Với cô, mỗi đứa trẻ mồ côi là một con chim bé nhỏ, đáng thương”. 
Nói xong, cả hai cô trò đều im lặng, nhìn ra ngoài, dường như cô Thủy cũng có nhiều suy tư lắm. 
Một lúc sau, thoáng nghe phía trong có người gọi mình, cô Thủy đi vào. Chỉ còn một mình thằng Tâm vẫn ngồi thẩn thờ trước sân, nó ước gì có người bạn nào đó đến bên chia sẻ với mình… Chợt nó nhớ đến thằng Thành - người bạn đã gặp cách đây một năm. Thời gian trôi qua không chờ đợi điều gì, một năm rồi nhỉ, thêm một năm Tâm ở trường giáo dưỡng rồi. Cũng là một năm kỉ niệm ngày mà Tâm gặp Thành. Thành đã đi, nó đã về với mẹ, Tâm vui lắm chứ, nó cũng ganh tị và ước ao được giống như Thành - được về bên gia đình. Nhưng nó biết rằng đó chỉ là vô vọng, vì gia đình nó còn đâu. Tâm ngồi một mình, nó muốn kêu lên thật lớn: “Mẹ ơi… mẹ về với con!”. Im lặng nặng nề. Vẫn không có ai lên tiếng, cây cỏ thờ ơ, con đường trước của trường giáo dưỡng vắng hoe, nắng vẫn trải một màu vàng lên những hàng cây. Không gian như chật hơn, những thứ ngột ngạt đang dần bó sát cái khoảng rỗng trong tâm hồn trong sáng của đứa trẻ nầy. “Ước gì mình khóc lên được”, Tâm nhủ thầm. 
Tâm không thể quên buổi sáng đầu tiên thằng Thành đến trường giáo dưỡng nầy. Lúc ấy Tâm thấy một thằng nhỏ rón rén sau lưng cô Thủy từ phía ngoài cổng bước vào trường. Thằng nhỏ ấy cỡ bằng tuổi Tâm, nước da hơi ngăm đen, trên má có vết sẹo dài nhưng nhỏ, nếu không để ý kỹ sẽ không phát hiện ra. Trán nó cao mà mũi lại thấp, gương mặt bè bè nhìn nó ngộ ngộ làm sao. Cô đến chỗ đám đông các bạn, chỉ thằng nhỏ đó rồi nói : 
“Đây là bạn Thành, sẽ là bạn mới của các em, từ hôm nay bạn sẽ vào ở đây chung với các em. Các em làm quen với nhau đi !”. 
Vốn là dân bụi đời, Tâm nhanh chân đến bắt chuyện : 
“Chào bạn, tôi tên Tâm, mười lăm tuổi”.

Thấy vẻ nhanh nhảu của Tâm, thằng Thành cũng hơi sợ : 
“Ờ… chào Tâm, tôi là Thành, mười bốn tuổi”. 
Nó ngừng một chút, rồi nhìn Tâm, nói một cách rụt rè : 
“Mà… Tâm ơi! Sống ở đây có tốt không vậy ?”. 
Thằng Tâm nghĩ : “Chà, thằng nầy cũng láu lỉnh thiệt !”, mặt nó tươi rói: 
“Sống ở đây vui lắm, khỏi lo cái ăn cái mặc gì hết, lại có chỗ ngủ, khỏi phải ngủ ở vỉa hè. Mấy cô thương chúng tôi lắm, mấy bạn ở đây rất nhiều bạn không có cha mẹ hoặc bị bỏ rơi nên chúng tôi xem mấy cô như mẹ mình vậy… Ở đây chúng tôi được học hành, được vui chơi cùng các bạn, không ai dám coi mình là đứa mất dạy, là thằng vô côn nữa… À, mà sao bạn vô đây vậy ?" 
Thằng Thành giựt mình, nó nhìn Tâm rồi lặng người, cúi đầu không đáp. Từ trước giờ nó cứ nghĩ là sẽ không nói cho ai nghe cái cuộc đời đầy nghiệt ngã của nó. Có ích gì chứ ? Chỉ là những hoài vọng mơ hồ, xa xôi mà không ai còn nhớ. Nhưng không hiểu sao lần đầu gặp Tâm nhưng nó lại cảm thấy tin tưởng Tâm, muốn chia sẻ với Tâm. Một lúc sau nó nói, thật chậm, thật nhỏ, như chỉ muốn một mình thằng Tâm nghe thấy : 
“Mẹ tôi bỏ đi làm ăn xa từ năm tôi bảy tuổi, tôi sống với ba, nhưng ba tôi thường hay la mắng nên thời gian sau tôi bỏ nhà đi tìm mẹ. Dĩ nhiên là tôi không tìm được mẹ rồi, năm ấy tôi mới có bảy tuổi mà. Tôi quên đường về nhà, gặp một anh làm nghề đánh giày cho đi theo đánh giày chung với anh ấy. Sau đó anh về quê không làm nữa, tôi tự kiếm sống một mình, bị người ta chọc gẹo rồi đánh lộn, vết sẹo nầy là của đánh lộn nè”, vừa nói nó vừa chỉ lên mặt. 
Thằng Tâm thấy “hấp dẫn” như một truyện kiếm hiệp, nó giục : 
“Sao nữa ?” 
“Rồi thì riết quen, cứ đánh lộn hoài, bị công an bắt, được đưa về đây… Ủa mà còn bạn thì sao ?”. 
Thằng Tâm trầm tư hơn, nó cũng buồn lắm : 
“Cũng gần giống bạn. Tôi bị mẹ bỏ rơi, sống với bà, đi làm mướn để kiếm tiền. Sau khi bà mất, tôi đi bụi đời, cướp giựt rồi bị công an bắt, sau đó được đưa về đây”. 
Bỗng dưng Tâm thấy nao lòng, nó thở dài rồi đứng phắt dậy, nắng vẫn trải nhẹ nhàng nhưng tại lòng Tâm lại nặng nề u uất, nó nói, giọng run run
“Nhưng mà, bạn còn có mẹ để hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp lại, còn tôi thì…”.
Hai đứa lặng người, cúi đầu, không ai nói với ai một lời nào nữa. Thằng Tâm nhìn ra ngoài đường, vẫn đôi mắt vô cảm ấy, như trông chờ, hy vọng, nó hỏi thằng Thành mà như đang nói với hư vô : 
“Sao ba mẹ lại bỏ chúng ta như vậy hả Thành ?”. 
Thành vẫn ngồi yên và bất ngờ trước câu hỏi của Tâm. Nó nhìn thằng Tâm, đôi mắt của Tâm to, tròn xoe ra vẻ trí thức nhưng trong đó ẩn chứa một cái gì đó sâu xa lắm. Thằng Thành muốn nói : “Tâm ơi, sao tôi biết chứ, câu hỏi nầy phải dành cho những người cha, người mẹ đã bỏ rơi con cái của mình trả lời kìa”, nhưng nó lại thôi không nói.
Rồi thì thằng Thành cũng bỏ đi. Nghe đâu mẹ nó đi làm ăn gì đó, giờ khá giả lắm, bà trở về tìm nó để rước ra thành phố sống. Tự dưng Tâm nghe như có cái gì mênh mang lắm, trải lên dày cộm trong lòng mình. Thằng Thành phải đi rồi, cái thằng bạn thân thuở nào còn ngồi nhì mưa, kể cho nhau nghe những chuyện đi “giang hồ”, cùng ngồi cạnh nhau trong những bữa ăn ở trường giáo dưỡng, vậy mà giờ đây… 
- Ê, mẹ tôi sắp về rồi, mẹ sẽ rước tôi ra thành phố sống, từ nay tôi lại có mẹ rồi ! 
- Ừ, Chúc mừng bạn nghe ! 
- Ủa, hình như bạn không vui hả ? Sao, có chuyện gì vậy ? 
Thằng Tâm ú ớ… Vui! Nó vui chứ, nó vui vì bạn thân nó tìm được mẹ. Nhưng nó cũng buồn. Buồn một phần vì phải xa Thành, một người bạn chỉ mới quen chưa đầy một năm, một người dễ thương, biết chia sẻ. Một phần buồn vì tủi thân cho mình. 
Đâu, tôi vui chứ ! 
Thằng Thành cứ huyên thuyên kể làm Tâm càng đau hơn : 
- Mai mốt tôi về thành phố không biết ở đó ra sao nữa. Tôi nghe nói ở đó vui lắm mà đường sá thì nhóc hết, lạng hoạn là lạc đường như chơi đó… 
Thằng Tâm nghe rồi ừ hử cho xong chứ thật sự nó cũng không để ý Thành nói gì. Nó không muốn xa thằng bạn thân như Thành. Mà, con người ai cũng cần có cha mẹ mà, phải không Thành ? 
Mấy ngày sau đó, mẹ Thành về, cô Thủy tổ chức một buổi tiệc nhỏ cho Thành chia tay với mấy cô và bạn bè trong trường, Thành và Tâm ngậm ngùi nói lời chào từ biệt nhau, không biết bao giờ mới được gặp lại. 
Vậy là một đứa trẻ mồ côi nữa lại được trở về mái ấm gia đình. 
Còn thằng Tâm thì sao? 
Đang miên mang với những hồi ức, chợt ngoài cổng trường có tiếng lao xao. Chắc có người nào tới. Thằng Tâm không buồn nhìn ra, cứ ngồi thừ ở đó. Chợt thằng Hải chạy tới, vừa thở hổn hển nó vừa nói
- Tâm ! Sao mày ngồi ở đó hoài vậy ? Thằng Thành về thăm mình kìa ! 
- Cái gì ? Thằng Thành ? 
Tâm như không tin nổi vào tin mình, thằng bạn thân thuở nào mà nãy giờ nó đang nghĩ đến lại xuất hiện ở đây, ngay giờ phút nầy ư? 
- Ừ, thằng Thành kìa, ra gặp nó đi, ngồi đó hoài. 
Nói rồi thằng Hải vụt đi, thằng Tâm cũng đứng dậy, lật đật bước đi mà như chạy… 
Thằng Thành ! Đúng là thằng Thành, nó từ thành phố xa xôi đi hơn hai trăm cây số về đây để chung vui mấy ngày Tết với bạn bè. Nó đi thăm cô Thủy - người mẹ thứ hai của nó, thăm mấy đứa bạn, mấy đứa em trong trường và… thằng Tâm. 
Hôm nay, trường giáo dưỡng ấm lên, mặc dù trời se lạnh nhưng dường như một ngọn lửa đã thắp sáng và sưởi ấm cho những đứa trẻ lạc loài… 
Một ngày vui, một ngày mà Tâm và Thành đã gặp nhau, ngày của tình bạn. Chúng biết rằng trong tuổi thơ mênh mông buồn thảm, một niềm vui - dù nhỏ nhoi - nhưng vẫn ghi dấu ấn suốt cuộc đời. Sáng nay, mai vàng rụng đầy mặt sân trường giáo dưỡng, hai thằng bạn ngồi nói chuyện với nhau. Chúng chợt nhận ra rằng Trái Đất lúc nầy thật bình yên. Bình yên như chưa từng có chiến tranh thù hận, chưa từng có nghèo đói. Bình yên như chưa từng có những cuộc chia ly, chưa từng có nước mắt
 Gió vẫn thổi, mang theo bao tình thương của những tâm hồn trẻ dại bay thật xa

 VĨNH THÔNG