Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Còn cọng rau dền

Album nhạc trữ tình quê hương hay nhất

Album Người Tình Quê

Thương lắm rau quê

Thương vạt nắng vườn, thương rau quê !
Kỷ niệm xa xưa chốc hiện về....
Người đâu nơi cũ, tình xa vắng,
Tìm chút hồn xuân trong bến mê !
NM
Còn cọng rau dền
Tiếng chó sủa cọc cạch. Một bóng người cao lớn đứng ngoài cổng rào. Con Vện chồm lên, hai chân bấu vào chắn song sắt. Vạt nắng buổi sáng hắt bóng đổ ngược thân hình nó xuống lối đi trơ trụi. Tầm bỏ chiếc rựa và khúc tre vừa chẻ nhỏ ngó ra phía cổng. Ngó và đứng lên, lững thững bước ra ngõ. Tiếng con Vện không còn cọc cạch như trước, vang lên tràng dài như tiếng chó sủa trong những đêm tối trời, thời chiến tranh. Người đàn ông thấp thoáng bên kia hàng rào chè xanh nghiêng đầu chào, miệng mở nụ cười. Nụ cười giống mấy chiếc bông vạn thọ vàng rực hai bên lối đi. Tầm mở cổng. Người đàn ông thả chiếc xách xuống đất, choàng tay ôm chặt vai Tầm kêu “anh Hai, anh Hai”. Tầm chưa kịp nhìn thì khuôn mặt hai người đã nghếch về hai phía, kẹp giữa hai chiếc cổ, nhồn nhột những sợi râu dài ngắn. Cảm giác nhột nhạt tòe ra như những vòi xúc tu, nhưng trí nhớ vẫn cứ lấp lú, chưa thể nhận ra là ai. Mười gây… ba mươi giây sau, hai chiếc cổ rời ra, những cọng râu rời ra, bốn cặp mắt nhìn nhau. Bàn tay Tầm đến lúc này mới cử động theo bản năng, vỗ mạnh lên vai người đàn ông tới tấp, giống như lúc cầm dùi đục bổ liên tục lên sống rựa, chẻ những khúc tre.
-Mẹ cha ơi, bao nhiêu năm biệt tích, nay mới thấy mặt chú - Tầm dừng lại, xô người đàn ông ra xa một chút rồi kéo sát vào, ôm cứng. Những cọng râu lại đâm vào nhau, nhồn nhột nỗi nhớ xa gần. Phải đến phút sau Tầm mới buông tay, dắt người đàn ông theo mình vào nhà. Hai người bước chậm. Ngực Tầm đập thình thịch vì bất ngờ. Khóe mắt người đàn ông thì hơi ươn ướt. Cả hai bồi hồi, xúc động.
Người đàn ông Tầm gọi “chú”, chính là Đắc mồ côi cha mẹ, sống với ông từ Sẵn giữ đình làng. Chẳng bà con thân thích, nhưng Tầm coi như em ruột. Thuở nhỏ Đắc ham để lờ, cắm câu, ham ca cải lương và thỉnh thoảng hái trộm xoài nhà ba Thỉnh chia cho lũ gái làng. Sự học của Đắc cũng ì ạch như đẩy chiếc xe cóc đầy cát lên dốc… dẫu Tầm luôn kèm cặp, chỉ bảo. Lớn lên chút nữa, Đắc bỏ học chạy xe ngựa rồi đánh cộ bò kéo lúa cho hợp tác, chở củi cho lò gạch thủ công… rồi tự dưng biến mất hồi những năm 80, vượt biển đến xứ nào đó cả làng không hề hay biết. Nay thì Đắc trở về, bộ dạng có vẻ tử tế hơn. Tầm hỏi:
-Sao mãi tới giờ này chú mới về, chú đi những đâu?  
-Dài dòng và cơ cực lắm anh Hai.
-Sao, chú nói sao. Sao lại cơ cực. Cơ cực mà người ta xúm nhau bỏ đi cả đống?
-Vậy mới gọi là dài dòng.
Tầm bước chậm, gần như đứng nguyên tại chỗ, nghiêng người ngó thẳng vào mặt người đàn ông:
-Khổ à?
-Dạ… khổ nhiều…
Giọng nói thốt ra ngập ngừng, mang theo màu trắng lạnh của tuyết rơi, của những dòng sông đóng băng, của bầy chim di trú kêu khàn khàn trên trời cao. Con Vện chạy lơn tơn bên cạnh, thỉnh thoảng rên lên ủng ẳng, quấn quanh chân hai người. Tầm ngó lại khuôn mặt đứa em nuôi. Không thấy dấu hiệu “khổ cực”. Khuôn mặt đầy đặn, mập hơn chút và nước da trắng hơn chút, khác với hồi còn ở nhà, ốm nhách, đen thui. Vậy sao nó lại kêu khổ?
Tầm đưa khách vào nhà. Hai người ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn gỗ mộc nơi hàng hiên. Đúng lúc đó, vợ Tầm xách chiếc rổ không bước lên, thấy khách, kêu toáng:
-Hở, ai đây… Chu…ú Đa…ắ…ắc… Trời đất. Tôi nhận ra ngay mà. Vậy là chú vẫn sống, không bị cá nuốt! Phước đức. Coi kìa, chú mập và trắng ra, chẳng bù hồi còn ở nhà - Mụ kêu lên thản thốt, hai tay giơ lên cao, chiếc rổ tre cũng được giơ cao cùng vẫy chào người lạ. 
Vợ Tầm vốn dĩ là con mụ đàn bà lắm lời. Đắc chưa kịp nói gì, mụ ta lên giọng ca cẩm cùng lúc chiếc rổ hạ xuống còn tay phải thì đưa lên ngang miệng:
-Chú về mấy bữa rồi? Chừng nào đi? Thím đâu không thấy? Chưa vợ con gì sao? Mà nè chú có uống nước trà quê được không? Trà ngon của bạn ổng ngoài Bắc gửi biếu. Chú có uống hay không thì nói, đừng kiểu như lão năm Hanh về mấy năm trước, nghĩ tình anh em làng xóm, tôi lui cui nấu nước, rửa ấm chén, pha trà mời. Nhưng chả tỉnh queo lôi trong túi quần chai nước lọc, ngửa cổ uống, giống mấy thằng GI (*) năm xửa năm xưa, đi ngoài phố vừa uống vừa ăn nhồm nhoàm. Gớm, thấy bắt nổi xung thiên. Tôi mà không nể tình làng xóm đã hất đổ mấy tách trà ra sân rồi. Xin lỗi chú nghen, đừng có như cha Hanh nghe. Dẫu gì cũng tình chị em, uống miếng nước lấy thảo. Nè, hay chú ở đây ăn Tết với vợ chồng tôi? Kệ, khổ chút, chõng tre, quạt mo nhưng tình nghĩa đấy chú. Lâu quá mới gặp lại. Tưởng cá nuốt mất xác rồi.
Tầm lừ vợ. Cái tật nói dai như đỉa đói vẫn không bỏ. May, Đắc là em kết nghĩa. Chính Đắc làm chim xanh để hai người thành vợ chồng. Vợ Tầm đẹp, tháo vát, chịu khó; chỉ tội cái lắm lời từ bụng mẹ, không sửa được. Với lại tội ấy chẳng gây chết người nên Tầm bỏ qua.
-Nè - Vợ Tầm lại tiếp tục - Chú phải ở lại với vợ chồng tôi, không đi đâu cả. Mà chú đi đâu bây giờ? Chú tư Sẵn giữ đình chết queo từ khuya. Ở với anh chị là phải phép.
-Cái bà này, thì cũng để chú nó nói gì với chứ. Giành giật nhau ăn uống chứ ai lại đi giành nói năng?
Vợ Tầm im, đặt chiếc rổ tre lên bậu cửa sổ rồi chạy xuống bếp. Tầm nghiêng đầu qua phía Đắc.
-Chú đừng để ý, xưa giờ vẫn vậy. Vả lại, đó là của nợ chú mang đến cho tôi.
-Em hiểu mà. Chị tốt bụng lắm.
-Sao, chú kể lại chuyện đi đứng nghe coi?
-Em đâu chủ ý đi. Mà tiền bạc đâu để đi. Chẳng qua bữa đó em đi thổi cuốc, nhử đa đa ngoài bãi dương. Đâu ngờ tới đúng điểm họ tập kết. Sợ lộ, họ lôi em lên thuyền đi luôn. Lênh đênh nửa tháng trời. Không có chiếc tàu buôn vớt lên thì chết chắc.
-Giữ được mạng sống là quí lắm rồi. Bên đó chú làm ăn ra sao?
-Làm ăn gì anh. Chữ nghĩa không có, nghề ngỗng cũng không. Đâu có ai thuê mình đánh cộ bò, chạy xe ngựa? Chẳng ai ỉa bậy ngoài đường để hốt, cũng không có chỗ để mình để lờ, cắm câu, trồng bụi ớt, giàn mướp…? Đói meo. Sống nhờ tiền trợ cấp, rồi đi cắt cỏ, dọn vườn. Đủ sống qua ngày.
-Cực hẻ?
-Quá ư là cực. Nhưng mà, cực khổ bao nhiêu mình cũng chịu được, còn cái nhớ nhà nhớ quê thì không chịu nổi. Nó nhức nhối như cói dòi trong xương, cắn rứt không chịu nổi. Ai đời tết nhứt mà không có lấy đòn bánh tét, thẩu tai heo củ kiệu. Đêm đón giao thừa, trời lạnh buốt xương, tuyết rơi trắng đường, in như khu đất trước nhà đang bịt khăn tang cho ai đó. Bọn cù bơ cù bất tụi em xúm lại uống rượu khan đến say. Không phải say rượu đâu anh, mà say cho cái màu trắng lạnh lẽo kia. Say vì thiếu quê hương, không ngửi được mùi nhang khói, chẳng đốt được tấm áo cho Táo Công, tổ tiên thì xa lắc… Say và khóc, đứa nào cũng khóc như khóc cha chết. Thảm. Còn tụi bản xứ, nó nhìn mình tựa kẻ cắp, đâu đủ chữ nghĩa để nói với nó, không thằng nào hiểu thằng nào; đường mạnh ai nấy đi!  

Tầm im lặng ngồi nghe. Giọng nói trầm đục, đều đều của Đắc in chang dề lục bình trội lập lờ trên sông, vẫn giữ nguyên vẻ chơn chất thuở nào. Bất chợt Tầm thở đánh sượt khi liên tưởng đến năm Hanh. Nghe đâu hắn cũng dân “thầu khoán” (**) bên đó, nhưng về xứ, mặt vênh lên, coi làng xóm bà con như lũ người bán khai; nói một câu cố tình chêm vài tiếng tây u làm ra vẻ. Đúng là…
Vợ Tầm bước lên, hai tay bưng khay ấm chén, vừa đi vừa suýt soa:
-Trà ngon, khách quí - Nói và đặt khay chén xuống bàn, rót nước mời - Chú uống chén trà cho ấm bụng. Bao nhiêu năm… Mà vợ con gì chưa?
Đắc đỡ chén nước trên tay vợ Tầm:
-Cảm ơn chị…Vợ con gì! Lấy ai, mà ai lấy mình? Nuôi thân chưa đủ lấy đâu nuôi vợ nuôi con. Sống kiểu trơ trụi cũng tốt. Bí quá thì… - Biết lỡ lời, Đắc ngồi im, mặt đỏ lựng. Vợ Tầm tủm tỉm:
-Biết quá mà. Mười ông thì có đến mười một ông... Trả thù dân tộc? Coi chừng… - Vợ Tầm cũng đột ngột im bặt.
Tầm lên tiếng:
-Chuyện đàn ông. Để tôi với chú nó tâm sự. Bà ra chợ coi cái gì ngon ngon mua về đãi chú gọi là mừng ngày sum họp.
Lúc vợ Tầm bước ra khỏi cổng, Đắc đặt chén nước xuống bàn:
-Nói tuồng xấu hổ, nhiều bữa nằm nhà, nghĩ ngợi sao lại nhớ chén mắm cá linh, mùi mắm lóc thái. Nhớ đến chảy nước miếng. Có tiền cũng không kiếm đâu ra ở miệt đông-bắc này, toàn dân bản xứ. Người mình chỉ lèo tèo mười mấy tên tụi em, nhưng hiếm khi gặp nhau. Có gặp cũng chỉ đủ thì giờ gật được cái đầu, chào nhau rồi mạnh ai nấy chạy, hối hả như chạy giặc như đi ăn cướp vậy, thảm.
Tầm đưa chén nước trà lên miệng, nhấp chút xíu như rửa môi, lên giọng:
-Ở các nước công nghiệp, văn minh thì phải hối hả chạy, đâu lơn tơn, tà tà… như ở mình - Tầm làm ra vẻ hiểu biết.
-Thôi anh, nó nhìn người da màu mình không bằng nửa con mắt đâu, nó quay đi… Kể anh nghe chuyện này. Cách đây hai năm, trong ngày lễ lên trời xuống đất gì đó của tụi nó, bọn em làm overtime…
Tầm giơ tay lên:
-Đó, mới nói lão Hanh, giờ lại đến lượt chú. Thai thiếc cái con mụ đặc. Nói đại làm phụ trội, làm thêm giờ, tăng giờ. Tiếng nước mình cũng đủ để diễn đạt mà? -Tự dưng Tầm nổi nóng.
-Xin lỗi anh, là tụi em cũng phải cố nhét vào đầu mấy cái từ ôn dịch đó để giao tiếp, làm ăn. Chính ba cái tào lao đó mà tây chẳng ra tây, ta cũng không phải ta, thành thứ cứt mốc gì không biết nữa.
-Ờ, Ờ… Thôi chú quay lại chuyện hồi nãy đi.
-Bọn em làm thêm giờ, tiền công tăng gấp ba. Bọn họ có lễ thì tụi này cũng lễ. Thứ bảy xúm nhau tổ chức lễ Nhậu. Sáu thằng nốc 2 chai Gin to bằng bắp vế và hai con gà quay Texas. Mới bắt đầu hơi ngà ngà, thằng Quỡn Sóc Trăng lôi đâu ra bài thơ, kêu của ông thi sĩ Xuyên Sơn nào đó, gào lên nửa giọng cải lương, nửa hát xẩm, hò Quảng… nghe mà ruột gan cứ thắt lại. Thảm.
-Nghe ghê. Chú làm như bài thơ có sức đốt cháy nhà, như đạn pháo bắn vào chỗ đám đông - Tầm nghi ngờ.
-Thiệt mà. Để em đọc lại anh nghe.
Vẫn cái giọng trầm đục như dề lục bình trôi, Đắc cất giọng đều đều:
- Anh có ở lại đây một trăm năm, 
Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng. 
Anh có ở lại đây một ngàn năm, 
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen. 
Tiếng Anh tiếng U nay chắc anh nói cũng đã quen, 
Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm. 
Anh có muốn ở lại suốt đời ? 
Để mỗi lần đi cày về anh tắm, 
Chỉ tắm dưới vòi sen ? 
Những người đồng hương anh vừa quen hôm qua, 
Ngày mai có thể trở thành kẻ lạ. 
Những người thường làm mặt lạ, 
Lại có thể bá cổ hôn anh, 
Nếu anh lên nhanh, nếu anh trúng số. 
Ôi cái xứ sở xô bồ, 
Lắm người qua hơn hai mươi năm 
Vẫn còn bị hố. 
Hàng xóm, láng giềng, nhà nhà lố nhố, 
Nhưng chẳng ai thèm biết tên ai. 
Xe của ai nấy đi, 
Nhà của ai nấy đóng kín mít.. 
Tết tây tết ta, lễ tạ ơn tạ nghĩa, 
Chẳng hề qua lại hỏi thăm nhau. 
Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi, 
Cũng đặt bày làm người lịch sự, 
Mấp máy nói hai nói ba, chào nhau, 
Như chào cái cột cờ di động. 
Đường phố, phi trường, núi rừng , ruộng đồn
quá rộng, 
Mà lòng con người đa phần tôi gặp, 
Lại nhỏ bé đến li ti, 
Nhỏ bé đến dị kỳ, 
Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất ! 
Thế mà từ quê nhà còn lắm người ao ước ra đi , 
Thế mà từ quê người vẫn chưa có mấy ai thíc
trở về ...vĩnh viễn ! 
Vì sao ? Vì sao ?  
Đấy, tụi em đứa nào cũng thuộc lòng. Nhiều đứa say bí tỉ, nhớ cha mẹ nhớ nhà cứ lảm nhảm “vì sao? vì sao?”. Hễ cuối tuần gặp nhau, làm ly rượu thì lôi ra đọc y như người ta đọc kinh cầu nguyện. Nát lòng.
 -Ờ, ờ… thảm thiệt - Tầm nói nhỏ - Hè, đã vậy chú ở quách lại cho xong. Vườn nhà còn rộng, vợ chồng tôi cho chú một khoảnh, chú cất một căn nhỏ, kiếm cô vợ…
-Năm mươi rồi, vợ con chi nữa?
-Thì cũng phải có đôi có cặp, hôm sớm tắt lửa tối đèn chứ? Cái cô Sương đó, hồi xưa tôi thấy chú cũng để ý, qua lại. Cổ góa chồng mười năm nay. Hai người ráp nhau chung sống.
-Sương nào anh?
-Sương con bốn Thơi đó.
Nghe nói “Sương con bốn Thơi” Đắc giật thót người, cắm mặt nhìn xuống mặt bàn gỗ mốc cời, gõ gõ ngón tay lên miệng chén nước, không thành tiếng. Mấy mươi năm về trước, nếu không có sự cố thì hai người cũng có thể thành vợ thành chồng, chưa chắc anh trôi lềnh bềnh như dề lục bình trên sông. Nay thì khó hơn nhiều, không như hồi xưa nữa rồi. Đắc ngồi im suy nghĩ mông lung, cố ráp lại những mảnh vỡ bữa đêm trăng non mấy mươi năm trước. Nhưng cái hình ảnh kia nó thẹo thĩnh mất rồi. Nó thẹo từ cái đêm đó: Đêm hai người hẹn hò ngoài ruộng mía hợp tác. Ma lực tình yêu kéo dính hai người trên gò đất đầy rác mía, miên man với những câu nói chắc chắn khi về đến nhà sẽ không ai còn nhớ nổi. Đắc chỉ còn nhớ mỗi một hình ảnh lúc hai người ngã trên đống rác mía, bản năng đực cái nổi dày cộm trong người anh và trực giác phụ nữ trong Sương cũng nổi lên. Một cái tát như chiếc chày vồ đập đất cục. Đắc xấu hổ đến vô cùng. Cái bản năng quỉ quái kia biến thành lớp bọt khí bay đi mất. Chỉ có Đắc biết, Sương biết… Bóng tối thì bịt kín câu chuyện cũ, nhưng trí nhớ thì vỡ sáng, như thể Đắc vừa phạm tội khi nãy, mới toanh! 
Tầm không để ý những thay đổi trên khuôn mặt Đắc, vẫn hăng hái:
-Sống không nổi bên đó thì cứ về, tôi lo. Cô Sương một mình, con gái lấy chồng xa. Tốt, tốt đấy - Nói và Tầm đứng lên, lôi Đắc đứng lên. Cả hai cùng bước ra khu vườn rộng.
Tầm chỉ tay:
-Chỗ góc kia quay ra đường, chú chọn và xây cái tổ cho hai người.
Đắc ngó về phía “chỗ góc kia” theo ngón tay trỏ của Tầm, đầu óc cứ dập dềnh những hình ảnh cũ trên gò đất.
-Bằng lòng nhé? Vậy là vợ chồng tôi vui, chú cũng vui, đỡ kêu khổ.
Đắc nói không ăn nhập và đâu:
-Anh bỏ trống nhiều quá.
-Sao? Hả, à già cả rồi, chỉ hai vợ chồng già, sức đâu nữa!
Đắc nhìn quanh quất, bỗng kêu to:
-Trời, nhiều quá!
-Cái gì? Nhiều cái gì? - Tầm ngạc nhiên vì tiếng kêu của Đắc.
-Tuyệt. Em cũng chẳng biết đi đâu. Tết em ở với anh chị rồi tính. Vườn rau dền xanh um. Để em, anh Hai… nhổ rau dền ăn Tết. Tuyệt. Mấy chục năm mới nhìn thấy nó. Luộc, trộn với muối ớt xiêm… Hơn cả bơ, cả xúc xích, thịt băm… Hơ… Hơ…  Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
Đắc đứng ngây, lẩm bẩm như kẻ mộng du./.
Nguyễn Lệ Uyên

 
Vị ngọt rau quê, vị thân thương,
Dẫu có tha phương dẫu đoạn trường....
Bát canh rau cũ, hồn dân tộc,
Gợi nhớ tình ta với cố hương !!
NM 


Thương lắm rau dền cơm
Con trâu và cơm là hai thứ gắn bó chặt chẽ, thân thiết với đời sống nông dân miền Tây Nam bộ. Người miền Nam bao đời nay dùng cơm làm lương thực chính từ đời này sang đời khác, còn trâu là người bạn không thể thiếu trong sinh hoạt, trong công việc đồng áng. Có thể nói ở miền này “Ra ngõ gặp trâu” cũng không phải là nói quá: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Chừng nào cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Dân xứ tôi hễ cái gì bự, dài, sâu đều gắn thêm chữ “trâu” vào, còn cái gì đơn giản, mộc mạc, dễ thương, dễ ăn… thì đều gắn thêm chữ “cơm” vô. Con đỉa bự chảng thì kêu là đỉa trâu, rau dừa ngoài ruộng mà mọc cọng mập mập bự bự ú nu thì kêu là rau dừa trâu, cây muồng để xức lác giống bự thì kêu là muồng trâu, nhà ai có cái mùng ngủ may bự thì kêu là ngủ mùng trâu, cái vũng nước lớn kêu là vũng trâu đằm… Ai nói dài, nói dai mà nói dở quá, người ta kêu là “nói dai như trâu đái.”
Con trùn mập mạp, trắng trẻo thường dùng cho gà vịt ăn hay cắt khúc trộn với cám rang làm mồi câu cá là trùn cơm, con cá nhỏ xíu trắng trẻo mềm mại nhưng kho khô hay làm nước mắm ăn rất ngon là cá cơm, người đánh cờ lớ ngớ chuyên để cho “chúng ăn” bị kêu là hạng “cờ cơm”…
Có một thứ rau thường mọc hoang trong vườn, dân quê tôi kêu là rau dền cơm. Rau dền cơm cây thấp, thân mềm nhỏ, lá nhỏ bằng ngón tay, cọng trắng lá xanh nên còn kêu là dền trắng để phân biệt với rau dền tía bự cây hơn, lá và thân đều có màu đỏ tía, khi nấu chín nước nấu có màu đỏ tía tươi roi rói rất đẹp mắt. Dền tía tuy màu sắc đẹp nhưng ăn thì vị không ngọt, không mát bằng dền cơm. Hồi tôi còn nhỏ, rau dền cơm thường thấy mọc xen lẫn dưới gốc dừa, gốc ổi, xung quanh nhà vách lá, bờ ao, hay mọc lẫn trong đám cỏ.
Ngoại tôi thường mua rau dền cơm về nấu canh với tép tươi. Rau rửa sạch để ráo, tép lột bỏ vỏ dập dập. Xào sơ tép với mỡ tỏi trong nồi cho tép báng mùi tanh rồi đổ nước vào. Nước sôi thì nhận rau vô, nêm thêm gia vị như: muối, bột ngọt. Ngoại tôi nấu canh rau dền cơm thường cho thêm vào một nắm rau dền tía, ngoại nói rau dền cơm thì ngọt còn thêm dền tía “để canh vừa ngọt mà vừa có màu đẹp.” Nêm thêm chừng một gắp mắm đồng là đúng kiểu nhất. Nêm mắm là bỏ mắm cá vô đồ lược mắm, nhúng vô nồi canh đang sôi một lúc cho con mắm rã hết thịt tan ra trong nước canh thì nhắc cái đồ lược mắm ra, đổ bỏ xương cá đi. Canh rau dền cơm mà có thêm trái mướp non thì nước canh càng ngọt lịm, còn thêm chừng hai nắm lá mồng tơi, nước canh hơi nhơn nhớt, cũng giúp canh ngon hơn, chan cơm húp trôi tuồn tuột.
Mùi vị nước canh ngọt lịm của rau dền cơm, của tép, vị mặn đậm đà của mắm, múc canh ra tô rắc thêm chút tiêu giã nhuyễn lên trên, canh bay mùi tiêu thơm phức, màu canh xanh điểm lác đác đỏ tím, nước canh màu tím đỏ nhạt, nhìn hấp dẫn vô cùng, chưa ăn đã thấy nhểu nước miếng rồi. Chan canh nóng hôi hổi vô tô cơm, ăn với tép lột kho tiêu trong nồi đất, thiệt là món ăn dân dã, thanh mát mà bổ dưỡng cả con mắt (nhìn) lẫn cái bụng (đói).
Rau dền cơm luộc hay xào mỡ chấm cá kho đều “hơi bị” hao cơm. Nhiều người thích ăn dền cơm xào, riêng tôi lại thích ăn dền cơm luộc.
Những ngày đói kém sau năm 1975, ngày nào tôi cũng bưng cái thúng nhỏ đi tha thẩn ngoài bờ ruộng, bờ ao, lội vào bờ mương, bờ đìa, vườn nhà hàng xóm để hái rau dền cơm. Ði suốt cả buổi hái được một thúng nhỏ, luộc chín hai dĩa bàn lớn, đủ cho cả nhà chấm cá kho ăn độn để đỡ hao cơm.
Nghe nói, ăn nhiều rau dền cơm chữa được bệnh táo bón, giải nhiệt, hạ huyết áp, nổi mụn…
Dền cơm mọc nhiều nhất vào mùa mưa nên mùa mưa dền cơm bán rất rẻ. Chợ quê bán rau dền cơm tính theo rổ, thúng, không cân ký lô như bây giờ. Người dân quê hái rau bán cũng chỉ ngắt cái đọt rau non nhỏ nhỏ ở trên, dài chừng 1 tấc trở lại, chớ không phải nhổ nguyên cả cây rồi bó thành từng bó như bó rau muống như hiện nay ta thấy ngoài chợ thành phố. Vì vậy, rau dền cơm chợ quê bán đem về không cần lặt lại mà coi như nó đã được người bán chọn lọc sạch sẽ trước rồi.
Bây giờ, người ta trồng rau dền theo kiểu công nghiệp, trồng trên liếp đất vun cao, tưới phân, bón thúc, không chừng có thêm thuốc tăng trưởng nữa chớ chẳng chơi. Vì vậy, rau cọng nào cọng nấy mập ú nu, dài chừng hai gang tay là họ nhổ nguyên cây cả gốc lẫn rễ, cây đều nhau tăm tắp, họ bó thành từng bó đem ra chợ bán như bán rau muống, mùa nào cũng có rau dền chớ không cần phải đợi đến mùa mưa mới có rau non. Ăn rau này, tôi có cảm giác nó thiếu cái mùi vị hăng hắc, cái cảm giác nham nhám, cái ngọt tự nhiên (không phải do bột ngọt), cái nồng nàn của rau dền cơm mọc hoang. Nói chính xác hơn, đó là mùi vị của đất, của nắng, của gió quê hương thấm đẫm vào từng cái lá, cọng rau để tạo thành thứ dền cơm hoang sơ, thanh đạm. Phải chăng thứ mùi vị đó đã thấm vào từng con người, khiến cho người ta luôn nhớ đến quê hương?
Mà thôi, có rau dền ăn là quý rồi, ở đâu trồng cũng được. Ðời bây giờ, làm gì còn đất đai trống trải như ngày xưa để cho rau dền cơm mọc hoang nữa. Ðất đai, đồng ruộng trù phú trở thành sân gôn cho các đại gia, hay khu này khu nọ hết rồi. Nông dân chẳng còn được mấy đất mà canh tác. Xứ tôi, cách xa Sài Gòn gần 300 cây số, lưu thông bằng con đường “độc đạo” là quốc lộ 1A, sống nhờ lúa, cá, tôm. Tất nhiên, không nhà đầu tư nào điên đến mức xuống đó xây nhà máy sản xuất, cõng nguyên vật liệu xuống nhà máy rồi lại cõng sản phẩm ngược lên vùng Sài Gòn phân phối. Vậy mà các quan chức quê tôi “thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào,” “đua đòi” lập khu công nghiệp để lấy tiếng cho cá nhân, chiếm đất nông nghiệp của nông dân đang canh tác “lập 13 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1,369 hecta” rồi để ngó, chớ có ma nào dám đến đầu tư. Còn nông dân khát đất mặc kệ nông dân, tỉnh khác có khu công nghiệp thì “tỉnh ta” cũng phải có cho “bằng chị bằng em.”
Cái “văn hóa XHCN” được nhồi nhét mấy chục năm nay khiến cho những đứa trẻ Sài Gòn bây giờ cũng không giống như đứa trẻ ngày xưa, chúng còn mải mê mỗi ngày chúi mũi vào ti vi xem phim Hàn, nhạc Hàn, thậm chí biết rõ đời tư từng ca sĩ, diễn viên Hàn hơn là chuyện hôm nay học hành ra làm sao, hay cha mẹ làm gì để có tiền lo cho con cái mỗi ngày. Bọn trẻ còn mải chạy theo đứng phơi nắng hàng giờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, hay gào thét đến lạc cả giọng dưới cơn mưa, bất chấp sự khó chịu của người lớn xung quanh, để chào đón 10 chàng trai SuJu xứ kim chi đến quên ăn quên ngủ, quên cả học hành.
Tạ Phong Tần


 Cây rau dền
Cây vừa nhận vẫn chưa lên cao vội,
Giữ mầm xanh như tình bạn tinh khôi...
Vừa giúp nhau chưa nói được nên lời,
    Bỗng vội vã chia tay trong nghiệt ngã...!
 NM
picassoguernica
  CÂY RAU DỀN
Hắn vui sướng khi sáng tinh mơ vẫn thấy cây rau dền đỏ tươi còn đó. Đêm qua trong giấc ngủ chập chờn hắn cứ mơ tưởng đến thứ rau chát chát ngọt ngọt ấy. Hắn sợ sương đọng nặng đè gãy ngọn lá. Hắn sợ tiếng kẻng cầm canh đánh từ cái bọng bánh xe chát chúa không để cho cây rau dền yên lòng thở hút khí mát về đêm. Hắn đã quen với tiếng thanh sắt đánh vào cái trống bằng sắt suốt ngày; đến mức độ thấy trống vắng khi thức nửa đêm mà không nghe thấy. Nhưng đêm qua hắn sợ cây rau dền kinh dật thần kinh. Hắn thương lắm vì cây rau dền măng non chưa tội tình gì mà phải về đây sống với hắn để chịu sự hành hạ của các tiếng kẻng như búa nện vào đầu. Hắn van xin đừng có tiếng kẻng nào xáo động mối tương cảm giữa hắn và cây rau dền bé bỏng trong sương mai.
 Quanh hắn những luống rau muống trồng khô đã nở hoa trắng mộc mạc như loại ở bờ ao bờ hồ. Cây rau dền đỏ tía trổi lên giữa một luống rau phần nào già cỗi với cái khô của mùa đông. Nó hừng tía đỏ lên vì nắng hồng còn nhẹ. Hắn đưa tay nhổ hơn chục gốc muống xung quanh để tạo một khoảng sống cần thiết. Chiều qua hắn nhổ cỏ ở bờ rào và tiếp xúc với một kẻ bên kia. Họ cho nhau một cây rau dền nhỏ. Hắn quay vội nhét xuống đất giữa luống rau muống với tất cả sự mong manh của cái quà tặng không biết nói, không có chỗ để ghi một tín hiệu, một mật mã. Không gì cả ngoài mấy ngọn lá và mớ rễ đứt ngang vì nhổ vội. Cứ nhìn mãi cây rau đỏ, hắn yên lòng vì hai điểm. Thứ nhất rau còn sống qua một đêm của tiếng kẻng; thứ hai chính hắn đã được an toàn sau công việc nguy hiểm là "quan hệ" vì một ngọn rau truyền Giống. Hắn thấy yên ổn vì bên kia bờ rào không có ai, nhất là không có chàng tuổi trẻ hào kiệt đã biếu cây rau dền đỏ nhổ vội từ đất khô để không ai có thể kết tội hắn tiếp tục trao đổi tin tức. Nhiều anh em khác đã ra vườn rau. Nhưng chiếc áo rách bươm, may vội với vải bao cát màu rêu và đã rêu xanh thêm sau bao năm chứa cát dựng quanh nhà. Những gì chất chứa trong những chiếc áo bao cát ấy nay đã nặng nề như đất cát và thành đất cát. Những chiếc thùng, những chiếc gàu, những chiếc gáo chạm nhau nghe cũng vui tai, vui tai cho đỡ buồn vì ánh sáng không chạm được cành cây thành tiếng. Chút cây xanh nầy ở vào một nơi khác có thể xem như cái phổi của thành phố, nói theo các nhà kế hoạch độ thị. Mà đây, người ta đi dạo với áo quần tả tơi. Trông kìa, già trẻ đủ thứ; những khuôn mặt khằn lên vì khắc khổ, những thanh niên vào buổi đầu cay đắng. Họ tiếp nối chuỗi dài hội ngộ: gặp nhau ở trung tiểu học, gặp nhau ở trường bộ binh, thiết giáp, gặp nhau hôm nay trên những luống rau muống hoa trắng, gặp nhau theo lệnh của tiếng kẻng. Rồi còn gặp nhau ở đâu nữa đây? Ai ai cũng làm việc đều đặn trong câm nín không tỏ ra bị câu thúc với bất cứ lý do nào. Họ đã thuần nhuyễn rồi. Có người trông điềm nhiên tự tại đưa tay nhỏ nhẹ bụi cỏ bên gốc rau muống như săn sóc một chậu cúc trắng. Không ai buồn phiền vì cái mùi hôi thối của thùng phân tươi vừa mới đưa ra từ nhà cầu. Thậm chí không ai phản đối nhăn nhó khi nhỡ ra một giọt phân lỏng bắn vào chân hay quần áo. Mà còn tốt nữa thay, à, ta đến giếng lấy một gàu nước chạy lại luống rau của ta rửa tay rửa chân thì thêm một tý chất bổ cho rau cải, cũng tốt thôi. Không ai thèm gớm ghiết gì mấy con dòi bò lúc nhúc. Mà còn cảm ơn là khác. Chúng cho ta ý niệm sống qua cái nhúc nhích quợ quậy, nhúc nhích trong cái băng giá của cõi lòng, tập cho đôi môi trở lại cử động bập bẹ tiếng yêu thương, để đừng quên tiếng yêu thương. Ôi những con dòi biết nhúc nhich, tập cho đôi mắt ta biết nhúc nhích để không còn trân tráo trước một nhành hoa đẹp. Ôi những con dòi đã cho ta cái sống. Ta yêu thương chúng lắm. Công việc ở đây xem như ngày nghỉ. Đa số đã đi công tác nặng đến trưa mới về. Thành phần nầy gồm bệnh hoạn, đến phiên nấu bếp hay có công tác tại chỗ nhưng rảnh vài giờ đi làm vườn. Hắn ở trong loại nầy. Hắn không buồn tưới mấy luống rau, mệt mỏi vì đêm qua cứ trằn trọc lo âu cho cây rau dền và nghe tiếng kẻng cầm canh.
 Mỗi ngày hắn đi công tác, tối về trại nhấm nháp chén cơm vơi phĩnh lừa cơn đói. Rồi công việc của một ngày đè nặng thân xác hắn, kéo xuống cái sạp tre đầy rận rệp rồi ngủ. Một trách nhiệm ngắn ngủi của một ngày. Nếu qua đi thế là xong. Nếu không qua đi thế cũng là xong, nhưng xong cả cuộc đời, ví dụ cắt cỏ nuôi bò chạm trái mìn, hay đào hố chôn trái phá cũ chưa nổ, trèo lên nóc nhà lợp mái té xuống chết như mơ. Nhưng tối qua một đêm không ngủ chỉ tại cây rau dền. Nghĩ đến cây rau dền là nghĩ đến chính hắn. Cây rau dền hé mở viễn ảnh bát cơm bớt vơi. Cây dền dễ trồng, hạt lại nhiều. Hơn nữa hắn tin tưởng màu đỏ mang đầy chất dương, theo khoa dưỡng sinh Nhật như màu đỏ củ cà rốt, gạo huyết ròng. Nước luộc rau màu đỏ dễ thành máu. Đó chưa nói sơ qua qui luật đặc biệt của khu vực nầy. Rau muống phải ăn chung; hằng ngày phải ghi số rau bỏ vào chảo, tính ra tiền trừ vào gạo; rau là tài sản của nhà nước, trồng trên đất công và bởi những người cách mạng nuôi. Còn rau dền có thể "cải thiện linh tinh" trong ca trong cóng. Hắn có thói quen nhìn lên Sao Cày, tên đặt cho tập hợp những sao của dây thắc lưng và cây kiếm trong hệ thống sao Hiệp Sĩ vì xếp như hình lưỡi cày. Trên trời thì sao cày, còn dưới vạt giường rệp cày trên thân xác gầy ốm của hắn. Hắn bực tức đến độ cáu tiết. Giá mà bắt được con rệp là có thể nhai nuốt. Dần dà hắn cũng dịu lại, thấy ngượng với chính mình. Hắn tự hóm hỉnh:
 - Dẫu sao con rệp cũng chung máu huyết với mình. Có người cùng máu huyết mà hút cả tủy não thì sao. Trách làm gì con rận con rệp. Ồ loài hạ đẳng trách làm chi.
 Tâm trí hắn lơ lửng không biết đâu là đầu, đâu là đuôi, chồng chềnh như con tàu lạc hướng; cây rau dền nằm đâu? Hắn nhìn chòm sao Hiệp Sĩ, hắn nhớ có học rằng từ đỉnh đầu kéo xuống thanh kiếm là trục nam bắc. Dựa vào cái vô bổ ấy, hắn thấy tâm trí bớt quay cuồng. Hắn dơ tay vẽ hình một hiệp sĩ theo các vị trí sao trong tinh hệ nầy. Cái hào hùng còn sót lại đã biến hình vẽ thành một hiệp sĩ thực sự, tay vẫn còn để trên đốc kiếm. Nỗi cô đơn cũng bớt chút đỉnh. Hắn đem hình ảnh ấy gán cho chàng tuổi trẻ ban chiều ngồi bên bờ kia hàng rào dây kẻm, hào hiệp tặng hắn một cây rau dền nhổ vội. Hắn tưởng tượng chàng ta trao cây rau dền đỏ tía như một hiệp sĩ thời Trung Cổ trao một nhánh hoa hồng cho người đẹp trước khi cầm lấy cây đàn mà hát một khúc du ca. Giờ nầy chàng tuổi trẻ ấy đang làm gì? Mộng mơ chăng ở bên dãy nhà kia sau hàng rào dây kẻm? Đêm lắng và giấc ngủ giờ nầy có làm giãn nét hằn mặn đắng mới mẻ trên khuôn mặt hay không? Hiệp sĩ ơi, hiệp sĩ ở trên trời cao nhìn giúp tôi. Hiệp sĩ xa mà thấy được, tôi gần mà không thấy được. Mong hiệp sĩ trở thành người bạn của chàng hiệp sĩ kia. Tôi còn nhờ một tí, trông hộ tôi cây rau dền. Không gió nhưng khá lạnh; hắn đau nhức răng; cái răng hỏng từ ngày vào đây không biết thuốc thang ra sao. Cái răng đã lung lay, nay đau lại. Có lần hắn nghe bạn hữu ngậm nước điếu cày thuốc lào cho qua cơn nhức. Mà bớt nhức thật; không phải vì ảnh hưởng của thần dược nầy mà nước ống điếu đã làm hắn say thuốc nôn mửa, quay cuồng đầu óc mà quên cơn đau. Cái đau lần nầy không sâu đậm mà đằm đằm làm nhẹ tay các con rệp dưới giường.
 Lâu ngày ở đây, hắn tập tạo dựng sự điềm tĩnh chấp nhận tất cả và từ đó bất cứ điều gì cũng là đề tài suy tư. Trước khi vào trại nầy, hắn có đọc Nhật Ký Trong Tù của HCM. Dạo ấy hắn cũng đọc trong một trại tù. Hắn không đủ sức thưởng lãm thi ca của nhà thơ được ca ngợi như thánh. Nhưng còn nhớ có bài nói về cái đau răng vì trong tù ăn uống không đầy đủ. Sự nhớ lại nầy thức tỉnh hắn rằng hắn không phải là người đầu tiên khám phá ra sự liên hệ giữa nhà tù và cái răng hư. Ít ra ông Hồ cũng đã biết trước điều đó. Dưới ánh mặt trời không có gì lạ. Ở góc nhà kia kia có ngọn lửa nhỏ, chắn ngang bởi một người ngồi yên. Dạo nầy hiếm củi nên bếp con bị ngăng cấm nhưng vẫn có kẻ xé rào đốt một chút lửa cho ấm lòng rồi sao tính sau.
Cách đây một tuần về trước, khi đêm xuống, từng đóm lửa chập chờn trong bóng đen trong tiếng rì rào. Chẳng khác cảnh trong xóm đông dân mỗi tối; ở góc đường các quày hàng chè, cháo, bánh cuốn làm hội hoa đăng cho khách nhàn du đủ loại. Những lúc như vậy, cái đầu và cái bao tử đem hắn về các khu Nguyễn Thiện Thuật hay Bàn Cờ, Chợ Bà Chiểu đến các quả trứng lộn còn nóng còn nồng với ngọn rau răm, với bát cháo trắng ăn củ cải muối. Từng nhóm cụm năm cụm ba quanh một bếp nhỏ như khách qua đường trò chuyện với cô hàng chè xanh trong cái nửa tối nửa sáng. Chắc chắn ai cũng đun nước lã, không phải vì lý do vệ sinh mà cần nấu cái gì cho vui. Những câu chuyện như trống đánh bỏ dùi. Những khuôn mặt rời rã, đôi mắt nghệch ngạc không đâu ra đâu. Giờ đây hắn mới hiểu tại sao có nhà lập thể vẽ một mặt người mà mắt trái đi một đường, mắt phải đi một ngõ kia, cái cằm thụt mất ra đằng sau. Các đường nét tròn trịnh của trời đất chỉ còn là góc cạnh thẳng băng của một khối lập thể như danh từ dùng tên gọi trường phái hội họa nầy. Khi học tiếng Pháp hồi nhỏ, hắn thường gặp các bài tập đọc tả đêm đông gia đình ngồi quanh lò sưởi; những ngọn lửa nhẹ nhàng vuốt ve cái ấm nước. Còn đây hắn thấy những ngọn lửa hình dáng lập thể như những ngọn dáo đâm ngay vào thinh không, châm chọc bầu không khí lặng yên. Hắn vẫn lặng lẽ chia sẻ ánh sáng của bếp con mà ông bạn tù đã đốt lên. Âm ấm một tý.
 "À cây rau dền có lạnh không nhỉ?" hắn tự hỏi. Hắn đưa tay quờ quạng vẽ trong không trung cây rau dền đỏ tía trong đường nét bán lập thể. Các ngọn lá không vuông nhưng có nét nhọn sắc. Và thân rau lại cắt ngang mấy đường như thái nhỏ ra. Hắn kinh hoảng với nét vẽ ấy. Cây rau dền sao ta lại vẽ như thế? Sao vẽ ngọn lá như con dao? Cây rau dền ta sẽ ăn vào cho nhẹ cơn đói ăn như thế thì nó đâm thủng bao tử sao? Ta vẽ thân cây cắt ngang thì làm sao nó sống, nó đẻ thành con cháu để có nước luộc đỏ tươi làm máu của ta. Ta hãy vẽ như một nét dịu dàng của Renoir, hãy bỏ quên Picasso. Anh bạn bỏ đi để lại cái bếp và viên gạch làm ghế ngồi. Anh đi tay không vì chẳng có gì trên cái bếp làm bằng thùng sắt rỉ. Hắn đến tọa thủ làm chủ mặt trời nho nhỏ của đêm tối nầy. Hắn thấy ấm áp hơn, đưa tay gần ngọn lửa. Hắn lấy một nắm dăm bỏ vào lò, cúi đầu đưa miệng thổi. Khói bốc lên làm nước mắt chảy. Hắn kéo vạt áo bằng bao cát lên lau, nhưng không thấm hết vì làm bằng sợi nylon dệt thưa để chịu mưa nắng. Như sợ một ai đó chê cười hắn nói thầm:
 "À mà khóc một tý cho vui có sao đâu".
 Bất giác câu nói ấy để lại một cái buồn đau đớn không diễn tả được nên hắn cố tìm một câu thơ thay vào đó: Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. Chút thi ca nầy nhắc hắn tập thơ của ông Hồ cũng có đoạn nói về bếp con. Lại một lần nữa hắn không phải là người đầu tiên biết sự hiện diện của ngọn lửa cô đơn. Ít ra ông Hồ cũng biết điều đó trước hắn. Đang mãi mê về những ý nghĩ đi từ ngọn lửa, hắn nghe tiếng chân đi. Một anh bộ đội bước đến. Biết người ta sẽ hỏi gì, hắn nói ngay:
 - Tôi thấy trong người lành lạnh, muốn ốm, đốt tý lửa cho ấm thôi, chả nấu gì, còn củi thì tôi lượm dăm vụn đốt đi cho sạch sân.
 - Không, tôi chả nói gì. Bếp con thì cấm rồi đấy nhưng đốt sưởi tôi chả nói gì. Đi ngủ ngay, đã quá giờ quy định. Đáng lẽ tôi phải mời anh ngày mai lên tiểu đoàn làm việc. Nhưng thôi. Anh đi ngủ ngay.
 Dập tắt ngọn lửa, hắn bước vào căn phòng tối đen, nực hơi người như trong chiếc xe đò đóng cửa lúc mưa. Chỉ có tiếng muỗi vo ve. Hắn mừng thầm chiếc mùng nylon đem theo từ ngày trình diện vẫn còn tốt tuy đã hoen ố khá nhiều. Hắn chui vào như nằm trong chiếc hòm thủy tinh mà du khách có cánh muốn nhai nuốt cái xác chết thay vì chiêm ngưỡng như thánh sống. Nhưng đêm tối không cho hắn thấy cái trong suốt, cái mùng đã thành cái hòm gỗ với cái trần màn thật đen và đen. Khi chợt biết đang đầm mình trong một khối trộn lẫn của suy nghĩ, của ước mơ, của hoài cảm, của chua chát; khi chợt biết như vậy hắn mới rõ mình đã thức dậy từ bao giờ. Hắn mĩm cười, nằm lắng nghe tiếng bánh xe bò lạch cạch uể oải trong thinh vắng, thong thả như bước đi của đôi bò u kẹp vào ách đâu đây bên ngoài. Hắn không có ý niệm về vùng chung quanh, chỉ đến đây nửa đêm trong một chiếc xe bọc kín cùng một đoàn mấy chục chiếc. Hắn tưởng tượng một người đàn ông lực lưỡng tay cầm cây roi mây ngồi trên chiếc xe bò kéo gỗ, có thể giờ đây đang ngủ gà ngủ gật vì đôi bò đã thuộc đường đi. Một lữ hành đang di chuyển mà ngủ gật đến trong tâm tư một lữ hành nằm yên mà mắt sáng như mắt đôi bò. Hắn mĩm cười. Hắn muốn bước ra ngoài, thoát bớt mùi nồng của hơi người. Thò chân xuống đất hắn đã bắt đầu tạo ra vài tiếng động. Đến cửa hắn đánh hắng rồi chững chạt nói:
 "Tôi đi giải bên ngoài" rồi đánh hắng thêm một tiếng nữa mới bước ra sân. Hắn chẳng tìm đâu ra chòm sao Hiệp Sĩ tuy trời sao nhiều, không có mây. Có lẽ lặn rồi, thấy buồn thêm, hắn hát trong đầu câu ca dao; Hôm qua ra đứng bờ ao Trông cá cá lặn trông sao sao mờ.
 Nhìn vào hướng hôm qua sao Hiệp Sĩ chỉ là phương bắc, hắn gặp chòm Đại Hùng Tinh đã nằm ngang. Như vậy cũng tạm gọi là sáng, cái sáng đã gợi lên từ tiếng xe bò. Khi hắn mãi nhìn lên cao, một anh bộ đội đến gần từ lúc nào. Hắn chưa kịp nhận ra là người lính tối qua bảo hắn đi ngủ, anh nầy đã nói:
 - Anh không ngủ được à? Tôi nhớ anh hôm qua ngồi bên bếp con phải không. Anh nói với tôi anh ốm thì sáng mai anh lên tiểu đoàn người ta phát thuốc còn nếu nặng lắm, người ta đưa lên K3 họ làm cho. Anh đi ngủ đi chưa đến giờ thức dậy.
 Giọng người vệ binh vẫn bình thường không gì mỉa mai. Nhưng sao tử tế đến vậy dù chỉ là một lời nói. Hắn linh cảm một cái gì sẽ đến, tuy vậy hắn bình tĩnh đi vào, không đáp một lời. Phù thủng mà xin cho được một viên B1, phải chống gậy như tê liệt và không quên đứng cả giờ cho nước tụ ở hai chân. Nước vo gạo giành nhau dù gạo ẩm, ê chua. Có hôm chính hắn, sau một cơn sốt kinh hoàng hắn đến bệnh xá cầu cứu.
 Một chú bộ đội trẻ trên cổ áo đeo huy hiệu quân y trịnh trọng đặt chiếc cặp da lên bàn, mở từng cái cúc rồi từ từ lấy ra một cái hộp bằng thiết tròn nhỏ bằng móng tay cái, sơn đỏ trên nắp có in hình ngôi sao vàng. Anh ta cẩn thận đưa tay sờ lên trán hắn. Sau khi trở về vị trí trịnh trọng của ông thầy thuốc, anh cẩn thận mở hộp thiếc ra, lấy ngón tay trỏ quẹt nhẹ trên lớp mỡ đặc màu nâu. Anh cẩn thận đậy nắp lại rồi đưa người phía trước ra dấu hắn chồm người đến gần. Anh lính quân y dùng ngón tay trỏ dính mỡ xoa nhẹ hai thái dương của hắn mỗi bên một lần rồi nói: " xong rồi, cao Thống Nhất đấy, tốt lắm".
 Cao là gì chẳng biết, hắn lấy tay quẹt vào thái dương đưa lên mũi ngửi mới biết đó là một thứ dầu cù là, không thơm như hiệu Con Cọp hay Mc Phsu cũ đường Lê Thánh Tôn Saigon. Nay cứ như lời anh bộ đội nói, và giá như hắn ốm thật và cách chữa bằng cao hay dầu cù là không hiệu nghiệm, người ta sẽ đưa hắn lên K3 tức là bệnh xá cấp trung đoàn, xức cao một lần nữa sao. Hắn đưa tay lên trán suy nghĩ về lời ân cần lạ thường hắn mới nghe ngoài sân. Chẳng để ý gì đến linh giác một cái gì sẽ đến, hắn chỉ nghĩ đến việc thuốc thang trong trại mà chán ngán. Hắn thấy thấm thía cái sản phẩm văn nghệ dân gian truyền đi khắp trại.
Xưa thì "đói ăn rau, đau uống thuốc"; nay thì đói ăn rau, đau khắc phục" rồi rau cũng chẳng có mà ăn. Càng nghĩ hắn càng thương mến cây rau dền mới trồng chiều qua. Hắn hết sức tin tưởng cây rau dền đỏ tía đầy tương lai, đầy hứa hẹn. Hắn cười sung sướng, vung tay ra khỏi trán, tay chạm vào thành mùng. Từ đó hắn trở lại ý nghĩ đang nằm trong chiếc hòm thủy tinh. Từ đó hắn liên tưởng tác phẩm của người hiện nằm trong hòm thủy tinh. Hồi nãy ngoài sân chòm sao Đại Hùng làm hắn nhớ câu:
 "nhìn xem Bắc Đẩu đã nằm ngang", ý nói lúc ấy đã vào sáng. Lại một lần nữa, lần thứ ba, dưới ánh mặt trời không có gì lạ. Hắn không phải là người đầu tiên biết vị trí nằm ngang của chòm sao nầy đánh dấu một đêm thức trắng và lo âu. Ít ra ông Hồ cũng đã biết. Cơn đau nhức răng lại trổi dậy. Hắn mong ước có một lò lửa sưởi tay ấm rồi áp lên má cho nhẹ cơn đau. Ước gì ngồi bên lò than mà nhìn Bắc đẩu nằm ngang, có thêm cái lon đặt trên bếp con nấu một nhánh rau dền, và sau đó có điếu thuốc lào thì thần tiên đã đến bên ta. Nghĩ đến người bạn trẻ chưa quen biết biếu cây rau dền làm trổ dậy một ý thức tha nhân cuồn cuộn trong lòng. Một hình ảnh cũng hiện ra: anh bạn tù đã đốt nhường đống lửa trước khi bị vệ binh đuổi đi ngủ. Khi viết lên những hình ảnh tiêu biểu trại tù, nhà thơ họ Hồ có nghĩ đến kẻ khác cho lúc đó và cho mai hậu không? Ông còn nhớ cơn đau răng không? nhớ đến bếp con như người bạn đối diện với cô đơn không? có còn thấy Bắc Đẩu nằm ngang? Những tiếng kêu đó chỉ làm màu làm mè, không phải là một định hướng hành động vì tha nhân. Mà ngược lại tha nhân chỉ kẻ thù. Nếu tác giả nắm cái khổ đau đè nặng lên chính mình làm mối cảm thông thì chắc ông ta đã sẽ không đi vào con đường bạo động hy sinh mạng sống hằng triệu người, đã sẽ không có cảnh tù đày chết dần chết mòn trong lãng quên. Đã sẽ không có một người như hắn suốt canh thâu lo lắng cây rau dền như lo cho quả tim ngừng đập. Nói đến bạo tàn, nhà thơ nầy không sánh kịp các trại tập trung các lò hơi ngạt của Hitler, các rừng xương ở Siberie thời Staline. Nhưng hắn trách móc một cách đau buồn vì tác giả các thảm cảnh ấy là tác giả một tập thơ! được tôn sùng là nhà thơ vĩ đại. Hitler không phải là nhà thơ. Hắn đau đớn vô cùng với viễn tượng một nhà thơ, tay cầm cây bút tay cầm cây búa phang ngang chém dọc như hai con người gặp nhau trong một thân xác để đồng hóa nhau mà đây cây bút che dấu cây búa. Điều nầy còn tệ hơn việc đồng hóa giang sơn với một nhóm người. Hắn nằm yên. Tiếng xe bò lăn bánh nhiều hơn. Hắn mơ đêm dài hơn tý nữa để ngủ bù. Thân thể ê chề như vừa qua một trận đòn nhừ tử, cựa quậy không được. Cảm giác lạnh buốt tê liệt đi từ não xuống chân tay.
 Những tiếng kẻng lâu năm đã hoặc quá căng thẳng hoặc quá làm nhủn dây thần kinh của hắn như lượng rượu hằng ngày của tay nát rượu đã ăn mòn hệ thần kinh. Người ta đã cày nát tâm tư hắn như dấu xe bò dẫm nát con đường đất. Hắn đã băng hoại rồi sao? Cảm tưởng chết chóc đã đến. Hắn cố níu kéo khoản thời gian còn lại, thấy mình bình tĩnh như người ta thường nói trước khi chết con người rất sáng suốt. Hắn mĩm cười, nào có ai chết hai lần mà có kinh nghiệm. Hắn lo nhỡ khi óc não vữa như tương mà chết đi thì cây rau dền sẽ ra sao. Hắn lo nhỡ mà chết trước khi chưa tìm được ý thức tha nhân, thì có dịp nào nữa không. Khoảng mấy chục năm về trước vào một chiều, một cổ xe kéo ngừng trước nhà. Bố hắn bước xuống tay dìu một người đàn ông áo quần rách rưới mà cơn đau còn để lại trên mặt nhiều nếp hằn. Bố hắn gặp người kia ở góc đường kêu la rên rỉ nên đã đưa đến một ông thầy Tàu thuốc bắc chữa trị rồi đưa về nhà. Dăm bảy ngày sau khi hắn cùng bố đi thăm bà nội về, chị hắn chạy ra cỗng hoảng hốt cho bố biết kẻ kia đã bỏ đi lấy rất nhiều đồ đạc. Bố hắn bình tĩnh chẳng quan tâm đến việc mất cắp mà nói với đứa con nhỏ trước khi ung dung đi theo bờ dậu chè tàu:
 "Con thấy anh có khỏe không. Bố sợ vì tham tý quần áo rồi không ai thang thuốc cho, anh có đem gói thuốc theo hay bỏ quên".
 Hình ảnh người cha sống lại trong đầu. Hắn thấy bố sống lại thật, đang đón hắn, hắn từ một thân xác rã rời, từ một linh hồn rách nát. Nhưng bố hắn thì còn nguyên vẹn tươi mát. Chắc hẳn bố đã chết với một tâm hồn bình thản, không bị dày xéo như hắn lúc nầy. Bố đã chết vào một thời mà xáo trộn bên ngoài ngừng ở lằn mức tư duy không đi sâu vào trí não như bây giờ. Hắn ngủ thiếp.
 Hắn thức dậy khi trời đã sáng, sắp xếp công việc trong phòng rồi đi ra vườn rau khi nơi nầy còn vắng để thăm cây rau dền mới trồng hôm qua. Bạn hữu đã ra vườn khá đông. Hắn ngồi xuống nhổ cỏ luống rau muống có cây rau dền thân yêu. Một loạt kẻng vang lên như gọi nhau từ trại nầy qua trại khác chuẩn bị một ngày công tác. Một số đã quầy trở vào, áo quần rách nát xốc xếch. Hôm nay hắn ở nhà phụ bếp với nhiệm vụ thu góp rau của các đội đưa đến bếp chung và báo cáo số lượng. Nhiều nhóm ra vườn đem theo các dỏ cà xé đan bằng dây kẻm đã tháo gỡ gai sắt hoặc bao bố để đựng rau. Đã đến mùa khô và lạnh. Có đội đã trồng cải bẹ xanh, bẹ trắng hay cải củ. Những cây cải măng non xanh nhạt vẫn hồn nhiên chào anh nắng. Hắn thấy một chút ngọt ngào, ngọt ngào như cây cải nhúng vào bát canh miếng có tý dò heo nong nóng vào ngày Tết lành lạnh. Hắn nhớ câu ca dao chưa hiểu: Gió đưa cây cải về trời Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
 Ai? cái gì là cây cải? về trời là về đâu? người ta đã đi rồi chăng? đi về nơi sung sướng hay như bố hắn đã đi vào cõi chết với sự nguyên vẹn của tâm hồn như nó thấy trong cơn mơ đêm qua? ở lại là ở lại chỗ nào? đắng cay là đắng cay nào? Cái lưỡi đã mặn đắng, hắn nghẹn ngào không một giải đáp. Mấy anh bạn cùng đội đã đến cho biết theo lệnh chung các luống rau muống cỗi phải nhổ lấy hạt làm giống, bòn mót đọt nào thì đem ăn nhường đất trồng cải; hôm nay đến lược luống có cây rau dền mới trồng. Hắn nói:
 "Được rồi, để tôi lo. Trưa nay tôi sẽ ra cắt ăn buổi tối. Các anh nhổ hết mấy luống kia đi".
Sau khoảng một giờ, cả đám gánh rau về bếp. Rau chất quanh cái giếng mới đào khi mới đến. Nước giếng đục ngầu như sữa phải lắng mới rửa rau và nấu ăn. Anh bếp trưởng chạy đến dục hắn cân ngay số rau xanh để kịp ghi, vì có lệnh các bếp phải đem sổ sách lên tiểu đoàn ngay. Khu bếp và khu nhà ở như một tổ ong ngủ yên, vắng lặng như ngôi trường ngày nghỉ. Như thường lệ các bếp trưởng lên tiểu đoàn ký nhận hoặc điều chỉnh số thực phẩm lý thuyết đã nhận. Nhưng lần nầy họ đi về có vẽ lo ngại. Họ xầm xì với nhau như đánh hơi một biến chuyển nào đây. Một anh đùa chua chát:
 "Đại bộ phận nhé, đại bộ phận sẽ được nhân dân và cách mạng cho về".
 Khoảng gần trưa, bếp đã chia cơm và rau xong. Ít lâu sau, đoàn công tác trở về chấm dứt buổi sáng làm việc xa, vai vác cuốc, vai vác xẻn. Tay ai cũng ôm một chiến lợi phẩm: một khúc dây kẻm, một cái lon nhôm còn dính đất, một mãnh ván ép. Họ ôm ghì vào người như quí lắm. Mà quí thật, vì những vật ấy khởi nguyên cho những chiếc vòng cho người yêu nếu có dịp gặp lại, một mẫu trang trí đặt ở đầu giường để vào những đêm không ngủ sở tay vào như sờ vào tâm cảm, như sờ vào quả tim mình biết nó còn đó chưa mất. Họ trở về để nghỉ một chút, ăn cơm rồi tiếp tục buổi chiều như mọi ngày. Cơm nước xong ai cũng ngả lưng trong trưa nắng. Ai cũng nằm yên cho ánh nắng du dương với cái yên lặng ngoài sân để nghe tiếng gà gáy xa xa trộn lẫn với tiếng trẻ thơ gọi nhau ngoài khu mía khô lá, nơi có thể sáng nay xe bò lạch cạch đi qua. Một hồi kẻng dục ba tiếng một vang động cả trại. Mọi người vẫn nằm vì lệnh khi báo động ai cũng phải về nơi mình ngủ để điểm danh. Họ đã nằm từ trước và chỉ chờ. Vẫn yên lặng. Tiếng ồn ào vọng từ dãy nhà gần ngõ. Đằng đó người ta cuốn vội áo quần rách phơi trên dây kẻm. Không ai bảo ai mà cùng làm như vậy vì thừa sức biết đó là một lần kiểm soát như mọi lần. Một vệ binh đi đến từng dãy nhà ra lệnh cuốn hành trang lên sân tiểu đoàn ngay. Lại một hồi kẻng dục ba tiếng một. Những ai xếp xong đã ra khỏi cỗng dưới nắng. Có kẻ gọn gàng với cái bao nhỏ, có kẻ cồng kềnh một khúc gỗ có lẽ đang chạm một hình tượng chưa xong, có kẻ ôm vào nách mấy bao cát đầy vết bẩn. Tất cả xếp theo đội ngũ, đứng cách nhau ba bước và xen kẻ, rồi ngồi xuống bày biện hành trang tế nhuyễn lỉnh kỉnh như bán đấu giá, bán chợ trời, vét đi cho xong những gì còn lại trên cõi đời. Bộ đội đến xét và không quên dốc ngược các bị xem thử có gì không. Họ tịch thu các vật bén nhọn như cây kim lớn làm bằng gọng kẻm gai, hay con dao làm bằng niềng thùng gỗ hay bằng các thanh sắt rỉ trước kia là sườn ba lô tìm được đâu đó trong trại lính cũ nầy. Những ai xét xong từ từ xếp hàng lại như chợ chiều vắng khách ngồi chờ xe về nhà. Không ai bảo ai một lời; mà chả có gì để nói, chỉ chờ xem và mong về trại nghỉ một tý rồi đi công tác buổi chiều. Theo lệnh của người trách nhiệm, các đội đã lần lược về trại. Đến phiên đội hắn, quản giáo đến bảo đội trưởng gọi bếp trưởng rồi anh ta bảo hắn bước ra khỏi hàng mang theo "trang tư vật". Sau đó anh bảo toàn đội ra về. Sau khi sân đã vắng người chỉ còn lại nón cối, quản giáo ra dấu ba người (hắn, bếp trưởng và đội trưởng) vào căn nhà tiểu đoàn. Chưa kịp ngồi xuống ghế, người quản giáo quay về anh bếp trưởng nói: "Anh qua bên hậu cần, tôi đã làm việc với họ rồi, lấy ba ngày gạo". Hắn bình thản trước sự phải ra đi, đặt xách xuống đất trong khi anh bộ đội ngồi xuống ghế hai tay chống lên bàn. Biết câu chuyện không dính líu đến mình, anh đội trưởng đứng qua một bên để hắn trực diện với quản giáo. Người nầy nhìn hắn với một nụ cười không gượng lắm mà cũng không đủ tự nhiên của một nụ cười. Anh ta lấy giọng rồi trịnh trọng nói:
 - Anh biết rồi. Cách mạng đã giải phóng miền Nam và xem các anh vừa là tội nhân vừa là nạn nhân của một chế độ áp bức. Cách mạng luôn xét tình, lý trong từng trạng huống cụ thể. Xét lý lịch của anh, thấy anh có chuyên môn xây cất và cầu cống, cách mạng điều anh đến một công trường xây cất góp phần xây dựng đất nước. Anh sẽ có điều kiện thuận lợi học tập tốt sớm đoàn tụ gia đình. Tôi chúc anh thắng lợi. Đoạn anh quay về đội trưởng nói:
 - Ngày mai chủ nhật, đồng chí chính trị viên sẽ làm việc với các anh như thường lệ và giải thích việc điều anh bạn đây đến một cơ quan kỹ thuật. Nhưng từ giờ anh có thể nói cho mọi người biết sự ưu ái của cách mạng để quán triệt đường lối, an tâm học tập có kết quả. Anh bếp trưởng trở lại, nâng túi nylon đựng gạo lên ngang ngực như trình người bộ đội biết rồi trao cho hắn. Hắn đưa tay đón nhận, bỏ vào túi xách. Cả bốn người đều im lặng. Quản giáo đứng dậy nói:
 - Anh bếp trưởng và đội trưởng về đi. Còn anh, anh cứ an tâm ở đây chờ tôi. Tôi đi liên hệ bên vệ binh đưa anh ngay lên trung đoàn để kịp về F hôm nay.
Hắn ngồi xuống hành lang, khuỷu tay chống vào đầu gối, mười ngón tay níu vào nhau đưa ra phía trước, cúi đầu trong yên lặng của một buổi chiều chưa ngả nắng. Quái nhĩ, hắn nghĩ, mình làm gì có khả năng chuyên môn xây cất và cầu cống. Hắn chỉ khai có thời gian ngắn làm thư ký đánh máy cho một ty công chánh tỉnh nhỏ. Lầm à? Hắn lo sợ. Nhỡ như người ta đưa hắn đến công trường xây cất, quá lắm hắn chỉ biết trộn hồ hay uốn sắt cốt bê tông. Như vậy hắn bị qui tội nói dối. Ai làm chứng thực hay dối. Mà dối là tội chết. Đùa à? Thôi, hãy để người ta đùa; nói vậy mà không phải vậy. Hắn đứng dậy vươn vai tìm chút thoải mái, đưa mắt nhìn về phía dãy nhà ở với tất cả xao xuyến và vô định. Hắn nhìn xuống đất, mở hai lòng bàn tay nhìn chằm chặp như muốn đoan chắc đôi tay vẫn còn đó như kẻ đồng hành trên đoạn đường chiều nay và sẽ bắt đầu ngay đây.
 Một vệ binh từ trong nhà tiến ra, vai mang khẩu AK xếp bán, đưa tay ra lệnh hắn lên đường mà không nói gì vì hai bên đã biết sẽ đi đâu. Hắn móc túi xách lên vai, đi trước người vệ binh chừng năm bước. Cặp theo con đường nhỏ ra đến cỗng, bạn hữu đổ xô đứng sau hàng rào; nhiều nơi lưới kẻm gai căng như bong bóng vì sức đẩy bên trong. Hắn cảm khái như đi giữa hàng rào danh dự, không có tiếng hoan hô, không có bông giấy, chỉ có câm nín và ngậm ngùi. Hắn cố sức tỏ ra điềm nhiên, không nao núng, mắt nhìn thẳng tuy hơi ngả xuống đất. Đi một đoạn khá dài, như cố lấy bình tĩnh, hắn đưa tay vuốt nhẹ mái tóc ngắn trên đầu trần. Ngay lúc đó, một cái nón làm bằng vải bao cát phóng ra từ hàng rào, nằm ngay giữa đường trước hắn khoảng năm bảy bước. Hắn cúi xuống lượm thì vệ binh đã đến kịp đưa tay cản. Cả hai tiếp tục đi để lại cái nón đàng sau. Đi tiếp ít bước hắn nghe la lớn:
 "Đứng lại".
 Anh vệ binh đang cầm cái nón lên xem xét, quay ngang quay dọc, quay lên quay xuống rồi đánh mạnh vào chân xem thử có gì rơi ra không. Rồi anh ta quẳng nón xuống đất, quay vào hàng rào nói từng chữ:
 - Một bên vuốt tóc; tóc lại ngắn. Một bên quẳng cái nón ra. Các anh có ý đồ gì? Anh nào làm, tự giác trình diện tiểu đoàn ngay. Tôi lên trung đoàn về mà chưa có ai thì các anh tự động tập họp ở hội trường.
 Hắn kinh hoảng. Đau đớn chiếm cả thân thể; tội lỗi ray rứt tâm hồn. Chính hắn, chính sự hiện diện của hắn gây mối thương cảm cho một bạn nào ném ra cái nón để phải chịu một biện pháp kỷ luật. Một biện pháp chưa rõ hậu quả ra sao, hậu quả có thể biến thiên từ số không đến vô tận. Bé xé cho to là chuyện thường. Mà to thì ngừng ở chỗ nào. Nhức buốc từng sớ thịt. Đến ngã ba đường, hắn thấy một người cũng vai đeo túi xách đang hướng về trung đoàn đàng sau cũng có một bộ đội nhưng không súng. Khi hai nhóm gần nhau, vệ binh ra lệnh hắn ngừng lại chờ nhóm kia đi vài ba chục bước mới tiếp tục. Hơn một phút sau, người đeo bị ấy rẻ vào sân trung đoàn. Kẻ đó không ai khác hơn là chàng trẻ tuổi hôm qua đã cho hắn một cây rau dền, chàng tuổi trẻ mà hắn gọi là hiệp sĩ, kẻ hào hiệp. Sân trung đoàn lặng phắt, không một bóng người. Được lệnh nghỉ ở hành lang, hắn đảo mắt nhìn quanh xem người kia ở đâu. Họ đem đi rồi. Sự thiếu vắng ấy cho hắn thấy mối liên hệ sâu đậm với chàng trẻ kia. Tội ác tày trời đi từ hắn mà ra. Giá như chiều qua hắn không có đó, không xin cây rau dền thì làm sao có cảnh chàng ấy đeo bao bị đến đây chờ đi vào một nơi chưa biết sẽ về đâu. Cây rau dền chiều qua biểu lộ tương cảm giữa hai người chiều nay là đầu mối một chuổi ngày nặng nề cho chàng trẻ ấy và cho hắn. Sự hiện diện của người ấy cho phép hắn không tin lời quản giáo nói hắn được đưa đến một cơ quan kỹ thuật. Chắc chắn trưa nay bên tiểu đoàn kia người ta cũng đã nói với chàng ấy theo cùng phương cách như họ nói với hắn cách đây vài giờ. Hắn biết rõ vấn đề nên trở về cái bình tĩnh tự tạo từ ngày vào chốn nầy. Hắn điềm nhiên hít một hơi thở thật sâu, quay đầu nhìn quanh mà mắt không để vào đâu. Rồi đây, ta có thể gặp người trẻ tuổi ấy không? Giá như gặp nhau được, thì hắn sẽ cho ta một cây rau dền hay ta sẽ cho hắn một cây rau dền? Mà có rau dền mà cho không? Nếu có, thì người ta có cho phép cho nhau một cây rau dền không? Sau những câu hỏi vớ vẩn ấy, hắn gật gù, đóng mở đôi lòng tay, nói thầm như muốn hát:
 Cây rau dền non lá cây rau dền đỏ tía đỏ tía như màu mắt bầm máu của những ngày đông máu của những ngày sôi máu cây rau dền, cây rau dền, cây rau dền.-/-
 
Tôn Thất Tuệ
Canh rau quê hương
Như một nén nhang để tưởng niệm
anh LÊ QUANG THIỀU , qua đời ngày 08 tháng 4. 2008 tại Paris.
Đầu năm 1985 ông xã tôi thuyên chuyển về Saint-Aulay.
Saint-Aulay nằm gần như ngay giữa 3 thành phố lớn Périgueux (khoảng 50 cây số), Angoulême (khoảng 60 cây số) Bordeaux (khoảng 90 cây số) . Sau 3 ngày thăm viếng nhà máy trở về, ông xã tôi kể cho mấy mẹ con nghe : nơi đây có gần 2000 nóc nhà , có bác sĩ , nha sĩ , nhà thuốc tây , viện dưỡng lão, một siêu thị nhỏ, một cửa hàng bán thịt của con trai vị thị trưởng, bạn học rất thân của ông François Mitterand ... nhưng lại không có bệnh viện, trường học từ lớp vỡ lòng đến trung học cấp 1 (lớp 9) lên lớp 10 (cấp 2) học sinh phải chọn đi Ribérac(Périgeux) hoặc Coutras (Bordeaux ), bằng xe bus đưa đón .
Được thành lập từ năm 1903, nhà máy Lafarge Réfractaires Saint-Aulay là cơ sở kỹ nghệ của tập đoàn Lafarge Corporation chuyên sản xuất các sản phẩm gốm chịu lửa (réfractaires) như các khuôn mẫu để đúc tiền, đúc vỏ đạn hoặc đúc những dụng cụ trong hệ thống điện tử... với hơn 500 nhân viên mà đa số là dân địa phương của Saint-Aulay và các làng phụ cận. Họ là những nông dân , ngoài giờ làm việc về nhà làm thêm nghề thứ hai như trồng rau , lúa , trồng nho...Muà đông ở đây thỉnh thoảng mới có tuyết ...và chỉ cách biển Royan (Bordeaux ) hơn một trăm cây số như Sài gòn Vũng Tàu vậy ...
Mấy đưá nhỏ nghe nói tới "biển" hồ hởi phấn khởi thi nhau hỏi :
- Chừng nào mình đến đó ba ?
Ông xã tôi nghiêm giọng :
- Tháng 2, ba đến Saint-Aulay nhận việc , các con chờ tháng 3 nghỉ học 2 tuần muà xuân ba về đón và đi cùng lúc xe dọn nhà về , mấy mẹ con lo thu dọn những thứ không cần thiết thì vứt đi , quần áo cho vào thùng carton gọn gàng , và nhớ ghi tên ngoài thùng là thứ gì để tiện khi mình mở ra ...
Tôi tò mò hỏi :
- Nhà cửa như thế nào hả anh ?
- À ông giám đốc trước để căn nhà ông ấy ở cho mình ! nhà khá lớn , một "maison de maître" em ạ, có một tầng lầu với 5 phòng ngủ nằm giữa khoảng đất hơn 1000 mét, tầng dưới là 2 salon, 1 thư viện, 1 phòng ngủ, bếp nhìn ra sân sau và couloir rộng thênh thang đủ để cu Mỹ nhà mình đá banh, còn bên garage có thể đậu được 4 chiếc xe ... lại ở đối diện với nhà máy, anh chỉ cần đi bộ khoảng hơn 300 thước là sang đến sở làm !
Nghĩ đến ngày từ giã Nancy, thành phố gia đình tôi đã chọn để định cư từ khi đặt chân trên đất Pháp , dù ở đây mặt trời chỉ ghé chơi đôi ba tháng, nhưng nơi nầy đã cho gia đình tôi nhiều kỷ niệm buồn vui của những ngày đầu xa quê hương ... Tôi thở dài xua đuổi những suy tư vẩn vơ trong tâm trí quay về thực tại : Điều quan trọng là công việc làm cuả ông xã , nguồn tài chánh duy nhất cho gia đình !
♣♣♣
Xe chuyển bánh rời Nancy , mặt trời mới vừa nhô nửa đầu với ánh vàng dịu dàng không đủ hơi nóng để đánh tan lớp tuyết còn nằm im trên những nụ non vừa nhu nhú chào đời , chúng tôi đi từ miền đông (Nancy) đến miền tây (Bordeaux), ngang qua những thành phố lớn nhỏ , đến Saint-Aulay 19 gìờ chiều mặt trời vàng còn rực thức như đợi chúng tôi để hơn 10 đêm mới đi ngủ.
Tôi không biết gọi Saint-Aulay là : quận hay làng với dân số hơn 3000 người ? vì nếu làng thì không có trường trung học , quận thì phải có bệnh viện .
Trong nhà tạm ngăn nắp, nhìn kỹ bao gạo, chai nước mắm mang theo từ Nancy đến đây cũng sắp cạn, tôi thấp thỏm lo không biết mua ở đâu , thiếu hai thứ nầy ông xã tôi chắc không "sống nổi qua con trăng này" nhất là thực phẩm Á Châu chỉ bán ở những thành phố lớn như Périgeux, Angoulême hay Bordeaux, nhưng cửa hàng ở đường nào khu phố nào thì tôi chiụ thua. Tại Saint-Aulay chỉ duy nhất gia đình chúng tôi là người Việt , biết tìm ai để hỏi thăm bây giờ ? Sau khi luẩn quẩn suy nghĩ cả ngày trời , tôi chợt nhớ thời gian sắp rời Nancy tôi có điện thoại từ giã vài người quen thân trong số đó có bác sĩ Hiển ở Paris, nghe tôi kể sẽ về Saint-Aulay Hiển nói ngay : " anh chị xuống vùng Bordeaux , gần làng Hồng cuả Sư Nhất Hạnh , hằng năm vào muà hè mở khoá học thiền , nhiều người khắp các nước đến tham dự đấy , năm rồi tôi có đến hai tuần ", nếu có dịp anh chị sang thăm làng cho biết , tôi ghi điạ chỉ với mong ước gặp được Sư Nhất Hạnh , tác giả bài thơ được phổ thành nhạc " Bông Hồng Cài Áo " ... những bông hồng cho những ai còn mẹ hiền " giọng hát nhẹ nhàng đầy truyền cảm cuả người ca sĩ đã làm xoáy đau tim tôi, tim môt cô gái đang còn mang tang mẹ !
Cuối tuần đó ông xã tôi lái xe mang gia đình sang thăm làng Hồng , trên đường vòng quanh những khu nông trại , thăm thẳm màu xanh non mướt đồng luá mì, ruộng bắp, đồng cây mù tạc (mourtarde) vàng rực trãi dài từ ngọn đồi nầy sang ngọ đồi nọ nối tiếp với chân trời . Mấy đưà bé đề nghị ông xã tôi ngừng xe chụp vài tấm ảnh kỷ niệm để gởi bạn bè ở Nancy. Tôi đi dọc theo bờ ruộng hít thở không khí thiên nhiên, chợt đập vào mắt tôi một cụm "cỏ" xanh mướt nằm cạnh những chân hướng dương đang tuổi lưng chừng , tôi xăn quần bước xuống , ông xã tôi la lớn :
- Em định làm gì đó ? coi chừng chủ họ gọi police bây gìờ !
Ông xã tôi tưởng tôi định hái hoa, tôi ngắt ngọn rau xanh đưa lên mũi "đúng rồi" , để chắc ăn hơn tôi vò vò thân cây , hít ngửi rồi cúi xuống hái hơn nắm tay , cầm đến đưa :
- Rau dền anh à !
Ông xã tôi nhìn nghi ngờ :
- Phải không đó ?
- Em ăn rau dền mòn gần nửa răng làm sao mà em lầm được ?
Tôi đưa ông xã tôi ngửi , nhưng ông lắc đầu :
- Một loại cỏ có mùi giống ! rau dền mọc xứ nóng , làm sao sống nổi nơi xứ lạnh dưới độ O hả em ? Vứt đi , nghe anh vứt đi !
Tôi làm thinh đem đến sau cóp xe:
- Lá rau dền rành rành như vầy mà anh cho là cỏ ; em sẽ ăn một mình !
Ông xã tôi phân trần với mấy đưá nhỏ :
- Ba thì không rành lắm , rủi ro không phải là rau dền mà là rau gì đó ăn vào đớ lưỡi ... ông đổi giọng nói đớ đớ , làm mấy mẹ con phải bật cười !
Sau khi đã qua khỏi Sainte-Foy-La-Grande và đến gần khu vực được chỉ dẩn trên bản đồ, chúng tôi bắt gặp 2 bảng chỉ dẫn bằng chữ Việt viết theo lối thư pháp : Làng Hồng : xóm Hạ , xóm Thượng...
Ông xã tôi nói ngay :
- Mình vào xóm Hạ trước , vì có Hạ rồi mới lên Thượng chứ , từ Thấp lên Cao theo thứ tự ... "thiên Thượng, địa Hạ, duy ngã độc tôn"
Trên đường tìm đến xóm Hạ, một chiếc máy cày đang chạy cà rịch cà tang phiá truớc , ông xã tôi chạy nhanh vượt qua mặt .
Ngoảnh nhìn người lái xe : một thanh niên da vàng độ 20 , tôi quay sang nói với ông xã:
- Người lái xe là người Việt anh à !
Cho xe ngừng lại bên mé đường , ông xã tôi bước xuống ra dấu đón xe máy cày .
Cậu thanh niên ngừng xe máy cày lại, nhanh nhẹn nhảy xuống xe máy cày , cười toe toét :
- Dạ , chào anh chị .
Ông xã tôi vào đề :
- Chào em, em ở trong làng Hồng phải không ? Chúng tôi từ xa đến tìm thăm xóm Hạ !
- Dạ dạ anh cứ lái xe thẳng đường nầy , tới ngả tư thứ 3 anh quẹo tay phải rồi chạy chừng 3 phút , anh sẽ thấy một chòm nhà xưa tường bằng đá , anh chạy thẳng vào ... gặp anh chị cô chú chắc vui lắm ! em chào anh chị , lát nữa gặp lại anh chị há! Em tên là Dũng.
Xe tới đầu ngõ , hai đứa bé từ trong nhà chạy ùa ra sân ngoái cổ vào nhà kêu lớn :
- Ba ơi có khách !
Người đàn ông đứng tuổi, dáng cao gầy từ trong nhà bước ra, trong tay một bó rau xanh , bàn tay trái che trán , nheo nheo mắt nhìn, ông xã tôi cho xe từ từ lại gần , người đàn ông để rau trên chiếc bàn đá nhỏ , thong thả bước tới , ông xã tôi ngừng xe bước xuống tự giới thiệu :
- Chào anh , tôi là Vũ , gia đình tôi từ xa mới đến Saint- Aulay, cách đây hơn 50 cây số , bác sỉ Hiển có cho chúng tôi điạ chỉ làng Hồng...
Người đàn ông đưa bàn tay định bắt nhưng vội rút ngay lại :
- Xin lỗi, tay tôi bẩn đất , tôi là Thiều .
Từ trong nhà, một ngươì đàn bà gương mặt trắng như sữa tuơi , vội vã bước ra đi nhanh về phía chúng tôi gật đầu chào với nụ cười thật hồn nhiên!
Anh Thiều nói ngay :
- Bà xã tôi đấy
Tôi cười :
- Chào chị !
Anh Thiều gọi hai đứa bé trai lại gần :
- Tý, Miêu chào hai bác đi con !
Tý và Miêu khoanh tay kính cẩn cúi đầu chào vợ chồng tôi.
Mấy đứa con của chúng tôi cũng đã lục tục từ xe xuống , tôi gọi 5 trẻ lại chào anh chị Thiều.
Anh chị Thiều vồn vả mời chúng tôi vào nhà , chị Thiều mở lời :
- Xin lỗi anh chị nhà hơi bưà bộn, vì tụi nầy đang chuẩn bị bó rau để ngày mai đem giao bán cho cửa hàng thực phẩm dưới Bordeaux.
Chị vừa nói vừa đẩy những đống rau qua một bên , tôi cầm tay chị :
- Tôi phụ chị một tay vưà làm vưà nói chuyện được mà !
Anh Thiều kéo chiếc ghế :
- Chị lại ngồi đây, rau bó một lát xong ngay , em vào pha bình trà đi em .
Tôi xin phép theo chị vào bếp , hỏi thăm qua lại , hai chị em cùng cười nức nở , chị mang bình trà đặt trên bàn tròn hớn hở nói với chồng :
- Trái đất tròn ghê anh à, chị Vũ dân Bến Tre với em , nhưng chị ở tại tỉnh lỵ .. còn em ở Chợ Giữa cách quận Trúc Giang hơn sáu cây số.
Chị vào nhà mang bánh kẹo nước ngọt cho mấy đưá nhỏ đang ríu rít chạy theo trái banh , sau đó rủ tôi ra sân ngồi trên chiếc băng đá nhìn xuống giải đất đang khai hoang để trồng Prunes (mận), chị nhìn tôi ánh mắt rạng niềm vui ...
- Nghe chị dân Bến Tre, nhìn chị em nhớ những cây dưà xiêm nặng triũ những trái nhỏ maù vàng , dừa lửa đó chị , những tàn lá giang rộng tay che kín khoảng không... Chị nói như trong giấc mơ , rồi thở dài tiếp : Không biết bao giờ em được trở về thăm ba má và cây dưà lửa ngọt ngào ấy ?
Đôi mắt chị Thiều ửng đỏ , tôi ôm choàng bờ vai chị nói nhỏ :
- Tôi tin sẽ có một ngày nào đó mình trở về thăm quê hương , hy vọng và ước mơ sẻ cho mình quên ngày tháng nơi xứ người , hãy cố gìữ ước mơ để sống nhen chị !
Tôi chuyển sang đề tài về những cô thầy, trường trung học cấp 2.. chị gật đầu lia liạ thì ra lúc tôi lên Sàigòn học thì chị mới vào cấp 2 , tôi nhắc đến quàn chè , tiệm sinh tố trái cây cuả anh Biếu Ký , tô bún xào cuả chị Hai ...
Gương mặt chị im lìm , chị nhìn tôi thoàng nét buồn :
- Năm năm sống nơi đây, quanh quẩn chỉ có vợ chồng em với mấy đứa bé và chú Dũng lần đầu em gặp lại người cùng quê xứ dừa !
Tôi bóp nhẹ bàn tay chị không nói nên lời vì chính tôi cũng lao đao trong nhung nhớ!
Chị nhìn tôi ánh mắt rạng vui :
- Chị 9 Phượng cũng là dân Bến Tre đó chị , nhưng chị Phượng không học cùng trường với chị em mình ,chị ấy sang du học Pháp lúc mình còn học tiểu học .. chị Phượng là em gái của ca sĩ Cao Thái đấy !
Anh chị Thiều mời gia đình tôi ở lại ăn cơm trưa. Nói đến cơm , tôi sực nhớ đến bao gạo nên nhờ chị Thiều chỉ dẫn địa chỉ cửa tiệm thực phẩm Á châu. Chị lấy viết ghi rành rẽ đường đi , vì Bordeaux là thành phố lớn thứ 3 cuả nước Pháp , chị đãi chúng tôi canh rau tần ô nấu thịt heo nạc xay nhuyễn, thịt gà kho gừng , món hạp khẩu ông xã tôi : cà pháo ...dầm muối !
Tôi nhớ lại mấy cọng "rau cỏ" nằm sau cóp xe nên chạy ra cầm vào hỏi chị Thiều . Chị cười ngất :
- Rau dền chớ còn rau gì, bên nầy lần đầu em thấy thì em cũng như chị , tưởng nhìn lầm , chị đem về nấu canh tôm ăn hết nồi cơm luôn...
Ông xã tôi thắc mắc :
- Làm thế nào mà giống rau dền nầy có thể sang đây "định cư" nhỉ?
Anh Thiều giải thích :
- Có thể lúc những người Việt sang đây đi lính thời đệ nhất thế chiến họ mang hạt giống theo để trồng , sau đó gió mang hạt giống đi khắp nước Pháp ! nói xong anh cười lớn ...
Mặt trời nghiêng bóng khi chúng tôi từ giã , chị Thiều quyến luyến :
- À , ngày mai em theo anh Thiều giao rau ở Bordeaux , anh chị muốn mua gì nói em mua hộ cho , cuối tuần tới anh chị sang lấy ...
Tôi im lặng nhìn ông xã tôi đang làm bộ như không nghe , tôi ngập ngừng đáp
- Cám ơn anh chị , nhưng tôi cũng muốn biết mặt mũi Bordeaux như thế nào , chẳng lẽ nhờ anh chị hoài sao ??? ...
Chị Thiều vừa ôm bó rau cải đủ loại để vào cốp xe làm quà cho chúng tôi, vừa như than thở , vừa như nỉ nài:
- Cuối tuần anh chị rảnh sang nầy chơi nhen, ở đây chỉ vỏn vẹn có gia đình em là người Việt thôi !
Tôi gật đầu hứa và chào từ giã anh chị Thiều. Từ đấy, ở vùng này, chúng tôi đã có những người đồng hương, những người bạn và cũng là những người xác định để tôi chắc chắn đó là rau dền quê hương .
Tôi đi "sưu tầm" rau dền nhất là mỗi khi đi ngang những ruộng bắp nơi rau dền ưa mọc nhất ... Có những lúc trên con đường xe chạy, chung quanh một cột trụ đèn , tôi chợt gặp một đám xanh mướt đang đong đưa vãy gọi tôi , tôi ngừng xe lại bên mé đường, bước đến nhìn rồi định hái , nhưng lại phân vân : rủi có người nào đó ở Saint-Aulay chạy xe ngang nhìn thấy thì kỳ quá , à mà cũng không nên vì nhớ lại điều ông xã tôi có căn dặn "em hái nên cẩn thận để ý xem có thuốc xịt trừ sâu bọ hay không ? có bị mấy con chó giở chân "tưới" lên đó không ?... Tôi quay lại xe, trở về nhà mà lòng tiếc hùi hụi !
Điều đáng nhớ cho tôi là người dân ở Saint-Aulay mộc mạc, hiền hoà như khí hậu ở đây, như những giòng suối nhỏ bao quanh thị trấn này . Buổi đầu khi mới đến, xe dọn nhà của chúng tôi vừa ngừng trước cổng , một số nhân công trong nhà máy đến tiếp tay, phụ khiêng đồ đạc , họ còn mang thêm cả bánh trái, nước uống cho gia đình tôi cùng hai người thợ dọn nhà , trước khi bắt tay từ giã ra về họ còn căn dặn nếu chúng tôi cần gì thì cứ đến gõ cửa nhà họ , cửa luôn mở chờ chúng tôi .
Câu nói đó đến nay, hơn 20 năm sau khi đã rời xa những người Pháp ở đây, vẫn còn văng vẳng bên tai tôi .
Rồi những bất ngờ của nhiều buổi sáng khi mở cửa để đi sang nhà máy làm việc: chồng tôi và tôi lại trông thấy món " cadeau " (qùa) treo trên tay vịn cửa nhà : một giỏ nấm cèpes khoảng 2, 3 kí lô hoặc một cây chou - fleur (súp lơ) tươi rói hay một chai rượu pineau ngọt lịm đặc biệt của vùng Saint-Aulay hoặc những trái cérises chín mộng ... Qùa của ai ? cho đến nay chúng tôi cũng không thể biết được mà chỉ biết một điều do chồng tôi thuật lại khi từ nhà máy trở về để ăn cơm trưa : chồng tôi có hỏi một số trong những người thợ làm việc , họ đều vừa cười vừa trả lời: chắc của mấy người lối xóm đó ông à ! .
Một kỷ niệm khác nữa không thể phai nhoà trong tâm tưởng của tất cả gia đình chúng tôi , những người Á châu, những người Việt Nam đầu tiên đến ngụ cư tại Saint-Aulay : Khi chồng tôi lại phải thuyên chuyển về một nhà máy khác của công ty Lafarge ở Vendeuvre-Sur- Barse - Troyes , chúng tôi đã thật vô cùng xúc động vì tình cảm của những người đã làm việc với chồng tôi mặc dù chỉ một thời gian ngắn ngủi 19 tháng : họ đã chạy xe theo để tiễn chân cho đến lúc xe chúng tôi sắp ra khỏi địa phận Saint-Aulay mới chịu dừng lại và rồi lại những màn ôm siết nhau, hôn má nhau... trong những đôi mắt của họ, của chúng tôi đều mờ đỏ vì nhoè nước mắt ...
Giã từ thị trấn nhỏ đáng yêu Saint-Aulay là tôi cũng tạm biệt gia đình anh chị Thiều, chú Dũng của xóm Hạ làng Hồng, những người đã chia xẻ với gia đình chúng tôi những cọng rau quê hương mỗi dịp qua lại và giã từ những buổi chiều thanh thản, khi mặt trời còn rực sáng đi dạo trên những con đường quê yên vắng .
Phần tôi và hai con gái lớn trong những buổi chiều đi dạo đồng quê như thế cũng là những dịp để "sưu tầm" rau cỏ .Chúng tôi đã tìm được rau cần nước, rau cải xoong (cresson) trong những con suối nước trong suốt cạnh những cánh rừng sồi và hiển nhiên là những cọng rau dền nồng mùi vị quê hương.
♣♣♣
Rời Saint-Aulay, chúng tôi lại lên đường đến thành phố Troyes , cách Paris đúng 186 cây số .
Theo ngày tháng các con tôi như những con chim với đôi cánh vững chắc , lần lượt bay đi khắp nơi : Paris , Orsay , Toulouse , Bucarest , ...
Ở Troyes có nhiều cửa hàng thực phẩm Á châu và bây giờ trong nhà chỉ còn lại hai người "hơi lớn tuổi" với những chiếc răng luôn luôn hăm doạ vĩnh viễn ra đi nên việc ăn uống cũng giản dị trở thành "ăn để tạm sống qua ngày" . Nhu cầu sưu tầm rau dền không còn "nhộn nhịp" như thưở nào.
Chủ nhật , đầu muà hè, khí hậu ấm áp hình như 20 độ, tôi đang đọc trang báo net Newvietart , bỗng chuông điện thoại reo vang, nhấc lên :
- Alo, Alo ...
Bên kia đầu giây, giọng lảnh lót của cô con gái lớn ở Orsay :
- Mẹ à , vợ chồng con vừa đi mua rau ở vườn Bio (*) , mình ra vườn hái loại rau nào mình muốn , sau đó đưa họ cân ký tính tiền ...mẹ biết không ?
Tôi nhẹ nhàng trả lời :
- Dĩ nhiên là không rồi !
Với giọng cười ròn tan cô con gái tiếp :
- Khi con tới mấy luống radis (một loại cải củ), con thấy rau dền màu tím , con rỉ tai chồng , dầu sao Tây với Tây nói chuyện dễ hơn... chồng con vào gặp người chủ vườn nói với ông này :
- Ông có thể đi tới luống radis với tôi được không ? vì nơi đó có loại cỏ mà mấy con thỏ của tôi rất thich ăn , nếu ông đồng ý cho chúng tôi nhổ
Người chủ vườn theo chồng con ra xem , buồn cưòi ghê, chẳng những ông ta đồng ý cho mà còn phụ nhổ với tụi con , ông ấy còn sang bên vườn trồng cà chua nhổ thêm một bó nữa đưa cho tụi con , sau đó còn nói cám ơn tụi con đã nhổ cỏ dùm họ ... vì nhổ luôn cả rễ nên con phải lặt từ nãy tới giờ , nhớ mẹ con phone kể cho mẹ nghe ! hi..hi...
Tôi mỉm cười , qua điện thoại nói với con gái :
- Con nhớ nấu với canh tôm cho thỏ cha, thỏ mẹ, thỏ con của con ăn con nhé !
Tôi đặt điện thoại xuống , nụ cười vẫn còn trên môi, nghĩ :
Hai mươi bốn năm sau : Rau Dền , món Canh Rau Quê Hương .

(*) Bio : phương pháp trồng không xử dụng phân hoá học.
Viết xong đúng vào giỗ 100 ngày của anh Lê Quang Thiều

NGUYỄN THỊ DỊ
Troyes ngày 16 tháng 7 năm 2008
 

Em Quên Điệu Lý Tình Quê

Dền ơi!

Tên tôi là Hiền Nhi, một cái tên dễ thương như vậy mà mỗi lần thấy mặt là hắn lại réo: “Dền ơi!”. Đã vậy, những lúc giận nhau, hắn còn cả gan gọi tôi là Dền… cứt gà (một loại rau dền vừa xơ xác, vừa xấu xí như tên gọi của nó).

“Dền ơi, đi học thôi kẻo trễ”. Đó là tiếng gọi quen thuộc mỗi ngày của hắn. Nhà hắn ở cạnh nhà tôi, cách nhau chỉ một cái hàng rào trồng toàn cây vỏ ốc. Hắn thường giúp tôi bứt dây tơ hồng quấn chằng chịt trên hàng rào. Ngày nào hắn cũng rủ tôi đi học chung cho vui.
Chúng tôi chơi thân với nhau từ hồi học mẫu giáo. Mỗi khi tôi bị bắt nạt là hắn sẽ bảo vệ tôi đến cùng. Hắn cũng thường giúp tôi giải những bài toán khó. Phải công nhận rằng hắn vừa học giỏi, vừa năng nổ trong các hoạt động của trường, lại rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè nên ai cũng yêu quý hắn.
Phần tôi, những gì tôi dành cho hắn còn nhiều hơn thế nhưng lắm khi tôi cũng rất tức hắn. Tôi tên Hiền Nhi, một cái tên dễ thương như vậy mà mỗi lần thấy mặt là hắn lại réo: “Dền ơi!”. Đã vậy, những lúc giận nhau, hắn còn cả gan gọi tôi là Dền… cứt gà (một loại rau dền vừa xơ xác, vừa xấu xí như tên gọi của nó).
Có lần tức quá, tôi vừa khóc vừa nói: “Nhà tui nghèo tui mới ăn rau dền chứ!”. Nụ cười vụt tắt trên môi hắn: “Đừng giận nữa, tui chỉ đùa thôi. Tối nay tui dẫn Nhi đi ăn chè nghen!...”. Nghe hắn gọi đúng tên cúng cơm của mình, tôi mừng húm, hết giận luôn. Chiều đó hắn còn ra vườn cắt rau dền phụ tôi.
Mảnh đất miền Trung quê tôi quanh năm oằn mình dưới nắng gió và mưa bão. Người dân quê tôi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Hắn thường hỏi tôi: “Sau này Nhi thích làm nghề gì?”. Tôi bảo, thích làm giáo viên để nối nghiệp ba mẹ. Nghe vậy hắn cười: “Còn tui sẽ làm học trò cưng của cô giáo Nhi”.
Ngày chúng tôi nhận giấy báo đậu đại học, niềm vui vỡ òa. Vậy là ước mơ vào giảng đường của chúng tôi đã thành hiện thực. Tuy nhiên, trong niềm vui lại xen lẫn nỗi buồn vì sắp phải xa gia đình, xa một người bạn thân yêu đã gắn bó suốt cả tuổi ấu thơ. Chúng tôi đã lặng lẽ ngồi bên nhau thật lâu…
Tôi ra Đà Nẵng học làm cô giáo, hắn vào TPHCM để thực hiện ước mơ trở thành kiến trúc sư. Rồi một ngày, tôi nhận được thư của hắn. Những dòng chữ yêu thương cứ tuôn trào như dòng suối dịu êm. Mùa đông năm ấy thật ấm áp, tôi ôm những cánh thư vào lòng để cảm nhận hơi ấm của tình yêu đầu đời…
Tình cảm của chúng tôi lớn dần theo thời gian. Cho đến một ngày nọ, khi đang làm bài tập nhóm với các bạn ở ký túc xá để chuẩn bị cho học kỳ cuối của năm thứ 4, tôi nhận được điện thoại. Chị của hắn gọi cho tôi, giọng đứt quãng, nghẹn ngào: “Nhi ơi…..T bị tai nạn… mất rồi!”.
 Đầu óc tôi quay cuồng, trái tim tôi tan vỡ. T. gặp nạn trên đường đi dạy thêm vào buổi tối. Người con trai ấy đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi thanh xuân, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Trong túi áo T. mặc hôm ấy có tấm hình của tôi đã nhòe nhoẹt máu.
Đau đớn, tuyệt vọng… nhưng tôi đã cố gắng sống bởi giờ đây tôi không chỉ sống phần mình mà còn cho cả phần của T. Tôi thường tự hỏi, sao ông trời bất công vậy? Ba mẹ tôi nói “Ở hiền gặp lành” mà sao một người tốt như T. lại có số phận bạc bẽo như thế?
Thời gian lặng lẽ trôi. Tôi giờ đã có một cuộc sống ổn định ở TPHCM nhưng mỗi khi về thăm quê hương Quảng Ngãi, nhìn hàng rào vỏ ốc và những luống rau dền trong vườn, ký ức tuổi thơ lại ùa về.
Tôi bỗng thèm được nghe tiếng gọi thân thương ngày nào: “Dền ơi”... 

lethuy


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Tiếng chuông khuya

(Kính nhớ về ba và mẹ trong Ngày của Cha)
Tiếng chuông xưa
Chuông xưa không thanh thoát,
Âm ba lại trầm buồn...
Nhưng ngân dài nhắc nhở,
Một thời thương nhớ thương !!
NM
Tiếng chuông khuya
           Ba tôi bệnh rất nhiều, mẹ và cậu ba đã cố gắng đưa ba đi trị bệnh khắp nơi, từ thuốc tây cho đến thuốc ta ! Càng ngày ba tôi càng gầy ốm, bác sĩ nói ba bị thương hàn lại bệnh lâu không ăn được như bình thường nữa, chỉ húp nước soupe và nước gạo lức rang vàng mà thôi !
         Phòng của ba mẹ và phòng khách được ngăn bằng tấm vách tường, nhà tôi rộng bề ngang cho nên phòng khách chia hai, sát tường bên tay phải là cái divan gỗ xưa, divan nầy và cái đồng hồ cổ là hai vật kỷ niệm "dằn tâm" của người chủ trước căn nhà đã tặng lại cho ba mẹ tôi . 
           Chiếc divan được dặt sát tường kế bên cửa sổ nhỏ nhìn qua sân nhà ông Mười, hai chị em tôi ngủ trên divan nầy. Cách divan một khoảng rộng hơn một chiếc chiếu là bộ salon bằng mây có lót nệm đỏ.
          Giữa bức tường trên cao ba có làm một khung hình bán nguyệt, phía sau khung bán nguyệt có thờ hình Phật Quan Âm in trên giấy carton dầy lộng trong cái khung kính mạ vàng. Đây là hình Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, tay phải có bế một em bé trai còn rất nhỏ, tay trái cầm nhành dương liễu, quỳ dưới chân bà cũng là một bé trai lớn hơn bé trai kia tay cầm vòng càn khôn
          Khi mới dọn về nhà nầy ba mẹ qua chùa Phật Bửu Tự thỉnh tranh Phật về thờ cùng với bài vị Thần tài và ông Táo, hàng ngày khi thì mẹ khi thì ba hay cậu đốt nhan và cúng trái cây ngày rằm hoặc mồng một. Từ khi ba bệnh nhiều, ngoài người thân trong gia đình còn có hàng xóm tới thăm, trong số đó có bà Tư đầu xóm lớn tuổi nhất, bà khuyên mẹ qua chùa quy y và thỉnh kinh về đọc cho ba, mong ba có thể được Trời Phật gia hộ mau chóng khỏi bệnh 
         Ba bệnh nhiều nên  mỗi một lần người lớn hoặc chị em tôi có việc phải đi ngang qua cửa buồng của ba thì ba thường nhíu mặt, đi khẻ cách mấy ba cũng nghe và khó chịu trong người, cho nên mẹ hay chắc lưỡi ngó làm chúng tôi càng sợ, không dám nhìn và thật ra người lớn cũng không cho con nít vô sợ truyền nhiễm !
          Ba cứ nằm như vậy mà không thuyên giảm, thế là mẹ nghe theo lời bà Tư qua chùa Phật Bửu Tự chính thức quy y, mặc dù những rằm lớn mẹ cũng dắt hai chị em tôi qua chùa lễ Phật, ba mẹ con cũng lạy sám hối như Phật tử của chùa, có điều là vì hãy còn nhỏ nên chị em tôi giữa chừng thì thiu thiu ngủ ! Những năm tháng nầy Phật tử không mặc quần áo xám hay áo tràng như bây giờ, bà Tư và mẹ chỉ mặc nguyên bộ bà ba tay dài khi thì màu trắng lúc áo hoa nhỏ màu nhu ....
          Sư ông trụ trì khuyên mẹ thỉnh kinh Pháp Hoa, kinh Nhật tụng, kinh Sám hối. Đêm v yên tĩnh mẹ ngồi xếp bng trước bàn thPhật tụng kinh cầu nguyện. Nghe theo lời mẹ dẫn giải, ban đầu trước khi đi ngủ hai chị em tôi cùng ngồi sau lưng mẹ, cũng đứng lên, quỳ xuống giống mẹ, vì hãy còn con nít cho nên em tôi ngủ hồi nào không hay, còn tôi tuy buồn ngủ nhưng cũng ráng ngồi....Sau nầy mẹ không bắt chúng tôi quỳ sau lưng mẹ nữa, mẹ cho chị em đi ngủ sớm, tuy nằm trong mùng nhưng chúng tôi vẫn nhìn rõ mẹ trong bộ bà ba lụa trắng quỳ trước bàn thờ đọc kinh cho ba. Em tôi ngủ nhanh vì tiếng kinh nho nhỏ êm tai, riêng tôi không hiểu sao hay vạch mùng ló đầu nhìn mẹ đọc kinh
           Nhìn mẹ rồi nhìn hình Phật Quan Âm cũng trong xiêm y lụa trắng, tôi thấy sao mẹ giống Phật vô cùng, tiếng mẹ đọc kinh nhỏ đều, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông đánh khẻ ngân nga, thêm vào đó mùi nhan trầm lan toả xen với mùi hoa dạ lý hương nở về đêm làm tôi cảm thấy dễ chịu, một niềm an ổn vô biên thật nhẹ nhàng nhưng ấm áp lan toả, tôi không muốn ngủ dù rất buồn ngủ...
         Mẹ chỉ đánh chuông mà không gỏ mõ, tiếng mõ tuy không lớn nhưng ba không chịu được, một điều lạ lùng là mỗi tiếng động nhỏ hay tiếng chân đi thật khẻ cũng làm ba khó chịu chắc lưỡi, nhưng mỗi đêm tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông điểm nhẹ ba lại ngủ yên giấc hơn !
        Bỗng nhiên ba không húp cháo hay soupe nữa, mọi người thật sự lo lắng, bà Tư an ủi khuyên mẹ cứ nhẫn nại đọc kinh cứu khổ cứu nạn cho ba....Tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi thấy thương mẹ vô cùng, ba bệnh không đi làm được, lương của ba không đủ cho chi phí thuốc men, ban ngày mẹ phải làm sổ sách hụi hàng, mẹ còn theo bà Tư hướng dẫn mua bán cẩm thạch và hột xoàn thêm mới đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Tối về, sau khi xong mọi việc thì mẹ lại lo kinh kệ cầu nguyện cho ba !
           Có một đêm ba trở bệnh nặng hơn, mẹ dắt hai chị em vô phòng thăm ba, nghe tiếng mẹ gọi, ba chỉ mở mắt lờ đờ nhìn rồi lại nhắm mắt hình như khó chịu trong người, mẹ lại dắt hai chị em đi ra, lần đó tôi thoáng thấy mẹ và cậu khóc ! Ba ra dấu than lạnh, cậu ba lấy khăn hơ trên than nóng đắp lên trán, trên tay và chân cho ba, nước mắt cậu rơi trên than nghe xèo xèo !
          Rồi mẹ cố gắng đọc kinh, tiếng mẹ đọc nhỏ nhưng không đều đều như trước mà thỉnh thoảng ngắt quảng, chắc mẹ khóc âm thầm như cậu! Đêm đó mẹ đọc khuya thật khuya, mẹ ra dấu kêu tôi ngủ không cho ló đầu ra ngoài mùng nữa!
        ....Thức hơi khuya, cho nên buổi sáng hai chị em tôi dậy muộn, nắng rọi từ cửa sổ phòng khách xuyên qua mùng làm chị em tôi tỉnh giấc, cũng ngạc nhiên vì không ai đánh thức. Trong phòng ba có tiếng nói của mẹ và cậu cùng vài người hàng xóm, mọi người nói chuyện bình thường không khe khẻ như trước! Một việc khác thường chưa từng có trong thời gian ba bệnh nặng, lúc trước ai đến cũng đi thật khẻ, nói thật nhỏ, vô thăm ba xong đi ra phòng ngoài mới dám nói chuyện với mẹ
          Tò mò không giữ ý nữa, tôi và em gái chạy vào phòng xem sao thì thấy ba đã mở mắt, mặt ba tỉnh táo và sinh động hơn, ba không khó chịu khi có đông người....Theo lời ba kể lại sau nầy, đêm đó ba thấy mệt mõi vô cùng, người bứt rứt nặng nề mà không mở miệng nói được, tuy nhiên ba vẫn nghe tiếng mẹ đọc kinh và tiếng chuông gỏ nhẹ bên tai.....Ba nghĩ rằng có lẻ ba sẽ không qua khỏi cơn bệnh nầy, ba nói đột nhiên ba chảy nước mắt, lúc ấy ba bỗng thấy có một bà rất đẹp như bà tiên mặc bộ đồ lụa trắng dài đứng bên giường cúi nhìn ba và nói với ba là :"Mệt lắm phải không con, bây giờ cố gượng nhổm cái lưng lên bà sẽ bế con xê qua phía bên kia con sẽ đở mệt!!"
         Như có một sức mạnh huyền bí nào đó tự nhiên ba nghe theo cố gồng cho lưng mình cong lên và bà đó lòn hai cánh tay xuống dưới lưng ba đưa ba qua phía bên kia giường, lúc đó ba nói người ba như có luồng gió mát thật nhẹ nhàng, ba cảm thấy như mình qua một giấc ngủ dài, không nóng nảy, không nặng nề và tỉnh lại thật bình thường !!
           Mọi người đều mừng và chúc ba sớm bình phúc, ba cảm thấy đói bụng đòi ăn cháo !! Và từ từ sau hôm đó ba khoẻ lại, ba ngồi lên được và cậu dìu ba đi chầm chậm trong nhà ....Mọi người đều nói đó là nhờ công đức của mẹ đã hết lòng trì tụng cầu nguyện cho ba
           Ngày ba khoẻ lại hẳn, bà ngoại ở Bạc Liêu lên, bà con bên ngoại ở Xóm Củi, bà con bên nội ở Tân Định đều ghé thăm, nghe mẹ kể lại câu chuyện nằm mơ của ba ai cũng tin đó là Phật Quan Âm chứng cho lòng thành của mẹ, em gái tôi ngây thơ hỏi ba :"Như vậy bà đó  ẵm ba thiệt hả ba, sao bà ẵm ba nỗi, sao con thấy ba vẫn nằm chỗ nầy mà ?"
           Câu hỏi ngây thơ của em làm mọi người ai cũng cười, tôi thấy ba nhìn lên bàn thờ và nói "Nét mặt của bà đêm hôm đó cũng hiền từ nhân hậu như hình Phật Bà thtrên trang...!"
          Ông nội vừa qua đời xong thì tới ba tôi bệnh....Giờ đã qua hết rồi "tang khó", bà con chúc ba mẹ sẽ có hai em trai khôi ngô tuấn tú như  hai em bé trong hình thờ Phật...
          Mẹ và ba tôi lần lượt qua đời hơn 30 năm, không gia sản để lại cho con, cái còn lại duy nhất là cái chuông ngày xưa, tấm hình Phật Quan Âm cùng hai bé trai cũng mục nát, kệ khung thờ bằng gỗ bị mối ăn, sau nầy mẹ thỉnh lại tượng bằng gốm, Tiếng của chuông không còn trong và ngân nga như xưa, nhiều lần đi chùa nghe tiếng chuông mới tuy nhỏ nhưng ngân vang, tôi có ý muốn thỉnh cái chuông khác....Nhưng tôi lại chạnh lòng, đây là cái chuông duy nhất còn sót lại của căn nhà bé thơ năm xưa sau nhà lầu năm tầng, đây cũng là di vật của mẹ cha để lại, kỷ niệm một thời hạnh phúc đầm ấm lúc còn ba mẹ cùng hai chị em tôi khi chưa có hai em trai
          Và tôi lại đổi ý, đây là chuông của kỷ niệm nghĩa mẹ tình cha, tiếng chuông linh ứng hoà với tiếng đọc kinh của mẹ đã đưa ba vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, tiếng chuông đánh động lòng từ bi của Đức Phật, cho nên dù chuông có rè không ngân nga, không sáng bóng như xưa nhưng đó là một báu vật mà tôi cần phải luôn gìn giữ !!
NM - Phan thị Ngọc Diệp
(Đạo Phật và Tôi - Thời thơ ấu)

Tiếng Chuông Chiều

Tiếng chuông chiều,
Trong tĩnh mịch tiếng chuông chiều vang vọng,
Thức tỉnh người trong bể khổ trầm luân...
Ngỡ là xa nhưng người lại rất gần,
Luôn nguyện hướng chúng sinh về bờ Giác !
NM
              Tiếng chuông chiều 
Chuông chùa vang lên ngân dài trong không gian tĩnh lặng chiều tà. Nắng đã tắt, mặt trời đã khuất sau dãy núi xa xa. Gió nhẹ đưa đẩy những tán lá
Bà Mận ngừng tay nhặt rau đưa mắt nhìn lên. 
Trên tháp chuông, giữa cổng tam quan của ngôi chùa, sư thầy đang thong thả đánh từng tiếng chuông. 
Boong... booong... booooong... boooooong
Không cần nhìn thêm bà Mận cũng biết rằng sư thầy sắp gõ nhẹ hơn và dừng lại. Bàn tay nhặt rau của bà cũng nhanh hơn. Vậy là đã năm giờ rưỡi rồi. Bà cần phải chuẩn bị một bát xúp nhỏ cho sư thầy. Hơn mười năm làm công quả bà đã quá quen với mọi sinh hoạt thường ngày của chùa 
Tiếng lạch cạch ngoài cổng. Vẫn không ngẩng lên bà Mận lẩm bẩm: 
- Vẫn không thay đổi. 
Tiếng bước chân của sư thầy nhẹ nhàng đi lướt qua phía sau bà. Tiếng lọc cọc của cánh cửa làm theo lối ngày xưa vang lên. Bà Mận cầm rổ rau đi lại giếng nước. 
Vít cái cần cho chiếc gầu đầy nước, bà Mận nhẹ nhàng thả tay để chiếc gầu tự chạy lên nhờ sức nặng của mấy hòn gạch buộc ở cuối cần. Vẫn là thói quen của bà từ ngày còn ở nhà với mẹ. Xưa nhà bà cũng có một cái giếng. Cha bà cũng làm cần kéo nước như thế này. Cái giếng này có từ bao giờ bà cũng không biết. Gần hai mươi năm trước khi bà về đây đã có rồi. Các cụ trong làng bảo giếng này dễ có đã ba trăm năm. Giếng xây bằng đá ong, thành dầy, nước trong. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. 
Mấy chú tiểu nhỏ cũng đã xong công việc buổi chiều. Sau tiếng chuông của thầy trụ trì các chú lặng lẽ sửa soạn cho buổi lễ sám hối vào lúc sáu giờ.
Bà Mận nhanh chóng vào bếp. Một bát xúp rau nhỏ. Chiều nào cũng vậy. Hơn mười năm rồi vẫn vậy. Chỉ cần hai mươi phút là bà làm xong. Vậy là vẫn kịp cho buổi lễ sám hối. Bà thầm nghĩ. Vừa nấu bà vừa đưa mắt nhìn ra sân. Thầy trụ trì đã đắp y và đang đi ngang qua sân để vào chính điện.
Gần ba mươi năm trước, chính xác là hai mươi tám năm chín tháng và mười sáu ngày, bà gặp người ấy. Lúc đó bà mới ngoài bốn mươi. Chồng mất cũng vừa qua giỗ đầu. Một mình sống cùng con gái nhỏ. Công việc nghiên cứu của chị ở cơ quan cũng không nhiều. Sáng bảy giờ rưỡi ra khỏi nhà. Chiều ba rưỡi rời cơ quan. Sáng thứ hai lên họp. Các ngày khác có thể ngồi nhà làm việc. Chị về Hà Nội và chuyển về cơ quan này đã sáu năm. Công việc chỉ có vậy. Thời gian biểu luôn như vậy. Thỉnh thoảng mấy đứa bạn thời đại học lại í ới gọi đi ngồi thiền. Thiền tại quán cà phê. Tán gẫu. Ngồi im. Cả buổi có khi chỉ nói dăm ba câu. Đứa nào đứa nấy cắm đầu vào điện thoại. Wifi miễn phí mà. Mấy đứa bạn xúi chị lên mạng kết bạn.
Chị gặp người ấy trên mạng. Đọc hồ sơ. Không thấy ảnh. Chẳng ấn tượng. Chào hỏi mấy câu rồi out. Rồi đột nhiên người ấy biến mất. Chị cũng không để ý. Bẵng đi hơn chục hôm lại thấy người ấy online và nói chuyện. Tự nhiên chị hỏi: Lâu không thấy. Đi công tác. Đi đâu? Nước ngoài. Nước nào?...
Không có trả lời. Chị nhận được một tấm ảnh. Người ấy đang ngồi giữa đám trẻ con nghèo ở một đất nước xa lạ. Nụ cười tươi, rạng rỡ. Một cảm giác rất lạ. Một cái rùng mình. Một dòng điện chạy dọc xương sống chị. Yêu mất rồi. Yêu rồi.
Tiếng chuông vang lên. Tiếng thầy trụ trì. Một chất giọng đặc biệt. Khỏe, trầm, vang. 
... Ngày nay đã qua 
Mạng sống giảm dần 
Như cá cạn nước 
Có gì là vui 
Đại chúng phải siêng tinh tấn... 
Bà Mận không còn nghe thấy mọi âm thanh bên ngoài nữa. Tay bà chắp trước ngực, mắt nhìn hướng lên tượng Phật ngồi giữa tam bảo. Giọng thầy trụ trì vẫn đều đều vang lên. Xung quanh bà mọi người vẫn đang chắp tay đọc bài sám hối. 
... Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay 
Bỏ mất bản tâm, không biết chính đạo 
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm 
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau... 
Đầu óc bà không còn tập trung được nữa. Tâm trí bà ngập tràn những kỷ niệm ngày xưa. Bà và người ấy. 
Bà và người ấy gặp nhau lần đầu tiên tại quán cà phê ngay dưới nhà bà. Không vồn vã, không lạnh nhạt. Hai người nói chuyện bình thản với nhau. Nhưng sao chị cứ nhìn người ấy. Nhìn chăm chú, nhìn không chớp mắt. Một cái gì đó chạy dọc thân người. Làn môi trên của chị hơi giật giật. Sao vậy. Sao mình lại như vậy. Ý nghĩ chợt đến trong đầu. Trấn tĩnh lại đi nào. Tránh bối rối chị phải cầm cốc nước uống một ngụm thật nhiều. Được rồi. Những e ngại của lần đầu tiên gặp mặt nhanh chóng trôi qua. Chị và người ấy nói chuyện vui vẻ và hợp.
Ngày xưa, những lúc bên nhau, chị vẫn thường ôm anh. Hít hà. Chị vẫn tự hỏi. Sao anh không tỏ thái độ gì? Sắc mặt anh vẫn vậy. Không một biểu hiện. Không một cử chỉ. Không một cái cau mày. Không một nụ cười. Đồ lạnh lùng. Đồ khô khan. Chị biết vậy nhưng sao vẫn cứ ôm lấy anh. Vẫn không rời được.
Đã có lúc tình cảm trỗi dậy mạnh mẽ. Chị biết vậy. Sau này em sẽ theo anh đi bất kỳ chỗ nào. Anh đi tu em sẽ đến cổng chùa. Không cho anh đi. Chị nhớ đã từng nói vậy. Anh vẫn im lặng. Vẫn ôm chị. Không lắc. Không gật. Nét mặt vẫn không thay đổi.
Anh biến mất. Không một lời nhắn. Không một cuộc điện thoại. Chị như phát điên. Mọi người thân bạn bè đều không biết anh ở đâu. Chùa nơi anh đã từng dẫn chị đến không có. Nhờ vả. Tự tìm. Mất công. Không thấy. Chị cất công vào tận Đà Lạt, vào tận Tiền Giang. Xuống tận Cà Mau. Rồi Vĩnh Phúc, Lào Cai. Chị đều đã đến.
Mười năm dù không là vợ chồng nhưng có quá nhiều ân nghĩa. Quá nhiều điều còn đọng lại, còn như mới hôm qua. Chị đã thành người của anh mất rồi. Chị vẫn thường nói vậy. Anh biến mất. Biến mất khỏi cuộc đời chị như biến mất khỏi cuộc sống này. Chị nghĩ và cứ đi tìm. Anh không thể bỏ chị lại như vậy được.
Mười năm sau ngày người ấy biến mất, bà tìm đến làng quê heo hút này. Mua một mảnh đất, cất một ngôi nhà. Nhỏ mà ấm cúng. Một mình vẫn ấm cúng. Con cái từ thành phố đến nhiều lần. Khẩn khoản có. Van nài có. Ép buộc có. Cầu xin có nhưng không đưa được bà trở về. Bà quyết rồi. Bà sẽ ở đây. Ở cạnh cổng ngôi chùa này.
Bà đã tìm thấy người ấy. Tìm thấy tình cờ. Mười năm. 3.650 ngày đằng đẵng. Bao chuyến đi bà cũng không còn nhớ nữa. Bao địa danh bà đã đặt chân đến. Bao ngôi chùa, bao nhà sư bà đã gặp. Không đếm được. Tấm ảnh của ông đã làm thêm bao nhiêu chiếc bà cũng không còn nhớ. Bà đến đây vào một buổi chiều tà. Nắng đang tắt dần. Tiếng chuông chùa vang trong không trung. Chậm rãi. Chậm rãi. Từng tiếng một. Từng tiếng một. Toàn thân bà chợt rung lên. Lâu lắm rồi. Hình như từ ngày ông đi bà chưa nghe thấy tiếng chuông chùa lần nào. Không biết có phải vì nỗi nhớ ông mà bà không nghe thấy.
Tâm trí bà như dừng lại. Nỗi khắc khoải nhớ. Sự mong mỏi đi tìm chợt biến mất. Tiếng chuông như những đợt sóng cứ dồn dập, hết lớp này đến lớp khác dội đến. Xoáy vào tâm trí bà. Bao mệt mỏi chợt tan biến. Nỗi nhớ cũng không còn. Một cảm giác nhẹ nhàng, an lành cứ trào dâng.
Đúng ông rồi. Chỉ có ông mới có cách đánh chuông như vậy. Tiếng chuông như những vòng tròn, hết lớp này đến lớp khác dội vào tâm trí khiến bất kỳ ai nghe thấy đều phải chú ý. Người tâm trí tĩnh lặng thì dừng lại lắng nghe. Người mải lo những chuyện cơm áo gạo tiền thì cố gắng đi thật nhanh hoặc cầu mong tiếng chuông sớm dứt. Ý nghĩ của bà vừa dừng lại ở đấy thì một giọng nói cất lên: 
Nghe tiếng chuông ngân phiền não nhẹ 
Trí tuệ lớn, bồ đề sinh… 
Ông. Đúng là ông rồi. Bà không thể quên được giọng nói của ông. Cách nói của ông. Đấy là câu mà khi đi cùng nhau chị vẫn nghe anh nói. Nói mỗi khi nghe tiếng còi xe. Hết nói lại ngân nga. 
Nghe tiếng chuông ngân, phiền não nhẹ. 
Tiếng chuông lảnh lót vang lên. Đại chúng đồng thanh chuyển sang bài kinh Bát Nhã. Bà Mận giật mình. Vội đọc theo. “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế... cho nên trong tướng không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới...” 
Đúng rồi. Mọi sự trên đời đều có nhân duyên. Tất cả đều do nhân duyên mà hợp mà tan. Nhân duyên mà anh và chị có mặt trên cõi đời này. Nhân duyên mà anh và chị gặp nhau. Nhân duyên mà tan mà hợp. Nhân duyên bà lại tìm thấy ông.
Gần hai mươi năm. Trước cổng ngôi chùa. Xin làm công quả. Bà làm việc của mình. Ngày hai bữa chính, một bữa phụ. Thầy trụ trì không phàn nàn. Không một lời chê trách. Bà nấu gì thầy ăn nấy. Chay, chay và chay. Bà cũng thấy cuộc sống yên bình. Ngày tháng trôi. Cứ trôi. 
Chờ mọi người ra hết, bà Mận đến trước tượng Phật quỳ xuống chắp tay. Trên cao, ánh mắt Đức Phật từ bi. Cúi sát đầu xuống đất. Hai bàn tay ngửa lên như đón nhận bàn chân Đức Phật. Tâm trí bà vang lên giọng ông ngân nga
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
 Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
 Trí Thanh
(daibieunhandan.vn) 

Truyện Ngắn Tiếng Chuông Vọng Xa

4. Tiếng chuông Giao Thừa
Chúng tôi đinh ninh rằng chúng tôi là những người hồi cư sớm nhất, nhưng không phải. Về đến địa hạt Dương Xuân Thượng, chúng tôi biết rằng đã có nhiều gia đình về trước chúng tôi đến cả nửa tháng. Trên con đường núi đưa về chùa, cỏ mọc che cả lối đi. Chú Tâm Mãn đẫn đầu đoàn người hồi cư, có vẻ nóng nảy hơn hơn ai hết. Thật ra, trong số sáu người hồi cư, không ai là không mong cho mau về đến chùa. Xa chùa đã mấy tháng, chúng tôi không mong sao được. Những người lớn tuổi điềm đạm và lặng lẽ nhất cũng tỏ vẻ sốt ruột. Chúng tôi về chùa như một đoàn thám hiểm núi rừng: mọi người phải vạch cỏ bẻ lau cho có lối đi Tất cả đều mặc áo ngắn, kể các thầy. Áo tràng và áo nhật bình chúng tôi đều cuốn bỏ chung với những dụng cụ, mang trên vai hoặc xách nơi tay. Tất cả đều mệt mỏi rã rời. Chúng tôi đã trải qua năm sáu ngày đi bộ đường trường còn gì! Về gần đến chùa bao nhiêu lo ngại hình như đã tiêu tan. Xóm làng rải rác trên các nẻo núi đồi tuy còn mang nặng vẻ lặng lẽ khiếp sợ, nhưng cũng đã phảng phất có sinh khí. Chúng tôi thấy nhẹ nhõm cả tâm hồn. 
- Chùa kia rồi!
Chú Tâm Mãn buột kêu lên một tiếng vui mừng. Dưới bóng những cây thông cao vút, mái tam quan của chùa hiện ra như một hình bóng quen thuộc và thân yêu từ những tiền kiếp xa xưa nào. Không ai là không cảm động. Tôi băn khoăn không biết dì Tư có an ổn không, có còn mạnh khỏe trong cảnh đạn lửa tơi bời. Hồi chúng tôi được giấy buộc phải tản cư, dì Tư đã nhất quyết xin ở lại chùa. Chúng tôi khuyên can thế nào cũng không được. 
- Xin các Thầy và các Chú cứ về quê để mà lánh nạn. Các Thầy và các Chú cần sống để làm việc cho đạo. Tôi xin ở lại giữ chùa. Không can gì đâu, tôi già cả rồi, Với lại dù có gì đi nữa, tôi cũng không tiếc. 
Chúng tôi dùng đến cả uy lực nữa, nhưng cũng không lay chuyển được dì. Cuối cùng, phải để cho dì ở lại. Tôi đã cẩn thận chỉ chỗ cho dì ẩn núp mỗi khi có tiếng súng nổ. Tôi cũng đã chỉ cách cho dì giấu gạo và thức ăn ở một nơi kín đáo. Xong cả đâu đấy và sau khi cầu Phật cho dì ở lại bình yên, tôi mới theo các Thầy và các Chú lên đường.
Vì vậy nên khi trở về, tối cứ băn khoăn lo ngại mãi, không biết dì ở nhà có bình an không. Nhưng nỗi lo ngại liền biến mất khi chúng tôi bước vào tam quan chùa. Từ xa, tôi nhận ra bóng dì Tư với chiếc áo nâu dài bạc màu, đang múc nước bên suối. Chú Mãn gọi tên dì thật to. Dì bỏ thùng xuống nhìn lên. Khi thấy bóng các Thầy và chúng tôi, dì lật đật chạy ra, và cảm động quá dì không nói năng được. Dì chỉ khóc.
Mái chùa bị đạn hư hỏng mất nhiều chỗ. Tường chùa cũng lỗ đỗ những vết đạn. Cảnh vật có vẻ tiêu điều hơn trước. Tuy nhiên ngoài những vết đạn kia, chùa không bị thương tích nào quá nặng đến nổi phải hư đổ như những nơi khác. Nổi vui mừng thứ nhất của chúng tôi và của dì Tư là số người tản cư trở về không hao thiếu một người nào.
Hôm chúng tôi trở về chùa là hôm hăm bảy tháng chạp. Cho đến chiều hôm đó, chúng tôi mới được ăn một bữa cơm nóng sốt và tươm tất, do dì Tư sửa soạn. Trong mấy tháng trời, chúng tôi ăn uống thiếu hụt kham khổ; không có bữa nào có thể gọi được là bữa, Một lít tương làm thức ăn cần thiết thì đã được pha loãng bao nhiêu lần trong những lít nước muối. Những chén cơm trộn đến hai phần ba khoai sắn bao giờ của được “tiêu thụ” một cách ít oi chừng mực. Thêm vào đó cái khổ không giường không chiếu làm cho chúng tôi ai cũng ốm và đen.
Sau khi dùng cơm, tất cả đều ngủ vùi một giấc mê mệt cho đến sáng. Qua ngày hôm sau, chúng tôi mới bắt đầu chương trình “kiến thiết”. Những đồ đạc trong chùa đều được lau chùi sửa soạn lại. Chúng tôi quyết dọn phòng xá, sắp đặt những đồ vật ngổn ngang. Định sửa soạn để ăn một cái Tết hồi cư.
Và suốt ngày hôm ấy, chúng tôi vui vẻ như đã thấy nét mặt của hòa bình. Nhưng tối đến, không khí chiến tranh và của chết chóc trở lại. Tiếng súng nổ ran bốn phía. Đạn bay vèo vèo trên mái ngói. Mọi người ngồi yên trong liêu phòng, cửa đóng kín mít. Thỉnh thoảng, ánh sáng của một trái châu từ đồn canh bắn lên, chiếu qua những kẹt cửa. Tiếp đến, những tràng liên thanh nổ ròn liên tiếp
Tôi ngồi với chú Mãn trong nhà hậu, bên ánh đèn dầu lù mù. Chúng tôi nghĩ đến cảnh tượng chết chóc đang diễn ra bên ngoài và cùng lặng lẽ niệm Phật cho những người xấu số, nhưng rồi thời khắc qua. Đêm hăm tám trở lại yên tĩnh, nhưng một sự an tĩnh luôn luôn bị đe dọa.
Từ hôm trở về chùa đến nay, buổi tối và buổi khuya chú Mãn không thỉnh đại hồng chung nữa. Bởi vì dì Tư không cho. Dì bảo rằng có một buổi tối (hồi chúng tôi đi khỏi) vừa lên lầu thỉnh được năm sáu tiếng chuông thì dì nghe có tiếng động bên dưới. Lật đật chạy xuống, dì thấy năm sáu ông tây đang hung dữ đi vào. Họ chỉ súng vào dì đe dọa và ra hiệu không cho dì thỉnh chuông nữa. Có lẽ họ sợ rằng tiếng chuông là một ám hiệu của địch quân. Hay có lẽ vì họ ghét không muốn nghe tiếng đại hồng chung cũng nên. Từ đó, mỗi buổi tối và buổi khuya, dì không dám thỉnh chuông nữa. Tối hôm chúng tôi về, dì đã căn dặn chú Mãn.
- Buổi tối và buổi khuya mà không có tiếng chuông thì thấy nhạt nhẽo làm sao ấy. Dì chép miệng.
Mà thực thế. Không có gì nhạt nhẽo và lạnh lùng bằng những buổi tối thiếu tiếng đại hồng chung. Không khí trong chùa trở nên buồn tẻ. Núi rừng cũng tăng vẻ hoang dại. Tiếng dế trở nên dày dặc và thê lương hơn. Ở chùa, thường thường mỗi buổi khuya chúng tôi thức dậy lúc bốn giờ. Sau khi rửa mặt rửa tay xong, chúng tôi ngồi bán già trên “đơn” của mình, lắng nghe tiếng đại hồng chung và thực hành phép tĩnh tọa hay niệm Phật. Bây giờ, buổi khuya không có tiếng chuông. Chúng tôi thấy thiếu một cái gì rất quan trọng. Tôi không ngồi tĩnh tọa được nữa. Hai ba bữa nay, chúng tôi phải rời “đơn”, ra bàn thắp đèn bạch lạp ngồi học bên nhau để tìm sự ấp áp và cũng để quên rằng chùa không thỉnh chuông. Những buổi tụng niệm công phu cũng trở nên thiếu thốn buồn tẻ. Tiếng chuông gia trì nhỏ quá, yếu đuối quá, không đủ sức xua đuổi bầu không khí ảm đạm và lặng lẽ của núi đồi, trong những buổi đêm tối đen và những buổi khuya mịt mờ sương phủ. 
Tuy nhiên chúng tôi không muốn để cho cái Tế trở về trong không khí buồn tẻ âm u ấy. Vâng lời các Thầy, chúng tôi đem lư trầm, chân đèn và các đồ thờ lau chùi cho thật bóng. Dì Tư đã nhân khi rảnh việc, đi chặt về những lá chuối. Dì đã ngâm nếp và đỗ xanh
- Thế nào tôi cũng nấu được một nồi bánh tét cho các chú xem. Ấy thế là dì bắt tay vào việc. Chúng tôi vui lòng giúp đỡ dì. Nhưng đến hôm hăm chín Tết, chú Mãn có một ý rất hay:
- Mình làm mứt ăn Tết, thưa chú.
Thoạt tiên tôi không biết nên làm mứt với cái gì
Nhưng chú Mãn giải thích ngay
- Mình chỉ làm mứt “bình dân” thôi, bằng khoai lang và bằng củ sắn mì.
Chúng tôi liền hăng hái thực hành ngay. Khoai và sắn thì thiếu gì ngoài vừa chùa.
Dì Tư sợ người ta vào đào trộm sắn, đẵn chặt sát gốc tất cả vườn sắn từ mười lăm hôm nay. Những đọt sắn non vừa lên chừng một tấc tây; đứng ngoài nhìn vào, người ta tưởng đó là một vườn sắn trồng chừng một tháng. Sắn một tháng làm gì đã có củ! Nhờ thế vườn sắn đang còn nguyên vẹn, chưa bị đào trộm như vườn khoai
Đường thì chúng tôi nhờ dì Tư mua thứ đường đen, ở cái chợ xép họp tạm dưới đồi Dương Xuân. Dì Tư đã khéo léo mua thêm một ít vừng. Thứ mứt của chúng tôi chẳng qua là một thứ khoai ngào, có trộn vừng rang. Thế thôi! Nhưng như thế cũng đã là sang chán đối với một cái Tết hồi cư nghèo khổ.
Điều an tâm nhất là chúng tôi đang còn lúa để xay ăn dần cho đến mùa gặt sang năm. Trước hồi tản cư, sáu bảy thầy trò đã hì hục đem chôn lúa sau vườn, trong những cái chum sành rất lớn. Chúng tôi đào dần lên từng chum, xong lấp đất như cũ. Sang năm, ruộng chùa thế nào cũng cung cấp kịp cho chúng tôi.
Đêm ba mươi. Nồi bánh chưng sôi sùng sục ở giữa nhà. Tất cả đều bắt ghế ngồi quanh đống lửa, từ các Thầy các Chú cho đến dì Tư. Trời hơi lạnh. Một vài tiếng súng lẻ tẻ. Chúng tôi ngồi thức và nói chuyện, đợi giờ đón giao thừa và lạy vía Đức Di Lặc. Ngoài kia, trời tối như hũ nút, chỉ có một vài vì sao lộ ra yếu ớt trên nền trời đen kịt.
Tết năm nay, chúng tôi chỉ có bảy người. Bởi vì trên đường trở về, vị Thượng tọa thầy tôi và bốn thầy khác đã thuận bước ghé thăm một ngôi chùa cổ bị tàn phá. Chúng tôi ba thầy và ba trò đã trở về trước. Mãi cho tới hôm nay, Thượng tọa chưa thấy về.
Ngồi bên đống lửa, tôi nghĩ nhiều đến vị trưởng lão đáng kính ấy. Hôm tản cư, thầy khuyên chúng tôi lên đường, nhưng chính thầy tôi lại không đi. Thật ra, trong đại chúng không ai muốn đi tản cư cả. Nhưng lệnh đã đưa ra, bắt toàn xóm tản cư, chùa cũng không thể không đi. Đại chúng đã bạch rằng Thượng tọa không thể ở lại một mình, và nếu Thượng tọa ở lại, tất cả cũng đều nhất tâm ở lại, mặc dù trái với lệnh chính quyền. Cuối cùng, Thượng tọa phải miễn cưỡng theo các thầy để đi lánh nạn. Ngài nói:
- Nếu quả đại chúng đã gây nhân tai nạn thì dù ta có lánh đi đâu cũng không trốn khỏi tai nạn.
Lời nói ấy, tôi còn ghi nhớ mãi và bây giờ tôi mới nhận được tất cả sự thật mà nó hàm chứa. Biết bao gia đình nghèo đã an toàn khi họ ở lại. Biết bao gia đình giàu có đã tan rã thảm thương vì đi lánh nạn. Đi lánh nạn, những người này lại tìm thấy taì nạn. Nói như lời của dì Tư mà đúng: “Thời này, tai ương hoạn nạn đầy đường. Lấy đức mà đo chứ không thể lấy sự giàu có khôn ngoan mà đo được”. Có lẽ chiếc áo giáo phòng thân chắc chắn nhất là tâm đức của mình, là sự ăn ở theo lẽ phải của mình. Họa phước đều do con người tự tạo ra, không phải do một sự tình cờ nào đưa đến
Dì Tư đã vớt ra khỏi nồi những chiếc bánh tét đầy đặn, hơi lên nghi ngút, bánh đã chín. Giờ cúng giao thừa cũng sắp đến. Chúng tôi sửa soạn hành lễ. 
Trầm hương xông ngất. Tôi ra đứng ở gác chuông, nhìn ra bốn phía. Núi rừng đen kịt. Vài ngôi sao lung linh như sắp rụng. Nhìn ra xa, không thấy có một bóng đèn. Có lẽ xóm làng tỉnh thức, đang đóng chặt các cửa để cúng lễ tổ tiên, đón chào giờ phút giao thừa. Lặng lễ, chú Tâm Mãn đến gần tôi: 
- Không có lý mà lễ giao thừa lại không có chuông trống Bát Nhã.
Tôi bàng hoàng như tỉnh giấc. Ừ, không có lẽ mà lễ giao thừa lại thiếu chuông trống Bát Nhã? Mọi năm mỗi lần cúng lễ giao thừa, chùa đều đánh chuông trống bảy hồi, và tiếng chuông trống Bát Nhã bao giờ cũng mở đầu cho những tràng pháo đón mừng năm mới vang dội từ xóm làng bao bọc chung quanh và dưới chân các đồi núi. Năm nay, cố nhiên không ai đám đốt pháo rồi, nhưng không lẽ chuông trống giao thừa lại im tiếng nữa sao. Chúng tôi lại đưa mắt nhìn ra ngoài. Đồi núi xóm làng chìm trong bóng tối nặng nề, u tịch. Giao thừa làm sao trở về trong bầu không khí trĩu nặng khiếp sợ và lo âu?
- Hay là chúng ta cứ đánh chuông trống như thường lệ? Tôi hỏi.
Chú Tâm Mãn nhìn tôi lo âu:
- Lỡ ra Tây xách súng chạy vào bắn thì sao
Tôi lặng thinh, nhưng nghĩ đến một năm dài u ám sắp trở về, tôi lại mạnh dạn:
- Không lo, họ cũng biết chắn hôm nay là ngày Tết Âm lịch, ta cứ đánh. Không khí nặng nề quá, làm sao năm mới dám về cho được? Ta cứ đánh chuông trống, chú ạ. Nó vào, tôi biết tiếng Tây, để tôi giải thích cho.
Thấy tôi cương quyết, chú Tâm Mãn vững tâm đi sang lầu trống.
Boong ... boong ...
Nhè nhẹ, tiếng đại hồng chung bắt đầu theo nhịp trống ngân lên. Tiếp theo, những tiếng trống oai hùng như sấm dậy mở đầu cho những tiếng đại hồng chung ngân vang sung sướng. Bảy hồi chuông náo động cả đêm khuya tịch mịch, tưng bừng đón tiếp một mùa Xuân mới. Xen lẫn trong tiếng chuông trống ngân vang, có tiếng kinh trầm trầm dậy theo tiếng mõ đều đều của các Thầy đang hành lễ. Tiếng chuông gia trì ấm áp, theo trầm hương quyện ngát cảnh chùa.
Chú Tâm Mãn một tay vịn vai tôi, một tay chỉ ra ngoài:
- Này chú xem
 Bốn phía, thấp thoáng những ngọn đèn của xóm làng trở dậy cúng giao thừa. Có lẽ cửa nhà nào cũng đã mở rộng. Núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp, đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch. Tất cả xóm làng đều đã cảm thấy Xuân về trên đất nước ly loạn. 
Đại hồng chung vẫn khoan thai điểm từng tiếng rành rọt. Âm thanh ngân dài, ấm áp và thuần hậu. Chúng tôi trở vào, quỳ dưới Phật đài, cùng với đại chúng tha thiết dâng lời cầu nguyện, cầu nguyện cho một mùa Xuân đất nước an vui.
 Thích Nhất Hạnh 
Truyện của tác giả khi còn là chú điệu