Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Nhạc - Thơ - Văn - Mưa châu thổ

Để nhớ về Bạc Liêu quê ngoại của những năm tháng

Mình Ơi

Lời Ru Của Đất

Giọt mưa châu thổ
Về thăm châu thổ quê hương cũ,
Cảm thấy thương ai số phận buồn..
Mưa như trút nước, như hờn giận,
Như lũ tràn về, mãi miết tuôn !

Cú kêu thảng thốt mang điềm lạ,
Đồng xa khắc khoải quá mênh mông...
Đợi chờ vô vọng lòng đau nhói,
Chữ nghĩa văn chương lạc giữa giòng !

Cơn mưa châu thổ bao giờ tạnh ?
Phù sa cuồn cuộn chảy trôi đi,
Mang theo tất cả tâm phiền muộn.
Vẫn chờ, vẫn đợi, dẫu chia ly !
NM

Mưa châu thổ

Tôi là một nhà văn. Bây giờ là tháng mười. Mùa của những cơn mưa. Nửa đêm về sáng mưa có thể làm tâm hồn chúng ta khó ngủ. Vì mưa là chứng nhân, hay kể lại những câu chuyện bất tận từ trời đất, thiên nhiên. Tôi cũng đã qua những mùa mưa châu thổ. Tôi muốn kể lại nó. Các bạn thử lắng nghe xem đây là câu chuyện của mưa hay của tôi?
Đâu khoảng tháng mười năm X. tôi có dịp lưu lạc về Bạc Liêu trong chuyến đi hoàn toàn không định trước.
Một chiều mưa như trút nước, khi tôi từ xã Tân Tiến bao vỏ lãi đi ngược lên Hộ Phòng thì trời đã sẫm tối. Chuyến đi làm tôi cạn kiệt sức lực và tôi muốn nghĩ đêm tại đây nhưng không thể. Út Miêng, người chị họ của tôi đẻ khó đang ở nhà hộ sinh trên thị trấn. Nhưng câu chuyện đã bắt đầu từ trước đó. Tôi về do nhận được tin ông anh rễ, Tư Đen mất đột ngột.
Tư Đen phụ ghe chở hàng, rủi ro đụng xà lan lúc tránh nhau ở lưu vực. Lúc đó vào ban khuya. Gặp vùng nước xoáy, không tìm được xác. Cho dù đám thợ lặn quần đảo từ nửa đêm đến sáng rửng. Cuối cùng, tuyệt vọng, chủ ghe mua nhang đèn, quà cáp đến lễ một ông thầy trên tám mươi, sống và tu trong ngôi chùa thiêng gần đó. Sau nhiều năn nỉ, ông thầy gieo quẻ, bấm độn cho biết người chết đang bị hà bá giữ. Số Tư Đen đã hết. Không cần phải mò xác và cho dù có tìm cũng không ra.
Sau ba ngày, đúng giờ hoàng đạo tự khắc nổi lên. Nghe thầy phán mọi người hồi hộp chờ đợi. Quả đúng như vậy. Mười hai giờ trưa ngày thứ ba thình lình mưa dội, gió xoáy, cái xác xoay tít dựng lên giữa mặt sông cách chỗ đụng ghe chừng cây số. Nhà đòn phải chở xác Tư đi lênh đênh trên nước thêm một ngày nữa mới về tới nhà. Nghe câu chuyện kể lại, thực thực hư hư khó phân định nhưng tôi cảm thấy vô cùng buồn bã!
Út Miêng vật vã bên quan tài chồng. Gần như chết đi sống lại. Lúc đó cái bụng đã lớn vượt mặt. Đã qua tháng thứ tám. Đứa bé quẫy đạp dữ dội. Với một người mẹ trẻ, thật không còn thử thách nào hơn. Mọi người an ủi can ngăn gì cũng không được. Bác tôi vội đưa Út Miêng lên trạm hộ sinh ở Hộ Phòng. Sau rồi nhắn tôi lên gấp, vì có chuyện. Tôi lật đật đi ngay. Mưa như trút. Như oán giận.
Tháng mười miền tây mưa triền miên. Mưa vật vã không biết đến bao giờ cho tạnh. Nước dâng loang loáng đôi bờ. Những cánh lục bình trôi mải mê tím biếc. Dòng châu thổ quặn phù sa. Có như Út Miêng, con cá trắm nặng bụng trứng, vượt cạn bơi ngược nước? Trên mi là những dòng rạch mặn lấp lánh chan hòa. Lúc tôi ra khỏi cửa thì có con cú đen từ trong bụi cây bay thốc ra kêu cú cú một cách thê thảm. Không hiểu chuyện gì đang đến với đời tôi?
Những năm tháng phiêu du mênh mông vô định với giấc mộng văn chương làm tôi cũng mệt mỏi lắm rồi. Cú ơi cú, kêu gì đồng xa khắc khoải? Cái thân nhỏ nhoi này ta chẳng biết còn xô dạt về đâu nữa? Sao đời ta không là cây đước dầm chân một đời bên đầm vắng? Hay cái vó cất tôm treo ngược phía trời xa? Cứ đợi, cứ chờ, khắc khoải và an nhiên thế thôi! Mặc tất cái gì đến sẽ đến. Cái gì đi sẽ đi. Đau nhói và vô vọng. Chẳng phải cuộc đời này cứ chảy, cứ đổ ra biển khơi hay sao? Phiêu lưu mà làm gì, ước vọng mà làm gì để rồi nhọc mỏi, u mê thân xác? Cuộc đời với bao câu chuyện rủi may vui buồn cứ tới mà không thể giải thích được. Nhưng chiếc vỏ lãi đã xé trên nước lao đi như đạn bắn. Hai bên bọt trắng xóa phun rào rào như đang xả một cuốn phim quay chậm…

Trên chuyến đi ấy tôi như bị thôi miên bởi hình ảnh Út Miêng, người chị con ông bác lắt lay với đứa bé trong bụng chòi đạp mãi chưa chịu ra. Và cái chết bất ngờ của chồng vô lý như một câu chuyện khó tin. Làm sao sức chịu đựng của con người, nhất là một phụ nữ lại có thể lớn đến thế? Và tôi thực ra đang tìm gì trên những truyện ngắn lô xô chữ nghĩa của mình? Ôm ấp khai sinh một đứa con tinh thần liệu có dằn vặt, đau đớn như giờ khắc thiêng liêng của một đứa bé trong bụng mẹ quẫy đạp đòi ra đời? Chế (*) đã có dấu hiệu trở dạ. Nhưng cả tuần nay bác sĩ theo dõi vẫn chưa chuyển biến gì.
Cơn đau làm người mẹ trẻ tái nhợt, bợt bã như con mắm. Ngay trong buổi chiều trời đột ngột mưa lớn đó, đứa bé trai đạp mạnh. Hộ lý khám thấy cổ tử cung đã mở lớn, biết ngay đã sắp đến giờ khai hoa nở nhụy. Câu chuyện có thể xem như bắt đầu từ đây. Khi cái nhà hộ sinh cheo leo bên bờ nước ấy chỉ có một bác sĩ giỏi. Và buổi chiều hôm ấy ông đã theo một chiếc tắc ráng đi thăm một con bệnh đâu đó ở trong rừng U Minh. Ông chỉ để lại mấy lời nhắn rời rạc là đi công chuyện, xong việc sẽ về ngay! Xong là bao giờ xong, về bao giờ về thì hoàn toàn không có câu trả lời chính xác. Mênh mang vô định. Ông còn dặn thêm, nếu có việc đột xuất hãy tìm ông ở đồng phía tây ấp Vinh Hạng, kênh Tẻ Xáng, xã Quách Phẩm Bắc.
Ôi cái địa chỉ đánh đố mù trời. Tôi không biết nó ở tận đẩu đâu trên những cánh đồng sông nước trắng xóa bạt ngàn này? Và một gã phiêu lưu, dớ dẩn, cả đời tham vọng dành trọn cho văn chương như tôi làm sao có thể định hướng được để mở đầu cuộc tìm kiếm? Rồi bác sĩ có khuôn mặt thế nào? Bao tuổi? Dáng dấp, tên họ ra sao? Tôi chưa từng quen làm sao có thể lần ra giữa đêm tối mịt mùng? Và tại sao không ai ghi số điện thoại để liên lạc?
Mãi tận sau này tôi mới biết thời điểm ấy điện thoại chưa phổ biến trong những vùng xa xôi sông nước. Họa hoằn lắm mới có nhà có do kéo dây khó khăn, còn sóng di động thì chưa phủ đến. Tình hình lúc bấy giờ không còn cách nào khác. Tôi phải mình ên(**) đi tìm ông ta. Bùa hộ mệnh của tôi là mấy dòng chữ loăng quăng, tưởng như vô thưởng vô phạt của bà cô đưa. Nhập nhoạng, tôi tìm ra bến tàu Tắc Vân và hỏi nhờ một chiếc tắc ráng đi về Quách Phẩm Bắc. Một chuyến đi với sứ mệnh cao cả và lạ lùng mà trong đời viết văn phiêu dạt của mình, lần đầu tôi biết được.

Tôi là người viết văn nhưng tôi cũng không tin lắm vào chữ nghĩa của mình. Vì đôi khi, tôi thấy nó chỉ là mớ chữ hẩm hiu, thèo lèo, rỗng tuếch. Chủ yếu là mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Một cách lãng quên hay lừa mị mình giữa dòng đảo điên thế sự. Và kỳ lạ, tất cả chừng như thay đổi khi tôi gặp Ba Nghiêm. Như có một bàn tay nào đó vô hình xếp đặt, Ba Nghiêm có biết bác tôi và có chơi với Tư Đen. Y kể cái chết của Tư Đen làm bàng hoàng dân sông nước suốt mấy ngày qua.
Và không ai có thể tin Út Miêng có thể sinh con vào lúc này. Khi nỗi đau tâm hồn và nỗi đau thể xác vò xé không biết nỗi đau nào lớn hơn? Tại sao một người con gái xinh đẹp và mong manh như thế ông trời lại buộc cùng lúc phải mang hai nỗi đau lớn như vậy? Ba Nghiêm còn nói, việc chúng tôi được chọn đi tìm ông bác sĩ trong đêm tối cũng là sự xếp đặt. Bởi y hoàn toàn không biết gì cả.
Cả ngày hôm nay ế khách, y buồn và uống rượu. Đầu óc cứ thấy rỗng tuếch, buồn bã gì đâu. Khi trời chạng vạng, y chuẩn bị về thì thoáng thấy bóng tôi thất thểu trên bến tàu với bộ dạng thảm hại. Tôi như một sứ giả mà thượng đế vừa gửi xuống cho y. Đó là cao hứng Ba Nghiêm nói chơi thế thôi. Còn sự thực là khi đọc cái địa chỉ mù mờ trên tay tôi, y nói  rất may là y đã từng đi qua tuyến đường này. Đó là con đường ngoằn ngoèo, khó đi, thậm chí có đoạn muốn tới phải luồn lách trong những đầm cỏ hoang mọc quá đầu người. Và tận cùng con đường thì sẽ đổ ra biển Đông.
Nhưng đó là điều y cũng nghe kể lại thôi. Bởi thực tế chưa có một người khách nào lại đưa ra một yêu cầu y phải đưa đi xa như vậy.  Chúng tôi cần phải khởi hành! Ba Nghiêm nói. Nếu suôn sẻ thì khoảng độ một, hai giờ khuya sẽ tới Quách Phẩm Bắc. Và từ địa điểm này chúng tôi sẽ tiếp tục mò mẫm xem là ông bác sĩ đang ở đâu? Đứa nhỏ cần phải sống bởi cha nó, Tư Đen đã chết. Chẳng lẽ ông trời oan nghiệt bắt tội cùng một lúc hai người trong gia đình sao? Ba Nghiêm uống rượu và liên miên độc thoại.
Còn tôi, lúc này vây giữa bốn bề sông nước không thể định hướng chiếc tắc ráng đang chạy. Chỉ nghe tiếng nước rẽ rào rào, nước bắn lên tận mặt. Tôi đang đi đâu giữa mênh mông đất trời? Những gì đã ở phía sau và đang chờ đợi phía trước? Một cái đích mù mờ nhưng phải đến. Cho dù xa xôi, vô vọng. Chúng tôi phải tìm được căn nhà trên đồng gió Quách Phẩm Bắc.
Phải đón được ông bác sĩ trở về. Và tôi, một kẻ vốn dĩ chỉ biết thả dài phiêu lưu, bỗng nhận ra ý nghĩa công việc viết lách của mình từ một ca đẻ khó. Cuộc sống vốn buồn đau với bao nhiêu thử thách, thăng trầm nhưng vẫn phải trôi về phía trước không thể dừng lại. Một trang viết phải tìm được ý nghĩa thực sự như đốm lửa nhỏ lay lắt trong đêm tối. Cuộc đời vốn không dễ dàng với bất cứ ai. Từ bao lâu nay tôi là người viết văn nhưng hình như chỉ đẽo gọt ngôn từ thành những món trang sức diêm dúa bóng bẩy tên tuổi.
Những trang viết xa lạ như những bông cỏ dại rũ rạp xuống vô nghĩa, phù phiếm. Dường như kẻ nào dính vào chút bút mực cũng hâm hấp, tự cao tự đại. Tự mặc lãnh bản thân mình là đấng cứu thế, kẻ có quyền năng sáng tạo ngang bằng thượng đế khi đẻ những đứa con tinh thần là tác phẩm. Đôi khi những trang viết ra đời sặc sỡ trên những cột báo nhưng bao nhiêu số phận, cuộc đời đã bị bỏ quên. Những lời tung hô, sự chúc tụng bia bọt của đám đông hay vòng nguyệt quế héo hon từ sự tưởng tượng viễn vông nghèo nàn thực sự không bắt rễ hay ăn nhập gì với đời sống cả.
Giờ đây, văn chương liệu có như Út Miêng, người mẹ trẻ mang nặng đẻ đau, vật vã sinh nở? Một cuộc vượt cạn vĩ đại với cái chết kỳ lạ của chồng. Để nụ cười trên mắt Tư Đen không có gì khác hơn hai mẹ con phải sống! Và phải chăng, trong mỗi chúng ta ai cũng cần một bác sĩ tâm hồn để định hướng trước ngã rẽ cuộc đời phiêu lưu, vô định. Tôi đã nhận thấy le lói một con đường hầm đủ vượt thoát trong ánh chớp đầy đe dọa trên bầu trời châu thổ. Những hạt mưa hay nước mắt đời tôi?...  
Cũng không biết tắc ráng của chúng tôi đã đi được bao lâu. Mưa tạnh. Chỉ còn nghe tiếng ếch nhái kêu rền đêm tháng mười. Ba Nghiêm buông lỏng tay. Tiếng cánh quạt nước rè rè thêm một lúc đã dừng hẳn. Cũng đã hai rưỡi khuya. Hình như chúng tôi đã đến đầu kênh Xáng Quách Phẩm Bắc. Theo lời chỉ, ấp Dinh Hạng gần đâu đây. Tiếng chó sủa lộn. Ánh đèn hột vịt chớp chớp phía chòi canh xa. Bóng người loáng thoáng đi tới với vệt sáng vẽ vòng trong đêm. - “Ai đấy? Cần gì?” - Ba Nghiêm hô to: - “Tôi đi đón bác sĩ Hộ Phòng” - “Tôi đây, ai cần việc gì đó?” - Tôi mừng hết lớn. Thì ra công việc vừa xong, ông đã đòi về ngay. “Mưa châu thổ biết bao giờ tạnh - Gia chủ nói - Ngớt mưa hẳn đi!...”. Nể tình gia chủ lẩu nóng, rượu ngon vừa dọn lên mâm. Ông xoa chân, ngồi vào, tớp chén rượu. Vừa lúc nghe tiếng vỏ lãi xé đêm khuya. Linh tính điều gì cả nhà chạy ra thì gặp chúng tôi…
Bây giờ là tháng mười. Tháng của những cơn mưa.
Tôi xa châu thổ đã lâu. Thời gian giúp mọi nhịp sống đã bình thường trở lại. Như dòng phù sa cuộn chảy trôi đi. Những con cá trắm bụng trứng, vượt cạn. Rồi trở về với những đàn con sinh nở. Riêng tôi, tôi đã nhận ra mình chỉ là một người yêu sự viết lách và mãi mãi ước mơ trở thành một nhà văn. Văn chương hoàn toàn không phù phiếm nếu như chúng ta tìm được con đường trong đêm tối và lúc nào cũng có những liều thuốc tâm hồn của bác sĩ. 
Tôi vẫn ước ao viết được những truyện ngắn nhẹ nhàng như cơn mưa. Nhưng thực sự có nỗi đau lắng chìm bên trong. Như Út Miêng bế đứa trẻ trên tay sau những hạnh phúc cay đắng. Sức chịu đựng của con người thật lớn lao cao cả. Trong cơn mưa châu thổ những cuộc đời chìm nổi. Những câu chữ liệu có được như hạt ngọc phù sa bồi đắp đời đời?...
Tháng 10-2010 
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

Mình ơi !
Ngọn gió đưa thuyền xa bến sông,
Người đi theo sóng nước mênh mông....
Bỗng dưng chợt nhớ gian nhà cũ,
Quyện khói lam chiều theo gió Đông

Ôm đàn dạo khúc tình ca cũ,
Thương nhớ ngày xưa ta có nhau...
Chân trời xa phủ màu lam biếc,
Dạo khúc "Mình ơi" vạn nỗi sầu !!
NM

Tình châu thổ 

Cái tin Hai Từ tốt nghiệp lan ra khắp vùng. Ở cái xứ xa xôi này học hết trường làng đã là quý lắm rồi, nay có chyện Hai Từ khăn gói lên thành phố học đại học. Người ta lấy Hai Từ ra làm tấm gương cho con cháu. Thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đâu ai muốn quanh quẩn bên ao làng mãi. Nhưng người ta còn hơn nhau ở chỗ phước phần.
Nhà Hai Từ được coi là giàu nhứt xứ. Thân sinh cậu lúc trước làm chủ vựa lúa gạo và nhà máy xay xát lớn nhất nhì trong vùng. Ông qua đời vì bạo bệnh để lại cho mẹ con cậu căn nhà lớn, kha khá vốn liếng lẫn ruộng vườn. Ruộng đất không ai cai quản, bà Chi đứt ruột bán hết mấy công, còn lại phần đất sau nhà bà thuê người canh tác.
Hai Từ học hết trường làng, lên thành phố tiếp tục con đường học vấn. Cũng có lúc Từ nhớ nhà, nhớ làng xóm da diết, cậu bắt xe ngồi một mạch hơn nửa ngày trời từ thành phố về quê chỉ để ôm bà Chi, rồi một mình lững thững ra bến sông ngồi ngắm lục bình trôi tản mạn. Từ trên cầu cao, thi thoảng Từ nhìn thấy có chiếc ghe nhỏ neo lại dưới chân cầu nấu cơm, khói bay lên nghi ngút.
Chủ ghe là một cô gái tên Đào, có mái tóc dài cột thành một lọn hững hờ an nhiên ngồi giặt đồ sau lái ghe hay đằm thắm với những ngón đờn êm dịu. Từ lại rời quê lên phố tiếp tục với nhịp điệu cuồng xoay. Bốn năm đại học trôi qua nhanh như chớp mắt. Lúc người làng tưởng Từ sẽ bám trụ ở phố, thì Từ trở về quê với mẹ già, với nhà cửa ruộng vườn cha đã để lại.
Cuộc trở về của Từ làm xóm rộn rã. Bà Chi tất bật mời xóm giềng, bà con xa đến dự tiệc mừng con trai tốt nghiệp. Mới sáng sớm mà nhà Từ đã chật ních, đàn ông lên dao giết lợn, đàn bà túm tụm trong bếp thổi xôi, làm gà. Cụ già ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ trước nhà vừa uống trà vừa kể chuyện xưa xứ này. Trẻ con tụ tập ngoài sân gom củi khô đốt đống lửa to, tiếng bông lửa nổ lép bép giòn rụm. Cớ gì mà Từ cứ đau đáu ngóng vọng về cái bến sông có tiếng đàn văng vẳng rơi lúc đêm về gần sáng...
Từ lấy xe chạy ra bưu điện xã có chút việc. Khi đã về đến bụi tre đầu ngõ bỗng nghe có giọng đàn quen cất lên trong nhà. Bản đàn vừa dứt, các cụ tặc lưỡi vỗ tay rôm rả. Từ dựng chân chống xe bước vào trong nhà, thấy tim mình như loạn nhịp. Trên phản là Đào, cô gái có mái tóc dài trên chiếc ghe chòng chành dưới chân cầu. Không biết Đào có nhìn thấy Từ hay không mà cứ mải miết đàn hết bài này sang bản khác. Mẹ Từ bảo tiếng đàn của Đào như rót mật vào tai, nên mẹ mời đến đàn cho các cụ nghe.
Đào đã ngoài hai mươi lăm, gương mặt trái xoan, sóng mũi dọc dừa, cái miệng ít khi cười, nhưng vẫn rất duyên. Mái tóc cô mượt mà đen như nhung vắt chéo ngang vai trái, đôi mắt long lanh sóng sánh buồn. Từ ước mình được một lần cuộn tròn trong đôi mắt bồ câu ấy. Khi đã đàn xong điệu nhạc cuối cùng, Đào nhìn Từ khẽ gật đầu chào. Từ cũng chào lại. Bà Chi xếp phong bì dúi vào tay Đào, mời Đào ở lại ăn bữa cơm rồi hẳn lui ghe. Đào khéo léo từ chối: “Con phải đi sớm cho kịp con nước”. Đào ôm đàn bước ra khỏi nhà. Từ nhìn theo mà lòng chênh vênh, thơ thẩn…
 * * *
Những đêm chiếc ghe của Đào đậu ngoài bờ sông, Từ thường ra đó chuyện trò, ngâm thơ cho Đào nghe, Đào đáp lại bằng một khúc nhạc. Vẫn là những khúc buồn man mác bất giác làm Từ thắt lòng. Rồi cũng đến lúc Từ buột miệng “Anh yêu em…” và Đào trả lời: “Em chỉ là cô gái trên sông, rày đây mai đó, em sợ…”. Từ không nói gì, ngắt lời Đào bằng cái hôn thật sâu. Trong khoảnh khắc đó Đào thấy mình không thể cưỡng lại những cử chỉ yêu thương của Từ.
Nhiều lần Từ thưa với bà Chi chuyện trăm năm, mẹ gạt phắt: “Người ta giàu sang có học thức không ưng, đi ưng con nhỏ xướng ca vô loài, lang bạt tứ phương. Khổ lắm con ơi!”. Nghe mẹ nói mà tê tái lòng dạ, đời Đào lang bạt nên Đào càng khát khao tình yêu và mơ về một gia đình hạnh phúc. Bây giờ mẹ nói thế, lòng Từ rời rã. Thương Đào mà cũng thương mẹ. Chồng qua đời, bà Chi chỉ còn mình Từ là nguồn sống. Đào khuyên: “Thôi anh, số em vậy thì đành chịu. Anh về với mẹ đi…”. Từ cương quyết: “Anh không bỏ mặc em”.
Như lời hứa năm nào dưới bóng hoàng hôn chập choạng ngoài bãi quê xưa cũ, Từ không bỏ Đào. Thương mẹ chứ, nhưng Từ nghĩ thôi mình bỏ nhà theo Đào ít năm, chừng mẹ nguôi giận rồi sẽ dẫn Đào trở về, chắc hẳn mẹ sẽ chấp nhận đứa con dâu tội nghiệp ấy. Một đêm mưa, Đào neo ghe đợi Từ dưới chân cầu cao lộng gió. Xa xa, bỗng Đào thấy bóng ai chạy xuôi dọc bờ đê. Lòng Đào ấm áp lạ thường.
Chiếc ghe rời bến, ngọn đèn dầu tỏa một quầng sáng cũng rời đi…
***
Bà Chi bệnh nặng. Từ nghe tin nhói cả tim. Tin được truyền đến từ một người đàn ông, cũng lang bạt kỳ hồ như vợ chồng Từ, một dạo ghé qua xóm nên biết chuyện. Lòng Từ nặng trĩu nhìn đứa nhỏ ngủ say trên sạp ghe trải manh chiếu cũ. Đào quay sang nói với chồng: “Hay mình về thăm mẹ một chuyến. Em và con đợi mình”. Nói ra câu đó Đào đau lắm chứ. Những chiều buồn êm ả rớt trên mặt sông Đào thấy Từ ôm con ngồi ngoài mũi ghe, thủ thỉ: “Con có muốn lên bờ sống không?”, “Có muốn đi học với bạn bè không?”. Bé gật đầu. Đào ngồi trong ghe xếp quần áo mà nghe rõ tiếng chồng thở dài lai láng, mắt nhìn xa về phía bờ đất. Ở đó có rẫy dưa, rẫy bắp xanh rì. Có cát mềm dưới chân, có những ngôi nhà quyện mình trong màu lam khói biếc. Khung cảnh đầm ấm mà gần nửa đời người Đào chưa một lần được sống, được hít trọn vẹn mùi khói bếp ngọt bùi. Hơn năm năm lang bạt, chưa bao giờ Từ làm Đào buồn lòng. Mà sao Từ cứ mãi buồn. Từ đã quen dần với những bến chợ, những món tiền rau, tiền củ, tiền quả… với những bạn hàng thân thiết tại một bến chợ nào đó dọc miệt sông. Đã lâu rồi Đào không được nghe Từ đọc thơ, kể chuyện.
Đào neo ghe lại một bến sông quen, cách xóm không xa. Từ nhìn Đào rồi dắt đứa nhỏ bước lên bờ. Hai cha con ngoái lại nhìn chiếc ghe lần nữa, trong ánh mắt dặn Đào đợi Từ ngoài bến sông, rồi cha con Từ sẽ trở lại. Hai chiếc bóng một cao to, một bé nhỏ lúp xúp đi bên. Thập thững trên bờ đê thoảng hương lúa trổ đòng đòng. Đào đứng lặng sau lái, nhìn theo đến khi dáng hai cha con mất hút sau làn khói ban chiều. Đào chảy nước mắt, lom khom sang nước vào lu rồi đem cây đàn treo trên vách ra phủi bụi, gảy một bản nhạc quen.
Sáng sáng chiều chiều Đào hay ra mũi ghe lóng ngóng về phía xóm, chờ hình bóng thân thương. Một đêm những cơn gió băng qua đồng thổi phần phật dữ dội, mưa tạt mạnh vào trong ghe ướt cả manh chiếu cũ, Đào hốt hoảng che chắn mãi mà vẫn không khô nổi. Đào co ro một góc ghe, lạnh buốt. Ngày trước có Từ, mỗi lần mưa tạt là Từ gom hết mấy tấm nilon dưới sạp ghe che chắn đủ chỗ. Từ sợ mưa làm lạnh vợ con, còn Từ ngồi sau pha trà uống cho đỡ lạnh. Giờ không có chồng con bên cạnh, “Chắc hai cha con ấm”, Đào nghĩ thế. Ngọn đèn phụt tắt, Đào bất lực ngồi trong bóng đêm tịch mịch, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau, trời trong hơn. Đào tỉnh dậy, thấy ghe mình đang dập dềnh trên một quãng sông lạ. Đào nhìn dáo dác xung quanh chỉ thấy ruộng đồng bờ bãi. Không thấy bến sông quen với cầu cao lộng gió mà Từ vẫn đứng ngẩn ngơ mỗi buổi chiều buông. Không để nước mắt rơi thêm lần nào trên bờ mi đẫm màu sương nắng, Đào ôm cây đàn ra mũi nghe ngồi dạo khúc “Mình ơi”, sầu sầu tủi tủi.
    ***
Qua Tết, gió bấc vẫn còn lưu luyến trên mấy ngọn bần, ong bay lả lướt. Hơn một năm ròng một mình Đào lang bạt, buồn thì ít mà nhớ thì nhiều. Vẫn còn đó hương vị bánh mứt thơm ngọt thoảng lại từ những gia đình trong xóm, ngửi mà nức lòng. “Không biết cha con ăn Tết có vui không? Có ấm cúng không?”. Đào thoáng nghĩ, lom khom chui vào trong mui lôi cây đàn ra căng lại dây đàn, rồi ra mũi ghe mà gảy.
Khói quê hương từ một bếp un nào đó trên bờ đê bay ra giăng mắc mặt sông. Qua làn khói trắng đục ấy, Đào bỗng thấy có hai con người đứng lặng trên cầu cao, hình như là hai cha con. Đứa nhỏ đội chiếc mũ rộng vành, gió phất làm vành mũ co lại che hơn nửa mặt. Xa xa, chân trời chiều phủ màu lam biếc. Có tiếng gọi chín rụng hoàng hôn, thương đứt ruột: “Mình ơi!”.
HOÀNG KHÁNH DUY

Trăn trở
Hoàng hôn loang loáng màu lam biếc,
Văng vẳng từ xa tiếng nước tràn...
Mẹ ngồi đơn độc gian nhà nhỏ,
Con còn trăn trở kiếp đi hoang
NM 
 

 Mưa chiều châu thổ
Tôi ấn cái nút nhỏ xíu trên đầu chiếc radio cũ kỹ trên kệ. Nghe radio trở thành thói quen ngọt ngào và thanh thản của tôi từ thuở sinh viên, sáng lên giảng đường, chiều muộn về mở nhạc quê hương cho vơi nỗi nhớ nhà. Nhìn ra cửa sổ căn hộ chung cư tầng tám, bầu trời tháng bảy đùng đục. Những cơn gió lạ ùa về lành lạnh thịt da. Chiếc radio nhỏ vang lên giọng nói quen thuộc: Một người bạn phương xa gửi tặng bạn K. bài hát “Chiều nước lũ” với lời nhắn “Chúc K. và gia đình luôn luôn bình an”. Bài hát ấy vang lên. Tim tôi quặn thắt.
Một nỗi nhớ da diết choáng ngợp. Mùa này quê tôi nước nhảy khỏi bờ, tràn qua bao cánh đồng, vườn tược. Sáng hôm sau, tôi bắt chuyến xe về nhà. Ngồi trên xe, qua cửa kính, hai bên đường ruộng đồng xanh ngắt một màu. Những bờ đê nghiêng nghiêng trong gió. Những mái nhà tranh, xóm làng xa xa. Tôi thấy quê mình mùa lũ đẹp mà buồn đến nao lòng.
* * *
Tôi thức dậy khi trời chưa sáng hẳn, nhớ lời má dặn, tôi nhóm bếp nấu nước pha trà cho ba, rồi bắc nồi cơm. Má ra khỏi nhà từ sớm, tôi nghe tiếng má mở dây cột ghe dưới bến sông rồi róc rách bơi đi. Ba cũng lục đục ra đồng. Tôi ngồi bó gối trước nhà nhìn những chuyến tàu chạy ngang qua. Mấy hôm rày, trời lác đác mưa. Ba tôi tranh thủ nhổ hết mấy giồng khoai chất lên xe rồi trữ dưới bếp chờ người đến cân. Cơm chín, má về. Chiếc xuồng vừa cập bến sông tôi đã nghe tiếng má nói vọng: “Mới tháng này mà trời ráng mỡ gà, mối bay đầy đồng, chạy ra kêu ba nhổ hết giồng khoai giống đi Hương, khéo mưa úng hết”.
Tôi hiểu nỗi lo của má. Mưa dầm tháng sáu, tháng bảy, cộng với nước sông chảy về, tràn lên đồng ruộng bãi bờ. Nhà tôi nằm trên cánh đồng Tri Tôn, cạnh dòng Vĩnh Tế, đón con nước đầu tiên của thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Vừa chạy ra đón má, tôi vừa nói: “Ba ra đồng rồi má ơi”. Trời ngả màu nhưng vẫn chưa mưa, không khí còn ngột ngạt và hơi nóng vẫn còn hâm hấp. Má nói: “Chắc ba bây ra đồng nhổ khoai, đắp bờ, khoai chưa ai cân mà mưa sắp tới...”.
Những gia đình khác trong xóm đã chuẩn bị đón đợt nước lũ tràn về từ nhiều ngày trước. Hôm đi ngang đồng chú Út, tôi thấy chú khệ nệ đào con mương dẫn nước từ đồng ruộng ra dòng sông. Vợ chồng bác Hai người leo lên mái nhà, người ở dưới đất buộc dây rịt chặt lỡ có gió lớn cũng không bị thổi bay. Những bao đất chất quanh nhà, đồ đạc được kê cao. Dần dần công việc ấy trở thành thói quen, không ai còn chạnh lòng mỗi độ nhìn mưa rơi ngoài mái hiên làm ướt giàn mồng tơi tháng sáu...

Đêm ấy nước lên nhanh đến bất ngờ. Tôi đang nằm trong mùng thiu thiu ngủ, ngọn đèn chong vẫn còn tỏa quầng sáng leo lét trên đầu giường và đài phát thanh đêm muộn vẫn còn rỉ rả từ chiếc radio. Bỗng có tiếng lao nhao từ bên sông vọng về. Tôi bật ngồi dậy, ba thắp thêm ngọn đèn nữa cho sáng, má bưng đèn dầu chạy ra sân nhìn trời. Ba nói hấp tấp: “Hai má con lo kê chỗ khoai mới nhổ lên cao, nhanh lên”. Nói rồi ba leo lên ràng lại mái nhà. Tưởng thong thả mấy bữa nước mới về, ai ngờ...
Má con tôi chất đống khoai vào thúng rồi để lên sàn cao. Người quê tôi đã quen với những cơn lũ bất chợt ào đến, rồi nấn ná lại ít hôm, có khi cả tháng trời, có khi ròng rã gần nửa năm nước vẫn còn lép xép ngang bờ đất. Trong phút chốc, nước từ thượng nguồn đổ về dòng kênh Vĩnh Tế rồi lênh láng khắp ruộng đồng, gò bãi. Nước nhảy vọt qua bờ đất cao, dâng lên nền nhà, ngang qua đầu gối chai sần của ba. Má chưa kịp xắn ống quần lên đã ướt, chỉ kịp quơ vội mấy bộ quần áo, mớ tập vở của tôi rồi trèo lên chiếc xuồng con để giữa nhà ngồi co ro nhìn nước nổi. Trong màn đêm chập choạng, tôi thoáng trông thấy chiếc xuồng nhỏ xíu của ai đó đứt dây trôi lênh đênh giữa dòng. Ba tôi nhón người ngồi lên bộ vạc, hai chân ba buông thõng xuống dưới. Má chồm tay phủi mấy hạt nước lăn tròn trên khuôn mặt ba, nhẹ giọng: “Ướt hết rồi, để tui lấy áo khô cho mình thay, không cảm bây giờ”. “Lát nữa hẳn thay, để coi còn việc gì nữa hay không”, ba vừa nói vừa rót tách trà nóng uống cho ấm bụng, “Hình như nước thôi lên rồi. Năm nay thời tiết bất thường quá”.
Ba ngồi chồm hổm trên vạc, ướt sũng và đôi môi tái mét. Má con tôi nhóm lò hâm nóng cơm và mẻ kho quẹt để ba ăn ấm bụng và có sức canh nước tới sáng. Ba bưng chén cơm, và vội, mắt vừa nhìn ra xa xăm. Trời vẫn chưa ngớt mưa, cánh đồng và dòng sông, bãi bờ và lau sậy... tất cả chìm trong biển nước trắng xóa.
Sáng hôm sau, bầu trời vẫn còn đùng đục. Mưa đã thôi rớt những hạt to và nước đã thôi dâng lên, dòng sông dịu dàng giữ lại cho đồng bằng mực nước xăm xắp ngang bụng ba khi đứng trên nền nhà cũ. Nhà là một dấu chấm nhỏ giữa biển nước bao la, con đường và dòng sông trôi dài tít tắp. Bác Hai chân tay lấm lem bùn đất liêu xiêu chống xuồng khắp xóm, hỏi vọng: “Đêm qua nước lên, bà con bình an hết hả?”. Ba tôi trả lời: “Bình an hết. Anh Hai đi đâu sớm vậy?”. “Đi thăm bà con, bình an hết cũng mừng. Ruộng vườn nhà tui ngập tuốt”, bác nói.
Ba tôi mời bác vô nhà ăn chén cơm cho ấm bụng, bác tấp xuồng vô bến. Má tôi đốt lửa nướng khô, khô lóc, khô sặc, khô phi nướng lên mùi thơm nức mũi, khiến bụng đói cồn cào. Và được vài đũa, bác hai vỗ đùi một cái rõ kêu, nói lớn: “Sau con nước năm nay chắc làm ăn được. Đợt lũ năm ngoái nhà anh Sáu trúng đậm, qua một mùa nước mà sắm được tivi, nồi điện”. “Ừ, mất cái này sẽ được cái khác. Trời đất luôn công bằng”, ba tôi cười vang rồi nhìn ra ngoài kia đồng nước mênh mông. 
Chiều, ba tôi hăm hở xách lưới vó ra đồng bắt cá. Trên dòng giăng mắc một màn sương, ngồi trên vạc trước nhà tôi thấy má bơi xuồng cho ba giở cái đó sông, ba cười chất phác. Trong đó nào cá linh, tôm càng xanh, cua, ốc, lươn, chạch... Rồi trời tạnh mưa, má tôi lại bơi xuồng mang cá ra chợ bán kiếm tiền sửa lại mái nhà dột mưa lỗ chỗ, xóm lại rôm rả như xưa...
* * *
Tôi không nhớ tuổi thơ của tôi đã trải qua bao nhiêu mùa nước nổi. Ký ức bàng bạc màu nước, loang loáng màu lam biếc của hoàng hôn. Tôi vẫn thường nghe từ cõi xa xôi vọng về tiếng nước chảy ồ ạt qua bờ đất cao cao, nước tràn vào đồng ruộng mênh mông và ngôi nhà yêu dấu.
Mấy mùa nước lũ đi qua. Lâu lắm, má tôi ngồi một mình. Má gầy khòm, vai nặng trĩu gánh thời gian. Má đơn độc trong căn nhà nhỏ giữa biển nước mênh mông. Ba mất trong buổi chiều nước lũ rút dần xuống dòng kênh Vĩnh Tế, mắt ba nhắm thinh, bình an. Ba nằm trên mảnh đất quê nhà thoang thoảng mùi cỏ cây, mùi phù sa và mùi Tri Tôn đất nóng. Tôi rời xóm nghèo lên thành phố lao vào cuộc mưu sinh. Má thủy chung bám trụ cánh đồng xưa, ngôi nhà nhỏ với dòng sông quê từng mùa con nước vơi đầy. Nghĩ về má, nước mắt tôi ứa ra.
Tôi luôn canh cánh trở về ôm đôi vai nhọc nhằn của má, kéo tấm mền đắp ngang người má mỗi đêm mưa. Tôi về ràng lại mái nhà, chống đỡ cái cột hay xách dao chặt đứt mấy tàu lá dừa cạnh nhà để trời giông khỏi đổ. Tôi về hái chùm bông điên điển, bắt con cá rô đồng nấu cho má nồi canh thơm nồng hương vị đồng quê, hát cho má nghe mấy câu mà ngày xưa má thường hay hát ru tôi say giấc mỗi độ đất trời trở gió...
Hoàng Khánh Duy

Loi Thien Thu Goi

Thổn thức

Sao vẫn nhớ hoài nơi chốn xưa ,
Đau đáu luôn mơ giấc mộng thành...
Giòng sông tuổi nhỏ chừ xa lắm,
Đâu người con gái tóc hương chanh...?
Rừng xanh bao kín con kênh nhỏ,
Nắng vàng len lỏi giữa vòm cây...
Ta đứng bên nầy thương Vĩnh Tế
Thổn thức trong tim nỗi nhớ đầy !
NM 
 
mùa nước nổi, miền Tây,

Tìm Xưa Châu Thổ

Cô liêu đàn xưa ngân trên sông... 
 Người đàn ông dừng lại bên bờ nước, vẩy tay cười nhìn bóng dáng bé bỏng của đứa cháu nội, tay bở ngở chiếc cần câu, e dè ngồi bên bố đang chèo chiếc xuồng độc mộc đi tìm chổ câu cá. Ðã nhiều năm vào mỗi mùa hè, cha con ông vẫn thường tìm lên vùng biên hồ này một đôi tuần như nơi nghĩ mát hàng năm. Năm nay là lần đầu tiên đứa cháu nội vừa lên sáu của ông được “go fishing up North”. Ông vui hơn vì có thêm đứa cháu nhỏ chuyện trò và hình như mỗi năm ông càng xao xuyến hơn với những buổi chiều trên biên hồ. Trong ráng chiều đỏ ối rười rượi cơn gió bát ngát đi về, mặt trời im lìm khuất bóng lặng lẽ mà bồn chồn như vết tàn phai của ý nghĩ lao lung về một khung trời mộng cũ, mang mang châu thổ vang vọng triều dâng. Chiếc xuồng đã chèo xa khuất tầm nhìn mà đâu đó còn vọng lại tiếng cười lãng đãng bay trong chiều bát ngát vương trên mặt hồ bập bềnh hoa súng như những nụ đèn chờ thắp hoàng hôn. Hoa súng vàng điểm xuyết lên từng từng thảm xanh lục bình tự tại nổi trôi vào ngút đuối mắt nhìn. Màu lam tím của hoa bèo níu sa xuống mây chiều rồi lan xa vào vô tưởng chân trời giờ đây như tràn ngập tiếng reo cười, âm vọng thanh xuân. Phải chăng là tiếng cười trẻ thơ của đứa cháu vừa câu được con cá đầu tiên trong đời hay chính tiếng mình buổi thanh xuân trên quê hương một thuở lớn lên…
Giòng nước bạc giòng sông trôi theo dõị
Cuối chân trời hình bóng một chân mâỵ
Ðời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lạị
Giữa hư vô em giữ nhé chừng nàỵ..
(Bùi Giáng)
Tìm xưa châu thổ. Xốn xang lòng ông hình ảnh con tàu chập chùng đêm Cửu Long văng vẳng điệu buồn phương Nam trải trang lời kinh sấm giảng ru ấm hồn người. Nhắm mắt lại, trải hồn ra, để thấy mình nằm trên khoang đò dõi mắt về phố bến huyền hoặc ánh đèn. Trên dòng Tiền Giang, tàu chạy qua Bắc Mỹ Tho, thành phố nửa đêm về sáng đẹp lạ lùng. Hay theo chuyến tàu sớm khởi hành từ Kinh Ông Chưởng để về Long Xuyên cho kịp phiên chợ. Thuyền đò san sát trên bến sông. Hãy vào một quán chợ kêu ly xây chừng, lòng sảng khoái mồi điếu thuốc đầu ngày.Hay dẫn đoàn tàu từ Phong Phú về, hung hãn phóng nhanh cho kịp buổi nhậu. Thành phố Cần Thơ vừa lên đèn, bến Ninh Kiều quyến rũ như cô gái Nha Mân ngồi hong mái tóc dài thoang thoảng hương chanh.Dòng kinh chảy sâu vào trong bao la của trời đất hình như đã mang đủ chiều dài cho gió thênh thang. Tàu chạy hết ngày vào tới đêm. Chạy hết chiều dài của dòng kinh để thấy mình nhỏ nhoi giữa trời khuya mênh mông. Bỏ lại sau lưng bến đò An Long, hắt hiu ngọn đèn vàng, buồn như lòng cô chủ quán đã tàn xuân. Con tàu vẫn chạỵ Giữa vàm sông rộng, tiếng máy trầm đều ngái ngủ. Tàu ghé qua Vàm Láng, quán nửa khuya thao thức ánh đèn rọi xuống mặt sông lao xao. Xa xa ngọn tháp cao nhà thờ trên Cù Lao Giêng chênh vênh mơ hồ trong ánh trăng. Tàu chạy sâu hút vào nửa đêm về sáng. Con lộ giới nghiêm im vắng trải dài qua Cái Dầu nằm say ngủ dưới ánh đèn đường vàng vọt. Mờ ảo trong ánh sáng đầu ngày, chuyến tàu chợ sớm từ Tân Châu về Châu Ðốc xao xác tiếng người …Từ bến bắc Cao Lãnh lên tàu theo con nước xuôi về Chợ Mới, chưa hết phiền hà vì sự chật chội nóng nực của hơn nửa ngày xe đo, lòng chợt mát rượi như vừa được uống miếng nước mưa giữa buổi trưa hè. Cái cù lao nhỏ nhoi mà ân cần như ốc đảo giữa sa mạc. Rừng cây xanh bao kín cù lao chỉ chừa khoảng trống vừa đủ cho con kinh nhỏ theo vào. Dòng nước trong và êm tưởng chừng như chỉ những giọt nước hiền mới được phép quây quần. Ngay khoảng trống đó là cánh cửa vô hình, ranh giới giữa cuồng nộ và yên bình. Bên trong, khung cảnh mở ra đẹp như một vùng chiêm bao. Hàng cây hai bên con đường nước châu đầu trò chuyện, cành lá đan vào nhau làm những miếng nắng phải len lỏi mãi mới sa xuống được mặt nước mát. Tàu trôi dưới vòm câỵ Tâm hồn nhẹ nhàng tưởng như đang chậm bước trong một giáo đường thênh thang. Những ngôi nhà nền đắp cao mái ngói đài các ẩn hiện sau những lùm điên điển lấm tấm hoa vàng. Nối liền mỗi nhà với con kinh là mương nước rộng, xuồng lớn có thể chèo vào tận đến đầu hiên nhà.Cao Lãnh. Chữ nghĩa người xưa giờ sao nghe đắng caỵ Ước mơ lớn lao của ông Tổng Ðốc, lãnh mệnh Chúa phái vào sâu trong đất Nam Ky giữa vùng nước thấp mênh mông tràm đước để mở mang bờ cõi, đã thể hiện qua những địa danh đẹp như Mỹ An, Mỹ Phước, Phước Xuyên... Có lẽ giữa cảnh trời nước mênh mông nhớ người còn ở lại đất Thần Kinh, ông quan trẻ trong giây phút lãng mạng đã lấy tên vợ Vĩnh Tế để gọi một dòng kinh mới. Và lạ chưa, có một buổi chiều gió Tịnh Biên rợp vàng trí nhớ, rượu uống ngà ngà say, đứng bên dòng Vĩnh Tế dõi mắt về phương xa nhớ thương ngày cuối biển. Dòng nước cưu mang nỗi lòng Thất Sơn, Hồng Ngự chảy qua vùng đất Giang Thành qua miệt Hà Tiên rồi đổ vào biển rộng. Ðứng đó bên bờ kinh nhỏ sao nghe lòng mình xôn xao tiếng sóng. Ngược hướng Tịnh Biên, bóng mây không che được dáng núi Thất Sơn, kiêu bạc quàng vai dãi lụa sầu châu thổ. Giòng nước lung lay soi bóng người, bóng thời gian lẩn khuất không trôi. Ông quan trẻ lãnh mệnh Vua đi mở nước, từ hơn trăm năm trước từ giã đất Thần Kinh tìm đến miền ba-sông-bảy-núi xa vời đất khách. Người đã đến từ một cuối biển Ðông xa hay phải lặn lội qua đôi lần sông mênh mông sau trước? Ðỉnh núi nào người xưa đã đứng vọng một tiền đồ rồi mường tượng tới giòng kinh nối biển? Giòng sông đào như dải ruột mềm trang trãi tấm lòng quân tử vua tôi, man mác nghĩa phu thệ Thoại Hà, giòng sông đào vua ban cho tên gọi, đầm đìa nỗi lòng Vĩnh Tế, đã cưu mang từng giọt phù sa nặng lòng châu thổ đến tận bờ nước Hà Tiên.Con người trên những dòng sông. Truyền kiếp. Núi biển chia lìa từ thuở khói sóng hồng hoang mơ hồ thanh sử. Những dòng sông chẳng hề gặp nhau, lận đận gian nan như đường chỉ tay in hằn số phận. Những dòng sông cắt chia nhiều nhánh cho nước nguồn bơ vơ biển lớn. Những dòng sông cố gắng giải thông lời nguyền khắt khe buổi đầu dựng nước. Dòng sông chảy ngang chia cắt lòng người, đầm đìa giọt mồ hôi từ đá sỏi nghìn xưa. Con người nổi trôi theo định mệnh u hoài của dòng sông muôn đời gắng công nối liền biển núi. Người xưa. Cơ đồ. Mệnh nước. Một thuở biên cương. Trăm năm sau, cõi giang biên âu sầu muối mặt, bơ phờ cơn gió tai ương. Ta đã đôi lần từ biển đến, lòng lú lấp phiền hà rồi say khướt biếng lười đâu đó cuối giòng để bây giờ, hồn nặng vàm sông bến nước, đứng bên giòng kinh biên giới, tần ngần về một nửa ngày sông. Và cả một đời mình. Phải chăng chỉ để tròn một bước chân vô ích mà lòng thì vẫn quằn nặng ưu tư giấc mộng không thành? 
Ðôi khi muốn quay về, ngồi yên dưới hiên nhà…(TCS) 
 Người đàn ông trở về lều nhóm lửa pha cho mình ly trà nóng. Buổi chiều biên hồ êm ả như ru. Bầy vịt trời nô đùa trên mặt hồ làm đong đưa những cánh hoa súng như từng miếng nắng nhỏ lung linh rồi soải cánh theo nhau bay về phía ráng chiều lướt thướt những sợi mây hồng. Nơi nào là quê-nhà cho một kiếp thiên di khi vùng nước sẽ đóng thành băng khi mùa đông tới? Ông đã nổi trôi đắm chìm trên giòng sông đời mình. Làm thân tàu trôi xa khỏi vịnh biển êm đềm, lênh đênh trên khắp cùng sông biển quê hương, để rồi sống cuộc lưu cư suốt kiếp đời còn lại mà lòng thì mãi nhớ về giòng sông nhỏ quê nhà.Ba mươi hai năm. Giòng nước sông Thu Bồn một cuối tháng Ba đã đẩy đời người trôi tuốt khơi xa, vào cuộc truân chuyên. Xa rồi đêm trăng Thuận Tình mờ mờ cát vàng Xuyên Thọ. Vùng đầm sông nối biển, trộn nước nguồn Ô Lâu-Thu Bồn-Ðế Võng với nước biển Ðông là dấu mốc oan khiên mặn xát hồn lưu xứ. Nhìn bầy lục bình giạt trôi trên mặt hồ bát ngát, lòng chợt bồn chồn câu hát cũ, quay về, yên ổn, hiên nhà. Tiếng vịt gọi bầy lãng đãng gần xa, âm vọng mơ hồ một bến bờ để dừng đôi cánh mỏi. Tiếng reo cười của đứa cháu nội rõ dần theo bóng dáng chiếc xuồng đang lách qua từng mảng lục bình chèo về phía lều nơi bếp lữa đang bập bùng. Quê nhà. Ra đi. Trở về. Cữu Long. Mississippi. Ông cười với cháu nội khi đở xâu cá trên tay đứa bé. Bếp lữa đầu sông Mississippi sẽ nấu chín con cá đầu tiên cháu ông câu được. Ông vui lòng nhủ thầm.
Phan Thái Yên



                                 

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

NTV 6 - Cảm Thu

Kỷ niệm mùa Trung Thu 2018

 Thu Sầu

Tình Khúc Mùa Thu 

Thu hát cho người

Hương trời tháng tám  

Thu
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
Cành biếc run run chân ý nhi.

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa,
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.

Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,
Hây hây thục nữ mắt như thuyền.
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
Xuân Diệu
Nhớ thu xưa
Phù dung nở trắng vườn ai đó,
Thầm trách sao mình hay vấn vương...
Không tìm hoa ngắm đương thì nở,
Một đoá hồng tươi đượm thắm hương !

Trên con đường cũ lá vàng bay,
Ngỡ hồn như tỉnh hoá như ngây...
Gió thu nhắc nhớ ngày xưa ấy,
Thôi hãy tìm quên giấc mộng dài !

Tôi vẫn là tôi nhưng khác xưa,
Không còn thơ trẻ để say sưa...
Ngắm nắng sầu mây, tìm hoa trắng,
Thương đoá xuân hồng tan tác bay !!
NM

 

Cảm Thu 

Tùy bút Cảm Thu của Đinh Hùng được đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940. Đây cũng là sáng tác đầu tiên của thi sĩ được đăng trên báo, đồng thời cũng được in trong cuốn “Việt Nam Văn Học Giảng Bình” (VNVHGB) của Phạm Văn Diêu.

DSCN2856_zps8e7629ebThu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ… Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ? 
Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng. 
Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới… Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều. 

… Từ hôm rời chân ở bến sông vàng. 
Từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật. 
Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả Ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn… 
Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng! 
Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ. 

Đinh Hùng
 (Trích trong VNVHGB của Phạm Văn Diêu)
Mơ Thu
Luôn mơ ngắm ánh trăng vàng,
Nhớ hương trà ngát theo làn gió thơ...
Tìm về ký ức trong mơ,
Biết bao kỷ niệm ngây thơ chợt về.
Thương sao một mảnh tình quê,
Đoàn viên hạnh phúc vỗ về bên cha...
Đêm nay vẫn ánh trăng ngà,
Mẹ cha cách biệt, thân mình tha hương !
NM

VẦNG TRĂNG THÁNG TÁM
Trời đã chuyển dần vào Thu, hôm nay đúng ngày rằm tháng Tám. Hàng năm, mỗi lần sửa soạn cỗ cúng rằm Trung Thu, tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ về những kỷ niệm vui, buồn của thời thơ ấu. Tôi không sao quên được chiếc lồng đèn con cá mà thuở nhỏ Ba tôi đã làm cho tôi. Càng nhớ mãi nụ cười hiền hòa của Ba khi thấy tôi vui mừng, nhảy cẫng reo vui lúc Ba vừa làm xong chiếc lồng đèn từ những cây tre do chính tay Ba uốn cong thành hình con cá chép, rồi Ba mua giấy bóng kiếng vàng dán bên ngoài, Ba còn dùng viết lông màu xanh đỏ để tô điểm thành một con cá đầy đủ màu sắc, tuyệt đẹp, lộng lẫy vô cùng. Ba đã cho tôi niềm vui hãnh diện và ước mơ tuổi thơ vào mùa Trung Thu năm nào.
vang trang thang tam
Tôi nhớ mãi, đó là mùa Trung thu năm tôi 8 tuổi, gia đình tôi mới di cư từ Hà Nội vào Nam. Hôm đó, tôi vừa đi học về thì được ba đưa cho một chiếc lồng đèn con cá màu vàng mà Ba đã làm:
Quà Tết Trung Thu của con đây, tha hồ đi rước đèn cô nhé.  
Tôi sung sướng tỉnh cả người, nhảy tung tăng, ca hát vang nhà. Và cũng từ đó, hằng năm cứ đến Tết Trung Thu là tự tay Ba vót tre làm lồng đèn cho chị em chúng tôi đi Rước Đèn với trẻ con trong xóm, khi về, lại được cùng Ba mẹ ngồi ngắm trăng, ăn bánh dẻo, bánh nướng, và còn được nghe Ba kể chuyện cổ tích cho chị em chúng tôi nghe nữa.Theo thời gian chúng tôi lớn dần, không còn thú vui rước đèn, nhưng Ba Mẹ tôi vẫn theo phong tục cổ truyền. Vào những mùa trăng rằm tháng Tám, gia đình tôì thường có những buổi tối quây quần ngắm trăng, ăn bánh bên tách trà sen thơm ngát. Mẹ tôi còn nấu thêm cho chúng tôi món chè trôi nước đủ màu sắc thơm lừng mùi lá dứa. Tôi nhớ mãi mùa Trung Thu năm 1963, Ba ra chợ mua về 1 chiếc đèn kéo quân màu đỏ rất đẹp. Ba treo ở cây soan trước nhà. Buổi tối, cả nhà chúng tôi cùng ngồi quanh chiếc bàn tròn ngoài sân. Ba châm nến vào chiếc đèn kéo quân, khi ánh nến sáng rực thì đèn theo gió quay vòng vòng tỏa sáng lung linh, đẹp lắm. Mọi người vui vẻ, nhâm nhi bánh trà dưới ánh trăng tròn cùng đón Mùa Thu tới. Nhưng có ngờ đâu, đấy cũng là mùa Trung Thu cuối cùng của chúng tôi với Ba, sau đó vài tháng thì Ba tôi ra đi về cõi vĩnh hằng vào một chiều Xuân đẹp nắng, hình ảnh những chiếc đèn đơn sơ của ba tôi vào những ngày Trung thu tuổi thơ, lung linh nến vàng ấy, mãi mãi là kỷ niệm đẹp nhất theo tôi suốt cả cuộc đời. 
Tết Trung Thu là 1 trong những ngày tết truyền thống quan trọng của người Á Đông, ngày cả gia đình sum họp, còn được gọi là Tết Đoàn Viên. Cũng là mùa gặt hái vừa xong nên ở thôn quê người ta hay họp nhau dưới trăng, hàn huyên trò chuyện, ăn bánh mứt, uống trà mạn tươi vừa hái, các bà nội trợ lại có dịp trổ tài say gạo thành bột nấu những món bánh ngon ngọt đem đến chung vui, để cùng nhau thưởng thức. Trăng Rằm tháng tám thường rất tròn và rực rỡ. Mùa Trăng tháng Tám là mùa trăng đẹp nhất trong các đêm trăng rằm.Nhưng chắc chắn trẻ con thì vui nhất, vì Trung Thu cũng là Tết của Nhi Đồng, trẻ con vừa đi rước đèn lại còn được xem những màn múa lân, múa rồng thật ngoạn mục. 
Trung thu làm tôi nhớ rất nhiều về kỷ niệm của một thời tuổi thơ lung linh với đèn lồng, mâm cỗ dưới trăng, tiếng trống múa lân và cũng là dịp để xum vầy bên người thân ngắm ánh trăng Thu. 
Tôi háo hức đón Tết Trung Thu còn hơn cả Tết Nguyên Đán, vì được Ba tặng những chiếc lồng đèn dễ thương do ba làm cho chị em tôi, được nếm chén chè trôi nước của mẹ bày trên mâm cỗ ngoài sân dưới bầu Trời thanh mát, với làn gió vi vu thổi, một khung cảnh gia đình rất êm đềm, ấm cúng, cho tôi cảm giác ngập tràn hạnh phúc. Ba mẹ đã cho chúng tôi những năm tháng tuổi thơ thật đẹp, mà bây giờ tìm hoài không thấy.  
Những chiếc bánh Trung Thu ngày xưa ăn rất ngon tuy hơi đắt, nhưng năm nào Mẹ cũng mua về 1 hộp bánh dẻo ‘Bảo Hiên Rồng Vàng’ và một hộp bánh nướng ở nhà hàng “Tân Thế Giới”, ngon tuyệt trần. Mẹ cắt ra cho cả nhà nhâm nhi, mỗi người một miếng nhỏ thôi, vừa ăn vừa thưởng thức hương vị thơm lừng tan trong miệng, bánh thơm ngon, bùi béo, ngọt lịm đầu môi, ăn hết rồi mà vẫn còn thèm. 
Ngày nay, bánh trung thu được chế biến bằng nhiều nguyên liệu, cầu kỳ hơn, có thể còn ngon hơn bánh Trung Thu thuở trước, nhưng tôi vẫn không sao tìm lại được những chiếc bánh kỷ niệm có hương vị ngọt ngào của những ngày xưa cũ đã ấp ủ tuổi thơ của tôi dưới mái ấm gia đình có Ba, Mẹ chị em xum họp bên nhau dưới ánh trăng của những mùa Thu cũ. Ba Mẹ tôi bây giờ đang ở một nơi thật xa, thăm thẳm, dài vô tận.  
Qua những năm biệt xứ, tôi đã quen với nếp sống nơi xứ người, và có lẽ cũng vì lớn tuổi rồi nên không còn thì giờ để bầy vẽ cỗ bàn trịnh trọng mừng đón Tết Trung Thu nữa, chỉ biết ngồi ôn lại những ngày tháng xa xưa, những kỷ niệm thời thơ ấu vào mỗi mùa trăng tháng Tám. Càng nghĩ lại qúa khứ đã qua, tôi càng bùi ngùi, thương nhớ. 
Hôm nay, tôi cũng nấu xôi, chè trôi nuớc cúng rằm tháng Tám như Mẹ, nhưng không mua bánh Trung Thu, vì đã từ lâu gia đình tôi không cúng bánh Trung Thu nữa, vì nghe nói về sự độc hại theo cách làm bánh Trung Thu của người Tàu mà tôi sợ không dám mua về ăn, thêm phần sợ ngọt, thôi thì giản dị xôi chè, trái cây cũng đầy đủ lắm rồi, lại vừa lành mạnh và vệ sinh. 
Bước ra sân nhìn vầng trăng rằm, chiếu sáng rực một góc Trời, ánh trăng Thu năm nay đẹp qúa. Trời trong xanh, trăng trên cao vằng vặc tỏa sáng góc vườn sau, chiếu lung linh trên những chậu cúc nở hoa vàng rực rỡ.  
Tôi miên man nhìn ngắm ánh trăng yên bình, nhưng lòng thì xót xa khi nghĩ đến trận thảm sát trong buổi hòa nhạc ở Las Vegas cuối tuần vừa qua mà thương cho những anh linh vô tội, đang hớn hở cười vui bỗng chốc ngã gục trên vũng máu đào lênh láng, 59 xác thân tả tơi dưới lằn đạn của một tên sát thủ, giết người không tanh máu. Tại sao lại có người dã man, xem mạng người rẻ như thế được nhỉ? Chỉ một mạng người mà hắn đã đổi mạng sống của 59 người vô tội và 527 người bị thương. Họ thật là tàn nhẫn, giết người không gớm tay? Không biết người hay là ác thú!
Thế giới loạn lạc, nước Mỹ văn minh, sản xuất súng đạn tối tân, dân chúng mua súng tự do nên những kẻ cuồng tín tha hồ xả súng giết người một cách vô tội vạ. Chỉ thương cho những người không may, đang vô tư vui cười, chợt lăn đùng trên vũng máu đào. Thương sao là thương! Biết làm sao ngăn chận được những kẻ sát nhân này để mọi người được sống yên bình, không sợ sệt lo âu nữa… 
Và rồi đây, hàng năm cứ đến Mùa Trung Thu thì những gia đình có thân nhân trong vụ thảm sát vừa qua, không khỏi đau xót khi nghĩ đến người thân đã bỏ mình dưới lằn đạn tàn ác. Kính mong hương linh các người xấu số được bình an về chốn Vĩnh Hằng. 
Mùa Thu là muà của thi nhân, của các nhạc, văn sĩ gởi hồn vào những khung cảnh thiên nhiên của đất trời, của những chiếc lá đổi màu vàng thắm. Mùa Thu lãng mạn, mùa Thu yêu đương và trữ tình biết bao! Trong không khí lành lạnh hơi Thu, có gió heo may thổi về và nền trời mây tím lững lờ nên thơ. Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm. Thế mà mùa Thu năm nay nước Mỹ phải chịu một cái tang đau thương qúa! 
Trở lại Mùa Thu Virginia, những chiếc lá bắt đầu ngả vàng, vài chiếc rơi rụng trên sân cỏ, trên sườn đồi, bên kia bờ suối trước cửa nhà tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng vài chú nai đang chập choạng bước dài theo bờ suối. Nai thường xuất hiện khi muà Thu đến. Nhớ ngày còn đi làm, mỗi sáng cứ thấy bóng tôi ra đứng đón xe bus đi lên Pentagon là có 1 gia đình nai: 2 con lớn 1 con nhỏ mon men ra đến gần chỗ tôi đứng, nai ở đây dạn dĩ, không sợ người. Nhà tôi gần ngay con suối chỉ cách 1 con đường nhỏ, thế là tôi chạy vào lấy ra 1 nắm cà rốt phân phát cho chúng ăn. Có lẽ vì quen được ăn nên cứ thấy tôi ra đứng ở trạm xe là lũ nai này rủ nhau ra đứng kế bên, dễ thương vô cùng! Từ ngày tôi nghỉ hưu thì không còn thấy chúng nữa, chỉ thấy quanh quẩn trong khu rừng trước mặt thấp thoáng vài bóng nai thôi. Vì nai xuất hiện nhiều, nên chính phủ đã cho phép cư dân được săn nai, nhưng thấy tội qúa, ai nỡ bắn giết những con vật vô tội cho đành…. 
Em không nghe mùa Thu 
Thu rơi xào xạc 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô 
“Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư đã nói lên hình ảnh một mùa Thu lý tưởng có lá thu rơi xào xạc, có nai vàng đạp nhẹ lá khô, cho ta hình dung đến một Mùa Thu tuyệt vời. Một bức tranh Thu thật đẹp. 
Hôm nay vầng trăng Tháng Tám thật tròn, lơ lửng sau làn mây xanh, trời cao trong vắt, Trăng Thu thật thơ mộng. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã ca tụng nét đẹp nên thơ khi mùa Thu tới, ông đã gửi gấm lòng mình vào “Mùa Thu Cho Em” và Đoàn Chuẩn-Từ Linh cũng ru hồn mình trong “Vàng Phai Mấy Lá”.
Kiều Oanh, Virginia 
Viết cho Mùa Trung Thu 2017
Nỗi niềm
Ngoài kia trăng sáng lung linh,
Thương thân con trẻ một mình dưới trăng,
Nỗi niềm luống những băn khoăn,
Giờ đây sáng tỏ như trăng đêm rằm...
NM

Ngoài kia trăng sáng 
Khi vợ chồng Hiền và đứa con gái nhỏ vừa quen biết với xóm Mã Lạng này thì đùng cái, anh Ngơn - chồng chị - hy sinh ở vụ săn bắt cướp! Trong sự chia buồn rất thật tình trong xóm phải kể đến bà Tư, người láng giềng mới thân của chị Hiền. 
*



Bà Tư năm nay khoảng bảy lăm tuổi. Ông Tư chết đã lâu. Ông bà có người con trai nguyên là tên cướp khét tiếng, giết người như ngóe… Tên hắn là Phú. Điền Khắc Phú. 
Vào khoảng nửa đầu thập niên bảy mươi, Phú đã nổi lên trong giới “dao búa” ở Sài Gòn với hỗn danh “Giang hồ đệ nhất… chém”! Bởi hắn tàn ác đến không thể nào ác hơn được nữa!  
Miền Nam được giải phóng đã chặn đứng con đường ác của hắn. 
Phú sống bình thường chừng mươi nămthì ngựa quen đường cũ. Nỗi khát khao cái ác trong hắn lại bùng lên. Bây giờ, sau nhiều lần vào tù, trốn trại…, hắn phải “đánh bạn” với nhà đá gần như suốt đời! 
Sau khi Phú bị bắt, một người con gái có mang tìm đến bà Tư. Lệ - tên cô - đã khóc lóc, thú nhận đứa con trong bụng mình chính là của hắn. Bà Tư đang chơi vơi bởi tuổi già thì như người vớ được cọc. Ngày bé Thu chào đời, cũng là lúc sức khỏe Lệ suy sụp dần. Rồi chị qua đời trước khi vợ chồng Hiền đến ở vài năm. Bà Tư kiếm sống bằng việc lượm bịch và đồ bỏ.  
Một đêm, công an gọi điện báo chị Hiền: Bà Tư bị xe chở rác cán, hiện đang hấp hối ở bệnh viện. Hiền tức tốc đưa bé Thu vào. Mới hay: Đêm đợi rác về, bà Tư đắp bao bố, nằm bên đường, bị xe cán nát hai chân. Bà Tư chợt cựa mình, chầm chậm mở mắt, nhìn bé Thu và Hiền như từ cõi nào nhìn về. Gắng gỏi chút sức tàn, bà đặt tay bé vào tay chị. Tiếng thều thào của bà thoảng ra nghe còn mỏng hơn gió chiều: “Gửi… cô…!”. Nhìn lại, bà đã ngoẹo đầu ra đi… 
Bây giờ, Hiền bận bịu như mẹ có hai con gái nhỏ ở hai nhà. Cũng may chị là công an nội cần, có điều kiện đi về trông nom hai trẻ. Được cái, Thu cũng quen đêm ở nhà một mình từ khi bà còn đi bãi rác. 
Đêm nay, khi Hiền mang thức ăn sang cho bé Thu, trăng đã lên cao. Bé Thu đang ngồi bệt trước hiên nhà, lẻ loi như con mèo nhỏ.  
- Trời lạnh, sao con không ngồi trong nhà?  
- Con ngồi để chờ mẹ. Bà chết vậy, khi nào mới… về lận, hở mẹ? 
Hiền dắt bé vào nhà: 
- Đã chết là… không về đâu con. Đừng chờ nữa nhé!  
- Còn… bố? Bố con vậy là… đã chết chưa, mẹ Hiền? 
- Chưa! Bố thì chưa chết. 
- Chưa chết, sao bố không về? 
- Đừng hỏi lẩn thẩn nữa. Con ăn cơm đi! Xong, mang ra sau, mai mẹ đến rửa. Màn mẹ giăng sẵn, chỉ việc chui vào ngủ. Con nhớ nhé
 Trước khi đi, Hiền thắp hương cho bà Tư và đóng cửa cẩn thận. 
Bỗng sau nhà có tiếng “kẹt” nhẹ. Rồi một bóng đen lao vào, ôm chầm lấy nó. Quá bất ngờ, bé Thu chưa phản ứng gì, thì nức lên một giọng nói nghe rền rĩ: 
- Bố đây! Trời ơi… con ơi! 
Bóng đen ấy đúng là bố nó! Nó òa lên: 
- A… bố! Bố con về…! 
Miệng bé Thu bị bịt ngay bởi bàn tay lạnh giá. 
- Khẽ thôi! Bà chết khi nào, hả con? 
Bé Thu thì thào kể cho bố nghe về cái chết của bà
Phú nhìn ảnh mẹ, miệng méo giật liên hồi: 
- Mẹ, mẹ ơi…!  
Vừa trốn tù, nên Phú thăm dò: 
- Từ hôm bà mất giờ, con ăn ở với ai? 
- Với mẹ Hiền. 
- Mẹ… Hiền nào? 
- Mẹ mấy lần thăm nuôi, bà kể đó. 
Phú nhớ người nữ láng giềng mẹ hắn thường kể. Nhưng…Phú biết sự sống chết của hắn có thể bỗng trở thành gang tấc vì con người này! Hắn thì thào: 
- Con có muốn bố luôn ở bên con không? 
- Muốn! Con… rất muốn!  
- Nếu muốn, con đừng nói cho bất cứ ai, bố ở đâ
- Phú vừa nói vừa khẩn trương dịch cái bàn ăn sang bên, tiếp: - Nhất là tuyệt đối không nói cho con mẹ công an. Nó mà biết, sẽ bắt bố. Rồi người ta sẽ giết bố! Hiểu chưa? 
Sau lúc lâu mò cạy, miệng cái hầm nhỏ mở ra, vừa vặn cho thân người tụt xuống. Đây nguyên chiếc hầm ông Tư làm năm bảy hai, để hắn trốn quân dịch. Do thương con và vốn tay thợ giỏi, ông đã làm cái hầm thật kín kẽ và nằm ở nơi không ai có thể ngờ. Với Phú, cái hầm như là bùa hộ mệnh, lúc nào cũng nháng lên trong những toan tính trốn trại của hắn.  
Trong trại, chẳng bao giờ Phú nghĩ mẹ mất, một cây một trái như hắn, lại không về để chịu tang! Cũng chẳng khi nào nghĩ đứa con gái bé nhỏ của hắn, lại bơ vơ một mình trong đời. Bằng mọi giá hắn phải trốn trại. Bỗng bão ập đến. Rồi cơn lũ dữ bất thần quét ngang nơi lao động đã giúp hắn. Lúc bát loạn, phạm nhân khác hoặc tự cứu mình, cứu bạn… Riêng Phú, hắn nghĩ ngay đến con gái với… cái hầm này. Để đánh lạc hướng, Phú dìm chết một bạn tù bơi yếu hơn. Rồi khi lũ rút, trại sẽ tìm ra xác thằng kia. Và lệnh truy nã hắn, có lẽ họ chỉ gửi cho Hà bá, Long vương…!  
Bây giờ Phú bỗng đứng trước tình huống đầy bất ngờ. Có một công an lại thường xuyên lui tới nhà mình. Và có thể lại còn quét tước dọn dẹp nữa, mới chết! Tiếng Phú dưới hầm tối vọng lên nghe lạnh tanh: 
- Con! 
- Bố. 
- Con tìm cho bố cái… dao. 
- Nhà mình đâu có dao! 
- Thế mai, con phải mua cho bố một cái. Dao Thái. 
- Vâng! Đợi mai mẹ Hiền đem cơm đến, con sẽ nói mẹ mua. 
- Không được! Con công an ấy biết. Và bố sẽ bị bắt! Con có muốn xa bố nữa không? 
- Không! Bố ơi…!  
- Cứ vậy, sao con nuôi bố được? 
- Thì… mẹ Hiền đem cơm đến. Con sẽ nhín phần cho bố. 
- Con phải tự mua cho bố… cái dao. 
- Vâng, con sẽ tự mua! Nhưng…mua dao làm gì, hở? 
- Con…đừng hỏi những việc của bố. 
- Thế thì…bố muốn giết mẹ Hiền rồi! Không! Con không muốn mẹ Hiền chết như bà đâu!  
Tiếng con bé nức nở mỗi lúc một nhỏ dần. Giờ Thu đã ngủ. Nó nằm co quắp, đè ngay lên nắp hầm, nước mắt vẫn còn hoen trên má. 
…Bây giờ chẳng biết mấy giờ? Ánh sáng lọt xuống thấy được lờ nhờ vách hầm. Hắn khẽ nâng nắp. Qua sức ì nặng, Phú biết con hắn đã kéo cái chân bàn đè lên. Nó làm vậy vì sợ bố lại xa nó bất thần. Vẳng đâu ngoài ngõ, tiếng trẻ con đùa giỡn nghe như từ thế giới khác. Chợt có tiếng dép “lép, bép…” chạy nghe rõ dần lên.  
- Bố! Dậy chưa hả bố? 
- Rồi! Giờ là mấy giờ, hả con? 
- Không biết. Nhưng… chiều lắm rồi! 
Vậy là hắn đã ngủ một giấc quá dài. 
- Bố có đói không? Trưa chiều nay, mẹ Hiền đem cơm đến. Con đều dành phần cho bố. 
- Ngày nào mẹ công an ấy cũng đem cơm đến à? 
- Vâng! Thức ăn ngon lắm. Con đưa xuống cho bố nhá? 
Phú chạnh lòng. Hắn chưa bao giờ nghĩ tới ngày, con gã chuyên đâm thuê giết mướn như hắn, lại được nuôi dưỡng, đùm bọc của một nữ công an! Phú nghe mặn đắng: 
- Thôi, khuya bố hẵng ăn. Con đi đâu về đấy? 
- Con ra xem tụi nó chơi rước đèn. 
Phú giật mình, nhớ lại. Đêm nay có lẽ mười bốn hay rằm tháng tám chi đó. Vậy là đã tết Trung thu! Chín năm trong tù là chín lần trung thu, Phú ước ao được gần con lấy một đêm, đón tết như giờ. Vậy mà… nay con đấy, hắn đây. Hắn không lo cho nó được chiếc lồng đèn nhỏ! Phú đấm mạnh tay vào ngực mình.  
Bỗng có tiếng xe máy vọng vào bất thần. Phú giật mình, trùn người, tai căng ra: 
- A…! Mẹ Hiền! Lồng đèn đẹp quá…! 
- Tối mai mẹ sẽ đưa em Thảo và con đi rước đèn.  
Sau đó thì tiếng chân nữ công an nghe như ngay trên đầu Phú, chỉ cách cái nắp hầm: 
- Đây là nến để thắp đèn.  
- Con thấy tụi nó thắp rồi! 
- Ừ, kẻo cháy! Đây là bánh trung thu. Giờ mẹ đi trực. Nhớ chỉ chơi trong  nhà và ngủ sớm nghe con! 
… Tiếng xe máy lại xa dần, lẫn vào những tiếng hát của bọn trẻ ngoài ngõ vọng vào: “… Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi mầu… Đèn sao tươi mầu của đêm rằm… Tùng dinh dinh…”. Trăng trên ấy đêm nay chắc sáng và đẹp lắm. Sao hắn lại không lên rước đèn với con nhỉ? Dù chỉ lòng vòng, lui tới trong căn nhà chật hẹp này? Nghĩ vậy, Phú bèn gọi con.  
- Con, đóng cửa đi! Bố lên chơi với con nhé? 
- Ừ, hay quá! Bố lên ăn bánh và rước đèn với con. Ông sao này đẹp lắm…! 
Không gian trên nắp hầm thật là tuyệt diệu! Cũng cùng diện tích như phòng giam và cùng ánh trăng ấy, nhưng có con hắn, bỗng thành ra khác cả. Chiếc đèn mẹ công an nó vừa cho rất đẹp. Cũng đã lâu rồi, Phú chưa thấy đèn ông sao. 
- Thắp nến đi bố! Bố con mình cùng rước đèn nhá? 
- Ừ
 Phú run run đón đèn, nến từ tay con. Ngọn lửa được thắp lên. Nó nhảy múa trên gương mặt Phú và con hắn một thứ niềm vui lạ kỳ. Hắn lập cập đặt nến vào lồng. Ngọn đèn bỗng run rẩy, chao phải, chao trái, rồi… cháy bùng lên!   
Bây giờ con hắn đã ngủ và vẫn ngay trên nắp hầm… 
*  
Tiếng cười nói, rọt rẹt kéo Phú ra khỏi giấc ngủ mệt nhọc. Mất lúc lâu hắn mới thấy rõ được vách hầm. Biết trời đã tối. 
… - Khi làm thủ công ở trường, con phải phết hồ như thế này này…  
Chắc mẹ nó đang dán lại lồng đèn tối qua bị cháy. Con của hắn cũng được đến trường nữa ư? Chẳng biết nó học lớp mấy rồi! Thoáng trong hắn chút day dứt, ân hận.  
- Thu phải ráng học giỏi. Con nhớ lời hứa, lúc mẹ con mình đứng trước linh cữu bà không? 
- Thưa mẹ, con nhớ. 
Trời ơi…! Vậy người lo liệu đám tang bà Tư, hắn nghe trước khi trốn trại là mẹ bé Thu, chứ không phải công an phường! Chị đã làm cái công việc “đầu rơm mũi bạc” mà lẽ ra hắn phải làm. Phú ứa nước mắt. Hắn muốn lên lạy tạ người nữ công an, lạy tạ mẹ Hiền của con hắn! Phú đưa tay xúc động của mình lên khoảng không hầm chật. 
- Khi nào con được hai mươi điểm mười, mẹ hứa sẽ đưa con vào thăm…bố. Con có nhớ bố Phú không? 
- Thưa… có. 
Đừng! Con của bố ơi…! Từ nay xin đừng nhớ bố nữa. Nay con đã có người mẹ vậy, một nơi nương tựa thế trong đời, bố an lòng lắm rồi! Dù trốn tránh thế nào, bố biết cũng sẽ đến lúc phải đối mặt với tội ác của mình. Con ơi…! 
- Càng nhớ, - vẫn tiếng mẹ của con Phú: Con càng ráng học giỏi, để bố an tâm cải tạo, sớm được về với con… 
* 
Nắp hầm bỗng bật mở! 
- Không, không! Chị Hiền ơi, tôi xin đầu thú…! 
Phú nước mắt lưng tròng trồi lên, đưa cao hai tay
  - Tôi là Điền Khắc Phú, bố bé Thu đây! Tôi xin đầu thú… 
- Không! Không bố ơi! - Bé Thu kinh hoàng la lên: Mẹ Hiền ơi, mẹ đừng bắt bố con…! 
Hiền lùi lại, bàng hoàng. Phú bỗng sụp xuống trước chị, giọng thành tâm, rền rĩ: 
- Chị Hiền nhận cho tôi hai lạy này, để đền ơn chị đã lo lắng tang lễ mẹ tôi, nuôi nấng con tôi… Trốn trại về hai ngày nay dưới hầm, tôi rõ cả. Con tôi có được người mẹ như chị, tôi an tâm chết rồi. Nay cho tôi xin đầu thú! Con ơi…. – hắn nức lên: Bố xin con…! 
- Không, không! Bố Phú đừng đầu thú! Bố rước đèn với con… 
Bây giờ Hiền hiểu ra tất cả. Chị hoàn toàn không ngờ có tình huống thế này. Hiền bồi hồi nói: 
- Anh Phú tự nguyện ra đầu thú vậy là rất tốt. Tôi sẽ giúp anh. Thôi… giờ, anh hãy cứ chơi đèn với con một lúc, rồi đi với tôi cũng chưa muộn! 
Phú xoay sang, hai tay run rẩy nâng chiếc đèn lên, quỳ xuống trước mặt con, nghẹn ngào: 
- Rước đèn… với bố đi… c. o.. n…! 
- Không, không quỳ rước đèn được! - Con bé dỗi hờn: Bố phải đứng như mẹ Hiền cơ! 
Phú chầm chậm lắc đầu. Lưng vai to như gấu của hắn rung lên từng đợt theo những cơn nấc. Qua đôi bàn tay xúc động tột cùng của Phú, ánh nến bỗng trở nên lung linh, huyền ảo khác thường! 
Trăng ngoài kia vẫn sáng như muôn đời là vậy. 

LÊ NGUYÊN NGỮ
 Tìm Thu
Tìm đâu, đâu ánh trăng vàng ?
Tìm mâm cổ quý thiên đàng tuổi thơ...
Bước chân nhẹ hẩng như mơ,
Rước đèn, phá cổ mong chờ đêm Thu.

Trăng Thu giờ chỉ phù du,
Trẻ thơ đánh mất tình Thu lâu rồi..!
Ngược về dĩ vãng xa xôi,
Cung Hằng chú Cuội chỉ tôi mơ về.

Trăng vàng bàng bạc trời quê,
Nơi đây trăng chỉ bên lề đêm Thu !!
NM

Đánh mất trung thu  

Tôi là người Kinh, nhưng sinh ra lớn lên ở trong một làng Tày. Phía sau dãy núi mà làng dựa vào còn có một làng người Dao. Kinh Tày Dao cứ thế quện dần vào nhau sau nhiều thập kỉ chung sống. Nhà hàng xóm có hai cô con gái, kém tôi một vài tuổi, nhưng thân nhau vì sát hàng rào. Người Tày không có thói quen ăn tết trung thu, họ tập trung nhiều nhất cho tết rằm tháng Bảy. Nhưng vì người Kinh ở chung nên dần dần họ cũng chú ý đến

trung thu xua va nay 
Ảnh minh họa: Cửa hàng bán đồ chơi trung thu xưa
Tôi với hai đứa bạn hàng xóm thường tự làm đèn ông sao. Làm rất dễ. Vót lấy 10 cái que tre, đan thành hai hình ông sao năm cánh, buộc các góc vào với nhau, chặt mấy khúc tre ngắn chừng 5cm, chống vào các điểm kết nối, dán giấy vào là thành đèn. Hồi ấy bao cấp, giấy má chẳng có, muốn có đèn đẹp thì mỗi khi được ăn oản lại giữ những tờ giấy bóng kính lại. Để dành suốt cả năm có khi cũng chả đủ để dán ba cái đèn. Thiếu thì dùng tạm giấy báo. Bên trong thắp sáng bằng lọ penicilin có nhét bông đã tẩm dầu hoả, thêm một cái bấc tự chế. Vậy là có đèn trung thu.
Trong kí ức của tôi, chưa có một đêm trung thu nào mà trăng mờ. Chưa bao giờ bọn tôi đón trung thu mà bị mưa mặc dù ở rừng thì đấy đúng là mùa mưa. Thời tiết dịu mát, và trăng từ từ nhô lên, từ từ ngập tràn khắp thung lũng. Phía sau nhà tôi là một rừng cọ. Ánh trăng phủ lên tán cọ khiến tất cả đều trở nên lấp lánh. Hồi ấy làng chưa có điện. Tiếng là sát vườn nhưng từ nhà tôi sang nhà hàng xóm phải đi qua một con đường mòn, với một cây cầu bắc qua con suối nhỏ. Ba đứa thắp ba cái đèn ông sao túm áo nhau đi từ nhà nọ sang nhà kia, rồi lại quay lại, vẫn trên con đường ấy. Ba bốn con chó cả to cả nhỏ lóc cóc chạy theo, vừa chạy vừa sủa đèn ăng ẳng. Cả người cả chó đi đi lại lại đến mỏi nhừ cả chân, đứa hát đứa sủa mỏi hết cả mồm.
Rước đèn xong thì ngồi phá cỗ. Cả hai nhà đều nghèo, bố mẹ hào phóng lắm cũng chỉ mua được một cặp bánh dẻo, bánh nướng, góp hai mâm làm một. Thiếu bánh thôi chứ bưởi, ổi, hồng... thì vô khối. Người lớn trẻ con hai nhà cộng lại vừa tròn mười người. Có năm ngồi ở sân nhà tôi, có năm ngồi hết trên sàn phơi lúa nhà hàng xóm. Vừa ăn vừa nói chuyện. Người lớn nói chuyện hoa màu mới thu hoạch xong, dò đoán giá cả vụ cam sắp tới, trẻ con thì ăn. Bao giờ người lớn cũng nhắc ăn bưởi, ổi, hồng trước khi ăn bánh, vì bánh ngọt, ăn trước sẽ không còn thấy hoa quả ngon nữa. Hoa quả vườn nhà thì ngày nào chả ăn, chỉ có bánh trung thu thì đúng trung thu mới có. Mà đâu có nhiều. Bánh dẻo còn dễ cắt chứ bánh nướng, vuông chằn chặn như thế cắt làm 5 phần thật khó. Nhà hàng xóm ngoài hai cô con gái còn có cậu con trai út. Nó chẳng cần đèn, cũng chả rước đèn, chỉ nằm khểnh đợi đến lúc phá cỗ. Bọn tôi hay trêu nó. Bố mẹ cắt bánh ra, nó cứ săm soi ngắm nghía xem miếng nào to hơn để chọn. Bọn tôi chọn bừa một miếng, rồi giả vờ kêu lên: Ôi miếng này to quá. To nhất. Nó vội vàng giành lấy. Lại bị trêu tiếp: Chị nhầm, miếng này mới to nhất. Nó lại vừa khóc vừa đòi đổi. Khổ thân thằng bé, bị trêu suốt, nước mắt cứ chảy thè lè ra. Ba đứa con gái thì bị bố mẹ mắng, mà càng bị mắng càng cười. Cái thằng bé nhất ấy, nó tên Huy, giờ nó đã ba mấy tuổi, làm bố mấy đứa trẻ con rồi.
Mỗi người sẽ được vừa vặn một miếng bánh nướng, một miếng bánh dẻo. Thường thì người lớn chỉ ăn một, dành phần cho trẻ con. Bọn tôi lúc ấy chỉ ngạc nhiên, sao người lớn lại chẳng thích một món ngon đến như thế. Đâu có biết là được nhường. Một miếng bánh dẻo thơm mùi gạo nếp, vani, bên trong nhân có những gì chả biết, chỉ thấy vừa bùi vừa ngọt, hơi mặn, béo. Một miếng bánh nướng vàng ươm, vỏ mỏng, cũng đầy nhân. Trong khi ba đứa con gái thì ăn dè, từng miếng bé tí, nhai thật kĩ, cảm cho hết cái vị ngon thì thằng Huy lúc nào cũng ngấu nghiến. Nhìn nó ăn thấy thật là phí. Ngon thế, ăn nhồm nhoàm nuốt trợn cả mắt, phí bánh.
Sau này cả tôi cả mấy đứa ấy đều đi xa, đi hết. Thỉnh thoảng lắm mới gặp được nhau, nhắc chuyện bánh trung thu, thằng Huy cười ha ha. Bảo mấy bà lắm chuyện. Cái gì ngon cũng phải ăn đầy mồm, cắn ngập răng mới sướng chứ nhai miếng bé tí chả bõ dính răng. Dở hơi!
Bây giờ, trung thu không còn là của trẻ con nữa. Chẳng ai nghĩ trung thu là của trẻ con. Đơn giản vì trẻ con không còn mong từng ngày đến tết trung thu, cũng chẳng cần đèn, càng chẳng cần bánh. Nhất là ở thành phố. Nhà cao tầng che khuất mặt trăng, ánh điện sáng choang át hết ánh sáng bàng bạc huyền diệu của ánh trăng, món ngon ngập tràn đã xoá sổ sự hấp dẫn của bánh nướng bánh dẻo. Không trăng, không đèn, không bánh, đương nhiên không còn cả trung thu. Nhưng người lớn thì nhớ. Đầu tiên nhớ vì đó là ngày rằm. Ngày rằm thì phải mua đồ cúng lễ, thắp hương khấn tổ tiên, mời ông bà cụ kị về ăn miếng bánh. Nhưng cái nhớ hơn nữa, là nhớ một dịp để tặng quà. Tự dưng mà tặng quà thì vô duyên, may quá, có cái lý do tết trung thu. Bánh nướng bánh dẻo truyền thống chỉ năm bảy chục ngàn một chiếc, nhưng bánh quà tặng thì khủng khiếp. Có những hộp bánh tiền triệu, tiền chục triệu. Bánh họ làm bằng cái gì mà đắt đến thế? Cũng đều là nguyên liệu truyền thống cả thôi, chẳng ai thêm ớt hay cà chua, mù tạt, cà ri vào bánh làm gì. Nhưng nó đắt là ở chỗ quà tặng kèm. Vỏ bánh được mạ vàng. Vàng bốn số chín luôn. Kèm theo hai đôi đũa, cũng nạm vàng, hai miếng gác đũa, mạ vàng nốt. Tiền triệu là ở chỗ đấy.
Tôi nhớ cách đây một hai chục năm gì đấy, đọc một cái truyện ngắn, trong đó có chi tiết chủ nhà được tặng bánh, chẳng ăn đem cho. Người nhận lúc cắt bánh ra cho con ăn thì thấy trong nhân bánh có mấy chỉ vàng. Giờ chắc người ta rút kinh nghiệm. Chả dại gì mà giấu vàng vào trong nhân bánh, cứ phết luôn ra ngoài cho chắc ăn. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, chẳng biết ăn cơm bằng đôi đũa nạm vàng ấy có ngon hơn ăn bằng đũa tre không.
Khi tôi bắt đầu về làm dâu Hà Nội, tôi nhận ra người Hà Nội có những thói quen ăn uống rất ít thay đổi. Ví dụ giò chả phải lên Hàng Bông, thịt quay phải trên Hàng Buồm, mắm tép chưng thịt phải chợ Hàng Bè, bánh trung thu thì ra Mứt kẹo Hà Nội hoăc chạy xuống Thuỵ Khuê để xếp hàng.Mười mấy năm trước tôi cũng từng xếp hàng ở Mứt kẹo Hà Nội chỗ Bà Triệu để mua cho được hai cặp bánh nướng bánh dẻo về cho mẹ chồng thắp hương. Cái thói quen ăn uống này dần dần cũng mai một. Giờ thì không biết bao nhiêu hãng bánh nướng bánh dẻo ra đời. Chất lượng bánh chẳng quan trọng nữa, quan trọng là bao hộp phải đẹp, bắt mắt, vì đa số bánh được tiêu thụ không phải để ăn mà để... biếu.
Chẳng ai khác, chính người lớn đã đánh mất trung thu của trẻ con. Anh cả tôi hồi bé từng được bố làm cho một chiếc trống ếch đúng thật là trống ếch. Vì mặt trống được bố tôi căng bằng một tấm da... ếch. Chẳng biết tiếng trống ấy thế nào, anh tôi cũng chẳng nhớ, nhưng mọi món đồ chơi trung thu đều được trẻ con mong chờ, nâng niu. Chợ trung thu trên phố Hàng Mã, Hàng Lược bây giờ, chắc có lẽ phải hơn chín chục phần trăm là hàng Trung Quốc. Năm nào tôi cũng đưa các con lên, chen trong dòng người chật cứng, mồ hôi mồ kê đầm đìa, túi giữ khư khư vì sợ bị móc, cốt để các con cảm thấy chút ít không khí trung thu. Còn đèn ông sao chúng chả cần, bánh nướng bánh dẻo chúng cũng không động đến, chỉ có bố mẹ mua về thắp hương cúng tổ tiên xong thì nhấm nháp chút ít, chủ yếu không phải vì nó ngon mà vì hoài cổ. Ăn bánh hôm nay để nhớ trung thu xưa. Đã rất xa rồi những trung thu đẹp đẽ ấy.
Đã bắt đầu những ngày đầu tiên của tháng Tám âm lịch. Khắp các phố phường sẽ la liệt những quầy hàng dựng tạm để bán bánh trung thu. Nhưng đã rơi đâu rồi cái cảm giác háo hức chờ đón giờ phút được quây quần bên mâm cỗ, cầm miếng bánh thơm nức trên tay, cắn một miếng, và lẩn thẩn nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối về cuộc sống thường nhật vui cũng lắm mà buồn cũng nhiều. Thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên những chuyện về vệ sinh thực phẩm, hãng nọ hãng kia bị phạt tiền, bị đóng cửa, lại có chuyện bánh trung thu để quên từ năm ngoái năm nay mang ra vẫn chưa hỏng... Chúng ta năm nào cũng nhắc đến trung thu mà chẳng biết rằng đã đánh mất nó từ lâu.
 
Đỗ Hà