Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chim chuyền nhành ớt

MV Bỏ Quê

TIẾNG HÁT CHIM ĐA ĐA

 Cảnh quê
Chim chuyền nhành ớt rảnh rang,
Khắp nơi chim lại kéo đàn về đây...
Thương quê nhớ cảnh đắp xây,
Sông kia rày đã lên đồng mất tăm !
Tìm chi cảnh cũ xa xăm,
Hương đồng cỏ nội âm thầm nơi đây
NM
CHIM CHUYỀN NHÀNH ỚT
Mấy hôm nay ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa hoài. Những cơn mưa rỉ rả bó chân bó cẳng, rầu thúi ruột. Cuối tuần không cà phê, cà pháo, không karaoke hát hò, ngồi chầu hẩu ở nhà, buồn tình tôi đeo bao tay, xách dao ra sau vườn mần cỏ. Gọi vườn cho oai chứ thực sự chỉ là một khoảnh đất ngang 8, dài chỉ hơn 30 mét, trồng mấy cây ăn trái, mấy cây bông, vài dây bầu, bí, mồng tơi, đậu rồng leo trên hàng rào… Như vậy cũng đã là quá cỡ so với cái thời ở tập thể trong căn phòng 4x4 mét, vuông vức không có cửa hậu, khoảng xanh cây lá chỉ có dây trầu bà thả tua dài tong teo trước hàng hiên. Hồi mới đi coi miếng đất nầy, tôi đã bị mê hoặc bởi cảnh vật chung quanh. Giữa trung tâm thành phố, hai đầu là đại lộ phố sá san sát, xe cộ ồn ào náo nhiệt lại có một con đường đất đỏ khá yên tĩnh với những khu vườn xanh cây trái, những hiên nhà vàng rực huỳnh anh, đỏ thắm tigôn, mướt xanh những rào dâm bụt… 
Lúc  mới dọn về, xung quanh ao vũng vườn tược người ta chưa phá, chưa lấp để xây nhà, chiều mưa, ếch nhái ễnh ương kêu quyềnh quang như ở quê. Chừng con lộ đá đỏ lên cấp thành đường nhựa, người ta đua nhau mua đất cất nhà, những mảng vườn xanh bị phá dần không gian yên tĩnh ngày càng thu hẹp. Ngay khoảng đất trống sau nhà tôi cũng nhiều người dòm dèm hỏi mua xây nhà trọ. Thành phố ngày càng phát triển, người từ các vùng quê nhập cư làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, nhất là từ khi trường cao đẳng của tỉnh được nâng cấp thành đại học, khu ký túc xá cũ bị phá bỏ để xây giảng đường, phòng lab, sinh viên túa ra tìm chỗ trọ, nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng. Vòng vòng khu tôi ở cũng đến cả chục dãy phòng trọ. Nguồn lợi từ việc cho thuê nhà cao và ổn định hơn huê lợi từ mận, dừa, mít, nhãn, hỏi sao người ta không đốn cây, triệt phá vườn.
Điển hình cho cảnh “sông kia rày đã lên đồng” là hàng xóm đối diện bên hông nhà tôi. Ngày tôi mới dọn về khu đất vuông vức bên ấy còn là vườn dừa với cái ao nuôi cá dập duềnh bèo. Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn một góc là nơi ấm áp ra vào của vợ chồng và hai đứa con. Cô gái lớn đã vào sư phạm mẫu giáo, còn cậu trai út đang học phổ thông. Ngoài huê lợi từ dừa, người cha quay kẹo bông gòn (thứ kẹo còn được con nít gọi trại đi là bóng gòn), rang bắp đẩy xe bán ở các trường mẫu giáo, tiểu học, ngày hai lượt sáng sớm trước khi học trò vào học và buổi chiều khi phụ huynh tới đón con về. Tôi hay ngó trộm lúc ông đẩy xe đi và về. Chiếc xe đạp lỉnh kỉnh với cái thùng sắt to tướng phía sau, đính những chiếc que treo lủng lẳng những bịt bóng gòn, bắp rang trắng đỏ hồng vàng… Ấn tượng nhất là cái bàn quay số làm tôi đôi lần phải đứng lại thèm thuồng được đặt bàn tay lên cái vòng quay dùng hết sức  xoay một cái rồi chờ đợi cây kim từ từ dừng lại đúng vị trí một con số nào đó. Tôi như sống lại niềm vui hồn nhiên thơ dại với những que cà rem ngắn dài tùy vào con số trúng thưởng. Trẻ con bây giờ tan học là có phụ huynh đứng đợi rước để chở đi học thêm đâu còn thời gian la cà mà quay số để được hồi hợp chờ trúng thưởng. Nên cái bàn quay của chú bóng gòn thường nằm im lìm. Bây giờ, con nít uống sữa Vinamilk, ăn bánh snack, hiếm hoi lắm mới vòi được ba mẹ mua cho bịt bắp rang, que bóng gòn. Vì thế nhiều hôm, từ cơ quan về muộn, tôi thấy chú với xe bóng gòn còn tha thẩn trong công viên. Có hôm trời mưa, tối mịt chú mới đẩy xe về nhà, mệt nhọc, ướt át . Cô con gái chạy ào ra mở cánh cổng tre ọp ẹp, còn cậu trai gầy nhom vòng ra sau đẩy phụ người cha chiếc xe cồng kềnh còn treo đầy những bịt bắp rang bóng gòn sũng ướt. Nhưng không đầy 5 phút sau, mâm cơm nghi ngút khói đã được dọn lên, chú Bóng gòn khô ráo tinh tươm quây quần bên vợ con trong buổi cơm xum hợp duy nhất trong ngày. Tôi hay đứng nép bên bờ rào um tùm, kiểng chân nhìn trộm qua bên đó. Đúng là cái cảnh “đầu tôm nấu với ruột bầu”! Sau đó khi thím Bóng gòn dọn dẹp bữa tối, trong căn phòng khách hẹp cậu con trai lau sạch cái bàn, ôm sách vở ra học bài. Cô chị gái mang giỏ len ngồi bên cửa sổ đan móc mớ đồ gia công, kiếm thêm thu nhập. Chú thím Bóng gòn sau một ngày bươn chải vì cuộc mưu sinh, ngã người thoải mái trên ghế bố xem tin tức, chương trình giải trí trên chiếc ti vi 14 in, thứ tài sản quý nhất trong nhà.
Những hình ảnh quen thuộc ấy giờ không còn nữa. Khoảng vườn xanh mát và cái ao đầy bông súng đã bị san lấp không còn mãi mai dấu tích. Một dãy nhà trọ san sát mọc lên, người ra kẻ vào tấp nập. Ngôi nhà cấp 4 ộp ẹp của chú thím Bóng đã được tôn tạo khang trang. Có thêm thu nhập từ khu nhà trọ, chú Bóng không phải quay bóng gòn, bắp rang bươn chải đi bán ở khắp các trường học nữa. Cái thùng quay để một góc bếp, buổi trưa yên ắng không còn nghe tiếng quay rào rào, mùi đường, mùi va ni, lá dứa, bắp rang thơm bát ngát. Chiếc xe đạp với cái thùng sắt phía sau xếp xó nơi hàng hiên. Trưa chiều, thím Bóng không còn ngồi vót nang tre, chẻ que, xâu những bịch bắp rang, bóng gòn đủ màu. Tôi thích cái cảnh vợ chồng con cái họ xúm xít, rộn rịp làm kẹo. Dù chỉ là những xâu bắp, xâu kẹo bóng, nhưng họ chuẩn bị rất công phu. Để có đủ màu xanh đỏ tím vàng bắt mắt, thím Bóng hái lá dứa, lá cẩm, đào nghệ, nạo gấc, những thứ rau củ có sẵn trong vườn nhà, trộn đường cho chú Bóng cho vô thùng quây thành bông. Cái thùng làm kẹo thô sơ hình tròn có trục xoay tạo sức nóng, giữa chiếc máy có một cái lỗ để bỏ đường vào. Từ những cục đường nhỏ có màu trắng, xanh, vàng, đỏ, chú Bóng cho vào trục giữa, và bật công tắc , những hôm cúp điện thì đạp chân vào chiếc bàn đạp bên dưới. Sức nóng tỏa ra làm cho đường tan chảy ra thành những sợi tơ mỏng, những sợi tơ trắng, xanh, đỏ kết lại thành những sợi tơ đường. Thím Bóng dùng cây que quay tròn cho lớp bông gòn ấy dính vào thành từng lớp và cho vào bao nilông. cột thun kín lại. Giá mỗi cây kẹo bông gòn công phu như vậy là 5 ngàn đồng. Coi như lấy công làm lời. Chịu khó cực một chút, mấy thứ này chủ yếu bán cho học trò, xài màu hóa chất, độc hại lắm. Thím Bóng giải thích với tôi, khi tôi thấy thím ngồi tỉ mẩn vò lá cẩm, lá dứa, mài nghệ. Tôi cảm phục cái tâm của chú thím, nghèo thì nghèo, nhưng không mưu lợi lộc bằng cách hại người khác, điều mà lắm kẻ giàu sang khác vẫn làm. Tôi hay mua ủng hộ chú thím những cây kẹo gòn vàng, xanh, tím, đỏ, như để chia sẻ điều tốt lành hiếm hoi còn sót lại trong cuộc sống vốn đầy rẩy lọc lừa.
Từ ngày phá vườn, xây nhà trọ, cảnh nhà chú Bóng cũng thay đổi hẳn. Từ tiền đặt cọc thuê nhà, chú thím trả dần nợ nần, rồi dành dụm, sắm sanh đồ đạc tiện nghi. Nhà được cơi thêm căn gác, cậu con trai giờ có một không gian riêng, không phải dùng bàn ăn để học bài. Cô con gái tối tối không còn gò lưng đan len gia công nữa. Tôi mừng cho gia đình chú  thím nhưng vẫn thấy nhớ tiếc cái cảnh quây quần, tất bật mưu sinh bên nhà chú thím ngày nào.
Làn sóng nhà trọ đã xóa sổ những mảng vườn xanh ở xóm tôi. Ngó đi ngó lại, chỉ còn vuông đất nhà tôi, cái vuông đất khiêm tốn lọt thỏm giữa vạt vườn mênh mông ngày nào, là không phải rơi vào cảnh “đổi thay”. Không phải  tôi giàu có đến nỗi để từ chối cơ hội kiếm ra đồng tiền, nhưng tôi thà sống chật vật một chút còn hơn chịu mất đi khoảng không gian nhỏ nhoi yên tĩnh của mình. Cái khoảng không gian tôi thỏa thích ươm trồng đủ các loại bông, cây trái từng có trong sân vườn nhà ngoại xưa. Bông điệp vàng tươi, bông trang đỏ thắm, ngoại hay hái chưng bàn phật, bàn thông thiên, trâm ổi đủ màu, mai chiếu thủy, nguyệt quế, ngâu vàng thơm ngan ngát vuông sân, cây mãng cầu trái tròn chín vàng ươm màu nắng, nhãn lông từng chùm sai lặt lìa thân thiết của tuổi thơ…
Không biết có phải do những mảng vườn xanh đã dần mất đi, nên chim chóc đổ dồn về nhà tôi. Chúng làm tổ líu ríu trên ngọn khế, trên cành ngâu cành nhãn. Sáng sớm, cả khu vườn ngập tràn tiếng hót. Chúng sà xuống khoảng sân mỗi khi tôi rải thóc, rồi chuyền từ cành này sang nhánh nọ, rộn ràng khắp khu vườn. Chúng dạn dĩ nhảy nhót, nghịch ngợm trên luống rau cải, vạt cỏ chỗ tôi ngồi, nơi tôi đứng cắt bớt những dây leo rậm rạp trên hàng rào, tỉa bớt những dây cúc dại mọc tràn lan. Mùa mưa, mồng tơi, sâm, mướp hương,  đeo đầy trên hàng rào, ra lá, đơm  trái tưng bừng. Thím Bóng hay cắp rỗ qua xin về nấu canh. Tôi bảo thím cứ tự tiện  mà hái, mấy dây mồng tơi, dây mướp này tôi xin từ vườn nhà thím, cả cây ớt hiểm cao gần đầu người, trái sai lặt lìa kia nữa. Thím Bóng kể giống ớt chim ỉa này chú mang từ dưới quê lên, hồi còn khó khăn, chỉ cần một nồi cơm nóng, tô canh mồng tơi nấu bột ngọt, dĩa nước mắm dầm ớt hiểm cay xè, cả nhà quây quần chan húp ngon lành, giờ thịt cá ê hề mà sao không ngon miệng chút nào. Trong cái chép miệng và tiếng thở dài khe khẽ của thím, tôi nghe như có gì man mác, nuối tiếc.
Dạo này, nhà bên đó vắng hẳn tiếng nói cười. Từ khi cô con gái lấy chồng, cậu con út thi rớt đại học, xin đi xuất khẩu lao động, chỉ còn hai ông bà già. Vườn tượt không còn, quanh quẩn ra vô, hết ăn ngủ, rồi dán mắt vô màn hình ti vi, riết rồi cũng đâm chán. Rãnh rỗi, ông bà lê la qua khu nhà trọ, nhưng mấy đứa sinh viên đi học, làm thêm suốt ngày, tối về tất bật lo nấu nướng, giặt giũ, ăn uống, học bài, ở không đâu mà chuyện trò với chú thím. Thành ra hễ thấy tôi ló mặt ra sau vườn là chú thím mon men qua lấy cớ xin mớ rau, trái ớt. Sợ làm phiền, chú thím kêu đừng mở cổng sau, chỉ đứng ngoài bờ rào chuyện trò. Chú khen cây mãn cầu dai, cây nhãn lông tôi trồng mới đó mà đã lớn bộn, sắp ra trái chiến, rồi chỉ dẫn cách vô phân, tỉa bớt cành sao cho nó ra nhiều trái. Thím nói đám lá lốt, lá cẩm rậm rạp quá nên cắt bớt nhánh già rồi cặm lại cho nó ra cành nhánh mới, bụi rau thơm khoái đất ẩm, trồng nơi  càng đọng nước nó càng tươi tốt. Hôm rằm qua xin bông điệp, bông trang về cúng phật, gặp tôi bên bờ rào, thím than. Hồi đó nghèo khổ muốn đổi đời, thấy người ta kinh doanh nhà trọ có tiền thì ham, bắt chước, giờ không còn chút đất trồng rau trồng củ, lại thấy buồn. Hồi đó chộn rộn lo miếng ăn, chạy gạo từng bữa ngày giờ sao qua mau mà nó vui. Giờ nhàn rỗi, ngày chỉ lo hai bữa cơm, thấy thời gian sao mà dài thõng thượt. Rồi thím thở dài dõi mắt qua dãy nhà trọ, nơi từng có ao bông súng tím ngát, hàng dừa xanh mát tán rì rào…
Tôi đi công tác nửa tháng trở về, tháng bảy mưa dầm, vườn sau nhà cành nhánh sum xuê, dây leo, cỏ mọc um tùm. Hửng nắng, vừa xách dao ra dọn ít cỏ, đã thấy thím Bóng chạy qua. Hổm rày trông cô về, qua xin ít xả, dứa, nghệ, lá cách về trồng. Tôi nói cần xài gì chú thím cứ qua mà lấy, trồng làm gì. Thím hồ hỡi khoe. Vợ chồng con gái tui về đây ở rồi, cô. Con nhỏ vừa sinh con đầu lòng, ở Sài Gòn mần bao nhiêu đổ vô tiền thuê nhà hết nên vợ chồng tui kêu tụi nó về. Chồng nó vừa đi làm hồ, rãnh rỗi thì phụ vợ chồng tôi bán kẹo bóng. Nghề này tuy không kiếm nhiều tiền nhưng cũng đủ sống qua ngày, miễn là chịu thương chịu khó. Thằng rễ còn trẻ, có sức đi được nhiều trường ở ngoại ô, sẽ bán được nhiều. Vợ chồng tôi sẽ làm hàng đi bán lại. Trước mắt phải gầy lại mấy đám nghệ, đám dứa…, thằng rễ đã  mua mấy cái chậu, đổ đầy đất. Tôi nói trong khi chờ mấy thứ rau củ thu hoạch được chú thím cứ qua bên tối lấy về mà làm, trước đây tôi cũng xin giống từ bên vườn chú thím mà. Thím Bóng cám ơn tôi rối rít.
Qua rằm, trời đã ngơi mưa. Mùa Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau đã khép lại. Hửng nắng, tôi thấy chú Bóng mang chiếc xe đạp xếp xó bấy lâu ra cùng cậu con rễ lau chùi, thím Bóng lại ngồi vót nan ngoài hiên. Ngó qua bờ rào nhà chú thím, đã thấy mồng tơi thập thò đeo bám. Mấy chậu lá lốt lá cẩm cũng bén đất xòe cành nhánh. Mai này, khi cây lá đâm chồi nảy tượt, khoảng sân nhà chú thím, chim chóc sẽ lại quay về. Những trưa hè, tiếng máy quay rào rào lại vang lên với bát ngát mùi bắp rang, mùi đường ngào gấc, lá dứa…Lẫn trong âm thanh chộn rộn, tất bật của cuộc mưu sinh có tiếng khóc trẻ thơ cùng lời ru vỗ về: Ấu ơ, chim chuyền nhành ớt líu lo. Mãng sầu cô bạn ốm o gầy mòn… 
Thu Trang

Cúng dường,
Con thành kính cúng dường bằng tâm Phật,
Quý gì hơn một quả ớt cay,
Dâng sư với tấm lòng ngay,
Hân hoan người nhận với đầy thiện tâm !
NM
Trái ớt cúng dường
Mỗi sáng Chủ Nhật, quý Sư ở tu viện Santi Forest Monastery thường chuẩn bị rời chùa, đi xuống phố hoặc vào làng khất thực. Gọi là “đi khất thực”, nhưng thực sự nên gọi là “đi gieo duyên” với quần chúng địa phương thì đúng hơn, cư dân nơi đây, họ là những người Úc thuần túy, Phật giáo đối với họ là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ, có thể họ chỉ nghe qua cái tên "Buddhism" mà không hề biết đó là gì?
Hình thức của một vị Sư Phật Giáo người Tây Phương, theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) với cái đầu cạo nhẵn, mình khoát tấm y màu vàng đất sét, đi chân trần, không giày dép gì cả, tay ôm một cái hộp tròn cở quả bí đỏ nhỏ có nắp đậy, họ im lặng đi hàng dọc, cách khoảng đều nhau, thanh thản từng bước chân trong chánh niệm. Khi đến một ngã rẽ, quý Sư chia làm hai toán, một toán đi vào khu cư dân, còn toán kia thì ra các dãy phố, quý Sư thường đứng lại ở các góc đường, hoặc trước cửa, cổng nhà các cư dân. Dân chúng nơi đây nhìn thấy quý Sư họ rất ngạc nhiên với nhiều thắc mắc:
- “Họ là những người nào vậy nhỉ? ” - “Họ đi đâu vậy? – và để làm gì? ”
Một vài người với phản ứng rất hợp lý là không tự tìm câu trả lời mà gọi điện thoại báo với cảnh sát, để đề phòng và cũng để nhờ cảnh sát đến tìm hiểu, hỏi xem “nhóm người kỳ lạ này là ai? Và họ muốn gì? “- Một số người khác thì muốn tự mình tìm hiểu, họ mở cửa ra chào theo bản tính thân thiện và lịch sự của người Úc – “Xin chào quý vị, chúng tôi có thể giúp gì cho quý vị đây? “
Những phản ứng này là một cơ hôi để quý Sư gieo chút duyên lành với người dân bản xứ, Quý Sư đã giải thích với cảnh sát và người dân địa phương:
- “Chúng tôi là những tu sĩ Phật Giáo, tu viện của chúng tôi mới được thành lập ở khu rừng gần đây, tên của tu viện chúng tôi là “Santi Forest Monastery", hôm nay chúng tôi đi khất thực, để mong được quý vị bố thí cho chúng tôi một ít thức ăn, truyền thống tu tập của chúng tôi là đi khất thực để độ nhật và ngỏ hầu được tiếp xúc, gieo duyên với quần chúng..
Với một tư thái trang nghiêm, gương mặt điềm tĩnh, thái độ an nhiên và với một chất liệu từ bi lan tỏa được biểu hiện trong ánh mắt, trong từng lời nói nhu hòa; Từng thắc mắc của cư dân, những câu hỏi của cảnh sát đã được quý Sư giải thích, và cũng từ đấy, hình ảnh của những nhà Sư Phật Giáo người Úc đi khất thực vào mỗi sáng chủ nhật ở Bundanoon (*) dần dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, họ chỉ cảm thấy không còn lo lắng nữa vì đã biết quý Sư là ai, ôm bình bát đứng trước nhà, trước shop của họ để làm gì, nhưng biết là biết vậy thôi, chứ ý niệm “cúng dường” vẫn là một điều gì còn quá xa lạ, quá bỡ ngỡ trong tập quán sinh hoạt của họ. Đó là chuyện cũng tự nhiên là như vậy thôi, về phần quý Sư thì vẫn cứ an nhiên tự tại, với lộ trình đi khất thực vào mỗi sáng Chủ Nhật hằng tuần.
Qua những tháng ngày mới đến đây để thành lập một lâm tu viện theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, với một nét văn hóa Phật giáo hoàn toàn xa lạ với cư dân địa phương, việc đi khất thực mỗi ngày là điều không thể thực hiện được, nhưng mỗi tuần một buổi sáng Chủ Nhật đi khất thực của quý Sư đã trở nên một sinh hoạt gần gủi thân quen, hình ảnh những nhà Sư, tay ôm bình bát, chậm rãi bước đều, và những nụ cười hiền hòa tỏa sáng, những lời giải thích ân cần…, dần dần, cư dân địa phương và những vùng phụ cận, đã bắt đầu hiểu được phần nào Phật giáo là gì! – Đức Phật là ai! … - Ngôi tu viện trong khu rừng yên vắng, bên cạnh những ngày Thiền tập của quý Sư nay đã có những buổi thuyết giảng về giáo Pháp Phật Đà và giảng dạy phương pháp thực hành Thiền tập cho mọi tầng lớp dân chúng quanh đây.
* * *
Chư Sư vừa đi khất thực trở về, nhóm cư sĩ chúng tôi phụ trách buổi ngọ trai hôm nay được quý Sư giao cho những chiếc bình bát, đem vào sớt bát để sửa soạn cho việc cúng dường buổi ăn trưa. Mở những chiếc bát của quý Sư vừa đi khất thực về, chúng tôi thật sự quá đỗi nghẹn ngào, có bát thì được một cái bánh Pie, có bát nhận được một trái Táo (apple), một chùm nho tươi một nhánh cần tây, và hầu hết mọi bát đều có nhận được chút ít cúng dường của cư dân thí chủ và… dĩ nhiên là không thể nào đủ dùng cho một buổi trưa, vì thế nhóm Phật Tử chúng tôi vẫn luân phiên đảm nhận việc nấu bếp, cúng dường buổi trưa cho quý Sư.
Đang lay hoay với những chiếc bình bát vừa được trút ra để ghi nhận những phẩm vật cúng dường của buổi khất thực hôm nay, bỗng Sư trụ trì tu viện bước xuống bếp, Sư nở một nụ cười rất đổi hân hoan:
- Oh, we get a lot today! ( Ồ, hôm nay chúng ta được nhiều nhỉ! )
Thưa vâng, chúng tôi hiểu, Sư nói “hôm nay khất thực được nhiều” là so với những ngày đầu mới đi khất thực ở đây, có hôm cả đoàn khất thực trở về chùa với những chiếc bình bát trống không, có bữa chỉ mỗi bình bát của sư trụ trì có được một trái chuối, vậy mà đi khất thực về, lúc nào quý Sư cũng đều rất vui, không phải nhận được thức ăn cúng dường nhiều hay ít, mà niềm vui của quý Sư là có cơ hội để giáo hóa quần chúng, hầu mong Phật pháp sẽ lần hồi được thấm đượm vào lòng, vào nếp sống của người dân quanh đây, và đi khất thực cũng là một trong những pháp tu mà quý sư phải chuyên tâm hành tập.
Sư hướng tia nhìn vào số phẩm vật rồi hỏi chúng tôi:
- Các anh có tìm thấy trong bát của tôi hôm nay có một trái ớt chín đỏ chứ nhỉ?
- Thưa Sư, dạ có!
Sư mỉm cười hài lòng và ân cần dặn chúng tôi:
- Các anh vui lòng cắt nhỏ quả ớt ấy vào chén xì dầu trong phần cúng dường hôm nay nhé! – nhớ đừng quên nghe! –quan trọng lắm đấy, vào lúc cầu nguyện cho buổi ngọ trai, tôi sẽ kể cho toàn thể đại chúng nghe về buổi khất thực hôm nay.
Trong lúc làm nghi thức dâng cúng thức ăn cho quý Sư, chúng tôi ghi nhận, Sư trụ trì đều nhắc chư Sư đừng quên chan một tí xì dầu ớt vào bình bát của mình, Sư còn nói rõ: - “nếu quý Sư không ăn được ớt thì cũng nên chan một tí vào, không có sao đâu, nhớ là mọi người phải chan tí xì dầu ớt vào bát mình nhé, tôi sẽ giải thích với quý vị trong nghi thức cầu nguyện khi thọ trai.”
* * *
Trước khi thọ trai, bao giờ cũng có đôi lời của Sư Trụ trì, tiếp theo là bài kinh hồi hướng công đức của thí chủ và sau đó là phần thọ trai.
Sư lên tiếng chậm rãi nói:
- “Hôm nay đi khất thực, tôi đã gặp được một bà lão đang ở trong mảnh vườn nhỏ nơi sân trước của nhà bà. Bà lão trông rất già yếu nhưng vẫn tự mình đi đứng được, khi gặp tôi, bà lão đã ân cần hỏi han với những câu hỏi thông thường mà những người khác trước đây vẫn hỏi, như là: – “Ông là ai, làm gì? – tôi có thể giúp gì cho ông? …”
Sau khi nghe tôi giới thiệu và giải thích về mình là một vị Sư Phật Giáo, đang đi khất thực để xin được bố thí thức ăn và mong được có cơ hội để tiếp xúc với quần chúng …
Bà lão với một gương mặt rất thuần hậu, hướng tia nhìn về tôi với đầy nét nhân từ và cất giọng run run nói với tôi rằng: - “Thật tiếc quá, nghe Sư giải thích, tôi rất muốn cúng dường một thứ gì đó có thể ăn được, nhưng hiện tại, tôi phải chờ đến trưa thì người ta mới đem giao thức ăn cho tôi, nên chẳng biết phải làm sao đây?”
Nghe vậy tôi trả lời với bà lão : - “Không sao cả, cám ơn bà đã có tấm lòng và ý tốt như vậy là tôi đã nhận được sự cúng dường của bà rồi, xin bà đừng bận tâm, chúng tôi sẽ có dịp trở lại đây trong những lần tới.”
Tôi chưa kịp ngỏ lời chào từ biệt bà, thì bà vội lên tiếng: - “hay là Sư có thể cho phép tôi cúng dường một ít tiền và Sư dùng nó để mua thức ăn cho Sư để dùng cho trưa nay được chứ?”
Tôi bèn giải thích thêm với bà : - “Giới khất sĩ chúng tôi đi khất thực, chỉ xin được nhận thức ăn mà thôi, trong giới luật, Đức Phật không cho phép tu sĩ chúng tôi được cầm giữ tiền.”
Nghe đến đây, bà lão vụt kêu lên: - Oh, my god! what can I do for you now? ( Trời ơi, vậy tôi có thể giúp gì được cho Sư bây giờ đây? )
Tôi lên tiếng trấn an bà lão : - “Không sao cả, bà có thể cúng dường cho tôi bất cứ một thứ gì có được trong vườn hiện giờ của bà là tốt rồi.”
Nghe thế, mắt bà lão chợt vụt sáng lên và nhanh nhẩu: - “Thật sao? Sư chờ tôi một tý nhé! “
Bà lão bước dăm bảy bước về phía góc vườn và quay lại tôi với một nụ cười chơn chất và với một trái ớt chín đỏ trên tay: - “Thưa Sư, đây là thứ duy nhất tôi có thể có được ngay bây giờ để cúng dường Sư, mong Sư hoan hỷ nhận cho.”
Kể đến đây, Sư nhắm mắt lại và lặng im trong thoáng chốc, như để mang trọn tấm lòng thành cúng dường của bà lão để chia sẻ cùng với tất cả mọi người đang nghe câu chuyện về “Trái Ớt Cúng Dường” của buổi khất thực sáng hôm nay.
Bằng một giọng trầm tĩnh sâu xa, Sư kể tiếp : - “Tôi vô cùng hoan hỷ, đón nhận tấm lòng cúng dường của bà lão với trái ớt chín đỏ của bà và nói lời cảm ơn, cùng mời bà im lặng để tôi đọc tụng chúc lành cho bà và gia đình một bài kinh ngắn bằng tiếng Pali, nghe bài Kinh xong, dầu bà không hiểu gì, nhưng tôi ghi nhận được sư rung động trong tâm thức của bà qua ngấn lệ tuôn tràn trên đôi gò má nhăn nheo, tôi đã nói với bà:
- “Trái ớt này vô cùng quý báu với tôi trong buổi khất thực hôm nay. Buổi ngọ trai trưa nay, đích thân tôi sẽ thay mặt bà, để mời toàn thể chư Tăng Ni cùng thọ nhận sự cúng dường của bà và cùng đọc kinh hồi hướng công đức cho bà, trái ớt chín đỏ của bà đặt vào bình bát cúng dường là một phẩm vật được dâng cúng với cả tấm lòng, nên sự cúng dường ấy thật vô cùng to lớn với ý nghĩa của nó.”
Quay về phía chư Tăng Ni, Sư tiếp : – “Thưa quý Tăng Ni và quý Phật tử, câu chuyện vừa kể để giải thích tại sao tôi ngỏ lời mời tất cả chư vị nên chan tý xì dầu ớt vào bát của mình là để thọ nhận sự cúng dường lớn lao của tấm lòng bà lão sáng nay. Kính mong chư Tăng Ni cùng đọc kinh cầu nguyện và hồi hướng công đức cúng dường đến toàn thể các thí chủ.”
Lời kinh tiếng Pali trầm hùng vang lên trong điện Phật của một ngôi tu viện Phật Giáo trong một khu rừng núi xa xôi yên vắng với các vị Sư người Tây Phương da trắng mắt xanh, như hòa quyện cùng với cảnh vật chung quanh, tiếng tụng kinh lan tỏa, rừng cây rung nhẹ tiếng xào xạt của những cành lá đong đưa, tất cả đã ngân lên một tấu khúc thương yêu của tấm lòng từ bi tỏa ngát cùng hương rừng gió núi, nhẹ lan trong tâm thức nguyện cầu.
Gia Hiếu

 Ớt cay hay ớt ngọt
Đã đến lúc ta nói lên tất cả,
Tấm tình riêng cùng với mối tình chung...
Xin cùng nhau kết nối tiếng tơ đồng,
Ớt cay đó nhưng cũng là ớt ngọt !!
NM

Ớt ngọt

Sau một hồi hỏi thăm và đi lòng vòng cuối cùng tôi cũng tìm được nhà của Chi, một ngôi nhà nhỏ nằm cuối con hẻm. Ðứng trước cánh cổng tre cũ xiêu vẹo, tôi phóng tầm mắt nhìn vào bên trong cái sân đất nhỏ.
Còn chưa kịp lên tiếng gọi, tôi đã nhìn thấy từ trong nhà một người phụ nữ tuổi ngoài 30 bước ra với một chậu áo quần sơ sinh trên tay. Người phụ nữ đó có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đen dài buộc gọn lại phía sau. Chỉ nhìn qua tôi cũng đoán ra đó chính là người tôi cần gặp - Lệ Chi, người đã chen vào cuộc sống của vợ chồng tôi. Chậu quần áo kia chắc hẳn là kết quả của cuộc tình vụng trộm. Cứ nghĩ đến đó tôi đã muốn nổi điên, thậm chí ngay lúc này tôi chỉ muốn giật đổ cổng bước vào túm lấy cổ của cô ta. Phải cố gắng lắm tôi mới nén được cơn giận dữ đang sôi sục trong người. Tôi lặng yên quan sát cô ta làm việc:
- A...a...
Tôi chợt kêu lên khe khẽ khi thấy cô ta dùng đôi tay quờ quạng phía bên ngoài cái chậu để tìm chiếc áo nhỏ bị rơi ra. Chẳng lẽ cô ta... không nhìn thấy gì? Không thể nào tin được, nhưng tôi cũng hơi đắn đo và nghi ngờ khi đứng ở đây khá lâu mà cô ta lại không phát hiện ra. Cơn ghen tuông lúc nãy tự dưng biến hết, thay vào đó là sự tò mò tột độ. Tôi muốn khám phá và lột bỏ cái mặt nạ cô ta đang đeo, muốn xem cô ta hơn tôi ở điểm nào mà chồng tôi lại chết mê chết mệt đến vậy. Ði đi lại lại một lúc để nghĩ cách tiếp cận cô ta cuối cùng tôi cũng tìm ra. Tôi cất tiếng gọi cổng:
- Cô Lệ Chi ơi!
- Ai vậy?
- Tôi là Lan bạn của anh Tuấn đây.
- Vậy hả? Chị cứ đẩy cổng mà vào.
Tôi đẩy cái cánh cổng mà lẽ ra nó phải được cho vào nhóm lò từ lâu, tiến vào sân lúc này tôi mới nhìn rõ mặt Chi, một khuôn mặt khá ưa nhìn. Thảo nào chồng tôi lại không mê cho được. Nhưng tôi chợt khự lại khi nhìn vào đôi mắt ấy, một đôi mắt như bình thường, nhưng khi nhìn kỹ tôi mới cảm nhận thấy nó có chút gì đó ngây dại...
- Chị vào nhà ngồi chơi.
Tôi bước theo Chi. Nhìn cách đi thì khó ai có thể nói rằng cô ta không nhìn thấy. Cô ta đi như một người bình thường, không hề có dấu hiệu lạc bước. Tôi chợt nhận thấy cô ta không phải là một con người đơn giản. Trong căn nhà nhỏ đồ đạc không có gì mới mẻ, tất cả đều là những vật dụng cũ kỹ. Tôi đưa mắt nhìn lên chiếc giường tre, ở đó đang đặt một đứa trẻ. Trông thấy đứa bé, máu trong người tôi lại nóng lên. Nó chính là con của cô ta với chồng tôi. Tôi muốn thực hiện luôn ý đồ đã ấp ủ từ trước, nhưng đúng lúc đó cô ta lại bước tới đưa tôi cốc nước:
- Chị uống nước cho đỡ khát.
Không thể định vị được chỗ khách đang ngồi, Chi đưa tôi cốc nước mà chìa ra tận cửa. Bỗng dưng tôi thấy tội.
- Cô và cháu dạo này khỏe chứ?
- Cảm ơn chị! Tôi với cháu vẫn khỏe.
- Nhà không có ai sao, cô?
- Có, mẹ tôi vừa đi thăm đồng rồi.
- Vậy hả, anh Tuấn nhờ tôi đến đây hỏi thăm hai mẹ con cô đó.
 Bất chợt cô ta thở dài, khuôn mặt thoáng chút buồn:
- Nhờ chị chuyển lời cảm ơn của tôi tới anh ấy và chị cũng nói luôn giúp tôi là: Anh ấy không phải quan tâm tới mẹ con chúng tôi đâu, chúng tôi tự lo liệu được.
      Quá ngỡ ngàng, tôi càng tò mò:
- Cô biết tại sao Tuấn lại nhờ tôi đến đây chứ?
- Tôi biết vì tôi đã không cho anh ấy tới nên anh ấy đã nhờ chị.
Cô ta đã cấm Tuấn tới đây, tại sao lại như vậy? Chẳng phải cô ta là tình nhân của chồng tôi hay sao? Thật không thể ngờ được...
- Chị thấy kỳ lạ phải không? Chị biết không, người khiếm thị như tôi tuy đôi mắt không nhìn thấy gì nhưng thính giác lại rất tốt, tôi vừa nghe thấy chị thở dài.
Lúc này tôi thấy cô ta như một dấu hỏi chấm bí ẩn cần được khám phá. Tôi không hiểu tại sao mình lại tò mò quá đỗi như vậy, đây không phải mục đích chính của tôi. Nhưng tôi lại không thể không tìm hiểu về kẻ thù của mình được. Tôi thấy cô ta rất lạ khi tự nhiên khuôn mặt buồn một cách khó hiểu.
- Chắc anh ấy không cho chị biết mọi chuyện, đúng không?
Cô ta hỏi tôi nhưng tôi lại không biết phải trả lời như thế nào. Chi tiếp tục một nụ cười buồn:
- Chị thấy tôi trơ trẽn quá phải không? Tôi không nhìn thấy gì mà lại đi cướp chồng người khác.
- Sao cô lại nói như vậy?
- Khi tôi biết anh ấy đã có vợ thì mọi chuyện đã quá muộn rồi. Tôi lúc đó đã mang bầu. Hối hận vô cùng nhưng tôi không trách Tuấn mà chỉ trách bản thân mình. Chính tôi đã làm mọi chuyện rối beng, tôi tưởng mình đã có thể tìm được người yêu thương thực sự, nào ngờ lại là gánh nặng cho người khác.
Tại sao Chi lại nói lên nỗi lòng của mình cho một người xa lạ như tôi? Tôi càng muốn biết đầu đuôi câu chuyện này như thế nào? Chưa kịp hỏi, Chi lại lên tiếng:
- Chị đang thắc mắc tại sao tôi lại kể cho chị nghe mọi chuyện? Chính tôi cũng không biết tại sao mình lại làm như vậy. Tôi chỉ cảm thấy chị rất gần, rất thân thuộc nên tin tưởng chị.
Nghe cô ta nói vậy, chẳng hiểu sao lòng tôi như chùng xuống. 
- Tôi và anh ấy quen nhau rất tình cờ. Ban đầu tôi tưởng anh ấy chưa lập gia đình. Nhưng sau này khi biết mọi chuyện tôi thấy mình thật tồi tệ. Tôi không hy vọng gì nhiều ở Tuấn, mặc dù anh ấy rất tốt. Khi tôi mang bầu và sinh cháu, Tuấn đã chu cấp và lo lắng cho tôi nhưng tôi không hề nhận một sự trợ giúp nào. Tôi cự tuyệt tất cả bởi không muốn mình là nguyên nhân khiến gia đình anh ấy tan nát...
Thì ra Chi cũng là một nạn nhân trong câu chuyện tình cảm này mà thôi, cô ta đã dằn vặt và oán trách mình rất nhiều. Nhưng tại sao cô ta làm như vậy? Tôi không thể tin những gì cô ta nói khi cô ta và chồng tôi qua lại với nhau một thời gian mà lại không biết chồng tôi có vợ. Cả hai người thật sự làm tôi không thể chịu đựng nổi và tôi như muốn hóa điên lên. Cô ta có con còn tôi thì sao? Một người đàn bà đã không làm tròn bổn phận của mình. Tôi và chồng chung sống với nhau đã lâu mà không hề có một đứa con an ủi. Bây giờ tôi thấy mình không thể kiểm soát nổi ý nghĩ của mình, tất cả cứ quay cuồng. Cô ta không cố ý mà chỉ là vô tình, chẳng lẽ một người tinh tường như tôi lại đi so đo với một người khiếm thị hay sao?
- Tôi biết dù rằng vợ anh ấy có cao thượng đến đâu thì cũng không thể chấp nhận chồng mình có tình nhân. Chính vì vậy tôi chấp nhận nuôi con một mình mặc dù anh ấy có khuyên ngăn. Tôi thấy có lỗi với chị ấy vô cùng khi đã vô tình làm hạnh phúc gia đình họ vơi bớt. Biết nuôi con một mình là không dễ nhưng tôi còn có mẹ giúp đỡ nên phần nào cũng an tâm hơn.
Cô ta biết nghĩ đó chứ! Nhưng khi nghĩ được như vậy cũng đã muộn rồi, có thể cứu vớt được gì nữa đâu? Rồi Chi lại kể cho tôi nghe về quá khứ của mình. Ðó là một quá khứ buồn. Cô ta không nhìn thấy do một căn bệnh hiểm nghèo từ lúc mới 10 tuổi. Ban đầu cô ta tự ti và tách biệt cuộc sống của mình, không giao tiếp với mọi người. Nhưng nhờ có bạn bè và người thân giúp đỡ, cô ta đã vượt qua được tất cả. Cô ta học cách làm quen với bóng tối, sống một cuộc sống chỉ có màn đêm. Cô ta học cách đi đứng làm việc rất vất vả nhưng cuối cùng cũng thành công. Bây giờ cô ta có thể làm được mọi việc như người sáng mắt... Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi cô ta nói có thể chống gậy và đi ngoài đường mà không cần ai dìu dắt, cô ta có thể biết chỗ nào là ngã ba, ngã tư và có thể tránh xe cộ?  ’’Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay’’, cô ta không còn đôi mắt nhưng ông trời vẫn thương và ban cho cô ta thính giác nhạy bén. Tôi thật không ngờ cô ta lại có thể làm những việc mà từ trước tới giờ tôi chỉ thấy người sáng mắt làm. Bỗng dưng tôi thấy thương Chi, thương cả đứa nhỏ lớn lên mà không có bố quan tâm chăm sóc... Tôi thấy mủi lòng thương cảm...
 Tôi trở về nhà với mớ tâm trạng hỗn độn. Tôi biết chọn lựa một trong hai không phải dễ dàng. Tôi không biết mình phải làm thế nào nữa... Sau hôm ở nhà Chi, tôi đến thăm mẹ con cô ấy nhiều hơn. Tôi thật sự không thể nhẫn tâm nhìn cô ta chăm con một mình, lỗi ở chồng tôi chứ không phải ở Chi. Tôi bỗng thấy yêu đứa bé đến lạ kỳ. Một bé trai kháu khỉnh và giống Tuấn. Tôi cũng thấy hạnh phúc khi được ẵm trẻ con. Một cảm giác khó tả. Ðương nhiên tôi vẫn không cho Chi biết tôi chính là Ngân, vợ của Tuấn. Cô ấy cũng quen với tôi rất nhanh và tôi thấy lòng mình thật ấm. Tôi sẽ không cho cô ấy biết sự thật nếu như hôm đó không nhìn thấy Chi cho bé ăn. Khi đứa trẻ đói cứ ngớp miệng ra ăn nhưng Chi thì đưa thìa ra ngoài, nhiều thìa còn vào cả mũi khiến đứa bé sặc sụa, khóc thét. Thấy cảnh đó mà lòng tôi nhói đau. Tôi không thể để mẹ con họ như vậy. Tôi chạy đến bế lấy đứa nhỏ và cho nó ăn. Mắt tôi rớm lệ. Tôi sẽ nói ra hết mọi chuyện, tôi muốn cùng chồng tôi và Chi chăm sóc đứa nhỏ. Tôi sẽ coi cháu như con của mình. Tôi biết làm như vậy rất khó. ’’Ớt nào mà ớt chẳng cay ’’, nhưng tôi sẽ cố gắng vun trồng một hạnh phúc mới. Tôi muốn cây ớt mình trồng sẽ cho ra quả ngọt. Một trái ớt mang cái tên của cuộc sống, một trái ớt mang hạnh phúc niềm vui, một trái ớt mang tới niềm tin hòa thuận...
Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải nói ra tất cả.
Phạm thị Huyền

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Thùng thư, mùa Xuân, em và tôi

Đan Áo Mùa Xuân

Hoa vàng mấy độ

 

Thư Xuân,
Hoa hoàng hậu nở vàng trên ngõ nhỏ,
Lối đi về của đôi bóng chim câu...
Hai thùng thư kết nối một nhịp cầu,
Ta cứ ngỡ chẳng bao giờ giận dỗi !
Thương làm sao đôi thùng thư gởi vội,
Ghi nhớ nhung tình cảm của đôi ta,
Và thế là bao giận dỗi chia xa
Em quên hết với sắc hoa hoàng hậu !

 Một mình tôi chờ em nơi quán nhỏ,
Xuân vẫn còn, phố xá vẫn đông vui...
Mong em quên hết ngậm ngùi,
Thùng thư sẽ đợi tin vui đôi mình !!
NM

Thùng thư, mùa Xuân, em và tôi

Tôi và Nhi giao ước nhau sẽ gởi thư hay bất cứ thứ gì đó trong thùng thư bưu điện. Đó là thùng thư công cộng thuê năm với giá 50.000 đồng. Khi đặt thuê bao thùng thư, cô nhân viên bưu điện giao cho tôi một chiếc chìa khóa bé xíu, có đánh số, con số 99. Nhi vốn thích trò đoán những con số, em bảo: Số chín chín là số đẹp đôi, giống như anh và em. Tôi đem chiếc chìa khóa ấy ra tiệm sửa khóa làm thêm một chìa nữa giao cho Nhi.
Tôi đoán trên thế gian này chỉ có tôi và Nhi cùng dùng chung một thùng thư thuê bao như thế. Bạn tôi bảo yêu nhau kiểu hai đứa tôi thật là phức tạp, bởi nếu cần thì có thể gọi điện cho nhau hoặc nhắn tin. Nhưng làm thế nào để nhắn tin một ổ bánh mì thịt, một ly cà phê cho Nhi. Làm thế nào để nhắn tin một bông hồng hoặc một hộp bánh em ưa thích đến cho em?
Cho nên chuyện dùng thùng thư chung của tôi có thể được coi là phát minh mới của tình yêu. Thùng thư thành chỗ để tôi giải đáp những tin nhắn của em. Tỷ dụ: "Anh ơi, sáng nay mua cho em ổ bánh mì nghe, mua ở chỗ Ba Lẹ đó". Ba Lẹ là xe bán bánh mì nổi danh của thành phố hai đứa tôi đang ở và đang yêu nhau, đến độ mỗi lần mua bánh mì cho em, tôi mất ít nhất 20 phút xếp hàng đợi tới phiên mình. Em nhắn: "Mua em ly cà phê sữa nữa nha anh". Tất nhiên là cà phê sữa không đá. Tôi ghé qua bỏ vào thùng thư khi trên đường đi làm, còn em ghé bưu điện lấy hộp cà phê để tới chỗ làm nhâm nhi hương vị. Đôi khi, tôi mua một đóa hoa hồng ở hàng bán hoa trên đường đi làm và để hoa trong thùng thư. Em reo vui khi nhìn thấy hoa hồng yêu thương đó: "Trời ơi, anh là người lãng mạn còn sót lại của thế kỷ này."
Tôi không tin tôi là người lãng mạn nhất của thế kỷ này, nhưng tôi tin mai sau, nếu không duyên nợ, tôi và em không về chung một mái nhà, em sẽ nấu cơm cho một người đàn ông khác ăn chứ không phải là tôi, thì tôi vẫn là người yêu em nhất trần gian này. Cũng như thùng thư mang số 99 đó nếu sẽ phải trả lại cho bưu điện, để một người nào đó thuê, tôi chắc chắn khi đó chẳng ai bỏ bánh mì hoặc hoa hồng hay cà phê sữa vào. Khi nói với Nhi điều đó, em nheo nửa con mắt: "Em biết rồi."
Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm tôi và em lại giận nhau.
Tôi và em giận nhau lúc 10 giờ 32 phút ngày 30 tháng 12 trên con đường có nhiều cây hoa Hoàng Hậu. Tại sao tôi nhớ ngày chia lìa đó? Bởi khi em vung tay, giận dỗi chạy trên đường, những cánh hoa Hoàng Hậu bị giày của em giẫm lên. Cái vung tay quá mạnh làm rớt chiếc đồng hồ của em xuống đường, ngay tức khắc kim giây, kim phút, kim giờ và ngày tháng trên chiếc đồng hồ đứng lại. Em bỏ tôi, gọi một chiếc taxi, đi vào trong đám đông.
***
Thùng thư mang số 99 nằm ở bưu điện gần nơi em ở, trên đường tôi đi làm, có lẽ đây là thùng thư được mở ra đóng lại nhiều nhất trong năm và là chỗ cho tôi và em gởi gắm những yêu thương. Bởi em ngủ dậy trễ vì trực ca đêm ở siêu thị, cho nên khi tôi đã phóng xe trên phố thì em vẫn chưa bước ra khỏi nhà. Còn khi tôi bận rộn vì đầy ắp với những cuộc hẹn với đối tác, thì đành phải lỡ những buổi cà phê dạo phố với em.
Tôi nhớ có lần em nhắn: "Anh ơi, anh đem cái đồng hồ của em thay pin dùm em". Chiếc đồng hồ xinh xinh tôi mua tặng em nhân ngày lễ Tình nhân đầu tiên của hai đứa, đã được để trong thùng thư, tôi lấy đi tới tiệm đồng hồ quen thay pin. Em nhắn: "Em mới móc cho anh cái khăn choàng, mùa đông lạnh anh nhớ choàng cho ấm". Chiếc khăn choàng màu hồng, chỉ hợp với con gái, những mũi đan vụng về là kết quả của thời gian rảnh rỗi giữa lúc em làm việc. Tất nhiên là khi đi chơi với em, tôi phải quấn chiếc khăn choàng tình yêu ấy, nếu không muốn làm em giận. Thời gian cứ thế cuộn trôi, chiếc thùng thư mang số 99 luôn bận rộn với cuộc tình của tôi và Nhi.
Nhưng một ngày, cuộc tình của tôi và em đang đứng bên bờ tan vỡ. Mà lỗi lại thuộc về tôi. Hai đứa cùng ở chung một thành phố, bánh của hai chiếc xe đôi khi cùng chạm trên một mặt đường, những hạt mưa rơi đôi khi cùng chạm mặt nhau và mùa đông đôi khi rất lạnh lẽo vì nhớ nhau. Nhưng tự nhiên lại thành muôn trùng.
Hôm đó là cái hẹn quan trọng giữa tôi và em. Em bảo: "Em thích cưỡi đà điểu. Em xem chương trình du lịch trên tivi thấy thật vui. Chủ nhật này anh nhé". Dĩ nhiên là tôi đồng ý, hiếm khi em và tôi đi chơi xa, mà mọi người thường nói chính những chuyến đi đó làm cho tình yêu lãng mạn, thơ mộng và bền chặt hơn. Để cưỡi được lên lưng đà điểu, tôi và em phóng xe đúng 17 cây số tới một địa danh gọi là Đá Chồng. Nơi đây có bến cảng để đưa em và tôi tới Hòn Thị, chỗ người ta nuôi rất nhiều đà điểu để làm du lịch.
Hôm đó trời nắng đẹp, em mặc một chiếc áo màu hồng, quần jean lửng và đội mũ rộng vành xinh xắn. Chiếc thuyền du lịch sơn màu trắng đưa em và tôi đi thẳng ra Hòn Thị. Em choàng tay ôm tôi mà líu lo nói. Cảm giác được em gần bên với mùi hương nhè nhẹ khiến cho tôi tự nhủ sẽ thường xuyên đưa em đi chơi xa. Em bảo đi chơi trong tiết trời chuyển sang xuân thật là thi vị.
Nhưng trong thời gian tươi đẹp nhất của tôi và em thì Diễm xuất hiện. Lúc đó tôi đang nâng em lên lưng con đà điểu:
- Trời ơi, phải anh Thanh không?
Diễm đeo kính đen, mặc váy ngắn, tôi ngờ ngợ là quen, nhưng nhìn không ra.
  - Diễm đây. Anh không nhớ Diễm à? Nhớ không?
Rồi Diễm tháo kính ra, nhìn em:
- Chà, khi nào hai người cưới báo cho mình nhé. À, em đi ra đây định ăn Tết, cho em ăn Tết ké với nghe.
Cuộc đi chơi ấy bị Diễm phá vỡ. Diễm là bạn học ngày xưa và thời học trò ấy tôi đã từng nao lòng trước Diễm. Rồi năm năm Diễm đi Canada theo gia đình. Tôi quên mất Diễm. Diễm mới về nước cách đây mấy ngày.
Em một mình cưỡi đà điểu vì Diễm cứ níu tôi hỏi chuyện. Sắc mặt em thay đổi giống như nắng đổi màu trên đỉnh núi. Còn Diễm thì sau đó kéo tôi và em vào quán nước, nước không uống mà đi khoe với em rằng ngày xưa tôi và Diễm từng yêu nhau.
Chuyến về em bỏ mặc tôi, em tìm chỗ ngồi giữa đám đông, im lặng. Tôi đoán là em ghen. Tôi chở em về giữa con đường đầy hoa Hoàng Hậu đó thì em xuống xe...
Thường khi giận nhau, người ta xóa ngay số điện thoại của người đó. Nhưng em đâu có xóa số điện thoại của tôi. Diễm cứ kéo tôi cả cái Tết vì bảo rằng ở Việt Nam bạn bè không còn ai. Đến hồi tôi kéo được những người bạn cũ cho cô ấy thì những cuộc họp lớp diễn ra liên miên. Tôi muốn bứt ra để đi dỗ dành em nhưng không thể nào thoát cô bạn cũ.
Tôi nhắn tin: "Cà phê không? Anh mua nhé". Em trả lời: "Không cần".  "Anh mua patechaud nóng cho em nhé". "Không cần". Tôi tới chỗ em làm, em bảo: "Ai quen đâu mà gặp". Nhắn hẹn đi chơi Tết, em bảo đi với người khác đi. Tôi tới nhà, cậu em trai nói là em bệnh, không tiếp khách. Nhiều ngày trời, chỉ có một mình tôi mở thùng thư số 99, cà phê và bánh mì tôi để vẫn còn nguyên.
Sáng ngày lễ Tình nhân của năm mới, mở thùng thư số 99 tôi không tin vào mắt mình. Đóa hoa hồng và chiếc đồng hồ mới tôi mua cho em với dòng chữ: "Anh nhớ em lắm. Em đeo chiếc đồng hồ này đi chơi lễ Tình nhân với anh nha" đã được lấy đi. Em để vào đó một mảnh giấy, ghi: "Cà phê Hòn Kiến, 5 giờ chiều nay".
Buổi chiều ngày đó, mùa Xuân vẫn còn, kệ phố xá rộn ràng. Tôi chỉ ngồi ở cà phê để đợi em.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Bên kia núi,
Bên kia núi mặt trời vẫn mọc,
Em đi tìm người chị xa xưa...
Hoa vàng lả tả ban trưa,
Mí buồn, em khóc chị chưa quay về !
NM
Về bên kia núi
Em mặc yên bằng bàn tay gân guốc của mẹ. Yên cứng và còn thơm mùi hồ. Áo tròng qua cổ, cổ tay em nhỏ và mềm ngọ nguậy dưới lớp áo đen thẫm. Áo mới, em theo chị đi dự lễ tối nay.
Chị Xuân đẹp. Chị mặc yên mặc áo một mình. Cứ xoay trước xoay sau trước mặt bà để bà khen. Bà già rồi, nhưng bà muốn nhìn thấy ngày xưa từ dáng tròn mây mẩy hồn nhiên như lá của cháu gái. Vì vậy mỗi khi mặc yên mới, áo mới. Chị Xuân lại làm bà rơm rớm nước mắt. Nước mắt bà lăn từ những nếp nhăn xếp đều đặn trên mặt. Em thấy thương bà.
Chị Xuân không muốn ở mãi một xó rừng.
Chị nói với em điều đó khi chị em cặm cụi lên rẫy buổi sớm. Con đường mòn gập ghềnh và dốc. Mùa khô gió bốc từng nắm bụi ném vào mặt người. Mặt em lấm lem, mặt chị cũng thế. Chị ném những quả bắp to bằng bắp chân trẻ con của em vào bao bực dọc. Trưa chị không ăn cơm, em ngồi một mình với nắm cơm gạo trắng. Cơm ăn với muối vừng. Chị ngồi mãi ở gốc cây muồng, mông lung nhìn về cuối chân trời. Xung quanh chị hoa vàng rụng kín. Em thấy chị lau nước mắt vào chiếc yên cũ kỹ và sờn hết gấu.
Em thấy anh Plin nhìn chị. Anh mắt anh sáng lấp lánh như vòng đồng bắt gặp ánh nắng buổi sớm. Anh nhổ củ mì cho em bằng đôi tay rắn như gỗ rừng, củ mì gãy đôi, sữa trắng lấm lem đất. Anh nhặt cây khô nướng củ mì cho em ngay bên bìa rẫy. Em bẻ một nửa cho chị, nhưng chị không ăn. Chị bảo không thích ăn củ mì, chị thích ăn xôi nếp với thịt gà chấm muối ớt xanh. Câu nói của chị làm mắt anh hơi tối lại. Ngày hôm sau anh mang đến rẫy một con gà rừng. Gà bọc trong đất sét, trắng nõn khi anh lôi ra từ đống than hừng hực. Chị nhấm nhấm chiếc đùi gà rồi bỏ xuống xách gùi đi bẻ đọt mây. Chị bảo chị không thích nữa. Em thương anh Plin. Nhìn theo dáng khập khiễng của anh, em thấy chạnh lòng.
Chỉ có em mới biết chị muốn gì.
Chị không nói chuyện với mẹ. Chỉ thì thầm hát với em.
 Những hôm trời mưa, em nằm gọn trong lòng chị. Tay vân vê những sợi tóc dài mượt đen bóng vì gội bằng bồ kết rừng. Em nghe chị hát, giọng chị trong trong và ngọt như nước đầu nguồn tuồn trong ống lồ ô. Chị hay mân mê yên mới trong tay. Em thấy chị dệt túi mới, may áo mới. Mặt chị ngời ngời sáng.
Chị muốn lên phố. Bạn chị lên phố ba năm, quay trở về làng bằng đôi dép cao nghều nghệu, gót nhọn hoắc, chênh vênh như người ta chơi trò cà kheo. Áo xanh lông két, váy mềm lòe xòe bay bay khi bạn chị leo lên cầu thang.
Em nép sau cửa buồng nhìn chị gói quần áo vào túi xách. Hớn hở. Khi chị xách túi bước xuống cầu thang thì quay lại nhìn em, ngùi ngùi. Chị thơm em thật lâu ở má trái, má phải. Nước mắt chị thấm ướt má em. Vậy mà chị vẫn đi. Chị giúi vào tay em tờ giấy nghệch ngoạc. Em nhỏ quá chẳng biết chị viết gì. Chỉ thấy mí trở về ngã xuống sàn nhà. Từ hôm ấy câm lặng cho đến khi em lớn.
Mí giận em. Nếu chị với em đều là núm ruột của mí có lẽ lại khác. Chị Xuân là con gái mẹ lớn. Mẹ lớn về với ông bà ngay sau khi sinh chị Xuân được hai giờ đồng hồ. Không có người chăm sóc trẻ con, không có người dỗ nó khóc lúc nửa đêm gần sáng, không có người bón nước cháo lúc nó đói. Cha nối dây với mí của em. Rồi cha mất, chị Xuân ở với mí. Mí không xem chị Xuân là con chồng. Nhưng người làng mấy ai hiểu hết lòng mí.
Em lớn và biết mặc váy áo một mình. Em tự dệt váy cho mình. Mền cũng cũng tự em dệt cho mình. Bà không còn ngồi bên khung cửi nữa. Chân bà run và yếu, bà không đủ sức duỗi chân để dệt áo cho bà nữa. Mí đi rẫy suốt và trở về đến nhà vào lúc chiều tối, khi ánh nắng là những vệt mờ xa tít ở chân trời. Mí chẳng bao giờ nói chuyện với em, cũng chẳng nói chuyện với bà. Mí nhìn em bằng cái nhìn sẫm buồn.
Em chẳng có bạn cùng lứa. Bạn em là những đứa trẻ con, tóc vàng hoe và cháy khét. Chẳng đứa nào mang dép. Chúng có những chiếc quần đùi mỏng thếch, áo thun nhàu nhàu mùi đất. Chiều nào em cũng tắm gội cho chúng. Em lôi từng đứa xuống suối, vò đầu vò tóc và kỳ cọ. Chúng bám lấy vai em, hò hét ỏm tỏi. Tắm xong chúng trèo lên trên bờ, lúp xúp trên những tảng đá và hát. Chúng chờ em giặt quần áo cho bà.
***
Em nhìn thấy Plin một mình.
Plin ngồi trên tảng đá với con chó nhỏ. Con chó có lông vàng và gầy tong teo. Anh thổi sáo bằng hai tay, bằng cả đôi mắt nhắm nghiền, một chân vung vẩy và mái tóc xoăn xoăn mềm.
Em đứng chôn chân nhìn. Cách Plin khoảng hai chục bước chân. Bỗng thấy trong lòng mình một cảm giác rất lạ lùng. Tiếng sáo kéo em lên lưng chừng không gian. Từ trên đó nhìn xuống dưới mọi thứ thật nhỏ bé và thơm. Mùi cỏ, mùi bùn, mùi hoa lan nép mình dịu dàng trên những thân cây.
Khi em mở mắt thì Plin đang nhìn em. Anh mắt anh buồn và mệt mỏi. Từ ngày chị đi, anh cứ ngồi mãi chỗ này mỗi buổi chiều. Anh đợi chị quay về bằng cây sáo 6 lỗ với những âm thanh da diết. Chân anh lấm đất, đầu anh khét mùi nắng nhưng hai tay anh lúc nào cũng ôm cây sáo.
Em mỉm cười rồi quay lưng đi, suýt vấp vào con chó vàng gầy tong teo đang quấn dưới chân.
***
Bà đã ngủ một giấc trưa. Và không tỉnh dậy nữa.
Mí khóc vật vờ và dai dẳng. Người ta lôi cái trống lớn nhất, đánh bên phía bịt da con trâu đực. Sầm sầm và buồn. Trống báo tin làng có người mất. Chỉ chốc lát nhà em đã đông nghịt là người, đàn bà trong làng vừa leo lên cầu thang đã khóc, khóc từ cầu thang lết dần vào nhà. Những tiếng khóc buồn miết vào không gian não nùng.
 Em ngồi ở bậc cửa sau, luôn phải nép người sang một bên cho những người phụ nữ lo cơm nước đi lên đi xuống. Em không khóc, em mân mê chiếc yên mới tự tay em dệt mà bà chưa kịp mặc lần nào.
Người ta đưa bà đến nghĩa địa. Đến ở chung với những người đã chết. Người đi đưa đông. Nhưng không có chị. Chị không biết tin nên không về. Không ai biết chị ở đâu để báo tin. Em vùi xuống đất một chiếc ché mới, nắm ba nắm cơm gạo nếp đặt vào đó. Em khóc khi mọi người về hết. Em ngồi một mình cho đến khi không còn nhìn thấy mặt người. Plin đến đưa em về, ngọn đuốc của anh chập chờn ma quái đã mang em khỏi nghĩa địa của bà.
Bà trở về nhà đêm ấy.
Bà đi vào từ nhà trước và ngồi xuống bếp lửa. Bà bảo sao không vùi khoai vào bếp cho nhà có mùi thơm. Không khí trong nhà chết chóc quá. Bà mặc chiếc áo mới, yên mới. Cổ tay đeo đầy vòng đồng. Gót chân bà nứt nẻ và thâm sì. Bà bảo đau chân, đau cả lồng ngực nữa. Bà không thấy cháu gái về nên không đi đâu được. Bà nhớ cháu gái của bà, cháu xinh và người tròn đầy mây mẩy.
Em tỉnh dậy khi mồ hôi ướt đẫm. Bà không có ở đây, chỉ có mí ngồi thờ thẫn bên bếp. Dáng mí còng và tội nghiệp. Gian nhà nhỏ xíu thơm thơm mùi khoai lang nướng. Có lẽ mí cũng nghe lời bà. Bà chẳng bao giờ ăn khoai nướng nhưng thích nghe mùi thơm của nó. Em sờ lên má mình, thấy má ướt. Em đã khóc khi đang vùi trong giấc ngủ chập chờn.
Em không ngủ được vì tiếng giã gạo của mí mỗi đêm. Em nghe cả tiếng hát ư ử buồn buồn phía dưới sàn nhà. Nhà thênh thang và buồn. Em đi tìm Plin.
***
Em nói với Plin rằng muốn đi tìm chị.
Plin nhìn vào mắt em. Không nói. Nhưng em biết Plin đang hỏi em có biết chị ở đâu không mà đi tìm. Em khóc, nước mắt làm khuôn mặt em mờ đi và nóng hổi. “Em không biết, nhưng em phải đi tìm chị về.”
Em chạy về nhà. Em bỏ quần áo vào túi xách. Mí nhìn thấy không hỏi gì. Em đứng tần ngần trước mí, chào nghèn nghẹn. Mí không hỏi em đi đâu, vì sao lại đi. Em chạy xuống cầu thang, vừa chạy vừa khóc. Em hay khóc thế có khi nào em không còn thấy đường trước mặt nữa không.
Em đi một mình trên phố. Em mặc áo vải hoa và quần tây. Em nhớ mùi hồ của yên, cái cấn cấn của tay áo em tự dệt. Nhưng em phải mặc quần áo người Kinh để đi tìm chị cho dễ. Em xuống chợ. Mỗi sáng gùi một gùi măng lấy lại của người cùng làng. Em mong gặp chị vì em chẳng biết chị ở đâu.
Chợ đông và ồn ã. Em không biết rao. Ai dừng lại ở hàng em, em cười và dịu dàng mời mọc. Tiếng em nhỏ. Em hay nhìn sâu vào mặt những người phụ nữ ngồi trên xe, bịt mặt kín mít. Họ mua hàng và luôn miệng kêu đắt. Có khi nào trong số đó có chị của em. Em bị xe đô thị hốt hai lần, cả hai lần em đều níu gùi lại cật lực và khóc. Họ sửng sốt nhìn em. Họ không biết em chẳng tiếc gì những cành măng trong gùi. Em chỉ sợ không gặp được chị khi vắng một buổi chợ.
Nhưng em không gặp chị. Chị không đi chợ và không mua hàng của em.
Em không gặp chị. Có lẽ chị của em đã đi mất rồi.Em đứng một mình giữa trời nắng. Khóc và thấy trống rỗng.Em phải về làng. Mí chắc không vui. Nhưng em chẳng biết làm sao.
Em vào sâu trong chợ. Em muốn mua cho mí một cái gì đó. Em cũng sẽ mua cho Plin một cái mũ. Plin vẫn để đầu trần. Tóc xoăn và cháy nắng. Nhìn Plin hoang dã. Em thương cái hoang dã ấy của Plin.
Em nhìn mọi thứ bằng con mắt lạ. Rụt rè và không dám dừng lại ở bất cứ hàng nào. Mọi người nhìn em cũng bằng con mắt lạ. Nhưng họ quên ngay em sau đó và đổ xô đến cuối chợ xem một đám cãi nhau. Tiếng gào thét ầm ĩ. Hình như hai người đàn bà đang túm tóc nhau. Họ hét vào tai nhau những tiếng tục tĩu lanh lảnh. Em nghe như tiếng hét của chị.
Đó là chị của em.
Chị dừng cuộc vật nhau bằng bộ dạng tơi tả. Tóc chị rối tung. Quần áo có nhiều vết toạc. Em nép vào tường. Mép tường nham nhở. Em nhìn chị từ xa xa sau những vết nham nhở ấy. Chị của em. Có lẽ không. Chị em mặc yên mới, áo mới chứ không nhàu nhĩ như thế kia. Tóc chị em không xù và vàng rực như thế kia. Chị em không bao giờ nói với ai nặng lời, nhăn mày với ai quá một ngày.
Em rời mép tường nham nhở. Rón rén đến gần đám đông bằng bước chân run run. Em sẽ ôm chị  và khóc tức tưởi nhé. Em sẽ bảo chị về nhà. Mí không mắng chị vì chị bỏ nhà đi lâu đến thế. Em sẽ nói với chị rằng Plin đang đợi chị.
Mà có khi không phải chị đâu. Em muốn thế.  Em run run nghĩ thế.
Lô nhô người. Họ xúm quanh người ngồi bệt dưới đất một cách hiếu kỳ. Nhìn qua vai của những người đang xúm đông ấy, em thấy vết sẹo dài và nhỏ như sợi chỉ vắt ngang trên thái dương bên trái. Dấu vết của lần  cành cây rơi xuống khi chị và em đi rẫy về gặp giông.
Chị nhìn em.
Chị có thấy không mà mắt thảng thốt thế kia.Chị có nhận ra em không mà xoay người phủi đất cát dưới mông mà quay lưng đi thẳng một mạch thế kia. Chị quên mặt em hay chị không muốn em thấy chị như thế này.
Đám đông tan ngay sau đó. Chỉ có em đứng thẫn thờ giữa lối đi. Có người đi ngang mắng em sao đứng nghênh ngang giữa đường. Chị không xuất hiện để bênh em.
Có lẽ chị đi thật rồi.
***
Em trở về làng vào một buổi sáng.
Em đã đi bộ suốt đêm trên con đường nhấp nhô đá. Hai bàn chân em tê buốt. Nhưng không buốt bằng khi em nhớ về chị. Má em nóng rát vì nước mắt.
Mí ôm chầm lấy em. Mí sờ soạng khắp người em như kiểm chứng rằng em có phải bằng xương bằng thịt hay không. Đứng thật gần mí, em mới phát hiện ra mí già đi nhiều quá. Khóe mắt không đếm nổi có bao nhiêu vết chân chim.
Mí không hỏi em có tìm thấy chị hay không? Em cũng không nói rằng em đã gặp chị và không nói được rằng chị nhất quyết không trở về làng. Chị không muốn sống cuộc sống của mí, của em. Chị muốn là người thành phố. Chị bảo có thể sống khốn khó nhục nhã ở đây cũng được. Chị quen rồi.
Em nhìn thấy Plin trên đường ra suối. Plin ôm chầm lấy em, cái ôm của Plin chặt và nóng ấm. Em gục vào ngực Plin và khóc tức tưởi. Nước mắt em thấm ướt một vạt áo. Plin thầm thì “ Em ơi đừng khóc. Em đừng đi tìm chị Xuân nữa. Chị Xuân trở thành người dưng của làng mất rồi. Chị Xuân không trở về nữa đâu.”
“ Chị đi mãi vì làng mình nghèo phải không Plin.”
“ Anh không biết. Nhưng làng hết nghèo thì chị Xuân cũng không trở về nữa đâu em à.”Em im lặng. Chị không về Plin có đau lòng không. Plin yêu chị. Em im lặng. Chị không về mí có đau lòng không. Vì mí luôn thấy có lỗi khi chị rời bỏ làng.
Nhưng chị không về, trái tim em nhói buốt. Mí tưởng rằng em không tìm được chị. Mí vẫn đợi cửa chị mỗi khi đi ngủ. Mí chờ chị rời phố phường và về bên kia núi. Em thương mí. Và em thương em. 

Niê Thanh Mai

  Dân tộc Êđê.  Nhà thơ – Hiện sống và dạy học tại Dak Lak.

Hoa nở muộn,
Biết bao lần em ngồi bên bờ suối,
Hoa ban rơi trắng rụng kín đôi bờ...
Em vẫn chờ vẫn đợi ngỡ như mơ,
Anh sẽ đến cùng em xây hạnh phúc.

Hoa đỏng đảnh chỉ vài bông điểm xuyết,
Khi vui tươi hoa trổ nụ đầy cành...
Em mong chờ hoa nở lại thấy anh,
Anh xa vắng hoa cũng đành câm nín

Tiếng vó ngựa làm cho hoa bừng tỉnh,
Hoa nở vui thay hạnh phúc mong chờ...
Người như hoa mong ước thật đơn sơ,
Anh đã đến như chàng trai cổ tích !!
NM

Bông ban nở muộn
Người ta thêu dệt, cha Tuyền là ma cà rồng có chiếc vòi dài ngoằng hút hết của cải của dân bản. Cha không phải ma cà rồng. Cha là người bình thường! Đã bao lần, Tuyền muốn hét lên cho núi rừng nghe thấy tiếng lòng của Tuyền, cồn cào, khắc khoải.
Người ta thêu dệt, cha Tuyền là ma cà rồng có chiếc vòi dài ngoằng hút hết của cải của dân bản. Cha không phải ma cà rồng. Cha là người bình thường! Đã bao lần, Tuyền muốn hét lên cho núi rừng nghe thấy tiếng lòng của Tuyền, cồn cào, khắc khoải.
Cứ mỗi độ cuối xuân, chẳng bao giờ lỗi hẹn, hoa ban lại bật xòe sắc trắng bâng khuâng. Mùa hoa ban cũng chính là mùa kết duyên đôi lứa. Từ buổi mờ sương, khi con gà rừng vừa le te gáy gọi ngày mới đã nghe thấy tiếng con trai thổi kèn lá reo réo rủ con gái lên suối nguồn cõng nước. Tiếng kèn như thúc giục, như gọi mời.
Tiếng kèn rơi những âm thanh véo von qua cửa sổ nhà Tuyền làm lòng Tuyền bồi hồi, bổi hổi. Tiếp đến là giọng nói, điệu cười rộn vui đánh thức những búp ban nõn nà đang ngái ngủ, cựa mình tỉnh giấc. Nhà Tuyền đã có bể nước mưa, lại có cả người ở nữa. Nhưng đến mùa hoa ban, Tuyền thích mang quần áo ra con suối mọc đầy những gốc ban già soi bóng, giặt giũ. Hoa ban ở đó to hơn, đẹp hơn, tươi tắn hơn thảy.
Nghe theo sự dẫn lối, đưa đường của tiếng kèn lá, Tuyền cũng tất tả ra suối nhập hội. Nhưng khi chân Tuyền vừa chạm đến mé suối, trai gái đang khoát nước nô đùa bỗng nhiên ngừng tay, vội vã kéo nhau về hết. Những giọt nước mắt trong veo của Tuyền lặng lẽ rơi xuống, lặng lẽ tan vào lòng suối mềm mại.
Hình như suối không biết buồn là gì. Suối vô tư đùa nghịch với những tảng đá bám xanh rêu cũ, cuốn những cánh hoa ban và mấy chiếc lá vàng lượn lờ theo điệu ngân róc rách. Tuyền thấy gương mặt mình loang loáng hằn trên mặt suối nom rất tội nghiệp. Không một ai trong bản thích chơi với Tuyền. Bởi nhà Tuyền giàu có nhất vùng này.
Người ta thêu dệt, cha Tuyền là ma cà rồng có chiếc vòi dài ngoằng hút hết của cải của dân bản. Cha không phải ma cà rồng. Cha là người bình thường! Đã bao lần, Tuyền muốn hét lên cho núi rừng nghe thấy tiếng lòng của Tuyền, cồn cào, khắc khoải. Nhưng rồi, có cái gì đó dâng lên, mắc nghẹn nơi cổ họng. Tuyền úp mặt vào suối, thầm khóc.
Tiếng bước chân của trai gái trong bản khuất xa dần. Con suối đang rộn rã tiếng bông đùa chợt im ắng và hoang vu đến rợn người. Vài cơn gió đùa lay tán ban êm êm và tiếng chim chuyền cành dìu dặt càng làm cho khung cảnh trở nên quạnh quẽ. Tuyền giặt chiếc váy sặc sỡ như cánh bướm đang chấp chới trong dòng nước mát, đầu chợt nghĩ ngợi miên man…
Nhà Tuyền có hai chị em. Chị gái Tuyền xuống phố học rồi lấy chồng dưới đó, không về. Cha mẹ Tuyền suốt ngày nghĩ chuyện mua trâu bò giá rẻ ở khắp các vùng về làm thịt khô gác bếp nhập cho thương lái miền xuôi. Bản này, món thịt khô treo lủng lẳng trên cái gác bếp ám đen bồ hóng thơm khói ấm chiều lam, nhà nào chẳng biết làm. Nhưng cha Tuyền được ông nội truyền dạy một bí kíp tẩm gia vị đặc biệt. Vì vậy, thịt khô cha Tuyền làm luôn được giá gấp rưỡi so với những người khác. Nhờ thế mà nhà Tuyền giàu lên nhanh chóng, tiền thu về nhiều như cánh ban mùa xuân.
Cũng từ đây, những cái miệng ác ý tô vẽ bao câu chuyện hoang đường về cha Tuyền. Cách làm đấy không ngăn được đôi tay cha hái tiền. Nhà Tuyền đã giàu càng giàu hơn. Cha mẹ mải kiếm tiền mà quên mất cô con gái nhỏ luôn cảm thấy lẻ loi trong căn nhà sàn thơm mùi gỗ pơ mu. Chị gái lấy chồng rồi, Tuyền lớn lên trong sự cô độc, bị bạn bè trong bản ì xèo xa lánh. Tuyền từng ước, giá mà nhà mình nghèo đi một chút…
*****
Biết chuyện con gái mang quần áo ra suối giặt, cha Tuyền cấm tiệt. Cha bảo, mấy năm rồi, thần Suối chưa bắt ai về làm người hầu. Tuyền chẳng dám trái lời cha. Cha rất thương chị em Tuyền. Nhưng những lằn roi thơ ấu còn hằn trong ký ức luôn nhắc nhớ Tuyền phải biết vâng lời. Từ ấy, Tuyền suốt ngày quanh quẩn trong nhà như bị giam lỏng nơi cấm cung. Khi buồn, Tuyền mang cuốn truyện tình yêu cổ tích chị gái gửi từ thành phố lên, ra ngồi bên hàng rào đá, say sưa đọc đi đọc lại. Những trang sách mở ra trước mắt Tuyền một thế giới rất đỗi ngọt ngào.
Chàng hoàng tử cưỡi bạch mã đến giải cứu cô công chúa bị phù thủy nhốt trong giọt nước mắt của mặt trời. Bình minh dẫn họ về một miền an yên. Họ sống hạnh phúc giữa ngôi nhà nhỏ gối đầu bên ngọn đồi mượt mà cỏ biếc hướng về chân trời dập dờn sóng biển cùng những đứa con kháu khỉnh, hồng hào. Tuyền ấp tay vào ngực, nhắm mắt và tưởng tượng.
Bỗng, có tiếng vó ngựa lộp cộp từ dưới dốc lên. Tuyền mở mắt ra. Một chàng thanh niên sở hữu gương mặt cương nghị và dáng vóc vạm vỡ trông na ná như chàng hoàng tử Tuyền hằng hình dung theo câu từ cuốn truyện miêu tả. Chàng không chìa tay ra để nắm lấy tay Tuyền mà dửng dưng phi ngựa giày nát thảm lá rải đầy trước cổng để lại một làn bụi vàng mù mịt rồi mất hút sau khúc cua ngõ vắng.
Tuyền biết mình không phải là công chúa. Tuyền chỉ là một cô gái vụng về. Một cô gái không biết ngồi vào khung cửi dệt vải; không biết đưa đường chỉ thêu thùa; không biết nấu một bữa ăn ngon; không biết múa khi sáo ngân mời gọi. Việc trong nhà đã có Viên, người giúp việc mẹ Tuyền thuê về, quán xuyến và lo liệu.
Viên thua Tuyền một tuổi. Nhà nó ở bản bên kia bờ suối. Mẹ Tuyền kể nhà Viên đông anh chị em lắm, những mười ba người cơ, nên nó phải đi ở để kiếm cái ăn. Viên như cô gái bị câm, suốt ngày lầm lũi, Tuyền hỏi thì trả lời, không thì cứ cắm đầu cắm cổ vào công việc. Khi thì xách xô cám cho lợn. Lúc thì xắt sắn phơi khô. Bàn chân Viên nứt nẻ, bè bè. Bàn tay Viên khoằm khoằm, thô kệch. Viên chỉ giỏi làm những việc nặng của đàn ông. Còn những việc cần đến sự tỉ mỉ, khéo tay, cũng như Tuyền, Viên luống cuống không làm được.
Mỗi chiều, khi đã nấu cơm xong, Viên thường bắc thang trèo lên đỉnh đống rơm chơi rồi đau đáu nhìn về phía bên kia bờ suối. Thấy vậy, Tuyền biết Viên đang nhớ nhà. Viên cũng cô độc như Tuyền thôi mà. Mủi lòng, Tuyền hỏi thăm nhưng Viên thường trả lời rất gượng gạo. Mẹ Viên dặn, đã làm người ở thì phải biết thân biết phận, biết dưới, biết trên. Thành thử, Viên chả dám nói chuyện với Tuyền. Sự ít nói và khó gần của Viên làm cho khoảng cách của nó và Tuyền càng thêm nới rộng.
Hội Hoa ban đã đến. Suối trong như róc rách reo mừng. Hoa ban lập lòe ẩn hiện trong sương sớm bàng bạc như dẫn dắt, mê dụ bước chân nam thanh, nữ tú bước tới con suối tình yêu mộng mơ, lãng mạn. Khi nắng mai chan hòa trải ánh vàng ấm áp lên từng cánh hoa ướt mềm, suối xa dần hiện ra trước mắt. Hai bên bờ, hoa ban giăng nở tưng bừng soi mình xuống mặt nước trong văn vắt. Và dòng suối lúc này trông như một tấm khăn thổ cẩm huyền hoặc, lung linh.
Bên bờ suối, nam thanh thổi sáo, nữ tú hòa điệu múa vui. Tiếng sáo anh ngân cao, điệu múa em thêm dẻo. Sáo hát gọi tình yêu nảy mầm. Tay múa cho tình yêu chớm nụ. Tuyền phải nài nỉ mãi, cha mới đồng ý cho Tuyền đi trẩy hội. Cha dặn Tuyền phải cẩn thận, không được thò chân vào dòng nước. Tuyền chọn cho mình bộ váy đẹp nhất, xúng xính ra bờ suối dự hội hoa. Tiếng sáo chen chúc tiếng chim. Tiếng cười đan vào tiếng gọi.
Tuyền muốn múa theo tiếng sáo trai bản nhưng những ngón tay cứ ngập ngừng, bối rối. Mọi người nhìn Tuyền cười mỉa mai. Tuyền xấu hổ quá. Tuyền chẳng có đôi, có cặp. Tuyền chỉ có một mình. Rồi khi nhìn người ta thơm lên má nhau nồng thắm, cảm thấy tủi thân, mắt Tuyền rớm nước cay cay. Tuyền bỏ chạy về nhà…
Khi Tuyền đang ngồi ủ dột nơi góc giường, Viên bê tới một cốc nước vối còn âm ấm. Lần đầu tiên kể từ ngày Viên đến ngôi nhà này, nó mở lời hỏi han Tuyền bằng một chất giọng trong trẻo:
- Chị Tuyền đi chơi Hội Hoa ban vui không?
Bất giác, Tuyền ôm choàng lấy Viên, nức nở:
- Chị buồn lắm, Viên ơi.
Viên vỗ vỗ nhẹ vào vai Tuyền rồi gỡ một cánh hoa ban vương trên tóc Tuyền, nói như reo lên:
- Một cánh hoa ban, chị Tuyền ơi!
Khum khum lòng bàn tay, Viên nâng niu cánh hoa màu trắng tinh khôi như nâng niu một chú chim non. Tuyền ngạc nhiên:
- Sao hoa lại ở trên tóc chị?
- Mẹ em bảo, nếu có cánh ban vô tình đậu lên tóc là dấu hiệu của việc người đó sắp tìm được người thương? Cánh ban đến từ đâu, chị sẽ gặp người thương ở đó.
- Thật ư? Ai mà thèm thương chị chứ?
*****
Tuyền đặt cánh hoa ban nhỏ nhắn dưới chiếc gối bông và thầm mơ về chàng trai cổ tích. Theo như lời Viên, lẽ nào, mình sẽ gặp người thương ở bờ suối? Thầm nghĩ vậy, lòng Tuyền lâng lâng khó tả. Hằng ngày, nhân lúc cha mẹ vắng nhà, Tuyền lại mang quần áo ra suối giặt.
Hội đã tàn nhưng mùa hoa ban hãy còn dài. Bản mới được một công ty dưới xuôi tài trợ vòi nhựa dẫn nước từ suối về từng hộ gia đình nên không còn cảnh trai gái vác ống bương ra đây lấy nước và đùa giỡn nữa. Suối trở về sự im ắng hoang sơ vốn dĩ. Tuyền trò chuyện với suối, với cây. Suối chỉ biết nói mỗi một từ róc rách. Còn cây thì xào xạc khôn nguôi. Chúng không biết thổi sáo làm Tuyền vui. Chúng không biết múa xòe cho Tuyền ngắm. Những cánh ban rơi xuống mặt nước buồn tan tác. Người thương Tuyền đang ở chốn nao?
Một chiều man mác hoa ban, từ phía bên kia bờ suối, có chàng thanh niên bản bên chợt cất tiếng hỏi:
- Giặt váy một mình mà không sợ bị thần Suối bắt về làm vợ à?
- Ai cũng ghét tôi mà. Thần Suối cũng vậy?
- Sao lại bị ghét.
- Vì tôi con nhà giàu.
- Những ngày rằm thì chớ ra suối một mình.
- Tại sao vậy?
- Bản tôi có mấy cô gái bị thần Suối bắt đúng ngày rằm đấy!
Lời nói của chàng trai rất nhẹ, nhẹ như một cánh ban ru êm trên mặt nước mà lòng Tuyền hơi chợn rợn. Chàng là Phánh, nhà ở bản bên. Có lẽ vì chẳng biết Tuyền là ai nên chàng mới chưa ghét Tuyền? Liệu rằng sau này, khi nghe những lời đồn thổi rằng cha Tuyền là con ma cà rồng, Phánh có nói chuyện với Tuyền nữa không? Sau một lát đắn đo,Tuyền đem câu chuyện ấy ra kể với Phánh, chàng bật cười:
- Tôi không tin có ma cà rồng đâu.
- Vậy Phánh thấy tôi thế nào?
- Tuyền đẹp như một áng hoa ban.
Hai gò má Tuyền chợt ửng lên hồng hồng. Tuyền vờ cúi mặt vắt nhẹ chiếc váy đang giặt dở trên tay. Những cánh hoa ban phía thượng nguồn kéo về từng đàn, rập rờn, mướt mịn. Gió không đủ ồn ào để ken vào khoảng lặng thẹn thùng của hai người sau câu nói hoa mĩ của Phánh. Tuyền thấy tâm hồn mình như đang trôi đi miên man…
*****
Họ gặp nhau bên con suối mỗi ngày. Phánh bên kia suối. Tuyền bên này suối. Con suối đong đầy. Con suối cách ngăn. Sự cách ngăn khiến cho câu chuyện của hai người thì càng thêm gần, thêm đượm. Phánh không có sắc vóc rắn rỏi, nét mặt phong sương như chàng hoàng tử cưỡi bạch mã Tuyền vẫn thường mường tượng.
Đã thế, Phánh không biết thổi sáo, cũng chẳng có sức khỏe để gánh vác những việc nặng của con trai. Nhưng Phánh có nụ cười lấp lánh và trái tim nồng nàn đủ sưởi ấm cho những tháng ngày ủy mị của Tuyền. Chị gái Tuyền trước khi trao cuốn truyện dày cộm cho Tuyền đã nhắn nhủ: “Truyện là truyện. Đời là đời”. Đến cả hoa ban còn có cánh đậm, cánh nhạt.
Tuyền đâu phải là nàng công chúa bị phù thủy nhốt trong giọt nước mắt của mặt trời. Bởi vậy, Tuyền chỉ cần một người bạn chân thành để tâm sự, sẻ chia. Những điều an nhiên và bình dị nhất, Tuyền luôn tìm thấy trong câu chuyện của Phánh.
Hình ảnh Phánh xuất hiện dày đặc trong những trang nhật ký thầm lén của Tuyền. Phánh là chàng trai đặc biệt. Chàng trai đảm đang biết giặt quần áo, thêu thùa và dệt vải. Có lần, Tuyền thắc mắc, nhà Phánh không có chị em gái hay sao mà Phánh lại làm những việc của con gái thế? Phánh mỉm cười, chậm rãi kể lại một câu chuyện dài.
Sau một chiều lên rừng đốn củi sẩy chân bị ngã xuống vực, chân tay Phánh đã không còn dẻo dai, linh hoạt như trước. Bố mẹ chàng nuôi một bầy em thơ nheo nhóc, cơm ăn chẳng no, áo mặc không ấm, thiếu thốn đủ bề. Nhìn cảnh bố mẹ nai lưng khuya sớm mà mình chỉ biết đứng nhìn một cách vô dụng, Phánh quyết tâm học những thứ công việc nhẹ nhàng để đỡ đần bố mẹ phần nào. Phánh bảo, làm gì cũng được, miễn sao là có ích cho đời.
Rõ ràng, Phánh là chàng trai có đôi tay của một thiếu nữ. Đôi tay dệt nên những chiếc váy rực rỡ sắc màu. Đôi tay thêu nên bao đường nét họa tiết hoa cỏ mảnh mai, mới mẻ. Bản bên gọi Phánh là thằng đàn bà. Con trai không thích Phánh vì chàng lập dị. Con gái ghen ghét Phánh vì dám khéo tay hơn tất thảy con gái bản làng. Nghe Phánh kể, Tuyền bùi ngùi:
- Tôi với anh, ai bị ghét nhiều hơn?
- Kệ họ đi, Tuyền à! Tôi quý Tuyền. Và Tuyền cũng không ghét tôi, đúng không?
Mỗi người một bờ suối và những câu chuyện cứ thủ thỉ vấn vít không dừng. Những câu chuyện đưa họ đến gần nhau hơn. Khi đã đủ thân thiết, Phánh tâm huyết dạy Tuyền cách may vá, thêu thùa. Ở bên này bờ suối, Tuyền bảo:
- Cái đầu tôi nó tối lắm. Anh đứng bên kia giải thích như thế tôi không hiểu được đâu.
Cuốn tấm vải nhỏ vào trong cái túi bóng, Phánh lội qua dòng suối, sang bờ bên với Tuyền. Con suối đã không thể ngăn cách hai người nữa. Tay Phánh e dè đặt lên tay Tuyền như hồi nhỏ cô giáo dạy Tuyền viết chữ. Những mũi kim run run không biết tại vì rét nàng Bân hay vì lý do nào khác. Tay Tuyền đang run hay tay Phánh đang run? Chẳng mấy chốc mà Tuyền đã biết thêu những họa tiết đơn giản như chiếc lá, hình tròn. Khi hai đứa hoàn thành bức thêu đơn giản thì ấy là lúc trái tim Tuyền bỗng dưng lỗi nhịp…
*
Đã đến lúc, Tuyền cần nhiều hơn ở Phánh sự sẻ chia. Tuyền đếm những trang nhật ký màu hồng. Họ đã quen nhau hơn một tháng rồi. Hình bóng Phánh không chỉ thấp thoáng trong cuốn nhật ký mà còn cồn cào trong trái tim Tuyền khi hai người xa cách. Cuối cùng thì cái điều Tuyền khát khao cũng đến. Buổi sáng hôm đó, ở bờ suối bên kia, Phánh mượn câu hát bóng gió bâng quơ:
- Hoa ban đã nở trắng đồi/ Em ơi, em đã có người thương chưa?
Đang mải miết giặt áo, Tuyền bỗng ngừng tay rồi ấp e đáp lại:
- Ban tàn, ban nở mấy mùa/ thầm thương nên đợi ban chưa bung cành.
Ngắt một bông ban lóng lánh sương mai, Phánh lội qua suối rồi cài lên mái tóc tơ óng mượt của Tuyền, giọng trầm ấm:
- Làm người yêu anh nhé, Tuyền?
Hoa ban đã đưa lối cho Tuyền gặp Phánh. Hoa ban đã dẫn đường cho Phánh bước qua cánh cửa trái tim Tuyền. Từ bữa ấy, hôm nào Phánh cũng lội qua suối với Tuyền, rồi vừa ngồi tựa lưng vào nhau dưới một gốc ban rạo rực đơm hoa, vừa vẽ nên một tương lai đẹp như cái kết câu chuyện cổ tích. Phánh nói đùa, sau này lấy nhau, Tuyền sẽ làm chồng để gánh vác những việc nặng nhọc, Phánh sẽ làm vợ để đảm đương những việc nhẹ nhàng.
Phánh còn hứa hẹn sẽ cố gắng dệt một chiếc váy thật đẹp để Tuyền mặc trong ngày cưới. Chiếc váy mà bao đêm Tuyền đã gặp trong những giấc mơ màu cánh hoa ban. Rồi họ sẽ dựng một ngôi nhà nhỏ trên đồi. Họ sẽ sinh những đứa con ú nú. Ngày ngày, Phánh dệt vải, Tuyền cuốc rẫy thả ngô, đàn con rồng rắn chạy quanh ríu rít nô đùa. Hóa ra, cổ tích cũng chẳng phải là điều gì đó quá xa vời…
*****
Người ta đồn thổi, Phánh yêu Tuyền chỉ vì nhà Tuyền giàu nứt đố đổ vách, còn nhà Phánh thì nghèo rớt mồng tơi. Tuyền luôn tin vào tình yêu của Phánh. Ngày qua ngày, Tuyền vẫn âm thầm đợi, đợi mãi, đợi hoài, nhưng chẳng hiểu tại sao, Phánh chưa chịu ngỏ lời cưới Tuyền?
Phánh từng ví vẻ đẹp dịu dàng của Tuyền giống như bông ban đẹp nhất của bản làng. Nhưng chàng đâu biết rằng, ban tàn rồi tới mùa xuân năm sau, ban sẽ lại nở. Còn tuổi xuân của Tuyền cứ lặng lẽ trôi đi thì làm sao có thể níu giữ? Những lần ngồi tựa lưng vào nhau, Tuyền chẳng biết phải mở lời với Phánh thế nào để thổ lộ tiếng lòng của mình cả. Thân con gái, chả nhẽ lại chủ động giục chuyện cưới xin?
Rồi Phánh bỏ Tuyền lại bên này bờ suối mà đột ngột biến mất không tăm hơi. Phải chăng, những lời đồn thổi ác ý kia đã xiên thẳng vào lòng tự trọng của Phánh? Suối vẫn chảy. Chim vẫn hót. Nhưng một ngày… Hai ngày…. Ba ngày trôi qua… Tuyền ngóng mãi mà chẳng gặp hình bóng người thương. Hay là sang bản bên tìm Phánh? Chắc gì người ta còn thương? Hay là Phánh gặp nạn? Những ý nghĩ lẫn lộn vào nhau bủa vây trong tâm trí Tuyền nóng rẫy như hòn than bén nhiệt.
Tuyền phải làm gì bây giờ? Bên kia bản vọng lại tiếng nhạc đám cưới rất khẽ. Tiếng nhạc xập xình, dồn dập khiến ruột gan Tuyền sôi lên. Con suối hẹp, hai bản sát nhau mà sao vời vợi quá chừng? Tay Tuyền tém váy, chợt sực nhớ hôm nay là ngày rằm. Theo phản xạ, Tuyền thu chân lại, chần chừ nhìn dòng suối. Đằng nào cũng chẳng ai thèm lấy mình, thần Suối muốn bắt thì cứ bắt, Tuyền lẩm nhẩm. Và Tuyền ào vào suối…
***
Nhà ai đó, người người chen chúc như trẩy Hội Hoa ban. Tuyền núp bên một bụi cây dứa dại, nhìn vào. Đó là một đám cưới đặc biệt, cả cô dâu và chú rể đều trùm khăn đen kín đầu, tay cầm một sợi dây màu đỏ, nhúc nhắc từng bước. Cô dâu mặc chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ có những họa tiết hoa ban. Chiếc váy ấy, chiếc váy trong giấc mơ mà Tuyền từng miêu tả cho Phánh nghe. Sống lưng Tuyền lạnh toát. Lẽ nào?
Tuyền hoang mang chạy về phía bờ suối, bỏ lại sau lưng những giọt nước mắt mặn mòi. Phánh đã phản bội Tuyền? Suối vẫn róc rách tưng bừng và chuyên chở theo từng dòng ban bồng bềnh, huyền ảo. Nhưng đâu rồi hình bóng của Phánh? Kỉ niệm vừa mới hôm qua thôi mà giờ đây đã xa thật xa. Trưa trở gió. Những cánh ban tầm tã rụng như tuyết mùa xuân. Tuyền ngồi trên phiến đá lún phún rêu cũ, để mặc cho những cánh trắng buồn bã lã chã rơi rơi trên đôi vai mảnh dẻ. Mỗi một cánh hoa rệu rã lìa đời cũng giống như một mảnh ký ức vụn vỡ cứa vào tim Tuyền đau nhức. Mùa hoa ban đang dần khép lại. Tuyền ngước nhìn lên vòm cao, mấy bông ban nhợt nhạt như để tang cho tâm hồn héo hắt của Tuyền…
***
Sau mấy ngày xin nghỉ về thăm nhà, Viên trở lại giúp việc cho nhà Tuyền, mắt sưng húp. Tuyền khẽ hỏi:
- Mắt em bị làm sao thế này?
- Hôm qua em đi hái củi, bụi bay vào mắt, chị ạ.
- Em có chuyện gì giấu chị phải không? Em với anh Phánh là gì của nhau?
Trước đôi mắt nghiêm nghị và câu hỏi của Tuyền, Viên giật nảy mình. Nó nấc nghẹn thú nhận:
- Chị biết không? Anh Phánh là anh trai em. Anh bị mắc bệnh hiểm nghèo. Em đã lén mang bán chiếc váy anh thức trắng đêm đêm dệt để lấy tiền mua thuốc cho anh. Nhưng rồi, anh Phánh đã không qua khỏi…
Tuyền ngồi thụp xuống nền nhà, tay ôm ghì lấy ngực…
Những mất mát khiến Tuyền gầy sọp như ánh lửa lụi tàn. Cha Tuyền thuê người đào một cây ban lớn về trồng trước cổng để mỗi đợt cuối xuân, Tuyền không phải lẩn thẩn tìm ra bờ suối. Chẳng rõ cây ban ấy bao nhiêu tuổi, nhưng nó mang tính cách của một đứa trẻ. Năm vui tính, nó đua nhau trổ hoa chi chít. Năm đỏng đảnh, nó điểm xuyết vài bông le lói rồi im bặt. Mùa xuân năm nay, Tuyền hồi hộp đợi mãi mà cây ban chẳng chịu ra hoa. Tuyền rất đồng cảm với cây ban. Có thể, cũng như Tuyền, nó cô đơn quá nên quên cả tiếng gọi mùa xuân.
Tuyền bước qua tuổi đôi mươi, cha mẹ giục chuyện lấy chồng, Tuyền nhỏ nhẹ đáp: “Con chỉ lấy người mình yêu”. Viên bảo rằng, nếu Tuyền không lấy chồng thì cả đời này, nó nguyện sẽ thay Phánh chăm sóc cho Tuyền. Tuyền biết, Viên cũng đã thầm thương một chàng trai kể từ ngày nó lén lấy cuốn truyện tình yêu cổ tích của Tuyền đọc trộm và ngắt một bông ban cài lên tóc làm duyên khi tiếng vó ngựa dưới dốc vang lên lộc cộc. Chỉ vào cặp chim tà vặt đậu trên cành ban, Tuyền dịu dàng nói:
- Chị muốn em hạnh phúc như đôi chim kia!
- Em…
Lũ chim cũng đang yêu nhau. Mỗi sớm, chúng thường cất tiếng hót thanh thanh trên cây ban gầy cỗi chỉ có lá xanh. Tuyền ngắm nhìn cặp mỏ màu đỏ của chúng đang rỉa lông cho nhau rồi chẳng hiểu sao những ngón tay lại nắn nót thêu lên chiếc khăn hình đôi uyên ương bay trên nền hoa ban trắng nhưng nhức. Nếu Phánh còn sống, hẳn anh sẽ phải dành lời ngợi khen cho bức thêu này. Nếu Phánh còn sống…
***
- Cháu đã thầm yêu con gái bác ngay từ lần gặp đầu tiên…
Cha Tuyền hồ hởi gọi Tuyền ra rót nước mời khách. Là chàng trai năm xưa Tuyền đã gặp khi ngồi đọc sách. Chàng trai cưỡi ngựa sở hữu gương mặt cương nghị và dáng vóc vạm vỡ. Chàng trai nhìn Tuyền rồi quay sang cha Tuyền, dõng dạc hỏi:
- Cô ấy lại đi hái rau rừng ạ bác?
- Đây, con gái tôi đây - Cha chỉ vào Tuyền, giới Thiệu.
Chàng trai tả lại dáng hình cô gái anh đang nói tới. Hiểu ra câu chuyện, Tuyền dịu giọng giải thích:
- Cô ấy là Viên, em tôi. Để tôi gọi nó ra cho anh.
Nghe tiếng gọi của Tuyền, Viên khúm núm bước ra. Những ngón chân bè bè của Viên còn dính đầy bùn đất. Gương mặt chàng trai bỗng sáng lên như bông ban gặp nắng. Có những điều gì man mác vỡ ra trong chàng trai, trong Tuyền, trong Viên và cả trong cha Tuyền nữa… Ngay lúc ấy, Tuyền đưa mắt nhìn ra cây ban. Đôi chim tà vặt lại đón chào ngày mới bằng tiếng hót rộn vui. Tuyền cười hiền:
- Thế nào, em đã muốn lấy chồng chưa?
- Em… Em… - Viên ngập ngừng, rồi nước mắt bật ra - Em sợ chị buồn.
Tuyền vuốt nhẹ lưng Viên, vỗ về:
- Chị tự lo được cho mình. Em yên tâm!
Ngoài cổng, tiếng con ngựa trắng hí vang làm cây ban nhà Tuyền giật mình, bừng thắp một bông hoa rạng rỡ. Bông hoa muộn màng nhưng không đơn độc…
Phan Đức