Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Hương cau

Hương cau 1
Hương cau thoang thoảng mà thơm ngát,
Ôi tấm tình quê quá mặn nồng...
Tìm trong gió mát hương mùi cũ,
Se sắt len về trong gió Đông !!

Nhành cây khô quắt nồng hương cũ,
Chong mắt nhìn lên trên khoảng không...
Tìm ngọn cau già trong nắng gió ?
Đâu làn hương cũ qua thoảng qua song !!
NM

Hương cau

 “Cau là biểu tượng của làng quê. Người trồng cau là người giữ hồn quê”. Câu nói của nội tôi khi trồng cây cau trước nhà tôi ngày ấy như đã chạm khắc vào óc tôi để tôi nhớ mãi.
Thế giới thần tiên của tôi ngày ấy là ngôi nhà nhỏ và vuông sân có cây cau nội trồng bên mép. Nội thường bế tôi lại bên cây cau, nói: “Cháu ông mau lớn, đứng thẳng người như cây cau, học giỏi để đem lại tiếng thơm cho ông”. Tôi ngây thơ hỏi: “Vậy cau có đem lại tiếng thơm cho nội không?”. Nội cười: “Có. Khi cau ra hoa sẽ đem lại hương thơm cho nội, cho cu Bảo, cho cả cha mẹ nữa”.
Khi tôi đã đi học thì thỉnh thoảng vào những đêm trăng hay những buổi bình minh nội chỉ cho tôi biết ngắm vẻ đẹp của ngọn cau in trên nền trời. “Vẻ đẹp của thiên nhiên luôn khơi dậy, nuôi dưỡng tâm hồn con người sự cảm thụ và sáng tạo. Ta không có điều kiện để đi đây đó thưởng ngoạn thì hãy bằng lòng với vẻ đẹp mà ta phát hiện ở quanh ta. Người biết tìm kiếm hay biết tự tạo ra vẻ đẹp là người có lòng nhân. Cháu nên ghi nhớ”. 
Vào một buổi sáng thức dậy sớm để tập thể dục, tôi ngạc nhiên bởi một mùi hương luênh loang khắp không gian. Tôi có ý kiếm tìm thì nghe nội nói: “Cau đã đem lại hương thơm cho ông, cho cháu đấy!”. Tôi nhìn lên ngọn cau. Một buồng hoa cau với những nhánh mang hình rong sụn, mút đầu mỗi nhánh là một hoa cau bé tí tỏa mùi hương mà tôi kiếm tìm… Từ đó, hương cau thấm đẫm hồn tôi. Tôi và cây cau lớn lên trong tình thương yêu và chăm sóc của nội. Khi có dịp đi đâu xa vài ngày thì cây cau nội trồng là một trong những nỗi nhớ về nhà.  
Khi tôi trúng tuyển vào bộ đội, có phải là người đa cảm chăng mà nỗi nhớ về hương cau ở nhà cứ day dứt mãi trong tôi. Mỗi lần về phép tôi đều leo lên ngọn cau để “làm cỏ” và ngắt vài hoa cau bỏ vào túi ni-lông mang về đơn vị. Và chính sự lãng mạn này đã giúp tôi cưới về cho nội một cô cháu dâu xinh đẹp. Quả vậy, một lần về phép thì có cô bạn hàng xóm đến nhà, thay vì đem túi hoa cau về đơn vị thì xui khiến thế nào tôi lại tặng cho cô bạn: “Tặng bạn. Hoa cau của lính đấy”… Xuất ngũ tôi về lại nhà và trẩy buồng cau từ cây cau nội trồng để tôi và cô bạn hàng xóm nên duyên chồng vợ. Hương cau không những cho tôi tinh thần sảng khoái mỗi sớm mai thức dậy mà còn cho tôi hạnh phúc. Cau với người gần gũi xiết bao.
* 
Bước vào tháng Chạp năm ấy, quê tôi nhộn nhịp khác thường. Xã tôi sắp được thắp sáng bởi lưới điện quốc gia. Những hộ dân ven đường có đường dây điện đi qua được vân động phải đốn bỏ hoặc chặt ngang thân các loại cây nằm trong hành lang bảo vệ. Cây cau nội trồng mang bản án treo lơ lửng… 
Những ngày ấy nội tôi buồn hẳn, ít nói và hay cáu gắt. Tôi cũng buồn lây với nội. Dù sao cây cau cũng ghi dấu trong tôi nhiều kỷ niệm. Trí tưởng tượng của tôi vẽ nên những đường dây điện thế cho ngọn cau cao vút thì có gì đẹp? Nhưng kinh tế phát triển, đòi hỏi hưởng thụ của con người cũng phải phù hợp với thời đại nên đôi khi phải hy sinh những lợi ích tinh thần để đổi lấy những lợi ích vật chất cần thiết. Tuy rằng khó có thể nói cái nào cần thiết hơn cái nào.
Nhưng cuối cùng thì ông cháu tôi chỉ lo hão. Đường dây điện ở về phía bên kia đường. Cây cau nội trồng vẫn khoe mình trong không gian để tỏa hương thơm mỗi lần hoa nở. Nội vui vô cùng. Nội thường ra đứng bên cây cau, ngửa mặt nhìn lên ngọn, bàn tay nhăn nheo vỗ vỗ vào thân cau, nói: “Thoát nạn rồi nghen cau!”. 
Tối hôm đó, người dân quê tôi hồi hộp đón chờ sự kiện trọng đại. Chúng tôi có cảm nhận thời gian trôi qua quá chậm… Bỗng màn đêm bừng sáng. Tiếng reo mừng vang dội. Ôi…! Quê tôi lịch sử đã mở sang trang! 
Trong ánh điện sáng choang mà nội khóc. Nước mắt người già không nhiều, chỉ lưng chừng gò má. Gia đình tôi ngạc nhiên tụ lại chung quanh nội thì nội lại cười, nói: “Mừng quá nên khóc ấy mà. Sống trên đất quê gần tám mươi năm bây giờ mới thấy ánh điện sáng trưng trong nhà mình”. Nội xoa tóc tôi như ngày tôi còn bé “Đời cháu rồi sẽ hết tăm tối như ông với cha cháu”. “Vậy mà cha…”. Cha tôi im bặt bởi cái níu tay của mẹ. Niềm vui đang dâng trào bỗng chùng xuống trong giây lát. Tôi nhìn bóng điện sáng choang miên man nghĩ rồi mai đây biết có còn ai nhớ đến ngọn đèn dầu tù mù một thời chưa xa?
*
Đường giao thông quê tôi được nâng cấp, đổ bê-tông. Những con đường mở rộng về phía không có trụ điện. Sân nhà tôi cũng bị lấn vào ba mét theo yêu cầu chung. Vậy là cây cau nội trồng không còn đất sống!
Dọc theo bìa đường, những hộ dân đã tự nguyện đốn hạ các loại cây để kịp tiến độ thi công, còn cây cau nhà tôi thì vẫn khoe mình trong nắng gió. Người ta chưa vội thúc chặt bởi chỉ vài nhát rựa là xong. Họ đâu biết trong gia đình tôi đang có trận bão ngầm. Từ kinh nghiệm lần trước, bây giờ cha mẹ tôi không đá động gì đến việc đốn hạ cây cau, chủ ý để nội nhìn những gia đình khác rồi tự quyết định. Mẹ tôi nói với cha: “Hạ cây cau thì anh và thằng Bảo không được nhúng tay vào. Vác rựa chặt cau là chặt vào lòng cha đó. Cứ để người khác làm cha đỡ đau lòng”. Mẹ tưởng nội ngủ, không nghe. Nhưng người già mắt ngủ mà tai vẫn thức. Nội nói: “Cha cảm ơn các con đã biết nghĩ đến cha. Quả thật cha không đành lòng nhìn con cháu mình đốn hạ cây cau. Thôi để anh em người ta làm vậy… Sao hương cau mùa này thơm quá!...”.
Nội nói vậy nhưng nội vẫn buồn đến lạ, cứ nằm trên ghế bố chong mắt nhìn lên ngọn cau đung đưa trong nắng gió. Nội vốn ít ngủ, bây giờ thì nội thức hẳn. Mỗi đêm vài lần, nội lấy đèn pin rọi lên ngọn cau. Nội kiểm tra sự tồn tại của ngọn cau hay gởi gắm một điều gì?
Tôi thương nội đến thắt lòng. Tự hỏi với một cái cây mà nội còn như vậy thì với con người nội yêu quý biết bao... Tôi tự thấy tình cảm của tôi giống nội, và cả cha tôi nữa, cũng truyền từ trái tim nội. Nhưng cha tôi rồi đến tôi, trẻ hơn, nhịp sống hối hả ồn ã hơn, nếu có giây phút nào đó xao lòng thì cũng thoáng qua mau. Chúng tôi đã chịu ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn đến tận cùng ngõ ngách của đời sống tình cảm. Ôi cái thời buổi kinh tế thị trường! Người quê biết mình như những quân cờ gõ chan chát vào nhau trong cuộc đấu bi hài mà không thể thoát ra.
* 
Mai là ngày cây cau bị đốn hạ. Gia đình tôi lo cho nội muốn đưa nội đi thăm bà con ít ngày với dụng ý để nội khỏi nhìn thấy. Nhưng con cháu không qua được người già trong nhà. Nội biết hết. Nội không nghe thấy bằng tai mắt mà bằng kinh nghiệm. Nội nói: “Các con khỏi cần phải khéo bày như thế. Cha còn sống nhiều năm nữa để đi thăm bà con, để thấy quê mình đổi mới hơn xưa… Phải chia xa với những gì thân thiết thật đau lòng. Nhưng chúng ta cũng phải biết hy sinh cho cuộc đời được tốt đẹp, ý nghĩa hơn… Cây cau tự tay cha trồng thì cha muốn được thấy nó chết như thế nào. Các con khỏi phải lo cho cha”. Thật bất ngờ! Cả gia đình tôi cứ nhìn nội nghi ngại…   
Cây cau được anh em làm đường đốn hạ. Thân cau để xẻ rui mè, tàu cau phơi khô bó chổi, buồng hoa cau được nội đem cất trong nhà. Suốt quá trình đốn hạ cây cau, nội đứng nhìn và chỉ bảo mọi người rất bình thường. Nhưng tôi thấy giọng nói rành rọt, cử chỉ dứt khoát, lời nói gãy gọn của nội khác thường ngày. Không biết mọi người có để ý như tôi? 
Cảnh quan trước nhà tôi đã thay đổi bởi mặt đường đổ bê-tông rộng rãi. Quê hương trong tôi được bổ sung một công trình hiện đại do bàn tay con người tạo nên. Khi con đường được thi công, mươi lần nội ra đứng xem, góp chuyện với mọi người về lợi ích mà con đường sẽ mang lại. Còn thì hàng ngày nội nằm trên ghể bố, chong mắt nhìn lên khoảng không trước đây có ngọn cau đung đưa trong nắng gió, tay cầm nhành hoa cau khô quắt đưa lên mũi như kiếm tìm một làn hương…
 Phụng Tú

Mẹ vườn cau,
Tình mẹ vườn cau sao thẳm sâu,
Thương con chiến đấu giữa gian lao...
Con về đi dưới hàng cau cũ,
Thương dáng mẹ còng bên dáng cau !
NM 
 
Người mẹ vườn cau
Đề bài làm văn chỉ hai chữ "Người mẹ". Cô Hương bảo "Bình luận, chứng minh, hay miêu tả cách nào cũng được". Tôi cắn bút, nghĩ mãi bắt đầu như thế nào nhỉ?
Ba tôi có rất nhiều mẹ, tôi cũng có lắm bà Nội ở nhà cùng chú út. Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau, Nội nào cũng già như nhau. Tôi nhớ khi còn nhỏ, ba dẫn về thăm Nội vườn cau. Hôm đó, mưa nhiều, con đường từ dưới bến lên nhà, đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oàng oạch. Nhà Nội nhỏ xíu, mái lá đột tong tong. Đón ba, Nội gầy gò, cười phô cả lợi.
- Má tưởng con không về được, mưa gió tối trời vầy khéo cảm.
Bà vuốt đầu tôi.
- Tiên tổ mầy, sao mà giống cha quá vậy?
Hôm ấy bà giỗ chú Sơn. Trên cái bàn thờ con con thấp lè tè kia đến ba chiếc lư đồng, cái nào cũng nghi ngút khói. Bữa giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng. Chưa bao giờ tôi được ăn lại nghe ngon như thế. Ba gắp thức ăn cho bà, bà gắp thức ăn cho tôi, đôn hậu bảo.
- Ăn cho mau lớn, con.
Tạnh mưa, mọi người lục đục đến, họ kéo gàu xối ào ào ngoài hiên nước. Ai cũng gọi nội bằng Má, "Má Tư". "Má Tư" ơi ới. Tôi hỏi:
- Ba ơi, sao nội đông con quá vậy?
Ba cười bảo:
- Tối, ba kể con nghe.
Một chú quần vo tới gối, tay cầm lồng vỗ vai ba cười ha hả.
- Tao biết chú mày về nên đem thịt rắn qua đây, tụi mình lai rai.
Rồi chú quay lại:
- Má ơi, cho tụi con vui một bữa với thằng Sơn nghen.
Bà Nội quấn lại cái khăn sờn lên tóc.
- Rồi vợ mày chạy lại méc má cho mầy coi.
Nội ôm tôi vào lòng, ngồi trên võng bố đưa kèn kẹt. Các chú thỉnh thoảng lại cười vang. Nội cũng cười, trông Nội vui lắm, cái vui như thức dậy sau đêm dài vươn mình ngắm bình minh. Ba tôi cùng các chú nói chuyện huyên thuyên, toàn là chuyện ngày xưa. Chú Biểu quần vo tới gối, uống rượu tòn tọt, cười khà:
- Tưởng đâu lũ mày quên Má, quên hết tụi tao.
Ba tôi lúc lắc đầu, ông rót ba ly rượu cúng trên bàn thờ quay lại hỏi:
- Bát hương em Châu, bên chồng rước về hở má?
- Ừ, bên nhà sui bảo, cho chúng nó có đôi.
Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non. Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc Nội cũng trắng phau phau, bà nắm tay tôi, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc. Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho tôi ngủ, giường lạ ngủ không được. Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng. Tôi hơi bất ngờ, lẽ ra anh hùng phải là cao to, đẹp khỏe chứ!
- Vậy Nội có súng không ba?
- Nội bán ve chai.
- Bán ve chai cũng là anh hùng hở ba?
- Ừ Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba, Nội mang thức ăn, tin tức.
Ba vuốt đầu tôi, cái tay nặng chịch.
- Giá mà các chú ấy còn sống, bây giờ Nội đã có cháu, đâu phải sống một mình.
Tôi nghe gai gai người, nhớ cái dáng còm cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua nheo nheo. Trông ra ngoài, thấy bóng còng còn in trên vách, tôi nhổm dậy, "con ra ngủ với bà nghe ba".
Ba tôi chuyển công tác lên tỉnh, nhà tôi dọn về phố khác. Mẹ nhắc ba:
- Lâu rồi, anh không về thăm má "vườn cau".
- Ôi dào, má ở dưới, mấy anh dưới lo.
Một hôm, chú Biểu đến nhà, chú mang theo xâu ếch dài thiệt dài, bỗ bã:
- Cái này má gởi cho mày, má biểu phải đem đến tận nhà. Mấy giổ mày không về, má nhớ mày lắm
Sáng hôm qua má còn khoe vừa gặp mày trên vô tuyến.
Rồi chú lắc đầu:
- Lũ mày bạc làm sao đâu.
Tối đó mưa xập xoài rả rích, ba tôi chong đèn ngồi rít thuốc, mẹ hỏi, ba bảo - "Uống rượu, ngủ không được"
Món thịt ếch đầu mùa lịm trong lưỡi làm ba đau nhói. Ba rủ tôi.
- Mai về Nội vườn cau, con ha?
Chẳng biết chốn ấy còn chín lừ quả ngọt, hương cau còn nồng nàn trắng xoá một góc trời, tóc Nội chắc bạc nhiều hơn. Lúc tôi về, thế nào bà cũng giúi cho tôi nhiều quả chín mang về biếu mẹ, xâu ếch biếu ba. Thứ thức ăn mà không có hương vị cao lương nào thay thế được, dù bây giờ ba tôi xuống ngựa lên xe.
Bài văn được 4 điểm, lời phê cũng ngắn gọn như đề bài, "nghèo ý" tôi viết "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc". Bọn con Hải, Lam chọc ghẹo mãi, tôi chống chê - "làm sao viết về mẹ bằng mấy dòng được, phải không? 
 Nguyễn Ngọc Tư

Hương cau 2
Nồng nàn nở rộ hương cau,
Chênh vênh khí khái vươn bầu trời xanh...
Dịu dàng sương sớm long lanh,
Mùi hương vương vất trăng thanh đượm buồn !
NM

Vườn cau quê ngoại…

Đi lâu con đã nhớ nhà
Nhớ cơn gió thoảng
là là hương cau…

 (Trần Vạn Giã)
Mẹ sớm góa bụa, đem con về nương náu với ngoại. Tuổi thơ tôi gắn bó nhiều cùng quê ngoại. Kí ức trong tôi về ngôi nhà cũ của ngoại dưới quê luôn thấp thoáng bóng vườn cau trước cửa. Cau do chính tay ngoại trồng, đứng hàng thẳng tắp như duyệt binh, như tấm bình phong án ngữ trước nhà, tạo thành cái thế phong thủy trước cau sau chuối giữ yên lành cho ngôi nhà ngói cổ năm gian, cho các thế hệ cháu con nối tiếp sinh ra và lớn lên dưới mái nhà của ngoại. Trời sinh dáng dấp những cây cau thật kì lạ. Cùng họ với dừa; nhưng cây dừa có thể “nghiêng nghiêng soi bóng” còn cau thì không! Nhỏ có bẻ vẹo thì lớn lên cau vẫn cứ vươn mình thẳng tắp, trực chỉ trời xanh. Chênh vênh cạnh bờ ao, bờ hồ, cau vẫn cứ luôn thẳng tắp. Thế đứng khí khái, hiên ngang như người thẳng ngay không chịu vào luồn ra cúi; nhẫn nại, nghiêm trang như người lính đứng trong hàng ngũ, toàn ý toàn tâm cho việc giữ yên bờ cõi nước nhà. Nghiêm trang, vậy nhưng không cứng nhắc, dáng cau dịu dàng nhờ chiếc thân mảnh mai cao vọi, nhờ tán lá rủ mềm hệt chòm tóc xanh xùm xòa….
Ngày nhỏ tôi mê leo cau. Thân cau nhỏ, vừa vòng ôm với trẻ con. Đốt thân ngắn, đều đặn, dễ dàng cho tay đu chân bám. Bắt chước người lớn tay ôm chân đạp, cứ vậy phong phóc trèo lên; mệt thì từ từ tụt xuống nghỉ lấy hơi. Nhẫn nại ngày qua ngày rồi cũng đến lúc đủ sức leo một hơi thẳng tới đọt cau mà không cần nghỉ! Sung sướng hệt như người leo núi chinh phục được đỉnh. Vậy nhưng chỉ dám reo thầm, cho kẹo cũng không dám công bố “chiến tích”. Hồi đó, mẹ mà nghe được chỉ có… chết đòn! Mỗi bận cau trổ buồng nhiều, đến cữ, ngoại lại kêu người buôn cau vào bán. Cây cau “bán đứng”, tức ngã giá xong, người mua tự leo bẻ buồng; người bán chỉ đứng coi và đếm. Nhìn những người mua cau thoăn thoắt trèo lên đọt cau, nhún mình “bay” từ ngọn cau này sang ngọn cau khác, thú thật, tôi khoái mê tơi. Tôi ước chi mai mốt lớn lên mình cũng làm nghề… buôn cau, có dịp thi thố “ngón nghề” trèo cau vừa học lén xong cho đã! Chao ôi là dễ thương cái ngây ngô của tuổi thơ; cái ngây ngô sẽ không bao giờ còn cơ may tìm lại, bởi ấu thơ ai cũng chỉ có một thời…
Đất lành, cau liên tục trổ buồng, quanh năm kết trái. Ngoại bán phần lớn, còn dành lại ít, bổ lấy ruột phơi khô để ăn trầu. Mùa hè, những chiếc mo cau được mẹ cắt, ép, phơi khô làm quạt mát. Bà dùng mo cau tươi gói cơm dỡ ra đồng cho ông những hôm ông lỡ buổi cày bừa. Chiếc mo sạch sẽ trắng tinh, thoang thoảng mùi hương cây hương lá khiến vắt cơm dỡ dường thơm ngon hơn. Chẳng vậy mà tôi luôn nằng nặc đòi theo ra đồng để được cùng ông “ăn cơm dỡ”. Mẹ mắng, nhưng ông thì chiều: Kệ nó đi, con nít ăn hết mấy hột mà lo… Tàu cau khô rụng, mẹ lượm, đem bó thành chiếc chổi cau  xinh xinh dùng quét sân, quét ngõ. Nhiều hơn thì làm củi đốt. Quanh năm không cần chăm bón, tưới tắm vườn cau vẫn nhẫn nại cho trái, cho mo, cho củi đốt đều đều…
Vậy nhưng, cái ám ảnh nhất với tôi nơi vườn cau quê ngoại chính là hương. Nồng nàn hương mỗi độ xuân hè hoa cau nở rộ. Đẫm hương mỗi sáng tinh mơ cũng như mỗi hoàng hôn buông xuống. Hương vương nhẹ cả ngày dài trong từng sợi nắng hè gay gắt. Và đêm xuống, trăng lên, dường như ánh trăng xanh cũng ngọt lịm hương cau. Tinh tế, chừng mực, bí ẩn là hương cau. Một buồng hoa cau nở đã đủ nghe thoang thoảng mùi hương; nhưng cả một vườn hoa cau đua nở – dẫu cho có nồng nàn hơn thì vẫn cái nồng nàn dịu nhẹ, thanh lịch, kềm chế, không “gây sốc” giác quan người! Những đêm hè ấu thơ nằm ôm ngoại trên chiếc chõng tre đặt mé sân, ngửa người ngắm ánh trăng xanh, nghe hương cau dịu thoảng, len theo từng hơi gió nhẹ – và thiếp đi trong lời kể chuyện trầm trầm hay tiếng hát ru đằm thắm – đã âm thầm nuôi lớn hồn tôi để mai sau dù có đi đâu về đâu tôi vẫn không quên vườn cau quê ngoại, khôn nguôi nỗi ám ảnh một đời ngan ngát hương cau…
Y Nguyên 



Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chim chuyền nhành ớt

MV Bỏ Quê

TIẾNG HÁT CHIM ĐA ĐA

 Cảnh quê
Chim chuyền nhành ớt rảnh rang,
Khắp nơi chim lại kéo đàn về đây...
Thương quê nhớ cảnh đắp xây,
Sông kia rày đã lên đồng mất tăm !
Tìm chi cảnh cũ xa xăm,
Hương đồng cỏ nội âm thầm nơi đây
NM
CHIM CHUYỀN NHÀNH ỚT
Mấy hôm nay ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa hoài. Những cơn mưa rỉ rả bó chân bó cẳng, rầu thúi ruột. Cuối tuần không cà phê, cà pháo, không karaoke hát hò, ngồi chầu hẩu ở nhà, buồn tình tôi đeo bao tay, xách dao ra sau vườn mần cỏ. Gọi vườn cho oai chứ thực sự chỉ là một khoảnh đất ngang 8, dài chỉ hơn 30 mét, trồng mấy cây ăn trái, mấy cây bông, vài dây bầu, bí, mồng tơi, đậu rồng leo trên hàng rào… Như vậy cũng đã là quá cỡ so với cái thời ở tập thể trong căn phòng 4x4 mét, vuông vức không có cửa hậu, khoảng xanh cây lá chỉ có dây trầu bà thả tua dài tong teo trước hàng hiên. Hồi mới đi coi miếng đất nầy, tôi đã bị mê hoặc bởi cảnh vật chung quanh. Giữa trung tâm thành phố, hai đầu là đại lộ phố sá san sát, xe cộ ồn ào náo nhiệt lại có một con đường đất đỏ khá yên tĩnh với những khu vườn xanh cây trái, những hiên nhà vàng rực huỳnh anh, đỏ thắm tigôn, mướt xanh những rào dâm bụt… 
Lúc  mới dọn về, xung quanh ao vũng vườn tược người ta chưa phá, chưa lấp để xây nhà, chiều mưa, ếch nhái ễnh ương kêu quyềnh quang như ở quê. Chừng con lộ đá đỏ lên cấp thành đường nhựa, người ta đua nhau mua đất cất nhà, những mảng vườn xanh bị phá dần không gian yên tĩnh ngày càng thu hẹp. Ngay khoảng đất trống sau nhà tôi cũng nhiều người dòm dèm hỏi mua xây nhà trọ. Thành phố ngày càng phát triển, người từ các vùng quê nhập cư làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, nhất là từ khi trường cao đẳng của tỉnh được nâng cấp thành đại học, khu ký túc xá cũ bị phá bỏ để xây giảng đường, phòng lab, sinh viên túa ra tìm chỗ trọ, nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng. Vòng vòng khu tôi ở cũng đến cả chục dãy phòng trọ. Nguồn lợi từ việc cho thuê nhà cao và ổn định hơn huê lợi từ mận, dừa, mít, nhãn, hỏi sao người ta không đốn cây, triệt phá vườn.
Điển hình cho cảnh “sông kia rày đã lên đồng” là hàng xóm đối diện bên hông nhà tôi. Ngày tôi mới dọn về khu đất vuông vức bên ấy còn là vườn dừa với cái ao nuôi cá dập duềnh bèo. Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn một góc là nơi ấm áp ra vào của vợ chồng và hai đứa con. Cô gái lớn đã vào sư phạm mẫu giáo, còn cậu trai út đang học phổ thông. Ngoài huê lợi từ dừa, người cha quay kẹo bông gòn (thứ kẹo còn được con nít gọi trại đi là bóng gòn), rang bắp đẩy xe bán ở các trường mẫu giáo, tiểu học, ngày hai lượt sáng sớm trước khi học trò vào học và buổi chiều khi phụ huynh tới đón con về. Tôi hay ngó trộm lúc ông đẩy xe đi và về. Chiếc xe đạp lỉnh kỉnh với cái thùng sắt to tướng phía sau, đính những chiếc que treo lủng lẳng những bịt bóng gòn, bắp rang trắng đỏ hồng vàng… Ấn tượng nhất là cái bàn quay số làm tôi đôi lần phải đứng lại thèm thuồng được đặt bàn tay lên cái vòng quay dùng hết sức  xoay một cái rồi chờ đợi cây kim từ từ dừng lại đúng vị trí một con số nào đó. Tôi như sống lại niềm vui hồn nhiên thơ dại với những que cà rem ngắn dài tùy vào con số trúng thưởng. Trẻ con bây giờ tan học là có phụ huynh đứng đợi rước để chở đi học thêm đâu còn thời gian la cà mà quay số để được hồi hợp chờ trúng thưởng. Nên cái bàn quay của chú bóng gòn thường nằm im lìm. Bây giờ, con nít uống sữa Vinamilk, ăn bánh snack, hiếm hoi lắm mới vòi được ba mẹ mua cho bịt bắp rang, que bóng gòn. Vì thế nhiều hôm, từ cơ quan về muộn, tôi thấy chú với xe bóng gòn còn tha thẩn trong công viên. Có hôm trời mưa, tối mịt chú mới đẩy xe về nhà, mệt nhọc, ướt át . Cô con gái chạy ào ra mở cánh cổng tre ọp ẹp, còn cậu trai gầy nhom vòng ra sau đẩy phụ người cha chiếc xe cồng kềnh còn treo đầy những bịt bắp rang bóng gòn sũng ướt. Nhưng không đầy 5 phút sau, mâm cơm nghi ngút khói đã được dọn lên, chú Bóng gòn khô ráo tinh tươm quây quần bên vợ con trong buổi cơm xum hợp duy nhất trong ngày. Tôi hay đứng nép bên bờ rào um tùm, kiểng chân nhìn trộm qua bên đó. Đúng là cái cảnh “đầu tôm nấu với ruột bầu”! Sau đó khi thím Bóng gòn dọn dẹp bữa tối, trong căn phòng khách hẹp cậu con trai lau sạch cái bàn, ôm sách vở ra học bài. Cô chị gái mang giỏ len ngồi bên cửa sổ đan móc mớ đồ gia công, kiếm thêm thu nhập. Chú thím Bóng gòn sau một ngày bươn chải vì cuộc mưu sinh, ngã người thoải mái trên ghế bố xem tin tức, chương trình giải trí trên chiếc ti vi 14 in, thứ tài sản quý nhất trong nhà.
Những hình ảnh quen thuộc ấy giờ không còn nữa. Khoảng vườn xanh mát và cái ao đầy bông súng đã bị san lấp không còn mãi mai dấu tích. Một dãy nhà trọ san sát mọc lên, người ra kẻ vào tấp nập. Ngôi nhà cấp 4 ộp ẹp của chú thím Bóng đã được tôn tạo khang trang. Có thêm thu nhập từ khu nhà trọ, chú Bóng không phải quay bóng gòn, bắp rang bươn chải đi bán ở khắp các trường học nữa. Cái thùng quay để một góc bếp, buổi trưa yên ắng không còn nghe tiếng quay rào rào, mùi đường, mùi va ni, lá dứa, bắp rang thơm bát ngát. Chiếc xe đạp với cái thùng sắt phía sau xếp xó nơi hàng hiên. Trưa chiều, thím Bóng không còn ngồi vót nang tre, chẻ que, xâu những bịch bắp rang, bóng gòn đủ màu. Tôi thích cái cảnh vợ chồng con cái họ xúm xít, rộn rịp làm kẹo. Dù chỉ là những xâu bắp, xâu kẹo bóng, nhưng họ chuẩn bị rất công phu. Để có đủ màu xanh đỏ tím vàng bắt mắt, thím Bóng hái lá dứa, lá cẩm, đào nghệ, nạo gấc, những thứ rau củ có sẵn trong vườn nhà, trộn đường cho chú Bóng cho vô thùng quây thành bông. Cái thùng làm kẹo thô sơ hình tròn có trục xoay tạo sức nóng, giữa chiếc máy có một cái lỗ để bỏ đường vào. Từ những cục đường nhỏ có màu trắng, xanh, vàng, đỏ, chú Bóng cho vào trục giữa, và bật công tắc , những hôm cúp điện thì đạp chân vào chiếc bàn đạp bên dưới. Sức nóng tỏa ra làm cho đường tan chảy ra thành những sợi tơ mỏng, những sợi tơ trắng, xanh, đỏ kết lại thành những sợi tơ đường. Thím Bóng dùng cây que quay tròn cho lớp bông gòn ấy dính vào thành từng lớp và cho vào bao nilông. cột thun kín lại. Giá mỗi cây kẹo bông gòn công phu như vậy là 5 ngàn đồng. Coi như lấy công làm lời. Chịu khó cực một chút, mấy thứ này chủ yếu bán cho học trò, xài màu hóa chất, độc hại lắm. Thím Bóng giải thích với tôi, khi tôi thấy thím ngồi tỉ mẩn vò lá cẩm, lá dứa, mài nghệ. Tôi cảm phục cái tâm của chú thím, nghèo thì nghèo, nhưng không mưu lợi lộc bằng cách hại người khác, điều mà lắm kẻ giàu sang khác vẫn làm. Tôi hay mua ủng hộ chú thím những cây kẹo gòn vàng, xanh, tím, đỏ, như để chia sẻ điều tốt lành hiếm hoi còn sót lại trong cuộc sống vốn đầy rẩy lọc lừa.
Từ ngày phá vườn, xây nhà trọ, cảnh nhà chú Bóng cũng thay đổi hẳn. Từ tiền đặt cọc thuê nhà, chú thím trả dần nợ nần, rồi dành dụm, sắm sanh đồ đạc tiện nghi. Nhà được cơi thêm căn gác, cậu con trai giờ có một không gian riêng, không phải dùng bàn ăn để học bài. Cô con gái tối tối không còn gò lưng đan len gia công nữa. Tôi mừng cho gia đình chú  thím nhưng vẫn thấy nhớ tiếc cái cảnh quây quần, tất bật mưu sinh bên nhà chú thím ngày nào.
Làn sóng nhà trọ đã xóa sổ những mảng vườn xanh ở xóm tôi. Ngó đi ngó lại, chỉ còn vuông đất nhà tôi, cái vuông đất khiêm tốn lọt thỏm giữa vạt vườn mênh mông ngày nào, là không phải rơi vào cảnh “đổi thay”. Không phải  tôi giàu có đến nỗi để từ chối cơ hội kiếm ra đồng tiền, nhưng tôi thà sống chật vật một chút còn hơn chịu mất đi khoảng không gian nhỏ nhoi yên tĩnh của mình. Cái khoảng không gian tôi thỏa thích ươm trồng đủ các loại bông, cây trái từng có trong sân vườn nhà ngoại xưa. Bông điệp vàng tươi, bông trang đỏ thắm, ngoại hay hái chưng bàn phật, bàn thông thiên, trâm ổi đủ màu, mai chiếu thủy, nguyệt quế, ngâu vàng thơm ngan ngát vuông sân, cây mãng cầu trái tròn chín vàng ươm màu nắng, nhãn lông từng chùm sai lặt lìa thân thiết của tuổi thơ…
Không biết có phải do những mảng vườn xanh đã dần mất đi, nên chim chóc đổ dồn về nhà tôi. Chúng làm tổ líu ríu trên ngọn khế, trên cành ngâu cành nhãn. Sáng sớm, cả khu vườn ngập tràn tiếng hót. Chúng sà xuống khoảng sân mỗi khi tôi rải thóc, rồi chuyền từ cành này sang nhánh nọ, rộn ràng khắp khu vườn. Chúng dạn dĩ nhảy nhót, nghịch ngợm trên luống rau cải, vạt cỏ chỗ tôi ngồi, nơi tôi đứng cắt bớt những dây leo rậm rạp trên hàng rào, tỉa bớt những dây cúc dại mọc tràn lan. Mùa mưa, mồng tơi, sâm, mướp hương,  đeo đầy trên hàng rào, ra lá, đơm  trái tưng bừng. Thím Bóng hay cắp rỗ qua xin về nấu canh. Tôi bảo thím cứ tự tiện  mà hái, mấy dây mồng tơi, dây mướp này tôi xin từ vườn nhà thím, cả cây ớt hiểm cao gần đầu người, trái sai lặt lìa kia nữa. Thím Bóng kể giống ớt chim ỉa này chú mang từ dưới quê lên, hồi còn khó khăn, chỉ cần một nồi cơm nóng, tô canh mồng tơi nấu bột ngọt, dĩa nước mắm dầm ớt hiểm cay xè, cả nhà quây quần chan húp ngon lành, giờ thịt cá ê hề mà sao không ngon miệng chút nào. Trong cái chép miệng và tiếng thở dài khe khẽ của thím, tôi nghe như có gì man mác, nuối tiếc.
Dạo này, nhà bên đó vắng hẳn tiếng nói cười. Từ khi cô con gái lấy chồng, cậu con út thi rớt đại học, xin đi xuất khẩu lao động, chỉ còn hai ông bà già. Vườn tượt không còn, quanh quẩn ra vô, hết ăn ngủ, rồi dán mắt vô màn hình ti vi, riết rồi cũng đâm chán. Rãnh rỗi, ông bà lê la qua khu nhà trọ, nhưng mấy đứa sinh viên đi học, làm thêm suốt ngày, tối về tất bật lo nấu nướng, giặt giũ, ăn uống, học bài, ở không đâu mà chuyện trò với chú thím. Thành ra hễ thấy tôi ló mặt ra sau vườn là chú thím mon men qua lấy cớ xin mớ rau, trái ớt. Sợ làm phiền, chú thím kêu đừng mở cổng sau, chỉ đứng ngoài bờ rào chuyện trò. Chú khen cây mãn cầu dai, cây nhãn lông tôi trồng mới đó mà đã lớn bộn, sắp ra trái chiến, rồi chỉ dẫn cách vô phân, tỉa bớt cành sao cho nó ra nhiều trái. Thím nói đám lá lốt, lá cẩm rậm rạp quá nên cắt bớt nhánh già rồi cặm lại cho nó ra cành nhánh mới, bụi rau thơm khoái đất ẩm, trồng nơi  càng đọng nước nó càng tươi tốt. Hôm rằm qua xin bông điệp, bông trang về cúng phật, gặp tôi bên bờ rào, thím than. Hồi đó nghèo khổ muốn đổi đời, thấy người ta kinh doanh nhà trọ có tiền thì ham, bắt chước, giờ không còn chút đất trồng rau trồng củ, lại thấy buồn. Hồi đó chộn rộn lo miếng ăn, chạy gạo từng bữa ngày giờ sao qua mau mà nó vui. Giờ nhàn rỗi, ngày chỉ lo hai bữa cơm, thấy thời gian sao mà dài thõng thượt. Rồi thím thở dài dõi mắt qua dãy nhà trọ, nơi từng có ao bông súng tím ngát, hàng dừa xanh mát tán rì rào…
Tôi đi công tác nửa tháng trở về, tháng bảy mưa dầm, vườn sau nhà cành nhánh sum xuê, dây leo, cỏ mọc um tùm. Hửng nắng, vừa xách dao ra dọn ít cỏ, đã thấy thím Bóng chạy qua. Hổm rày trông cô về, qua xin ít xả, dứa, nghệ, lá cách về trồng. Tôi nói cần xài gì chú thím cứ qua mà lấy, trồng làm gì. Thím hồ hỡi khoe. Vợ chồng con gái tui về đây ở rồi, cô. Con nhỏ vừa sinh con đầu lòng, ở Sài Gòn mần bao nhiêu đổ vô tiền thuê nhà hết nên vợ chồng tui kêu tụi nó về. Chồng nó vừa đi làm hồ, rãnh rỗi thì phụ vợ chồng tôi bán kẹo bóng. Nghề này tuy không kiếm nhiều tiền nhưng cũng đủ sống qua ngày, miễn là chịu thương chịu khó. Thằng rễ còn trẻ, có sức đi được nhiều trường ở ngoại ô, sẽ bán được nhiều. Vợ chồng tôi sẽ làm hàng đi bán lại. Trước mắt phải gầy lại mấy đám nghệ, đám dứa…, thằng rễ đã  mua mấy cái chậu, đổ đầy đất. Tôi nói trong khi chờ mấy thứ rau củ thu hoạch được chú thím cứ qua bên tối lấy về mà làm, trước đây tôi cũng xin giống từ bên vườn chú thím mà. Thím Bóng cám ơn tôi rối rít.
Qua rằm, trời đã ngơi mưa. Mùa Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau đã khép lại. Hửng nắng, tôi thấy chú Bóng mang chiếc xe đạp xếp xó bấy lâu ra cùng cậu con rễ lau chùi, thím Bóng lại ngồi vót nan ngoài hiên. Ngó qua bờ rào nhà chú thím, đã thấy mồng tơi thập thò đeo bám. Mấy chậu lá lốt lá cẩm cũng bén đất xòe cành nhánh. Mai này, khi cây lá đâm chồi nảy tượt, khoảng sân nhà chú thím, chim chóc sẽ lại quay về. Những trưa hè, tiếng máy quay rào rào lại vang lên với bát ngát mùi bắp rang, mùi đường ngào gấc, lá dứa…Lẫn trong âm thanh chộn rộn, tất bật của cuộc mưu sinh có tiếng khóc trẻ thơ cùng lời ru vỗ về: Ấu ơ, chim chuyền nhành ớt líu lo. Mãng sầu cô bạn ốm o gầy mòn… 
Thu Trang

Cúng dường,
Con thành kính cúng dường bằng tâm Phật,
Quý gì hơn một quả ớt cay,
Dâng sư với tấm lòng ngay,
Hân hoan người nhận với đầy thiện tâm !
NM
Trái ớt cúng dường
Mỗi sáng Chủ Nhật, quý Sư ở tu viện Santi Forest Monastery thường chuẩn bị rời chùa, đi xuống phố hoặc vào làng khất thực. Gọi là “đi khất thực”, nhưng thực sự nên gọi là “đi gieo duyên” với quần chúng địa phương thì đúng hơn, cư dân nơi đây, họ là những người Úc thuần túy, Phật giáo đối với họ là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ, có thể họ chỉ nghe qua cái tên "Buddhism" mà không hề biết đó là gì?
Hình thức của một vị Sư Phật Giáo người Tây Phương, theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) với cái đầu cạo nhẵn, mình khoát tấm y màu vàng đất sét, đi chân trần, không giày dép gì cả, tay ôm một cái hộp tròn cở quả bí đỏ nhỏ có nắp đậy, họ im lặng đi hàng dọc, cách khoảng đều nhau, thanh thản từng bước chân trong chánh niệm. Khi đến một ngã rẽ, quý Sư chia làm hai toán, một toán đi vào khu cư dân, còn toán kia thì ra các dãy phố, quý Sư thường đứng lại ở các góc đường, hoặc trước cửa, cổng nhà các cư dân. Dân chúng nơi đây nhìn thấy quý Sư họ rất ngạc nhiên với nhiều thắc mắc:
- “Họ là những người nào vậy nhỉ? ” - “Họ đi đâu vậy? – và để làm gì? ”
Một vài người với phản ứng rất hợp lý là không tự tìm câu trả lời mà gọi điện thoại báo với cảnh sát, để đề phòng và cũng để nhờ cảnh sát đến tìm hiểu, hỏi xem “nhóm người kỳ lạ này là ai? Và họ muốn gì? “- Một số người khác thì muốn tự mình tìm hiểu, họ mở cửa ra chào theo bản tính thân thiện và lịch sự của người Úc – “Xin chào quý vị, chúng tôi có thể giúp gì cho quý vị đây? “
Những phản ứng này là một cơ hôi để quý Sư gieo chút duyên lành với người dân bản xứ, Quý Sư đã giải thích với cảnh sát và người dân địa phương:
- “Chúng tôi là những tu sĩ Phật Giáo, tu viện của chúng tôi mới được thành lập ở khu rừng gần đây, tên của tu viện chúng tôi là “Santi Forest Monastery", hôm nay chúng tôi đi khất thực, để mong được quý vị bố thí cho chúng tôi một ít thức ăn, truyền thống tu tập của chúng tôi là đi khất thực để độ nhật và ngỏ hầu được tiếp xúc, gieo duyên với quần chúng..
Với một tư thái trang nghiêm, gương mặt điềm tĩnh, thái độ an nhiên và với một chất liệu từ bi lan tỏa được biểu hiện trong ánh mắt, trong từng lời nói nhu hòa; Từng thắc mắc của cư dân, những câu hỏi của cảnh sát đã được quý Sư giải thích, và cũng từ đấy, hình ảnh của những nhà Sư Phật Giáo người Úc đi khất thực vào mỗi sáng chủ nhật ở Bundanoon (*) dần dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, họ chỉ cảm thấy không còn lo lắng nữa vì đã biết quý Sư là ai, ôm bình bát đứng trước nhà, trước shop của họ để làm gì, nhưng biết là biết vậy thôi, chứ ý niệm “cúng dường” vẫn là một điều gì còn quá xa lạ, quá bỡ ngỡ trong tập quán sinh hoạt của họ. Đó là chuyện cũng tự nhiên là như vậy thôi, về phần quý Sư thì vẫn cứ an nhiên tự tại, với lộ trình đi khất thực vào mỗi sáng Chủ Nhật hằng tuần.
Qua những tháng ngày mới đến đây để thành lập một lâm tu viện theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, với một nét văn hóa Phật giáo hoàn toàn xa lạ với cư dân địa phương, việc đi khất thực mỗi ngày là điều không thể thực hiện được, nhưng mỗi tuần một buổi sáng Chủ Nhật đi khất thực của quý Sư đã trở nên một sinh hoạt gần gủi thân quen, hình ảnh những nhà Sư, tay ôm bình bát, chậm rãi bước đều, và những nụ cười hiền hòa tỏa sáng, những lời giải thích ân cần…, dần dần, cư dân địa phương và những vùng phụ cận, đã bắt đầu hiểu được phần nào Phật giáo là gì! – Đức Phật là ai! … - Ngôi tu viện trong khu rừng yên vắng, bên cạnh những ngày Thiền tập của quý Sư nay đã có những buổi thuyết giảng về giáo Pháp Phật Đà và giảng dạy phương pháp thực hành Thiền tập cho mọi tầng lớp dân chúng quanh đây.
* * *
Chư Sư vừa đi khất thực trở về, nhóm cư sĩ chúng tôi phụ trách buổi ngọ trai hôm nay được quý Sư giao cho những chiếc bình bát, đem vào sớt bát để sửa soạn cho việc cúng dường buổi ăn trưa. Mở những chiếc bát của quý Sư vừa đi khất thực về, chúng tôi thật sự quá đỗi nghẹn ngào, có bát thì được một cái bánh Pie, có bát nhận được một trái Táo (apple), một chùm nho tươi một nhánh cần tây, và hầu hết mọi bát đều có nhận được chút ít cúng dường của cư dân thí chủ và… dĩ nhiên là không thể nào đủ dùng cho một buổi trưa, vì thế nhóm Phật Tử chúng tôi vẫn luân phiên đảm nhận việc nấu bếp, cúng dường buổi trưa cho quý Sư.
Đang lay hoay với những chiếc bình bát vừa được trút ra để ghi nhận những phẩm vật cúng dường của buổi khất thực hôm nay, bỗng Sư trụ trì tu viện bước xuống bếp, Sư nở một nụ cười rất đổi hân hoan:
- Oh, we get a lot today! ( Ồ, hôm nay chúng ta được nhiều nhỉ! )
Thưa vâng, chúng tôi hiểu, Sư nói “hôm nay khất thực được nhiều” là so với những ngày đầu mới đi khất thực ở đây, có hôm cả đoàn khất thực trở về chùa với những chiếc bình bát trống không, có bữa chỉ mỗi bình bát của sư trụ trì có được một trái chuối, vậy mà đi khất thực về, lúc nào quý Sư cũng đều rất vui, không phải nhận được thức ăn cúng dường nhiều hay ít, mà niềm vui của quý Sư là có cơ hội để giáo hóa quần chúng, hầu mong Phật pháp sẽ lần hồi được thấm đượm vào lòng, vào nếp sống của người dân quanh đây, và đi khất thực cũng là một trong những pháp tu mà quý sư phải chuyên tâm hành tập.
Sư hướng tia nhìn vào số phẩm vật rồi hỏi chúng tôi:
- Các anh có tìm thấy trong bát của tôi hôm nay có một trái ớt chín đỏ chứ nhỉ?
- Thưa Sư, dạ có!
Sư mỉm cười hài lòng và ân cần dặn chúng tôi:
- Các anh vui lòng cắt nhỏ quả ớt ấy vào chén xì dầu trong phần cúng dường hôm nay nhé! – nhớ đừng quên nghe! –quan trọng lắm đấy, vào lúc cầu nguyện cho buổi ngọ trai, tôi sẽ kể cho toàn thể đại chúng nghe về buổi khất thực hôm nay.
Trong lúc làm nghi thức dâng cúng thức ăn cho quý Sư, chúng tôi ghi nhận, Sư trụ trì đều nhắc chư Sư đừng quên chan một tí xì dầu ớt vào bình bát của mình, Sư còn nói rõ: - “nếu quý Sư không ăn được ớt thì cũng nên chan một tí vào, không có sao đâu, nhớ là mọi người phải chan tí xì dầu ớt vào bát mình nhé, tôi sẽ giải thích với quý vị trong nghi thức cầu nguyện khi thọ trai.”
* * *
Trước khi thọ trai, bao giờ cũng có đôi lời của Sư Trụ trì, tiếp theo là bài kinh hồi hướng công đức của thí chủ và sau đó là phần thọ trai.
Sư lên tiếng chậm rãi nói:
- “Hôm nay đi khất thực, tôi đã gặp được một bà lão đang ở trong mảnh vườn nhỏ nơi sân trước của nhà bà. Bà lão trông rất già yếu nhưng vẫn tự mình đi đứng được, khi gặp tôi, bà lão đã ân cần hỏi han với những câu hỏi thông thường mà những người khác trước đây vẫn hỏi, như là: – “Ông là ai, làm gì? – tôi có thể giúp gì cho ông? …”
Sau khi nghe tôi giới thiệu và giải thích về mình là một vị Sư Phật Giáo, đang đi khất thực để xin được bố thí thức ăn và mong được có cơ hội để tiếp xúc với quần chúng …
Bà lão với một gương mặt rất thuần hậu, hướng tia nhìn về tôi với đầy nét nhân từ và cất giọng run run nói với tôi rằng: - “Thật tiếc quá, nghe Sư giải thích, tôi rất muốn cúng dường một thứ gì đó có thể ăn được, nhưng hiện tại, tôi phải chờ đến trưa thì người ta mới đem giao thức ăn cho tôi, nên chẳng biết phải làm sao đây?”
Nghe vậy tôi trả lời với bà lão : - “Không sao cả, cám ơn bà đã có tấm lòng và ý tốt như vậy là tôi đã nhận được sự cúng dường của bà rồi, xin bà đừng bận tâm, chúng tôi sẽ có dịp trở lại đây trong những lần tới.”
Tôi chưa kịp ngỏ lời chào từ biệt bà, thì bà vội lên tiếng: - “hay là Sư có thể cho phép tôi cúng dường một ít tiền và Sư dùng nó để mua thức ăn cho Sư để dùng cho trưa nay được chứ?”
Tôi bèn giải thích thêm với bà : - “Giới khất sĩ chúng tôi đi khất thực, chỉ xin được nhận thức ăn mà thôi, trong giới luật, Đức Phật không cho phép tu sĩ chúng tôi được cầm giữ tiền.”
Nghe đến đây, bà lão vụt kêu lên: - Oh, my god! what can I do for you now? ( Trời ơi, vậy tôi có thể giúp gì được cho Sư bây giờ đây? )
Tôi lên tiếng trấn an bà lão : - “Không sao cả, bà có thể cúng dường cho tôi bất cứ một thứ gì có được trong vườn hiện giờ của bà là tốt rồi.”
Nghe thế, mắt bà lão chợt vụt sáng lên và nhanh nhẩu: - “Thật sao? Sư chờ tôi một tý nhé! “
Bà lão bước dăm bảy bước về phía góc vườn và quay lại tôi với một nụ cười chơn chất và với một trái ớt chín đỏ trên tay: - “Thưa Sư, đây là thứ duy nhất tôi có thể có được ngay bây giờ để cúng dường Sư, mong Sư hoan hỷ nhận cho.”
Kể đến đây, Sư nhắm mắt lại và lặng im trong thoáng chốc, như để mang trọn tấm lòng thành cúng dường của bà lão để chia sẻ cùng với tất cả mọi người đang nghe câu chuyện về “Trái Ớt Cúng Dường” của buổi khất thực sáng hôm nay.
Bằng một giọng trầm tĩnh sâu xa, Sư kể tiếp : - “Tôi vô cùng hoan hỷ, đón nhận tấm lòng cúng dường của bà lão với trái ớt chín đỏ của bà và nói lời cảm ơn, cùng mời bà im lặng để tôi đọc tụng chúc lành cho bà và gia đình một bài kinh ngắn bằng tiếng Pali, nghe bài Kinh xong, dầu bà không hiểu gì, nhưng tôi ghi nhận được sư rung động trong tâm thức của bà qua ngấn lệ tuôn tràn trên đôi gò má nhăn nheo, tôi đã nói với bà:
- “Trái ớt này vô cùng quý báu với tôi trong buổi khất thực hôm nay. Buổi ngọ trai trưa nay, đích thân tôi sẽ thay mặt bà, để mời toàn thể chư Tăng Ni cùng thọ nhận sự cúng dường của bà và cùng đọc kinh hồi hướng công đức cho bà, trái ớt chín đỏ của bà đặt vào bình bát cúng dường là một phẩm vật được dâng cúng với cả tấm lòng, nên sự cúng dường ấy thật vô cùng to lớn với ý nghĩa của nó.”
Quay về phía chư Tăng Ni, Sư tiếp : – “Thưa quý Tăng Ni và quý Phật tử, câu chuyện vừa kể để giải thích tại sao tôi ngỏ lời mời tất cả chư vị nên chan tý xì dầu ớt vào bát của mình là để thọ nhận sự cúng dường lớn lao của tấm lòng bà lão sáng nay. Kính mong chư Tăng Ni cùng đọc kinh cầu nguyện và hồi hướng công đức cúng dường đến toàn thể các thí chủ.”
Lời kinh tiếng Pali trầm hùng vang lên trong điện Phật của một ngôi tu viện Phật Giáo trong một khu rừng núi xa xôi yên vắng với các vị Sư người Tây Phương da trắng mắt xanh, như hòa quyện cùng với cảnh vật chung quanh, tiếng tụng kinh lan tỏa, rừng cây rung nhẹ tiếng xào xạt của những cành lá đong đưa, tất cả đã ngân lên một tấu khúc thương yêu của tấm lòng từ bi tỏa ngát cùng hương rừng gió núi, nhẹ lan trong tâm thức nguyện cầu.
Gia Hiếu

 Ớt cay hay ớt ngọt
Đã đến lúc ta nói lên tất cả,
Tấm tình riêng cùng với mối tình chung...
Xin cùng nhau kết nối tiếng tơ đồng,
Ớt cay đó nhưng cũng là ớt ngọt !!
NM

Ớt ngọt

Sau một hồi hỏi thăm và đi lòng vòng cuối cùng tôi cũng tìm được nhà của Chi, một ngôi nhà nhỏ nằm cuối con hẻm. Ðứng trước cánh cổng tre cũ xiêu vẹo, tôi phóng tầm mắt nhìn vào bên trong cái sân đất nhỏ.
Còn chưa kịp lên tiếng gọi, tôi đã nhìn thấy từ trong nhà một người phụ nữ tuổi ngoài 30 bước ra với một chậu áo quần sơ sinh trên tay. Người phụ nữ đó có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đen dài buộc gọn lại phía sau. Chỉ nhìn qua tôi cũng đoán ra đó chính là người tôi cần gặp - Lệ Chi, người đã chen vào cuộc sống của vợ chồng tôi. Chậu quần áo kia chắc hẳn là kết quả của cuộc tình vụng trộm. Cứ nghĩ đến đó tôi đã muốn nổi điên, thậm chí ngay lúc này tôi chỉ muốn giật đổ cổng bước vào túm lấy cổ của cô ta. Phải cố gắng lắm tôi mới nén được cơn giận dữ đang sôi sục trong người. Tôi lặng yên quan sát cô ta làm việc:
- A...a...
Tôi chợt kêu lên khe khẽ khi thấy cô ta dùng đôi tay quờ quạng phía bên ngoài cái chậu để tìm chiếc áo nhỏ bị rơi ra. Chẳng lẽ cô ta... không nhìn thấy gì? Không thể nào tin được, nhưng tôi cũng hơi đắn đo và nghi ngờ khi đứng ở đây khá lâu mà cô ta lại không phát hiện ra. Cơn ghen tuông lúc nãy tự dưng biến hết, thay vào đó là sự tò mò tột độ. Tôi muốn khám phá và lột bỏ cái mặt nạ cô ta đang đeo, muốn xem cô ta hơn tôi ở điểm nào mà chồng tôi lại chết mê chết mệt đến vậy. Ði đi lại lại một lúc để nghĩ cách tiếp cận cô ta cuối cùng tôi cũng tìm ra. Tôi cất tiếng gọi cổng:
- Cô Lệ Chi ơi!
- Ai vậy?
- Tôi là Lan bạn của anh Tuấn đây.
- Vậy hả? Chị cứ đẩy cổng mà vào.
Tôi đẩy cái cánh cổng mà lẽ ra nó phải được cho vào nhóm lò từ lâu, tiến vào sân lúc này tôi mới nhìn rõ mặt Chi, một khuôn mặt khá ưa nhìn. Thảo nào chồng tôi lại không mê cho được. Nhưng tôi chợt khự lại khi nhìn vào đôi mắt ấy, một đôi mắt như bình thường, nhưng khi nhìn kỹ tôi mới cảm nhận thấy nó có chút gì đó ngây dại...
- Chị vào nhà ngồi chơi.
Tôi bước theo Chi. Nhìn cách đi thì khó ai có thể nói rằng cô ta không nhìn thấy. Cô ta đi như một người bình thường, không hề có dấu hiệu lạc bước. Tôi chợt nhận thấy cô ta không phải là một con người đơn giản. Trong căn nhà nhỏ đồ đạc không có gì mới mẻ, tất cả đều là những vật dụng cũ kỹ. Tôi đưa mắt nhìn lên chiếc giường tre, ở đó đang đặt một đứa trẻ. Trông thấy đứa bé, máu trong người tôi lại nóng lên. Nó chính là con của cô ta với chồng tôi. Tôi muốn thực hiện luôn ý đồ đã ấp ủ từ trước, nhưng đúng lúc đó cô ta lại bước tới đưa tôi cốc nước:
- Chị uống nước cho đỡ khát.
Không thể định vị được chỗ khách đang ngồi, Chi đưa tôi cốc nước mà chìa ra tận cửa. Bỗng dưng tôi thấy tội.
- Cô và cháu dạo này khỏe chứ?
- Cảm ơn chị! Tôi với cháu vẫn khỏe.
- Nhà không có ai sao, cô?
- Có, mẹ tôi vừa đi thăm đồng rồi.
- Vậy hả, anh Tuấn nhờ tôi đến đây hỏi thăm hai mẹ con cô đó.
 Bất chợt cô ta thở dài, khuôn mặt thoáng chút buồn:
- Nhờ chị chuyển lời cảm ơn của tôi tới anh ấy và chị cũng nói luôn giúp tôi là: Anh ấy không phải quan tâm tới mẹ con chúng tôi đâu, chúng tôi tự lo liệu được.
      Quá ngỡ ngàng, tôi càng tò mò:
- Cô biết tại sao Tuấn lại nhờ tôi đến đây chứ?
- Tôi biết vì tôi đã không cho anh ấy tới nên anh ấy đã nhờ chị.
Cô ta đã cấm Tuấn tới đây, tại sao lại như vậy? Chẳng phải cô ta là tình nhân của chồng tôi hay sao? Thật không thể ngờ được...
- Chị thấy kỳ lạ phải không? Chị biết không, người khiếm thị như tôi tuy đôi mắt không nhìn thấy gì nhưng thính giác lại rất tốt, tôi vừa nghe thấy chị thở dài.
Lúc này tôi thấy cô ta như một dấu hỏi chấm bí ẩn cần được khám phá. Tôi không hiểu tại sao mình lại tò mò quá đỗi như vậy, đây không phải mục đích chính của tôi. Nhưng tôi lại không thể không tìm hiểu về kẻ thù của mình được. Tôi thấy cô ta rất lạ khi tự nhiên khuôn mặt buồn một cách khó hiểu.
- Chắc anh ấy không cho chị biết mọi chuyện, đúng không?
Cô ta hỏi tôi nhưng tôi lại không biết phải trả lời như thế nào. Chi tiếp tục một nụ cười buồn:
- Chị thấy tôi trơ trẽn quá phải không? Tôi không nhìn thấy gì mà lại đi cướp chồng người khác.
- Sao cô lại nói như vậy?
- Khi tôi biết anh ấy đã có vợ thì mọi chuyện đã quá muộn rồi. Tôi lúc đó đã mang bầu. Hối hận vô cùng nhưng tôi không trách Tuấn mà chỉ trách bản thân mình. Chính tôi đã làm mọi chuyện rối beng, tôi tưởng mình đã có thể tìm được người yêu thương thực sự, nào ngờ lại là gánh nặng cho người khác.
Tại sao Chi lại nói lên nỗi lòng của mình cho một người xa lạ như tôi? Tôi càng muốn biết đầu đuôi câu chuyện này như thế nào? Chưa kịp hỏi, Chi lại lên tiếng:
- Chị đang thắc mắc tại sao tôi lại kể cho chị nghe mọi chuyện? Chính tôi cũng không biết tại sao mình lại làm như vậy. Tôi chỉ cảm thấy chị rất gần, rất thân thuộc nên tin tưởng chị.
Nghe cô ta nói vậy, chẳng hiểu sao lòng tôi như chùng xuống. 
- Tôi và anh ấy quen nhau rất tình cờ. Ban đầu tôi tưởng anh ấy chưa lập gia đình. Nhưng sau này khi biết mọi chuyện tôi thấy mình thật tồi tệ. Tôi không hy vọng gì nhiều ở Tuấn, mặc dù anh ấy rất tốt. Khi tôi mang bầu và sinh cháu, Tuấn đã chu cấp và lo lắng cho tôi nhưng tôi không hề nhận một sự trợ giúp nào. Tôi cự tuyệt tất cả bởi không muốn mình là nguyên nhân khiến gia đình anh ấy tan nát...
Thì ra Chi cũng là một nạn nhân trong câu chuyện tình cảm này mà thôi, cô ta đã dằn vặt và oán trách mình rất nhiều. Nhưng tại sao cô ta làm như vậy? Tôi không thể tin những gì cô ta nói khi cô ta và chồng tôi qua lại với nhau một thời gian mà lại không biết chồng tôi có vợ. Cả hai người thật sự làm tôi không thể chịu đựng nổi và tôi như muốn hóa điên lên. Cô ta có con còn tôi thì sao? Một người đàn bà đã không làm tròn bổn phận của mình. Tôi và chồng chung sống với nhau đã lâu mà không hề có một đứa con an ủi. Bây giờ tôi thấy mình không thể kiểm soát nổi ý nghĩ của mình, tất cả cứ quay cuồng. Cô ta không cố ý mà chỉ là vô tình, chẳng lẽ một người tinh tường như tôi lại đi so đo với một người khiếm thị hay sao?
- Tôi biết dù rằng vợ anh ấy có cao thượng đến đâu thì cũng không thể chấp nhận chồng mình có tình nhân. Chính vì vậy tôi chấp nhận nuôi con một mình mặc dù anh ấy có khuyên ngăn. Tôi thấy có lỗi với chị ấy vô cùng khi đã vô tình làm hạnh phúc gia đình họ vơi bớt. Biết nuôi con một mình là không dễ nhưng tôi còn có mẹ giúp đỡ nên phần nào cũng an tâm hơn.
Cô ta biết nghĩ đó chứ! Nhưng khi nghĩ được như vậy cũng đã muộn rồi, có thể cứu vớt được gì nữa đâu? Rồi Chi lại kể cho tôi nghe về quá khứ của mình. Ðó là một quá khứ buồn. Cô ta không nhìn thấy do một căn bệnh hiểm nghèo từ lúc mới 10 tuổi. Ban đầu cô ta tự ti và tách biệt cuộc sống của mình, không giao tiếp với mọi người. Nhưng nhờ có bạn bè và người thân giúp đỡ, cô ta đã vượt qua được tất cả. Cô ta học cách làm quen với bóng tối, sống một cuộc sống chỉ có màn đêm. Cô ta học cách đi đứng làm việc rất vất vả nhưng cuối cùng cũng thành công. Bây giờ cô ta có thể làm được mọi việc như người sáng mắt... Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi cô ta nói có thể chống gậy và đi ngoài đường mà không cần ai dìu dắt, cô ta có thể biết chỗ nào là ngã ba, ngã tư và có thể tránh xe cộ?  ’’Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay’’, cô ta không còn đôi mắt nhưng ông trời vẫn thương và ban cho cô ta thính giác nhạy bén. Tôi thật không ngờ cô ta lại có thể làm những việc mà từ trước tới giờ tôi chỉ thấy người sáng mắt làm. Bỗng dưng tôi thấy thương Chi, thương cả đứa nhỏ lớn lên mà không có bố quan tâm chăm sóc... Tôi thấy mủi lòng thương cảm...
 Tôi trở về nhà với mớ tâm trạng hỗn độn. Tôi biết chọn lựa một trong hai không phải dễ dàng. Tôi không biết mình phải làm thế nào nữa... Sau hôm ở nhà Chi, tôi đến thăm mẹ con cô ấy nhiều hơn. Tôi thật sự không thể nhẫn tâm nhìn cô ta chăm con một mình, lỗi ở chồng tôi chứ không phải ở Chi. Tôi bỗng thấy yêu đứa bé đến lạ kỳ. Một bé trai kháu khỉnh và giống Tuấn. Tôi cũng thấy hạnh phúc khi được ẵm trẻ con. Một cảm giác khó tả. Ðương nhiên tôi vẫn không cho Chi biết tôi chính là Ngân, vợ của Tuấn. Cô ấy cũng quen với tôi rất nhanh và tôi thấy lòng mình thật ấm. Tôi sẽ không cho cô ấy biết sự thật nếu như hôm đó không nhìn thấy Chi cho bé ăn. Khi đứa trẻ đói cứ ngớp miệng ra ăn nhưng Chi thì đưa thìa ra ngoài, nhiều thìa còn vào cả mũi khiến đứa bé sặc sụa, khóc thét. Thấy cảnh đó mà lòng tôi nhói đau. Tôi không thể để mẹ con họ như vậy. Tôi chạy đến bế lấy đứa nhỏ và cho nó ăn. Mắt tôi rớm lệ. Tôi sẽ nói ra hết mọi chuyện, tôi muốn cùng chồng tôi và Chi chăm sóc đứa nhỏ. Tôi sẽ coi cháu như con của mình. Tôi biết làm như vậy rất khó. ’’Ớt nào mà ớt chẳng cay ’’, nhưng tôi sẽ cố gắng vun trồng một hạnh phúc mới. Tôi muốn cây ớt mình trồng sẽ cho ra quả ngọt. Một trái ớt mang cái tên của cuộc sống, một trái ớt mang hạnh phúc niềm vui, một trái ớt mang tới niềm tin hòa thuận...
Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải nói ra tất cả.
Phạm thị Huyền