Và đâu câu hát năm xưa xa rồi ?!....
Lời ru cổ tích thương ơi,
Theo em tìm mẹ suốt đời ngóng trông !
Lâu rồi sáo đã sang sông,
Còn em ở lại nhớ mong mẹ hiền...
Lời ru cổ tích , phép tiên,
Cho em gặp mẹ cõi miền xa xôi ?!
À ơi, nhịp võng vào đời,
Và câu hát cũng thay lời khác xưa.....
Gió len qua đám lá thưa ,
Lời ru cổ tích năm xưa đâu còn ?!
Thương em một dạ sắt son,
Thương lời ru cũng không còn như xưa !?
À ơi, ơi à ơi......
Gió về thương trẻ mồ côi ?
Gió đưa nhớ mẹ xa xôi muôn trùng !!
Nói gì chứ với một thằng nhóc tám tuổi? Về hip hop, về rock, về mấy diễn viên này nọ vừa nổi lên một vụ xì căng đan chăng? Mẹ bảo con hãy xem nó như em. Tội nghiệp nó! Mẹ nó mất sau khi sinh ra nó. Đến khuôn mặt mẹ nó cũng chưa từng thấy. Chỉ nhìn mẹ qua những bức ảnh. Mỗi lần thằng nhóc hỏi về mẹ, chú chỉ bảo: “Mẹ đi công chuyện xa! Lâu lắm mới về!”. Tôi ngẫm nghĩ, thấy thằng nhỏ có vẻ hơi ngốc. Con nít bây giờ khôn lắm, chẳng lẽ tám tuổi rồi mà vẫn không nhận thức được mẹ mình có đi công chuyện thật hay không? Cứ mãi chờ đợi một cái gì không bao giờ xảy ra. Có lẽ, những đứa trẻ ngây ngô như thằng nhóc này giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tôi xưng “mày” tao với thằng nhóc. Mẹ bảo sao không dịu dàng mềm mỏng với em nhỏ, nhưng tôi không sửa được. Nó có vẻ ít nói, suốt ngày cứ ôm cái túi nho nhỏ, như có cái gì quí giá lắm. Ai mượn xem cũng không cho, suốt ngày rúc ở góc nhà.
Trưa. Tôi ra phía sau nhà nằm võng. Gió thổi xào xạc qua mấy bụi tre, qua đám lá của mấy cây trong vườn. Thằng nhỏ đứng lấp ló ở đằng cây chuối. Tôi thấy nó, ngoắc lại:
- Lại đây nói chuyện chơi!
Thằng nhóc bị phát hiện, lúng túng và bối rối rõ. Nó tiến về phía tôi.
- Sao? Có chuyện gì không nhóc?
Nó cứ ấp a ấp úng một lúc rồi chìa ra cuốn sách:
- Anh kể cho em nghe câu chuyện cổ tích nha ! Nếu không thì anh đọc em nghe cũng được!
Tôi tròn xoe mắt nhìn nó. Tôi ghét nhất là cổ tích. Hồi cấp một, tôi yêu nó, mê say với thế giới diệu kì ấy. Để rồi khi lớn lên, tôi nhận ra toàn là những điều không thật. Tôi không thích đắm mình trong thế giới lung linh sắc màu đó. Lẽ ra, tôi có thể từ chối nó, nhưng không hiểu sao tôi lại nhận lời. Có lẽ tôi không nỡ từ chối trước ánh mắt của nó. Và tôi bắt đầu kể cho nó nghe: “Ngày xửa ngày xưa... Xưa thật là xưa...”.
- Không! Anh phải đọc bằng giọng kéo dài như cô giáo kia kìa!
Tôi nhăn mặt. Nhớ lại hồi xưa, mấy cô kể chuyện cho tôi nghe cũng đọc bằng một cái giọng nhừa nhựa kéo dài, mà tôi lại há hốc miệng chăm chú lắng nghe. Tôi tằng hắng, đọc lại: “Ngày xửa ngày xưa... Xưa thật là xưa...”.
- Anh ơi!
- Sao? Lại chuyện gì nữa? - Tôi bắt đầu phát bực.
- Sao không phải là ngày nảy ngày nay mà lại là ngày xửa ngày xưa vậy anh?
- Ngốc! Nếu “ngày nảy ngày nay” thì còn gì là cổ tích!
Thằng nhóc gật gù, tỏ vẻ hiểu biết. Thật sự thì tôi cũng chỉ trả lời cho qua loa thôi. Mà cũng lạ, sao nó không hỏi cô giáo mà lại đi hỏi tôi thế nhỉ? Tôi kể tiếp cho nó nghe. Đến khi xong câu chuyện “ Sự tích cây vú sữa”, thằng nhóc trầm ngâm rồi nói:
- Nếu là em, em sẽ không ham chơi, không bỏ đi đâu mà sẽ luôn ở bên mẹ!
...
- Nhưng tiếc là em không gặp được mẹ! Mẹ chưa đến tìm em nữa... - thằng nhỏ buồn buồn nói tiếp.
- Em tin vào cổ tích không?
- Tin chứ! Mẹ sẽ đến đón em! Bụt sẽ hiện ra và đem mẹ em về! Em là một đứa trẻ ngoan mà!
Tôi cười mà thấy lòng khó chịu vô cùng. Chẳng lẽ tôi nói với nó “Ngốc! Sao lại tin vào cổ tích? Làm gì có bụt? Mẹ sẽ không về đón mày đâu! Mẹ mày mất rồi mà!” Nhưng tôi không nói được. Rồi nó lấy trong cái túi xách của nó một quyển tập được bao rất cẩn thận. Nó đưa cho tôi và khoe:
- Anh xem này! Em đã sưu tầm được bao nhiêu là câu ca dao về mẹ...
Tôi thấy trong tập thằng nhóc đầy những dòng ca dao viết bằng con chữ nguệch ngoạc. Nó nghêu ngao đọc:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
“ Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu răng”
Tôi tự nhiên muốn khóc. Nhưng lại không khóc được. Thằng nhóc đang vui thế kia sao tôi lại khóc. Nó chưa gặp mẹ, cũng biết được nghĩa mẹ như nước trong nguồn. Và tôi biết, thằng nhóc cũng sẽ chẳng bao giờ được làm cái chuyện “ăn hột chà là” cho mẹ già cả. Tôi thở dài.
Thằng nhóc chuyển đi ra Châu Đốc. Ba nó làm ăn ở ngoài ấy nên phải đi theo. Tôi không còn gặp lại thằng nhóc từ dạo đó.
Chú mấy năm rồi không về. Có người trách móc: “Đi không biết nguồn biết cội”. Tôi miên man nghĩ về thằng nhóc. Nó có còn mê cổ tích? Tin vào những điều kì diệu, còn sưu tầm mấy câu ca dao hay không?
Trong nhà có tiếng ồn ào. Tôi bước vào, thấy chú, già hơn, tóc đầy sợi bạc. Vẫn cái vẻ khắc khổ. Không biết chú đã tìm được người phụ nữ nào làm mẹ thằng bé chưa? Sao chú không chịu bước thêm một bước để thằng nhóc có được tình thương của mẹ? Mà chú lấy vợ khác rồi, người ấy có tốt với thằng bé không? Chậc, chuyện nhỏ xíu vậy mà cũng rắc rối. Đúng là đời! Nghĩ ra đàn ông có mấy người chịu ở một mình, thân gà trống nuôi con như thế? Người lớn bao giờ cũng có cái lí riêng của mình. Trên bàn lỉnh kỉnh quà. Toàn là đặc sản. Tiếng cười nói không dứt! Tôi chào chú, chú khen:
- Thằng Quân dạo này lớn quá!
Gia đình tôi nói với chú nhiều điều. Bạn thân của ba mà. Tôi đưa mắt nhìn quanh kiếm thằng nhóc. Mẹ bảo nó về tới là ra sau vườn nằm rồi. Tôi bước ra nhà sau, đứng ở bụi chuối nhìn thằng nhóc. Khuôn mặt nó giờ đen sạm, rắn chắc. Nó không còn là “thằng nhóc”, đã lớn và chững chạc rồi nhưng tôi vẫn thích xem nó là một thằng nhóc. Có một điều làm tôi hơi thất vọng là đôi mắt của nó. Không còn là một đôi mắt rạng ngời, trong veo... Tôi không hiểu sao mình lại đứng lấp ló nhìn thằng nhóc nằm trầm tư. Nhớ lại năm năm về trước, thấy mình sao giống nó quá. Chỉ có điều vị trí lại đổi ngược lại cho nhau. Thằng nhóc thoáng thấy tôi, nó ngồi dậy và bảo:
- Anh Quân! Lại đây nói chuyện chơi!
Bị thằng nhóc phát hiện, tôi hơi bối rối và tiến về phía nó. Nó đã thôi đòi tôi kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, cũng không còn khoe với tôi những câu ca dao về mẹ, về quê hương mà nó ghi được bằng những dòng chữ nguệch ngoạc nữa! Tôi trông nó già đi, mà có lẽ cái vẻ già dặn không đáng có đó ở một thằng con trai mới hơn mười tuổi đó là do cái vẻ mặt lúc nào cũng trầm trầm khó chịu của nó. Mấy năm trôi qua cũng đủ làm cho người ta thay đổi. Chắc nó đã lớn, đủ để nhận biết ranh giới giữa cổ tích và hiện thực; giữa những câu ca dao êm đềm và cuộc sống diễn ra hằng ngày. Mẹ nó vẫn không trở về tìm nó. Và suốt ngần ấy năm, chắc rằng nó đã cố tỏ ra là một đứa trẻ ngoan, vẫn không có bụt, không có một bà tiên nào xuất hiện. Cô Tấm cũng chỉ là cô Tấm trong truyện. Cô Tấm có bụt, hay anh chàng Thạch Sanh kia cũng vậy! Hạnh phúc bên người mình yêu thương. Vẹn toàn quá rồi còn gì!
Nó hỏi, câu hỏi đầu tiên mà nó nói kể từ ngày gặp lại tôi, một câu hỏi mà thông thường được dùng mỗi lần người ta không biết nói gì :
- Anh khỏe không?
- Ờ! Khỏe! - Câu trả lời cũng đại loại như vậy để đáp lại câu hỏi.
Ngập ngừng một lúc, tôi nói với thằng nhóc:
- Mày kể tao nghe một câu chuyện cổ tích đi!
Thằng nhóc tròn xoe mắt nhìn tôi, tôi lại càng ấp úng:
- Ừm... Lâu quá rồi tao không nghe chuyện cổ tích! Tự nhiên hôm nay lại muốn nghe...
Rồi tôi lại chìa ra một quyển sách đầy những truyện cổ tích đưa cho nó và nói:
- Nếu không nhớ! Coi quyển này nè!
Và tôi chợt lúng túng hơn khi nghĩ đến chuyện thằng nhóc hỏi vì sao tôi không tự đọc hoặc tìm mua mấy cái đĩa kể chuyện audio. Tôi lại càng sợ mình sẽ quê khi thằng nhỏ chối từ yêu cầu của tôi. Nó sẽ bỏ đi chỗ khác và để tôi lại một mình với quyển truyện. Thằng nhóc chầm chậm cầm quyển cổ tích từ tay tôi. Nó im lặng rất lâu để lật từng trang sách. Tôi leo lên cái võng và quay lưng về phía nó. Chẳng biết khuôn mặt của thằng nhóc ra sao. Lát sau, tôi nghe tiếng nó khe khẽ vang lên, cái giọng trầm trầm: “Ngày xửa ngày xưa... Xưa thật là xưa...”.
- Không! Phải đọc bằng cái giọng kéo dài như cô giáo ấy!
Nó tằng hắng giọng rồi kể lại: “Ngày xửa ngày xưa... Xưa thật là xưa...”. Nó kể tôi nghe một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện cũng như bao câu chuyện khác. Con người dù trải qua bao sóng gió rồi cũng hạnh phúc. Hoặc ít nhiều có hậu. Nghe nó kể, tôi thấy vui vui. Một cái gì đó như rơi ra khỏi cõi lòng, làm tôi nhẹ tênh. Vì sao chẳng rõ. Tôi quay mặt sang nó và hỏi:
- Sao không phải là ngày nảy ngày nay mày nhỉ?
Nó cười vang, bảo:
- Nếu ngày nảy ngày nay thì còn gì là cổ tích chứ?!
Tiếng cười giòn tan phá tan đi cái yên ắng của buổi trưa hè.
Xong, thằng nhóc đu đưa cái võng, im lặng hồi lâu rồi nghêu ngao hát :
“À ơi...
Gió đưa ra thương cha nhớ mẹ
Gió đưa về thương kẻ mồ côi...”
Tôi chợt giật mình. Tự bao giờ những câu ca dao nó hát đã thay đổi. Tôi còn giữ quyển sổ ghi những câu ca dao về mẹ mà hồi nhỏ tôi sưu tầm được, bây giờ chẳng biết đưa cho thằng nhóc nữa hay không.
Gió lại thổi xào xạc qua mấy bụi tre, qua đám lá tạp trong vườn. Chẳng biết gió có mang theo lời ru cổ tích nào cho thằng nhóc?
(ĐồngTháp)
Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ, liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh, rồi chín. Một quả rơi vào lòng cậu. Môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.
Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé òa khóc. Cây xòe cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ về.
Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và gọi là cây vú sữa
Ngọt lịm tình quê vú sữa
Ăn lõi ruột vú sữa trắng trong tinh khiết, thịt mềm ngọt thanh… người trầm trồ, khen nức nở; lúc trái gió trở trời đau bịnh, từng bộ phận của cây vú sữa trở thành vị thuốc cứu nguy người (7); và chẳng những vậy, nó còn là động lực thúc đẩy giấc ngủ sâu, đồng thời giúp phụ nữ sở hữu làn da mịn màng tươi trẻ… Nhưng, mấy ai để ý hoặc nghĩ tới đời sống của cây vú sữa?
Vú sữa của em xẻ làm đôi
Nửa con bú, nửa gửi người em thương (Ca dao)
Chiều làng Vĩnh Kim. Khói bếp chiều dùng dằng trên sông Tiền lăn tăn sóng nước, tôi nhìn khói bếp tựa khói sóng; và khói liên tục biến dạng, có lúc tôi ngỡ đó là sương thời gian che khuất bao chuyện đời nơi chốn quê nhà! Tên gọi Vú sữa của một giống cây ai đã đặt? Người Vĩnh Kim thường kể lại sự tích dân gian “Người mẹ và đứa con ngỗ nghịch”, rằng: “Người mẹ nuông chìu con khiến con cãi lời mẹ và hư hỏng bỏ nhà đi theo bạn bè xấu. Tới lúc đói khát bị bạn bè bỏ rơi, người con lê thân tàn quay về tìm mẹ nhưng không thấy mẹ đâu; chỉ thấy một cây lạ mọc trước ngõ nhà và cho trái thơm ngọt như dòng sữa mẹ… Cây lạ đó chính là hiện thân của người mẹ mỏi mòn đợi chờ con. Rồi, người đời đặt tên cây Vú sữa!” (1).
Nghĩ tới câu chuyện cổ, tôi chợt nhớ câu đố trong làng đố người phương xa tới:
Thương con khi chết má đành
Hóa thành trái mọng ngọt lành sữa tươi.
Tôi bồi hồi ngồi tựa gốc vú sữa già thân cao vút, tán che khoảng trời đồng bằng trưa nắng chói chang. Có lẽ, vú sữa thuộc loại cây lành trái ngọt nên đã góp phần không nhỏ cho vùng đất Vĩnh Kim sản sinh “rất ít đứa con ngỗ nghịch”; đồng thời cũng là vùng đất trung kiên với đất nước, nức tiếng thơm “đất học, làng đại học”.
Tuổi mới lớn của đám trẻ trong làng – và cả tôi nữa – không đứa nào là không trèo lên cây vú sữa vườn nhà ngồi chảnh chọe nơi chảng ba nhánh với hái trái vú sữa chín cây, thuận tay mân mê vo tròn, bóp nhẹ… rất nhẹ, bứt cuống sữa và rút cùi trái khỏi vú, kê miệng nút dòng nước trắng đục như sữa mẹ trào dâng.
Và, tuổi mới lớn của một thời hoa nắng, không đứa nào không nhớ câu hò huê tình những đêm trăng sáng vườn quê:
Thân em là gái đào tơ
Sao anh nỡ để ai rờ cũng xong
Số phận em thiệt long đong
Bóp vọc cho cố ứa dòng nước ra!
Những trái vú sữa cuối mùa còn thương cây tiếc lá nên nấn ná níu cành. Người rảnh tay rỗi việc quây quần bên nhau dưới tán vú sữa vào mỗi chiều hè, họ uống rượu nói thơ, có khi đờn ca những lời ca ứng tác hoặc của người xưa truyền lại…
Tròn căng vú sữa Lò Rèn
Bóp cho nhũn nhão… ngọt mèng đéc ơi! (2) .
Hoa nắng lung linh theo nhịp mộ khúc, tôi bất nhẫn không hiểu vì đâu nên nỗi: “Bóp cho nhũn nhão…” vú sữa Lò Rèn đang độ tròn căng thì mới “ngọt mèn đéc ơi”?
Ngày chậm sang sông, gió táp mạn xuồng tam bản nhảy sóng Tiền Giang chở đầy ắp vú sữa cặp bến chợ Giữa, nơi từng có một thời muôn người như một đã xả thân vì đại nghĩa, cùng quân Tây Sơn làm nên trận Rạch Gầm – Xoài Mút khiến mấy vạn quân Xiêm xâm lược “tán đởm kinh tâm”; nơi dân lành tan xương nát thịt dưới mưa bom thù sau cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa…
Dù cảnh ngộ bi hay tráng, cây vú sữa vẫn hiên ngang sống và sống, đúng chất sống dòng sữa ngọt thơm từ đất mẹ quê nhà; nhứt là loại vú sữa Lò Rèn. Có người nói: “Cái tên Lò Rèn gắn liền vú sữa, vì nó bắt nguồn từ câu chuyện kể về người thợ rèn nhơn được giống vú sữa ngon” (?).
Nhiều người chưa mấy tin cái tên Lò Rèn gắn liền vú sữa một cách quá dễ dàng và đơn giản như vậy. Tôi tự vấn, rằng có phải là “Lò rèn chỗ rèn công cụ nhà nông hay nơi rèn chí lập thân, rèn nghĩa khí ở đời… Rèn gái anh thư, rèn trai hào kiệt?”.
Rồi, như thể minh chứng điều đó, ngày mùa hái vú sữa, thoảng đâu đây trong làn gió loáng thoáng lời ca thôn nữ vùng Vĩnh Kim, Song Thuận, Phú Phong…
Người chợ Giữa đi khắp bốn phương hồ hải
Giỏi vạn nghề há phải một nghề thi
Nầy! Ngón tơ đồng trong sáu tỉnh chưa có tương tri
Chơi phong nhã, nói gì cờ với vẽ
So kim cổ biết bao nhiêu kẻ
Dẫu thoa quần cũng san sẻ gánh non sông
Chuyện năm xưa ai có nhớ không?
Ôi! Dân khí, dân quyền rền một lúc…(3) .
Khiến ai nghe chẳng chạnh lòng, chẳng nhớ về một thời đất quê vú sữa có gánh hát Đồng Nữ Ban (4) . Người cố cựu Vĩnh Kim lúc nhàn rỗi, bên tách trà chung rượu thường nhắc nhở tuồng hát “Giọt lệ chung tình” (5); một số cụ thuộc cả lớp, và có khi ngẫu hứng hát chay cả một đoạn thoại dài cho con cháu hóng chuyện cùng nghe để biết (6). Có cụ còn nói: “Nghĩa buộc ràng tình nên cái gắn kết keo sơn”. Tự dưng, tôi liên tưởng tới vú sữa Lò Rèn và con người Vĩnh Kim; hình như Vĩnh Kim quê hương vú sữa Lò Rèn mang nội hàm: Vàng vĩnh viễn thuộc về những ai biết yêu tha thiết bông trái xứ sở của mình!
Ăn lõi ruột vú sữa trắng trong tinh khiết, thịt mềm ngọt thanh… người trầm trồ, khen nức nở; lúc trái gió trở trời đau bịnh, từng bộ phận của cây vú sữa trở thành vị thuốc cứu nguy người (7); và chẳng những vậy, nó còn là động lực thúc đẩy giấc ngủ sâu, đồng thời giúp phụ nữ sở hữu làn da mịn màng tươi trẻ… Nhưng, mấy ai để ý hoặc nghĩ tới đời sống của cây vú sữa?
Tự nó sanh nó trong môi trường nghiệt ngã, và trong môi trường nghiệt ngã đầy hủy diệt, trời cho nó bản năng lưỡng tính duy trì nòi giống. Không tự nhiên người đời gọi nó là vú sữa, và cũng đâu phải tự nhiên, người đời gọi mùa vú sữa là mùa thương! Mùa thương không là mùa trái, mà là mùa bông. Mùa bông thoang thoảng hương nồng, pha chút nàn lâng lâng mùi nhớ. Cuối thu đầu đông, bông trổ màu trắng, ánh tía. Từng cánh bông nhỏ nhắn, xinh xinh, cố chen mặt lá trên xanh và mặt dưới bóng vàng ngà, hình ô van, mép liền, mọc so le… khoe nhan sắc!
Trời đất mưa thuận gió hòa, vú sữa chín lai rai từ rằm tháng Mười tới rằm tháng Tư năm sau; trong đó, tháng Mười một sang chạp là mùa vú sữa chín rộ, và điều đặc biệt là sau bảy năm tuổi cây vú sữa sẽ đơm bông kết trái quanh năm. Nhưng con người tạo mùa nghịch, vú sữa trái chín từ những ngày mùng tháng Chín tới con nước ba mươi tháng Mười trong năm.
Hỏi vì sao? Vì nguồn lợi cao gấp bốn năm lần so với giá bán vú sữa chính vụ theo lẽ tự nhiên. Hậu quả, cây vú sữa mau lão hóa, và thường khi chết nhát ngay trên liếp đất phù sa màu mỡ. Một kiểu đón đầu, song lại chặt đầu! Không ai không biết điều đó, song biết vẫn làm và làm cật lực bởi làm cho hôm nay, còn ngày mai… cái ngày không có!
Nhận ra vú sữa ngon khi bàn tay người bóp nhè nhẹ lên trái vú sữa thịt mềm đều, da bóng nhẵn màu sáng xanh nhạt chuyển màu kem ngả nâu đáy trái, và cuống chảnh dính trên đầu trái. Vú sữa vỏ trái phần cuống cứng, dày và phần đáy mềm nhũn thì thuộc loại chát, không ngon; những kẻ tham ăn lại vừa dốt, vừa đa nghi thì làm gì hiểu và phân biệt được trái ngon trái dở!
Vĩnh Kim trầm lắng. Gió lắt lay cành lá giúp cây vú sữa chuyển động theo nguyên lý cân bằng Âm – Dương, và nguyên lý đó, vốn là nguồn năng lượng kích thích bản năng vô cùng trong lập trình “thủy – hỏa đều được bồi bổ”, tạo điều kiện phấn chấn và tốt đẹp nhứt cho cây đâm bông kết trái. Nếu, quả thật vạn vật chúng sinh được sanh ra từ Trời – Đất, thì chắc chắn Trời – Đất cũng đã tính tới việc thực hiện cân bằng sinh thái trong một môi trường xanh sạch. “Người tính không bằng trời tính”, thiệt ra người tính sao đặng trong cái càn khôn thuộc về “Như” nầy!
Đêm năm canh, ngày sáu khắc của vòng thời gian hai bốn giờ trong một ngày dựa trên cơ sở mười hai con giáp, đương nhiên đã xác lập thời khóa biểu chẳng những cho sự sống con người mà còn cho muôn loài động vật và thực vật khác. Cây vú sữa dưỡng thân nuôi sự sống do “ăn uống từ rễ”, “bài tiết qua lá’”, “giấc ngủ nơi cành lá, bông trái”; trong đó, “giấc ngủ” là điều tối hệ trọng… Vào cung giờ Tý và cung giờ Ngọ, lá vú sữa mặt dưới nhạt màu thiếu bóng vàng; nhụy bông khép lại dù đó là đêm vằng vặc ánh trăng thơ mộng, hay ngày đất ráo trời hanh. Người làm vườn lâu năm tinh tế cho rằng “cây vú sữa đương ngủ!”. Nghiệm ra, nếu con người ngủ vào giờ cây vú sữa ngủ, dù chỉ là năm mười phút ngủ cũng có thể tương đương năm sáu giờ ngủ ở cung giờ khác. Phải chăng đó là giờ vàng, giờ của sự sống (?). Hỏi vì sao thì quả thực vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặc định là vậy!
Những áng mây trời như không muốn bay, tôi có cảm giác mây không muốn bay bởi mây không nỡ bay đi trước vẻ đẹp kỳ bí của từng vườn vú sữa xanh tươi rợp bóng đường quê. Vú sữa Lò Rèn cái tên bình dị, vừa gần gũi vừa mộc mạc đậm tình người, nặng tình đất Cửu Long giang. Người xưa thường nhắc con cháu lớp sau: “Đất nào cây đó, giống nào trái nấy”; cây giống cho đời hương sắc, cho người vị thanh tao.
Chẳng tự nhiên châu thổ sông Tiền sản sinh cây vú sữa Lò Rèn, và đồng bằng sông Hậu sản sinh cây vú sữa tím Phong Điền (8). Cặp đôi sông Tiền – Hậu không bất nhứt, mà hợp nhứt từ nguồn Mê-kông rồi thuận dòng cùng về Biển Đông chín cửa (9) . Sữa mẹ nuôi con khôn lớn thành người, vú sữa dưỡng tâm hồn lạc quan mỗi khi nhọc nhằn bất trắc. Thời đàng cựu, tiền hiền khai khẩn còn lưu lại lời dặn: “Nước sao người vậy! Người vậy nước sao?”.
Nước phù sa màu mỡ sanh người hồn hậu, và người xấu xí là do nước bẩn dơ.
Nước phương Nam hiền hòa hai mùa mưa nắng nên người phương Nam hiền hòa, hào sảng và thương người. Những ai đã từng sống ở miền Nam, chắc không thể không nhận ra điều đó, điều mà trước đây có đôi khi họ ngộ nhận rằng thô kệch quê mùa hay ăn nói bỗ bã, chữ nghĩa chẳng sang. Nước sông Tiền ra sao mới có sản vật vú sữa Lò Rèn xanh bóng, rèn kẻ vô dụng thành người hữu dụng. Nước sông Hậu thế nào mới có sản vật vú sữa Phong Điền tím than, điền chỗ trống không để lấp đầy hào khí. Tôi chợt nhớ chuyện xưa, chuyện Đinh Sâm bị giặc Pháp giết và cuộc khởi nghĩa Láng Hầm bị chúng tàn sát dã man, máu nghĩa sĩ thấm vào lòng đất miền Tây sông Hậu cho cây vú sữa Phong Điền tím màu nhắc nhớ mãi ngày sau:
Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết
Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đãi sầu nhan (10).
Nghĩ chẳng biết có đúng chăng, dường như câu hò gắn liền sông nước còn bông trái gắn liền tiếng hát người cần lao. Nếu xứ sở sữa Lò Rèn có “giọt lệ chung tình” thì quê hương vú sữa Phong Điền có “Kim Thạch kỳ duyên”11, nói lên mối tình giữa hai họ Kim – Thạch duyên kỳ lạ, và khuyên dạy người đời biết sống, biết giữ gìn tiết nghĩa, thủy chung.
Đã có một dạo, thương lái phao tin đồn thổi và lùng sục tìm mua gỗ, mua gốc cây vú sữa độ năm bảy năm tuổi, cái độ tuổi ổn định cây ra bông đẻ trái với giá cả cao ngất trời. Một số nhà vườn bất kể thiệt hơn vội phá vườn vú sữa, cưa chặt cây bán gỗ, bứng gốc bán rễ. Tôi đã nhìn thấy thân cây vú sữa bị cưa chặt mủ trào lai láng mặt đất, chẳng khác máu người ướt đẫm bờ mương, ruộng lúa lúc chiến tranh. Nhức nhối trong tôi điều chưa hiểu: “Cây có cội, nước có nguồn”, không còn nguồn thì sao còn nước; không còn cội thì sao còn cây? Người ta bứng gốc bán rễ vú sữa cũng đồng nghĩa cắt lìa sự sống của vú sữa, và hơn vậy nữa, một ngày không xa, cây vú sữa thơm ngon tuyệt giống!
Đêm gần cuối giờ Tý, tiếng lá vú sữa xạc xào như báo hiệu đã ngủ gần xong giấc ngủ nồng say dưới ánh trăng mười bảy “sảy giường chiếu”. Tôi bước khẽ, rất khẽ dưới bầu trời thanh vắng sáng trăng vườn vú sữa, rồi ngộ ra: “Cây vú sữa dễ trồng nhưng không chắc dễ sống, bởi nó hay chết nhát, hoặc nếu có sống thì sự sống cũng sẽ chẳng cho bông trái ra gì một khi môi trường ô nhiễm, sinh thái đột ngột biến đổi”.
Bâng khuâng tôi tự hỏi “Đời người, đời cây… có khác nhau”?!
Trần Bảo Định
Cây vú sữa của ông ngoại
Ông kể rằng, hồi xưa cây vú sữa tự mọc rất sát bên gốc cây sơ ri. Tán cây sơ ri trùm ra che kín hết, cây vú sữa tong teo chen lấn không nổi. Một hôm ông thấy con rắn lục khoanh trên nhánh sơ ri, sợ các con lúc ấy còn nhỏ thường ra hái trái sẽ bị rắn cắn, ông đốn bỏ cây sơ ri không thương tiếc. từ đó cây vú sữa vươn vai lớn dậy.Khi cháu vừa đến tuổi đi học thì cây vú sữa đã lớn, tán xòe rộng ra che kín hết sân nhà sau. Dưới gốc cây kê một bộ bàn đá suốt ngày hưởng bóng râm mát, đây là nơi để cả nhà ăn cơm trưa vào mỗi lần trời nắng oi bức, cũng là nơi khách của ông đến chơi, ai cũng thích ngồi đấy để vừa nhâm nhi nước trà vừa chuyện trò với ông ngoại.
Mỗi sáng sớm mùa đông lạnh, ông dậy rất sớm ra đun nước sôi để pha trà bằng bếp lửa, lá vú sữa ông đã quét gom sẵn từ trước để đun bếp. Dù nhà có bếp gaz nhưng ông thích nấu bếp củi hơn. Ông nói nhìn ánh lửa cháy bập bùng, gợi nhớ về quê hương ngoài Trung, ông thường đi ra bờ tre mót củi nè hoặc mo cau khô để về đun bếp. Thời niên thiếu của ông cơ cực, phải đi chăn trâu, cắt cỏ, suốt ngày quần quật ngoài đồng. Cháu ngồi im nghe ông kể, thấy thương ông quá!
Ông thường ngồi trầm ngâm ở đó mỗi sáng, khay nước trà để trước mặt. Mặt trời lên, ánh ban mai lấp loáng từ hàng bạch đàn trước đường. Cháu mở mắt dậy là chạy ra gốc vú sữa nhảy sà vào lòng ông. Ông cười rung rinh bộ râu bạc, hiền từ xoa đầu cháu.
Cháu ở thành phố với ba mẹ, lâu lâu mới được về thăm ông bà ngoại. Bao giờ ông bà cũng ra đứng đầu ngõ để đón và bao giờ ông cũng mở cửa xe, ôm đứa cháu cưng của ông xuống. Những ngày ở quê, cháu luôn ríu rít bên ông, thích nghe ông kể chuyện đời xưa. Và ánh nắng lung linh lọt từ kẻ lá rơi xuống bàn, ngàn lá đu đưa theo từng làn gió nhẹ, như cùng với cháu, cũng lắng tai nghe lời ông.
Khi lớn khôn, cháu mới hiểu được ý nghĩa của câu nói của ông ngoại thường ví von về cây vú sữa:
- Mình có săn sóc chăm bón cho cây, cây mới mang lại quả ngọt cho mình. Và tình yêu thương ở đời cũng vậy cháu ạ! Mình hãy hết lòng vì mọi người ắt sẽ nhận lại được bóng mát cho mình dung thân.