Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

NTV 37 - Dòng sông thơ ấu



 
                Ân tình của Ngoại                    
Tôi đã lớn lên bên dòng sông,
Sông quê xanh mát rộng mênh mông,...
Bao la ấm áp như tình ngoại,
Cùng tiếng ru buồn tuổi chớm đông !
...............................
Ai đưa con sáo sang sông ?...
Mẹ đi lấy chồng bỏ lại con thơ !....

Ngoại tôi chẳng ngóng chẳng chờ,
Âm thầm nuôi cháu bơ vơ giữa đời.... 
Bao giờ mới trả cho vơi ?
Ân tình của ngoại suốt đời trong con !

Xa con chắc ngoại héo hon ?
Con thà xa mẹ cho lòng ngoại vui.....

Con như thoáng thấy ngoại cười,
Dường như trong ngoại rạng ngời tình con ?!
 NM
Dòng sông thơ ấu



    1. Bố mẹ tôi ly dị. Bên nội không ai chịu nhận tôi về nuôi. Thực ra, ông bà nội cũng muốn nuôi tôi nhưng vì những lời bóng gió của chú và mợ nên tình thương của ông bà đành giấu kín trong lòng. Tôi không trách ông bà nội mà cảm thấy thương hơn. Bố mẹ tôi mỗi người đi mỗi ngả, tôi về ở với bà ngoại, lúc ấy tôi 5 tuổi.
    Vườn rau nhỏ nhắn của bà nằm khiêm nhường bên phải ngôi nhà. Bà cháu tôi nương tựa nhau qua ngày chính là nhờ vào vườn rau ấy. Mùa nào thức nấy. Bà chăm sóc rau cẩn thận như đã từng chăm sóc tôi. Ngày ngày bà ra vườn hết nhổ cỏ, bỏ đạm rồi xới đất. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nhổ cỏ hay xới đất, bà cũng nhẹ nhàng. Nếu bà không làm như vậy, rễ của những cây rau sẽ bị đứt. Khi đó, những cây rau vốn đã yếu ớt, rồi sẽ héo dần mà chết. Và bà thấy tội nghiệp!
    Trông bà tôi vẫn khỏe hơn các ông các bà cùng tuổi. Trên mặt đã có những nếp nhăn nhưng răng thì đều tăm tắp. Chẳng như bà thằng Bờm, mỗi lần ăn trầu đều phải nhờ con cháu nhai hộ hay phải bỏ vào một chiếc cối đồng nhỏ xíu, giã cho miếng trầu dầm dập rồi mới cho vào miệng. Bà tôi cho miếng trầu vào miệng và nhai rau ráu. Nhìn bà ăn trầu ngon không chịu được! Miếng nào miếng nấy đỏ chon chót. Có lẽ nhờ lao động mà bà còn khỏe mạnh như vậy. Bà chỉ sinh được mình mẹ tôi. Ông ngoại hy sinh ở chiến trường Campuchia. Rồi mẹ tôi lấy chồng xa, bà phải thui thủi một mình. Nhiều lần mẹ dẫn tôi về thăm nhà, sau lại ra đi, tôi thấy bà khóc. Bà nắm tay tôi tạm biệt mà như muốn van vỉ mẹ con tôi ở lại. Mẹ tôi hiểu điều đó nhưng cũng chỉ ở nhiều nhất là một tuần. Rồi lật đật trở về bên nội...
    Hằng tháng bà vẫn nhận được một khoản tiền trợ cấp do Nhà nước dành cho. Số tiền ấy bà cất thật kỹ để dành nuôi tôi đi học sau này. Còn cuộc sống hằng ngày bà cháu tôi tằn tiện bằng những đồng tiền bán rau. Bà còn nuôi thêm một con lợn trong chuồng, để đỡ phí những thứ cơm thừa canh cặn trong nhà. Vả lại, ở quê mà không nuôi một con gì dù to hay nhỏ thì cũng thấy văng vắng! Ngày đó, tôi thích bà nuôi một con mèo để tôi có thể bồng bế hoặc nựng nịu nó. Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao, tôi lại không nói với bà. Mặc dù hồi đó, tôi vẫn được bà khen là ngoan ngoãn. Tôi đem theo ước mơ của mình vào giấc ngủ, để đêm đêm, tôi lại vòng tay ôm bà hay rúc vào nách bà mà ngủ ngon lành.
 
2. Dưới bàn tay chăm bẵm của bà, tôi dần dần lớn lên và bắt đầu đi học. Tôi học buổi sáng còn buổi chiều đi chăn trâu cho nhà bác Dục. Bác Dục sinh được ba người con, các anh chị đều đã đi xa, người đi làm, người đi học. Thấy tôi đã lớn hơn rất nhiều so với ngày mới về, bác Dục bèn sang nhà tôi hỏi bà để mượn tôi đi chăn trâu giúp. Mỗi tháng bác trả cho bà một yến thóc và nuôi tôi bữa cơm tối. Tôi không chịu ăn cơm nhà bác mà đòi về ăn cơm cùng bà.
    Lần đầu tiên theo lũ bạn lùa trâu ra đê, tôi thực sự choáng ngợp trước sông. Sông quê không rộng và to nhưng nước trong và bình lặng. Chỉ vì chưa bao giờ được ra khỏi nhà nên đứng trước sông tôi mới có cảm giác như vậy. Con sông hiền hòa, chầm chậm trôi, nước chảy thành dòng uốn lượn, có chỗ hai bên bờ co vào. Từ bờ bên này, nhìn sang bờ bên kia thấy rất gần. Và một thế giới được mở ra từ khi tôi thấy sông.
    3. Tôi ôm khúc chuối ở đâu dạt vào bờ rồi từ từ tập bơi. Tụi thằng Tài, thằng Nhân... nhìn tôi cười chế giễu nhưng tôi vẫn mặc kệ. Loay hoay mãi tôi vẫn không làm sao co chân lên để đạp nước. Bởi mỗi lần tôi co chân lại bị chìm xuống. May mà tôi tập ở gần bờ. Nếu lỡ bị chìm, chắc sẽ tha hồ uống nước.
    Tập đến lúc mệt lử thì tôi đứng tựa vào bờ, ngắm nhìn tụi nó bơi qua bơi lại trên sông một cách thèm thuồng. Tôi ước, một ngày nào đó cũng sẽ bơi giỏi như thằng Tài, thằng Nhân. Còn giờ, tôi đứng rờ rẫm ven bờ, tay khoát khoát nước lên người. Nước sông mát rượi khiến tôi cảm thấy thích thú với công việc đang làm.
    Đến chiều, cả lũ lên bờ lùa trâu về nhà. Vừa lúc đó, có người đi ra tháo cống, nước sông chảy cuồn cuộn về bến cuối. Dòng nước bây giờ không còn trong xanh như lúc chúng tôi tắm nữa mà đục ngầu. Những túi rác hay đám rong rêu theo dòng nước trôi dập dờn. Tuy vậy, cả lũ vẫn hò nhau đập trâu xuống sông rồi để trâu bơi ngược dòng nước. Bọn chúng ngồi trên lưng trâu, chẳng cần đạp chân tay gì cả mà chỉ việc vung chiếc roi vào mông trâu để trâu bơi nhanh hơn. Chốc chốc, bọn chúng lại hét hò rất sung sướng. Lếch thếch dắt trâu trên bờ, lòng tôi cũng thấy xốn xang. Chú trâu tôi chăn hình như cũng muốn xuống sông bơi hay sao mà cái đầu cứ ngúc ngoắc? Thế rồi, tôi liền đập trâu xuống sông, tay nắm chắc dây thừng. Cầm chiếc roi trong tay, tôi ra sức quất vào mông trâu những mong sẽ đuổi kịp bọn thằng Nhân, thằng Tài... Quả thật không có gì thú vị bằng ngồi trên lưng trâu rồi để mặc nó chở mình đi. Tôi có cảm giác như đang ngồi trên một con tàu vậy.
    Nhưng được một đoạn, tôi trượt khỏi lưng trâu và bị dòng nước cuốn đi. Nước chảy mạnh làm tôi chới với giữa dòng. Những ngụm nước ngòn ngọt bắt đầu vào cổ họng rồi xuống bụng. Tôi khua khoắng tay chân nhưng vẫn không thể dạt vào bờ được. Rồi cứ thế, tôi thấy mình trôi theo dòng nước, không còn cảm giác gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên đường đê, xung quanh là tụi thằng Tài, Nhân, Bờm, có cả một bác làng chài, vẻ mặt ai cũng lo lắng. Đầu tôi ong ong, nặng trịch. Chợt từ đằng xa, trong ánh chiều chạng vạng tôi thấy dáng bà tôi tất tả chạy trên đường đê, thỉnh thoảng vấp phải cục đất giữa đường khiến bà ngã nháo nhào. Nhưng bà vội vã đứng dậy rồi tiến về phía tôi. Bà vừa chạy vừa khóc: “Ới Lành ơi là Lành ơi! Sao mày bỏ bà mà đi hả Lành...”. Lúc ấy, tôi muốn đứng dậy chạy về phía bà nhưng không tài nào dậy nổi. Tôi cứ nằm vậy để mặc nước mắt lưng tròng.
    Sau lần chết hụt ấy, tôi bị ốm và phải ở nhà một tuần để bà chăm. Mấy ngày không được đi chăn trâu, tôi thấy nôn nao quá đỗi. Nhưng có lẽ, tôi nhớ nhất là sông. Một tuần không được trằn mình trong dòng nước mát lạnh, kể ra cũng nhớ thật. Nên khi vừa khỏi ốm, tôi hớn hở chạy sang nhà thằng Bờm rủ nó đi chăn trâu ngay. Thằng Bờm đưa cho tôi một quả ổi rồi cả hai đứa cùng lùa trâu ra đê. Khi tôi vừa ra đến nơi đã thấy tụi thằng Tài, thằng Nhân đang vùng vẫy dưới sông. Tôi và thằng Bờm nhanh chóng nhập cuộc. Lần này, cả lũ xúm vào tập bơi cho tôi. Có lẽ sau sự cố lần trước, bây giờ đứa nào cũng quan tâm đến tôi nhiều hơn. Thằng Tài chạy đi đâu một lát, sau về cầm trên tay một con chuồn chuồn bụp, to dễ bằng ngón tay cái. Mấy đứa còn lại vật tôi ra rồi để thằng Tài đưa con chuồn chuồn lại gần bụng tôi. Tôi ra sức giãy giụa nhưng bất lực. Đến khi con chuồn chuồn cắn vào rốn tôi đau điếng, tôi liền giãy thật mạnh làm cả bọn đứa nào cũng ngã chúi vào nhau. Mãi sau này tôi mới biết bọn chúng đang giúp tôi sớm biết bơi. Mà quả thật, không biết có phải nhờ chuồn chuồn cắn rốn hay không mà mấy ngày sau, được sự giúp đỡ của mấy đứa bạn, tôi đã biết bơi! Tôi sung sướng hét vang cả một khúc sông. Bắt chước tụi bạn, tôi đứng trên thành cống rồi nhảy tùm xuống sông trong tiếng reo hò của bọn nó.
    Kể từ khi tôi biết bơi, hình như các trò chơi dưới nước đều vui hơn. Cả lũ cứ trằn mình dưới nước, hết trò chơi này đến trò chơi khác cho đến khi mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe như mắt cá gáy. Có hôm, cả bọn thi nhau lặn xuống đáy sông, đứa nào gặp may lại nhặt được một quả trứng vịt đẻ rớt. Mừng như bắt được vàng! Vậy là chiều về, cả lũ tập trung tại nhà tôi cùng đánh chén. Ngon không có gì tả nổi!
    Tôi cứ vậy mà lớn lên, bên dòng sông, trong tình thương của bà. Có lẽ, tình thương của sông và bà quá lớn nên tôi cũng ít nhớ về cha mẹ của mình. Mặc dù mấy đứa bạn của tôi, đứa nào cũng có đầy đủ cả cha và mẹ. Tôi đi chơi, đi học, đi chăn trâu cùng chúng nó nhưng không hề có một chút mặc cảm mà còn thấy hạnh phúc khi được sống bên bà. Khi lớn lên, tôi mới biết đó gọi là món nợ ân tình. Mà nợ ân tình thì không bao giờ có thể trả được.
    4. Năm tôi mười lăm tuổi thì mẹ tôi về. Tôi không vui mà cũng không buồn trước sự hiện diện của mẹ. Mẹ tôi đã không còn cái dáng vẻ tất bật, lam lũ như những người dân quê nơi đây. Mẹ tôi trẻ ra nhiều, quần áo là lượt. Tôi chợt nhớ ra lời kể của bà và bỗng thấy lòng nao nao khi nghĩ về đôi bàn tay ngày xưa của mẹ vẫn thường tắm cho tôi vào mỗi đêm hè, để tôi được ngủ ngon giấc. Trời ơi, tôi muốn chạy tới ôm lấy mẹ mà khóc nức nở, cho bõ những ngày xa mẹ biết bao mà sao đôi chân của tôi không buồn nhúc nhích. Tôi cứ đứng nhìn mẹ bằng đôi mắt vừa xa lạ lại vừa tha thiết. Bà ngoại không nói gì, cứ ngồi lặng lẽ nhìn đống quà cao ngất. Chẳng hiểu sao mẹ là con gái của bà, lâu ngày mẹ con mới gặp nhau mà bà cũng chẳng vui. Bà vẫn ngồi trầm ngâm, mãi đến khi mẹ lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề: “Thưa mẹ, con về đây trước là để cảm ơn mẹ đã nuôi thằng Lành nên người. Sau đó, con muốn xin phép mẹ được đón cháu lên phố ở với con để cháu nó có điều kiện học hành”. Bà tôi im lặng một lúc rồi mới nói: “Bây giờ thằng Lành cũng lớn rồi, mẹ để nó tự quyết định...”. Rồi bà quay sang tôi, bảo: “Lành! Ý cháu thế nào?”. Tôi nhìn mẹ rồi nhìn bà: “Để cháu suy nghĩ đã!”.
    Nói xong, tôi chạy ra bờ sông ngồi một mình, lòng xáo trộn. Tôi lấy hòn sỏi nhỏ ném xuống lòng sông, những con sóng thi nhau chạy dài, tầng tầng lớp lớp, ngổn ngang như lòng tôi vậy. Năm nay tôi vừa học xong trường làng, sang năm sẽ lên học ở trường huyện. Trường huyện cách nhà khá xa nên rất khó khăn trong việc đi lại. Tôi lên học trường huyện chắc là bà sẽ xót xa vì thương tôi. Tôi biết, lúc nãy bà không trả lời câu hỏi của mẹ vì nửa muốn tôi lên phố học, để tôi có được một tương lai tốt đẹp; nửa lại không muốn phải xa tôi, đứa cháu nhỏ đã gắn bó với bà trong những ngày cuối đời.
    Tôi ngồi phân vân mãi. Tôi biết, dù quyết định như thế nào thì bà vẫn luôn ủng hộ tôi. Chỉ có điều, quyết định nào cũng thật khó đối với tôi. Lúc này đây, tôi ước giá như lòng mình cũng bình lặng như sông. Để tôi mãi được ở bên bà, ở bên những đứa bạn đã cùng tôi lớn lên.
    5. Tôi thất thểu đi về, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. Bà và mẹ ngồi hai bên ghế, nói chuyện gượng gạo. Sự chờ đợi biểu lộ trên khuôn mặt của bà và mẹ. Tôi lặng lẽ đứng trước bà rồi lí nhí: “Cháu có lỗi với bà...”. Rồi tôi oà khóc. Bà nhẹ nhàng: “Cái thằng này! Có gì phải khóc nào... Đàn ông đàn ang phải mạnh mẽ lên chứ”. Bà chỉ nói đến đó rồi nghẹn lại. Tôi đến thu xếp quần áo thì mẹ bảo không cần, lên đó mẹ sẽ sắm cả quần áo lẫn sách vở. Tôi đứng đó, tay chân bỗng nhiên lóng ngóng. Ừ thôi, quần áo tôi để lại, mai này bà có nhớ tôi cũng đỡ trống trải hơn. Bây giờ, tôi muốn nói với bà cái ước mơ ngày nhỏ biết bao, nhưng tôi không thể nói được lời nào. Hơn nữa, một con mèo liệu có thể làm bà đỡ nhớ tôi được không? Cháu thương bà quá, bà ơi!
    Mẹ đến nắm tay tôi rồi bảo chào bà. Tôi lí nhí mãi vẫn không tròn câu. Chỉ thấy bà cứ đưa ống tay áo lên chậm chậm nước mắt. Mắt tôi cũng nhòe đi. Nghĩ đến cảnh, ngày mai bà phải thui thủi một mình là lòng tôi quặn lên. “Cháu đi đây bà ơi!”. Tôi chỉ nói được chừng ấy rồi để mẹ nắm tay dắt đi, hai chân ríu vào nhau, không thể bước dứt khoát. Mẹ dẫn tôi ra bến xe, sau lưng bà đứng nhìn mãi.
    Hai mẹ con tôi đi trên đường, không ai nói với nhau dù chỉ một câu. Ra đến bến sông, đột nhiên tôi đứng sững lại. Những kỷ niệm ùa về, dồn dập. Sông đã gắn bó suốt một thời trẻ dại; đã cùng tôi vui đùa bên lũ bạn. Sông cũng là nơi tôi suýt phải về thế giới bên kia. Sông nuôi tôi lớn khôn và dạy tôi biết yêu thương. Sông đã trở thành một phần máu thịt của tôi từ khi nào. Sông cũng lành hiền như bà tôi vậy! Đến đây, đôi chân tôi không thể nhúc nhích được dù chỉ là một bước nhỏ. Tôi quay sang mẹ, nói một câu dứt khoát: “Mẹ tha lỗi cho con” rồi nhằm hướng nhà bà chạy về, để mẹ một mình ngơ ngác. Tôi chạy miết, trong lòng chộn rộn khi nghĩ về bà. Khi tôi về đến đầu ngõ, vẫn thấy bà đứng đó, khuôn mặt buồn buồn. Tôi chạy đến ôm chầm lấy bà, chỉ kịp thốt lên “Bà ơi” rồi khóc tức tưởi. Bà cũng khóc nhưng tôi thấy hình như khóe miệng của bà đang cười. 
Hồ Huy Sơn

Nụ cười ...
Có nụ cười vui tuổi trẻ thơ,
Trong tâm ghi nhớ tự bao giờ...
Theo cùng ta mãi bao ngày tháng,
Tiếng cười trong trẻo đáng tôn thờ !

Có nụ cười xinh - Ôi rất xinh !
Thanh tân hoà lẫn biết bao tình,
Nụ cười duyên dáng thời con gái,
Làm cho ngơ ngẩn kẻ si tình !!!

Có nụ cười tươi thoáng vu vơ,
Tuy vui nhưng lắm cái bất ngờ !
Ẩn bao cay đắng và chua chát,
Với một tâm hồn đã xác xơ....

Xin hãy cười vui như tuổi thơ,
Hồn nhiên , trong sáng, đẹp như mơ....
Nụ cười tươi thắm như hoa nở
Trong suốt đời ta vẫn mãi chờ !!
 NM




      Nụ cười bên sông
  Cặp bến phà Thủ Thiêm, người ta sắp làm một dự án lớn. Đồng nghĩa với việc tất cả người dân ở đây sẽ đến một khi tái định cư nào đó, hoặc nhận tiền mà tự mua một nơi khác để an cư. Người ta bàn tán xôn xao về nhận tiền đền bù, bàn tán ở chợ, bàn tán ở quán cà phê, ở vỉa hè... Chị bán bánh mì thở dài, chị uốn tóc cũng thở dài, cô bánh xèo, ông bún bò huế... Tất cả đều nghĩ đến một nơi khác, một nơi mình có thể sống bằng cái nghề mình đang sống. Tất cả họ, ai cũng sẽ giảy nảy lên khi chính quyền đưa họ vào nơi tái định cư là một chung cư cao cấp. Họ không thèm, vì khi sống chung cư cao cấp họ không thể bán bánh mì, họ không bán hủ tiếu hay bún bò được, họ không thể mở quán cà phê cóc, hay bán dừa, rau câu...
    Có một quán tạp hóa nhỏ cặp mé sông, dưới chân bến phà, ở đó không nghe chủ tiệm than thở gì cả, chị cũng bình thản với những việc làm của mình, làm cần mẫn, làm hằng ngày, không tham gia vào cuộc tranh luận bàn tán xôn xao nào của những người trong chợ. Chị khoảng ba mươi lăm tuổi, cái tuổi xuân sắc đã đi qua lâu rồi bởi một căn bệnh lạ, chị chưa chồng. Chỉ thỉnh thoảng thấy anh Tư xe ôm ra vào chở hàng hóa cho chị, kiêm luôn cả việc đi lấy nợ và cuối tháng. Đơn giản, dễ hiểu thôi, vì chỗ chị ngồi bán ấy khoảng 12 mét vuông, chị đã thuê lại của một gia đình giàu có đâu chừng chục năm trước, mỗi năm người ta tới thu tiền một lần. Chị nghĩ, đến khi có lệnh giải tỏa, chị chỉ cần dọn mớ đồ này đi là được, thuê một chỗ khác, nhỏ, rẻ thôi. Chị không còn sức để ra mặt tiền mà làm ăn lớn, chị cũng không còn muốn kiếm nhiều tiền nữa, kiếm có nhiều cũng không sống được bao lâu nữa đâu.
    Anh Tư xe ôm có lần hỏi "Ngân không định tìm một chỗ khác mà đi sao?", chị cười "dễ gì mà nhanh vậy được, chủ nhà ở đây còn chưa nhận tiền đền bù mà, cả năm nửa không chừng!". Anh Tư mắt buồn xa xăm "thay đổi là mất hết khách, không biết rôi sẽ ra sao?", chị vẫn vui và lạc quan "thì đến chỗ mới tìm khách mới, ở đâu chẳng sống được, mình đã có gì đâu mà sợ mất!". Lúc ấy hình như anh Tư muốn cãi lại gì đó, hình như anh muốn nói là mình có chứ sao không? Có nhiều thứ ở cái mé sông này lắm. Nhưng rôi anh không nói gì, chỉ nhìn chị bằng ánh mắt long lanh.
    Thằng con trai nhà kế bên say xỉn vê ăn vạ như Chí Phèo, hắn đòi chia tiền đền bù nhà, vì hắn cũng có tên trong hộ khẩu. Số tiền đền bù mà người mẹ còn thở dài thườn thượt không biết có mua nổi một chỗ đàng hoàng khác để sống hay không? Thấy thì thấy vậy, nhưng chị không kể với ai, kể cả anh Tư xe ôm, vì đàng nào nó cũng không phải là chuyện của chị.
    Chị là người sống tha phương từ mười lăm năm trước, chị làm công nhân, kiếm tiền để tự nuôi sống mình, kể từ ngày ba chị mất. Nhưng không may cho chị, chỉ được năm năm đi làm theo ý thích, đủ để mua được vài món đồ cá nhân có giá trị một chút, chị đổ bệnh. Một căn bệnh lạ, không bệnh viện nào chẩn đoán được. Xương chị như mục ruỗng dần, trước thì chỉ đau đầu, nhức mỏi, sau này đau và sưng các khớp xương, đau lưng, tức ngực, khó thở... Bất cứ cơ quan nào trong cơ thể chị cũng đau, đau từ từ, đau dai dẳng.
    Chị khám hết bệnh viện nay đến bện viện khác, người ta lấy gần như hết máu trong người chị ra mà xét nghiệm. Uống hàng trăm thứ thuốc, nghe ở đâu có thầy thuốc Bắc, thuốc Nam chị đều đến. Chị sống nhờ thuốc, uống thuốc no cả ngày.
    Khi không còn sức vào công ty làm, chị mượn tiền bạn bè về mở một tiệm tạp hóa nhỏ, để đổi đắp qua ngày. Sáng bảy giờ chị mở cửa, đến chín giờ tối thì đóng. Cuộc sống của chị bình yên một cách tẻ nhạt. Không ai biết rằng cứ mỗi lần sắc xong chén thuốc, bưng lên uống mắt chị lại rưng rưng. Hình như có lúc chị sợ chết, dù chị đã chuẩn bị đón nó từ lâu rồi.
    Có lần chị hỏi anh Tư rằng anh có sợ chết không? Anh Tư trợn mắt "Giỡn chơi hoài Ngân, anh chưa vợ con, không sợ chết thì sợ gì?". Rồi anh Tư nhìn chị, nhìn như van lơn, Ngân à, em còn khỏe lắm, sao nghĩ đến chuyện chết hoài vậy? Em còn đủ thời gian để có chồng, sinh con... Nhưng anh không biết nói thế nào cho chị hiểu, vì trái tim chị đã khép lại rồi, chị khép luôn cuộc đời mình lại.
    Trong khu phố lại họp, lần này chính quyền mạnh tay hơn, không lấy ý kiến ngươi dân nữa, chỉ thông báo cho dân biết là có 2 sự lựa chọn, một là tái định cư, hai là nhận tiền đền bù, ai muốn cái nào thì đăng ký, đúng sáu tháng nữa ai không đi sẽ có lệnh cưỡng chế, chính quyền sẽ cho xe xuống ủi đi. Những người cuối cùng phản đối cũng đành tiu nghỉu lấy giấy ra về. Vậy là xong, chị có một cái mốc rõ ràng cho việc dọn đi nơi khác của mình. Anh Tư nói "để hàng ngày chạy xe, tui để ý có chỗ nào cho thuê rẻ tui hỏi dùm cho". Chị ừ, có sớm thì dọn sớm, bắt đầu lại bây giờ hay sáu tháng nữa cũng giống nhau thôi.
    Cuộc sống của chị vẫn cứ đều đều trôi, một hôm, anh Tư đưa về nhà chị một ông lão, bảo rằng ông bắt mạch và kê thuốc hay lắm, anh đã năn nỉ hết lời để đưa ông từ Long Khánh về đây.
    Ông lão bắt mạch rồi kê toa, bảo chị mang tâm bệnh. Bệnh chị không nặng, nhưng tâm bệnh khiến cơ thể chị suy sụp và tiều tụy. Ông bảo chị hãy lạc quan và làm điều gì đó vui cho cuộc đời mình. Chị hỏi ví dụ như gì? Ông lão móm mém nói như lấy chồng chẳng hạn. Chị trợn mắt nhìn ông lão thầy thuốc. Nhưng ông lão khoát tay nói tiếp, chị không tin thì thôi, tôi già bằng ngần này tuổi, với gần bảy mươi năm làm nghề thuốc, tôi đi nói dối chị ư? Chị mím môi, im lặng.
    Anh Tư đưa ông lão về, bảo chị đưa toa thuốc ông lão vừa kê anh đi mua cho. Chị không đưa, nói để từ từ uống, thuốc chị còn nhiều quá, mua về nhà nữa thì ngán không uống nổi.
    Khi anh Tư quay trở lại, chị nghiêm mặt "lần sau đừng có làm vậy nữa!". Anh Tư giả bộ ngơ ngác "thì nghe đồn ông già đó hay, tui giúp Ngân thôi mà", chị nói bằng giọng đều và buồn "tui biết bệnh của tui, anh không cần tìm mọi cách để an ủi tui đâu, ngày nào tới nó tới, tui cũng không bi quan, dù có cố gắng thì cũng thót khỏi được phận mình đâu, mình chỉ có một cuộc đời để sống, dài hay ngắn có quan trọng gì, phải không?".
    Anh Tư ngồi xuống, chống tay lên cằm, rủa thầm "cái lão già này, đóng kịch dở ẹc".
    Sau lần đó, anh không dám giới thiệu với chị thêm "thầy thuốc" nào nữa. Chỉ nghe lời chị chở chị đến những bệnh viện chị đã từng khám để tái khám. Mọi thứ trở về như cũ.
    Anh Tư hỏi cho chị được một phòng trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, rộng chừng chín mét vuông, có cái gác nhỏ nhỏ. Chị nói bây nhiêu đủ cho chị sống rồi. Anh Tư bảo hàng ngày tui sang phụ Ngân, cần gì cứ nói. Chị ừ, anh cứ làm những việc anh đã từng làm, đi xa hơn nên tui sẽ bù tiền xăng cho anh. Anh Tư phật ý "biểu tui làm không công tui cũng giành nữa là...." Rồi như bắt gặp cái nhìn nghiêm nghị của chị, anh thôi, anh cầm cái nón bảo hiểm bảo "thôi, tui đi rước khách". Chị thẫn thờ nhìn theo. Những bịch đậu phộng, những gói snack cho trẻ con rơi dần khỏi tay chị. Chị uống thuốc, uống chăm chỉ, chị trông chờ một phép màu nào đó, biết đâu ngày mai, ngày kia bỗng dưng khớp chị hết đau, ngực không còn tức, tóc không còn rụng, da không còn xanh... rồi lúc ấy, anh Tư sẽ thế nào nhỉ? Chị vội lắc đầu, xua ngay cái ý nghĩ mà chị cho là kinh khủng ấy, là viễn vông, là không tưởng.
    Chị yếu hơn chút nữa, mắt mờ dần, chắc tại chị uống quá nhiều thuốc. Bác sĩ bảo chị mổ đi, nếu mổ thì mắt sẽ sáng dần trở lại, không sao cả, chi phí khoảng mười triệu đồng. Chị hỏi mổ trước một con được không? Bác sĩ nói được.
    Chị về gom hết tiền dành dụm, không lấy hàng mới, nhờ anh Tư đi gom hết số nợ còn lại. Anh Tư hoảng hốt, bộ tính bỏ đi đâu nữa hay sao? Chị cười, anh khùng hả? ở đây với bỏ đi có khác gì nhau? Anh Tư thở dai thườn thượt.
    Đủ năm triệu, chị kêu anh Tư chở tới bệnh viện mắt, chị cười, tui phải mổ để thấy đường mà làm ăn, hổng lẽ mới tuổi nay chịu mù sao? Ai đi chịu vô duyên vậy?
    Anh Tư bỏ hết mấy mối đưa đón khách, vào thăm nuôi chị ở bệnh viện. Mổ xong một ngày chị đã được về nhà. Nhưng anh Tư không cho chị làm gì hết, anh bảo khi nào tháo băng đi rồi muốn làm gì thì làm, giờ để tui làm. Chị hỏi anh Tư sao không lập gia đình đi, bốn mươi rồi, anh là người biết chăm sóc gia đình và chăm sóc rất tốt. Anh hỏi lại chị "liệu có ai lấy tui không?", chị nói nhanh "sao lại không lấy?", "thật chứ?", sau câu hỏi có vẻ vui mừng của anh thì chị giật mình, biết mình lỡ lời.
    Một buổi sáng, đi bộ ra chợ, chị nghe người ta í ới gọi tên mình, hóa ra người quen. Là ông bún bò Huế và chị bánh mì. Chị hồ hởi hỏi thăm người này người kia, hỏi giờ họ sống ra sao? Ai cũng có vẻ hạnh phúc và vừa lòng với những gì họ đang có. Họ hỏi chị và anh Tư xe ôm sao rồi? Chị hỏi sao là sao? Chị bánh mì cười giòn "giả đò hoài, về sống chung cho rồi, hai người thuê hai nhà chi cho tốn?" Chị lại cười.
    Họ, một người đàn ông nghèo, bốn mươi tuổi, chạy xe ôm, một người con gái lỡ thì, sống nhờ thuốc và không biết còn bao nhiêu ngày đời mình kết thúc, bán hàng tạp hóa, hàng ngày cứ ra vào lo lắng cho nhau. Ai cũng mong họ về sống chung với nhau. Nhưng họ chỉ cười. Biết làm sao?  

Nguyễn Anh Đào

Lỡ Chuyến đò Ngang - Giao Linh

Đò Ngang - Thiên Trường 

   Gió Thổi Bên Sông - Phi Nhung

Gọi đò..

Dẫu vững tay chèo, khua tan sóng,
Nhưng luôn nhớ mãi một dòng sông....
Thuở ta đầy ắp niềm mơ ước,
Người đã giúp ta thoả ước mong !!

Quay tìm bến cũ , con đò nhỏ,
Cất tiếng gọi đò như thuở xưa !
Bóng người xiêu đỗ trên sông vắng,
Tiếng gọi đò ơi, bỗng nghẹn lời....

Cho dù đi bốn phương trời,
Bến trong, bến đục khắp nơi nơi....
Vẫn muốn quay về tìm bến cũ,
Cất tiếng gọi đò - "Ơi, đò ơi".....!!!

NM 



   



  Bến đò xưa hoang vắng
- Đò ơi! Đò... Ò... Ò...
    Đứng bên nầy sông nhìn sang bến đò năm cũ nhạt nhòa sương khói, tôi cất tiếng gọi đò. Âm thanh "đò" kéo dài vang vọng trên dòng sông gợn sóng rồi lịm tắt trong buổi chiều cuối năm se lạnh.
    - Đò ơi!
    Tôi định lấy giọng gọi tiếp thì một người đàn ông đang đứng trên bãi dâu cạnh đó, lên tiếng:
    - Đò giang đâu nữa mà gọi. Chú em muốn sang sông cứ đi thêm quãng nữa sẽ có cầu. Bến đò đã bãi bỏ lâu rồi.
    Theo sự chỉ dẫn của người đàn ông tốt bụng, tôi đi dọc triền sông một đỗi nữa gặp chiếc cầu xi măng khỏe khoắn níu chặt đôi bờ thưa thớt mấy bụi tre già đang run rẩy và những khóm cừa tàu soi mình trên nước biếc.
    Sang bên kia sông, tôi hết sức ngỡ ngàng, làng xóm bây giờ rất khác xưa, suýt nữa tôi không còn nhận ra.
    Con đường liên thôn liên xã đỏ quạch màu đất bazan với hàng trụ bằng tre khẳng khiu ruỗng mục móc đầy dây dẫn điện bùng nhùng rối rắm xẻ dọc làng Nhơn Hạnh ra làm hai nửa, nửa nào cũng xám xịt trống huếch, thiếu hẳn màu xanh tươi mát của vườn cây, của lũy tre làng đã bị triệt hạ để lấy chỗ xây nhà bán đất. Dọc theo con đường mới mở còn lồi lõm ổ gà, sống trâu là hai dãy nhà lợp tôn móc ngói; lấn ra, thụt vào; mới cũ, to nhỏ, cao thấp khác nhau; nhớp nháp bụi đường. Thị tứ mới toanh, nghèo nàn, nham nhở nhưng lúc nào cũng đầy ắp những âm thanh ồn ào náo nhiệt tỏa ra từ các quán cà phê, quán nhậu bình dân, hàng trò chơi điện tử...
    Giữa buổi chiều quê ồn ào sôi động bởi những âm thanh của chốn thị thành, bỗng có tiếng võng đưa kẽo kẹt với lời ru khắc khoải nghe xa vắng mơ hồ như từ trong thẳm sâu quá khứ.
    Làng Nhơn Hạnh bình yên, êm ả đã bị làn sóng văn minh đẩy lùi vào quên lãng!
    Quê tôi miền trung dụ Làng Nhơn Hạnh nằm dọc dòng Kôn xanh biếc, tuy là quê cô nhưng với tôi có nhiều kỷ niệm.
    Tuổi thơ của tôi không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Năm bốn tuổi, mẹ mất vì căn bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn rất trẻ. Cha tôi sống trong cảnh nghèo túng quanh năm trên cái làng nhỏ của một huyện miền trung du bốn bề đất đai khô cằn sỏi đá và cứ mỗi hoàng hôn bảng lảng sương mù. Mặc dù vậy, ba tôi vẫn quyết tâm nuôi tôi ăn học để sau này có cuộc sống khá hơn. Năm tôi thi đỗ bằng tiểu học cũng là năm ba tôi sang Mỹ theo diện HỌ Cô tôi từ miền xuôi vượt hàng trăm cây số lên đón tôi về nuôi dưỡng. Ngày theo cô về xuôi, tôi không tránh khỏi luyến tiếc bùi ngùi vì phải xa làng, xa quê, xa mảnh đất trung du tuy nghèo nhưng ở đó, tôi đã trải qua thời thơ ấu.
    Cô tôi sống đạm bạc trong căn nhà tôn vách ván cạnh bến đò Trường Thi nhộn nhịp khách thương hồ, mặt hướng về dòng sông Kôn xanh biếc êm đềm với những con đò dọc, đò ngang sớm chiều khỏa nước. Nghe tin cô tôi vừa đón về một đứa cháu ruột, bạn bè hàng xóm đến chúc mừng thăm hỏi. Ai cũng bảo tôi thông minh, ngộ nghĩnh, rắn chắc, là chỗ dựa của cô tôi lúc tuổi già sức yếu. Cô tôi chỉ cười, không nói. Còn tôi, cứ trả lời nhát gừng mỗi khi có ai hỏi đến.
    Mấy tuần lễ đầu, tôi rất buồn vì lạ người lạ cảnh, vì nỗi nhớ cồn cào, da diết. Những buổi chiều, tôi thường ra ngồi bên quãng sông vắng dõi theo bóng chim chao liệng trên dòng nước rực đỏ ánh hoàng hôn. Đêm, chới với, đắm chìm trong hoài niệm. Mỗi lần nghe tiếng gọi đò văng vẳng giữa sương khuya từ phía bên kia sông vọng lại, tôi càng nhớ quê, nhớ ba tôi da diết. Cô tôi vẫn nhẫn nại ngồi cạnh tôi phe phẩy chiếc quạt lá dừa vỗ về an ủi bằng giọng buồn rười rượi như từ trong sâu thẳm nỗi khổ đau: "Con người ai cũng có số phận riêng. Phải biết vượt qua số phận bằng nghị lực của chính mình con ạ! Đừng buồn! Tất cả rồi sẽ qua đi". Tôi không hiểu gì lời cô nói nhưng tôi yêu quí cô biết ngần nào.
    Hồi ấy, cô rất chiều tôi, mỗi lần sang bên kia sông mua hàng họ về bán, cô thường đưa tôi theo. Có lần, ngồi trên chuyến đò sang sông, tôi hỏi cô:
    - Tại sao người ta gọi là bến đò Trường Thi hả cô?
    Như một giáo viên dạy sử, cô giảng giải cặn kẽ:
    - Dưới triều nhà Nguyễn, phía bên nầy sông có trường thi Hương, cung cấp hàng trăm cử nhân tú tài cho các tỉnh miền Nam Trung bộ. Cứ ba năm tổ chức một kỳ thi Hương. Gần đến ngày thi, sĩ tử các nơi mang lều chõng, nghiên bút đổ về đây đông như trẩy hội. Bà con trong vùng dựng lều quán bán hàng cơm, giấy bút dọc hai bên các ngả đường. Đò ngang qua lại tấp nập trên dòng sông Kôn phục vụ sĩ tử và các quan giám khảo ở Kinh đô vào. Từ đó, bến đò mang tên Trường Thị Gần bảy thập kỷ trường thi tồn tại và trên hai mươi kỳ thi Hương được tổ chức, phần lớn thủ khoa thuộc về tay sĩ tử Bình Định. Vì vậy, ở đây có câu ca còn truyền tụng:
    Uổng công các tỉnh đường xa
    Để cho Bình Định thủ khoa nhiều kỳ.
    Ông nội con cũng đậu đầu cử nhân kỳ thi Hương cuối cùng. Mãi đến khi việc học chữ Hán bị bãi bỏ, trường thi hoang phế dần rồi bị giặc Pháp đập phá, trường thi chỉ còn là những đống đất đá làm chứng tích. Bến đò Trường Thi vẫn tồn tại và là nguồn cảm hứng cho các thi nhân. Bài thơ Bến My Lăng nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan ra đời cũng từ bến đò đầy gợi hứng nầy. Như chợt nhớ ra tôi chỉ là đứa bé vừa học xong tiểu học, cô cầm tay tôi, dặn dò - Con ráng học để sau này đỗ đạt như nội con ngày xưa.
    Thời son trẻ, cô dượng tôi sống rất hạnh phúc trên làng Nhơn Hạnh nằm dọc dòng Kôn xanh. Cô mở quán trên bến Trường Thi phục vụ khách thương hồ. Dượng tôi vừa dạy học vừa bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Người con trai duy nhất của cô dượng đang học cấp ba.
    Rồi chiến tranh diễn ra ác liệt trên quê hương cô dượng, khói lửa ngút trời, đạn bom xới tung đường thôn ngõ xóm. Dượng tôi mất vào một chiều giông gió bên dòng sông Kôn trong trận càn quét tàn bạo của địch. Bốn năm sau, người con trai của cô dượng cũng hy sinh trên mặt trận Tây Nguyên giữa mùa hè năm 72 rực lửa. Sự ra đi của đứa con trai yêu quí đã làm cho mái tóc cô bạc trắng, tinh thần suy sụp mặc dù lúc ấy tuổi chưa đến bốn mươi. Ngày toàn thắng, cả nước vang khúc khải hoàn, cô tiếp tục thân cò lặn lội ven bến sông xưa.
    Rồi tất cả cũng qua đi. Nỗi buồn của tôi đã nguôi dần theo tình thương của cô, theo dòng Kôn êm đềm với những chuyến đò ngang cần mẫn nối liền hai bờ lau lách. Làng Nhơn Hạnh êm ả chan chứa tình người giúp tôi tìm lại lứa tuổi hồn nhiên mà số phận đã cuốn trôi.
    Đầu năm học mới, cô đưa tôi vào học lớp sáu, cùng trường với chị Thưa. Chị Thưa ở cách nhà cô tôi một thửa vườn rộng. Ba chị làm y tế xã, mẹ mở hiệu may trên phố huyện. Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày tràn đầy hạnh phúc. Tuy lớn hơn tôi năm tuổi nhưng chị vẫn đang theo học lớp 8 trường làng. Ở vùng quê, trẻ con học muộn là chuyện thường. Tính chị Thưa vui vẻ hồn nhiên. Vì vậy, mới gặp chị lần đầu mà tôi đã cảm mến. Còn chị, rất thương tôi sớm mang thân phận nghèo, côi cút. Chị thường xưng hô "chị em" với tôi rất thân mật. Tôi và chị Thưa học cùng buổi nên sáng nào chị cũng ghé lại rủ tôi đi học. Tan trường, cùng về. Thường những buổi tối, chị hay đến nhà tôi chỉ hộ mấy bài toán khó rồi nói chuyện với cô tôi trước lúc ra về, hoặc rủ tôi đi xem hát mỗi khi có đoàn cải lương nào đó ở Sài Gòn ra diễn trên nhà văn hóa xã. Những ngày nghỉ học, tôi cùng chị Thưa lên khu đồi sau lưng nhà chị hái sim chín và nhặt củi khô đem về đun bếp. Có hôm, cùng ra tận quãng sông vắng đợi con nước ròng, bày trơ cát nhặt những con hàu con hến. Thi thoảng, những kỳ lễ tết, cô đưa chúng tôi lên thành phố Quy Nhơn ngắm biển, mua hàng. Từ ngày quen thân chị Thưa, tôi vơi bớt nỗi buồn, việc học cũng có chiều hướng tiến bộ rõ rệt. Tôi quí chị Thưa lắm. Vắng chị thấy nhớ.
    Theo thông lệ, đầu tháng ba làng Nhơn Hạnh mở hội, người các nơi đổ về tưng bừng nhộn nhịp. Mới nửa chiều mà trống chầu đã nổi lên giòn giã, thôi thúc từ phía sân đình vọng lại. Hôm ấy, tôi đi học về đến nhà trời đã nhập nhoạng. Cơm nước xong xuôi, tôi háo hức đến rủ chị Thưa cùng dự hội làng. Dưới ánh trăng thượng tuần treo lơ lửng tận góc trời xa, chị Thưa nắm chặt tay tôi đi hết con đường làng rợp bóng rồi băng tắt qua mấy thửa ruộng dưa để kịp xem đoạn đầu vở tuồng "Đổng Trác hí Điêu Thuyền", vở tuồng Tàu mà cô tôi khen hay lắm. Đến một khoảng vắng, tôi bỗng kêu thét lên "ma" rồi quay lại ôm cứng lấy thân thể tròn trịa săn chắc, ấp mặt vào bộ ngực no tròn đầy gợi cảm của chị, thở dồn. Chị Thưa vòng tay âu yếm siết chặt lấy tôi nhận chìm trong hơi thở dịu ngọt dồn dập, gấp gáp của lồng ngực phập phồng rung rẩy, thoảng chút hương bưởi hương chanh tỏa ra từ mái tóc dài óng mượt của chị để rồi chỉ trong khoảnh khắc, nỗi sợ hãi tiêu tan, lòng tôi rộn lên cảm giác ngất ngây tê dại. Bất chợt, như bừng tỉnh cơn mê, chị khẽ đẩy tôi ra thở dài thảng thốt, cất giọng hổn hển:
    - Bù nhìn giữ dưa đấy em!
    Tôi ngơ ngác nhìn chị rồi lặng lẽ đi vào hội làng...
    Sau đêm hội làng không bao lâu thì ba tôi về làm thủ tục bảo lãnh cô cháu tôi sang Mỹ. Cô tôi dứt khoát không chịu rời bỏ quê hương xứ sở, mồ mả ông bà. Ba tôi cố thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển nổi ý chí của cô tôi. Riêng tôi, rất yêu cô, yêu da diết làng quê Nhơn Hạnh, yêu bến Trường Thi với những chuyến đò ngang ngày đêm cần mẫn nối lại đôi bờ, nhưng không phải vì vậy mà làm đảo lộn mọi lo toan tính toán của ba tôi.
    Trước hôm ra đi, tôi tìm chị Thưa để chào từ biệt. Tìm mãi rồi cũng gặp chị đứng lặng lẽ trên quãng sông vắng, mắt buồn thăm thẳm hướng về chuyến đò chiều khỏa nước trên dòng sông đỏ rực ráng hồng. Tôi khẽ khàng bước đến cạnh chị, giọng bùi ngùi:
    - Chị Thưa, sáng mai em đi...
    Không lên tiếng cũng không ngoảnh lại nhìn tôi, chị bỗng đưa tay ôm mặt nấc nghẹn, bờ vai run rẩy theo nhịp sóng lòng dâng cuộn... Lòng tôi cũng se lại. Bất chợt, như một cơn gió giật, chị quay lại ôm chầm lấy tôi, hôn tới tấp lên tóc lên cổ nhạt nhòa nước mắt rồi vụt chạy qua bãi dâu xanh ngắt, lồng lộng gió chiều.
    Đêm ấy, tôi cứ thao thức, trăn trở. Trước giờ phút ly hương sao mà buồn da diết!
    Tảng sáng hôm sau, chuyến đò đầu tiên trong ngày chỉ có ba con tôi và một nỗi buồn lặng lẽ rời xa bến. Trước mặt tôi, làng Nhơn Hạnh như bồng bềnh chao đảo trong sương sớm.
    Bất chấp con đò chòng chành, tôi bỗng đứng vụt lên gọi lớn:
    - Chị Thưa! Chị Thưa ơi!
    Trên bến Trường Thi, chị Thưa đang đứng vẫy tay chào từ biệt. Con đò vô tâm cứ lặng lẽ xa bờ. Nhìn hình ảnh chị Thưa khép dần rồi khuất hẳn trong làn sương tím, lòng tôi cứ thấy rưng rưng.
    Sau mười năm ăn học nước ngoài, tôi đã trở thành nhà khoa học có tên tuổi đang xin về Việt Nam công tác theo nguyện vọng của ba tôi. Ngày trở lại quê cô như một kẻ lãng du quay về làng cũ lần tìm kỷ niệm của một thời dĩ vãng.
    Bước vào cửa hiệu uốn tóc, tôi hỏi một cô gái còn non choẹt, mặc quần đùi bó sát, phô diễn cặp giò mốc thếch đang ngồi tự dũa gọt móng tay:
    - Em làm ơn chỉ giúp anh nhà chị Thưa.
    Cô bé giương mắt nhìn tôi lắc đầu:
    - Ở đây không có ai tên Thưa!
    Một giọng đàn bà từ phía sau tấm vải màn cũ kỹ đầy cáu bẩn:
    - Thưa là Ngọc Ánh đấy con.
    Cô bé "à" lên một tiếng rồi đứng lên bước ra khỏi cửa, sốt sắng:
    - Đó, cái nhà hai mê ở tận đầu hồi đó. Cô bé nheo mắt nhìn tôi ra vẻ giễu cợt - Anh muốn hát phải không?
    Đến nhà chị Thưa, thấy có tấm bảng nhỏ treo ngay ngắn trước cửa: "Phòng Karaoke vi tính". Tôi hồi hộp đưa tay gõ cửa khẽ khàng rồi chờ đợi nỗi vui mừng ập đến. Cánh cửa bật mở, âm thanh xập xình với giọng hát ồm ồm tuôn ra cùng lúc với cô gái xinh xắn hớt tóc tém, quần áo khêu gợi, mặt dày son phấn nhìn tôi dò xét. Trời ơi! Chị Thưa của tôi đây sao? Phép lạ nào đã thay đổi chị Thưa xinh đẹp hiền lành nhân hậu thành cô Ngọc Ánh mắt xanh mỏ đỏ, tay chân đầy móng vuốt? Trong lúc tôi đang hoang mang dao động thì chị vẫn vô tình nhoẻn miệng cười duyên như chị thường làm chiều khách:
    - Anh thông cảm, em đang tiếp các sếp trên huyện.
    Tôi định cất tiếng gọi chị thì chị tỏ lời an ủi:
    - Đừng buồn! Tối trở lại em sẽ lấy giá mềm hơn.
    Nói xong, cánh cửa khép kín, chị khuất hẳn sau lớp kính mờ để lại trong tôi một nỗi buồn thăm thẳm.
    Rời nhà chị Thưa, tôi lầm lũi đến bến đò ngày trước. Nhìn lại ngôi nhà của cô mà tim tôi đau nhói. Cô tôi mất cách đây năm năm. Ngày cô mất, ba tôi có về chịu tang. Riêng tôi, lúc ấy đang bận kỳ thi tốt nghiệp. Ngôi nhà từ đó thay đổi chủ. Bến đò Trường Thi bây giờ cỏ dại um tùm, phủ dày lau trắng. Cảnh cũ hoang vắng tiêu điều.
    Tất cả chỉ còn là kỷ niệm!
    Tôi đứng vào vị trí mà chị Thưa đã đứng tiễn tôi ngày xưa, lặng lẽ nhìn quãng sông chiều vỡ vụn ánh hoàng hôn. Hình như có tiếng gọi đò văng vẳng mơ hồ vọng về từ trong thẳm sâu ký ức
Trần Quang Lộc

Người chèo đò năm xưa
Người chèo đò năm xưa,
Gieo vào tâm hồn trẻ...
Một món nợ thân tình,
Với tấm lòng hy sinh....
Giúp cây non cứng cáp.....

Hôm nay người quay lại,
Không chèo đò như xưa,
Nhưng tâm : nguồn tãi đạo,
Đầy cả một Thuyền Từ,
Đem trái tim vị tha,
Thực hành Bồ Tát đạo

Tất cả những con đò ,
Dù tháng ngày lênh đênh
Vẫn tìm nơi bến đỗ...
Bao con nước xuôi dòng,
Giữa trời đất mênh mông
Cũng quay về biển cả !!! 
 NM

 Người chèo đò năm xưa
Khi tôi trở lại quê nhà, thì chú Tư chèo đò không còn ở đó nữa. Bến đò ngang bên dòng sông nhỏ một thời tuổi thơ tôi thường qua lại đến trường, nay đã được thay thế bằng một cây cầu đúc chắc chắn.
Cảnh vật đã thay đổi nhiều. Chút mảnh hồn quê vẫn còn đó, nhưng người tôi muốn tìm thì bặt vô âm tín.
Chú Tư chèo đò ngày ấy là một thanh niên chất phác lực lưỡng. Chú rất có hiếu lại vui vẻ thân thiện với mọi người. Vì vậy mà ai cũng yêu mến, nhất là bọn trẻ chúng tôi, vốn là khách hàng đi đò mỗi ngày nên được chú luôn quan tâm hỏi han giúp đỡ.
Tôi vẫn thường đi đò chịu của chú. Nhà tôi thuộc loại nghèo nhất xóm. Ba mất sớm. Mẹ tảo tần bữa có bữa không cũng ráng lo cho anh em tôi ăn học. Một hôm chú Tư kêu tôi lại bảo:
- Này Thanh, từ nay chú cho cháu quá giang đi học. Cháu đừng ngại, ráng học thành tài, để còn lo cho mẹ cho em.
Tôi biết chú thường chở đám học trò nghèo qua sông miễn phí, nhưng vẫn thấy ngại ngùng:
- Cháu đi hoài sao được. Nhà chú cũng nghèo. Chú còn phải lo cho bà.
Ối chào! Chú có lấy thêm tiền của một vài đứa như cháu cũng đâu có giàu hơn. Cũng là tình làng xóm quê hương với nhau cả, giúp ai được chút nào thì giúp cháu à! Cháu cứ lo học và sống cho thật tốt. Mai này lớn lên còn giúp ích cho xã hội.
... Sau đó gia đình tôi theo người cậu trôi dạt về thành phố. Mải bận rộn với chuyện cơm áo học hành, trải qua một thời gian lâu tôi mới có dịp trở về thăm quê. Nhưng bến đò xưa không còn; Người chèo đò cũng thôi nghề đưa khách sang sông. Hỏi thăm thì làng xóm chỉ nói là từ ngày bà mẹ già mất đi, chú theo người bà con đi làm ăn xa, đâu tận miền Đông lận. Còn chính xác như thế nào cũng không ai biết rõ lắm.
Tôi cũng chẳng biết thực hư thế nào. Sự náo nức của tôi khi nhìn thấy làng quê mình sung túc giàu có, dường như vẫn thiếu vắng một điều gì. Mỗi lần bước qua cây cầu mới, lòng tôi cứ bồi hồi nhớ lại khoảng trời xanh thuở trước. Tôi đã mắc nợ chú suốt quãng đời tuổi thơ trên những chuyến đò ngang. Không gặp được chú, tôi biết mình mãi mãi làm một kẻ đi tìm…
“Làng mình năm nay cúng Họ lớn lắm, cháu về nhé”.
 Nhận bức điện tín của người bác ruột, tôi vội thu xếp trở về thăm quê lần nữa.
... Suốt ngày mệt nhoài vì lo cúng kiến, lễ lạy. Vừa định đi nghỉ thì nghe bác dâu tôi nói: - Thanh à! Cháu đi lên chùa nghe pháp không? Có thầy ở thành phố về giảng hay lắm. Mà này, bác nghe nói thầy là người làng mình đó, hình như là chú Tư chèo đò ngày trước. Chú đã đi tu, làm tới Đại đức giảng sư gì lớn lắm ở thành phố. Nay mới trở về thăm quê...
Tôi vùng ngồi dậy, đi theo mấy người anh em họ lên chùa. Trời đã tối, ánh trăng rằm soi tỏ con đường quê ngoằn nghèo đầy cát bụi. Mùi hương ngọc lan thoang thoảng từ những ngôi nhà cổ. Tiếng ếch nhái kêu rang cả cánh đồng. Tiếng hò ru con dịu dàng trong đêm vắng. Một khung cảnh làng quê thân quen là vậy, nhưng tâm trí tôi cứ nghĩ ngợi đâu đâu.
Chú Tư chèo đò đã bước sang một cuộc đời khác. Nếu vậy thì hay biết mấy. Có điều, không biết người có còn nhớ đến thằng bé Thanh thường hay đi đò thiếu của chú ngày trước hay không?
Khi chúng tôi tới nơi thì giảng đường đã đông đặc những người. Chắc hẳn đây là lần đầu tiên có vị thầy về quê giảng đạo, nên ai cũng muốn được nhìn được nghe người đồng hương của mình - nay là một vị đại đức rất đạo hạnh uy nghiêm nói chuyện. Vì đến trễ nên chúng tôi không thể vào được bên trong.
Ngồi ngoài, tôi cố lắng nghe từng giọng nói, âm điệu của người… Vẫn là chất giọng miền quê chơn chất trầm ấm, nhưng lời lẽ thì đầy vẻ sâu lắng hùng hồn cứ làm cho tôi thấy ngờ ngợ. Sau bài pháp ngắn nói về đạo lý làm người, vị giảng sư bỗng nói trở nên thân tình hơn:
- Ở đây, quý vị lớn tuổi một chút chắc là đã biết tôi hết rồi. Tôi từng là người chèo đò nơi dòng sông này của hơn mười lăm năm về trước. Từ ngày rời xa quê hương, tôi gặp nhân duyên được xuất gia học đạo. Hôm nay tôi mới có dịp trở về thăm quê nhà.
Thật là vui khi nhìn thấy xóm làng mình ngày càng phát triển. Và cũng thật cảm động với tấm lòng của quý vị đối với đứa con xa quê lâu ngày.
Tôi về đây, trước là viếng thăm làng xóm bà con. Sau nữa, là mong muốn đem ánh sáng của đạo từ bi gội nhuần nơi mảnh đất mà mình từng chôn nhau cắt rốn. Những gì mà tôi góp nhặt, trau dồi học tập qua bao năm tầm sư học đạo, tôi sẽ hướng dẫn trau dồi cùng quý vị; để chúng ta cùng tu tập, hành trì.
Ngày xưa tôi từng làm anh chèo đò đưa người vượt qua dòng sông đời ngắn ngủi, thì nay tôi cũng xin giữ vai trò của người lái đò để đưa mọi người vượt qua dòng sông sinh tử đến được bờ an vui giải thoát...
Thời thuyết pháp đã xong, mọi người kéo nhau ra về. Tiếng nói chuyện lao xao vang xa cả một vùng quê yên tịnh, ai cũng tỏ vẻ kính phục và mãn nguyện. Riêng tôi vẫn còn đứng chần chờ trước sân chùa. Bao nhiêu dự định muốn giải bày đã không cần thiết nữa. Người chèo đò đã vượt qua dòng sông sinh tử thì còn nghĩ gì đến món nợ ngày xưa. Chỉ có người mang nợ thì mãi ôm lòng khoắc khoải …
Có tiếng bước chân người đi đến. Tôi vội xoay qua định tránh sang một bên bỗng nghe tiếng gọi: Phải Thanh đó không? Thầy về hôm rày cứ hỏi thăm con hoài, nay mới gặp. Nghe nói con học hành đã thành đạt, và đang làm việc ở thành phố phải không?
Tôi cúi đầu chào thầy, cất tiếng lí nhí, không biết là do run sợ hay vì quá xúc động. Dạ….. con cũng mấy lần trở về quê... mong gặp lại chú …à…thầy. Không ngờ thầy đã trở thành một vị Đại đức. Cuộc đời đôi khi cũng lắm chuyện bất ngờ. Điều mà trước tiên… con muốn nói với thầy là…về món nợ ngày xưa…
Thầy cười lớn. Nụ cười chứa đựng biết bao sự bao dung và cởi mở chân tình:
- Ừ cuộc đời vẫn luôn chứa đựng những điều bất ngờ như vậy đó con à! Nếu cùng đi trên một chuyến đò thì cuối cùng chúng ta sẽ gặp nhau thôi. Còn món nợ năm xưa. Nào có đáng gì mà con phải bận tâm. Món nợ ấy thầy đã gởi lại cho con qua mấy lời nhắn nhủ. “Phải học cho tốt, để làm một con người tốt giúp ích cho gia đình, xã hội.”
Hôm nay thầy trò mình có duyên gặp lại nhau nơi quê nhà. Thầy cũng chỉ ước mong con luôn giữ vững được điều đó. Sống cho xứng đáng một con người, trước khi muốn làm những điều to lớn khác. Con đang làm việc ắt có điều kiện gần gũi với nhiều thành phần trong xã hội, thì phải biết giữ lòng mình cho trong sáng, chính trực. Đừng để miếng mồi danh vọng bạc tiền làm lu mờ tâm trí …
Dòng sông đời vừa rẽ sóng. Người chèo đò đưa chúng sinh vượt qua dòng sông sinh tử đã trở về quê xưa, sưởi ấm xóm làng qua tâm tình của người đồng hương, chia sẻ cuộc sống bằng trái tim vị tha của bậc Bồ tát.
Tôi lại mắc nợ người thêm một lần nữa. Món nợ ân tình suốt bao nhiêu năm ôm ấp bên lòng vẫn chưa trả được. Khi đi ngang qua chiếc cầu có thấp thoáng bóng dáng màu áo vàng giải thoát, tôi chợt nhận ra là mình cũng vừa bước sang một trang đời mới.
Từ phía bờ xa, con nước xuôi dòng đang quay về biển cả
Lam Khê


 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hãy cứ trôi đi sông ơi....
Xin hãy trôi đi dòng sông xanh ,
Đừng lo phải sống kiếp độc hành.....
Đã có bên bờ tôi thúc giục,
Vậy thì xin hãy cứ trôi nhanh !!

Dòng sông nhỏ bé hãy trôi đi,....
Chỉ xin giữ lấy nét xuân thì,
Trôi theo dòng chảy tìm ra biển,
Vẫn giữ màu xanh, xanh mãi xanh !

Tôi vẫn bên bờ luôn dõi trông ,
Mong ngày sông đổ biển mênh mông....
Quên đi những tháng ngày cơ cực,
Chào đón bình minh với biển Đông !?
NM 
 












































 Buổi tối thứ Bảy, tôi cùng người bạn ngồi uống nước dừa bên bờ sông Tiền. Trời đứng gió nhưng dòng sông vẫn trôi miên man và phả hơi nước lên mát rượi. Bạn tôi dân Mỹ Tho nên anh rành phong cảnh nơi đây. Anh đang thao thao giảng cho tôi hiểu lai lịch con sông Tiền. Còn tôi nhìn dòng sông và cố hiểu nó trong im lặng.
    - Mời chú mua vé số.
    Người bạn tôi lắc đầu, xua tay với một cô bé bán vé số mặc áo sơ mi trắng quần xanh và anh tiếp tục nói về dòng sông. Cô bé đưa xấp vé số qua tôi.
    - Mời chú... dạ... mời thầy mua giúp em mấy tấm vé số.
    Tôi nhíu mày nhìn cô bé đứng trước mặt. Ðôi mắt em đen và ướt như dòng sông đêm. Tôi hỏi:
    - Tại sao em gọi tôi là "thầy"?
    - Dạ tại thầy có dạy em năm lớp mười.
    - Em nhận lầm rồi, tôi đâu có dạy em. Tôi mới ở Sài Gòn xuống đây chiều nay.
    - Dạ năm lớp mười em còn học ở Sài Gòn. Sau đó ba em chuyển công tác xuống đây, cả gia đình phải đi theo.
    - Em xuống đây bao lâu rồi?
    - Dạ mới hơn một năm.
    Tôi nhìn chăm khuôn mặt cô bé một lần nữa. Em e thẹn cúi gằm đầu, mái tóc ngắn che khuất hai má. Tôi cố nhớ xem em đã học lớp nào nhưng không nhớ nổi, nên hỏi:
    - Em tên gì?
    - Dạ... tên em... Mà thôi, thầy nhìn em còn không nhận ra, có nói tên thầy cũng không nhớ đâu.
    Tôi gõ gõ ngón tay lên đầu mình, cười nói:
    - Tôi xin lỗi. Các em quá đông tôi không nhớ hết. Ðể tôi mua giúp em hai tấm vé số.
    Tôi rút hai tấm vé số và đưa tiền cho em. Cô bé vẫn cúi đầu nói lí nhí "Cám ơn thầy" rồi em bước vội đi. Người bạn tôi lại tiếp tục nói về những trận thủy chiến của Nguyễn Huệ với quân Xiêm trên dòng sông này. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay: 10 giờ 35. Những cục đá trong hai ly nước dừa đều đã tan. Tôi nói người bạn đi về vì đã cảm thấy buồn ngủ.
    Ði ngang qua một nhà hàng ăn uống xây sát bờ sông, đèn điện thắp sáng choang và nhạc disco vang ra dồn dập, tôi thấy cô bé đứng trước cửa nhà hàng với hai người bạn. Em đang đưa tay lên chùi nước mắt, tôi vội bước đến hỏi:
    - Có chuyện gì vậy em?
    Cô bé ngước nhìn tôi, đôi mắt em đỏ hoe. Em lắc đầu, quay mắt đi và một người bạn của em nói:
    - Có một ông quá say rượu mua mười tấm vé số của nó rồi lên xe hơi đi luôn. Nó không dám về nhà sợ má đánh.
    Tôi móc túi lấy mười ngàn, nhét vào tay cô bé. Tôi vỗ vỗ vào vai em đang run lên.
    - Thôi đừng khóc nữa. Em về đi, khuya rồi.
    Tôi bước đi, người bạn bước theo nhăn nhó nói:
    - Ông chỉ lo chuyện bao đồng.
    Ðể quên chuyện đó đi, tôi cười hỏi:
    - Ông có biết sông Tiền dài bao nhiêu kilomét không?
    Người bạn tôi nhíu mày suy nghĩ.
    - À... à... để tôi nhớ lại coi...
    Buổi sáng chủ nhật, người bạn tôi bận việc nhà, tôi một mình đi dạo chơi trong thành phố. Tôi muốn vào thăm trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu nổi tiếng, nhưng vào ngày nghỉ cổng trường đóng kín, tôi nhìn qua hàng rào chỉ thấy khoảng sân rộng, những dãy nhà lầu và những tàn cây phượng lá xanh non.
    Ở đây mọi con đường hình như đều dẫn ra bờ sông nên đi loanh quanh một hồi, tôi đã đi đến chân cầu Bảo Ðịnh. Tôi vào ăn sáng ở một quán xây trườn ra mặt sông Tiền. Tôi ngồi gần cửa sổ mở ra mặt sông nước đục ngầu phù sa. Bờ bên kia gần chợ, các ghe chở trái cây đậu san sát để lên hàng.
    Người miền Nam vốn hào phóng và tô hủ tíu Mỹ Tho cũng vậy. Ðầy thịt, tôm và cá mực khiến tôi ăn không hết một tô. Tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê đen và nhìn dòng sông lấp lánh ánh nắng ban mai.
    - Mời chú hai, dì hai mua giúp con tấm vé số.
    Nghe tiếng quen quen, tôi quay đầu lại. Cô bán vé số tối hôm qua đang mời hai vợ chồng lớn tuổi ăn hủ tíu ở bàn bên. Ðợi người đàn bà mua vé số xong. Tôi gọi:
    - Này em.
    Cô bé nhìn tôi, cười e thẹn rồi em bước tới, đưa xấp vé số.
    - Mời thầy.
    Tôi lắc đầu, kéo chiếc ghế bên cạnh.
    - Em ngồi xuống đây. Tôi mời em ăn sáng.
    Cô bé ngần ngại ngồi xuống chiếc ghế nệm. Tôi gọi cho em một tô hủ tíu và một ly đá chanh. Trong khi chờ đợi, tôi hỏi:
    - Em tên gì?
    Cô bé lấy ngón tay gạch gạch lên mặt bàn rồi ngẩng đầu lên nói:
    - Em nói thầy đừng cười nghe. Em tên là Thanh Giang.
    - Tên em hay vậy mà em nói buồn cười.
    - Không phải vậy. Em có hỏi ba em tên đó nghĩa là gì. Ba em nói đó là tên một dòng sông nhỏ ở miền Trung, quê hương của ba em. Em sợ thầy cười vì trên đời này làm gì có "dòng sông xanh". Như sông Tiền đây nè, hôm thì nước đục ngầu hôm thì nước đen thui, có hôm nào nước trong xanh đâu.
    - Có chứ. Hôm nào trời đẹp, em thức dậy thật sớm sẽ thấy dòng sông nước trong xanh.
    - Ðâu có ai mua vé số lúc thật sớm mà thầy biểu em thức dậy.
    Người chủ quán bưng tô hủ tíu và ly đá chanh đặt trên bàn. Trong khi cô bé ăn hủ tíu, tôi khuấy đường trong ly đá chanh của em. Sức em thật khỏe, chỉ một loáng em đã ăn hết tô hủ tíu to đầy. Em cầm ly đá chanh và uống một hơi hết nửa ly. Tôi đốt một điếu thuốc hỏi:
    - Em đi bán vé số buổi sáng, buổi tối, vậy hàng ngày em đi học buổi chiều à?
    Cô bé lắc đầu.
    - Em nghỉ học rồi.
    - Ồ ! Sao vậy?
    - Em phải phụ giúp ba má nuôi ba em nhỏ.
    - Em hãy cố gắng đi học thêm lớp đêm.
    - Em bán vé số kiếm chưa đủ tiền chợ cho gia đình, tiền đâu mà đi học lớp đêm.
    Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
    - Em hãy đi học tiếp đi. Hàng tháng tôi sẽ gửi cho em một số tiền đủ để trả học phí.
    - Nhưng... lương thầy chưa đủ sống mà.
    - Tôi có đi dạy kèm Anh văn nên cũng đủ sống. Vậy em đừng ngại.
    - Cám ơn thầy. Nhưng học xong lớp 12 em cũng phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Vậy em có học thêm một năm cũng chẳng được gì.
    - Hay em học thêm một nghề gì đó như cắt may chẳng hạn. Không lẽ em đi bán vé số hoài.
    Cô bé thở dài:
    - Em như dòng sông chết. Nó đâu có còn trôi tới biển được mà lo.
    Tôi nhăn mặt nói:
    - Sao lại dòng sông chết. Em là dòng sông xanh.
    Cô bé lắc đầu:
    - Ba em mới về thăm quê và cho biết dòng sông nhỏ ở làng em đã khô cạn vì qui hoạch làm thủy lợi đã rút hết nước của dòng sông. Dòng sông đó không còn trôi di nữa. Nó đã chết. Như em vậy.
    - Em đừng nghĩ ba láp. Em vẫn sống như răng đây nè.
    - Không phải vậy đâu. Nhiều khi cầm xấp vé số trong tay nhìn bạn bè đến trường, em có cảm tưởng mình như dòng sông chết.
    Cô bé cúi đầu xuống rồi ngước lên hỏi:
    - Bao giờ thầy về lại Sài Gòn?
    - Hai giờ chiều nay. Sáng mai tôi phải đi dạy sớm.
    Cô bé xòe xấp vé số ra nhìn rồi em rút một tờ đưa cho tôi.
    - Em xin tặng thầy.
    Tôi xua tay.
    - Thôi, em hãy giữ lấy mà bán. Tướng tôi dễ "trúng gió" chứ không dễ trúng số.
    - Thầy chê quà em tặng của em tầm thường? Thầy hãy đọc hai số cuối.
    Tôi cầm tấm vé số, đọc hai số cuối rồi cười nói:
    - Em muốn tôi đánh đề hai số này dễ trúng hơn.
    - Không phải vậy. Ðấy là tuổi của em.
    Tôi chẳng hiểu em muốn nói gì nhưng tôi cũng gấp tấm vé số lại bỏ vào túi và nói:
    - Cám ơn em. Trước khi về Sài Gòn, trưa nay tôi muốn mời em ăn cơm canh chua cá lóc ở quán cây me. Chắc em biết quán đó.
    Cô bé gật đầu.
    - Thầy đợi em được không?
    - Tôi chỉ có thể đợi em đến 1 giờ trưa. Sau đó tôi phải ra bến xe đò về Sài Gòn.
    - Thầy đợi em lâu hơn được không?
    Tôi cười.
    - Ðợi em bán hết xấp vé số à? Như thế chắc tôi phải nhịn đói về Sài Gòn.
    Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi, nói:
    - Không phải vậy. Hãy đợi em đủ sức trôi đi.
    Nói xong, cô bé cầm xấp vé số bước ra khỏi quán. Em chạy băng qua đường, vào một quán cà phê đang đông người ngồi. Tôi nhìn theo em và thầm nói: Hãy trôi đi, dòng sông xanh nhỏ bé. Hãy trôi đi.
    Nhưng còn tôi? Tôi có giúp được gì cho dòng sông ấy trôi đi hay chỉ đứng yên trên bờ hò hét, thúc giục !
 

Đoàn Thạch Biền 

Nhớ con sông quê hương
Tế Hanh
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
*
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ khôn nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…
(1956)
 Bến sông quê
Nghề nghiệp và cuộc đời cho tôi đi rộng dài, dọc ngang đất nước. Đã gặp biết bao bến sông. Có bến sông buồn, có bến sông vui. Có bến sông gần, có bến sông xa. Mỗi bến sông dường như có tâm trạng riêng, nỗi niềm riêng, có uẩn khúc riêng, số phận riêng... Và, cuộc đời mỗi người đàn bà cũng vậy, giống như một bến sông.


 
 
 
 
Tôi là người từ thuở ấu thơ đến khi khôn lớn, đều sống nơi thành phố. Không hiểu sao suốt cuộc đời bị ám ảnh bởi những bến sông. Những bến sông có danh được con người bồi đắp. Và những bến sông vô danh, tình cờ mà được sinh thành. Dù có danh, vô danh, những bến sông làm nên nét duyên thầm không thể thiếu của những dòng sông.
Những bến sông hệt bức tranh thuỷ mặc. Có cây hoa gạo cháy đỏ suốt một góc trời. Có cây đa cúi mình tỏa bóng mát. Có những vạt cải “hoa vàng mấy độ”. Có vạt mùi thơm đâu thấy hoa, chỉ thấy hương, mùi thơm suốt không gian, thời gian. Những bến sông như những trang văn, chỉ một con đò nhỏ im lìm, đìu hiu trên sóng nước. Tiếng người đàn bà trẻ ru con u buồn như tiếng lòng goá phụ.
Bến sông đầu tiên tuổi thơ tôi gặp là bến Phà Đen, bên con sông Hồng. Hai cái tên khắc khổ và mộng mơ đối lập nhau, phản chiếu nhau, nhưng lại gắn bó cận kề nhau không thể thiếu. Những năm tháng ấy, chiến tranh đang rập rình đâu đó. Trời Hà Nội chốc chốc ì ầm tiếng máy bay, tiếng pháo cao xạ. Tiếng còi báo động, chốc chốc lại rú lên, náo loạn thành phố.
Chúng tôi, lũ trẻ 13 - 14 ngây thơ và khờ dại phải đi sơ tán. Cha tôi đưa tôi đến bến Phà Đen xuống ca nô về một vùng quê. Buổi chiều ấy, con sông Hồng bỗng cuộn đỏ phù sa, như đang phải chịu một nỗi đau không che giấu. Tôi, đứa con gái thành phố, vẫn còn thích chơi búp bê và mơ màng thế giới thần tiên của những câu chuyện cổ tích, lần đầu tiên xa nhà, xa vòng tay cha mẹ.
Bước xuống cầu tàu, nhìn lên bờ thấy cha, tôi bỗng oà khóc nức nở. Cha tôi đứng trên bến sông nhìn xuống. Gương mặt người đầy vẻ xót thương, chịu đựng khi thấy tôi khóc. Trong gia đình, tôi là đứa con cha phải lo lắng nhất vì yếu ớt, gai ngạnh nhưng cũng được cha yêu thương nhất bởi nhiều lẽ, dù tình yêu của cha với đứa con nào cũng là vô bờ bến.
Buổi chiều ấy, khi gắng lau nước mắt để cha khỏi buồn hơn, nhìn lên bờ, nơi cha đứng, tôi bỗng cảm nhận, bến Phà Đen hệt người mẹ lam lũ, chịu đựng. Những vệt than đen óng phủ đầy gương mặt bến sông. Tiếng còi ca nô cất lên tạm biệt, não nề. Khói bụi, khói than, khói ca nô lan toả. Mồ hôi lao động hay nước mắt âm thầm của người mẹ?
Để từ cái buổi chiều đó, bến sông như một sự đồng cảm, khiến tôi quyến luyến. Để từ đó, với tôi, mỗi bến sông mang bóng dáng một gương mặt đàn bà 
Năm tháng qua đi, nghề nghiệp cho tôi theo rộng dài, dọc ngang đất nước. Tôi đã gặp biết bao bến sông. Có bến sông buồn, có bến sông vui. Có bến sông gần, có bến sông xa. Mỗi bến sông dường như có tâm trạng riêng, có nỗi niềm riêng, có uẩn khúc riêng và có số phận riêng...
Có một bến sông tôi đã ngỡ ngàng và thích thú, bến sông nhỏ một miền quê. Bến sông nhỏ, và con phà – “bạn tình” của nó, cũng nhỏ. Nhỏ đến nỗi, mỗi chuyến qua sông, con phà chỉ chở được một chiếc ô tô. Ai đó, đã thú vị đặt tên là con phà “Chung thuỷ”.
Buổi sáng ấy, bước chân lên phà, quay lại nhìn, tôi có cảm giác gương mặt bến sông chăm chú dõi theo. Gió thổi rất nhẹ. Hơi thở đất trời hay chính hơi thở của bến sông, mang nỗi buồn vu vơ? Buổi chiều trở về, từ trên con phà “Chung thuỷ”, tôi không tin ở mắt mình. Vạt nắng chiều xiên xiên khiến gương mặt bến sông như hồng lên, thẹn thò, gương mặt người vợ trẻ mới cưới gặp chồng. Những bụi hoa xấu hổ đu đưa. Một chú cún con ở đâu chạy xổ ra, đứng trên bờ, vẫy đuôi mừng cuống quýt.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi là bến sông miền quê quan họ ngày giáp Tết. Ồn ào, như “Gái thương chồng đương đông buổi chợ”, dù gió se se lạnh phả từ mặt sông. Trên bến, hàng dãy ô tô khách, ô tô tải, ô tô con xếp hàng. Hành khách, người đứng người ngồi, người xe máy, xe đạp, người đi bộ. Người nào người nấy hàng hoá, hành lý tất bật. Một vài chú gà trống, lợn con nằm trong những chiếc rọ tre, giương đôi mắt ngây thơ.
Tiếng chào nhau, tiếng trò chuyện huyên náo. Đâu đây, làn điệu quan họ “Ngồi tựa ý ...a... mạn thuyền...” của các liền chị nón thúng quai thao, xiêm áo mớ ba mớ bẩy, văng vẳng từ một bộ dàn cát xét cũ. Trên sông, chiếc phà lừng lững, vững chãi, cứ từ từ trôi xuôi cập bến. Tiếng còi phà cất gọi âu yếm, như từ trong vồng ngực khỏe khoắn, trầm ấm, yêu thương... Trên bờ, những đôi mắt hướng cái nhìn ngóng đợi. Tiếng cười giòn tan của mấy cô thanh nữ. Gương mặt bến sông rạng ngời, mặn nồng niềm hạnh phúc. Mặt đất mịn màng, ẩm ướt. Những vạt rau bắp cải cuộn tròn, xanh biếc màu xanh ngọc. Những vồng cải trổ hoa vàng bé xíu, mơn mởn, căng tràn nhựa sống chỉ chờ có người đến hái.
Năm tháng qua đi, cuộc sống ngày càng thay đổi. Những bến sông xưa cũ tôi gặp giờ cũng đổi thay nhiều. Có những gương mặt bến sông thoáng nét phôi pha. Bởi mưa gió của thời gian hay mưa gió trần gian? Có những bến sông, con phà quê vẫn mặn nồng, quấn quýt. Có những bến sông, con phà cỗi ngày nào đã hoá thân thành chiếc cầu sắt, cầu treo hiện đại vắt mình trên sóng nước. Người đi xuôi ngược, tấp nập thuận tiện hơn. Ai cũng mừng, đỡ phải lo tai nạn sông nước, phải chen chúc đợi chờ.
Tôi đã gặp lại một bến sông ngày ấy. Giờ, bên cạnh bến sông xưa, là một cây cầu sắt vươn dài. Đứng từ bến sông nhìn lên, cây cầu sắt hiên ngang, mạnh mẽ, ngạo nghễ dường bao. Như hối hả nối những bờ vui. Như hối hả tìm kiếm những niềm vui. Bên cây cầu sắt, bến sông trông mới “cũ kỹ”, “nhàm chán” làm sao. Tôi như đọc thấy trên gương mặt bến sông, sự nhẫn nại chen nỗi đau xa cách, xa lạ, ngay cả khi “họ” vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau, trông thấy nhau, vẫn sống cạnh nhau.
Ngày ngày, chỉ có những đứa trẻ vô tư nô đùa trên bến sông. Những người đàn bà giặt giũ, vo gạo, thở than với nhau về phận đàn bà, về kiếp nhân sinh. Gương mặt bến sông lặng lẽ lắng nghe, như mỉm cười, suy ngẫm. Nhưng vào những ngày hè nóng bức, oi ả, cây cầu sắt bỗng giật mình chợt nhận ra, ai cũng chỉ vội vã đi qua thật nhanh dưới cái nắng chói chang, thiêu đốt. Có những lúc cầu vắng tanh vắng ngắt. Không chịu nổi nắng mưa và sự thờ ơ của con người, đây đó, trên thân cầu những vết hoen rỉ đã bắt đầu lộ ra...
Người ta lại tìm đến bến sông, như tìm thấy sự dịu mát, trong lành, yên ả. Trai gái yêu nhau, hò hẹn bên bến sông. Người già hóng mát tìm ra bến sông. Cây gạo nở hoa, và cây đa bến sông lại cúi mình lặng lẽ toả bóng mát, lặng lẽ chở che. Hoá ra, dù năm tháng phôi pha, dù vật đổi sao dời, dù mưa nắng khôn lường, bến sông vẫn chính là linh hồn, là nơi trú ngụ yên lành của dòng sông.
Và đời mỗi người đàn bà cũng vậy, là một bến sông.