Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Nhạc - Thơ - Văn Mùa Ngâu

           
Đợi mưa....!
Đợi hoài sao chẳng thấy mưa ngâu ?!
Cây cỏ xanh tươi bỗng héo sầu...!
Vạt nắng hong khô vàng sân nhỏ,
Niềm đau lại nối tiếp niềm đau...!

Mảnh đất khô cằn chưa nở hoa,
Chỉ loài hoa nhỏ chẳng kiêu sa...
Với ai con mãi là hoa dại,
Nâng niu trìu mến vẫn là cha !

Mưa ngâu chờ mãi hoài không đến,
Con về dịu mát buổi hè trưa....
Bao nhiêu mong ước bao chờ đợi,
Thoắt đã vàng theo cỏ nhớ mưa !!
NM
Mưa Xuân
Đợi hoài không thấy mưa ngâu
 Không biết từ lúc nào, năm lên mấy tuổi, Thảo đã biết mình là con nuôi của ba. Hồi nhỏ Thảo ốm yếu, bệnh tật liên miên. Bao nhiêu người hiếm muộn muốn xin con nuôi đều lắc đầu không nhận. Cô Hai và ba đã không chê Thảo, nhận lấy một chút hạnh phúc mỏng manh mà người khác vứt bỏ! Cái danh từ trừu tượng không hình dạng, không màu sắc vẫn tồn tại giữa cuộc sống đầy dẫy chông gai. Là đứa con sinh ra ngoài ý muốn trong một gia đình nông dân quá nghèo khổ, Thảo chỉ là một sinh vật biết khóc oe oe, nặng hơn hai kilôgram bị đem cho khi mở mắt chào đời chưa được ba ngày. Thảo được nhận về nhà khi vừa biết đi, biết nói bập bẹ vào một ngày tháng bảy mưa ngâu gắn liền với mối tình bi thương và đẹp như một bài thơ. Bên ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà Thảo khóc ngất từng cơn vì lạ cảnh lạ người. Cô Hai ẵm Thảo đứng bên cửa sổ trông ra màn mưa mờ mịt cố dỗ cho Thảo nín. Ba Thảo vụng về đi mắc võng, pha sữa. Rồi con bé ngủ lịm đi mòn mỏi với giọt sữa còn động trên môi, trời tháng bảy mưa liên miên, cỏ lên thật mau. Trong vòng tay săn sóc thương yêu của người cha, đứa bé lớn thật nhanh, biết nhận ra cỏ gà, cỏ lác… Mảnh đất đầy cỏ đó bây giờ ba đã đào ao thả cá, làm rẫy, chăn nuôi. Trúc không còn nữa sau lần bị ba đốn sạch, nhưng cỏ thì cứ phải nhổ và nhiệm vụ đó là của Thảo. Đứa bé ba tuổi đã bắt đầu cuộc đời mới trên mảnh đất nhỏ nhoi đầy cỏ ấy.
    Rồi cô Hai Thảo về Sài Gòn với gia đình của cô, bỏ lại hai cha con Thảo trong ngôi nhà không có bàn tay người phụ nữ. Bên kia con đường hẹp, sau dãy nhà là biển và những cây mắm nhiều vô kể. Thảo có thể nghe được tiếng sóng vỗ vào bờ trong những đêm thanh vắng. Ấy là con đường của những năm trước, còn bây giờ nhà đông đường hẹp, tiếng xe gắn máy nổ suốt ngày đêm làm gì còn nghe được tiếng sóng vỗ mà háo hức chờ sáng. Ngày còn nhỏ, Thảo thường lén ba theo bọn trẻ xuống mé biển chơi. Ba rất lo nên đi đâu thường gởi Thảo cho bác Ba Tam nhà bên cạnh. Bác Ba người miền bắc nhưng rất thích nói tiếng miền nam, nhất là những từ nói đớt. “Ăn cơm gồi!”. Rồi ông cười sặc sụa. Thuyên, con trai bác ba kể cho Thảo nghe về chuyện tình của bác với một cô gái miền Nam quê ở Thứ Mười Một trong thời chiến chống Mỹ. Trước khi đi bộ đội, bác Ba cũng đã ngồi ở ghế đại học hai năm, cô này biết đọc biết viết, đánh giặc rất giỏi vẫn thường “Bắt con cá gô bỏ trong gổ”. Không làm sao hiểu hết những lá thư mà khó khăn lắm từ chiến trường bác mới gởi về được. Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao họ chia tay nên Thuyên không phải là kết quả của mối tình lãng mạn đó. Nhưng bác ba vẫn còn giữ chiếc kẹp ba lá bằng nhôm dù đã rỉ sét. Nhất là sau ngày mẹ Thuyên qua đời, thỉnh thoảng bác lại đem chiếc kẹp ra nhìn ngắm. Đôi lần Thuyên tự hỏi, chẳng biết cô gái nọ hay người đàn bà kia bây giờ có còn đủ tóc để kẹp chiếc kẹp này hay không? Tối tối, bác Ba cùng với ba Thảo tâm sự chuyện tình yêu thời trai trẻ. Cái chuyện mà với ba Thảo như một điều xa xỉ. Ông chỉ có Thảo thôi, Thảo là tài sản vô giá cho nên sau này ai muốn cưới con gái “rượu” của ông phải chịu ở rể và cam kết không bao giờ hiếp đáp con gái ông, dù Thảo còi như con búp bê lại có chiếc mũi hếch hay hắt hơi mỗi khi trở trời.
    “Ba!” “Cha mày!”. Mỗi khi đi đâu về Thảo rón rén đến sau lưng ba hù thật to. Nếu không “Cha mày” thì đó hổng phải ba. Vậy mà bây giờ ba im lặng rồi từ từ quay sang nhìn Thảo với ánh mắt buồn bã. Người đàn ông hơn năm mươi tuổi với những sợi tóc bạc lóm đóm ở trên đầu mà đôi lần Thảo đã trêu: “Tóc ba muối nhiều hơn tiêu”. Người đàn ông chưa có một mảnh tình vắt vai, chưa một lần lập gia đình bị Thảo và mấy đứa bạn gọi là Đông – Gioăn. Người đàn ông có bàn tay thương tật rúm ró như gương mặt người phụ nữ bị tạt a-xit chống lưỡi cuốc xuống đất rồi gục đầu khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống đôi bàn chân to bè dính đầy bùn đất.
    Sau chiến tranh, ông về từ chiến trường nào đó Thảo không rõ lắm. Dĩ nhiên ở đó có bom đạn, có chết chóc; có người đi không trở lại, có kẻ về không nguyên vẹn. Ba về, không còn nguyên vẹn. Ba Thảo vẫn sống với chính sách đãi ngộ thương binh của Nhà nước. Thượng đế làm ra lúa gạo nhưng con người làm ra rượu. “Hạnh phúc đâu tự có”. Một chút hạnh phúc tự ba tìm thấy giờ đây có người tới nhìn nhận. Tuy ông ta không có ý giành giựt nhưng sự xuất hiện đột ngột này khiến ba khó chịu và làm Thảo đau đớn. Đứa con gái yếu đuối trưởng thành trong trường học và trong sự chăm sóc quá chu đáo của người cha không thể nào chấp nhận được một sự thật đã dành riêng cho mình, là của mình. Thảo không muốn! Sao Thảo không được sinh ra từ một gia đình nào đó khác hơn? Ông ta khoảng chừng hơn sáu mươi tuổi, tóc bạc gần hết, cằm tua tủa những sợi râu trắng đen lẫn lộn trong thật nham nhở, đôi mắt hấp háy với đôi tròng mắt đỏ ngầu của một người nát rượu, lếch thếch trong bộ quần áo xác xơ và đôi giép nhựa đã mòn vẹt. “Ba ơi! Có thể nào… có sự nhầm lẫn”. Thảo nghi ngờ hay đúng ra không dám tin, người cứ run như lên cơn sốt. “Con giống ông ta nhất là chiếc mũi”. Thảo khóc ngất. Người đàn ông sau gần mười năm tù vì tội ngộ sát có dịp đi thị xã mới sực nhớ, hơn mười tám năm trước có bỏ lại nơi nuôi trẻ mồi côi đứa con mà ông ta đã không muốn nó ra đời. “Má nó bị bệnh mấy năm nay rồi. Mấy đứa lớn có vợ chồng hết. Tui rầu nhất là thằng Sáu trộm cắp hoài nói không được, vào tù ra khám như cơm bữa. Hai con chị kế nó bỏ nhà đi hai, ba năm nay nghe nói bán bia ôm ở trên này mấy bữa rày tui kiếm chưa gặp…”.
    Thảo thoát ra khỏi nhà trong màn đêm đen nghịt. Không có cơn mưa nào đuổi theo Thảo, không có cơn mưa nào đổ ập xuống người Thảo để làm dịu bớt đi cơn bỏng cháy. Ở đây, không có mùa thu cũng chẳng có mùa đông, đơn giản chỉ có hai mùa mưa nắng. Thảo nhớ Thuyên hay hát “xin gởi cho em một chút nắng vàng” để nhớ về Hà Nội mặc dù nơi ấy đối với anh chỉ tồn tại trong ký ức tuổi thơ. Trời đang làm hạn, tháng ba rồi mà vẫn chưa có hạt mưa nào để làm lắng đi lớp bụi đường dày mịt. Thảo thích mưa, Thảo chờ mưa như ruộng cày nứt nẻ, như đứa trẻ mong mẹ đi chợ về với món quà nó ưa thích, Thảo vẫn đợi… mà chiều vẫn chưa mưa. Bao nhiêu thông minh lanh lợi, những gì tốt đẹp người đi trước đã hưởng hết, đã tước đoạt hết. Thảo là chút gì còn có được sau khi vắt đến cạn kiệt sức lực của một người phụ nữ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn cày thuê cuốc mướn. Người phụ nữ mà quanh năm suốt tháng cứ phải giặt giũ phơi phóng quần áo trẻ con và chăn chúng nó như chăn vịt. Người phụ nữ mà quần lúc nào cũng ống thấp ống cao với mười ngón chân cáu bẩn cắp cái rỗ tre thủng đi hái rau dại ở bờ đê. Người phụ nữ mà cái thời tuổi trẻ quá ngắn ngủi đã bỏ phí biết bao cuộc vui. Thảo không muốn biết gì về những người đó. Thảo chỉ là con của ba. Một chút mong manh này xin đừng ai giành lấy. Cô nữ sinh hiền như rau mồng tơi leo ở bên rào thường mơ mộng với mấy vần thơ, rồi có khi mất ngủ mấy đêm liền chỉ vì lời khen vu vơ của ai đó được ba cưng yêu như vàng như ngọc.
    Thảo cứ đi, tay quệt nước mắt như đứa trẻ. Cơm chiều còn chưa ăn, không biết ba có biết lọ ớt Thảo để trong góc tủ, keo rượu ngâm chuối hột Thảo đã dời vô nhà trong. Thảo tuyệt đối không muốn nhìn mặt ông ta một lần nào nữa. Thảo thở dài khi nghĩ trời đã sinh ra ba sao còn sinh ra một người như ông ấy. Không biết đến bao giờ ông ta mới tìm ra các con trong hàng chục quán bia ở thị xã này khi không có địa chỉ chính xác. Những con thiêu thân đã bỏ những cánh đồng lúa vàng để lao vào ánh đèn đô thị. Họ đang rửa đôi chân đang dính đầy bùn đất phèn chua bằng thứ nước thải thị thành. Hồi chiều, Thảo nghe ông ta nài ba mua rượu rồi ép ba uống trong khi ba đang bị cao huyết áp. Thảo nhớ ba, không có Thảo ai sẽ giũ chiếu giăng mùng, cho ba ngủ, ai sẽ nấu nước pha trà để ba với bác Ba Tam tâm sự đến khuya. Cũng vẫn chuyện chiếc kẹp ba lá thời chiến tranh ấy. Nếu có cơ hội Thuyên lại sẽ đứng bên lắng nghe để chờ kịp kể cho Thảo. Người đàn ông cứ một điều “con tui” hai điều “má nó” khiến ba Thảo khó chịu. “Trời! tui nói bữa sinh nó mưa sao tối trời tối đất. Nóng ruột mấy đứa kia ở nhà tui với má nó đón xe ôm đi dưới trời mưa. Từ bệnh viện thị xã vô tới Mong Thọ, tới nơi nó như con mèo ướt…”. Không biết ông ta sẽ còn quấy nhiễu ba đến bao giờ.
    Thảo nhớ đến cô Hai, Thảo muốn được gục đầu vào lòng cô mà khóc cho hả hê. Không suy tính gì nữa, Thảo lên chuyến xe đêm tốc hành đi Sài Gòn. Nghỉ học vài ngày trong học kỳ hai này Thảo cũng ngại lắm. Năm nay thi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu đậu Thảo cũng sẽ vào Đại học ở thành phố. Xa ba, nhưng nếu Thảo rớt ba sẽ buồn vô cùng. Chỉ vài ngày thôi mà rồi ông ta cũng sẽ đi. Thảo ngã đầu vào lưng ghế lan man nghĩ. Đến nơi gọi điện về cho ba biết. Có lẽ cũng nên gọi điện cho bác Ba Tam sang chơi chứ ba ở nhà một mình với ông ta Thảo lo lắm bởi ông ta từng ngồi tù vì tội ngộ sát. Thật chua xót! Đó là kẻ đã tạo ra Thảo dù không muốn. Còn mấy luống rau thơm cỏ đã lên nhiều đi về Thảo sẽ làm. Chắc là ba sẽ phát hiện ra sau mấy cây ớt là lõm cỏ gà Thảo đã giấu không làm sạch để chơi. Thuở nhỏ, Thảo hay rủ bọn trẻ hàng xóm sang chơi “đá gà”. Có lần “đá gà” với Thuyên, gà của Thảo bị gãy cổ. Vậy là Thảo khóc, Thuyên phải dỗ bằng cả hai que kem. Nhớ lại còn tiếc! Kem ăn ngon nhưng mau tan! Như tuổi thơ đẹp nhưng qua rất nhanh. Lần đó, Thuyên bấm bụng nhìn Thảo ăn luôn que kem của mình. Thảo chợt mỉm cười một mình. Vậy mà sau ngần ấy năm Thảo chưa một lần hối hận vì chuyện đó. Lần này về có lẽ Thảo sẽ hỏi lại Thuyên vì sao bác Ba còn giữ chiếc kẹp lâu đến vậy mà không một lần “di hành” về An Minh tìm người xưa xem bây giờ ra sao. Sẽ thú vị lắm đây nếu như cô gái đó vẫn còn ở vậy đợi bác. Thảo sẽ phải dặn ba không cuốc đất suốt ngày ở ngoài nắng nữa, đang mùa nắng nóng rất dể bị cảm. Chiếc áo ba vẫn mặc để làm rẫy đã bị rách ở khuỷu tay, Thảo chưa vá, ba phải lấy áo mới mà mặc, để dành làm gì, Thảo biết tánh ba không bao giờ thích mặc đồ mới, áo mới phải giặt năm, bảy lần cho bạc nhớt, cũ bớt ba mới chịu mặc. Có dịp đi đâu đóng bộ quần áo mới toanh được Thảo ủi cẩn thận ba lóng ngóng ngượng nghịu như diễn viên sắp bước ra sân khấu, Thảo khác với ba, quần áo mới may về Thảo mặc ngay, còn cả lằn phấn đỏ. Mùi vải mới, mùi chỉ sợi thật mê như miếng kem lạnh ngọt lịm của ngày còn nhỏ…
    Thảo sẽ tính toán dặn ba nhiều hơn nữa nếu như không có một sự va chạm thật mạnh bắn Thảo lên, đầu va vào trần xe. Sự hoảng loạn trong xe, những tiếng thét hãi hùng, sự đau đớn… Thảo chưa kịp cảm nhận được điều gì… chỉ thấy cỏ úa hết, tàn hết… cả một vạt cỏ vàng khè giữa trời nắng hạn… Đợi hoài sao không thấy mưa ngâu.
 
 Mưa ngâu 1
Mưa sụt sùi, rả rích không lúc nào ngớt. Cái máng nước trên mái chảy xuống thứ nước trong vắt, làm xói mòn một khoảnh sân đất đỏ bằng bàn tay, chỉ còn nhô lên ít đá răm và sỏi nâu lạo xạo.
Ngoài vườn, mùng tơi bò lên cái bờ rào nứa xanh rì, những ngọn nhỏ loăn xoăn vươn lên bầu trời trắng đục lờ nhờ mây. Trời thế này, mưa sẽ còn lâu mới tạnh. Mấy con gà lích rích trong chuồng, rũ những bộ lông ướt thảm hại. Chị Lê nhìn đăm đăm ra vườn. Ðứa con gái 5 tuổi đang say sưa với mấy cái thuyền giấy được mẹ gập cho từ những tờ giấy bỏ. Nó ngồi trước hiên nhà thả thuyền ra những vũng nước đọng ở sân, nhìn bong bóng nổi lên rồi chợt vỡ tan. Tiếng cười của nó trong veo lẫn vào tiếng mưa cuối một xóm vắng.
Ðứa con nhỏ tám tháng đang bế ngửa trên tay Lê giật mình khóc. Chị vội ru nó:
- À, mẹ đây!... mẹ đây!... con ngoan... à ơi... Trời mưa bong bóng phập phồng...
Thằng bé lặng đi, lim dim ngủ. Chị vội gọi khẽ con gái:
- Mai, cẩn thận ướt hết váy nghe không. Yên lặng để em ngủ.
Con bé ngồi chống cằm tròn xoe mắt nhìn những dòng nước tiếp tục chảy xuống. Nó thấy mưa đẹp và thú vị lắm. Mưa thì có mẹ ở nhà chơi với nó, không phải đưa nó và em sang bên bà Bích gửi.
Ðã ba, bốn hôm nay chị Lê nghỉ bán quán. Cái quán nước nhỏ dưới tán cây bàng của chị những ngày mưa chẳng có lấy nổi một người khách. Mưa ngâu thế này, ai có việc phải ra đường đều nhanh chóng về nhà cho xong, ai không có việc thì ở nhà, làm gì có ai lê la hàng quán. Bình thường trời tạnh ráo mới có người nhàn rỗi ngồi nghỉ uống cốc nước chè, hút điếu thuốc hay mua vài thứ hoa quả, bánh kẹo của chị. Không bán hàng đồng nghĩa với việc không có tiền. Chị đành lấy số tiền dành dụm ra để chi tiêu mấy ngày này. Năm tới con gái chị vào lớp một rồi, tiền chị dành dụm cho nó còn chưa đủ. Mẹ chị thương con sang vườn cắt mấy mớ rau thêm vào quang gánh của mình đi bán hộ con. Bình thường bà vẫn hay đi bán rau ngoài chợ. Trời mưa, quang gánh của mẹ chị lại nặng thêm một phần. Bóng người mẹ già gầy gò đội nón, quàng cái áo mưa rạch ra từ một cái túi ni-lông đựng hàng lớn người ta bỏ ở chợ làm chị xót xa. Lấy chồng rồi, không giúp mẹ được gì bây giờ lại vẫn phải để mẹ già lo lắng. Nước mắt chị ứa ra... Số chị khổ lấy phải người chồng chẳng ra gì. Là tại số phận hay tại chị? Ngày xưa, không nghe lời ai, chị cứ đâm đầu vào hắn. Bố chị mấy năm trước còn sống đã nói, mắt nhìn người mấy chục năm của ông chẳng bao giờ sai. Cái thằng mà con gái khóc lóc quyết theo bằng được là loại chẳng ra gì. Mấy năm sau ông mất, không biết ông có thấy người chồng của chị đã bỏ mẹ con chị mà đi. Mấy năm làm thợ ngoài công trường, không biết hắn ăn cắp vật liệu hay làm gì mà bị người ta đuổi việc. Từ ngày thất nghiệp, hắn chán nản về nhà lê la chơi bời, rượu chè rồi chửi vợ quát con. Nhiều khi hắn còn mò ra quán nước của chị ngồi nhâng nhâng ở đấy rồi cà khịa với khách. Ngày xưa, có nằm mơ chị cũng không thể tưởng tượng có một ngày hắn lại trở thành một kẻ như thế. Ðàn bà nhẹ dạ, mật ngọt chết ruồi. Chị trách mình ngu dại. Ðã bao đêm chị ôm con khóc một mình. Khuyên hắn thế nào cũng không được. Suốt ngày hắn nóc tiền chị, mở mồm ra là tiền. Với hắn, không có tiền thì không chịu được. Rồi một đêm chị tỉnh dậy, hắn đã bỏ đi đâu không rõ. Chị là vợ mà cũng chẳng biết, chỉ nghe đồn đâu có người nhìn thấy hắn ở mấy mỏ đào than ở tỉnh khác. Chị đau đớn thương con từ giờ không còn có bố. Thân chị bơ vơ không có người đàn ông làm chỗ dựa trong gia đình. Cũng chẳng dám oán trách ai, tất cả đều là tại chị. Mẹ chị lau giọt nước mắt đục rỉ ra từ đôi mắt kèm nhèm khuyên bảo con. Thôi thì cũng chẳng trông đợi vào hắn điều gì, con cái thì tự mình nuôi cho nó thành người. Không có hắn có khi lại nhẹ nợ hơn. Ðời mình coi như thôi thì còn đời con nữa. Chị gục vào bờ vai gầy của mẹ khóc, bờ vai đã gần cả đời người nặng gánh vì các con.
Hôm nay là ngày thứ tư mưa vẫn không ngớt. Chị sốt ruột đi lại trong nhà rồi ra mái hiên nhìn trời. Bầu trời trắng đục nhởn nhơ những màn mây mỏng xà xuống thấp và những hạt mưa dày vẫn tiếp tục buông xuống. "Hay là cứ ra quán, biết đâu lại chẳng có khách, cứ ở nhà chơi không thế này, tiền không làm ra nổi một đồng...". Nhưng ra đến quán ngồi mãi chẳng có lấy một người khách ghé chân, chị lại sốt ruột vì các con ở nhà. Thế là chị lại lặng lẽ tháo ô, bạt dọn quán. Con đường đất ngoằn ngoèo sau mấy ngày mưa trở thành một thứ keo mầu vàng đỏ, bóng loáng và dính như bột nhão. Chiếc xe đạp cũ của chị lăn từng vòng bánh chậm chạp, cố bám lấy mặt đường trơn trượt. Những chiếc xe máy vút qua, té lên người chị thứ nước và bùn dấp dính. Sáng ra chị đi sớm, đường ít người, tuy khó đi nhưng chị cũng qua được. Ðến chiều, đường đông và sau một ngày đất bị cày xới càng khó đi hơn. Tay lái của chị run run rồi mất thăng bằng, trượt bánh ngã nhào xuống đường. Mấy người đi đường nhìn chị suýt xoa rồi đi thẳng, chẳng có ai muốn đặt những đôi giày, dép sạch sẽ xuống thứ bùn đất nhầy nhụa này để giúp một người không quen biết. Chị nhặt con cá vừa mua ở chợ treo lại vào ghi đông xe rồi đứng dậy. Chân chị đau nhói, quần áo bê bết bùn đất, chiếc áo mưa rách mướp. Mưa ướt nhòe mặt mũi chị. Chị nghĩ tới mấy đứa con đang chờ chị đón, cố gắng đứng dậy. Ðoạn đường trước mặt còn dài, bình thường đi còn trơn ngã, nói gì đến cái chân chị đang đau nhói. May có cái xe lam của ông Bình cùng xóm đi qua, ông nhìn thấy chị bê bết bùn đất nên gọi:
- Cô Lê ngã hay sao thế, chân đau phải không, lên tôi chở về, đường thế này đi xe đạp khó lắm.
- Vâng, nhưng... Em thế này lên lại bẩn hết xe của bác.
- Ôi giời cái cô này, xe tôi chở than có gì mà phải ngại, nhanh nhanh lên, mưa ngấm là về ốm đấy.
Vừa nói ông vừa bước xuống, đi qua những đám bùn lầy nhấc cái xe đạp của chị lên xe.
Chị khép nép ngồi một góc đằng sau cái xe lam. Người đàn ông trạc 50 tuổi, đầu đội chiếc mũ vải cũ mầu xanh vừa lái xe vừa nghiêng nghiêng đầu kể với chị về chuyến đi ngày hôm nay. Bàn tay thô ráp với những chiếc móng cắt cụt, đen nhẻm đặt trên vành lái. Cái lưng to bản như lưng gấu rung rung lên từng đợt mỗi khi xe đi qua ổ gà. Ông làm nghề đóng than và đem giao bán cho các cửa hàng trên thị xã. Người đàn ông này có vẻ thô mộc nhưng thật thà. Ông gọi với xuống để át tiếng mưa và tiếng động cơ xe:
- Mưa thế này, cô Lê phải nghỉ bán quán hả?
- Vâng, hôm nay em thử ra mở quán, ngồi nhà sốt ruột quá, nhưng chẳng có ai cả nên lại về.
- Mưa thế này không có ai người ta ra quán nước đâu, đừng đi làm gì cho vất, đang tháng mưa ngâu mà, thôi ở nhà mà trông bọn trẻ, mà đứa nhỏ nhà cô lên mấy rồi?
- Dạ, em có một cháu lên năm, một cháu mới gần một tuổi.
Người đàn ông im lặng không nói gì, có lẽ ông cảm thấy ái ngại. Mọi người trong xóm đều biết chồng chị bỏ đi. Chị cũng cảm thấy vậy. Câu chuyện trở nên khó nói. Cả hai người im lặng cho đến tận nhà chị.
Ðến nhà, chị chậm chạp bước xuống, cái chân vẫn còn đau. Ông Bình nhấc cái xe tới tận hiên nhà cho chị.
- Bác vào nhà uống chén nước.
- Thôi để khi khác, tôi phải về thay quần áo, ướt át thế này, vào chơi cũng không tiện. Cô vào nhà đi.
- Cảm ơn bác... Khi khác mời bác tới chơi.
Người đàn ông đã quay xe ra về, cái lưng to bản chìm mờ dần vào màn mưa mỏng. Chị cũng vội vã sang nhà bà Lịch cách đó mấy ngõ đón con về. Bà sống một mình, con cái đều trưởng thành đi làm xa hết. Bà thương chị vất vả, nên nhận trông hai đứa trẻ hộ, vừa để vui cửa vui nhà. Hàng xóm tối lửa tắt đèn, bà thương chị như con. Mẹ chị cũng vất vả, bận bịu, nhà xa nên chỉ những hôm bà rỗi chị mới đưa bọn trẻ sang chơi.
Buổi tối ở một xóm vắng mới yên tĩnh và lặng lẽ làm sao. Những tiếng ếch từ ruộng thi thoảng vọng vào, hòa với tiếng mưa trong vắt. Nhà có một góc bị dột, chị Lê vẫn phải lấy chậu hứng, những giọt nước rơi xuống đều đều, nhịp nhàng như ru ngủ. Ðứa bé nằm trên giường, ngủ ngoan ngoãn, hai bàn tay nhỏ xíu nắm chặt. Chị Lê mang vở đứa con gái tập viết chữ và đánh vần dần.
- Mẹ ơi sao trời mưa nhiều thế?- đứa con gái bất chợt hỏi.
- Mưa ngâu con ạ.
- Sao lại mưa ngâu hả mẹ. Bà kể đó là ngày Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau phải không mẹ?
- Ðúng rồi.
Bất chợt có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cửa ban đêm làm chị giật thót.
- Ai đấy? - Chị hỏi khẽ.
- ........
- Ai gõ cửa đấy?
- Tôi đây, mở cửa đi!
Chị rụng rời cả người, giọng nói này... chị bàng hoàng ra mở cửa. Là hắn- chồng chị. Hắn đội mưa, mái tóc bết nước chảy ròng ròng xuống mặt. Cả bộ quần áo lem luốc cũng sũng nước. Chị nhìn chằm chặp hắn không biết phản ứng ra sao. Hắn len qua vai chị lầm lỳ đi vào nhà. Chị bối rối đứng ở cửa nhìn hắn bình thản ngồi xuống cái bàn gỗ. Con bé cũng ngồi bất động trên giường nhìn hắn. Bộ dạng hắn có lẽ làm nó sợ.
- Mai lại đây, bố có quà cho con này. - Hắn mở cái túi đẫm nước lấy ra một thứ đồ chơi nhỏ.
Con bé không nhúc nhích, đôi mắt tròn xoe, cái miệng chúm lại. Hắn bực dọc đặt mạnh thứ đồ chơi xuống bàn, quay lại phía chị:
- Thấy tôi ướt như vậy mà cũng không biết lấy bộ quần áo khác à?
- Anh mang hết đi rồi còn đâu.
- Không còn bộ nào hay sao? Cái nhà này có vẻ như không còn là của tôi nữa nhỉ.
Chị Lê im lặng. Hắn nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Tôi đang cần tiền, tôi về chuyến này để lấy tiền đi làm ăn. Cô có bao nhiêu thì đưa tôi, tôi sẽ trả lại sau.
Chị Lê ngỡ ngàng và cố giấu nỗi uất ức.
- Anh thử nhìn cái nhà này xem. Anh nghĩ tôi có thể có tiền không? Ngày anh đi, nó chẳng có gì, bây giờ vẫn thế thôi.
- Ðúng là đồ đàn bà, tôi cần tiền để làm ăn chứ không phải sử dụng vào việc không đâu. Tôi đã nói sẽ trả lại.
- Tôi không có.
Hắn hất mạnh cái chậu nước mưa hứng trên bàn. Nước tràn lan, bắn tung tóe. Cả hai đứa trẻ con khóc thét lên. Chị Lê vội vàng chạy lại bế chúng. Giọng hắn vang lên trong đêm yên tĩnh.
- Không có? Tôi nói cho cô biết tôi sẽ bán cái nhà này, cô muốn làm thế nào thì làm.
Hắn bán nhà thật. Hắn đã giao khắp cái xóm này. Mẹ con chị Lê phải dọn về nhà mẹ đẻ. Cả xóm nghèo ái ngại và bất bình cho chị. Cái nhà được bán giá rẻ cho một người không rõ. Hắn lại đi, nhưng không đột ngột như trước mà để lại cho chị tờ giấy ly hôn. Chị Lê không khóc. Tất cả đối với chị như số phận vậy, chị chấp nhận nó. Lần ra đi trước của hắn đã lấy đi nước mắt của chị. Và lần này điều đó cũng trở nên bình thường. Nó chỉ làm chị lặng lẽ và cam chịu hơn. Căn nhà của mẹ chị có vợ chồng người anh trai và ba đứa con. Chị dọn xuống dãy nhà dưới sát cái giếng, có cây ổi đang nở hoa muộn. Tuy rằng hơi bất tiện nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Mưa vẫn rơi tuy thưa thớt hơn. Chị ngồi ở cửa, nhìn hàng cây thả xuống những giọt nước trong. Chị nghĩ tới ngày mai và mong muốn thay cuộc sống này cho các con của chị. Chẳng có cách nào là phải cố gắng để sống.
... Sáng nay mưa đã tạnh. Chị Lê chuẩn bị gửi con để ra quán nước. Có tiếng xe ngoài ngõ. Là người đàn ông có cái lưng to bản ấy. Ông dừng xe ngoài ngõ vào nhà chị.
- Cô Lê có ra quán không tôi cho đi nhờ. Hôm nay trời hết mưa rồi đấy-Người đàn ông độc thân, vẻ khắc khổ nhưng chân thật và mộc mạc.
Chiếc xe chuyển bánh chậm rãi trên con đường đất vẫn còn hơi ướt.
Người đàn ông không quay mặt lại:
- Tôi cho cô thuê nhà đấy, cô Lê.
- Bác nói gì ạ?
- Căn nhà cũ của cô ấy, tôi mua nó vì giá cũng thấp, cô cứ đưa các cháu về ở, trả tiền tôi dần dần, bao giờ đủ tiền mua thì tôi bán lại. Chứ mấy mẹ con cô ở như bây giờ không tiện đâu. Cô không phải ngại, hàng xóm láng giềng mà.
Chị ngỡ ngàng, bối rối:
- Cảm ơn bác, nhưng mấy mẹ con em như bây giờ cũng ổn rồi...
- Tôi có mời cô về ở không đâu, đây là tôi cho cô thuê mà... Tôi cũng không ở hết hai ngôi nhà đâu. Chuyện của cô, thôi thì cái gì đã qua để cho nó qua đi, còn mấy đứa nhỏ nữa...
Ông cúi mặt và phóng xe nhanh hơn. Sự ngượng ngùng ở những người lớn tuổi giống như con nít vậy, thật khó để che giấu.
Nắng đã bắt đầu xuyên qua màn mây chiếu xuống nhàn nhạt. Mưa đã tạnh. Lũ chim sâu ríu rít kéo nhau đi tìm mồi sau những tuần mưa tầm tã. Chị Lê nhìn cánh đồng phía xa xa xanh mờ như khói ẩn hiện sau những hàng cây xanh mướt. Một ngày mới lại đến. Mưa rồi mãi cũng tạnh. Làn gió mát vây quanh khiến lòng chị nhẹ nhàng khó tả. Chị không nói gì, mỉm cười với những tán cây khẽ lao xao. Mưa ngâu thế là đã tạnh rồi. Một ngày mới lại bắt đầu...
NGUYỄN THỊ LOAN
 Mưa ngâu nhớ mẹ
Miền Nam bây giờ thường  có mưa. Sau một ngày nắng nóng oi ả, cơn mưa đến vội vàng và bất ngờ như nỗi nhớ trong tôi. Thật lạ và trùng  hợp, giờ này, quê mình cũng là mùa mưa, mưa ngâu.
Mưa ngâu  đến hàng  năm theo  định kỳ và kéo dài lê thê cả tháng. Vẫn nhớ, buổi tối mẹ nhìn mưa rả rích trên mái hiên mà than thở, không khéo ngày mai bún lại ế. Và tôi biết mẹ buồn, mưa làm cho cái nghèo  của gia đình tôi, ngày ấy, thêm nặng nề hơn…
Sáng nào mẹ cũng dậy sớm, đội nón, mặc áo mưa gánh bún đi chợ. Mẹ là người cẩn thận, hai thúng  bún được mẹ che chắn còn hơn chính bản thân mình. Mẹ sợ mưa làm bún ướt bán không được giá.
Ngày đó, quê tôi toàn là đường đất chứ làm gì có bê tông  như bây giờ. Mùa mưa, nhất  là chập tháng  Bảy mưa ngâu, đường làng trơn như đổ mỡ. Mẹ phải dậy sớm hơn, lần mò từng bước dưới trời mưa cho kịp buổi chợ phiên. Hình ảnh đôi vai gầy, chiếc nón lá màu xám xỉn và đôi quang  gánh rung rinh dần dần chìm khuất vào làn mưa, vào hun hút con đê làng đã đọng lại trong tôi suốt những năm tháng ấu thơ ngày đó.
Đôi quang gánh ấy, mẹ đã nâng đỡ tuổi thơ và cả gia đình tôi qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ.
Thực ra làng  tôi không  có nhiều  người làm bún.
Mẹ lấy ba nên mang theo nghề làm bún của làng bên về theo. Mẹ bảo, bà ngoại dạy mẹ làm bún từ khi tóc còn chấm ngang vai. Bà ngoại làm bún khéo tay, trắng và mịn lắm. Tôi chưa ăn bún nhà bà ngoại làm nhưng tôi thấy mẹ tôi làm bún rất khéo. Những sợi bún mịn màng chua chua mùi thơm của lúa mới, trắng nõn như da con gái. Mẻ bún đầu tiên lúc nào mẹ cũng dành cho anh em chúng tôi mấy chóc, những chóc bún ấy tôi ăn hoài mà không thấy chán…
Ba tôi bận dạy học nên hầu như mẹ phải làm hết. Nghề bún nom vậy nhưng là một nghề cực nhọc. Thực ra, thỉnh thoảng  ba vẫn phải sắp xếp công việc xay bột giúp mẹ vào ban đêm. Có bận, tôi thức xem ba mẹ làm bún tới khuya, nhìn những  dòng  bột gạo nước trắng tinh tươm chảy từng dòng  men theo  gờ chiếc cối đá to tướng theo những vòng quay của ba mà vui mắt vô cùng, rồi tôi ngủ lúc nào không hay.
Ngày đó, việc làm duy nhất của tôi giúp ích cho mẹ là lấy lá chuối. Bún thường phải bọc trong lá chuối tiêu mới giữ được vị thơm ngon và không bị dính. Cứ mẹ đi chợ là ở nhà tôi đi tìm lá chuối. Mưa ngâu làm những tàu lá chuối rách tơi tả nên rất khó kiếm. Tôi nhớ, phải vất vả lắm tôi mới lấy đủ lá chuối cho một buổi chợ của mẹ. Những thân cây chuối trơn nhẫy vì mưa làm tôi ướt hết khi trèo. Nhưng khi về rửa lá và xếp ngay ngắn lại tôi  thấy vui vui vì thành quả của mình; ngoài lấy lá chuối tôi còn phải nấu cơm, cho lợn ăn và trông em nữa. Khi đi chợ về mẹ thường mua quà cho tôi, những chiếc bánh rán đường hay có khi là cặp bánh dầy. Có bận, bán đắt hàng mẹ còn mua cho tôi cả mấy viên bi ve làm tôi hãnh diện với chị em con Nụ mấy ngày liền.
Tuy vất vả nhưng tóc mẹ tôi hồi đó vẫn dài và đẹp lắm. Những chiều mưa, mẹ đun nước gội đầu bằng bồ kết kèm theo lá chanh và sả. Lần nào mẹ cũng gội cho hai em trước. Tôi ngồi cái ghế gỗ cũ đối diện với mẹ, cúi đầu xuống. Bàn tay mềm mại của mẹ vừa gãi gãi đầu cho tôi vừa than thở, tóc tôi mau dày quá, cứ đà này không cắt nhanh thì có chấy mất. Rồi mẹ nhẹ nhàng dội từng gáo nước ấm nóng lên tóc tôi. Có bận, do mỏi cổ quá tôi ngẩng đầu lên làm nước chảy ròng ròng xuống cổ, xuống lưng. Báo hại mẹ lại phải tắm cho tôi luôn.
Mùi hương bồ kết và bàn tay mẹ mềm mại ngày ấy bây giờ tôi vẫn nhớ, vẫn nao nao trong  lòng những buổi chiều mưa muộn…
Thế rồi nghề bún của gia đình tôi cũng dần ế khách. Bây giờ người ta làm bún bằng  máy nhanh  hơn, mẹ không sao cạnh tranh  được. Nhớ mùa ngâu  năm ấy, trời đã quá trưa mẹ mới đi chợ về. Không có quà cho anh em tôi, mắt mẹ buồn  rười rượi như chực khóc vì gánh  bún  còn nguyên  không  bán  được. Vậy là ngày
hôm đó cả nhà tôi phải ăn bún trừ cơm.
Sau đó, vì kế sinh nhai cho các con, mẹ tôi chuyển qua nghề bán chè khô. Gia đình tôi có quen biết mấy người trồng chè trong tận vùng Kim Bôi, Lạc Thủy ở Hòa Bình nên hàng tháng ba tôi đạp xe gần năm chục cây số vào đó lấy chè. Mùa mưa, chè hay bị ẩm nên bán chẳng lời lãi là bao, mẹ buồn lắm. Không dưng những cơn mưa ngày ấy đã in vào tâm trí non nớt của anh em tôi những nỗi buồn vô hạn vì gánh nặng mưu sinh và tiếng thở dài khe khẽ của ba mẹ.
Rồi tôi xa nhà vào Nam đi học. Đã sáu mùa ngâu đi qua, sáu lần tôi không về thăm mẹ vào dịp mùa ngâu được, tôi biết mẹ buồn lắm.
Cuộc sống gia đình tôi đã đỡ khó khăn hơn trước do anh em tôi đã lớn và đồng lương giáo viên của ba cũng khá hơn. Mẹ giờ chỉ ở nhà làm những việc lặt vặt. Nhưng như thế mẹ lại hay buồn, vì thời gian rảnh rỗi mà những đứa con mẹ yêu thương lại mỗi đứa một nơi, ít khi về thăm mẹ…
Ngoài kia, trời vẫn mưa. Không phải là mưa ngâu nhưng lòng tôi vẫn ướt những giọt buồn ký ức. Ở quê, giờ này chắc mẹ cũng đang ngóng  mưa và mong lắm những  đứa con cùng  tiếng  thở  dài buồn  bã. Không phải vì gánh bún ế khách như ngày xưa mà vì con xa nhà đã mấy mùa ngâu…
ĐOÀN  ĐẠI  TRÍ
Bỗng dưng
Bỗng dưng đang khóc lại cười ....!
Đang vui lả chả đôi dòng lệ châu ?
Đây mùa Ô thước bắc cầu ,
Ngưu lang Chức nữ cùng nhau hẹn về....
Dẫu cho chẳng vẹn câu thề,
Duyên trăm năm đó, tình quê mặn nồng !
Một lần sáo đã sang sông....
Ngàn năm Ô thước vẫn mong bắc cầu !
Ơ hay , lệ đổ lòng đau.....
Có đôi lứa giữa mưa ngâu lại cười !?
NM
Mùa Ngâu 2
- Hàng năm, cứ vào tháng Bảy âm lịch là lại xuất hiện những cơn mưa dầm rả rích. Mưa cứ sụt sùi nên cũng dễ làm lòng người chùng xuống với những nỗi buồn man mác, người ta gọi đó là mưa ngâu. Và cũng có một loại hoa vàng mộc mạc, chân quê nhưng có hương thơm ngào ngạt nở vào đúng dịp mùa mưa ngâu này. Loài hoa đó được gọi là hoa ngâu.
Trần Tuấn Cường
 

Cảm xúc từ bài thơ "Hoa ngâu đến"

Có một thời trong căn phòng trọ chật hẹp ở Nguyễn Văn Trỗi tối nào cũng ngân nga bài thơ “Hoa ngâu đến”. Cả mùa hoa ngâu đó hai chị em mình đều thích bài thơ này. Có hôm đóng chặt cửa ngâm nga mãi đến tận khuya. Cô chị có chút lãng mạn còn cậu em vương chút nghệ sĩ, nhặt được bài thơ cả hai cùng kết, cứ đọc đi đọc lại…
Một hôm chị dọn nhà, thấy sách vở của cậu vứt bừa bộn liền sắp xếp lại. Trong đống giấy vẽ nháp nhằng nhịt các ý tưởng có một tờ A3 đặc biệt. Trên đó, cậu chép lại bài thơ đang thời...yêu thích rồi vẽ phác họa những hình ảnh trong thơ. Cô chị ngơ ngẩn không nỡ vứt đi nên giấu làm của riêng. Sau này, chị gặp nạn "dâu bể, bể dâu" năm 2008, của riêng không giữ được. Cũng buồn, tiếc, nhớ... và tưởng chừng như tất cả đã trôi vào quên lãng.
Đã qua bao mùa ngâu, mỗi mùa một vẻ nhưng nét vẽ bút chì nguệch ngoạc trong tập bản vẽ nháp của cậu em vẫn còn in dấu mãi. Về hình ảnh một cô gái đi trong cơn mưa để…gánh mưa từ trên núi xuống. Cái bóng nghiêng nghiêng, từng giọt mưa cũng nghiêng nghiêng đủ để thấy một cơn mưa nhiều nước đến mức nào. Thế nhưng chiếc giếng cổ phủ đầy rêu dưới chân núi kia chưa bao giờ đầy…Chẳng biết vì sao hai chị em mình thích mãi, có lẽ thích đến tận bây giờ. 
Mấy bữa nay, vườn cảnh trong cơ quan thơm mát. Hoa ngâu nở vàng khắp kẽ lá, tròn tròn, li ti. Không mấy ai ngang qua mà không vương vấn hương thơm. Mùa hoa ngâu nở rộ. Nắng Hạ đang nhạt dần. Có người chờ mùa mưa ngâu tới, để được đi trong mưa, được gánh cơn mưa vỡ về lấp đầy giếng cổ, tràn trề những ngóc ngách hoài niệm...Cho cạn nước sông Ngân, không cần cầu Ô Thước Chức Nữ cũng gặp được chàng Ngưu
P/S: Dạo trước, có người bạn của ông gửi một bọc hoa ngâu đã chín vàng để ướp trà, trị bệnh cao huyết áp. (Hay thật đấy, hoa mà mình nói "chín" cứ như quả không bằng). Trà ngâu thơm, thư giãn và còn giúp sáng mắt. Từ đó, mình thích mùi hương tỏa ra từ chén trà ngâu vào mỗi sáng sớm. Như đánh dấu thêm trong danh sách những loài hoa mà mình có tình cảm đặc biệt. Còn đây là bài thơ "Hoa ngâu đến" của tác giả Nguyễn Hữu Quý
Hoa ngâu đến phòng ta như mùa thu trở lại
Trở lại nỗi chiều mưa trong đá dịu dàng
Câu thơ lượm bên nghìn năm giếng cổ
Đượm một thoáng ngâu mà quên, nhớ dùng dằng


Quên là cố bởi vì ta không thể
Nhớ là ta không dối giá lòng mình
Hoa ngâu ơi, ấy là ngày xưa nhé
Hoa ngâu à, đâu phải chỉ hôm qua?

Cứ lẫn lộn hoa ngâu - em - và nước
Cứ vơ quàng bậc đá - anh - và mưa
Đừng trách giận cái điều không sáng tỏ
Để phân vân nối lại hai mùa

Nao nao sợ rồi hoa ngâu ra ngõ
Chẳng còn thu ở lại với người
Ai lên núi gánh về cơn mưa vỡ
  
Ta thật buồn khi giếng cổ chẳng đầy vơi
Lan Tường

Hoa bé nhỏ 

Ngoài kia ồn ào những tiếng la ó đủ mọi cung bậc thanh âm huyên náo đời thường…

Tôi giấu mình vào chốn bình yên cô độc của cõi lòng.
Đêm khuya nhớ người.
Chợt nhận ra rằng mình có duyên và thích gắn bó với những loài hoa nhỏ bé, những loài hoa cỏ dại, kém sắc kém hương. Phải chăng vì vốn dĩ bản thân mình sinh ra cũng như những loài hoa ấy, yếu đuối mong manh? Nhưng bởi là cỏ dại cho nên sức sống mãnh liệt.
Vì là hoa bé nhỏ chẳng ai yêu chẳng ai quý chẳng ai đoái hoài tới cho nên chỉ biết giữ yêu thương lại cho riêng mình, giấu tận sâu trong trái tim. Người vô tình, người nào hay biết tình ta.
Một note gần đây, tôi đã trích dẫn đoạn thơ Hoa ngâu của Xuân Quỳnh. Thiết nghĩ, thơ hợp với cảnh, với tình, và tâm trạng của mình khi viết note đó nên họa vào. Bây giờ nhìn lại thấy làm như vậy quả là không phải với hoa ngâu. Tình yêu vĩ đại như vậy chỉ đáng để đem ra tô điểm cho tình cảm cá nhân bé nhỏ của lòng minh thôi sao? Viết đôi dòng vu vơ cho riêng ngâu vàng thôi, cũng chẳng có gì đáng bàn tới.
“Em đi hết lòng em
Lại gặp lời hát đó
Hoa ngâu ở nơi nào
Em cũng không biết nữa
Em chỉ biết tình em
Như ngâu vàng vẫn nở.” (XQ)
Anh thân yêu của em, cuộc sống thường nhật của em vẫn trôi đi trong những bận rộn vụn vặt, nhưng sao không ngừng nhớ về anh. Đôi lúc em ước gì anh vẫn còn ở gần bên em, để em được bận rộn lo toan thay những phiền muộn của anh. Có như thế, em mới thực sự không có thời gian để nhớ nhung anh từng giây từng phút. Phải làm sao đây nếu như em đã cố vùi mình vào cuộc sống, cố hòa nhịp, cố mỉm cười, nhưng rồi chỉ được một lúc ngắn ngủi thôi, hình bóng anh lại tràn ngập trong trí óc. Anh ơi, có phải cõi lòng em ngắn quá, chẳng nghĩ hay nhớ tới gì hơn những điều về anh thôi?
Thư viện nhạc của em có tới cả ngàn bài hát, nhưng chỉ một thoáng thôi, em lại gặp lời hát quen thuộc từ những bài ca mà anh yêu thích. Em băn khoăn tự hỏi nếu như ngày nào đó anh thực sự xa em, một cách hữu hiệu để không nghĩ tới anh là xóa tất cả những thứ liên quan ấy… Thật buồn làm sao khi em biết làm như vậy cũng chẳng khiến em quên anh được, sẽ còn nhiều lắm, nhiều lắm những điều khiến em phải liên tưởng tới anh. Bởi anh là khúc ca quen thuộc ru mãi đời em…
Ngoài sân kia, ngâu đã bắt đầu trổ hoa rồi anh ạ. Em vẫn nhớ, anh thường hỏi em vì sao trong trăm nghìn hoa thơm cỏ dại lại chọn yêu hoa ngâu. Em thường khẽ cười và thì thầm: “Em không chọn, chỉ là yêu vậy thôi”. Em yêu những khoảnh khắc đi dưới trời hoa ngâu, hít hà mùi hương dịu dàng thoang thoảng trong làn gió. Em yêu lắm những chùm hoa vàng bé bỏng, e ấp nép sau làn lá xanh thẫm.
Anh biết không, tình yêu mà em dành cho anh cũng như hoa ngâu vàng mỗi mùa hoa nở. Là trăm ngàn đóa hoa li ti vàng nhạt, kết lại thành chùm vững bền. Là hương thơm dịu ngát khẽ len lỏi và xâm chiếm lấy tâm hồn anh, trái tim anh. Ngâu chẳng đẹp, chẳng cao sang, chẳng rực rỡ một góc trời, chỉ biết lặng lẽ tới bên anh mỗi khi anh cần
Những bông ngâu trông nhỏ bé li ti vậy thôi nhưng tiềm ẩn sức sống lâu bền lắm anh ạ! Một bông rụng, hai bông rụng, mười bông, rồi trăm bông rụng, vẫn còn đó cả trăm ngàn đóa hoa khác, vẫn còn đó những mùa hoa sau và sau này nữa không quản ngày đêm tỏa hương khoe sắc với đời. Cũng như tình yêu của em, cho dù bớt yêu anh một, bớt yêu anh hai, hay cả vạn điều ghét anh thì em vẫn còn đó cả ti tỉ những lý do khác để yêu anh, vẫn còn đó cả kiếp này và những kiếp sau nữa để yêu anh.
Và trái tim vẫn bất chấp mọi giông tố bão bùng, thổn thức yêu anh như hoa ngâu vẫn nở.
Ngay cả khi anh đã hết yêu em rồi, xin hãy cứ để em giữ hình bóng anh trong sâu thẳm trái tim mình, anh nhé!
 

Li ti hoa

 Trong cuộc sống hối hả ngày nay, con người không có mấy thời gian để nhìn ngắm và thưởng thức hoa. Vì thế, con người ân cần với hoa chủ yếu vì sắc hoa và dáng hoa, chứ hương hoa thì ai thư thả, hoặc có tấm lòng với hoa thì mới quý hương, mới ngẩn ngơ vì hương. Hơn nữa, hoa càng ngày càng đóng vai trò tượng trưng kết nối giữa con người với con người, hoặc giữa con người với tập thể, là hiện thân của niềm vui, nỗi buồn; trong vai trò tượng trưng đó, sắc hoa mới là yếu tố quan trọng, chứ mấy ai để ý gì đến hương hoa. Và như trở thành ước lệ, một số loài hoa đã được tôn vinh: hoa hồng nói lời tình yêu, hoa lan đẹp quý phái, hoa huệ trắng trinh nguyên… Ngay cả hoa của cây cổ thụ cũng là hình ảnh lãng mạn: hoa phượng đỏ cho tình cảm bạn bè tuổi đi học, hoa mai, hoa đào cho ước vọng mùa xuân…
Tuy thế, khi rời môi trường giao tiếp của xã hội để trở về ngôi vườn của mình, bên cạnh màu xanh cây cỏ và những chậu hoa khoe sắc, đặc biệt là khi Tết đến, xuân về, thì những loại hoa bình dị,khiêm tốn, nhỏ nhắn, lại chung thủy với mình như thời nào cũng thế, trong đó có những loài hoa li ti, để lâu lâu thoáng một chút hương như muốn nhắn nhủ điều gì…
Những bông hoa nho nhỏ 
Chỉ có chút hương đêm 
Ẩn vào trong kẽ lá 
Như mối tình lặng câm… 
(Bao giờ ngâu nở hoa, Thơ Xuân Quỳnh)
Hoa ngâu nhỏ, như chưa có hoa nào trên đời này nhỏ như thế, lại ẩn mình trong kẽ lá, thế nhưng hương thơm đẫm sương đêm vẫn có chút ngọt ngào như nói hộ tình yêu thầm kín.
Ngâu là cây bình dân. Trước đây, người ta trồng ngâu trước đình, chùa, còn ngày nay, ai có đất vườn tương đối rộng rãi mới trồng ngâu để làm bình phong, làm hàng rào, làm lối đi. Cây ngâu cũng được trồng như cây cảnh. Cây đẹp nhờ tán tròn, cành nhiều, thẳng, rậm lá. Lá gồm 7 lá nhỏ (có khi 5 lá), đầu lá tròn. Hoa mọc ở nách lá, ra chi chít, theo từng chùm nhỏ, gồm những đốm tròn màu vàng, nhỏ li ti. Tuy hoa ra nhiều, nhưng không át lá, và trên màu xanh của cây, điểm tô những đốm li ti vàng, thật đẹp trong ánh mặt trời buổi sáng. Màu vàng ý nhị, tươi vui, nhưng thoáng ba ngày là lặng lẽ rời cành, không để lại mấy dấu tích. Hương thơm ngọt nhẹ, thanh khiết, đã bay về trời!
Không, không hẳn như vậy, hương bay về trời và hương bay vào trà! Những cơ sở chế biến trà ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), ở Tam Kỳ (Quảng Nam) đã cho ra sản phẩm trà ướp hoa ngâu.
Cũng li ti như hoa ngâu là hoa sóihoa mộc.
Nhỏ nhoi đứng góc vườn
Cây đơm hoa bối rối
Trông hiền ơi là hiền
Sao lại mang tên sói?
Hoa lặng thầm chẳng nói
Lốm đốm trắng hạt cơm
Kìa, nắng tong tả tới
Ngã nhoài vào hương thơm.
(Thơ của Hoài Khánh, Hải Phòng)
Cây sói không được đặt ở vị trí trang trọng, chỉ trồng nơi góc vườn, hoặc ngày nay, phổ biến hơn là trồng trong chậu. Nhưng xin đừng xem nhẹ hoa sói nhé! Nó là cây bản địa từ lâu, và hương thơm của hoa sói đã là nguồn thưởng thức của biết bao người, từ bình dân đến quý tộc, có như thế mới được vua Minh Mạng cho khắc trên Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng lớn được đặt tại Đại Nội, kinh thành Huế) cùng với 8 loài hoa khác (lài, tử vi, sen, hồng, hải đường, hướng dương, dâm bụt, ngọc lan).
Không biết đặt tên sói cho hoa có ý nghĩa gì, nhưng người xưa đã ví hoa tròn nhỏ, trắng muốt, như là hạt ngọc nên đã đặt tên hoa là trân châu hoa. Cây sói mọc thành bụi, nhảy từ đất thành từng cành rồi phân nhánh nhỏ. Lá tương đối lớn, mọc đối. Chùm hoa mọc ở đầu cành, có nhiều gié, mỗi gié đính những nốt hoa tròn li ti, ban đầu là màu xanh tơ, sau đổi sang màu trắng muốt.
Hương sói nhẹ nhàng, giấu kín, nhiều khi ta phải ghé mũi gần hoa mới thưởng thức được hương hoa. Hoa cũng không đồng loạt xuất hiện, chỉ rải rác trên cây, nhưng cây dễ tính, ra hoa quanh năm, không cần chăm bón nhiều, chỉ cần tránh nắng gắt và phải tưới nhiều nước. Hương sói đã đi vào trà, và trà ướp sói là thức uống buổi sáng khá phổ thông, nhất là ở phía Nam
Cũng như sói, hương hoa mộc đã đem lại sảng khoái uống trà sớm vào lúc tinh sương. Cây mộc là loại cây thân gỗ nhỏ, không có vẻ đẹp hào nhoáng, thân không đẹp, lá nhỏ, không mơn mởn, chỉ trừ những lá non trên đọt là tươi hồng, thế nhưng nó có dáng dấp vừa thanh cao, vừa bình dị, không khoa trương, cũng không hạ mình, có vẻ cốt cách như đạo sĩ. Nhiều người tạo thế cho mộc, cũng uốn như những cây thế khác, nhưng theo tôi, cứ để mộc mọc theo tự nhiên, với lối rẽ nhánh tùy hứng, mà lại đẹp. Mộc ra hoa thầm lặng, không báo trước, không theo mùa, chỉ biết một buổi sáng tinh mơ nào đó, mùi hương thoảng nhẹ, chủ nhân khu vườn chợt thấy những cánh hoa li ti rải rác điểm trắng trên cành cây, kẽ lá.
Trong những loài cây của vườn nhà, cây mộc là cây thiết thân với tôi nhất. Nó có mặt trong vườn từ rất lâu, tôi không nhớ rõ, chỉ biết cha tôi đã trồng hai chậu mộc lớn từ khi ông còn trung niên, như thế nó đi bên cạnh cuộc đời tôi, nó đã khá già khi tôi còn rất trẻ và bây giờ nó chỉ già thêm một chút khi tôi đã già, và không năm nào nó quên ra hoa. Cha tôi cẩn thận chế trà sớm, hái chút hoa mộc cho vào bình trà, một lát sau, đưa chén trà lên mũi thưởng thức rồi mới nhấp. Sau này, cha tôi mất đi, khi mộc ra hoa nhiều, mẹ tôi ra hái một dúm hoa, để vào dĩa nhỏ, đặt lên bàn thờ.
Đến đời tôi, tôi không có thói quen trà sớm, và nếu có dùng trà, thì tôi đã nhiễm thói quen sau này của người Huế, giống như người Bắc, uống trà Bắc Thái đậm đà, không pha hương hoa. Họa hoằn, may mắn “gặp” được chén trà hương bốc khói, được pha chế với bộ đồ trà đúng điệu, bởi dáng vẻ nhẹ nhàng thành thạo của quý thầy, quý cô và trong cảnh chùa thanh tịnh, lòng tôi lâng lâng khó tả của người thọ nhận.
Thế nhưng, trong vườn nhà tôi, cây mộc vẫn còn đó mà một thời tôi vô tình. Tôi lại càng quên cây sói, cây ngâu. Đó là thời tôi bị quyến rũ bởi sắc đẹp kiêu kỳ, tinh tế, quý phái của hoa phong lan, đi chiêm ngưỡng những “hoa khôi” đó ở nơi quen thuộc lẫn nơi xa lạ, la cà nơi bán buôn, rước “nàng” về nhà, tỉ mẩn lo lắng từng mầm lá, từng rễ tơ, và biết bao chờ đợi nụ hoa như ước ao một hạnh phúc, một phép lạ. Có khi hoa đến, có khi chờ đợi hoài công, có hoa thì vui, chờ lâu quá mà hoa không ra thì băn khoăn, bứt rứt. Rồi phải đến một ngày...
Tôi bình tâm, không mong cầu quá đáng, tôi không mong làm người trồng phong lan chuyên nghiệp, hoặc một nghệ nhân phong lan để đòi hỏi những thứ lan khó tính ra hoa theo ý mình, tôi chỉ giữ tao nhã chừng mực với loài hoa quý phái này. Tôi ôn lại, mình đã làm được gì với mảnh vườn thân thiết? Cũng có chơi với thiên hạ, cũng góp mặt trong những câu chuyện rôm rả về lan ngoại và lan rừng Việt Nam... Nhưng sao mình chạy theo sắc nhiều quá, mà không chú trọng hương đúng mức, trong khi sắc thì đâu đâu cũng thấy, phô trương, lộng lẫy, thực cũng nhiều mà ảo cũng lắm?
Tôi đã trở về với những ngọc quế, lài, dạ hợp, quỳnh,... và đặc biệt là những cây li ti hoa. May còn một chút “di sản” ngâu sót lại trong vườn, sao mà lâu nay mình ngoảnh mặt làm ngơ, để khi nhìn kỹ lại, lá xanh thẫm và lá non tơ đẹp thế! Vậy là tôi vớt vát, cho cây vào chậu, và chẳng mấy công chăm sóc, bây giờ cây ngâu trổ hoa, trả ơn cho người. Cũng như thế, lâu nay mình đã hững hờ với chậu sói, giờ chỉ một chút gia công, hoa đã hiển hiện, “tong tả tới”, tỏa hương thơm trong nắng sớm. Và nhất định là tôi trở về cây mộc “đạo sĩ”, phải bồi dưỡng cho cây nhiều hơn để cho lá thêm xanh và cành đỡ khẳng khiu.
Những cây hoa li ti như thế là đại chúng trong làng hoa, sống chan hòa cùng với con người. Tôi trở về với những li ti hoa như thế, có nghĩa là tôi trở về với tôi trong tương quan chan hòa với mọi người. Hương thơm nhẹ nhàng, dịu ngọt của những hoa li ti này cũng như nét chân thật và tình cảm của những người quanh ta, mà từ lâu ta lăng xăng việc đời, giả cười giả nói, hoặc tiếp xúc, giao lưu với đâu đâu mà quên lãng những người đâu đó bên đường đời của ta.
Hãy ngắm những ngâu, sói, mộc, với li ti hoa điểm tô trên cành, ý nhị mà không phô trương, ngắm toàn thể, rồi ngắm từng bông hoa, nhỏ hơn hạt cơm, bạn hãy quên chuyện đời, để dành vài phút chỉ có bạn với hoa, bạn thấy sức sống không nhỏ chút nào, lại có nét duyên dáng riêng; như thế mình vừa khám phá nét đẹp lại đồng thời hưởng thụ hương thơm phơi phới, thoang thoảng. Cây chẳng bao giờ phụ lòng người, chỉ trừ người hững hờ, chẳng biết dừng lại bên hoa. Cũng như những người bình thường quanh ta, ta chẳng bao giờ thấy đẹp, nếu ta hững hờ, vô duyên. 
Cao Huy Hoá