Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Nhạc - Thơ -Văn Thiếu Quê Hương


Nhớ Quê hương
Xin một lần tôi được về quê cũ,
Dẫu đau thương và lắm nỗi xót xa !....
Thương quê hương , khao khát lắm nhớ nhà,
Tôi vẫn sống với biết bao hoài niệm !
Suốt cả đời tôi mãi mê tìm kiếm,
Hình bóng người xưa và kỹ niệm xa....
Quê hương ơi, mãi mãi không phai nhoà,
Trong tôi đó, luôn là dân nước Việt !!
NM 

Thiếu Quê Hương
Hồi ở Saigòn, anh Tiến làm công chức ở bộ canh nông, là một người có tài coi tướng. Anh ta không hề mở văn phòng bói tướng mà cũng chẳng bao giờ lấy đồng tiền nào của ai; một khi anh đã bằng lòng coi qua. Cách coi tướng của anh ta rất đặc biệt, mà đặc biệt nhất là nếu có ai gọi anh là thầy bói, thầy tướng thì anh giận ngay. Coi tướng với anh chỉ là một nghề "chơi", cái thú chiêm nghiệm tiêu khiển vậy thôi. Riêng tôi, vì tôi biết anh khá lâu cho nên tôi có thể nói rằng - "đọc" nổi được định mệnh của người khác qua cách ngồi, tướng đi, ăn nói,... đã là thứ đam mê của anh như ta mê một thói xấu không thể bỏ, những phút xuất thần hiếm hoi! Cách coi tướng ấy đôi khi còn tố cáo những ám ảnh thôi thúc có vẽ bệnh hoạn tuyệt vời, vì đã có lần, theo lời chị Tiến kể lại, anh ta tự nhiên mất tích khỏi nhà cả tuần lể, vợ con không hiểu ra sao, hỏi thăm hết chỗ làm đến bạn hữu không ai hay biết. Sau cùng, anh ta ở đâu lù lù hiện về, nụ cười tiêu khoáng bình yên cố hữu ở trên môi trước những trách móc của vợ con.
Số là được tin người bạn thân vừa tử trận, anh ta đến phúng điếu. Đứng trước quan tài còn mở nắp, người bạn nằm yên không một giấu diếm. Cái ẩn tướng yểu mệnh kia ngày xưa anh đã ngờ ngợ trông thấy, bây giờ nó trở thành sự khinh khi bào chửa. "Phải chi mình bảo cho nó biết trước việc này, biết đâu chả cứu được nó!". Buồn quá, anh ta chui vào nhà một người bạn ở cư xá Nguyễn Mạnh Trinh, không hút thuốc phiện, nhưng cũng cứ nằm tịt bên cạnh bàn đèn, coi ông bạn hí hoáy những tiêm với tẩu cho đở buồn.
Chuyện đi về nhà bất thường, lâu ngày thành ra tự nhiên, vì anh ta bị chèo kéo hết ngày này với người này, sang ngày khác với người khác, hay anh còn bận truy lùng tung tích một người nào đó đã mất tích trong trí nhớ từ lâu, đột nhiên hiện ra với tất cả chân tướng, lại là trường hợp anh ta không thể bỏ qua.
Có những đêm vừa đặt lưng xuống giường, anh ngồi bật trở dậy. Bà vợ khó thể ngủ được vì ở ngoài kia ông chồng chốc chốc lại kẻo kẹt đưa cái ghế xích đu, tiếng lục lạo tủ sách kèm theo tiếng càu nhàu, chửi bới om xòm... Sáng dậy, chị vợ tìm thấy anh chồng đang ngon lành ngủ ngồi trên ghế, một bên má tì xuống mặt bàn trên những tờ giấy trắng, nước rãi từ khoé mép chảy thành dòng làm nhoè nhoẹt những hìng vẽ lăng nhăng trên giấy trông rất bệ rạc. Có lần tôi hỏi đùa chị Tiến: "Khi lấy chị, anh ấy có nói cho chị biết là anh ấy đã lấy một người đàn bà có cái kiên nhẩn chịu đựng được cái kỳ cục, lang bang của anh ta không?" Chị Tiến chỉ cười cam phận.
Đến với anh Tiến dĩ nhiên là ai cũng muốn anh ta đoán xem mình sắp khá không, hay ít ra cũng là để thỏa tính tò mò. Nhưng phải cẩn thận, đừng bao giờ đề nghị thẳng, mà cho dù nói bóng nói gió cũng nên tránh nốt nếu không muốn anh Tiến từ chối. Gặp anh ta, cứ nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện chính trị, thời tiết, chuyện đánh ghen hay tai nạn... rồi chia tay như một tình cờ, một lần khác, và nhiều lần nữa, có khi bạn quên đứt luôn chuyện tướng số. Thế rồi bất chợt một hôm, bạn vừa trải qua một cơn gây gổ náo loạn tan hoang với mụ vợ ở nhà, bạn đang giải sầu trong quán cóc với đôi đường la-de, ông Tiến mới phây phây, nhàn hạ như một ông tiên xà đến, mà đến là chỉ để nói chuyện tướng số. Bạn không thiết gí đến chuyện xa vời ấy nủa, bạn chỉ muốn có người để than thở, kể lể cái tâm sự anh ách ở bên hông! Mặc kệ, ông Tiến không thèm đếm xỉa gì đến những uẩn ức của gia đình bạn. Muốn cắt ngang câu chuyện tướng số nhất định là không xong!
Những người đeo đuổi về tướng số có khá đông, trong số đó có những đấng tai to mặt lớn. Đôi ba anh tướng đang chờ cách mạng thêm xem mình có cơ hội chớp được chức chủ tịch hay Ủy Ban lảnh Đạo Quốc Gia. vài anh bộ trưởng muốn xem bao giờ mình được chuyển sang làm bộ kinh tế, tất nhiên là có cả những em me Mỹ đang muốn chuyển nghề lấy chồng dân biểu, nghị sĩ... Có lần nhân lúc hứng đang ngồi trong một quán "la-de ôm" ở đường Trương Tấn Bửu. Tiến hỏi tôi có biết nữ ký giả A không? Tôi trả lời là có, một ký giả đang lên, đẹp không xuất sắc lắm nhưng có nhiều bồ trong giới tai to mặt lớn. Tiến kể cho tôi là cô A có nhờ người giới thiệu với Tiến để coi xem cô ta làm ăn ra làm sao. Người giới thiệu cô ta hiện là xếp trong sở của Tiến, nể quá Tiến phải nhận lời. Tiến kể rằng lộ tướng của cô ta không có gì đáng chú ý, nhưng ẩn tướng (đây là biệt tài của Tiến) Tiến để ý thấy một chuyện lạ, cái chuyện lạ này đã giải thích tại làm sao một người con gái có cái nhan sắc trung bình lại có thể được coi là thơm tho đến độ được chuyền từ tay hết ông lớn nầy đến ông bự nọ. Ấy chính là vì ở cái "chổ kín" của cô ta có tiết ra một chất có mùi thơm như là xạ-hương cực kỳ quyến rũ khi tác dụng vào khứu giác đàn ông. Tiến còn cảm khái là tạo hóa thiết trí các hạch tuyến bài tiết trong cơ thể con người là chỉ để tống những chất cặn bả khó thương, không cần thiết cho cơ thể ra ngoài, "đàng này cái ấy của cô ta nó lại thơm mới đểu chứ! Của trời cho ấy đem ra khai thác thì kiếm bạc triệu như bỡn! "Thoạt nghe, tôi nghĩ là Tiến nói chơi thôi vì trông thấy rỏ cái "ẩn tướng" đó là điều khó quan niệm nổi, lại ngoài cái khả năng của Tiến cho nên tôi phạng ngay: "Mẹ kiếp, ông chỉ phét lác, mấy vị thượng quan kia chưa chắc gì đã phát giác nổi cái hương thơm kia nó từ đâu tới nửa là ông!"
Nói lại cái thuở bắt đầu chơi với Tiến, tôi là đứa cứng cổ không thích tướng số, nhưng tôi ưa Tiến vì tính tình phóng khoáng, nghệ sĩ của anh ta. Chấp nhận là bạn trong một thứ định nghĩa cực đoan gọi là "bạn hỉu", cái thứ bạn không có gì là của tôi, của anh, lúc nào cũng hết mình, tốt xấu, tệ hại cũng không cần thắc mắc, ới một cái là có mặt. Bắt gặp cái nhìn ngần ngại nó đã biết mình nghĩ gì, chưa nói hết câu nó đã hiểu mình muốn nói gì... Tiến là mẫu người như vậy. Vậy mà tôi phải nhờ một chuyện tướng số giữa Tiến và tôi, phải đợi tới mười năm trời, sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới nhìn nhận là Tiến có "nghề", tôi mới chịu phục Tiến một cách thấm thía.
Saigòn những ngày cuối cuộc chiến không khí cực kỳ nóng bỏng, một buổi chiều Tiến và tôi vào nhà hàng Continental ở đường Tự Do. Ăn xong, trời oi bức, người bồi bàn mời chúng tôi ra khoảng vườn có những bụi cây cắt tỉa công phu ở phía sau dùng tráng miệng. Đột nhiên Tiến nhìn tôi bảo: "Này cậu, moa hỏi thật có bao giờ cậu để ý coi dưới gan bàn chân của cậu, có ít nhất là ba nốt ruồi không? Cậu phải đi nhiều lắm!" Cái vô duyên là tôi nhận ra Tiến nổi hứng bất tử trong khi tôi đầu óc cứ vấn vương về chuyện ban hữu, nước non! Tôi nghĩ bụng một cách hài hước - chắc cha này lại "dựa nhời". Hắn biết công việc, chức vụ của tôi một tháng chỉ có mặt ở Saigòn cỡ một đến hai tuần lễ, tôi chả đi nhiều thế chó nào được! Còn chuyện gan bàn chân của một thằng bé suốt tuổi thiếu thời, nào ở quê nhà chạy nhảy nô đùa bờ sông quán chợ mà lại chẳng bị năm bảy vết sẹo, đôi ba nốt đen!
Tôi quên câu chuyện của Tiến với những nốt ruồi ở gan bàn chân cho tới ngày tôi nằm dài trong trại tị nạn ở đảo Wake, với nổi nhớ thương chồng chất tan hoang cùng với một cơ thể rã rời tiều tụy. Một hôm nhà tôi hoảng hồn: - Chết rồi! anh ơi, dưới gan bàn chân của anh có tới năm nốt ruồi lận! Mà một cái lại là nốt ruồi son! Như vậy là suốt đời anh sẽ lang thang trên trái đất!
Của đáng tội thì số tôi lận đận thật. Hồi đất nước chia đôi, cậu bé mười một mười hai tuổi đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để khăn gói quả mướp leo lên tàu há mồm của Mỹ ở vịnh Hạ Long để đi vào miền Nam tị nạn chính trị! Hành trang bấy giờ của tôi chỉ vỏn vẹn một túi vải nâu, ở trong đựng cuốn thông tín bạ lớp nhất với mấy cuốn sách phần thưởng cuối niên học năm ấy. Tôi nhớ mang máng là tôi đi vào Nam với một tâm hồn của người đi "tân thế giới" mặc dầu tôi chẳng biết tân thế giới nó ra làm sao! Tôi không xây được mộng đẹp ở miền Nam vì thế hệ chúng tôi bị bó buộc vào một cuộc buôn bán máu xương. Vết thương của những cuộc chém giết trên người tôi nay đã khỏi, nhưng hãy còn đau, đau vì những hy sinh thịt xương của những người đã chết, của những người "chơi bạc thật" như tôi bị lừa bịp đã trở thành vô ích!
Và bây giờ tôi đang ở đây, không hạnh phúc. Thật ra tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc hành trình trong đời tôi, nhưng xem ra cuộc hành trình nào cũng mang tính cách bó buộc và có lý do chính trị cả! Cậu bé ngày xưa trong cuộc di cư với hành trang vụng dại đúng hai chục năm sau lại đeo túi hành lý lên vai với vài hộp sữa đặc, một chiếc bình thủy nước nóng, một ít tã vải với hai nhóc con trên tay đi quá nửa vòng trái đất, sang bên kia bờ Thái Bình Dương, thực ra chỉ để thực thi cái định mệnh trong câu tướng số của người bạn cũ! Đôi khi cuộc sống vất vã với nhiều bất bình này, tôi đâm nghi là minh sẽ phải còn làm những cuộc hành trình tương tự khác! Lời chạy tội nào để tránh cho tôi những dằn vặt vì đã chia sớt miếng đỉnh chung của quê hương mà đành lòng bỏ đi quên cả anh em bè bạn. Tôi yên vui sao được khi tôi đang sống trong một xã hội thùa thãi thịt cơm mà những người ruột thịt còn đang bỏn từng miếng ăn? Tôi ở đây nhưng linh hồn tôi vẫn cỏn ở bên ấy. Tôi mong những dêm về để thấy lại bạn bè củ, để ngắm lại một dòng sông xưa thao thức chảy suốt buổi thiếu thời trong cơn mộng mị. Hạnh phúc làm sao được khi vợ tôi phải đội tuyết đi hết cả vài trăm cây số để mua một bó rau đay, một vài pap cà pháo mà giá cả đắt hơn nhiều lần thịt cá, chỉ là ăn để đở nhớ nhà! Lỗi ấy đâu có phải vì tôi không thể quên canh rau cá muối mà tôi đã sống mấy chục năm!
Tôi trách làm sao được những người bạn mới ở quốc gia này, họ thật tình muốn chia sẽ với tôi những tập quán, ước mơ, và thức ăn của họ. Tôi chê trách làm sao được khi một quốc gia giàu lòng tốt nầy giang tay chấp nhận tôi với mọi thứ cơ hội sẵn có! Đó mới đích thực là thảm kịch nội tâm nơi nhũng người Viet Nam đã nặng nề quá khứ, đã ăn cơm ở những đồng lúa Cữu Long, đã uống nước từ những dòng phù sa ngọt mát, lưỡi đã cứng vì quen nói lời khẳng khái, vì vị mặn của nước mắm Phan Thiết, Hà Tiên! Đó là thân phận! Đó là bi thảm
Không ai cấm tôi đang sống trên những giàu sang văn minh nhân loại mà tâm hồn thì cứ triũ nặng nhớ thương nghèo khó quê xưa. Tôi vẫn còn say sưa những phút lên đường đây đó, nắng gió giang hồ vẫn còn là một mời gọi tha thiết trong tôi, nhưng tôi đâu còn tìm thấy được cái thao thức diu dàng một buổi sớm mai rời thành phố ngủ yên, đi về những miển quê hương thân yêu lúc nào cũng có tiếng mời, tiếng chào cùng vòng tay ấm áp nồng nàn, tận hưởng cái không khí thơm nồng của mùa hè trên sông Hương ở quán 242, ngồi yên trong cái quán vắng ở Lâm Đồng, nghe cái dê mê của khói thuốc thấm dần vào cơ thể, hoặc là một chiều mưa giớ ở quán Thiên Thai trên con lạch bên đường dẫn vào thị xã Long Xuyên và con say làm gẫy đổ cả màu sắc, hình hài... để rồi một hôm thấy mình ngồi gọn trong một chuyến xe đò cọc cạch trở về thành phố tâm hồn quạnh quẻ bình yên. Ngay nay tôi đi qua những xa lộ dài tính bằng những ngày xe chạy, những khoảng cách tính bằng nhũng múi giờ khác biệt, qua những sa mạc dài hay những đô thị mênh mông, những kỳ quan thiên nhiên hay những công trình sáng tạo vĩ đại của con người. Một cach công bằng: Xứ sở này tráng lệ, hùng vĩ, nhưng sao tâm hồn tôi nghe ra vẫn bơ vơ, hững hờ! Tâm sự của tôi là tâm sự của một kẻ ở nhờ! Núi sông đất nước này tôi không thể tìm thấy dấu vết gì những đóng góp của mình, của tổ tiên mình để mà tự hào, không có cái gì gọi là "của tôi" thân yêu như ở quê nhà. Phải chăng những buồn bã, lẻ loi trong tâm hồn tôi còn là vì ngày nay tôi vẫn còn đang mang nhiều mặc cảm: Mặc cảm tự khinh: Tôi đã bỏ đi vì lý do riêng mình mà đáng ra tôi phải ở lại, phải ăn chiụ với số phận Quê Hương. Nếu bảo là tôi may mắn thì chúng ta phải nói thế nào về những ngưởi còn ở lại, còn đang chiến đấu trong những điều kiện cùng cực! Rồi mai ngày đất nước bình yên, tiệc sẽ dọn sẳn, chúng ta có còn đủ can đảm trở về ngồi vào mâm cổ mà chia phần xôi thịt!
Mặc cảm bị chế nhạo khinh khi cho nên bất cứ một sự xúc phạm nào đến Việt Nam dù vô tình cũng làm tôi đau khổ, day dứt: Đừng chụp hình gởi về Việt Nam với những bầy con ô-vờ-uết mặc đồ xeo ở Kê-Mạc đứng bên những chiếc xe hơi dễ mua hơn cả một chiếc xe đạp ở Việt Nam. Đừng kể bên này thịt cá đổ đi với những người đang chết đói. Đừng khoe chúng ta đang "đào được mỏ vàng" bên Mỹ trước những người đã mất hết niềm tin! Như thế là nhẩn tâm, tàn ác!.
Nghĩ đến thân phận những người Việt Nam di cư tôi sực nhớ lại cái quan cảnh "bán con" ngày xưa ở quê tôi. Quê đẻ tôi là một làng nhỏ bé miền duyên hải tỉnh Ninh Bình. Dân chúng sống bằng nghề nông, sự thăng trầm của đời sống dân quê tuỳ thuộc vào hai vụ lúa chiêm và mùa mỗi năm. Gặp năm bão lụt như kỳ "bảy ngày ba bão" mất mùa tình cảnh nghèo đói đã dồn dân quê đến cùng đường. Phiên chợ ở nhà quê thường xãy ra một tháng hai lần để dân làng và những làng lân cận ra chợ phiên. Ngoài chuyện buôn bán đổi chác các dịch vụ thông thường, có những bà mẹ ốm đói dẫn những đứa trẻ rách rưới tả tơi tuổi trạc mười một mười hai ra chợ phiên bày bán như người ta bán chó mèo, gà vịt... Cuộc buôn bán mặc cả diễn ra một cách thản nhiên giũa những bà mẹ tội nghiệp không còn đủ gạo nuôi con với những tên phú hộ lợi dụng mua người làm con ở, ngã giá nhiều khi một em bé gái còn rẻ hơn một cặp lợn con! Cảnh chia ly giữa người mẹ muốn cứu sống con với những đứa trẻ run rẩy sợ hãi trong tay người lạ lôi đi. Không có lời lẽ, ngôn ngữ gì của bất cứ một văn hào Tây Ta có thể mô tã nổi! Hồi gia đình tôi còn định cư ở miền Bắc nước Mỹ: tỉnh nhỏ, ít người Việt Nam nên người địa phuong rất quí mình. Nhà thờ bảo trợ lo lắng thật chu đáo cho người tỵ nạn. Mối liên hệ rất mật thiết, và vì vậy theo đúng luật định, chúng tôi đã trở thành công dân Mỹ sau năm năm định cư. Quang cảnh ngày tuyên thệ thật nghiêm trang diễn ra tại toà án, có sự chứng kiến của các vị quan toà và ở dưới hàng ghế kia là các đoàn thể, học sinh, và vài chục người trong nhà thờ bảo trợ chứng kiến. Lễ tuyên thệ diễn ra lần lượt từng gia đình một. Trên môi mọi người đầy ắp tiếng cầu chúc vui mừng cùng những bộ mặt hoan hỉ tươi vui. Đến lượt tên tôi được kêu lên bục cao trước mọi người, đột nhiên tôi cảm thấy ngần ngại khôn tả: Tôi phải đối diện một sự thật đau lòng: quan cảnh bán con ngày xưa hiện về trong trí nhớ. Như thế là tôi đã rời bỏ bà mẹ nghèo khổ Viet Nam, người mẹ đau khổ rách rưới đã sanh thành và nuôi nấng tôi bao nhiêu năm đằng đẳng, những muốn cho tôi sung sướng hạnh phúc nhưng đành bất lực. Người mẹ ấy đang gạt nước mắt đành ở lại vùng đất chết mọi hy vọng, không ngày mai, đưa tay vẫy gọi một cách tuyệt vọng những đứa con lang thang vào miền cách trở muôn trùng. Tôi suýt bật thành tiếng khóc giữa con bão tố ở trong lòng muốn phá tung mọi dồn nén đang biến thành trận cuồng phá vỡ bờ. Mắt tôi nhoà lệ. Phải cố gắng cực độ tôi mới có thể nuốt giòng nước mắt ngược xuống cổ họng mặn đắng. Tôi nhìn xuống hàng ghế những người bảo trợ. Họ đang vỗ tay reo mừng vì đã làm một kẻ thiếu quê hương trở nên một thứ công dân hùng mạnh nhất thế giới.
Bây giờ tôi đang ở Cali. Những náo nức của một cuộc đổi đời, những hăm hở nơi vùng đất lạ lúc đầu đã hết, tôi nghe tâm hồn mình chìm xuống và nỗi thao thức bồn chồn của một tâm trạng chờ đợi dấy lên, mặc dầu tôi không cắt nghĩa nỗi là mình chờ đợi cái gì nơi xứ sở bình yên và đời sống được bảo vệ an toàn tối đa này, tôi đâm thèm cái không khí Sàigòn cũ, mỗi phút sống là mỗi đam mê cực độ, cho dù cuộc sống ấy chứa chất nhiều may rủi bất trắc. Cuộc sống ấy mang sinh khí với rất nhiều cơ hội đổi thay, và cuộc đời không khi nào rơi vào nhàm chán. Tôi nhớ luôn cái phong thái của người mình, sống giữa những đe dọạ chết chóc vẫn lạc quan yêu đời. Ở thành phố buổi sáng sau đêm pháo kích, ngồi trong quán cà-phê nghe mạng sống bị rình rập, dù trong lúc chán chường đột nhiên mình vùng dậy muốn sống. Ở thôn quê hẻo lánh, mỗi bước đi có thể gặp mìn bẫy, cũng có thể ở đâu đó, mũi súng vô tình nào đang ngắm vào đầu, mình mới thấy mạng sống là quí báu ngọc ngà.
Buổi chiều đi làm về, tôi thường ngồi trên gác vắng nhìn ra của sổ, núi đồi Milpitas hiện chập chùng ở đằng xa, tôi gặp lại sự bình yên của tâm hồn với những giấc mơ đi xa, đối diện với nỗi cô đơn sừng sửng hay tự dằn vặt mình vì những lầm lỡ quá khứ. Nằm trên ghế mơ màng, bắt gặp lại một hình bóng cũ, một xúc động xưa, cũng có thể là quan cảnh nghèo đói của một cái quận lỵ miền Trung, những hố bom ở Tiên Trà hay những vết thương còn đỏ máu ở thành Nội. Nhưng bất chợt quen thuộc nghe thương lạ !
Mai kia tôi sẽ già. Tôi ước mong tôi còn được trở về Quê Hương. Tôi không muốn làm đồ phế thải bị bỏ quên ở những bãi xe hơi cũ ngoại ô thành phố. Nếu điều bất hạnh lớn nhất và cuối cùng xẩy ra, một ngày kia tôi phải chết ở đây, nếu quả rằng sau kiếp sống này một cuộc tái sinh còn tiếp diễn thì:
Xin cho tôi được về quê cũ !
Xin cho tôi làm người VIỆT NAM !

Nguyễn Định

Nhớ Trà Vinh
Những thân thương xa vời ngày xưa cũ,
Nay còn đâu giờ đã quá cách xa....
Yêu dấu xưa sao lại chẳng phai nhoà ?
Trong tâm tưởng quê nghèo luôn ấp ủ !

Vạt nắng sân nhà, tháng ngày lam lũ,
Tưởng chừng quên sao lại nhớ xót xa....?
Đã xa rồi nơi số phận phong ba,
Hồn phiêu lãng lại trở về cõi nhớ !

Trà Vinh ơi, dẫu đi hay còn ở,
Nơi đất nghèo ta vẫn mãi không quên...
Vết thương trầm luôn nhói buốt trong tim,
Laị mơ lại trở về nơi quê cũ !!
NM

Quê Nhà
Quê Hiệp ở Cù Lao, Biên Hòa. Quê vợ hắn ở Long Vĩnh, Vĩnh Bình, bây giờ gọi là Trà Vinh. Thật tình Hiệp không biết nhiều về quê hương Biên Hòa của mình vì tuổi nhỏ của hắn được lang thang theo bước chân công vụ của người cha, đến khi vừa đủ lớn trở về thì lại quay quắt với việc học hành ở Sài Gòn, và cuối cùng, lúc vừa biết thế nào là quê nhà thì cũng vừa tình nguyện đi làm lính. Ra trường được 2 năm, nước mất, Hiệp vào tù, như mọi người. Sáu năm sau, được thả, gia đình cha mẹ đã bị đưa đi kinh tế mới Xuyên Mộc, Đồng Nai, Hiệp đành về ở quê vợ.
Hắn là con trai trưởng trong nhà, gọi theo miền nam là thứ hai. Như vậy rõ ràng hắn phải là Hai Hiệp nhưng không hiểu tại sao già trẻ lớn bé nơi quê vợ đều gọi hắn là Năm ! Dượng Năm, Chú Năm, Anh Năm… A, vợ hắn có cái tên cúng cơm rất dễ chịu là Huỳnh Thị Bé Năm, chắc họ tưởng cô nàng thứ năm nên gọi theo thứ của vợ? Mà cũng không được, hết cái làng nhỏ xíu này, đầu trên xóm dưới ai cũng có dây mơ rễ má với nhau, không bà con gần thì cũng họ hàng xa (dĩ nhiên cũng có một mớ bà con đầu ông trời), chẳng lẽ người ta không biết vợ hắn là đứa con cu-ky của ông bà Năm Cầm? A, hay là chơi theo kiểu cá kèo một lứa đây? Ông bà già vợ thứ Năm, con vợ tên là Năm vậy thì dện cho thằng rễ một cái thứ Năm cho êm? Để rồi tự nhiên hắn trở thành Năm Hiệp một cách vui vẻ, thỏa thuận. Bằng chứng là không bao giờ nghe ai đó kêu Dượng Năm, Anh Năm…mà hắn lại tưởng họ đang gọi một tay nào đó không phải là mình.
Quê vợ Năm Hiệp nghèo lắm và tăm tối lắm. Kinh rạch chằng chịt khắp nơi, rừng cây mắm, cây giá, chà là, dừa nước chập chùng. Nhà cửa sơ sài rải rác bám theo con lộ đất duy nhất chạy dài xuống mé biển âm u. Đó là gân đất nổi, gọi là giồng, dài và mỏng như một ngón tay ốm. Xa con lộ hơn 2 công đất là đất thấp, nước mặn xâm xấp với đủ các loại cây hoang. Muỗi mòng xụp tối đã bắt đầu xôn xao dậy ổ. Đầu làng cuối xóm hun khói đuổi muỗi mịt mù. Có nhà hun bằng con cúi rơm. Có nhà hun bằng phân bò, mùi khói hăng hăng nhưng sao thân thiết lạ.
Túng nghề kiếm sống, ngoài nghề làm mướn bá nạp, vợ chồng Năm Hiệp mở tiệm bán quán. Nói nghe ghê gớm, thật ra cũng vẫn cái chòi lá đang ở, rọc cửa sổ dài thêm ra, kê thêm sát cửa sổ đó một miếng ván cũ đặt trên bốn nồng cây chà là chôn dưới đất. Và chỉ vớ vẩn không hơn mươi món hàng. Nếu cần kể ra chi tiết thì đây là những món hàng ấy : mía chặt khúc, đường cát, bột ngọt, dầu lửa, hành, tỏi, nước tương, bánh, kẹo, thuốc hút, nước ngọt, rượu đế. Hết ! Đường, bột ngọt, bánh thì bỏ vào bọc mủ, hàn miệng, treo lỏng nhỏng phía trong cửa sổ mà biết bao lần những con mắt trẻ nhỏ đứng ngoài thèm khát nhìn vào. Để cho ai đó chợt nhớ thầm về một thời thơ ấu no đủ, cưng chìu của mình, và đôi lần ngăn không được nỗi xót xa. Năm Hiệp đã lén vợ cho mỗi đứa một cái bánh. Những hôm đó, hắn tự an ủi rằng đi buôn bữa lỗ, bữa lời thì cứ coi như là bữa lỗ, có sao đâu! Mà thật ra lời lóm gì với không hơn mươi món hàng như thế. Cứ chịu khó ngồi tính nhẩm, tối đa một món lời 1 đồng thì sẽ lời được bao nhiêu?! Khách hàng quanh đi quẩn lại cũng chừng đó khuôn mặt xóm chòm. Năm khi mười thì mới có một tay đi ngang ghé mua vài điếu thuốc lẻ.
Thấy con Ba Liêm thấp thoáng đầu ruộng, ở đây mẹ con đã sẵn sàng dầu lửa, chai đong. Thấy con Bảy Nó rề rề đi tới thì chắc mẻm là mua mỡ nước và vài viên kẹo công lao. Có lần mẹ nó chạy tới mắng vốn - bán gì mà mắc quá vậy, 200 đồng mỡ chỉ có chút xíu đây sao? Hỏi tới hỏi lui, hóa ra con nhỏ vừa cầm về vừa uống. Còn chút xíu đó là may rồi! Còn khách rượu thì cũng lòng vòng mấy ông anh em bà con, xa gần có đủ. Quán vốn nhỏ nhoi mà mấy cha thì quen tay ghi sổ, trả chậm mua nhanh. Thỉnh thoảng xỉn quá nên quên, nói quán ăn gian ghi thêm ghi bớt, rồi cãi lộn mà trừ! Chán quá, Năm Hiệp nói, thôi dẹp mẹ nó đi cho khỏe. Bé Năm thì kiên nhẫn có thừa. Có lẽ sáu năm nuôi chồng ở tù Cộng Sản đã dạy cho cô nữ sinh thơ ngây ngày nào trở thành một người đàn bà quán xuyến và cam chịu mọi điều. Nàng nói :
- Ráng bán bậy bạ để khỏi mua bột ngọt, dầu lửa vậy mà ! Anh chịu khó đi làm mướn như mọi ngày còn quán để cho mẹ con em, từ từ rồi tính. Tôi nghĩ như vậy cũng ổn rồi. Bán mà như không bán thì cũng được cái vui nhà vui cửa. Nhất là cho bé út Tường Vi, đứa con cầu, con khẩn, mới biết bò, thỉnh thoảng vớ được nguyên cái bánh in nhai nhả lung tung!
Ở ấp kế bên có nhà chú Chín Dứt. Người con thứ hai học ở Cần Thơ, không biết nghiên cứu ở đâu trở về khai trương nghề làm bia chai. Bia không tên, không nhãn, chỉ là một chất nước màu vàng đựng trong vỏ bia thiệt mua từ những chành ve chai ở trên thị xã. Uống vào không đâu ra đâu nhưng nhậu một hồi cũng có tay quay mòng, quậy dữ. Mọi người gọi là bia khùng. Bia được chế biến ẩu tả hay bia làm bợm nhậu khùng điên, nghĩa nào cũng được. Nhờ những mống ham vui, thích lạ nên bia khùng cũng phổ biến một thời. Quán nghèo Năm Hiệp từ đó có thêm món mới. Và cũng từ đó, khách rượu ghi chịu nhiều hơn, cãi lộn trừ nợ nhiều hơn. Rồi sập tiệm ! Rất êm đềm, không thương tiếc gì cái ngử đó.
Dòng họ, bà con ở kế kế nhau. Sát một bên hướng mặt trời mọc là nhà Mợ Chín. Cậu Chín đã hy sinh lúc làm Xã Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngày đó Hiệp là tên Thiếu Úy mới ra trường, cậu Chín chưa là cậu vợ. Bởi không biết uống, Hiệp ngây thơ dứt khoát từ chối ly rượu mời nên ông Xã Trưởng hiểu lầm anh chàng này phách lối, giận không thèm nhìn mặt một thời gian. Đến khi hai bên vừa thông cảm nhau thì ông mất. Và không ngờ, sau này ông trở thành cậu vợ dù đã không còn. Mợ Chín ở với đám con. Lần lần, đám con lấy vợ, theo chồng tứ tán khắp nơi. Cuối cùng, Mợ ở với thằng con út, Út Làng. Mợ khóc lên khóc xuống vì ông quý tử này. Làm biếng như tinh, ăn nhậu quá siêng. Ngày Út Làng mới lớn, Mợ cho lên Tây Ninh học nghề thợ mộc với người anh rể. Được gần một tháng, Út trồi đầu về, ốm nhom. Mợ xót xa thương thằng con học hành cưa, bào, đục, đẻo cực khổ nơi xứ lạ quê người. Hỏi làm được gì rồi? Út nói tỉnh bơ, mắc nhậu xuyên suốt nên làm gì được ! Đến bây giờ, Út cũng không khá hơn. Chỉ có cái bụng thì càng ngày càng lớn và da dẻ thì càng ngày càng xanh mét ra. Chắc Út đang tiếc không học cách đóng quan tài cho đẹp để hy vọng bỏ công ăn học chuyến này.
Cách nhà Mợ Chín một đỗi là nhà Ngọc Anh. Anh chàng này thời Việt Nam Cộng Hòa đi lính quân dịch. Bây giờ đánh bạc tối ngày. Gặp những hôm sòng bài bị động ổ, anh chàng ở không, qua nhà Năm Hiệp uống trà, nói chuyện trời trăng. Hỏi, sao không ráng cho sắp nhỏ đi học ? Anh chàng đáp :
- Tui cũng học vậy! Lớp 12 trường Bồ Đề, Trà Vinh, chớ bỏ sao! Nhưng học rồi, được cái gì? Hồi xưa, sĩ quan hay lính lác gì cũng đưa lưng trâu cho mấy thằng tướng, tá làm giàu, mình bỏ xác đầy đồng, què chân cụt tay, có ai thương không? Đến khi thua trận, đến thằng tổng thống còn ôm tiền dông trước thì nói chi đến đám tướng lãnh ăn theo. Tui nhờ đem cái bằng vất đi, trốn lính rồi bị bắt quân dịch nên không bị ở tù. Bây giờ, có học cũng không qua nỗi cái cửa lý lịch, bè đảng. Nghĩ đời thấy chán, học để làm gì. Bài vở, thầy cô, bận bịu suốt mười mấy năm trời, sao không nhởn nhơ như cỏ cây, đách thèm học gì hết, có ai chết vì ngu đâu?
Thì ra vì thế Ngọc Anh chán đời mới đi đánh bạc ! Vợ con đùm túm nheo nhóc nuôi nhau. Hai đứa con trai, tên nghe mắc cở, thằng Cu và thằng C., nhưng hiếu thảo vô cùng, suốt ngày lặn lội đầu mương cuối bãi chài tép, câu cua về cho mẹ bán. Tư Ngọt, người mẹ, ốm cao lỏng khỏng như con cò. Có lần Tư Ngọt và Bé Năm trong mùa lúa đổ, mỗi người đều nuôi một bầy vịt con khoảng hơn hai chục. Một đêm, bầy vịt của Bé Năm không tự ên về nhà như mọi khi. Quanh khu này chỉ có hai người này nuôi nên Bé Năm chạy qua nhà Tư Ngọt tìm vịt. Mẹ con Tư Ngọt khăng khăng không biết, không có, không thấy. Vịt con giống hệt như nhau, Bé Năm đành bó bụng chạy về. Suy nghĩ một hồi, cô nàng chạy lên vấn kế cậu Ba Dùng, một tay nuôi vịt mà nên nhà nên cửa. Ba Dùng cười sằng sặc :
-Có gì đâu, ngày mai mầy ráng giữ không cho nó lùa về chuồng. Về chuồng nó cho ăn, vịt no không thèm về nhà kiếm bữa ăn thêm đâu.
Sáng hôm sau, Bé Năm và thằng con lớn thay phiên nhau canh chừng bầy vịt đang lăng xăng dưới ruộng. Cứ thấy bóng thằng Cu, thằng C. đứng trên bờ ruộng thì mẹ con vội vã chạy ra, sẵn sàng. Ai dè hai ông nhỏ chỉ đứng dòm coi bầy vịt ở đâu rồi đi trở vô. Qua xế chiều, bầy vịt tự nhiên đi hết lên lộ cái, láo nháo một chặp rồi tẽ làm hai, bầy nào về nhà nấy. Bầy về nhà Bé Năm lại dẫn thêm một em vịt đèo lù khù lờ khờ của nhà Tư Ngọt. Tức khắc, thằng Cu chạy qua, nói :
-Má con biểu qua coi có lộn vịt bên cô Năm không.
Bé Năm bắt con vịt đèo trả cho nó. Không bao lâu, thằng Cu lại xách vịt chạy qua :
-Má con nói không phải con này, vịt của con mập hơn.
Bé Năm bực mình, kêu Tư Ngọt qua, nói rằng :
-Hôm qua cả một bầy mợ mầy không biết con nào của mình nên không thấy bầy vịt của tui nhập bầy trong đó, vậy hôm nay tại sao lại biết rành con ốm, con mập? Hay là muốn tui đem chuyện này nói cho xóm làng mỗi người nghe một chút ?
Mẹ con Tư Ngọt cứng họng, xách vịt trở về. Năm Hiệp an ủi vài câu cho Ngọt bớt ngượng. Tội nghiệp, chỉ vì dân quê ít học đó thôi. Ít lâu sau, Ngọt trổ bịnh lao. Nhưng quyết chí nằm chịu vì...sợ nhà thương, sợ uống thuốc ! Cuối cùng, chịu không nỗi, chết tươi. Ngọc Anh về sau rững mỡ, cưới một chị lỡ thời trong xóm, làm đám cưới đàng hoàng, rình rang. Có kêu thợ chụp hình. Ngồi ôm nhau dưới bụi cây ven đường cho thợ chụp lấy hình kỷ niệm. Lo cười cho tươi, lo ôm cho gọn, đến hồi nhảy dựng, moi móc lung tung mới hay là đã ngồi ngay trên ổ kiến lửa ! Có điều ly kỳ, từ đó Ngọc Anh bỏ đánh bài, chí thú làm ăn. Và nâng niu bà vợ mới.
Năm Hiệp vẫn tưởng là tên cô thân độc nhất nơi xứ vợ, không ngờ cũng có dượng Năm Úc làm bạn cùng xuồng. Quê dượng ở đâu đó bên Bến Tre. Những hôm trời lạnh, mưa phùn, dượng ngồi trong chòi uống trà, hút thuốc, đôi mắt mờ đục u buồn. Dượng nói nhớ quê, mấy chục năm rồi không trở lại. Không hiểu vì sao ngày đó dượng lưu lạc đến nơi này để rồi phải bó chân như vậy. Chỉ biết vợ con của dượng không lo lắng, săn sóc dượng đầy đủ, đàng hoàng. Nghe nói hồi còn trẻ, dì Năm hỗn hào, chửi rủa chồng suốt ngày. Tức mình, dượng lập kế chèo xuồng đưa vợ đến một khúc mương vắng rồi đập cho một trận quá tay. Đã vậy còn hăm vứt vợ xuống sông cho chết. Bà vợ kẹt cứng trên xuồng, không có đường chạy, phải lạy xin tha. Có phải từ đó đã bắt đầu một mối hận thù ? Hay là duyên số an bài như thế ? Dượng ở luôn trong chòi giữ xà ngôm giữa đồng, ăn uống tự nấu lấy, mỗi ngày dầm mưa dãi nắng bồi thố ruộng tôm không cho lở, mội. Đến con nước có tôm, có cua, dượng đem về cho vợ con bán lấy tiền. Cực khổ và thiếu thốn nên dượng ốm nhom như con khỉ già. Dì Năm Úc tối ngày đem bánh trái, cơm nước cho mấy ông thầy chùa. Mấy người con ra riêng từ lâu, năm khi mười thì về thăm giây lát rồi đi, không để tâm chuyện cực khổ của cha.
Còn ở trong nhà là cô con út, tuổi vừa trăng tròn. Dì Năm lo xa, đôn đáo tìm rể vì sợ cô út ế chồng. Thấy anh chàng con nhà chú Chín Dứt bỏ bia khùng cho các quán mỗi ngày chạy xe đạp chở bia qua lại, vừa đẹp trai, vừa lo làm ăn, vừa mới ly dị xong, dì Năm bỏ công vài bữa cuốc bộ bốn, năm cây số đến nhà chú Chín cho này, cho kia, nói kia, nói nọ. Dĩ nhiên là tiền mất tật mang, không ăn thua gì. Lúc đó lại có một tay thợ hồ ở quận khác, Cầu Ngang, xuống làm mướn, thấy rồi thương, xin cưới cô út. Dì Năm chê hắn nghèo, không chịu. Cuối cùng, theo lời mai mối, gả về làm dâu nhà tên cán bộ huyện nào đó đã về hưu. Tưởng ấm êm phận gái, ai ngờ gặp chỗ cũng ngang ngữa với tay thợ hồ. Thì ra chỉ có cái mã. Nên cô út xác xơ như giẻ rách, vài tháng chạy về khóc lóc, thở than với mẹ. Dì Năm buồn lòng, đi chùa thường hơn. Rồi một ngày, thằng nhỏ đi chài chạy vào mếu máo cho hay dượng Năm nằm chết lạnh ngoài chòi. Năm Hiệp đứt từng khúc ruột dù thật sự chỉ là người dưng. Nơi này không đãi ngộ dượng thì cũng đành thôi, biết sao hơn ?
Và hình như nơi này cũng ít khi đãi ngộ những kẻ phương xa thì phải. Anh chàng Ngưu ở Bến Giá chuyên nghề mua dàn gánh cải lương đem về hát kiếm lời. Mỗi đêm diễn tuồng, bán vé được nhiều hay ít thì Ngưu cũng phải trả cho gánh hát một số tiền thỏa thuận nào đó, lời ăn lỗ chịu. Nhìn đoàn văn nghệ bình dân này đã thấy thảm. Vải bạt quây kín phân nửa nhà lồng chợ làm chỗ ăn ngủ, tập tuồng. Phía ngoài, sát vách là nồi niêu, soong chảo, thùng lớn, thùng nhỏ, đủ mọi thứ trên đời. Ban ngày, kép, đào, công nhân, người đu đưa trên võng, người ngồi dưới ghế cho con bú, người cười dỡn lao xao, người cãi lộn, chửi thề um sùm. Những gánh không ai mua dàn, bữa nào hát khá thì còn êm ả, bữa nào hát ế thì cãi nhau rân trời, có khi đánh nhau đùng đùng rồi rả gánh, mạnh ai nấy đi. Có khi gặp đang mùa lúa, kép chánh, kép phụ cũng xúm nhau đi nhổ mạ mướn kiếm chút tiền về xe. Chắc sẽ bỏ nghề?
Gánh này Ngưu mua nên có vẻ yên chí. Đêm đầu khách coi cũng đỡ. Chỉ có vải bạt quây quanh nên cũng có một mớ con nít lòn vào. Khách coi già trẻ ngồi hết dưới đất, vừa coi vừa gãi rồn rột vì muỗi đầy trời. Con nhỏ cháu Bé Năm, mẹ mới đi Trà Vinh mua cho đôi dép Nhật, hí hững mang dép mới đi coi. Hề chọc cười nhắm mắt, nhắm mũi, đến khi vãn hát, mở mắt ra về thì đôi dép ai lấy mất tiêu. Đành thất thểu đi chân không mà về. Cười mất dép là vậy đó !
Bắt đầu từ đêm sau, khách thưa dần. Qua đêm nữa, gần nửa đêm Ngưu chạy đến nhà Năm Hiệp hỏi mượn chiếc xe đạp. Năm Hiệp sẳn sàng nhưng cũng thắc mắc :
-Đi đâu giác này, bộ có gì gấp ?
Ngưu cười nhăn nhó :
-Sao mà không gấp, phải dọt lẹ nếu không chúng tới cào đầu. Lỗ quá sá, không đủ tiền chung!
Và Ngưu đạp như bay. Bến Giá còn xa hơn 12 cây số và cách một con sông rộng. Ngày hôm sau, Năm Hiệp đi lấy xe, tình cờ thấy ghe gánh hát dọn đi đang ghé nghỉ ở khúc sông đó.
Bây giờ, vợ chồng con cái Năm Hiệp cù bơ, cù bất ở đất Mỹ này. Nhìn quanh nhìn quất không một người bà con, dòng họ. Quê nhà đã xa nửa vòng trái đất. Những vui, những buồn chỉ còn là lãng đãng nhớ thương. Nhớ từng nơi, thương từng người, dù xấu, dù tốt. Như vết thương trầm, như người tình phụ, quê nhà nhói hoài những cơn đau vật vã trong lòng người. Và ước mơ sẽ có một ngày về lại quê xưa, khóc cười trên những bước chân qua. Thế thôi.

Phạm Chinh Đông
 
Lại nhớ quê...
"...Quê hương mỗi người chỉ một,
Như là chỉ một mẹ thôi!
Quê hương, nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người..."
( Thơ Đỗ Trung Quân )
Tôi làm người con viễn xứ, xa quê hương biền biệt mấy mươi năm. Đâu có xa xôi gì đâu, chỉ vài mươi cây số thế mà tôi cũng ít khi về thăm quê hương, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Quê tôi có con sông nhỏ lắm tôm, nhiều cá, có tiếng võng đưa kẽo kẹt, có tiếng ru của ngoại tôi khi dỗ tôi yên giấc giữa trưa hè, có tiếng bìm bịp kêu nước ròng, nước lớn, có màu hoa lục bình nhuộm tím cả hoàng hôn.
Tôi lớn lên trên quê ngoại Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tuổi thơ của tôi là những tháng ngày thiếu tình thương của mẹ (vừa sinh tôi ra, mẹ tôi đi tù vì hoạt động cách mạng hết ba năm trong nhà tù ) tôi lớn lên như bông lúa dại mọc giữa đồng bưng, ngoại tôi nuôi tôi bằng nước cơm pha đường thay cho sữa mẹ, bằng bông lục bình chấm với mắm đồng. Nuôi tôi lớn lên còn có tiếng ru hời và hơi thở nồng ấm mùi trầu của ngoại tôi. Các dì, các cậu tôi thấy tôi gần như mồ côi nên dồn hết tình thương cho tôi, bà ngoại tôi thường nói đùa "Bên ngoại thương dại, thương dột. Bên nội không vội gì thương. Nuôi đi, nữa nó lớn lên rồi bên nội nó cũng bắt về hà". Tôi không thể nào quên được một thằng nhóc là tôi - tóc cháy vàng vì nắng, ốm nhom như con còng gió, suốt mùa Hè theo các cậu sục sạo quanh khu vườn nhỏ đầy những hầm chông của du kích, với chiếc ná thun tự tạo bằng cây "bình linh" lủng lẳng trên cổ tìm chim để bắn, tìm tổ ong để lấy mật, tìm những bụi dừa nước đốn rồi ì ạch vác về, bổ ra lấy cơm cho ngoại tôi nấu chè với đường tán. Những khi nước ròng, tôi cũng theo các dì, các mợ lội sông bắt cá, xúc tép. Với một cái nồi đất, trên phủ lá ô rô, cột dính vào lưng bằng sợi dây chuối, tôi bắt được khối cá bống dừa, bống thệ, có lúc vớ được mấy chú tôm to với cặp càng dài ngoằng, đầy những gai và rong rêu, nép trong những bập dừa nước. Tôi thích nhất là những buổi chiều theo ngoại tôi ra ruộng đốt đồng - tức là hốt rơm rải đều trên mặt ruộng còn lởm chởm gốc rạ mà đốt - để lấy tro dùng thay phân bón cho mùa gieo sạ mới, tôi và các cậu hì hục be bờ tát những cái mương nhỏ chung quanh bắt được con cá, con cua, con tôm, thậm chí cả ốc bươu, ốc lác nào là cứ đem nướng hết mà ăn. Cá lóc to thì cậu tôi bẻ cọng lứt tươi, tuốt hết lá rồi xỏ vào miệng cá, cắm đứng lên, chung quanh chất đầy rơm mà nướng, cá chín "ba sồn, bốn sực" là đem ra, gỡ cá để lên tàu lá chuối tươi, thêm vài cọng ngò om mọc sẵn chung quanh đó là có bữa tiệc đồng quê "trên cả tuyệt vời". Có một cách nướng cá mà tôi học được từ những ông cậu không biết nhậu nhưng làm đồ nhậu - nhất là cá lóc nướng trui - số dách. Đó là, khi bắt được cá lóc to khoan vội đem nướng, cứ đập đầu cho chết, lấy dây xỏ vào mang cá ngâm dưới nước khoảng một đến hai giờ cho cá hơi ươn ươn, đem cá lên móc đất sét dưới ruộng nắn thành một miếng dài, mỏng hái lá rau ngò om xếp lên trên, xong đặt con cá vào đó cuốn bùn lại, thoa cho láng như cái bắp chuối, chất lửa to lên mà bỏ cá vào đó. Chừng nghe hơi cá chín hòa lẫn mùi rau om thơm lừng, lấy cây khều ra để nguội một chút, gỡ bỏ lớp đất sét ấy đi, con cá nướng trui sẽ hiện ra, trắng lốp, thơm điếc mũi; bảo đảm nhà hàng cũng chào thua, gọi bằng "sư phụ" liền.
Tôi nghiện cái mùi khói đốt đồng đến nỗi sau nầy bất cứ ở đâu, ngữi mùi khói đốt đồng của nhà ai là trong tôi lại trào dâng nỗi nhớ quê, nhớ ngoại đến trào nước mắt! Tôi hay hít hà cái mùi khói đốt đồng mà thương, mà nhớ những ngày tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn nơi quê ngoại Bình Ninh đầy nắng gió, đạn bom. Vì còn phải vất vả vật lộn với cuộc sống, tìm manh áo, chén cơm cho gia đình mà tôi thành người mất quê hương. Tôi ít khi về thăm quê ngoại, thăm lại dòng sông tuổi thơ, nơi tôi cùng các cậu, các dì ngụp lặn tìm bắt những con cá bống dừa, bống thệ, những con tôm càng nép trong bập dừa nước, bỏ vào chiếc nồi đất có phủ lá ô-rô. Tôi nhớ da diết những bữa tiệc cá lóc nướng trui mà ngoại tôi thường bảo các cậu tôi nhường cho tôi phần nhiều. Tôi thèm được ngụp lặn trong dòng nước sông đục ngầu phù sa nơi quê ngoại, thèm được ăn chè nấu bằng đường tán với cơm dừa nước ngọt thao cuống họng. Nhớ cả mùi trầu nồng ấm của ngoại tôi. Nhớ tiếng bìm bịp kêu nước lớn, nhớ màu bông lục bình nhuộm tím cả dòng sông quê, nhớ cánh diều tuổi thơ chấp chới trên bầu trời xanh. Ôi, quê ngoại thân yêu ơi trong tôi bây giờ là cồn cào, da diết nỗi nhớ quê hương, nhớ lắm!
Phạm Hoàng Đức