Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Còn tiếng ve sầu

Kiếp Ve Sầu

Tiếng Ve Sầu

Hình ảnh có liên quan
   Hẹn hò
   Đâu còn đâu tiếng ve sầu,
    Tiếng vang trong gió, đỏ màu phượng xưa...?
   Qua rồi nắng sớm chiều mưa,
  Xa rồi những thuở sớm trưa chuyện trò, 
Gửi ai một chút hẹn hò, 
Ngày quay về đó có ta - ve sầu
NM

Còn tiếng ve sầu

Cả tôi và Đăng đều thích ve sầu. Nhưng Đăng thích ve sầu còn sống, còn tôi chỉ thích những cái xác. Chúng tôi cãi nhau mãi về điều đó
Đăng bảo: "Còn sống ve sầu mới đẹp, vỏ bóng, cánh còn óng ánh, mắt long lanh, xanh biếc". Tôi thì nghĩ, khi những con ve còn hát được, phải để chúng hát cho hết cuộc đời ngắn ngủi của chúng. Tại sao không đi tìm những xác ve sầu lột vỏ để giữ chúng lại như lòng biết ơn.
Ve sống thì kêu inh ỏi và Đăng biết chúng đang đậu ở đâu. Còn tôi, suốt mùa hè cứ phải chuyền như vượn trên những cành cây để tìm nhặt những cái xác rỗng không, trong suốt như giấy bóng gói kẹo và giòn tan, dễ vỡ, chỉ động một chút là nát như vỏ hạt đậu phộng đã rang.
Chúng tôi yêu ve sầu vì chúng không bao giờ hát một mình. Bạn rất hiếm khi được nghe một tiếng ve lẻ loi. Khi không thấy ai hoà theo, chúng im bặt và bay tìm chốn khác. Khi một con ve cất tiếng, cả đàn ve không biết nấp từ đâu trong những vòm lá sẽ hòa theo. Với tôi và Đăng, ve là biểu tượng của tình bạn.
Nhưng tôi thấy ghét Đăng khi nó vác cây sào tre có bôi mủ mít trên đầu để bắt dính những con ve sầu đang ra rả hát. Còn Đăng thì cười nhạo khi nhìn thấy những cái vỏ tội nghiệp, mỏng mảnh và giòn tan mà tôi nâng niu giữ trong hộp. Một lần, Đăng lỡ tay bóp vỡ một xác ve của tôi, hai đứa giận nhau từ đó.
Trải qua nhiều chuyến đi, những cái xác ve tôi mang theo không còn nguyên nữa, cái thì bị nát từ trong vali, cái thì tự vụn vỡ ra theo thời gian. Nhưng tôi vẫn giữ lại những mảnh vụn. Mỗi khi nhìn chúng, tôi lại nhớ đến ngày chúng còn ca hát, nhớ đến những buổi trưa cùng Đăng nằm dưới vòm cây đoán xem dàn đồng ca kia được tạo nên bởi bao nhiêu "nghệ sĩ ve". Đôi khi, tôi thèm được nhìn thấy lại màu xanh biếc trên những đôi cánh mỏng.
Từ quê nhà, Đăng gửi cho tôi một con ve sầu ép khô của mùa hè cũ: "Tôi muốn gọi thời gian trở về thời thơ ấu, những ngày tháng đầy niềm vui. Khi còn nhỏ, chúng ta chưa biết gì về những ganh đua và tham vọng. Yêu thương và chơi đùa là tất cả những gì ta biết về cuộc đời. Và những con ve sầu còn tượng trưng cho tình bạn. Tôi biết bạn giận vì tôi đã cố giữ lấy cho riêng tôi những màu sắc đẹp, những con ve sầu còn đang ca hát. Nhưng từ khi bạn đi, bộ sưu tập của tôi vĩnh viễn không có thêm một con ve sầu nào nữa. Tôi biết mình có lỗi. Nhưng chúng ta cũng đánh mất tình bạn rồi sao? Tôi nhớ bạn."
Có ai đó đã viết rằng chúng ta thường đi qua cuộc đời mà không nhận biết sự khác nhau giữa tình bạn và sự quen biết. Người quen chỉ là người ta biết tên và thường hay gặp. Ta có thể chia sẻ nơi ở, bàn làm việc, những bữa ăn, kể cả thời gian. Nhưng họ không phải là người để ta chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt trong đời. Và ta cũng không biết được đâu là những khoảnh khắc quan trọng trong đời họ. Còn bè bạn là những người ta nhớ đến khi nhìn thấy điều gì đó mà ta biết là họ thích, có liên quan đến họ, hay gợi đến những giờ phút đã chia sẻ cùng nhau. Tình bạn bắt đầu từ đó. Tôi với Đăng cũng vậy.
Tình bạn đầu tiên ấy, đối với tôi, cũng giống như lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cầu vồng sau một cơn mưa phùn mùa xuân. Như vẻ đẹp của nụ hôn đầu tiên, của một đoá hồng leo lẻ loi trên tường nhà, của một lớp vỏ óng ánh sức sống của một con ve sầu còn biết hát. Có những vẻ đẹp bạn không nhận ra cho đến khi đã đánh mất nó, không phải như người yêu đã chia tay, không phải như nụ hoa đã tàn héo, mà như một phần cuộc đời bạn, không gì thay thế nổi.
Tôi gửi lại cho Đăng con ve sầu và viết : "Không nhớ sao, ve sầu tượng trưng cho tình bạn. Nó không bao giờ ca hát một mình. Ở đây không có ve sầu. Hãy để nó trở lại với Đăng, và tôi cũng vậy!"
Đặng Nguyễn Đông Vy

 

Tiếng Ve Mùa Cũ

Những ngày nghỉ lễ Độc lập của Hoa Kỳ ở hãng tôi làm đã bắt đầu từ cuối tuần trước. Tôi định làm một số việc nhà đã tính trước khi được nghỉ cả tuần, tính kỹ ra cả chục ngày vì thêm hai cái cuối tuần nữa. Nhưng đã mấy ngày nghỉ trọn mà vẫn chưa làm được gì với trái banh world cup còn lăn trên tivi; với vạt rừng còn sót lại sau nhà, vạt rừng mong manh như dải lụa mỏng khi nhìn từ trên cao. Nhưng với tôi đó là khu rừng tuổi nhỏ từ mùa hè đầu tiên tôi về đây; từ bất chợt một sáng cuối tuần, bưng ly cà phê thơ thẩn ra (vô) rừng - vẫn cảm nhận được mùi hương toát ra từ những thân, lá cây khác nhau; và hương cây hoang dại khác với cây trồng. Đặc biệt mùi lá mục dưới chân không thể nói là thơm tho, nhưng tôi vẫn thích ngửi cái mùi hăng hăng, mùi ẩm mốc, xen lẫn mùi hoa dại... mùi rừng. Mùi vị của thiên nhiên không thể có trong vườn nhà; trong cái hộp lớn ngăn ra mấy phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, trong cuộc sống hiện đại từng giờ tiếp nhận sự huyên náo của văn minh và âu lo của con người. Thì đây, một chút tĩnh lặng của rừng sớm còn sương mai như khơi dậy tiềm thức, trong lời thiên thu gọi có cả tiếng đánh thức tuổi thơ là tiếng ve mùa cũ. Lần đầu tiên nghe được tiếng ve sầu ở vạt rừng sau nhà, cái âm thanh bất tận và buồn bã đó đã đưa tôi về "khung trời hội cũ" với biết bao kỷ niệm, bạn bè có nghe không/ con ve sầu tuổi nhỏ của chúng ta đã thức dậy từ trong lòng đất/ mười mấy năm con ve không màng đến những đứa trẻ đã già/ con ve sầu vì tiếng nó nghe buồn dằng dặc, mà không biết buồn gì ngay trong lòng mình/ thì mười lăm, mười bảy, hăm bảy, ba mươi bảy năm sau/ chợt thấy lòng ta trong tiếng ve buồn thuở bé khi hè về là phải xa nhau, nên với tôi chỉ có tiếng ve mùa cũ...
Loài ve là người bạn tử tế nhất của tuổi đến trường, bởi bạn bè chung vui-rồi chia xa; kỷ niệm như nhau là phai mờ theo năm tháng. Nhưng tiếng cười trong veo với ý thơ nguệch ngoạc, giận hờn vu vơ... hoà ca cùng tiếng ve mùa hạ từng năm, từng năm một của tuổi học trò sẽ cất ủ trong lòng đất để hàng năm hè về, tiếng lòng ta ấy lại ngân nga khúc chia xa dịu ngọt để từ đó tôi buồn khi nghe tiếng ve sầu mùa hạ. Tiếng ve của thời gian xa nhau dù có gấp bao nhiêu lần tuổi nhỏ thì từng gương mặt bạn bè đều lần lượt hiện ra trong ký ức phôi phai; từng chuyện nhỏ như viên kẹo lại lóc cóc trong miệng mùi hương còn nhớ để ngất ngây bên đời tha hương, bỗng một hôm ngộ cố tri như sáng nay đây với người bạn nhỏ muôn đời của hoài niệm là chú ve con. Người bạn nhỏ mà sức lực phi thường là vài tuần lễ trước khi đội đất xung thiên, những anh hùng tí hon này đào chằng chịt dưới lòng đất các địa đạo, để thoát lên mặt đất ca hát say sưa và gieo giống mê âm nhạc vào lòng đất theo chu kỳ đời sống của loài ve. Rồi triệu triệu bạn nhỏ với thân hình màu đen, làm cho cặp mắt đỏ hoe-nổi bật, cánh mang mầu da cam trên những đường gân- xương cánh... con ve được hình thành từ ngẫu hứng hội họa của tạo hoá nên sự phối màu bí hiểm đến ai thấy con ve đều không rời mắt cho đến khi nó khuất trong cành lá. Nhưng nó lại được tạo ra để ca hát chứ không phải khoe sắc như hoa nên tiếng hát của nó nghe buồn như người ta nhớ nhau!
Theo khoa học thì chỉ những chú ve đực biết ca hát để gù gái. Chui lên được mặt đất là ca hát suốt để tìm bạn tình ngay vì cuộc đời của loài ve trên mặt đất chỉ có sáu tới tám tuần lễ, ngắn ngủi như tuổi thơ của con người. Chúng sẽ chết sau khi đẻ trứng gởi vào lòng đất, đến mười ba, mười lăm, mười bảy năm sau (tuỳ loài), truyền nhân tiếp nối mới đội đất xung thiên mà tiếp tục bản tình ca của tiền thân... Loài ve ngược với con người là tuổi thơ (ấu trùng) quá dài mà tuổi đời trên dương thế quá ngắn. Trong khi tuổi thơ của con người lại quá ngắn so với tuổi đời quá dài...
Vì có nhiều loài ve nên chu kỳ tái tạo (sinh trưởng) của ve từ mười ba tới mười bảy năm. Khoảng thời gian đủ dài cho tuổi thơ của con người trưởng thành; tuổi học trò cuộn mình theo trứng ve nằm yên dưới đất; trứng ve sống bằng nhựa rễ của cây rừng, tuổi thơ đã không còn thơ của học trò sống bằng những sách vở đã học. Tới mười ba, mười bảy năm sau, con nhộng trưởng thành tìm cách chui lên mặt đất để tiếp nối dòng nhạc bất tận của mùa hè mà tổ tiên loài ve đã hợp xướng từ thuở hồng hoang; những học trò sau thành-bại của cuộc đời từ khi giã từ sách vở, bạn bè, ngôi trường chứa hết tuổi thơ, chỉ còn là một một người đã già, hướng tới phía trước đầy ngán ngẩm, mà quay lại phía sau cũng không còn gì-ngoài tiếng ve mùa cũ...
Sáng tháng bảy trời còn mờ hơi sương, rồi nắng lên bâng khuâng như ngày mới lớn. Ly cà phê không phê trong vạt rừng mong manh sau nhà, nhưng lòng tôi hanh hao với nắng như người đi trên mây với tấu khúc hạ về qua tiếng ve giòn giã một điệu buồn xâm thực như vết dầu loang ra cả tâm hồn... nhớ ơi là nhớ đến bất tận những mùa hè đã xa. Nhớ thơ ông Từ Trần đã phục sinh hàng trăm con ve nhỏ với nụ hôn mở hàng của thi sỹ rắn mắt, "lần đầu ta ghé môi hôn/ có con ve nhỏ hết hồn kêu vang". Những cuộc tình học trò có phục sinh không, khi tiếng ve gọi ngàn chỉ có gió, nhớ, và nỗi cô đơn nơi góc trời biệt lãng... tiếng ve mùa hạ chở nắng đi đâu để lá vàng sang thu, để tựu trường không gặp nên hè đến chỉ còn tiếng ve mùa cũ thổn thức muôn đời.
Trước đây tôi ở phố thị nên một, hai giờ sáng còn nghe tiếng xe thể thao gầm rú ngoài lộ của những người bạn trẻ đi chơi khuya về; nhưng ba giờ sáng đã nghe tiếng xe cà xịch, cà tàng, đề hoài không chịu nổ máy của những người nghèo phải đi làm sớm; ngoài cửa sổ bàn viết là tiếng máy lạnh cũ kỹ của khu nhà đã cất lâu năm nên nghe mệt mỏi suốt những đêm hè... Bỗng một sáng thức giấc như trong mơ, tôi đi vô hồn về phía tiếng dế gáy ở góc sân sau nhà - dưới gốc cây sồi to - chú dế than bạn tôi lặn lội từ quê nhà sang thăm; chú mang theo tin vui, chú mang theo nhọc nhằn, cả nỗi buồn dạt trôi... chú dế kiều nhỏ nhoi phùng cánh cất tiếng gáy ban mai, làm thức dậy bao điều trái tim muốn nói nhưng chỉ còn dĩ vãng đã xa, quê nhà bái biệt một lần rồi thôi! Dù sao tôi cũng mừng cho nước Mỹ có dế, nhưng bồi hồi qua đi, ngẫm nghĩ là mừng cho mình gặp lại bạn xưa vì con tôi cũng như trẻ em Mỹ chỉ chơi game điện tử.
Từ khi tôi dọn về rừng-như lá rụng về cội. Một sáng tháng năm chưa nằm đã sáng; tiếng ve mùa cũ vọng về trong chập chờn giấc ngủ muộn. Tôi không mơ nơi có thể lắng nghe này, nơi không có tiếng ồn phố thị nên chỉ có tôi với những người bạn nhỏ là những chú ve cất giữ bí mật của nhiều năm trước; những con ve cất giữ lời ước hẹn đang tìm gặp chủ nhân bằng tiếng kêu buồn bã vì loài người mau quên. Như chúng ta đã từng hẹn ước sẽ gặp lại sau hè, điều bí mật chôn theo trứng ve vào đất, và từng hè, những thế hệ tiếp nối của bạn ve vẫn đi tìm chúng ta để nhắc nhở lời hẹn thề sao quên.Chắc vì thế nên tôi vẫn nhớ nhiều khi nghe tiếng ve mùa cũ; chỉ là quỹ thời gian còn lại không đủ để mưu cầu, nên tạ tội với người bạn nhỏ trung thành là chú ve con; tạ tội với mùa hè đến sớm trong đời; còn ai nữa trong ký ức phôi phai theo dòng lưu lạc trước khi tiễn những người bạn nhỏ về với đất vì đã đầu tháng bảy. Hãy cất giữ giùm tôi bí mật này đời đời là tôi rất nhớ tuổi thơ và bạn bè. Tiền thân của bạn là ve, hiện thân là ve, hậu thân là ve... tôi còn tin ai được để gởi tới bạn bè nỗi niềm trong tiếng ve mùa hạ... 
Ôi giàn thiên lý đã xa nhưng giàn hợp xướng của tiếng ve không hề dứt, bên phải vừa lắng xuống thì bên trái trỗi lên điệp khúc muôn đời là cõi lòng day dứt với dĩ vãng-có tiếng ve râm ran những trưa hè. Có mùa hè tôi ở bên Đức, trên vòm cây cao sau nhà bạn. Chợt nghe tiếng ve trưa gọi nắng tràn, nhưng nắng châu Âu sao bằng nắng Sài gòn, nên xác ve rụng xuống. Tôi gục đầu xuống vại bia Đức tổ cha, thấy mình vẫn ngồi đu đưa trên cái xích đu ngày cũ, nhà cũ, đọc bài thơ cũ của bây giờ. Hỏi làm sao có tiếng ve mùa tới trong tôi nên chỉ có tiếng ve mùa cũ.
Ve Dallas hợp xướng nghe không sướng bằng ve trong Sở thú Sài gòn vì tuổi đời hanh hao theo bước chân lưu lãng. Khúc ca mùa hè ấy ở Sài thành đã tiễn tôi đi khi mùa hạ về trên những hàng cây quen biết với tôi từ nhỏ, nhưng tôi-cây-và ve cùng không biết bao giờ tôi về! Biết bao giờ được đi lại trên lối đi trải sỏi, hoa soi nhái cười làm vàng nắng xích đu nơi nhà cũ; gặp lại những ngây ngô một lần thôi...  

Phan

Tiếng ve sầu

“Mùa này Huế có còn phượng đỏ
Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa
Nơi này cả một trời hoa tím
Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.”

(Nhớ Huế – Huy Phương)
Mùa Hạ đã tới đâu đây trên những cành hoa “La Jancaranda” nở sớm. Ở đây không có những cành hoa phượng đỏ của quê hương, mà dù chúng ta có tìm lại được màu hoa ấy trên xứ Mỹ ở những vùng ấm áp như Hawaii, Florida thì cũng không thể nào tìm lại được tiếng ve sầu của một thuở xa xưa của tuổi học trò. Màu sắc và âm thanh ấy hình như mỗi ngày hè đến vẫn thường hiện hữu với nhau, để lại cho chúng ta bao nhiêu kỷ niệm những ngày ngồi ghế nhà trường, thuở ấu thơ.
Từ ngày ra đất khách đến nay, hình ảnh nhắc nhở chúng ta Mùa Hè đã tới là những cành hoa phượng tím, nhưng âm thanh những tiếng ve đã bặt từ lâu, có còn chăng là để lại những dư âm mờ nhạt trong tâm tưởng. Vậy mà không ngờ ở nơi xa xôi này, cách quê hương cả nửa vòng trái đất, không phải tôi, mà những người Việt xa xứ ở vùng Ðông Bắc nước Mỹ, sắp có dịp nghe được lại âm thanh của một thời xa xưa. Ðó là nguồn tin của National Geography cho biết, hàng tỷ con ve sầu, bặt tiếng sau mười bảy năm dài, chôn kín trong lòng đất sẽ xuất hiện trở lại vào Mùa Hạ năm nay tại một vùng đất rộng lớn bên bờ duyên hải Ðại Tây Dương từ Georgia cho đến tận biên giới Mỹ-Canada.
Trời đất sinh ra giống ve, thân nhẹ, bụng rỗng, để tiếng kêu có thể lớn, suốt cuộc đời ngắn ngủi chỉ biết phục vụ cho chuyện rong chơi, lên tiếng hát cho đời mua vui, vì sao người đời lại lên án ve và so sánh ve như những người không biết nhìn xa thấy rộng chỉ biết ăn chơi. Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine mô ta hình ảnh chú ve một cách tệ hại:
“Ve sầu kêu ve ve
Suốt Mùa Hè
Ðến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con!”
Và ông La Fontaine tạo ra hình ảnh một chú ve đói rách, tồi tàn phải “vác miệng chịu khúm núm, sang chị Kiến hàng xóm, xin cùng chị cho vay, dăm ba miếng qua ngày!”
Chị Kiến trọc phú, vô cảm lại lên giọng nhà giàu: “Xưa chú hát, nay thử múa coi đây!”
Làm sao có thể so sánh loài ve “ca hát cho đời mua vui” với giống kiến nhỏ nhoi, hèn mọn, tham lam. Ở đâu có thức ăn, dù thối tha như xác chết, bẩn thỉu giòi bọ, xa xôi bao nhiêu, giống kiến cũng đánh hơi rất giỏi, hô hào, động viên anh em, giòng họ, đồng chí, quần chúng, nhanh chân, xếp hàng đến chia phần. Chúng hì hục khuân vác, lôi thôi, lếch thếch đi từng đàn, mang chiến lợi phẩm về hậu cứ, giữa đường thấy ai quẳng vào một miếng mồi mới, là cả bọn lại kéo nhau lại, cấu xé chia phần.
Thời thơ ấu chúng ta ai lại không bị kiến cắn một lần, ở chỗ kín cũng như chỗ hở, và chưa bao giờ dám bắt kiến, vì kiến là loài hung dữ, nhưng tuổi thơ nghịch ngợm lại kiếm mũ mít, dùng sào, gậy đi bắt ve sầu, một giống hiền lành chẳng bao giờ biết cắn, chích hay tấn công loài khác.
Thật ra suốt cuộc đời ve chẳng cần nhờ cậy vay mượn ai, phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng sống trong lòng đất ở độ sâu khoảng từ 30 cm đến 2.5 m, hút nhựa rễ cây để sống và có cặp chân trước đào bới rất khỏe.
Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời kỳ ấu trùng, những con ve trưởng thành đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên, lột xác lần cuối, để kỷ niệm bằng cái vỏ ve già gắn chặt trên một cái cây nào đó và ngậm sương, lấy hương hoa của trời đất để cất tiếng hát ca. Ve sầu ấp ủ từ lòng đất, nhưng lúc trưởng thành biết leo lên cao, hợp đoàn cùng cất tiếng hát, suốt đời không biết giành giật, bon chen ví như người quân tử hay kẻ thánh nhân, đâu lại đem so sánh với quân tiểu nhân, ô hợp chỉ biết cái ăn uống phàm tục như loài kiến.
Trên mỗi mẫu đất, giống ve Magicicada tập trung từ hàng chục nghìn đến cả triệu con trên cây lớn cây nhỏ, và không như loài côn trùng hay chim chóc khác, hát mỗi con một điệu. Giống ve sầu đoàn kết “triệu con tim – một tiếng nói” cùng cất lên một giọng ca đồng nhất.
Những buổi trưa hè oi ả, trong không gian im vắng, đôi khi chúng ta tưởng như loài ve đang say ngủ, nhưng chỉ cần một tiếng động cơ xe qua trên đường, cả khu vườn bỗng bừng dậy với tiếng ve inh ỏi, cơn sóng âm thanh dồn từ khu vườn này chạy lan qua khu vườn khác.
Xưa, ở kinh thành Huế, có một vị quan khó tính, ông thường bực mình vì tiếng ve mỗi trưa làm cho ông khó ngủ, nên sai lính ra vườn đuổi ve. Ve không phải một hai con như gà dễ đuổi, trong khu vườn có cả trăm nghìn con ve, chỉ cần một tiếng động mạnh, hay rung thử một thân cây, là tất cả ve đều đồng loạt cất tiếng, nên đuổi ve cũng như hốt sạch lá rừng là điều không tưởng.
Ve đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái “loa” làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho “bài hát” của mình. Mỗi giống ve có một thứ tiếng, cường độ, cao độ khác nhau. Tiếng ve hát cũng là lời mời gọi, âu yếm đối với người tình.
Vì sao người ta gọi là tiếng ve… sầu? Có phải vì tiếng ve đều đặn, nghe buồn nản, hay tiếng ve thường gợi nhớ đến Mùa Hạ, mùa của tuổi thơ ấu đã qua, mùa của ly biệt. Mặt khác, loài ve có sầm xì gì chuyện thị phi của ai đâu, mà người đời khắc nghiệt gán cho thành ngữ “lời ong, tiếng ve!”

Tôi chưa hiểu vì sao loài ve xuất hiện ở miền Ðông nước Mỹ, mà không ở đây, nơi miền Tây nắng ấm, cho tôi được một lần, sau bao nhiêu năm bỏ nước ra đi, được nghe tiếng ve của một thời xa xưa, giữa một trưa hè vắng lặng hôm nay.
 Huy Phương

Sự tích ve sầu rỗng ruột

Chuyện xảy ra đã từ ngày xửa ngày xưa. Vào một buổi trưa mùa hè, trời nắng chang chang, đàn ve rừng cất tiếng kêu inh ỏi. Có một con hoẵng đang kiếm ăn ở bên cạnh nương vừng, nghe thấy tiếng ve đột ngột cất lên thì giật thót mình. Hoẵng co chân nhảy, chạy qua đám quả cây vừng đang vào độ chín, làm cho hạt vừng bị bắn tung toé, phải vào mắt của một con gà rừng. Gà rừng đột ngột bị hạt vừng bắn đúng vào mắt, nên cuống cuồng bay đậu lên cành cây, nơi có một tổ kiến bống. Bởi mắt đang bị đau cộm bởi hạt vừng, nên gà rừng tức bực cứ thế bới lia lịa phá tổ kiến bống. Kiến bống bị phá tổ, liền bò ra khắp cả cành cây. Bầy kiến bống đang bò thì gặp một con sóc, thế là chúng bám chặt lấy con sóc và cùng nhau ra sức đốt. Sóc bị kiến đốt đau liền leo tót lên cây, đồng thời cắn lung tung vào những thứ gặp ở xung quanh. Vô tình, sóc cắn đứt cuống một quả gấc, làm quả gấc rơi xuống trúng phải lưng một con trâu. Trâu giật mình, tưởng có ai lấy đá ném mình nên lồng lên chạy thục mạng và nhảy xuống một cái ao. Không ngờ, trâu giẫm phải một con nòng nọc, khiến cho nòng nọc bị thủng bụng. Bị mất hết ruột gan, nên nòng nọc bèn lên tận Trời, tìm tới Ngọc Hoàng để kêu kiện.
Ngọc hoàng hỏi:
Nòng nọc tìm lên đây có việc gì?
Nòng nọc đáp:
– Thưa, con muốn kiện kẻ đã làm hại con.
Ngọc hoàng hỏi tiếp:
– Vậy kẻ nào đã làm hại nòng nọc?
Nòng nọc bèn kể rõ từ đầu:
– Thưa Ngọc hoàng! Con đang sống yên ổn ở dưới ao. Bỗng dưng vô cớ lại có một con trâu chạy lồng đến. Nó dẫm phải con, khiến cho con bị vỡ nát bụng, gan ruột chẳng còn gì. Vậy mong Ngọc hoàng hãy trừng trị con trâu.
Ngọc hoàng cho gọi trâu tới để xét hỏi.
– Tại sao trâu lại tự dưng giẫm bẹp ruột gan của nòng nọc?
Trâu ra sức thanh minh:
– Xin Người xem xét cho công bằng. Không phải là tại do con cố ý. Mà là tại có một quả gấc rơi trúng phải lưng con, khiến cho con hoảng sợ mà lồng chạy lung tung, nên mới vô ý giẫm phải nòng nọc đấy thôi.
Ngọc hoàng lại cho gọi quả gấc đến để hỏi:
– Bỗng dưng tại sao ngươi lại rơi rụng trúng vào lưng trâu?
Quả gấc thưa:
– Tất cả đều tại con sóc. Con vẫn đang gắn lơ lửng ở trên dây. Tự dưng sóc ở đâu chạy tới cắn đứt cuống, vì thế nên con mới rụng xuống trúng phải lưng trâu đấy ạ.
Ngọc hoàng lại cho gọi đến sóc.
– Sao ngươi bỗng dưng lại đi cắn đứt cuống của quả Gấc?
Sóc liền ra sức thanh minh để chối tội:
– Dạ thưa vua Then. Con đang kiếm ăn ở trên một cành cây. Nào ngờ, có đám kiến bống lại bâu đến cắn con. Đau không chịu nổi nên con mới cắn lung tung, lỡ trúng phải quả Gấc. Vậy nên, có trách tội thì xin vua Then hãy trách tội đám kiến bống đã cắn con ấy ạ.
Vua Then tiếp tục cho gọi bầy kiến bống lên, và hạch tội:
– Sao đám kiến các ngươi tự dưng lại đi cắn con sóc?
Kiến từ tốn trình bày:
– Đàn kiến chúng con xưa nay vốn chỉ biết chăm chỉ làm ăn, nào đâu có nỡ muốn hại ai. Nhưng chẳng hiểu sao, có một con gà rừng bay xổ đến, cào bới lung tung phá tổ của chúng con, làm chúng con hoảng loạn, phải chạy hết ra khỏi tổ. Trong lúc chạy đó, chúng con gặp sóc, nên mới cắn sóc cho hả cơn tức bỗng dưng bị gà rừng phá tổ.
Lần này thì Ngọc hoàng cho gọi gà rừng. Vừa nhìn thấy gà, Ngọc hoàng đã quát ngay:
– Gà rừng, tại sao tự dưng ngươi lại đi bới phá tổ kiến bống?
Gà rừng thật thà đáp:
– Lúc ấy, con đang kiếm ăn ở chỗ nương vừng. Tự nhiên có hạt vừng bắn vào đúng mắt con. Không chịu nổi, con mới bay lên cành cây đậu, rồi đạp chân lung, vô tình làm hỏng tổ kiến chứ không phải là do cố ý.
Ngọc hoàng lại cho gọi cây vừng để hạch tội. Cây vừng đổ tội cho hoẵng. Hoẵng lại đổ tội cho ve sầu.
Ngọc hoàng bèn cho gọi đến ve sầu. Ve sầu cố gắng thanh minh:
– Dạ bẩm thưa Ngọc hoàng. Cứ mùa hè tới, nắng nóng nên ve sầu chúng con tìm đậu ở dưới những bóng cây râm mát. Tụ tập cùng nhau đông đúc nên chúng con rủ nhau hát chơi cho vui mà thôi.
Nghe ve sầu nói xong, Ngọc Hoàng phán xử:
– Ve sầu các ngươi, chỉ vì thú vui của mình mà làm tổn hại tới người khác. Vì vậy, các ngươi phải lấy ruột gan của mình đền cho nòng nọc.
Thế là từ đấy, loài ve sầu con nào trong bụng cũng bị rỗng bởi ruột gan đã phải đem đền cho nòng nọc mất rồi.
 Sưu tầm