Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Cây bàng lá đỏ


Đất đỏ màu lá,
Tàu dừng lại sân ga đầy lá đỏ,
Thoáng hồn xưa về lại với người xa...
Những toa tàu ô cửa chợt mở ra,
Lòng giao động như cây vừa trút lá !

Năm tháng trôi qua, ngỡ quên ngỡ lạ,
Đoá hồng vàng còn thắm buổi bình minh ?!
Trên sân ga chiều lá đỏ, một mình...!
Luôn trông ngóng người năm xưa trở lại !!

Hình vẫn đi và bóng thì xa mãi,
Cơn gió chiều xua lá đỏ bay bay...
Kỷ niệm xưa ghi nhớ phút chia tay,
Người ở đó phương trời xa, xa thẳm!
NM

Minh họa: PHÚ NGUYỄN
Cây bàng lá đỏ
Bưu điện nơi tôi làm việc nằm bên một ga xép. Đó là một nhà ga cũ kỹ, nghèo nàn với một dãy nhà cấp bốn sơn tường vàng xỉn, mái ngói phủ đầy rêu và bụi. Giữa sân ga có một cây bàng. Tôi thích nó nhất vào mùa đông. Khi mùa đông thổi những cơn gió lạnh ù ù qua cánh đồng trống hoác trơ rạ trắng sau sân ga, nó trầm ngâm đứng nhìn những hành khách uể oải, mỏi mệt vội vã mua một vài món hàng khi tàu dừng trong chốc lát.
Cây bàng không đỏ lá rải rác suốt mùa đông. Nó lặng lẽ và tinh nghịch giấu những chùm quả chín vàng dành dụm được suốt mùa thu trong tán biếc. Đột nhiên, vào một ngày cuối năm, khi những đám mây giấu mình trong màn trời xám ngoét, những đàn chim chiều thảng thốt kêu ngang trời, những đoàn tàu hối hả xình xịch chở khách ngược bắc, xuôi nam về quê. Cây bàng bắt đầu cựa mình, những chiếc lá thầm thì với gió, vàng lốm đốm, đỏ dần, cho đến một buổi sáng nó đỏ rực như một bông hoa khổng lồ, kiêu hãnh, lộng lẫy trước bao con mắt trầm trồ ngưỡng mộ. Cây bàng đứng đó, những chiếc lá đỏ mong manh run rẩy. Cho đến một hôm, không hề hẹn trước, một cơn gió lớn ào qua. Cả cây bàng thoắt rùng mình và ào ào trút lá. Dường như chỉ trong một khoảnh khắc, những chiếc lá đỏ ối chao trên mặt đất và thân cây trơ trụi, bẽ bàng. Tôi hụt hẫng, nuối tiếc.
Thiên đã đến vào một chiều như vậy. Chuyến tàu bắc nam như thường lệ ghé vào ga xép trong chốc lát. Thiên trẻ trung trong áo thun trắng, quần Jean xanh dương đứng giữa sân nhìn đăm đăm đám lá bàng đỏ ối trên nền gạch.
“Chị bán cho một con tem”.
Thiên nhìn tôi lơ đãng, cũng lơ đãng yêu cầu. Tôi hơi ngạc nhiên vì một hành khách trên tàu hỏi mua tem. Bình thường chỉ có người trong làng mua tem, gửi đi và nhận về những bức thư. Còn hành khách trên tàu, họ đến và đi ở hai thành phố lớn nhất nước, họ chẳng mấy khi có nhu cầu mua một con tem ở ga xép tỉnh lẻ.
“Sao không quét lá đi hả chị?”.
“Không quét vội, vì tiếc lắm!”.
Tôi nghĩ đó là một câu hỏi vô bổ, cũng trả lời một cách hững hờ vô bổ. Khi nhìn Thiên bước chân trên đám lá bàng đỏ ối, tôi đã ước mình có thể vẽ một bức tranh: Một thanh niên đang bước trên lá đỏ, trước mặt anh ta là những ô cửa toa tàu mở ra những khoảng trời thăm thẳm xa xôi...
Tôi nhận được thư của Thiên hai tuần sau đó: “Mình không biết bạn tên là gì, đành gửi theo địa chỉ nơi bạn làm việc. Mình là Thiên, học mỹ thuật trong thành phố Hồ Chí Minh. Bạn có hỏi là ở Hà Nội cũng có trường Mỹ thuật, sao phải lặn lội đi học xa thế không? Ừ, đó là một câu chuyện rất dài.
Đã hai năm rồi mình về nhà ăn Tết vào những ngày cuối cùng của năm. Năm ngoái mình đã đi qua và nhìn thấy cây bàng trong sân ga chỗ bạn. Khi đó nó đỏ rực như một bó lửa khổng lồ. Bạn đã bao giờ nhìn thấy phong cảnh nào đó khiến bạn nghẹn thở như khi gặp người tình chưa? Nó đẹp tuyệt vời bạn ạ! Đẹp đến nỗi khi nhìn thấy nó qua ô cửa toa tàu, tim mình nghẹn lại. Và năm nay mình lại quyết tâm trở về vào đúng ngày đó, mình hy vọng sẽ lại được chiêm ngưỡng nó kiêu hãnh như thế. Nhưng có vẻ như mình đã đến muộn. Tiếc thật đấy!”.
“Bạn đã đến muộn khoảng vài phút gì đó. Khi nó rụng hết lá một chốc, mình thấy bạn từ trên tàu bước xuống. Có thể bạn lỗi hẹn, cũng có thể nó không chờ được bạn” - Tôi đã viết lại cho Thiên như thế.
Trong những bức thư sau, tôi kể cho Thiên nghe về cây bàng. Thiên bảo vạn vật thú vị lắm. Hồi trước Pauxtopxki có một cây đèn không chao lạ lùng. Ông ấy đặt nó trên bàn làm việc. Nó tắt không phải chỉ vì riêng một rung động nhỏ nhất của không khí, mà thậm chí vì một cái nhìn chăm chú. Chỉ cần mải suy nghĩ và nhìn đăm đăm vào nó là ngay lập tức nó bắt đầu kêu lép bép một cách thảm hại, nhấp nháy, nhấp nháy rồi lặng lẽ tắt ngấm. Đến nỗi ông ấy phải tránh không dám nhìn nó đấy.
Tôi từng có một người bạn trai. Chúng tôi cùng là con nhà nghèo, bằng tuổi nhau, cùng học một lớp, ngồi chung một bàn và đi về chung chiếc xe phượng hoàng đen cũ. Mỗi ngày đi học qua ga xép, chúng tôi ngắm nhìn những con tàu ghé vào sân ga trong chốc lát, hành khách bước xuống mua vài thứ quà vặt, có khi chẳng mua gì, đơn giản chỉ để vươn vai và hít thở bầu không khí còn trong trẻo từ cánh đồng làng đưa lại. Trước đây, vào mùa hạ, thanh niên làng tôi thường kéo nhau ra đường ray ngồi chơi hóng mát. Khi có tín hiệu tàu về, họ dạt xuống sát mép ruộng, thích thú nhìn con tàu lao qua sầm sập. Biết bao con tàu đã đi qua làng, biết bao thanh niên làng cũng từ ga xép mà tỏa đi khắp mọi miền đất nước.
Suốt mấy năm trời tôi không thể nào quên buổi chiều mùa đông chăn trâu trên cánh đồng làng vi vu gió. Khi con tàu rầm rập lao về phía ga xép. Hùng, bạn tôi mải đuổi theo con sáo nhỏ cậu ấy nuôi, đã bị cuốn vào đoàn tàu và mãi mãi tuổi mười hai, không bao giờ lớn nữa.
Tôi đã mơ thấy Hùng trở lại thăm tôi vào đúng đêm sau buổi chiều Thiên bước xuống sân ga. Vẫn giọng nói của Hùng, vẫn niềm vui sôi nổi của tuổi mười hai, nhưng vóc dáng và gương mặt Hùng lại là Thiên, Hùng bảo đang học mỹ thuật. Hôm nào đó sẽ vẽ tặng tôi bức tranh về cây bàng lá đỏ...
Tôi xao động nhiều ngày với ý nghĩ ngớ ngẩn rằng. Liệu có thể linh hồn Hùng đã mượn hình hài của Thiên và trở về trong buổi chiều đó hay không? Liệu có thể nào chàng trai xa lạ kia là hiện thân của người bạn tôi đã mất?
Cho đến khi tôi nhận được thư của Thiên.
Tôi viết thư kể cho Thiên nghe về Hùng và cái chết đau buồn tuổi mười hai của cậu ấy. Tôi kể về khoảnh khắc kinh hoàng vô tận khi người bạn thân nhất của mình như một cánh chim lỡ nhịp bay và gió cuốn đi không thể nào cưỡng lại... nhưng không kể về giấc mơ đó.
Thiên viết thư cho tôi đều đặn. Phần lớn những bức thư chỉ kể về những việc cậu ấy làm, những gì cậu ấy nghĩ, những nơi cậu ấy đi và cả về một người con gái cậu ấy nhớ. Những bức thư, những kể lể đó hệt như một trang nhật ký bỏ ngỏ.
Tôi đã nhớ mong đến tê dại lòng mình những bức thư của Thiên...
Thiên gửi cho tôi cuốn “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của Pauxtopxki”. Khi Pauxtopxki kể về những con tàu chở ông đi qua những miền đất lạ của nước Nga xa xôi, phong cảnh qua ô cửa toa tàu đẹp đến nỗi tim Thiên thắt lại. Thiên tưởng như mình là Pauxtopxki, có thể nhào qua ô cửa đó và ôm lấy những làng mạc, những cánh đồng, những dòng sông như ôm một người tình lâu ngày xa cách. Tôi đã đọc đến mỏi mòn những con chữ đó, rồi không hiểu vì sao một hoài niệm xa xôi, một khát vọng mơ hồ, mênh mang nào đó cứ luẩn quẩn trong lòng. Tôi day dứt, muốn bứt chạy khỏi ga xép, khỏi miền ký ức u buồn về người bạn thân đã mất. Và tôi cứ ngẩn ngơ nhìn những đoàn tàu dừng lại trong chốc lát, nghĩ những ô cửa kia đang mở ra những khung trời thăm thẳm xa xôi. Tôi hy vọng khuôn mặt sáng ngời của Thiên ló qua ô cửa và vẫy gọi.
Tôi không có nhiều chuyện để kể cho Thiên ngoài nỗi buồn thông thường của một cô gái trẻ với công việc đơn điệu ở một ga xép tỉnh lẻ. Cô ấy đã từng không còn ngưỡng mộ những con tàu đi từ sau cái chết của người bạn trẻ. Nhưng một hôm nào đó, những khát vọng về chuyến đi từ xưa trong cô trỗi dậy, và cô vội che đậy nó đi như đó là tội lỗi.
Tôi đành kể cho Thiên nghe về cây bàng. Về người lính trẻ làng tôi đã trồng nó trước khi lên tàu đi chiến đấu. Người lính đó đã trở về làng sau chiến tranh, lập gia đình và hạnh phúc. Cây bàng của anh vẫn đứng đó như chứng nhân của những chia ly và đoàn tụ. Lẽ ra tôi có thể bịa đặt rằng người lính ấy đã hy sinh. Như thế tàn nhẫn quá. Để làm gì, có thể đưa Thiên về vẽ cây bàng lá đỏ hay không?
Tôi đi về qua khoảng giữa cánh đồng, nơi trước đây Hùng tử nạn, nghĩ về một kiếp người mong manh trong bao la vũ trụ, nghĩ đến cây bàng trong sân ga, nghĩ đến cây đèn không chao của Pauxtopxki. và nghĩ nhiều đến một câu hát cũ: “Cho những con tàu đi mang bao yêu thương xuôi về bến đợi...”.
Tôi vẫn nhận được thư Thiên kể về những nơi mà cảnh đẹp khiến trái tim cậu ấy thắt lại... Tôi vẫn mơ về Hùng với vóc dáng và khuôn mặt Thiên.
Năm đó, cây bàng đỏ rực lá suốt một thời gian dài hơn thường lệ. Mỗi cơn gió nhẹ dù chỉ đủ lay một phiến lá cũng làm lòng tôi se thắt. Tôi phập phồng lo sợ nó sẽ khiến cây bàng trút toàn bộ những phiến lá đỏ tuyệt đẹp trước khi con tàu đưa Thiên trở lại.
...Những con tàu lần lượt dừng ở sân ga...
Khi con tàu cuối chiều rời đi, cây bàng lập tức rùng mình trút lá.
Lá ào ào rụng như những hạt mưa khổng lồ đỏ ối.
Thiên không trở lại.
Vào mùa xuân, sau kỳ nghỉ Tết, tôi nhận được một món quà. Đó là một bức lụa mầu vẽ cây bàng đỏ rực bên những ô cửa toa tàu. Những ô cửa toa tàu mở ra những khoảng trời xa xôi.
Và Thiên ở đó.
Phạm Thanh Thuý 

Tiếng chổi khuya,
Đêm đêm tiếng chổi khua vang,
Biết bao nhiêu chiếc lá bàng gom đi....
Tuổi thơ nào có biết gì,
Ngỡ bàng không rụng lá vì thần tiên !
NM

Cây bàng không rụng lá

Phố tôi tên thật không phải là phố "Cây Bàng". Nhưng bọn trẻ con chúng tôi lại cứ thích đặt tên phố theo nhận xét của mình. Chẳng hiểu những đứa khác đã nghĩ thế nào; riêng tôi, tôi gọi thế là bởi phố tôi có một cây bàng.
Ai đã trồng cây bàng ấy, tôi không rõ. Chỉ biết rằng bây giờ cây đã to lắm rồi. Đến mùa quả chín, một mùi thơm ngòn ngọt lờ lợ tỏa ra, lên mãi tận gác ba, gác tư.
Nhưng cây bàng này thật chẳng có gì là đặc biệt. Vỏ nó xù xì, lá nó hung hung và dày như cái bánh đa nướng. Tán bàng xòa ra giống mấy cái ô nối tiếp nhau ba, bốn tầng. Cây bàng hiền lành như một người ít nói. Dưới gốc, người ta hay dựa xe đạp và có khi đứng tránh mưa nhỏ. Tôi cũng không để ý đến cây bàng lắm. Chắc là tại nó mọc ở mặt hè, còn tôi, tôi ở mãi trên gác. Song, đến một ngày nọ (là ngày bao nhiêu, tôi quên mất rồi) khi tôi đã biết suy nghĩ, tôi mới nhận ra được một điều rất lạ: "Cây bàng này không rụng lá".
Thế thì tài thật. Đã có lần, tôi đứng chờ ở dưới gốc khá lâu mà chẳng thấy có cái lá nào rụng xuống cả. Tôi nhớ rằng, cách đây ít lâu, cây bàng trụi thùi lụi, cành đâm dọc đâm ngang, có bói cả ngày cũng không ra một cái lá nào. Vậy thì bấy nhiêu lá đã biến đi đâu?
Lạ xiết bao khi một lần tôi thoáng trông thấy một chiếc lá bàng vừa rời cành, chao xuống gốc. Tôi vội vàng chạy hết bốn mươi tư bậc thang xuống đến nơi, thì chẳng thấy chiếc lá nào trên mặt đường hết cả...
Sực nhớ tới câu chuyện "Quả táo vàng" mà tôi đã đọc trong sách, tôi ngờ rằng có lẽ phải dùng gậy vàng, giả bạc để chọc và hứng mới lấy được cái lá bàng ấy chăng? Hẳn khi lìa cành, lúc chạm phải mặt đất là chiếc lá biến ngay đi?
Tuy rất ham đọc truyện cổ tích, nhưng tôi chưa có thể tin ngay rằng chiếc lá bàng kia đã chui vào trong lòng đất.
Vậy thì cái lá ấy nó có rụng không?
Tôi đem chuyện đó hỏi bố tôi. Bố tôi là một thầy giáo, hẳn bố tôi biết rõ hơn tôi nhiều điều.
Nghe tôi kể xong, bố tôi hơi nhíu đôi lông mày, từ từ đứng dậy.
- Nào, con ra đây.
Hai bố con tôi cùng đứng ngoài hành lang, nhìn xuống đường phố. Cây bàng như ngủ yên dưới bầu trời thoang thoảng ánh trăng non...
- Lúc này là tám giờ, con ạ...
Tôi không hiểu bố tôi nói "tám giờ" để làm cái gì. Chỉ biết rằng, độ vài chục phút nữa là tôi đi ngủ. Hôm nay có thể vì câu chuyện cây bàng này mà tôi sẽ thức lâu hơn.
Bố tôi nói tiếp:
- Con có thể thức đến mười rưỡi được không?
- Được ạ.
Tôi chưa kịp nghĩ gì thêm thì bố tôi lại chậc lưỡi:
- Thôi, con cứ ngủ đi rồi bố gọi.
Thấy vậy, tôi càng lạ về chuyện tại sao bố tôi đã bảo tôi thức, rồi lại bảo tôi ngủ. Tôi định bụng cứ thức để chờ. Nhưng rồi, tôi buồn ngủ và định là... ngủ tạm thôi. Trong nhà, lúc này chỉ còn có một mình bố tôi ngồi chấm bài. Tôi đoán mãi không ra những điều bí mật gì đây mà bố tôi chưa cho tôi biết...
Thế rồi, tôi ngủ thật.
Tôi đã ngủ như thế nào, chỉ có hai hàng mi của tôi rõ mà thôi. Lúc bố gọi tôi dậy, thì trời vừa mưa xong. Mưa mùa hè, thường là hay đột ngột vậy.
Bố tôi bảo tôi mặc quần dài vào rồi đi xuống gác.
Trời đã khuya khuya, quãng gần mười một giờ rồi thì phải.
Xuống tới mặt đường, tôi đứng sững lại. Trước mặt tôi, những chiếc lá bàng nằm la liệt trên đường phố như những cái quạt mo lung linh ánh điện. Thật là lạ, lá rơi nhiều thế này mà đến sáng mai, tuyệt không còn một cái! Xa xa... đâu tận cuối phố, tôi nghe thấy tiếng chổi tre khua loạt soạt. Từ nãy, bố tôi chỉ đứng yên. Tôi ngước nhìn, dò hỏi. Bố tôi nói khẽ:
- Con có nghe thấy gì không?
- Có ạ. Tiếng chổi tre.
- Đó, những chiếc lá sẽ đi theo cái chổi tre ấy đấy...
Cùng lúc, tôi nhìn thấy hai bác công nhân mặc áo khoác xanh, miệng đeo khẩu trang trắng, đang vừa đi vừa quét đường phố và cúi nhặt những chiếc lá rơi bỏ vào thùng rác có bánh xe...
Tôi vụt hiểu tất cả: vì sao cây bàng không rụng lá.
°
Sớm hôm sau, tôi đi học. Khi qua những cây bàng, tôi thấy đường phố vẫn sạch trơn.
Khác với mọi lần, buổi nay tới lớp, tôi bước chầm chậm để nhìn được kỹ những cây bàng. Cây bàng có rụng lá. Những cái lá ấy không chui vào trong lòng đất mà được các bác công nhân của thành phố quét sạch, mang đi. Thế ra, khi tôi ngủ rồi, vẫn có người làm việc. Nếu không, nếu không có người làm việc trong đêm, quét những cái lá rụng ấy đi, thì thành phố sẽ ngập lá bàng...
Từ trên cây, một chiếc lá nhẹ nhàng chao xuống. Chiếc lá vừa chạm đất, tôi vội nhặt ngay lên bỏ vào thùng rác. Tôi vụt nhớ ra cái lần tôi chạy hết bốn mươi tư bậc thang để đuổi theo chiếc lá mà không thấy.
Cầm chiếc lá trong tay, tôi hiểu rằng tôi không phải là đứa trẻ đầu tiên đã nhặt lá rơi cho sạch sẽ đường phố. Và, chắc chắn rằng, tôi cũng không phải là đứa cuối cùng.
Tôi không có chổi tre để quét đường phố. Nhưng tôi rất sẵn sàng làm công việc đó để quét hết những chiếc lá rơi cho thành phố của tôi đẹp đẽ. Và, còn để cho những đứa trẻ nào đấy, cũng bằng tuổi tôi, ngỡ rằng cây bàng không rụng lá... 
Phong Thu
   
Đổi dời,
Đâu rồi cảnh cũ ngày xưa,
Và đâu tình cũ ngây thơ hôm nào...
Ngày mưa lá rụng lao xao,
Bàng rơi sắc đỏ xiết bao u buồn !
Xoay vần sự thế sầu tuôn,
Thôi lau nước mắt xem thường gian nan...
Thu qua rồi đến Đông tàn,
Nhớ chi Xuân ấy riêng mang nỗi sầu !! 
NM

                  Cây bàng tuổi thơ
Chị được thừa hưởng từ mẹ mái tóc dài óng ả, nụ cười hiền hậu và những vần thơ xinh xinh cùng cả cái mác sinh viên khoa văn trường Tổng hợp. Thơ của chị không gửi đăng báo, chỉ viết cho bạn bè và người thân. Mỗi lần đọc xong những vần thơ dịu dàng ấy không biết nên buồn hay nên vui, thì cũng nắng, cũng mây, cũng gió… có lẽ là thứ cảm giác nhẹ nhàng kiểu như ta đang đứng ở sụ giao thoa giữa những cung bậc nhạt nhòa. Bởi vậy vui lên một chút cũng được hay buồn đi một tẹo cũng chẳng sao.
    Em không biết làm thơ. Với em thơ chỉ là trò chơi cút bắt của những ngôn từ đỏng đảnh mà em thì chưa bao giờ tập cho bản thân thói kiên nhẫn. Bù lại thỉnh thoảng truyện ngắn của em cũng được xuất hiện trên báo này báo nọ, đủ để lũ bạn có cớ bắt em mở hầu bao cho những khoản chi bất ngờ không được tính đến trong dự toán ngân sách. Theo truyền thống gia đình em cũng học tổng hợp nhưng lại ngành luật. Ước mơ được trở thành một vị thẩm phán đã đeo đuổi tuổi thơ của em.
    Gia đình chỉ có bốn người nhưng khoảng thời gian duy nhất để cả nhà sum họp đầy đủ chỉ dồn lại vào bữa cơm tối. Thì thời buổi kinh tế thị trường làm trong giờ, làm ngoài giờ, học trường chính, học trường phụ, thế mới mong đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Bố thông báo “Tối nay họp gia đình”. Em cười “Chính phủ vừa ra nghị quyết mới hả bố?”. Mẹ nhăn mặt “im nghe bố mày nói”. “Sang năm mẹ về hưu. Thôi cống hiến thế cũng đủ rồi. Tháng sau bố sẽ gọi thợ đến chặt cây bàng đi làm thêm gian ngoài cho mẹ mày bán hàng, chạy ra chạy vào có việc cũng đỡ buồn”. Chị thảng thốt “Chặt cây bàng hả bố?”. Lặng lẽ em đứng lên bước ra ngoài sân. Trăng đầu tháng chênh vênh như con thuyền độc mộc giữa biển sao lung linh. Tán lá bàng xanh mướt âu yếm xòa xuống. Em úp mặt, vòng tay quanh thân cây xót xa nghe những ngày thơ ấu vọng về.
    Ngôi nhà của em nằm trên con đường ngoại ô nghiêng nghiêng hàng xà cừ xao xác lá. Cả phố chỉ có duy nhất một cây bàng trước cửa nhà em. Cây bàng ấy bằng tuổi chị. Bố kể ngày chị đầy tháng bố đã xin nó về, hì hụi mất cả buổi chiều để trồng và dựng xung quanh hàng rào tre kiên cố. Cây hàng lớn lên là niềm kiêu hãnh của em. Nó đã gắn bó với tuổi thơ của chị và em, đã đi qua những nỗi buồn và chia sẻ những niềm vui con trẻ. Cũng dưới gốc bàng này em xúng xính trong chiếc áo lấy trộm của mẹ, đầu choàng khăn bóng bay của chị, loay hoay ôm chiếc chổi quét nhà giả làm hoa cô dâu trước ngực. Thằng Hà nhặt những bông hoa vàng dịu li ti rắc lên tóc em. Nó ghé vào tai em thì thầm giọng nghiêm trang “Thi này, khi lớn lên - thật đấy – tao sẽ cưới mày làm vợ”. Ngày ấy em mới năm tuổi. Hai năm sau gia đình Hà chuyển nhà. Nơi ở mới nghe đâu xa xôi lắm. Em không được làm nhân vật chính trong trò chơi cô dâu – chú rể nữa. Chị đùa “Thi bị mất chú rể rồi”. Nhưng trong em cây bàng vẫn mãi là nhân chứng cho lời tỏ tình thiêng liêng ấy.
    Giọng bố vang lên “Vào nhà đi con”. Em cắn môi “Không để cây bàng lại được hả bố?” “Thời đại kim tiền mà, mình không thể là ngoại lệ đứng ngoài guồng quay được. Rồi sẽ quen thôi”.
    Mẹ xin ở đâu về được một con mèo. Nó có bộ lông vàng mượt và chỉ nhỏ bằng hai nắm tay. Chị vui vẻ “may mà có con mèo. Dạo này nhà mình nhiều chuột quá”. Em nhìn con mèo run rẩy chui tít vào gầm giường đầy thất vọng “Kiểu này không khéo chuột nhà mình ra “chít” một cái mèo ngã lăn đùng. Sốc quá. Nhồi máu cơ tim luôn”. Mẹ gắt “Ăn nói hay nhỉ”. Em cười “nhà mình ấy hả, phải mua mèo rôbốt mới được”. Và dù không vồ được chú chuột nhắt nào, suốt ngày chỉ nằm dài phơi nắng nhưng chú miu vẫn giành được sự quan tâm, thương yêu của mọi người, dù sao nó cũng là thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Bố bảo “Có nó cũng vui cửa vui nhà”. Mẹ gọi nó bằng “meo”, cái tên cúng cơm của họ nhà mèo. Chị nhất quyết kêu bằng “miu”, nghe thế mới dễ thương. Em kiếm được quả chuông nhỏ đeo vào cổ, mỗi khi nó chạy kêu leng reng khắp nhà và đặt tên cho nó là “Em lười”. Chị cười “Chẳng biết mèo lười hay Thi lười”. Em giận dỗi “Được rồi từ mai em sẽ chăm sóc cho nó” nhưng chỉ được vài ngày. Em Lười có vẻ quấn quít chị hơn. Em hay quên cho nó ăn, chỉ tại cái thời gian biểu của em không bao giờ chính xác. Mà mẹ vẫn bảo em là người thất thường đấy thôi.
    Em cầm cuốn sách làm văn trên tay giọng đều đều “hôm nay học bài nghị luận”. Học trò giở sách loạt xoạt, không thèm che đậy cái ngáp dài. “Em buồn ngủ à?”. “Thưa cô không ạ”. Em ngao ngán lấy hơi đọc một tràng “Nghị luận là…”. Học trò thò lấy tay di di lên mặt bàn. “Có hiểu cô vừa đọc gì không?”. Học trò gật đầu ngoan ngoãn “Thưa cô có ạ”. Em đặt sách xuống bàn thầm ngạc nhiên “Thế mà mình lại không hiểu mình đang đọc cái gì…”
    Nghỉ giải lao. Học trò có vẻ tỉnh táo hơn “Cô có thích học văn không?”. “Có chứ. Còn em?” “Em ghét cái môn này lắm, chẳng giúp được gì. Tại bố mẹ em cứ bắt học… mà cô học văn giỏi thế sao không học văn mà lại học luật?”. Không chờ em trả lời, học trò đã hí hững “À, em biết rồi. Học luật kiếm được nhiều tiền hơn phải không cô?”.
    Cho học trò nghỉ sớm 15 phút, em lấy xe đạp vòng quanh qua các dãy phố. Hà Nội của em thay đổi với tốc độ tên lửa. Đâu đâu cũng nhà cao tầng gắn những tấm kính đen xì. Báo chí ra sức kêu gọi tuyên truyền bảo tồn văn hóa dân tộc. Cơ chế thị trường mà. Vậy thì em còn tiếc cái cây bàng không sinh ra lợi nhuận ấy làm gì?
    Em đạp xe về nhà, lo sợ vẩn vơ đến một ngày nào đó bọn trẻ con sẽ hỏi “Hà Nội mùa thu, cây bàng lá đỏ là gì hả cô?”.
    Ngoài sân chất ngất gạch cát, xi măng ngổn ngang. Bố bận rộn trông coi đám thợ thỉnh thoảng lại than thở “Đấy không có con trai khổ thế đấy, làm việc nặng nhọc không có ai đỡ đần cho”. Em bước vào nhà. Mẹ bận bịu bên đống nồi niêu xoong chảo. “Mẹ, cây bàng của con…”. Mẹ xua tay “Cho hết rồi. Cái cây đấy vô tích sự. Gỗ chỉ chẻ ra làm củi đun thôi”. Em đứng lặng. “Lên gác xem chị mày hôm nay làm sao ấy - mẹ hạ giọng – hình như buổi sáng nhận được thư. Chắc là của thằng Trung”.
    Chị đứng ngoài ban công. Em Lười cuộn tròn ngủ ngon lành trên gối. Em đứng sau lưng chị, bàng hoàng nhận ra khoảng trống cây bàng để lại. Cả một khoảng không gian như chới với Chị quay lại. Mắt đỏ hoe. Em dè dặt “Chị vừa nhận được thư bên Sydnây gửi về?”. Chị ngồi xuống giường ôm chú miu vào lòng, giọng mệt mỏi “Thi, chị muốn ngủ một chút”.
    Buổi tối, bố cẩn thận lấy tiền ra đếm rồi đút vào phong bì. “Bố đi họp về?” “Họp hành gì, chuẩn bị đi cống nạp thì có”. Mẹ lạch xạch xếp bát đĩa vào mâm “Lúc nãy có mấy anh bên giao thông công chính lại cả phường nữa…”. “Mình có giấy phép cơi nới nhà cửa rồi mà”. “Muốn gây khó dễ cho mình thì thiếu gì lý do”. Em hùng hổ “Bố không phải đi đâu cả. Việc mình làm đúng pháp luật. Nếu cần con viết đơn khiếu nại ngay”. Bố cười “Luật nào cũng không bằng luật phong bì. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại người ta đình chỉ thi công công trình lại chẳng hóa hỏng bỏng không à? Thôi con cứ học đi, vào đời sẽ thấy muôn hình vạn trạng chẳng sách vở nào dạy đâu”.
    Em hậm hực bỏ ra ngoài sân. Lần đầu tiên cảm thấy mình bất lực… hụt hẫng. Trước kia mỗi lần bực bội em thường ngồi dưới gốc cây bàng, tựa đầu vào vỏ cây xù xì, nâu đen của thời gian.
    Ngày mẹ khai trường cho cửa hàng kinh doanh thập cẩm đủ thứ từ sách vở đến đường sữa, mì ăn liền thì cũng là ngày em xin nghỉ dạy ở trung tâm gia sư. Không phải vì em không còn tìm thấy tình yêu trong văn học, cũng không phải vì chưa bao giờ phụ huynh học trò thực sự tôn trọng em như cô giáo mà chỉ vì em phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc gia đình. Chị tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp nay quay sang ngoại ngữ, tin học. Hơn nữa cái gian hàng thập cẩm của mẹ lúc nào cũng cần nhân công. Nhưng dù sao em cũng không quen được với hình ảnh mẹ đon đả mời khách, bận rộn tính toán sau cái ngăn kéo đựng tiền treo lủng lẳng ổ khóa Việt Tiệp xinh xinh. Ngày trước, tủ của bố mẹ không bao giờ phải dùng đến khóa. Bố an ủi “Bán hàng đủ mọi loại khách mẹ phải cẩn thận chứ”. Mặc dù đã luôn tự nhắc nhở phải thích nghi với hoàn cảnh nhưng em vẫn không khỏi chạnh lòng khi bữa cơm tối vắng người này, người kia (thì chưyện hàng họ, tiền nong có bao giờ chừa giờ cơm để không đến đâu). Lâu rồi, chị không viết được vần thơ nào. Ở nhà thỉnh thoảng lại “What is wrong?” “Pardon? Not at all” làm em muốn điên đầu. Lâu rồi, mẹ không còn theo dõi “sự nghiệp văn chương” của em trên báo chí, không góp ý cho em điều này điều kia.
    Em ngỡ ngàng nhìn chị. Mái tóc đen dài óng ả nhường chỗ cho kiểu đầu Nhật tém ngang tai đang thịnh hành. Chị kéo em lên phòng thì thào “Hôm nay là ngày cưới của anh Trung đấy” “Cái gì?”. Chị cười, bình thản lôi ra một đống thư từ ngả màu, dúi vào tay em lá thư cuối cùng cách đây đã sáu tháng. Trang giấy hoen ố, đôi chỗ bị nhòe (nước mắt của chị?) chỉ vỏn vẹn một dòng “Đừng chờ anh nữa”. Em sững sờ “Đơn giản thế thôi ư? Ba năm yêu thương, bốn năm đằng đẵng thư từ, xa xôi cách trở là vậy chỉ thế là xong à?”. “Tuần trước mẹ anh Trung đến. Bác bảo Trung lấy một cô tóc vàng, mắt xanh và định cư ở bên ấy luôn… Thôi em giúp chị đem tập thư này đốt đi. Đầu tháng chị sẽ bắt đầu đi làm. Tất nhiên chỉ là nhân viên trực văn phòng chi nhánh của công ty giày dép thể thao của Đức”. Em thẫn thờ “Còn cái bằng cử nhân văn chương của chị?” rồi lại buông xuôi. Biết đâu như thế lại tốt hơn. Chị sẽ không còn thời gian để buồn phiền.
    Một tuần. Em Lười không về nhà ăn cơm. Em cuống cuồng. Mẹ gắt “Người không xong còn đâu thời gian lo cho mèo”. Bố góp ý “Nếu cái Thi thích thì mua con khác. Chắc là nó bị bắt bán cho quán tiểu hổ rồi”. Chị cười “Em Lười của Thi đi theo tiếng gọi của tình yêu thì có. Mà Thi cũng chọn cho mình một người trong đám trai đi không khéo thành bà cô đấy”. Em vênh mặt định nói “Chọn mẫu người như anh Trung hay như anh trưởng phòng bây giờ của chị?” Nhưng rồi lại thôi. Nào có ích gì đâu, chỉ đau lòng thêm.
    Em đứng trên ban công khóc òa – cho cả cây bàng tuổi thơ, cả những vần thơ của chị và cả em Lười, con mèo đã từng một thời được coi là thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Bố đặt tay lên vai em “Cuộc sống mà con”. Em lau khô nước mắt. Em không có thói quen khóc trước mặt người thứ hai. “Mình không thể đứng ngoài guồng quay của xã hội đúng không bố?”.
    Tổng kết rút kinh nghiệm hóa ra em lại là người khó thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh. Có lẽ em sẽ không viết truyện ngắn nữa. Ngân sách sẽ không bị mất cân đối bởi những khoản chi bất ngờ và chép miệng giống hệt bố. “Thời đại kim tiền mà rồi sẽ quen thôi”.
 Lê Xuân Hoa