Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Nhạc - Thơ -Văn Chuồn chuồn ơi

Buồn Như Con Chuồn Chuồn ...

Tơ Tằm

Lý Chuồn Chuồn

Chuồn chuồn bay thấp (nghe)

 

Chuồn chuồn ơi,
Lung linh đôi cánh mỏng,
Chập chờn giữa luống hoa.
Tuổi xanh thơ mộng quá...
Thương ngày thơ đã xa !

Vẫn ung dung tự tại,
Ngày lại ngày bay bay...
Nhớ sao thời xưa ấy,
Thuở chuồn chuồn trong tay

Xa rồi một thuở chiêm bao,
Tìm trong ký ức đâu nào tuổi thơ ?
Bao năm luôn vẫn mong chờ,
Ngắm đôi cánh mỏng lượn lờ bay cao...
Với niềm kiêu hãnh tự hào,
Vượt qua bao nỗi gian lao trong đời!
Chuồn chuồn ơi, tuổi thơ tôi,
Mắt sao ngấn lệ khi về lối xưa !!
NM

Bắt chuồn chuồn

Với tôi, ký ức đáng nhớ nhất, đẹp nhất của tuổi thơ chắc là cùng đám bạn trong xóm đi săn bắt chuồn chuồn. Dân gian có câu: “Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng cu Tí thò tay bắt chuồn”. Mà ở quê tôi, từng có cách bắt chuồn chuồn chắc là “độc nhất vô nhị”.
Rút mấy cây đai khô dựng bên hông nhà hay được mẹ bó gọn trong nhà bếp làm củi nhóm lò. Rồi ra gốc dừa tuốt cọng dừa gập hai đầu nhét vào lỗ nhỏ trên đầu cây đai. Vậy là thành ra hình cái vợt rỗng. Việc tiếp theo là tìm các ổ nhện to trong các lùm cây ngoài vườn, quấn tơ nhện ấy vào đầy mặt cái vợt. Quấn càng dày càng tốt để độ dính nhiều hơn.
Dùng cái vợt với cán đai dài thòng lại thêm dày tơ nhện lén đưa lại úp lên cánh chuồn chuồn là dính ngay tức khắc. Chuồn chuồn khó thoát với tơ nhện dày và dính dấp như thế. Cách săn vô cùng hiệu quả. Hơn hẳn cách “truyền thống” thường làm là lại gần chộp đuôi, chộp cánh. Bởi những con chuồn chuồn đẹp thường rất nhát hơi người hoặc là khôn ngoan hơn. Dù thấy rõ ràng nằm khép cánh nghỉ lâu nhưng vừa đưa tay đến là đã bay mất. Khiến tiếc hùi hụi! Thêm tức bởi nó lại đậu ở một nơi khác thật gần đó như kiểu chọc tức, trêu ngươi người bắt.
Với trẻ em ở quê thời đó vui nhất là săn bắt chuồn chuồn vào mùa gió bấc và mùa hè. Chúng tôi thi đua xem ai bắt được nhiều hơn, bắt được con đẹp nhất (là chuồn chuồn ớt). Chuồn chuồn lính, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn gió… bắt được nhét vào trong túi áo gió kéo dây kéo lại. Bỏ chuồn chuồn khỏe vào hai lòng bàn tay chụm lại, áp tai vào nghe cánh chuồn kêu tạch tạch, vù vù nghe rất vui tai. Có đứa thì dùng sợi chỉ buộc cổ hay chân thả chuồn chuồn bay lên… Trò chơi ngày xưa đơn giản là vậy. Trẻ con ngây thơ không hiểu gì nên cũng đã gây ra luôn… vô số tội.
Ngày tháng tuổi thơ trôi qua thật nhanh.
Những đứa bạn ngày xưa từng cùng tôi săn bắt chuồn chuồn qua bao mùa gió bấc, bao mùa hè giờ có đứa con gái đã lấy chồng xứ người, có đứa đi xuất khẩu lao động đổi được đời, đôi ba đứa lên thành phố làm việc cuối năm quày quả về quê…
Người vẫn ở lại quê thì có dịp cảm nhận rõ ràng từng thay đổi đi qua trên quê hương mình. Mùa gió bấc giờ đây không giống như xưa nữa. Cái lạnh lẽo đáng mong chờ mỗi năm một lần đã nhạt nhòa dần vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mùa hè trẻ ở quê cũng cật lực học thêm, ít thời gian vui chơi, giải trí, không có nhiều dịp gần gũi với thiên nhiên.
Còn con chuồn chuồn sao thấy vẫn thế! Chuồn chuồn nhỏ bé cất cao đôi cánh bay lượn trên bầu trời xanh, trông ung dung tự tại. Thật ngưỡng mộ! Nhưng thật ra chuồn chuồn vốn sinh ra chính trên vùng sông nước đấy thôi! Là “cư dân” có gốc gác sông nước. Các ấu trùng tồn tại mạnh mẽ đâu đó trên con sông, mương hay đầm… là nơi sóng vỗ mạnh hay êm đềm. Chẳng phải cũng là thử thách trong đời chúng buộc phải vượt qua? Là phải cố gắng vượt qua để rồi một ngày thêm thấy tự hào, kiêu hãnh khi đã cất đôi cánh bay trên bầu trời cao rộng. Ôi chao! Chỉ là cuộc đời loài chuồn chuồn nhỏ nhoi mà bỗng thấy gợi lên trong lòng bao ý nghĩa. Khi đời chúng và chúng tôi cũng là sinh ra, lớn lên, mọi sinh hoạt hằng ngày gắn liền với cánh đồng, con mương, con sông, bến nước quê hương mình, trên mảnh đất Chín Rồng!…
Trẻ thời nay có nhiều trò chơi hấp dẫn hơn là việc chạy nhảy ngoài đồng, ngoài sông. Tưởng là tâm tính, thú vui sẽ khác biệt nhiều lắm nhưng không phải vậy. Tôi đã lầm to. Bởi là đứa trẻ, đứa nào chẳng vô cùng thích thú khi thấy một cánh chuồn chuồn bay ngang tầm mắt.
Vì sao trẻ con luôn thích bắt chúng? Vì chuồn chuồn đẹp? Bởi chuồn chuồn có cánh để bay. Hay bởi chuồn chuồn là biểu trưng cho ước mơ được bay cao, bay xa của mọi đứa trẻ, khiến chúng tò mò. Trông hình dáng chuồn chuồn giống chiếc máy bay quá đi chớ! Nhìn kỹ mặt lại giống luôn người phi công với cặp kính to bằng thủy tinh. Ở vùng quê xa lắc, thi thoảng nghe tiếng máy bay ngang qua bầu trời tụi con nít nào cũng ba chân bốn cẳng, thậm chí bỏ cả bữa cơm đang ăn dở dang chạy ra sân. Mắt ngó tìm trên bầu trời. Báo hại mắt đỏ chạch, nước mắt chảy ròng ròng vì chóa, vì ngó quá lâu. Nhưng nếu không thấy bóng dáng chiếc máy bay càng tiếc hơn ngàn lần ấy chớ…
Chúng đang í ới gọi nhau chạy rượt đuổi theo con vật xinh đẹp như cái cảnh quen thuộc từng có đâu đó trong ký ức của mỗi người dân quê đồng bằng. Rồi dưới bến sông, trong sân vườn, có anh chàng, cô nàng nhỏ tuổi nào đó, mới mấy tuổi đầu thôi! Không biết ai dạy hay học từ đâu lại “đía” một cách vô cùng dễ thương. Là các cô cậu nhà ta đã biết đóng kịch, mắt giả đò ngó lơ mà chân vẫn rón rén, chầm chậm, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, kiễng chân nhích tới từng chút một chờ dịp nhanh tay chộp lấy cánh chuồn chuồn cho mình…
Nguyễn Minh
(Chợ Mới – An Giang) 

 
  Mãi tìm
Người đi xa mãi không về,
Chắp đôi cánh mỏng bay tìm chốn xưa...
NM
Con chuồn chuồn - Câu chuyện tâm linh

Trong đời sống hằng ngày, luôn có nhiều chuyện lạ không ai giải thích được. Người tin thì giải thích theo hướng tâm linh. Người không tin thì giải thích theo lý trí, dựa theo khoa học.. Nhưng dù thế nào thì đã mấy ai vén được bức màn huyễn hoăc, để nhìn rõ sự việc như 1+1 =2.
Hôm đám tang anh Hai, không phải tự nhiên mà các chị sợ, dồn cả lại một phòng ngủ. Cũng có một vài chuyện lạ tạo nên tình trạng xôn xao này... tuy chỉ là chuyện nhỏ.
Hôm mới đến nhà Anh Hai, do chị hai còn bận việc chưa về nhà, mọi người vào bếp tự lo chuyện ăn uống. Ngồi ăn, ai cũng cảm nhận cơm hôm nay sao lạ quá, vừa nhão, vừa sượng, chỗ chín, chỗ sống rất khó ăn, nhưng rồi cũng ráng cho xong bữa. Lát sau chị Hai về, cũng bới cơm ăn. Vừa ăn một miếng chị nói liền: "cơm sao kỳ vậy, mới nấu hồi sáng, tôi có sới đàng hoàng mới đi. Hồi giờ nấu nồi cơm điện có bao giờ bị gì .. kỳ vậy đâu? cơm làm như chảy rữa ra!"
Lúc này một chị mới lên tiếng: "Em cũng thấy vậy". Bất chợt, một chị khác nói nhỏ: hay là người âm về ăn? người ta nói cơm mà ngươi âm về ăn sẽ bị chảy rữa ra?.
Vậy là tự nhiên ai cũng thấy rờn rợn.  Đến chiều con nhỏ cháu, con gái Anh Hai, kể thêm một câu chuyện nữa thì tối đó các chị dồn chung vào hết một phòng.
Cháu kể, "chiều hôm Papá vừa  mất ở bệnh viện, con thẫn thờ về nhà, vừa ngồi vô bàn làm việc thì nghe có tiếng gì vo ve, vù vù bên tai, con cũng không để ý. Cho tới khi thấy một con chuồn chuồn lớn cứ bay tới bay lui, xà vào bám cả vào mặt, vào tóc, vào tay con.
Con lấy tay hất đuổi nó đi, mà nó vẫn cứ lẩn quẩn. Đến lúc con vào phòng tắm rửa mặt nó cũng bay theo, mà tiếng đập cánh của nó rất lớn, cứ rì rì đập vào tai làm con khó chịu. Con đuổi nó ra ngoài và nói với Chồng: "anh ơi, có con gì lớn lắm bay vào nhà mình, mở cửa đuổi nó ra dùm em đi anh". Thế là cùng nhau dồn đuổi nó ra sân sau, đóng cửa lại.


Vào nhà rồi, lát sau lúc ngồi vào ghế sa lông, nhìn ra khung cửa sổ, chợt thấy con chuồn chuồn lúc nãy đang bám vào thành cửa sổ như nhìn về hướng về con đang ngồi. Con bỏ vào phòng nằm nghỉ mệt .. đang lơ mơ chợt một ý nghĩ lóe lên: Papá tuổi con rồng, con này tiếng Mỹ là Dragonfly. Lúc còn sống Papá rất thích màu xanh da trời, con này cũng màu xanh da trờì.. Mà sao nó có trong nhà mình? mà sao nó cứ theo mình? bám vào mặt vào tay mình?... Nghĩ tới đây chợt con ngồi bật dậy, vừa chạy ra ngoài, vừa la lớn:  "PaPá, phải PaPá không?."
Lúc này con chuồn chuồn vẫn còn đậu ngoài sân, một cảnh tượng lạ mắt: con chó nhỏ của các cháu đang nguồi xổm ở sân sau, trước mặt là con chuồn chuồn, hai bên yên lặng nhìn nhau không một tiếng động. Con chạy ra, vừa khóc vừa xúc động kêu lên: Phải PaPá của con không?.
Con chuồn chuồn vẫn đậu một chỗ yên lặng như lắng nghe. Con nói với chuồn chuồn: PaPá à, nếu là PaPá thì Papá đi đi, bây giờ PaPá được tự do rồi, không còn đau đớn, không còn ra vô bệnh viện nữa. Tụi con và Má sẽ không sao, PaPá đừng lo. Thôi PaPá đi đi, đi theo cuộc sống mới của PaPá đi, đừng lưu luyến tụi con nữa.. Papá hãy tự do tung cánh  nghen Papá . Con thương Papá lắm..
Ông chồng con người Mỹ, Ổng đâu tin mấy chuyện này, ổng tưởng con đau buồn quá mà quẩn trí, nên ổng dẫn con vào nhà.
Ngồi trong nhà nhìn ra, con chuồn chuồn vẫn còn đó, con lấy điện thoại ra chụp mấy cái hình, lát sau nó mới bay lại cửa sổ, nhìn con một lúc lâu nữa, rồi bỗng dưng có lúc con vô ý, quay lại thì không thấy nữa.. 
Con bé cháu này sinh trưởng thành đạt ở Mỹ, nhưng còn giữ được nhiều tư tưởng Á đông. Lúc sinh thời hai cha con rất thương yêu, gần gũi. Có thể gì vậy mà tâm linh tương ứng chăng?
Sau đám tang Anh Hai, quả thật mình thấy đời người như thoáng chốc. Lúc sống cuộc đời luôn có nhiều việc bất như ý, nhưng mấy ai rời khỏi trần gian, mà không vướng bận những nỗi niềm thương yêu còn để lại.
Hôm qua hai vợ chồng mình mới mua xong hai phần hậu sự. Có chút ngạc nhiên vì làm sao mình có thể bình thản khi bàn về đám tang của chính mình như vậy?. Đặt bút ký giấy tờ, trả tiền... lo trước chuyện hậu sự để khi nằm xuống người ở lại không phải "tang gia bối rối" .. mình thấy lòng dửng dưng như không.
 Tuy nhiên vẫn có chút thắc mắc.. chết rồi mình sẽ về đâu? thế giới bên kia như thế nào?. Có ai biết không, làm ơn nói cho mình biết với!

 Quinhon11
Chuồn chuồn ướt mưa
Tôi thoát khỏi giấc mộng mị khi cơn mưa vẫn còn rỉ rả. Những gã đầu gấu vỉa hè, vài mụ hàng quán, mấy đứa trẻ lang thang,... Những thứ ấy bám riết lấy tôi đã nhiều năm nay, và giờ thì tôi cũng chẳng còn sợ chúng nữa.
***
Chị tôi vẫn còn đang ngủ. Chị tôi đẹp, đẹp cả trong giấc ngủ. Với những thứ mà cuộc đời này ban tặng thì tôi dám chắc chị chẳng xấu chỗ nào. Một sống mũi cao với chân mày lá liễu, đôi mắt nhỏ và bộ mi cong, làn da trắng, hồng hào. Bao lần chị đi bán, vài lão già ghé xe ngang, tán tỉnh, chị tôi bỏ chạy. "Ông nội đó thấy gớm, râu ria xề xòa, mắt như mắt ác quỷ. Nghĩ sao mà đòi cưa tao, mày. Lần này tao chạy, chớ lần sau tao vụt đôi dép kẹp vô mặt ổng, há há", chị tôi bảo thế sau một lần bị một lão "hỏi thăm", và tôi thì chẳng biết làm gì ngoài ngồi cười hì hì trước cái giọng điệu của bà chị.
Tôi cười vậy thôi chứ tôi sợ lắm. Những lão như thế giàu lắm, mà nhà tôi thì lại nghèo, chị tôi chống trả họ được mấy lần khi cái thạp gạo có ngày trống không.
Căn nhà hỗn độn, mặt đất nằm dưới tầng nước cao tới mắt cá. Nhà không ghế, cũng không bàn, chỉ một chiếc giường, nhưng nó cũng bị mọt xơi gần hết hai cái chân. Tấm tôn lợp tạm nằm chơi vơi nửa ngoài nửa trong, mưa tạt vào nhà. Ướt, lạnh!
Tôi bước ra cửa, vươn vai vài cái. Tiếng mưa ngớt dần, tạnh hẳn. Chị tôi thức, tôi huơ tay lấy cọc vé số với cái nón. Chúng tôi ra khỏi nhà. Nước ngập dọc con hẻm. Quen rồi, mùa mưa ở đây là vậy.
Nhà nào được cái thềm cao thì khô ráo, còn nhà nào như nhà bọn tôi thì cứ lội nước như vậy suốt mùa.
Tôi đi về phía trường học. Phố sau mưa ướt át, ảm đạm. Thuốc lá, tiếng chửi léo xéo, tiếng đấm nhau thình thịt... Tôi không nghĩ đây là chỗ mà con người có thể sống. Nhưng người ta vẫn sống đấy thôi, dù nó có bần cùng lúc nào thì con người ta cũng phải thích nghi hết. Một định luật gì ấy mà tôi từng nghe mấy đứa học trò bảo nhau.
Tôi đến trường học, tôi tìm vài người có tình một tí, chắc họ sẽ thấy một đứa trẻ tội nghiệp và mua vài tờ vé số
Trường học không chỉ có đại gia mà còn có cả những gã hung hăng. Họ không côn đồ như bọn đầu gấu bảo kê đầu phố. Họ thương con họ. Nhưng con người khác thì vui lòng xéo ngay
Con người khác thì họ đối xử thế, chứ còn tôi, tôi còn tệ hơn "con người khác". Một cái nón rộng vành rách chỏm, quần áo bẩn thỉu, tôi không biết là nó có bốc mùi hay không nữa. Và như thế, tôi chẳng may mắn bán được tờ vé số nào trước cổng trường
Nhưng tôi vẫn ngồi đấy, ngồi ngắm bọn học sinh. Áo trắng, quần tay, đầu tóc gọn gàng, mặt mũi sạch sẽ, thơm tho. Tụi nó nói chuyện cũng rất đàng hoàng, ít nhất là đàng hoàng hơn tụi thằng Chai, thằng Lon chuyên đi mua ve chai. Tôi ngắm tụi nó, rồi thấy buồn buồn, tủi tủi
Nhưng buồn tủi kiểu nào cũng phải đi kiếm tiền. Tôi bước vòng vòng phố. Nằng rớt dọc con đường, gió thở dài qua các phiến lá. Tôi gặp chị ở ngã tư đầu phố. 
Chúng tôi trở về nhà khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Những gì tôi gặp hôm nay cũng chẳng có gì nhiều. Tụi thằng Chai phun bừa vài câu tục tĩu, ông bảo kê đầu phố nện cho tôi hai cái, mấy bà bán khô đốt phong long khi tôi đi ngang. Thường
Cũng chẳng có gì phải để ý lắm. Tôi tự bảo sẽ chẳng để ý nữa, vết thương cũng chẳng đau, tôi chẳng cần xức dầu hay thuốc gì cả. Còn bà chị tôi thì cứ quýnh lên. "Đau chỗ nào, làm gì cho ổng đánh, hả?". Rồi chị tôi ôm tôi mà khóc, khóc thét lên, thét inh ỏi. 
Vài "con người" ở trong những ngôi nhà cao nền chạy sang, tống vào tai chúng tôi mấy câu chửi vã, rồi chống nạnh quay về, miệng không ngớt nham nhảm. Mấy con mụ ấy là ma là quỷ!
Chị tôi không khóc nữa, nhưng ánh mắt chị có cái gì đó thâm độc lắm, còn độc hơn cả những "con người ở trong những ngôi nhà cao". Tôi sợ, chị tôi chưa vậy bao giờ. Tôi bắt đầu nhớ tới những gã mà chị nói ghê rợn, với cái mặt đểu cán và những thứ khác. Tối đó, tôi không ngủ được.
** *
Chị tôi chưa về, trời nhập nhoạng tối, thường thì chúng tôi sẽ gặp nhau ở đầu hẻm, nhưng hôm nay chị tôi mất bóng. Mưa đánh lên tôn những tiếng ào ào nghe chói tai. Tôi nhớ đến câu nói của chị tối qua, rồi nhớ đến những thứ kinh tởm khác. Thạp gạo trong nhà đã hết...
Chị tôi về trễ, đôi mắt đỏ, sưng húp, chị khoác cái áo mới, mùi nước hoa tôi hay ngửi thấy khi đi ngang một quý bà nào đó, tay cầm bọc tôm còn đang búng phành phạch. Chị tôi cười, nhưng trong cái cười đó tôi nghe chị khóc, khóc ở một nơi nào đó rất xa và bây giờ tiếng khóc ấy vọng về. Chị không nói, tôi cũng hiểu. Những gì chị làm hôm nay, nước mắt chị rơi, quần áo, nước hoa và cả bọc tôm... Tôi không khóc, tôi chưa từng khóc và hình như cũng không biết cách khóc.
Con tôm tôi từng nghe những bà hàng tôm nói là ngon, nhưng thực tình thì nó chẳng ngon tí nào cả, khó nuốt, và tôi nghe cả vị cùa nước mắt trong đó.
*** 
Sáng sớm, trời tạnh mưa. Tôi chuẩn bị đồ đạc. Từ ngày đó tới nay, hôm nào trời cũng mưa đêm. Ông trời cũng thương chị tôi đấy hả, ông cũng khóc chung với chị tôi đấy! 
Hai tên côn đồ xông vào nhà tôi, một tên lôi tôi ra ngoài, tên kia nói với chị tôi cái gì đó trong nhà. Bọn họ bỏ đi, tôi chạy vào nhà. Chị tôi cười, "Không có gì, người ta bắt ghen, lộn nhà chứ gì đâu mà mày sợ". Và tôi lại linh cảm chẳng lành...
Người ta ùn ùn kéo nhau ra đường. Trời tối. Ánh đèn đường hắc xuống cái màu vàng ảm đạm. Chị tôi chưa về, thạp gạo còn đầy, nhưng bị dột nước, gạo ướt, hẩm hiu. Tôi chẳng lạ gì cảnh này nữa, chị tôi thường về trễ, chị không nói, nhưng tôi biết hết, tôi định cản chị, nhưng hình như muộn rồi!
Người ta nói chị tôi nằm trên vỉa hè công viên, và tôi đã thấy. Máu, tôi thấy máu, và gương mặt trắng bệnh. Tôi không nghe chị thở, và tôi cũng không khóc. Tôi biết tất cả, tôi nhớ hai tên hôm trước, tôi nhớ những lão già của chị, vợ của những lão ta... Và tôi hiểu hết.
***
Tôi lang thang khắp phố, ngõ này đến ngõ khác, người ta gọi tôi, tôi cũng chẳng để ý. Người ta bảo tôi khùng, những gã đầu gấu không đánh tôi nữa, chúng sợ đánh tôi nhiều quá nên tôi khùng, những mụ hàng nước cũng chẳng kiếm chuyện với tôi. Tôi lang thang như thế, nhiều ngày...
Bọn thằng Chai vẫn chửi tôi, tôi chẳng đoái hoài tới. Có hôm, một mình thằng Lon đụng tới chị tôi, tôi lôi cả tông ti dòng họ nó ra mà chửi, tôi chửi như điên, như khùng, như không bao giờ được chửi tới cái mặt nó nữa. Nó mếu máo, chạy đi đâu mất. Và tôi lại lang thang...
Trăng bị mây che mất, trời đen, chắc sắp có mưa. Chị em chúng tôi, ướt nhiều rồi. Ướt như những con chuồn chuồn. Rồi không bay được, rớt xuống đường. Nằm đó, người ta đi qua, người ta mặc, người ta giẫm đạp lên.
Tôi bị đánh ngã về phía trước, rồi kiên tiếp đó là nhưng tiếng lon, tiếng chai, tiếng đấm, tiếng đá đập vào người tôi. Tụi thằng Lon, tôi chắc chắc. 
- Chúng mày đánh đi, đánh chết nếu chúng mày muốn. Sống ở cái xã hội này, sống chung với chúng mày, sớm muộn gì tao cũng chết, chết sớm cho đỡ khổ. Rồi tháng bảy nhớ cúng cho tao, không tao về tao lôi chúng mày xuống dưới. 
Chúng nó tưởng tôi đùa, chúng nó đánh mỗi lúc một mạnh. Hình như mệt quá, chúng mới kéo nhau đi.
Tôi nghe mùi máu, và máu dính khắp người tôi. Bể đầu, mẻ trán, gãy tay, chuyện thường thôi. Mưa, những giọt nước đập vào mặt tôi, tôi thấy đau, và tôi khóc. Lần đầu tiên tôi biết mình khóc. Tôi nhớ chị. Tôi mệt mỏi, tôi đói, và tôi lạnh. Tôi muốn ngủ, tôi từng ngủ dưới mưa kiểu này nhiều rồi, có sao đâu, vẫn rất tốt đấy thôi! Tôi thiếp dần trong cơn nấc. Tôi gặp chị tôi, và tôi thấy cả những ngôi sao rất sáng, rất to. 
Những con chuồn chuồn ướt cánh. Giờ chúng đã cùng nhau bay đi, một nơi nào đó, có thể là rất xa. Nhưng chắc chắc nơi đó sẽ ấm áp, sẽ hạnh phúc, và bọn chúng sẽ không bao giờ bị ướt nữa
 ST Nguyễn Trọng 
 
Trái tim biết khóc 
Là trái tim không bao giờ đau khổ...
Cả một đời thương nhớ thật vu vơ,
Chỉ khóc thương thương khóc đến dại khờ.
Luôn rung động trước mảnh đời bất hạnh...!
NM
Đám ma con chuồn chuồn
Thân chuyển các bạn.
Tác giả truyện ngắn này cũng là người Huế , cùng lứa tuổi tụi mình ,tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế , bây chừ là nhà giáo hưu trí.
Truyện này trích từ “Nguyệt San Việt Văn Mới” tháng 8-2014.
MN.
 
Tuổi thơ của tôi gắn liền với khu vườn rợp bóng cây xanh trong khu nội thành Huế. 
Vào những năm 1960, do đất rộng, dân cư còn thưa thớt nên hầu hết các hộ gia đình ở Thành nội Huế đều có những mảnh vườn rộng bao quanh, với đủ loại cây trái theo mùa. 
Ngày ấy, lũ chúng tôi chỉ vừa tuổi học vỡ lòng. Ngày ngày đi học, đến cuối tuần lũ trẻ cả xóm họp lại rong chơi thỏa thích. Việc phải đi học thêm vào ngày nghỉ không hề thấy trong thời ấy mà mọi kiến thức phổ thông thầy cô truyền dạy ở trường vẫn còn in đậm trong ký ức đến hôm nay. Nơi những khu vườn yên ắng ấy đã diễn ra đủ trò chơi của trẻ con. Chơi bán hàng, ù mọi, ô làng, trốn tìm, tập trận giả …mỗi trò chơi có mỗi thú vị và sức lôi cuốn riêng. 
Có hôm, sau khi chơi chán chê trò ù mọi với lũ cu Tũn, cu Tèo, Bê chị, Bê em…tôi bỏ chúng, chạy theo một con chuồn chuồn đang bay lượn trên vườn Hồng ở sân trước. Vào lúc chú chuồn vừa đậu xuống cành hoa, tôi rón rén đến, giơ hai ngón tay túm được. Đây là chú chuồn chuồn ngô, có đôi cánh trong suốt, không cuống. Cặp cánh trước hẹp hơn cặp cánh sau. Đôi mắt kép lớn sát nhau, thân bụng dài, bay nhanh. 
Do bị túm bất ngờ, Chuồn chuồn phản kháng vung vẫy nhưng tôi đã cố giữ, miệng reo lên như vừa tìm được kho báu. Thế là lũ trẻ ào lại quanh tôi. Mỗi đứa xin tôi cầm chuồn chuồn một tí. Chúng tôi khép đôi cánh chuồn chuồn lại rồi dùng hai ngón cái và trỏ túm chặt.Bị giữ chặt cánh, chuốn chuồn cố vung vẫy các chân và cong người lại, có khi do sơ ý chúng tôi bị nó cắn vào tay đau như bị kim châm. Nhưng quả thật thích. Hôm ấy tôi được lũ nhóc sùng bái như vị anh hùng. Cu Tũn tin vào câu hát dân gian: 
Chuồn chuồn cắn rốn 
Bốn ngày biết bơi 
nên vén áo cho chú chuồn cắn vào rốn để những mong biết bơi vì nghe đâu bố cu cậu dẫn ra sông Hương tập bơi mấy bận mà chưa nên trò trống gì. Chúng tôi giương mắt đứng nhìn phút giây kỳ bí ấy. Chắc là đau lắm dù nó đang cố kìm không khóc. 
Mãi chơi với chú chuồn quên cả thời gian. Trời đã nhá nhem tối. Chẳng lẽ cứ cầm mãi chú chuồn chuồn trên tay nên chúng tôi đã bàn nhau tìm cách nuôi chú chuồn. Nó sẽ là của chung cả nhóm nhưng do tôi có công trạng bắt được chú chuồn nên đêm đầu tiên được sở hữu nó. Tôi kéo lũ nhóc về giường ngủ của mình, buông màn xuống, thả con chuồn chuồn vào trong. Cả lũ leo lên giường tiếp tục trò chơi vờn chú chuồn trong màn. Bê em đề nghị cho chuồn uống nước. Một cốc nước lọc được bê vào giường. Tôi túm cánh, chao đầu chuồn vào ly nước. Bê chị lại chạy vào nhà bếp bốc nhúm cơm, nhét một hạt cơm vào miệng. Chú chuồn chỉ vung vẩy chứ chẳng buồn ăn. Đêm ấy chuồn ngủ cùng tôi. Do chạy nhảy suốt ngày mệt nhừ nên tôi ngủ thiếp nhanh. Nửa đêm tôi mơ màng nghe tiếng chuồn chao cánh bay trong màn.
Sáng ngày thức giấc, tôi nhớ ngay đến chú chuồn. Nhìn quanh trong màn không thấy chú đâu. Mãi một lúc tôi mới tìm thấy xác chú cứng đờ rớt ở góc giường. Tôi òa khóc, lao nhanh qua hàng xóm báo hung tin cho lũ bạn. 
Cả bầy nhóc đứa nào cũng buồn ủ rủ. Bê em đặt xác chuồn trong lòng bàn tay, mắt rớm rớm, miệng mếu máo: “Chắc vì tụi tao để chuồn đói bụng và khát nước nên chuồn chết phải không?” 
Tôi tự trách mình đã vô tình làm chết oan chú chuồn nên ra gốc Mít ngồi khóc hu hu sám hối. 
Cu Tũn lớn nhất bầy đưa ra ý kiến: 
    Thôi không khóc chi nữa. Lo làm đám ma cho chuồn thôi.” 
Ý kiến qủa thật hay. Chúng tôi nhanh tay thực hiện. Cu Tèo chạy về nhà kiếm hộp diêm bằng gỗ thông làm quan tài đặt xác con chuồn chuồn vào, lót thêm lớp giấy pơ luya cắt cọng rơm cho chuồn nằm êm ái. Cu Tũn được phân làm trưởng nam, lấy nhành hoa Ti gôn quấn ngang đầu thay mũ rơm, lấy cán chổi tre làm gậy chống đi thụt lùi phía trước. Tôi làm mụ mấn, lấy chiếc mù xoa xếp chéo buộc trên đầu đi phía sau quan tài. Bê chị nấu cơm trong lon gạo bê theo. Bê em chạy về bếp xin quả trứng luộc. Chỉ một lúc, đám ma con chuồn chuồn trịnh trọng diễn ra trong vườn nhà tôi. Bên gốc cây Vú sữa ở cuối vườn chúng tôi đào một lỗ nhỏ đủ đặt hộp diêm vào rồi vun đất thành nấm mộ nhỏ. Bên trên cắm cây hương thơm, thêm mấy đóa hoa dại trong vườn đặt trên mộ. Cỗ bàn cúng đám có lon cơm, quả trứng, trái ổi chín thơm vừa hái trên cành. Có cả mụ mấn là tôi thỉnh thoảng ré khóc hu hu vì tội làm chết chuồn chuồn…Đang lúc đám ma diễn ra thì mẹ xuất hiện. Tôi sợ mẹ đánh đòn nên lí nhí xin lỗi nhưng mẹ đã dịu dàng bảo: 
Không sao. Các con thương chú chuồn làm đám ma là tốt. Ngày xưa còn bé mẹ cũng đã từng làm đám ma con dế, con giun… vì đã vô tình làm nó chết”
*** 
Lũ chúng tôi đã có trái tim như thế trong thời con trẻ. Biết khóc thương những sinh vật bé bỏng quanh mình. 
Còn giờ đây? 
Những khu vườn năm xưa dậy vang tiếng con trẻ chơi đùa bị xóa sổ bởi những cao ốc mọc lên như nấm. Nhà nhà giờ chỉ còn khối bê tông với bốn bức tường lạnh lùng. Trong ấy, lũ con trẻ lắm đứa suốt ngày vùi đầu chơi những trò game đầy bạo lực…Và đêm đêm lên mạng lại đọc thấy đầy rẫy chuyện thương tâm: Những đứa con đành tâm giết cha mẹ; những đứa cháu máu lạnh giết ông bà chỉ vì không vòi được tiền ăn nhậu, cờ bạc; có thanh niên phóng tay đâm chết người tình rồi chặt ra nhiều khúc phi tang; hoặc nhiều thanh niên sát thủ hàng loạt người vô tội để cướp vàng…Tôi chạnh lòng nhớ đám ma con chuồn chuồn năm xưa. 
Nguyện cầu tất cả con trẻ trong cuộc sống này đều có trái tim biết khóc!
HOÀNG THỊ NHƯ HUY